Tuổi Thơ Dữ Dội
Chương 15: Phần thứ sáu
1
Rảnh tay được một chút với tụi băng Lép-sẹo, Lượm nghĩ ngay đến việc tìm xem Chỉ huy trưởng mặt trận khu C hiện đang bị giam ở xà lim số mấy, để có
thể giúp đỡ ông.
Mất hai ngày mày mò điều tra, Lượm và các bạn trong
đội mới phát hiện ra ông đã bị bọn chúng chuyển lúc ban đêm, sang dãy
ca-sô âm phủ, giam ở ca-sô số sáu.
Mỗi ca-sô, gần sát mắt có một
khuôn cửa rộng chừng sáu tấc vuông, cắm chấn song sắt to bằng chét tay.
Những người tù bị giam trong ca-sô cứ chiều chiều lại trèo lên, thả qua
khuôn cửa sổ đó ra bên ngoài cái ống bơ có buộc dây như kiểu thả gầu
xuống giếng. Họ thả xuống như vậy để chờ những người tù bên ngoài đi làm cỏ-vê về thương tình rót cho họ một ít nước trong, hoặc cho một mẩu
bánh, một chút thức ăn. Nhưng mười ống bơ thòng xuống cũng chỉ vài ba
ống bơ kéo lên có nước, có bánh hoặc thức ăn. Tất cả tù đều trong tình
trạng đói khát ghê gớm, nên bớt ra được chút nước, chút bánh để cho là
chuyện hãn hữu.
Vì khuôn cửa chiều ngang quá hẹp nên người bên trong
không thấy được người ở bên ngoài cho gì vào ống bơ. Thấy ống bơ nặng
nặng là họ kéo lên.
Lâu nay, bọn con nít trong băng Lép-sẹo vẫn bày
trò tinh nghịch: Chúng bỏ gạch vỡ, đất, cát vào ống bơ để đánh lừa những người trong ca-sô. Tệ hơn, chúng còn đánh xoáy nước, bánh trong các ống bơ trước khi họ kịp kéo lên.
Nghe thằng Lanh kể chuyện, Lượm nổi
điên. Đứng giữa sân lao, Lượm nói to với các bạn, cho cả mấy đứa trong
băng Lép-sẹo đang đứng gần đó nghe tiếng:
– Đồ chó! Từ giờ trở đi, hễ các cậu thấy bất kể thằng mô làm như rứa là xông vô đập chết luôn. Đập chết! Nghe chưa?
Tụi băng Lép-sẹo bảo nhau: “Mấy người bị giam trong nớ toàn Việt Minh hạng
nặng. Việt Minh, Vê-cu-đê với du kích là họ bênh nhau gớm lắm. Tụi mình
xớ rớ chọc vô, tụi hắn sẽ xúm lại đập chết thiệt, chớ không phải tụi hắn nói doạ mô“. Một thằng bướng bỉnh, gân cổ nói: “Tau cứ chơi! Coi tụi
hắn có làm chi được c… tau không?“. Và chiều đó thằng này đã lén bỏ một
vốc cát vào ống bơ, nhưng các bạn của Lượm không nhìn thấy. Thằng này
đắc chí vênh váo kể lại với “đại ca” Lép-sẹo để khoe gan. Hắn tưởng “đại ca” sẽ cười tán thưởng và khuyến khích hắn: “Cứ làm tới nữa đi“. Không
ngờ Lép-sẹo quay mặt, dộng luôn cho hắn một đạp ngã sấp và chửi:
– Đồ ngu!
Trước thái độ giận dữ bất ngờ của Lép-sẹo, bọn đàn em đều sửng sốt. Chúng
nhận rằng đại ca chưa lần nào tham dự vào cái trò tinh nghịch của chúng, nhưng đại ca nổi khùng nhiếc chúng là đồ ngu như lần này là lần đầu.
Một ý nghĩ ngờ vực thoáng qua óc chúng: “Hay đại ca cũng bắt đầu sợ
thằng móc cứt đó?”
Bốn dãy ca-sô chỉ có ba bốn khuôn cửa sổ là không
có ống bơ thòng xuống. Trong số này có khuôn cửa ca-sô số sáu, nơi giam
Chỉ huy trưởng.
Lượm biết rằng Chỉ huy trưởng mới vào tù, ông kiếm
đâu ra được ống bơ với dây. Và điều quan trọng hơn là nó không bao giờ
tưởng tượng nổi một người như Chỉ huy trưởng lại thả ống bơ xin nước,
xin bánh, như những người bình thường khác. Ông là phải mang súng săn
voi của Bảo Đại, đi lừng lững trong chiến hào với đôi ủng lấm bùn và
giương súng bắn xe bọc thép của giặc. Đó là hình ảnh độc nhất về Chỉ huy trưởng mãi mãi gắn chặt vào trí tưởng tượng của nó. Nếu biết ông cũng
hành động như những người bình thường khác, chắc nó sẽ vô cùng đau khổ.
Đó là nỗi đau khổ lớn lao của những tâm hồn ngây thơ, cuồng nhiệt khi
thấy thần tượng bị sụp đổ.
Nhưng với kinh nghiệm tù đầy mới học được, Lượm biết lúc này ông đang phải nằm trần trụi trên nền xi măng lở láy,
hôi hám, đang đói run người và khát cháy cổ. “Ôi chao, Chỉ huy trưởng
làm răng mà nuốt nổi vắt cơm tù vừa sống vừa nhão với mấy cục muối mỏ
mặn chát!” Nó nghĩ vậy mà ứa nước mắt.
Nó đào óc nghĩ cách tìm ra nước trong, bánh mì để chuyển vào cho ông. Nước trong thì có thể kiếm được, nhưng bánh đào đâu ra?
Thằng Lanh thông thạo đủ mọi chuyện trong tù, nói với Lượm:
– Các anh tù đi làm ở Sở Anh-tăng-dăng, họ thường ăn cắp được những ổ
bánh mì rất to. Họ cắt ra bán cho những người có tiền. Nhưng anh em mình làm chi có tiền.
Thúi reo lên:
– Tui có tiền đây! Tiền bán kẹo dạo nọ vẫn còn y nguyên mà, anh Lượm.
Nó lộn cổ áo, lôi ra mấy tờ bạc cuộn tròn đưa cho Lượm.
– Một lát bánh kha khá mà ngon ước độ mấy đồng?
– Hai đồng chứ mấy.
Lượm đếm tiền đưa cho Lanh hai đồng, nói: “Mi nói các anh bán rẻ vô nghe“. Rồi đưa trả số tiền còn lại cho Thúi:
– Mi cất đi, lỡ khi có việc cần.
Lượm và các bạn chia nhau đi kiếm dây, ống bơ, xin nước trong ở các toán tù đi làm cỏ-vê về.
Việc chuyển nước và bánh vào ca-sô qua khuôn cửa tò vò không khó lắm. Bốn
đứa đứng chụm lại, tay bá vai nhau kết thành bệ, công kênh Lượm đứng lên vai. Lượm với hai tay níu chấn song sắt, đu người lên. Răng nó cắn đầu
sợi dây điện thoại, một đầu dây có buộc ống bơ đầy nước và miếng bánh
Lanh vừa mua được. Nó áp mặt và giữa hai chấn song nhìn vào bên trong.
Bên trong ca-sô tối mò, xông lên mùi hôi ngột ngạt.
Lượm nói:
– Chỉ huy trưởng! Chỉ huy trưởng!
– Ai gọi gì đấy? – Từ bên dưới vọng lên tiếng hỏi, giọng khàn khàn, yếu
ớt, nhưng nó vẫn nhận ra đúng giọng Chỉ huy trưởng. Ôi, làm sao nó có
thể không nhận ra cái giọng nghiêm trầm, đã nói với Đội những lời thống
thiết về nghĩa vụ lớn lao của người chiến sĩ, về chiến đấu cho sự sống
còn của Tổ Quốc, trên sân chùa Từ Đàm mới ngày nào…
Lượm gần như chét đầu vào giữa hai chấn song sắt nhưng không sao có thể nhìn thấy Chỉ huy trưởng đang nằm hoặc ngồi, ở bên dưới.
– Dạ, em là Lượm ở Đội Thiếu niên trinh sát. Em chiến đấu ở mặt trận khu
C. Em bị bắt sau trận Hộ Thành. Ở đây có nhiều bạn cùng tuổi em là liên
lạc của du kích, bộ đội địa phương. Chúng em họp lại thành đội để bênh
vực, giúp đỡ nhau.
– Các em làm như thế là rất tốt! – Tiếng Chỉ huy trưởng vọng lên.
– Chúng em kiếm được ít nước trong và bánh gửi vô anh… – Giọng Lượm nghẹn lại. Nó khẽ khàng thận trọng kéo ống bơ và lát bánh mà Thúi ở bên dưới
bưng hai tay đưa cao quá đầu, lên đến sát khuôn cửa. Nó đút hai thứ qua
chấn song rồi thòng xuống cho đến lúc nghe tiếng đáy lon nước chạm khẽ
nền xi măng.
Trong lúc đó, Lép-sẹo và bọn đàn em hắn đứng ở góc sân
đằng kia, chăm chăm nhìn lại. Lép-sẹo áo phanh ngực, điếu thuốc ngậm
lệch bên mép, mắt nheo nheo nhìn Lượm đu người như con vượn vào chấn
song. Hắn gầm gừ:
– Tụi ni liều mạng thật! Tụi hắn coi Một Điếu với các cha lính canh bằng nửa con mắt!
Thằng đàn em có ve mắt thì thầm với Lép-sẹo:
– Để tui chạy ra mách mấy ông lính gác, các ông vô nện tụi hắn một trận
báng súng cho bõ ghét nghe? Tụi hắn đang dồn dồn nhau rứa, chạy không
kịp mô!
Thằng này co giò định chạy ra cổng, Lép-sẹo bất thần túm chặt cổ áo thằng này lôi giật lại. Hắn nhổ phắt cái tàn thuốc đang ngậm,
vung tay tát thằng này một tát tai ngã dúi xuống đất, rồi chửi:
– Đồ ngu!
Lượm nghe tiếng huýt gió của Ngạnh làm nhiệm vụ cảnh giới, báo tin tụi lính gác sắp sửa đi vào. Nó hổn hển hỏi gấp:
– Chỉ huy trưởng có biết bạn Vệ liên lạc hiện nay ở đâu không?
– Em Vệ cùng bị bắt với tôi. Có lẽ chúng đưa em về giam ở lao Toà Khâm.
Lượm muốn hỏi thêm có phải ông bị bắt vì có đứa phản bội chỉ điểm không?
Nhưng xa xa tiếng huýt gió của Ngạnh càng vang to, thúc bách hơn. Nó vội vàng nhảy đứng xuống vai các bạn, tụt nhanh xuống đất.
Khi Mệ-Lai-tàn-tật cùng với hai tên lính tay dùi cui, tay súng đi vào đến sân lao thì Lượm và các bạn đang chơi trò nhảy cừu.
Trưa hôm sau, Lượm và các bạn trong đội lại sửa soạn nước trong và bánh mì
để tiếp tế cho Chỉ huy trưởng. Nhưng khi nó trèo bám lên khuôn cửa, gọi
to nhiều lần, nó mới biết xà lim trống không.
Lượm và các bạn không ngờ lon nước và lát bánh hôm qua là bữa ăn cuối cùng của Chỉ huy trưởng mặt trận khu C Phùng Đông.
Mười hai giờ đêm hôm qua, bọn mật thám Pháp đã bí mật đến xích tay ông cùng
với năm người tù khác bỏ lên xe bịt bùng, chở thẳng vào Đà Nẵng.
Không dụ hàng khuất phục nổi, chúng đã hèn hạ bắn ông và năm người tù đó trên bãi biển bán đảo Sơn Trà, rồi ném xác xuống biển.
2
Việc Chỉ huy trưởng bị đưa đi mất tích trong đêm và tin Vệ-to-đầu bị bắt
cùng với Chỉ huy trưởng, có thể hiện nay đang bị giam ở lao Toà Khâm,
làm Lượm bàng hoàng, choáng váng. Hai đêm liền nó nằm mơ thấy ông… Nó
thấy mình cùng với cả Đội đang tập hợp trước sân chùa Từ Đàm. Chỉ huy
trưởng xuống ngựa bước nhanh lên các bậc Tam quan, với đôi ủng lấm bùn
đất chiến hào. Khẩu súng săn voi đeo bên vai. Cái mũ cối Tiếp Phòng Quân màu cỏ úa, quai mũ ôm vòng hai bên má và cái cằm râu mới cạo xanh biếc. Cặp mắt sâu và rất sáng, nghiêm nghị lướt nhìn cả Đội, như ông đang cân nhắc, ước lượng sức vóc và lòng can đảm của mỗi đội viên để giao nhiệm
vụ…
Lượm choàng tỉnh thấy hai má mình ướt đầm nước mắt.
”… Rất có
thể không phải một tháng, hai tháng mà phải mất nhiều tháng nhiều năm
nữa, chúng ta mới đánh đuổi được hết bọn cướp nước bán nước giải phóng
được Tổ Quốc, giải phóng thành phố thân yêu của chúng ta… Nếu thế hệ
chúng tôi chưa làm xong được sứ mệnh lớn lao này, thì thế hệ các em phải nối tiếp xốc tới, hoàn thành cho bằng được…“.
Lời khuyên dặn hôm nào của ông trước giờ ra trận lúc này lại vang vọng trong trí nhớ Lượm, với một ý nghĩa mới mẻ khác thường; giúp nó bình tâm trở lại nâng đỡ nó
trong cuộc chiến đấu không đồng đội, không người hướng dẫn, chỉ huy.
Nó giục giã thôi thúc Lượm gắng gỏi làm tốt những việc mà chính nó tự đề ra.
Việc quan trọng nhất là hàng ngày nó cùng với các bạn trong đội, kiếm nước
trong đổ vào các ống bơ của các anh bị giam trong hai dãy “ca-sô âm phủ” thòng xuống. Xe nước vừa về là bọn trẻ đã có mặt quanh hố nước để giành múc nước trong nhưng vì tranh giành quá hỗn loạn nên dù nước múc được
trước cũng đục ngầu, khăng khẳng mùi bùn, mùi rác. Dù chính hàng ngày
đều phải uống thứ nước đó, có khi còn đục bẩn hơn, nhưng phải rót cho
các anh, Lượm và các bạn đều thấy khổ tâm.
Muốn kiếm được nước trong, nhất thiết phải đi làm cỏ-vê. Lượm bàn với các bạn, chọn ra bốn đứa
cùng với Lượm nữa là năm, sức vóc hơn cả, tìm cách chen bừa vào các toán tù đang sắp hàng trên sân lao, đợi xe các công sở đến chở đi. Nhưng lần nào Lượm và các bạn cũng bị gạt lại. Các công sở không chịu nhận tù con nít đi làm cỏ-vê.
Một buổi sáng tù đi làm cỏ-vê đã vãn hết, trong
sân lao chỉ còn lại tù con nít, mấy người già yếu, vài anh tù mới vào
hôm qua, chưa có công sở nào lấy đi làm.
Không có việc gì, tù con
nít, người già yếu kéo ra đứng chen chúc sau khuôn cửa sắt đóng chặt của lớp tường trong, nhìn ra cổng chính. Trên nóc cổng chính có cây cột cờ
ngắn, ngã chếch ra đường.
Buổi sáng, một tiểu đội lính ngục do Viên
đội hoặc tên cai điều khiển, súng vác vai, hô ắc ê đi qua hai cánh cổng
chính mở rộng tập họp thành hàng ngang trên đường, làm lễ kéo cờ. Những
người tù không được đi làm cỏ-vê, thường đứng chực ở đây chờ bọn lính mở cổng ra kéo cờ, sẽ nhìn khúc đường phố lác đác có người qua lại, dù chỉ mươi phút. Bọn tù con nít bị giam giữ lâu ngày giữa hai lớp tường cao
vòi vọi nhìn ra đường phố với ánh mắt háo hức, thèm khát trông thật tội
nghiệp!
Sáng nào có Một Điếu đứng trong sân nhìn ra Viên đội, tên cai điều khiến lính làm lễ kéo cờ rất hùng dũng, oai vệ. Tiếng hô“Gác-đờ-bu pờ-rê-dăng-tê! Ứ!” nghe rất dõng dạc, đứng tận sân lao bên
trong cũng nghe tiếng. Nhưng sáng nào vắng mặt Một Điếu, bọn lính ngục
đều làm quấy quá cho xong chuyện. Chúng kéo ra chỉ bốn năm đứa như đi
dạo mát, súng vác ngả nghiêng. Chúng kéo phăng cờ lên, không hô hiếc gì
hết, rồi đi sang bên kia lề đường hút thuốc, ăn quà. Sáng hôm đó,
Mệ-Lai-tàn-tật điều khiển việc kéo cờ. Mệ-Lai-tàn-tật giao cho một tên
kéo cờ, còn hắn và những tên kia xúm lại quanh mấy gánh hàng quà, bánh
canh, xôi bắp, bún bò… nói cười toe toét.
Lá cờ tam tài vừa kéo lên
lưng chừng cột, anh tù điên đứng sát bên Lượm, hai tay nắm chấn song sắt cửa lay lay, rồi bất ngờ kêu toáng lên:
– Ông Một Điếu ơi là ông Một Điếu ơi! Ông ra mà coi quân lính của ông kéo cờ Đại Pháp mà như kéo tù
vô xà lim! Không pờ-rê-dăng-tê, không ứ, không ó cứt chi hết a!
Tụi
lính ngục hoảng hồn, đang nhai xôi phải nhổ xôi, dụi thuốc, vứt tô bún
đang ăn dở, chạy vội sang đường tập họp, và kéo cờ thật nhanh lên ngọn.
Mệ-Lai-tàn-tật vừa sợ vừa cáu.
– Tổ cha thằng điên! – Hắn chửi và cúi nhặt nửa viên gạch, thẳng tay nhắm đầu anh tù điên mà ném.
Viên gạch va vào chấn song kêu “coong!” và dội bật trở ra. Vừa lúc đó Một Điếu từ trong nhà đi ra, hỏi:
– Cái gì? Cái gì?
Anh tù điên ôm đầu mếu máo, lu loa nói với Một Điếu bằng thứ tiếng Tây bồi hổ lốn quen thuộc của anh:
– Mông dạch nằng! Luỷ – Anh chỉ vào Mệ-Lai – kéo lơ đờ-ra-pô phăng-xe –
anh làm điệu bộ kéo cờ – con luỷ kéo pờ-ri-son-ni-ê vô xà lim. Nông
gác-đờ-bu, nông pờ-rê-dăng-tê, nông ứ! – Anh chụp tay Lượm làm điệu bộ
kéo tù – Moa ráp-po mông dạch nằng – Luỷ lăng-xê moa viên gạch – anh chỉ viên gạch – moa cát-xê la-tết – Anh ôm đầu nhăn nhó khóc hu hu như bị
viên gạch ném trúng đầu.
Một Điếu nhận ra Lượm, liền hỏi:
– Bé con, đúng như vậy không?
– Thưa ông quan hai, đúng như vậy!
Một Điếu quay lại nhìn Mệ-Lai đang đứng chết điếng, mặt cắt không còn giọt máu.
– Đồ con lợn! – Một Điếu gầm lên. Hắn bước lại giật phắt cái lon cai trên ống tay áo Mệ-Lai-tàn-tật, vung roi quất tới tấp lên vai, lên lưng. Vừa quất vừa chửi:
– Đồ súc vật nhơ bẩn! Đồ súc vật nhơ bẩn!
Mệ-Lai-tàn-tật cứ phải đứng gác-đờ-bu mà chịu đòn, miệng lắp bắp van lạy:
– Mông dạch nằng! Pạc-đon-nê moa!…
Nếu lúc đó không có một chiếc xe Jeep phanh rít đỗ xịch trước cổng lao, thì chắc viên cai ngục này sẽ bị đánh cho đến kỳ ngã gục. Chiếc xe do một
tên lính da đen lái. Hai tên Pháp xuống xe, bước qua cổng lao, tên lính
đeo tiểu liên “mát” và viên đội đeo súng lục. Chúng chào Một Điếu và đưa giấy tờ gì đó, Lượm tò mò lắng nghe viên đội Tây báo cáo với Một Điếu.
Nó được biết chúng ở một công sở có tên là Poste Militaire (bưu điện
quân sự), cần xin ba người làm cỏ-vê.
Viên quản người Việt, phó đề
lao, mở cánh cửa sắt bước vào, chọn ba người tù lớn tuổi, dẫn ra ngoài
cho viên đội Tây. Viên đội hỏi:
– Trong ba người, có người nào biết tiếng Pháp không?
Viên quản hỏi lại, cả ba lắc đầu.
Lượm liên thò cánh tay qua cổng sắt, nói to:
– Thưa ông đội, tôi biết tiếng Pháp!
– Mày nói tiếng Pháp khá không? – Viên đội bước đến gần Lượm hỏi.
– Tôi nói không được đúng mẹo lắm.
Viên đội nhún vai:
– Thế là mày hơn tao. Tao không biết một tiếng Việt nào.
Cánh cửa sắt mở ra. Viên đội gạt lại một trong ba người và kéo Lượm thay vào đó. Y quay lại hỏi viên quản phó đề lao:
– Ông đồng ý chứ?
– Đồng ý – Viên quản cười, bắt tay viên đội.
– Chúng ta đi thôi! – Viên đội hất đầu rất điệu với Lượm và chỉ ra xe.
Sự may mắn quá bất ngờ làm cho Lượm vui mừng đến nghẹn thở. Nó chỉ kịp
quay lại ngoắc ngoắc tay với các bạn đứng chen chúc đằng sau cánh cửa
sắt và đi gần như chạy ra chỗ chiếc xe Jeep đang đỗ. Nó thấy tim mình
đập thình thịch trong lồng ngực. Nó lo sợ viên đội tây, thằng Một Điếu
và cả tụi lính ngục nữa sẽ đổi ý, giữ nó lại vì chúng chợt nhớ ra: thằng tù con nít này đã từng hai lần liều lĩnh vượt tù…
3
Sở Poste
Militaire (gọi tắt là sở Pốt) đóng ở dãy nhà một tầng còn sót lại trong
khu vực Trung bộ phủ cũ. Hầu hết những ngôi nhà kiên cố trong khu vực đã bị quân ta đánh sập thành những đống gạch vụn, trước khi rút khỏi Huế.
Đằng sau sở Pốt, cách một khu vườn rộng mọc lút cỏ dại, là ngôi nhà hai tầng rộng thênh thang của một công sở khác cũng của bọn nhà binh Pháp, có
tên là Coopérative Militaire (cửa hàng nhu yếu phẩm quân đội). Sở này
cũng có một toán tù lao Thừa Phủ hàng ngày đến làm cỏ-vê. Toán tù gọi
tắt công sở này là sở “Cốp“.
Ở sở Pốt chỉ có thư từ, giấy má, những
gói bưu phẩm lớn nhỏ xếp thành dãy trên các giá gỗ kê dọc sát tường.
Trong khi đó bên sở Cốp, các gian buồng chất cao đến trần nhà những hòm
đồ hộp, bánh kẹo, rượu, thuốc lá và nhiều hàng hoá vật dụng khác trông
đến ngốt cả mắt. Xe ô tô lớn nhỏ ra vào rầm rập suốt ngày, mua hàng, chở hàng đến nhập kho… Công việc chính của toán tù làm cỏ-vê ở sở Cốp là
xếp hàng hoá lên xe, chuyển hàng hoá trên xe xếp vào các kho.
Làm
cỏ-vê sở Cốp hết sức nặng nhọc và thường xảy ra tai nạn. Vì các hòm hàng hoá nặng hàng tạ, hàng nửa tạ, chỉ cần sơ ý một chút là hòm rơi, lăn đè nát tay, nát chân. Nhưng đó chưa phải là điều khổ sở nhất của anh em
tù.
Hôm đầu tiên bước vào sở làm cả toán tù hoa mắt vì của ngon vật
lạ xếp như núi quanh mình. Anh nào cũng hí hửng, chuyến này chắc vớ bở.
Họ hy vọng sẽ lấy cắp được đồ hộp, bánh kẹo. Nhưng chỉ sau một ngày họ
đã biết mình lầm. Bọn Tây làm ở sở “Cốp” đều là tụi ác ôn, cô hồn, đánh
đập tù tàn bạo không thua gì những tụi chuyên nghề tra tấn ở các Sở mật
thám An ninh. Hung dữ nhất là một tên đội Tây, anh em tù gọi là Đội-lùn. Đội-lùn người thấp nhưng rất to ngang nên ngó gần như vuông. Mặt hắn
tròn to như cái đĩa tây, bóng loáng, râu ria cạo nhẵn thín, cặp mắt của
loài thú dữ ăn thịt người. Hắn có sức khoẻ khủng khiếp của tên đô vật
hoặc cử tạ hạng nặng. Một lần hắn bắt gặp một người tù ăn mấy miếng bánh bích quy rơi ra từ cái hòm vỡ. Hắn lẳng lặng túm hai cổ chân anh ta,
nhấc bổng lên như nhấc con gà, dộng đầu anh vào cái hòm gỗ, máu mồm, máu mũi anh ộc ra như xối, mấy miếng bánh vừa nuốt trào ra miệng cùng với
máu.
Mỗi buổi chiều, trước khi lên ô tô về lao, hắn bắt tù xếp hàng
ngang, cởi hết quần áo để kiểm soát. Chỉ cần tìm thấy một miếng bánh,
một cái kẹo, hắn cũng đánh cho máu chảy tràn mặt.
Đi làm cả tháng
trời mà chưa người tù nào ăn cắp nổi cái kẹo. Chân giẫm xéo lên đồ hộp,
bánh, kẹo, trong lúc thắt ruột thắt gan vì đói, quả là một cực hình.
Đội-lùn có con chó béc-giê to bằng con bê nhỡ, lông xám như lông chó sói và
cũng thấp lùn như hắn. Hắn gọi con chó là Rếch. Con Rếch không rời hắn
một bước và là một tên tay sai vô cùng đắc lực trong việc hành hạ, đôn
đốc, kiểm soát tù nhân. Đứng từ xa, Đội-lùn nhìn thấy một anh tù nào đó
trốn việc, làm việc uể oải, hoặc lấy cắp một thứ gì đó, hắn chỉ cần chỉ
tay huýt lên một tiếng là con Rếch lao vút, xô ngã anh ta xuống đất và
cắn xé tả tơi. Có anh tù khiếp đảm con chó đến phát điên.
Sở Pốt cũng như sở Cốp, quan và lính làm việc đều là bọn Pháp, không có tên lính
nguỵ nào. Nhưng bọn sở Pốt, tuy là lính tráng nhưng đều có dáng công
chức bộ diện tử tế, lịch sự. Chúng không chửi mắng, đánh đập tù ngay cả
tên lính gác cũng vậy, mặc dù tên này có bản mặt của tên găng-tơ giải
nghệ. Hắn nói với Lượm:
– Tao không thích đối xử với mày như bọn kia – Hắn hất hàm trỏ sang bọn sở Cốp – Làm xong công việc tụi mày có thể
được nghỉ ngơi. Chỉ yêu cầu tụi mày không được tìm cách chạy trốn. Nếu
chúng mày chạy trốn, tao buộc cái này phải lên tiếng – Hắn vỗ vỗ bàn tay lông lá vào báng khẩu tiểu liên “mát” nhún vai nói thêm – Đừng làm cho
nó phải nổi giận!
Lượm phiên dịch lại cho hai người lớn tuổi cùng đi làm với nó.
Tên đội đến lấy tù đi làm tên là Buy-va, phụ trách văn thư của sở. Hắn giao việc hàng ngày cho ba người tù. Hai người lớn gánh nước ngoài bến sông
Hương đổ đầy hai cái bể xi măng phía sau khu nhà bếp. Lượm quét tước làm vệ sinh khu nhà ở, nhà làm việc và thông ngôn.
Giám đốc sở tên là I-tai, đóng lon quan hai.
Quan hai I-tai đã đứng tuổi, người cao, gầy, lưng gù gù, đầu hói, đeo kính
cận. I-tai có dáng dấp ông giáo trường làng hơn là sĩ quan quân đội viễn chinh. Y có vợ người Việt, một mụ me Tây béo phục phịch. Hai vợ chồng ở một gian phòng lớn cuối dãy nhà làm việc.
Hôm đầu tiên đến sở, quan hai I-tai hỏi Lượm:
– Tại sao em bị bắt?
– Người ta tình nghi tôi là liên lạc của Việt Minh… Nhưng không phải.
I-tai nhún vai:
– Nếu đúng là liên lạc của Việt Minh cũng không sao. Ở Pháp, trong trận
đại chiến vừa qua, cũng có nhiều thiếu niên lứa tuổi em là liên lạc của
quân du kích.
Buổi trưa, y cho ba người tù một ổ mì lớn. Và cũng
trong ngày hôm đó, ba người tìm được trong đống rác sau khu nhà bếp, ba
cái thùng vỏ đồ hộp, đựng nước sông Hương mang về nhà lao.
4
Hai
người tù cùng đi làm cỏ-vê với Lượm, một người tên Tụng, một người tên
Bện. Tụng trạc ngoài năm mươi tuổi, Bện mới xấp xỉ ba mươi. Anh Bện là
ngư dân, sinh ra và lớn lên trên mặt nước đầm Chuồn – một đầm nước mặn
lớn nối liền với phá Tam Giang. Người ta gọi anh là dân thuỷ điện. Anh
có gương mặt thật thà chất phác, hiền lành. Nửa người trên của anh Bện
vạm vỡ không chút cân xứng với nửa người dưới, nhìn giống như hai mảnh
thân thể của hai người chắp vào nhau. Riêng hai bàn tay anh to lớn một
cách kỳ dị, đen đúa, nứt nẻ, sần sùi những lớp chai dày cộp, các đầu
ngón tay mòn vẹt như bị mài. Anh cho biết, mới bảy tám tuổi, ngày nào
anh cũng phải ngâm mình dưới nước dùng mười ngón tay moi cát, rong thành rãnh dài, để bắt tôm rằn, tôm sú.
Thoạt nhìn cũng đoán biết anh cả
đời chỉ quen sống trên thuyền, trên mặt nước. Anh đi trên mặt đất vụng
về, lạch bạch như con vịt. Cả con người anh lúc nào cũng bốc lên mùi
tanh tanh, mùi tôm cá, mùi lưới ướt, mùi lòng thuyền…
– Anh có phải du kích không? – Lượm hỏi.
– Không. Tui chỉ chở thuyền cho các eng bộ đội địa phương huyện qua phá
Tam Giang. Trong vùng có đứa chỉ điểm, báo cho Tây. Rứa là lính Tây đi
ca-nô lùng vây bắt tui đang làm nghề giữa phá. Tụi hắn quăng lựu đạn vô
đò tui, rứa là cả đò, cả lưới, cả đồ nghề làm ăn chìm hết!… Chừ họ có
thả tui về thì cũng chết đói thôi chú ạ. Còn đồ nghề mô nữa mà làm ăn… – Anh nói, mặt buồn thiu nước mắt rơm rớm…
Nhìn anh, Lượm thấy thương cũng muốn khóc theo. Nó nói:
– Cần cóc chi anh! Tụi hắn mà thả anh về, anh trốn luôn lên núi đi Vệ
Quốc Đoàn, đánh chết cha tụi hắn đi! Chưa chừng anh em mình lại gặp nhau trên đó cũng nên.
– E rồi cũng phải đến nước đó thôi chú em ạ – Anh nói mà mặt vẫn rầu rầu.
Lượm nảy ra ý muốn được giúp đỡ, bênh vực, che chở anh, như với tụi thằng
Thúi, Ngạnh, Lanh… Nó thấy anh ta tuy lớn tuổi, to xác, mà còn khờ khạo
hơn cả mấy đứa đò, thân tù đi làm cỏ-vê mà anh siêng năng như làm việc
nhà. Đặt đòn gánh lên vai là anh chúi mặt, chúi mũi, gánh hết chuyến
nước này tiếp chuyến nước khác. Gánh nào hai thùng nước cũng đầy mặp.
Gánh suốt buổi sáng, anh không nghỉ lấy một lần. Trong lúc đó lão Tụng
chỉ gánh hai thùng lưng lẻo; và anh gánh được ba chuyến, lão Tụng mới
gánh được một chuyến. Nhưng anh không hề chút so bì. Thấy vậy, Lượm nổi
cáu:
– Răng anh dại rứa? Việc chi mà anh phải nai lưng ra làm lấy một mình? Để tui nói với thằng đội Tây, chia đều công việc, mỗi người gánh
một bể.
– Thôi chú ạ, người ta yếu, mình mạnh đỡ đần nhau.
– Yếu! – Lượm dằn giọng, bĩu môi.
Với lão Tụng, không hiểu sao, ngay hôm đầu tiên Lượm đã thấy ghét cay ghét
đắng. Tuy ngoài năm mươi tuổi lão Tụng còn khá lực lưỡng, nhưng lão cứ
giả vờ giả vịt như ốm yếu lắm.
Khuôn mặt lão choắt, hai tai như tai
chuột, vành tai mỏng lét gần sát vào da đầu, cặp mắt hùm hụp hay lấm lét nhìn trộm. Toàn bộ con người lão từ vẻ mặt giọng nói, điệu bộ, dáng đi, toát ra một vẻ gì vừa ti tiện, vừa xảo quyệt.
Sau một ngày cùng đi
làm với lão, Lượm thấy ghét lão hơn. Hễ cứ nhìn mặt lão là Lượm thấy nổi khùng, muốn gây lộn, đập lộn. Nhưng nó biết nếu đập lộn, nó sẽ bị cho
nhừ đòn. Vì đằng sau cái vẻ lụ khụ của lão là một sức khoẻ đáng sợ. Có
hôm, nó bắt gặp chỉ với hai tay và đầu gối, lão đã uốn một thanh sắt to
bằng ngón chân cái.
Mỗi lần tụi Tây gọi lão đến để sai lão việc gì,
lão dạ một tiếng thật to, ba chân bốn cẳng chạy lại trước tiên, chắp
tay, cúi đầu, hai đầu gối hơi khuỵ xuống, miệng chúm chím cười ruồi…“Chỉ cần chắp thêm vô chỗ xương cụt của lão ta một cái đuôi, ngúc ngoắc, ngúc ngoắc, là thành con chó chầu trước mặt chủ!“. Lượm vừa thông ngôn, vừa tức tối nhìn dáng bộ lão và nghĩ vậy.
Hễ tụi Tây vứt một mẩu
bánh, một cái tàn thuốc lá, lão nhào tới vồ chụp vội như sợ Lượm và anh
Bện tranh mất. Chộp được, lão thổi thổi qua, đưa lên miệng.
Lượm nổi điên, quát:
– Ông làm cái chi rứa? Có đói chết cũng phải giữ thể diện không Tây họ khinh cho chứ?
Lão vênh mặt lên, mắt gườm gườm nhìn Lượm:
– Người mô lanh tay thì người nớ được! Đ… mạ nó chớ! – Lão vừa tóp tép
nhai vừa chửi đổng – Đã mang cái thân thằng tù còn nói phét nói lác! Thể với chẳng diện!
Lượm giận run người. Nó chỉ muốn quật cái giẻ lau
nhà đang cầm trong tay vào mặt lão. Phải cố hết sức nó mới ghìm lại
được. Nó nhổ một bãi nước miếng xuống đất, lấy chân chà đi chà lại, rồi
quay mặt đi. Trưa hôm đó Lượm hỏi anh Bện:
– Anh có biết thằng cha đó làm chi mà bị bắt không?
– Nghe mô làm Việt Minh xã…
– Đời mô Việt Minh lại có thứ người như hắn! – Lượm kêu lên, giận dữ như
có ai ném rác vào mặt – Nhất định tui phải hỏi cho ra thằng cha nớ làm
chi?
Buổi trưa tụi Tây trong sở xuống ăn trưa ở gian nhà lớn nằm
trong dãy nhà ngang. Tụi hắn ăn xong Lượm phải quét nhà, dọn bát đĩa đem xuống nhà bếp, lau sạch bàn ghế.
Dù đói mềm người, cả mấy tháng liền không ngửi thấy mùi thịt, nhưng lúc dọn bàn Lượm đã trút tất cả thức ăn thừa, thịt, cá và những mẩu bánh vụn vào cái xô rồi xách đổ hắt xuống
cống ngay trước mặt tụi Tây. Chúng nhìn Lượm và không khỏi ngạc nhiên.
Hôm đó, chúng ăn xong, Lượm còn mải bận lau sàn nhà toà nhà chính, lão Tụng liền chạy vào, trút tất cả thức ăn thừa vào cái thùng vỏ đồ hộp của
lão. Lão còn dùng ngón tay vét các đĩa thức ăn, rồi đưa ngón tay lên
mút. Lão hí hửng xách lon thức ăn thừa đi ra gốc cây giữa sân, sửa soạn
ngồi đánh chén. Bọn Tây ngồi uống cà phê, hút thuốc trước hiên nhà, chỉ
trỏ lão Tụng cười hô hố. Lượm đứng trên bậc tam cấp dãy nhà chính, nhìn
ra, giận tím mặt. Nó lẳng lặng xách cái xô nước rác lau nhà, đi ra gốc
cây lão Tụng đang ngồi. Bất ngờ nó trút cả xô nước đen ngòm vào cái lon
thức ăn thừa, làm lão Tụng không kịp trở tay.
– Ui chao! – Lão Tụng
kêu thét lên, cặp mắt trợn ngược như bất thình lình bị bóp cổ. Lão trừng trừng nhìn cái lon lớn thức ăn thừa, đen ngòm nước rác, khuôn mặt choắt rúm ró, nghiến răng kèn kẹt. Lão nhảy chồm vào Lượm, định đè ngửa mà
bóp cổ.
Lượm phản ứng rất nhanh, quật luôn cái bao tải lau nhà vào
trúng giữa mặt lão. Cái khố tải ướt sũng nước, vấn tròn quanh mặt lão.
Lượm nhảy lùi ra xa, nhặt một hòn gạch vỡ, đứng thủ thế.
Lão Tụng
giật cái khố tải ướt ra khỏi mặt. Nước bẩn chảy ròng ròng trên tóc, trên hai má, trên miệng, trên cằm lão. Lão vừa dụi mắt, vừa khạc nhổ, miệng
sùi bọt mép gầm gừ điên dại.
– Tổ cha mi! Tau mà không giết mi, tau không kể làm người!
Không cần nể nang gì nữa, Lượm chửi lại:
– Mi là đồ chó chết! Mi có muốn vỡ tan óc chó mi ra thì cứ đến đây! Tau
còn nhỏ nhưng loại người như mi tau đã đập bể óc khối thằng!
Lão Tụng cúi chụp một thanh sắt rỉ nằm lăn lóc gần đó. Nếu thằng lính gác không kịp thời chạy đến thì chắc đã xảy ra đổ máu.
– Chuyện gì thế? – Thằng lính gác hỏi, trán cau lại, hết nhìn Lượm lại nhìn lão Tụng.
Lượm chỉ vào lão Tụng, trả lời:
– Lợi dụng lúc tôi vắng mặt, hắn đã lẻn vào phòng ăn, làm bẩn đồ đạc với
những ngón tay dơ bẩn của hắn. Hắn còn định giết tôi với thanh sắt cầm
trong tay kia.
Lão Tụng quỳ sụp xuống, vái lấy vái để thằng Tây. Lão chỉ vào Lượm, gào lên:
– Bẩm quan lớn, thằng nớ là Việt Minh đầu sỏ. Hắn chỉ rình để giết các quan lớn. Xin quan lớn giết chết hắn đi mà trừ hậu hoạ…
Nhìn dáng điệu của lão lúc này, Lượm tin chắc rằng nếu thằng lính gác chĩa
khẩu tiểu liên vào ngực mình mà những cả băng đạn, lão sẽ nhảy dựng lên
vì vui thích hả hê. Nhưng lão quên phứt là thằng Tây không biết tiếng
Việt. Hắn chỉ vào lão đang quỳ mọp, hỏi Lượm:
– Hắn nói cái gì?
–
Hắn tố cáo với anh tôi là Việt Minh. Tôi không phải Việt Minh, ông quan
hai giám đốc nói rằng, nếu là Việt Minh cũng không sao, vì trong đại
chiến vừa qua có rất nhiều thiếu niên Pháp đã làm liên lạc cho quân đội
kháng chiến. Còn hắn, hắn tự nhận hắn chỉ là một thằng điên bẩn thỉu.
Thằng lính Tây quay sang hỏi lão Tụng:
– Tu es un sale fou? – Mày là một thằng điên nhơ bẩn?
Lão Tụng nghe tiếng phu, tưởng là phu phen, liền gật lấy gật để:
– Dạ bẩm quan lớn tôi là phu, tôi là phu, còn thằng nớ mới đúng là Việt Minh!
Thằng lính gác vung cây roi [bad word] bò quất lên lưng lão một roi rớm máu, nhún vai nói:
– Với bọn điên thì phải trả lời bằng roi!
5
Chỉ sau hai tuần lễ đi làm cỏ-vê, Lượm đã gây được tín nhiệm với hầu hết
bọn Tây ở sở Pốt, từ tên giám đốc sở cho đến tên lính gác. Nó quét và
lau nhà thật sạch, cửa kính cửa chớp được lau chùi sáng choang. Có hai
khuôn kính ở phòng làm việc bị vỡ, nó đề nghị với viên đội văn phòng,
lấy hai tấm kính ở một cánh cửa hỏng dựng trong kho, thay vào, viên đội
nói:
– Phải chờ thuê thợ lắp kính.
– Tôi có thể làm được.
Lượm
khéo léo dùng mũi dao cạy lớp ma-tít, lấy ra hai tấm kính nguyên. Nó đem lắp vào hai khuôn kính vỡ, dùng những chiếc đinh nhỏ đóng giữ tấm kính
và trát ma-tít. Viên đội trưởng nhìn Lượm thay kính, gật đầu khen:
– Tốt! Rất tốt!
Trưa hôm đó, hắn cho Lượm một ổ mì lớn. Nó không ăn mà gói ổ mì lại, cất vào bị cói.
– Sao mày không ăn?
– Tôi mang về cho các bạn tôi trong tù. Ở trong đó, chúng nó đói lắm.
Viên đội bước đến, nâng cằm Lượm lên, nhìn sâu vào mắt nó, nhún vai, rồi im
lặng bỏ đi. Thái độ khó hiểu của viên đội làm nó bồn chồn, lo lắng. Hắn
tin mình hơn hay hắn bắt đầu chú ý nghi ngờ? Nhưng rồi nó quyết định:
Mặc dù thế nào cũng không để tụi hắn khinh mình. Chắc tụi hắn biết thừa
mình là Vệ Quốc Đoàn.
Một trong những công việc hàng ngày của viên
đội là đóng dấu bưu điện vào các phong thư. Lượm bắt gặp nhiều lần hắn
nhìn những đống thư để đầy trên bàn, nhún vai chán nản. Lượm lân la, chỉ đống thư nói:
– Ông hướng dẫn tôi cách làm, tôi có thể giúp đỡ ông.
Viên đội bằng lòng. Vài buổi đầu nó đóng dấu còn lóng ngóng và chậm. Nhưng
đến hôm thứ ba, nó đã đóng thành thạo và nhanh không thua gì tên đội.
Trên các ngăn giá gỗ chạy dọc theo tường, xếp đầy hàng nghìn gói bưu phẩm
lớn nhỏ, bao bì bằng vải thô các-tông. Mỗi buổi sáng vào quét dọn, Lượm
tẩn mẩn đọc địa chỉ ghi trên bưu phẩm: Paris, Nixơ, Boóc-đô, Mác-xây,
Tunisie, Marốc, Ôrăng… gần như đủ mặt các địa danh quen thuộc mà trước
đây Lượm đã học về địa lý nước Pháp và các nước thuộc địa Pháp. Nhiều
gói bưu phẩm để quá lâu không có người nhận (những tên lính viễn chinh
này chắc đã chết trận). Vỏ bọc bị rách, đồ vật bên trong rơi ra. Có
nhiều thứ rất hấp dẫn: cá hộp, thịt hộp, sữa hộp, bích quy, socola, kẹo, thuốc viên, thuốc tiêm v.v… Lượm chỉ thoáng nhìn, nước bọt đã ứa đầy
miệng, nhức nhối các chân răng. Kiềm giữ được không lấy cắp là cả một
thử thách lớn. Và lấy cắp cũng không phải là chuyện khó lắm. Lượm đã
nhiều lần nghĩ đến. Chỉ cần bọn Tây ngó lơ đi một chút, nó sẽ chuồi một
vài thứ vào cái khố tải lau nhà, rồi đàng hoàng xách ra ngoài, đi qua
ngay trước mặt bọn chúng. Nhưng nghĩ lại thật kỹ, cái khả năng bị chúng
phát hiện không phải không có. Và như vậy thật nhục nhã ê chề. Điều quan trọng hơn nữa mọi dự tính về kế hoạch sắp tới sẽ hỏng bét…
Mỗi ngày
đi ra sông giặt khố tải lau nhà, xách nước (với thằng lính gác xách súng kèm theo sau lưng) Lượm nhìn sang bên kia bờ là chợ Đông Ba, nhìn xuống phía dưới là Đập Đá, nhìn lại phía sau là con đường Chợ Cống, Đất Mới,
ăn thông ra cánh đồng Đường Ngang, An Cựu… Kế hoạch ấy cứ lớn dần mãi
lên trong đầu nó. Nhớ đến hai lần vượt tù thất bại trước đây, không lúc
nào nó không tự nhủ: “Lần này phải chuẩn bị thật chắc chắn, không thể
liều mạng như hai lần trước. Lần này mà thất bại, vào nằm “ca-sô âm phủ” là cái chắc!”
Từ ngày được đi làm cỏ-vê ở sở Pốt, Lượm rất ít ngủ.
Nằm trên nền xi-măng lạnh, ôm lưng các bạn, nhiều đêm nó trằn trọc, thao thức đến tận khuya, rất khuya… Nó nghiền ngẫm từng bước kế hoạch mà nó
phác đi, phác lại nhiều lần trong đầu. Bước thứ nhất nó cho là bước khó
nhất là gây được lòng tin với bọn Pháp ở sở, để chúng lơi lỏng dần việc
kiểm soát, canh gác.
Những công việc chúng giao hàng ngày, Lượm làm
rất chu đáo, vượt cả mức yêu cầu của chúng. Đồ đạc rơi ra từ các gói bưu phẩm, lúc quét dọn, dù có mặt chúng hay không có nó đều nhặt để lên
giá, với thái độ hết sức dửng dưng. Có lần nó nhặt được tờ giấy bạc một
trăm dưới gầm bàn. Nó đưa cho viên đội:
– Tôi đoán tiền của ông đánh rơi.
Nếu không có mặt tên lính gác, Lượm không bao giờ bước chân ra gần cổng.
Cần ra bến sông gánh nước, giặt khố tải lau nhà, nó đều nói với tên lính gác:
– Anh đưa tôi ra bờ sông.
– Mày cứ đi đi.
– Tôi là tù.
Tôi không muốn đi đâu một mình không có người canh gác. Họ có thể nghi
ngờ tôi, và chính anh cũng sẽ bị ông giám đốc quở phạt.
– Tao tưởng mày thích đi một mình hơn. Như vậy mày có thể dễ dàng chạy trốn – Tên lính gác trả lời giọng lấp lửng.
– Chạy trốn? Tôi có là điên! Chỉ nay mai, tôi sẽ được thả ra, trở về nhà
tôi lại đi học. Hơn nữa, tôi biết anh là một thiện xạ, tôi không muốn ăn đạn của anh.
Thằng lính gác gật gù:
– Mày là một thằng bé hết sức khôn ngoan.
– Đúng hơn, tôi là một đứa trẻ nhút nhát.
Tất cả những việc làm của Lượm đều không lọt qua mắt viên đội Buy-va. Hắn
báo cáo thường xuyên với viên quan hai giám đốc sở. Lượm biết vậy vì
thái độ của viên quan hai I-tai đối với toán tù tự nhiên đổi khác. Buồng làm việc của hắn gần cuối dãy nhà, trong hai tuần đầu hắn ra lệnh cho
toán tù không được bén mảng đến gần. Việc quét dọn buồng này do một tên
lính da đen ở một trại lính gần đó, vài ngày một lần đến quét dọn rồi
về.
Một buổi sáng, hắn gọi Lượm vào phòng, và bảo:
– Bắt đầu từ
hôm nay, em có nhiệm vụ quét dọn làm vệ sinh phòng làm việc của tôi. Hết giờ làm việc, em vào đóng các cửa sổ, cửa chính. Tất cả những đồ đạc
trong phòng tuyệt đối em không được đụng đến. Em hãy gắng làm cho tốt,
bao giờ ra tù, tôi sẽ tuyển dụng em vào làm lon-ton cho sở.
– Cám ơn ông trung uý, tôi hứa sẽ hết sức cố gắng để ông vui lòng – Lượm lễ phép trả lời.
Lượm đưa mắt nhìn bao quát gian phòng để ước tính công việc hằng ngày phải
làm. Gian phòng có bốn cửa sổ, hai đằng trước, hai đằng sau. Một cửa
chính và một cửa ngách đóng chặt. Lượm đoán cửa này ăn thông sang buồng
của vợ chồng hắn. Hai cửa sổ mở ra vườn sau, luôn luôn đóng chặt. Gian
phòng khá rộng nhưng đồ đạc không nhiều. Một bàn giấy lớn, mấy cái ghế
tựa, hai giá gỗ xếp đầy tài liệu. Cách bàn mấy bước là một tủ gỗ lim
lớn, kê gần sát tường, chùm chìa khoá treo lủng lẳng ở ổ khoá. Mắt Lượm
bỗng chạm phải một vật treo vào cái móc sắt đóng trên tường, giữa bàn
làm việc và cái tủ. Cổ nó tự nhiên nghẹn lại một cách thật khó hiểu. Đó
là một cái thắt lưng Mỹ có những hàng lỗ bọc đồng, đeo trĩu xuống một
khẩu súng lục và bốn băng đạn đựng trong bao da. Thoáng nhìn Lượm đã
biết đó là khẩu “côn mười hai”, bắn cùng cỡ đạn tiểu liên tôm-xông. Tất
cả, từ cái thắt lưng, bao da, những băng đạn, khẩu súng, đều mới tinh.
Chuôi báng súng và khúc nòng súng thò ra ngoài bao, nước thép xanh biếc. Chỗ tay cầm bằng nhựa cứng màu nâu khía hình quả trám cũng sáng lên lấp lánh như mời mọc nó: “Hãy cầm lấy!” Như nhìn phải một vật làm mình chói mắt, Lượm lướt vội mắt sang chỗ khác. Nó nói nhanh cốt để che giấu nỗi
hồi hộp của mình:
– Thưa ông quan hai. Mỗi ngày chỉ cần một giờ là tôi có thể làm xong hết công việc ông giao.
– Rất tốt! – Viên quan hai I-tai gật đầu. Cặp mắt màu đồng thau của hắn
nhìn Lượm với vẻ khá hiền từ. Không hiểu sao lúc này Lượm càng tin chắc
hắn là một ông giáo trường làng ở một vùng miền núi nước Pháp, chuyên
dạy môn địa lý hoặc lịch sử gì đó, vào thẳng quân đội và đóng luôn lon
quan hai. Việc súng đạn chắc hắn chưa tinh tường. Có thể hắn chưa bắn
phát súng nào cũng nên.
”Không hiểu khẩu súng lục này từ trước đến
giờ vẫn treo nguyên ở đó, hay chỉ treo trong giờ làm việc? Hết giờ làm
việc hắn đeo vào người hay bỏ vào tủ khoá lại?” Nỗi thắc mắc này cứ cộm
lên như hòn sỏi trong đầu Lượm, suốt cả ngày hôm đó. Lạy trời hắn vẫn cứ treo nguyên ở đó từ trước đến nay! Nó lẩm bẩm khấn thầm.
Sáng hôm
sau, Lượm vào quét dọn phòng làm việc của viên quan hai. Ngay lúc hắn
vừa mở cửa phòng, Lượm liếc nhanh lên tường. Khẩu súng vẫn treo nguyên ở đó. Một nỗi vui mừng vô cớ ập đến, tràn ngập cả lòng nó. Không nén nổi, nó vừa lau sàn nhà vừa khe khẽ hát: “Đoàn Vệ Quốc quân một lần ra đi…”
Nó không hát thành lời mà chỉ ngân nga âm điệu.
Viên quan hai bước vào phòng, hỏi:
– Bé con! Có điều gì vui thích mà em hát hỏng thế?
Lượm giật mình lúng túng đáp:
– Chiều qua, tôi được tin là trong một hai tuần nữa tôi sẽ được ra tù.
Tôi sẽ được gặp mẹ tôi. Và có thể được ông tuyển dụng vào làm việc ở sở
như ông đã hứa.
Lau xong cửa kính và cửa chớp đằng trước, Lượm làm
như vô tình mở hai cửa sổ trông ra vườn để lau chùi. Đóng chặt lâu ngày, các quả bàng cửa và chốt sắt đều han rỉ, nó phải nghiến răng, ráng hết
sức để vặn. Viên quan hai đang ngồi cắm cúi viết trước bàn ngẩng lên
nói:
– Thôi! Thôi! Hai cửa sổ ấy không cần mở.
– Nhưng thưa ông, bụi bám đầy cả cửa chớp lẫn cửa kính. Nếu không mở ra, không thể lau sạch được.
– Thế thì lau xong em phải đóng ngay lại, và vặn chốt thật cẩn thận – Hắn đưa tay ra hiệu vặn chốt cửa.
– Vâng, thưa ông trung uý.
Lau dọn xong trong phòng, Lượm xách xô nước và giẻ lau ra lau hành lang. Nó liếc nhìn vào, thấy viên quan hai đến kiểm tra lại các chốt cửa và thử
vặn cho thật chặt hơn. Lượm biết hai cửa sổ này mở ra khu vườn sau um
tùm cây cối và hoang vắng. Chúng lo sợ Việt Minh đột nhập vào phòng qua
cửa sổ.
Năm buổi sáng liền, sau khi Lượm làm vệ sinh xong, đi ra khỏi phòng, viên quan hai giám đốc sở đều đi đến kiểm tra lại các chốt cửa.
Việc này làm Lượm rất đỗi lo ngại. Nó vụt hiểu ra, đằng sau cái vẻ hiền
lành “ông giáo làng” của hắn là bản lĩnh một tên giặc cáo già, luôn luôn cảnh giác, đa nghi, không thể dễ dàng bị đánh lừa. Nó tự nhủ: “Đối với
hắn, mình phải hết sức thận trọng, khôn khéo mới được“.
Mỗi buổi sáng vào quét dọn, làm vệ sinh, dù có mặt hắn hay không, Lượm đều giả bộ
hoàn toàn tập trung vào công việc, không nhìn ngó vào bất cứ một đồ vật
gì bày biện trong phòng. Riêng khẩu súng “côn mười hai” treo trên tường
là vật hấp dẫn nhất đối với nó, nhưng nó vẫn hết sức tránh không nhìn
qua lấy một lần, coi như không có nó! Tuy vậy, chỉ cần bước chân đến cửa phòng là Lượm có ngay cảm giác nó vẫn còn treo nguyên đó. Một sợi tơ
nhện kéo từ cái thắt lưng, chỗ gần bao da, lên đến nóc tủ. Một con nhện
nhỏ đi đi lại lại trên sợi tơ. Nó là vật đánh dấu, báo cho Lượm biết
khẩu súng không hề di chuyển. Nó nhìn con nhện với ánh mắt thật trìu
mến. Nó thầm gọi đùa con nhện là “Chú lính gác kho vũ khí đạn của ta“.
6
Buổi chiều, đúng bốn giờ rưỡi, viên đội văn phòng, tên lính gác và tên lính
lái xe da đen lại chở ba người tù trở về lao Thừa Phủ.
Ba người tù và tên lính ngồi ở băng sau. Mỗi người tù đều ôm trong lòng một cái vỏ đồ
hộp lớn đựng đầy nước sông Hương, trong leo lẻo. Người nào cũng cố hết
sức giữ cho nước sóng rất ít ra ngoài. Mỗi lần xe xóc, nước sóng chảy
tong tỏng xuống sàn xe, Lượm xuýt xoa như bị đứt tay chảy máu.
Lượm
chỉ có thùng nước, nhưng anh Bện và lão Tụng có thêm vài cái vỏ đồ hộp
đựng thức ăn thừa, bánh mì vụn. Chính Lượm đã trút thức ăn này cho hai
người. Riêng nó không bao giờ đụng đến mặc dầu nó cũng thèm rệu nước
miếng. Do anh Bện mà Lượm thay đổi ý kiến, không đổ thức ăn xuống cống
như trước, mà gom lại trút cho hai người. Mỗi lần Lượm xách xô thức ăn
thừa đi đổ, anh Bện nhìn theo, im lặng, không nói gì, nhưng ánh mắt anh
lộ vẻ thèm khát ghê gớm. Lượm thấy thương anh quá. Từ hôm đó, Lượm thôi
không dồn rác bẩn đổ lẫn vào xô. Nó đem trút thức ăn thừa vào mấy cái
lon vỏ đồ hộp của anh, nói:
– Anh chia cho lão Tụng một ít.
Anh
Bện và lão Tụng mừng rỡ, ăn dè, để dành phần cho bữa cơm chiều. Sau cái
hôm đụng độ, Lượm và lão Tụng hầu như không nhìn mặt nhau, không nói với nhau một tiếng. Khi cần thông ngôn lại, Lượm chỉ nói trống không:
– Họ bảo hôm nay chặt hạ cái cây ở đầu nhà. Họ dặn cẩn thận không được làm hỏng mái ngói.
– Họ dặn dọn sạch cỏ trước sân và lối đi vào nhà chính, v.v…
Tuy không nhìn mặt, nhưng Lượm biết cặp mắt hùm hụp xảo quyệt của lão Tụng vẫn không thôi gầm ghè nhìn trộm Lượm.
Không một việc làm, cử chỉ nào của Lượm lọt khỏi mắt lão. Nó tin rằng, lão
chỉ chờ cơ hội để tố giác mình với tụi Tây. Lượm lo lắng và uất ức nghĩ
bụng: “Không khéo mình không chết vì tụi Tây mà chết vì tay cái thằng
mạt kiếp này!”
Tự mình và nhờ các bạn trong đội điều tra, Lượm được
biết trước kia lão Tụng làm cán bộ kinh tài trong Uỷ ban hành chính
kháng chiến xã. Tây càn đến xã, lão ra đầu thú. Lão lập công với Tây
bằng cách chỉ hầm bí mật chôn giấu vũ khí, tiền bạc, tài liệu của du
kích và Uỷ ban xã. Nhưng tất cả những thứ này đã được chuyển đi trước đó một hôm mà lão không biết. Thế là bọn Tây bắt luôn lão, tống lao Thừa
Phủ.
Biết được lai lịch lão Tụng, Lượm càng lo ngại hơn. Nó nghĩ cách thay một người tù khác. Nhưng viên đội văn phòng không đồng ý. Hắn
không muốn thay người mà hắn không biết rõ. Và hình như hắn khoái cái
việc đụng độ giữa hai tên tù già, tù con nít. “Chúng đánh nhau, thù hằn
nhau, tự chúng sẽ dò xét tố giác lẫn nhau” – tên thực dân cáo già này
nghĩ như vậy.
Riêng lão Tụng, với giác quan trời phú của giống chó
săn, lão đánh hơi thấy Lượm rất rõ. Lão biết, tuy là con nít, nhưng
thằng nớ – chỉ Lượm – là loại Việt Minh có sạn có sỏi không đầu! Có thể
nó đang mưu mô làm một việc chi nguy hiểm, như trốn tù, ném lựu đạn, ăn
cắp súng đạn, tài liệu của Tây, chẳng hạn. “Nếu mình gắng công theo dõi” – lão nghĩ bụng – “phát hiện được, báo kịp thời cho Tây, thì có thể lấy lại được lòng tin của cơ Sở mật thám Pháp. Họ sẽ thả mình ra và chưa
chừng được trọng dụng cũng nên“. Ý nghĩ đó đã thôi thúc lão không phút
nào lơi mắt rình rập Lượm.
7
Mỗi buổi chiều đi làm về, bước qua
cổng lao, Lượm đã nhìn thấy các bạn đứng chen chúc nhau sau cánh cửa sát lớp tường trong, hong hóng nhìn ra. Tất cả đều reo lên:
– Anh Lượm về!
Lượm cười với các bạn và thấy mũi mình cay cay. “Tụi hắn mong mình hơn cả mong mạ về chợ”, nó nghĩ vậy.
Nhìn những khuôn mặt xanh xao, cáu ghét, lấm lem, những cẳng tay, cẳng chân
khẳng khiu lở láy, những bộ quần áo rách như tổ đỉa xông mùi thối khắm
của các bạn, Lượm cảm thấy bứt rứt, xấu hổ. Vì trong lúc đó mình được
tắm táp thoả thê, áo quần được giặt sạch (giặt xong mặc luôn vô người),
trở về lao, tóc tai áo quần còn ướt rượt, thoáng mùi nước sông… Nó cứ có cảm giác mình ăn tranh hết phần của các bạn, trong lúc các bạn đói khát mềm người!…
Thằng Thúi, thằng Ngạnh cậy mình thân thiết hơn đứng chen sát bên Lượm. Chúng sờ tóc, sờ áo quần Lượm, xuýt xoa:
– Anh được tắm sướng chưa nì! Tóc với áo quần anh còn ướt ri, mát rười rượi nì!…
Nghe chúng nói, Lượm rơm rớm nước mắt, nghĩ bụng:
”Nếu bắt mình phải chịu một trận roi da như trận của Một Điếu bữa mới vô
lao, mà tụi hắn được ra sông tắm một trận thoả thê, thì nhất định mình
sẽ nghiến răng, đưa lưng ra mà chịu…“.
Lượm ngồi quây quần với các
bạn dưới gốc cây cơm nguội xác xơ giữa sân lao. Nó kể cho các bạn nghe
quang cảnh phố xá, những công việc hàng ngày ở sở Pốt… Và nghe các bạn
kể chuyện xảy ra trong ngày ở lao.
– Ở “ca-sô âm phủ” đêm qua tụi hắn mang đi mất năm người.
– Băng Lép-sẹo sắp tan đến nơi rồi, tụi hắn đập lộn nhau…
Thằng Thúi rụt rè hỏi:
– Anh Lượm nì… Ở sở anh làm có cái chi ăn được không?
– Toàn thơ từ giấy má… gọi là sở “Bưu điện quân sự” mà lại.
– Rứa răng chiều mô cũng thấy anh Bện với ông Tụng xách về hai ba lon đồ ăn?
– Đồ ăn dư của tụi Tây tau trút cho đó. Tau chuyên môn dọn bàn, rửa bát
đĩa… Họ ăn thì được, nhưng mình là Vệ Quốc Đoàn ăn rứa, Tây hắn khinh
cho.
– Phải đó anh ạ – Ngạnh nói chen vào – Đói chết thì thôi chớ ăn đồ dư của Tây nhục nhã ê chề lắm.
– Ở sở tau làm thì không có chi, nhưng sát ngay đằng sau là sở “Cốp”, cửa hàng cung cấp đồ ăn cho tụi sĩ quan Tây. Đồ hộp, kẹo, bánh, rượu các
loại, chất từng kho, cao như núi… Các anh làm bên đó đạp lên đồ ăn mà
đành chịu, không lấy cắp nổi cái kẹo.
– Tại răng rứa?
– Thằng Tây
Lùn coi kho dữ hơn cọp. Hắn mà bắt được ăn cắp, chỉ cái kẹo thôi, cũng
chết với hắn ngay. Hắn tóm hai cổ chân xách ngược lên như xách con gà,
rồi dỗ đầu xuống đất cho đến lúc trào máu với đồ ăn lấy cắp ra miệng mới thôi. Các anh bên đó nhiều lần bàn với tau, các anh lấy cắp giấu ra
vườn, còn tau mang về lao. Đồ lấy được chia hai. Nhưng tau cứ nghĩ làm
như rứa mình hoá ra thằng ăn cắp, nên tau từ chối.
Thằng Lanh nói:
– Ăn cắp của Tây để nuôi Việt Minh thì có chi là xấu? Các anh lớn chẳng dạy tụi mình lấy súng giặc giết giặc là chi?
– Ừ, mi nói có lý. Rứa tau sẽ tìm cách lấy một bữa bánh bích quy về cho
tụi bay ăn đã đời. Sáng ni tau nhìn qua bên đó thấy hai thằng Tây bưng
ra cả một thùng bánh bích quy vụn, để dưới thềm cửa ra vào cho con chó
béc-giê của tụi hắn ăn. Nhưng con chó chỉ ngửi qua rồi bỏ đi. Anh em tù
đi qua đi về ngó thùng bánh mà nuốt nước miếng ừng ực. Nhưng đụng vô là
chết với tụi hắn ngay. Trưa mai, chờ tụi hắn đóng cửa vô nhà ngủ hết,
tau sẽ mò qua xúc trộm một xô về đãi tụi bay.
Thúi nhìn Lượm, ánh mắt hiện vẻ lo sợ. Nó hỏi:
– Liệu có nguy hiểm lắm không anh? Hay thôi, đừng nữa anh ạ. Lỡ tụi hắn bắt được, dỗ đầu anh xuống đất thì làm răng?
– Thằng Tây lùn dữ nhưng tau không ngại lắm. Trưa mô hắn cũng say rượu,
ngủ như chết. Tau chỉ gờm nhất là con chó, nhưng để tau liệu coi…
Hai hôm trở lại đây, tụi Tây sở Pốt lấy gian nhà kho mọi hôm vẫn nhốt Lượm, anh Bện và lão Tụng vào buổi trưa, để chứa mấy xe bưu phẩm vừa từ Pháp
gửi sang. Ba người tù chúng cho ra nghỉ trưa trong khu vườn rộng mệnh
mông trước sở. mỗi người tù chiếm bóng một gốc cây. Tên lính gác đã có
vẻ tin họ không bỏ trốn, nên việc canh gác có phần lơi lỏng dần. Khi
Lượm, anh Bện, lão Tụng đã nằm yên vị dưới bóng mát gốc cây, nhắm mắt
ngủ, tên lính gác mò sang bên kia đường tán tỉnh mấy o bán rượu, thuốc
lá, cà phê. Những cái quán này cũng mới được mở cách đây tuần lễ. Mấy o
bán quán son phấn loè loẹt, ăn mặc hở hang. Họ vừa bán quán vừa làm
điếm.
Buổi trưa. Thằng lính gác bỏ đi chừng mươi phút, Lượm đã mở
mắt, ngồi nhổm dậy. Nó nhìn sang hai gốc cây gầnđó, lão Tụng và anh Bện
đang há miệng ngáy như sấm. Nó đứng lên, xách cái xô tôn vẫn đựng nước
lau nhà đã được chùi sạch rón ren đi về phía khu vườn ăn thông sang sở“Cốp“. Sở “Cốp” giờ này các cửa đều đóng kín mít. Khi còn cách ngôi lầu
chừng dăm chục thước, nó dừng lại, nép mình sau gốc mù u, quan sát khu
nhà. Toán tù làm cỏ-vê ở sở “Cốp” giờ này bị nhốt vào dãy nhà kho tít
cuối vườn. Xung quanh hoàn toàn yên tĩnh, không một bóng người. Con chó
béc-giê cũng không thấy bóng. Tiếng ve kêu ran ran trên các tán cây.
Thùng đựng bánh bích quy vụn bằng các-tông vẫn nằm nguyên dưới bậc thềm
trước cửa ra vào. Nén hồi hộp, Lượm xách cái xô chạy băng qua khoảng
trống. Nó vục miệng xô vào thùng bánh vỡ vụn còn khá đầy, một tay lùa
dồn bánh vào xô. Dựng cái xô đứng lên, thấy còn lưng, nó dùng hai tay
vốc lấy vốc để, bỏ thêm vào xô. Gần đầy miệng xô, nó xách chạy vút qua
khu vườn nhanh như tên bắn. Về đến gốc cây, nó quỳ xuống cỏ, thở dốc như vừa chạy đến chục cây số. Nó bỗng thấy hai mắt mờ đi, cay xè. Đưa tay
lên dụi mắt, nó mới nhận ra cả gương mặt mình như tắm mồ hôi. Vén vạt áo lên lau mồ hôi, nó bực bội nghĩ: “Chỉ mới lấy cắp ít bánh vụn để tênh
hếch trước thềm nhà, mình còn hoảng sợ đến nước ni! Không biết đến lúc
phải trèo qua cửa sổ lọt vô phòng thằng quan hai I-Tai, mình có đủ gan
không?“. Bánh bích quy tuy bị vỡ vụn nhưng vẫn còn thơm phức. Nhưng Lượm gần như không ngửi thấy mùi thơm. Nó trút cả xô bánh vào cái bao vải
bạt đựng thư bị chuột cắn thủng mà nó xin được của viên đội văn phòng.
Nó đem giấu cái bao xuống dưới đống lá rụng cạnh gốc cây bàng giữa khu
vườn.
Nó nhìn sang thấy anh Bện và lão Tụng vẫn há miệng ngáy vang.
Thằng lính gác vẫn còn mải nhậu nhẹt bên dãy quán. Nó lập tức quyết định phải chạy sang xúc thêm một xô nữa. Nó muốn thử thách mình xem có đủ
gan để làm cái việc thật sự mạo hiểm sắp đến.
Nhưng mới bước được mấy bước, nó đứng chững lại, đắn đo, do dự. Bản tính liều lĩnh nhưng nó
không khỏi chột dạ khi nghĩ đến con chó béc-giê hung dữ lông xám như
lông chó sói. Con quỷ này, Lượm vẫn ngờ nó đang quanh quẩn đâu đó, nhảy
chồm ra lúc nào không biết. Nó bặm môi giận dữ với chính sự do dự, nhát
gan của mình. “Bây giờ mà mình tháo lui, đến hôm đó mình cũng sẽ tháo
lui là cái chắc!“. Nó nghĩ vậy rồi chạy đến chụp cái bao tải ướt lau nhà trải phơi trên cỏ. Nó vụt nhớ trong trận miễu Đại Càng, các anh ở đội
quyết tử mỗi người mang theo cái bao bố tẩm dầu xăng để chống đàn chó
béc-giê đông đến hàng chục con ở vị trí này.
Tay xách cái xô, tay cầm cái bao tải ướt, Lượm cắm đầu chạy vụt qua khu vườn, thẳng đến chỗ để
thùng bánh vụn, với quyết tâm của người lính lao lên vị trí xung phong.
Lượm vừa vục miệng xô vào thùng bánh, một tiếng sủa choát tai! Con béc-giê
lông sói chân lùn, to như con bê, từ phía sau bồn hoa, lao vút tới. Nó
xách cái xô vọt chạy. Con béc-giê chồm tới sủa rống đuổi theo sát gót
chân Lượm.
Lượm chưa kịp ngoái đầu lại thì đã nghe: “Bặp!” Nó đứng
khựng như bị lôi giật lại. Bắp chân trái rát bỏng như lửa cháy. Cái
miệng rộng rớt dãi con sói xám ngoạm ngang bắp chân, gầm gừ lôi Lượm trở lại. Nó muốn vùng vẫy thoát ra nhưng không thoát nổi. Những cái răng
nhọn hoắt cắm sâu vào thịt, nó muốn vùng thoát ra, phải xé tước đôi bắp
thịt. Trong cơn hoảng sợ đến tuyệt vọng, nó bỗng sực nhớ đến cái bao tải ướt đang cầm trong tay. Nó trùm cái tải lên đầu con chó, rồi giáng cao
cái xô quật “Chát! Chát! “ với tất cả nỗi giận dữ điên khùng. Giống chó
dữ rất sợ bị trùm che mắt. Lúc này Lượm mới vụt hiểu tại sao các anh
Quyết tử quân đánh miễu Đại Càng mang báo bố tẩm xăng để chống chó
béc-giê. Con chó hoảng sợ nhả bắp chân nó ra, lắc đầu, xoay tròn như đèn cù để hất bao tải ra khỏi mặt.
Thoát được hàm răng chó, Lượm vọt
chạy về đến chỗ nằm dưới gốc cây thì ngã khuỵu xuống cỏ. Nó nhìn xuống
bắp chân, máu chảy như tắm. Bắp chân lúc này càng nhức nhối rát bỏng. Nó cởi quần, dùng cỏ lau sạch máu. Nó nhai đại một nắm ngọn cỏ, đắp trám
sâu cái lỗ răng chó sâu hoắm trên bắp chân để cầm máu. Xé một mảnh giẻ,
nó buộc thật chặt vết thương. Nó nằm vật xuống cỏ, nước mắt bật troà ra
ướt hai gò má. Nó nghiến răng, rên rỉ: “Tau phải giết chết mi! Không
giết chết mi tau không kể làm người!” Nhớ lại cái vẻ hung dữ của con chó lúc ngoạm vào bắp chân, định lôi kéo mình trở lại chỗ thùng bánh cho
chủ hắn ra đập chết, Lượm giận run người, quên phắt cả đau. Nó vùng ngồi ngay dậy, đưa ống tay áo lau khô nước mắt. Nó vịn gốc cây đứng lên, đi
cà nhắc về phía cuối vườn. Ở đây, nó biết có một cây bòng sai trĩu quả.
Quả bòng lớn bằng trái banh tê-nít, nước quả có vị chua gắt rúng rắng.
Người ta không ăn bòng mà chỉ dùng để gội đầu, hoặc giặt tẩy quần áo. Nó nhìn lên ngọn cây, quả dày như sao. Biết mình lúc này không đủ sức trèo lên hái, Lượm nhặt mấy hòn gạch vỡ ném ngược lên ngọn cây: “Bộp! bộp!” bốn năm quả bòng da xanh bóng rụng xuống cỏ. Nó nhặt lấy ba quả. Nó
nhặt một đoạn dây thép, xâu ba quả bòng thành một xâu, gác ngang lên hai hòn đá. Nó vun lá khô rụng, giấy vụn, nhen lửa nướng ba quả bòng. Ruột
ba quả bòng kêu xèo xèo. Thứ nước chua gắt, rúng rắng trong ruột bòng
đang sôi. Da ba quả bòng cháy sém màu than. Nó chạm ngón tay vào, phải
rụt ngay lại. Nóng bỏng! Nó trút cả ba quả bòng vào cái xô, và bọc mỗi
quả bằng 1 cái lá bàng rụng để lúc cầm bớt nóng. Xách cái xô đó chạy
băng qua khu vườn mặc cho bắp chân đau nhói. Con béc-giê lông sói đang
nằm cạnh thùng bánh vụn, thè lưỡi ra thở. Cách khoảng bốn chục thước,
Lượm chụp một quả bòng nướng còn nóng dẫy trong xô, tận sức ném về phía
con chó. Quả bòng rơi bịch trên nền xi-măng, trước mặt con chó. Con chó
chồm phắt dậy. Nhìn thấy Lượm, nó sủa lên một tiếng rung cửa kính, nhe
răng, cắm đầu lao đến. Lượm ném liên tiếp hai quả bòng còn lại, một quả
trúng bốp vào giữa đầu con chó. Bị ném trúng đầu, con chó nổi điên, cắn
luôn vào quả bòng vừa rớt xuống trước mặt. Nó rú lên một tiếng nghe muốn dựng tóc gáy. Quả bòng dắt chặt vào giữa hai hàm răng nhọn hoắt, như
cái nút đen ngòm, nút mồm nó lại.
Lượm đã chạy về đến gốc cây nghỉ
trưa, quẳng cái xô xuống gốc cây. Nó nhót đến chỗ anh Bện đang ngáy như
sấm, nhẹ nhàng nằm xuống sát bên anh, úp mặt vào lưng anh nhắm mắt cất
tiếng ngáy khò khò như muốn hoà nhịp với tiếng ngáy của anh. Chỉ mấy
phút sau, phía bên sở “Cốp” dậy lên tiếng ồn ào huyên náo tưởng như có
người chết, nhà sập. Tiếng chân chạy, tiếng bọn Tây la hét, tiếng chó
lồng lộn, gầm rít, rên xiết. Bọn Tây ở sở Pốt đang ngủ trưa trong các
gian phòng, cũng phải tỉnh dậy xô cửa chạy ra sân nhớn nhác hỏi nhau:
– Cái gì thế? Cái gì thế?
Tên lính gác đang nhậu ngoài quán rượu, xách súng hộc tốc chạy vào. Nó mừng rỡ khi thấy ba người tù của nó vẫn nằm ngủ dưới gốc cây. Thoạt nghe
tiếng ồn ào rầm rĩ trong khu vườn, nó tái mặt tưởng tụi tù bỏ trốn.
Lát sau, thằng Đội-lùn xách khẩu súng các-bin đi sang sở Pốt. Nét mặt hắn
hằm hằm dữ tợn. Đội-lùn hằm hè nói với viên đội văn phòng sở Pốt:
– Con chó quý của tôi vừa bị một kẻ nào đó ám hại. Tôi chắc là bọn tù của ông!
Tên lính gác liền đứng nghiêm, nói:
– Có lẽ ông đội nhầm. Ba người tù của tôi nằm kia. Và chưa một phút nào tôi rời mắt canh gác chúng.
Viên đội văn phòng hỏi vặn lại:
– Tại sao lại không phải bọn tù của ông?
– Bọn chúng đều bị nhốt chặt trong nhà kho có khoá.
– Thế thì có trời biết được – Tên lính gác nhún vai nói.
Anh Bện, lão Tụng, Lượm lúc này đã ngồi hết cả dậy. Anh Bện thấy thằng
Đội-lùn chỉ trỏ về phía mình nói xì xồ với viên quan hai I-tai, mặt
phừng phừng tức tối; anh sợ quá, run cầm cập:
– Chú nghe coi hắn đang nói chi anh em mình mà coi bộ dữ dằn rứa?
– Bên sở Cốp có chuyện mất mát chi đó. Hắn nghi là mấy người mình có dính dáng vô. Hắn có tới hỏi chi ta cứ lắc đầu thôi nghe!
Thằng Đội-lùn cùng với viên đội văn phòng, tên lính gác, đi thẳng đến chỗ ba người. Cả ba liền líu ríu đứng lên.
Viên đội văn phòng hỏi Lượm:
– Ông đội bên sở “Coopérative-militaire” ngờ các anh làm hại con béc-giê
quý của ông ấy. Trong ba người trưa nay có ai sang bên đó không?
Lượm dụi dụi mắt làm như vẫn còn ngái ngủ trả lời:
– Chúng tôi làm sao sang bên đó được? Anh lính gác đâu có cho chúng tôi rời khỏi gốc cây này một bước.
Tên lính gác nháy mắt với Lượm. Nó hấp háy mắt nhìn lại, giống như hôm nào
hai người nói với nhau: “Mày là một đứa bé hết sức khôn ngoan! – Tôi là
một đứa trẻ nhút nhát thì đúng hơn“.
Tên Đội-lùn trợn cặp mắt xanh màu rắn lục nhìn ba người tù như muốn nhai sống, nuốt tươi họ. Hắn gầm ghè nói:
– Chúng mày liệu hồn! Giống Anamít bẩn thỉu. Tao mà tìm ra đứa nào, tao sẽ bắn ngay!
Lượm biết tụi Tây sở Pốt không ưa tụi sở Cốp. Bên đó, tụi ấy ăn uống phè
phỡn, làm tụi bên này ghen tức. Bọn sở Pốt có vẻ khoái chí khi biết con
chó dữ như hùm của Đội-lùn bị ám hại. Đội-lùn xách súng hậm hực trở về.
Sau đó mấy hôm, Lượm được nghe mấy anh tù ở sở Cốp kể lại: Tiếng kêu rú của con chó làm náo động cả sở. Lúc họ ra khỏi phòng nhốt thì thấy con chó, miệng ngoạm một cục gì đen đen, rú rít, chạy quáng quàng quanh khu nàh
như đã hoá dại. Đội-lùn và bọn Tây sở Cốp phải toát mồ hôi mới bắt giữ
được con chó. Miệng con chó vẫn bị trái bòng nướng khoá chặt. Đội-lùn ôm chặt đầu con chó, định bóp nát quả bòng để lôi ra khỏi hàm răng chó,
nhưng hắn bỗng kêu thét rẩy rẩy tay như cầm phải than đỏ. Bòng nướng giữ sức nóng rất lâu. Hắn phải dùng kìm mổ kẹp quả bòng mới lôi ra được.
Con chó đau đớn đến phát điên, giẫy giụa, vùng vẫy ghê đến nỗi Đội-lùn
phải ngã xiêu ngã sấp. Lợi con chó bị thứ nước chua gắt nóng bỏng của
quả bòng nung chín. Ba hôm sau, nó rụng hết hai hàm răng cửa và cả bốn
cái răng nanh.
Con chó dữ bị nhổ mất răng, mỗi lần há miệng gầm gừ,
trông chỉ thấy toàn lợi, nhìn rất tức cười. “Thằng nào chơi cú thiệt
độc!” Họ bình phẩm như vậy. Lượm vẫn giấu kín không cho các anh tù sở
Cốp và cả anh Bện, lão Tụng biết mình đã chơi cú “độc” đó.
Không còn
sợ hàm răng chó nữa, anh em tù làm cỏ-vê sở Cốp, hễ vắng mặt Đội-lùn là
họ lấy cắp bánh kẹo, đồ hộp, ăn thoải mái. Con chó trông thấy, gầm gừ
nhảy chồm đến cắn, họ lập tức đấm, đạp, xô đầu nó ra như xô cái củ chuối dính vào chân.
8
Lượm đi làm cỏ-vê sở Pốt đã được hơn 1 tháng. Trong thời gian đó nó âm thầm nhưng ráo riết chuẩn bị cho cuộc vượt tù lần thứ ba.
Hai tháng trước đó, cái buổi chiều Huế mưa tầm tã, khi hai cánh cổng gỗ lim niềng sắt lao Thừa Phủ đóng sập lại sau lưng, mọi hy vọng vượt tù hoàn
toàn tắt ngấm trong lòng người Vệ Quốc Quân vừa bước sang tuổi mười lăm
này. Nhưng chợt đến cái buổi sáng hết sức tình cờ mà Lượm bỗng được ngồi lên xe Jeep phóng vùn vụt trên đường phố, thấy lại nhà cửa, bóng cây,
núi xanh trùng điệp xa xa, mặt nước sông Hương bồi hổi sóng… thì hy vọng vượt tù lại bừng lên trong lòng Lượm, mãnh liệt đến nỗi, nó thấy cổ
mình nghẹn lại, tim đập thình thình. Nó tưởng chừng có thể nhảy vọt ra
khỏi xe, lao về phía bờ sông, nhảy ào xuống nước… Cái cảm giác liều
lĩnh, mạo hiểm đó cứ lặp đi lặp lại trong nó rất nhiều buổi sáng về sau. Dần dần Lượm mới trấn tĩnh lại được. hai lầ vượt tù mạo hiểm trước đây
và những ngày sống ở xà lim lao Thừa Phủ đã nhắc Lượm: “Lần này mà thất bại thì mình sẽ vào nằm “ca-sô âm phủ“. Và một đêm nào đó, bọn giặc sẽ
quăng mình lên xe bịt bùng, chở đến bãi xử bắn, giống như Chỉ huy trưởng mặt trận khu C, như anh thợ máy đã săn sóc mình ở Ty An ninh…“.
Mới
tháng trước cso một anh tù đi làm cỏ-vê liều mạng vọt ra khỏi xe chạy
trốn. Kết cuộc anh bị bắn gục ở khúc quẹo dốc Nam Giao.
Trong hơn tháng đó, bao nhiêu việc vừa khó khăn, vừa nguy hiểm, liên tiếp chồng chất lên đôi vai gầy gò niên thiếu của Lượm.
Ban ngày đi làm cỏ-vê Lượm phải chuẩn bị từng li, từng tí cho việc vượt tù, phải thường xuyên đối phó với những bất trắc xảy ra liên tiếp.
Như
buổi chiều xúc trộm bánh bích quy vụn và vặn răng con béc-giê, chỉ một
tí tẹo là Lượm sa vào bẫy không cách gì thoát nỏi. Chiều hôm đó, lúc ba
người sắp leo lên xe về lao, tên Đội-lùn cùng đi với viên quản sếp Tây
lai đen, phó sở Cốp, sang gặp quan hai I-Tai.
Chúng yêu cầu được soát đồ đạc của ba người tù sở Pốt, vì chúng cho biết bị mất một số lượng
khá lớn bánh bích quy vụn chúng để phía ngoài cửa hàng. Và chúng khẳng
định tên ăn trộm bánh chính là tên đã làm hại con chó. Viên quan hai
I-Tai buộc phải để cho chúng khám. Hắn ra lệnh cho viên đội văn phòng
cho tù về chậm mười lăm phút, đứng xếp hàng trước sân và để đồ đạc ra
trước mặt. Đội-lùn hằm hằm nói:
– Chỉ cần tìm thấy một mẩu bánh trong người tên tù nào, là tôi sẽ bắn ngay! Tôi sẽ giết hắn như giết một con vật nhơ bẩn!
Nghe nói mà Lượm ớn lạnh khắp người. Cách đó nửa giờ nó đã xúc một ít bánh
gói lại đút vào đáy cái bị cói mà nó thường để những đồ vật linh tinh
nhặt nhạnh được, mang về lao cho các bạn: vỏ chai, vỏ đồ hộp, những mảnh vải rách, những đoạn dây thép… Nhưng với bản tính thận trọng của người
lính trinh sát, trước khi làm một việc gì cần phải tính đến trường hợp
xấu nhất có thể xảy ra! Đó là bài học, Lượm học được ngày còn ở Đội. Và
nó đã bỏ lại gói bánh, vùi xuống đống lá rụng. Đội-lùn soát rất kỹ đồ
đạc của ba người. Soát không thấy gì, Đội-lùn càng nổi điên hơn. Hắn cứ
lắc đầu nhắc đi, nhắc lại:
– Vô lý! Hết sức vô lý!
Rồi cả bọn đành cúi gằm mặt băng qua khu vườn trở về sở Cốp trước những nụ cười chế giễu của bọn tây sở Pốt.
Ngồi trên xe về đến cổng nhà lao, nghĩ đến sự việc vừa xảy ra, người Lượm
vẫn còn ớn lạnh. “Nếu mình hấp tấp mang túi bánh về thì bữa ni khó lòng
tránh khỏi ăn đạn!“. Nhớ đến vẻ mặt hằm hằm gớm ghiếc của thằng Đội-lùn, Lượm tin là nó sẽ bắn thật, nếu hắn lục thấy gói bánh vụn.
Đợi đến ba hôm sau Lượm mới mang tất cả số bánh về chia cho các bạn.
Mỗi chiều đi làm về, vừa bước chân qua khỏi cánh cửa sắp lớp tường thứ hai
là Lượm phải đối mặt với tụi băng Lép-sẹo. Cái băng trẻ trộm cắp này vẫn tỏ vẻ kình địch với Lượm ra mặt. Lượm phải củng cố, điều khiển các bạn
trong đội “Thiếu niên chiến đấu lao Thừa Phủ” chống chọi với bọn chúng.
Và đồng thời tổ chức cho đội giúp đỡ các anh bị giam ở các dãy xà lim,
ca-sô. Những ngày chủ nhật không đi làm, nó mở lớp dạy chữ cho những đứa chưa biết chữ, như đã hứa. Không có giấy bút, Lượm phải dạy đọc, dạy
viết bằng que, bằng gạch vụn, viết lên đất sân lao, nền ba-ti-măng. Các
bạn học rất chăm. Thấm thoắt đã có đứa chập chững biết đọc, biết viết.
Sức vóc nhỏ yếu lại phải sống lâu ngày trong đói khát, dơ dáy, nhiều đứa
trong đội ngã bệnh. Đứa sốt nóng, đứa ỉa chảy, đứa mụn nhọt lở loét khắp người. Đứa nào cũng chấy rận như sung, áo quần bốc mùi tanh lộn mửa.
Nhìn cảnh tượng này Lượm khóc dở mếu dở. Nó muốn ngã quỵ luôn. Nhiều đêm nó nằm giữa các bạn úp mặt vào cánh tay lặng lẽ khóc thầm. Nó cảm thấy
mình trở nên yếu đuối, bất lực đến phát sợ! Nó chỉ muốn mau mau trốn
thoát ra khỏi nơi đây… Nhưng sáng ra, nhìn những gương mặt xanh xao, võ
vàng tội nghiệp, những ánh mặt trông chờ, tin cậy của các bạn đặt hết
vào mình, nó lại thấy can đảm trở lại. Nó lập tức nhận ra mình không còn cách nào khác là phải đứng thẳng lên để đương đầu.
Đi làm, Lượm cố
gắng mang về nhiều nước sạch hơn. Kiếm được chút thức ăn gì, nó không
đụng đến, mang về cho những đứa bệnh nặng không ăn cơm tù được. Nó lần
lượt bắt các bạn cởi hết áo quần bỏ vào bị, mang đến sở làm. Nó bỏ áo
quần chúng vào cái thùng sắt tây, đổ đầy nước, đun luộc rận. Rận bị luộc chính, nổi lên đọng thành một lớp váng trắng đục trên mặt thùng. Nhìn
lớp váng rận nó rùng mình. Nó đem đống áo quần ra sông giặt giũ, phơi ra chỗ nắng. Chiều áo quần khô, nó lại bỏ bị mang về cho chúng. Vẫn là
những bộ áo quần cũ nhưng được giết hết rận và giặt sạch, chúng mặc vào
súng sính, mừng rỡ như được diện áo quần mới. Chúng cười rạng rỡ, nhìn
Lượm với đôi mắt ngầm ngập biết ơn.
Sau một thời gian đi làm, Lượm
phát hiện ra trong nhiều gói bưu phẩm có các thứ thuốc uống, thuốc tiêm
chữa các bệnh thông thường. Cũng có một số gói bưu phẩm, gia đình của
bọn lính viễn chinh gửi cho chúng các loại thuốc quý. Lượm phải tính đến chuyện lấy cắp thuốc mang về chữa bệnh cho các bạn. Đó là việc hết sức
nguy hiểm, bọn Tây có thể phát hiện, lão Tụng có thể tố giác. Nhưng nếu
không có thuốc, nhiều đứa bệnh nặng có thể chết. Lượm đành phải liều
mạng. Mối lo sợ nhất của nó không phải là bị chúng đánh đập, mà chúng sẽ đuổi không cho đi làm. Và như vậy kế hoạch vượt tù sẽ tiêu ma. Lượm chỉ còn biết trông cậy vào sự thận trọng khôn khéo của mình và sự may rủi
của số phận. Việc lấy cắp không đến nỗi khó lắm, nhưng mang thuốc về lao mới thật đang sợ. Tụi Tây có thể bất thần soát đồ đạc. Lượm tính đến
chuyện làm những cái vỏ đồ hộp đựng nước, đựng thức ăn, có hai đáy, như
cách của những chiến sĩ liên lạc, tình báo hoạt động ở nội thành dùng để chuyển tài liệu, súng đạn. Nó làm thử nhưng không thành công. Muốn làm
được những cái thùng như vậy mà che được mắt giặc, mắt lão Tụng, thì
phải là thợ gò hàn chính hiệu. Nó đào óc nghĩ cách, cuối cùng nó quyết
định giấu vào bên trong mũ rồi đội lên đầu. Thời gian ngắn ngủi hoạt
động tình báo ở Huế vừa qua, Lượm cũng đã có chút ít kinh nghiệm. Nhiều
lúc cách cất giấu tưởng như lộ liễu, sơ hở, lại bảo đảm an toàn. Nó nhặt được cái mũ phớt cũ nát trong đống rác, đem giặt sach, dùng một mảnh
vải bạt khâu thành cái bo mũ, cốt để riết chặt vành mũ cho thật vừa sát
với đầu.
Những lúc xe bất thần xóc mạnh, tim nó giật thót vì lo cái mũ có thể văng khỏi đầu.
Bằng cách đó nó đã lấy cắp mang về lao đủ các loại thuốc: cảm sốt, ỉa chảy, thuốc mở bôi mụn nhọt, viên xuyn-pha-mít, 2 lọ treptômixin, hai tuýp
thuốc ngủ gác-đi-nan và mấy tuýp keo dán gỗ mà lúc lấy vội nó cứ tưởng
là thuốc mỡ. Nhờ có số thuốc lấy cắp này Lượm đã chữa cho mấy đứa trong
đội lành bệnh; trong số này có hai đứa mắc bệnh cảm sốt rất nặng, và một đứa vết lở ở chân đã nhiễm trùng có dòi…
Số thuốc chưa dùng đến, Lượm giao cho thằng Thúi cất giữ.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!