Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới - Chương 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
161


Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới


Chương 13



13

Frankfurt, Cửa,

Một Tổ Chức Độc Lập

Như mọi khi, trạng thái tỉnh táo quay lại và bắt đầu từ rìa ngoài của tầm nhìn. Trước tiên là cánh cửa nhà tắm phía rìa bên phải, sau đó đến chiếc đèn cây ở rìa bên trái ấn định chỗ của chúng trong ý thức của tôi đang dần dần tụ vào giữa như lớp băng phủ trên mặt hồ. Tâm điểm tầm nhìn là chiếc đồng hồ báo thức, kim chỉ 11 giờ 26. Chiếc đồng hồ báo thức này tôi được tặng khi đến dự một đám cưới. Để tắt chuông, người ta phải đồng thời bấm nút đỏ bên trái và nút đen bên phải, đó là cách duy nhất để chấm dứt chế độ báo thức – một cơ cấu độc đáo khả dĩ tránh một hành động thường gặp là người ta còn lơ mơ ngủ và vươn tay tắt chuông để gà gật tiếp. Quả thật là nếu muốn ấn cùng lúc cả hai nút tôi phải nhỏm dậy và đặt đồng hồ lên đùi, nghĩa là không tránh được chủ động tiến một, hai bước chân vào thế giới của sự tỉnh táo. Chiếc đồng hồ báo thức này, tôi nhắc lại lần nữa, người ta tặng tôi ở một đám cưới nào đó. Đám cưới ai thì tôi không nhớ nữa. Hồi đó tôi chưa đến ba mươi và còn bạn bè, cho dù cũng không nhiều, có khi đi dự mấy đám cưới liền trong năm, và vào một dịp nào đó tôi được tặng chiếc đồng hồ này. Tự nguyện thì chắc tôi chẳng bao giờ đi mua cái đồ nhiễu nhương ấy, vì muốn tắt thì phải bấm hai nút cùng một lúc. Bình thường ra, tôi tỉnh dậy không mấy khó khăn.

Khi tầm nhìn của tôi bắt đầu quy tụ vào chiếc đồng hồ báo thức, tôi bất giác đặt nó lên đùi và ấn cả hai tay lên nút đỏ và nút đen. Làm xong tôi mới nhận thấy đồng hồ không đổ chuông. Tôi không nằm trên giường, vậy thì cũng không đặt báo thức, mà chỉ để nó ở bàn bếp như thỉnh thoảng vẫn làm. Tôi đã xáo dữ liệu. Không có lý do gì để phải đặt chuông báo thức.

Tôi đặt nó lên bàn và ngó quanh. Không có gì biến chuyển trong phòng. Các chấm đèn sáng đỏ cho thấy hệ thống báo động đang ở trạng thái bật, đầu kia mặt bàn là tách cà phê đã cạn. Trên đĩa lót mà cô thủ thư dùng làm gạt tàn còn cắm đầu mẩu của điếu cuối cùng cô hút trước khi ra đi. Một điếu Marlboro Light. Không dính son môi. Nếu tôi không nhầm thì cô không son phấn gì cả.

Sau đó tôi ngắm cuốn vở ghi chép và bút chì nằm ngay trước mặt. Trong năm cây bút chì độ cứng F vót nhọn thì hai bị gãy ngòi, hai viết mòn vẹt, chỉ còn một cây vẫn nhọn như cũ. Ngón giữa tay phải hơi tê vì viết quá nhiều. Việc xáo dữ liệu đã hoàn tất. Mười sáu trang vở đặc kín những hàng số.

Theo đúng quy định, tôi đo số lượng dữ liệu với các cột số đã xáo và đốt danh mục ban đầu trong bồn rửa tay. Tôi nhét quyển sổ vào hộp an toàn rồi cất túi cùng máy ghi âm vào két sắt. Sau đó tôi ra ngồi ngoài sofa phòng khách và thở dài. Tôi đã xong nửa nhiệm vụ, và bây giờ tối thiểu sẽ có cả một ngày rảnh.

Tôi rót hai đốt ngón tay whiskey vào cốc, nhắm mắt và uống thành hai hớp. Rượu trôi vào họng nóng cháy, qua thực quản xuống dạ dày. Rồi máu chuyển hơi nóng đi khắp cơ thể. Trước tiên nó làm nóng ngực và má lên, sau đó đến hai bàn tay và cuối cùng xuống chân. Tôi vào phòng tắm đánh răng, uống hai cốc nước và đi tiểu, sau đó tôi ra bếp vót nhọn bút chì và xếp chúng ngay ngắn cạnh nhau trên bàn. Tôi đặt đồng hồ báo thức vào đầu giường và tắt máy trả lời điện thoại. Đồng hồ chỉ 11 giờ 57. Ngày mai tôi không phải làm gì cả ngày. Tôi vội cởi quần áo, chui vào đồ ngủ, nằm lên giường, kéo chăn lên tận cằm và tắt đèn. Giờ thì được ngủ mười hai tiếng liền nhé, tôi nghĩ. Ngủ mười hai tiếng liền không bị quấy rầy. Kệ cho chim chóc hót ca, ọi người lên tàu tới chỗ làm việc, ở một xó nào đó trên thế giới núi lửa phun trào, một đơn vị vũ trang Israel triệt hạ một làng ở Trung Đông – tôi cứ phải ngủ cái đã.

Sau đó tôi ngẫm nghĩ xem mình sẽ sống một cuộc đời như thế nào sau khi không làm toán sư nữa. Tôi đã tiết kiệm đủ tiền, cộng thêm lương hưu nữa là đủ sống một cuộc đời yên ổn. Tôi sẽ học tiếng Hy Lạp và học đàn vi ô lông xen. Tôi sẽ phóng ô tô lên núi, đặt chiếc đàn vi ô lông xen ở băng sau, và tha hồ tập đàn trên núi.

Nếu may mắn một chút thì thậm chí tôi có thể mua một ngôi nhà nho nhỏ trên núi. Một túp lều xinh xắn có bếp tử tế. Ở đó tôi sẽ đọc sách, nghe nhạc, xem các băng video cũ và nấu ăn. Nghĩ đến nấu ăn là tôi lại nhớ tới cô gái tóc dài ở quầy thông tin thư viện. Kể ra cũng hay nếu cô ta cùng ở đó, trong túp lều sơn cước của tôi. Tôi nấu, và cô ăn.

Trong khi nghĩ về bếp núc, tôi thiếp đi. Đột ngột như trời sập. Chiếc vi ô lông xen, túp lều, bếp – tất cả vỡ tung và tan biến vào hư không. Chỉ còn lại mình tôi, mê mệt như chết.

Ai đó khoan một lỗ vào đầu tôi và lấy một cái que bằng giấy xoắn lại cứng ngắc thọc vào gáy lộn lên. Cái que giấy dài ngoằng thọc vào đầu tôi ngày càng sâu. Tôi vung tay gạt nó đi nhưng chẳng được, nó ngoáy vào mỗi lúc một sâu hơn.

Tôi ngồi bật dậy và ép hai tay vào đầu, nhưng làm gì có que nào. Cũng không có lỗ. Chuông reo. Chuông reo liên tục. Tôi lần mò tìm đồng hồ báo thức, đặt nó lên đùi và ấn cả hai tay lên nút đỏ và nút vàng. Chuông vẫn tiếp tục reo. Chuông điện thoại. Đồng hồ chỉ 4 giờ 18 phút. Bên ngoài vẫn tối. 4 giờ 18 rạng sáng.

Tôi trèo khỏi giường, đi vào bếp và nhấc máy. Mỗi lần điện thoại réo chuông giữa đêm là tôi lại hạ quyết tâm trước khi đi ngủ sẽ đem nó vào phòng ngủ, vậy mà hôm nào cũng quên. Để rồi lại vấp ống đồng vào chân bàn hay bếp lò hay đâu đó.

“A lô?”, tôi nói.

Đầu dây bên kia lặng ngắt. Im lặng tuyệt đối, tựa như điện thoại nằm lấp dưới một đống cát.

“A lô!!!”, tôi hét lên. Nhưng nó vẫn im lặng như một nấm mồ. Không có tiếng thở hay tiếng lẹt xẹt. Sự im lặng đặc sệt như muốn hút tôi vào trong ống nghe. Tôi tức mình đập máy xuống, đi lấy một cốc sữa ở tủ lạnh, nốc một hơi cạn rồi chui vào giường.

Hồi chuông tiếp theo vang lên lúc 4 giờ 46. Tôi lại leo khỏi giường, đi đúng đoạn đường lúc nãy và nhấc máy. “A lô?”, tôi nói.

“A lô”, một giọng phụ nữ. Tôi không nhận ra giọng ai. “Xin lỗi chuyện vừa rồi. Trường âm thanh bị nhiễu. Đôi khi mất hẳn âm thanh.”

“Mất hẳn âm thanh?”

“Vâng, đúng thế”, người phụ nữ nói. “Trường âm thanh vừa đột ngột bị nhiễu. Nhất định có chuyện gì xảy ra với ông tôi. A lô, ông có nghe tôi nói không?”

“Nghe rất rõ”, tôi nói. Cô cháu gái của ông già kỳ cục đã tặng tôi chiếc đầu lâu thú một sừng. Cô gái mũm mĩm trong bộ y phục màu hồng.

“Ông tôi không lên đây lần nào. Và đột nhiên trường âm thanh bị nhiễu. Nhất định có chuyện rồi. Tôi đã thử gọi ông tôi nhưng ông không bắt máy… Chắc chắn bọn ma đen đã tấn công ông, có trời mà biết chúng nó đã làm gì với ông tôi rồi!”

“Cô có chắc không? Có thể ông cô đang vùi đầu vào nghiên cứu nên không lên. Chẳng phải là hôm vừa rồi ông để cô mất tiếng cả tuần mà không nhận ra đó sao? Ông cô thuộc kiểu người quên hết mọi thứ nếu đã chú tâm vào một chuyện gì.”

“Không, không, lần này khác. Tôi biết chứ. Ông tôi và tôi có linh cảm khi một trong hai người bị xảy ra chuyện gì. Và đã có chuyện xảy ra với ông tôi, một chuyện khủng khiếp. Ngoài ra rào âm thanh cũng bị xuyên thủng, chắc chắn là thế. Vì vậy trường âm thanh dưới đất cũng bị nhiễu.”

“Gì cơ?”

“Rào âm thanh. Đó là một thiết bị phóng ra tín hiệu đặc biệt để chặn bọn ma đen. Khi rào âm thanh bị vũ lực phá hỏng thì mức độ âm thanh ở đó bị mất kiểm soát. Bọn ma đen đã tấn công ông tôi, nhất định thế!”

“Để làm gì?”

“Ai cũng rình rập kết quả nghiên cứu của ông tôi, ma đen, ký hiệu sư, ai cũng thế. Bọn chúng cố cướp của ông tôi những thành quả đó. Bọn chúng đã đưa một đề nghị đổi chác, ông tôi từ chối và giận phát điên lên. Ông phải đến đây nhanh lên, tôi xin ông! Sẽ có chuyện rất tồi tệ, xin ông hãy giúp tôi với!”

Tôi chỉ tưởng tượng ra cảnh đối mặt với bọn ma đen lẩn quất ở đoạn đường âm u dưới đất mà đã thấy sởn gáy.

“Cô nghe này, tôi rất lấy làm tiếc, nhưng nghề của tôi là tính toán. Mọi công việc khác không có trong hợp đồng, và tôi cũng chẳng có thể làm nổi gì hơn. Tôi sẵn sàng giúp cô bất cứ việc gì và lúc nào, nhưng đánh lộn với bọn ma đen để giải cứu ông cô thì tôi không thể. Việc ấy là của cảnh sát hoặc lực lượng chuyên nghiệp của Hệ thống được đào tạo đặc biệt cho những trường hợp tương tự.”

“Cảnh sát thì không được. Vì như vậy tất cả sẽ bị lộ ra hết và hậu quả là một thảm họa. Công trình nghiên cứu của ông tôi mà lộ ra thì thế giới sẽ diệt vong.”

“Thế giới diệt vong?”

“Tôi xin ông!”, cô gái nói. “Ông đến đây càng nhanh càng tốt và hãy giúp tôi! Nếu không sẽ xảy ra những chuyện không sao cứu vãn nổi. Sau ông tôi thì sẽ đến lượt ông!”

“Có lý do gì để người ta theo đuổi tôi? Có thể cô biết đến công trình nghiên cứu của ông cô, chứ tôi thì hoàn toàn mù tịt.”

“Ông là chìa khóa. Không có chìa khóa thì không mở được cửa.”

“Tôi không hiểu cô định nói gì.”

“Tôi không có thì giờ giải thích cho ông qua điện thoại. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, ông hãy tin tôi. Quan trọng hơn ông có thể tưởng tượng ra nhiều. Quan trọng đối với ông. Nếu chúng ta không hành động khi còn hành động được thì tất cả sẽ quá muộn. Đó là sự thật, xin ông tin tôi!”

“Thôi được”, tôi nói và xem đồng hồ. “Bây giờ cô tìm cách rời khỏi nhà. Nếu những gì cô kể là đúng thì ở đó quá nguy hiểm.”

“Tôi phải đi đâu?”

Tôi đề nghị cô đến một siêu thị ở Aoyama mở cửa suốt 24/24 và tả đường đi. “Đợi tôi bên trong tiệm cà phê. Chậm nhất là năm rưỡi tôi có mặt.”

“Tôi sợ lắm. Có gì…”

m thanh lại mất. Tôi hét lên mấy lần vào ống nghe nhưng không nghe trả lời. Im lặng phả ra từ ống nghe như khỏi đầu nòng súng lục. Trường âm thanh bị nhiễu. Tôi cúp máy, nhanh chóng trút đồ ngủ, mặc áo thun và quần vải bông. Sau đó tôi vào nhà tắm, khẩn trương cạo râu khô, vã nước lên mặt và vuốt tóc cho thẳng. Mặt tôi bì lên như cái bánh bao vì thiếu ngủ. Tôi chỉ muốn ngủ cho đã. Ngủ đẫy giấc, khỏe khoắn và sống cuộc đời bình thường nhạt nhẽo. Tại sao người ta không để tôi yên? Thú một sừng, ma đen – dính dáng gì đến tôi cơ chứ?

Tôi khoác một chiếc áo gió ra ngoài, đút ví, tiền lẻ và dao vào túi. Lưỡng lự một lát, rồi tôi quấn đầu lâu thú một sừng vào hai khăn tắm và nhét nó cùng kẹp gắp than vào một cái túi du lịch, ném tiếp vào đó cái hộp bảo hiểm đựng các dữ liệu đã xáo. Căn hộ này dĩ nhiên là không an toàn nữa rồi. Để mở cửa và két sắt, dân chuyên nghiệp chỉ cần một thời gian bằng để hút một điếu thuốc.

Tôi xỏ chân vào đôi giày tennis mới cọ rửa được một chiếc, vác túi du lịch đi khỏi nhà. Ngoài hành lang không có ai. Tôi bỏ thang máy, chạy bộ xuống. Trời còn chưa hửng, trong nhà im lặng như tờ. Dưới hầm để xe cũng vắng ngắt.

Có gì đó không ổn. Quá im lặng. Nếu người ta muốn rình chiếm cái đầu lâu đến thế thì ắt phải cử một người canh chừng ở đây chứ. Nhưng không có động tĩnh gì. Không một bóng người. Tựa hồ chúng đã quên tôi.

Tôi mở khóa ô tô, ném túi lên ghế phụ lái và mở máy. Sắp đến năm giờ, vừa cẩn trọng nhìn quanh tôi vừa đi khỏi nhà xe, về hướng Aoyama. Hầu như không có xe cộ trên đường ngoài những chiếc taxi hối hả đổi ca và xe tải chạy đêm. Thỉnh thoảng tôi quan sát kính chiếu hậu, nhưng không ai bám đuôi tôi.

Mọi việc suôn sẻ đến không ngờ. Tôi biết kiểu bọn ký hiệu sư hành sự. Nếu đã xác định được mục tiêu là chúng bám riết không cần nhìn phải trái. Nhờ một tay thợ đường ống khí đốt hậu đậu, không rình rập giám sát mục tiêu – không bao giờ chúng làm những việc nửa vời như thế. Ký hiệu sư luôn quyết định phương pháp chóng vánh nhất, chính xác nhất và thi hành không khoan nhượng. Cách đây hai năm, có lần chúng chụp được năm toán sư và lấy cưa máy cưa sọ ra. Chúng lấy óc để lọc ra các dữ liệu còn mới. Công việc không thành, và rốt cuộc người ta tìm thấy năm xác đàn ông không óc và không nắp hộp sọ trôi lềnh bềnh ngoài vịnh Tokyo. Bọn ký hiệu sư làm việc như thế đấy.

Khi tôi đỗ xe tại bãi đỗ của siêu thị thì đồng hồ chỉ 5 giờ 28, sát giờ hẹn. Trời Tokyo đã hửng lên một chút. Tôi xách túi du lịch vào siêu thị. Trong phòng bán hàng mênh mông hầu như không thấy ai, một nhân viên mặc đồ kẻ sọc ngồi ở quầy thu ngân và đọc tờ tuần san đang bày bán. Một phụ nữ khó đoán tuổi và nghề nghiệp đẩy xe chất cao ngất đồ hộp và thực phẩm ăn liền dọc lối đi. Qua khu bán rượu tôi rẽ vào tiệm cà phê.

Mười hai chiếc ghế đứng trơ trọi trước quầy bar. Tôi ngồi lên ghế cuối dãy, gọi sữa lạnh và bánh kẹp. Sữa lạnh đến nỗi không cảm thấy vị gì, còn bánh kẹp thuộc loại làm sẵn hàng loạt hàn vào nylon, ướt át và dai ngoách. Tôi ăn thật chậm, nhai kỹ từng miếng và chiêu theo từng ngụm sữa nhỏ. Tôi giết thì giờ một hồi lâu bằng cách ngắm nhìn tấm áp phích quảng cáo cho du lịch Frankfurt. Tranh tả mùa thu, cây cối và bụi rậm ven sông nhuốm đỏ, một ông già mặc măng tô đen đội mũ len cho thiên nga ăn cạnh mép nước. Một chiếc cầu đá cổ tuyệt đẹp, ở hậu cảnh là tháp chuông của nhà thờ xứ vút cao. Nhiều người ngồi trên ghế băng cạnh sông, ai cũng mặc măng tô, phụ nữ quàng khăn kín cổ. Một bức tranh đẹp, nhưng chỉ nhìn đã thấy ớn lạnh. Có thể một phần vì hình như mùa thu ở Frankfurt rất lạnh, nhưng tôi luôn luôn ớn lạnh khi ngắm những tháp chuông cao nhọn hoắt.

Sau đó tôi xem tranh quảng cáo thuốc lá treo ở bức tường đối diện. Một người đàn ông mặt mày nhẵn nhụi, ngón tay kẹp điếu thuốc đang cháy, ngó chếch ra trước về hướng xa xăm. Không hiểu những người mẫu quảng cáo thuốc lá làm sao có được ánh mắt không-nhìn-gì-không-nghĩ-gì ấy?

Tôi ngắm những tranh khác nhau trong siêu thị theo kiểu ấy cho đến sáu giờ. Cháu ông giáo sư vẫn không xuất hiện. Tôi không hiểu tại sao cô ta trễ giờ đến mức ấy. Chả gì thì chính cô là người hối thúc tôi đến càng sớm càng tốt. Song đây không phải là một câu hỏi để trả lời bằng lý trí. Tôi đã đến sớm như có thể. Mọi việc còn lại là vấn đề của cô ta. Một vấn đề mà nói cho cùng thì chẳng liên quan gì đến tôi cả.

Tôi gọi một tách cà phê, uống chậm rãi, không pha thêm sữa và đường.

Sau sáu giờ lượng khách hàng dần dần đông lên. Các bà nội trợ mua bánh mì và sữa cho bữa sáng, sinh viên thức đêm học bài kiếm đồ điểm tâm, một cô gái trẻ mua giấy vệ sinh, một nhân viên văn phòng lấy ba tờ báo, hai ông trung niên khoác túi đồ đánh golf mua nhiều chai rượu dẹt con con.

Tôi đợi đến sáu rưỡi, nhưng cô bé vẫn mất tăm. Tôi rời siêu thị, lên xe đi về ga Shinjuku. Tôi đỗ xe dưới hầm, ra quầy giữ hành lý để gửi cái túi du lịch. Tôi dặn họ cẩn thận vì trong túi có thứ dễ vỡ; nhân viên ở quầy gắn một miếng bìa nhỏ màu đỏ in hình ly rượu và chữ DỄ VỠ. Tôi đợi xem cái túi xanh hiệu Nike được đặt nghiêm chỉnh lên giá và nhận phiếu gửi hàng. Sau đó tôi ra ki ốt mua một chiếc phong bì và tem loại 2650 yên, cho phiếu gửi hàng vào dán lại và dán tem, đề địa chỉ hòm thư mang danh một công ty trá hình do tôi đặt ra và ném vào thùng thư. Như vậy là hiện tại các thứ trong túi đã được an toàn, trừ phi có điều gì cực kỳ bất thường xảy ra. Thỉnh thoảng tôi vẫn sử dụng biện pháp an ninh này.

Ném thư vào thùng bưu điện xong, tôi đánh xe về nhà. Người tôi nhẹ hẳn đi khi biết là không còn gì nữa để bị mất cắp. Tôi đỗ xe dưới hầm xe, đi thang bộ lên nhà, tắm, đi lên giường và ngủ thiếp đi như không có chuyện gì xảy ra.

Bọn chúng đến lúc mười một giờ. Tôi không ngạc nhiên lắm, vì sau những sự kiện đã xảy ra thì tôi nghĩ bụng là đã đến lúc ai đó xuất đầu lộ diện. Nhưng người ấy không bấm chuông, mà xô cửa xông vào nhà. Và cái kiểu xông vào ấy thực ra không thể gọi là xô cửa thông thường: sàn nhà rung lên như động đất hoặc như có chiếc xe lu đâm vào cửa. Kinh khủng quá. Ai có nhiều sức như vậy, người ấy hoàn toàn có thể lột chìa khóa vạn năng từ tay quản lý nhà, và cũng đỡ hẳn cho tôi chi phí sửa cửa. Và tiếng ầm này có lẽ sẽ là lý do khiến người ta cắt hợp đồng thuê nhà.

Trong khi người kia đang đạp bung cửa ra, tôi mặc quần và áo thun vào, giấu dao vào thắt lưng và đi đái. Để phòng xa, tôi mở két sắt, bật chế độ tự hủy ở máy ghi âm. Lúc cuộn băng đã bị phá xong, tôi lấy trong tủ lạnh ra một lon bia và tô salad khoai tây thay bữa trưa. Từ bao lơn có một cầu thang cứu hỏa dẫn xuống dưới, tôi hoàn toàn có thể chạy trốn được, nhưng tôi quá mệt mỏi và thấy chạy trốn là việc quá nhọc nhằn. Mà có trốn cũng không giải quyết được vấn đề nào trong những vấn đề mà tôi đang phải đối đầu. Tôi đang đối đầu với những vấn đề cực kỳ phiền toái – hay nói đúng hơn là bị lôi vào những vấn đề ấy – đó là những khó khăn mà tôi không tự lực giải quyết được. Tôi cần ai đó để bàn luận nghiêm chỉnh.

Tôi đã đến phòng thí nghiệm dưới đất của một nhà khoa học do ông ta yêu cầu xử lý dữ liệu ở đó. Nhân dịp này, tôi được tặng một cái đầu lâu động vật, hình như của thú một sừng, và đem về nhà. Không lâu sau, một thợ khí đốt được ký hiệu sư mua chuộc toan ăn cắp nó. Sáng hôm sau, tôi nhận điện thoại của cháu gái người giao việc, báo cho biết là ông cô bị bọn ma đen tấn công và cô cần tôi trợ giúp. Tôi vội đến điểm hẹn đã thống nhất, nhưng cô gái không xuất hiện. Rõ ràng tôi đang sở hữu hai thứ giá trị. Thứ nhất là chiếc đầu lâu. Thứ hai là các con số đã xáo trộn. Cả hai đã được tôi gửi vào quầy giữ hành lý ở ga Shinjuku.

Phi lý nối tiếp phi lý. Tôi cần có một lời khuyên, từ ai cũng được. Không thì tôi sẽ chạy trốn suốt đời với cái đầu lâu cặp nách mà không rõ thực hư ra sao.

Tôi uống xong bia, ăn hết salad khoai tây và nghỉ được một giây thì đúng lúc cánh cửa sắt đổ vào trong như tiếng bom, và một gã hộ pháp – như tôi cả đời chưa hề thấy – tiến vào. Hắn vận một chiếc sơ mi chim cò sặc sỡ, quần nhà binh màu ka ki vấy dầu mỡ, và giày tennis to như chân nhái của thợ lặn. Tóc hắn húi ngắn, mũi bự thịt, và cổ chắc nịch như cổ trâu. Mí mắt hắn nặng nề xám xịt như chì đúc, cặp mắt lờ đờ ngái ngủ lóe trắng khó chịu, trông tưởng như mắt giả nhưng nhìn kỹ thì thấy lòng đen đôi khi thoáng xê dịch, vậy đích thị là mắt thật. Hắn phải cao đến một thước chín nhăm, vai rộng, sơ mi chim cò to bằng nửa tấm khăn trải giường kéo căng trên ngực, hàng khuy lúc nào cũng chực đứt tung ra.

Hộ pháp thoáng nhìn cánh cửa vừa bị hắn phá hủy, như tôi ngắm nút chai vang vừa bật ra, rồi tiến lại. Dường như không có cảm xúc gì sâu xa hơn khi ra trước mặt tôi, hắn nhìn tôi như cái bàn cái ghế trong nhà. Và tôi cũng ước gì được là cái bàn cái ghế.

Khi tên hộ pháp tránh qua bên, tôi nhìn thấy một thân hình nhỏ thó. Gã này nhất định dưới một thước rưỡi, gầy gò, nét mặt cân đối. Gã mang áo thun xanh hiệu Lacoste, quần lanh màu be và giầy da nâu nhạt. Có lẽ gã mua mấy thứ này ở cửa hàng cao cấp cho con nít. Cổ tay gã lấy lánh chiếc đồng hồ Rolex vàng, trông to quá khổ như máy bộ đàm trong những phim khoa học viễn tưởng kiểu Star Trek. Làm gì có Rolex cho trẻ con! Gã trông trên dưới bốn chục. Nếu cao thêm độ hai chục phân nữa thì gã có dáng dấp một diễn viên truyền hình hạng hai rồi.

Hộ pháp không bận tâm cởi giày mà sầm sầm vào bếp, đi quanh bàn và kéo chiếc ghế đẩu đối diện tôi ra, lập tức gã còi lãng đãng tiến lại ngồi. Hộ pháp dựa vào bồn rửa bát, khoanh đôi tay lực lưỡng như đùi người thường trước ngực và găm ánh mắt lì lợm vào lưng tôi, đoạn ngang eo. Lẽ ra tôi nên trốn qua thang cứu hỏa thì hơn. Khả năng dự đoán của tôi thế là hỏng rồi, không hiểu có cửa hiệu nào chữa được không.

Còi không nhìn thẳng vào mặt tôi và cũng không chào hỏi gì cả. Gã rút một bao thuốc và bật lửa trong túi ra, đặt lên bàn. Thuốc Benson & Hedges, bật lửa vàng Dupont. Quy định hạn chế nhập khẩu chắc là do nước ngoài bịa ra thôi. Gã kẹp bật lửa vào hai ngón tay và xoay đi lộn lại rất khéo. Một màn xiếc, diễn tại gia, mặc dù tất nhiên tôi không nhớ đã mời đoàn xiếc nào về nhà.

Tôi sờ tay lên nóc tủ lạnh tìm gạt tàn Budweiser của một hiệu đồ uống tặng kỷ niệm, lấy tay chùi bụi và đặt trước mặt Còi. Gã châm một điếu, bật lửa xạch một tiếng gọn êm tai, nheo mắt thổi khói ra. Cái dáng nhỏ thó của gã đàn ông này thật đáng chú ý. Khuôn mặt, cánh tay, bàn tay và chân gã, tất cả đều nhỏ một cách cân đối về tỷ lệ. Một thân hình như được thu nhỏ đều trên máy photocopy. So với khổ người ấy, điếu Benson & Hedges trông dài như cây bút chì chưa gọt.

Không nói một câu, Còi chằm chằm nhìn xuống điểm cháy của điếu thuốc. Có lẽ nên gọi đây là phim của Luc Godard với phụ đề Gã nhìn chằm chằm điếu thuốc cháy, nhưng phim của Luc Godard đã lâu không còn tính thời thượng nữa – bất kể thế là may hay không may. Khi tàn thuốc đủ dài, gã gẩy cho rơi xuống bàn, không thèm nhận ra chiếc gạt tàn nằm đó.

“Phá cửa là việc cần thiết”, Còi cất giọng cao và đanh. “Vì vậy chúng tôi đã phá cửa. Dĩ nhiên chúng tôi có thể dễ dàng mở khóa, nhưng đơn giản đó là việc chẳng đừng. Không nên để bụng trách chúng tôi làm gì.”

“Tôi không có gì trong nhà cả. Các anh có thể lục soát mọi chỗ”, tôi nói.

“Lục soát?”, Còi làm bộ sửng sốt. “Lục soát?” Điếu thuốc trên môi, gã gãi sồn sột vào lòng bàn tay. “Chúng tôi lục soát gì mới được chứ?”

“Tôi cũng không biết, nhưng nếu không thì các anh tới đây làm gì? Và phá cửa làm gì?”

“Tôi tuyệt đối không nắm được ý anh”, gã đàn ông nói. “Anh hiểu sai hết cả. Chúng tôi không muốn gì hết. Ngoài chuyện trò với anh. Thế thôi. Chúng tôi không tìm gì, không muốn gì. Nhưng một ngụm Coca thì cũng không chối. Anh có Coca đó không?”

Tôi mở tủ lạnh, lấy hai lon đã mua để pha whiskey ra, đặt xuống bàn cùng hai cốc thủy tinh. Sau đó tôi lấy ình một lon bia Ebisu.

“Anh kia chắc cũng muốn uống chút gì”, tôi nói và chỉ vào Hộ pháp sau lưng mình.

Còi ngoắc tay ra hiệu cho Hộ pháp, hắn ta lập tức lướt tới không một tiếng động và cầm một lon Coca trên bàn. So với thân hình khổng lồ thì hắn di chuyển quá ư nhanh nhẹn.

“Uống đi, xong thì cho xem mục biểu diễn nghệ thuật”, Còi nói với Hộ pháp. “Tiết mục nhỏ ngoài lề thôi”, gã nói với tôi.

Tôi xoay lại xem Hộ pháp làm đúng một ngụm hết lon. Để chắc chắn không còn đọng lại một giọt nào, hắn lật úp lon, sau đó kẹp ngang giữa hai lòng bàn tay mà ấn, không đổi nét mặt. Phạch một tiếng như tờ báo bị gió thổi bay lên, và cái lon đỏ giờ chỉ còn là một đồng xèng bẹp dí.

“Thế thì ai cũng làm được thôi”, Còi nói. Ai cũng làm được. Có thể ai đó, chứ tôi thì nhất định không.

Hộ pháp nhón đầu ngón tay cầm đồng xèng và xé thành hai nửa gọn ghẽ. Lần này thì khóe miệng hắn hơi nháy, tuy rất ít. Tôi đã có lần chứng kiến một người xé cuốn danh bạ điện thoại, nhưng xé lon Coca? Tôi chưa thử bao giờ, song chắc không đơn giản.

“Anh ta còn bẻ cong được cả đồng xu 100 yên. Ít người làm được lắm”, Còi nói.

Tôi gật đầu. Không nghi ngờ gì.

“Và vặt đứt cả tai nữa.”

Tôi gật đầu. Không nghi ngờ gì.

“Cho đến cách đây ba năm, anh ta là dân đấu vật chuyên nghiệp”, Còi nói. “Khá xuất sắc là đằng khác. Trẻ, khỏe và nhanh hơn người ngoài tưởng. Nhưng đầu gối như thế thì chịu bó tay. Đấu vật chuyên nghiệp cần tốc độ cao.”

Đúng là nhìn bề ngoài không đoán được thật; tôi vội gật đầu.

“Từ đó trở đi tôi chăm sóc anh ta, chả gì thì cũng là anh em họ với nhau.”

“Hình như trong gia đình anh không có người tầm thước bình thường?”, tôi nói.

“Gì cơ?”, Còi hỏi, trừng trừng nhìn tôi.

“Không, không có gì”, tôi nói.

Dường như Còi lưỡng lự một thoáng không biết nên làm gì, sau đó gã vứt điếu thuốc xuống đất và di cho tắt. Tôi quyết tâm không phê phán gì nữa.

“Anh phải thanh thản nữa đi, thanh thản nữa. Hãy mở trái tim mình, hãy phóng túng. Không thì không thể chuyện trò cởi mở được”, Còi nói.

“Tôi có được phép lấy một lon bia nữa trong tủ lạnh không?”

“Dĩ nhiên rồi, cứ tự nhiên. Đây là nhà anh cơ mà, tủ lạnh của anh, bia của anh.”

“Và cửa của tôi”, tôi nói.

“Quên cái cửa đi. Nó thảm hại lắm, đúng là đồ rẻ tiền. Anh kiếm tiền khá lắm cơ mà, hãy chuyển đến nhà nào có cửa tử tế hơn.”

Tôi bỏ chuyện cửa, lấy một lon bia nữa trong tủ lạnh ra uống.

“Chúng tôi không thích để anh phải phỏng đoán lâu la, vì vậy tôi nói luôn: chúng tôi đến đây để giúp anh.”

“Bằng cách phá tan cửa nhà tôi?”

“Tôi đã nói đừng ai nhắc tôi nhớ đến chuyện cửa rả ấy đi chưa nhỉ?”, Còi bình thản nói. Và nhắc lại câu nói đó một lần nữa về phía Hộ pháp. Hắn gật đầu xác nhận. Có lẽ Còi thuộc dạng người dễ lên cơn cuồng nộ. Tôi ưa tránh những kẻ như thế.

“Chúng tôi đến đây hoàn toàn vì từ tâm”, Còi nói. “Anh đang rối trí do đó chúng tôi có mặt để giúp anh một chút. Hay là, nếu anh không ưa chữ điên đảo: anh đang vào ngõ cụt. Đúng không?”

“Đúng. Tôi đang rối trí, và tôi đang vào ngõ cụt”, tôi nói. “Tôi không có thông tin nào hết, không hiểu chuyện gì xảy ra, lại còn không có cửa nữa.”

Còi vớ chiếc bật lửa vàng và ném nó vào cửa tủ lạnh, nhưng không nhỏm dậy. Một tiếng động trầm đục đầy đe dọa vang lên, và cửa tủ lạnh có một vết lõm sâu. Hộ pháp nhặt bật lửa lên và đưa lại cho chủ nhân. Mọi sự lại như cũ, trừ vết lõm trên cửa tủ lạnh. Để trấn tĩnh, Còi uống cạn lon Coca. Gặp những người dễ thịnh nộ, tôi hay bị nổi hứng muốn thử xem họ kiên nhẫn được đến đâu.

“Anh lảm nhảm gì mãi về cái cửa khốn nạn ấy? Hãy nghĩ xem tình cảnh hiện tại của anh ra sao. Tôi chưa cho nổ tung cả cái nhà này lên là may đấy. Cấm anh đả động lần nữa đến cái cửa, rõ chưa!”

Vấn đề ở đây không phải là cánh cửa rẻ tiền hay đắt. Cửa chỉ là một biểu tượng.

“Tôi không nói gì đến cánh cửa nữa, nhưng vì vụ này mà có lẽ tôi sẽ bị tống khỏi đây. Ở nhà này toàn những người lịch thiệp và tử tế”, tôi nói.

“Nếu có ai kêu ca gì hoặc định đuổi anh ra thì gọi điện ngay cho tôi. Tôi sẽ cho người bịt mõm nó ngay. Được chưa? Chúng tôi không muốn anh gặp chuyện bực mình.”

Thế thì càng lắm chuyện bực mình hơn, tôi nghĩ, nhưng không muốn chọc tức gã thêm, vì vậy tôi chỉ gật đầu và uống một ngụm bia.

“Chúng tôi tuy không được hỏi nhưng vẫn muốn cho anh một lời khuyên: qua cái tuổi ba lăm rồi thì nên bỏ uống bia đi”, Còi nói. “Bia chỉ là thứ đồ uống cho sinh viên và thợ nề thôi. Uống bia chỉ tổ làm to bụng, và không ra phong thái gì.”

Tôi gật và uống. Bia của tao thì động gì đến mày! Để được uống bia xả láng, tôi thường xuyên đi bơi và chạy thể thao nữa.

“Nhưng mà tôi phê phán người khác làm gì”, Còi nói. “Mỗi người có mặt yếu của mình. Tôi thì hút thuốc và ăn đồ ngọt. Và chính đồ ngọt mới lắm chuyện. Làm hư răng, có thể sinh ra chứng tiểu đường.”

Tôi gật đầu. Chí lý lắm.

Còi đưa mắt xuống nhìn chiếc Rolex. “Mà thôi”, gã nói. “Tôi không rảnh lắm, ta ngừng tán gẫu được rồi. Bây giờ anh đã thấy thoải mái hơn chút nào chưa?”

“Một chút”, tôi nói.

“Tốt, vậy thì vào chuyện”, Còi nói. “Mục đích tôi đến thăm hôm nay, như đã nói, là để giúp anh một chút. Nếu anh có điều gì không biết thì cứ hỏi, hỏi gì cũng được. Tôi sẽ trả lời nếu có thể.” Gã khoát tay mời mọc. “Xin mời!”

“Trước tiên tôi muốn biết các anh là ai, và các anh đã biết chuyện này đến đâu?”, tôi nói.

“Câu hỏi được đấy chứ”, Còi nói và ngó sang Hộ pháp tìm sự đồng tình, và sau khi thấy hắn gật đầu liền quay lại với tôi. “Anh là một người nhanh trí. Đừng nói lòng vòng làm gì.” Lần này gã dùng gạt tàn. “Hãy nhìn sự việc như sau: tôi ở đây để giúp anh. Chúng tôi thuộc tổ chức nào thì không quan trọng. Thứ hai: chuyện này chúng tôi biết khá tường tận. Chúng tôi biết có ông giáo sư, có cái đầu lâu, có các dữ kiện xáo trộn, nói chung gần như biết hết. Ngoài ra chúng tôi còn biết những chuyện mà anh không biết. Nào, hỏi câu tiếp theo!”

“Các anh đã đút tiền cho tay thợ khí đốt chiều hôm qua để hắn ăn trộm cái đầu lâu?”

“Câu hỏi này tôi vừa trả lời ban nãy”, gã nói. “Chúng tôi không muốn đầu lâu. Chúng tôi không muốn gì cả.”

“Vậy thì ai đút tiền cho tay thợ? Hay là tôi hư cấu ra hắn?”

“Chúng tôi không biết”, Còi nói. “Chúng tôi cũng không biết nhiều thứ khác. Ta quay lại với các thí nghiệm của ông giáo sư. Chúng tôi biết mọi chi tiết của công trình nghiên cứu, chỉ không biết mục đích là gì. Đó là cái chúng tôi muốn biết.”

“Tôi cũng chẳng biết”, tôi nói. “Mà lại còn bị bao nhiêu bực mình vì việc này.”

“Chúng tôi biết rồi. Biết cả là anh chẳng biết gì. Anh chỉ là một công cụ thôi.”

“Thế thì tại sao các anh đến đây? Để làm gì?”

“Để chào anh thôi”, Còi nói và gõ bật lửa vào cạnh bàn. “Chúng tôi tin rằng nếu anh quen chúng tôi thì hơn. Nếu chúng ta cân bằng tri thức và quan điểm của nhau thì nhiều chuyện sẽ đơn giản hơn.”

“Cho phép tôi thả trí tưởng tượng bay bổng một chút nhé?”

“Cứ việc. Trí tưởng tượng tự do như chim trời và rộng như biển cả. Ai ngăn nó được?”

“Các anh không phải người của Hệ thống, cũng không phải phe Nhà máy. Người của cả hai tổ chức đều không hành xử như các anh. Có lẽ các anh là một tổ chức nhỏ độc lập đang kiếm thị phần mới. Tôi đoán đó là thị phần mà các anh muốn giành của Nhà máy.”

“Thấy chưa, tôi nói rồi mà”, Còi quay sang ông em họ Hộ pháp. “Một người nhanh trí!”

Hộ pháp gật đầu.

“Nhanh trí đến nỗi người ngoài phải ngạc nhiên tại sao anh sống trong cái túp lều thảm hại này. Nhanh trí đến nỗi người ngoài phải ngạc nhiên tại sao vợ anh bỏ đi”, Còi nói. Đã lâu lắm tôi không được khen ngợi nhiều như vậy. Mặt tôi đỏ lựng.

“Phỏng đoán của anh chủ yếu là trúng”, gã nói tiếp. “Với kết quả nghiên cứu của giáo sư chúng tôi sẽ thành một thế lực lớn trong cuộc chiến thông tin. Chúng tôi đã chuẩn bị bước đó và đầu tư đúng mức. Bây giờ thì chúng tôi muốn thu nạp anh và các kết quả nghiên cứu. Được như vậy chúng tôi sẽ đồng thời đục ruỗng cơ sở của Hệ thống và Nhà máy. Đó là mặt hấp dẫn của chiến tranh thông tin: rất dân chủ. Ai có trong tay hệ thống mới nhất và tốt nhất, người đó sẽ thắng. Và thắng toàn diện. Sức mạnh không đóng vai trò gì cả. Người nào nhanh trí sẽ thắng

“Tôi không quan tâm điều đó”, tôi nói. “Những người như tôi là bánh răng nhỏ trong guồng máy, chỉ biết gò lưng kéo cày. Tôi chỉ nghĩ đến công việc mà thôi. Nếu các anh đến đây để kéo tôi về…”

“Anh không hiểu”, Còi chặc lưỡi đầy vẻ trách móc. “Chúng tôi không có ý định lôi kéo anh về phía chúng tôi. Tôi nói rồi, chúng tôi muốn thu nạp anh. Câu hỏi tiếp theo!”

“Ma đen là ai?”

“Ma đen sống trong lòng đất, trong các hầm tầu điện ngầm và hệ thống cống ngầm. Chúng ngốn các cặn bã của thành phố, uống nước thải. Ít khi chúng chạm trán với người. Vì vậy không mấy ai biết đến sự tồn tại của ma đen. Nhìn chung thì chúng không làm gì hại đến người, trừ phi có ai đó một mình lạc lối trong lòng đất. Người đó sẽ bị ma đen bắt và ăn thịt. Ở công trường xây tầu điện ngầm đôi khi vẫn thấy một công nhân mất tích, phải không?”

“Chính phủ không biết gì về chuyện này sao?”

“Tất nhiên có biết. Nhà nước cũng không ngu đến thế đâu. Họ biết cả đấy, hay ít nhất là một số nhân vật cao cấp trong số họ.”

“Tại sao người ta không cảnh báo cho người dân biết, hoặc tổ chức săn đuổi chúng?”

“Thứ nhất là”, gã nói, “báo ra một tin như thế chỉ gây hoảng loạn. Anh không tin thế sao? Mọi người sẽ lo sợ khi biết dưới chân mình lúc nhúc những sinh thể bí hiểm nào đó. Thứ hai: không diệt tận gốc chúng được. Ngay cả khi điều toàn bộ Lực lượng Phòng vệ xuống lòng đất Tokyo cũng không diệt được toàn bộ bọn ma đen, trong màn đêm dưới đó chúng chơi trên sàn nhà. Không thể tránh nổ ra chiến tranh. Và cũng phải suy tính một điểm nữa: bọn ma đen có mạng lưới rộng ngay dưới lâu đài của Thiên hoàng. Nếu có sự cố gì, đêm đến chúng sẽ đào hầm chui lên và lôi tất cả những ai trên đó xuống. Nước Nhật sẽ chìm trong hỗn mang. Anh không tin thế sao? Vì vậy chính phủ không muốn động đến bọn ma đen. Ngược lại thì ai đồng minh với ma đen sẽ có quyền lực vô biên. Bất cứ đảo chính hay một trận ác chiến, ai cùng phe với ma đen sẽ đảm bảo không thiệt thòi. Thậm chí ma đen còn sống sót qua chiến tranh nguyên tử. Tuy nhiên, hiện tại không có ai đồng minh với ma đen, vì chúng cực kỳ đa nghi, bình thường chúng tuyệt đối tránh va chạm với người.”

“Nhưng tôi lại nghe nói rằng ký hiệu sư đã bắt tay với ma đen?”, tôi nói.

“Đúng là có tin đồn như vậy. Nhưng nếu có thật thì cũng chỉ đúng với một bộ phận ma đen có lý do gì đó để tạm thời bắt tay với ký hiệu sư. Không đáng để tâm. Về lâu dài, không thể có chuyện ma đen và ký hiệu sư đồng minh với nhau. Tôi không nghĩ là ta phải bận lòng chuyện này.”

“Nhưng ông giáo sư đã bị ma đen bắt cóc!”

“Chuyện ấy cũng đã đến tai tôi. Nhưng chúng tôi không biết cụ thể hơn. Cũng phải tính đến khả năng ông giáo sư bày trò này để ngụy trang. Ba, bốn phe cánh giành một miếng mồi, có trời biết họ còn dùng mẹo gì.”

“Ông giáo sư đã làm gì?”

“Ông ấy tiến hành một dự án cực kỳ đặc biệt”, gã Còi nói trong khi ngắm cái bật lửa từ mọi góc cạnh. “Làm độc lập, không cùng Hệ thống, cũng không cùng Nhà máy. Các ký hiệu sư luôn luôn tìm mọi cách đoạt thế vượt trội trên các toán sư, còn toán sư thì tìm cách hất cẳng ký hiệu sư. Ông giáo sư chọn đúng khe hở giữa hai phe để tiến hành một công trình nghiên cứu có thể khuynh đảo cả thế giới. Giờ thì ông ta cần anh. Không cần người toán sư trong anh, mà chính anh, chính con người anh.”

“Con người tôi”, tôi thất kinh hỏi. “Ông ta cần gì ở tôi? Tôi không có khả năng gì xuất chúng, tôi chỉ là một người hoàn toàn bình thường. Có lý do gì để chính tôi lại là người góp phần làm khuynh đảo thế giới?”

“Đó cũng là cái chúng tôi muốn biết”, Còi nói và quay đảo chiếc bật lửa giữa các ngón tay. “Chúng tôi có linh cảm, nhưng không biết gì rõ rệt. Chỉ biết anh là nhân vật trung tâm trong các nghiên cứu của giáo sư. Ông ấy đã làm việc này từ lâu, phần chuẩn bị đã hoàn tất và bây giờ đang đi vào giai đoạn chót. Mà anh thì không biết gì.”

“Và khi giai đoạn chót chấm dứt thì các anh sẽ thu nạp tôi và các kết quả, đúng không?”

“Đúng vậy”, Còi nói. “Nhưng trời đang kéo mây đen. Nhà máy nghe phong thanh vụ này và đã lao vào cuộc. Bắt buộc chúng tôi cũng phải vào cuộc. Quả là không hay lắm.”

“Hệ thống có biết gì không?”

“Không. Chắc là chưa ngửi thấy gì. Mặc dù họ theo dõi công việc của ông giáo sư chặt chẽ gấp đôi.”

“Ông giáo sư là một người như thế nào?”

“Ông ấy đã làm việc mấy năm cho Hệ thống. Tuy nhiên không làm thuê như anh, mà ở bộ phận nghiên cứu trung tâm. Lĩnh vực chuyên môn của ông ấy là…”

“Làm cho Hệ thống?”, tôi kêu lên. Sự việc ngày càng rối rắm thêm. Còn tôi, người đứng giữa mọi mối quan tâm, lại là người duy nhất không biết gì.

“Đúng như thế. Ngày trước ông giáo sư là một dạng đồng nghiệp của anh đấy”, Còi nói, “nếu hiểu theo nghĩa là cả hai cùng làm ột tổ chức, chứ chắc là hai người chưa hề gặp nhau. Tổ chức này có chi nhánh rất rộng và phức hợp, thêm vào đó lại chú trọng công tác giữ bí mật như một đức tin vậy, do đó chỉ có một nhúm chuyên viên biết chuyện gì đang xảy ra ở đâu và như thế nào. Tóm lại là tay phải không rõ tay trái làm gì, và mắt phải nhìn các hình khác mắt trái. Quy tụ lại một điểm là đơn giản có quá nhiều thông tin để có thể xử lý được hết. Các ký hiệu sư tìm cách ăn cắp dữ liệu, và các toán sư tìm cách bảo vệ dữ liệu. Cả hai tổ chức ngày càng phát triển, nhưng cả hai đều không làm chủ được dòng lũ dữ kiện.

Vậy là ông giáo sư tìm một đường khác. Ông bỏ việc ở chỗ Hệ thống và chỉ nghiên cứu công trình riêng của mình. Ông ấy cực kỳ đa năng. Sinh lý học não bộ, sinh học, tâm lý học, diện mạo học – ở bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến tâm thần và ý thức hệ con người, ông đều chiếm vị trí đỉnh cao. Một nhà khoa học thiên tài với tầm cỡ các vĩ nhân thời Phục hưng. Rất hiếm hoi trong thời buổi này.”

Tôi nóng bừng mặt mũi khi nhớ lại đã giảng giải cho ông ta về rửa số và xáo trộn dữ liệu.

“Người ta hoàn toàn được phép cả quyết rằng sự phát triển các phương pháp tính được toán sư ứng dụng hôm nay phần lớn là công lao của giáo sư. Nói cách khác, các anh là đàn kiến cần mẫn được người ta cấy vào óc các phương pháp của giáo sư nghĩ ra”, Còi nói. “Hay anh nghĩ hình ảnh đó quá rẻ rung?”

“Không, hoàn toàn không”, tôi nói.

“Vậy là ông giáo sư rút lui, và ngay lập tức giới ký hiệu sư tung lời mời mọc. Kỳ thực phần lớn toán sư bỏ nghề đều đầu quân cho Nhà máy. Nhưng giáo sư từ chối. Ông nói là chỉ mình ông theo đuổi được các công trình nghiên cứu này. Hành động, cùng một lúc ông biến giới toán sư và ký hiệu sư thành kẻ thù. Đối với các toán sư, ông là người biết quá nhiều, còn đối với giới ký hiệu sư thì ông là người của phe kia. Đối với bọn này, ai không là bạn thì là thù. Ông ta ý thức được chuyện đó, vì vậy ông lập phòng thí nghiệm ngay gần một ổ ma đen. Anh đã đến đó, đúng không?”

Tôi gật đầu.

“Một nước cờ cao. Không ai lại gần phòng thí nghiệm được. Quanh đó lúc nhúc đầy những ma đen, và cả toán sư lẫn ký hiệu sư đều yếu thế. Khi vào phòng thí nghiệm và khi rời khỏi đó, giáo sư bật các sóng âm mà lũ ma đen rất sợ. Chúng rút lui ngay. Giáo sư tiến qua khoảng trống như nhà tiên tri Moses đi qua biển: một thành trì được bảo vệ hoàn hảo. Ngoài cô cháu gái của giáo sư, hình như anh là người duy nhất từng có mặt trong phòng thí nghiệm. Chứng tỏ anh là người quan trọng. Chắc chắn giáo sư sắp chạm tay đến giải pháp; ông gọi anh đến để hoàn tất bước cuối cùng trong công trình nghiên cứu của mình.”

Thật choáng. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ chưa ai gán cho tôi nhiều ý nghĩa trọng đại như vậy. Cảm giác là một nhân vật quan trọng rất khó tả. Tôi vẫn chưa hiểu được hết.

“Nếu giáo sư gọi tôi đến với mục đích ấy”, tôi nói, “thì những dữ liệu thí nghiệm mà tôi đã mã hóa cho ông ấy chỉ là mồi nhử, là thứ vô giá trị, đúng không?”

“Không, hoàn toàn sai”, Còi nói. Gã lại ngó xuống đồng hồ. “Những dữ liệu ấy là một chương trình được thiết kế rất tinh vi. Một kiểu bom hẹn giờ. Khi thời điểm đã đến: Bùm! Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phỏng đoán. Chúng tôi không biết chính xác. Muốn biết phải hỏi giáo sư. Tiếc rằng chúng tôi không có nhiều thì giờ. Có lẽ chúng ta chấm dứt hàn huyên ở đây thôi nhỉ? Chúng tôi còn một việc nhỏ sắp phải làm nữa.”

“Cháu gái của ông giáo sư là người như thế nào?”

“Hừm, người như thế nào nhỉ?”, Còi ngạc nhiên. “Chúng tôi không biết. Chúng tôi không có thì giờ theo dõi mọi người mọi việc. Anh có vẻ khoái con bé?”

“Không”, tôi nói. Không, có lẽ không.

Không rời mắt khỏi tôi, Còi đứng dậy, cầm bật lửa và thuốc lá trên bàn đút vào túi quần. “Tôi nghĩ, anh đã đủ hiểu vị trí của anh và của chúng tôi. Thêm một chi tiết nhỏ nữa: chúng tôi đang theo đuổi một kế hoạch. Hiện tại các thông tin của chúng tôi chi tiết hơn của bọn ký hiệu sư, chúng tôi đang đi trước một bước. Nhưng so với Nhà máy thì tổ chức chúng tôi còn yếu. Nếu chúng nhấn ga thì vượt được chúng tôi ngay – và cán bẹp chúng tôi. Vậy thì chúng tôi phải đánh lạc hướng chúng để tránh việc đó. Anh hiểu chứ?”

“Vâng”, tôi nói. Tôi hiểu quá đi chứ.

“Chúng tôi không tự lực làm được việc này, vì vậy cần có người hỗ trợ. Ở địa vị chúng tôi thì anh kiếm hỗ trợ của ai?”

“Của Hệ thống”, tôi nói.

“Thấy chưa?”, Còi nói với Hộ pháp, “nhanh trí ra phết!” Gã lại nhìn tôi. “Để làm việc này chúng tôi cần một con mồi. Không có mồi không nhử được cá. Anh sẽ là con mồi.”

“Tôi không khoái vai trò này lắm”, tôi nói.

“Không ai hỏi anh có khoái hay không”, gã nói. “Chúng tôi không có lựa chọn khác. À, phần tôi cũng có một câu hỏi: trong nhà này anh thấy thứ gì giá trị nhất?”

“Chẳng có gì”, tôi nói. “Tôi không có thứ gì giá trị. Toàn đồ rẻ tiền.”

“Tôi cũng thấy thế. Nhưng nhất định anh không muốn một, hai thứ bị đập nát chứ! Rẻ hay đắt, dù sao thì anh cũng sống ở đây.”

“Đập nát?” Tôi giật mình. “Nghĩa là gì?”

“Đập nát nghĩa là… đập nát, chứ còn gì nữa. Nhìn cánh cửa kia kìa”, Còi nói và trỏ vào cánh cửa cong vênh bật khỏi bản lề. “Đập nát chỉ để đập nát. Chúng tôi sẽ phá hủy mọi thứ ở đây.”

“Để làm gì?”

“Tôi không giải thích trong một câu được, mà nếu được thì cũng chẳng thay đổi việc chúng tôi phá hủy căn phòng này. Vậy thì nói đi, cái gì anh thấy quan trọng. Chúng tôi sẽ lấy nó làm định hướng.”

“Đầu video”, tôi nhượng bộ. “Và ti vi. Toàn đồ đắt tiền, tôi mới mua. Và chỗ rượu whiskey dự trữ trong tủ lạnh.”

“Gì nữa?”

“Bộ lê và áo da cổ lông, áo của phi công ném bom Mỹ đấy.”

“Gì nữa?”

Tôi nghĩ một lát xem còn đồ gì quá giá nữa. Không, chẳng còn gì nữa. Tôi không phải dạng người biến nhà mình thành một kho báu.

“Thế là hết”, tôi nói.

Còi gật đầu. Hộ pháp cũng gật.

Thoạt tiên Hộ pháp mở tủ bếp và tủ tường, lôi ra thanh ép lò xo mà đôi khi tôi vẫn tập thể thao, vòng ra sau lưng và ấn tẹt lò xo. Tôi chưa thấy ai ép được hết mức như vậy. Rất ấn tượng.

Sau đó hắn cầm thanh ép lò xo bằng cả hai tay và đi vào phòng ngủ. Tôi rướn người ra trước để xem. Hộ pháp đứng trước ti vi, lấy đà hết sức và đập vào màn hình. Thủy tinh vỡ vụn, hàng trăm tia chớp lóe lên, và chiếc ti vi 72 inch tôi vừa mua cách đây ba tháng nằm chỏng chơ như một quả dưa hấu bị vỡ.

“Ơ kìa…”, tôi nói và định nhỏm dậy, nhưng Còi đập tay xuống bàn chặn tôi lại.

Tiếp đó, Hộ pháp túm lấy chiếc đầu video và đập mặt có các núm nhiều lần vào cạnh sườn ti vi. Mấy núm bật bay tung tóe, dây điện chập xòe lửa, một làn khói bay lên trời như một linh hồn được cứu rỗi. Khi Hộ pháp thấy đầu máy đã nát bét, hắn ném cục sắt vụn xuống đất và rút một con dao trong túi. Lưỡi dao bật ra. Rồi hắn mở tủ quần áo, rạch nát chiếc áo da và bộ lê Brooks Brothers, cả hai cộng lại ngót hai trăm nghìn yên.

“Anh đã nói là để lại những đồ có giá trị cơ mà!”, tôi thét lên.

“Tôi không nói thế”, gã thản nhiên trả lời. “Tôi chỉ hỏi anh thứ gì đối với anh quan trọng nhất, chứ đâu nói là chúng được giữ lại. Các vật có giá trị nhất thì đập phá trước tiên. Dễ hiểu!”

Tôi lấy một lon bia từ tủ lạnh ra và ngồi nhìn Hộ pháp đập căn hộ ấm cúng và lịch lãm của mình thành từng mảnh.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN