Tuổi Thơ Dữ Dội
Chương 25: Phần thứ bảy (9)
12
Trong vòng chưa đầy một ngày một đêm mà cả chiến khu Hoà Mỹ, từ Tiền chiến
khu đến Xê-ca Bảy và không chỉ riêng bộ đội, cán bộ, công nhân viên mà
cả nhân dân làng Hoà Mỹ, đều biết chuyện em Quỳnh-sơn-ca đội viên đội
Thiếu niên Trinh sát trung đoàn, tác giả bài hát “Sông Ô Lâu kháng
chiến” là con trai út độc nhất, là “hũ mắm treo đầu giàn”, của tên đại
Việt gian, Phó tổng trấn Trung kỳ. Và chính tay tên đại Việt gian đó đã
viết thơ, cử hai chị người nhà, một già một trẻ, mang lên chiến khu, gửi tận tay Ban chỉ huy trung đoàn, cùng với nhiều thuốc men; nhiều đồ lề
quý giá mua từ ngoại quốc xin cho em được trở về Huế với gia đình. Sau
đó em sẽ được xuất dương sang nước Thuỵ Sĩ để chữa bệnh và học hành cho
đến lúc thành tài. Ban chỉ huy Trung đoàn đã cho phép em tự do lựa chọn, muốn ở thì ở, muốn về thì về. Hai chị người nhà của em hiện đang ở tại
chỗ ìán của đội Thiếu niên Trinh sát với hai bị đồ đạc gánh một gánh
nặng. Nếu em thuận về, họ sẽ đưa em về theo.
Chuyện của Quỳnh được sôi nổi bàn tán khắp nơi chiến khu. Mọi người thi nhau phỏng đoán, đánh cuộc với nhau.
Người bảo em sẽ về, người bảo em sẽ ở lại. Nhân đó, người ta nhắc lại chuyện
quản Hậu, quản khố đỏ cũ, là trung đoàn trưởng đầu tiên của trung đoàn
Trần Cao Vân. Mặt trận Huế vỡ quản Hậu đã bỏ trốn theo Tây. Rồi chuyện
ông Tuân, trưởng ban quân nhu của trung đoàn, xách một túi bạc mấy chục
vạn đi vô chiến khu Hương Thuỷ, để gửi về Huế mua thuốc men cho bộ đội.
Ông ta đã để túi bạc lại chiến khu đi về đồng bằng, mượn cớ tìm bắt liên lạc với cơ sở rồi nhảy tót luôn về Huế theo Tây…
Người lớn làm đến chức to như rứa còn trốn theo Tây, huống hồ đây là con nít. Chú ta xin về là cái chắc!
– Cái nước Thuỵ Sĩ mà chú ta sắp qua ở là nước mô rứa hè?
– Cái nước chuyên nghề làm đồng hồ đó. Đồng hồ Thuỵ Sĩ tốt nhất thế giới: Ô-mê-ga, Mô-va-đô, Vi-le, Pơ-ranh-ta-ni-a…
– Mấy chú liên lạc ở đội anh Thắng tui biết hết, không biết Quỳnh là chú mô?
– Cái thằng nước da trắng xanh, đi phải chống nạng mà bữa trước đi ngang
qua quán, tui gọi vô cho ăn bát chè gạo, hắn cứ nắc nỏm khen hoài là
ngon ghê, ngon ghê đó.
– Chính thằng nớ à? Ngó hắn còn nhỏ thó, ốm o hơn cả thằng Bộ-xương-cách-trí nữa hè?
– Không biết cả vạn quốc, có nước mô nhiều bộ đội con nít như ở Xê-ca Hoà Mỹ mình không hè?
– Kháng chiến mình cũng thiệt lắm chuyện lạ? Bữa ni còn đang thèm cục
đường đen rệu cả nước miếng, áo quần rách thì láy dây chuối buộc túm
buộc tó, sốt rét thì uống nước mưa hoà ký ninh… Rứa mà chỉ cần gật đầu
một cái là dã qua ngồi bên nước Thuỵ Sĩ, tay đeo đồng hồ vàng sáng giới, đi ô tô, ở nhà lầu, mặc lụa, mặc gấm, chơi đàn chơi địch… sướng hơn cả
hoàng tử Bảo Long!(1)
– Rứa mà chắc chi chú ta đã chịu gật?
– Gật chớ chi mà không gật!
– Mấy ông cách mạng nòi gặp phải trường hợp ni e cũng chênh vênh nữa là…
– Cứ đợi coi mới biết, chuyện đời nhiều khi rất cắc cờ.
Từ các trạm gác tiền tiêu, trong các ụ súng bắn máy bay, trong các lán
trại từ Xê-ca Một đến Xê-ca Bảy, công binh xưởng, trạm quân lương, xưởng bào chế… trong các quán hàng, hiệu “Coiffeur de luxe” của ông Đỡm, quán bán bánh sắn của mụ Tào… đến đâu cũng nghe bàn tán chuyện em Quỳnh. Năm đó là năm gian khổ trầm trọng nhất của cuộc kháng chiến chín năm ở
chiến trường Bình Trị Thiên. Nhiều người bền gan quyết tử, nhưng cũng
không ít người xao xuyến phân vân… Có người đã bước tới mấp mé ranh giới của sự ngã lòng, khiếp nhược; trong tâm tư sâu kín đã manh nha ý muốn
đầu hàng, rời bỏ hàng ngũ kháng chiến, mà danh từ hồi đó gọi là “dinh
tê“.
Vì một sự hết sức tình cờ mà chú bé chiến sĩ mới mười ba tuổi
này đã trở thành đại diện cho cả hai bên: bên bền gan và bên ngã lòng.
Người ta mượn chú để công khai bộc bạch lòng mình trước giờ phút nghiêm
trọng của kháng chiến. Mỗi bên đều muốn níu kéo chú đứng về phía mình để khẳng định niềm tin hoặc để biện hộ cho sự ngã lòng khiếp nhược.
Người ta hồi hộp chờ đợi cái phút chú gặp mặt người nhà để nói lên sự quyết định lựa chọn của chú.
Bởi vậy khi thấy anh So-moóc-chê cõng Quỳnh trên lưng, cùng với bác sĩ bệnh viện trưởng và mấy chị y tá, hộ lý, từ phía Xê-ca Một đi ra Tiền chiến
khu, nhiều người đã bỏ dở công việc đang làm, đi theo coi, đông như một
đám rước.
Nằm nép trên tấm lưng rộng lớn lực lưỡng của anh xạ thủ
moóc-chê tám mốt, Quỳnh nom càng mỏng mảnh, bé bỏng xanh xao. Nếu anh So không vòng hai cánh tay ra sau lưng ôm chặt lấy cặp giò và cái mông con nít của em, e gió thổi bay. Đoạn đường từ Xê-ca Bảy ra đến Tiền chiến
khu khá xa, phải trèo qua nhiều dốc núi và lội qua nhiều con suối. Nằm
trên lưng anh So, Quỳnh cũng thấy thấm mệt. Em đựa mái dầu tóc tơ bù rối vào cái cổ trần bò mộng của anh, nhắm nghiền mắt, thiu thiu ngủ. Gió
thổi lộng. Đi qua kết hết lớp cây rừng che khuất, cái màu nắng chói
chang rực rỡ của vùng Tiền chiến khu, và tiếng người chuyện trò bàn tán, đã đánh thức em. Em ngẩng đầu lên, mắt hấp háy vì chói nắng. Em ngoảnh
lại nhìn những người đi theo sau đông như đám rước. Em tủm tỉm cười với
tất cả thay cho lời chào hỏi. Cặp mắt em vốn đã to lúc này trông càng to hơn, như choán hết gương mặt hốc hác, xanh xao, mái tóc bù rối gió thổi tung và tràn ngập nắng chiến khu.
Không hiểu sao có mấy anh, mấy chị ngó vào cặp mắt em, tự nhiên ứa nước mắt:
– Coi hắn ngó mình tề, hắn cười tề… Cái mặt hắn răng mà dễ ghét…- Một chị vừa thút thít khóc vừa nói vậy.
Những người đi theo sau, đều biết em tuy là chú bé nhưng lại là một nghệ sĩ,
đã viết nổi một bài hát đẹp và quyết liệt như một lời thề của tất cả
những người bền gan sống chết với chiến khu. Ánh nhìn và nụ cười của em
vừa thơ dại, bé bỏng, vừa sâu sắc thâm trầm. Qua ánh nhìn và nụ cười đó, người ta đều cảm thấy chú bé này hiểu rất rõ họ muốn gì ở em, chờ đợi
gì ở em…
Anh So cõng Quỳnh bước vào lán, nhẹ nhàng đặt em ngồi xuống
sạp nứa. Phút chốc cái lán rộng thênh thang đã chật ních những người. Họ chen chúc, vòng trong vòng ngoài. Đứng vây quanh sát bên em là đội
trưởng Thắng, bác sĩ Thiền, và hai phụ nữ gia nhân của viên Phó Tổng
trấn Trung kỳ. Thím Ba là vú nuôi, o Hường là chị em cô cậu ruột với
Quỳnh, sống với gia đình em từ nhỏ và cùng đi học với chị Kiều Trang của em.
Hai người phụ nữ cùng ôm chùm lấy Quỳnh và oà lên khóc.
Qua
gẩn một ngày một đêm ở chiến khu, họ lần đầu tiên đã được nếm ít nhiều
mùi vị gian khổ của kháng chiến. Suốt đêm qua họ không ngủ. Họ thao thức cố hình dung đứa con nuôi, đứa em của họ, mà ngày ở nhà được nâng như
nâng trứng, hứng như hứng hoa, bây giờ sinh sống ra sao, mặt mũi hình
dạng ra sao… Nhưng họ không thể nào tưởng tượng nổi đứa con trai út độc
nhất của cụ lớn Tuần Vi, giàu sang quyền thế nức tiếng của thành phố
Huế, lại đến nỗi rách rưới, ốm đau, xanh xao, hôi hám như cái chú bé mà
họ đang ôm riết trong vòng tay. Một nỗi thương xót ghê gớm làm cho cả
hai người muốn chảy tan thành nước mắt. Trái lại, thấy vú nuôi và người
chị ăn mặc sang trọng, thơm tho, béo tốt, cứ ôm chặt lấy mình mà khóc,
Quỳnh có vẻ xấu hổ và ngượng với những người đang đứng vây quanh. Em hơi đẩy hai người ra, nói giọng như gắt:
– Tề… Vú với chị khóc chi mà khóe hoài rứa? Làm như em chết rồi không bằng…
– Ôi chao, con mà đau ốm, ăn ở cách ni rồi con cũng chết mất thôi con ơi!… Thím Ba nước mắt giọt ngắn giọt dài, rên rỉ.
– Chị với vú mà còn khóc nữa là em bỏ em vô trong tê ngay.
Quỳnh chỉ tay về phía núi.
Câu doạ của Quỳnh thế mà hiệu quả. Hai người chặm nước mắt và vội nín khóc. Từ ngày còn ở nhà hai người đã được biết cái thằng Quỳnh của họ mặt mũi hiền lành như con gái nhưng bướng bỉnh, gan liều cả nhà phải khiếp. Nó
đã định làm cái gì, thích cái gì là tìm cách làm cho bằng được. Một lẩn, chị Kiều Trang ngồi thêu, bị cái kim chích vô ngón tay, đau quá, chị
khóc thút thít. Nó đang ngồi tập đàn, bỏ đàn chạy lại, nói với chị. “Cái kim chích như kiến cắn mà chị cũng khóc! ôốc dôột?“. Chị bực cãi lại:“Em có bị chích mô mà em biết. Em mà bị, em còn khóc bằng mấy chị?“. Nó
cầm lấy cái kim, nói: “Đã rứa, em chích cho chị coi?“. Tưởng nó nói doạ, ai ngờ nó chích thiệt. Nó đâm gần lút nửa cái kim vô bắp chân rồi rút
ra. Bỏ cái kim còn đỏ lòm cả máu vô hộp khâu, rồi bước cà nhắc đến bên
cây đàn, thản nhiên ngồi xuống tập tiếp. Rồi cái hôm cụ Tuần xé mất cuốn vở nhạc của nó, nó lầm lì nói: “Ba làm rứa, con bỏ nhà con đi Vệ Quốc
Đoàn!“. Cũng tưởng nó nói dọạ, ai ngờ nó trốn nhà nó đi thiệt, đi từ
ngày đó cho đến nay…
Vú Ba và chị Hường kể chuyện ba mạ, chuyện nhà
cho Quỳnh nghe. Hai người mở bị soạn hết đồ lề của ba mạ gửi lên cho em, để đầy trên sạp nứa. Mấy bộ áo quần ka-ki, ga-bạc- đin, phơ-la-nen, mấy cái áo len dài tay, cộc tay, cái nào ở cổ cũng có đính nhãn hiệu nước
ngoài, cái mền len mỏng, thuốc uống, thuốc tiêm toàn loại thật hiếm,
thật đắt tiền, rồi sữa hộp, cá hộp, thịt hộp, nét-cà-phê, chanh bột hộp, sô-cô-la, bích quy, cả thuốc lá thơm Cờ-ra-ven-na… với vỏ bọc choáng
lộn, màu sắc sặc sỡ, những hình vẽ và chữ đề tiếng nước ngoài…
Tất cả cái đống đồ lề đó bốc lên mùi xa lạ, mùi cuộc sống của những gia đình
giàu sang, quyền thế ở các thành phố giặc tạm chiếm. Nhiều người đứng
vây chung quanh, mắt như bị hút chặt vào cái đống đồ lề quý giá, ngon
lành đó, và gần như choáng váng vì thèm muốn. Nó hiện ra giữa cảnh sống
vô cùng gian khổ của chiến khu với tất cả sức hấp dẫn ghê gớm của chủ
nghĩa vật chất. Nó như một lời mời mọc, dụ dỗ về cảnh sống của một miền“địa đàng” có thật và đang ở cách họ không xa. Bên kia con sông Ô Lâu,
dọc theo con đường quốc lộ rải nhựa khoảng bốn chục cây số là đến nơi…
Họ hết nhìn đống đồ lề lại nhìn Quỳnh – chủ nhân của đống đồ lề: Còn
Quỳnh, em đưa mắt dửng dưng lướt nhìn đống đồ lề, rồi cúi xuống đất,
nhìn cái lối đi gồ ghề, cháy đen nhiều chỗ vì lửa đốt sưởi suốt mùa lạnh và những ngày chiến khu mưa.
Gương mặt thơ ngây của em vụt tối và
đanh lại, nom em càng vàng rõ, xanh xao đến phát sợ. Em nói, mắt vẫn
nhìn xuống đất, giọng nghẹn lại vì đau đớn:
– Vú và chị về nói lại
với ba mạ em… Em nghe chuyện ba, em rất xấu hổ. Tội của ba với kháng
chiến to lắm. Mà em còn nhỏ quá, em không đủ sức để chuộc được tội cho
ba… Nói với mạ em, ở đây em chẳng cần chi hết. Em chỉ cần tiếng tốt của
ba, của mạ của gia đình thôi… Nước Thuỵ Sĩ làm chi có sông Ô Lâu, làm
chi có Xê-ca Một, Xê-ca Hai, Xê-ca Ba… Xê-ca Bảy?… Qua bên đó em làm chi có đứa bạn trèo hết lên các ngọn cây cao thành phố để tìm lá thuốc về
chữa bệnh cho mạ… Mà em thì thích sông Ô Lâu, thích Xê-ca, thích bạn em
hơn. Còn ba thứ đồ ni – em ngẩng lên, khoát tay chỉ đống đồ lề bày ngổn
ngang trên sạp nứa – vú với chị dẹp hết vô bị mang về, một viên thuốc em cũng không uống, một cái bánh em cũng không ăn mô!
Thân hình em bỗng rung lên từng đợt như ngọn lá trước cơn gió bất thần nổi lên. Em đang
cố hết sức chống chọi với cơn sốt rét đang dâng lên từ bụng, từ ngực.
Hai bàn tay em bóp chặt cái thành sạp nứa, rồi cố nói với giọng thật
bình thản:
– Vú với chị về đi. Khi mô Huế giải phóng em sẽ xin phép cấp chỉ huy về thăm cả nhà…
Em chợt nhìn lên chỗ đầu nằm của Mừng, thấy trên cái bao tải rách, đặt một hộp sữa guy-gô sáng trắng. Em cau mặt, chỉ hộp sữa, hỏi Mừng đứng sát
ngay bên cạnh:
– Ở mô mà cậu có rứa?
– Chị Hường cho mình sáng ni… – Mừng bối rối nhìn bạn trả lời.
– Răng cậu lấy làm chi? – Mặt em sa sầm, nghiêm lại hỏi. – Thứ bột đó ăn vô là dễ mắc nghẹn làm cậu chẳng biết chi cả!
– Mình lấy định mang vô cho Quỳnh mà…
– Mình thích ăn quả ươi bay hơn! Cậu tệ quá, cả tuần ni chẳng thấy cậu
đem vô cho mình quả ươi bay mô? Mình thèm ươi bay của cậu rệu cả nước
miếng… Cậu định đem hộp đó vô cho mình thì chừ cậu đưa đây.
Mừng phóc lên sạp, cầm hộp sữa đưa cho Quỳnh. Em đặt hộp sữa bột vào giữa đống đồ lề, nói:
– Vú với chị mang luôn cả hộp ni về. Bạn em nó không biết, nó tưởng ăn được!
Những người vây quanh nhìn Quỳnh với cảm giác gần như hoảng sợ. Trong lúc nói những câu đó, gương mặt trẻ thơ của em hiện lên vẻ sắt đá đến lạnh
người.
Chị Hường nắm chặt hai cổ tay gầy guộc của em, khóc không thành tiếng, nước mắt ròng ròng, làm tóc dính bết vào má, vào cằm.
– Chao ôi, răng mà em sắt đá dữ rứa? Em không viết được cho ba, cho mạ, cho chị, một cái thư hay răng?
– Em chẳng biết viết chi… – Quỳnh lắc đầu buồn bã. – Mà em không có sẵn giấy bút ở đây…
Mừng quệt nước mắt vào ống tay áo, nói với Quỳnh:
Hay cậu gửi cái tờ chữ nhạc “Sông Ô Lâu kháng chiến” về cho ba mạ, cho chị, để ba mạ với chị được ngó thấy mặt chữ của cậu?
– Tưởng anh Hinh lấy tờ đó rồi?
– Mình mới lên đòi lại anh bữa trước.
Mừng lôi tờ báo Giết giặc để dưới cái bao tải, mở ra. Bên trong tờ báo gấp
làm tư em để bản nhạc của Quỳnh được vuốt thẳng hết nếp nhăn. Quỳnh cầm
lấy bản nhạc viết sau tờ đơn thuốc, đọc lại một lần, rồi rút mẩu bút chì trong túi áo, sửa lại một vài chỗ. Em ký tên dưới bản nhạc, trao cho o
Hường.
– Chị nói với ba mạ là thơ của thằng Quỳnh gửi cho ba mạ đó!
Gương mặt em vụt trở nên xanh lét, cả hai vành tai cũng xanh. Em gần như cúi
gập người để chống chọi với cơn sốt lúc này đang tràn ngập cơ thể em.
Như có một sức mạnh ghê gớm từ bên trong thúc đẩy, em vụt ngồi thẳng
dậy, rướn người lên hết sức như sợi dây đàn lên đến cung bậc cao nhất mà nó có thể lên. Trông dáng điệu em lúc này sao mà giống hệt con sơn ca
sắp vỗ cánh bay thẳng vút lên bầu trời! Và hết sức bất ngờ em bỗng cất
tiếng hát. Em hát chính bài hát của em “Sông Ô Lâu kháng chiến“.
Sông Ô Lâu ngân nga soi núi biếc chập chùng
Soi đoàn quân quyết tử hiên ngang…
Mọi người đứng lặng sững sờ, kinh ngạc nhìn em. Cặp mắt em mở to, sáng long lanh như có lửa cháy bên trong. Mọi người đều có cảm giác là không phải chỉ miệng em hát mà cả con người em, từ mái tóc tơ bù rối, vầng trán
trắng xanh như cẩm thạch, cái cổ gầy ngẵng như cổ gà con, những mạch máu xanh xanh sau làn da con nít trong bủng, những ngón tay ngón chân bé
bỏng, mỏng manh và dễ vỡ như đồ chơi, đến cả cái áo quân trang rộng
thùng thình mà em xin được của tnột anh nào đó với những miếng vá to
tướng đủ màu, đều lung linh, ngân nga và rực sáng âm nhạc… Vừa hát hết
câu thứ nhất, cả gương mặt em đã chan hoà nước mắt. Cả những dòng nước
mắt sáng loà, đầm đìa trên hai má em cũng đang hát!
Càng hát, gương
mặt em càng tái xanh như người đang mất máu. Tưởng chừng như máu trong
những mạch xanh xao của em đang chảy tràn ra khỏi thân thể em theo cùng
với những câu hát. Đang ngồi, em vụt đứng thẳng dậy chênh vênh bên mép
sạp nứa. Khi hát đến hai câu cuối cùng:
Sông Ô Lâu đôi bờ trắng tóc lau
Hát lời thề kháng chiến đến bạc đầu…“.
Toàn thân em run bắn. Cặp mắt mở to bỗng dạỉ đi. Ánh lửa cảm hứng rực sáng
trong đáy mắt em vụt tắt ngấm như một ánh chớp. Và em ngã nhào từ trên
sạp nằm xuống đất, bất ngờ đến nỗi không ai kịp đưa tay ra đỡ. Một dòng
máu đỏ gắt từ trong miệng trào ra, giàn giụa trên vành môi mở he hé của
em. Anh So-súng-cối nhào tới, bế xốc em lên ôm chặt vào lòng.
Cặp mắt ành mở trừng trừng nhìn như chết lặng, gương mặt xanh lét với cặp môi
trẻ thơ he hé giàn giụa máu hồng của thằng em chiến sĩ, mà nửa giờ trước đây, anh còn cõng nó trên lưng. Anh bỗng kêu thét rung chuyển cả gian
lán.
– Quỳnh! Quỳnh!
Bác sĩ Thiền tay run run vạch mi mắt em ra.
Ông khoát tay ra hiệu cho chị y tá nước mắt đầm đìa đang run rẩy lấy
thuốc ở ống tiêm vào xi-ranh:
– Thôi o ạ, muộn mât rồi! Mắt em đã giãn đồng tử…
Lúc đó vây quanh em có đến hàng trăm người. Phần lớn là các chiến sĩ đã
quần nhau suốt năm mươi lăm ngày đêm với giặc ở mặt trận Huế. Họ đã được chứng kiến không ít những cái chết của đồng đội trong các đợt xung
phong. Nhưng chưa một ai nhìn thấy một cái chết lạ lùng, đột ngột, dữ
dội, như cái chết của người chiến sĩ mới mười ba tuổi ấy.
Lễ mai táng Quỳnh-sơn-ca cừ hành vào sáu giờ chiều ngày hôm sau (để đề phòng máy
bay giặc). Huyệt đào trên đỉnh đồi thấp tím ngắt hoa sim dại, nhìn thẳng xuống một khúc lượn của dòng sông Ô Lâu. Dưới chân đồi trải dài ra đến
mép sông, xạc xào lau sậy.
Không có gỗ ván để đóng áo quan, và cũng
không muốn bọc thi thể em trong vải bạt áo súng, các anh ở công binh
xưởng đã hạ một cây xoan rừng thân to bằng hai người ôm. Các anh cắt một khúc dài chừng hai thước, khoét thủng ở giữa, đo vừa bằng người em. Các chị y tá nấu nước lá vằng, lá bội, lá ngái rừng, tắm rửa cho em. Các
chị gội đầu cho em bằng lá sả. Cái bao tải rách quân trang đông xuân của em được gấp nhỏ, kê dưới đầu em làm gối. Bộ đàn chai tự tạo, cái đũa gõ đàn, được xếp dọc hai bên mình em. Các chị xếp cả vở nhạc kịch “Đi tìm
thuốc cho mẹ” em đang viết dở dang với nhừng tờ đơn thuốc bỏ đi và những ngọn lá vả rừng, lên ngực em: Các chị cúi hôn vầng trán trong như sáp,
bất động của em, nước mắt lã chã.
Một chị rủ rỉ nói với em, với giọng âu yếm dỗ dành như vẫn thường dỗ em gắng ăn hết chén cháo: “Chị để đờn, để giấy bút cho em đó, để về dưới nớ em viết tiếp những bản nhạc…“.
Trung đoàn trưởng đến viếng em, đắp lên mình em lá cờ đỏ sao vàng.
Gần như cả chiến khu đến dự lễ mai táng em, đứng đen đặc cả ngọn đồi. Trước khi lấp đất, đội đồng ca nhà Văn hoá đại chúng xếp hàng bên thành
huyệt, hát bài hát “Sông Ô Lâu kháng chiến“. Hát đến câu thứ hai những
người dự lễ cùng bật lên cất tiếng hát theo.
Pun-xắc, anh chiến sĩ
hàng binh người Đức, chĩa khẩu ga- răng lên trời – khẩu súng chiếm được
trong trận Cầu Nhi – bắn liền một kẹp đạn. Mọi người xúm lại lấp đất,
vừa lấp, vừa khóc, vừa hát. Bài hát về dòng sông gan góc, chảy bất tận
trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
Chú thích:
(1) Con trai của Vua Bảo Đại.
13
Ba ngày sau, các đội viên Thiếu niên Trinh sát công tác ở đồng bằng được
triệu tập về chiến khu làm lễ truy điệu Quỳnh và nghe phổ biến nhiệm vụ
mới của Đội.
Trước ngực áo rách vá của các em đều đính một miếng băng vải đen. Có được mảnh băng tạng này là do công lao của Tư-dát. Nó ra
chơi quán cắt tóc của ông Đỡm, ngồi kể lại cái chết của bạn, mụ Tào đang bán quán đằng trước cũng bỏ quán chạy qua nghe. Nó kể thế nào không
biết mà mụ Tào bưng mặt khóc như chính con mụ chết. Tư-dát nói: “Mệ ơi,
tụi cháu muốn để tang cho hắn mà không tìm mô ra vải đen. Mệ có miếng
vải mô còn mới và sạch, cho tụi cháu một miếng làm băng tang“. Mụ lột
luôn cái khăn vải đen đang chít trên đầu chặm chặm nước mắt, rồi đưa cho nó, mếu máo nói: “Cháu cầm về cắt ra mà chia nhau“.
Tư-dát lấy kéo
cắt mười tám mảnh đều nhau, phát cho từng bạn trong đội, và một mảnh to
gấp đôi dành cho đội trưởng. Còn lại chừng một phần ba cái khăn em đưa
cho Mừng giữ.
– Mi nhớ cất cho kỹ, để khi mô đến lượt mi tao khỏi mất công đi xin.
Tư-dát nói chơi mà Mừng cứ tưởng thật, em ngó tấm vải đen nói:
– Nhưng nhỏ ri e sợ không đủ…
Tư-dát cười, miệng méo xệch:
– Không đủ thì bốc thăm. May nhờ rủi chịu…
Cái chết của Quỳnh-sơn-ca đã gây một chấn động thật sâu sắc thật dữ dội,
trong lòng các đội viên Thiếu niên Trinh sát – có lẽ còn sâu sắc và dữ
dội hơn cả cái chết của Vịnh-sưa.
Các em hỏi các chị y tá tại sao
Quỳnh lại có thể chết đột ngột như thế. Các chị nói: “Em Quỳnh đang
trong tình trạng sức khỏe hết sức mỏng manh, vì sốt rét và vết thương cũ ở bàn chân tái phát, tàn phá cơ thể vốn đã suy nhược của em. Gần đây
bác sĩ còn phát hiện em có nhiều triệu chứng suy tim – em lại có một tâm hồn hết sức nhạy cảm. Một cơn sốc tình cảm quá căng thẳng, quá mănh
liệt, làm em vỡ tim. Máu ứa ra miệng em là máu tràn ra từ trái tim bị
rạn vỡ, như nước sôi tràn ra cái cốc thuỷ tinh bị nứt“.
Tư-dát quệt
nước mắt nói với các bạn: “Hắn chết làm tao nhớ đến con chim chiền chiện bị tao ném chết ở dốc đồi gần đồn Sơn Quả dạo nọ… Bữa đó đang đi trinh
sát, tao thấy con chiền chiện nhảy nhảy trên đất. Tao ngứa tay, lượm hòn đá ném chơi không ngờ lại trúng? Rứa là con chim bay vọt từ đất thẳng
lên giữa trời như cái pháo thăng thiên. Từ giữa trời nó hót lên một
tràng dài hay đến nỗi tao nghe phải nổi da gà. Rồi nó rớt thẳng đứng từ
trên trời xuống đất, nằm chết ngay trước mặt tao. Tao lượm lên coi, thấy hai mép nó rỉ máu tươi. Lúc đó tao cứ nghĩ là tao ném trúng đầu nên mép nó mới chảy máu. Chừ thì tao tin là nó bị vỡ tim như thằng Quỳnh“.
Mừng mắt đỏ hoe, hỏi:
– Nhưng con chim chết là tại anh ném đá, Quỳnh có ai ném chi mô và vỡ tim?
– Cả đời mi không khi mô cho hết hỏi những câu ngơ ngơ. Thì cha hắn ném
chứ còn ai nữa? Cha đại Việt gian ném con Vệ Quốc Đoàn, cú ấy mới nặng?
Mà có phải ném gạch ném đá mô? Cha hắn ném ô tô, ném nhà lầu, ném đàn
dương cầm, ném cả nước Thuỵ Sĩ vô hắn, làm chi hắn chẳng vỡ tim mà chết! “
Trong đội chỉ có đội trưởng và Mừng là được chứng kiến cảnh Quỳnh chết. Các bạn bắt Mừng phải kể lại đầu đuôì.
Nhưng em kể chuyện dở hết chỗ nói, cứ lặp đi lặp lại: “Quỳnh ngồi ri, nói ri, rồi ngẩng mặt ri, rồi hát ri, rồi bổ ri, rồi chảy máu ri, rồi anh So
bồng lên ri…“. Em vừa kể vừa cố gắng bắt chước điệu bộ cùa Quỳnh. Nhưng
em bắt chước lại càng dở hơn. Các bạn phải kêu lên: “Mi kể chán quá!
Toàn ri, ri, ri… y như cái thằng nói ngọng!“.
Mừng chỉ cho các bạn cái chỗ đất mà Quỳnh ngã xuống.
Mỗi lần đi qua chỗ đó, đứa nào cũng đi vòng tránh xa, như sợ giẫm lên người bạn.
Mừng kể chuyện không ra chi nhưng tình bạn của em với Quỳnh làm cho cả đội
cảm động. Mỗi lần đi liên lạc vào núi, Mừng đều lượn đầy hai túi quả ươi bay. Các bạn xúm lại xin, em không cho, nhưng cũng không thấy em ngâm
nước ăn. Các bạn tò mò theo dõi. Té ra, cứ chiều chiều Mừng lại chạy một mạch lên chỗ mộ Quỳnh, đặt những quả ươi bay lên nấm mộ đất còn mới,
rồi ngồi đó mà khóc. Có bữa em còn cẩn thận mang theo cái ống bương,
xuống sông Ô Lâu múc nước đặt trước mộ rồi bỏ quả ươi bay vô nước, ngâm
sẵn cho bạn. Một lần em còn bỏ vô nước một cục đường đen, thút thít nói
với bạn: “Quỳnh ơi, dậy mà ăn trái ươi bay đi Quỳnh!“.
Rồi em đứng sững trước mộ bạn khóc hu hu.
Tư-dát biết chuyện, ngậm ngùi nói: “Chưa chắc cha mạ hắn đã thương hắn như thằng Mừng“.
Bồng ở đồng bằng lên, vác trên vai một tấm ván dài chừng một mét, một đầu
tấm ván bị cháy đen. Em nói: “Tao đi qua cái xóm vừa bị Tây càn, nhà cửa cháy gần hết. Tao thấy một mệ lôi tấm ván ni trong đống tro ra. Tao
hỏi: “Cháy còn một khúc ri thì mệ để làm chi?“. Mệ nói: “Chẻ ra mà làm
củi thôi chớ còn làm chi được nữa?“. Tao nói: “Rứa thì mệ cho cháu vác
lên Xê-ca làm cái bia cho thằng bạn cháu. Hắn chết chôn giữa núi giữa
non, không có bia, sợ đến ngày độc lập e tìm không ra mộ“. Mệ nói: “Cho
cháu vác đi mà làm bia. Gỗ kiền kiền đó, chôn xuống đất hai chục năm
không suy chuyển mô?“.
– Tư-dát ni! – Bồng nói – Mi chữ nghĩa hay ho, khắc tên họ hắn lên đây cho tao với.
Tư-dát đáng lẽ phải khắc tên, họ, ngày sinh, ngày mất của Quỳnh như thường lệ, nhưng nó bỗng nổi hứng làm thơ. Hì hục cả tuần liền, Tư-dát khắc lên
bia bốn câu thơ:
”Sống, viết nhạc lên lá cây
Chết, bạn cùng quả ươi bay lên rừng
Sống anh dũng, chết thuỷ chung,
Nơi đây yên nghỉ bạn Thân Trọng Quỳnh”
14
Chiều chiến khu. Các đội viên Thiếu niên trinh sát đang ăn cơm trước sân lán. Mâm cơm chiến sĩ năm đầu kháng chiến: một rá cơm gạo mục bốc mùi thum
thủm vì gạo phải chôn dưới đất, và một tô nước ruốc đỏ lòm những ớt –
mỗi đội viên được hai chén cơm lưng lửng. “Ăn rồi mà chưa ăn“. Bồng-
da-rắn đứng dậy, gãi bụng sồn sột và nói vậy.
– Anh Kim về! Anh Kim
trốn tù dưới Huế về! – Mừng từ ngoài đường xồng xộc chạy vào, vừa thở
hổn hển vừa kêu, báo tin với cả đội. – Anh ấy cướp được cả khẩu tiểu
liên “mát” của Tây!
Cả đội bỏ hết chén đũa xuống đất, xúm lại quanh Mừng rối rít hỏi:
– Hắn mô rồi? Hắn trốn về với thằng Lượm à?
– Không có anh Lượm! Anh ấy trốn tù với một anh du kích xã Phong Diêu. Hai người đang ngồi ngoài trạm gác a?…
– Ta ra coi đi! – Một em nào đó xướng lên. – Ta ra coi đi! Ta ra coi đi! – Cả đội hoà theo và rầm rập chạy như một đàn ngựa non, về phía trạm gác
chiến khu cuối làng Hoà Mỹ.
Cả đội oà vô trạm gác tiền tiêu, một cái lán tranh nép mình dưới rặng lồ ô, sát bên lối mòn đi về làng Đất Đỏ.
Tất cả cùng nhảy lên, reo gọi:
– Kim! Kim-điệu!
– Hoan hô Kim-điệu!
Kim-điệu đang ngồi trước cái bàn tre cùng với một thanh niên lạ mặt – anh du kích cùng tham gia vượt tù với Kim-điệu.
Trên mặt bàn đặt dọc khẩu tiểu liên “mát” nước thép xanh biếc mà Kim đã đoạt được lúc vượt tù. Ngồi đối diện với hai người là anh tổ trưởng trạm
gác. Kim-điệu đang sôi nổi kể chuyện gì đó với anh tổ trưởng. Bộ dạng,
nét mặt, cử chỉ, giọng nói của Kim đúng là một tay tù vượt ngục chính
hiệu. đầu tóc bù xù rối phủ kín gáy, mặt mũi có mấy vết gai xước rớm
máu, bộ áo quần ka-ki rách toạc nhiều chỗ lấm lem bùn đất.
Kim điệu
nhảy ra khỏi cái ghế ngồi làm bằng một khúc thân cây còn nguyên cả vỏ,
chạy ra sân đón các bạn. Tư-dát ôm chầm lấy Kim trước tiên, hổn hển hỏi
dồn dập:
– Thằng Lượm chừ mô rồi! Mi có được tin tức chi của hắn không? Mi bị bắt vô lúc mô?
– Tớ đang ngồi báo cáo công tác với anh Đồng-râu thì tụi hắn bốn phía ập
vô. Anh Đồng-râu đạp phên cùng với tớ vọt ra vườn. Anh núp sau cây sầu
đâu, bắn chặn tụi hắn cho tớ chạy. Nhưng chạy ra đến bờ sông, chưa kịp
nhảy xuống thì tụi hắn đã phục sẵn ở đó rồi…
– Rứa thằng Lượm?…
Nghe nói hắn bị giam ở lao Thừa Phủ, rồi sau đó chở vô Tua-ran. Còn tớ, tụi hắn đưa về giam ở lao Toà Khâm.
– Làm răng cậu trốn được?
– Chuyện dài mà ly kỳ lắm. Bữa mô về đội tới kể cho nghe.
Mừng xắm nắm cạnh Kim. Em chỉ khẩu súng để trên bàn, hãnh diện khoe như chính em cướp được:
– Các cậu coi tề! Khẩu súng đẹp chưa tề!
– Chừ cậu về đội luôn chứ? – Nhiều em hỏi Kim.
– Các anh bảo còn phải chờ báo cáo lại Ban tham mưu trung đoàn đầu đuôi mọi chuyện…
Sáng hôm sau, Kim được đưa vào Xê-ca Một gặp các anh ở ban Quân báo trung
đoàn về cơ quan bảo vệ chiến khu. Kim báo cáo miệng, sau đó viết ra
giấy, trường hợp chú bị bắt, anh Đồng-râu bị bắn chết, những lời cung
khai của chú với cơ quan mật thám giặc, những hành động tra tấn của giặc đối với chú.
Thời gian qua chú bị giam ở đâu, bọn giặc bắt chú phải
làm những công việc gì, và trong trường hợp nào chú đã vượt tù và cướp
được súng của giặc v.v…
Kim ở lại Xê-ca Một, năm ngày, vừa viết báo cáo vừa bồi dưỡng, nghỉ ngơi.
Chú đã viết một bản báo cáo kín bốn trang giấy, với lời văn khá lưu loát và nét chữ khá đẹp. Chú kể:
”Bọn giặc đã đánh đập, tra tấn chú vô hồi kỳ trận để lấy khẩu cung. Chúng
đưa chú hết sở này đến ở khác: ty An ninh, sở Mật thám phòng Nhì, rồi sở Mật thám Liên bang, nhưng chú một mực chỉ khai những điều mà chúng đã
biết rõ và không thể chối được.
Sau đó, chúng đưa chú về giam tại lao Toà Khâm, trại gian tù binh… Ngay những ngày đầu tiên vào tù, chú đã
nghĩ đến chuyện vượt ngục, trở về chiến khu. Nhưng bọn giặc canh gác hết sức nghiêm ngặt, nên mấy tháng đầu chú không có thời cơ.
Nửa tháng
gần đây, bọn giặc chọn một toán ba chục tù binh khỏe mạnh đi làm cỏ-vê ở một kho đạn gần đồn Hiền Sĩ. Biết chú trước đây là học sinh“đơ-dem-an-nê” ở “lít-xê” Khải Định, bọn giặc bắt chú đi làm thông ngôn
vì tụi giặc bảo vệ kho đạn toàn lính Âu-Phi. Chú thông ngôn khá giỏi và
tỏ ra chăm chỉ, nên dần dần bọn giặc tin cậy chú. Chú nhận định đây là
thời cơ tốt nhất để trốn tù. Chú bí mật bàn với anh Lẫm – một tù binh
trước kia là tiểu đội trưởng du kích xã. Anh Lẫm rất thông thạo đường sá vùng này, tính tình lại kín đáo, gan dạ. Hai người đã thống nhất kế
hoạch và ngày vượt tù.
Buổi chiều hôm đó, hết giờ làm cỏ-vê, bọn giặc chở tù binh từ kho đạn về nhà lao, trên hai chiếc ô tô G.M.C. Lúc lên
dốc, xe chạy hơi chậm lại, chú ra ám hiệu cho anh Lẫm. Cả hai lập tức
vọt xuống ô tô. Riêng chú đã nhanh tay giựt luôn khẩu tiểu liên “mát”
của thằng lính Tây đen ngồi cạnh chú đang còn mải châm thuốc hút. Hai
người chạy băng qua dãy đồi thấp cạnh đường số Một. Bọn giặc dừng xe
lại, bắn đuổi theo như tưới đạn. Nhưng cả hai đã may mắn trốn thoát,
chạy về đến xã của anh Lẫm. Nửa đêm hôm đó anh Lẫm đưa đường cho chú lên chiến khu“.
Lời kể của Kim hoàn. toàn khớp với lời khai của anh Lẫm
(cũng được giữ lại chiến khu để thẩm tra). Phòng Quân báo Trung đoàn và
cơ quan bảo vệ chiến khu trong tuần đó cũng nhận được báo cáo của cơ sở
vùng hai người trốn tù, tường thuật lại sự việc đúng như vậy.
Ban chỉ huy trung đoàn thông báo với các đơn vị sự việc một đội viên Thiếu niên Trinh sát là Lê Kim, trong tổ quân báo được cử về hoạt động tại thành
phố, phối hợp với trận đánh đồn Hộ Thành, đã bị giặc bắt. Mặc dầu bị bọn mật thám giặc trá tấn rất dã man, nhưng em đã giữ đúng lời thề thứ năm
trong mười lời thề danh dự của Vệ Quốc Đoàn: “Dù bị cực hình tàn khốc
đến thế nào quyết không bao giờ phản bội xưng khai“. Sau đó em đã dũng
cảm, mưu trí, cùng với một chiến sĩ du kích trong đội tù giặc bắt đi làm cỏ-vê, mạo hiểm vượt tù trở về chiến khu. Đồng thời em Lê Kim còn cướp
được một khâu tiểu liên “mát” của tên giặc canh gác tù. Ban chỉ huy
trung đoàn đã cấp bằng khen thưởng em Lê Kim và đề nghị cấp trên tặng
thưởng huân chương chiến sĩ hạng Ba.
Kim-điệu chốc lát đã trở thành một nhân vật được nhiều người trong chiến khu biết tiếng.
Tuần sau, Lê Kim được Ban Tham mưu trung đoàn cho trở về công tác tại đội
Thiếu niên Trinh sát. Để khen thưởng tinh thần và công lao của Kim,
trung đoàn quyết định thời gian chú bị tù được coi là thời gian tại ngũ. Một đồng chí ở phòng chính trị trung đoàn đã viết một bài tường thuật
rất sinh động, hấp dẫn về thành tích của em Lê Kim, đăng trên báo “Giết
giặc“.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!