Vụ Giết Người Trên Sân Golf - Chương 5: Lời thuật của bà Renauld
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
203


Vụ Giết Người Trên Sân Golf


Chương 5: Lời thuật của bà Renauld


Dự thẩm viên Hautet đã đợi chúng tôi ở hành lang và chúng tôi cùng đi lên gác. Bà Francoise đi trước chỉ đường. Poirot đi theo đường chữ chi làm cho tôi bối rối cho đến khi anh che miệng nói nhỏ với tôi.

– Việc kẻ ăn người ở nghe thấy tiếng chân ông Renauld lên cầu thang chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, tiếng cọt kẹt này có thể đánh thức cả người chết.

Phía trên cầu thang có một hành lang hẹp kéo dài, hai bên là những hàng cửa ra vào.

– Các phòng của người làm – Bex giải thích.

Chúng tôi đi đến cuối hành lang, bà Francoise gõ vào chiếc cửa cuối cùng phía bên phải.

Một giọng nói yếu ớt mời chúng tôi vào và chúng tôi và chúng tôi đã ở trong một phòng lớn sáng sủa, cách cửa sổ một phần tư dặm là biển xanh lấp lánh.

Trên giường, một người đàn bà cao lớn, xanh mét đang nằm tựa vào gối. Bà ta đã có tuổi, mái tóc xưa kia màu đen nay đã bạc gần hết, nhưng cái nhìn còn thể hiện sức mạnh bên trong. Ngay lập tức ta thấy đây là một người đàn bà có nghị lực. Bà cúi đầu đường hoàng chào chúng tôi.

– Xin mời các ông ngồi.

Chúng tôi ngồi cạnh giường, người thư ký của dự thẩm viên ngồi sau cái bàn tròn.

– Thưa bà, tôi hy vọng – Hautet bắt đầu – là việc kể lại những sự kiện xảy ra tối qua sẽ không làm phiền bà chứ?

– Thưa ông hoàn toàn không. Tôi biết giá trị của thời gian khi nói đến việc bắt giữ và trừng phạt những kẻ giết người hèn hạ.

– Rất tốt, thưa bà. Tôi nghĩ rằng bà sẽ đỡ mệt hơn, nếu như tôi đặt câu hỏi, còn bà chỉ trả lời thôi. Thế tối hôm qua bà đi ngủ lúc mấy giờ?

– Thưa ông, lúc 9 giờ 30. Hôm qua tôi bị mệt.

– Thế còn ông nhà?

– Theo tôi, sau đó một giờ.

– Bà có cảm thấy là ông nhà lo lắng hoặc phiền muộn về một điều gì đó không?

– Không, không có gì khác ngày thường.

– Sau đó chuyện gì đã xảy ra?

– Chúng tôi đi ngủ. Tôi tỉnh giấc khi bàn tay của một người nào đó bịt miệng tôi. Tôi định kêu nhưng không được. Trong phòng có hai người đàn ông. Cả hai đều đeo mặt nạ.

– Bà có thể kể đôi nét về hình dáng của chúng được không, thưa bà?

– Một tên cao, râu quai nón đen dài. Tên thứ hai thấp béo, râu hắn màu hung hung. Cả hai đều đội mũ sụp xuống che lấp mắt.

– Hừ – dự thẩm viên nói đăm chiêu – tôi cảm thấy ở đây có quá nhiều râu.

– Ngài nghĩ rằng đó là râu giả?

– Vâng, thưa bà. Nhưng thôi, bà hãy kể tiếp đi.

– Tên thấp béo giữ chặt tôi. Hắn lấy khăn ăn nhét vào miệng tôi, sau đó lấy dây trói chân tay tôi lại. Tên kia trong lúc đó đứng cúi xuống chúng tôi. Hắn lấy từ trên bàn trang điểm con dao rọc giấy của tôi và chĩa mũi nhọn vào thẳng chỗ tim chồng tôi. Sau đó chúng buộc ông ấy đứng dậy và đi cùng chúng sang phòng bên cạnh – phòng treo quần áo. Vì khiếp sợ, tôi gần như bất tỉnh nhân sự, nhưng dù sao cũng vẫn cố chú ý lắng nghe xem chuyện gì xảy ra ở bên đó. Nhưng họ nói rất khẽ, tôi không thể nào hiểu được gì cả. Tôi chỉ nghe thấy câu chuyện diễn ra bằng thứ tiếng Tây Ban Nha trọ trẹ mà một số ở vùng Nam Mỹ người ta có nói. Có lẽ họ đòi hỏi ở chồng tôi cái gì đó và rất giận dữ. Sau đó tiếng của chúng to dần lên. Theo tôi tiếng nói của tên cao: “Mày có biết chúng tao muốn gì không? – hắn nói – Những giấy tờ bí mật. Hiện giờ chúng ở đâu?” Tôi không biết là chồng tôi trả lời ra sao, nhưng tên kia giận dữ quát: “Mày nói dối! Chúng tao biết là mày giữ mà. Chìa khóa đâu?” Lúc đó tôi nghe thấy tiếng các ngăn tủ bị kéo ra. Trên tường, trong phòng treo áo chồng tôi có một tủ sắt, trong đó ông ấy luôn luôn cất rất nhiều tiền. Leonie nói rằng tủ sắt không bị cướp, nhưng có lẽ chúng không tìm thấy cái mà chúng cần, bởi vì sau đó tôi nghe thấy tiếng tên cao chửi tục ra lệnh cho chồng tôi cởi quần áo. Theo tôi, sau đó một tiếng động nào đó trong nhà làm chúng phải đề phòng, bởi vì chúng đẩy chồng tôi vào phòng gần như cởi trần.

– Cảm ơn – Poirot ngắt lời – như vậy là phòng treo quần áo không có lối ra nào khác.

– Thưa ông, không. Chỉ có cửa vào phòng tôi thôi. Chúng lôi chồng tôi đi rất vội, tên thấp béo đằng trước, tên cao đẩy đằng sau, tay nắm dao găm. Ông Paul định thoát ra chạy gần lại chỗ tôi. Tôi nhìn thấy hai mắt ông đầy đau khổ. Ông quay lại nói với bọn kẻ cướp: “Tôi cần nói chuyện với bà ấy” – ông nói. Sau đó khi đến gần giường, ông cất tiếng nói: “Mọi chuyện đều tốt lành, Eloise, đừng sợ. Đến sáng anh sẽ về”. Nhưng mặc dù ông ấy cố nói bình thản, nhưng tôi thấy sự khủng khiếp hiện lên trong đôi mắt của ông ấy. Sau đó, chúng đẩy chồng tôi ra cửa, tên cao nói: “Hãy nhớ là chỉ cần một tiếng là mày sẽ tịch”.

– Sau đó – bà Renauld nói tiếp – có lẽ tôi bất tỉnh nhân sự. Khi tỉnh lại tôi nhìn thấy Leonie đang bóp tay cho tôi và đổ rượu mạnh vào mồm tôi.

– Bà Renauld – dự thẩm viên cất tiếng nói – bà có biết bọn giết người tìm gì không?

– Không biết, thưa ông.

– Bà có biết chồng bà sợ hãi một điều gì đó không?

– Có, tôi thấy ông ấy có thay đổi.

– Lâu chưa?

Bà Renauld suy nghĩ:

– Có lẽ trước đây 10 hôm.

– Không sớm hơn à?

– Có thể, nhưng tôi nhận thấy điều đó mới gần đây thôi.

– Bà có hỏi chồng bà vì sao lo sợ không?

– Có một lần. Nhưng ông ấy lảng tránh câu trả lời. Tuy thế, tôi tin rằng ông ấy rất lo lắng. Nhưng bởi vì có lẽ ông ấy định giấu tôi điều này nên tôi cố làm ra vẻ không nhận thấy gì cả.

– Thế bà có biết rằng ông ấy đã cầu cứu sự giúp đỡ của nhà thám tử không?

– Thám tử à? – Bà Renauld thốt lên vẻ ngạc nhiên.

– Đúng, cầu cứu ngài Hercule Poirot đây – Poirot cúi chào – Ông ấy mới tới đây theo yêu cầu của chồng bà.

Và ông ta rút trong túi ra bức thư của ông Renauld rồi đưa cho bà Renauld.

Bà Renauld đọc bức thư với sự ngạc nhiên thật sự.

– Tôi không biết gì về điều này cả. Có lẽ ông ấy hoàn toàn nhận rõ sự nguy hiểm.

– Bây giờ, thưa bà, tôi yêu cầu bà cởi mở, chân thành. Liệu trong cuộc sống của chồng bà ở Nam Mỹ có trường hợp nào có thể rọi ánh sáng vào vụ án mạng này không?

Bà Renauld suy nghĩ sâu sắc, sau đó lắc đầu phủ định.

– Tôi không thể nhớ lại điều gì cả, lẽ tất nhiên chồng tôi có nhiều kẻ thù, những người bị chồng tôi vượt lên, nhưng tôi không thể nhớ lại một điều gì rõ ràng. Tôi không nói rằng không có trường hợp như vậy, tôi chỉ không biết đến mà thôi.

Dự thẩm viên chậm rãi vuốt râu:

– Bà có thể nói rõ hơn thời gian xảy ra tội ác được không?

– Được, tôi nhớ chính xác là đồng hồ trên lò sưởi điểm hai tiếng – bà ta gật đầu chỉ chiếc đồng hồ lớn tám ngày lên giây một lần đặt ở chỗ lò sưởi, trên một cái giá.

Poirot đứng dậy và chăm chú xem kỹ chiếc đồng hồ. Thỏa mãn với việc làm của mình, anh gật đầu và quay lại chỗ cũ.

– Cái gì đây? – Bỗng viên cảnh sát trưởng kêu to, người cúi khom – Có lẽ đồng hồ đeo tay. Những kẻ giết người rõ ràng đã làm nó rơi từ trên bàn trang điểm xuống. Đồng hồ bị đập vỡ mặt kính. Có lẽ những kẻ phạm tội không nghĩ rằng chiếc đồng hồ này có thể là tang chứng chống lại chúng?

Ông ta bắt đầu thận trọng thu gom những mảnh kính vỡ. Bỗng nhiên nét mặt ông ta biểu lộ sự ngạc nhiên.

– Thật là thú vị!

Ông ta kêu to khi xem xét chiếc đồng hồ.

– Thế là thế nào?

– Kim đồng hồ chỉ 7 giờ.

– Kỳ lạ thật! – Viên dự thẩm lầm bầm, đến gần chỗ viên cảnh sát trưởng.

Poirot cũng chú ý đến cái đồng hồ. Anh cầm lấy chiếc đồng hồ từ tay viên cảnh sát trưởng đang còn bối bối, đưa lên tai nghe và mỉm cười.

– Đúng, kính vỡ, nhưng đồng hồ vẫn chạy.

Tất cả cười vang. Chỉ có viên dự thẩm là không cười, ông ta nói vẻ phân vân:

– Nhưng bây giờ tất nhiên không phải là 7 giờ.

– Không – Poirot lịch sự tán thành – Bây giờ mới quá 5 giờ có vài phút. Có lẽ đồng hồ thường chạy nhanh, có phải không, thưa bà?

Bà Renauld phân vân cau mày:

– Đồng hồ có nhanh một chút – bà ta xác nhận – nhưng không bao giờ chạy nhanh như thế này cả.

Dự thẩm viên làm một động tác chứng tỏ không còn gì cần hỏi về chiếc đồng hồ nữa, và hỏi tiếp:

– Thưa bà, sáng nay cửa vào nhà bị phát hiện thấy mở toang. Có vẻ dứt khoát kẻ giết người đã lợi dụng cửa này. Tuy nhiên cửa không bị phá. Bà có thể giải thích vì sao không?

– Có thể trước khi đi ngủ chồng tôi ra ngoài dạo chơi và khi quay về quên đóng lại.

– Điều đó liệu có thể xảy ra được không?

– Tất nhiên. Ông nhà tôi là một người rất đãng trí.

Khi nói đến điều đó, một lần nữa bà ta lại hơi cau mày, dường như việc nhớ lại đặc tính của người quá cố làm cho bà đau lòng.

– Tôi nghĩ, chúng ta có thể kết luận – đột nhiên viên cảnh sát trưởng nhận xét – là, vì các hung thủ bắt ông Renauld phải mặc quần áo, nên nơi mà chúng dẫn ông ta đến ở tương đối xa ngôi nhà này. Và ở đó cất giấu “những giấy tờ bí mật”.

Dự thẩm viên gật đầu.

– Xa, nhưng không xa lắm, bởi vì ông Renauld nói rằng đến sáng sẽ quay về.

– Chuyến tàu rời ga Merlinville lúc mấy giờ? – Poirot hỏi.

– Đi về phía Tây lúc 11,50 giờ, về hướng Đông lúc 12,17 giờ, nhưng có thể chúng có ôtô.

– Tất nhiên – Poirot đồng ý. Trông anh có vẻ phiền muộn.

– Liệu có đúng thế không? Chiếc xe sẽ giúp chúng ta phát hiện ra hung thủ? – dự thẩm viên nói – Chiếc xe với hai người nước ngoài có thể bị trông thấy. Phương án đi xe lửa cũng cần được kiểm tra nghiêm túc, thưa ngài Bex.

Viên cảnh sát trưởng mỉm cười một lát, sau đó quay sang hỏi bà Renauld:

– Tôi xin hỏi một câu nữa. Bà có biết ai tên là Duveen không?

– Duveen? – bà ta nhắc lại vẻ đăm chiêu – Không, tôi không thể nhớ được.

– Và bà cũng không bao giờ nghe thấy chồng bà nhắc đến cái tên đó chứ?

– Không bao giờ.

– Thế bà có biết ai tên là Bella không?

Khi đặt câu hỏi này ông chăm chú quan sát bà Renauld, cố phát hiện trên nét mặt bà những dấu hiệu của sự lúng túng hoặc bối rối, nhưng bà ta chỉ lắc đầu. Dự thẩm viên tiếp tục nói:

– Thế bà có biết tối hôm qua chồng bà có khách không?

Bây giờ ông ta nhìn thấy bà Renauld hơi đỏ mặt, nhưng bà điềm tĩnh trả lời:

– Không. Đó là ai vậy?

– Một người phụ nữ.

– Có thật thế không?

Nhưng dự thẩm viên không dừng lại ở câu hỏi này lâu. Vị tất bà Daubreuil đã có quan hệ gì với vụ giết người, còn ông ta không muốn làm bà Renauld bị đau khổ hơn là yêu cầu cần thiết.

Ông ta nhìn ngài cảnh sát trưởng có ý hỏi, viên cảnh sát trưởng gật đồng ra hiệu đồng ý chuyển sang câu hỏi khác. Dự thẩm viên đứng lên đi qua phòng và trở lại với chiếc bình thủy tinh mà chúng tôi đã thấy ở nhà kho. Ông ta lấy từ trong đó ra con dao đã được dùng để giết người.

– Thưa bà – ông ta nói nhẹ nhàng – bà có nhận ra cái này không?

Bà ta khẽ kêu lên.

– Có, đấy là con dao của tôi.

Lúc đó bà ta nhìn thấy lưỡi dao dính máu và lùi lại, hai mắt bà trợn tròn vì kinh hãi:

– Đây là… máu?

– Vâng, thưa bà. Chồng bà bị giết bằng vật này.

Dự thẩm viên nhanh chóng cất dao.

– Bà hoàn toàn tin rằng đây chính là con dao nằm trên bàn trang điểm của bà tối qua?

– Đúng. Đây là quà của con trai tôi. Trong thời gian chiến tranh con tôi ở không quân – giọng nói của bà đượm niềm tự hào của người mẹ – Con dao được làm bằng sắt máy bay và con trai tôi tặng tôi để kỷ niệm những ngày nó phục vụ trong quân đội.

– Tôi hiểu, thưa bà. Thế thì xin có một câu hỏi nữa. Hiện nay con bà ở đâu? Cần nhanh chóng gởi điện cho anh ấy.

– Jack ấy à? Nó đang trên đường đi Buenos Aires.

– Đi đâu?

– Vâng. Hôm qua chồng tôi gởi điện cho nó. Trước đó ông ấy có đi công cán ở Paris, nhưng hôm qua mới biết là con tôi cần phải khẩn cấp đi Nam Mỹ. Tối qua có tàu thủy từ Cherbourg đi Buenos Aires, và chồng tôi gởi điện báo cho nó biết cần phải đi chuyến tàu này.

– Thế bà có biết gì về công chuyện ở Buenos Aires không?

– Thưa ông, không, tôi không biết gì về công việc đó, nhưng Buenos Aires không phải là điểm cuối hành trình. Từ đó nó còn phải đi Santiago.

Cả dự thẩm viên và viên cảnh sát trưởng cùng thốt lên một lúc:

– Santiago! Lại Santiago!

Vào thời điểm khi mọi người còn đang ngạc nhiên về việc nhắc đến Santiago, Poirot tiến lại gần bà Renauld. Trước đó, anh đứng cạnh cửa sổ, hoàn toàn tập trung vào những suy nghĩ của mình, và đương nhiên đã chăm chú theo dõi những gì xảy ra. Poirot cúi chào, dừng lại cạnh giường.

– Cám ơn bà, xin phép cho tôi được xem tay bà.

Bà Renauld mặc dù hơi ngạc nhiên vẫn đưa tay cho Poirot xem. Xung quanh cổ tay bà Renauld có những vết lằn sâu màu đỏ do bị trói.

– Chắc là bà rất đau? – Poirot hỏi có vẻ buồn rầu.

Dự thẩm viên lo lắng ngắt lời Poirot:

– Cần nhanh chóng liên lạc bằng vô tuyến điện với anh Jack Renauld. Cần phải biết tất cả những gì mà anh ta có thể kể về chuyến đi Santiago của mình – ông ta ấp úng – Nếu như anh Jack có mặt ở đây thì chúng tôi không phải làm bà đau lòng như vậy thưa bà.

– Ông muốn nói đến việc nhận diện chồng tôi? – Bà Renauld hỏi nhỏ.

Dự thẩm viên gật đầu.

– Tôi là một phụ nữ kiên nghị, thưa ông. Tôi chịu đựng được tất cả những gì đòi hỏi ở tôi. Tôi sẵn sàng làm việc đó ngay bây giờ.

– Ôi, ngày mai cũng chưa muộn mà. Tôi cam đoan với bà…

– Tôi thích làm xong việc đó ngay thì hơn.

Trên mặt bà xuất hiện niềm đau khổ nội tâm:

– Ông bác sĩ, ông làm ơn đưa tay cho tôi.

Ông bác sĩ vội vàng đi lại phía bà Renauld và vắt chiếc áo khoác lên vai. Tất cả cùng chậm rãi đi xuống. Viên cảnh sát trưởng Bex tiến lên trước để mở cửa vào nhà kho. Độ hai phút sau, bà Renauld tiến đến cửa. Bà ta trông rất xanh xao nhưng kiên quyết. Trước khi nhìn tử thi thì bà đưa tay lên mặt.

– Xin ngài đợi cho một phút, tôi trấn tĩnh lại ngay bây giờ.

Bà Renauld bỏ tay xuống và nhìn người chết. Và lập tức tính tự chủ kỳ lạ, trước đó đã giúp cuộc điều tra, nay rời bỏ bà.

– Paul! – bà kêu to – Chồng tôi! Trời ơi!

Và lao người về phía trước, bà bất tỉnh nhân sự, ngã nhào xuống đất.

Ngay lúc đó Poirot đã tiến đến cạnh bà. Anh khẽ xem mắt, bắt mạch. Khi tin rằng bà Renauld thật sự bị ngất, Poirot lùi sang bên. Anh nắm tay tôi thì thào:

– Anh bạn ạ, tôi là một thằng đại ngốc. Nếu như có khi nào tình yêu và niềm đau khổ vang lên trong giọng nói của người phụ nữ, thì bây giờ tôi đang nghe thấy chúng đây. Quan niệm của tôi đã sai lầm. Nhưng tốt thôi. Tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN