Ước Gì Chưa Từng Gặp, Ước Gì Đừng Đậm Sâu - Phần 27
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
564


Ước Gì Chưa Từng Gặp, Ước Gì Đừng Đậm Sâu


Phần 27


Tôi ngẩn ra một lúc, cứ ngỡ mình quỳ quá lâu nên sinh ra ảo giác rồi. Nhưng chớp mắt mấy lần mà Phong vẫn đứng lặng yên ở đó, tôi mới chợt nhận ra không phải mình mơ. Cảm giác lúc ấy vừa bất ngờ vừa xấu hổ, đành vào một hơi rồi loạng choạng đứng dậy.
Tôi nói: “Xin lỗi, em đến đây mà không xin phép anh”.
Phong cúi đầu nhìn đầu gối quần bẩn thỉu của tôi, hỏi: “Em đến từ lúc nào?”.
“Em bắt xe khách xuống từ ban sáng, nhưng tìm thấy mộ bác gái hơi muộn nên vừa mới tới đây được hơn một tiếng thôi”. Tôi ngại ngùng phủi lá cây dính trên quần: “Anh đến lâu chưa?”.
“Từ cách đây nửa tiếng”.
“À…”. Phong đến đây lâu như vậy mà tôi không phát hiện ra, mà anh cũng không lên tiếng. Hai chúng tôi một kẻ quỳ trước mộ, một kẻ lặng lẽ đứng từ xa nhìn, chỉ tưởng tượng ra cảnh này thôi cũng đã cảm thấy giữa chúng tôi có bao nhiêu bi kịch.
Trời lúc này đã bắt đầu sẩm tối, không khí quanh nghĩa địa lạnh lẽo đìu hiu, tôi định nói lại lời Xin lỗi anh, nhưng Phong chỉ bình thản xoay lưng đi. Anh bảo: “Đi thôi”.
“Vâng”.
Rời khỏi nghĩa địa mới thấy con đường nhỏ phía trước vừa um tùm cây cối vừa tối om, nhà dân ở quá xa nơi đây, ngoài những tiếng côn trùng kêu kỳ dị thì cũng chỉ có bóng tối đìu hiu không một bóng người.
Tự nhiên nghĩ nếu không có Phong xuất hiện ở đây đúng lúc, một mình tôi đi bộ quay về qua con đường này chắc chắn sẽ sợ. Lần nào cũng vậy, hoặc là bất cứ đâu cũng vậy, khi tôi khó khăn chắc chắn anh sẽ đến, chẳng biết có phải vì kiếp trước anh nợ tôi hay không mà kiếp này cứ phải dây với tôi, từ gia đình đến công ty, từ Hà Nội về vùng quê hẻo lánh này, đã xa xôi như thế mà vẫn đụng mặt được. .
Chúng tôi một trước một sau đi trên con đường đất nhỏ xíu gập ghềnh, tới khi không gian thoáng đãng hơn một chút mới thấy xe của anh đỗ cạnh một tán cây lớn. Phong bảo tôi ngồi vào ghế phụ, sau đó mới nổ máy quay ngược lại đường cũ.
Đá sỏi gập ghềnh làm xe xóc nảy không yên, tôi phải giữ chặt lấy tay nắm trên cánh cửa mới ngồi vững được. Phong liếc thấy thế mới hỏi:
“Đường khó đi như thế, sao em lại tìm được?”
“Em hỏi đường”. Tôi cười gượng gạo, nói đùa: “Em bảo em là bạn của anh, mọi người ở đây đều biết anh hết, còn khen anh giỏi nữa”.
Phong không để ý đến vế phía sau, chỉ nói: “Đi bộ vào tận đây à?”.
“Vâng. Lâu ngày đi bộ hoạt động gân cốt chút, với cả tranh thủ ngắm cảnh ở quê anh. Không khí ở đây đúng là dễ chịu thật, trong lành hơn ở thành phố nhiều”. Nói tới đây, tôi lại quay sang hỏi anh: “Chắc anh về quê thì cũng phải ở lại đến ngày mai mới lên chứ? 30 Tết còn phải đi dọn mộ rồi thắp hương nữa mà”.
“Ừ, chắc là chiều mai tôi mới quay lại Hà Nội, hoặc có thể là sáng mùng một”.
“Vâng. Thế giờ ở đây còn bắt được xe khách về Hà Nội không anh?”.
Phong nhướng mày liếc tôi qua gương chiếu hậu: “Em muốn về bây giờ à?”.
“Vâng. Em định chiều quay lại Hà Nội, ban sáng có hỏi thì mấy anh phụ xe khách bảo vẫn còn chuyến 5h chiều, nhưng giờ 6h rồi, chắc là trễ chuyến đó. Không biết giờ còn chuyến nào muộn hơn không”.
“Tầm này thì hết xe rồi. Em muốn về thì phải chờ tới mai”.
“À…”. Tôi ngượng ngùng gãi đầu: “Thế chắc là ở đây cũng có nhà nghỉ anh nhỉ?”
“Thôn này nhỏ, cũng không có địa điểm du lịch gì, không có nhà nghỉ”. Anh vừa nói vừa đánh tay lái rẽ vào một con đường rộng rãi khác, ở ngã tư ấy có một gốc đa cổ thụ rất lớn, cảnh tượng dung dị yên bình giống như những bài hát về quê hương tôi vẫn hay nghe: “Nếu không chê thì đến nhà tôi ngủ tạm một đêm”.
Nghe xong câu này, tôi ngơ ngác quay lại nhìn anh. Thật ra với chừng ấy khúc mắc giữa mẹ con tôi và Phong, tôi không nghĩ có một ngày anh lại đồng ý cho mình đến nhà như vậy.
Tôi lưỡng lự nửa muốn đến, nửa không, nhưng nhìn xung quanh thôn làng này chắc hẳn cũng chẳng còn nơi nào có thể ngủ được, thế nên chần chừ một lúc rồi cũng đáp: “Em không chê, em chỉ sợ làm phiền anh thôi”.
Phong không trả lời, chỉ hỏi: “Em mang quần áo không?”.
Tôi xấu hổ đáp: “Không ạ”.
“Thế thì đi mua tạm một bộ”.
Đi thêm một đoạn thì xe cũng dừng lại ở một tiệm quần áo trong thôn. Nơi này hầu như toàn bán những kiểu quần áo cho phụ nữ trung niên, màu sắc có hơi già và sặc sỡ, tôi chọn tới chọn lui mãi cuối cùng cũng được hai bộ mặc nhà, trông có hơi buồn cười.
Lúc ra khỏi cửa hàng, lại thấy có một quầy hàng cóc bán rau củ và một ít đồ ăn quê, tôi nghĩ dù sao cũng phải nấu thứ gì nhét vào bụng nên dừng lại mua thêm vài bó rau. Khi lên xe, Phong thấy tôi tay xách nách mang đủ thứ mới hỏi:
“Em mua gì mà nhiều thế?”.
“Quần áo hai bộ, rau 3 bó, đậu phụ 2 thanh, 3 quả trứng vịt”. Xếp đồ xuống chỗ để chân xong, tôi mới nói tiếp: “Em sợ buổi tối không có quán hàng nào mở nên mua về nấu ăn. Ở nhà anh có đồ để nấu không?”.
“Có bếp ga”.
“Gia vị thì sao?”.
Phong nghĩ ngợi vài giây rồi mở cửa xuống xe: “Để tôi đi mua thêm”.
Tôi định ngăn anh lại nhưng Phong chân dài nên bước nhanh, loáng cái đã vòng ra đuôi xe rồi. Ngẫm lại, tôi cũng không biết nhà anh thiếu những thứ gì nên để anh đi mua vẫn hơn, thế nên cuối cùng chỉ đành trên xe ngồi đợi.
Lát sau, anh lại xách thêm một túi đồ đưa cho tôi: “Thế này chắc là đủ rồi đấy”.
Nhìn trong bọc nilon đó có dầu ăn, nước mắm, hành tỏi rau củ, tôi lẩm bẩm đếm rồi gật đầu: “Vâng, đủ rồi. Đi thôi anh”.
Ở quê, vào thời điểm cận tết thế này cũng bắt đầu nhộn nhịp, các gia đình được nghỉ tết cũng đã kéo nhau về đoàn viên. Phong chở tôi đi vòng vèo qua mấy con đường nhỏ, đi qua cả một con đường bê tông cắt ngang qua ruộng lúa, cuối cùng mới dừng lại ở trước ngôi nhà mái ngói tăm tối đìu hiu gần cuối xóm.
Anh bảo tôi: “Đường hơi tối, em xuống xe trước rồi đợi tôi”.
“Vâng”.
Vào cuối tháng trời không có trăng, ánh sáng hắt ra từ mấy ngôi nhà cách đó một quãng vừa vặn khiến tôi có thể thấy được cánh đồng ở sau lưng đang sắp đến lúc trổ bông, từng ngọn lá xanh non mơn mởn run rẩy đứng thẳng mình trong sương muối.
Tôi bước xuống trước, lẳng lặng hít vào một hơi thật dài mùi thơm đồng nội, một lát sau thì Phong cũng xuống xe, đi vòng lại, cầm lấy mấy túi đồ nặng trĩu trên tay tôi rồi bảo tôi men theo bước chân anh để đi vào nhà. Chúng tôi một trước một sau bước vào con đường nhỏ trồng hai hàng chè mạn, đạp chân lên đất mềm lẫn sỏi đá, đi chừng gần 50 mét mới vào đến sân.
Lúc Phong bật điện, nhìn thấy rõ, tôi mới nhận ra nhà anh là một ngôi nhà ngói ba gian kiểu cũ, vì lâu ngày không có ai ở nên tường đã bong tróc từng mảng, bụi bặm lá cây giăng đầy khắp nơi. Phong mở cửa bước vào bên trong, đặt đồ ăn xuống bàn rồi bảo: “Đợi chút, nhà hơi bẩn, chờ tôi quét dọn xong rồi hãy ngồi”.
“Để em”. Tôi nhanh chóng xung phong: “Em quét nhanh lắm. Vèo cái là xong ngay. Chổi ở đâu anh?”.
Phong nhìn bộ dạng hăm hở của tôi, khóe môi bất giác cong cong nở nụ cười: “Chổi bằng lá dừa, em không quét được đâu. Em đi nấu cơm đi”. Nói rồi, anh mới chỉ xuống gian nhà ngang bên dưới: “Bếp ở dưới kia. Đợi tôi bật điện đã”.
“Vâng”.
Trước giờ những gian bếp mà tôi nhìn thấy đều là những nơi luôn được người làm lau bóng loáng, diện tích rộng rãi, nội thất sang trọng, chỉ cần bước vào đã thơm nức mùi nước lau rửa của thương hiệu đắt tiền nhất. Hôm nay đến nhà anh, nhìn tất cả đồ vật nơi đây, tôi mới thấy nơi này khác xa với nhà tôi thật đấy. Trong bếp có một tủ gỗ nhỏ đã bị mối mọt ăn không ít, một bếp củi phủ đầy tro bụi do đã lâu không dùng, cách đó không xa có một xấp củi khô đã mọc rêu mốc gần hết. Bếp gas để trên một chiếc bàn nhỏ bằng gỗ, trông giản đơn đến sơ sài.
Tất nhiên, tôi chưa từng có ý nghĩ chê bai mà chỉ thấy thương anh, chẳng rõ những năm còn thơ bé anh và mẹ đã sinh sống tại nơi này như thế nào, trải qua cuộc sống thiếu thốn ra sao, thậm chí những năm mẹ anh mất, một mình anh ở trong căn nhà này sẽ có cảm giác gì… Chắc chắn một đứa con gái được ngậm thìa vàng từ khi sinh ra như tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu…
Tôi thở dài một tiếng, chỉ dám nghĩ đến đó rồi nhanh chóng xắn tay áo lên, bắt đầu đánh vật với đống thực phẩm kia rồi nấu nướng. Khi trên bếp gas có những âm thanh lèo xèo của xào nấu thì ngoài sân cũng vang lên tiếng chổi bằng lá dừa loẹt quẹt đều đều theo quy luật.
Tôi thò đầu ra mới thấy Phong đang quét sân, lại hỏi: “Nhiều lá cây thế, có gom lại rồi đốt không anh?”.
Anh ngoái lại nhìn tôi, mồ hôi nhễ nhại trên trán: “Mùa hanh khô, không đốt lá”.
“Vậy để làm gì ạ?”.
“Đổ vào mấy gốc cây, chờ phân huỷ lại có chất dinh dưỡng cho đất”.
“À…”. Tôi cười cười: “Sếp Phong quét nhanh đi, chuẩn bị xong cơm rồi”.
Anh cũng cười: “Nấu nhanh thế cơ à?”.
Tôi phổng mũi: “Trình độ nấu nướng được rèn luyện nên lên tay lắm. Anh chờ đấy mà xem”.
Phong gật đầu, lại tiếp tục quét lá, động tác rất thành thục nhanh nhẹn, lại gọn gàng sạch sẽ. Bộ dạng của anh lúc này trông rất đỗi gần gũi và bình dị, giống như người làm giám đốc công ty linh kiện vững vàng quyết đoán tôi vẫn hay thường thấy đó, giờ chẳng có chút nào liên quan đến anh.
Chẳng biết sao lúc ấy tự nhiên tôi lại nghĩ chúng tôi ở bên nhau giản đơn như vậy thật giống như một cặp vợ chồng trẻ, năm hết tết đến dẫn nhau về thăm quê, cùng ra mộ người thân thắp hương, cùng về dọn nhà, nấu một mâm cơm ngon, quây quần đầm ấm.
Nhưng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ viển vông thôi, chúng tôi sẽ không thể nào có kết cục tốt đẹp như vậy, phải không?
Khi tôi nấu xong một mâm cơm đơn giản thì Phong cũng đã dọn nhà xong. Cả người anh bụi bặm ướt đẫm mồ hôi, tôi lại chạy xuống bếp nấu một ấm nước để anh đi tắm.
Lúc xong xuôi, ngồi bên mâm cơm anh mới hỏi: “Nấu bếp gas có quen không?”.
“Cũng tạm ạ. Ở Úc em cũng nấu đồ ăn bằng bếp gas mà”. Tôi hỏi anh: “Mọi năm anh hay về quê vào ngày này à?”.
“Nếu bận thì sáng 30 về, tối 30 quay lại Hà Nội. Năm nay nhuận, nghỉ tết sớm nên tôi về sớm”.
“Về đây ở một mình sao?”. Nghĩ đến cảnh chỉ còn một mình anh ở đây, tôi buột miệng hỏi như vậy.
Phong nghe xong thì chỉ lẳng lặng nhìn tôi, không đáp. Tôi ngượng quá nên lại bảo: “Tại em nghĩ tết đến thì bạn bè anh cũng sẽ về. Ở quê mọi người hay đến nhà nhau chơi mà, rủ bạn đến ăn cơm cũng vui”.
Anh cúi đầu, lặng lẽ gắp một miếng rau cho vào miệng, ăn xong mới nói: “Về nhanh, đi cũng nhanh, ít có thời gian gặp bạn bè”.
“À…”.
Sau đó chúng tôi không ai nói chuyện nữa, yên lặng ăn cơm. Xong xuôi đến lượt Phong nấu cho tôi một ấm nước nóng để tôi đi tắm. Lúc tôi mặc bộ quần áo mới mua ban nãy đi ra, chắc là trông buồn cười lắm nên anh cứ nhìn tôi mãi, tôi thì xấu hổ nên bảo:
“Trông ghê lắm à anh?”.
“Không ghê lắm”. Anh cười: “Giống như U40”.
“Em mới 22 tuổi thôi. Tại cái màu áo này già đấy. Tìm mãi mà chẳng được bộ nào đẹp cả”. Tôi nhăn nhó đáp: “Sáng ngày mai anh chở em tới tiệm quần áo khác đi, ở đây có cửa hàng nào trẻ trẻ một chút không? Xinh đẹp như thế này phải mặc quần áo trẻ thì người ta mới nhìn ra được”.
“Nhìn ra được cái gì?”.
“Mỹ nhân ấy”. Tôi quay một vòng trước mặt anh, biết mình lúc này không có son phấn, lại mặc một bộ quần áo già chát, chắc là giống bà thím lắm nhưng vẫn cố chấp chu môi bảo: “Ngày trước em đi học ở Úc, các thầy cô hay gọi em là beautiful woman đấy”.
“Mắt nhìn của người nước ngoài kiểu gì vậy?”. Anh trêu tôi: “Chẳng có tý thẩm mỹ gì cả”.
“Thế mỹ nhân trong mắt anh là gì?”. Nửa câu tiếp theo tôi muốn nói: Có phải là kiểu phụ nữ hiền thục xinh xắn, có răng khểnh như chị Vân không. Nhưng rút cuộc lại không nói ra.
Phong thờ ơ trả lời tôi: “Không nói cho em biết”.
“Xúy”. Tôi bĩu môi: “Có mà anh không có gu thẩm mỹ thì có. Mỹ nhân phải như em đây, một mét bảy sáu, ba vòng 85 – 58 – 90”
“Một mét bảy sáu, ba vòng 87 – 58 – 93”.
Tôi trợn tròn mắt: “Sao anh biết?”.
“Tôi dùng tay để đo”.
Lúc trước anh nói khiêu vũ ở Pháp, tôi hỏi anh bạn nhảy của anh thế nào, Phong rất bình thản nói rằng cô ấy có số đo 80 – 60 – 90, còn bảo anh đo bằng mắt. Hôm nay anh lại nói đo bằng tay với tôi, khiến gò má tôi thoáng chốc nóng bừng.
Tôi lập tức quay đi chỗ khác: “Đo chẳng chuẩn gì cả”.
Anh thấy tôi ngượng đỏ mặt thì bật cười: “Đi ngủ đi”.
Nhà của anh chỉ có một chiếc giường, nơi này còn có bàn thờ của mẹ anh nên chúng tôi không thể ngủ chung. Phong nằm ở ghế gỗ, nhường lại chiếc giường duy nhất cho tôi, có lẽ bởi vì lạ nhà, lạ giường nên đêm ấy tôi thao thức mãi vẫn không sao chợp mắt được.
Bên tai là tiếng côn trùng rả rích chỉ có ở nông thôn, có cả tiếng mưa bóng mây lộp độp thỉnh thoảng rơi trên mái ngói. Ghế mà anh nằm cách giường tôi hai mét, tôi không nghe được hơi thở của anh, đến nửa đêm, vì trằn trọc mãi nên tôi mới nhỏ giọng hỏi:
“Mỗi lần anh về quê có buồn không?”.
Vài giây đầu anh không đáp, tôi cứ nghĩ Phong đã ngủ rồi, nhưng lát sau anh lại nói: “Hai mươi năm nay ở một mình, dần dần cũng quen rồi. Không còn cô đơn như ngày đầu nữa”.
“Thật ra anh không cô đơn đâu”. Tôi chớp mắt nhìn dáng hình người đàn ông lờ mờ nằm trên ghế: “Lúc trước em có đọc được cuốn sách Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi, trong đó có một câu rất hay: Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu, đám mây không mất đi đâu cả, người thương của ta cũng vậy. Người thân vẫn hàng ngày dõi theo anh, chỉ là anh không thấy được mà thôi”.
Lồng ngực phập phồng của người đàn ông bất giác sững lại, anh yên lặng như chìm vào bóng đêm hồi lâu, mãi sau mới đáp: “Có lẽ vậy”.
“…”.
“Minh Châu”.
“Dạ”.
“Lúc nhìn thấy mưa sao băng, em đã ước gì?”.
Tôi không dám nói mình đã ước sau này chúng tôi không có hận thù nữa, chẳng còn ai giày vò ai nữa, chúng tôi cứ thế bình yên thoải mái mà sống, cả tôi và anh đều được hạnh phúc.
Rút cuộc, tôi chỉ ngẩng đầu lên nhìn trần nhà cũ kỹ bên trên, cười bảo: “Em ước vẫn sẽ giữ được gia đình như bây giờ, có ông nội, có bố, có mẹ, có anh. Em ước sau này sẽ vững vàng trên con đường kinh doanh, từng bước trưởng thành, kết hôn với một người chồng như em mong muốn”.
Phong cười nhạt: “Vậy à?”.
“Có lẽ hơi tham lam nhỉ?”.
“Không tham lam, mà có lẽ là con người ai cũng mưu cầu hoàn hảo. Không ai đánh thuế ước mơ cả, em có nguyện vọng gì thì cứ ước như vậy”.
“Sau này có mưa sao băng nữa, anh đừng bỏ phí điều ước nữa nhé?”.
“Tôi không có nguyện ước gì cả”.
“Ít nhất cũng nên ước đường chỉ tay dài hơn”.
Anh xoay người lại nhìn tôi: “Trẻ con”.
Tôi giả vờ ngáp dài một cái: “Em buồn ngủ rồi. Sếp Phong, ngủ ngon”.
“Ngủ ngon”.
Ở quê gà gáy sớm, tôi mới ngủ được hơn bốn tiếng đã bị những âm thanh dung dị thôn quê ấy đánh thức dậy. Nhìn ra ghế không thấy Phong đâu, tôi cũng lười đi tìm, cố nằm ì trên giường thêm một lát rồi mới lục đục dậy.
Ra đến sân mới thấy anh đang cầm bình tưới mấy chậu cây sắp bị gió mùa đông làm cho khô héo. Phong thấy tôi mới bảo: “Có chuyến xe lúc 10h sáng. Em có muốn ăn sáng rồi hãy đi không?”.
“Được ạ”. Tôi uể oải vươn vai một cái: “Ăn gì được hả anh?”.
“Ra chợ đi, hôm nay 30 Tết, ở chợ có nhiều đồ ăn lắm”. Anh đặt bình tưới nước xuống, cười cười: “Chủ yếu là không rõ em có ăn được không?”.
“Như kiểu chợ phiên ấy hả anh? Trong đó bày bán đủ thứ đúng không?”
“Ừ, gần như thế”.
Tôi lập tức hào hứng đến tỉnh cả ngủ: “Thế thì đi thôi. Đợi em rửa mặt rồi đi”.
“Ừ”.
Rửa mặt xong, tôi mặc nguyên bộ quần áo già chát hôm qua đi dạo chợ cùng Phong. Vùng nông thôn vừa nhỏ vừa ít người, có rất nhiều cô bác nhận ra Phong nên tủm tỉm hỏi chuyện: “Phong về đấy à? Càng ngày càng đẹp trai ra nhé, chẳng thấy già đi tý nào cả”.
Một người tò mò quay sang tôi: “Đây là ai thế? Chị của cháu à?”.
Tôi vừa mua được một cái nón lá, đội lên đầu rồi đi cùng anh đúng là chẳng khác gì mẹ con. Các thím kia nói tôi là chị Phong vẫn còn hơi quá.
Anh quay sang nhìn tôi cười: “Đồng nghiệp của cháu”.
“À… à… Lần này dẫn cả đồng nghiệp về thăm quê đấy hả?”. Bà thím cười để lộ hàm răng đen bóng: “Thế năm nay đã quyết định lấy vợ chưa? Hồi mẹ mày còn sống, mẹ mày suốt ngày bảo muốn chờ được đến ngày mày lớn rồi cưới vợ, nếu cưới được cái Vân ở gần nhà thì càng tốt đấy”.
“Đợi khi nào cháu cưới vợ thì cháu sẽ đến từng nhà mời các cô các bác nhé”. Anh trả lời đại khái: “Còn năm nay chắc là chưa, 30 Tết rồi, cưới không kịp ạ”.
Mọi người thấy Phong trả lời duyên ơi là duyên như thế thì đều ồ lên: “Ôi cái thằng này, khéo quá cơ. Cao to đẹp trai, lại còn giỏi. Bác chờ đấy, cưới nhớ đừng quên bác đấy”.
“Vâng ạ”.
Mấy người ở quê kéo anh hỏi đủ chuyện, dùng dằng mãi mới đi được. Lúc vào đến bên trong chợ thì đồ ăn sáng hầu như đã hết cả rồi, chỉ còn mỗi mấy hàng xôi, tôi háo hức mua tận hai đùm lớn, chia cho anh một gói.
Phong bảo: “Em ăn đi, tôi không ăn đâu”.
Tôi vừa nhồm nhoàm nhai xôi vừa nói: “Ngon mà, gạo nếp dẻo thơm lắm. Anh ăn đi”.
Anh cốc đầu tôi: “Con gái mà vừa đi đường vừa ăn, gia giáo lễ nghi được dạy để đâu rồi?”.
“Kệ, ở đây có ai thấy đâu. Chẳng ai quản gia giáo”. Tôi lại đưa gói xôi cho anh lần nữa: “Anh cũng ăn đi, ở quê không ai biết anh là người thừa kế của tập đoàn Kim Cương đâu. Trong mắt mọi người ở đây, chúng ta chỉ là thanh niên lên Hà Nội tìm cách đổi đời, Tết đến thì về thăm quê hương thôi”.
Có lẽ Phong cũng đành bất lực với lý lẽ của tôi, anh không chối được, buộc phải cầm gói xôi ấy, sau đó lại kéo tôi vào một gian hàng khác rồi cả hai cùng ngồi ăn.
Tôi thích thú dạo chợ quê đến nỗi quên cả giờ giấc, cứ chạy hết chỗ này đến chỗ khác ngắm nghía mấy món đồ thủ công, Phong có nhắc tôi mấy lần nhưng tôi không để tâm, cuối cùng khi ra đường bắt xe thì chuyến xe cuối cùng lên Hà Nội cũng đã chạy được 30 phút rồi.
Mặt tôi lập tức nghệt ra: “Sao mà sớm thế? Mới trưa 30 mà xe khách đã nghỉ hết rồi. Gần tết thì nhu cầu đi lại mới nhiều chứ, sao lại nghỉ sớm thế?”.
Anh giơ bàn tay của mình lên, che nắng chiếu xuống đỉnh đầu tôi, hơi buồn cười nói: “Chiều nay tôi về Hà Nội, em đợi được thì về cùng. Không thì tôi tìm taxi cho em lên”.
Tôi ngước lên nhìn anh, người đàn ông cao hơn tôi hẳn một cái đầu, vừa vặn có thể che chắn hết nắng gió ngoài kia cho tôi: “Đằng nào cũng thêm vài tiếng nữa thôi, em không vội”. Tôi nghĩ nghĩ một lúc lại nói: “Nếu anh muốn đón giao thừa ở quê thì em ở đây với anh, sáng ngày mai lên Hà Nội sớm cũng được”.
Nghe xong câu này, ánh mắt trong veo của anh bất chợt trở nên sâu nặng, trong đó đen thẫm có in hình bóng tôi. Tim tôi bất giác đập thình thịch, muốn né tránh ánh mắt anh, nhưng rồi lại nghe anh nói: “Em không đón giao thừa ở nhà à?”.
“Năm nay em muốn đón giao thừa ở ngoài một năm”. Tôi cười: “Năm nay bố về nhà với mẹ, em muốn hai người họ có không gian riêng. Chẳng biết có cãi vã nữa hay không, nhưng đầu năm mới, hy vọng họ hòa thuận”.
Phong có vẻ không muốn nhắc đến hai người họ nên chỉ nói: “Thế thì về thôi”.
“Vâng”.
Trưa hôm ấy, tôi vẫn đi chợ nấu cơm, ăn uống xong xuôi thì Phong một mình lên dọn mộ mẹ. Ở nhà một mình buồn chán không có chuyện gì làm nên tôi đi loanh quanh ra đầu ngõ chơi với đám trẻ con, tình cờ thế nào mà lúc sau lại thấy chị Vân xách theo mấy túi bánh kẹo đi đến.
Chẳng hiểu tôi sợ gì hay ngại gì mà không dám đối diện, lập tức xoay lưng về phía chị ấy, giả vờ như mình chỉ là người qua đường đang dừng lại xem điện thoại. Có lẽ do tôi ăn mặc hơi quê mùa nên chị Vân không để ý, khi đến đầu cổng nhà Phong mới dừng lại hỏi mấy đứa trẻ: “Mấy đứa ơi, chú Phong có ở nhà không?”.
Một đứa trẻ lớn nhất nhận ra chị Vân mới reo lên: “A, cô Vân về đấy ạ?”. Nó phủi tay vào quần rồi đứng dậy: “Chú Phong đi vào mộ rồi, chú Phong không có nhà đâu ạ”.
“Thế à? Thảo nào cô gọi cho chú ấy mãi không được”.
“Hay cô vào nhà ngồi chờ chú ấy”
“Thôi, cô sang mua ít bánh kẹo thắp hương cho mẹ chú Phong, bây giờ phải về nhà chuẩn bị làm cơm tất niên luôn đây”. Chị Vân cầm một ít bánh chia cho lũ trẻ, nói: “Cô để bánh kẹo trong nhà, lát nữa chú Phong về nhà bảo cô đến nhé?”.
“Vâng ạ”.
Nói rồi, chị ấy lại tay xách nách mang đồ vào trong, một lúc lâu sau mới trở ra, lại nhắc lũ trẻ lần nữa rồi mới đi về nhà. Tôi ngại lỡ chị Vân quay lại, đụng mặt mình ở nhà Phong thì không hay, cho nên cả buổi chiều hôm ấy chỉ ngồi chơi ngoài ngõ cho đến khi anh về.
Phong dừng lại, vẫy vẫy tay với tôi: “Minh Châu”.
Tôi lập tức đứng bật dậy, nhảy chân sáo chạy theo anh: “Anh về rồi à?”.
“Làm gì cả buổi chiều thế?”.
“Em ngồi ngoài này hóng gió”.
Anh cười cười: “Không lạnh à mà còn ở đây hóng gió?”.
“Không, em đã bảo không khí ở quê thích mà”. Tôi cầm giúp anh mấy thứ đồ lỉnh kỉnh, bảo: “Sếp mệt không? Tối nay muốn ăn món gì?”.
“Ăn mì tôm đi”.
“Sao tất niên lại ăn mì tôm?”.
Anh đáp nhẹ tênh: “Cả năm ăn đồ ngon rồi, tất niên ăn đơn giản đi cho dễ nuốt”.
Tôi thấy ý kiến này cũng hay nên lập tức gật đầu: “Được đấy, vừa hay hôm nay em lười nấu cơm”.
“Mau vào nhà đi”.
Bữa cơm tối tất niên của chúng tôi khá đơn giản, chỉ là hai bát mì và hai quả trứng gà quê, tôi với anh chia nhau hai đôi đũa, ngồi ở bàn uống trà xì xụp ăn. Có lẽ Phong cũng nhận ra có thêm bánh kẹo trên bàn thờ nên hỏi tôi:
“Chiều nay có người đến nhà à?”.
Tôi tỉnh bơ nói dối: “Em cũng không rõ, chiều em đi lang thang ở ngoài đường chơi với mấy đứa trẻ con. Lúc về thì thấy rồi”.
Vừa nói đến đây thì có đứa trẻ con lấp ló bên ngoài, thằng nhóc lúc chiều hình như vừa chạy đi đâu chơi về, thò gương mặt đẫm mồ hôi vào nói: “Chú Phong ơi, chiều cô Vân có đến, cô Vân mua đồ thắp hương đấy”.
Phong dừng đũa, ngẩng lên bảo thằng nhóc: “Chú biết rồi. Minh ăn cơm chưa?”.
“Cháu ăn rồi ạ”. Nó nhe hàm răng bị gãy mất hai chiếc, cười toe toét: “Cháu đi chơi đây”.
Nói rồi, ngay lập tức chạy biến.
Đợi thằng nhóc đi rồi, tôi mới giả vờ lơ đãng hỏi anh: “Vân là bạn anh à?”.
“Ừ, bạn từ nhỏ, ở gần đây”. Anh đáp nhẹ tênh: “Chắc là biết tôi về nên đến”.
“Vâng”.
Tôi không hỏi nữa, mà anh cũng không kể sâu thêm, chỉ lảng sang chủ đề khác rồi nói cho đến khi ăn hết hai tô mì mới thôi.
Xong xuôi, tôi chẳng biết ở quê đón giao thừa sẽ thế nào nên cứ quanh quẩn đi từ nhà ra sân, rồi lại từ sân vào nhà. Lát sau, Phong dọn dẹp xong mới bảo tôi:
“Ở quê không bắn pháo hoa đón giao thừa đâu. Nhưng lát nữa chắc thanh niên làng sẽ đốt trộm pháo cối. Em có muốn ra ngõ xem thử không?”.
“Pháo cối ấy ạ?”. Tôi tròn xoe mắt hỏi: “Là pháo gì cơ?”.
“Lát nữa em sẽ biết”.
Bởi vì tò mò ở quê anh đón giao thừa thế nào nên tôi rất hào hứng đi theo anh. Hai đứa chúng tôi đi bộ một vòng cho tiêu mì tôm trong bụng, sau đó mới ra bờ ruộng lúa ngồi, chờ xem thanh niên làng đốt trộm pháo cối.
Chẳng biết có phải tôi có ấn tượng quá sâu sắc với lời anh nói hôm ngắm mưa sao băng trước đây hay không, mà lúc ngồi cùng Phong ở con đường nhỏ cạnh ruộng lúa đó, dù không có ánh trăng, dù không có mùi thơm của lúa chín, chỉ có mỗi không khí lạnh buốt đầy sương muối của ngày 30 Tết thôi mà tôi cũng thấy dễ chịu vô vàn.
Để g.iế.t thời gian, tôi bắt đầu lôi đủ thứ chuyện ra để nói, từ việc Thiên An sắp hoàn thành sát nhập đến việc thời gian gần đây công ty linh kiện đã ký được bao nhiêu hợp đồng, đến cả chuyện bể cá Koi của ông nội đã sinh sôi thêm mấy con, tôi cũng kể hết.
Nhưng có lẽ vì mong ngóng đến giao thừa nên tôi cảm thấy thời gian trôi quá chậm, cứ chốc chốc lại quay sang hỏi anh: “Mấy giờ rồi anh?”.
“11h”
“Sao mà lâu thế?”.
Phong cười cười: “Ở quê buồn chán hơn thành phố nhiều đúng không?”.
“Không. Ở quê từ cảnh vật đến con người đều dễ chịu. Ở thành phố xô bồ bon chen, trải qua hơn hai mươi cái giao thừa ồn ào em cũng chán rồi”. Tôi cười, thật thà trả lời: “Lần đầu tiên đón giao thừa ở đây em thích lắm, nhưng chắc là tại mong quá nên thấy thời gian trôi lâu”.
“Vậy thì đừng ngóng nữa”. Anh vuốt mấy sợi tóc dài bị gió thổi bay của tôi, đem giắt vào mang tai: “Thạc sĩ Minh Châu ngốc như thế từ bao giờ thế?”.
Tôi phụng phịu đáp: “Em mới 22 tuổi thôi, vẫn còn mộng mơ lắm. Em không phải là ông già cổ lỗ sĩ như anh. Chỉ có ông già mới không mong qua năm mới”.
“Ai bảo em tôi không mong qua năm mới?”.
“Vậy anh mong gì ở năm mới?”.
Anh vẫn trả lời bằng câu nói cũ: “Không có mong ước gì cả”.
“Thế thì mong qua năm mới cũng có ý nghĩa gì đâu”. Mặt tôi ỉu xìu như bánh đa ngâm nước: “Năm mới ai cũng mong được bình an mạnh khỏe, kinh doanh phát đạt, gặp nhiều may mắn đấy”.
“Em cũng ước như vậy à?”.
“Vâng”. Tôi cười cười, biết anh sẽ chẳng ước vọng gì nên nói: “Nếu anh không ước, em sẽ ước thay anh. Lát nữa đến giao thừa, em sẽ ước cả anh và em đều bình an mạnh khỏe, kinh doanh phát đạt, gặp nhiều may mắn”.
Ngừng lại vài giây, tôi mới nhớ ra thêm một chuyện nên quay đầu bảo anh: “Phải rồi, năm mới đường chỉ tay sẽ dài thêm một ít nữa nhé”.
Phong đang ngẩng đầu nhìn ruộng lúa mênh mông, đột nhiên lại dời mắt sang, nhìn thẳng vào mắt tôi. Rõ ràng hôm nay trời không có sao băng, cũng chẳng có ánh trăng nào, nhưng tôi lại thấy trong mắt anh đong đầy sao sáng.
Ánh nhìn sâu nặng của anh làm tim tôi bất giác run rẩy, muốn quay đi, lại nghe anh nói: “Minh Châu”.
“Dạ”.
“Em có thấy thời gian trôi quá chậm không?”.
Tôi ngơ ngác vài giây rồi gật đầu: “Có ạ”.
“Tôi lại thấy thời gian trôi quá nhanh”.
“Nhanh… ư?”. Không hiểu sao hai má tôi lập tức nóng bừng, rõ ràng lờ mờ hiểu được hàm ý trong lời nói của anh, lại trả lời như phát ngốc.
Phong không đáp, chỉ quay về phía trước nhìn cánh đồng lúa nghiêng nghiêng lay động theo chiều gió thổi. Tôi cũng lặng lẽ khép mi mắt lại, hít vào thật sâu từng ngụm không khí quê hương bình yên ở đây, ngửi thấy cả mùi dầu gội bồ kết thơm thơm trên tóc anh.
Đến khi tôi nhẹ nhàng tựa đầu vào vai anh, áp má vào xương đòn vững vàng của người ấy, rút cuộc tôi mới có được cảm giác như anh, cảm thấy thời gian thật sự trôi quá nhanh…
Nhanh đến mức tôi chỉ muốn tất cả dừng lại ở khoảnh khắc này, để chúng tôi có thể bình yên nhẹ nhàng ngồi bên nhau, bỏ xa lại cuộc sống danh gia tranh đoạt quyền thế và phồn thị xô bồ ở một thế giới khác, bỏ lại cả nỗi hận thù giằng xé của chúng tôi ở phía sau…
Cứ thế sống mãi tại nơi đây thôi, không được sao?
Một lúc sau đó, bỗng dưng có một tiếng ‘đùng đoàng’ rất lớn từ phía bên kia cánh đồng lúa vọng đến, sau đó là hàng loạt những âm thanh ầm ầm khác dồn dập vang lên. Tôi ngẩng đầu định hỏi Phong, nhưng anh lại bảo: “Giao thừa rồi”. Chẳng rõ anh lại tìm đâu ra một con cào cào nhỏ, mở tay tôi ra rồi đặt vào trong: “Quà năm mới cho em”.
Tôi nhìn con cào cào rồi nhìn anh, bật cười thành tiếng, lúc đó thực sự chỉ muốn ôm lấy cổ anh rồi kéo anh xuống hôn mình, nhưng lại sợ ngồi ở bên bờ đường dễ gặp người qua lại nên rút cuộc đành thôi.
Sau đó, đột nhiên tôi nghĩ ra một chuyện nên lại gửi con cào cào cho anh, tay nhanh chóng đưa lên tháo mặt dây chuyền bằng đá, đưa đến: “Viên đá này lúc em đi du lịch nhặt được, đem về khắc thành mặt dây chuyền, đeo từ lúc nhỏ tới tận bây giờ đấy. Tặng cho anh”. Tôi cười híp mắt: “Có qua có lại”.
“Cỏ bốn lá à?”. Anh hỏi.
“Vâng”. Tôi đáp: “Em hay thích ước nguyện lung tung nên thích cỏ bốn lá, anh không thích ước nguyện nên em đưa cỏ bốn lá cho anh, san sẻ cho anh ước nguyện của em”.
Phong cúi đầu lẳng lặng nhìn mặt dây chuyền kia thật lâu, thật lâu, sau đó anh thả con cào cào đi, nhận lấy mặt dây chuyền bằng đá rồi nắm chặt trong lòng bàn tay: “Cảm ơn”.
“Không cần cảm ơn, em nói rồi, chúng ta có qua…”. Hai chữ ‘có lại’ tôi còn chưa kịp nói thì đã thấy gương mặt của anh kề sát lại gần, hơi thở nóng hổi của anh vấn vít bên mũi tôi, trái tim tôi cũng như đập lạc nhịp, im lặng tì trán vào trán anh.
Tôi nói: “Sếp Phong, năm mới vui vẻ”.
Anh cũng đáp: “Minh Châu, năm mới vui vẻ”.
Tôi cười cười, sau đó vẫn là không nhịn được chạm vào môi anh. Vốn chỉ muốn dành tặng anh một cái hôn như chuồn chuồn đạp nước vào đầu năm mới thôi, nhưng Phong đã kéo gáy tôi, hôn tôi một cách nồng nàn.
Có những tiếng ì xèo của pháo hoa tầm thấp vọng đến, lẫn vào những âm thanh đùng đoàng mà ở thành phố tôi sẽ không bao giờ nghe thấy. Khi ấy tôi đã hiểu thì ra pháo cối có âm thanh như thế, thì ra được ở bên một người và yêu người ấy tuyệt vời như thế, thì ra giữa bể tình triền miên và hận thù hỗn loạn, ngoài đau khổ, người ta vẫn nếm được ngọt ngào đến ngất ngây.
Giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới năm đó, tôi đã nắm chặt tay anh rồi ước nguyện. Tôi ước năm mới chúng tôi đều bình an mạnh khỏe, mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, tôi ước giao thừa năm sau tôi vẫn có thể ở bên anh…
Thế nhưng tôi đã không hề biết rằng, làm người thì không nên tham lam, cũng không nên quá tin vào điều ước.
Bởi vì nếu ai cũng ước vọng và thành công, thì làm gì còn ai đau khổ nữa, phải không?

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (23 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN