Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới - Chương 08
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
141


Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới


Chương 08



Ông Đại Tá

“Tôi sợ là cậu không lấy lại cái bóng của mình được đâu”, ông đại tá vừa nói vừa nhâm nhi cà phê. Như đa số những người quen ra lệnh cho người khác bao năm trời, ông nói trong tư thế cứng nhắc, cằm vươn ra. Nhưng ông không phải người hãnh tiến hoặc nhiễu sự. Duy chỉ thời gian phục vụ trong quân đội đã đem lại cho ông tư thế cứng nhắc, cuộc sống theo quy chế và vô vàn kỷ niệm. Ông là hàng xóm lý tưởng của tôi. Thân thiện, rất trầm lặng và chơi cờ giỏi.

“Ông gác cổng nói đúng đấy”, ông đại tá già nói tiếp. “Cả về lý thuyết lẫn thực tế hiện nay không có cách nào để cậu nhận lại bóng mình đâu. Chừng nào cậu ở đây thì không được phép có bóng, và cậu chẳng bao giờ được phép rời khỏi thành phố nữa. Nói theo thuật ngữ quân sự thì đây là một ổ phục kích. Người ta có thể đặt chân vào, nhưng không bước ra được nữa. Chừng nào bức tường còn bao quanh thành phố.”

“Nhưng tôi đâu có nghĩ rằng bị mất bóng vĩnh viễn. Tôi tưởng đó chỉ là một biện pháp nhất thời. Và cũng chẳng ai chỉ dẫn cho tôi biết!”

“Ở đây không ai chỉ dẫn cho ai về bất cứ việc gì”, ông đại tá nói. “Thành phố này có những quy định chỉ riêng nó có, không quan tâm đến ai biết gì hoặc không biết gì. Đáng tiếc, nhưng không thể khác.”

“Thế bây giờ bóng tôi ra sao?”

“Chả sao cả. Nó cứ tồn tại thôi. Cho đến chết. Từ hôm ấy cậu đã thấy nó chưa?”

“Không. Tôi đến đó mấy lần nhưng ông gác cổng không cho, ông nói là vì lý do an ninh.”

“Chà, thế thì đành chịu thôi”, ông đại tá lắc đầu. “Ông gác cổng phụ trách canh giữ bóng và một mình chịu trách nhiệm đó. Tôi không làm gì giúp cậu được. Như cậu biết đấy, ông gác cổng là một người khó tính và nghiệt ngã, không chịu nghe ai bao giờ. Cậu chỉ có thể kiên nhẫn đợi đến khi ông ấy đổi ý.”

“Tôi đang làm thế đây”, tôi nói. “Nhưng ông ấy có gì phải lo ngại cơ chứ?”

Ông đại tá uống cạn cốc cà phê, đặt cốc lên đĩa và rút khăn tay ra lau miệng. Chiếc khăn cũng sờn nát như bộ đồ ông mặc trên người, nhưng chỉn chu và sạch sẽ không chê được.

“Ông ấy ngại cậu và bóng của cậu nhập làm một. Và nếu thế thì ông ấy lại phải làm thủ tục này lại từ đầu.” Nói đoạn ông quay về với bàn cờ của mình. Xét về quân cờ và nước đi thì bàn cờ ở đây hơi khác những gì tôi vẫn quen, do đó hầu như ván nào ông đại tá cũng thắng.

“Rất tiếc là khỉ của tôi thịt thầy tế của cậu.”

“Không sao”, tôi nói và đẩy quân tường thành không cho quân khỉ lùi. Thế cờ đã rõ ràng, hầu như chắc chắn là ông được, nhưng ông không lấy làm đắc thắng và vung gươm hạ thủ tôi, mà vẫn thận trọng đi từng nước. Ông không kỳ vọng thắng người khác mà chỉ sát hạch khả năng của mình.

“Tách khỏi bóng của mình và để nó chết, quả cũng cay đắng”, ông nói và đẩy kỵ sĩ sang cạnh, khéo léo chen giữa tường thành và Vua. Thực tế là Vua của tôi hở. Ba nước nữa là tôi bị chiếu bí. “Cay đắng cho bất kỳ ai, tôi ngày xưa cũng thế. Và nó khác với khi một đứa trẻ bị mất bóng và để nó chết, vì đứa trẻ chưa biết gì và chưa quen bóng của mình lắm, nhưng khi người ta đã có tuổi thì không đơn giản, tôi nói cho cậu biết. Bóng của tôi chết khi tôi 65. Ở tuổi ấy người ta có biết bao kỷ niệm chung.”

“Sau khi bị tách ra, bóng sống được bao lâu nữa?”

“Phụ thuộc vào bóng”, ông nói. “Có bóng khỏe và bóng không khỏe lắm. Nhưng bóng tách ra không thọ lâu ở thành phố này. Khí hậu ở đây không hợp. Mùa đông dài và lạnh. Có lẽ không bóng nào sống đến mùa xuân năm sau.”

Tôi ngắm tình thế trên bàn cờ một lát và chịu thua.

“Cậu còn có thể đi năm nước để thoát thế bị chiếu”, ông đại tá nói. “Không bõ công hay sao? Trong năm nước ấy người ta có quyền hy vọng đối thủ mắc sai lầm. Nước cuối cùng mới quyết định thua hay được.”

“Để tôi thử.”

Trong lúc tôi ngẫm nghĩ, ông ra cửa sổ, lấy ngón tay vạch tấm màn nặng ra và nhòm qua khe hẹp ấy.

“Mấy tuần này sẽ là thời gian khốn khó nhất của cậu ở đây. Như việc mọc răng vậy. Răng sữa rụng rồi, răng mới thì chưa mọc. Cậu hiểu ý tôi nói gì chứ?”

“Ý ông là bóng tôi tuy đã bị tách ra nhưng chưa chết?”

“Chính xác”, ông nói và gật đầu. “Tôi còn nhớ rõ. Người ta chưa tìm thấy được sự cân bằng giữa cái đã qua và cái chưa đến. Do đó người ta không đồng thuận với chính mình. Nhưng khi răng mới đã nhú ra thì người ta quên răng cũ thôi.”

“Nghĩa là khi tâm hồn biến mất?”

Ông đại tá không trả lời câu này.

“Xin lỗi vì tôi hỏi nhiều như vậy”, tôi nói. “Nhưng tôi hầu như chẳng biết gì về thành phố cả. Mọi thứ ở đây đều làm tôi rối trí. Thành phố được tổ chức ra sao, tại sao cần tường thành cao thế, lý do gì ngày nào cũng thả súc vật ra rồi lại dồn vào, những giấc mơ xưa là gì – muôn vàn câu đố kỳ bí. Và ông là người duy nhất để tôi hỏi!”

“Không phải cái gì tôi cũng biết cặn kẽ”, ông khẽ nói. “Ngoài ra, có những chuyện mà tôi không giải thích đơn giản cho cậu hiểu được, và có những chuyện tôi không được phép cho cậu biết. Nhưng thực sự là cậu không cần phải lo lắng. Về khía cạnh nào đó thì thành phố này công bằng. Những gì cậu nhất thiết phải có và phải biết thì người ta sẽ trao cho cậu, đúng tuần tự. Và cậu là người có trách nhiệm học hỏi kỹ lưỡng mọi thứ. Đây là một thành phố hoàn hảo, cậu hiểu chưa? Hoàn hảo nghĩa là cái gì cũng có. Nhưng chừng nào người ta không thực sự thấu thị thì cũng chẳng có gì cả. Hư vô hoàn hảo. Cậu hãy ghi lòng tạc dạ! Những gì người khác dạy cậu thì vẫn là của người khác – chỉ cái gì cậu tự học hỏi được mới đọng lại trong tâm trí cậu. Chỉ có thế cậu mới tiến được. Vậy thì mở mắt ra, dỏng tai lên, bắt đầu óc hoạt động và cố hiểu ý nghĩa những gì ở thành phố này trao cho cậu. Và nếu cậu có tâm hồn – hãy sử dụng nó chừng nào cậu còn có nó. Đó là tất cả những gì tôi có thể khuyên cậu.”

Khi ánh huy hoàng đã tàn tạ của khu công nhân, nơi cô thủ thư sống, chìm vào bóng tối thì khu công chức ở mạn tây nam thành phố cũng chuẩn bị vĩnh viễn mất nốt màu sắc của nó trong ánh nắng khô rang – do mưa xuân tẩy bợt màu, nắng hè nung đốt và gió đông cứa như dao. Dọc triền dốc thoai thoải bát ngát được gọi là “Đồi Tây”, từng dãy nhà trắng hai tầng liền kề nhau. Đó là các ngôi nhà công vụ, khởi thủy dành cho ba gia đình chung một nhà, tuy nhiên chỉ có phần cửa ra vào xây nhô ra là chung nhau. Tất cả quét màu trắng: lớp ván ốp ngoài bằng gỗ tuyết tùng, cửa đi, cửa sổ, hàng hiên – nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu trắng. Đồi Tây hiện ra trong mọi cấp độ của màu trắng, từ màu trắng mới quét sáng lóa thiếu tự nhiên và trắng ố vàng do bị nắng thiêu hằng ngày cho đến một thứ trắng không đáng được gọi tên ấy vì đã bị gió mưa làm cho tàn tạ – tất cả mọi sắc độ trắng ấy có mặt dọc theo những đường rải sỏi chạy quanh đồi. Nhà ở đây không có hàng rào. Chỉ thấy các luống hoa chạy dài trước hiên rộng chừng một thước được chăm chút chu đáo. Hoa nghệ tây, hoa păng xê và cúc vạn thỏ nở vào tiết xuân, cúc tây vào mùa thu. Tới mùa hoa nở, các ngôi nhà trông giống nhà hoang một cách kỳ lạ.

Nghe nói ngày xưa đây từng là một khu “cao cấp” xứng với cái tên ấy. Vì hôm nay, nếu lang thang đi qua khu này ta vẫn cảm thấy hồn phách của một thời đã qua. Cứ như vẫn có trẻ nô đùa ngoài phố, có tiếng dương cầm và mùi thơm của bữa tối lãng đãng trong không khí. Tôi cảm thấy có thể sờ tận tay được vào những ký ức đó, dường như bước xuyên được nhiều cánh cửa trong suốt dẫn đến quá khứ.

Như tên của khu này cho thấy, ngày xưa các công chức sống ở đây. Không phải công chức cao cấp, cũng chẳng phải loại lẹt đẹt, mà là tầm trung, những người phải có chút cố gắng mới giữ được mức sống giản dị của mình.

Nhưng giờ đây không ai trong số họ còn ở đây nữa. Tôi không rõ họ biến đi đâu.

Thế chỗ họ là đám quân nhân đã về hưu. Họ bỏ lại bóng và sống cuộc đời cô đơn của mình trên Đồi Tây – ai lo phận nấy, như những vỏ kén rỗng dính trên tường nhà. Họ chẳng có gì để chăm chút trong cuộc đời này nữa. Cứ mỗi nhà có sáu đến chín người già ở.

Ông gác cổng phân cho tôi một trong những căn hộ công vụ ấy làm nơi trú ngụ. Trong nhà ấy, ngoài ông đại tá còn có hai thiếu tá, hai thượng úy và một hạ sĩ. Viên hạ sĩ làm bếp và mọi việc vặt khác cho tất cả. Như vẫn trong quân đội. Mấy ông già này không gia đình; giữa những công tác chuẩn bị chiến tranh, đánh nhau và tái thiết, giữa phong trào cách mạng và phản cách mạng không còn thì giờ nào nữa mà lập gia đình.

Họ dậy sớm và ăn sáng vội vã theo thói quen để rồi sau đó lao vào các việc thường nhật, tuy chẳng ai ra lệnh. Người thì lấy bay cạo sơn cũ trên đoạn tường nhà nào đó, người thì nhổ cỏ dại ngoài vườn, người khác sửa đồ gỗ hoặc đẩy xe cút kít xuống chân đồi lĩnh khẩu phần thực phẩm cho cả nhà. Sau khi xong việc buổi sáng, các ông già tụ họp trong ánh nắng chiều và phiêu diêu với kỷ niệm.

Tôi được phân một phòng hướng đông ở tầng hai. Tầm nhìn ra ngoài không tốt vì bị một quả đồi chắn phía trước, tuy vậy tôi vẫn còn thấy được một khúc sông và tháp đồng hồ.

Hình như căn phòng bị bỏ không từ lâu, tường đầy những vết ố sẫm màu, cửa sổ bám đầy bụi. Rèm cửa dày có mùi ẩm mốc. Ván sàn đôi chỗ sứt sẹo và nghiến cọt kẹt theo mỗi bước đi.

Sáng sớm, ông đại tá vào ăn sáng chung với tôi. Buổi chiều hai người ngồi trong căn phòng kéo rèm lén lút đánh cờ. Chiều nắng rực rỡ mà ngồi đánh cờ thì rõ là chẳng cách nào cho tiêu hết thời gian.

“Trời đẹp mà thanh niên như cậu phải ngồi trong một phòng cớm nắng thì ngắn nhỉ”, ông đại tá nói.

“Tôi cũng thấy thế.”

“Tôi thì lại thấy tuyệt vời, rốt cuộc tôi đã có một bạn chơi cờ. Vì những người kia không thích nữa.”

“Vì sao ông bỏ bóng mình đi?”

Ông già đăm đăm ngó xuống các ngón tay mình tắm trong ánh nắng xiên qua kẽ cửa sổ mở hé, nhưng rồi cũng rời ngay cửa sổ để quay về ngồi bên bàn đối diện tôi. “Hừm”, ông nói. “Có lẽ vì tôi đã bảo vệ thành phố này rất lâu. Chắc tôi nghĩ, nếu tôi rời bỏ thành phố thì đời tôi cũng mất ý nghĩa. Cho đến giờ thì tôi không bận tâm gì nữa, tuy vậy…”

“Đã có lần nào ông hối hận đã bỏ bóng mình đi không?”

“Không. Tôi không bao giờ hối hận bất cứ gì”, ông già nói và lắc đầu quầy quậy. “Không một lần duy nhất nào. Tôi cũng chẳng biết hối hận bao giờ.”

Tôi ăn quân khỉ của ông và có chỗ cho Vua di chuyển.

“Nước ấy khá lắm”, ông già nói. “Cậu để tường thành chắn hết, và Vua lại có chỗ. Nhưng bây giờ kỵ sĩ của tôi cũng di chuyển được.”

Trong lúc ông ngẫm nghĩ nước tiếp theo, tôi đi đun nước pha cà phê. Sẽ còn vô số những buổi chiều như thế này, tôi tự nhủ. Ở thành phố này, giữa những bức tường cao vòi vọi, mi sẽ không còn lựa chọn nào nữa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN