Vượt Qua Bão Giông - Phần 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3284


Vượt Qua Bão Giông


Phần 3


Bằng một số biện pháp nghiệp vụ, hơn một tuần sau tôi đã có thể cầm một tấm bằng Kinh Tế đến công ty xuất khẩu đồ nội thất của Việt xin việc.
Anh Long nói với tôi quá trình tiếp cận với anh ta phải mất một thời gian, mà để thân thiết đến mức được biết những chuyện bí mật kinh doanh cũng tốn ít nhất vài năm. Đàn bà con gái chưa chồng mà đi một lúc mấy năm như thế, mọi người trong đội hình sự sợ tôi thiệt thòi, nhưng vì chính bản thân tôi cũng muốn mình có vài năm để quên đi những thứ mà mình muốn quên, cho nên chỉ cười:
– Vừa vặn thế. Em cũng muốn ra ngoài hít thở vài năm.
– Cái con bé này…
– Năm nay mới hai mươi hai tuổi thôi, em không muốn lấy chồng sớm để hết đời tự do luôn đâu. Mấy khi có dịp được ra ngoài đổi gió, anh cứ để em chơi vài năm cho chán đi rồi hãy bắt em lấy chồng chứ.
Anh Long thở dài, nhìn tôi bằng ánh mắt chất chứa rất nhiều điều phức tạp, thứ tôi có thể thấy rõ ràng nhất chính là sự xót thương và lo lắng, giống như một người anh trai đang quan tâm đến một người em gái. Phải rồi, anh Long đang lo cho tôi thay phần của người yêu tôi ngày xưa…
– Đi chuyến này xong về thì chuyển sang phòng hồ sơ làm việc đi. Mày còn đòi làm ở đội hình sự nữa thì anh xách cổ mày về hưu sớm đấy.
– Em biết rồi. Anh yên tâm đi, chuyến này em sẽ cố đánh nhanh thắng nhanh rồi về lấy chồng. Thế được chưa?
– Ừ, nhưng mà nghe nói cái lão Việt kia không đơn giản đâu đấy. Một đứa con riêng mà được bố giao cho công việc quan trọng như thế, chắc chắn cũng phải là đứa có đầu óc, hơn nữa cũng phải giỏi kinh doanh. Mà dân làm ăn thì mày biết rồi đấy, không khôn lỏi thì cũng đa nghi, cho nên làm gì cũng phải cẩn thận.
– Em biết rồi. Anh cứ ở nhà chờ tin tốt của em đi.
– Có gì cứ liên lạc qua số cá nhân của anh.
– Vâng, em đi đây.
Tạm biệt đội hình sự, tôi mang một thân phận khác lên máy bay đến một thành phố xa lạ, việc đầu tiên là tìm một nơi ở tử tế gần trụ sở công ty xuất nhập khẩu kia, sau đó mới ra siêu thị mua một ít đồ ăn sẵn và một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân.
Trước kia khi anh còn sống, mỗi lần thấy tôi ăn mấy thứ thực phẩm đông lạnh là kiểu gì cũng cằn nhằn, bảo tôi lười biếng không chịu chăm sóc bản thân tử tế, nhưng sau đó lại tự tay vào bếp nấu thật nhiều đồ ăn ngon cho tôi.
Bây giờ anh không còn nữa, ở thành phố này một mình cũng chẳng có ai cằn nhằn việc tôi ăn mấy thứ độc hại này, tôi có thể thỏa thích nuông chiều sự lười biếng của bản thân mà không phải lo bị anh mắng. Thế nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ thèm nghe tiếng cằn nhằn của anh, thèm nhìn thấy anh cau mày lẩm bẩm bảo tôi là đồ heo, thèm ăn những món canh thật ngon mà anh nấu…
Tôi nhớ anh… rất nhớ anh…nhớ đến quặn lòng…
Sống mũi tôi cay cay, sợ nếu tiếp tục nghĩ đến những chuyện cũ thì sẽ khóc ở nơi đông người thế này mất, cho nên đành phải lén lút lau một giọt nước mắt đang chực lăn ra từ khóe mắt mình rồi thò tay tiếp tục nhặt một gói mì, tuy nhiên cùng lúc này cũng có một bàn tay rất thon và đẹp cầm gói mì ấy lên.
Tôi ngạc nhiên ngẩng đầu lên nhìn, tình cờ bắt gặp một ánh mắt sâu hun hút của một người đàn ông, nhưng điều khiến tôi chột dạ nhất là gương mặt người này còn rất quen thuộc, xem ra người trên ảnh và người thật ở ngoài đời cũng không khác nhau nhiều lắm. Đúng rồi, anh ta chính là người mà tôi chuẩn bị phải tiếp cận, con trai riêng của Bộ trưởng X, Trần Duy Việt.
Hôm đầu tiên đến thành phố này đã gặp đúng người cần gặp, lại cùng đồng thời chọn một gói mì, đây có được gọi là tình cờ không nhỉ?
Việt chủ động rút tay về, nhường gói mì đó cho tôi. Tôi thì sau một giây lúng túng cũng ngay lập tức lấy lại tinh thần, nở ra một nụ cười với anh ta:
– Anh lấy gói mì này đi.
– Không cần.
Nói rồi, anh ta cũng không mở miệng thêm lời nào thừa thãi, xách theo chiếc giỏ nhựa xoay người đi qua gian hàng khác. Tôi theo thói quen nghề nghiệp liếc vào trong giỏ của anh ta, thấy bên trong đó cũng có rất nhiều mì gói và thực phẩm đã chế biến sẵn. Một người đàn ông có tiền, lại là giám đốc một công ty lớn mà tự đi siêu thị để mua đồ ăn sẵn như thế này, chứng tỏ anh ta sống một mình và chỉ biết chút ít về nấu nướng. Ngoài ra, tên này không cầu kỳ việc ăn uống, thậm chí có thể nói là qua loa, nhưng lại không phải là người xuề xòa luộm thuộm.
Bằng chứng là quần áo mặc trên người anh ta thẳng thớm không một nếp nhăn, các móng tay cũng được cắt ngắn, đầu ngón tay thon dài sạch sẽ, cơ thể còn toát ra một mùi hương trong lành dễ chịu. Tôi nghĩ anh ta chỉ đơn giản là không có thời gian để nấu nướng mà thôi, quan trọng hơn là bên cạnh anh ta không có phụ nữ.
Đánh giá một lượt xong xuôi, tôi hài lòng quay người lại tiếp tục chọn mì gói, lựa lúc Việt ra tính tiền thì cũng xếp hàng ngay sau lưng anh ta, giả vờ bấm điện thoại nhưng cứ năm giây một lần lại liếc xem từng cử chỉ của anh ta thế nào.
Anh Long nói “biết địch biết ta thì trăm trận trăm thắng”, cho nên tôi muốn quan sát kỹ lưỡng rồi dùng kiến thức về tâm lý học tội phạm của mình để phác họa một phần tính cách của Việt, từ đó tìm cách nhanh nhất để tiếp cận anh ta.
Tuy nhiên từ lúc chờ thanh toán đến lúc trả tiền, anh ta chẳng có biểu hiện gì cả, thậm chí máy tính của bạn nhân viên bị lỗi hệ thống, phải chờ hơn mười phút mới có thể in được hóa đơn, anh ta vẫn lịch sự đứng một bên chờ, ngay cả điện thoại cũng không lôi ra xem.
Trong lúc đang quan sát, tôi nghe thấy tiếng mấy bạn nữ xếp hàng sau lưng bắt đầu xì xào:
– Anh kia nhìn ngon trai thế?
– Trông được đấy nhỉ? Cao ráo ngon nghẻ, đúng gu của tao rồi đấy. Mày ra xin số điện thoại đi.
– Dở hơi à? Giờ tự nhiên chạy ra xin mà người ta không cho thì muối mặt hả? Tao không đi đâu.
– Muốn câu trai mà còn sợ xấu hổ à? Nhìn tao đây này. Đến khi tao xin được số điện thoại thì đừng có đòi tao cho đấy nhé.
– Xùy. Mày mà xin được tao bao mày một chầu trà sữa HongKong.
Vì muốn xem phản ứng của anh ta thế nào nên tôi chủ động nhích người sang một bên, nở một nụ cười lịch sự, tỏ ý nhường bạn nữ phía sau tiến lên. Bọn họ đều là những cô gái rất trẻ, thoạt nhìn cũng xinh xắn, một bạn lách qua tôi rồi đi đến chỗ của Việt, nở ra một nụ cười tươi như hoa:
– Anh ơi, em quên mang điện thoại, anh có thể cho em mượn điện thoại gọi nhờ một cuộc được không ạ?
Anh ta đang lơ đãng đọc hướng dẩn sử dụng của một hộp thực phẩm đóng gói, nghe thế mới ngẩng đầu lên nhìn. Tôi cứ nghĩ trước người đẹp như bạn nữ kia thì ít nhất anh ta sẽ ga lăng cho mượn điện thoại, thế nhưng sau vài giây suy nghĩ Việt lại thẳng thừng trả lời:
– Xin lỗi, tôi không thích cho người lạ mượn điện thoại.
Như một câu sét đánh giữa trời quang, gương mặt bạn nữ kia ngay lập tức cứng ngắc, có lẽ không ngờ bị từ chối nhanh như vậy nên xấu hổ lùi về phía sau một quãng, lúng túng đáp:
– À…vâng… em… em xin lỗi anh ạ.
Việt không nói thêm gì, tiếp tục cúi đầu đọc hướng dẫn sử dụng. Một lát sau, khi bạn nữ kia về đến vị trí sau lưng tôi, tôi lại nghe cô ấy hậm hực lẩm bẩm nói với cô bạn bên cạnh:
– Mẹ, người gì mà kiêu thế. Kiêu é o chịu được.
– Haha, tao đã bảo mày rồi, ai bảo mày không nghe. Trai đẹp như thế thì chẳng kiêu à?
– Nãy đứng gần tao thấy lão ấy đeo đồng hồ Rolex đấy.
– Thật á? Rolex á? Cái đồng hồ mà mấy tỉ một cái á?
– Ừ. Nhìn xịn lắm, chắc là hàng thật đấy. Lão này đại gia thật đấy mày ạ.
– Giàu thế nên kiêu là đúng rồi. Nhưng bình thường tao thấy đại gia có bao giờ tự đi siêu thị đâu, toàn người giúp việc đi thôi.
– Ai mà biết.
Bọn họ nói đến đó thì phía đằng trước Việt cũng thanh toán xong, anh ta xách theo mấy túi đồ rồi lững thững đi ra khỏi siêu thị. Tôi không muốn đi theo, sợ gây sự chú ý của anh ta rồi làm bứt dây động rừng nên thanh toán xong cũng lặng lẽ đi về.
Tối hôm ấy, tôi giở lại hồ sơ của Việt ra nghiên cứu lại lần nữa, sau đó lấy bút đỏ gạch chân vào mấy chữ Lê Minh Dương, người này là trợ lý thân cận nhất của anh ta, trong hồ sơ có ghi tính cách của Dương rất cẩn thận, dễ gần và sởi lởi, cho nên sau việc chứng kiến Việt thẳng thừng từ chối mấy bạn nữ kia ở siêu thị, tôi nghĩ nếu muốn tạo dựng được mối quan hệ với anh ta thì mình nên tiếp cận trợ lý của Việt trước.
Ngay ngày hôm sau, tôi gọi điện về cho anh Long để xin hồ sơ chi tiết của Lê Minh Dương. Ông ấy thấy tôi tự nhiên hỏi xin hồ sơ của người khác mới bảo:
– Sao thế? Em định tiếp cận gã này trước à?
– Vâng. Em thấy tiếp cận ông này khả thi hơn ông Việt kia. Tạm thời cứ dùng phương án B trước. Nếu có mối quan hệ với ông Dương thì mình sẽ rút ngắn được thời gian tiếp cận với Việt anh ạ.
– Em định làm cách gì?
– Tạm thời em cứ nghiên cứu trước rồi tìm cách thích hợp. Khi nào có phương án thì em báo cáo lại với anh sau.
– Được rồi, nhớ cẩn thận đấy.
– Vâng. Anh xin Cục giúp em nhé. Em chờ bản mail của anh đấy.
Mất ba ngày anh Long mới xin được hồ sơ từ Cục giúp tôi, tôi lại mất thêm ba ngày nữa để nghiên cứu rồi tìm phương án. Cuối cùng, tôi quyết định thử một trò giống như các clip trên mạng để tạo ấn tượng với Dương.
Tôi biết anh ta có thói quen uống café vào mỗi buổi chiều cuối tuần ở một tiệm Café ngay gần bờ hồ Hoàn Kiếm nên cũng đến đó, đợi đến khi anh ta đứng dậy ra về thì giả vờ va vào người anh ta, sau đó nhanh tay lấy ví trong túi áo vest của Dương rồi giấu vào áo mình.
Quán cafe đông người qua lại, anh sau khi bị đụng cũng không phát hiện ra điều bất thường gì, chỉ lùi về phía sau một bước, đứng thẳng dậy rồi lịch sự hỏi tôi:
– Cô có sao không? Có bị đau ở đâu không?
Tôi cũng nhẹ nhàng đáp:
– Không sao. Tôi xin lỗi, tôi không để ý nên đụng vào anh. Anh có sao không?
– Tôi không sao. Lần sau đi đứng cẩn thận nhé.
– Vâng, xin lỗi anh ạ.
Nói qua loa vài câu thì anh ta ra khỏi cửa hàng, tôi thì kiếm một góc yên tĩnh của quán café rồi ngồi xuống, đếm thời gian chờ anh ta quay lại hỏi tội tôi.
Đồng hồ trôi qua năm phút, rồi mười phút, đến gần mười lăm phút sau thì quả nhiên tôi thấy Dương đang hùng hùng hổ hổ từ bên ngoài đi vào. Cùng lúc đó tôi cũng đứng dậy đi ra, lúc đụng mặt nhau ở cửa, anh ta lập tức túm tay tôi rồi gằn giọng quát:
– Định bỏ trốn à?
– Ơ. Anh nói gì thế?
– Lúc nãy cô giả vờ đụng vào tôi để ăn trộm ví của tôi đúng không? Cô trả ví ngay cho tôi.
Tôi hơi cau mày, cố gắng giằng tay ra nhưng thực ra chỉ dùng 1/10 sức lực, nhăn mặt giải thích:
– Anh nhầm rồi, tôi không lấy ví của anh. Sao tự nhiên anh lại đổ tội cho tôi như thế?
– Lúc nãy tôi còn lấy ví ra để thanh toán, xong từ đó đến khi ra xe không hề móc ví ra. Từ nãy đến giờ chỉ có cô đụng vào người tôi thôi. Không phải cô lấy thì là ai lấy?
– Đụng vào người thì đâu phải là lấy ví ạ? Anh đừng đổ oan cho tôi như thế, tôi không lấy ví của anh.
– Cô nói không lấy đúng không? Nếu không lấy thì đổ đồ trong túi xách cô ra. Móc toàn bộ túi áo của cô ra cho tôi xem.
– Tôi không đổ, đồ đạc của tôi sao lại phải đổ ra cho anh xem.
Tôi biết mình càng nói thế thì anh ta càng thêm nghi ngờ, lúc này mọi người trong quán café nghe tiếng ầm ỹ thì ai cũng tò mò ngẩng đầu lên nhìn rồi xì xào chỉ trỏ. Dương thấy thế càng bực mình, siết chặt cổ tay tôi:
– Không đổ thì tôi với cô lên đồn công an, có gì nói chuyện với công an cho dễ.
– Anh buồn cười thế, anh bỏ tay tôi ra.
– Đi, lên đồn…
Anh ta vừa nói đến đây thì một người phục vụ từ bên trong chạy ra, trên tay cầm một chiếc ví nam màu đen, nói to:
– Anh ơi, có phải ví của anh đây không?
– Ơ…
– Ban nãy em nhặt được ở ghế của anh, hình như là của anh để quên.
Chỉ một câu nói có thể đảo ngược được hoàn toàn tình thế, tôi từ kẻ trộm trong thoáng chốc trở thành người bị hại.
Không khí xôn xao trong tiệm café ngay lập tức thay đổi, thái độ của Dương cũng ngạc nhiên và ngượng ngập đến nỗi toàn thân cứng ngắc. Anh ta buông tay tôi ra tức thì, mất mấy giây mới có thể thốt ra được một câu:
– Xin… lỗi.
– …
– Tôi… tôi giận quá nên… Tôi xin lỗi cô.
Tôi không nói gì, chỉ ôm lấy cổ tay đau rồi bỏ đi. Nhưng khi vừa ra đến cửa thì lại nghe tiếng Dương gọi to:
– Cô gì ơi.
Tôi không đáp, tiếp tục rảo bước đi tiếp, vài giây sau thì có tiếng bước chân ở ngay sát sau lưng. Giọng Dương hối lỗi nói với theo:
– Tôi xin lỗi, tôi không nên làm thế. Tôi không nên đổ oan cho cô. Tôi xin lỗi.
– …
– Tôi biết tôi sai rồi, tôi bồi thường cho cô được không?
Lúc này tôi mới dừng bước, quay đầu lại nhìn anh ta:
– Ở trước mặt mọi người anh sống chết bảo tôi ăn trộm, đòi lục túi tôi, còn đòi dẫn tôi lên đồn công an. Nếu bạn phục vụ kia không nhặt được ví của anh mà có người nào khác lấy mất thì sao? Anh dẫn tôi lên đồn công an, người ta có minh oan cho tôi thì cả quán café cũng không ai biết, họ vẫn nhìn tôi như một đứa trộm cắp. Lúc đó anh định bồi thường cho tôi kiểu gì?
– Tôi biết lỗi rồi, tôi không nên nóng giận mất khôn như thế. Tôi không có bằng chứng mà đổ lỗi cho cô thế là tôi sai. Tôi xin lỗi cô. Tôi không biết làm sao cô mới tha lỗi cho tôi, tôi xin lỗi.
– Tôi không muốn nghe. Anh đừng đi theo tôi nữa.
– Tôi mời cô đi ăn cơm một bữa để xin lỗi được không? Hay cô muốn gì cô nói cho tôi biết.
Nghe đến đây là tôi biết kế hoạch của mình đã thành công rồi, thế nhưng ngoài mặt tôi vẫn lạnh nhạt nói:
– Không cần đâu, coi như hôm nay tôi gặp xui xẻo. Anh đừng đi theo tôi nữa, ở đây là trạm xe bus, người ta nghe thấy lại tưởng tôi với anh có gì mờ ám.
– Cô đi xe bus à? Tôi đưa cô về nhà nhé. Cô không đi ăn cơm thì để tôi đưa về cho tôi đỡ áy náy. Được không?
Tôi từ chối lấy lệ thêm mấy lần nữa, cuối cùng cũng đành đồng ý để anh ta đưa mình về nhà. Trên đường về, Dương có hỏi tôi mấy câu, thấy giọng tôi không phải người miền Bắc, anh ta mới bảo:
– Diệp là người Sài Gòn à?
– Không, tôi là người Bến Tre.
– Thật hả? Diệp ra đây lâu chưa?
– Mới ra Hà Nội được một tuần thôi, hôm nay là ngày đầu tiên thử đi uống café Hà Nội.
Nhắc đến vụ uống café, gương mặt của Dương lại hiện lên vẻ áy náy. Anh ta khó xử đáp:
– À… thế Diệp ra đây làm việc hay thăm người quen?
– Tôi làm ở Sài Gòn mấy năm, giờ muốn thử ra Hà Nội xin việc xem môi trường ở Hà Nội có khác với môi trường trong kia không.
– À kiểu như muốn thử sức ấy hả?
– Ừ.
– Diệp định xin vào công ty nào chưa?
– Tôi đang xem mấy công ty thôi, định sang tuần sau mới đi nộp hồ sơ xin việc.
– Hay là Diệp thử xin vào công ty của tôi đi, sang tuần sau công ty mình đang làm việc tổ chức phỏng vấn tuyển thêm nhân viên đấy. Bộ phận nào cũng tuyển.
– Công ty của cậu làm bên lĩnh vực gì vậy?
– Bên tôi kinh doanh đồ nội thất xuất khẩu và các loại đá cao cấp xuất khẩu.
– Vậy hả?
– Ừ. Chế độ đãi ngộ công ty tôi tốt lắm, môi trường cũng năng động, nói chung là ổn. Diệp thử tìm hiểu xem, biết đâu có duyên lại trở thành đồng nghiệp.
Tôi không muốn vồ vập nên chỉ cười, bảo để tôi suy nghĩ đã. Sau đó trước khi tôi xuống xe thì Dương còn đưa cho tôi một chiếc danh thiếp, nói đây là số điện thoại của anh ta và địa chỉ ở công ty, tôi muốn đến phỏng vấn thì cứ gọi điện, hoặc cần giúp gì thì cứ nói với anh ta một tiếng.
Bước đầu kế hoạch đã thành công ngoài mong đợi, chỉ một mũi tên mà có thể trúng được hai đích, một mặt có thể tiếp cận và làm quen được với trợ lý của Việt, một mặt lại có “tay trong” để chuẩn bị đến công ty anh ta phỏng vấn, tôi nghĩ kiểu gì khi mình ôm hồ sơ tới đó, Dương cũng vì muốn chuộc lỗi mà sẽ nhận tôi, cho nên sau khi lên đến nhà thì ngay lập tức gọi điện thoại cho anh Long để thông báo tin tức.
Ông Long nghe xong thì không những không cười mà còn mắng tôi:
– Giỏi thật, em dám móc túi giữa ban ngày ban mặt như thế à? Nhỡ nó phát hiện ra, nó cho em lên đồn công an thật thì sao? Hoặc nó đánh cho mày một trận thì định sao?
– Em đã luyện tập thử mấy ngày đấy, còn lâu mới phát hiện ra. Với cả em có võ, em sợ gì lão ấy đánh em.
– Mày thì giỏi rồi. Từ giờ mà còn dám mạo hiểm như thế nữa thì anh rút em về trụ sở luôn, không cài cắm gì hết nữa đấy.
– Rồi rồi, anh không khen em à mà toàn mắng em thế? Hôm nay em làm được việc lớn mà.
– Không đánh cho mày một trận là may, còn đòi khen à? Học đâu cái trò móc ví đấy thế?
– Em học mấy clip Trung Quốc ấy, đầu óc như em sao nghĩ được mấy cái cao siêu đấy. Lúc đầu định thử xem thế nào, ai ngờ lại thành công. Tối nay phải tự thưởng cho em một bữa cơm tử tế mới được.
– Lâu nay không ăn uống tử tế à?
– Có, nhưng tối nay ăn sang hơn.
– Mày liệu đấy. Mà sao cái thằng phục vụ lại bảo nhặt được ví của lão kia?
– Em cho thằng cu ấy tiền ngay từ đầu mà. Em bảo em thích ông Dương, muốn tìm cách làm quen với ông ấy, sau đó cho thằng cu đó xem clip của Trung Quốc, thế là nó gật đầu lia lịa luôn.
– Có đáng tin không? Nhỡ lần sau nó nói lại với lão Dương kia thì sao?
– Anh yên tâm đi, em xử lý ổn thỏa hết rồi.
– Được rồi, có gì thì nhớ báo với anh.
– Vâng.
Cúp máy xong, tôi hài lòng cầm một cốc Café rồi ngồi xuống bàn làm việc, vừa nhâm nhi café vừa nhìn bầu trời trong xanh qua cửa sổ. Thời gian trôi qua nhanh thật, mới đó mà đã mấy tháng Lâm rời xa tôi rồi, một nửa tội phạm buôn ma túy ngày hôm đó đã trốn thoát vẫn chưa bắt được, ngày nào chưa tóm hết được bọn chúng thì ngày đó anh vẫn chưa được yên nghỉ, mà tôi cũng không thể nào thanh thản.
Chỉ tiếc chuyên án đó anh Long nhất quyết không cho tôi tham gia, mà tôi cũng không tài nào điều tra ra được băng đảng tội phạm đó là ai cả.
Tôi thở dài một tiếng, nhấp thêm một ngụm café rồi cúi đầu nhìn xuống tập hồ sơ chuyên án 34X, nét mặt bình thản của Trần Duy Việt trên tấm ảnh 3×4 trên đó bỗng dưng làm tôi bật cười.
Tôi sẽ cố gắng kết thúc chuyên án này sớm để trở về tiếp tục điều tra về cái chết của Lâm nhanh thôi…
***
Lời tác giả: Các bạn thấy đoạn này Diệp đỉnh chưa????

Yêu thích: 3.7 / 5 từ (17 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN