Tuyển tập truyện ngắn về gia đình và trẻ em - Chương 2: Bé Hến
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
284


Tuyển tập truyện ngắn về gia đình và trẻ em


Chương 2: Bé Hến


Thời gian là ngày tháng năm, có bốn mùa xuân hạ thu đông nối tiếp nhau qua đi, làm nguôi ngoai mọi cơn đau nỗi buồn.
Bà thường bảo: “Sông có khúc, người có lúc, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.” Cô giáo chủ nhiệm lớp lại vỗ vai em nói nhỏ: “Cuộc đời dù có thế nào đi nữa vẫn cho em những ý tưởng diệu kì, đêm chỉ có hạn, trong tối tăm vẫn cho một mặt trăng tròn, vành trăng khuyết, ánh sáng vàng mộng mơ để ngàn vạn mắt sao nhấp nháy. Ngày cũng chẳng dài lê thê, hôm mưa gió phũ phàng, hôm nắng lửa chói chang thì tóc em vẫn xanh, má em vẫn như quả bồ quân chín đỏ và một tầm nhìn xa…Không có bố mẹ, em có các thầy các cô, có tất cả trăm ngàn ban nhỏ hòa đồng sẽ tô đẹp tuổi thơ cuộc đời em.” Hình ảnh cái Hến ở nhà rất buồn, cứ như con mèo mướp nằm co tròn ở góc giường, sáng ra chẳng cần rửa mặt, tối đến đói bụng cũng không chịu đòi ăn vài tiếng “meo, meo”, lại có bóng dáng cái Yến ở lớp, hát hay, học giỏi, chạy nhảy tung tăng, trông đằng trước thấy khuôn mặt tròn xoe với đôi mắt sáng và hai má lúm đồng tiền, trông đằng sau thấy mái tóc chớm bờ vai thon, lưng áo trắng bó sát cái eo và khoe dòng chữ: “Trường trung học cơ sở xã X.”.
Quê hương, với em Hến hay Yến, không có “cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che”, nhưng sau lưng có những dãy núi nhấp nhô, trước mặt có cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay, năm hai mùa lúa chín vàng, đấy là cái nôi nuôi em khôn lớn. Cái Hến không còn cha mẹ là con bé mồ côi nhưng không thiếu tình nghĩa xóm làng và mái trường thầy cô đùm bọc.
***
Chính cái đề làm văn cô giáo cho “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” đã làm cho con bé không cầm được nước mắt. Ba lần viết đi viết lại mà Hến không tránh được giọt nước mắt rơi nhòe chữ để giấu đi nỗi lòng cay đắng mất cha, mất mẹ của mình.
Sau nhiều lần tỉ tê, bà mới nói cho Hến nghe mỗi hôm một chút, bởi bà sợ Hến buồn, chán học, lười làm. Bên ngoài người ta xì xào, bên trong thấy Hến đã lớn, có cái khăn quàng đỏ trên vai đi học, những năm lớp 6, lớp 7, rồi lớp 8 năm nào cũng là học sinh giỏi, có giấy khen…bà tin Hến đủ sức chịu đựng nghe cái chuyện sét đánh của hơn mười năm với nhà ta, nhà mình…ấy là…sau chiến tranh biên giới tháng hai năm 1979, con út cũng là con trai độc nhất của bà, nhà độc đinh mà, thi đỗ vào trường công nhân kĩ thuật. Cơ chế bao cấp, chỉ đủ cho học trò ngày hai bữa cơm rau, họa hoằn lắm mới được ăn miếng thịt. Chồng mất đã lâu, bà thương con, chỉ buôn thúng, bán mẹt, bà cũng có tiền