Vượt Qua Bão Giông - Phần 18
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3210


Vượt Qua Bão Giông


Phần 18


Hai ngày hôm sau tôi với Việt, chị Hà cùng mấy nhân viên nữa của hai công ty lên máy bay vào Sài Gòn.
Tôi là trợ lý của Việt nên những việc lặt vặt của anh ta do tôi sắp xếp, biết chị Hà với anh ta cần có khoảng không gian riêng với nhau nên tôi chủ động báo lễ tân đặt vé cho hai người bọn họ lên hạng khoang Thương gia, còn tôi và mấy người còn lại thì ngồi ở khoang Phổ thông bình thường.
Lúc chuẩn bị lên máy bay, tôi tay xách nách mang tài liệu và hành lý chạy lại đưa cho vé cho Việt, anh ta liếc thấy số ghế mới nhíu mày:
– Cô ngồi ghế nào?
– Em ngồi ở khoang phổ thông. Ghế của anh gần chị Hà. Ghế 13F.
– …
Anh ta định nói gì đó, nhưng đúng lúc này loa của sân bay phát thông báo yêu cầu tất cả hành khách nhanh chóng di chuyển để ra máy bay. Tôi bận rộn đủ thứ, lại xách theo cả đống đồ thế này nên nếu không đi luôn thì không kịp mất, may sao đúng lúc này chị Hà gọi:
– Việt, mình đi cửa này.
Tôi cũng gật đầu lia lịa nói:
– Đúng đấy, anh đi cửa kia. Em đi cửa phổ thông. Em chạy ra xếp hàng đây. Hẹn gặp anh lúc xuống máy bay nhé.
Nói xong thì ba chân bốn cẳng chạy biến đi xếp hàng, nhưng mới bước được bốn, năm bước thì bỗng nhiên có một lực vừa đủ kéo tôi lại từ đằng sau. Ngoái đầu lại nhìn mới biết Việt đang túm lấy cái balo nặng trịch của tôi.
Tôi ngơ ngác hỏi:
– Ơ… sao thế anh?
– Đưa ba lô đây?
– Nhưng đây là ba lô của em mà?
Anh ta tỏ vẻ không kiên nhẫn nhắc lại lần nữa:
– Đưa ba lô đây.
Lệnh sếp đã nói thì không ai dám không nghe, thế là tôi đành tháo ba lô xuống đưa cho anh ta rồi mới chạy đến cửa phổ thông đứng xếp hàng. Lúc này, Việt cũng khoác ba lô lên vai rồi đi đến cửa dành cho khoang Thương gia, đứng sau lưng chị Hà, hai người họ nói chuyện vài ba câu rồi bước vào bên trong. Còn tôi đứng ngoài này vẫn phải chờ dài cổ.
Thời gian từ Hà Nội vào tới Sài Gòn là gần hai tiếng, đêm qua tôi thức đến tận ba giờ sáng để đọc tài liệu nên tranh thủ thời gian này để lăn ra ngủ. Mãi tới khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, anh nhân viên phòng Kỹ thuật mới lắc lắc vai tôi:
– Diệp ơi, đến rồi này.
– Đến rồi hả anh?
– Ừ, em có xách hành lý của sếp không? Đưa đây anh xách hộ cho.
– Không, em có mỗi túi tài liệu thôi. Hành lý của sếp thì sếp tự xách anh ạ.
– Ừ, thế xuống thôi.
Xuống khỏi máy bay xong, chúng tôi đi thẳng đến khách sạn đã đặt sẵn. Lần này trong đoàn ngoài chị Hà ra thì chỉ có mỗi tôi là con gái nên được ưu tiên ở riêng một phòng, mấy anh con trai ở một phòng, còn Việt và chị Hà là sếp nên tất nhiên phải ở hai phòng VIP riêng.
Từ tết đến giờ mới hơn ba tháng, không khí ở ngoài miền Bắc vẫn còn lạnh nên bây giờ được quay về quê hương, hưởng thụ thời tiết ấm áp ở Sài Gòn, tôi vẫn thấy khoan khoái dễ chịu vô cùng.
Nhận phòng xong, tôi khóa trái cửa rồi lấy điện thoại gọi ngay cho anh hai. Ông ấy hình như đang họp hành gì đó nên gọi mấy cuộc thì không nghe, mãi đến hơn 4 giờ chiều mới gọi lại.
Câu đầu tiên, anh tôi nói:
– Mày bị dở hơi hả Út? Tự nhiên gọi anh làm gì thế?
– Em nhớ anh thì không được gọi à?
– Thôi đi má, thà anh tin mày gọi điện để đòi cọ xe còn hơn.
Tôi ôm bụng bật cười ha ha, bình thường anh hai tôi hay bắt nạt tôi nhưng ngoài ba ra, anh hai là người chiều tôi nhất. Không biết lần này gặp em gái với thân phận khác đi ký hợp đồng với chính công ty nhà mình, anh hai tôi sẽ nghĩ sao.
Chắc là sốc còn hơn tôi gọi điện đòi cọ xe!!!
– Anh hai bữa nay đang họp hả? Có rảnh không?
– Làm gì?
– Em ghé công ty thăm anh hai.
– Nè Út, mày đừng thần kinh nha má. Mới chiều tới đã lên cơn gì vậy?
– Thật mà. Em vào Sài Gòn rồi đó.
– Sao bảo nghỉ 30/4 mới về. Giờ mới 23/4 mà. Mày bị đuổi việc rồi hả?
– Làm gì có, tự nhiên nhớ hai nên về thôi à. Mai mốt hai có gặp em thì đừng có sốc đó nha.
Anh hai tôi là người thông minh, mỗi tội nhát gái nên hơn ba mươi tuổi rồi vẫn chưa lấy được vợ. Sau khi nghe tôi nói thế, anh hai nghĩ ngợi một lúc rồi dường như chợt hiểu ra vấn đề, đầu dây bên kia lập tức rú ầm lên:
– Này, đừng nói với anh là Út làm trong công ty Nam Việt nhé.
– Chuẩn luôn. Hai giỏi quá. Em mới vào Sài Gòn đây. Ngày mai gặp em thì anh hai đừng bất ngờ đó. Mắc công người ta nghi ngờ em.
– Út làm chức vụ gì bên đó?
– Em làm trợ lý cho giám đốc.
– Ừ, vậy để anh kiếm chuyện hủy hợp đồng.
Lần này đến lượt tôi gào ầm ỹ, phòng này cách âm rất tốt nên tôi tra tấn lỗ tai anh hai bằng cách hét ỏm tỏi:
– Anh vừa phải thôi nha. Hợp đồng lần này em phụ trách đó. Anh không ký thì em không được nhận thưởng 30/4 đâu. Ký tử tế vào, mai mốt có người yêu em còn nói tốt cho.
– Anh hai mày mà cần mày nói tốt trước mặt người yêu hả? Phụ nữ xếp hàng dài từ cổng công ty về đến nhà, anh hai còn không thèm.
– Vậy sao ba mươi tuổi rồi chưa có người yêu?
– Vì còn bận công việc, hoàn thành nghiệp lớn.
– Thôi đi ba, thất tình đau khổ 10 năm rồi chưa quên được tình cũ thì có.
– Thôi nghĩ lại rồi, hủy luôn hợp đồng từ giờ đi.
Sau một hồi đe dọa đủ kiểu, cuối cùng anh hai tôi cũng phải “vui vẻ” đồng ý ký hợp đồng vào ngày mai với công ty Nam Việt, đồng thời phải tỏ ra không quen tôi để tránh lộ thân phận trinh sát của tôi.
Cúp máy xong, tôi nằm nghịch điện thoại thêm một lúc rồi mới dậy tắm rửa, sau đó thay một bộ đồ đơn giản rồi ra ngoài cùng mọi người đi ăn.
Ban đầu, tôi lên lịch là tối nay ăn cơm trong khách sạn đang ở luôn, sau đó thì ai về phòng người ấy nghỉ ngơi rồi ngày mai đi ký hợp đồng. Nhưng lúc ăn xong thì chị Hà tự nhiên lại đề nghị mấy người bọn tôi ra phố Bùi Viện nghe nhạc, CEO của công ty đối tác đã nói thế thì không ai dám từ chối, thế là mấy người bọn tôi cũng đành phải đi.
Mỗi tội, Việt thì chẳng hào hứng mấy việc này nên chị Hà đành phải bảo:
– Anh cũng đi đi, mọi lần vào đây anh hay ra đó còn gì? Sao tự nhiên lần này lại không muốn đi?
– Hôm nay anh không có hứng.
– Bọn em đi cả mà, giờ mới 8 giờ, ở khách sạn cũng chán. Anh đi cùng với mọi người cho vui.
Mấy người còn lại cũng hùa vào rủ sếp đi chơi cùng, Việt cũng không muốn làm mất mặt chị Hà nên rút cuộc cũng phải đứng dậy đi cùng bọn tôi.
Buổi đêm cuối tuần ở phố Bùi Viện đông đúc như mắc cửi, xuống xe ngay từ đầu đường đã nghe thấy những tiếng nhạc đinh tai nhức óc cùng những ánh đèn led xanh đỏ rực rỡ, nhộn nhịp và đông đúc đến đau đầu.
Mấy anh thanh niên đi phía trước, tôi lững thững đi ở giữa, Việt và chị Hà đi phía sau. Con đường này ngày trước tôi đã đi đến mòn cả gót chân rồi, may sao Sài Gòn rộng lớn nên dù có chai mặt ở đây cũng không ai nhớ ra tôi, mấy nhân viên phục vụ của quán Bar còn ra tận đường mời:
– Chị ơi, vào trong này uống bia đi chị ơi. Bia chỗ em 20 ngàn một chai thôi à. Uống bia nghe nhạc chị ơi.
Tôi lắc đầu, quyền quyết định không phải do tôi mà là do hai người ở phía sau, bọn tôi chỉ là tôm tép thôi nên uống bia chỗ nào không phải do tôi chọn, lần đầu tiên cuộc chơi ở đây không phải do mình làm chủ, lòng tôi lại bị chất thêm một nỗi ấm ức nho nhỏ.
Đi thêm một quãng nữa, đến quán Bar lớn nhất Bùi Viện thì chị Hà bảo bọn tôi đi vào, mấy người chúng tôi chọn bàn VIP nhất ở đó, gọi ra mấy chai bia ra rồi nghe nhạc.
Chẳng hiểu sao hôm nay tôi chẳng có hứng thú gì với mấy thứ này nên chỉ ngồi nhìn, bà Hà thì cứ khoác tay Việt chỉ trỏ nói chuyện gì đó rồi cười vui vẻ, thỉnh thoảng còn quay sang tôi nửa đùa nửa thật bảo:
– Diệp ngồi một mình có buồn không đấy? Hay là chị sang ngồi với em nhé?
– Không cần đâu ạ, em đang nghe nhạc.
– Mặt ngẩn ra thế kia, chắc là đang nhớ người yêu đúng không?
Tôi cười không đáp, bà Hà thì vẫn nhây như đỉa, không những cố ý nhắc đến vụ tôi có người yêu, mà còn ép tôi phải thừa nhận việc tôi có bạn trai trước mặt Việt:
– Mà hôm bữa em nói người yêu em ở đâu ấy nhỉ? Có phải người Nam không?
– À… vâng, anh ấy là người nam ạ.
– Nếu đang ở Sài Gòn thì rủ ra đây uống bia cho vui em. Cho bọn chị xem mặt với nào, anh Việt nhỉ?
Việt không nói gì, chỉ nhếch môi cười nhạt rồi cầm chai bia lên uống. Tôi để ý thấy yết hầu anh ta lên xuống mấy lần, từng cử động rất nhỏ nhặt đều mang một vẻ quyến rũ đến phong tình, ngay cả tôi cũng chỉ dám nhìn một lần rồi quay đi chỗ khác, bảo sao phụ nữ ở ngoài kia cứ bu quanh anh ta như thiêu thân.
Bà Hà thấy thế cũng khẽ cười, dựa sát vào vai anh ta hơn rồi cầm chai bia lên:
– Sao tự nhiên lại uống một mình thế, đây, em uống với anh. Cụng chai.
Nếu có Dương ở đây, kiểu gì khi thấy bọn họ tình tứ như vậy, anh ta cũng phấn khởi nói với tôi “hai người đó kiểu gì cũng sớm gạo nấu thành cơm”, sau đó khui bia ra rồi cụng ly với tôi để ăn mừng. Nhưng hôm nay chỉ có mỗi tôi ở đây nên ngay cả bia cũng đành uống một mình vậy.
Tôi cầm chai bia lên định uống thì anh trưởng phòng kỹ thuật bỗng nhiên kéo ghế sát lại gần, bảo tôi:
– Diệp là người nam, đã bao giờ đến phố này chưa?
– Em đến rồi. Nhưng chỉ đi ngang qua chứ chưa uống bia trong này bao giờ.
– Nhộn nhịp hơn Hà Nội ấy em nhỉ? Trong này anh thấy sống thoáng hơn.
– Vâng, người Sài Gòn sống thoáng mà.
– Dễ thương nữa chứ. Dễ thương như Diệp vậy.
– Anh đừng trêu em thế chứ?
– Anh nói thật mà. Cụng chai với Diệp này.
Đang buồn mà có người nói chuyện nên tôi cũng chẳng mất công từ chối làm gì, cầm chai bia lên cụng với anh ấy rồi giới thiệu đôi ba câu về phố Bùi Viện, tiện giới thiệu thêm vài địa điểm tham quan ở Sài Gòn cho anh ấy nghe.
Ngồi uống bia và nhìn đôi tình nhân “gương vỡ lại lành” kia đến hơn mười giờ đêm thì cuối cùng cũng được ra về. Bọn tôi lững thững đi bộ ra đầu đường để lấy xe quay về khách sạn, có điều chị Hà dường như vẫn chưa biết nếp sống của người Sài Gòn nên khi ra đến bên ngoài vẫn cầm điện thoại và túi xách trên tay. Tôi chưa kịp nhắc nhở thì bỗng dưng có hai chiếc xe máy từ đâu lao đến áp sát, bọn cướp như một cơn gió giật phăng đồ của chị ấy.
Trong lúc tất cả mọi người còn đang ú ớ chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì tôi nhìn xung quanh một lượt rồi hét ầm lên:
– Cướp, cướp. Bắt cướp mọi người ơi.
Người dân ở đây đã quen với chuyện cướp giật, vả lại cũng không ai muốn dây phiền phức vào thân, sợ bị chém hoặc trả thù nên chỉ nhìn vậy chứ không phản ứng gì.
Tôi là cảnh sát hình sự, tất nhiên không thể trơ mắt nhìn như vậy được nên ngay lập tức dùng hết tốc độ, vừa cầm theo điện thoại vừa chạy theo hướng di chuyển của mấy tên cướp. May sao ngay gần đó có một ngã tư đang đèn đỏ, bọn chúng muốn vượt cũng phải giảm tốc độ nên tôi căn đúng thời điểm này, cầm cái điện thoại trên tay ném chuẩn xác vào khuỷu tay của tên cầm lái, hắn vừa bị đau vừa giật mình, theo phản xạ đột ngột buông tay lái ra khiến cả hai người trên xe lập tức ngã lăn ra đường.
Gã ngồi sau cầm túi xách có lẽ do có kinh nghiệm đi ăn cướp lâu ngày nên phản ứng cũng rất nhanh, ngã xong ngay lập tức chồm dậy rồi bỏ chạy. Hắn vừa chạy vừa gào to:
– Tao có dao đó, đứa nào đuổi tao chém.
Tất nhiên là tôi không sợ dao, nhưng nếu như tôi đuổi theo và đánh nhau với hắn thì sẽ làm người khác nghi ngờ mình. Còn nếu không truy bắt đến cùng thì lương tâm của một cảnh sát hình sự cũng không thể yên được.
Rút cuộc là tôi nên đuổi hay không nên đuổi? Nên mạo hiểm để lộ thân phận hay là nên nhắm mắt làm ngơ?
Cuối cùng sau vài giây đấu tranh nội tâm, tôi quyết định theo phe chính nghĩa. Mặc kệ người khác thích nghĩ gì thì nghĩ, tôi ngứa mắt cái lũ cướp giật ở Sài Gòn này lắm rồi cho nên không thể đứng yên được nữa. Tôi lập tức đuổi theo gã kia, lúc chạy ngang qua ngã tư còn hô to với những người xung quanh, nhờ họ bắt tên cầm lái trước:
– Thằng này mọi người bắt giúp. Thằng đang chạy kia để tôi.
– Cô gì ơi… nó có dao đấy.
– …
– Cô ơi cẩn thận đấy, nó có dao đấy, đừng có đuổi không nó chém đó.
Tôi không trả lời mà cứ thế chạy, tên kia có lẽ bị ngã đau nên bước chân bắt đầu có biểu hiện lặc liễng, bình thường hắn có chạy khỏe đến mấy cũng đã không thể so nổi với cảnh sát hình sự bọn tôi rồi, giờ bị thương thế thì lại càng khó chạy thoát được tôi.
Đến một con hẻm nhỏ, chạy đến hết đường, hắn ta như chó cùng dứt dậu nên buộc phải dừng lại, đột ngột xoay người lại rồi dùng dao chĩa thẳng vào người tôi:
– Con nhỏ kia, không phải chuyện của mày. Cút đi không tao đâm mày đó.
– Bỏ dao xuống.
– Tao bảo mày cút đi, tao nói tới tiếng thứ ba là tao đâm thật á.
– Tao bảo mày bỏ dao xuống, đưa túi xách đây rồi ra đầu thú. Khi ra tòa mày sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Bỏ dao xuống.
– Mày tưởng tao ngu hả?
– Mày đầu thú thì chỉ vào trại vài năm thôi, bỏ dao xuống đi.
– Tránh ra con khùng.
Đúng là tên cướp không biết lý lẽ, tôi đã khuyên nhủ hết lời như thế mà vẫn không chịu đầu thú, ngược lại còn vừa nói vừa cầm dao đâm về phía tôi để tìm đường chạy trốn. Tôi nhìn hắn cầm dao xông đến thì vẫn bình tĩnh vẫn đứng yên một chỗ, nhắm chuẩn lưỡi dao lúc sát đến người mình thì giơ tay lên, một tay nắm chặt lấy bàn tay đang cầm dao của tên cướp, tay còn nắm cổ tay hắn, bẻ mạnh một phát.
Bên tai lập tức nghe thấy một tiếng “Rắc”, tiếp theo đó là tiếng kim loại rơi xuống nền đường bê tông. Cái bẻ cổ tay này không trật khớp cũng gãy xương, gã đó bị đau nên kêu la oai oái:
– Á á á, con điên này, bỏ tao ra, bỏ tao ra.
– Còn to mồm hả? Tao bẻ răng mày giờ.
Tâm trạng bực tức khi nãy ở trong quán Bar của tôi không có chỗ nào phát tiết, giờ có một tên ăn cướp ngay ở đây thì vừa đúng ý của tôi. Tôi nhanh như chớp bẻ hai tay của hắn ngược về phía sau, sau đó tiện đạp vào khuỷu chân hắn một cái khiến gã đó không đứng vững tiếp được, quỳ sụp xuống đất.
Động tác bẻ tay này đã thê thảm rồi, ăn thêm một cái đạp thì chắc đau đến thốt không ra tiếng. Tên cướp ban đầu còn cứng miệng, sau khi quỳ xuống đất thì chỉ biết lạy lục xin tha:
– Chị hai ơi, em biết tội rồi. Em xin chị hai, chị hai thả em ra, em nghèo nên mới phải đi cướp. Chị hai tha cho em một lần đi chị hai.
– Ai nghèo cũng đi ăn cướp như mày thì xã hội này loạn hả? Biết tội thì vào trại cải tạo mà sám hối, xin sỏ gì.
– Chị hai tha cho em đi, em đội ơn chị hai. Em van xin quỳ lạy chị, chị tha cho em. Em còn mẹ già con nhỏ, em không đi tù được đâu chị hai ơi. Chị hai thả em đi.
Phiền phức, tôi muốn bắt hắn nhưng lại chẳng có cái còng nào ở đây, mà đúng lúc này một chiếc xe máy khác lại xuất hiện. Tôi nhìn lướt qua là biết hai người ngồi trên chiếc xe đó là đồng bọn của gã tôi vừa bắt, ban nãy rõ ràng lúc xảy ra vụ cướp, không phải chỉ có một xe mà hai xe áp sát bà Hà.
Nhưng nếu giờ tôi đánh nhau với hai gã kia, gã này chạy mất thì phải làm sao?
Đang phân vân không biết làm thế nào thì có một bóng người từ đâu xuất hiện, nhanh như chớp giơ chân đạp một cước thật mạnh vào chiếc xe máy đang chạy đến. Kết quả là cả hai tên bị bắn ra khỏi xe, đập vào tường rồi lăn xuống đường bê tông trong hẻm, nằm im không bò dậy nổi.
Vì ngược sáng nên tôi không thấy rõ ràng ai là người đạp bọn chúng, nhưng với lực mạnh như thế thì chứng tỏ phải là đàn ông, mà còn phải là đàn ông biết võ nữa. Đạp bay cả một chiếc xe máy với hai người ngồi trên đó một cách dễ dàng, nếu không có thể lực cực kỳ dã man thì không thể nào làm được.
Tôi xách theo tên cướp dưới chân mình rồi đi lại gần, ở bên kia người nọ cũng xách cổ hai tên bước về phía tôi. Lúc chỉ còn cách hơn ba mét, tôi mới lờ mờ nhận ra dáng người này rất quen, nhìn kỹ thì phát hiện ra đó là Việt.
Tôi chột dạ, giật mình luống cuống hỏi:
– Ơ… sao anh lại… ở đây?
Lần đầu tiên, tôi thấy ánh mắt luôn tĩnh lặng như nước của anh ta ẩn hiện một chút vẻ lo lắng. Việt không trả lời mà chỉ hỏi:
– Có sao không? Có bị thương không?
– Không… Sao… sao anh lại ở đây?
– Chạy theo cô.
Nhìn anh ta xách hai tên một cách dễ dàng, tôi vẫn có chút cảm giác không tin nổi. Bình thường thấy anh ta đánh Boxing rất đẹp, nhưng cơ bắp không vạm vỡ nên tôi nghĩ Việt chỉ tập cho vui thôi, ai ngờ anh ta “dã man” thế, không những bắt được cướp mà còn xách bọn chúng dễ dàng như xách hai túi rác.
Nhưng mà tại sao anh ta lại chạy theo tôi?
Trong lúc tôi đang còn ngơ ngác thì mấy người dân quanh đó cũng ào ào chạy đến, mỗi người một tay bắt cướp rồi báo công an. Cũng may công an phường ở đây không biết tôi nên không hỏi han gì, chỉ bảo bọn tôi lên phường nhận lại đồ và thuật lại chuyện đã xảy ra, tiện khen thưởng cho mấy người bọn tôi. Nhưng tôi ngại phiền phức nên chỉ nhận túi xách rồi đi về.
Ra khỏi đồn công an phường, Việt nói:
– Thằng cướp kia cầm dao, xem xem người có bị cắt phải miếng nào không?
– Không đâu ạ. Nãy nó đâm hụt em rồi trượt chân, thế là em đá con dao đi luôn nên không bị sao cả.
Anh ta quay sang nhìn tôi, ánh mắt chăm chú quan sát tôi từ trên xuống dưới giống như muốn kiểm tra xem tôi nói có thật không. Tôi sợ anh ta đang dò xét thân phận mình nên xua tay bảo:
– Em không sao, anh nhìn đây này. Chân tay có sao đâu. Thằng kia lúc nãy bị ngã xe nên trẹo chân trước rồi, em chạy theo tý là đuổi kịp.
– Cô biết võ à?
Mẹ kiếp, biết ngay kiểu gì chạy theo bắt cướp cũng bị anh ta nghi ngờ mà. Nhưng việc đã rồi, có muốn thay đổi cũng không thay đổi được nên tôi đành chống chế:
– Trước em tập Boxing với anh đấy thôi.
Việt im lặng một lát, tầm mắt vẫn không dời khỏi khuôn mặt tôi, lúc ấy ngoài việc nín thở cố tỏ ra bình tĩnh ra, tôi cũng chẳng biết làm gì hơn cả. May sao anh ta cũng không truy hỏi nữa mà chỉ bảo:
– Con gái biết võ cũng không nên làm mấy chuyện mạo hiểm như thế. Lần sau cướp thì mặc kệ cướp đi. Tính mạng quan trọng hơn.
– Vâng, em biết rồi ạ.
– Về thôi.
Lúc bọn tôi về đến khách sạn thì chị Hà cùng mọi người vẫn đang ngồi chờ. Vừa thấy tôi với Việt cầm túi đi vào, chị Hà lập tức đứng dậy chạy về phía anh ta:
– Anh sao rồi, có bị thương không? Có sao không anh?
– Không sao đâu. Túi đây.
– Trời ạ, mất ít tiền thì có sao đâu. Tự nhiên đuổi theo cướp làm gì cho nguy hiểm ra. Em xem nào, xem người có bị trớt choét chỗ nào không nào?
Chị ta vừa nói vừa nhìn quanh người Việt, tay vuốt lên cánh tay của anh ta để xem có bị đau chỗ nào không. Có lẽ vì đang có đông người ở đây nên Việt đột nhiên lùi ra phía sau, né tránh đi bàn tay chị Hà rồi nói:
– Không sao, không cần kiểm tra. Diệp mới là người đuổi theo mấy thằng cướp.
Bà Hà hơi ngớ người, nhưng ngay sau đó thì lập tức quay sang tôi, nắm tay tôi rồi tỏ vẻ xuýt xoa:
– Ôi lo cho anh Việt quá nên quên mất, em có sao không? Chị lo sốt hết cả ruột, may mà mọi người không sao. Lúc thấy em với anh Việt đi từ ngõ ra, chị mới nhẹ cả người.
– Em không sao đâu ạ.
– Chị xem nào, có bị thương ở đâu không?
– Không, em không bị sao đâu.
– Không sao là tốt rồi. Thôi hôm nay thế là quá mệt rồi, lên phòng nghỉ đi em. Tý nữa chị dặn lễ tân mang ít đồ ăn nhẹ với cao cho em nhé. Nhỡ đêm đau chỗ nào thì bôi vào.
Tôi biết chị ta đang diễn kịch trước mặt Việt nên cũng chẳng buồn để tâm, ậm ừ cho qua chuyện, mặc cho bà ấy muốn làm gì thì làm.
Bà Hà thấy tôi nghe lời thế mới hài lòng, dặn anh trưởng phòng kỹ thuật đưa tôi lên phòng nghỉ rồi chạy lại túm lấy tay Việt:
– Mình cũng lên phòng thôi anh. Hôm nay mệt rồi.
Vừa mới phát tiết xong, giờ tôi lại muốn kiếm tên cướp nào đánh một trận tiếp, đúng là chẳng hiểu sao cứ thấy bà này õng à õng ẹo với ông Việt là tôi thấy ngứa máu, như kiểu quen sống bình thường rồi nên gặp mấy con mụ sống nghệ thuật là mình thấy không quen.
Tôi không buồn nhìn nữa, đi thẳng vào trong thang máy để lên phòng, tắm rửa lại thêm lần nữa rồi mới trèo lên giường, lăn ra ngủ.
Mỗi tội cứ nghĩ đến chuyện xảy ra hôm nay thì tôi lại không tài nào chợp mắt được, cứ nhớ đến cảnh giữa một con hẻm nhỏ hẹp, không có người giúp đỡ, không có vũ khí trong tay, chỉ có một mình tôi tay không đối đầu với ba tên cướp, cứ ngỡ sẽ rất khó khăn để bắt được toàn bộ bọn chúng thì bỗng nhiên có một người đàn ông chạy đến vì tôi.
Anh ta nói “chạy theo cô”, nhưng rút cuộc chạy theo tôi vì sợ tôi bị thương hay là đơn giản chỉ chạy theo để bắt cướp?
Tôi không rõ nữa, nhưng tôi biết anh ta đã đến vì tôi… Phải rồi, dù đêm nay anh ta có ở bên người đàn bà khác thì anh ta cũng đã từng đến vì tôi, thế là được rồi.
Tôi thở dài một tiếng, trong lòng đột nhiên có cảm giác man mác buồn nên cứ lăn đi lộn lại mãi vẫn bứt rứt không yên. Đang chuẩn bị đứng dậy mở cửa sổ cho thoáng thì điện thoại bỗng dưng lại nghe tiếng gõ cửa, nhìn qua mắt mèo trên đó mới thấy có một phục vụ nữ đang đứng trước cửa phòng tôi.
Khi tôi vừa mở cửa ra thì chị phục vụ kia đã cười nói:
– Chào chị, xin lỗi vì đã làm phiền vào giờ muộn thế này. Nhưng sợ chị không có điện thoại dùng nên em phải mang đến luôn ạ.
– Điện thoại… điện thoại gì ạ?
– Điện thoại mới của chị và sim cũ ạ.
Ban nãy tôi ném điện thoại vào tên cướp, sau đó khi quay lại thì đã thấy nó mất tiêu rồi. Biết không thể tìm lại nên tôi cũng chẳng buồn tìm nữa, định đợi ngày mai đi mua cái mới rồi làm sim lại, thế mà giờ tự nhiên có người mua đồ đến tận cửa đưa tôi. Tôi ngơ ngác hỏi nhân viên phục vụ:
– Cái này là ai đưa đến đấy ạ?
– Một anh đi cùng đoàn với chị ạ. Cái anh đẹp đẹp trai ấy ạ.
– À…
Chị phục vụ đưa điện thoại và sim vào tay tôi, sau đó chào ra về. Tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ cầm điện thoại quay lại giường, lắp sim rồi bật nguồn lên mới biết đó là chiếc sim cũ của tôi. Như thế nghĩa là Việt đã nhặt được điện thoại của tôi, nhưng vì nó vỡ nát không dùng được nữa nên anh ta mới lấy sim ra và mua cho tôi chiếc điện thoại khác à?
Đang thần người ra suy đoán thì bỗng nhiên điện thoại trên tay rung lên, báo có tin nhắn đến. Lần đầu tiên Việt nhắn tin cho tôi:
– Ngủ chưa?

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (14 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN