Ước Gì Chưa Từng Gặp, Ước Gì Đừng Đậm Sâu - Phần 29
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
514


Ước Gì Chưa Từng Gặp, Ước Gì Đừng Đậm Sâu


Phần 29


Muôn sông nghìn núi, yêu hận tình cừu cứ ngỡ đã chấp nhận cách xa, nhưng cuối cùng trong giây phút thấy anh rời khỏi lễ đính hôn của tôi, tôi mới chợt nhận ra giữa hàng trăm thực khách ồn ào bên dưới đó, trong mắt tôi rút cuộc vĩnh viễn chỉ có một người.
Bước chân tôi suýt nữa thì đã đuổi theo anh, nhưng lại bị lý trí đ.iên cuồng ghìm lại, cũng may, trước khi tôi xốc nổi chạy đi thì lời nói của ông nội đã khiến đầu óc tôi tỉnh táo lại. Tôi lẳng lặng hít vào một hơi thật sâu cho bình tĩnh, sau đó mới chầm chậm đưa tay lên:
“Vâng ạ”.
Huy mỉm cười, đeo chiếc nhẫn đính hôn sáng lấp lánh vào tay tôi: “Minh Châu, kể từ giờ chúng ta thuộc về nhau. Trong cuộc sống, nếu có bất kỳ lúc nào em thấy khó khăn hay mệt mỏi, em đều có thể tựa vào vai anh. Anh không chắc sau này anh sẽ làm được một người chồng tốt, nhưng anh hứa với em, anh sẽ vĩnh viễn ở bên em khi em cần”.
Thực ra tôi đã tìm được một người như vậy rồi, không phải người đứng trước mặt tôi. Nhưng mối tình ấy vĩnh viễn không thể có kết quả nên tôi chỉ có thể giả dối nhoẻn miệng cười, cố giấu sự chua xót vào trong tận đáy lòng: “Cảm ơn anh. Em còn ít tuổi, chưa từng kết hôn, có rất nhiều điều không biết. Sau này nhờ anh chỉ bảo thêm”.
“Chỉ bảo gì chứ?”. Huy nắm chặt tay tôi: “Chúng ta ở bên nhau, có việc gì thiếu sót thì cùng nhau sửa đổi”.
“Vâng”.
MC chỉ chờ có vậy là cầm micro quay xuống, thao thao bất tuyệt về ‘tình cảm đẹp’ và ‘hôn nhân đẹp’ của tôi và Huy. Tất cả mọi lời nói đều như sáo rỗng bên tai, tôi không có tâm trạng nghe, chỉ cố duy trì nụ cười cứng ngắc cho đến khi lễ đính hôn kết thúc.
Theo như thông lệ, tiệc tàn thì cũng không ai được về nhà mà vẫn phải qua nhà ông nội để ăn cơm tối, tiện thể tổng kết xem lễ đính hôn hôm nay có thiếu sót gì hay có điều gì khiến mọi người chưa hài lòng hay không.
Tôi thì mệt đến đứt hơi, lúc này chỉ muốn leo lên giường ngủ một giấc chứ chẳng muốn bàn luận điều gì. Có điều, trước bữa ăn chú hai lại nói:
“Bố, con thấy thằng Phong như thế là không được. Dù sao lễ đính hôn của Minh Châu cũng là chuyện lớn. Nó không đến sớm được thì cũng phải tham dự đến cùng, công việc gì cũng phải gác lại. Đằng này giữa giờ nó mới ghé qua một tý, xong rồi cũng đi luôn, chẳng nói chẳng rằng với ai câu nào mà biến mất đến tận giờ vẫn chưa thấy về”.
Ông nội tôi hình như cũng không hài lòng về chuyện Phong vắng mặt hầu như suốt lễ đính hôn của tôi. Nhưng vẫn nói: “Cả nhà ở lễ đính hôn, một mình nó giải quyết công việc của công ty. Sáng nay nó gọi cho tôi bảo ở nhà máy xảy ra sự cố, dây chuyền sản xuất mới bị cháy, nó phải đến tận nơi để giải quyết”. Dứt lời, ông nhíu mày nhìn chú hai: “Chắc anh cũng biết dây chuyền mới lần này có giá trị bao nhiêu chứ?”.
“Con biết, nhưng mà phó giám đốc, rồi kỹ sư đâu. Nó đến nhà máy xem xét kiểm tra rồi quay về vẫn kịp, đằng này…”. Chú hai tôi ra vẻ thở dài: “Bên nhà thông gia không thấy Phong thì cứ hỏi con mãi. Mà quan khách đến cũng hỏi. Bọn họ không nói ra nhưng trong ngày trọng đại thế mà không thấy nó đến, chắc chắn ai cũng nghĩ mối quan hệ của nó với Minh Châu không tốt. Bố xem, rồi sau này mặt mũi gia đình mình để đi đâu?”.
Vương cũng bảo: “Ban nãy con cũng gọi điện đến nhà máy rồi, kỹ sư nói dây chuyền chỉ bị nóng và cháy nguồn điện thôi, không phải sự cố gì nghiêm trọng. Hay là anh Phong thật sự có khúc mắc gì với chị Châu nên mới không đến?”.
Tôi không định tham gia vào cuộc nói chuyện này, nhưng chú hai và Vương cứ liên tục nhắm đến mình. Rút cuộc, đành phải nói: “Anh ấy với tôi thì có khúc mắc gì được? Mà kể cả là có khúc mắc đi chăng nữa thì chẳng lẽ cả nhà không ai hiểu tính anh ấy à? Anh Phong là người chững chạc, chín chắn, có trách nhiệm, anh ấy sẽ không vì mấy mâu thuẫn lặt vặt với tôi mà cố ý không đến lễ đính hôn của tôi. Chẳng qua là gặp phải việc bất khả kháng thì anh ấy mới không đến được. Chú hai, Vương, cháu thấy hai người đang cố ý hướng mọi việc đi quá xa rồi”.
Chú hai nhún vai, cười khẩy: “Chú chỉ nói lại sự thật thôi. Như Vương nói đấy, dây chuyền bị cháy nguồn điện chẳng lẽ là chuyện bất khả kháng đến mức đó à?”.
Lúc này, bố tôi cũng không nhìn nổi tôi bị bắt nạt mới lên tiếng: “Chú trước giờ chưa đến nhà máy bao giờ, tất nhiên sẽ không hiểu được việc cháy nguồn điện ảnh hưởng thế nào đến dây chuyền. Không xử lý tốt, không chỉ hỏng một mình cục nguồn mà cả chuỗi dây chuyền cũng có nguy cơ bị hỏng hết. Con trai tôi là đứa có trách nhiệm, nó đến tận nơi xử lý cũng là chuyện nên làm. Còn việc nó với Minh Châu có khúc mắc hay không, lần sau lễ kết hôn của em nó, nó chứng minh là được”.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi Phong đến nhà tôi, bố tôi mới mở miệng bênh vực anh. Đừng nói là chú hai, ngay cả ông nội cũng cảm thấy kinh ngạc.
Ông cũng không muốn không khí trên bàn ăn tiếp tục căng thẳng nên chốt lại: “Được rồi. Tôi thấy chuyện Phong hôm nay không đến lễ đính hôn của Minh Châu là việc bất khả kháng, không quá trách nó được. Nhưng về sau nó cũng phải rút kinh nghiệm. Gia đình chúng ta không chỉ quan tâm đến kinh doanh, mà còn phải quan tâm đến mặt mũi”.
Bố tôi gật đầu: “Vâng. Để nó về, con sẽ nhắc nhở nó”.
“Ăn đi”. Ông nội không chờ anh về như mọi lần, chỉ bảo cả nhà ăn cơm. Chú hai và Vương cũng nhận ra điều này nên liếc mắt nhìn nhau cười, sau đó mới bắt đầu cầm đũa.
Lòng tôi đầy một mớ trĩu nặng, chỉ ăn qua loa vài miếng là kiếm cớ đứng dậy, ở trong nhà hơi ngột ngạt nên tôi đi thẳng ra vườn hoa phía trước, đứng trong đình nghỉ ngắm cá Koi.
Đúng lúc này thì có một người từ bên ngoài đi vào. Bình thường thấy Phong tôi sẽ rất vui, nhưng hôm nay gặp mặt thực sự chẳng biết nói câu gì, chỉ cảm thấy ngượng ngùng vô hạn. Tuy nhiên cũng không thể không chào nên tôi vẫn phải nói:
“Anh về muộn thế?”.
Mái tóc anh bị gió thổi tung nên hơi rối, gương mặt phảng phất nét mệt mỏi. Anh dừng bước chân, im lặng nhìn tôi vài giây rồi mới đáp: “Bận việc ở nhà máy, đến giờ mới về được”. Nói tới đây, anh lại hỏi tôi: “Ăn cơm rồi à?”.
“Vâng. Em ăn rồi. Cả nhà vẫn còn đang ăn trong kia, anh vào rửa mặt đi rồi ăn cơm”.
Phong không đáp, chỉ chần chừ một lúc rồi đột nhiên chuyển hướng đi về chỗ tôi. Trái tim quặn đau của tôi bất giác đập thình thịch, theo bản năng muốn trốn chạy, nhưng lại thấy mình thật ngốc nghếch. Giữa chúng tôi có còn gì nữa đâu, anh cũng chẳng đến để cướp tôi đi, tôi sợ hãi như vậy làm gì.
Rút cuộc, tôi chỉ đứng đơ như tượng nhìn chằm chằm anh, còn Phong đi đến gần tôi thì đột nhiên ngồi xổm xuống, nói một câu: “Ngồi xuống ghế rồi đưa chân tôi xem”.
“Dạ?”. Tôi tròn xoe cả mắt, tạm thời vẫn chưa hiểu anh định làm gì. Thế nhưng đối diện với vẻ kiên định không suy chuyển trong mắt anh, cuối cùng vẫn phải im lặng ngồi xuống.
Lúc này, anh mới cầm chân tôi lên, tay chạm vào vết phỏng vì đi giày cao gót cả ngày của tôi, khiến tôi đau đến mức rụt chân lại: “Về đến đây rồi, sao không đi dép trong nhà mà vẫn đi giày làm gì?”.
Chỉ một hành động, một câu nói rất rất đỗi bình thường thôi mà tôi suýt nữa thì rơi nước mắt. Tôi sợ mình khóc thật nên vội vàng quay đầu đi, giả vờ nhìn ra ngoài trời hít một hơi thật dài: “Ở… bên này… không có dép. Em cũng quên mất nên lười thay”.
“Đau không?”.
Viền mắt tôi nóng lên, rất muốn trả lời anh rằng tôi rất đau, đứng trên giày cao gót 9cm suốt nửa ngày rất mỏi, gót chân bị phỏng đến sưng hết cả rồi. Nhưng tôi vẫn giả vờ giả vịt cười: “Không đau lắm. Chẳng biết sao stylist đã nói giày này mềm, không cọ làm đau gót chân mà vẫn bị xước da”.
Anh cười, lấy một tuýp thuốc mỡ ra rồi bôi lên chỗ bị xước của tôi: “Vì da thịt em mỏng”.
“Em tự bôi được mà. Anh để em tự bôi thôi”. Tôi nhăn nhó đáp: “Anh vào ăn đi không đói đấy. Đi cả ngày rồi mà”.
“Ban nãy dọc đường có mua bánh mì ăn rồi”. Tay anh vẫn nhẹ nhàng bôi vết thương của tôi, vẫn như muôn vàn lần trước đây, chỉ cần được người ấy an ủi mà tôi chẳng còn thấy đau đớn gì nữa.
Chỉ là tôi không hiểu được, tại sao cả nhà tôi đông đủ như vậy lại chẳng ai nhìn ra chân tôi bị đau, còn một người cả ngày bận rộn, chỉ ghé qua lễ đính hôn của tôi vài phút mà vẫn biết tôi cần thứ gì. Chẳng lẽ giác quan của anh quá nhạy bén tinh tường, không có thứ gì lọt qua nổi được mắt anh, hay là vì trước gì Phong vẫn luôn để ý tới tôi như một thói quen, nên mới hiểu được những điều tôi không nói ấy?
Không có được đáp án, tôi chỉ có thể thở dài một hơi: “Hôm nay em có thấy anh đến lễ đính hôn”.
Phong cũng không phủ nhận, chỉ đáp: “Tôi bận nên chỉ ghé qua được vài phút”. Ngừng lại vài giây, anh mới cười nhạt bổ sung thêm: “Em mặc váy đính hôn đẹp lắm”.
“Cảm ơn anh”. Tôi đáp nhẹ tênh, chỉ có tim đau như bị ai bóp nghẹt đến không thở được.
Phong đặt chân tôi về vị trí cũ rồi nói: “Được rồi. Đừng đi giày cao gót nữa thì mai kia sẽ lành lại”.
“Vâng”. Tôi cười cười: “Anh vào ăn cơm đi không đói”.
“Ừ, biết rồi”. Anh thở hắt ra một tiếng, định đứng dậy rời đi, nhưng đi được vài bước đột nhiên nhớ ra chuyện gì nên quay đầu bảo: “À phải rồi, tôi đã đặt xong vé máy bay rồi. Ngày 15 bay sang trước, 16 đấu giá. Em sắp xếp được thời gian không?”.
“Vâng, chắc là được ạ. Để em chuẩn bị”.
Anh gật đầu, không nói nữa, chỉ rảo bước đi vào bên trong. Tôi ngồi ở đình nghỉ nhìn chằm chằm theo bóng lưng anh mãi, lòng có rất nhiều điều muốn nói, nhưng gặp rồi lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.
Chúng tôi quen nhau mười mấy năm, ở cạnh nhau hai năm, nhưng đến giờ nghĩ lại mới thấy cả tôi với anh chưa từng có một lần hẹn hò nào đúng nghĩa cả. Có lẽ chuyến đi đấu giá sắp tới là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất chúng tôi được cùng nhau đi đến một nơi xa, dù lòng thừa hiểu Phong đã hứa sẽ không động vào tôi nữa thì chắc chắn có đến Uztan thì chúng tôi cũng sẽ không làm gì, càng không có chuyện thân mật ân ái như lúc trước, nhưng tôi vẫn lén lút háo hức. Hàng ngày đều mong mỏi đếm thời gian để đến ngày 15 kia.
Thủy Tiên bảo tôi: “Nghe cứ như ở bên nhau lần cuối ấy nhỉ? Đi đến một nơi không ai biết, chàng vì nàng mà bỏ một số tiền lớn ra đấu giá một món quà tặng cho nàng, sau đó thì chia tay”.
“Chàng với nàng gì mà buồn nôn thế?”. Tôi phẩy tay: “Anh ấy hứa tặng tao một món quà kết hôn. Tao chọn được viên kim cương hình giọt lệ đó nên cả hai đi đấu giá, có thế thôi”.
“Mày có tiếc không?”. Thủy Tiên nhìn tôi hỏi: “Vì mất đi một người đàn ông tuyệt vời như thế ấy”.
“Làm gì có đâu mà mất. Nếu tao có được anh ấy, chắc chắn tao sẽ giữ rịt lấy không buông, không để anh ấy chạy thoát”.
“Ờ, cũng phải”. Nó gật gù cười: “Lão này đúng là đàn ông, không chê được chữ nào. Từ việc dạy dỗ mày kinh doanh, định hướng cho mày trưởng thành, sau đó đến việc phân định rạch ròi giữa việc có khúc mắc với ai, trả thù ai. Đến giờ là việc buông tay. Khi mày nói đi lấy chồng, cũng không tìm cách ép buộc mày dây dưa lằng nhằng mà chấp nhận đồng ý nguyện vọng của mày, thẳng thắn chấp nhận buông tay, không chúc mày hạnh phúc nhưng không quên quà kết hôn cho mày. Đàn ông như thế mới xứng đáng là đàn ông”.
“Nhưng tiếc là không thuộc về tao”. Tôi ngửa đầu nhìn lên trời, thở dài thườn thượt: “Chắc là sau khi tao lấy chồng, một thời gian nữa anh ấy cũng lấy vợ thôi”.
“Sao mày biết?”.
“Hôm trước tao gặp ông Hưng, bạn của anh Phong với chị Vân ấy. Ông ấy bảo hai người đó hình như đến với nhau rồi, có mấy lần thấy hai người đi chung, trông tình cảm lắm. Mà trước tao cũng gặp anh chị ấy đi ăn riêng ở nhà hàng, cách đây vài ngày thì chị Vân còn mang đồ đến tận nhà anh Phong”.
Thủy Tiên trầm ngâm một lúc rồi mới đáp: “Ừ thì mày với lão ấy chẳng có kết quả gì. Chẳng chống lại được gia đình hay định kiến xã hội để đến được với nhau, cũng chưa chắc lão ấy đã yêu mày đến mức sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để cùng mày bỏ trốn. Thế nên mỗi người đi một con đường riêng, mày lấy chồng lão lấy vợ, thế là hợp lý cả đôi đường rồi”. Nói tới đây, nó vỗ vỗ vai tôi, cười bảo: “Thôi đừng buồn, sau này biết đâu cả mày và ông ấy đều được hạnh phúc. Mày không thấy nhiều cặp đôi đấy à? Lúc bị gia đình ngăn cấm thì yêu sống yêu c.hế.t, quyết phải cưới nhau cho bằng được. Đến khi lấy được rồi thì chọi nhau cả ngày, rồi cũng tan đàn xẻ nghé. Nên thôi, tình dang dở mới là tình đẹp nhất, cứ để nó dang dở đi. Dù sao mày cũng đã từng hạnh phúc rồi”.
Nghe nó nói vậy, tôi cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng đi nhiều. Có lẽ Thủy Tiên nói đúng, buông tay là cách tốt nhất cho cả tôi và cả anh, đằng nào cũng không thể có kết quả, vậy thì cố gắng cũng chẳng để làm gì: “Ừ. Tao biết rồi. Hy vọng cả tao và anh ấy sau này đều hạnh phúc”.
“Phải hạnh phúc chứ. Tao biết xem bói đấy, số mày không khổ đâu”.
Tôi phì cười: “Vâng, nhờ thầy bói Thủy Tiên xem cho con một quẻ, xem bao giờ con giàu”.
Nó giả vờ bấm bấm đốt ngón tay, mặt đăm chiêu: “Không lâu lắm đâu, tối nay tất tay chơi xổ số là con sẽ giàu ngay”.
Tôi đá chân nó, mắm môi mắm lợi trừng mắt: “T.iên sư mày”.
***
Đêm trước ngày 15 tôi không ngủ được, sau khi Huy gọi điện thoại buôn đủ chuyện trên trời dưới biển với tôi một hồi, tôi lười nói nên giả vờ ngáp ngắn ngáp dài: “Mai anh không phải đi làm à? 12h rồi đấy. Ngủ đi thôi”.
“Anh cũng chuẩn bị đi ngủ đây”. Anh ấy cười cười: “Vợ ơi, mai em đi đấu giá 2 ngày có nhớ anh không? Hay là để mai anh đưa em đến sân bay, em hôn anh một cái để tạm biệt nhé?”.
“Thôi đi, anh đừng tưởng em không biết. Anh vẫn đang còn hai người đẹp chưa xử lý xong xuôi đâu, bảo các em ấy hôn anh tạm đi”.
Huy trợn mắt: “Sao bên anh có hai người đẹp mà em cũng biết thế? Em thuê thám tử theo dõi anh đấy à?”.
“Em cũng phải chắc chắn đến khi kết hôn anh sẽ bỏ hết mấy em ong bướm vây quanh chứ?”. Lòng tôi nhẹ tênh, rõ ràng biết bên đời công tử đào hoa như Huy không thiếu phụ nữ, nhưng lại chẳng hề ghen. Chỉ bảo: “Sau này em sẽ chung thủy, cho nên anh cũng vậy. Trước khi kết hôn thì ra sao cũng được, nhưng cưới rồi nếu anh vẫn còn chưa dứt hẳn với mấy người đẹp của anh thì chúng ta ngủ riêng”.
“Ấy… được rồi. Vợ yêu đừng nóng”. Huy lại dịu giọng dỗ tôi: “Hai em này anh sẽ cắt đứt sớm. Vợ đừng bắt anh ngủ riêng. Anh không chịu được đâu”.
“Vui vẻ với người đẹp của anh đi, em ngủ đây”. Tôi cười: “Tạm biệt”.
“Vợ ngủ ngon”.
Nói là nói vậy nhưng tôi cứ quay qua quay lại mãi, một nửa chỉ mong trời nhanh sáng để gặp Phong, một nửa cứ buồn bực không yên, rút cuộc tôi lại lôi điện thoại ra, vào Facebook chị Vân để xem.
Tôi không có thói quen rình mò trang cá nhân người khác nên suốt thời gian biết đến chị ấy, tôi chỉ mới vào Facebook chị Vân đúng một lần, đây là lần thứ hai. Tôi thấy ở dòng trạng thái mới nhất, chị Vân có đăng một tấm ảnh chụp cảnh tết ở quê, ghi kèm một dòng: “28 năm, hy vọng năm sau sẽ có người rước em”.
Hưng có bình luận ở bên dưới: “Thằng Phong sắp rước rồi đấy. Chờ nó một thời gian nữa thôi”.
Chị Vân cũng trả lời lại: “Lúc đó nhờ anh làm nhẫn cỏ để bọn em đính hôn nhé?”.
Gara Quốc Hưng: “Gì chứ nhẫn cỏ thì yên tâm @Phong Tran mày thấy thế nào?”.
Nick Facebook Phong Tran thì tôi biết, không có ảnh đại diện hay bài đăng gì cả, cũng chẳng có hoạt động nào. Nhưng khi được tag ở bình luận kia thì anh lại thả tim, sau đó rep một dòng: “Làm nhẫn đẹp đẹp chút”.
Đọc đến đây, cả mắt và tim tôi đều đau nhói, không muốn nhìn nữa nên dứt khoát vứt điện thoại sang một góc rồi tự mình đau lòng, tới mức thức hết cả đêm hôm ấy.
Sáng hôm sau tôi xách theo valy đến sân bay, hai quầng mắt thâm như gấu trúc. Phong nhìn thấy tôi như vậy mới hỏi: “Đêm qua em không ngủ được à?”.
“Vâng”. Tôi uể oải vươn vai, lại bịa ra lý do để nói dối: “Chắc buổi chiều uống cafe nên bị mất ngủ. Từ đây sang Uztan bao nhiêu tiếng hả anh?”.
“Khoảng 14 tiếng”.
Đúng là tôi chọn nơi ít có xa quá, đi 14 tiếng chắc được nửa vòng trái đất luôn rồi. Nhưng không sao, càng xa thì tôi càng ở bên anh được lâu, nên tôi nói: “May thế, 14 tiếng thì tha hồ ngủ bù”.
Anh cười cười, kéo va ly của tôi: “Đi thôi”.
Bởi vì chặng bay dài nên hầu như tôi chỉ ngủ, Phong thì ngồi bên cạnh ôm ipad giải quyết công việc, chốc chốc tiếp viên hàng không lại chạy đến chỗ anh hỏi có cần đồ uống gì không. Phong liếc qua thấy tôi vẫn ngủ nên chỉ khẽ nói: “Không cần, khi nào cô ấy dậy thì chúng tôi sẽ uống sau”.
Bạn tiếp viên kia nhìn anh bằng ánh mắt sáng như sao, hơi tiếc nuối đáp: “Vâng ạ. Nếu cần anh cứ gọi em nhé”.
Anh gật đầu, lại tiếp tục làm việc, thời gian 14 tiếng bay thì anh làm việc 9 tiếng, tôi ngủ đến 12 tiếng. Tới khi hạ cánh ở Tasma thì tôi như mới được phục hồi đầy đủ năng lượng, đứng dưới sân bay vươn vai một cái, hít vào thật sâu không khí nơi đây.
“Mới tháng 4 mà thời tiết nơi đây nóng nực quá”. Tôi đeo kính đen, quay đầu nhìn anh nói: “Em cứ tưởng phải mát mẻ cơ”.
“Ở gần xích đạo nên nhiệt độ hơi cao. Chắc giờ khoảng 30 độ”.
Tôi gật đầu: “Chúng ta ở khách sạn nào hả anh?”
“Tôi đặt khách sạn gần chỗ đấu giá rồi. Đi thôi”.
Khách sạn mà anh đặt là một khách sạn dạng thuần thiên nhiên ở ngay giữa lòng thủ đô Tasma của Uztan. Nhân viên lễ tân ở đây đã nhận lịch từ trước nên khi chúng tôi đến liền niềm nở đưa cho chúng tôi hai thẻ phòng, ở hai bungalow ngay cạnh nhau.
Tắm rửa xong, Phong hỏi tôi có muốn đi thăm quan một vòng thủ đô Tasma không, dù sao cũng chẳng có việc gì làm nên tôi ngay lập tức gật đầu.
Chúng tôi bắt taxi đến Chợ mái vòm Chorsu, lúc nhìn kiến trúc bên ngoài đã thấy nơi này mang đậm dấu ấn đặc trưng của du mục và văn hóa Trung Á, vào bên trong mới thấy nơi này bày bán rất nhiều thực phẩm và trái cây sặc sỡ, làm tôi có cảm giác giống như mình đang đặt chân vào chợ Bến Thành của thành phố Hồ Chí Minh Vậy.
Tôi nhặt mấy viên kẹo lên, nhìn anh cười toe toét: “Chợ ở đây cũng bình dân anh nhỉ?”.
“Ừ”. Phong gật đầu, bàn tay đút gọn gàng trong túi: “Cảm giác chất phác thật thà, gần gũi”. Anh bảo: “Ở đây có mơ khô nổi tiếng, em thích ăn thì mua một ít về đi”.
“Mơ khô hả anh?”. Tôi nhìn một vòng quanh các sạp bán: “Là loại nào cơ?”.
Anh đi đến một tiệm bán các đồ khô, tự tay chọn những quả mơ khô cho tôi: “Loại này”.
Cô bán hàng là người Uztan, hình như cũng biết một chút vốn liếng tiếng Anh nên cứ khen Phong: “You are very handsome”.
Anh mỉm cười, bình thản quay sang tôi, nói gì đó với người bán hàng mà tôi nghe không rõ. Cô bán hàng người Uztan cũng tủm tỉm nhìn tôi, sau đó đưa tay ra nắm tay tôi, nói một tràng tiếng Uztan, còn vẽ vào lòng bàn tay tôi ba đường gì đó.
Tới lúc ra về, tôi mới hỏi anh: “Cô ấy nói gì vậy anh? Còn vẽ vào tay em nữa?”.
“Một dạng ấn tín của người Uztan, đại loại là để cầu chúc cho người được làm ấn được bình an mạnh khỏe”.
Tôi lập tức trợn tròn mắt: “Tại sao anh không làm?”.
Anh bình thản nhìn tôi: “Chẳng phải em đã ước thay tôi rồi à?”.
Một câu nói rất nhẹ nhàng nhưng lại chạm vào tận nơi sâu nhất trong tim tôi. Đến bây giờ Phong vẫn nhớ những lời mà chúng tôi từng nói vào giao thừa năm ngoái, khi anh không chịu ước nguyện, tôi đã nói về sau để tôi ước thay anh, để tôi san sẻ điều ước thay anh.
Hóa ra là anh vẫn không quên…
Tôi xúc động nắm lấy tay anh, hy vọng ấn tín của tôi có thể truyền được sang anh: “Về thôi”.
Phong cúi đầu nhìn tay tôi, không rút ra mà chỉ yên lặng giữ nguyên như thế. Sau đó, vài giây sau đột nhiên anh đột ngột lật tay lại, tăng lực siết chặt lấy tay tôi: “Ừ, về thôi”.
Đêm hôm ấy, chúng tôi ăn tối ở khách sạn, thưởng thức các món ngon nhất ở Uztan, sau đó thì mỗi người về phòng đi ngủ.
Ở một đất nước xa lạ, lại cách người đàn ông mình yêu chỉ một quãng ngắn, lòng tôi không tự chủ được rất muốn gần anh, âm thầm khát khao được thỏa mãn nỗi mong nhớ xác thịt cùng anh. Nhưng tôi biết anh sẽ không đụng vào tôi nữa, mà càng dây dưa kéo dài thêm thì càng sẽ đau khổ nhiều thêm, rút cuộc, chỉ có thể tự mình trằn trọc chịu đựng cả đêm dài trống vắng.
Ngày hôm sau tôi mặc một bộ váy thật đẹp, trang điểm cũng thật đẹp rồi khoác tay Phong cùng đi đến phiên đấu giá. Nơi đấu giá là một thành phố rộng khoảng 30km², có ba mặt giáp biển, một mặt giáp biên giới, cách thủ đô Tasma hơn ba tiếng di chuyển bằng xe ô tô.
Để vào được thành phố, chúng tôi phải đi qua một cây cầu bắc ngang qua một con kênh rộng rãi. Lúc đi đến giữa cầu, tôi cố ý hạ kính xe xuống để gió biển bên ngoài thốc vào khoang xe, hơi nước mát lạnh hoà cùng không khí bình yên êm dịu, khiến lòng tôi cũng cảm thấy thư thái.
Phong nhìn vẻ mặt tôi, cười bảo: “Thành phố này trước đây thuộc về đất nước khác, nhưng qua mấy lần chiến tranh nên hơn 100 năm nay là của Uztan, có nhiều di tích lịch sử lắm, nếu em muốn, lát nữa đấu giá xong tôi dẫn em đi tham quan”.
“Được ạ. Hiếm lắm mới có dịp đi du lịch, phải tranh thủ chứ”. Tôi gật đầu, lại hỏi: “Anh có bận lắm không? Có ở lại thêm được không?”.
“Thỉnh thoảng cũng nên cho bản thân nghỉ ngơi vài ngày”. Anh tựa lưng vào thành ghế, để gió biển thổi đến làm rối tung mái tóc: “Em muốn gì thì cứ nói, tôi sẽ đưa em đi”.
“Vâng”. Lòng tôi bất giác chua xót, vẫn phải giả vờ tươi cười: “Để đấu giá xong rồi em nói cho anh biết nhé”.
“Ừ”.
Trước đây tôi đã đi theo bố tham gia đấu giá rất nhiều lần, những lần ấy có được vật phẩm quá dễ dàng nên tôi chẳng có cảm giác gì cả. Tuy nhiên lần này đi cùng Phong thì cảm giác trong tôi khác lắm, giống như đang được cùng người đàn ông mình yêu đi lựa chọn vật phẩm, tôi háo hức mong chờ được nhìn thấy viên kim cương hình giọt lệ kia, cũng trông đợi được xem anh vì tôi mà sẵn lòng trả giá thứ gì đó.
Ngồi hơn hai tiếng, mãi tới lượt thứ 9 thì viên kim cương rút cuộc cũng mang ra. Khi được người điều khiển phiên đấu giá tháo tấm vải đen xuống, một viên kim cương màu xanh sáng lấp lánh lập tức được đưa ra ngoài ánh sáng, từng lát cắt sáng chói của nó giống như chạm được đến đồng tử của người xem, khiến tất cả mọi người đều kinh ngạc ‘Ồ’ lên. Có người còn phấn khích đến nỗi huýt cả sáo.
Người điều khiển đấu giá đưa ra giá khởi điểm, một người đàn ông tóc vàng người Pháp lập tức ra giá 345 nghìn đô, một người khác cũng giơ bảng: 350 nghìn đô.
Phong bình thản nói: “400 nghìn đô”.
Gã người Pháp không chịu thua, lại nói: “420 nghìn đô”.
Một quý bà người Châu Âu: “450 nghìn đô”.
Mức giá cứ đẩy lên dần dần, đến khi đạt mốc một triệu đô thì 8/12 người tham gia đã bỏ cuộc. Tôi thấy giá đã quá cao, dù cũng muốn có được viên kim cương kia nhưng lại sợ Phong tốn kém một khoản tiền không đáng nên giật giật tay áo anh: “Anh, mức giá 1 triệu đô là đã hợp lý rồi. Không cần tăng thêm. Nếu bọn họ trả thêm, chúng ta không mua nữa”.
“Không thể không mua nữa”.
“Vì sao?”.
Anh nhìn tôi, ánh mắt trong veo kiên định không suy chuyển: “Tôi đã nói tôi sẽ mua viên kim cương ấy cho em thì tôi sẽ làm”.
Dứt lời, anh lại giơ bảng lần nữa, dứt khoát nói: “Một triệu ba trăm nghìn đô”.
Giá đưa ra hơn hẳn 300 nghìn đô với người đang trả giá gần nhất, cả hội trường lập tức im phăng phắc nhìn anh. Lúc này, tôi mới hiểu thế nào là đàn ông đích thực quyến rũ, một người sẵn sàng không tiếc tiền vì mình mà ra giá, một người dù lựa chọn cuộc đời giản đơn, không phú quý dát vàng nhưng đã nói mua cho tôi một món quà thì dù có dời núi lấp biển, anh vẫn quyết làm cho bằng được.
Đàn ông nói một là một như vậy, sao tôi không yêu cho được chứ?
Vài giây sau, lại có người tiếp tục trả giá, sau đó chỉ còn lại gã đàn ông người Pháp và Phong. Tôi cũng không ngăn cản anh nữa, chỉ im lặng ngồi bên cạnh nhìn anh lạnh lùng quyết đoán nâng bảng lên, tới cuối cùng, để đỡ mất thời gian nên Phong nói: “Hai mươi lăm triệu đô”.
Đây là số tiền quá lớn cho một viên kim cương, tất nhiên ngoài Phong ra không ai trả một cái giá khủng khiếp như vậy, ngay cả gã đàn ông người Pháp dù đã theo đến 22 triệu đô rồi cũng phải bất đắc dĩ dừng lại.
Người điều khiển đấu giá nói: “Hai mươi lăm triệu đô lần một. Có ai trả giá hơn 25 triệu đô không?”.
Mọi người đều quay đầu nhìn gã người Pháp, nhưng ông ta vẫn yên lặng úp bảng, tức đến mặt đỏ tía tai. Người điều khiển lại nói: “Hai mươi lăm triệu đô lần thứ hai”.
“…”
“Hai mươi lăm triệu đô lần thứ ba”.
“…”
Vẫn không có tiếng người trả lời hay tấm bảng nào giơ lên, kết quả dường như đã định. Người điều khiển đấu giá nhìn quanh một vòng rồi nhanh chóng kết thúc:
“Và bây giờ tôi xin tuyên bố viên kim cương xanh Tears Of The Sea đã thuộc về Mr Tran Dai Phong. Xin chúc mừng quý ông Tran Dai Phong đã sở hữu viên kim cương xanh đắt độc nhất vô nhị trên thế giới”.
Tất cả mọi người đều vỗ tay rần rần, có cả những tiếng biz biz và cả tiếng pháo giấy bắn ra. Giữa những âm thanh huyên náo đó, tôi quay đầu nhìn anh, không còn cảm giác tiếc 25 triệu đô kia mà chỉ thấy hạnh phúc cùng tự hào vô vàn, cũng yêu anh vô vàn, người đàn ông đã vì tôi mà bằng lòng trả một cái giá lớn lao như thế.
Phong cũng nhìn tôi bằng ánh mắt sáng ngời như sao: “Minh Châu, có thích không?”.
Tôi cố nín nhịn cảm giác muốn hôn anh, liên tục gật đầu: “Em thích. Em rất thích”. Chữ ‘Thích’ này vốn bao gồm cả ‘Thích anh’, nhưng tôi không nói ra, chỉ cười thạt tươi: “Cảm ơn anh”.
“Đi thôi”. Anh đứng dậy, nắm lấy tay tôi: “Chúng ta đi lấy viên kim cương”.
Tôi gật đầu, cũng bước chậm theo anh. Hai chúng tôi một trước một sau nắm tay đi qua cả trăm người theo dõi phiên đấu giá, lúc đến thảm đỏ, người điều khiển đấu giá còn luôn miệng khen chúng tôi đẹp đôi, cũng chúc mừng tôi vì đã tìm được một người đàn ông sẵn sàng vì tôi mà bỏ ra một số tiền rất lớn như vậy.
Đây là lần đầu tiên tôi không giải thích về mối quan hệ của tôi với anh, chỉ nắm chặt tay Phong, mỉm cười đáp: “Cảm ơn, đối với tôi, anh ấy còn quý giá hơn viên kim cương xanh kia gấp nhiều lần. Anh ấy là một người đàn ông tuyệt vời, là một người rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Được gặp được anh ấy và từng có anh ấy, dù chỉ một lần thôi, tôi cũng thấy đủ rồi”.
Khi tôi nói xong câu này thì ánh sáng trong mắt anh đột nhiên biến đổi, tôi đọc được ở nơi ấy có sự nặng tình, sự day dứt, sự tiếc nuối, và còn có một chút gì đó rất kiềm nén mà tôi không thể nào đọc hiểu. Phong mở tay tôi ra, đặt viên kim cương xanh hình giọt lệ vào tay tôi, môi mấp máy nói: “Minh Châu, tôi…”.
Mấy chữ tiếp theo anh chưa kịp nói hết thì bỗng dưng bên ngoài đột nhiên vang lên những âm thanh ‘Rầm rầm’ long trời lở đất, trần nhà trong phiên đấu giá rung lắc dữ dội, bụi xi măng rơi ầm ầm xuống đầu chúng tôi.
Cả một hội trường đang xôn xao lập tức biến thành một bể hỗn loạn, mấy người phụ trách đấu giá cũng vội vã thu dọn vật phẩm rồi bỏ chạy. Phong cũng nhanh chóng ôm lấy đầu tôi: “Minh Châu, lùi lại, lùi lại”.
Tôi vừa lùi lại thì một tảng bê tông to tướng đã rơi thẳng xuống chỗ ban nãy vừa đứng, những tiếng ‘vi vút rầm rầm’ bên ngoài vẫn tiếp tục dồn dập. Hàng trăm người dẫm đạp lên nhau bỏ chạy, Phong cũng nhanh chóng nắm chặt tay định chạy đi.
Giữa những âm thanh la hét hoảng loạn, tôi còn nghe loáng thoáng có tiếng người nói: “Tên… tên lửa… mẹ ơi… là tên lửa”

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (16 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN