Tuyển tập truyện ngắn về gia đình và trẻ em - Chương 3: Cánh diều tuổi thơ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
308


Tuyển tập truyện ngắn về gia đình và trẻ em


Chương 3: Cánh diều tuổi thơ


– Tú ơi! Lên xe mình kèm về!
– Trời nắng thế cậu ra đồng làm gì hả? Về đi Tú!
– Tú ơi! Tú ơ…ơi…!
Tiếng gọi của Tuấn, Hà vọng theo nhưng Tú vẫn không dừng bước. Em vừa chạy vừa ngoái đầu lại: “Các bạn về trước đi, mình sẽ về sau!”
Nói rồi em chân đăm đá chân chiêu chạy ra cánh đồng trước cổng trường. Chạy được một đoạn dài, Tú thấy tai ù như xay lúa. Bụng đói cồn cào. Sáng nay có ít cơm nguội Tú nhường cho em Thảo ăn. Nhà Tú nghèo lắm. Mẹ mất sớm. Bố Tú bị tàn tật không làm gì được. Tú ở với bà ngoại. Bà ngoại phải vất vả lắm mới lo được cho hai anh em Tú đến trường học.
Hàng ngày, ngoài giờ học, Tú phải đi làm kiếm tiền và chăm sóc bố.
Tú dừng lại cạnh con máng nhỏ trước mặt. Mấy hôm mưa rào, nước trên nguồn chảy xuống cuồn cuộn: Ao chuôm, đồng ruộng đều ngập nước. Tú buồn bã thở dài – nước lớn quá! Tú không mò trai bắt ốc được để mai bà đi chợ bán. Còn tiền đóng học nữa, biết tính sao bây giờ? Tú chậc lưỡi, đành chờ cho nước rút vậy.
Nghĩ đến giờ học văn sáng nay, Tú thấy thất vọng. Tú đi về nhà như người mộng du, đây đâu phải lần đầu Tú bị cô Hảo khảo bài trên lớp. Cô thường quay Tú như chong chóng, nhưng dù bài khó đến đâu Tú vẫn trả lời tốt mặc dù Tú không đi học thêm. Vậy mà hôm nay có “sự cố” khiến cả lớp xôn xao.
Với giọng sắc lạnh, cô Hảo gọi Tú lên bảng:
– Em hãy đọc thuộc lòng bài thơ “Thuật hứng XXIV của Nguyễn Trãi. Bài thơ được làm theo thể thơ gì?
Tú bình tĩnh đọc diễn cảm lưu loát bài thơ.
– Thưa cô, bài thơ “Thuật hứng” của Nguyễn Trãi được làm theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật.
Cô Hảo gật đầu và lấy phấn ghi lên bảng hai câu đề của bài thơ:
“Công danh đã được hợp về nhàn
Lành giữ âu chi thế nghị khen.”
– Em hãy phân tích cho cả lớp nghe xem hai câu đề của bài thơ tác giả đề cập đến vấn đề gì?
Tú đứng lặng người không biết nói sao vì bài này cô chưa giảng. Thấy Tú bối rối, cô Hảo chì chiết:
– Em là học sinh giỏi của lớp mà cũng không phân tích được hai câu thơ đó à?
– Dạ, thưa cô…
Bị cô mắng, Tú nghẹn lời không nói tiếp được. Dưới lớp, các bạn quay sang nhau thì thầm. Bỗng bạn Tuấn – lớp trưởng, đứng lên thưa:
– Thưa cô, bài “Thuật hứng” chương trình tuần sau mới học đến cô ạ.
Cô Hảo giật mình, đúng là tuần sau mới dạy đến bài ấy. Vậy mà…cô lúng túng quay lên xóa bảng và bảo:
– À, cô nhầm. Cứ nghĩ là bài dạy thêm trước ở nhà. Em Tú về chỗ đi. Cả lớp giở sách ra học.
Tú thẫn thờ cầm vở soạn về chỗ ngồi. Cả lớp đều nhìn em với ánh mắt cảm thông. Tú thấy mặt nóng bừng. Một nỗi nhục nhã ê chề nén chặt trong lòng Tú. Bàn ghế, cô giáo, bảng đen, và gương mặt bạn bè bị nhòe đi, xa lạ. Tú chớp mắt và tự nhủ: “Mình không được khóc. Khóc là hèn nhát.” Bài học mới bắt đầu, Tú nghe câu được câu mất. Tiếng trống vang lên kết thúc 45 phút học Văn. Giờ Văn hôm nay đối với Tú thật buồn tẻ, đơn điệu. Ngày mẹ Tú còn sống, mẹ Tú thường âu yếm bảo Tú: “Quãng đời học sinh là đẹp và công bằng nhất. Con chịu khó học giỏi và nghe lời cô giáo nhé.”
Tuổi thơ được cắp sách đến trường đương nhiên là đẹp rồi! Còn công bằng? Tú nghi ngờ, vì mấy bọn con nhà giàu được cô Hảo dạy thêm nên khi kiểm tra viết, dù bài khó đến mấy, họ cũng được điểm tám và chỉ cần làm có nửa thời gian là xong. Trong khỉ đó Tú là học sinh giỏi cũng phải nát óc suy nghĩ và cắm cúi viết bài hết thời gian mới làm nổi. Tú là tổ trưởng kiêm lớp phó học tập. Lớp ôn bài chuẩn bị kiểm tra học kì. Một số bạn mải chơi giờ truy bài hay nói chuyện. Tú nhắc nhở thì họ trả lời:
– Cần gì ôn, chúng tớ biết thừa sẽ thi vào phần nào.
Tú chợt ngỡ ngàng và hiểu ra câu nói đó. Thật có chuyện đó sao? Và điểm 8-9 cứ hiện lên trên bài kiểm tra các bạn đó khiến Tú thấy hụt hẫng.
Tú thấy rõ sự phân biệt đối xử, nếu không nói là ác cảm của cô Hảo đối với Tú. Tú học giỏi đều các môn, là chỗ dựa của các bạn khi học nhóm. Tuy nhiên cứ đến giờ Văn của cô Hảo là Tú luôn bị ám ảnh vì mặc cảm.
—–
Tú treo cặp sách lên vách, cởi quần áo ngoài giặt. Trong nhà vắng lặng, bố em cười đùa vô thức. Tú vừa luộc khoai vừa nghĩ miên man. Nghĩ thương bà, thương bố và cực cho số phận nghèo của mình. Tú chỉ có hai bộ quần áo để thay đổi, ở nhà Tú mặc quần vá, gặp khi mưa dầm gió bấc, áo quần còn ẩm chưa khô Tú cũng phải mặc vào người để đi học. Mùa hè thì đỡ, mùa rét thật tội. Mỗi cơn gió thổi qua là Tú lại nghiến răng chịu đựng. Trong khi đó, các bạn cùng lớp mặc áo len, quàng khăn ấm vẫn luôn miệng kêu rét. Tú định bụng sẽ chịu khó mò cua bắt ốc để mua cho em Thảo bộ quần áo mới, thế mà nước to, Tú không thực hiện được. Nước mắt Tú rơi lã chã. Ngọn lửa như reo cười trong khi lòng Tú rất buồn. Bà đi chợ về, nhẹ nhàng đặt tay lên vai tú, giọng bà ấm áp:
– Cháu làm sao vậy hả Tú?
– Dạ không ạ. Bụi bay vào mắt cháu đấy. Bà ơi, bà có bán được cua không bà?
– Bán được cháu ạ, bà đong gạo về đây. Cháu nấu cơm cho bố cháu ăn đi.
– Vâng ạ. – Tú ôm chầm lấy bà.
Mùi trầu nồng ấm cay cay và ân tình của bà khiến Tú quên hết mọi ưu phiền. Vừa vo gạo Tú vừa nghĩ:”Nếu Tú trưởng thành thì bà, bố và em Thảo đỡ khổ.” Nước đầy không mò trai bắt hến được, Tú sẽ đi bán khoai luộc ở chợ huyện, đỡ đần bà và lấy tiền học thêm. Nấu cơm xong, Tú vui vẻ huýt sáo, chọn những củ khoai ngon để phần bà, bố và em Thảo. Số khoai còn lại Tú xếp hết vào thúng, ủ bao tải lên trên vai đội lên đầu đi bán rong, chẳng kịp ăn uống gì cả.
Tú đi dọc dãy phố, vừa đi vừa rao to:
– Ai khoai nóng đây…khoai nóng na..a..ào!
Trên phố trẻ em rất thích ăn khoai nên Tú bán được nhiều. Chiếc thúng trên đầu nhẹ dần nhưng sao chân Tú rã rời mệt mỏi. Mắt Tú như có ngàn ánh sao đang nhảy múa. Nhà cửa, cây cối hai bên đường ngả nghiêng chao đảo. Tú ngã soài xuống lòng đường, khoai trong thúng rơi ra đất, lấm lem, bẹp rúm.
Khi Tú tỉnh lại, Tú thấy mình nắm trong bệnh viện. Từ sáng đến giờ Tú chưa có cái gì cho vào bụng, lại đi nắng lên bị cảm. Bà lo lắng pha sữa cho Tú uống và nghẹn ngào:
– Uống đi cho khỏe cháu. Khổ thân cháu tôi!
– Bà đừng khóc. Cháu khỏe rồi mà.
Tú chợt nhìn ra cửa. Tuấn, Hà và các bạn trong lớp đến thăm Tú. Có cả cô giáo Hảo nữa. Cô Hảo đặt túi cam, đường sữa lên bàn và ngồi xuống, đặt tay lên trán Tú. Tú nhắm mắt lại, bàn tay cô mát và dịu dàng như bàn tay của mẹ làm Tú xúc động.
– Tú ơi! Có phải bạn đi bán khoai buổi chiều để lấy tiền học thêm không? – Tuấn hỏi.
Cô Hảo ngỡ ngàng và thấy ân hận cho sự vô tâm của mình. Là giáo viên chủ nhiệm của lớp mà đến hôm nay cô mới hiểu hoàn cảnh của Tú. Cô Hảo cầm tay Tú rưng rưng:
– Em gắng điều trị cho khỏe và học cùng các bạn. Cô và nhà trường sẽ tạo điều kiện giúp đỡ em.
Cô mở xắc lấy ra một gói nhỏ và đưa cho bà Tú. Cô nói với bà:
– Bà cầm ít tiền để lo thuốc men cho em Tú.
Không khí trong phòng như lắng xuống. Mọi người cảm lẫn nhau, gần gũi nhau hơn. Tú thấy lòng mình ấm lại.
Cô giáo và các bạn ra về, chỉ còn bà ngoại ngồi bên giường với mái tóc bạc phơ giống như bà tiên trong truyện cổ tích đưa Tú vào giấc ngủ. Trong mơ, Tú thấy mình đang cưỡi lên một cánh diều khổng lồ, chiếc diều đó đưa Tú đi khắp nơi, chắp cánh ước mơ cho Tú thực hiện hoài bão bấy lâu ấp ủ: Tú trở thành thầy giáo dạy văn trong tương lai, đứng trên bục giảng say sưa giảng bài…
Tú ra viện, cô giáo, nhà trường và các bạn giúp đỡ rất nhiều. Tú được miễn không phải đóng tiền xây dựng, học phí. Cô Hảo dịu dàng với Tú hơn…
Năm học kết thúc, điểm thi tốt nghiệp của Tú cao nhất trường. Tú được nhà trường thưởng giấy khen và học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó. Toàn trường vỗ tay hoan hô Tú và các bạn học giỏi. Cô Hảo nhìn Tú mỉm cười. Tú cảm thấy cuộc đời học sinh thật là đẹp! Tú ngước mắt nhìn lên, bắt gặp màu đỏ rực rỡ của hoa phượng. Nắng đùa giỡn trên cao. Gió chơi trốn tìm trên tán lá phượng làm các chú ve thức dậy kêu râm ran.
Tiếng chim hót líu lo, tiếng ve sầu, tiếng gió xào xạc như cùng hòa tấu một bản nhạc giao hưởng chào mừng Tú. Phải rồi, mái trường thân yêu và các thầy cô giáo chính là cánh diều chắp cánh cho tuổi thơ Tú bay xa!
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN