Vương Phi Thần Trộm - Chương 3: Sen non đã nhú mầm xanh thắm
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Vương Phi Thần Trộm


Chương 3: Sen non đã nhú mầm xanh thắm


“Quan quan… thả điểu, tại hà chi châu. Ấu đào… thục nữ, quân tử hảo cầu.”

“Sai rồi, phải là quan quan thư cưu, tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.” Một lão phu tử râu tóc bạc phơ mặc y phục màu trắng tức giận đập thước lên bàn liên hồi khiến Tiểu Thúy đứng bên cũng phải cuống quýt, sợ hãi.

“Nô tì thất cũng thật là, tại sao tiểu thư đọc chữ, không thể đọc đủ hết các bộ phận của nó chứ? “Cưu” và “cửu” không phải là gần giống nhau sao, vì lí gì mà lại đọc thành “điểu” hả?” Tiểu Thúy thì thầm. Ta liền chu miệng, làm sao ta biết được phải đọc bộ bên trái hay bên phải chứ, người một chữ bẻ đôi không biết, mới đi học được một tháng như ta, có thể nhận biết được từng đó chữ đã là kì tích rồi, không phải sao?

“Phu tử, ngài đừng tức giận. Tiểu thư nhà con sau khi bị kinh hãi, đừng nói là số sách vở này, mà ngay cả những người trong phủ cũng chẳng nhận ra hết. Đợi sau khi tiểu thư hồi phục trí nhớ, lúc đó ngài hãy kiểm tra được không?” Tiểu Thúy nhìn ta đầy thông cảm, lại đưa lời giải thích.

“Ngọc tiểu thư, chỉ còn vài ngày nữa là người phải nhập cung rồi. Bây giờ, ngay đến “Thi Kinh” mà người còn không thuộc, người…”

“Nghe nói hoàng thượng còn già hơn cả phụ thân ta. Ta đoán dù ta có đọc thuộc toàn bộ, ngài cũng chẳng nghe rõ được đâu.” Ta lẩm bẩm trong miệng, còn lâu ta mới chịu làm thê tử của lão già đó. Bản cô nương mới mười lăm tuổi? Đừng nói là làm Hoàng hậu, làm Thái hậu ta cũng chẳng thèm.

“Đúng là gỗ mục chẳng thể đóng thuyền. Hừm!” Lão phu tử vò đầu tức giận. Lúc này, ta đang cầm tập “Thi Kinh” yêu quý của ngài xếp thành một bảo tháp, đã xếp được đến tầng thứ tám rồi. Không ngờ bản cô nương cũng thật là khéo tay, tài giỏi!

***

“Dừng, dừng, dừng! Tiểu thư đang gẩy tì bà hay đang đập bông gòn vậy?” Người phụ nữ trước mặt ta ăn mặc phong tình, gợi cảm, cứ nói một câu là lớp phấn dày trên mặt lại không ngừng rụng xuống lả tả, toàn thân tỏa mùi thơm nồng nặc, nhìn ta đầy phẫn nọ. Nghe nói lúc còn trẻ, bà chính là cô nương đầu bảng tại Lệ Xuân Viện, giỏi nhất đánh đàn, biệt hiệu là “tay ngọc khẽ gảy, vui cả Dương Châu.” Hầy, chọn một người như vậy đến dạy ta, xem ra Ngọc lão gia quyết tâm bồi dưỡng đứa con gái rượu của mình thành phi tần đầu bảng trong hoàng cung rồi.

Trong đầu ta liền hiện lên cảnh tượng sinh động thế này: Đám công công điệu đà, ẽo ợt cầm chiếc khăn tay thét lớn: “Xin mời đại gia vào bên trong, cô nương ở nơi này đều là thứ hàng hạng nhất, có Quý phi giỏi đánh đàn tranh, Tài nhân giỏi múa điệu múa Tây Vực, lại có vị Tiệp dư biết vẽ mẫu đơn, rồi còn cả Hoàng hậu Ngọc Phiến Nhi biết gảy tì bà…”

“Quả nhiên là mỹ nhân, người đâu, mau trọng thưởng!” Vị hoàng đế đầu tóc bạc phơ tay trái ôm một người, tay phải ấp một người nói.

“Đa tạ Hoàng thượng đại gia ban thưởng! Đại gia à, nếp nhăn của ngài đã kẹp chết một con ruồi rất to, để thần thiếp lấy ra giúp ngài nhé.”

“Đúng là cô nương đầu bảng! Hoàng hậu Ngọc Phiến Nhi thực đúng là đáng yêu hơn người, Trẫm ban cho nàng được làm Hoàng Thái hậu, tiện đây cũng cho phụ thân nàng thăng quan tiến chức…” Trời đất ơi, lẽ nào, đó chính là cuộc sống sau này của ta sao?

“Này này này, phải đánh mạnh hơn chút nữa! Khúc nhạc tiểu thư đang đánh có tên là “Thập diện mai phục”, thế nên phải đánh cho thật hào hùng, khí thế sánh ngang sơn hà vào. Nhìn tiểu thư đánh bi đát, yếu đuối như vậy, sắp biến thành khúc “Tứ diện Sở ca” rồi.” Thôi toi, sư phụ lại sắp nổi giận, thế nhưng ta lúc này thực sự cảm thấy bản thân vô cùng thê thảm.

“Dù gì cũng đều nói về Hạng Vũ*, “Thập diện mai phục” hay là “Tứ diện Sở ca” thì cũng như nhau cả thôi…” Ta nhăn nhó mặt mày đưa lời phản bác, người phụ nữ già này liền đập mạnh thước lên bàn, trợn đôi mắt đã đầy nếp nhăn xung quanh, nhìn ta không chút thiện ý. Ta sợ đến mức không dám nói thêm câu nào. Diêm vương à, cầu xin ngài, hãy mau thu hồn phách ta lại, cho ta đầu thai thành con quái vật kia đi!

(*) Tên thật là Hạng Tịch (232 TCN – 202 TCN), tên tự là Vũ/ Võ, còn gọi là Tây Sở Bá Vương. Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ (Lưu Bang) đầu thời nhà Hán.

***

“Mỗi khi vẽ tranh, chúng ta phải biết thâu tóm nét đẹp trước, sau đó mới để tâm điều chỉnh điểm xấu. Tiểu thư phải ghi nhớ thật kĩ… Này này này, nước dãi chảy hết cả vào giấy vẽ của ta rồi. Mau tỉnh dậy đi!”

Vị phu tử dạy ta vẽ tranh chính là một trong những người trẻ tuổi nhất, mới khoảng chừng ba mươi, chưa vợ, còn về dung mạo… nói một cách chuẩn xác, trông ngài rất giống một người thích vẽ tranh: bộ râu chữ bát, đôi mày chữ nhất, đôi mắt đỏ ngầu, chiếc mũi như Chư Bát Giới hướng thiên, cộng thêm bộ tai xòe như tai chuột. Ngài đứng ở chỗ nào chỗ đó sẽ trở thành một bức tranh đáng nhìn. Vị sư phụ này tính tình rất cổ quái, chẳng phải là bảo dạy vẽ thôi sao, không ngờ còn bắt ta tắm rửa sạch sẽ mới cho động vào giấy bút.

“Tan học rồi sao?” Ta nheo mắt nhìn về phía sư phụ. Thật sự là quá mức buồn ngủ! Bình thường ta chỉ biết gấp vịt giấy thôi, có bao giờ vẽ tranh cơ chứ.

“Tan học? Không ngờ tiểu thư dám để nước dãi chảy cả lên bảo mực của ta. Ta nói cho tiểu thư biết, ngày hôm nay tiểu thư nhất định phải vẽ được một bức tranh, nếu vẽ không giống thì đừng mong tan học.” Nghe vị phu tử này nói thế, ta liền vớ lấy bút vẽ. Không phải là vẽ tranh sao, chẳng có gì đáng sợ cả!

Khoảng nửa canh giờ sau, ta đắc ý thổi khô mực trên giấy vẽ, rồi giao bài, coi như hoàn thành mọi nhiệm vụ.

“Một đám mực đen ở đây là thứ gì hả?”

“Đúng thế, bức tranh này có tên là “Mò mẫn trong đêm.” Bức tranh vẽ một thần trộm toàn thân bận y phuc tối màu, đi ăn trộm trong một đêm đen như mực. Phu tử, ngài phải có trí tưởng tượng đôi chút chứ.”

“Tiểu thư…” Người đứng trước mặt ta bất ngờ ngất lịm.

***

“Luận ngữ dạy rằng: “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân.” Ý của câu nói này nghĩa là… Ngọc Phiến Nhi cô nương, Ngọc Phiến Nhi cô nương! Xin mời tiểu thư trả lời, câu tiếp theo câu nói này là gì?” Lão phu tử râu tóc bạc phơ ngồi trước mặt ta chính là sư phụ dạy môn đạo đức. Hàng ngày, phu tử đều ép ta phải đọc mấy thứ sách như “Nữ tắc.” Điểm nổi bật nhất ở vị sư phụ này là thích đưa ra câu hỏi, nếu không trả lời được sẽ bị đánh vào lòng bàn tay. Sư phụ đương nhiên không dám đánh thiên kim tiểu thư của Thừa tướng đương triều, cho nên mỗi lần ta trả lời sai, Tiểu Thúy sẽ bị đánh. Thật sự là rất đáng thương.

“Câu này là… “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân. Tại bang vô oán, tại gia vô oán*…” Trong lòng ta thầm vui sướng, sư phục nhất định sẽ không phát hiện được cuốn sách của ngài đã bị ta trộm. Hiện giờ cuốn “Luận ngữ nhân duyên” đang nằm ngay ngắn trên đùi ta, còn ta đang liếc nhìn rồi dõng dọc đọc to.

(*) “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân. Tại bang vô oán, tại gia vô oán.” Vật mà mình không thích thì đừng đẩy cho người khác. Thân tại nơi đất khách quê người, thì đừng gây thì chuốc oán.

Bộp! Cuốn sách của ta bị giật mất. Thôi chết… ta đã đánh giá vị sư phụ này quá thấp. Ta buồn bã cúi rạp đầu xuống bàn.

“Vốn là người tốt, tại sao làm trộm?” Sư phụ vô cùng tức giận, mặt mày bi phẫn. Ta nhìn ngài đầy kinh hãi, lẽ nào đây là người đầu tiên trong phủ Thừa tướng nhìn thấy được con người thật của ta?

“Mau đưa tay ra!” Sư phụ gằn giọng. Tiểu Thúy run rẩy đưa tay ra, trên đó đã lằn mấy vết roi cũ. Sư phụ tức thì vung thước gỗ, Tiểu Thúy quay mặt, nhìn ta bằng ánh mắt xót xa, thảm thiết.

“Đợi đã!” Ta nhanh chóng nắm chặt lấy chiếc thước đang đà xuống.

“Chuyện gì? “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” … hô hô.”

“Tiểu… tiểu thư lúc này cũng học nhanh đấy chứ!”

***

“Xin hỏi chữ tiểu thư vừa viết là chữ gì?”

“Ngọc Phiến Nhi, tên của ta.”

“Chữ Ngọc này ở đâu, còn chữ Phiến Nhi lại ở đâu?”

“Đây được gọi là chữ “thảo”. Chữ “thảo” đó, ngài có hiểu không? Bất cứ loại thư pháp nào mà đọc kiểu gì cũng không luận ra được thì đều gọi là chữ “thảo”.”

“Tiểu thư, chữ “thảo” không thể hiểu theo cách đó đâu, cổ ngữ hữu vân*…”

(*) Người xưa có câu.

“Vân? Nếu ngài thích ta sẽ vẽ tặng ngài một đám mây. Ngài xem đây chẳng phải có mây rồi sao?” Ta vừa nói vừa đặt bút xuống. Lúc này trên mặt vị sư phục dạy thư pháp đầm đìa mồ hôi. Không biết tình cảnh hiện giờ ta có nên diễn tả bằng câu : “Đạo không hợp, nửa câu cũng nhiều?”

“Tiểu thư Ngọc Phiến Nhi, tư chất hơn người, lão phu… năng lực của lão phu có hạn, hổ thẹn vô cùng, vì vậy, lão phu… lão phu sẽ xin với Ngọc Thừa tướng thôi làm sư phụ cho người… hầy… hầy…”

“Lão phu tử, ngài đi từ từ, khi nào ta luyện thành công chữ “thảo” theo phong cách nhà họ Ngọc, nhất định sẽ tặng ngài một tấm bia “Đào lí mãn thiên hạ”.” Tiễn sư phụ thư pháp đi rồi, ta ngồi xuống ghế không ngừng suy tính, “binh tới chặn binh, nước tới đắp đất.” Ta đành phải tùy cơ ứng biến thôi. Cuối cùng ta đã chọc tức khiến một vị sư phụ phải bỏ đi rồi.

***

“Tiểu thư, người đừng ngồi nữa, ngồi nhiều mông sẽ to lắm. Ta nói rồi, lúc đi, người nhất định phải ngẩng đầu, ưỡn ngực, hóp bụng. Cũng đừng nhìn ta như vậy, đặc biệt người không bao giờ được trợn mắt, miệng cũng không được há to thế. Hãy cười theo kiểu của ta này, mím môi lại, khuê nữ nhà quan thì phải tri hư đạt lễ*. Nói về lễ thì…” Không biết xuất hiện từ lúc nào, bên ngoài, một vị đại thẩm béo ục ịch bắt đầu lên tiếng đưa lời dạy dỗ ta.

(*) Học rộng, cư xử đúng lễ nghi.

“Này, bà là ai thế hả?” Giọng nói của vị đại thẩm này quả thật chua đến mức khiến người khác ghê răng.

“Tiểu thư, người tuyệt đối không được gọi ta là “bà”, còn nữa, lúc nói chuyện, đừng có nói lớn tiếng như vậy. Ta chính là sư phụ mà Thừa tướng đại nhân mới mời về. Sau này, ta sẽ dạy tất cả mọi lễ nghi cho người…” Ta thực sự chẳng thể nào nghe rõ những lời nói sau đó của bà ấy nữa, chỉ cảm thấy hai mắt tối sầm, hai chân run lẩy bẩy, và toàn thân mướt mát mồ hôi. Ông trời ơi, xin ngài hãy khai ân, ta không muốn làm đại tiểu thư nữa, hãy cho ta quay về kiếp ăn xin đi!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN