Tuổi Thơ Dữ Dội - Chương 19: Phần thứ bảy (3)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
115


Tuổi Thơ Dữ Dội


Chương 19: Phần thứ bảy (3)


14

Xe của sở Pốt bao giờ cũng đến chở tù đi làm muộn nhất.

Tù đi làm các sở đã vãn hết. Trên sân trước ìao chỉ còn lại Lượm, Thúi,
Lép-sẹo và bọn tù con nít. Lượm ngong ngóng nhìn ra cổng lao, lòng bồn
chồn khôn tả. Lép-sẹo và Thúi cũng vậy hai đứa chốc chốc lại đưa mắt
nhìn Lượm như muốn hỏi: “Liệu có trót lọt được không?“. Lượm lẳng lặng
gật đầu. Từ chiều qua, thằng Thúi nghe theo Lượm đã đổi cái áo ba lỗ bao tải cho Chồn-hôi lấy cái áo cộc tay rách. Chồn-hôi rất khoái việc đổi
chác lợi lộc này. Số thuốc uống, thuốc bôi, đựng trong các túi Thúi giao lại cho Ngạnh.

– Mi cất giúp, sợ đi làm cỏ-vê rớt mất.

Lượm chỉ
giữ lại một tuýp thuốc đựng hai chục viên thuốc nhỏ – thuốc ngủ
gác-đi-nan dắt vào cạp quần mang theo. Còn Lép-sẹo, Lượm bắt phải lấy
nước dấp lên tóc chải ép xuống với mẩu lược gẫy, và mặt mũi phải rửa ráy tử tế. Lượm nói:

– Cậu phải làm bộ hiền khô, để tụi Tây tin tưởng mà nhận cậu đi làm.

Tụi đàn em ngắm đại ca Lép-sẹo, cười rúc rích.

– Bửa ni ngó “đại ca” đẹp như chú rể đi hỏi vợ.

Sáng nào Lượm đi làm, các bạn trong đội cũng kéo ra tận cửa sắt ngó theo cho đến khi trèo lên xe jeep chạy khuất. Và lần nào, bước ra khỏi cổng lao, Lượm cũng quay lại ngoắc ngoắc tay nói với chúng: “ở nhà vui nghe?
Chiều tau về“.

Nhưng sáng nay Lượm không đủ gan nhìn các bạn. Mắt nó
cứ tránh nhìn đi chỗ khác. Sợ bắt gặp cái nhìn trông đợi, thương mến của các bạn, nó sẽ khóc mất. Nó biết chắc, công việc hôm nay dù trót lọt
hay không, mình cũng sẽ không bao giờ còn gặp lại các bạn nữa. Một là
thoát, hai là chết. Lượm muốn nói với các bạn một lời dặn dò, an ủi,
nhưng cứ mở miệng là cổ tắc lại, mũi cay xè. Các bạn cũng nhận thấy cái
vẻ khác lạ, không bình thường của Lượm. Chúng nhìn Lượm ngơ ngác, dò
hỏi. Nhìn bóng nắng trên sân lao. Lượm biết sắp đến giờ xe của sở Pốt
đến chở tù đi làm.

Vừa đúng lúc đó, xảy ra một sự việc hết sức bất
ngờ, làm Lượm muốn đứng tim. Cửa sắt mở rộng, Một Điếu từ sân ngoài bước vào. Miệng hắn không ngậm tẩu. Chính điều bất thường này tên chúa ngục
đập vào mắt Lượm đầu tiên, và như dự báo tai họa ghê gớm sắp giáng xuống chính đầu nó. Quả nhiên, Một Điếu vừa nhìn thấy bọn tù con nít, bộ mặt
cô hồn của hắn quạu ngay lại, dữ dằn hơn cả mọi ngày. Hắn vung cây roi
ra như con rắn đen, vẫy bọn trẻ.

– Lại đây? Tất cả lại đây! – Một tay hắn đặt lên bao súng.

Có mấy đứa khiếp đảm định co giò bỏ chạy. Lượm quát to:

– Không được chạy! Tụi bay muốn chết à?

Không còn cách nào khác Lượm liều mạng bước đến gần, cố nói giọng không run:

– Thưa ông quan hai. Chúng tôi có mặt. Ông cần gì tôi xin thông ngôn với
chúng. – Lượm đưa tay chỉ các bạn đang đứng nép hết phía sau.

– Trong bọn chúng mày, đứa nào đã giết trộm con gà mái đẹp của vợ tao?

Việc mà Lượm lo sợ trước đã xảy ra. Sáng sớm nay lúc cho đàn gà ăn, mụ vợ
Một Điếu phát hiện con gà mái hoa mơ đang nhảy ổ bị mất. Mụ tru tréo:“Thằng mô, con mô ăn trộm con gà của tao?“. Mệ-Lai-tàn-tật chạy đến, đưa ra một nắm lông gà, xun xoe nói: “Bẩm bà lớn, tụi tù đã giết trộm con
gà của bà. Chiều qua lúc đi roỏn quanh lao, tôi thấy một đám lông gà nằm lấp trong cỏ phía sân sau. Tôi biết ngay gà của bà“. Thế là mụ nổi cơn
tam bành, chạy vào buồng lôi cổ Một Điếu dậy, dí túm lông gà vào sát mặt lão, bù lu bù loa, bắt lão phải vào ngay tra khảo cho ra đứa mô giết
trộm gà. Một Điếu còn ngái ngủ, đi vào lao không kịp ngậm ống điếu.

– Thưa ông quan hai, tôi không biết. – Lượm trả lời mặt xanh tái.

– Không biết? – Một Điếu gằn giọng hỏi lại và vung roi quất như xé thịt xuống vai Lượm.

Lượm không dám né tránh, gồng mình chịu đòn. Vì nó thừa biết tránh đòn hắn
càng nổi điên, quất tiếp và có thể ăn đạn, vì tay hắn đã mở bao súng.

Lượm trào nước mặt giàn giụa trên hai má.

– Thưa ông quan hai, tôi phải đi làm cỏ-vê ở sở Poste Militaire suốt ngày, tôi không thể giết trộm con gà của ông.

– Mày phải hỏi chúng nó xem đứa nào giết trộm gà? Nếu không đứa nào nhận, tất cả sẽ bị bắn chết! – Một Điếu rút súng ra khỏi bao, Lượm quay lại
thông ngôn câu hỏi của hắn với bọn trẻ. Nó bắt gặp tia nhìn hoảng sợ của Lép-sẹo. Thằng Chồn-hôi đứng sau lưng Lép-sẹo, run rẩy, mặt cắt không
ra giọt máu. Nó đưa mắt nhìn Lượm như cầu khẩn “Xin anh tha cho em.“. Nó lại nhìn khẩu súng lục trong bàn tay lông lá của Một Điếu. Nỗi sợ hãi
của nó đã lên tới cùng cực. Cặp mắt nó sao mà giổng hệt cặp mắt con chó
sắp bị người ta dìm chết giết thịt. Các bạn trong đội của Lượm mặt cũng
đều tái xanh tái tử. Mắt chúng đều đổ về phía Lép-sẹo và Chồn-hôi, có vẻ như sắp chỉ mặt hai đứa. Lượm hiểu ý liền trừng mắt ra hiệu.

Thằng Lanh hiểu ý Lượm trước tiên. Nó nói:

– Nhờ anh nói lại với ông nớ là anh em tui không ai dám săn trộm gà của ông…

Tất cả cùng bắt chước Lanh nói theo. Lượm thông ngôn lại với Một Điếu.

Một Điếu khoát cây roi, chỉ vào mặt tất cả, gằn giọng hỏi:

– Tất cả không ăn cắp? Tất cả không biết?

– Vâng ạ? Vâng ạ?

Một Điếu gọi ba tên lính ngục vào, hạ lệnh:

– Xích tay tất cả chúng nó lại, tống vào ca-sô! Bao giờ có đứa nhận mới được thả ra.

Bọn lính ngục rập dạ to và chạy ra nhà kho còng tay. Lượm không ngờ cơ sự
đến nông nỗi này? Lượm phải cố hết sức mới khỏi bật khóc thành tiếng.
Chỉ vì một con gà mái chó đẻ, mà nó phải chịu thất bại ở phút cuối cùng. Nếu sáng hôm nay không đi làm cỏ-vê, phải còng tay chui vào ca-sô, thì
chưa biết đến ngày nào mới thoát ra khỏi cảnh tù đày. Và có thể bỏ xác
lại ở đây vì đói khát, bệnh tật hành hạ.

Lép-sẹo khẽ gọi:

– Lượm?

Lượm gạt nước mắt, ngẩng lên. Hai cặp mắt chạm nhau.

Lép-sẹo đưa mắt nhìn sang phía Chồn-hôi, lắp bắp nói:

– Hay là…

Lượm quắc mắt, một tiếng kêu nghẹt giữa hai hàm răng.

– Không được!

Nó bỗng giận run, giận mờ cả mắt. Nó chỉ muốn nhào tới bóp cổ Lép-sẹo mà
gầm thét: “Mi là đồ chó! Mi gây ra mọi chuyện. Rồi chừ mi định đổ tội
lên đầu đàn em mi để thoát thân!“. Nhưng nó kịp ghìm lại được.

Ba tên lính ngục xách mỗi đứa một xâu còng tay đi vào, hô:

– Hai tay chắp lại đưa ra trước mặt? Tổ cha tụi con ranh con lộn? Chuyến ni thì bay mục xương trong đó?

Một Điếu đút súng vào bao, đứng chống nạnh mặt lầm lầm chờ kiểm tra bọn lính ngụe Còng tay tụi tù giết trộm gà.

– Ắc ê! Ăc ê! Ắc ê! Anh tù điên bỗng từ phía sau, vừa hô vừa giậm chân đi đều, cười nhăn nhở bước thẳng đến trước mặt Một Điếu. Anh giơ tay xòe
cả năm ngón đưa lên vành mũ các-tông hình nón, chào và nói thứ tiếng Tây hổ lốn quen thuộc của anh:

– Bông-dua mông dạch-nằng – chào ông quan hai – Xe-moa vô lê la-pun – Chính tôi ăn trộm con gà mái. Moa đói cái
bụng – Moa vồ la-pun – Anh làm động tác vồ gà – Moa rô-ti moa đớp –
Pác-đông me-xừ. Xin lỗi ông!

– Chính mày ăn trộm con gà?

– Còn ai vô đó nữa? Uỳ me-xừ!

Một Điếu vung roi quật tới tấp lên người anh điên. Anh nhảy như con choi choi, miệng la bai bải:

– Pác-đông me-xừ! Pác-đông me-xừ?

Anh bất thần ngã lăn ra đất, rồi lăn tròn như con quay, la hét chuyển cả nhà lao:

– Ôi làng nước ơi cứu tôi với! Cứu tôi với! Cứu tôi với! Một Điếu tuy-ê moa? Một Điếu giết tôi!

Hết la hét anh lại cười sằng sặc, điên không chịu được!

Tình huống quá bất ngờ làm Lượm chỉ còn biết đứng há hốc mồm mà nhìn.

Ngoài cổng lao có tiếng xe phanh rít. Tiéng viên quản phó đề lao gọi chõ vào rất to.

– Pốt Mi-li-te mô? Ra!

Lượm đáp như trong mơ:

– Có ạ? Nó chụp vội lấy tay Lép-sẹo và Thúi chạy ra cổng lao.

Lượm mừng đến suýt đái ra quần khi thấy trên xe jeep không có viên đội văn
phòng. Nếu có viên đội, việc thay hai tù mới chưa chắc hắn đã bằng lòng
ngay. Nó biết hắn rất cẩn thận và khó tính, không thích ai làm trái ý
hắn. Còn đối với thằng lính gác thì sẽ dễ dàng hơn. Với hắn tù nào chẳng là tù.

Tên lính hỏi Lượm:

– Hai tên tù kia đâu?

– Ốm nặng phải đi nhà thương.

– Hai thằng này có tốt không? – Hắn chỉ Lép-sẹo và Thúi.

– Tốt, rất tốt?

– Mày bảo đảm chứ?

– Tôi xin lấy đầu tôi để bảo đảm!

Hắn nhún vai:

– Tao cóc cần. A-lê, lên xe!

Khi chiếc xe quặt sang phải, chạy dọc theo đại lộ xanh rợn bóng cây, gió ẩm ướt từ mặt sông thổi tạt vào mặt, Lượm mới dần dần tĩnh trí lại. Nhưng
đầu óc nó vẫn còn choáng váng, bàng hoàng như.vừa bừng tỉnh một cơn ác
mộng.

Lép-sẹo ngồi sát vào Lượm, một tay nó đặt lên đùi Lượm nói giọng run run:

– Bữa ni không có anh tù điên thì không biết sẽ ra răng hè?

– Chết cả bọn chứ còn răng nữa?…

Thúi cũng thì thào nhắc lại điều vẫn ám ảnh đầu óc nó từ lâu:

– Anh tù điên ni lạ lắm. Tui nghi là anh nớ không điên.

15

Điều Lượm lo lắng không phải không có căn cứ. Ba đứa vừa bước xuống xe, đi
vào đến sân, viên đội văn phòng đã bước ra, cau mặt lại hỏi:

– Hai thằng tù kia đâu?

– Thưa ông đội, họ bị ốm nặng, mắc phải bệnh truyền nhiễm.

– Sao không thay bằng hai tên tù lớn? – Hắn hỏi tên lính gác, giọng gần như gắt.

Tên lính gác luống cuống nhìn Lượm. Lượm nói ngay:

– Thưa ông đội, ở nhà lao, không còn một người tù lớn tuổi nào. Hôm nay
có nhiều sở mới đến lấy tù đi làm cỏ-vê. Họ phải lấy cả tù con nít. Hai
đứa này tuy nhỏ, nhưng làm việc siêng năng và hiền lành. Tôi biết rõ
chúng.

Viên đội nhún vai, đi vào phòng làm việc.

Lượm lập tức lên giọng khá hách dịch sai bảo Lép-sẹo và Thúi:

– Ê, thằng này vào lấy đôi thùng ra sông gánh nước, đổ đầy vào hai bể.
Còn thằng này, – Lượm chỉ Thúi, – lấy chổi quét sân. Phải làm việc cho
chăm chỉ vào. Các quan lớn ở đây là rất ghét bọn lười biếng!

Lép-sẹo
răm rắp sợ sệt nghe theo Lượm điều khiển. Thúi chăm chú quét sân, nhặt
từng chiếc lá rụng; Lép-sẹo đặt đòn gánh lên vai là chạy huỳnh huỵch.
Viên đội văn phòng đứng trước hành lang, quan sát chúng làm việc. Lượm
liếc mắt, thấy hắn có vẻ hài lòng. Nó mừng thầm: Ổn rồi

Lượm quét
dọn, lau sàn nhà còn kỹ hơn cả mọi ngày. Xong ở phòng làm việc của viên
đội, nó xách 1 xô nước sạch, giẻ lau, sang phòng của quai hai giám đốc
sở, gõ cửa xin phép được vào làm vệ sinh. Quan hai I-tai ngồi trước bàn, ngẩng bộ mặt ông giáo làng lên nhìn Lượm, gật đầu, rồi cúi xuống viết
tiếp cái gì đó.

Con nhện vàng “canh kho vũ khí” vẫn có mặt ở vị trí,
bò đi bò lại tuần tiễu một cách chuyên cần trên sợi tơ ánh bạc găng từ
chuôi khẩu súng lục đến nóc tủ. Tim Lượm đập rộn lên, nhưng nó phải cố
hết sức để không nhìn con nhện lâu hơn nữa. Nó thầm nói:“Tao cảm ơn mi
lắm đó nhện ơi!“. Và hết sức bất ngờ Lượm bật nhớ một câu học thuộc
lòng trong sách Quốc-văn giáo khoa thư lớp ba:“Buồn trông con nhện
giăng tơ. Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai…?“. Vừa cắm cúi lau sàn
nhà, nó vừa thì thào:“Nhện chờ mối tui“. Nó rùng mình khi tưởng tượng
đến lúc cái nòng thép lạnh cứng kia áp sát vào da bụng mình.

Lau xong sàn nhà, nó mở rộng các cánh cửa kính, cửa chớp, nó trèo đứng lên bậu
cửa lau chùi hai khuôn cửa mở ra vườn. Vừa lau, nó vừa đưa mắt ước lượng chiều cao từ bậu cửa đến đất vườn. Lúc đóng lại những cánh cửa của
khuôn cửa sổ gần bàn làm việc của viên quan hai, nó vặn quả bàng sắt khá mạnh để đóng chốt sắt kêu phập vào lỗ chốt cửa, cốt cho I-tai đang ngồi làm việc cũng nghe tiếng. Hai cánh cửa chớp ở khuôn cửa cuối gian
phòng, lúc đóng, nó cũng vặn quả bàng sắt khá mạnh nhưng không cho chốt
sắt chui vào lỗ chốt. Đứng ngoài vườn, có thể ẩy nhẹ cũng mở ra được.
Đóng đến hai cánh cửa kính nó cũng định làm như vậy, nhưng kinh nghiệm
chiến sĩ trinh sát mách bảo:“Không nên!“. Và Lượm đã vặn cho hai gióng
sắt chui vào lỗ chốt. Nó phải đề phòng sau khi nó ra khỏi phòng, tên
quan hai cáo già với tính thận trọng cố hữu, có thể đến kiểm tra lại.
Nhưng có điều khác với những buổi làm vệ sinh trước, nó cố ý để quên lại tấm giẻ lau sàn nhà dưới chân bậu cửa sổ. Lượm nắm chắc quy luật: Cứ
khoảng mười giờ sáng, tên I-tai có thói quen trở về buồng ở, uống một
tách cà phê sữa mà mụ vợ hắn pha sẵn. Gian phòng thường để trống khoảng
mười lắm phút.

Khoảng chín giờ rưỡi, tên lính gác cho ba đứa nghỉ
giải lao. Chúng ngồi tụm đầu dưới bóng mát cây vông đồng cổ thụ trước
sân. Tên lính gác ngồi dưới gốc cây phượng cách ba đứa chừng chục bước
chân. Khẩu tiểu liên “mát” gác ngang trên đùi, hắn châm điếu thuốc
Gô-loa, rít khói, mắt mơ màng nhìn ra cổng, nhìn dãy quán rượu bên kia
đường.

Thúi lào thào hỏi:

– Anh sửa soạn xong cả chưa?

– Cũng tàm tạm… – Lượm gạt mồ hôi trán trả lời.

Lép-sẹo trống ngực đập thình thịch hỏi:

– Mấy giờ thì bắt đầu?

– Mười một giờ rưỡi! Sở tan giờ làm việc. Bọn chúng đều ngủ trưa. Một giờ rưỡi chúng mở cửa.

– Thằng nớ thì làm răng? – Lép-sẹo hất đầu về phía tên gác.

– Có trưa hắn dựa gốc cây ngủ gà ngủ gật; Có trưa hắn mò qua dãy quán bên tê đường nhậu nhẹt.

– Lọt qua hắn có dễ không?

– Cũng không dễ.. Tốt nhất là phải làm cho hắn ngủ thật say.

– Làm cách răng?

– Phải cho hắn một liều thuốc ngủ. Thuốc ngủ có sẵn đây rồi. – Lượm vỗ
lưng quần. – Nhưng phải hoà vào nước hoặc rượu để mời hắn. Có rượu thì
tốt nhất. Sợ nước hắn không uống. Hắn là con sâu rượu mà… Này, Lép-sẹo,
cậu có thể đánh xoáy một chai rượu bày trên bàn mấy cái quán ngoài kia
không? Nghe cậu là bậc tài danh trong nghề này…

– Dễ ợt! – Lép-sẹo hăm hở đáp. Nó nheo mắt nhìn ra dãy quán, trong óc phát nhanh kế hoạch đánh cắp chai rượu. Nó nói:

– Nếu có một hai đồng bạc thì chắc ăn trăm phần trăm. Lúc gánh nước qua
đó mình sẽ xin thằng gác cho ghé vô quán mua điếu thuốc hút. PHải có cớ
để đến gần bàn để rượu.

– Thúi, mi đưa cho Lép-sẹo hai đồng bạc còn lại.

Thúi móc túi đưa cho Lép-sẹo tờ giấy bạc hai đồng, và nhìn tờ bạc với cặp mắt tiếc rẻ. Lép sẹo khẽ bợp tai Thúi, cười:

– Ngó con mắt mi mà tau rầu thúi ruột. Có ngày sẽ đền lại cho mi hai lượng vàng…

Lép-sẹo vo tròn tờ giấy bạc nhét vào lỗ tai.

– Anh để rứa lỡ rớt mất thì làm răng? Thúi nhìn Lép-sẹo, lo lắng hỏi.

– Mi cạy cũng không ra mô! Có lần tao nhét vô đó đôi bông tai vàng đánh
cắp được của một mụ ở chợ Đông Ba, nhảy xuống sông đào tẩu. Bơi qua
sông, mà đôi bông tai vẫn còn nguyên.

– Rứa thì anh tài bằng Một
Điếu! Thằng cha đó chửi, nói, tha hồ mà cái ống điếu vẫn không rớt khỏi
miệng. Tài thiệt! – Thúi tấm tắc khen.

Hết giờ giải lao. Thằng lính
gác xách súng dẫn Lép-sẹo và Thúi ra bến sông gánh nước. Lượm chuẩn bị
vào bày bàn ăn cho tụi Tây ăn trưa. Viên quan hai I-tai đi ra khỏi phòng làm việc khép cửa lại đằng sau lưng. Hắn về buồng ở uống cốc cà phê sữa thường lệ. Lượm xách xô nước đi ngay đến buồng hắn. Nó đặt cái xô trước cửa, mở nhẹ cánh cửa đi vào phòng. Thật nhẹ nhàng, nó xoay quả bàng
sắt, mở chốt cửa kính cuối gian phòng, rồi nhặt cái giẻ lau đi ra khỏi
phòng. Nó đã tính kỹ, nếu bất ngờ chạm trán viên quan hai, hoặc một tên
Tây khác, hỏi: “Mày vào phòng làm gì?”, nó sẽ đưa cái giẻ lau nhà ra
nói: “Tui vào lấy cái giẻ lau nhà lỡ bỏ quên“.

Lép-sẹo và Thúi đã gánh được gánh nước thứ hai. Lượm xách cái xô ra bể vờ múc một xô nước giặt giẻ lau, để đón Lép- sẹo.

– Được chưa? – Lượm bồn chồn hỏi, mắt chằm chằm nhìn vào bụng áo Lép-sẹo, vì đoán rằng nó dắt chai rượu lấy cắp vào cạp quần trước bụng.

Nhưng hai vạt áo Lép-sẹo vẫn sát vào bụng, không thấy có dấu hiệu gì. Lượm hơi tái mặt, hỏi nhỏ:

– Lấy được chưa? Không thấy giấu trong bụng áo?

– Dễ ợt?… Giấu vô bụng áo? Đồ ngu? – Lép-sẹo bắt chước dùng giọng Lượm từng mắng nó.

Nó đặt hai thùng nước xuống khỏi vai, nói như ra lệnh:

– Để cái xô sát thùng nước tê. – Nó chỉ thùng nước trước mặt.

Trên mặt thùng, có thả mấy ngọn lá bàng cho nước khỏi chao. Nó cúi thọc tay
xuống đáy thùng lôi lên một chai rượu màu xanh có nút vàng chóe bỏ nhanh vào cái xô của Lượm. Lượm ném luôn cái giẻ lau, phủ lên chai rượu.
Lép-sẹo làm bộ vớt mấy ngọn lá bàng vứt đi, rồi bưng thùng nước đổ vào
bể.

Lượm đứng lặng một giây nhìn Lép-sẹo, và lúc ấy nó thấy gương mặt vốn xấc xược, ngang tàng, anh chị của Lép-sẹo, sao trở nên dễ thương vô cùng. Và bụng nó tràn đầy khâm phục. “Chao? Hắn nghĩ ra cái cách giấu
chai rượu vào đáy thùng nước, trên mặt để mấy ngọn lá bàng nguỵ trang
thì thiệt thông minh vô cùng? Đúng là trí lực của một tay trộm cắp tài
danh?“. Lượm bật cười:

– Chịu tài “đại ca”?

– Mệ mà gánh nước chừng một tháng thì mụ đó sập tiệm cái rầm.

Lượm và Thúi phải chịu là Lép-sẹo giả giọng các mệ không chê được?

16

Buổi trưa tháng sáu năm đó, thành phố Huế, con sông Hương, ngập chìm trong ánh nắng chói gắt, màu hoa phượng đỏ và tiếng ve sầu.

Lượm, Thúi, Lép-sẹo bày bữa ăn trưa của chúng dưới gốc cây vông đồng cổ thụ.
Một bữa ăn khá thịnh soạn đối với ba tên tù: Theo lệnh của tên quan hai
giám đốc sở bọn nhà bếp cho ba đựa hai ổ bánh mì, nửa lon thịt bò hộp,
một hộp cá xạc-đin. Tất cả được bày lên mảnh vải bạt đặt trên cỏ. Nhìn
bữa ăn, Lượm rùng mình. Nó nói với hai bạn:

– Tụi hắn cho ba thằng mình ăn bữa ăn cuối cùng đây.

– Các bậc đại ca dao búa của tớ thường kể: Mấy người tù tử hình, trước
khi đưa đi bắn, Tây thường cho ăn một bữa thiệt ngon. E cũng như ri đây.

– Nhưng trường hợp ba thằng tù mình bữa ni thì chưa biết ai bắn ai?… –
Lượm bẻ một miếng bánh mì nhai để nén hồi hộp. – Trước mặt ba anh em
mình, còn một tiếng đồng hồ ni đây?

Trước đó hai mươi phút, Lượm gặp thằng lính gác.

– Anh Rôbe ạ. Trưa nay, ba chúng tôi có mòn quà biếu anh. Lượm lôi trong
xô có phủ cái tải ướt, cái chai rượu Lép-sẹo vừa đánh xoáy đưa cho hắn.

– Ồ vang trắng? – Thằng lính gác nhìn nhãn hiệu reo lên. – Làm sao chúng mày lại có?

– Những người tù làm bên sở Coopérative Militaire cho chúng tôi. Chúng
tôi tưởng nước ngọt mở ra định uống. – Lượm giải thích việc cái nút chai đã mở để hòa vào hai mươi viên thuốc ngủ được tán nhỏ. – Nhưng té ra
rượu. Thứ nước này chắc anh thích. Chúng em thì xin hàng. – Nó đưa cao
hai tay làm bộ điệu đầu hàng và nháy mắt cười.

Tên lính gác cầm chai rượu ngắm nghía, cười khắc khắc. Hắn xoa đầu cả ba đứa.

– Bé con tốt lắm! Bé con ngốc lắm! Rượu vang hảo hạng mà không biết uống!… Khắc khắc khắc!

Hắn mỏ nút chai, ngửa cổ tu một hơi gần hết nửa chai. Hắn khà một tiếng
khoái trá, trở sống tay chùi miệng, đầu lắc lư, lắc lư. Hắn đút chai
rượu vào túi quần bắt gà, lại xoa đầu ba đứa cười nói:

– Cám ơn! Rất cám ơn?

Và lúc này hắn đang ngồi dựa lưng vào gốc cây, khẩu súng gác ngang đùi, tu nốt hơn nửa chai rượu còn lại. Ba đứa miệng tuy nhai bánh, nhưng mắt
đều nhìn hết về phía tên lính gác, chờ đợi phép màu sắp xảy ra.

Lượm
vụt nhớ đến một cảnh trong truyện Thủy Hừ mà nó đọc ngày còn đi học: Một du khách vào một hắc điếm bên đường, gọi rượu thịt. Chủ hắc điếm là một mụ đàn bà có nhan sắc toe toét cười, rót rượu ra bát lớn mời khách. Sau đó mụ lui vào sau rèm, nhìn ra theo dõi khách ăn, uống. Khách nốc cạn
đến bát rượu thứ ba mụ ta liền vỗ tay hô: Ngã này! Ngã này! Quả nhiên
khách ăn ngã lăn ra đất, vì rượu có hòa thuốc mê.

Lượm lúc này cũng muốn vỗ tay kêu: Ngã này! Ngã này!

Nhưng thằng lính gác không ngã mà chỉ dựa lưng vào gốc cây, miệng há ra, mắt
lơ mơ nửa nhắm nửa mở và bắt đầu ngáy. Thúi và Lép-sẹo đứng bật dậy,
nhưng Lượm níu tay chúng ngồi xuống. – Chờ thêm mười phút nữa cho thật
ăn chắc, – Lượm nói giọng trở nên bình tĩnh khác thường – Lép-sẹo ạ lúc
đó tùy cậu, muốn đi đâu thì đi. Còn Thúi, mi đứng chờ tau ở đây. Rổ và
mủng kẹo gừng tau đã đem ra giấu ở dưới đống lá rụng cạnh gốc cây me tê. Hễ ngó thấy tau ló ra ở góc sau nhà tê, thì mi đến lấy rổ mủng đeo vô,
và đàng hoàng đi ra phía cõng trước. Đến chỗ góc đường cuối dãy quán, mi đứng lại giả đi đái, chờ tau. Nhớ đi theo đường chợ Cống, qua xít-tát,
rẽ ra đường Đàng Ngang, đứng chỗ nhà Nông khố Ngân hàng cũ. Mi nhớ chưa?

Thúi gật đầu, nhìn Lượm chăm chăm.

– Thôi đi được rồi! – Lượm đứng dậy và Lép-sẹo cũng đứng bật dậy theo. Lép-sẹo tái mặt hỏi:

– Cậu còn đi mô nữa?

– Tớ còn phải trèo vô buồng thằng quan hai lấy khẩu súng và bốn băng đạn.

– Có gay lắm không?

– Gay!

– Thôi bỏ đi anh? – Thúi nói gần như khóc.

– Tớ có thể giúp được cậu không? – Lép-sẹo hỏi.

Lượm lắc đầu:

– Hai đứa càng dễ lộ. Cảm ơn cậu! Cậu đi đi!

Lép-sẹo vẫn đứng tần ngần:

– Hay thôi, cậu bỏ quách cho rồi…

Chết cũng không bỏ được. Cậu chưa hiểu hết giá của một khẩu súng đối với Vệ Quốc Đoàn mô.

Lượm nắm tay Lép-sẹo, nói giọng rưng rưng:

– Cậu đi may mắn nghe? Biết mô có lúc mình lại gặp cậu. Rồi có lúc, cậu nhớ lại tất cả những chuyện ni, và cậu sẽ hiểu mình…

Lép-sẹo nói, miệng gần như mếu:

– Đập nhau bể đầu bể óc mới hiểu nhau. Tức cười đã gớm!

Cả khu công sở Post Militaire lúc này chìm sâu trong yên ắng. Cừa lớn, cửa sổ các gian phòng đều đóng kín như lịm trong màu nắng trưa chói gắt.
Tiếng ve kêu inh ỏi cả khu vườn hoang mọc lút cỏ dại. Tiếng ngáy của tên lính gác vẳng lại mỗi lúc một to như muốn thi giọng cùng tiếng ve.

Lượm hai tay ôm quần đi như chạy băng qua khu vườn, vòng ra phía sau nhà, có lối rẽ đến dãy nhà xí. Nó đã suy tính hết, nếu bất ngờ chạm trán với
thằng Tây nào đó, hắn hỏi, nó sẽ chỉ dãy nhà xí trả lời: “Cabinê!“.

Lép-sẹo đứng sững nhìn theo Lượm cho đến lúc bóng nó mất hút sau gờ tường đầu
hồi dãy nhà. Tự nhiên nó muốn chạy theo, muốn được liều mạng để giúp đỡ, để chia sẻ hiểm nguy, và nếu cần được cùng chết với cái thằng mới cách
chưa lâu đã đập lộn nhau với mình bể đầu bể óc.

Một niềm cảm phục lớn lao bỗng từ đâu không biết, dâng lên làm choáng ngợp trái tim và đầu óc thô thiển của tay anh chị vị thành niên; mà niềm mơ ước độc nhất là trở nên lẫy lừng trong làng dao búa. Đôi môi xấc xược, kiêu bạc của Lép-sẹo bỗng run run, bật lên tiếng kêu:

– Ui chao! Vệ Quốc Đoàn là rứa đó!

17

Cái gì đã thúc đẩy Lượm – người Vệ Quốc Đoàn mười lăm tuổi – lao vào một
việc làm táo bạo, liều ưnh đến như vậy? Một việc làm có thể mất mạng
sống như chơi và hoàn toàn thôi được ở phút chót?

Nhưng Lượm vẫn cứ
bươn tới, lao thẳng đến đích, bất chấp. Nói chung, vũ khí có một sức mê
hoặc đặc biệt đối với lứa tuổi thiếu niên. Mấy ai trong tuổi thơ của
mình, lại đã không từng ước mơ cầm trong tay một khẩu súng, không phải
đồ chơi, mà bắn được. Riêng thế hệ tuổi thơ của Lượm là một thế hệ tuổi
thơ dữ dội. Mới lớn lên kịp có chút ít trí khôn, mới bắt đầu hiểu được
chút ít điều này điều nọ, thế hệ tuổi thơ của Lượm đã được nghe lời kêu
gọi kỳ vĩ nhất trong lịch sử đấu tranh của Tổ Quốc: “Thà chết không quay lại thời nô lệ!’, “Hãy quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!“.

Và cả thế
hệ tuổi thơ đó, trong hoàn cảnh quyết liệt của Tổ quốc đã phải dấn mình
vào cuộc đụng độ của vũ khí. Và bằng kinh nghiệm máu của mình và của
đồng đội, Lượm đã thấu hiểu cái giá lớn lao của vũ khí trong cuộc đụng
độ với kẻ thù. Có biết bao nhiêu đồng đội cùng thế hệ với mình và thế hệ cha anh, thừa tài sức, gan dạ, nhưng phải chịu gục ngã cay đắng trước
kẻ thù, chỉ vì trong tay không có vũ khí.

”Cơi chi lúc đó trong tay
tui có một khẩu súng, một trái lựu đạn thì mô đến nỗi!“. Hồi ở mặt trận
Huế, Lượm đã được nghe không ít các anh lớn đồng đội đau đớn kêu lên như vậy lúc hy sinh.

Có lẽ tất cả những cái dồn tụ lại trong trí nhớ
Lượm và biến thành tiềm thức chiến sĩ. Và hôm nay đã cuốn hút Lượm lao
vào mạo hiểm với một sức mạnh không tài nào cưỡng nổi.

”Như có ai túm tóc mình mà lôi tới đó“. Về sau này Lượm đã kể lại cảm giác của mình lúc đó như vậy.

Đã bao nhiêu lần đứng trên bậu cửa sổ lau chùi cánh cửa, Lượm nhìn xuống
đất để ước lượng chiều cao từ vườn lên đến bậu cửa sổ. Nhưng lúc này,
đứng lút chân trong cỏ vườn, Lượm với tay lên mới thấy nó cao hơn mình
tưởng. Phải đứng lên gờ tường mới có thể mở được cửa mà trèo vào. Nhưng
gờ tường đẩy rêu, lại không có chỗ bíu, nên nó trèo lên lại tụt xuống.
Nếu với tay quá đà để mở, hai cánh ctta bật ra có thể gây thành tiếng
động. Và hai cánh cửa này lại gần sát buồng ở của hai vợ chồng tên quan
hai.

Lượm vuốt mồ hôi mặt nhìn quanh. Đây rồi? Một tảng đá cách đó
chừng ba mét. Lượm vọt ngay tới, lay tảng đá rời khỏi đất. Chao ôi là
nặng? Lúc thường sức nó có lẽ chịu hàng. Nhưng nó đã cúi xuống vẩn tảng
đá với sức mạnh của kẻ bất thình lình bị rơi xuống biển, nếu không bơi
thì chết. Và nó đã vần nó đến được áp sát tường, để làm bậc đứng lên, mở cửa sổ. Đứng lên tảng đá, hai tay rất vừa tầm. Nó móc bốn ngón tay vào
chớp cửa, kéo nhẹ. Cánh cửa từ từ mở ra. Nó thò tay qua bệ cửa đẩy hai
cánh cửa kính, miệng lẩm bẩm như trong mơ: “Lạy trời, hắn không chốt
lại?“. Hai cánh cửa kính mở rộng, giống hệt như trong câu chuyện cổ
tích: “Vừng ơi! Mở cửa ra!“. Lượm đu người nằm vắt ngang lên bậu cửa,
rồi cố hết sức khẽ khàng, chuồi người vào bên trong. Hai bàn chân nứt
nẻ, đầy bụi của nó đã đặt lên nền đá hoa sạch bóng mà sáng nay chính tay nó vừa lau chùi. Cái mát ìạnh của đá hoa chuyền qua hai gan bàn chân
làm rợn cả người nó. Lượm bỗng thấy hai mắt mình mờ đi, đồ đạc trong
gian phòng tranh tối tranh sáng, trở nên nhòe nhoẹt. Lượm đâm hoảng:“Răng ri hè?”, và đưa bàn tay quệt hai mắt. Té ra cả gương mặt Lượm lút
mồ hôi, chảy xuống phủ mờ cả hai mắt. Lượm kéo vạt áo lau mồ hôi, khép
hai cánh cửa chớp lại. Gian phòng sáng mờ. Nó bước thẳng đến phía khoảng tường, giữa cái tủ và bàn giấy của tên quan hai, có treo khẩu súng lục.

Lượm mở nắp bao súng. Cái cầu tơ nhện ánh bạc bắc từ chuôi súng lên nóc tủ,
đứt. Con nhện vàng – “Chú lính gác kho vũ khí” – Rơi xuống trước mặt.
Nhưng nó không chịu rớt xuống nền nhà, mà bíu vào sợi tơ leo ngược lên
nóc tủ, nhanh không thể tưởng tượng được.

Lượm đưa tay định rút khẩu
súng ra khỏi bao, nhưng tay nó bỗng khựng lại. Nó nghe có tiếng mở cửa
phía buồng ở của viên quan hai. Và tiếp đó tiếng dép kéo lệt xệt đi ra
hành lang. Đúng là tiếng dép của hắn? Thính giác của nó trong những giây phút quyết liệt này trở nên nhạy bén lạ lùng. Và ngay lúc đó không hiểu sao nó vụt có cảm giác là hắn đang đi đến phòng này. Đó là một tình
huống khủng khiếp mà Lượm không hề lường tới trong kế hoạch đoạt súng.
Nó gẩn như chết lặng một giây. Tiếng dép mỗi lúc nghe một gần hơn. Sự
thất bại coi như hiển nhiên, không còn cách gì tránh khỏi – vì thoát ra
khỏi phòng không còn kịp nữa rồi. Nhưng rồi nó vụt tỉnh trí lại. Một
chớp lóe rọi sáng đầu óc: Cái khe hở giữa bức tường và thành sau cái tủ. Nó đóng bao súng lại. Nhón gót chân, chạy đến đóng hai cánh cửa kính
lại, vặn chốt. Tiếng chân viên quan hai đã dừng lại trước cửa phòng. Nó
cố thót bụng, ép ngực, chét mình vào giữa cái khe hở tủ và tường. Cái
khe hở quá hẹp. Lúc bình thường có lẽ nó khó lòng mà chét mình vào đó
Nhưng lúc này như có một sức mạnh vô hình từ bên ngoài đẩy nó chét vào
giữa khe hở như đóng một cái nêm.

Tiếng chìa khóa tra vào ổ khóa vặn
lách cách. Hai cánh cửa mở rộng. Gian phòng vụt bừng sáng. Đứng giữa khe hở, Lượm có cảm giác cả gian phòng bị đem phơi trần ra giữa nắng.

Viên quan hai đi đến bàn giấy, chỉ cách Lượm có mấy bước chân. Hắn mở ngăn
kéo, lục tìm cái gì trong đó chừng năm phút. Trong năm phút đó Lượm thấy như mình đang đứng trên giàn lửa. Nền đá hoa cháy rát dưới hai bàn
chân. Tiếng ngăn kéo đóng lại. Tiếng dép kéo lệt xệt đi ra phía cửa.
Tiếng hai cánh cửa đóng lại. Gian phòng vụt trở lại mờ tối. Chờ đến lúc
tiếng dép xa hẳn, Lượm trườn ra khỏi khe hở. Toàn thân nó ướt sũng mồ
hôi. Không kịp gạt mồ hôi lút mặt, nó rút khẩu súng ra khỏi bao. Khẩu
súng rung rung trong tay. Nó bật chốt an toàn, kéo quy lát. Một viên đạn vàng chóe nhảy ra khỏi nòng, rơi xuống nền đá hoa, nghe vang như một
tiếng nổ. Nó khóa chốt an toàn, giắt khẩu súng vào lưng quần, trước
bụng. Dải rút quần là sợi dây gai xe rất chắc và khá to, buộc chặt nút
(chi tiết này cũng được Lượm chuẩn bị từ trước, để dây lưng quần không
tuột, không đứt, không trĩu xuống vì sức nặng của khẩu súng). Lượm rút
tiếp bốn băng đạn trong bốn cái bao da dài như những phong bánh khảo,
giắt ra phía sau lưng quần.

Lượm cúi nhặt viên đạn lăn lóc trên đá
hoa, bỏ vào túi. Nó nhẹ nhàng mở cửa kính, cửa chớp, rồi từ trên bậu
cửa, nó vọt thẳng xuống vườn. Trèo lên hòn đá, nó khép hai cánh cửa chớp lại đề phòng lỡ tên giặc nào bất chợt đi ngang qua phát hiện: Tại sao
giữa trưa cửa sổ phòng làm việc của giám đốc trông ra vườn lại mở? Và sự lùng bắt kịp thời lập tức sẽ tiếp theo… Lượm chạy nép theo bờ tường,
thò đầu ra đẩu hồi nhà. Nó thấy Thúi vẫn đứng dưới gốc cây, chăm chăm
nhìn phía mình.

Nó khoát tay ra hiệu. Thúi vụt chạy đến đống lá rụng
cạnh gốc cây me, lôi ra bộ đồ nghề bán kẹo gừng. Nó đeo quai mủng vào
cổ, xổ túi kẹo lên mẹt, mắt lấm lét nhìn về phía tên lính gác đang dựa
gốc cây, ngáy như sấm. Nó đi ra cổng chính hai chân run run, cất giọng
rao thử. Nhưng giọng nó cứ nghẹn lại ở cổ.

Lượm băng qua khoảng vườn
trống, vòng ra phía sau dãy nhà ngang. Cuối dãy nhà ngang có một hố rác
lớn, nó vẫn thường mang rác ra đây đổ. Nó moi một góc đống rác lôi lên
một cái gói bọc vải sơn. Nó mở gói, bên trong là một cái áo sơ mi cũ
nhưng còn lành lặn, cái quần soóc xanh đã bạc màu, vá đít, và cái mũ
phớt phở nhem nhuốc. Bộ áo quần và cái mũ này nó nhờ mấy chị bán hàng
trước cổng sở đổi giúp bằng hai ‘ cái bao bố đựng thư lấy cắp được, và
cất giấu ở đây đã mười hôm nay. Không kịp thay, Lượm mặc bộ áo quần trùm ra ngoài bộ áo quẩn tù rách rưới, rồi chụp cái mũ phở lên đầu. Lượm
nhặt lại bó rau muống, mấy mớ hành, mấy củ cà rốt mà sáng nó lấy cắp của tụi nhà bếp, bỏ vào cái xô đem ra giấu dưới một đống lá rụng cách hố
rác chừng mười bước. ‘Nó xếp tất cả vào cái bị cói cũng giấu cùng với
rau hành… Nó định lôi khẩu súng lục và bốn sác-giơ đạn giắt lệch quanh
người giấu xuống đáy bị phủ rau, hành lên trên như dự tính từ trước.
Nhưng một thoáng nghĩ ngợi, nó thay đổi quyết định. Nó lượm hòn gạch vỡ
để xuống đáy bị để xách đi đường có vẻ nặng. Nó vụt nhớ thằng Tặng dạy
mình cách xách sáu đòn bánh tét “truyền đơn”, “báo Giết giặc“.:.


Giấu súng và đạn vào đáy bị có cái lợi. – Lượm nghĩ, lỡ bất ngờ đụng
phải trạm soát dọc đường có thể nhanh chóng vứt hoặc giấu bị vào đâu đó, làm mất tang vật. Nhưng nếu gặp hoàn cảnh bất trắc, cần bắn nhau, thì
sẽ không kịp rút súng.

Lượm băng qua một khoảnh vườn đầy rác rưởi,
mảnh chai, vỏ đồ hộp han rỉ, những vòng thép gai chìm lấp trong cỏ dại…
Nó trèo qua bức tường đổ vọt ra đường sửa sang lại trang phục, Lượm xách bị đi đến chỗ đường rẽ về chợ Cống. Nó thấy thằng Thúi đeo mủng kẹo,
đầu đội cái nón rách chắc là mới nhặt được – Lượm mỉm cười: “Hắn cũng là tay bợm xoay xở” – đứng chờ sau một gốc cây, quay lưng lại phía mình.

– Ê! Thằng kẹo gừng! – Lượm gọi.

Thúi giật mình quay lại. Gương mặt nhỏ thó đầm đìa mồ hôi của nó vụt tươi
rạng lên dưới bóng râm chiếc nón rách. Lượm gật đầu cười khoát tay ra
hiệu. Thúi xăng xái đi lên trước. Cất giọng rao, nhưng nghe còn ngượng
và lạt thếch. Giống như một ca sĩ vọng cổ vốn nổi tiếng có giọng ca rất
mùi nhưng vì bỏ ca đã lâu ngày, bất ngờ phải bước lên sân khấu. Nhưng
chỉ đi chừng vài trăm bước, nó đã tìm lại được “giọng ca mùi” sở trường
bỏ quên. – Ai… i ai… kẹo gừng ừng ừng… ngọt như đường cát, mát như đường phèn…eèn…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN