Xin Hãy Quên Em
Chương 13
Tuần kế tiếp Xan như đổ thêm dầu vào lửa, anh không chỉ đến vào các ngày đã chọn nữa mà ngày nào cũng đến và ở lại đến tận khuya. Việc đó khiến cuộc sống của tôi rối tung lên, nhưng tôi lại không thể giới hạn thời gian anh được ở bên Milly.
“Con bé rất quý anh ấy,” tôi kể cho Jenny nghe khi chúng tôi ăn tối tại nhà hàng Chez Christophe ở Hammersmith Grove. “Anh ấy không muốn rời xa nó. Em ngạc nhiên khi thấy anh ấy vui nhường nào khi ở bên con bé.”
Jenny bẻ một mẩu bánh mì. “Có lẽ anh ta cũng muốn ở bên cạnh em nữa đó.”
“Anh ấy muốn sống với cả hai mẹ con em – như một gia đình.” Tôi thầm nhủ không biết Jenny có lấy làm hối tiếc khi không được sống chung với cha của Grace như một gia đình hay không. “Mặt khác thì sự có mặt của Patrick vô tình tạo ra sự ganh đua giữa hai người.”
“Tất nhiên là thế,” Jenny nói. “Từ những gì em nói thì Xan đang cố bảo vệ lãnh thổ của mình theo cách cổ điển nhất, mặc dù thực ra anh ta không có quyền làm thế.” Chị rót một ít sôđa vào hai cái ly. “Sự thật là sự có mặt của Xan đã gây khó chịu cho anh ta, nếu biết những gì Xan đã làm trước đó.”
“Em cũng đoán thế. Việc anh ấy về đã gây nhiều xáo trộn,” tôi buồn bã nói.
“Anna này, chị nói thẳng nhé?” Jenny ướm thử. “Em có thể hạn chế được những căng thẳng không cần thiết bằng cách vừa tỏ ra công bằng với Xan, đồng thời tôn trọng những tình cảm của Patrick nữa.”
Tôi nhúng một miếng bánh mỳ vào dầu ôliu. “Nói thì dễ chị ạ.”
“Chị thấy em có vẻ để Xan ở bên cạnh Milly nhiều quá.”
Tôi gạt phắt đi. “Một người cha ở bên con gái mình bao nhiêu là nhiều? Trẻ con cần cha chúng.” Jenny trố mắt nhìn tôi. “Em xin lỗi,” tôi vội nói. “Em không có ý phê phán chị.”
“Chị không sao mà,” chị thản nhiên đáp. “Tất nhiên là trong hầu hết mọi trường hợp trẻ con cần có cha. Nhưng nếu em nghiêm túc trong mối quan hệ với Patrick, em phải cương quyết hơn với Xan và không để anh ta có quá nhiều thời gian với Milly như thế.”
Tôi xoay người trên ghế. “Em biết chứ. Giờ đây cứ gặp Patrick là bọn em lại cãi nhau về Xan – thế mới chán.”
Jenny nhún vai. “Thế em nghĩ là gì chứ? Anh ấy chỉ vừa mới củng cố quan hệ giữa hai người thì Xan quay lại và bắt đầu chiếm lấy em và Milly như thể anh ta có cái quyền ấy. Thật khó cho Patrick. Đặc biệt là trong hoàn cảnh của anh ấy.”
Tôi cầm thực đơn lên. “Em biết… Em có nghĩ về điều đó.”
“Cẩn thận đấy, Anna ạ,” Jenny cảnh báo tôi. “Em sẽ không muốn mất Patrick đâu.”
“Không, tất nhiên là em không muốn rồi,” tôi đáp thật khẽ.
“Trước khi Xan quay về thì dường như em rất đang hạnh phúc với Patrick?”
“Em nghĩ là thế. Bây giờ thì em thấy… bối rối.”
“Bởi vì em thích thú vì sự có mặt trở lại của Xan, đúng thế không?”
“À… vâng, đúng thế.”
Quả đúng như vậy. Tôi thích được có Xan bên mình. Thích được đi đây đi đó với anh và Milly – đi bơi ở câu lạc bộ dưỡng sinh, dạo chơi trong công viên, đi thăm Viện bảo tàng Lịch sự Tự nhiên hay là vườn thú. Tôi hầu như cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi làm những việc đó cùng người cha của con gái mình dù đôi khi vẫn thấy áy náy và có lỗi với Patrick. Tối Chủ nhật hôm sau, khi tôi đang ở trong bếp, vừa làm món gà cho Milly ăn khuya vừa nghĩ vẩn vơ về chuyện đó thì chuông điện thoại reo. Thật ngạc nhiên khi người gọi đến là bà Morea, người mà tôi đã gặp ở bữa tiệc gia đình nhà Eđward, bà ta muốn tôi đến xem xét khu vườn của mình.
“Tôi rất sẵn lòng,” vừa nói tôi vừa với tay lấy quyển sổ tay. “Nhà bà ở Belsize Park phải không ạ?” Tôi nghe tiếng Milly cười đùa cùng Xan ở trong phòng khách. Hai ba con đang chơi trò chơi.
“Grrrr!” tiếng Milly gầm gừ.
“Grrrrrr!” đến lượt Xan.
“Đúng là Belsize Park. Nhà chúng tôi ở đường Eton.” Bà Morea đáp và tôi chép vội cái địa chỉ. “Cô có thể đến vào sáng thứ Ba được không – tầm 9 giờ ấy vì 10 giờ tôi phải đi làm tóc rồi.”
Tôi sung sướng vì bà ta đã nhớ mà gọi mình nên đồng ý ngay mặc dù tôi thường không gặp khách hàng sớm đến như vậy. Chắc tôi phải nhờ ba tôi đưa Milly đi đến lớp học hè ở Hammersmith nơi con bé vừa bắt đầu tham gia. Khi tôi đang tẩm bột cho mấy miếng thịt gà thì điện thoại lại reo; trước khi tôi kịp rửa tay thì Xan đã chạy ra nghe máy.
“Xin chào,” tiếng anh vẳng ra. “Vâng, cô ấy có nhà… Tôi có biết ai đang gọi không ạ?…À, chờ chút nhé – để tôi xem cô ấy có nghe máy được không. Là Paddy đấy.” Xan cười mỉm khi đưa máy cho tôi. “Anh nghĩ là anh ta đang nổi khùng đấy,” anh huýt sáo với điệu bộ trêu ngươi.
“Anh Patrick,” tôi nói và trừng mắt nhìn Xan. “Chào anh!”
“Anh ta làm cái quái gì mà lại nghe điện thoại của em?”
“À, tay em đang dính đầy bột mì…”
“Anh không hề muốn gã bạn trai cũ của em nghe máy mỗi khi anh gọi đến.”
“Anh ấy chỉ muốn giúp thôi mà,” tôi thở dài.
“À vâng!”
Xan nhe răng ra với tôi, vui sướng vì chiến công nho nhỏ của mình. “Bữa tối sắp xong chưa em yêu?” Anh hét lên.
“Cái gì vậy?” Patrick nổi cáu.
“Xan… hỏi là bữa ăn nhẹ của Milly đã xong chưa. Anh nghe này, đây không phải là lúc thích hợp đâu. Em sẽ gọi lại cho anh sau – ngày mai mình gặp nhau nhé, được không anh?” Tôi đặt điện thoại xuống và quay lại nhìn Xan. Jenny nói đúng. Thái độ của Xan thật là khiêu khích. “Anh đừng làm thế nữa nhé. Em để anh đến đây thoải mái nhưng anh phải xử sự đúng mực chứ.”
“Ồ…” Xan nhún vai. “Anh chỉ muốn trêu anh ta một tý thôi. Thằng chả lúc nào cũng căng thẳng như thể em sẵn sàng nhảy vào lửa vì chả.”
“Chính anh đang làm cho anh ấy căng thẳng như thế – và anh không phải trả lời điện thoại cho em nữa.”
Xan giơ hai tay lên ra giấu đầu hàng. “Được thôi. Không cần thiết phải tranh luận nữa.” Anh mở tủ lạnh và lấy ra một lon bia. “Kỳ nghỉ của em ở Cornwall có thể chẳng hay ho gì đâu,” anh nói thêm với giọng mỉa mai. “Nhưng em biết không, Anna…” anh bật lon bia.
“Gì cơ?”
“À… em có thể hủy chuyến đi đến Cornwall cũ kỹ chán phèo để đến Tây Ban Nha.”
Tôi trố mắt nhìn anh. “Tây Ban Nha?”
“Ừ.” Xan nắm lấy tay tôi. “Cuối cùng thì Milly có thể gặp ba mẹ anh rồi. Rồi chúng ta có thể đến Seville và cùng nhau thư giãn trên bờ biển.” Anh nắm chặt bàn tay tôi. “Em nghĩ thế nào?”
Tôi bỗng nhớ lại những phút giây tôi hằng mong có một lời đề nghị như thế từ anh trong quá khứ.
Xan quệt bàn tay tôi lên môi anh. “Đi với anh nhé,” anh thì thầm. Tôi không đáp. “Làm ơn đi mà. Anh muốn em và Milly sang Tây Ban Nha với anh.”
Tôi chớp mắt một vài lần, như thể mình đang trải qua một giấc mơ khá là đẹp nhưng hơi bất ngờ.
“Em xin lỗi, Xan, nhưng đơn giản là không thể được. Anh cố tình lờ đi sự thật là giờ đây em đang hạnh phúc với Patrick; và thậm chí nếu không thế thì tại sao em lại phải đi đâu đó cùng anh khi mà năm tuần nữa anh lại ra nước ngoài?”
“Điều đó đúng,” anh nói. “Nhưng anh cũng đang nghĩ là lần này có thể anh sẽ đưa em và Milly đi cùng.”
***
Vào buổi sáng ngày thứ Ba tôi nghe tiếng Luisa ra khỏi nhà từ sớm để đến lớp học tiếng của nó như thường lệ, khóa học sáu tháng của nó sắp kết thúc. Thật là thừa để nhắc lại là tôi cảm thấy thất vọng như thế nào về kết quả học tập của nó.
Tôi ăn sáng qua loa khi ba tôi đến để trông Milly và đưa nó đến lớp học hè.
“Trời ơi Ba!” tôi thất thanh khi ra mở cửa. “Chuyện gì xảy ra vậy ạ?” Mắt trái của ông tím bầm với cái mí bị sưng tấy lên. Tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là cái tròng mắt xanh lè. “Chuyện gì vậy ba?”
Ông bước vào va lắc đầu. “Ba… bị tai nạn. Đêm hôm qua.”
“Không phải tai nạn,” tôi nói. “Ba bị đánh.”
“À…ừ,” ba tôi miễn cưỡng thừa nhận. “Ba chỉ hơi bị…giống một gã khờ thôi.” Ông thở dài, trông ông giờ đây thật thảm hại và già cỗi, dáng vẻ tôi chưa bao giờ nhìn thấy trước đây. “Thực ra thì, Anna ạ, ba đã xử sự như một lão già ngốc nghếch…”
“Như thế nào? Ba đã làm gì vậy?”
“Ba sẽ kể cho con nghe sau – nhưng giờ con phải đi không thì muộn mất. Ba sẽ bảo Milly rằng ba bị ngã. Nó đâu rồi?”
“Đang xem phim Andy Pandy. Milly ơi, ông ngoại đến nè con!”
Tôi lao ra xe, trong đầu quay cuồng câu hỏi ai đã đánh ba tôi và lý do vì sao – có lẽ là một trong những cô “bồ nhí” của ba tôi đã nổi cáu khi thấy ông nói dối về tuổi của mình. Nếu quả đúng như vậy thì người đàn bà đó quả thật cũng chẳng phải vừa.
Tôi thắt dây an toàn rồi bật cái khóa điện. Tất cả những gì phát ra chỉ là một tiếng ọ ẹ rất khẽ.
“Không phải chứ,” tôi than thầm. Tôi thử lần nữa nhưng cũng chỉ có một tiếng tạch mà thôi. “Cái gara quái quỉ thật – mình cứ ngỡ là họ đã sửa rồi cơ mà.”
Tôi nhìn đồng hồ. Đã tám giờ mười lăm. Tôi gọi điện thông báo cho bà Morea rằng sẽ đến muộn hai mươi phút rồi chạy đến ga tàu điện ngầm Shepherd.
Len lỏi trong toa tàu đông nghẹt người tôi thầm nhủ mình thật may mắn khi không phải dùng phương tiện này hằng ngày, giống như ngày xưa khi tôi còn làm trong thành phố. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khó chịu ở đây, nhất là trong những ngày oi bức. Chiếc sơmi bằng gấm của tôi ướt đẫm còn mái tóc mới gội dính bết vào da đầu khi tôi xuống tàu ở đường Tottenham Court. Rồi tôi đi dọc mấy bậc thang xuôi xuống ngã tư Northern Line mà trong lòng cảm thấy mệt mỏi và bất an. Tôi không tài nào đến được đường Eton trước chín giờ bốn mươi lăm mà đến mười giờ bà Morea đã phải đi rồi.
“Đi nhanh lên nào!” tiếng người bảo vệ hét lên như thể những người đi đường là một đám súc vật. “Đi nhanh lên!”
Đầu tôi đau buốt, tôi cảm thấy buồn về chuyện của ba tôi và hoàn toàn bối rối về Xan – chuyện khiến tôi khó ngủ. Tôi đang đứng giữa một ngã ba đường – quyết định đi về đâu khiến tôi chán chường và mất phương hướng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ con tôi đi cùng Xan? Đột nhiên người phụ nữ đang đi trước mặt tôi vung cái túi qua vai và quất thẳng vào mặt tôi mà không hề hay biết việc mình vừa làm, nói gì đến một lời xin lỗi. Tôi bật khóc vì đau và ấm ức, hai mắt nhòe đi khi vẫn đang bước trên đường, trong đầu chỉ văng vẳng tiếng những bước chân vội vã của đám đông đi xung quanh tôi.
Chợt tôi nghe thấy ai đó đang chơi đàn ghita và hát: từ đằng xa thế giới là một màu xanh thẫm và những đỉnh núi phủ tuyết trắng. Bao nhiêu bức bối trong lòng tôi tự nhiên vơi đi và nhịp tim chậm lại khi tai tôi nghe thấy những lời đó: từ đằng xa nơi những dòng sông hòa vào đại dương và chú chim ưng tung cánh bay lên.
Tôi hít một hơi thở sâu đầy nhẹ nhõm rồi cố gắng lách người qua cái đường hầm đông đúc, mắt hấp háy chậm rãi và kẹp sát cái cặp vào bên hông.
Từ đằng xa có tiếng đàn môi. Nó văng vẳng xuyên qua miền đất này…Chất giọng cao và trong của người phụ nữ có vẻ rất hợp với lời bài hát của Nancy Griffith. Cũng như của Luisa, giọng hát đó khiến tôi bình tâm trở lại.
Đó là âm thanh của hy vọng, đó là âm thanh của hoà bình…Tôi thầm cám ơn cái hiệu ứng tích cực mà giọng hát mang lại nên đã mở cặp xách và lấy ví ra. Đó là âm thanh của tất cả chúng ta.
Tôi tiếp tục đi và kiểm tra số tiền lẻ trong ví. Mình nên cho cô ta bao nhiêu nhỉ? Một bảng chăng? Không – ít nhất là hai bảng. Cô ta có một giọng hát thiên tài.
Từ đằng xa chúng ta đã có đủ…Tôi rút ra ba bảng…và không còn ai đói khát nữa.
Tôi không thể nhìn thấy cái túi đựng tiền vì nó bị che khuất bởi quá nhiều người nhưng tôi có thể trông thấy người ca sĩ và liếc nhìn cái túi đựng đàn của cô ta, giờ nó đã đựng đầy đồng xu.
Giờ thì không còn súng, không còn bom, không còn bệnh tật nữa…Tôi thả tờ ba bảng vào và ngước nhìn lên. Không còn ai phải đói khát nữa. Tôi thấy nhói đau trong lòng ngực. Từ đằngxa chúng ta là những cây đàn…Đúng là giọng của Luisa rồi… cùng hòa âm trong một dàn nhạc.
Nó quay mặt đi chỗ khác, mặt đỏ bừng.
Hát những bài ca hy vọng, những bài ca hoà bình, những bài ca của tất cả mọi người. Chúa đang ngắm chúng ta… Nó vẫn tiếp tục hát trong khi tôi lẩn sang một bên, giọng của nó càng trở nên da diết hơn. Chúa đang ngắm chúng ta…
Khi tôi quay lại nhìn vào cái túi đựng đàn ghita của Luisa một lần nữa, tôi mới hiểu nó lấy số tiền kia ở đâu ra và vì sao nó chẳng học thêm được chút tiếng Anh nào.
Chúa đang ngắm chúng ta…Tôi quay mặt bước đi. Từ đằng xa.
Trở về nhà lúc 11.30, tôi chuyển những tấm ảnh chụp vườn nhà bà Morea vào máy tính và bắt tay vào những thiết kế sơ bộ. Đến một giờ kém mười, tôi nghe thấy tiếng chìa khóa tra vào ổ khóa cửa trước khi Luisa đón Milly về từ lớp học hè.
“Mẹ ơi, con về rồi,” tiếng Milly hét lên.
“Chào con yêu,” tôi bước xuống cầu thang và chào con gái. “Hôm nay con vui chứ?” Nó gật đầu. “Mẹ chuẩn bị bữa trưa cho con rồi.” Nó chạy vụt vào mở ngăn tủ bếp và lấy ra món ưa thích của mình. Tôi lấy ghế cho con ngồi.
Luisa xuất hiện ở cửa phòng bếp sau khi đã lên gác cất đàn ghita. “Chị Anna,” nó thỏ thẻ, “em xin lỗi.”
“Em chờ chị ở phòng khách nhé, Luisa.” Nó gật đầu. “Chị muốn em nghe cái này.” Rồi tôi ấn nút Play ở máy ghi âm điện thoại. “Người này gọi sáng nay khi chị không có nhà.”
“Ờ… đây là tin nhắn cho cô Anna Temple. Tôi là John Cox gọi từ trường Anh ngữ Bayswater.” Tôi thấy mặt Luisa đỏ ửng lên. “Tôi xin lỗi vì đã không gọi cho cô sớm hơn – nhưng tôi biết là cô nóng lòng muốn biết về tình hình học tập của một học sinh tên là Luisa Vanegas. Tôi nhớ mang máng là em này có tham gia một vài buổi học của tôi hồi tháng Hai. Nhưng sau một hai tuần tôi không còn thấy em đến lớp nữa, và vì có quá nhiều học sinh đến và đi trong suốt quá trình học tập nên tôi cứ nghĩ rằng em học sinh đó không tiếp tục tham gia khóa học nữa. Rất tiếc đó là tất cả những gì tôi biết về em này, hy vọng có thể giúp ích cho cô phần nào. Xin chào.”
Tôi ấn nút Stop khi hai tiếng bíp vang lên.
“Chị biết là vốn tiếng Anh của em không nhiều lắm nhưng hy vọng là em có thể hiểu đoạn vừa rồi,” tôi bảo Luisa.
“Vâng,” nó đáp khẽ.
“Sáng nào em cũng đi hát rong à?” Nó gật đầu. “Từ mấy giờ?”
“Từ 7.30 đến 11.30.”
“Ra thế. Em chỉ đứng ở đường Tottenham Court thôi à?”
“Cả ở rạp xiếc Oxford ở đường Bond nữa. Và cả những nhà ga đông người.”
“Vậy chắc em kiếm được kha khá tiền đấy nhỉ?”
“Vâng,” nó lí nhí đáp.
“Chị trả học phí cho em đi học. Thế rồi mỗi buổi sáng em giả vờ đến lớp nhưng lại không đi. Em lãng phí tiền của chị và thời gian của chính em.”
Nó lại đỏ bừng mặt rồi chìa ra một xấp năm mươi bảng. “Chị Anna, đây là năm trăm bảng. Em định đưa cho chị lúc em đi. Em rất xin lỗi,” nó nói rồi để số tiền lên bàn. “Em cảm thấy thật có lỗi.” Cặp mắt to màu nâu của nó ngân ngấn nước. “Chị đã rất tử tế về em, chị Anna.”
“Không, không phải là tử tế về em. Mà là tử tế với em.” Milly vào phòng từ nãy giờ và chăm chú hết nhìn tôi lại quay sang Luisa, dường như nó biết được một việc nghiêm trọng đang xảy ra ở đây. “Nếu em cần tiền thì em phải nói với chị chứ,” tôi nói tiếp. “Chị có thể tìm cho em một việc làm thêm buổi tối hay cuối tuần để em vẫn có thể học tiếng Anh.”
“Ồ, nhưng mà em không làm việc đó vì tiền,” Luisa vừa lau nước mắt vừa nói.
“Vậy ư?”
“Em rất bất ngờ với số tiền mà em kiếm được… Nhưng em chỉ muốn… chú ý… er… không chú ý.”
“Được chú ý?” Tôi chỉnh lại. “Em hy vọng mình được chú ý?”
Nó gật đầu rồi khịt khịt mũi. “Một người bạn của em ở Marbella, nó chơi nhạc rông ở tàu điện ngầm – bằng đàn viôlông – và nó kiếm được việc ở một ban nhạc đàn dây. Nó biểu diễn ở Festival Hall.”
“Chị hiểu rồi.” Vậy ra đó là “những cơ hội tốt hơn” mà Luisa đã mong là sẽ tìm thấy khi đến Luân Đôn.
“Nhưng em sợ rằng khi chị biết được hằng ngày em làm gì chị sẽ rất giận về em.”
“Không, Luisa à – Chị rất giận em.”
“Em cảm thấy rất tồi tệ,” nó thổn thức.
Giờ thì tôi đã hiểu vì sao nó mua món quà đó cho Milly, vì cảm thấy có lỗi, vì sao nó lúng túng khi tôi gợi ý nó tiết kiệm tiền, và vì sao nó sụt cân và sắm thêm một vài bộ quần áo mới – phòng trường hợp nó được đi biểu diễn.
“Em cũng sợ rằng nếu chị biết được việc em đang làm – chị sẽ gói em.”
“Không phải gói em, mà là sa thải em. Em lo lắng rằng chị sẽ sa thải em phải không?”
“Vậy…?” Nó ngước mắt nhìn tôi với vẻ sợ sệt.
“Chị e là chị phải làm vậy.”
“Tôi phải sa thải nó thôi,” tôi nói với Jamie buổi sáng hôm sau khi chúng tôi đi đến nhà Pippa và Gerald bằng chiếc xe bán tải màu xanh của cậu ta – xe của tôi đã đem đi sửa. “Nó lừa dối tôi suốt sáu tháng liền. Thật không thể chấp nhận được.”
“Chị nói đúng…” cậu ta đáp khi chúng tôi băng qua đường Hammersmith. “Nhưng có vẻ hơi đáng tiếc vì chị rất quý nó – và nó đã hoàn lại tiền khóa học cho chị rồi. Khi nào nó đi?”
“Tôi cho nó bốn tuần để nó có thể tìm kiếm một công việc khác.”
“Milly sẽ rất buồn cho mà xem,” Jamie xi nhan rẽ trái rồi lái chậm lại.
Tôi bỗng thấy một chút ân hận. “Tôi biết chứ.” Trong hoàn cảnh tôi đang bị khó xử với Xan và Patrick thì việc để một cô giúp việc ra đi lúc này thật không phải là một ý kiến hay. “Nhưng tôi rất giận Luisa. Bây giờ vẫn thế.”
“Có bao giờ chị thấy con bé ra khỏi nhà với cây đàn ghita chưa?”
“Chưa, vì nó thường đi từ rất sớm để có thể gặp được những người đi làm vội buổi sáng – trong số họ, nó hy vọng sẽ có ai đó làm trong lĩnh vực âm nhạc.”
“Nhưng nó lại không đi vào mỗi cuối tuần?”
“Không, vì lúc ấy thính giả của nó chỉ là những bà nội trợ và khách du lịch – nó không muốn đi hát dạo để kiếm tiền.”
“Chắc nó phải hát hay lắm mới kiếm được nhiều như thế.”
“Vâng,” tôi đồng ý với Jamie khi chúng tôi đến đường Eden. “Nó kể với tôi là mỗi buổi sáng nó kiếm được tám mươi bản g- cộng với số tiền lương của một cô giúp việc mỗi tuần nó có gần năm trăm bảng. Nó đến ngân hàng và đổi ra tiền có mệnh giá lớn.”
“Tại sao nó không gửi tiết kiệm?”
“Vì không có tài khoản. Tiếng Anh của nó không đủ để điền vào tờ khai mở tài khoản, mặt khác nó sợ phải đóng thuế. Tôi sẽ mở giúp cho nó một cái. Nó muốn chuyển nửa số tiền về cho ba mẹ nó đang rất khó khăn ở nhà.” Tôi thấy xao lòng khi nói ra điều này. “Mấy giờ thì người của anh đến?” Xe chúng tôi đã gần đến nhà Pippa.
“Tôi bảo họ gặp nhau ở đây trong vòng nửa tiếng nữa. Nhưng trước tiên tôi muốn đi xem một vòng với chị để chắc chắn về những thứ mà chúng tôi sẽ cắt bỏ đi. Tốt rồi, tất cả đã sẵn sàng. Chị xuống đi.”
Tôi nhìn cái máy cắt cỏ và máy cưa vòng mà Jamie để ở thùng xe tải trong khi cậu ta đậu xe, những thứ cần thiết để thực hiện công việc cắt tỉa. Tôi ấn chuông và Gerald ra mở cửa.
“Xin chào,” anh ta nói và bắt tay chúng tôi rất chặt.
“Đây là Jamie Clark, anh ấy và đội của anh ấy sẽ bắt đầu công việc ngay sáng nay. Tôi sẽ chỉ cho anh ấy phải cắt tỉa những gì rồi tôi sẽ quay trở lại lúc ba giờ.”
Chúng tôi đi vào bếp nơi chị Pippa đang cho lũ trẻ ăn sáng. Trên bàn bày đầy trứng luộc, bánh mì và bánh quy Rice Krispies.
“Chào hai người,” chị ra dấu với chúng tôi. “Xin lỗi vì cái mớ lộn xộn ở đây nhé.”
“Mớ lộn xộn đáng yêu đấy chứ,” Jamie nói. “Chị có những đứa trẻ thật tuyệt vời.”
“Cám ơn anh,” Pippa mỉm cười. “Tôi sẽ đưa chúng đi chơi khi các anh bắt đầu làm việc.”
“Phải đấy chị. Sẽ rất ồn và cũng khá nguy hiểm, bọn tôi sẽ đi qua đi lại trong nhà với những thứ đồ nghề này nên lũ trẻ cần được đưa đi chỗ khác.”
Gerald mở cửa sau.
“Ôi trời ơi,” Jamie than thầm khi chúng tôi bước ra ngoài. “Tôi đã thấy những gì chị tả, Anna ạ. Việc này phải mất hai ngày,” cậu ta nói thêm khi tôi dẫn cậu ta đi xem những gốc và bụi cây sẽ phải chặt bỏ hoặc là tỉa bớt đi.
“Thật đáng tiếc khi nó trở nên như thế này,” Gerald nói khi Pippa và lũ trẻ theo chân chúng tôi ra vườn. “Nó vốn đẹp lắm cơ.”
“Thật à?” Jamie nói rồi đá một quá bóng nhỏ màu xanh về phía một trong hai đứa sinh đôi.
“Vâng, vợ trước của tôi là một người làm vườn xuất chúng.” Tôi hấp háy mắt một cách kín đáo.
Jamie gật gật đầu. “Tôi hiểu rồi.”
“Ồ, thật vậy mà, bà ấy không bao giờ để cho khu vườn thành ra như bây giờ.”
“Đúng rồi,” Jamie nói.
“Bà ấy chăm nó từng ly từng tý.”
“Tuyệt thật,” Jamie đáp với giọng uể oải. “Nhưng lúc đó bà ấy không phải trông một lúc ba đứa trẻ. Làm vườn là việc mất rất nhiều thời gian.”
“Đúng vậy, nhưng bà ấy có thể trồng bất cứ cây gì. Bà ấy đã dành huy chương đồng ở triển lãm Chelsea năm 1986 đấy anh bạn ạ.”
“Kinh nhỉ. Chị Anna này, cây gỗ ốc chó này thì sao? Bỏ nó đi thì thật tiếc.”
“Không. Chỉ cần chuyển nó ra góc kia thôi.” Tôi cho cậu ta xem các bản vẽ một lần nữa.
“Được đấy,” Jamie gật gù. “Ý kiến hay.” Điện thoại kêu và Jamie nghe máy. “Harry hả? Năm phút nữa cậu và Stefan đến à? Tốt quá. Thế cậu có mang tai nghe đi không?” Cậu ta ném về phía Gerald một cái nhìn kín đáo. “Vì tôi cần dùng chúng.”
“Chúng tôi sẽ trải mấy tấm lót sàn ở trong nhà,” tôi giải thích với chị Pippa. “Ngoài ra cái bàn sẽ được chuyển ra khỏi sảnh cùng mấy bức tranh. Chị có thể chỉ cho Jamie chỗ nào để đặt chúng được không, Jamie và người của anh ta sẽ chuyển chúng đi.”
Khi Harry và Stefan đến thì tôi gọi một chiếc taxi về nhà. Trên đường về tôi gọi cho ba tôi để xem ông thế nào. Ông không nhấc máy nên tôi gọi vào di động.
“Ba vừa từ bệnh viện Charing Cross về,” ông nói. “Bác sĩ riêng của ba bảo ba đi chụp phim để xem xương gò má có làm sao không.”
“Thế có làm sao không ạ?”
“May là vẫn bình thường. Người ta cho ba mấy viên giảm đau và bảo ba nghỉ ngơi.”
“Hay ba sang nhà con rồi cùng ăn sáng?” Tôi bảo ba tôi. “Rồi nếu muốn… ba có thể kể cho con nghe chuyện gì đã xảy ra…”
“Chắc phải mất một tháng mới lành hẳn được,” ba tôi nói nửa giờ sau đó khi hai cha con đang ngồi trong bếp, cánh cửa hậu mở toang và ánh sáng mặt trời ngập tràn căn phòng.
“Con thấy cũng nghiêm trọng đấy chứ.”
“Ừm, tệ thật, và cũng thật chướng mắt nữa.” Ba tôi nói. “Mọi người sẽ nghĩ ba bị đánh hội đồng.”
“Không phải như thế chứ ba?”
“Không hẳn thế,” ông đáp một cách mệt nhọc. “Ba chỉ bị…” Rồi ông thở dài. “Anna này, ba quả thật giống một thằng ngốc.”
“Như thế nào ạ?” Biết nhưng tôi vẫn hỏi.
Ông nhấp một ngụm cà phê. “À, trong vòng hơn hai tháng vừa rồi ba đã gặp một vài… phụ nữ. Ba sẽ không kể chi tiết việc gặp họ như thế nào nếu con không thấy cần thiết.”
“Vâng ạ.” Tôi đưa cho ông một cái bánh quế Đan Mạch. “Nhưng họ trông thế nào?”
“Một số rất quyến rũ – nhưng chẳng ai trong số đó để ý đến ba cả,” ông vội nói thêm ngay, “thế nên ba đoán là mình hơi già cho những buổi hẹn hò như thế.”
“Con không nghĩ thế, ba chỉ cần tìm một ai đó hợp tuổi thôi.”
“Có lẽ con nói đúng. Hầu hết họ đều quá trẻ so với ba. Ba đang tự huyễn hoặc mình,” giọng ba tôi trở nên chua chát. “Nhưng ba luôn luôn mời họ ăn tối và gọi taxi đưa về nhà.”
Tôi đưa cho ba tôi một mẩu giấy ăn. “Ba tử tế quá.” Chắc ông phải tiêu một đống tiền chứ chẳng ít, tôi thầm nghĩ.
“Ba cảm thấy đó là điều tối thiểu mình có thể làm. Họ ngồi với ba suốt cả buổi tối – chắc là phát chán đến tận cổ,” ông tỏ ra đau khổ. “Với một lão già như ba đây.”
“Ba đừng nói thế mà, ba là một người đàn ông lịch lãm với bề ngoài vẫn dễ coi lắm, ai cũng biết điều đó.”
Ba tôi cười mỉm. “Rồi hai đêm trước ba gặp một người phụ nữ ở quán rượu Morton, ở khu Berkeley. Tên cô ta là Tatiana.”
“Người Nga ạ?”
Ông gật đầu. “Một phụ nữ rất kiều diễm – trạc tứ tuần – nhưng mà nói thật với con – chẳng ra gì. Tất cả những gì cô ta nói chỉ là cô ta muốn tìm một người đàn ông có thể mua cho mình một căn hộ và một chiếc Porsche. Cô ta chỉ chăm chăm đến chuyện đó.”
“Con hiểu.”
“Cô ta kêu đói và ba gọi bữa tối, rồi đến lúc về cô ta bảo ba gọi một cái taxi để về nhà. Khi cả hai rời quán rượu ba thấy cô ta tranh thủ gọi điện bằng di động, nói tiếng Nga, rồi khi cả hai đi bộ cô ta nói tiền taxi mất hai mươi bảng – cô ta sống ở Streatham – và rằng ba có thể đưa cho cô ta tiền taxi bây giờ cũng được. Mặc dù rất ngạc nhiên ba vẫn rút ví ra,” – tôi đoán được điều gì đã xảy ra – “và ngay lúc đó chẳng biết từ đâu chui ra một gã mặc áo khoác da bảo ba đưa cái ví. Ba từ chối. Rồi một cuộc vật lộn xảy ra mà sau đó ba nhớ là Tatiana không hề gọi ai đến giúp. Cô ta chỉ đứng dựa vào tường, hai tay khoanh lại. Sau đó ba nhớ là bị đấm một phát và cái ví bị giật phăng đi. Khi nằm xuống đường ba kinh ngạc khi nhìn thấy Tatiana và gã côn đồ kia cùng nhau chuồn đi rất nhanh.”
“Tội nghiệp ba quá,” tôi nói rồi rót thêm cho ông ít cà phê nữa. “Có lẽ đêm nào bọn chúng cũng giở trò đó.”
“Ba chẳng ngạc nhiên nếu quả đúng như thế. Nỗi đau thể xác với ba không quan trọng,” ông nói tiếp, “cũng như là việc mất cái ví – ba chỉ có hơn trăm bảng trong đó còn những cái thẻ tín dụng thì cũng dễ dàng khóa lại. Điều làm ba đau chính là khi nghĩ đến việc mình dành cả buổi tối để ăn tối và uống rượu với một người phụ nữ – cố gắng tỏ ra lịch thiệp, vậy mà cô ta chỉ dành thời gian để nghĩ mưu trấn lột ba. Điều này mới thật là tồi tệ,” ông kết luận với giọng rầu rĩ.
“Thế ba có báo cảnh sát không?”
Ông lắc đầu. “Ba biết là mình nên làm thế, nhưng ba cảm thấy thật là ngu ngốc. Ba chỉ muốn con quên chuyện này đi.” Tôi thấy đau nhói trong lòng khi thấy hai mắt ông nhòe lệ.
“Ba,” tôi thốt lên.
“Ba xin lỗi,” ông nuốt nước bọt rồi khẽ nói. “Nhưng cuộc sống hiện tại của ba đang không tốt. Nói thật với con, quả là tồi tệ!” Tôi đưa cho ông một mẩu giấy ăn nữa. “Ba đã cố sống lạc quan nhưng những gì xảy ra đêm qua đã phá hỏng tất cả. Ba đã đánh mất tất cả những niềm lạc quan đó.”
“Ơn Chúa, ít nhất là ba cũng không sao.”
“Và ba cảm thấy mình đã phản bội lại mẹ con với hành động ngu ngốc đó.”
“Mẹ sẽ hiểu mà,” tôi nói. “Mẹ sẽ không muốn nhìn thấy ba cô đơn.”
Ba tôi nhìn xa xăm ra vườn rồi quay lại phía tôi, mắt ông vẫn u uất với những cảm xúc dâng trào. “Chính vì thế,” ông hạ giọng. “Ba cô đơn. Đã bốn năm qua rồi mà ba vẫn rất nhớ mẹ con, rất nhiều.”
“Con biết là ba nhớ.” Tôi đặt bàn tay mình lên tay ba tôi.
“Tất cả chúng ta đều nhớ bà ấy. Nhưng con và Cassie còn trẻ và bận rộn. Nhờ còn trẻ và bận rộn nên các con không cám thấy đau khổ nhiều. Mark thì ở xa – nên nó cũng không cảm thấy bị ám ảnh nhiều về mẹ con. Nhưng nếu con là một người già thì con sẽ thấy khó khăn hơn nhiều. Có quá nhiều thời gian để cảm thấy buồn.”
Tôi gật đầu. “Có lẽ ba sẽ gặp được một người nào đó.”
“Ba không nghĩ là dễ gặp được một ai đó. Nhưng nếu như thế thì con chấp nhận chứ?”
“À, con nghĩ sẽ không dễ gì mà quen được với sự thật đó nhưng làm sao con có thể phản đối được? Tất cả chúng ta đều có quyền tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình trong cuộc sống, ba ạ. Con không thích nhìn thấy ba cứ vò võ một mình.”
“Vấn đề là mẹ con là một người không thể thay thế được đối với ba,” ba tôi thở dài.
“Không phải ba tìm ai đó để thay thế mẹ, mà là để sống tốt quãng đời còn lại của ba.”
“Ừ.” Ông gật đầu. “Có thể… Ba và mẹ con đã có những quãng thời gian thăng trầm bên nhau,” bỗng nhiên ông thốt lên.
“Thật ạ?” Tôi giả vờ như không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi chưa bao giờ nghe thấy ba tôi phê bình mẹ tôi – có lẽ ông cảm thấy không phải với bà khi làm vậy – nhưng giờ đây có vẻ như ông muốn nói ra hết. “Vâng, cặp vợ chồng nào mà chẳng trải những giai đoạn sóng gió, dù có hạnh phúc đến thế nào đi nữa,” tôi thêm vào.
Ba tôi nhấp một ngụm cà phê. “Ba mẹ đã phải chịu đựng một số chuyện trong nhiều năm. Nhưng dù có chuyện gì xảy ra thì ba mẹ cũng không hề hối tiếc vì đã cưới nhau.”
“Mẹ con rất ngưỡng mộ ba. Bà thường nói với con rằng ba là một “cây lâu năm” – rằng ba luôn ở bên cạnh mẹ. Bà cảm thấy may mắn vì điều đó.” Tôi có lý do để ca ngợi mẹ tôi, tôi uống một chút nước cam và nghĩ bụng.
“Thậm chí ba mẹ đều có những khó khăn riêng,” ba tôi nói.
Tim tôi đập thình thịch khi thấy cơ hội mà mình mong chờ bấy lâu đã đến. “Khoảng thời gian ba ở Braxin chắc là khó khăn lắm.”
Ba tôi nhìn ra cửa sổ và gật đầu. “Đó đúng là địa ngục. Chỉ tám tháng đó thôi đã gần như chia cắt ba và mẹ con mãi mãi.”
“Con biết,” tôi nói nhỏ.
Ông quay lại nhìn tôi. “Con không biết đâu, Anna à, bởi vì ba chưa bao giờ kể cho con nghe cả và ba cũng không tin là mẹ con đã làm điều đó.”
“Mẹ không kể. Thế mà con vẫn biết,” tôi nói rồi đưa cho ba tôi một cái bánh quy hạnh nhân. “Ba này, giờ thì ba con mình nói chuyện thẳng thắn, có một chuyện con đã muốn hỏi ba từ lâu – một chuyện rất quan trọng. Con không muốn làm ba buồn thêm nhưng chuyện này đã ám ảnh con mấy tuần nay rồi.”
Ba tôi đặt con dao lên đĩa. “Thế thì là chuyện gì?”
“Gần đây con… mới tìm được một thứ và nó cứ làm con day dứt hoài.” Ba tôi nhìn tôi sửng sốt. “Nó là một bức ảnh cũ,” tôi nói tiếp, “của mẹ. Con chỉ tình cờ tìm thấy nó – nó rơi ra từ một trong những quyển sách dạy làm vườn của mẹ mà ba đưa cho con. Nó được chụp năm 1977, khi ba đang ở Braxin.” Tôi thấy ba tôi hơi khựng người lại. “Và trong bức ảnh này mẹ đang ngồi trên một bờ biển, ở Chichester, với…à…với…” Tôi đỏ bừng mặt vì lúng túng. “Với… một người đàn ông. Con không biết ông ta là ai,” tôi khẽ khàng. “Và còn có cả lá thư – là thư mà mẹ viết cho ba – và… ba có thể thấy là…” Miệng tôi cứng đờ như có ai nhét giấy vào khiến tôi không nói tiếp được nữa.
“Con đưa cho ba xem nào.” Ông nói nhỏ.
Tôi gật đầu, nhẹ hẳn cả người, rồi chạy lên gác lấy quyển sách xuống, hai chân vẫn con run run. Tôi giở quyển sách ra và đưa cho ba tôi xem bức ảnh trước.
Ba tôi lục tìm cặp kính của ông trong túi. “A,” ông thốt lên. Ông lật mặt sau bức ảnh. “A,” ông lại thốt lên, lông mày hơi nhướng lên. “Chichester. Đúng rồi… tháng Sáu năm 1977…”
“Tên ông ta là Carlo có phải không ạ?” Tôi hỏi.
“Phải rồi,” ba tôi thở dài. “Đây là Carlo.”
“Và ông ta tặng mẹ con quyển sách này,” ông mở quyển Các loài hoa của miền Nam nước Ý ra rồi đọc dòng đề tặng. “Với nhiều kỷ niệm ngọt ngào,” ông đọc khẽ. Tôi chằm chằm nhìn ba tôi, hy vọng sẽ được nghe nhiều hơn từ ông. “Chà…” Ông gặp quyển sách lại và tháo cặp kính ra. “Họ quả thật đã có rất nhiều kỷ niệm ngọt ngào.”
“Thật ạ?” Tôi không kìm lòng được nữa, “nhưng ông ta trông rất giống Cassie. Hay ngược lại thì Cassie trông giống hệt ông ta.”
“Đu…úng,” ba tôi ngắm nhìn bức ảnh một lần nữa. “Rõ ràng là rất giống nhau.” Không gian chìm đắm trong im lặng đến mức tôi có thể nghe thấy tiếng một chiếc trực thăng từ rất xa.
“Ông ta có thể là cha của Cassie lắm chứ,” tôi vẫn chưa chịu dừng lại.
Ba tôi vẫn chăm chú nhìn tấm ảnh. “Mẹ con thật xinh đẹp,” ông lẩm bẩm.
“Có thể lắm chứ,” ba tôi không đáp. Tôi hít một hơi thật sâu. “Có phải ông ấy là ba của nó không ạ?” Cuối cùng thì tôi cũng đặt cho ông câu hỏi tôi đã muốn hỏi từ lâu.
Ba tôi trợn mắt nhìn tôi. “Ông ta là gì cơ?”
“Ba này, con xin lỗi phải hỏi ba câu này nhưng có phải ông Carlo này là cha của Cassie không?”
Ông trân trối nhìn tôi. “Có phải Carlo là cha của Cassie không ấy à?” Cổ ông đỏ lựng lên. “Thật là một câu hỏi lố bịch, điều gì khiến con nghĩ vậy hả Anna?”
“À thì… tại vì… sự giống nhau,” tôi lắp bắp. “Nó thật rõ ràng.”
“Nghe này con,” ba tôi đặt tấm ảnh xuống và nói, “tất cả chúng ta đều giống một ai đó mà chúng ta không hề có quan hệ gia đình. Con trông hơi giống Gwyneth Patrow nhưng con chẳng liên quan đến cô ta cả.” Ba tôi nhìn tấm ảnh một lần nữa. “Nhưng ba đồng ý là giữa Carlo và Cassie có sự giống nhau thật.”
Rõ ràng là ba tôi đang nói dối. Dù gì đi nữa tôi vẫn phải biết sự thật. “Không chỉ Cassie trông y hệt ông Carlo này,” tôi không buông tha ba tôi, “mà nó còn chẳng có nét gì giống ba, giống con hay anh Mark cả.”
“Quả vậy. Cassie giống bà nội con, Anna à. Con không nhận thấy điều đó sao?” Tôi lắc đầu. “Nó cực giống bà nội Temple của con – khi bà còn trẻ. Bà nội cũng có làn da ngăm đen và hình dáng giống Cassie.”
“Ồ,” tôi lẩm bẩm. “Đã lâu lắm rồi con không nhìn thấy tấm ảnh nào của bà nội hồi còn trẻ cả.”
“Lúc nào đó rồi ba sẽ đưa cho con xem, rồi con sẽ thấy. Sự giống nhau không lẫn vào đâu được.” Ba tôi lắc đầu tỏ vẻ khó hiểu rồi ông cất tấm ảnh đí. “Con lấy đâu ra cái ý nghĩ đấy?”
“À, thật ra là…” tôi cố gượng lần nữa. “Thật ra là không chỉ có tấm ảnh. Con thấy là khi ba đang ở Braxin… chín tháng trước khi Cassie ra đời,” tôi kết luận đầy ẩn ý. “Ba đã ở đó từ tháng Một đến tháng Tám năm 1977; ba vừa mới kể với con thế mà,”
“Đúng vậy,” ông nói. “Ba đã ở đó.” Mặt ba tôi rạng lên trong chốc lát. “Vì thế mà con cứ gặng hỏi ba là ba đã ở đó trong bao lâu phải không?”
“Vâng ạ. Tại vì Cassie sinh ngày mười lăm tháng Ba năm 1978 còn ba thì mãi đến ngày mùng chín tháng Tám năm 1977 mới về, nên con không nghĩ là… làm sao có thể…” Tôi lúng túng đến mức không thể nói hết câu.
“Làm sao Cassie có thể là con của ba? Có phải con định nói thế không?”
“Vâng. Nếu tính ngày tháng thì không phải.”
“Phải đấy con à.” Ba tôi vẫn tỏ ra nhẫn nại với tôi. “Rất đơn giản thôi.”
“Làm sao thế được ạ?”
“Vì Cassie sinh thiếu tháng.” Tôi nhìn ba tôi không chớp mắt. “Cassie sinh sớm chín tuần – con không biết điều này sao?”
“Con không biết ạ. Ba và mẹ có bao giờ nói đâu.”
“À, ba mẹ không định nói về chuyện đó bởi vì Cassie gần như không thể sống được. Còn mẹ con thì chẳng bao giờ kể về những chuyện buồn một khi chúng đã qua rồi. Bà ấy luôn làm thế.”
“Chín tuần cơ à?” Tôi lắc lắc đầu. “Như thế là quá nhiều…”
“Nó bé xíu con à.” Ba tôi xòe bàn tay ra và tôi như bỗng thấy hình hài Cassie lọt thỏm trong đó. “Nó chỉ nặng hơn một cân. Nó phải sống trong lồng ấp với nhiều dây dợ xung quanh, lồng ngực nhỏ nhoi của nó phập phồng lên xuống. Bác sĩ bảo với ba mẹ rằng có thể nó đã chết rồi, giống như nhiều đứa trẻ thiếu tháng khác ngày ấy. Thế nên ba mẹ đã làm lễ rửa tội cho em con ngay trong bệnh viện một ngày sau khi nó ra đời. Ba mẹ không thể bế mà chỉ sờ thấy nó và nói rằng ba mẹ yêu nó…” Ba tôi quay mặt đi.
“Con xin lỗi ba,” tôi thì thầm, “con không hề muốn làm ba buồn. Nhưng quả thật con không hề biết chuyện này. Điều duy nhất mà mẹ từng nói là chúng con chỉ “ra đời hơi sớm một chút” thôi.”
Ba tôi nuốt nước bọt rồi nói. “Đúng vậy – mẹ con toàn phải sinh sớm như thế. Anh Mark con sinh sớm hai tuần – ba mẹ phải đặt nó trong lồng ấp một thời gian. Còn con thì sớm ba tuần, điều đó giải thích tại sao ba là người đỡ đẻ khi mẹ con sinh con vào ngày tuyết rơi dày trong tháng Hai. Nhưng Cassie thì sinh quá sớm – đáng lẽ cuối tháng Năm nó mới ra đời, rốt cuộc lại là giữa tháng Ba.”
“Con hiểu rồi,” tôi cố hình dung ra thân hình bé tẹo của Cassie đang ngọ nguậy để sống sót lúc đó.
“Ba nghĩ chính vì thế mà ba luôn cưng chiều nó nhất,” tôi nghe tiếng ba tôi lẩm bẩm. “Như thế có lẽ không tốt cho nó nhưng ba không làm khác được vì ba không thể xóa khỏi đầu óc mình hình ảnh em con vật lộn với sự sống những ngày đó. Và vì mẹ con bận trông con và Mark nên ba thường đến bệnh viện hàng ngày; ba xin nghỉ làm. Và ba ngồi bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt, ngắm em con qua tấm kính, cầu chúa cho nó sống được – và lớn lên – và rồi, như có phép mầu, nó đã sống. Vậy nên ba nghĩ việc con tính toán về ngày sinh của Cassie là không đúng.”
“Nhưng mà… không chỉ như vậy đâu ạ,” tôi vẫn chưa chịu bỏ cuộc. “Vì ba từng nói những ngày ba ở Braxin là địa ngục.”
Ông thở dài. “Đúng vậy- sự chia cắt làm cho ba và mẹ con thật khổ tâm. Bà ấy cảm thấy như bị bỏ rơi – rồi bà ấy giận dữ vì điều đó. Rồi khi ba quay về vào tháng Tám mẹ con có thai ngay mặc dù ba mẹ từng coi hai con là đủ rồi. Ba cho rằng mẹ con nghĩ có thêm một đứa con nữa sẽ khiến ba không thể đi xa như thế nữa.”
“À.”
Ba tôi nhìn tôi với vẻ dò hỏi. “Vậy ra con nghĩ là ba không phải là cha của Cassie à? Có phải con nghĩ thế không, Anna?”
“Vâng ạ,” tôi khẽ khàng đáp. “Con tự tìm hiểu lấy…”
“Mà quên mất một điều là không phải đứa trẻ nào cũng sinh đủ ngày đủ tháng. Chính con gái con cũng thế đấy. Ba hơi ngạc nhiên về điều này đấy con ạ.”
“Con chưa hề nghĩ đến chuyện đó.” Tôi hơi giật mình khi nhớ lại cuộc nói chuyện giữa tôi và chị Jenny về việc đó. Nhưng sự thật Carlo không phải là cha của Cassie không đồng nghĩa với việc ông ta với mẹ tôi không có quan hệ gì. Bức ảnh nói lên rằng hai người rất thân mật.
“Mẹ con chưa bao giờ không chung thủy cả,” ba tôi nói như thể ông đọc được suy nghĩ của tôi. “So với ba thì bà ấy chưa bao giờ kém chung thủy hơn. Carlo chỉ là một người bạn thân.”
“Làm sao mẹ quen ông ta?”
“Sau khi học xong, mẹ con sang Naples một thời gian để học tiếng Ý. Con biết chứ?”
“Vâng – con nhớ mang máng.”
“Bà ấy làm khách tại một gia đình tên là Rossis. Họ có một người con gái trạc tuổi mẹ con tên là Maria.”
“Con nhớ là thỉnh thoảng mẹ vẫn nhắc đến cô ấy.”
“Mẹ con và cô Maria trở nên rất thân thiết và bà ấy ở lại chơi ba tháng.”
“Hèn gì mẹ con rất thích miền Nam nước Ý.”
“Ừ. Còn Carlo là một người bạn của Maria và sau khi mẹ con quay về nước họ đã giữ liên lạc, khi ba sang Braxin ba nhớ là mẹ con đôi lần có kể rằng Carlo sang Anh để xem một vài vở kịch ở Chichester – hồi đó ông ta là một người thiết kế sân khấu thành danh – và họ đã hẹn gặp nhau. Mẹ con rất vui mừng gặp lại ông ấy. Ba nghĩ ông ta làm mẹ con nhớ lại quãng thời gian đẹp đẽ trong cuộc đời mẹ con khi bà ấy còn trẻ và hoàn toàn vô tư lự.”
Tôi cầm tấm ảnh lên. “Nhưng cái cách ông ta ôm mẹ…”
“Thì…” ba tôi nhún vai. “Ông ta rất thích mẹ con… nhưng giữa họ chẳng có gì cả.” Tôi tự hỏi làm sao ba tôi biết chắc thế. “Mẹ con nói với ba rằng bà ấy đã yêu ông ta ngay lần đầu mới gặp. Nhưng bà ấy nói Maria bảo rằng có thể ông ta chẳng đáp lại đâu vì ông ta không tỏ ra quan tâm nhiều đến các cô gái.”
“Chà, con hiểu rồi…”
“Thế rồi họ vẫn giữ liên lạc suốt nhiều năm liền. Ông ta từng là một người tốt,” ba tôi nói thêm. “Một người năng động, sáng tạo – thân thiện và khéo léo nữa – ông ta cười suốt. Ba chỉ gặp có hai lần mà ba cũng rất thích.”
“Ông ta từng là một người tốt ạ?” Tôi hỏi lại.
“Đúng thế. Ông ấy mất rồi. Giữa những năm tám mươi.”
“Sớm nhỉ.”
“Ừm. Ông ta mới bốn mươi ba. Ba mẹ ông ấy nói là do bệnh ung thư.”
“Thế ạ… Vậy mà mẹ chẳng bao giờ kể về ông ấy cả,” tôi nói. “Con nhớ mẹ có nói về cô Maria, nhưng chưa hề nhắc đến cái tên Carlo lần nào.”
“Ba nói rồi mà, mẹ con thường không muốn nhắc đến những chuyện làm bà ấy thấy buồn.”
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. “Vậy còn lá thư này,” tôi cầm lá thư lên. “Nó làm con bối rối.” Ba tôi đưa tay ra cầm lấy nó. Ông lại đặt cái kính lên mũi và tôi thấy mặt ông tối sầm lại khi đọc những dòng bên trong lá thư.
Ông tháo cặp kính ra rồi nhắm mắt lại. “Nếu ba biết có lá thư này ba đã đốt nó đi cùng với những giấy tờ của mẹ con.”
“Có phải về ông Carlo không ạ?”
Ông lắc đầu. “Chẳng liên quan gì đến ông ta. Nhưng vì lý do nào đó bà ấy lại để cùng tấm ảnh và không đề ngày khiến con lầm tưởng là đã có chuyện gì xảy ra.”
“Thế thì về chuyện gì hả ba?” Tôi lấy lại bức thư từ tay ông rồi đọc lại lần nữa. Em tự trách mình… cảm thấy thật xấu hổ… em đồng ý là không ai được biết… “Mẹ xấu hổ vì chuyện gì hả ba? Và vì sao mà không ai được biết?”
Ba tôi không đáp. Rồi ông xoa xoa sống mũi và thở dài thườn thượt. “Anna này, có một chuyện mà từ lâu ba đã muốn nói với con. Một chuyện mà có lẽ sẽ khiến con tức giận nên ba phải xin lỗi con trước.” Tôi không nói gì. “Mẹ con và ba nghĩ rằng mình đã làm đúng,” ông tiếp tục, “nhưng rõ ràng là không đúng như vậy và giờ đây ba cảm thấy thật hối tiếc.” Ông uống một chút cà phê, nỗi buồn hiện rõ trên đôi mắt.
“Ba mẹ đã làm sai chuyện gì ạ?” Ông im lặng. “Lá thư này là về cái gì vậy ba? Ba nói cho con nghe đi mà.”
Ông đẩy tách cà phê ra xa. “Ba sẽ nói. Nó không dễ dàng gì nên con phải cố mà chịu đựng.” Ông ngồi lùi lại, nhìn vào khoảng không trước mặt rồi khoanh hai tay trước ngực. “Con còn nhớ việc mẹ con và anh Mark cãi nhau kịch liệt dạo nọ không?”
“Tất nhiên là con nhớ.”
Ba tôi nhìn tôi. “Và con có biết chuyện gì đã xảy ra không?”
“Có ạ.” Tại sao ba tôi lại hỏi thế nhỉ?
“Vậy thì nói cho ba nghe xem nào.”
“À thì ba và mẹ tình cờ gặp anh Mark và bạn gái mới của anh ấy, chị Carol Gowing, ở Glyndebourne. Ba mẹ ghét chị ta ra mặt rồi ngày hôm sau mẹ bảo anh Mark không dính líu gì đến chị ấy nữa. Sau đó anh Mark và chị ấy chia tay. Anh Mark quá buồn vì mẹ đã xen vào chuyện của anh ấy nên đã sang Mỹ sống và chẳng mấy khi liên lạc với gia đình ta kể từ dạo ấy.”
Ba tôi gật đầu chậm rãi. “Đúng thế. Nhưng sao con không nghĩ rằng Mark có thể tiếp tục gặp gỡ Carol và nói với mẹ con đừng xen vào chuyện của nó?”
“Con không rõ,” tôi đáp. “Thú thực thì con cũng ngạc nhiên vì anh ấy không làm vậy. Anh ấy đã ba mươi ba tuổi và có thế gặp bất cứ ai anh ấy thích.”
“Quả vậy. Nhưng có một lý do chính đáng khiến mẹ con phản đối Carol.”
“Là gì ạ?”
Ba tôi bắt chéo hai bàn tay trước mặt. “Nó có liên quan đến quá khứ của mẹ con.”
“Con không nghĩ mẹ có nhiều chuyện đáng kể trong quá khứ khi mà mẹ lấy ba lúc bà ấy mới hai mươi tuổi.”
Ba tôi im lặng không nói gì. “Sau khi từ Ý trở về bà ấy bắt đầu tìm việc làm. Bà ấy thuê chung căn hộ ở Nam Kensington cùng một cô gái và bắt đầu tìm việc. Sau đó bà ấy tìm được một chân thư ký ở đài truyền hình Granada.”
“Con không hề biết là mẹ từng làm việc ở đó – mẹ chẳng bao giờ nói.”
“Lúc ấy mẹ con mới chỉ hai mươi và thiếu kinh nghiệm. Ở đấy có một người sản xuất chương trình – hơn mẹ con mười tuổi. Ông ta rất hấp dẫn – có tham vọng – và đã có gia đình cùng hai đứa con.”
“Và gì nữa ạ?” Tôi nóng lòng muốn biết.
“Ông ta tán tỉnh mẹ con và hai người đã đi lại với nhau. Đó là một quan hệ khác giới đầu tiên mẹ con từng có.”
“Thật đáng tiếc là ông ta đã có gia đình.”
“Ừ, sau này bà ấy thú nhận là lúc đó mình rất ngây thơ. Bà ấy tin rằng ông ta yêu mình và sẽ ly dị vợ, vì chính ông ấy bảo thế.”
“Trái lại ông ấy chẳng hề làm vậy, con đoán thế.”
“Ông ta không hề ly dị vợ. Mẹ con hẹn hò với người nọ trong hai tháng, vẫn mù quáng nghĩ rằng giữa hai người có một tình yêu vĩ đại. Và rồi vợ ông ấy phát hiện ra và mọi chuyện vỡ lở, ông ấy chấm dứt mối quan hệ với mẹ con một cách chóng vánh. Gã này còn khiến mẹ con mất việc.”
“Tội nghiệp mẹ,” tôi than thầm, “thật quá khốn nạn.”
“Ba nghĩ rằng ông ta đáng bị chửi như vậy,” ba tôi ngưng lại một giây. “Tên gã này là John Gowing.”
“Ồ,” tôi thốt lên. “Con hiểu rồi…”
“Chỉ không lâu sau đó thì ba gặp mẹ con – ở Lyons Corner House, phố Strand. Bà ấy ngồi ở trong góc, trong một buổi chiều mưa thứ Bảy, ba hỏi liệu mình có thể ngồi cùng vì lúc đấy quán cà phê rất đông người – ba có thể nhận thấy mẹ con đang suy sụp. Nên ba hỏi là bà ấy có sao không và ba có thể giúp gì không.”
“May cho mẹ nhé,” tôi thở hắt ra, “may mà ba đến cứu mẹ kịp thời.”
Ba tôi mỉm cười, “và rồi cả hai bắt đầu nói chuyện…”
“Rồi hai người yêu nhau,” tôi tiếp lời ba tôi, “kết hôn và có ba đứa con. Rồi mấy chục năm sau – ma xui quỷ khiến thế nào anh Mark lại gặp con gái của John Gowing và yêu cô ta…”
“Ừ, ma xui quỷ khiến thật,” ba tôi lặp lại.
“Con thấy thương mẹ quá,” tôi nhỏ nhẹ nói. “Anh Mark không gặp ai lại gặp đúng người khiến mẹ bị thấy tổn thương trở lại. Con nghĩ là mẹ không thể chịu nổi những ký ức đau buồn – chưa kể là việc phải gặp lại ông Gowing khi nghĩ ông ta từng đối xử với mẹ tệ bạc như thế nào.”
“Ông ta đã bội bạc mẹ con,” ba tôi phụ họa. “Bà ấy rất đau khổ. Và khi Mark giới thiệu ba mẹ với Carol ở Glyndebourne đêm đó mẹ con đã nhận ra ngay mối liên hệ – không chỉ bởi cái tên mà còn bởi sự giống nhau giữa hai cha con họ. Bà ấy bị rúng động dữ dội và ngày hôm sau mẹ con đến chỗ anh Mark kể hết sự thật…”
“Giờ thì con đã hiểu rồi,” tôi cắt lời ba tôi. “Nếu một người đàn ông đã từng làm ta tổn thương thì điều ta không mong muốn nhất chính là bị buộc phải có mối liên hệ với người đó, dù nhiều năm đã trôi qua – nói gì đến quan hệ thông gia. Điều này là quá sức chịu đựng.”
“Đúng đấy con ạ, nhưng mà…”
“Thật là khủng khiếp đối với mẹ. Con chỉ nghĩ là mẹ không thích chị Carol chỉ vì chị ta già hơn anh Mark và không muốn sinh thêm con nữa thôi.”
Ba tôi lắc đầu. “Đó không phải là toàn bộ câu chuyện con ạ. Mẹ con – cũng như bao nhiêu bà mẹ khác – đều muốn con của mình lấy người nào làm cho chúng thấy hạnh phúc. Thế nhưng…”
Tôi vỗ tay lên ngực. “Con rất mừng là ba đã kể cho con,” tôi nói. “Con từng nghĩ mẹ xen vào chuyện của anh Mark là không phải, nhưng giờ con có thể thông cảm với mẹ. Ước gì ba nói với con chuyện này sớm hơn – con không biết vì sao bây giờ ba mới làm thế.”
“Anna, ba chưa…”
Đột nhiên di động của tôi đổ chuông. “Xin lỗi ba.” Tôi lục lọi cái túi xách. “Ai đấy?”
“Có phải mẹ của Milly không ạ?” một giọng nữ.
“Đúng rồi.” Tim tôi đập thình thịch.
“Tôi là Lorraine từ lớp học hè đây mà. Xin lỗi đã làm phiền cô…”
“Không sao đâu ạ,” tôi lo lắng.
“Tại Milly không được khỏe.”
Tôi đứng dậy mà hai chân như muốn khuỵu xuống. “Cháu có biểu hiện gì?”
“Cháu có một vết xước trên mặt, hơi sốt và buồn bã.”
“Cháu có ăn trứng không?” tôi nhặt cái túi lên và gặng hỏi. “Cùng với bánh mì ấy? Nó bị dị ứng với trứng, tôi đã giải thích với chị lần trước rồi mà.”
“Tôi không nghĩ là do trứng,” Lorraine bình thản đáp. “Dù sao thì chúng tôi đã khuyến cáo cha mẹ không cho trứng và đậu vào hộp cơm của các cháu rồi.”
“Nhưng có thể có chút trứng lẫn trong bánh mì, hoặc là trên tay một cháu nào đó có thể dính ít trứng từ bữa sáng của chúng đi. Nó có thể đã ăn phải một miếng nhỏ,” tôi lo đến phát ốm.
“Tất cả bọn trẻ đều đã rửa tay trước khi chơi.”
Tôi rút chùm chìa khóa ra. “Tôi sẽ đến ngay nhưng nếu cháu có dấu hiệu khó thở nào thì chị có thể tiêm cho cháu một mũi adrenalin – có nhãn Epipen ở trong túi thuốc mà tôi đưa cho chị ấy.”
“Tôi đã học sơ qua về cách xử lý các chứng dị ứng,” giọng Lorraine vẫn bình thản, “và tôi không cho rằng lý do là trứng mà là thủy đậu”
Tôi hy vọng chị ta đúng. “Tôi đang đến đây.” Tôi đặt điện thoại xuống. “Xin lỗi ba, trường hợp khẩn cấp. Cám ơn ba đã giải thích cho con những chuyện đó.”
“Nhưng mà Anna này…” ba tôi vẫn nhìn tôi chăm chú.
“Con phải đi đây – Con sẽ gọi cho ba sau.” Tôi bắt một chiếc taxi ở đường Shepherds Bush và sau mười phút tôi đã ở sảnh nhà thờ. Tôi bế Milly lên và đặt nó ngồi lên đùi mình.
“Mẹ ơi,” Milly trông rũ rượi và buồn bã. Nhưng môi của nó không bị sưng tấy, mắt vẫn mở to, không có mụn nước trên mặt và hơi thở vẫn bình thường. Tuy nhiên trên mặt và ngực của Milly xuất hiện những vết mẩn đỏ.
“Tôi chắc là bệnh thủy đậu,” Lorraine nói.
“Có cháu nào khác cũng bị như thế không?” Tôi đã bớt lo chút đỉnh.
“Tuần trước cũng có một cháu bị như thế này – nhưng mẹ cháu bảo cháu đã vượt qua được giai đoạn lây nhiễm – có thể chưa chắc.” Chị ta quay lại nhìn những đứa trẻ khác. “Chúng tôi sẽ biết sớm thôi…”
“Cháu bị thủy đậu rồi,” bác sĩ riêng của tôi kết luận sau khi khám cho Milly dưới ánh đèn siêu sáng một giờ sau đó. “Ở giai đoạn này thì không nghiêm trọng lắm, cháu chỉ có những biểu hiện nhẹ. Tôi khuyên nên dùng mỡ Calpol, Calamine để chống ngứa và cho cháu tắm nước nóng nếu thấy khó chịu trong người. Không được dùng thực phẩm có axít hay muối như cam hay bánh mặn – không được cho cháu uống kháng sinh.”
“Tôi chưa hề.”
“Và tất nhiên cháu phải được cách ly ít nhất mười ngày. Kiểm tra thân nhiệt của cháu thường xuyên.”
“Tôi sẽ làm đúng như thế. Cám ơn bác sĩ.” Tôi bế Milly lên khi chuông điện thoại lại réo vang. Jamie gọi. “Mọi việc sao rồi?” Tôi hỏi.
“Ổn cả,” cậu ta đáp. “Chỉ trừ một người đang sắp làm tôi phát điên.”
“Tôi biết – thật là kinh khủng phải không. Cứ lờ anh ta đi là được mà.”
“Không thể được. Một gã lắm lời. Lúc nào chị quay lại đấy?”
“Hôm nay thì tôi không đến được rồi – Milly bị thủy đậu. Nhưng chín giờ sáng mai tôi sẽ có mặt ở đó.”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!