Tuổi Thơ Dữ Dội
Chương 18: Phần thứ bảy (2)
11
Lượm cùng với các bạn trong đội ngồi quây quần xung quanh một tờ báo đặt lên thềm xi măng sát dãy bể nước hỏng. Trên tờ báo có chục vắt cơm tù, một
cái lon đựng muối mỏ. Và cái vỏ đồ hộp vuông đựng lưng miệng bánh bích
quy vụn. Cái thùng nước sạch Lượm mang về để sát thành bể, miệng thùng
đậy mấy ngọn lá bàng loáng nước. Lon bích quy vụn là sáng kiến của Thúi. Túi bánh vụn Lượm mang về được chia làm hai phần, một phần tiếp tế cho
các anh ở xà lim và ca-sô âm phủ. Phần còn lại, cả đội đòi ăn hết một
bữa đã nư, nhưng Thúi gàn:
– Tụi mình con nhà nghèo ăn uống phải tùng tiệm. Mỗi bữa ăn một ít thôi. Để dành lỡ có đứa mô đau, cơm cháo không
nuốt được, còn có miếng bánh cầm hơi…
Lượm giao túi bánh cho Thúi giữ, cười nói với nó:
– Mi mà vô Vệ Quốc Đoàn răng cũng được cấp chỉ huy lựa làm quản lý. Mi mà làm quản lý, tụi tau hoàn toàn tin tưởng, chứ vô tay đứa khác, hắn chỉ
tắc lẻm một lúc là hết bọc bánh.
Thúi quản lý túi bánh rất chặt. Lúc
nào nó cũng đeo kè kè bên lưng. Đi qua nó, đứa nào cũng phải đứng lại
hít hít, vì mùi bánh bích quy bơ thơm điếc mũi. Đứa nào cũng nằn nì:
– Cho tau một miếng nhỏ bằng ngón tay út thôi!
Thúi hứ một tiếng:
– Mỗi đứa cứ xở bớt một miếng bằng ngón tay, mười đứa gộp lại cũng hết lưng túi bánh còn chi!
Thèm đành nuốt nước miếng nhưng không đứa nào dám chê bai Thúi. Vì chưa một
lần chúng bắt gặp Thúi miệng tóp tép nhai bánh. Nó nói:
– Ăn chùng ăn vụng bánh lúc ni cũng bằng ăn cứt của anh em!
Cả đội đều chịu phục nó sát đất: “Đói thắt ruột mà suốt ngày lại cứ phải
ngửi mùi bánh thơm nhức mũi, mà hắn nhịn được, không tắc lẻm thì tài
thiệt”. Đến bữa ăn, Thúi ngồi dang chân, để túi bánh vô giữa, mở ra, xúc một lon rồi buộc ngay lại. Đứa nào lân la đến gần, nó hát mắt ngay! Nó
không ăn trước một miếng dù nhỏ bằng cái móng tay. Có chăng là nó chỉ
mút ngón ray dính chút bột bính, mút đi mút lại mấy lần. Lon bánh được
đặt chính giữa tờ báo chờ ăn cơm xong, chia nhau tráng miệng.
– Ta ăn cơm thôi anh em hè! – Lượm nói.
– Ngớ tề, có hai đứa trong băng Lép-sẹo đang xách cái bị chi nặng đi về
phía ta. – Ngạnh nói, chỉ tay về phía thềm ba-ti-măng hai.
Chồn-hôi và một thằng nữa đi đến chỗ anh em Lượm đang ngồi. Chồn-hôi đặt cái bị xuống, nói:
– Anh Lép-sẹo sai hai đứa tui đến…
Nó mở cái bị, lôi ra một con gà luộc to tướng da vàng hươm, đủ cả đầu, cả
chân, đặt chồng lên những vắt cơm. Nó nói với vẻ trịnh trọng khác
thường:
– Anh Lép-sẹo tụi tui nói đem kỉnh anh Lượm con gà, đền ơn anh cho thuốc cứu mạng.
Có thể nói nếu một kỳ quan thế giới xuất hiện giữa sân lao Thừa Phủ cũng
không làm bọn trẻ sửng sốt bằng khi nhìn thấy con gà luộc nằm đè lên
những vắt cơm tù vừa sống, vừa nhão, vừa khê. Tất cả gần như nín thở,
mắt mở tròn xoe, dán chặt vào con gà luộc. Chúng có cảm giác cả đời
chúng chưa bao giờ được nhìn thấy một con gà luộc to đến như thế, béo
đến như thế, vàng hươm đến như thế! Nước mỡ trên cái lưng tròn căng,
bóng loáng rịn ra chảy thành dòng, lăn xuống mấy vắt cơm bên dưới, và
thấm luôn vào vắt cơm. Vắt cơm tù lập tức ánh lên màu vàng béo ngậy.
Tất cả bọn trẻ đều nuốt nước miếng ừng ực. Không còn đủ sức nhịn nổi, cả
chục ngón tay đen đúa, cáu ghét, cùng một lúc đưa ra sờ vào cái lưng
tròn mum múp rịn nước mở của con gà mái luộc. Lượm-sứt cau mặt. Những
ngón tay thèm khát vội rụt ngay lại và để lại trên làn da gà vàng hươm
những vết đen như vết lăn tay, điểm chỉ.
Con gà luộc của một tay anh
chị đưa đi kỉnh biếu cũng có khác. Hai cái chân gà ngòn khum khum buộn
chéo vào cổ gà bằng một mẩu dây thép, sát ngay bên dưới cái đầu, đúng
điệu đầu lâu xương chéo trên lá cờ của quân cướp biển.
Thằng Lanh cúi sát xuống cặp giò gà, xem xét cái gì đó rất kỹ. Nó ngẩng lên nói với Lượm:
– Con gà ni là con gà mái mơ của mụ vợ Một Điếu.
– Răng mi biết?
– Ngó cặp chân là tui biết ngay! Các món chân gà đều bị mụ chặt cụt chắc
là để nó khỏi bươi phá bồn hoa trước mặt nhà Một Điếu. Con gà ni rất hay chui qua cửa sắt vô lao kiếm ăn. Cách đây lâu lâu tui đã chộp được nó,
cũng định vặt lông nướng đãi anh chơ bữa chơi. Nhưng tui nhớ tới cái
chân bị Một Điếu bắn nát xương bánh chè của anh tù ăn trộm gà, tui phải
thả ra ngay. Nhờ rứa tui mới biết các móng chân bị cụt đó chớ!
Trong
vài ngày gần đây, Lượm đang phải có chuyện lo nghĩ ghê gớm. Chính nhờ sự phải mải lo nghĩ đó mà đầu óc Lượm trở nên sáng suốt, nhạy bén. Nếu
không chắc nó cũng gật đầu nhận với tất cả vẻ hãnh diện của người được
đích thân địch thủ gửi đồ kính biếu. Hơn nữa, con gà cũng làm nó rệu
nước miếng vì thèm giống như các bạn. Cộng thêm câu nói khôn ngoan của
thằng Lanh: “Nhưng nhớ đến cái chân anh tù ăn trộm gà bị Một Điếu bắn
nát xương bánh chè, tui phải thả ra ngay…” làm Lượm nhận ra tai hoạ khôn lường đang rình rập núp sau lưng con gà luộc.
Lượm bưng con gà đặt trả vô bị của hai đứa được phái đi kính biếu, và nói với chúng:
– Hai đứa bay về nói với Lép-sẹo là Lượm-sứt xin nhận tấm lòng của Lép-sẹo, nhưng con gà thì xin trả lại nghe…
Nghe nói vậy nhiều đứa trong đội xịu mặt vì thất vọng. Chúng nhìn con gà với bộ mặt đưa ma. Lượm nói tiếp giọng khá gay gắt:
– Hai đứa bay nhớ nói với Lép-sẹo: Lượm-sứt không ngờ một tay anh chị
khôn ngoan như hắn mà lại làm một việc ngu dại đến như rứa! Hay là hắn
muốn bóp dái Một Điếu hỏi ai bắt trộm gà, thì phải nhận lấy chứ đừng đổ
bậy đổ bạ cho tụi tao nghe! Tụi tao là Vệ Quốc Đoàn, là du kích, không
thích mang tiếng với Tây là quân ăn trộm gà! Thôi xách đi! Lượm nhét cái quai bị vô tay Chồn-hôi, khoát khoát tay ra hiệu hắn xách ngay đi cho
khuất mắt
12
Cách đây hai hôm, buổi sáng Lượm đang lúi húi lau sàn nhà phòng làm việc của quân hai I-tai thì thấy viên đội văn phòng đi
vào. Sau khi chào hỏi, hai thằng nói chuyện với nhau. Lượm vừa lau nhà,
vừa cố hết sức lắng nghe câu chuyện giữa hai thằng Tây, vì bất thần lọt
vào tai nó tiếng: prisonnier (tù)
Viên đội văn phòng báo cáo với tên
Giám đốc sở là vừa nhận được công văn của cấp trên, báo cho biết mấy hôm nữa sẽ có hai người lính da đen xuống sở để làm công việc lao công,
thay cho toán tù. Vì đây là một công sở quan trọng của quân đội, không
nên để bọn tù Việt Minh đến làm cỏ vê… Câu chuyện bất ngờ nghe lỏm được
làm Lượm choáng váng. Nó xách xô nước bẩn và cái giẻ lau đi ra khỏi
phòng. Nó mừng thầm là đã may mắn nghe lỏm được cái tin đáng sợ này. Nếu không, công phu chuẩn bị gần hai tháng trời thành công cốc. Chưa kịp
trốn tù thì một buổi sáng không thấy xe sở Pốt đến đón tù đi làm nữa. Hy vọng tiêu tan. Hai lớp tường cao vòi vọi của nhà ngục Thừa Phủ lại vĩnh viênc khép kín, vây chặt.
Phải trốn gấp, nếu không sẽ không biết còn phải ở tù đến bao giờ! Và cũng có thể chết gục trong tù vì đói khát,
bệnh tật. Ý nghĩ đó nóng rát trong đầu Lượm như than đỏ. Suýt nữa làm nó mất bình tĩnh, định liều lĩnh chạy trốn ngay trưa hôm dó. Nhưng kinh
nghiệm đau đớn của hai lần trốn tù thất bại trước đó đã làm nó tĩnh trí
lại. Lượm quyết định phải dò xem ngày nào chúng gửi lính da đen đến thay thế tù làm cỏ-vê.
Lượm rửa tay sạch sẽ, lau khô, bước vào phòng làm
việc của viên đội văn phòng với vẻ mặt thật tươi tỉnh. Lúc đó khoảng
mười giờ sáng. Ngoài trời gió thổi lộng, lá rụng tới tấp.
Lượm liếc
nhìn thấy viên đội ngồi trước bàn kê sát tường, hý hoáy đọc và ghi vào
sổ công văn. Trên mặt cái bàn vuông cạnh đó để chồng chất những đống
thư. Đó là những thư chờ đóng dấu bưu điện của sở.
Lượm lễ phép nói:
– Thưa ông đội, tôi đã làm xong công việc dọn vệ sinh. Ông có thể cho tôi tập đóng dấu bưu điện?
Viên đội ngẩng lên nhìn Lượm với cặp mắt xanh lưo như có ý dò hỏi: Sao thằng nhỏ này lại không thích nghỉ ngôi, mà cứ thích luôn tay làm việc? Lượm
bước đến cạnh bàn, nói tiếp làm như vô tình:
– Ông quan hai có hứa
sau khi ra tù, ông có thể nhận tôi vào làm tùy phái ở sở. Tôi muốn được
tập làm một số công việc cho quen tay.
– Mày đóng dấu đi! – Viên đội chỉ đống thư rồi cúi xuống đọc và viết tiếp.
Lượm xếp thư thành từng chồng, cầm con dấu có cán như cái búa, một nhát vào
hộp mực dấu, một nhát vào góc phong bì, nhịp nhàng đều đặn. Póc pịch!
Póc pịch! Viên đội quay lại nhìn, gật đầu khen:
– Tốt lắm!
– Cám
ơn ông đội! – Lượm lễ phép đáp không ngẩng đầu lên, tay không ngừng póc, pịch! Nó nghĩ bụng: “Mi cứ cho tau biết ngày mô mi thôi cho tau đi làm, tau còn cám ơn mi hơn!”. Lượm liếc nhìn những tờ giấy đánh máy có dấu
đỏ, viên đội đọc vào sổ xong, để thành một tập dày bên cạnh. Có thể cái
công văn nói rõ ngày tháng thay tù nằm trong tập đó, nhưng biết làm cách nào xem được bây giờ?
Ngoài vườn gió thổi ào ào. Nhìn qua cửa kính,
Lượm biết gió đang thổi thốc vào phía phòng. Phải làm liều thôi! Nó lập
tức quyết định. Với tay qua bàn, nó vặn chốt cửa sổ, đẩy hai cánh cửa mở rộng. Gió thổi thốc vào phòng mang theo cả những chiếc lá khô vàng.
Chồng giấy đánh máy bay tung khắp phòng. Viên đội giật mình kêu lên: Ô
lá la! Méc đờ!
Lượm giả bộ sợ hãi, cuống quýt đóng ập ngay cửa sổ lại!
– Xin lỗi ông đội. Tôi thấy phòng hơi tối, muốn mở cửa cho ông nhìn đọc và viết được dễ hơn. Tôi sẽ lượm xếp lại như cũ…
Lượm hối hả chạy đi thu nhặt giấy bị bay. Tờ nào cầm lên nó cũng rũ rũ như
có bụi dính bẩn. Và lúc rũ tờ giấy, nó liếc rất nhanh. Không phải! Không phải! Không phải! Trời ơi không phải!… Đây rồi! Tờ giấy nắm vận mạng
của nó bay tíy tận góc phòng. Lượm mừng đến muốn trào nước mắt. Ngày hai mươi tháng sau, hai người tù da đen sẽ đến sở nhận việc.
Lượm đặt tập giấy đã xếp ngay ngắn lên bàn, bối rối nói:
– Mong ông đội tha lỗi cho sự vô ý của tôi!
– Không sao!… Hắn lại cúi xuống cắm cúi viết.
Lượm đến bàn, đóng dấu tiếp các chồng thư. Con dấu bưu điện in rõ ngày hôm nay mười bốn tháng sáu.
Póc pịch! Póc pịch! Póc pịch! Mười bốn tháng sáu. Mười bốn tháng sáu. Mười
bốn tháng sáu! Con dấu bưu điện in mổ vào hộp mực in, mổ xuống góc phong bì, lúc này vang lên bên tai Lượm điệp khúc đó.
13
Hai mươi tháng sáu là ngày thứ hai. Lượm quyết định vượt tù vào trưa ngày mười tám,
thứ bảy! Trước mắt Lượm chỉ còn hai ngày nữa để chuẩn bị những khâu quan trọng cuôí cùng. điều làm Lượm phải nát óc lo nghĩ là trong cuộc vượt
tù lần này phải đưa được thằng Thúi cùng trốn. Đã từ lâu, Lượm coi Thúi
như đứa em ruột, như chính Tư-dát vậy. Chưa một lúc nào Lượm có ý nghĩ
vượt tù lấy một mình, để Thúi lại chơ vơ trong nhà lao. “Cũng một phần
do mình mà tự nhiên nó bị vào tù. Và nếu không có nó la tiếp cứu, săn
sóc mình lúc đau, thì chắc mình đã ngoẻo lâu rồi“. Lượm luôn nghĩ như
vậy.
Lượm đã nói riêng với Thúi từ lâu dự định vượt tù và dặn nó phải hết sức giữ kín. Kế hoạch trốn tù của hai đứa, Lượm phác qua cho nó
nghe: Đến ngày đó, Lượm sẽ tìm cách đưa nó đi làm cỏ-vê. Nó sẽ đóng vai thằng bán kẹo gừng “đúng nghề nghiệp chuyên môn của mi”, đi trước dò
đường, Lượm sẽ đi sau nó chừng trăm bước, đóng vai thằng ở đi chợ về.
Tay Lượm sẽ xách cái bị, trên bị để mấy mớ rau, hành dưới bị là “khẩu
côn mười hai” của thằng quan hai I-tai (khẩu súng này không một phút nào nằm ngoài tính toán của Lượm). Dọc đường tẩu thoát hễ thấy động động
như gặp trạm kiểm soát, tụi An ninh, Bảo Vệ Quân đi tuần tiễu là Thúi
phải rao kẹo gừng nóng mới ra lò thật to, để phía sau Lượm liệu đường
đối phó…
Lượm nói với Thúi:
– Công việc đi trước dò đường rất khó, trong bộ đội gọi là đi xích hầu. Đi xích hầu phải khôn ngoan, chăm chú, lanh trí, nếu không, người đi sau dễ dàng ăn đạn. Thằng Tư-dát đi xích
hầu cho tau, chỉ lơ là một chút mà tau bị tóm, rồi mi cũng bị tù lây
luôn. Liệu mi có làm được không?
– Làm được.
– Mi không sợ à?
– Chắc lúc đó tui cũng run… Nhưng tui biết sau lưng tui có anh thì răng
tui cũng làm được… – Thúi ngẫm nghĩ một chút, rồi nói thêm, mặt nó trở
nên già câng. – mà có chuyện chi thì hai anh em mình cùng chết. Anh đi
mô tui xin đi theo nấy. Tui mà không có anh thì e tui cũng nhảy xuống
sông, xuống hói mà chết cho rồi đời!
Lượm lấy số tiền Thúi cất giữ
bấy lâu, đem đi sắm cái mủng, cái mẹt bán kẹo gừng, và một túi nhỏ kẹo
gừng, để hôm đó bày lên mẹt.
Thằng Thúi cứ xuýt xoa tiếc mãi cái thúng, cái mẹt cũ của nó.
– Tau mua cho mi bộ đồ nghề mới cũng tốt lắm.
– Đồ nghề mới quá, họ dễ nghi? Mủng mẹt cũ, sợi dây đeo đen láng mồ hôi
mới ra thằng bán kẹo gừng thành thạo… Rứa đồ nghề anh mua sắm, chừ giấu ở mô?
– Trên cái máng xối sau dãy nhà kho. Tau đã buộc sẵn cả dây đeo vô rổ mủng.
Việc đưa Thúi đi làm cỏ-vê không đến nỗi khó lắm. Lượm đã ướm thử với anh
Bện: “Thằng em tui từ ngày bị bắt đến chừ chưa được tắm, ghẻ lở đầy
người. Bữa mô anh giả đò đau, nghỉ một bữa, cho em tui thế chân anh đi
làm cỏ-vê để hắn được tắm sông. Có được không anh?“. Anh Bện đồng ý
ngay: “Khi mô cậu em thích đi, chú cứ nói với tui. Đi thay một bữa chứ
hai ba bữa cũng được“.
Nhưng còn lão Tụng, biết làm cách nào để lão ở lại nhà lao đúng cái hôm vượt tù? Lão ta vẫn không ngớt để mắt dò la
Lượm. Cặp mắt hùm hụp giảo quyệt của lão vẫn thường liếc nhìn trộm Lượm, và đáy mắt loé ánh thù hận. Bắt gặp tia nhìn của lão, Lượm vừa tức
giận, vừa lo sợ. Nó có cảm giác cặp mắt trơn nhớt, ghê ghê như mắt rắn
độc của lão bám chặt khắp người mình, cả lúc đứng, lúc đi, lúc ăn, lúc
ngủ… Lượm biết, chỉ cần lộ ra một chút gì đó, lão sẽ báo ngay với tụi
Tây. Lão đã làm cho Lượm phải lo nghĩ bồn chồn, thấp thỏm, mất ăn mất
ngủ. Làm cách nào đây để loại lão Tụng ra trong cái ngày sống chết quyết liệt đó? Lượm nghĩ đến nát óc.
Buổi chiều thứ sáu – trưa thứ bảy là
ngày cuối cùng để vượt tù – ngồi trên xe sát bên cạnh lão, trở về nhà
lao, Lượm nảy ra quyết định: “Phải nhờ tay Lép-sẹo!“.
Về đến lao, Lượm nói ngay với thằng Thúi:
– Mi chạy đi tìm Lép-sẹo, nói riêng với hắn ra chỗ gốc cây cơm nguội cạnh dãy “ca-sô âm phủ”, cho Lượm-sứt gặp, có chuyện muốn nói. Nó với hắn đi một mình thôi nghe!
Thúi hộc tốc chạy đi. Lượm đứng ở gốc cây cơm nguội chờ Lép-sẹo trong nỗi thấp thỏm khôn cùng.
Chừng mười phút sau, Lượm thấy Lép-sẹo từ ba-ti-măng hai đi ra cùng với Thúi. Có mấy thằng đàn em đi theo, nhưng Lép-sẹo quay lại, khoát tay đuổi
lui. Khi đến cách Lượm còn mấy bước, Lép-sẹo đưa tay cài lại khuy áo
pạc-ti-dăng mở phanh ngực, như có ý xấu hổ với cái hình xăm trên ngực.
Lượm hồi hộp lắm với quyết định liều lĩnh của mình. Nó cố lấy dáng bộ
thật tự nhiên, niềm nở bước đến bên Lép-sẹo.
– Răng, đã lành hẳn chưa? Đừng giận mình chuyện con gà kính biếu hôm nọ hí. Mình nói đó là tình thiệt.
Lượm đưa tay ra. Lép-sẹo cũng vội đưa tay ra với vẻ ngượng nghịu. Nó nói, mặt hơi cúi xuống:
– Tui cũng thấy làm rứa là ngu…
Hai bàn tay nắm chặt nhau. Hai cặp mắt vốn thù địch cùng nhìn nhau, im lặng đến một phút. Lượm bóp bóp bàn tay Lép-sẹo nói, giọng thán phục.
– Cứng như sắt nguội! Đúng là bàn tay của làng dao búa!
– Gặp tui có việc chi rứa?…
– Mình có việc vô cùng hệ trọng, việc chết người! Nếu bạn hứa hết sức giữ kín thì mình mới nói.
– Không giữ kín tui sẽ hộc máu chết tươi!
– Mình hoàn toàn tin lời hứa danh dự của bạn. Mình với bạn biết nhau rõ
lắm nên chẳng cần nói quanh co thêm mệt. Mình hỏi thật ri: “Bạn có muốn trốn tù không?“.
– Trốn tù? – Lép-sẹo hỏi lại như chưa tin vào tai mình lắm.
– Ừ. Vượt khỏi cái nhà lao chó chết ni.
– Nếu đốt được cả lao cho cháy rụi hết cả Tây, cả ta, thì mình đốt liền chẳng gớm tay! – Giọng Lép-sẹo cộc cằn, thù hận.
– Rứa là bạn cũng muốn trốn khỏi đây.
– Nhưng trốn răng được! – Lép-sẹo lắc đầu. – Tường ni không vượt nổi mô.
Có điên mới vượt tường! Mình sẽ đưa bạn đi làm cỏ-vê ở sở Pốt. Và cả ba
đứa mình cùng trốn. Mình và thằng em mình đây, – Lượm đặt tay lên vai
Thúi, – trốn lên núi, trở lại Vê-cu-đê. Còn bạn thì muốn đi mô tuỳ bạn…
Giọng Lép-sẹo đột ngột run lên, hỏi lại gần như thì thầm:
– Khi mô trốn?
– Trưa mai.
Lép-sẹo lại đưa tay ra nắm chặt tay Lượm, nói nước mắt rơm rớm:
– Bạn cứu mình sống chừ lại giúp mình vượt tù… ơn nghĩa to rứa biết lấy chi đền?
– Ơn nghĩa chi mà… Cũng phải dựa nhau cả thôi. Có việc ni nếu bạn làm
được thì mình mới giúp nổi bạn lọt ra khỏi lao. Bạn có biết lão Tụng
không?
– Cái thằng cha mặt choắt như mặt khỉ vẫn đi làm cùng sở với bạn à? Hắn ngủ cùng ba-ti-măng với mình…
– Đúng đó. Thằng cha đó là đồ liếm đít Tây. Trước tê hắn cũng là Việt
Minh như mình. Tây đến, hắn phản Việt Minh, đưa Tây đi giết Việt Minh…
– Cố nội hắn! – Lép-sẹo nhổ nước bọt, chửi.
– Hắn căm mình lắm, chỉ rình rập coi mình có làm chi để báo với tụi Tây.
Sáng mai, thằng em mình đây sẽ thay chân anh Bện, anh đồng ý rồi. Còn
bạn phải tìm cách thay chân lão đó.
Lép-sẹo bặm môi suy nghĩ.
–
Làm cách răng được hè?… – Lượm nói, – Theo mình, bạn phải trùm chăn đập
cho lão một trận, làm cho lão ngắc ngư, không lết được. Mình sẽ nói với
tụi Tây đến nhận tù để bạn thay chân lão.
– Không thèm trùm chăm đập làm chi cho mệt! Mình cắt gân chân lão.
– Cắt gân? – Lượm hỏi lại và thấy lạnh gáy.
– Chớ chi nữa! Trong làng dao búa ai phản bội đều bị xử tội cắt gân chân. Hắn phản Việt Minh cắt gân là đáng lắm. Cắt gân chân thì sống cũng bằng thừa. Không đi được, chỉ có lết thôi.
Kẻng báo giờ tù phải vào ba-ti-măng. Lượm nói:
– Làm cách chi tuỳ bạn. Nhưng phải làm nội trong đêm nay. Nếu không làm được là coi như hỏng hết mọi việc.
– Bạn cứ tin ở mình. Thằng Lép-sẹo ni coi lời nói là đọi máu.
Nửa đêm hôm đó cả khu vực nhà lao đang chìm trong yên tĩnh, bỗng ở
ba-ti-măng hai nổi lên một tiếng rú ghê rợn. Tiếp đó là tiếng ồn ào như
vỡ chợ. Tiếng kẻng đánh báo động. Tiếng bọn lính ngục quát tháo ầm ĩ.
Tiếng súng nổi rầm rầm. Phải hàng tiếng đồng hồ sau, tiếng ồn ào mới
lắng xuống.
Sáng hôm sau, cửa ba-ti-măng vừa mở, tin đồn đã lan ra
khắp lao. Có một anh tù già tên là Tụng, đạp vào một anh tù nào đó mò đi ỉa. Anh tù này nổi điên, túm lấy chân người đạp, cắt một lát đứt lìa
gân khoeo chân. Ông Tụng đang đắp chiếu nằm trong đó chờ đưa lên xe bò
chở đến nhà thương.
Lượm và Lép-sẹo gặp nhau giữa sân lao, Lượm đi lại gần, thì thào hỏi:
– Có ai biết không?
– Trời biết! Tối như đêm ba mươi! Lép-sẹo trả lời mặt lạnh băng.
– Con dao?
– Cắt xong là liệng luôn vô cầu tiêu, chìm nghỉm trong cứt.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!