Vụ Giết Người Trên Sân Golf
Chương 4: Bức thư có chữ ký Bella
Bà Françoise ra khỏi phòng, viên dự thẩm đăm chiêu gõ tay xuống bàn.
– Ngài Bex – cuối cùng ông ta nói – ta thu được những lời khai hoàn toàn trái ngược nhau, ta phải tin ai bây giờ – Françoise hay Denise?
– Denise – viên cảnh sát trưởng nói dứt khoát – Bởi vì chính cô ta mở cửa cho người khách đến thăm. Bà Francoise thì già, ngoan cố và rõ ràng là không thích bà Daubreuil. Ngoài ra chúng ta còn biết là ông Renauld có quan hệ với một người phụ nữ khác.
– Này! – Ông Hautet kêu to lên – Chúng tôi quên chưa báo cho ngài Poirot biết về việc này – ông ta lục lọi đống giấy tờ để trên bàn và đưa một tờ giấy cho bạn tôi – Thưa ông Poirot, đây là bức thư mà chúng tôi tìm thấy trong áo bành tô của người bị giết.
Poirot cầm bức thư và mở ra xem. Đó là một tờ giấy sờn rách. Trên đó viết bằng tiếng Anh với nét chữ run run.
“Anh vô cùng yêu quý của em,
Tại sao lâu rồi anh chẳng biên thư cho em? Anh vẫn còn yêu em, có phải vậy không? Những lá thư gần đây của anh thay đổi quá nhiều, trở nên lạnh nhạt và xa lạ, còn giờ đây là sự im lặng kéo dài… Em bắt đầu lo sợ. Chuyện gì xảy ra nếu như anh không yêu em nữa? Nhưng làm gì có chuyện đó – sao mà em ngốc thế – toàn nghĩ ra những chuyện vớ vẩn. Còn nếu như anh thật sự không yêu em nữa, em không hiểu em sẽ làm gì, có lẽ em sẽ giết anh! Em không thể sống thiếu anh được. Đôi khi em cảm thấy có một người đàn bà khác đã xen vào giữa hai ta. Cô ta hãy coi chừng! Cả anh cũng vậy! Em thà giết chết anh còn hơn là để cô ta chiếm đoạt mất anh.
Nhưng sao em lại viết những dòng cực kỳ vớ vẩn này nhỉ, anh yêu em và em yêu anh. Đúng thế, em yêu, rất yêu anh.
Người lúc nào cũng tôn sùng.
Bella”
Thư chẳng có địa chỉ, ngày tháng gì cả. Poirot đưa trả lá thư với nét mặt nghiêm trang.
– Thế ngài dự thẩm có giả định gì không?
Hautet nhún vai:
– Có lẽ ngài Renauld có quan hệ thế nào đó với người phụ nữ Anh tên là Bella này. Ông ta đến đây, gặp bà Daubreuil và bắt đầu chuyện trăng hoa với bà ta. Tình cảm của ông ta với Bella nguội đi và cô ta lập tức cảm thấy có điều đáng nghi. Trong thư rõ ràng có lời đe dọa. Ngài Poirot, mới nhìn, vụ án có vẻ rất đơn giản. Ghen tuông mà! Sự việc ông Renauld bị giết vì một nhát dao đâm vào lưng chứng tỏ tội lỗi này do một người đàn bà gây ra.
Poirot gật đầu:
– Một nhát vào lưng – đúng, nhưng không phải là cái hố mới đào. Bởi vì đó là một công việc nặng nhọc, khó khăn. Không, không phải người đàn bà đã đào cái huyệt này, có phải không thưa ngài? Đó là bàn tay của đàn ông.
Viên cảnh sát trưởng thốt lên vẻ xúc động:
– Đúng, đúng, ngài nói có lý! Chúng tôi không nghĩ đến điều này.
– Như tôi đã nói – Hautet tiếp tục – thoạt nhìn vụ phạm tội có vẻ đơn giản nhưng sự xuất hiện của những người không quen đeo mặt nạ và bức thư ông Renauld viết cho ngài đã làm cho vụ án trở nên phức tạp. Ở đây có những điểm hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì với nhau. Về bức thư viết cho ngài, ngài có nghĩ rằng, ở mức độ nhất định, nó có liên quan với người có cái tên là Bella này và những lời đe dọa của người đó không?
Poirot lắc đầu:
– Chưa chắc. Một người như ông Renauld, người đã sống cuộc đời đầy phiêu lưu ở nhiều nơi trên trái đất này không đời nào yêu cầu bảo vệ mình chống lại một người đàn bà.
Dự thẩm viên gật đầu tán thành.
– Điều đó trùng hợp với ý kiến của tôi. Bây giờ ta phải tìm cách giải thích bức thư này.
– Lời giải thích ở Santiago! – viên cảnh sát trưởng tuyên bố – Tôi sẽ lập tức gởi điện cho cảnh sát thành phố này, yêu cầu gởi cho ta những dữ kiện đầy đủ về cuộc sống của người quá cố: những câu chuyện tình, hoạt động kinh doanh, bạn và thù của ông ta. Sẽ rất là lạ, nếu sau đó chúng ta vẫn không có chứng cớ chống lại thủ phạm bí ẩn.
Viên cảnh sát trưởng nhìn xung quanh tìm dấu hiệu của sự tán thánh.
– Tuyệt! – Poirot nói.
– Bà vợ ông ta có lẽ cũng có thể chỉ cho ta hướng đi dúng – dự thẩm viên bổ sung thêm.
– Các ông không tìm thấy những lá thư khác của Bella trong số đồ đạc của ông Renauld à?
– Không. Lẽ tất nhiên, trách nhiệm đầu tiên là chúng tôi phải xem mọi giấy tờ cá nhân của ông ta trong phòng giấy. Tuy nhiên chúng tôi chẳng tìm thấy một cái gì đáng chú ý cả. Mọi vật đều đúng nguyên tắc, đều ổn cả, kể cả giấy tờ giao dịch các loại. Duy nhất chỉ có cái này khác thường, đó là tờ di chúc của ông Renauld. Đây, nó đây.
Poirot xem tờ di chúc.
– Thế đấy. À, đây là 1000 đồng bảng Anh di chúc cho ngài Stonor, nhân tiện xin hỏi, ông ta là ai?
– Thư ký của ngài Renauld. Ông ta sống ở Anh nhưng đôi lần có đến đây.
– Còn tất cả để lại cho người vợ yêu quý của ông là Eloise. Về mặt tư pháp tất cả đều được trình bày đúng luật. Có chứng thực của hai nhân chứng – hai người hầu là Denise và Francoise. Không có gì khác thường trong này cả.
Poirot đưa tờ di chúc trả lại cho dự thẩm viên.
– Có lẽ – Bex bắt đầu – ngài không chú ý…
– Ngày tháng? – nở nụ cười tươi – Chà, tất nhiên tôi có nhận thấy. Cách đây hai tuần lễ, có thể nó cho thấy thời điểm khi ông Renauld lần đầu tiên cảm thấy sự nguy hiểm. Nhiều người giàu có chết đi không để lại di chúc bởi vì không nghĩ đến khả năng sắp chết. Tuy nhiên lời văn bản di chúc nói về sự quyến luyến và tình yêu lớn lao của ông Renauld đối với vợ, mặc dù có những sự dan díu yêu đương này nọ.
– Dù thế nào thì thế – Hautet nói giọng đượm vẻ nghi ngờ – Nhưng như thế hơi bất công đối với cậu con trai, bởi vì làm cho anh ta hoàn toàn lệ thuộc vào người mẹ. Nếu như bà ta đi bước nữa và người chồng mới này có ảnh hưởng với bà ta thì chàng trai có thể chẳng nhận được đồng xun nào trong số tiền của ông bố cả.
Poirot nhún vai:
– Con người là một thực thể giàu tự tin. Có thể ngài Renauld cho rằng người đàn bà góa sẽ không đi bước nữa. Còn về cậu con trai thì, có lẽ thông minh hơn cả là để tiền trong tay bà mẹ. Ai cũng biết rằng con cái các gia đình giàu có thường là những kẻ tiêu xài không giới hạn.
– Có lẽ đúng như ngài nói. Còn bây giờ, ngài Poirot, có lẽ ngài muốn xem nơi xảy ra tội ác. Tiếc rằng, tử thi đã được chuyển đi, song tất cả đều đã được chụp ảnh ở mọi cự ly và góc độ có thể được, và các bức ảnh sẽ đến tay ngài sau khi làm xong.
– Xin cảm ơn ngài về sự giúp đỡ đó.
Viên cảnh sát đứng dậy:
– Xin mời các ngài đi theo tôi.
Ông ta mở cửa, trịnh trọng cúi đầu mời Poirot đi trước. Poirot cũng không kém phần lịch sự, nhường cho ngài cảnh sát trưởng đi đầu.
Cuối cùng họ cùng đi ra hành lang.
– Đây là phòng giấy phải không? – Poirot hỏi, hất đầu về phía chiếc cửa bọc da.
– Vâng, ngài muốn xem phòng giấy à? – Viên cảnh sát trưởng hỏi và mở toang cửa, bước vào. Mọi người bước theo sau.
Căn phòng mà ông Renauld chọn làm nơi làm việc của mình là một phòng hẹp, nhưng bày biện rất trang nhã và đầy đủ tiện nghi. Một chiếc bàn viết thích hợp, tiện lợi, có nhiều ngăn để giấy tờ nằm đối diện cửa ra vào, ngay cạnh cửa sổ. Hai chiếc ghế bành lớn bọc da quay về phía lò sưởi, giữa hai chiếc ghế bành là chiếc bàn con hình tròn bày la liệt những sách và tạp chí mới xuất bản. Các giá sách trên có những cuốn sách bọc bìa đắt tiền che kín hai bức tường, cạnh bức tường thứ ba là một tủ đựng thức ăn bằng gỗ sồi màu sẫm với những hình khắc chạm trang trí tinh xảo. Các tấm màn gió xanh nhạt hài hòa với tấm thảm cùng màu.
Poirot đứng một lát, sau đó bước lên một bước, bàn tay xoa nhẹ các lưng ghế bành bọc da, cầm tờ tạp chí đặt trên bàn và thận trọng xoa ngón tay vào mặt chiếc tủ gỗ sồi đựng thức ăn. Nét mặt anh biểu lộ sự hoàn toàn tán thành.
– Không một tí bụi nào? – Tôi cười hỏi.
– Không một hạt bụi nhỏ nào, anh bạn ạ. Nhưng lần này có thể là đáng tiếc.
Cái nhìn tinh tường của Poirot lướt từ vật này sang vật khác.
– Chà! – Poirot bất thình lình thốt lên với giọng nhẹ nhõm hẳn – tấm thảm nhỏ trước lò sưởi lệch sang một bên – Poirot cúi xuống sửa cho tấm thảm ngay ngắn trở lại.
Bất ngờ từ miệng anh bật ra một tiếng reo và anh đứng thẳng lên, tay cầm một mẩu giấy nhỏ.
– Ở Pháp cũng như… à, ở Anh – Poirot nhận xét – người hầu quên không quét dưới thảm.
Bex cầm lấy vật tìm thấy từ tay Poirot và tôi đi đến gần hơn để nhìn cho kỹ.
– Anh có nhận ra vật này không, Hastings?
Tôi lắc đầu trả lời không. Và dù sao thì màu hồng tiêu biểu của tời giấy này tôi cảm thấy quen quen.
Óc tưởng tượng của viên cảnh sát trưởng nhanh hơn của tôi.
– Một mẩu của tờ ngân phiếu – ông ta nói.
Mẩu giấy bằng khoảng hai inches vuông và trên đó viết bằng mực chữ “Duveen”.
– Tuyệt – Bex nói – Tờ ngân phiếu này viết cho Duveen hay ký tên Duveen.
– Lần đầu tiên, nếu như tôi không lầm – Poirot nói – Chúng ta nhìn thấy nét chữ của ông Renauld.
Lập tức tờ giấy này được đem ra so sánh với tờ di chúc lấy trong bàn viết ra.
– Trời ơi! – Viên cảnh sát trưởng thì thào với vẻ phiền muộn – Trong thực tế tôi không thể hình dung được sao tôi lại bỏ qua không nhìn thấy cái đó.
Poirot cười lớn:
– Từ đây rút ra một đạo lý là phải luôn luôn nhìn xuống dưới các tấm thảm. Anh bạn Hastings của tôi có mặt ở đây sẽ nói với các ngài rằng, việc nhìn thấy bất kỳ vật nào không được ngay ngắn đối với tôi là nỗi đau khổ thực sự. Khi tôi vừa nhìn thấy tấm thảm trước lò sưởi bị lệch, tôi đã nói với mình: “Dừng lại!”. Anh bám tay vào ghế bành, khi người ta làm lệch chiếc ghế. Có thể dưới ghế bành có cái gì đó mà bà già Françoise bỏ sót.
– Françoise à?
– Hoặc Denise hoặc Leonie. Cái người dọn dẹp căn phòng này. Bởi vì ở đây hoàn toàn không có bụi, rõ ràng là căn phòng này được dọn dẹp sáng nay, tôi có thể khôi phục lại biến cố như sau. Có thể tối hôm qua ngài Renauld viết ngân phiếu cho một người tên là Duveen nào đó. Sau đó tấm ngân phiếu này đã bị xé và các mẩu vụn rơi vãi trên sàn. Sáng nay…
Đột nhiên Bex bực tức ngắt lời anh, tay giật dây chuông.
Françoise lập tức đến theo tiếng gọi. Đúng là trên sàn rất nhiều mẩu giấy. Bà ta đã làm gì với chúng? Lẽ tất nhiên bà đã ném chúng vào lò. Rồi còn sao nữa?
Bằng cử chỉ thất vọng, Bex đưa bà ta ra. Sau đó nét mặt ông sáng lên, ông chạy đến gần bàn viết. Một phút sau ông lại mở quyển sổ séc của người quá cố. Sau đó ông lại làm một cử chỉ tuyệt vọng nữa. Tờ cuối cùng trong cuốn sổ séc còn chưa ghi gì.
– Hãy dũng cảm lên! – Poirot kêu lên, tay vỗ nhẹ vào vai ông ta – Rõ ràng là Renauld có kể cho chúng ta mọi chuyện liên quan đến nhân vật bí ẩn có tên là Duveen này.
Nét mặt viên cảnh sát trưởng sáng lên:
– Điều đó là đúng. Nào ta tiếp tục.
Khi chúng tôi định rời phòng, Poirot cười nói:
– Tôi cảm thấy ngài Renauld tiếp bà khách của mình tối hôm qua ở đây.
– Thế các anh đoán ra sao? – Viên cảnh sát trưởng thận trọng hỏi.
– Đây, theo cái này – Và Poirot dùng hai ngón tay nhặt một sợi tóc đen dài của phụ nữ từ lưng chiếc ghế bành bọc da.
Chúng tôi qua cửa sau đi đến một cái kho nhỏ tiếp giáp với tường nhà. Viên cảnh sát trưởng lấy trong túi ra chiếc chìa khóa và mở kho.
– Tử thi để trong này. Chúng tôi mới chuyển từ nơi xảy ra tội ác vào đây đúng lúc ngài tới, sau khi các nhiếp ảnh làm xong việc của mình.
Ông ta mở cửa và chúng tôi đi vào nhà kho. Người bị giết nằm trên mặt đất, trên phủ tấm trải giường. Bex nhanh chóng lật tấm vải phủ ra. Ông Renauld là một người tầm thước vừa phải, căn cứ theo dáng người. Trông bề ngoài có thể nói ông khoảng 50 tuổi, mái tóc bạc nhiều hơn đen. Mặt cạo nhẵn nhụi, mũi dài, nhỏ, giống như mỏ chim, đôi mắt tương đối gần nhau. Da màu đồng vì phơi nắng như ở mọi người sống phần lớn cuộc đời ở vùng nhiệt đới. Hai hàm răng nghiến chặt hiện rõ trong đôi môi hé mở. Nét mặt tái xanh thể hiện sự kinh ngạc và hoảng sợ tột độ.
– Căn cứ vào nét mặt của nạn nhân thì thấy là nhát dao đâm vào lưng là hết sức bất ngờ – Poirot nhận xét.
Anh thận trọng lật sấp tử thi. Trên lưng nạn nhân chỗ giữa hai xương bả vai trên chiếc áo khoác màu xám nhật có một vết sẫm tròn. Ở khoảng giữa áo, vải bị đâm rách. Poirot chăm chú nghiên cứu tử thi.
– Thế các ngài phát hiện thấy vũ khí được dùng để giết người ở đâu?
– Nó vẫn còn ở vết thương.
Viên cẩm lấy từ trên giá xuống một chiếc bình thủy tinh lớn. Trong bình có một vật giống con dao rọc giấy hơn là một cái gì khác. Tôi nhìn kỹ chuôi dao màu đen và lưỡi dao sáng, nhỏ. Toàn bộ con dao không dài quá mười inches. Poirot thận trọng lấy ngón tay thử độ sắc của con dao.
– Chà, khỉ thật! Dao sắc quá! Một vũ khí giết người thật đơn giản và quá xinh.
– Thật không may, chúng tôi không nhận thấy trên đó một dấu tay nào – Bex nhận xét vẻ tiếc rẻ – Có lẽ thủ phạm dùng găng tay.
– Lẽ tất nhiên là có găng tay – Poirot nói vẻ coi thường – Ngay cả ở Santiago thủ phạm cũng biết khá rõ về chuyện này. Dù sao tôi cũng rất chú ý đến việc các ông không tìm thấy dấu tay. Bởi vì để lại dấu tay một cách dễ dàng như vậy không phải là kẻ giết người mà là của một người nào khác. Và làm cho cảnh sát sung sướng – Anh lắc đầu – Tôi rất ngại là tội phạm của ta hoặc là không chuyên nghiệp hoặc là có ít thì giờ. Nào bây giờ chúng ta thử xem.
Poirot lật tử thi trở lại tư thế cũ.
– Tôi thấy người bị giết dưới lần áo choàng chỉ mặc đồ lót – Poirot nhận xét.
– Đúng – dự thẩm viên coi điều đó là một sự việc tương đối lạ lùng.
Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa. Bex đi lại phía cửa ra vào và mở ra. Đứng ngoài cửa là bà Francoise. Với sự tò mò không dấu giếm, bà lão định nhìn vào trong.
– Này, còn chuyện gì nữa thế? – Bex hỏi một cách sốt ruột.
– Bà chủ sai tôi đến thưa rằng bà đã khá hơn nhiều rồi và sẵn sàng tiếp ngài dự thẩm.
– Tốt lắm – Bex nói nhanh – Báo ngay cho ông Hautet biết điều này và nói với bà chủ là chúng tôi sẽ tới bây giờ.
Poirot dừng lại một lát đứng nhìn tử thi. Tôi thoáng nghĩ rằng anh đang thề với hương hồn người chết “chưa tìm ra thủ phạm thì không thiết gì đến nghỉ ngơi”. Nhưng khi Poirot bắt đầu nói thì những lời của anh lại tỏ ra tầm thường và được nói ra một cách ngộ nghĩnh không đúng chỗ.
– Ngài Renauld mặc chiếc áo khoác quá dài.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!