Tuổi Thơ Dữ Dội - Chương 23: Phần thứ bảy (7)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
102


Tuổi Thơ Dữ Dội


Chương 23: Phần thứ bảy (7)


7

Bồng-da-rắn, Châu-sém và Hiền sau ngày ở Sịa rút lên chiến khu, được đội trưởng phân công thành một tổ trinh sát chuyên việc bám vị trí địch, theo dõi điều
tra tình hình địch.

Ba em được giao nhiệm vụ bám vị trí Đất Đỏ. Các
em trà trộn trong dân các xóm quanh đồn, nằm sát bên nách đồn, bám riết
giặc suốt ngày đêm. Nhiều lần Bồng và Châu còn lọt hẳn vào bên trong đồn bằng cách đi theo những toán người bị bọn giặc lùa từ các làng, đưa về
làm phu đào hào, đắp luỹ, xây công sự… Điều tra được gì, hai em về kể
lại với Hiền. Hiền ghi ra giấy, vẽ thành bản đồ, đưa lên chiến khu nộp
cho đội trưởng.

Nửa tháng trời lăn lóc bến nách giặc, giữa lòng giặc, ba em đã trả lời khá đầy đủ những yêu cầu về trinh sát vị trí Đất Đỏ mà Ban tham mưu trung đoàn đề ra.

Hoàn thành nhiệm vụ, đội trưởng ra lệnh cho tổ trinh sát rút về chiến khu.

Một đêm tháng tư năm 1947, trận đánh vị trí Đất Đỏ của trung đoàn 101 đã
diễn ra vô cùng gay go và ác liệt. Mãi đến ba giờ sáng vị trí mới bị
quân ta tiêu diệt hoàn toàn. Lửa đốt đồn sáng rựng cả một vùng đồi núi
Hoà Mỹ và khúc sông Ô Lâu lượn qua gẩn đó. Đội quân giặc thiện chiến“Tuần tiễu núi An-pơ” đã bị xoá sổ vĩnh viễn tại một làng bán sơn địa
gần kề chân núi Trường Sơn. Đó là trận chiến thắng đầu tiên và vang dội
nhất của trung đoàn 101 (trước kia là trung đoàn Trần Cao Vân) kể từ
ngày mặt trận Huế vỡ. Trận thắng đã mở đầu cho phong trào quật khởi của
chiến trường Bình Tri Thiên, được Bộ Tổng tư lệnh ghi vào Sổ Vàng kháng
chiến toàn quốc.

Tổ Thiếu niên trinh sát Bồng-da-rắn, Châu-sém và
Hiền cũng được trung đoàn cho tham gia trận đánh, làm nhiệm vụ dẫn đường và liên lạc.

Chiến lợi phẩm mà Bồng-da-rắn đặc biệt quan tâm trong
trận tiêu diệt vị trí Đất Đỏ là lá cờ tam tài mới tinh, rộng gần bằng
chiếc chiếu, mà cứ sáng sáng bọn giặc lại kéo lên đỉnh cột cờ trước sân
đồn, trong tiếng kèn tọ tí te. Mỗi lần có dịp lẻn vào vị trí, Bồng đều
nhìn lên cột cờ, ước lượng chiều dài và chiều rộng của mỗi khổ vải xanh, trắng, đỏ, may thành lá cờ.

Em lân la tìm đến ông thợ may trong xóm, hỏi ông: hai mảnh vải trắng và xanh với chừng ấy chiều dài, chừng ấy
chiều ngang, có may đủ một áo sơ mi và một quần soóc không? Ông thợ may
nhẩm tính toán một hồi và trả lời có thể may đủ nếu biết cắt khéo như
ông. Từ hôm đó, lúc thức cũng như lúc ngủ, Bồng-da-rắn không ngớt mơ đến bộ quần áo mới may bằng vải cờ của giặc.

Trong đội, Bồng là một
trong mấy đứa áo quần rách rưới tả tơi nhất. Nhất là cái quần đùi, rách
hở trước, hở sau… Những lần phải về đồng bằng công tác, phải đi qua
những xóm làng có dân ở, trời nắng cũng như trời mưa, Bồng đều phải mang cái áo tơi lá xù xù như thằng bắt trộm gà để che cái quần rách.


lần Bồng đi về xã Phong Diêu gặp đúng lúc đội Thiếu nữ Tiền phong xã tổ
chức liên hoan văn nghệ. Biết Bồng là chiến sĩ ở chiến khu về, các bạn
gái nhất định mời bạn trai Vệ Quốc Đoàn lên kể chuyện chiến khu. Kể
chuyện thì Bồng không sợ. Bồng có tài kể chuyện mà ngay cả Tư-dát cũng
phải phục. Tư-dát mỗi lần nghe Bồng kể chuyện những chuyến đi trinh sát, đều phải tắc lưỡi nói: “Mi mà viết được ra giấy những chuyện mi vừa kể, thì có thể gửi về Huế in bán chạy không thua chi chuyện kiếm hiệp của
ông Lý Ngọc Hưng”(1).

Hiềm một nỗi cái quần đùi rách quá mà Bồng
không thi thố được tài kể chuyện với các bạn gái. Không lẽ mang tơi lá
xù xù đứng trên sân khấu mà kể chuyện? Giận cái quần đùi rách. Bồng giận lây sang các bạn gái, đội Thiếu nữ Tiền phong.

Bồng sa sầm nét mặt,
nói với mấy bạn gái trong ban chấp hành Đội Thiếu nữ đến mời Bồng mang
tơi trong lúc nói với giọng khá cục cằn:

– Tui không biết kể chuyện? Tui còn mắc việc chiến khu!

Rồi Bồng vùng bỏ chạy trước những cặp mắt ngơ ngác của các bạn gái. Em chạy thục mạng ra giữa cánh đồng, chui vào một ngôi miếu cổ đổ nát. Em vứt
cái tơi lá xuống nền miếu, ngồi dựa lưng vào tường miếu đổ nát, nhìn lại cái quần đùi rách hở trước hở sau, khóc tấm tức dưới bầu trời chiều
giăng giăng mưa bụi. Trong giây phút đắng cay khốn khổ đó, Bồng sẵn sàng đổi một cánh tay để lấy một cái quần lành lặn.

Bởi vậy, trong suốt
thời gian bám vị trí Đất Đỏ, Bồng không phút nào rời mắt lá cờ tam tài
trên cột cờ trước đồn giặc, với nỗi đợi chờ khắc khoải một bộ áo quần
lành lặn, để có thể thi thố tài kể chuyện trước mặt các bạn gái. Hai giờ sáng hôm đó, lúc cùng với các anh lớn xung phong vào đồn giặc, giữa
cảnh súng đạn nổ rầm trời, Bồng đã trèo phắt lên đỉnh cột cờ đoạt lấy lá cờ xanh trắng đỏ. Em gấp lá cờ lại, quấn tròn quanh bụng, lấy dây điện
thoại buộc chặt và phủ cái áo rách ra ngoài.

Thế là bộ áo quần bao
lâu mơ ước đã cầm chắc trong tay? Bồng vui sướng hả hê. Tuy nhỏ nhưng
Bồng là một chiến sĩ từng trải, khôn ngoan. Em biết việc này nếu để lộ
ra, lá cờ sẽ bị Trung đoàn thu hồi vì đó là chiến lợi phẩm – kỷ luật
chiến lợi phẩm ngày đó vô cùng nghiêm ngặt.

Diệt xong đồn, thu xong
chỉến lợl phẩm, thì đã gần bốn giờ sáng. Bộ đội đánh đồn được lệnh cấp
tốc rút về chiến khu, đề phòng giặc phản kích. Bồng và Châu-sém lúp xúp
chạy sau cùng hàng quân. Quá mải sướng vì lá cờ tam tài vừa đoạt được
nên rút về gần đến chiến khu, Bồng mới sực nhớ ra điều quan trọng, hỏi
Châu-sém:

– Lấy được mấy khẩu Moóc-chê sáu mươi?

– Ba

Đang chạy, Bồng đứng sững ngay tại giữa đưởng như hai chân bị con đường mút chặt. Em trợn tròn mắt, hỏi Châu-sém gần như quát:

– Răng lại có ba khẩu? Mi có chắc không?

– Tau được phân công trong đội thu chiến lợi phẩm, răng lại không chắc?

Bốn khẩu chứ răng lại ba? Lần cuối cùng vô trinh sát đồn, tau cũng đã đếm
lại, còn đủ nguyên cả bốn khẩu. Thôi chết cha rồi? – Bồng thảng thốt la
to – Đúng là mấy cha thu chiến lợi phẩm tìm không kỹ, để sót mất một
khẩu! Làm ăn chi lạ!

Bồng-da-rắn nổi tiếng trong đội là đứa nóng
tính. Khi đã nổi nóng em không còn biết kiêng sợ ai. Cả các anh lớn em
cũng quát nạt sừng sộ, đôi khi còn văng tục bạt mạng.

– Chừ tau với
mi phải quay lại tìm cho ra khẩu moóc-chê sót Đi mi! Tau chắc là hắn bị
gạch, đất lấp kín nên các anh không ngó thấy…

Lúc này các anh rút lui đã bỏ lại hai đứa khá xa. Châu-sém ngập ngừng:

– Biết có tìm thấy không mà lỡ tụi hắn kéo quân tiếp viện lên thì chạy răng cho kịp? Thôi bỏ quách cho rồi.

– Bỏ! Bỏ? Bồng tức tối càng la to hơn. – Khẩu moóc-chê của người ta mà mi làm như thanh mã tấu không bằng? Mi coi cả trung đoàn mình được mấy
khẩu? – Bồng chụp lấy tay Châu-sém lôi kéo. – Đi! Đi! Mi mà không chạy
lui tìm khẩu moóc-chê với tau thì từ giờ trở đi không có bạn bè chi hết!

Hai đứa chạy lộn trở lại. Đồn giặc vẫn đang nghi ngút cháy. Chốc chốc một
tràng đạn lấp trong đất đá bén lửa nổ bùng bùng làm than lửa tung lên mờ mịt.

Hai đứa giẫm lên đá, lên gạch vụn lên lửa, lên than, lên những
vũng máu lép nhép, bới chỗ này, móc chỗ kia. Trời vừa tờ mờ sáng, hai
đứa moi lên được khẩu moóc-chê sáu mươi ly nằm lấp dưới đống gạch vụn và mấy thanh xà gỗ nghi ngút khói. Khẩu moóc-chê còn nguyên cả nòng, cả
đế, cả máy ngắm.

Bồng sướng quá vừa nhảy, vừa la, vừa cười ha hả:

– Tau nói có sai mô! Bốn khẩu là đúng bốn khẩu! – Bồng ôm cái nòng thép
vào lòng, lấy áo lau lau lớp bụi, rồi rung rung như kiểu bồng ru em, vừa cười tít mắt vừa nói nựng. – Khổ thân con chưa tề! Khổ thân con chưa
tề! Chút nữa thì cha bỏ con lại cho Tây, để Tây hắn mang con ra bắn lại
cha bùm bùm tề ề ề…

Điệu bộ mừng rỡ nhu điên của Bồng không làm Châu-sém cười theo mà tự nhiên em ứa nước mắt.

Châu-sém vác cái đế, Bồng vác cái nòng, chạy một mạch về chiến khu, vô thẳng Xê-ca Một nộp cho Ban Tham mưu Trung đoàn.

Trung đoàn trưởng sai o Chanh cấp dưỡng, nấu một nồi chè đậu đen đầy mập để
tưởng thưởng cho chiến công xuất sắc và bất ngờ của hai chú liên lạc.

Ông ngồi nhìn hai em sì soạp húp chè, nhìn khẩu moóc-chê chiến lợi phẩm
dựng ở góc lán, nòng và đế súng máy ngắm còn lấm láp bụi đất như củ sắn
mới nhổ lên… Lòng ông rưng rưng cảm động. Và ý nghĩ hôm nào lại trở lại
day dứt trong trí nhớ của ông: “Trên chiến luỹ kháng chiến của chúng ta
xuất hiện bao nhiêu Ga-vơ-rốt! Những Ga-vơ-rốt Việt Nam chịu thương chịu khó, tần tảo, bòn mót vũ khí giết giặc như con nít nhà nghèo mót lúa
bòn khoai“. Húp hết hai tô con chè nóng phỏng lưỡi Bồng-da-rắn và
Châu-sém người toát mồ hôi đầm đìa.

Ghẻ và rận đua nhau tấn công hai
em. Hai em thấy khắp người ngứa điên. Quên cả lễ phép, hai em cởi phăng
luôn áo để sang bên cạnh, và tiếp tục tấn công nồi chè với tốc độ chớp
nhoáng hơn, vì chè đã bắt đầu hơi nguội. Trung đoàn trưởng chỉ cuộn vải
xanh, trắng, đỏ Bồng cuốn quanh bụng và buộc chặt bằng sợi dây điện
thoại, hỏi:

– Chú mày cuộn tấm vải gì quanh bụng mà ràng rịt cẩn thận thế?

Bồng ngừng húp chè, mắt ngớ ra. Chè đậu đen hấp dẫn quá làm em quên mất lá
cờ chiến lợi phẩm định thu giấu. Em đành bối rối, xấu hổ thú nhận:


Dạ… lá cờ tam tài của tụi hắn em lấy được trên cột cờ giữa sân đồn… Em
định giấu các anh, lấy vải may bộ áo quần. áo quần em rách hết…

– Chú mi đừng có làm tầm bậy? – Trung đoàn trưởng nói giọng quở trách, mở
rộng lá cờ ra ngắm nghía. – Đây là một chiến lợi phẩm hết sức quan trọng của trận đánh, còn quan trọng hơn cả khẩu moóc-chê kia nữa? Trung đoàn
sẽ gửi lá cờ này ra Bộ Tổng tư lệnh cùng với bản báo cáo trận đánh.

– Dạ, em cứ nghĩ hắn chẳng có gì giá trị chi em mới dám liều giấu các anh. – Bồng ấp úng thanh minh.

Trung đoàn trưởng gấp lá cờ lại để trên bàn làm việc. Ông đến đầu hồi ngôi
lán, lấy ba lô của mình treo trên con sỏ tre, mở nắp lôi ra một bộ áo
quần ka ki ga-bạc-đin màu xanh lá cây còn khá mới. Ông đưa bộ áo quần
của mình cho Bồng và nói:

– Đây anh cho chú mày. Chỉ cần nhờ các chị sửa ngắn lại một chút là chú mày mặc vừa.

Bồng đang bưng tô chè húp, liền đặt vội xuống bàn. Em đứng phắt dậy, đưa bàn tay lên, trở sống bàn tay đen chũi nhanh nước chè dính quanh miệng. Em
nói với vẻ mặt và giọng hết sức nghiêm trang:

– Thưa anh, không phải
em chê, nhưng anh cho phép không nhận. Anh là trung đoàn trưởng, phải ăn mặc tử tế. Còn tụi em ăn mặc rách rưới loàng xoàng răng xong thì thôi.
Hết ạ?

Bồng lại ngồi xuống tiếp tục húp chè. Trung đoàn trưởng đăm
đăm nhìn em. Trong khoảnh khắc đó ông vụt nhận ra rằng trước mặt ông
không phải chỉ là một chú bé mà là một chiến sĩ; một đồng đội, với tư
cách hết sức đoàng hoàng, buộc những người tiếp xúc, đối thoại phải kính trọng. Ông lặng lẽ cất bộ quần áo vào ba lô.

Bồng-da-rắn và Châu-sém đua nhau tấn công nồi chè đậu đen không một chút khách khí cho đến lúc
no căng cả bụng, không tài nào nuốt thêm được nữa mới chịu bỏ bát đứng
lên.

Châu-sém nhanh nhảu thu dọn chén đem ra con suối ngay trước mặt lán rửa, còn Bồng bê nồi chè trả xuống bếp.

Hình như còn có chuyện gì muốn nói với trung đoàn trưởng nên đáng lẽ ra về, Bồng đứng ngần ngừ mãi bên cái bàn nứa.

Cuối cùng em ngước mắt nhìn trung đoàn trưởng, nói:

– Thưa anh, em có chuyện ni nói với anh đã lâu, mà cứ sợ anh la.

– Có chuyện gì chú cứ nói đi?

– Dạ… cái dạo anh giao em nhiệm vụ về Huế quăng lựu đạn để phá cuộc mít
tinh của tụi Việt gian ở sân vận động chợ Xép (2). Lúc rút lên chiến khu em không đi theo đường cũ. Em đi con đường ngang qua trước ngõ nhà anh. Em nhìn thấy chị. Hồi trước em đi bán bánh mỳ, mỗi lần qua nhà anh, chị thường ra mua bánh của em nên em biết mặt, mà chị cũng nhớ mặt em. Em
giả đò cắt cỏ, ngó vô trong nhà. Một lúc em thấy chị đi ra, tay xách cái giỏ mây, chắc là chị đi chợ. Nhìn thấy em, chị dừng lại hỏi: “Dạo ni em không đi bán bánh mỳ nữa à?“. Em nói: “Dạ em đổi nghề đi cắt cỏ bán cho mẩy ông chủ xe ngựa“. Chị hỏi: “Bán cỏ rứa có đủ ăn không?“. Em nói:“Dạ, cũng tạm tạm thôi chị ạ, bữa no bữa đói“. Chị móc túi lấy ra hai
đồng đưa cho em, nói: “Em cầm mà mua thêm đồ ăn“. Hai đồng đó em vẫn còn giữ đây. – Bồng moi trong túi ngực áo ra cái gói giấy nhỏ, bên trong có tờ giấy bạc hai đồng Đông Dương còn mới, gấp làm tám. Đưa gói giấy đó
cho trung đoàn trưởng xem, Bồng kể tiếp. – Em nhìn kỹ chị, nước da chị
trắng xanh mà cặp mắt chị buồn quá. Em thấy thương chị ứa nước mắt. Lúc
đó em chỉ muốn nói với chị: “Em không phải đi cắt cỏ ngựa mô. Em là lính trinh sát của anh Lâu đây chị ơi? Mới hôm tê ở chiến khu, anh Lâu còn
giao cho em trái lựu đạn rỗng với tiền và dặn dò em công việc phải làm.
Chị có muốn đi lên chiến khu với anh không, em dắt chị lên…“. Nhưng em
không dám nói, em sợ lộ bí mật. Em đành đứng ngó miết theo chị cho đến
lúc chị đi khuất sau cái ngã tư. Dọc đường, em càng nghĩ càng thương
chị, rồi em đâm giận lây sang cả anh. “Tại răng anh Lâu không cho người
về đưa chị lên Xê-ca? Tụi Tây hắn biết là vợ anh, trước sau chi rồi hắn
cũng bắt chị, tra tấn, đánh đập để trả thù anh đã chỉ huy bộ đội đánh
tụi hắn, chị chịu làm răng cho thấu?“. Em nghĩ như rứa đó mới đâm giận
anh…

Lúc này trung đoàn trưởng thật sự bối rối, không biết trả lời
Bồng ra sao “…Chao, chú đội viên nhỏ của anh lại còn biết lo lắng đến cả cuộc sống riêng tư của anh, hạnh phúc của gia đình anh, chẳng khác chi
một đồng chí lớn tuổi!“. Anh thầm kêu lên trong lòng như vậy.

Trong
lúc đó, chính uỷ trung đoàn đi vào lán. Ông đứng ở cửa lán nghe hết đầu
đuôi câu chuyện của Bồng với trung đoàn trưởng. Ông hỏi em:

– Nếu anh giao cho em nhiệm vụ về Huế, đưa chị Lâu lên Xê-ca em có bảo đảm được không?

Bồng đứng nghiêm lại, rắn rỏi đáp:

– Báo cáo chính uỷ, nhất định em làm được.

– Em thử trình bày kế hoạch của em, anh nghe xem có trúng không nào?

Dạ, anh Lâu viết cho chị một lá thư. Trong thư anh dặn chị giả làm người đi về quê thăm mộ, xách một cái giỏ, bên trong đựng xôi, cuối, vàng mã,
hương đèn sáp… Em sẽ mang thư về đưa cho chị. Hai chị em sẽ hẹn nhau
ngày giờ, địa điểm gặp nhau. Em sẽ giả làm đứa giữ trâu, cầm roi đi tìm
trâu lạc, đi trước dẫn đường. Chị đi sau em, cách chừng dăm chục bước.

– Gặp tụi hắn có hỏi thì chị cứ nói là đi về quê thăm mộ. Em đưa được chị vượt qua khỏi đường quốc lộ là coi như êm…

Chính uỷ gật gù:

– Được, kế hoạch của em được đấy! – Rồi ông nói với trung đoàn trưởng:

– Anh Lâu viết tư cho chị đi. Việc này, tôi và các đồng chí trong trung
đoàn uỷ đã nghĩ tới từ lâu, không ngờ hôm nay em Bồng lại gợi ý.

Ông nói với Bồng:

– Bây giờ em về báo cáo lại với anh Thắng, nói với anh là đúng bảy giờ
sáng mai, chính uỷ trung đoàn mời cả hai anh em vô trung đoàn bộ, nhận
nhiệm vụ.

Bước ra khỏi cửa lán, Bồng chợt nhớ điều gì, quay vào nói với trung đoàn trưởng:

– Dạ trong thư, anh nhớ dặn chị đừng đi guốc, mà phải đi dép có quai sau. Vì đường từ Sịa trở lên núi khó đi lắm anh ạ…

Một tuần sau, Bồng đã đưa được vợ của trung đoàn trưởng từ Huế lên chiến
khu Hoà Mỹ an toàn. Là một nữ sinh Huế, xuất thân nhà đại gia, chị Lâu
đã sống qua gần khắp các chiến khu Bình Trị Thiên trong những năm chiến
tranh chống Pháp và trở thành một cán bộ kháng chiến.

Chú thích:

(1) Một tác giả chuyên viết chuyện kiếp hiệp thời đó.

(2) Một lần chúng tổ chức một cuộc mít tinh ở sân vận động chợ Xép bắt nhân dân đến nghe “Thượng cấp hiểu dụ về mối hiểm hoạ Việt Minh trong thành
phố Huế“.

Ta quyết phá cuộc mít tinh đó.

Sáng hôm đó, một chiến sĩ biệt động – em Bồng – mới mười lăm tuổi áo quần rách rưới, gánh đôi giỏ đến cắt cỏ quanh sân vận động.

Lúc nhân dân bị bắt đến đã đông, Bồng liền cầm liềm đi vào giả vờ nghe. Một quả lựu đạn tung ngay vào trước mặt bọn cảnh sát nguỵ đứng gác. Bà con
nhìn thấy la lên ầm ầm như vỡ chợ: “Việt Minh! Việt Minh!” rồi xô nhau
chạy. Quả lựu đạn không nổ vì ta không bỏ thuốc súng, đã giúp em Bồng
hoàn thành nhiệm vụ phá vỡ cuộc mít tinh tuyên truyên, lừa bịp của địch
(Trích những ngày khói lửa – Hồi ký của Trung tướng Trần Quý Hai – Nhà
xuất bản Thuận Hoá – 1984).

8

Tổ trinh sát Châu-sém, Hiền và
Bồng-da-rắn lại được trung đoàn giao nhiệm vụ bám vị trí Cầu Nhi – một
đồn giặc nằm kề quốc lộ số Một, cách thành phố ba chục cây số về phía
Tây Bắc.

Trong ba em, Bồng-da-rắn ít được học hành nhất, trình độ chữ nghĩa cũng chỉ ngang ngang với Mừng – nghĩa là đọc chưa thông, viết
chưa thạo. Nhưng Bồng có một năng khiếu đặc biệt là đánh hơi được rất
nhanh và khá chính xác những ý đồ quân sự của cấp trên qua những yêu cầu về trinh sát mà cấp trên đề ra cho tổ. Nghe đội trưởng phổ biến xong
nhiệm vụ trinh sát mà ban Tham mưu trung đoàn đề ra cho tổ mình lần này.

Bồng nói với hai bạn:

– Trung đoàn mình lại định nuốt lôốn “anh” đồn Cầu Nhi đây! Mà lần ni các ông sẽ nuốt lôốn tụi hắn bằng mẹo…

– Mẹo như răng? – Châu-sém hỏi lại, giọng nghi ngờ.

– Nếu tau biết mẹo như răng thì tau đã làm quách trung đoàn trưởng cho
rồi, việc chi phải làm thằng liên lạc trinh sát, chạy như cờ lông công
mà hứng đạn? Có cái chắc là lần ni tau phải đớp luôn một bộ áo quần,
không dại chơi anh cờ tam tài như cái trận Đất Đỏ.

Năng khiếu này của Bồng cũng gần giống năng khiếu âm nhạc của Quỳnh-sơn-ca. Em Quỳnh nghe
thấy âm nhạc trong tiếng xào xạc của lau sậy, tiếng rì rào của dòng
sông, tiếng kẽo kẹt của những coọng nước quay đều đều… Bồng thì ngửi
thấy những ý đồ quân sự của cấp chỉ huy qua các yêu cầu về trinh sát
địch.

– Nhưng làm răng cậu biết được là lần ni các ông định nuất lôốn tụi Cầu Nhi bằng mẹo? – Hiền nhăn trán cố đoán mà không ra, đành phải
hỏi Bồng.

– Hai đứa bay không thấy trong yêu cầu trinh sát lần ni các ông cứ nhắc đi nhắc lại phải điều tra nắm chắc các đội quân tuần tiễu
của địch đi lại ban ngày dọc đường quốc lộ, quân số bao nhiêu à? Lại cần phải nắm chắc tụi tuần tiễu là Tây hay Bảo vệ quân? Thường đi vô những
giờ mô, sáng hay chiều; sáng thì giờ mô, chiều thì giờ mô? Mẹo của các
ông chắc là nằm ở chỗ nớ.

Hiền phải ngạc nhiên và phục trước đầu óc phán đoán của Bồng. Em nói riêng với Tư-dát:

– Tớ nghe nói người thông minh trán phải cao, trán càng cao, càng thông
minh. Rứa mà cậu Bồng trán chỉ thấp một khúc là tại răng cậu hè?

Tư-dát cười, trả lời bừa:

– Hắn là lính trinh sát từ trong bụng mạ. Mạ hắn phải đẻ hắn trán thấp rứa để nguỵ trang cho tụi giặc khỏi nhận ra.

Một tháng sau, ban Tham mưu trung đoàn đã nhận được đầy đủ những câu trả lời của tổ trinh sát.

Vào một buổi trưa trời nắng chang chang. Bồng và Châu-sém nằm ôm nhau ngủ
trong cái chòi giữ rẫy che khuất giữa những vồng sắn cao lút đầu, cạnh
đường quốc lộ. Hiền ngồi trong bụi cậy rậm cách đường chừng trăm mét,
làm nhiệm vụ quan sát và ghi chép những đoàn xe giặc chạy ra chạy vào,
và canh gác cho hai bạn ngủ. Đêm qua hai đứa phải đi gần suốt đêm để đem báo cáo về chiến khu. Từ chỗ Hiền ngồi, nhìn về phía nam em có thể thấy rõ đồn Cầu Nhi đóng trên một ngọn đồi thoai thoải. Mái tôn những ngôi
nhà giữa đồn và chòi canh lấp loá dưới nắng trưa.

Hiền bỗng thấy xuất hiện ở khúc đường quanh một toán lính giặc tuần tiễu đang đi về phía
đồn. Khoảng ba chục tên, vừa Tây vừa Bảo vệ quân. Khi toán giặc đến gần
hơn, em nhìn rõ, đi đầu toán tuần tiễu là ba thằng Tây đội mũ sắt, cầu
vai áo đen lon vàng chóe. Hiền vội rời khỏi chỗ núp, cúi rạp người, len
lách giữa những vồng sắn, chạy về phía chòi, đánh thức hai bạn dậy.

– Tụi hắn ít khi đi tuần tiễu trên đường vào giờ ni – Hiền nói vẻ băn
khoăn. – Hay là tụi hắn bữa ni có chuyện chi gấp – Đi đi! Ta ra coi coi. – Bồng vừa dụi mắt vừa giục hai bạn.

Ba em lủi nhanh về phía bụi cây Hiền vừa núp. Ba em khẽ khàng chui vào bụi nằm ép sát đất, vạch lá nhìn xuống đường.

Bọn giặc đã đi đến điểm gần nhất mà các em có thể quan sát, Bồng hấp háy
cặp mắt híp nhưng tinh như mắt mèo rừng, khẽ kêu giọng hồi hộp:


Thằng Tây đi giữa giống hệt anh Pun-xắc bay ơi! Mà thôi, đúng rồi! Thằng đi đầu đeo lon quan hai là anh Kê-men, thằng đi thứ ba là anh Kốc.
Thằng Bảo vệ đi sau anh Kốc là anh Bùi Ngọc Hoàng. Chết cha tụi Cầu Nhi
rồi! Chuẩn bị mà xung phong đi thôi bay ơi!

Cặp mắt híp của Bồng đã
nhìn rất chính xác. Pun-sắc, Kê- men, Kốc là ba hàng binh gốc người Đức, trong đội quân Lê Dương của Pháp, vác súng chạy sang hàng ngũ quân ta
từ đầu năm 1947. Và anh Bùi Ngọc Hoàng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn
mười sáu – tiểu đoàn chủ công của trung đoàn.

Sau khi đã nắm chắc
tình hình địch ở vị trí Cầu Nhi và quy luật hành quân tuần tiễu của giặc trên đường quốc lộ Một, Ban chỉ huy trung đoàn 101 đã tổ chức một trận
kỳ tập tài tình, đầy mưu lược, tiêu diệt gọn vị trí Cầu Nhi trong vòng
nừa tiếng dồng hồ.

Trận kỳ tập đồn Cầu Nhi, sau này đã được Trung
tướng Trần Quý Hai kể lại trong thiên hồi ký của mình (lúc đó ông là
chính uỷ trung đoàn):

”… Một buổi chiều, vào khoảng hai giờ, có một
toán quân tuần tiễu đi đến đồn Cầu Nhi. Đi đầu là tên sĩ quan Pháp mang
lon quan hai. Tất cả đều mang súng đạn đầy mình, trung liên, tôm xông,
súng trường cắm lưỡi lê, lựu đạn. Chúng đi có vẻ mệt mỏi. Đứa phì phèo
thuốc lá, đứa nhồm nhoàm nhai bánh kẹo, đứa xách mấy con gà kêu oang oác đứa vác trên vai buồng chuôí chín, nhựa còn chảy ròng ròng. Rõ ràng
chúng vừa đi cướp bóc một xóm nào đó rồi mới tới đây Tới trước cổng đồn, tên quan hai hô lính đứng lại và nói với tên lính gác cổng với thứ
tiêng Việt lơ lớ. “Tôi muốn gặp đồn trưởng. Đi tuần qua… mệt quá, muốn
vào đâu nghỉ ăn trưa“.

Chẳng để tên lính gác trả lời, hắn đẩy cổng vô luôn. Cả toán lính vô theo. Và nhanh như chớp toán lính chia thành
nhiều mũi, lao vào các nhà, các phòng làm việc, nổ súng bắn vào bọn lính đồn. Những tên sống sót quỳ xuống lạy như tế sao. Toán quân tuần tiễu
đó là ai? Đó là những chiến sĩ thuộc tiểu đoàn mười sáu do tiểu đoàn
trưởng Bùi Ngọc Hoàng chỉ huy. Viên quan hai Pháp là ai? Là Kê-mên, một
hàng binh người Đức“.

Toán lính giặc đi khuất được một lúc, Hiền,
Bồng và Châu-sém bỗng nghe tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ rầm rầm. Tiếng
súng nổ mỗi lúc một rát. Lá cờ tam tài phất phơ trên đỉnh cột bỗng đổ
nhào như con chim lớn màu sặc sỡ bị bắn hạ. Bỗng nhảy vọt ra khỏi bụi
rậm, nhìn về phía đồn Cầu Nhi, hét to:

– Đánh rồi? Chết cha thằng Cầu Nhi rồi!

Vừa lúc đó, ba đứa nhìn thấy các cánh quân phối hợp lá nguỵ trang đẩy mình, từ các ngọn đồi trọc xung quanh chạy như bay về phía đồn.

Bồng la lên:

– Xung phong thôi bay ơi! Các anh vô đồn hết rồi! – Rồi em chạy như bay
ra phía đường nhựa, Hiền và Châu-sém cắm cổ chạy theo. Ba em cứ thẳng
đường nhựa chạy về phía đồn như ngựa tế. Bồng chạy trước, vừa chạy vừa
la hét inh đường:

– Chạy mau lên bay ơi? Chạy mau lên không áo quần tốt các anh vớ hết! Chuyến ni tau phải kiếm được một bộ thật đẹp?

Khi ba em vọt qua xác thằng lính gác nằm ngang trước cổng đồn là lúc các
anh đang tíu tít thu chiến lợi phẩm. Tiểu đoàn trưởng Bùi Ngọc Hoàng vẫn mặc nguyên bộ áo quần Bảo vệ quân với cái lon cai trên ống tay áo, đứng trên nóc hầm ngầm la hét chỉ huy các đơn vị. Nhìn ba chú liên lạc của
trung đoàn xuất hiện bất ngờ giữa sân đồn, anh liền ngoắc gọi lại, ra
lệnh:

– Hai chú này. – Anh chỉ Hiền và Châu-sém. – Chạy ngay ra bờ
sông nói với đơn vị ngoài đó chuẩn bị gấp bè để vượt sông rút lui. Còn
chú. – Anh chỉ Bồng, – chú vào các lô cốt hầm ngầm coi lại súng đạn
chiến lợi phẩm còn sót khẩu mô không!

Anh Hoàng vẫn nhớ đến khẩu moóc-chê sáu mươi li Bồng bới được trong trận Đất Đỏ.

Hiền và Châu-sém xịu mặt, tưởng chuyến ni kiếm chác được chút chiến lợi
phẩm, không ngờ bị phân công chạy ra bờ sông. Nhưng mệnh lệnh là mệnh
lệnh, hai em không chút chần chừ cùng hô to:

– Báo cáo, rõ!

Trước khi chạy ra khỏi đồn hai em nói nhỏ vào tai Bồng:

– Kiếm được chút chi nhớ phần cho anh em với nghe!

– Yên chí, chia ba. Chia ba cân phân!

Bồng vừa la to trả lời hai bạn vừa xông vào ngôi nhà chính giữa đồn. Em nhìn thấy cái ba lô cóc to bự nằm lăn lóc cạnh vũng máu và xác thằng lính Lê Dương. Em nhào tói, bóp bóp cái ba lô và biết ngay bên trỏng đựng quần
áo, đồ hộp. Em chộp lấy và đeo luôn lên lựng bụng mừng khấp khởi: “ăn
tiền rồi!“. Em xục vào gian nhà bên cạnh thấy một khẩu súng trường Anh
dựng ở một góc tối. Bồng chộp khẩu súng, đeo vào vai, càu nhàu: “Làm ăn
như cứt! Khẩu súng sờ sờ trước mắt ri mà cũng để sót!“.

Em chui vào
tầng dưới lô cốt bên trái đồn. Bên trong tối thui, nhưng em nhìn ra ngay xác một thằng Tây đen to như con trâu trương mặt bị lựu đạn thủng nát
nằm đè lên một khẩu súng ga-răng. Ga-răng là loại súng các-bin cỡ lớn,
bắn liền tám phát – ba khẩu ga-răng chụm lại bắn lợi hại không thua gì
một khẩu trung liên. Bồng tức tối la lên:

– Trời ơi! Các cha mắt mũi bỏ đi mô mà khẩu ga-răng cũng bỏ sót? Đúng là làm ăn như cứt?

Bồng cúi xuống, hai chân dạng chân chèo, cố lôi khẩu súng nhưng không lôi
nổi. Em thở hồng hộc, cố vần xác thằng Tây qua một bên để lấy khẩu súng. Nhưng cái xác nặng quá đá tảng, em đỏ mặt tía tai không sao vần nổi.
Thêm cái mặt thủng be bét với hàm răng trắng nhởn, nhe ra như mõm chó
sắp sủa trong cảnh tối mờ mờ làm em rùng mình, ớn lạnh dọc xương sống.
Mùi máu ôi xông lên nồng nặc làm em muốn mửa.

Suýt nữa thì em vùng bỏ chạy. Nhưng khẩu súng ga-răng đã giữ chân em lại. Vừa lúc đó bên trên
đồn tiếng thanh la báo hiệu rút lui gióng giả vang lên từng hồi cấp
bách. Em gọi to xem có anh nào trên đó xuống giúp em một tay, nhưng tất
cả đang vội vã rút lui nên không ai nghe tiếng em gọi. Đồn Cầu Nhi không phải như đồn Đất Đỏ, nó nằm sát bên đường số Một, các đội ứng chiến
tiếp viện của địch có thể đổ đến trong chớp nhoáng bằng phương tiện cơ
giới.

Cái ba lô cóc to tướng trên vai làm cho Bồng vướng víu. Em nổi
xung lẳng luôn cái ba lô xuống đất, rồi dùng khẩu súng trường Anh làm
đòn bẩy lật xác tên giặc sang một bên. Cuối cùng em lôi được khẩu
ga-răng ra và khoác lên vai. Khẩu ga- răng nặng gấp đôi khẩu súng trường Anh, sức nặng của hai khẩu súng làm em muốn sụn vai. Lúc chui qua cừa
ra ngoài, Bồng vấp phải cái thắt lưng Mỹ đeo tám băng đạn ga-răng.

Em mừng rỡ nhặt lên nịt luôn vào ngang bụng. Ngoái nhìn cái ba lô vừa
quăng xuống đất, biết sức không tài nào tha nổi, liền xử lý bằng cách
nhổ lên đó một bãi nước miếng.

Ban chỉ huy trận đánh được liên lạc
báo tin một đoàn xe thuộc binh đoàn cơ động ứng chiến từ phía đồn Mỹ
Chánh chạy về phía đồn Cầu Nhi. Tin này làm quân ta nháo nhào vọt ra
khỏi đồn cũng nhanh như lúc vọt vào đồn. Trên vai anh nào cũng lặc lè
súng đạn và những hòm lớn nhỏ chiến lợi phẩm.

Tất cả hối hả rút về phía sông Cầu Nhi. Bồng rút chạy sau cùng. Nhưng vì mang đeo nặng quá, nó rơi lại mỗi lúc một xa.

Khi em đến bờ sông thì các anh đã sang hết bên kia sông và đang chạy lúp
xúp trên những ngọn đồi trọc xa xa. Bồng tụt xuơng bờ sông lở dốc đứng
và nhào xuống nước.

Sông Cầu Nhi hẹp nhưng khá sâu, nước trong xanh,
chảy xiết Bồng là tay bơi lặn cự phách của đội. Bình thường em vượt qua
con sông này dễ như bỡn. Nhưng lúc này phải tha theo hai khẩu súng và
thắt lưng đạn nịt quanh người, nên em đuối sức sức nặng của súng và đạn
cứ muốn dìm em xuống nước và đẩy xa về phía dưới. Mặc dầu vậy em vẫn
không chịu buông hai khẩu súng, và có nguy cơ chết đuối. Em liền đổi
chiến thuật, vừa bơi vừa lặn. Em vật lộn quyết liệt với dòng nước, bụng
uống no căng nước. Đến phút em hoàn toàn kiệt sức tay không còn giữ nổi
hai khẩu súng, thì chân em bất ngờ chạm nền cát và đá sỏi đáy sông, em
vuốt nước trên mặt, reo to: “Thoát rồi?” Em lội ào vào bờ, trườn lên bờ
dốc vác hai khẩu súng trên vai, chạy thục mạng.

Chạy được mấy chục
bước em vấp phải Pun-xắc người hàng binh Đức. Pun-xắc áo quần tóc tai
ướt sũng nước, ngồi nép sau một mô đất ngó ra phía sông mà khóc như con
nít. Anh hàng binh người Đức này mới hai mươi bốn tuổi, cao một thước
chín mươi bảy phân, mái tóc vàng óng như tơ tằm và cặp mắt to xanh biếc. Anh ta đẹp trai đến nỗi các o bào chế, y tá, mỗi lần gặp anh đi ngang
qua đều phải quay lại ngẩng lên nhìn vào cặp mắt xanh biếc của anh mà
cười duyên.

Bồng ngạc nhiên hỏi:

– Răng anh lại ngồi đây mà khóc rứa?

Pun-xắc nhận ra chú bé liên lạc vẫn thường gặp ở chiến khu. Anh đưa sống bàn
tay quyệt nước mắt, nói tiếng Việt giọng Huế trọ trẹ:

– Tôi làm mất khẩu tôm-xông rồi!

– Làm mất à? Mất ở mô? – Bồng tái mặt hỏi.

– Tôi bơi qua sông… Khẩu súng tuột khỏi vai… chìm xuống nước.

– Ui trời? – Bồng giậm chân kêu, vừa giận dữ vừa sợ hãi.

Em không thể nào tưởng tượng được một sự mất mát ghê gớm đến như thế. Bồng đã từng chiến đấu trong một trung đội Quyết tử quân chỉ có mác lào và
mã tấu, nên em thấm thía cái giá của vũ khí không thua gì các anh Vệ
Quốc Quân lớn tuổi.

Em vẫn còn nhớ trong trận Võ Xá, anh trung đội
trưởng giữ khẩu tôm-xông này, lúc rút lui làm rơi mất một băng đạn trong bốn băng của khẩu súng. Lúc đó đã quá nửa đêm, Chính uỷ trung đoàn bắt
anh phải lộn trở lại con đường cũ tìm cho ra băng đạn. Đến tảng sáng hôm sau anh mới tìm ra được băng đạn đem về báo cáo với Chính uỷ.

Bây giờ không phải mất băng đạn mà mất cả khẩu súng!

Bồng giận run người. Em nhìn mặt Pun-xắc nói như quát:

– Người ta nhỏ ri, người ta bơi qua sông còn tha được hai khẩu súng với
tám băng đạn? Mình to cao như cái cột đình, mang có khẩu súng cũng để
rớt!

Bị một chú bé đứng chỉ cao đến thắt lưng mình la lối, quát mắng, Pun-xắc vẫn chịu ngồi im thin thít. Chính anh cũng hiểu một khẩu súng
tiểu liên tôm-xông đối với bộ đội Việt Minh lúc này có ý nghĩa như thế
nào. Cả đại đội biệt động – đại đội được trang bị tốt nhất tiểu đoàn –
chỉ có ba khẩu tôm- xông. Và sáng nay lúc xuất phát, chính tay cô-lô-nen Lâu (1) – anh gọi trung đoàn trưởng như vậy – đã trao khẩu súng cho
anh, căn dặn: “Nhớ giữ khẩu súng cẩn thận và bắn tiết kiệm đạn“. Thế mà
anh đã để mất khẩu súng. Anh lo sợ có thể bị cô- lô nen Lâu đưa ra toà
án binh vì tội làm mất súng. Anh đã từng chiến đấu trong quân đội của
Hítle. Anh hình dung kỷ luật của quân đội Việt Minh cũng nghiêm khắc ghê gớm như quân đội Hítle, nén nỗi lo sợ làm cho tấm thân cao lớn của anh
gần như tê liệt, và đầu óc trở nên mụ mẫm. Anh chỉ còn biết ngồi nép
mình sau mô đất nhìn ra quãng sông mình vừa đánh mất khẩu súng mà khóc
như một đứa con nít. Bồng càng tiếc khẩu súng càng giận Pun-xác. Em chỉ
muốn xông tới đạp cho anh ta mấy đạp. Em làu bàu: “To xác mà dở thúi!“.

Bồng chợt nhìn xuống bụng áo Pun-xắc. Bụng áo căng phồng như bụng đàn bà
chửa. Em cúi xuống nắn nắn bụng áo, lổn nhổn toàn đồ hộp! Lúc bộ đội thu chiến lợi phẩm, Pun-xắc lọt vào khu nhà bếp. Anh quơ đại đồ hộp để
trong tủ, tọng hết vào bụng áo.

Bồng vỗ vào bụng áo Pun-xắc giận điên người, quát thật sự:

– Cầm hèn chi? Vô đồn không chịu lấy súng lấy đạn, lại ních đầy một bụng
đồ hộp ri, làm chi bơi qua sông mà không chìm, không làm rớt mất súng.
Chừ lại còn ngồi đó mà chảy nước đái?

Bồng ném hai khẩu súng vác trên vai xuống đất, cởi nịt đạn ném lên hai khẩu súng, mặt hằm hằm hỏi:

– Làm rớt chỗ mô, ra chỉ cho người ta mò lên!

Pun-xắc chạy theo Bồng ra bờ sông. Anh nhặt hòn đá ném ra quãng giữa sông, chỗ
anh ta vừa đánh rơi khẩu súng. Bồng mắt ngó theo chỗ hòn đá vừa rớt
xuống, hai tay tụt nhanh bộ áo quần rách nhơ xơ mướp, ném xuống đất. Em
nhảy thẳng từ trên bờ dốc đứng xuống nước. Em sải tay bơi ra chỗ hòn đá
vừa rơi, chúi đầu lặn. Cái mông trần tím ngắt những bọng ghẻ ruồi và hai cẳng chân em chống ngược lên khỏi mặt nước trong chớp mắt, rồi biến hút trong làn nước xanh ngắt. Pun-xắc nừa ngồi nửa quỳ trên bờ sông, hai
tay chống đất, cặp mắt xanh hau háu nhìn xuống chỗ Bồng vừa lặn. Tiếng
động cơ cả một đoàn xe của giặc từ phía đường quốc lộ vọng lại rõ dần.

Dưới sông, Bồng nổi đầu lên. Em đưa hai tay lên cao. Hai tay không. Em há to miệng hớp hớp không khí, nhìn lên bờ, đầu lắc lắc báo hiệu chưa tìm
thấy khẩu súng. Pun-xắc hớt hải, đưa hai bàn tay lên miệng làm loa, gọi
to:

– Bồng! Bồng! Xe bọn giặc đến gần!

Nhưng dưới sông Bồng đã
chúc đầu, chổng mông lặn biến xuống nước. Từng đợt vòng sóng, nở to mãi, lan vào đến tận bờ. Lần thứ hai Bồng nổi đầu lên, vẫn hai tay không.
Tiếng đoàn ô tô giặc gầm rú ngay phía ngoài đường quốc lộ. Chắc chúng đã chạy đến trước cổng cái đồn vừa bị đánh tanh bành và nghi ngút lửa
cháy. Tiếng phanh rít của đoàn xe vọng vào đến tận đây. Dưới sông, Bồng
xua tay lia lịa về phía Pun-xắc:

– Chạy đi! Chạy đi! Tụi hắn vô đây chừ đó!

Pun-xắc vọt đứng lên. Anh chạy đến chỗ Bồng để hai khẩu ga-răng và chiếc nịt
đạn. Anh nhặt khẩu ga-răng, giật mạnh cơ bẩm. “Rắc!“. Một viên đạn vọt
ra khỏi nòng súng. Băng đạn vẫn còn nguyên. Anh lượm cái nịt đạn, thắt
vào ngang người và nhào trở lại phía bờ sông. Anh quỳ xuống sau một mô
đất sát mép bờ sông, chĩa khẩu súng sang bên kia bờ. Từ cổng đồn vào đến đây chỉ khoảng năm trăm mét đường chim bay. Bọn giặc tiếp viện bắt đầu
bắn xối xả ra bốn phía. Nhiều tràng đạn bay rít ngang qua mặt sông.

Cặp mắt to xanh biếc của Pun-xắc mở trừng trừng nhìn sang phía bên kia
sông, miệng anh mím chặt, toàn bộ dáng vẻ khổng lồ của anh hiện rõ quyết tâm trụ lại ở đây, líều chết để yểm trợ cho Bồng. Và dưới sông Bồng
cũng quyết tâm lặn mò cho bằng được khẩu súng. Đạn mỗi lúc nổ một rát;
một gần hơn. Chúng bắn đại liên và cả đại bác hai mươi li về phía bờ
sông. Chúng đã đoán được con đường rút lui của quân ta.

Bồng lại chúi đầu, chống mông lặn xuống nước lần thứ ba. Lần này em lặn còn lâu hơn
cả hai lần trước, Pun-xắc nhìn xuống sông, lòng như lửa đốt. Một giây
trôi qua anh có cảm tưởng như dài bằng cả một ngày. Và trong khoảng khắc anh đã cảm nhận vô cùng sâu sắc tinh thần cao thượng và lòng dũng cảm
phi thường của đội quân mà anh đã quyết định lựa chọn để chiến đấu. Được cùng chiến đấu, cùng sống và cùng chết với những chiến hữu như chú bé
đang giúp anh lặn mò khẩu súng dưới đáy sông kia, thật là một điều may
mắn cho đời anh, và cũng là một niềm hạnh phúc to lớn! Anh nghĩ vậy và
tự nhiên nước mắt trào ra, những giọt nước mắt vui sướng, thuần khiết,
trong sạch đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của anh.

Bồng trồi đầu lên khỏi mặt nước và hét váng mặt sông:

– Mò thấy rồi!

Em đưa cao khẩu súng ròng ròng nước quá đầu cho Pun-xắc nhìn thấy, rồi vừa lặn, vừa hụp, vừa bơi về phía bờ sông.

Hai chiếc ô tô G.M.C chở đầy lính Âu-Phi, trước mỗi xe đặt hai khẩu đại
liên, từ phía đường quốc lộ vừa bắn vừa lao băng băng qua những dốc đồi
trọc, vút thẳng đến bờ sông. Hai chiếc đã ló mũi súng trên ngọn đồi thấp cách bờ sông bên kia khoảng chừng trăm mét. Dưới sông còn hơn chục mét
nữa Bồng mới tới bờ, Pun-xắc giận dữ nhằm chiếc xe đi đầu bắn liên tiếp
cả kẹp đạn, và anh lắp một kẹp đạn mới, bắn tiếp.

Tiếng đạn ga-răng nổ rất đanh và đường đạn khá chính xác.

Hai chiếc xe hoảng hốt phanh rít. Bọn giặc trên xe vọt xuống đất nằm oẹp
chĩa súng sang phía Pun-xắc bắn trả như đổ đạn. Nòng hai khẩu đại liên
đặt trên xe chúc thẳng xuống mặt sông, nổ rầm rầm chát chúa. Chúng đã
nhìn thấy Bồng. Em hụp sâu xuống nước, lặn một hơi tới thấu bờ. Em nhào
lên bờ đất. Đạn đại liên chíu chíu quanh mình em, cắm phầm phập vào đất, và mặt sông quanh em sôi lên như tăm cá. Pun-xắc nhoài người ra sát mép sông, túm lấy tay Bồng gần như xách bổng em lên bờ đất dốc ngược.

Hai người cúi rạp mình chạy ngoằn ngoèo sau những mô đất, những bụi sim
mua, để tránh đạn. Ngang qua bụi cây lúc nãy, Pun-xắc lượm khẩu súng
trường Anh, và giật luôn cả khẩu tôm-xông Bồng đang cầm, vác tất cả lên
vai mà chạy.

Đạn bay như ong vỡ tổ, rít quanh hai người.

Hai anh
em chạy cách bờ sông được khoảng chừng ba trăm mét, bọn giặc đã nhào đến mép bờ sông bên kia. chúng tiếp tục xả súng bắn theo hai người nhưng họ đã đứng ngoài tầm nguy hiểm. Chạy lên đến đỉnh đồi, Bồng nhìn trật
xuống thấy mình trần truồng như nhộng. Bộ áo quần rách mướp vì vội quá
đã quên lại trên bờ sông. Lần ni tưởng vớ được bộ áo quần đẹp không ngờ
lại mất luôn cả bộ áo quần rách. Em rên lên vừa tiếc vừa tức: “Lỗ to!”
trong lúc đó súng giặc vẫn nổ rền.

Nổi xung, em cầm lấy chim, ưỡn người trễ về phía bọn giặc, rung rung chửi toáng:

– Có [bad word] cau đây cho bắn! Có [bad word] tau đây cho bắn! Bắn cái mả cha bây đây nì!

Pun-xắc đứng sững nhìn Bồng. Chưa hiểu rõ nghĩa câu chửi, nhưng anh hiểu chú bé này đang làm gì. Anh bật cười vang. Bồng ngoảnh sang nhìn Pun-xắc đang
đứng cười ngặt nghẽo, liền giục:

– Anh trẽ [bad word] đi! Anh trẽ [bad word] đi! – Vừa giục em vừa trỏ vào hàng khuy quần của Pun-xắc, ra hiệu.

Pun-xắc lập tức giật tung hàng cúc quần, lôi cái của mình ra, bắt chước Bồng
cũng cầm rung lia lịa trẽ về phía bọn giặc, hét váng cả dãy đồi:

– Voa-la mông cui! Voa-la mông cui!

Bồng trợn tròn mắt nhìn, phục lác mắt và kinh ngạc trước vóc dáng đồ sộ cái của Pun-xắc. Em kêu lên thích thú:

– Ui chao! Hắn to chi mà to đã gớm! Như cái chày giã gạo?

– Anh trẽ nữa đi! Trẽ nữa đi! To mà dài như rứa có đứng xa hàng cây số tụi hắn cũng phải ngó thấy!

Pun-xắc nghe theo Bồng, càng ra sức rung mạnh, ra sức hét to! Và con người hàng binh quốc tịch Đức có vóc dáng khổng lồ này phút chốc đã hoá thành một
đứa con nít nghịch ngợm. Hai anh em lại tiếp tục chạy. Khi tiếng súng
giặc đã khuất hẳn sau dãy đồi vừa chạy qua, và tin chắc không còn gì
nguy hiểm nữa, Bồng liền nằm dài ra đất mà thở. Mặt em tái mét vì quá
mệt. Miệng em há hốc, thở như sắp hụt hơi, muốn nói gì đó mà không ra
tiếng, Pun-xắc cũng ngồi xuống cạnh Bồng.

Anh đặt ba khẩu súng trên
vai xuống, cởi cái thắt lưng đạn đặt lên ba khẩu súng. Anh mở phanh cúc
áo, xổ ra đất cả một đống đồ hộp, có đến vài chục vừa hộp vừa lon: thịt, cá, sữa đặc, sữa bột, chanh bột, cà phê, ca cao, sô cô la…

Anh nhún vai nhìn đống đồ hộp quay sang nói với Bồng, giọng hối lỗi:

– Chỉ vì mấy cái thứ đồ hộp khốn nạn này mà anh suýt làm mất khẩu súng quý, suýt làm cho em chết chìm dưới sông.

Pun-xắc đứng phắt dậy, nhặt một hộp thịt bò lớn bên ngoài có vẽ cái đầu bò và
những lát thịt màu đỏ tươi, dang mạnh tay định ném xuống cái vực dưới
chân đồi. Đang nằm tay chân duỗi thẳng đờ, Bồng vụt chồm ngay dậy, hớt
hải nhảy lên đánh đu vào cánh tay cầm hộp thịt của Pun-xắc, la bai bải:

– Đừng vứt! Đừng vứt!

Bồng giật phắt hộp thịt trong bàn tay to lớn của Pun-xắc, kêu:

– Khi hồi trong đồn không vứt, chừ đã tha được về thấu đây lại đem vứt! Dại chi mà dại dữ rứa!

Bồng ngồi phệch xuơng đất, níu áo kéo Pun-xắc xuống theo, vừa thở vừa nói:

– Anh đục hộp thịt ra ăn đi? Em đang đói gần chết đây…

Lại một chuyện bất ngờ nữa đối với người hàng binh khổng lồ này. Anh ôm đầu Bồng rị vào ngực mình, xoa xoa mái tóc bù rối của em, cảm động nói:

– Làm sao trong cái đầu bé nhỏ thế này mà em lại chứa đựng được nhiều trí khôn đến như vậy!

– Đục đi anh! Đục đii Em đang thèm rệu cả nước miếng đây.

Pun-xắc rút con dao găm cạnh sườn, đục hộp thịt với bàn tay thành thạo.

Hai anh em vừa bốc thịt ăn vừa nhìn nhau mà cười.

Vừa lúc đó một tổ bộ đội từ dưới chân đồi chạy lên. Nhìn thấy hai anh em đang nhồm nhoàm nhai thịt, họ mừng rỡ kêu to:

– Đây rồi! Đây rồi!

Té ra khi rút về đến địa điểm tập kết, tiểu đoàn trưởng Bùi Ngọc Hoàng mới phát hiện ra thiếu Pun-xắc và Bồng. Anh liền cử một tiểu đội quay lại
tìm hai người.

Chú thích:

(1) Trung đoàn trưởng Lâu.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN