Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới
Chương 12
12
Bản Đồ Chốn Tận Cùng Thế Giới
Sau hôm nói chuyện với bóng mình, tôi bắt tay vào lập bản đồ ngay.
Trước tiên tôi trèo lên đỉnh Đồi Tây trong ánh hoàng hôn và ngắm toàn cảnh. Nhưng ngọn đồi này không đủ cao để nhìn thấy cả thành phố và thị lực của tôi đã kém đi đáng kể; tôi không thể thấy hết tường thành chạy vòng vèo đến đâu, chỉ đoán chừng quy mô của thành phố.
Nó không lớn cũng không nhỏ. Có nghĩa là nó không lớn quá mức mà trí tưởng tượng và tầm hiểu biết của tôi có thể nắm được, song cũng chẳng nhỏ đến độ nhìn một lần là hết. Chuyến đi lên Đồi Tây không đem lại cho tôi nhận thức nào hơn. Bức tường cao vây quanh nó, con sông cắt nó làm hai nửa bắc và nam. Ánh chiều nhập nhoạng nhuộm xám mặt sông. Cuối cùng là tiếng tù và vang lên, và tiếng gõ móng của bầy thú phủ trùm lên tất cả.
Để xác định vị trí tường thành, thì tôi không còn cách nào khác là đi bộ dọc theo nó. Nhưng nói dễ hơn làm. Tôi chỉ có thể ra khỏi nhà vào những ngày nhiều mây hay vào buổi tối, và phải hết sức cẩn trọng khi đi đến những khu xa Đồi Tây. Vì rất có thể bỗng dưng quang quẻ khi tôi đang trên đường, hoặc ngược lại, đổ mưa như trút nước. Vì thế tôi đề nghị ông đại tá kiểm tra hộ tình hình thời tiết mỗi sáng. Thường là dự báo của ông chính xác.
“Tôi cũng chẳng có gì để suy nghĩ thời tiết cả”, ông đại tá nói, không giấu vẻ tự hào. “Người ta hiểu đôi chút về thời tiết, nếu ngày nào cũng theo dõi các chuyển động của mây.”
Nhưng chính ông cũng không lường trước được những thay đổi thời tiết đột ngột, những chuyến đi của tôi tới một nơi xa vẫn và sẽ vẫn nguy hiểm.
Ngoài ra, bụi rậm, cây cối hay đá núi thường ngăn không cho tôi đi sát tường thành và quan sát tỉ mỉ mọi thứ. Nhà dân tập trung dọc theo bờ sông ở trung tâm, và hễ rời khỏi khu dân cư này là bắt đầu khó tìm ra đường đi. Cả những đường mòn mà tôi còn cắn răng luồn lách qua được cũng thường xuyên bị chặn đứng bởi những bụi gai rậm rạp, khiến tôi phải khó nhọc đi vòng hay quay lại lối cũ.
Tôi quyết định bắt đầu chuyến khảo cứu từ điểm chót phía tây thành phố, đó là khu vực quanh Cửa Tây và túp lều của ông gác cổng, từ đó đi theo chiều kim đồng hồ vòng quanh thành phố. Thoạt tiên mọi sự trôi chảy, đơn giản hơn nhiều so với mong đợi. Từ cửa thành trông về hướng bắc dọc theo tường thành là đồng ruộng mênh mông bằng phẳng, cỏ mọc rậm cao đến ngang hông, đường đi xuyên qua gọn ghẽ như thêu lên vải. Nghĩa là không có trở ngại gì đáng kể. Ngoài đồng có nhiều tổ chim, trông có vẻ là chim chiền chiện. Đôi khi chúng bay vụt lên, lượn vòng kiếm thức ăn trên trời rồi lại quay về tổ. Có cả mấy con thú một sừng, nhưng không nhiều. Chỉ nhìn thấy đầu và lưng. Chúng chậm chạp di chuyển trên đồng cỏ non, trông xa như trôi trên mặt nước.
Đi được một đoạn và đến chỗ tường thành quành phải, tôi thấy ở phía Nam có những doanh trại cũ hoang tàn. Những ngôi nhà hai tầng trần trụi và sơ sài, cứ ba chiếc một hàng. Xa một chút nữa còn thấy một khóm nhà, nhỏ hơn nhà ở khu công chức một ít – có lẽ nhà của các sĩ quan. Nhà nằm sau dãy tường đá thấp, giữa chúng có cây mọc, nhưng giờ đây thì cỏ đã mọc cao trùm lên tất cả, không một bóng người. Chắc ngày xưa các cựu binh về hưu ở khu công chức đã sống ở đây. Phải có gì đó xảy ra khiến họ chuyển tới nhà công vụ ở Đồi Tây và bỏ hoang khu doanh trại nọ. Những cánh đồng mênh mông hình như dạo ấy là bãi tập và thao trường, vì đây đó trong cỏ rậm còn thấy di tích những hầm trú ẩn và trụ đá của cột cờ.
Tôi cứ thế tiến về phía Đông, cho đến khi đồng ruộng bằng phẳng dần chuyển thành rừng. Thoạt tiên chỉ có vài lùm cây mọc đây đó giữa bãi cỏ, nhưng chẳng bao lâu chúng dồn thành bụi rậm. Đa số là những cành nhỏ bện vào nhau đâm lên đến ngang vai hay đầu mới xòe tán. Mặt đất phủ kín các loại cây cỏ khác nhau, đôi chỗ thoáng hiện một vài nhánh hoa không màu. Rồi dần dần đã thấy rừng, và triền đất trở nên cằn cỗi. Giữa các bụi cây là đủ loại cây khác nhau cao hàng thước. Ngoài tiếng líu lo thi thoảng vang lên của một con chim tí hon chuyền từ cành nọ sang cành kia, tôi không còn nghe thấy tiếng động nào khác.
Tôi lò dò từng bước nhỏ để vạch đường, nhưng bụi rậm ngày càng dày đặc hơn, trên đầu tôi lá cành đan chằng chịt che hết tầm nhìn, khiến tôi không thể thấy được tường thành chạy tiếp hướng nào. Tôi bỏ cuộc, lần theo một con đường mòn về hướng nam để trở lại thành phố, đi qua Cầu Cũ về nhà.
Bây giờ đã vào thu, nhưng ngoài một đường chu vi cực kỳ thô sơ tôi chưa vẽ được thêm nét nào lên giấy. Nhìn về đại thể, có thể nói thành phố này hình bầu dục, trải dài từ tây sang đông, nhô cao ở phía bắc và nam với Rừng Bắc và Đồi Nam. Sườn đông của Đồi Nam là một diện tích sỏi đá gập ghềnh chạy dài đến tận chân tường thành và chắn gọn khu đất tiếp giáp. Phía đông thành phố là một khu rừng mênh mông phủ cả hai bên bờ sông, quá u ám, rậm rịt và thù nghịch so với Rừng Bắc. Chỉ có một đường duy nhất xuyên qua, đường này chạy dọc sông ra đến Cửa Đông – ít nhất là ở đây tôi có thể quan sát dải đất dọc tường thành từ cự li gần hơn. Cửa Đông, như ông gác cổng đã nói, bị xây bịt kín, không sao qua được.
Dòng sông bắt nguồn từ dãy núi phía Bắc, với sức chảy khá mạnh, xuất hiện đột ngột dưới chân tường bên cạnh Cửa Đông, chảy tiếp thẳng về hướng tây xuyên qua trung tâm và tạo ra một số bãi cát bồi đẹp mắt gần Cầu Cũ. Ba cây cầu bắc ngang sông: Cầu Đông, Cầu Cũ và Cầu Tây. Cầu Cũ cao tuổi nhất, lớn nhất và cũng đẹp nhất. Ngay dưới chân Cầu Tây là một khúc ngoặt gấp về hướng Nam, ở đây sông từ tốn vòng vào một vòng cung lượn sát tường thành phía nam, tựa như muốn chảy ngược lại. Ngay trước tường thành, sông bào mòn một mặt Đồi Nam và xói thành một thung sâu. Nhưng sông không bỏ lại tường thành phía nam sau lưng mình, mà dồn lại thành một cái hồ, để rồi ngấm xuống các hang động đá vôi dưới đó. Vô số các mạch ngầm của nó – theo lời ông đại tá kể lại – xuyên thủng lỗ chỗ nền hoang mạc bằng đá vôi trải dài vô tận bên ngoài tường thành.
Tất nhiên công việc đọc mơ của tôi vẫn được song song tiến hành. Đúng sáu giờ tôi đẩy cổng vào thư viện, ăn tối cùng cô thủ thư rồi đọc các giấc mơ xưa.
Cho đến nay tôi đã có thể đọc được năm, sáu giấc mơ mỗi tối. Hiện tại tôi đã có khả năng lần theo mớ tia rối rắm đến tận những nhánh rẽ nhỏ nhất, cũng như nắm bắt toàn bộ câu chuyện và những rung động rõ ràng hơn. Ý nghĩa của việc đọc mơ thì tôi vẫn chưa rõ, cũng như tôi chưa hiểu những “giấc mơ xưa” này đã hình thành theo nguyên lý nào. Tuy nhiên qua điệu bộ của cô thủ thư tôi nhận ra thành tích của mình cũng không đến nỗi nào. Bây giờ tôi có thể nhìn thẳng vào ánh sáng do đầu lâu phát ra mà không bị nhức mắt nữa, và tôi cũng không bị chóng kiệt sức. Những đầu lâu tôi đã đọc xong được cô thủ thư đặt lên giá. Hôm sau quay trở lại thư viện tôi sẽ không thấy chúng đâu nữa.
“Anh tiến bộ nhanh đấy!”, cô nói. “Công việc suôn sẻ hơn em nghĩ.”
“Còn bao nhiêu đầu lâu nữa?”
“Nhiều vô kể. Một nghìn, hay hai nghìn cũng nên. Em chỉ cho anh xem nhé?”
Cô đưa tôi đi vòng sau quầy vào kho. Đó là một phòng rộng và sơ sài, như một phòng học, kê san sát giá tủ và nhìn vào nơi ấy cũng chỉ thấy các hộp sọ động vật trắng ớn. Hình ảnh này không hợp với một kho sách thư viện, tôi liên tưởng ngay đến nghĩa địa. Im ắng và lạnh lẽo như trong mồ.
“Tuyệt vời”, tôi nói, “vậy anh cần bao nhiêu năm để đọc hết chỗ này đây?”
“Anh không cần đọc tất cả”, cô nói. “Anh cứ đọc được bao nhiêu thì tùy. Còn lại bao nhiêu thì người đọc mơ kế nhiệm sẽ đọc. Cho đến lúc ấy, các giấc mơ xưa cứ ngủ tiếp.”
“Và em cũng hỗ trợ người đọc mơ kế nhiệm?”
“Không, em chỉ được phép giúp anh. Quy định là thế. Một thủ thư chỉ được giúp một người đọc mơ. Nghĩa là, nếu anh thôi đọc mơ thì em cũng rời khỏi thư viện.”
Tôi gật. Tôi không biết vì sao, nhưng tôi thấy như thế là hoàn toàn tất yếu, không thể khác được. Chúng tôi đứng dựa vào tường và ngắm những dãy đầu lâu trắng trên giá một hồi lâu.
“Em đã đến bờ hồ phía nam thành phố lần nào chưa?”, tôi hỏi bâng quơ.
“Đã có lần em tới đó, nhưng lâu lắm rồi. Hồi còn nhỏ em được mẹ dắt đến. Những người bình thường thì không được phép. Nhưng mẹ em khác. Sao anh hỏi?”
“Anh muốn đến đó xem.”
Cô lắc đầu. “Hồ ấy rất nguy hiểm, nguy hiểm hơn anh tưởng. Mà anh cũng không được phép đến đó đâu. Cũng chẳng có lý do gì, vì hồ rất chán. Tại sao anh muốn ra đó?”
“Anh muốn tìm hiểu làm quen nơi này một chút. Từ đầu này đến đầu kia. Nếu em không muốn đưa anh đi thì anh đi một mình vậy.”
Cô nhìn tôi một lát, rồi thở dài nhượng bộ: “Thôi được. Có vẻ như đằng nào anh cũng không nghe lời người khác nói với anh, còn em thì không thể để anh đi một mình. Nhưng anh hãy nhớ kỹ một điều: em sợ cái hồ ấy lắm, thực ra em không bao giờ muốn tới đó lần nữa. Có gì đó trái tự nhiên, chắc chắn là thế.”
“Sẽ không xảy ra chuyện gì đâu”, tôi nói. “Hai chúng ta cùng đi, và sẽ cẩn trọng. Em không việc gì phải sợ cả.”
Cô lắc đầu. “Anh không biết đâu, vì anh chưa từng ở đó. Nguy hiểm lắm. Nước trong hồ không bình thường, nó dụ dỗ người ta xuống chỗ sâu. Không đùa đâu, em nói tuyệt đối nghiêm túc đấy!”
“Anh sẽ chú ý để ta không lại gần quá”, tôi hứa và nắm tay cô. “Anh chỉ muốn nhìn một lần. Từ xa cũng được.”
Vào một ngày tháng Mười mặt trời xầm xì, sau bữa trưa chúng tôi đi về phía Nam. Dưới thung lũng sâu mà con sông tạo ra nhờ xói vào sườn tây của Đồi Nam, đường đi bị các bụi cây dày đặc mọc kín, vì vậy chúng tôi bắt buộc phải đi vòng qua phía đông của Đồi Nam. Mặt đất phủ kín lá rụng kêu lép nhép dưới chân chúng tôi vì sáng sớm nay có mưa. Trên đường đi chúng tôi chạm trán hai con thú một sừng đi ngược lại. Chúng lẳng lặng đi qua, không chú ý đến chúng tôi, đầu phủ lông vàng nhẹ nhàng lúc lắc qua phải qua trái.
“Thức ăn không đủ nữa”, cô nói. “Mùa đông sắp đến, chúng vất vả đi tìm quả và hạt. Vì vậy chúng liều mạng mò vào tận đây.”
Sườn dốc của Đồi Nam đã ở sau lưng chúng tôi; kể từ đây sẽ không thấy thú một sừng nữa, cũng chẳng có đường mà đi. Chúng tôi bay qua những cánh đồng cô quạnh khô cằn và những khu nhà bị bỏ hoang, đi tiếp về hướng tây; dần dần có tiếng động từ hồ vọng đến tai, ngày càng to.
m thanh khác hẳn với những gì tôi từng nghe trong đời. Không phải tiếng thác nước, không phải tiếng gió hú, cũng không phải tiếng gầm gào dưới lòng đất. Nó giống tiếng thở dài mãnh liệt từ một cổ họng hùng vĩ hơn. Đôi khi chỉ là tiếng rên nhè nhẹ, nhưng rồi lại là tiếng than van, thỉnh thoảng khựng lại hay ằng ặc như bị chẹn cổ.
“Nghe cứ như hồ nước định hét lên điều gì đó với ta”, tôi nói.
Cô chỉ im lặng quay sang nhìn tôi. Rồi cô lại dùng tay đeo găng gạt bụi rậm ra lấy đường đi tiếp. “Đường xấu hơn ngày xưa nhiều”, cô nói. “Lần cuối cùng không khó đi như hôm nay. Ta quay về thì hơn.”
“Mình đã đến được đây rồi. Nào, ta cứ đi tiếp đi, đến khi nào không đi được nữa thì thôi.”
Đường khấp khểnh dốc lên dốc xuống, giữa những bụi rậm chúng tôi định hướng theo tiếng thở dài của hồ nước và tiến thêm được mười phút nữa thì đột ngột bụi rậm tẽ ra. Trước mắt chúng tôi một đồng cỏ bằng phẳng trải dài đến tận mép nước. Phía tay phải là thung lũng sâu do dòng sông bào mòn. Ở nơi thung lũng mở ra, lòng sông tỏa rộng, nước chảy qua bụi rậm và qua cả đồng cỏ nơi chúng tôi đang đứng. Ở vị trí đồng cỏ bắt đầu và sông vào khúc quành, dòng chảy đột ngột khựng lại, nước dần dần đổi màu sang sắc lam đậm tiềm ẩn tai ương rồi phồng ra, như một con rắn vừa nuốt con mồi, thành một cái hồ bát ngát. Tôi đi dọc bờ tới hồ.
“Đừng đến gần!”, cô nói và khẽ kéo tay tôi. “Tuy người ta không thấy sóng và mặt hồ nom rất thanh bình lặng lẽ, nhưng dưới bề mặt ấy là những vũng xoáy rất xiết, đã túm được anh thì chúng sẽ kéo anh xuống và không bao giờ nhả ra nữa.”
“Không rõ sâu chừng nào nhỉ?”
“Anh không thể tưởng tượng ra nó sâu đến mức nào. Xoáy nước ngày càng nạo sâu xuống lòng đất, như một mũi khoan phá, khiến hồ ngày một sâu hơn. Người ta kể rằng ngày xưa bọn tà giáo và tội nhân bị ném xuống đó…”
“Sao nữa?”
“Chúng không bao giờ nổi lên nữa. Chắc anh đã nghe kể về những hang động dưới đáy hồ rồi chứ? Một khi đã bị hút xuống cái họng ấy thì người ta sẽ vĩnh viễn phải loanh quanh trong bóng đêm của hang động.”
Cả vùng đất nằm ngột ngạt dưới tiếng thở nặng nề do hồ phun lên tựa những làn hơi nước. Nghe như có tiếng than vãn và rên rỉ của vô số sinh linh vọng lên từ đáy hồ.
Cô nhặt một miếng gỗ to bằng bàn tay lên, nhắm vào giữa hồ và ném. Miếng gỗ bập bềnh đúng năm giây trên bề mặt, chợt rung lên bần bật và biến mất tăm, tựa như bị một bàn tay từ bên dưới túm lấy và lôi tuột xuống nước. Không thấy nó nổi lên.
“Thấy chưa, em nói rồi mà – bây giờ anh đã tin là dưới đó có xoáy nước chưa?”
Chúng tôi ngồi xuống cỏ, cách mép nước chừng mười thước, ăn bánh mì tôi mang theo trong túi. Nhìn từ xa, phong cảnh xung quanh không đem lại gì khác ngoài sự tĩnh lặng hiền hòa. Hoa thu lấm tấm sặc sỡ trên nền cỏ, lá cây đỏ rực – và giữa phong cảnh ấy là mặt hồ phẳng như gương, không một gợn sóng nhỏ. Phía bên kia hồ là vách đá vôi vút cao, đội bức tường thành đen bằng gạch. Ngoài tiếng thở của hồ, tất cả đều im phăng phắc. Thậm chí cây cối cũng không rì rào.
“Tại sao anh muốn có một tấm bản đồ bằng được?”, cô hỏi. “Anh sẽ không thể rời khỏi thành phố được nữa, có bản đồ hay không có cũng thế.” Cô phủi vụn bánh trên lòng và nhìn ra hồ. “Anh muốn đi khỏi đây à?”
Tôi im lặng gật đầu. Thế có nghĩa là “không” hay nghĩa là tôi chưa quyết định được, tự tôi cũng không biết. Cả điều này tôi cũng không biết!
Tôi nói: “Anh không biết. Anh chỉ muốn tìm hiểu thành phố. Muốn biết diện mạo nó, lịch sử hình thành của nó, và mọi người sống như thế nào. Muốn biết cái gì điều khiển anh. Sau đó là gì nữa thì anh cũng không biết.”
Cô chầm chậm lắc đầu, sang trái, sang phải, rồi nhìn sâu vào mắt tôi. “Không có cái gì gọi là ‘sau đó’ đâu”, cô nói. “Anh không biết à? Đây đích thực là chốn tận cùng thế giới. Chúng ta sẽ vĩnh viễn ở lại đây.”
Tôi nằm xuống cỏ và nhìn lên trời. Bầu trời mà tôi nhìn lên được thì luôn luôn phủ mây. Sáng sớm nay trời mưa, cỏ còn ướt và lạnh, mặc dù vậy hương thơm ấm áp của đất vẫn trùm quanh tôi.
Có tiếng vỗ cánh – mấy con chim mùa đông bay lên từ bụi rậm và biến mất sau bức tường thành. Chỉ có chim mới vượt nổi tường thành. Mây dày nặng trĩu chăng thấp, báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt đã đợi trước cửa.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!