Tuyển tập truyện ngắn về gia đình và trẻ em
Chương 1: Con thứ ( sưu tầm)
Chị bảo chị ghét đứa ưa nịnh, chị ghét đứa ỉ lại, trong khi chị phải tự lập, chẳng ai cưng nựng. Phải rồi, chị “phải” tự lập, còn con lại vốn là đứa tự lập và thích tự lập. Năm 3 tuổi, chị sợ ma không dám ngủ, con nhường chị ngủ cùng bố mẹ, con ngủ 1 mình và con cũng ngừng đái dầm từ khi 2 tuổi, chị thì đến hết lớp 3 vẫn còn đái dầm. Năm con vào lớp 1, trường cách nhà 1 km, bố mẹ đưa con tới trường rồi về. Tan trường không cần đợi bố mẹ đến đón, mà hình như bố mẹ cũng quên giờ đón. Con 1 mình đi bộ về nhà. Nửa đường trời mưa, con hồi đó thấy thích lắm, tự nhiên được tắm mưa. Khai giảng lớp 2, con tự đi và tự về, trời cũng mưa mẹ ạ.
Rồi cứ thế con và chị lớn dần theo năm tháng. Vì con tự lập, nên mẹ chẳng mấy cần bận tâm đến con. Và vì mọi người yêu quý con bé hiền hòa, trắng trẻo nên mẹ càng chẳng cần bận tâm. Thế nhưng con lại lười học, con thích chơi nhiều hơn học, trong khi chị học rất giỏi, lại chăm chỉ, nên mẹ càng thương và chăm lo cho chị nhiều hơn. Như bao đứa trẻ “học dốt” khác, con bị mắng suốt ngày, nhưng con chẳng bị so sánh với “con nhà người ta”, vì ngay trong nhà đã có 1 tấm gương để so sánh. Ngày đó còn bé, con chỉ nghĩ rằng do mình học dốt, do mình ham chơi nên mẹ không thích, mẹ thích chị hơn. Lớn hơn con mới biết, con chỉ “dốt” so với mình chị thôi, vì chị là cô gái thông minh, giỏi giang nhất nhì trong những người con đã gặp. Thế nhưng mẹ đã không ngừng so sánh con suốt cho tới tận bây giờ..
Rồi năm con năm tuổi, út nhà mình chào đời. Bố buồn vì nó vẫn là con gái, nhưng nó xinh xắn và đáng yêu ai cũng thích. Lại là út, nên bố mẹ “bỏ lơ” con luôn. Út lớn lên trắng trẻo xinh như công chúa, lại học giỏi, chữ viết đẹp giải nhì thành phố. Út lại yếu đuối, hay ốm, mẹ càng chăm lo hơn em hơn. Con càng bị lép vế trong lòng bố mẹ.
Mẹ là giáo viên, bố cũng từng học rất giỏi, nhìn chung bố mẹ thuộc tuýp gia đình trí thức. Có lẽ vì thế mà “thước đo” của bố mẹ là chuyện học hành. Nên dù con có khéo tay, có hát hay, có ứng xử tốt với mọi người, mẹ cũng chưa từng quan tâm để phát triển định hướng. Ngược lại, chị khó tính, chị ghét và hay tát con, chị chẳng có mấy bạn bè trên lớp, bố mẹ vẫn vui vẻ hài lòng.
Con cứ thế lớn lên trong con mắt của bố mẹ là đứa học dốt ham chơi. Năm con lên lớp 10, con bắt đầu để tóc dài. 8 năm đầu đời, bố cắt cho con quả đầu đinh rất ngầu, rồi cho con mặc ba lỗ, quần đùi siêu nhân như 1 thằng nhóc. Con biết bởi bố là con trưởng nên đối với 1 đứa tự lập như con, bố mẹ thấy như 1 thằng con trai. Lên lớp 5 bạn bè trêu con là đàn ông, con mới bắt đầu để kiểu tóc bob và cứ vậy đến hết lớp 9. Lại nói thêm, ngày bé con xinh xắn, mũm mĩm bao nhiêu thì lớn con cao, gầy và đen, xấu bấy nhiêu, Thêm kiểu tóc ngắn con chẳng có lấy 1 chút nữ tính. Vậy là để tóc dài là một bước nhảy lớn. Mẹ sợ con tóc dài, con điệu đà, con yêu sớm, sợ con tiếp tục chểnh mảng học hành rồi hư hỏng, nên mẹ đêm ngày đay nghiến chuyện tóc tai của con. Nhưng mẹ ơi, hồi đó con xấu hoắc mẹ à. Hồi đó con có thói quen thỉnh thoảng tháo tóc ra buộc lại, vì tóc con rất dày, buộc tóc đau đầu lắm. Mẹ ghét đến độ chỉ cần con vừa thả tóc ra là mẹ đay nghiến: “Mày bị rồ à mà cứ phải buông tóc ra, buông ra cho thằng nào nó ngắm? Hay là mày muốn yêu quá? Mày muốn yêu mày lấy chồng mẹ đi cho tao đỡ phải nuôi…”. Con sững sờ rồi tiếp tục buộc tóc lại…Sau này, mẹ luôn nói rằng vì con không học giỏi như chị, chỉ có chị chăm chỉ học mẹ mới chẳng bao giờ phải mắng mỏ.
Chị đỗ đại học với số điểm gần thủ khoa, rồi chị trở thành chủ nhiệm của 1 câu lạc bộ danh tiếng trong trường, bố mẹ càng tự hào nhiều hơn. Đến năm con thi ĐH, năm đó đột nhiên trường lấy cao lên đến 3 điểm so với mọi năm, con trượt. Bố mẹ cảm thấy “thẹn” không dám ra đường. Trước khi con thi bố bảo “Bố tin là cái X nó làm được. Con gái bố đứa nào cũng giỏi hết. Mẹ cứ lo lắng vớ vẩn chứ bố tin cái X, con nhỉ!”. Đến khi con trượt bố bảo : “X thì không ăn thua, bố cũng đoán từ đầu rồi”….Suốt 1 năm con ôn thi lại, bố mẹ gần như né tránh hàng xóm, tất cả chỉ vì “thẹn”.
Con thi lại năm 2, con đỗ 1 lúc 2 trường, bố mẹ mừng rỡ đi khoe khắp nơi. Hồi này chị đi làm, chị làm cho bên bất động sản, năm đó 2008, bất động sản việt nam cứ làm là thắng. Chị giỏi giang, mỗi tháng lương chị cả 50 triệu, có tháng hơn 100 triệu. Chị đưa mẹ khoảng 1/3 rồi tích cóp. Cầm nhiều tiền mỗi tháng, mẹ vui lắm. Đến giờ mẹ vẫn kể ngày xưa chị mày đưa tao nhiều tiền lắm. Giờ có cho chị bao nhiêu mẹ cũng đều bảo vì ngày xưa nó đưa mẹ nhiều tiền.
Ngày đấy con ngây thơ nghĩ rằng vì chị đi làm, chị nhiều tiền, nên thái độ của mẹ khác. Nhưng đến khi con đi làm, con cũng có tiền đưa mẹ, con mới nhận thức được đầy đủ cái “thiên vị” mà mẹ dành cho con từ ngày xưa:
– Chị có chuyện buồn, mặt xị lại, không nói gì bỏ lên phòng. Mẹ len lén ra bảo con “dò la” xem chị bị sao. Chị không xuống ăn cơm, mẹ bảo con mang cơm lên phòng cho chị. Ngược lại khi con buồn, mẹ bảo con “ỉa chẳng ra cũng khóc” “Lại vãi nước đái ra” “Mày có câm đi không” “Mày có xuống ăn hay không? Liệu thần hồn với tao! Tao mà lên thì mày no đòn”
– Chị đi học, đi làm về, út đi học về, con luôn phải lấy thêm bát đũa cho chị và em, con đã nghĩ rằng vì chị đi làm ra nhiều tiền đưa mẹ, nên mẹ tốt với chị hơn, con cũng cố gắng để đi làm với hy vọng mẹ sẽ khác. Năm tháng qua đi, con cũng đi làm như chị. Nhưng lúc đó con mới nhận ra, khi con về giữa bữa, mẹ không bao giờ bảo ai lấy bát và đũa cho con. Ngồi vào mâm cơm không có bát, rồi phải tự đi lấy, con thấy chạnh lòng vô cùng. Mẹ bảo con chấp nhặt, để bụng, nhưng tại sao con như vậy mẹ có từng nghĩ không?
– Mẹ mua 1 con gà, có 2 cái đùi. 1 cái mẹ bảo để cho út, 1 cái mẹ bảo để dành cho chị cả (Lúc này chị đang đi phượt, 2 ngày nữa mới về). Con thấy tim mình thắt lại mẹ ạ. Út nó nhìn con ái ngại rồi bảo không ăn đùi. Con không ăn thì mẹ bảo là con tự ái, vậy là con ăn. Mẹ bảo “X sướng nhá, may mà em nó không ăn nên được ăn đùi”. Con sướng đến thế ư mẹ ơi? Mẹ bảo con tị nạnh, vậy tại sao chị đi vắng mà con còn không được ăn đùi? Mẹ ơi con đã thề sẽ không bao giờ sinh 3 đứa vì chẳng có con động vật nào 3 chân mẹ ạ
– Chị làm mất xe máy, bố gửi cho chị 10 triệu, bảo chị hùn thêm 30tr mua xe mới đi. Chị xót tiền không mua, bố gửi thêm 20 triệu nữa. Vậy là tổng 30tr, chị vẫn ko mua. Con đi làm vãi tháng com cóp được 10 triệu, xin bố mẹ 30 triệu thì bố mẹ bảo thôi, làm thêm vài tháng bao giờ có 20 triệu thì bố mẹ cho mua. Chuyện tiền nong con thực sự không muốn tính toán, nhưng vì sao hả mẹ? Vì sao cho chị được 30 mà không cho con được 30?Chị có tiền không mua thì chuyển 30 triệu đó sang cho con? Mẹ bảo con tị nạnh thiệt hơn, vậy tại sao mẹ cho chênh lệch để con phải tị nạnh?
– Con đi làm lương tháng 6 triệu, lương chị 20 triệu. Chị đóng tiền điện cho nhà, mỗi tháng cao nhất là 700k, mẹ hay lấy làm tấm gương và bảo con không đóng góp cho gia đình. Con đưa mẹ 1 triệu/tháng nhưng khi có chuyện gì mẹ lại bảo “Mày tưởng 1 triệu của mày ghê gớm lắm à”. Con bảo lương con ít để con đóng tiền điện, chị đóng 1 triệu. Mẹ con tính toán, con tị nạnh.
– Chị 29 tuổi mới ổn định 1 mối quan hệ. Con 25 tuổi, người yêu con cầu hôn. Mẹ vội vàng ép chị cưới trong năm kẻo nếu con cưới thì chị ko cưới được. Rồi đến khi mối quan hệ của chị trục trắc, chị ko tin tưởng người yêu thì mẹ và chị trách con, bảo tại chúng con “bấn” quá, nên làm cho chị phải quyết định vội vàng, bây giờ buộc phải cưới năm nay.
– Gần đến ngày cưới, chị phân vân ko muốn cưới, mẹ bảo là hay là năm sau cưới. Mẹ ơi mẹ có nghĩ cho con chút nào không? Năm sau chị cưới thì con lại tiếp tục ko cưới đc, người yêu con muốn đợi qua đông chí là cưới luôn. Bọn con yêu nhau đã 6 năm rồi, ko cưới đi thì để làm gì. Mẹ toàn bảo con bấn quá, con cưới đi rồi cút luôn. Mẹ ơi, có đôi nào yêu nhau 6 năm rồi còn không muốn về với nhau không?
– Mẹ còn bảo người yêu con đợi đc 27 tuổi thì cưới, không thì bỏ thấy thằng khác. Mẹ có nghĩ cho trái tim con, đã yêu 1 người 6 năm rồi ko đến kết quả, liệu con có bị tổn thương không?
-….
Mẹ à, tất cả những điều đó con đều cam chịu, vì mẹ là mẹ, nhưng mẹ biết không? Điều mẹ làm chính là tác nhân chia rẽ chị em con. Tất nhiên là vì cá tính của chị ấy 1 phần nhưng mẹ có biết vì sao con luôn là đứa “hay tị nạnh?”. 1 đứa trẻ đủ đầy nó có tị nạnh không? 1 đứa trẻ được đối xử công bằng nó có tị nạnh không? 1 đứa không phải làm việc nhà với 1 đứa việc gì cũng đến tay (thậm chí đi mua bvs, lấy quấn áo cho chị đi tắm, đi làm hồ sơ xin việc cho chị, đi lấy bằng tốt nghiệp cho em, đi mua sữa cho em,..rồi đến lấy lương hưu, đi sửa giày cho mẹ…) thì đứa nào sẽ là đứa tị nạnh hả mẹ?
Con tị việc ít lắm mẹ ơi, vì con biết con là em. Nhưng con tị trái tim mẹ, tâm trí mẹ không có chỗ cho con mẹ ơi! Mẹ khiến con buồn lắm. Con chẳng biết kiếp trước con làm gì, sao mẹ đã sinh con ra lại ghét bỏ con hả mẹ?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!