Ước Gì Chưa Từng Gặp, Ước Gì Đừng Đậm Sâu - Phần 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
889


Ước Gì Chưa Từng Gặp, Ước Gì Đừng Đậm Sâu


Phần 3


Bình thường mẹ sắp xếp lịch học cho tôi dày đặc, lại cấm tôi không được lại gần anh trai nên dù Phong đã chuyển đến hơn một năm mà chúng tôi không nói được với nhau mấy lời.
Tôi muốn làm thân nhưng anh đột nhiên hung dữ như vậy khiến tôi thấy sợ, lí nhí nói: “Vì sao?”. Sau đó lại cảm thấy bất công nên thắc mắc: “Bố bảo anh là anh trai của em mà”.
“Tôi không phải là anh trai của ai hết”. Phong đẩy mạnh tôi một cái: “Tôi ghét tất cả nhà các người, đừng có đến gần tôi”.
Vai tôi bị đập vào thành tủ đau điếng, tiếng động rất to, tôi sợ mọi người phát hiện nên không dám kêu, vậy mà Phong cũng chẳng buồn liếc tôi một cái, chỉ quay lưng khập khiễng đi về phía phòng mình. Lúc anh vừa đóng cửa thì mẹ tôi cũng chạy xuống, thấy tôi đứng trong bếp liền kêu toáng lên:
“Minh Châu, nửa đêm con xuống đây làm gì?”.
“Con… con đói…”. Tôi lúng túng nói dối: “Con muốn ăn mì tôm”.
Đèn điện cũng được người giúp việc trong nhà bật sáng choang, bồn nước vẫn còn đọng lại chút nước, dưới sàn nhà còn có mấy giọt má.u đỏ chói làm tôi giật mình.
Mẹ tôi cũng phát hiện ra đó là m.áu của ai, bà không nói không rằng câu nào lao đến kéo tôi ra, nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt: “Thằng Phong làm gì con rồi? Sao mặt con lại xanh rợt ra như thế? Nói xem nào Minh Châu, nó làm gì con?”.
“Không phải, anh ấy không làm gì. Con định pha mì thì thấy anh ấy đi ra. Bọn con không nói gì cả”.
“Còn nói dối phải không? Mẹ đã dặn con không được ăn mì cơ mà? Muốn ăn sao không bảo người làm mà lại tự nấu? Có nói thật không? Thằng Phong lôi kéo con xuống đây làm gì con? Nó có động vào chỗ nào trên người con không?
“Không phải thật mà”.
Tôi không có thói quen nói dối, nhưng hôm ấy lại nhất quyết không khai ra tôi nấu mì cho Phong. Mẹ tôi tức điên nhưng không làm gì được, đành bảo người làm đưa tôi lên phòng. Sau đó bà chạy đến phòng của anh trai tôi quát tháo mắng mỏ một trận, lúc tôi lên cầu thang còn nghe được loáng thoáng mấy câu: “Sao mày không c.hế.t theo m.ẹ của mày đi, mày đến nhà tao làm gì, mày muốn hại con gái tao phải không? Tao nói cho mày biết, loại bẩn thỉu nghèo kiết xác như mày không bao giờ có tư cách nói chuyện với con gái tao. Từ giờ tránh xa Minh Châu ra, nếu tao còn thấy mày lại gần nó lần nữa, đừng trách tao đánh gãy chân mày”.
“…”
“Đồ chuột chũi chui hang hốc, mày nên cuốn xéo đi chỗ khác đi trước khi tao bảo ông Sơn tống cổ mày ra khỏi đây. Không biết ông Sơn mắt mũi thế nào mà lại nhặt về thứ của nợ thế này”.
“Minh Châu của tao mới là con gái nhà này, là lá ngọc cành vàng, còn mày chỉ là đồ con hoang, đồ mọi rợ”.
Trước đây mẹ tôi không độc mồm độc miệng như thế, nhưng kể từ khi biết bố tôi có con riêng, bà bắt đầu bất mãn. Bà ghen tức với cả sự xinh đẹp của người mẹ đã mất của Phong, bà oán trách bố tôi để lại hậu quả bên ngoài, làm ảnh hưởng đến việc thừa kế của tôi. Tất cả những tội lỗi ấy bà không trút lên ai được, chỉ có thể hành hạ Phong mà thôi.
Nhưng anh lại như một con gián đập mãi không c.hế.t, dù bị đối xử không ra gì, dù học trường công, lại không được học thêm đủ kiểu như tôi nhưng vẫn học rất giỏi, còn được học bổng gì đó. Ông nội tôi ban đầu cũng không có thiện cảm với đứa cháu ngoài giá thú cù bất cù bơ này, tuy nhiên sau khi nghe nói thành tích học tập của Phong, lần đầu tiên ông chủ động đến nhà tôi để thăm anh.
Lúc đó, Phong vẫn gầy đét nhưng lại rất cao, trông có vẻ hơi lênh khênh. Ông nội tôi nhìn anh từ đầu đến chân một lượt, biết rõ tên nhưng vẫn hỏi:
“Cậu tên gì?”
“Mẹ cháu đặt tên cho cháu là Phong. Cháu theo họ mẹ”.
Câu trả lời của anh làm cho ông nội tôi hết sức ngạc nhiên, sau mấy giây liền bật cười: “Họ gì cơ?”.
“Họ Trần. Trần Đại Phong”.
“Nghĩa là gì?”.
“Là một cơn gió lớn”.
“Cháu có muốn đổi họ theo bố cháu không?”.
Phong suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu: “Không ạ”.
“Vì sao?”. Ông tựa lưng vào thành ghế, quan sát thật kỹ từng đường nét trên gương mặt anh: “Theo họ bố, cháu sẽ có nhiều thứ hơn bây giờ”.
“Nếu phải đổi họ để có được thứ gì đó, vậy những lần sau khi muốn thêm thứ khác, chẳng lẽ lại phải đổi họ lần nữa? Cháu nghĩ nếu bản thân mình muốn gì, thay vì trông chờ đổi họ để người khác bố thí, thì cố gắng tự giành lấy là được”.
“Cứng mồm cứng miệng đấy”. Ông nội tôi bật cười lần nữa, lại nhìn đến mấy vết thương chưa lành trên tay anh: “Vì thế nên mới suốt ngày bị đánh à?”.
Phong mím môi không nói, mẹ tôi thì làm việc xấu nên chột dạ, vội vàng quay sang ông giải thích: “Bố, trước Phong nó ở với mấy đứa trẻ con đầu đường xó chợ, về đây con đã nhẹ nhàng dạy dỗ nhiều lần rồi nhưng vẫn còn ương lắm. Bố thấy đấy, nói gì cũng cãi bằng được. Con chỉ muốn tốt cho nó nên khi nào quá lắm mới bảo anh Tư lái xe dạy dỗ nó vài câu thôi. Trẻ con mà, có uốn nắn đàng hoàng mới nên người được bố ạ”.
Ông nội tôi rõ ràng biết thừa những việc mẹ tôi làm, nhưng lúc đó tập đoàn mới bắt đầu vươn ra thị trường nước ngoài, vẫn phải cần rất nhiều sự trợ giúp từ nhà ngoại của mẹ tôi. Vả lại Phong chỉ là đứa con ngoài giá thú, ông cũng không muốn vì anh gây hiềm khích với mẹ tôi nên chỉ bảo: “Trẻ con cần dạy dỗ, nhưng tốt nhất là đừng quá tay. Đừng để sau này nó trưởng thành, trong lòng lại nuôi nỗi hận mình”.
“Vâng, bố dạy đúng ạ”. Mẹ tôi ngọt nhạt nói: “Về sau con sẽ chú ý”.
Ông nội tôi gật đầu, lại quay sang Phong hỏi: “Nghe nói thành tích học tập của cháu ở trường cũng tốt. Năm nay học lớp mấy rồi?”.
16 tuổi lẽ ra phải học lớp 10, nhưng mấy năm đi xúc than Phong bỏ học, nên giờ mới học đến lớp 8. Anh thành thật nói xong, ông tôi lại hỏi anh có muốn đi du học không?
Phong đáp: “Nếu có cơ hội thì cháu sẽ đi”.
“Vậy được. Cháu cứ ở đây thêm một năm, nếu học hết lớp 9 vẫn đạt thành tích xuất sắc. Ông sẽ sắp xếp cho cháu đi du học. Có điều ông phải nói với cháu trước, kể cả cháu có được đi du học ở nước ngoài thì ông cũng sẽ không chu cấp một đồng nào cho cháu. Cháu muốn có thể tiếp tục theo học, cháu phải tự kiếm tiền”.
Cho đến tận khi ông đã đứng dậy đi khỏi, tôi vẫn không nghe được tiếng anh đáp. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng Phong không muốn phải tự kiếm tiền ở đất khách quê người, mãi sau này khi hiểu con người anh hơn một chút, tôi mới biết hóa ra năm ấy anh phân vân.
Anh không muốn đi du học nhờ ông nội, nhưng nếu không dựa vào cơ hội đó, với khả năng của anh sẽ không đủ xoay sở vé máy bay ra nước ngoài, vả lại, anh cũng nuôi một ước mơ được thoát khỏi nhà tôi, sống ở một nơi sạch sẽ hơn, tự lực cánh sinh.
Có điều, sau khi ông nội ra điều kiện như vậy thì mẹ tôi bắt đầu hậm hực, thỉnh thoảng bà sẽ viện cớ này kia để làm trễ giờ học của anh, đỉnh điểm còn có lần mẹ tôi ôm hết sách của Phong đi đốt.
Còn tôi kể từ lần úp bát mì ấy cho Phong thì không dám đến gần anh nữa, mãi đến khi nhìn thấy anh ra bãi rác, ngồi nhặt nhạnh từng trang sách đã cháy gần hết, đem phủi bụi mang vào nhà, tôi mới thực sự cảm thấy cả bố tôi lẫn mẹ tôi đều có lỗi với anh.
Nhưng khi ấy tôi còn quá nhỏ, không thể đứng ra phân tích nặng nhẹ với cha mẹ được, càng không dám ra mặt bênh vực anh, cuối cùng chỉ dám lén lút khoét một lỗ nhỏ trong con lợn đất của mình, moi tiền từ trong đó rồi lại lén lút đi mua sách. Tôi đến một hàng sách cũ, chọn đúng 3 quyển Toán, Lý và Ngữ Văn lớp 8 đem nhét vào trong cặp mang về nhà. Buổi tối hôm đó chờ mẹ đi ngủ rồi mới rón rén mang sách xuống tầng một, đặt trước cửa phòng anh rồi gõ cửa lạch cạch mấy tiếng. Không chờ Phong đi ra đã nhanh chân bỏ chạy mất.
Tôi sợ anh lại mắng tôi, tôi cũng biết anh không thích tôi đến gần anh… rút cuộc, chỉ có thể làm ra cách ngốc nghếch như vậy thôi.
Thật may, sau đó anh không hề trả lại sách cho tôi!
Nửa năm nữa thấm thoắt trôi qua, chúng tôi vẫn ở cùng nhà nhưng số câu nói với nhau ít đến nỗi chỉ đếm vừa đầu ngón tay của một bàn tay. Mẹ tôi kỳ vọng rất nhiều vào tôi nên lịch học được mẹ sắp xếp dày hơn, từ học thêm, học đàn, học múa, học vẽ, hôm nào cũng từ sáng đến đêm mới về đến nhà. Mỗi lần vào đến phòng khách, tôi sẽ theo thói quen nhìn đến căn phòng ở cuối hành lang, nhưng 100 lần quay đầu thì 101 lần nơi đó đóng chặt cửa.
Tôi với Phong không gặp nhau, cho đến một lần…
Hôm ấy, tôi vừa tan học thì bị người nào đó kéo lên xe, còn chưa kịp kêu lên thì một bàn tay bẩn thỉu có mùi muội than đã bịt chặt miệng tôi. Một thanh niên gằn giọng: “Im miệng, mày mà hét lên thì tao c.ắt lưỡi mày”.
“Đừng… Tôi không quen anh. Thả tôi ra, anh muốn bao nhiêu tiền tôi sẽ đưa cho anh”.
“Mày có bao nhiêu tiền?”.
“Tôi… không biết”.
Anh ta hừ lạnh một tiếng, bảo người lái xe phía trước chở tôi đến một nhà kho bỏ hoang. Tôi bị trói chân trói tay vào một cây cột gỗ, miệng bị dán kín băng keo, có khóc lóc thế nào thì hắn vẫn chỉ nhìn tôi chằm chằm, sau đó bàn tay bắt đầu sờ soạng khắp người tôi.
Hắn không lục được đồng tiền nào, lại hậm hực định giật dây chuyền của tôi, nhưng đúng lúc này bỗng nhiên có một người chạy đến.
Cửa nhà kho đột ngột bị mở ra, tôi cứ ngỡ là bố mẹ đến cứu mình, nhưng người chạy vào trong lại là anh trai tôi. Nhìn thấy ‘người thân’, tôi sung sướng như điên, ú ớ gọi tên Phong, nhưng còn chưa kịp vui mừng thì gã thanh niên kia đã nói: “Mày đến muộn thế, tao bắt được con nhỏ này rồi đây này”.
Phong liếc tôi một cái rồi nói: “Thả nó ra đi”.
“Thả là thả thế nào? Phải đòi tiền nhà nó chứ. Bố mẹ nó giàu thế cơ mà”. Gã kia vuốt vuốt con d.ao, hừ lạnh: “Bọn tao tưởng bố mày đón mày về cho mày ăn sung mặc sướng, nhưng mày về đó sống khổ nhục như con c.hó, lại bị mẹ của con r.anh này hành hạ. Nhân dịp lần này xử nó để trả thù luôn đi, vừa đòi được tiền rồi chúng ta chia nhau, vừa cho mẹ nó nếm mùi đau khổ”.
“Người nào làm người ấy chịu, không liên quan đến nó. Mày thả nó ra đi”.
“Đã bắt rồi, ngu gì thả. Phong, mày học kiểu mềm lòng này từ đâu thế, trước đây mày có thế đâu? Mày quên à? Mẹ nó đối xử với mày như thế nào? Biết mày sống khổ sống nhục như thế, thà ngày xưa đừng đi theo bố mày, ở lại đi xúc than cùng bọn tao, nghèo một tý nhưng mà vui hơn”.
Thì ra, gã bắt cóc tôi là bạn bè của Phong, trước đây từng đi xúc than cùng anh trai tôi. Chẳng trách lịch học của tôi, giờ nào tôi tan trường, giờ nào có người tới đón, hắn đều biết.
Phong không bận tâm đến vẻ mặt sững sờ của tôi, chỉ nói: “Nghèo như xưa thì vui, nhưng mày nhìn xem. Cả lũ, đứa thì đi ăn trộm bị bắt, đứa thì vào tận trong nam cướp giật, giờ chỉ còn mình mày. Mày cũng định đi tù vì tội bắt cóc à? Mày nghĩ mày bắt cóc nó thì nhà họ sẽ bỏ qua cho mày à?”.
“Có tiền rồi, tao với mày sẽ cao chạy xa bay. Sang Campuchia kiếm việc làm, đố ai tìm được. Sợ quái gì?”. Nói tới đây, hắn lại giật mình ngước lên: “Hay là mày sợ rồi? Mày vẫn muốn làm con c.hó trong nhà nó, để được ăn ngon, sau này mơ được nhà nó bố thí cho tý giàu sang”.
“Tao chỉ không muốn mày bị bắt. Mày thả nó ra đi, tao đưa nó về. Nó sẽ không nói lại với ai chuyện hôm nay đâu. Thả nó đi”.
“Đã mất công bắt nó đến đây mà còn đòi tao thả nó, tao không bị ngu”.