cho con ăn thêm bên ngoài. Rồi bà hiểu chính mình chứ không phải ai khác làm con hư. Trong nhà nào có dư dật gì, tiền thóc cứ như đống rơm khô bị rút mãi cũng hết, đến lúc bố đẻ ra bà mất, bà vét bao tượng chỉ có vài chục đồng để góp làm ma, cái hàng bánh đa gặp mưa phùn gió bấc ế ẩm, con gái cả đã lấy chồng bộ đội ở xa phải đi viện mổ…cần có mẹ. Bà như bị trăm dâu đổ đầu tằm. Con trai út không có tiền tiêu sinh ra trộm cắp, nhà trường không dạy nổi đuổi về. Nó hận mẹ, nó ghét các chị chỉ có một nó mà bỏ rơi. Trời ơi, nó không nên thợ, nên thầy gì còn bắt vợ làm ở xí nghiệp gạch về nhà. Nó cãi bà, đánh các chị và đòi ra ở riêng để thực hiện ý đồ “có ăn có mặc nhờ ham làm”…
“Một mái lều tranh, hai trái tim vàng” xòn xòn “hai năm một, ba năm đôi”. Vợ chồng định phá cái cảnh độc đinh của ông bà. Ngoài Hưởng ra, thì Hạnh, lại Hân, rồi thêm Hến đều tẹt cả. Cái định mệnh ấy làm bố con chán đời, say sưa với rượu chè và cờ bạc…
Cho đến một hôm cuối tháng sáu năm 1992, đài truyền thanh báo bão số hai có sức gió tới cấp 12 sẽ đi vào đồng bằng Bắc Bộ, đầu thôn cuối xóm a lô nhưng bố con vẫn ngồi uống rượu tì tì. Bão đến, gió lắc dổ cây, mưa như ném đá vào mặt, nước chảy ào ào, mới vươn vai đứng dậy giúp vợ dắt bò lên gửi nhà bố vợ ở sườn núi, kéo lũ con tới cái nền cao ngôi nhà cũ.
Ở ngôi nhà mới làm chạy rạ lợp ngói, vợ đang vần những bao thóc mới phơi một nắng chưa khô lên giường. Lúc bố con vào cùng vợ khênh cái bao đạm lên đỉnh máy suốt để vãi cấy mùa lúa mới nhận ra nước từ đường làng chảy vào nền nhà. Tường đá xây vữa vôi đất ngấm nước sụp đổ nhanh chóng, gió tốc mạnh vào hất cả cái nhà đổ ập về phía cửa. Cả hai vợ chồng không kịp thoát ra. Không có một lời kêu cứu. Nhà chú Hòe ở sau, nhà ông Lập ở cạnh nghe tiếng nhà đổ, nhìn qua ánh chớp giật mình cùng kêu cứu chạy sang. Lội qua sân nước ngập tới tận bẹn. Phải rút ngói chui vào nhà, nước ngập lưng khoeo. Bố con nằm ngửa, bị quá giang gỗ đẹn vào cổ. Có lẽ đưa hai tay năng mái nhà lên không nổi thì nước ngập mặt. Mẹ nằm sấp, cả một đống đất đá đè trên lưng, một nửa đầu vẫn ghếch vào bao đạm. Ông Lập, chú Hòe phá mái dui kéo bố mẹ con ra. Mấy chị em con thấy thế gào khóc ầm ĩ: “Bố ơi, mẹ ơi…”. Bố con đã chết, bụng no nước. Mẹ con người con nóng, các thầy thuốc tây, thuốc ta, dâng người lên cho nước ộc ra, năm bảy lần hô hấp nhân tạo, kể cả hà hơi vào miệng lại hút hơi ra. Mẹ con vẫn lả đi cùng cái thai trong bụng…Thế là đời bà biết ngày xưa ở cái đất quê này, chưa bao giờ có cái chuyện vợ chồng chết đôi thảm thương như vậy. Hôm sau hết bão, cả làng, cả xã cám cảnh bà già ngoài bảy mươi tuổi lại phải một lần nữa con mọn nuôi bốn đứa cháu nhỏ, một trai ba gái, đứa lớn nhất là gái lên mười, đứa bé nhất cũng là gái, cái Hến của bà mới sáu tháng tuổi…
Ngày một rồi ngày hai, tháng này qua tháng khác…Mỗi đêm nghe bà kể, nó cứ như mưa dầm thấm sâu, làm sao mà Hến quên được cái bất hạnh của bố mẹ, nỗi đau của bà…Hến thấy bà ngày một già, còn Hến cứ ngày một lớn. Nhớ nhất vẫn là cảnh bà rồi chị lại anh thay nhau ngày vài lần bế em đi xin bú. Có lẽ các mẹ sinh ra các bạn cùng lớp với Hến ở cái xóm này đã không dưới một lần cho Hến bú. Vì thế không có bạn nào ở nhà, ở lớp không chơi thân với Hến. Bạn trai giúp Hến tập đạp xe, học toán. Bạn gái cùng chơi ô, nhảy dây, đọc báo Nhi đồng, tập làm văn. Còn kem thì Hến không mua bao giờ cũng có bạn đãi. Hình như cả xã, cả trường và Hội Chữ Thập đỏ của tỉnh đều đang cưu mang bà cháu Hến. Cái màn chống muỗi, quần áo Hến mặc, sách vở Hến học và cả một phần cơm gạo Hến ăn…đều từ trên cấp xuống, từ bà con hàng xóm, láng giềng mang cho. Hến ôm chặt lòng bà, thấu cái cảnh đêm cháu nhai vú bà không sữa khóc thét lên, bà nhai cơm bóp mũi cho mồm há ra để bón vào, no bụng thiếu hơi sữa vẫn khóc. Rõ ràng Hến hư, quấy bà. Tin đó hở ra, thế là hội phụ nữ, hội nông dân có sữa bò mang đến, ơn này hết đời bà, đời cháu không trả nổi. Bà không khóc thành tiếng mà nước mắt cứ trào ra. Hến thương bà lắm, biết thay vạt áo bà hay kéo lau mặt bằng cái khăn tay…
Năm qua, bà được hội người cao tuổi đến mừng thọ tám nhăm. Cân đường hộp sữa bà dành cho Hến ôn thi vào trung học phổ thông. Bà ốm, Hến định đem về để bà ăn, bà cứ lắc đầu. Hến không sao cầm được nước mắt, thương bà nhưng không biết làm thế nào được. Ra khỏi bệnh viện không có con trai bà phải chịu về nhà con gái. Có hôm bà bảo: “Lúc bố mẹ con chết, bà đang ở nhà này, là đất hồi cải cách đảng và đội chia cho. Công ơn này cháu không được quên…Chỉ có điều, muốn làm người phải học cháu ơi…” Nói rồi bà run run tháo đôi vòng khuyên tai đặt vào tay Hến. Vài hôm sau, Hến nghe loáng thoáng giường ngoài các ông cậu bàn về tuổi nào chết ngày chẵn, tuổi nào chết ngày lẻ…Trên thiên đình, ông Bắc đẩu cầm bút ngập ngừng mãi rồi cũng xóa tên bà đi. Phía cao xanh nhiều người thấy đêm cuối tháng giêng Bính Tuất có một vì sao đổi ngôi…
Làng lại có người chết. Hến phải ra mộ khóc gọi bà để giữ cái hồn cái vía. Non trưa Hến qua cầu ông Kính về nhà. Trên hàng cây xanh bên đường ve kêu rầu rĩ nhưng hoa phượng lại nở đỏ tươi. Hến gặp các bạn cùng lớp đi xem điểm thi trở về. Ai cũng vui mừng báo tin Hến đỗ rồi. Cô giáo chủ nhiệm đến tận nhà, đặt lên ban thờ cái phong bì, thắp hương vái bà mấy lần rồi thưa: “Bà ơi, em Yến ở trường cũng là bé Hến ở nhà nghe lời bà chịu khó học thi phổ thông trung học đỗ điểm cao nhất xã…”
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN