Vũ Điểm Cô Thiên
Chương 10: Phong Hoa Các Gặp Tửu Thần Rượu Chảy Tràn Tương Ngộ
Ngô Phong Trấn nằm cách Hàn Châu ba mươi dặm về phía Nam. Đây chỉ là một trấn nhỏ nhưng do nằm trên con đường thông thương đi lại nên cũng khá nhộn nhịp. Dòng Lam Thủy chẻ một nhánh lớn bao quanh trấn Ngô Phong thành ra bức tường thủy lộ ngăn bước bộ hành. Phàm những ai muốn vào trấn đều phải quá giang tại bến đò Lưu Thước. Có một văn nhân thời Hán tên Dương Mãn thoái chí đã bên bến đò này say sưa hết bảy ngày bảy đêm để lại sáu bài Hành Thủy Nan được xem là thi ẩm độc nhất thiên hạ lúc bấy giờ. Tiếc rằng, sóng sau vùi sóng trước, ba đào chôn tài danh, đến thời Tống chỉ còn sót lại hai câu nổi tiếng được khắc trên một bia đá lớn bên bến đò:
Nước xanh chảy có tràn Đông Hải ?
Bút nghiêng há chắn được Trường Giang ?
Lúc này mặt trời cũng đã xế bóng. Chỉ thấy một văn nhân đứng trước bia đá đang lẩm bẩm ngâm hai câu thơ nọ mà thở dài:
– Chí khí thật lớn chắc hẳn đã không phùng thời! Dương Mãn sanh vào thời Hán suy nên một đời uổng mất bao tài lược. Ví nhu họ Dương sanh vào thuở lục quốc tranh hùng hẳn điển cố đã thêm một danh tề thế. Than ôi, đáng tiếc!
Chính là Văn Viễn đang cưỡi con Ô Phong Mã đợi đò để qua sông đọc thơ mà tự thán. Con Ô Phong Mã mấy lần khua vó lên bờ đá muốn vượt sông nhưng Văn Viễn không dám ra roi thúc đi. Dẫu biết hắc mã có thể chạy trên mặt nước nhưng dòng Lam Thủy quá rộng, ông vẫn ngần ngại mà kìm cương đợi đò.
Văn Viễn đợi đò cũng đã hơn một canh giờ nhưng bóng thuyền nhân vẫn bặt tăm. Nhìn qua bờ bên kia chỉ thấy một màu vàng úa của cây cỏ ven sông. Chợt có tiếng nói thâm trầm phía sau lưng ông:
– Xem ra lão nạp và thí chủ đều là những kẻ lỡ chuyến đò!
Một lão hòa thượng thân hình quắc thước vận phật y màu vàng nhạt đang thong dong đi tới. Văn Viễn thấy hòa thượng tuổi cũng đã sáu bảy mươi lại còn rất tráng kiện. Khuôn mặt nhà sư tuy dữ tợn nhưng ánh mắt lại toát đầy từ bi. Ông vội vàng xuống ngựa cúi chào:
– Vãn bối đang đợi thuyền để qua sông. Chắc thuyền gia cũng sắp trở lại. Không biết lão sư phụ ở chùa nào và định đi đến đâu ?
Hòa Thượng nọ cười sang sảng nói:
– Thuyền gia ở bến đò này ngày chỉ đưa qua sông bốn lượt. Lượt đưa đò cuối cùng đã cách đây hơn canh giờ. Thí chủ cũng như lão tăng đây đều đến trể nên không thể có đò mà quá giang!
Văn Viễn nghe hòa thượng nói hào sảng tự nhiên sanh mến mộ. Lời nghe sang sảng như tráng niên vừa mới ba mươi. Văn Viễn đoán chừng lão hòa thượng chuyên tâm tu đạo nên mới dưỡng được một thân tràn đầy khí lực như vầy.
Ông liếc mắt thấy trên lưng lão hòa thượng có đeo bọc vải lộ ra một chuôi đao màu đỏ tạc hình đầu cọp. Văn Viễn lấy làm ngạc nhiên vì các cao thủ Phật gia chuyên tu luyện nội công nên rất ít dùng binh khí. Nếu có dùng thường là trường côn. Rất hiếm cao thủ phật gia dùng đao. Văn Viễn từng được Vô Sách Đại Sư giảng giải về điều này. Kẻ quy y cửa Phật vốn trọng từ bi. Võ công tập luyện chỉ nhằm trường kiện thân thể không hơn thua với người. Thành thử, đệ tử Phật môn luyện võ thường xuyên đọc kinh để giảm bớt sát ý. Đao lại là món binh khí chú trọng ngoại lực, sát thương lại rất cao. Nên các hòa thượng hầu như không dùng. Mặc dầu Thiếu Lâm Tự có bộ đao pháp rất ảo diệu là Từ Bi Đao nhưng các cao tăng bao đời đều chẳng hề đoái hoài chính là vì sát chiêu quá nặng rất dễ lấy mạng người .
Thấy Văn Viễn cứ nhìn chăm chăm vào bọc vải đeo sau lưng, lão hòa thượng liền nói:
– Cái vật hay tạo nghiệt này đã theo lão nạp hơn năm mươi năm ròng thành bạn tri giao. Muốn bỏ cũng không bỏ được! Như Phật tâm trong lòng lão, dứt đó vẫn còn đó. Đã làm thí chủ phải nghĩ ngợi!
Văn Viễn biết lão hòa thượng đọc được suy nghĩ của mình. Ông đỏ mặt cười ngượng nghịu:
– Vãn bối thật xấu hổ! Không biết sư phụ sẽ đi về đâu ?
Lão sư hít một hơi dài ra chiều thống khoái:
– Thiên hạ đều là nhà sao lại phải tính chuyện đi về. Lão nạp chỉ tiện đường ngang đây!
Hòa Thượng nhìn bóng nắng nói:
– Cũng đã xế chiều, đò lại không chở khách!
Văn Viễn thấy lão hòa thượng đến gần một khúc gỗ lớn ven sông. Hòa thượng nọ chỉ dùng một tay đã nhấc bổng khúc gỗ lên rồi đi lại gần Văn Viễn mà nói:
– Lão nạp có chuyện phải quá giang trước. Xin từ biệt thí chủ!
Văn Viễn chưa kịp đáp lời thì lão sư đã ném khúc gỗ xuống sông. Khúc gỗ này cao gần bằng một người đứng lại to hơn hai vòng tay ôm nhưng nhà sư vẫn ném nhẹ nhàng như một viên cuội. Khúc gỗ rẻ nước lao ra xa hơn bảy trượng mới dừng lại. Lão sư cúi chào Văn Viễn rồi nhấc thân mình nhẹ nhàng như một cánh nhạn. Chỉ dùng mũi chân điểm nước vài lần, nhà sư đã ung dung đứng trên thân gỗ nọ. Lão cứ khẻ nhún người đã đẩy thân gỗ lao đi như có mái chèo.
Văn Viễn tròn mắt nhìn đến khi bóng nhà sư khuất qua bờ bên kia mới nói nên lời:
– Không tận mắt nhìn thấy ta thật sự không tin trên đời này lại có chuyện như vầy. Giang Nam quả nhiên nhiều anh tài! Cao thủ thiên hạ ai cũng đều có đảm lược!
Ông bất giác thở dài:
– Văn nhân như ta bôn ba thật sự hung hiểm biết bao! Thôi thì đến đâu thì hay đến đấy! Xong hết mọi chuyện ta nhất nhất quay về nhà cũ mà vui vầy điền viên!
Văn Viễn giật cương cho Ô Phong Mã lùi lại lấy đà. Ô Phong Mã hiểu ý liền ra nước kiệu lùi lại rồi tung bốn vó lao vút đi trên mặt sông. Nhìn con hắc mã này đi trên nước mới tin rằng thuyết xưa Hắc Thần Câu cưỡi gió đằng vân hẳn không phải thêm thắt điêu ngoa. Ô Phong Mã giống chuồn chuồn điểm nước mà cất vó lướt trên dòng Lam Thủy. Chỉ trong chớp mắt hắc mã đã đưa Văn Viễn qua sông. Bốn vó chỉ dính lem nhem chút nước ngoài ra tuyệt nhiên đều khô ráo.
Văn Viễn tươi cười nét mặt vuốt ve liên hồi đầu Ô Phong Mã:
– Ngươi thật sự là thần vật. Ta đem chuyện này về kể cho bạn đồng trang nơi thảo dã hẳn sẽ nhận được tràng cười nhạo của họ. Chính ta cũng không tin trên đời này có chuyện ngựa chạy được trên mặt nước!
Ông ngước nhìn quanh vẫn không thấy lão sư đoán chừng nhà sư đã qua sông đi lâu rồi. Ông liền nhớ chưa kịp hỏi danh tánh nhà sư liền vội vàng giục ngựa chạy đi. Bọn U Minh Cung rời miếu thổ thần trước Văn Viễn không lâu nên ông vẫn sợ đụng độ lại bọn chúng. Lão hòa thượng thân thủ phi phàm. Có lão sư bên cạnh làm bạn đồng hành Văn Viễn cũng thấy đỡ lo lắng .
Văn Viễn thúc hắc mã phi nước đại trong chốc lát đã thấy bóng dáng nhà sư trước mắt. Ô Phong Mã mấy lần đến gần ngỡ bắt kịp thì lại bị nhà sư bỏ xa sau lưng một đoạn dài. Văn Viễn càng thúc ngựa đuổi theo. Nhà sư càng gia tăng cước lực. Phong thái nhìn đủng đỉnh nhưng thật ra khinh công tuyệt diệu. Một bước chân ung dung lại thành hơn mười trượng dài. Ô Phong Mã vốn ngày chạy ngàn dặm đường dễ như trở tay nhưng trong nhất thời vẫn không theo kịp được .
Độ chừng được hơn mười dặm đường, nhà sư mới dừng lại vừa lúc Văn Viễn kịp kìm cương ngựa ở sau lưng:
– Quả nhiên thần vật nhà họ Phương. Lão nạp ở Đại Lý Tự cũng đã được nghe tới! Hôm nay tận mắt chứng kiến thật sự không phải là lời đồn đại thái quá của giang hồ!
Văn Viễn biết lão sư đang khen ngợi Ô Phong Mã nên cười nói:
– Vãn bối được thái phu nhân nhà họ Phương tặng. Mã đại ca này dù đi nhanh nhưng vẫn không theo kịp sư phụ. Thành ra sư phụ bản lĩnh mới thật sự cao cường!
Ông chợt nhớ vừa rồi nhà sư có nói nơi tu phật là Đại Lý Tự liền reo lên:
– Phải chăng sư phụ đây là Nhất Cang Đại Sư với bộ Từ Bi Đao vang danh gần xa!
Nhất Cang Đại Sư không ngờ một văn nhân xa lạ như Văn Viễn cũng biết đến mình thì ngạc nhiên. Nhà sư vốn nương thân nơi quốc tự nước Đại Lý ở phía Nam hơn ba mươi sáu năm không đi lại giang hồ Trung Nguyên. Thành thử đồng đạo biết đến không còn mấy người. Nhà sư hỏi:
– Không ngờ chút pháp hiệu nho nhỏ của lão vẫn có tiếng tăm! Xấu hổ! Xấu hổ! Không biết thí chủ đã có từng quá duyên tại Đại Lý ?
Tất nhiên là Văn Viễn chưa biết nước Đại Lý như thế nào. Chẳng qua ông nhớ lời Sa tiểu thư lúc luận kiếm pháp với Quỷ Công Tử mà đoán mò. Văn Viễn không dám dấu diếm liền kể chuyện trong miếu thổ thần cho nhà sư nghe.
Nhất Cang đại sư nghe xong thở dài nói:
– Lão nạp cũng muốn đến gặp tiểu thư tinh thông võ học thiên hạ này. Tiếc đến trể chỉ thấy được cảnh hoang tàn trước điện thờ. Tội nghiệt! Tội nghiệt!
Hai người vừa đi vừa nói chuyện, chừng nguội một tuần trà trấn Ngô Phong đã gần ngay trước mặt.
Mặt trời cũng đã xế tà .
Văn Viễn bàn luận phật pháp với Nhất Cang đại sư đến quên hết thế sự. Ông vốn rất mê kinh kệ, tiếc rằng thời gian thụ nghiệp với Vô Sách đại sư chỉ toàn bị ép luyện công. Nên nay được dịp thỏa thê đàm đạo cùng nhà sư Nhất Cang tuệ nhãn tự nhiên cũng được khai thông ít nhiều. Văn Viễn quyến luyến định mời nhà sư tìm chổ trọ để tiếp tục hàn huyên nhưng Nhất Cang Đại Sư nhất mực tìm cách từ chối. Văn Viễn đành bái biệt nhà sư mà trong lòng không thôi tiếc nuối.
Nhất Cang Đại Sư đi được mấy bước bỗng nhiên quay lại nhìn Văn Viễn cười nói:
– Thí chủ đầy thiện tâm tất sẽ được thiện quả. Nhất định trong vài ngày tới thí chủ sẽ gặp được hỷ sự!
Văn Viễn chưa kịp hỏi thì nhà sư đã lẩn mất vào dòng người tấp nập ngược xuôi. Ông thở dài giật cương ngựa đi tìm một khách điếm. Văn Viễn đến giữa trấn mới thấy một tửu quán treo một biển lớn đề ba chữ Phong Hoa Các. Ông liền lẩm bẩm:
– Ác Hòa Thượng cùng Bạch Mi Bà Bà đã dặn dò mình vào trấn thì đến Phong Hoa Các mà trú thân. Ta nên theo sự xếp đặt của họ. Ngoài thần tiên bà bà ra thì hai người này vẫn tốt với ta nhất! Ta cũng đã hứa giúp đỡ họ thì không nên chần chừ sai hẹn!
Văn Viễn xuống ngựa giao cho tên quản mã dặn dò chăm sóc kỹ lưỡng. Ông bước tới quầy chưa kịp lên tiếng thì một lão dường như là chưởng quầy liền tiến đến cung kính hỏi:
– Không biết có phải là Phùng Văn Viễn công tử ?
Văn Viễn thấy đất lạ có kẻ nhận ra mình thì ngạc nhiên mà đáp:
– Chính là tại hạ!
Lão chưởng quầy cười cầu thị nói:
– Có người đã đặt trước cho công tử một phòng thượng hạng. Tiểu nhân được dặn phải tiếp đón công tử chu đáo. Quán nhỏ nơi thảo dã xin công tử đừng chê!
Lão nói có phần nhún nhường lấy lệ. Cả trấn Ngô Phong này ai lại không biết Phong Hoa Các là tửu lầu hạng nhất rộng trên hai mẫu đất lớn, làm ăn phát đạt hơn hẳn các tửu lâu danh tiếng ở nội thành Hàng Châu. Văn Viễn nghe lão tả về hình dáng người đặt phòng trước cho ông liền nhận ra chính là Bạch Mi Bà Bà và Ác Hòa Thượng liền an tâm. Ông theo một tên tiểu nhị đi lên lầu .
Thì ra bên trên là một sảnh lớn dành cho khách thập phương trà rượu. Một tốp người vây quanh chiếc bàn lớn kê gần lan can không thôi hò hét cổ vũ. Văn Viễn lấy làm lạ liền hỏi tên tiểu nhị:
– Có chuyện gì mà bọn họ lại náo nhiệt như vậy ?
Tên tiểu nhị không thèm nhìn đáp:
– Bọn công tử dư tiền dư bạc đang đem cúng cho Tửu Thần! Ngày nào cũng vậy nhưng các công tử kia có thắng được Tửu Thần đâu!
Văn Viễn ngạc nhiên vội đến gần xem thử. Chỉ thấy một thanh niên chừng hai lăm hai sáu tuổi đang ngửa cổ uống rượu. Từng ngụm rượu lớn chảy ra từ chiếc bình to tuôn vào miệng y không rớt một giọt nhỏ nào ra ngoài. Dưới chân y lại ngổn ngang các chai lọ đựng rượu đã cạn đáy. Mười mấy tên công tử ăn vận sang trọng đang ngồi quanh. Tên nào mặt mũi cũng đỏ ửng. Xem chừng đôi bên đang chơi một cuộc cá rượu. Văn Viễn nhìn thanh niên kia uống như rồng đương cơn khát thì chỉ biết tròn mắt thán phục. Ông thường ngày cũng ưa cùng bạn đồng đạo chén rượu ngâm thơ nhưng uống rượu như trút nước vào ruộng khô kiểu này thì lần đầu tiên ông thấy được .
Thanh niên có biệt hiệu Thần Tửu kia khà một tiếng rồi ném chiếc bình xuống đất. Chàng ta vỗ bàn cười lớn:
– Ta đã uống tổng cộng ba mươi hai cân rượu có lẻ. Các ngươi mau mau thua đi!
Bọn công tử giàu sang tên nào cũng không thể đủ sức đáp trả nhưng vẫn nhất định không chịu thua. Chàng ta liền gọi tiểu nhị:
– Tiểu nhị ca! Mau mau đem ra hai mươi cân rượu nữa!
Văn Viễn nhìn chàng ta thần sắc vẫn tỉnh bơ liền thán phục trong lòng. Ông không hiểu Thần Tửu làm cách nào mà uống chừng ấy rượu vẫn không gục tại chổ. Văn Viễn càng nghĩ càng phục tửu lượng của chàng ta. Ông thấy Thần Tửu tướng người cao ráo, mắt tinh mày tú, cười lại phát lộ sảng khí hơn người. Văn Viễn cả ngày gặp không ít cao thủ nhất nhì võ lâm nhưng ngoài Ngọc Thủ Trần Quang thì đây là kẻ thứ hai anh tài tướng mạo vừa nhìn đã sanh thiện cảm mến phục .
Tên tiểu nhị nghe gọi liền ba chân bốn cẳng chạy xuống dưới lầu. Lát sau hắn cùng mấy tên khác bê lên mười hủ rượu lớn mà đặt lên bàn. Mỗi công tử đều một hủ còn lại ba hủ là phần của Thần Tửu. Vị chi mỗi một hủ là hai cân rượu thượng hạng. Cả bọn bảy tên công tử đều đưa mắt nhìn nhau rất thảm nảo. Chỉ anh chàng Thần Tửu thì tươi cười nét mặt bê ngay một hủ rượu ngửa cổ uống liền mấy hơi dài.
Văn Viễn nhìn chàng ta uống tuy trút rượu vào cổ họng nhưng không phải là hạng bụng cơm bụng rượu. Văn Viễn đã nghe danh Hàng Châu có loại rượu gọi là Hỏa Phụng Liên. Vị vừa nồng vừa mạnh. Ông cũng từng được uống thử nên nghe mùi đoán chừng cuộc cá rượu đây chính là dùng Hỏa Phụng Liên mà đố tửu lượng. Rượu này vì vị quá nồng và mạnh nên chỉ có uống từng ngụm lớn mới cảm nhận được hết tinh túy. Chàng Thần Tửu kia uống chính là cách thưởng rượu tuyệt mỹ nhất.
Trong chốc lát hủ rượu hai cân đã cạn trơ đáy. Thần Tửu chùi miệng ném vò rượu xuống sàn hả hê nhìn. Bọn công tử kia vừa mở nắp nghe mùi rượu liền thi nhau mà ói mửa. Một tên công tử dường như cầm đầu liền đem một xấp ngân phiếu đặt lên bàn rồi nói:
– Bọn ta quả nhiên tửu lượng không bằng huynh đài. Cam bái hạ phong!
Nói rồi hắn gọi tiểu nhị đến tính hết tiền canh rượu vừa rồi. Hắn dắt dìu đồng bọn đang say túy lúy xuống lầu. Những người trong sảnh đang theo dõi thấy tàn cuộc vỗ tay liên hồi tán thưởng. Chàng Thần Tửu vội cười chấp tay vái lễ. Chàng ta thấy Văn Viễn đang chăm chăm nhìn mình, hỏi:
– Công tử ông cũng muốn đấu một cuộc rượu với ta ? Hôm nay ta đã đấu hết ba hồi nên cũng cạn hứng. Đành hẹn hôm sau vậy!
Văn Viễn nghe càng nể phục tửu lượng của chàng ta mà tiến lại gần nói:
– Tại hạ tửu lượng thô sơ nào dám so bì với huynh đài đây! Tuy nhiên, huynh đài uống rượu chỉ là đem tinh túy của trời đất mà đổ vào giếng không đáy! Đáng tiếc! Đáng tiếc!
Chàng ta ngước nhìn Văn Viễn mà hỏi:
– Không biết đáng tiếc chổ nào ? Cái gì là đem tinh túy trời đất mà đổ vào một giếng không đáy ?
Văn Viễn được dịp liền tự động kéo một cái ghế ra mà ngồi xuống bàn. Ông thản nhiên rót rượu ra một chung nhỏ mà nói:
– Rượu Hỏa Phụng Liên lấy hạt lúa lúc vừa cứng mầm gạo mà bóc ra đem ủ cùng hoa sen bảy ngày trong chổ tối, rồi lại đem phơi nắng bảy ngày. Sau hai mươi mốt ngày như vậy lại đem trộn men hong khô trong mát hết mười bốn ngày. Vị chi là năm lần bảy ba mươi lăm ngày. Lại phải lặp lại trình tự trên một bận nữa mới đem chưng cất. Rốt cuộc hết bảy mươi ngày uống nắng nằm sương hút lấy tinh hoa của cả trời cả đất. Huynh đài đem hết mà đổ sạch vào cổ họng không phải là đem tinh hoa đổ vào giếng khô không đáy sao ? Đấy chính là điều đáng tiếc!
Chàng Tửu Thần nghe Văn Viễn nói hàm ý trách mình uống rượu như kẻ uống nước để giải cơn khát làm hao phí đi tâm huyết người làm rượu ngon nên thích thú:
– Nói rất hay! Mắng người cũng hay không kém! Ngươi biết rượu ?
Văn Viễn không đáp lại mà ung dung nâng chung rượu uống cạn nói:
– Nhưng Hỏa Phụng Liên vị lại quá nồng và mạnh nên nếu uống từng chung nhỏ thì không sao thưởng hết vị ngon của rượu. Thành ra uống như huynh đài tuy có khó coi nhưng là cách tuyệt diệu nhất để thưởng thức loại hảo tửu này!
Chàng Tửu Thần cười sảng khoái:
– Quả nhiên là biết rượu! Tri âm! Tri âm!
Chàng ta hối thúc tiểu nhị nhanh chóng dọn bàn. Trong nháy mắt đống vỏ chai hủ đựng rượu đều bị dọn sạch thay vào đó là mấy mâm thức ăn thơm phức. Văn Viễn cả ngày gặp bao chuyện dỡ sống dỡ chết bụng cũng đã đói meo lại thấy Thần Tửu tính tình hào sảng nên không nề hà cầm đũa mà ăn uống. Ông liếc nhìn chàng ta vừa gắp một miếng thịt lớn cho vào miệng, tay lại rót một chén rượu lớn toan đưa lên uống cạn thì khẻ cười mỉm lắc đầu:
– Đáng tiếc!
Chàng Thần Tửu định hỏi nhưng thấy Văn Viễn nói rồi tiếp tục ăn như không có chuyện gì đành thôi. Chàng ta lại gắp một miếng thịt gà cho vào miệng vừa ăn vừa uống. Văn Viễn liếc nhìn cười mỉm:
– Đáng tiếc!
Cứ hễ chàng ta gặp một miếng thịt lên ăn rồi uống rượu thì Văn Viễn lại thêm một lần nói đáng tiếc. Ba bốn bận như vậy, chàng ta liền buông đũa mà hỏi:
– Không biết huynh đây lại đáng tiếc điều gì ?
Văn Viễn cười hì hì uống một chung rượu rồi ung dung đáp:
– Ta đáng tiếc huynh đài tửu lượng xuất chúng lại đem điều xuất chúng dùng kèm với thức nhắm thô thiển. Như đem ngọc lưu ly chưng trong gác bếp. Quả là đáng tiếc!
Thần Tửu chừng như thấy hứng thú liền hỏi dồn:
– Ta cũng muốn được nghe huynh nói đáng tiếc thế nào ?
Văn Viễn chỉ thức ăn trên bàn:
– Ở đây chỉ toàn là thịt gà vịt ngon ngọt làm hỏng đi vị cay nồng của Hỏa Phụng Liên. Uống trăm chung rượu Hỏa Phụng mà nhắm với gà vịt thì không bằng uống một ngụm nhỏ với đậu phụ. Rượu Hỏa Phụng Liên uống vào một chén men xông tận tâm cang như lính lâm trận nghe tiếng trống thúc giục hào khí ngất trời. Nếu nhắm với thịt bò nướng vừa dai vừa khô dòn thì hương vị tăng đến mấy phần ngon miệng. Nhưng tuyệt diệu nhất vẫn là vừa uống vừa nhắm cùng thịt dê núi hoang dã. Một chén rót, một miếng thịt thơm còn nồng máu tanh thật sự là rượu thịt hòa quyện!
Vốn Văn Viễn thường ngày vẫn bị bạn đồng lứa chê tửu lượng có phần kém cỏi. Ông thường xuyên bỏ ít nhiều thời gian nghiên cứu cách làm rượu hòng tìm cách tăng thêm hứng thú cho bản thân. Nhờ vậy Văn Viễn lại vô tình biết rượu nào thì nên nhắm cùng thức ăn nào. Ở Ứng Kê Quan, tửu lượng Văn Viễn kém hết chổ chê nhưng nói về thức nhắm thì hiếm kẻ hơn ông được .
Chàng Thần Tửu nghe ông nói liền gọi tiểu nhị ột phần thịt dê nướng vừa chín tới. Chàng ta thử cắn một miếng thịt ăn rồi uống rượu thì quả nhiên thấy rượu ngon hơn thường lệ. Chàng ta uống liền mấy chén mới khề khà quay sang Văn Viễn:
– Huynh quả nhiên là bất phàm! Ta hôm nay được mở rộng tầm mắt. Về tửu lượng ta tự cho thiên hạ không địch thủ nhưng về thực lượng thì huynh mới đích thị là cao thủ nhất nhì. Không! phải là hạng nhất mới đúng!
Văn Viễn nghe chàng ta thay đổi cách xưng hô như bạn hữu liền thấy gần gũi, lại nghe Thần Tửu gọi ông có tài về thực lượng thì không nhịn nổi cười vang:
– Thiên hạ vô địch tửu lượng cùng thiên hạ vô địch thực lượng. Xem như trời phú ột đôi cùng vô địch! Huynh đài thật sự đã trêu ghẹo tại hạ rồi!
Chàng Tửu Thần nổi hứng liền nói:
– Hỏa Phụng Liên nhắm với thịt dê núi nướng vừa chín quả nhiên là tuyệt hảo. Vậy thì các món rượu phải chăng đều có thức nhắm tương xứng ?
Văn Viễn gặp bao nhiêu cảnh chém giết giờ mới có được sự thơi thả uống rượu phím chuyện nên lòng cũng cao hứng mà đáp:
– Chỉ cần huynh đài biết được loại hảo tửu nào thì tại hạ đây cũng biết được chừng đấy thức nhắm trợ hứng!
Chàng Thần Tửu liền gọi tiểu nhị thì thầm to nhỏ. Tên tiểu nhị nghe xong cười hết cỡ ba chân bốn cẳng chạy xuống lầu quát tháo ầm ỉ. Lát sau lại thấy tên tiểu nhị vừa rồi cùng mấy tên khác bê lên đầy các loại bình đựng rượu mà bày ra bàn. Văn Viễn biết chàng ta định thử tài của mình nên điềm nhiên với lấy một bình gần đó mà rót ra chung nhỏ. Ông ngửa cổ uống cạn rồi khề khà:
– Đây chẳng phải là Chu Tước Thủy của Ngô Giang Trang Tô Châu đó sao ? Rượu vào tao nhã nhưng hậu lại cay nồng như chim công múa lượn nhìn bình thường nhưng rất diễm lệ. Rượu ngon! Rượu ngon!
Ông đặt chung xuống làm bộ thở dài mà nói:
– Đáng tiếc lại đang vào trời lập thu nên uống rượu này xem như trâu nhai mẫu đơn. Thật đáng tiếc!
Thần Tửu liền hỏi:
– Không lẻ thức nhắm hợp với món rượu này không có trong mùa thu chăng ?
Văn Viễn đáp:
– Có nhưng không ngon bằng! Rượu Chu Tước Thủy vốn trước dịu sau gắt thành ra thức nhắm tuyệt hảo phải là cải xanh đập dập sao qua với đậu phụ trắng hảo hạng. Như vậy mới ngấm được hết cái hậu gắt nồng của rượu. Nhưng giữa tiết trời thu thì làm sao có được cải xanh tươi non. Huynh đài xem có phải là đáng tiếc không ?
Chàng Thần Tửu bán tín bán nghi liền kêu tiểu nhị lên dặn thức ăn. Tên tiểu nhị biết hôm nay câu được mối khách lớn. Hắn mồm năm miệng mười thề thốt tửu quán luôn có được rau cải tươi xanh nhất hạng. Hắn ta nhanh chóng lặn đi mất lát sau đã bày ra bàn bát cải xanh với đậu phụ. Quả nhiên sợi cải tuy được nấu nướng vẫn giữ màu nõn nà như vừa hái vườn bên. Đậu phụ được xắt vuông vắn từng miếng đều nhau, nhìn qua màu sắc biết loại đậu thượng phẩm. Thần Tửu định gắp một miếng cải xanh thì Văn Viễn liền nói:
– Món này không phải là ăn cải. Phải ăn đậu phụ trắng mới đúng. Đậu phụ hấp thụ được tinh chất thanh đạm của cải cộng thêm vị vốn dịu mát uống chung với rượu mới thật sự là ngon!
Thần Tửu bán tin bán nghi vội rót ra một chén rượu rồi ngửa cổ uống sạch. Chàng ta lại gắp một miếng đậu phụ cho vào miệng mà nhấm nháp. Chàng ta liền vỗ bàn một cái mà nói:
– Thật sự ta không thể ngờ món ăn bình thường này lại làm rượu quý Ngô Gia Trang lại ngon đến vậy. Xem ra trước đây ta uống loại rượu này đúng là trâu nhai mẫu đơn thật!
Văn Viễn thản nhiên lấy một bình khác mà rót rượu ra chung. Vừa mở nắp bình rượu đã tỏa mùi thơm ngát. Ông không vội uống mà chỉ ngửi qua rồi đặt chung xuống bàn. Thần Tửu thấy vậy hỏi:
– Sao huynh đại lại không nếm thử loại hảo tửu này ?
Văn Viễn cười đáp:
– Là rượu nhưng không phải là rượu! Lý ra nên uống lại không thể uống! Đáng tiếc!
Thần Tửu tỏ vẻ thích thú kê ghế lại gần Văn Viễn mà hỏi:
– Huynh đài đây lại đáng tiếc điều gì ?
Văn Viễn đáp:
– Vốn là rượu vì bình này chứa cả hai thứ mỹ tửu Nữ Nhi Hồng và Trúc Diệp Hồng. Nữ Nhi Hồng dịu ngọt đem pha cùng Trúc Diệp Hồng ấm thanh, thật sự có thể gọi là mỹ nhân mặc áo lụa thượng hạng. Tuy nhiên nó cũng không phải là rượu vì đã hòa thêm một chút nước trà. Thành ra tại hạ nói lý ra uống được mà không thể uống được! Đem hai thức rượu hạng nhất trộn chung với nước trà dù có là cực phẩm cũng giống như bảo kiếm vào tay người không biết dụng, giống như đem quần áo thô kệch phối cùng mỹ nữ đệ nhất. Đáng tiếc, đáng tiếc lắm!
Thật sự Văn Viễn vốn nhờ có khứu giác bẩm sinh nhạy bén nên đã ngửi ra trong bình có ba loại mùi khác nhau. Ông theo đó mà diễn giải. Thần Tửu nào hay, cho rằng Văn Viễn thật sự là kẻ sành rượu, dầu có trộn lẫn cả hai thứ rượu có mùi vị khá tương đồng với nhau kèm theo vài giọt trà vẫn không qua mắt ông được. Chàng ta cười hà hà nói:
– Ta muốn thử huynh một chút nên đã căn dặn bọn tiểu nhị như vậy. Thật sự là múa rìu qua mắt thợ! Xấu hổ! Xấu hổ!
Chàng ta vội rót một chén rượu đầy từ chiếc bình khác rồi đưa lên miệng uống cạn. Văn Viễn thấy Tửu Thần đã tỏ vẻ thân mật liền cao hứng mà rót rượu:
– Hàn Thiên Tửu của Bạch Gia Trang Liễu Châu, hương vị lạnh lẽo, rượu trôi qua cổ cả thân người như bị dội trong cơn mưa đầu đông. Rượu này mà nhắm với món thịt luộc nóng ngọt thì tuyệt diệu biết bao!
Thần Tửu thấy Văn Viễn không cần nhấp môi, chỉ ngửi từ xa đã nói đúng tên rượu. Chàng bụng bảo dạ đích thực Văn Viễn là kẻ sành rượu đệ nhất. Chàng nghĩ thầm, chắc rằng ông phải từ nhỏ đã quen với tất cả rượu ngon trong thiên hạ mới có thể thông thuộc đến vậy. Thần Tửu tuy không nói ra ngoài miệng nhưng lòng dạ đã phục Văn Viễn sát đất.
Tên tiểu nhị túc trực bên cạnh không chờ gọi đã mau chóng chạy xuống réo nhà bếp làm món nhắm. Hắn bê địa thịt luộc còn bốc khói bày ra bàn. Thần Tửu vừa nhắm vừa uống rượu, miệng khen không ngớt.
Văn Viễn cứ mỗi một loại rượu đều rót ra chung vừa uống vừa diễn giải món nhắm. Tửu Thần theo đó mà kêu thức ăn rồi uống sạch. Tính ra đến canh giờ sau trên bàn đã bày ra hơn hai mươi món ngang bằng với hơn hai mươi loại rượu. Văn Viễn mỗi loại chỉ uống một chung nhỏ, còn bao nhiêu chàng Tửu Thần nọ đều uống cạn. Ngẫm ra Văn Viễn chỉ uống chưa đầy hai mươi lăm chung thì Thần Tửu đã uống hơn hai mươi cân rượu. Tửu lượng của chàng ta quả thật như thần.
Đến khi trăng non lấp ló, quanh bàn đã không đếm được bao nhiêu chai lọ nằm lăn lóc. Văn Viễn cao hứng cũng đã dùng chén lớn mà uống. Ông say đến mức đứng còn không vững liền khề khà bá vai Thần Tửu:
– Huynh đài xem chúng ta đã uống sắp hết rượu ngon trong thiên hạ rồi!
Thần Tửu cười hà hà:
– Không ngờ văn nhân như huynh tửu lượng rất khá! Huynh cũng đã uống hơn mười cân rượu với ta!
Văn Viễn tuy say nhưng vẫn thấy ngạc nhiên về tửu lượng của mình. Thường ngày ông chỉ uống không quá nửa cân rượu đã như kẻ hồn lìa khỏi xác. Nhưng hôm nay ông đã uống gấp mấy lần song vẫn chưa ngã quỵ. Văn Viễn nhìn thấy ánh trăng non liền sực nhớ đã gần đến trăng tròn. Ông chợt hiểu chất độc đã bắt đầu phát tác nên ông mới có thể thoải mái uống được như vậy .
Ông hứng chí đọc một bài thơ rượu của thi nhân đời Đường. Tửu Thần nghe xong liền luôn miệng nói không phải. Chàng ta đem Đường Thi ra mà xáo ngôn xáo ngữ lời lẽ đầy giễu cợt. Văn Viễn uống thêm một chén rượu nói:
– Hỏng mất! Hỏng mất tinh hoa của tiền nhân rồi!
Ông lại đem bài thơ của Tửu Thần trau chuốt câu chữ lại thành một bài Đường Thi diễm tuyệt. Hai kẻ say rượu. Một người phá thơ. Một người sửa thơ. Cứ đối qua lại cũng thành tàn thêm mấy lần rượu.
Gần đến nửa đêm, Văn Viễn đứng dậy gọi tiểu nhị thì té ngã xuống sàn. Ông kỳ thực đã say mê man bất tỉnh nhân sự. Thần Tửu đang ngửa cổ uống rượu thấy vậy liền vội vàng dìu ông dậy. Tên tiểu nhị hớt hãi chạy lên. Hắn nhìn Văn Viễn là hiểu ngay cớ sự .
Tên tiểu nhị vội chỉ đường. Thần Tửu dìu Văn Viễn đi lên căn phòng mà Bạch Mi Bà Bà và Ác Hòa Thượng đã đặt sẵn. Ra là một phòng thượng hạng biệt lập. Thần Tửu đặt Văn Viễn nằm lên giường cười nói:
– Văn nhân như huynh uống được với ta đến vậy đã là giỏi lắm!
Chàng ta tiện tay sắp xếp mớ hành lý ít ỏi của Văn Viễn cho ngăn nắp chợt nghe bên ngoài có tiếng gió. Thần Tửu liền nói lớn:
– Hai vị đã đến cửa sao không vào phòng ? Đợi ta mời chăng ?
Cửa phòng lập tức mở tung ra. Chỉ thấy hai lão lão một ông một bà đứng chặn ngay trước. Đích thị là Ác Hòa Thượng và Bạch Mi Bà Bà. Tửu Thần chau mày nhìn cả hai hỏi:
– Không biết có phải hai tiền bối nhầm phòng ?
Chàng ta nhìn cả hai đều có nét tà ma nên mười phần cũng đã bảy tám đề phòng. Bạch Mi Bà Bà đáp:
– Không tìm con sâu rượu ngươi. Ta đến tìm hắn!
Lời vừa dứt, Bạch Mi Bà Bà đã đi thẳng đến chiếc giường Văn Viễn đang nằm mê man. Thần Tửu vốn đã phòng bị liền xoay người đứng chắn trước mặt . Chàng ta cười hà hà:
– Vị bạn hữu này của ta đã quá chén. Sao các vị không chờ đến sáng mai hắn tỉnh rượu rồi hãy nói chuyện!
Ác Hòa Thượng lúc này dường như bực tức liền nói:
– Tên tiểu tử nhà ngươi tránh ra cho ta!
Ác Hòa Thượng vung tay tống một đạo kình lực đẩy Tửu Thần qua một bên. Ngờ đâu kình lực vừa đến đã bị tiêu tan mất. Tửu Thần cau mày:
– Xem ra hai vị tiền bối cũng không có hảo ý!
Chàng ta tung cả song thủ đánh liền hai chưởng cốt ý đẩy hai lão lão này ra khỏi phòng tiện bề hành xử, không ảnh hưởng đến Văn Viễn. Tuy nhiên cả Ác Hòa Thượng cùng Bạch Mi Bà Bà lại dễ dàng hóa giải .
– Tên nhóc này cũng có chút bản sự!
Bạch Mi Bà Bà cười mỉm. Thần Tửu nghe chưa dứt câu đã thấy bốn vệt đen mờ nhắm thẳng đến trước ngực mình liền biết đối phương đã dùng ám khí công kích. Chàng ta vội vàng vung tay trái lên xoay một vòng. Có mấy tiếng leng keng ngân vang như muỗi kêu. Bốn mũi châm của Bạch Mi Bà Bà bị đánh rơi xuống đất.
Thì ra trong tay áo trái của Thần Tửu có một cây thiết tiêu màu đen. Bốn cây kim châm của Bạch Mi Bà Bà chính là trúng phải cây tiêu này mà phát ra tiếng kêu leng keng .
Bạch Mi Bà Bà nhìn Thần Tửu nói:
– Thân thủ không tệ. Tránh được Vạn Hoa Pháp Châm của Bạch Mi ta thiên hạ không có mấy người!
Lời nói pha chút mai mỉa. Bạch Mi Bà Bà vốn không có ý lấy mạng nên ra tay đã vài phần nhân nhượng. Tửu Thần biết đối phương chỉ muốn dọa mình. Nhưng chàng thấy cả hai thủ pháp đều ma quái. Nhất là lão hòa thượng, rõ ràng võ học Phật gia nhưng kình lực đầy tà khí. Chàng ta hiểu cả hai sợ kinh động đến Văn Viễn nên chỉ là rung cây nhát khỉ chưa tung hết thực lực.
Tửu Thần nghe lão bà báo danh, ngẫm kỹ thì giật mình:
– Bạch Mi ? Bạch Mi Bà Bà ? tiền bối là Bạch Mi Bà Bà ?
Bạch Mi Bà Bà cười mỉm:
– Cũng không phải là con sâu rượu hồ đồ!
Chàng ta liền nhìn sang lão hòa thượng lùn hỏi:
– Vậy tiền bối đây chắc hẳn là Ác Hòa Thượng ?
Ác Hòa Thượng đáp:
– Chính là ta! Bọn ta thấy ngươi cũng không phải là kẻ xấu nhưng ơn công nhất nhất không thể xảy ra chuyện gì. Tốt nhất ngươi hãy đi khỏi đây! Bằng không đừng trách!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!