Hai người tranh cãi một hồi, ai cũng không nhường ai, sau đó bỗng dưng lao vào đánh nhau. Gã thanh niên kia rất khỏe, nhưng hình như hắn cũng không muốn làm Phong bị thương nên không dùng d.ao, chỉ vật nhau với anh một trận. Hai người đang đánh đấm túi bụi thì có tiếng xe ô tô đi vào dãy nhà hoang, gã thanh niên kia ngẩng phắt lên, bỗng dưng hét to: “Mày dám báo công an à? Thằng c.hó này, mày phản bội tao, mày vì tiền phản bội tao”.
“…”
“Mày muốn lập công cứu con bé đó để nhà nó bố thí tiền cho mày đúng không? Mày sẵn sàng phản bội tao để làm con ch.ó cho nhà nó đúng không? Anh em với mày mười mấy năm không bằng thằng bố mày mới nhận 2 năm, đồ c.hó. Đừng hòng tao cho mày toại nguyện”.
Nói xong, hắn hất anh tôi ra rồi cầm d.ao lao lại phía tôi. Mũi d.ao sáng loáng vừa đ.âm đến, tôi sợ đến nỗi không thể hét nổi, chỉ mở to mắt nhìn chằm chằm gã thanh niên, trước ngực có cảm giác đau nhói.
Nhưng chỉ một giây sau đó lưỡi d.ao đang đ.âm vào thân thể tôi bất chợt khựng lại, Phong tay không nắm lưỡi d.ao, lòng bàn tay anh bị cứa rách, m.áu theo đó chảy dọc xuống dưới, hòa cùng với m.áu trước ngực tôi.
Hai mắt anh đỏ au, gằn lên từng chữ: “Mày đ.iên rồi à”.
Gã thanh niên kia chưa kịp đáp, cửa nhà kho đã mở ra lần nữa, bố mẹ tôi cùng với rất nhiều người chạy đến, sau đó là tiếng người la hét, tiếng đấm đá, cả gã thanh niên lẫn Phong được kéo ra khỏi người tôi.
Cho đến lúc bị bắt đi, gã thanh niên kia vẫn hét to: “Thằng c.hó phản bội, loại vong ơn bội nghĩa, loại qua cầu rút ván. Rồi mày cũng chỉ làm con c.hó chui rúc trong nhà bố mày thôi, Phong, mày nhớ chưa, chúng nó cho mày nhiều tiền đến mấy thì mày cũng chỉ là con ch.ó thôi…”.
Có lẽ vì quá sợ hãi, tôi chỉ nghe được đến thế rồi ngất xỉu, đến khi tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện rồi. Tôi hỏi bố anh trai đâu rồi, bố tôi chỉ phất tay bảo tôi: “Đừng quan tâm đến nó, con cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi, con đang bị thương, phải dưỡng bệnh cho tốt mới nhanh lành lại được”.
Còn mẹ tôi thì ngồi bên giường bệnh khóc suốt, miệng trách móc bố tôi dẫn cái đồ lòng lang dạ sói về nhà hại tôi, mắng Phong là đồ hạ đẳng mãi không thể dạy dỗ nổi, bảo nhà tôi mấy năm nay nuôi ong tay áo.
Bố tôi bị cằn nhằn đến đau cả đầu liền bực tức đứng phắt dậy, lúc ra đến hành lang, tôi còn nghe bố tôi bảo người tìm roi mây rồi đem đi ngâm nước muối. Tôi biết ông định đánh Phong nên hoảng sợ định đuổi theo, nhưng mẹ lại ấn tôi xuống, bảo tôi “cứ để bố mày đánh c.hế.t nó đi, thứ con hoang. Nếu không có nó thì mày đã chẳng phải nằm viện thế này”.
Tôi cuống lên giải thích: “Mẹ, không phải anh ấy. Anh ấy đến cứu con, anh ấy còn giữ d.ao lại để người kia khỏi đâm con. Anh ấy bị thương rồi, mẹ bảo bố đừng đánh anh ấy”.
“Mày còn bênh nó à? Nếu không phải nó xúi giục thằng kia bắt cóc mày để tống tiền, làm sao mày lại bị thương. Sao hôm nay nó không bị d.ao đâ.m c.hế.t đi, còn sống làm gì. Cái loại chướng tai gai mắt, chỉ giỏi gây họa cho người khác”.
Tôi bật khóc huhu, van xin mẹ đi can ngăn bố, nhưng ngược lại, bà lại giữ rịt tôi trên giường, trói chân tôi vào thành giường, cấm không cho tôi đi bênh vực anh trai.
Cả một đêm ấy tôi chỉ khóc, không ngủ được, ngày hôm sau còn nằng nặc xin bác sĩ cho xuất viện về nhà. Nhưng một tuần sau được ra viện, về nhà lại không thấy anh trai tôi ở đâu, chỉ nghe người giúp việc trong nhà nói Phong bị bố tôi đánh một trận thừa sống thiếu c.hế.t, cũng may, trước lúc bố tôi đánh c.hế.t anh thật thì ông nội xuất hiện. Ông đã mang anh về nhà bên ấy rồi.
Tôi không được phép sang tìm anh, nhưng nghe đến thế cũng đủ cảm thấy yên lòng. Tôi nghĩ dù sao ông tôi cũng là người có đạo đức, ông sẽ không làm hại anh, tôi nghĩ Phong ở bên ấy sẽ tốt hơn ở nhà tôi, chỉ cần anh không bị đuổi đi thì sau này chúng tôi sẽ gặp lại nhau mà thôi. Nhưng nửa tháng sau tôi lại nghe nói Phong được ông đưa đi du học rồi.
Ông tôi nói: “Đứa trẻ này cần phải dạy dỗ, trước đây nó sống hoang dã cùng với đám bạn xấu của nó nên tính tình khó bảo, giờ vứt nó sang nước ngoài du học, nó muốn thành công thì phải tự thay đổi mình, phải tự nỗ lực”.
Tôi mếu máo khóc: “Lỡ anh ấy đói, không có tiền ăn thì sao hả ông? Lỡ anh ấy gặp người xấu thì sao hả ông? Anh ấy mới mười mấy tuổi thôi mà. Không có tiền thì phải làm sao?”.
Ông tôi cười, xoa đầu tôi: “Con yên tâm đi, ông đã bảo người giám sát nó rồi. Nếu nó đói sắp c.hết, ông sẽ cho nó cơm ăn. Còn nếu nó gặp người xấu thì nó phải tự bảo vệ mình, phải học cách để không bị nhiễm thói xấu”.
Kết quả của nhiều năm sau đó khiến tôi và ông rất bất ngờ, Phong ở nước ngoài 7 năm chưa từng đặt chân về nước, cũng chưa từng xin ông tôi một đồng. Anh không bị đói c.hế.t, càng không trở thành người xấu, ngược lại, anh rất chăm chỉ vừa học vừa làm, còn giành học bổng toàn phần ở trường, tốt nghiệp loại xuất sắc.
Ông nội tôi rất hài lòng, lần đầu tiên thực sự ghi nhận anh, còn tặng cho anh 5% cổ phần tập đoàn làm quà tốt nghiệp.
Mẹ tôi tức đến đỏ mắt, nhưng không thể làm được gì, cả ngày chỉ hậm hực mắng ch.ó mắng mèo. Bố tôi thì suốt 7 năm chưa từng ngó ngàng đến con trai, lúc biết Phong tốt nghiệp xuất sắc chỉ nói một câu: “May mà nó không ngu dốt giống mẹ nó”.
Lần thứ n trong đời, tôi thấy bố tôi thực sự là một người bố tệ. Không phải tệ với tôi, mà là tệ với anh trai tôi….
***
Có tiếng chuông nhà thờ vang lên vào lúc 5h sáng, tôi giật mình khỏi dòng ký ức của thủa quá khứ, đầu thuốc nóng trên tay cũng run theo, tàn thuốc suýt nữa thì làm bỏng tay tôi.
Bỗng nhiên có một bàn tay vươn đến cầm lấy điếu thuốc trên tay tôi, người kia chẳng biết đã xuất hiện từ sau lưng tôi từ bao giờ, vẻ mặt không hài lòng: “Học hút thuốc từ khi nào?”
Tôi giật mình, lúng túng phủi bụi thuốc trên tay: “Em mới thử vài lần thôi. Nghe nói thuốc này là thuốc lá của phụ nữ, không có hại gì cả”.
“Con gái của gia đình gia giáo không ai hút thuốc, việc này tôi nghĩ em đã được dạy từ nhỏ rồi”. Phong khoác thêm một chiếc khăn vuông lên vai tôi, nghiêm khắc dạy dỗ: “Sắp kết hôn rồi, đừng làm mất mặt ông nội”.
“Em biết rồi”. Tôi cúi thấp đầu, không dám cãi anh, chỉ đành lảng sang chuyện khác: “Sao anh lại ra đây?”.
“Tự nhiên tỉnh dậy, không thấy em nên đi tìm”. Anh xoay vai tôi, đẩy vào bên trong phòng ngủ: “Vào ngủ thêm lát nữa đi”.
Lúc này, tôi mới phát hiện ra da thịt mình đã bị sương sớm ngày mới làm cho lạnh ngắt, có người sờ đến liền rùng mình: “Thôi, em xuống nhà bây giờ. Anh cứ ngủ thêm đi. Em dậy chờ ông đi bộ thể dục buổi sáng”.
Anh đưa tôi vào phòng xong, mặc lại quần áo chỉnh tề mới nói: “Để tôi”.
“Sáng nay anh có đi làm không?”.
“Có cuộc họp lúc 9h, đi làm muộn một lúc cũng không sao”.
“Hay là em nấu mì cho anh ăn sáng nhé?”.
Anh đang cài cúc áo, nghe thế mới ngẩng lên nhìn tôi, nói một câu lời ít ý nhiều: “Cái này cũng là ưu đãi cho lần cuối à?”.
Tôi gượng gạo cười: “Không, tự nhiên em thèm ăn mì thôi. À mà cũng có thể là lần cuối, sau này em lấy chồng, anh lấy vợ, lúc đó mỗi người có gia đình riêng, cơm ai nấy ăn, mì nhà ai người ấy nấu, sợ đến khi ấy không có cơ hội nấu cho anh ăn nữa nên hôm nay em muốn nấu”.
Phong cúi đầu phủi thẳng lại ống tay áo, im lặng vài giây mới đáp: “Minh Châu, em có biết việc em làm giỏi nhất từ trước đến nay là gì không?”.
“Là giả vờ hả?”. Tôi hỏi nửa đùa nửa thật.
“Là luôn làm cho người ta có cảm giác em tốt với họ, nhưng thực ra không có bữa ăn nào miễn phí cả”. Anh cười: “Tốt với người khác mà luôn toan tính, như vậy không phải là lòng tốt thật sự đâu”.
Giống như đêm qua lần đầu tiên tôi chủ động hôn lên yết hầu anh, sau đó liền nói ‘lần này là lần cuối’, sáng hôm nay tôi lại bảo sẽ nấu mì, nhưng lại cố tình dùng một bữa ăn để cắt đứt với anh.
Phong luôn là vậy, hiểu thấu được lòng người, như đi guốc trong ruột gan tôi!
Cuối cùng, tôi cảm thấy nếu mình cứ như vậy thì sẽ thật sự chọc quá giới hạn của anh, thế nên đành phải chủ động tìm bậc thang đi xuống: “Thế thì em không nấu mì nữa. Em ra vườn cắt mấy bó hoa đem vào cắm, anh đưa ông đi dạo đi”.
Anh không trả lời, cũng không tỏ thái độ gì, nhưng trước khi ra khỏi cửa lại nói với tôi một câu: “Ngoài trời vẫn còn sương, mặc thêm áo vào”.
“Vâng”.

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (12 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN