Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
430


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 6


Tôi vẫn nhớ cách đây mấy hôm, tôi hỏi thì Huy vẫn nói đi với anh bạn tên Hải này, giờ đột nhiên anh ấy lại nói anh đã nghỉ đi xe hàng từ 3, 4 tháng nay khiến tôi không hiểu nổi. Tôi không rõ tại sao Huy lại phải nói dối mình như vậy, rồi đi xe hàng mỗi chuyến chỉ kiếm được vài trăm tới một triệu như vậy, thì tiền anh đưa tôi bấy lâu nay ở đâu mà ra?
Con bé Hoài thấy tôi cúp máy xong cứ ngồi ngẩn người mới kéo tay tôi:
“Sao rồi hả chị? Sao anh kia lại bảo anh Huy không đi xe nữa?”.
“Chị cũng không biết nữa. Không rõ anh Huy có chuyện gì. Giờ không liên lạc được tự nhiên thấy lo quá, không biết anh ấy có sao không”.
Hoài đưa ra hàng loạt tình huống giả định, như là Huy đã làm công việc khác, nhưng việc ấy vất vả hơn, sợ chị em tôi lo nên mới không nói thật. Hoặc là anh đi theo xe buôn thứ khác nhiều tiền hơn. Sau cùng, nó lại bảo tôi:
“Hay là anh ấy lừa chị em mình, lấy hết tiền tiết kiệm xong bỏ đi rồi”.
Tôi lập tức gạt phăng: “Anh Huy không phải là người như thế. Trước giờ có bao nhiêu tiền anh ấy đều đưa cho chị giữ, để chị đứng tên sổ tiết kiệm. Chị em mình lớn lên với anh ấy từ nhỏ, ai cũng biết tính anh ấy như thế nào mà. Bao lâu nay anh ấy vất vả, có đồng nào cũng chỉ nghĩ cho hai đứa mình, đồ ăn ngon cũng phần mình, anh ấy sẽ không làm thế đâu”.
“Thì em cũng nghĩ thế. Anh Huy tốt như thế, sao lại lừa mình được. Nhưng tự nhiên anh ấy đòi rút hết tiền rồi không liên lạc được như thế, ít nhiều gì cũng phải nghi ngờ chứ”.
“Em đừng nói linh tinh, nghi ngờ thế là phải tội đấy. Người tốt với mình thì mình không nên nghĩ xấu cho người ta”.
Cái Hoài thấy tôi khăng khăng như vậy thì cũng thôi, chỉ bảo tôi cứ gọi cho Huy tiếp xem thế nào. Nhưng cả đêm hôm ấy, sang cả ngày hôm sau nữa cũng không gọi được, lòng tôi bồn chồn không yên, cũng không có tâm trí nào đi làm nên xin nghỉ nằm bẹp ở nhà.
Cũng có một vài lần tôi nghĩ Huy lừa tôi, nhưng lại nhanh chóng gạt đi, bởi vì tôi hiểu anh coi tôi và Hoài như người thân, như m.áu mủ, anh không tiếc tính mạng mình đuổi theo lũ du côn ở bờ Hồ, bị đ.âm một d.ao như vậy mà trước lúc hôn mê vẫn khăng khăng nói muốn dồn tiền về quê tìm tôi. Người như thế làm sao có thể vì vài đồng tiền tiết kiệm mà lừa chị em tôi được chứ? Huy thương bọn tôi còn không hết, lấy tiền của tôi làm gì?
Nhưng không liên lạc được với anh tôi rất lo lắng, ba bốn ngày trôi qua không một tin tức, đến hôm thứ 7 thì tôi không chịu nổi nữa, đành bảo với Hoài là tôi muốn lên cửa khẩu đi tìm Huy.
Con bé Hoài trợn tròn mắt nhìn tôi: “Cửa khẩu xa thế, chị không biết đường, không quen ai, tìm làm sao được mà tìm. Với cả có chắc anh ấy lên cửa khẩu không mà tìm”.
“Hôm đi rút tiền tiết kiệm, chị nghe anh ấy nói chuyện điện thoại, bảo hẹn trên cửa khẩu Lạng Sơn mà. Chắc anh ấy sẽ lên đó thôi. Giờ ở nhà cũng không biết đường nào mà lần, chị lên đó một chuyến xem thế nào”.
“Hay là thử báo công an trước xem đã”.
“Chị báo rồi, nhưng công an chỉ tiếp nhận hồ sơ thôi, họ bảo cứ về đi, khi nào có tin tức thì gọi. Nhưng cả tuần rồi có tin tức gì đâu, lỡ anh ấy bị làm sao, cần mình bây giờ thì sao? Sao mà chờ được”.
Có lẽ Hoài cũng biết sự việc nghiêm trọng nên cũng đành phải để tôi đi, lúc ấy trong người tôi chỉ có gần một triệu, mang theo tiền và vài bộ quần áo lên cửa khẩu Lạng Sơn tìm Huy.
Tôi bắt mấy chuyến xe, nôn thốc nôn tháo suốt cả chặng đường dài đằng đẵng mới đến được cửa khẩu Lạng Sơn. Nhưng lên đó, cầm ảnh của Huy hỏi ai cũng không biết anh, hỏi cả biên phòng ở cửa khẩu cũng bảo không nhìn thấy. Tôi lang thang dọc biên giới 3 ngày trời ròng rã cũng không có một tin tức gì của Huy, đúng lúc đang định quay về thì nhận được điện thoại của Hoài.
Mấy ngày rồi đi vắng, để nó ở nhà một mình tôi không yên tâm, thế nên dù chưa tìm được Huy vẫn định về với nó. Ai ngờ lúc tôi nhận điện thoại thì người ở đầu dây bên kia không phải em tôi, một người lạ hốt hoảng hỏi:
“Cô có phải là chị gái của chủ số điện thoại này không? Tôi thấy trong máy lưu là chị gái”.
“Vâng. Sao thế ạ? Em gái tôi có việc gì thế ạ? Sao chị lại cầm máy của em gái tôi? Nó xảy ra chuyện gì thế ạ?”.
“Phòng trọ của cô bị sập, con bé không chạy kịp nên bị tường đổ vào. Bị nặng lắm. Cô đến bệnh viện đi. Bệnh viện Việt Đức nhé, em cô đang cấp cứu, về ngay đi”.
Mấy câu nói này chẳng khác gì sét đánh ngang người tôi, tai tôi ù đặc, không còn nghe nổi người ta nói thêm cái gì, vội vàng chạy như đ.iên ra bến bắt xe về Hà Nội.
Trên đường về, tôi gọi cho Hoài liên tục nhưng không ai nghe máy nữa, sau đó thì điện thoại tắt nguồn hẳn. Ngồi trên xe, lúc lên cửa khẩu thấy đường đã quá dài, lúc về còn cảm thấy quãng đường dài hơn gấp vạn lần, mọi đớn đau vất vả như dồn đến một lúc rồi đổ lên vai tôi, vừa cô độc vừa lạc lõng vừa sợ hãi, tôi chỉ biết khóc đến sưng cả mắt, lòng lạy Phật trăm nghìn lần cầu cho em tôi và Huy không sao.
Khi chạy đến bệnh viện Việt Đức thì trời đã tối om tối mịt, tôi lao thẳng vào khoa cấp cứu đọc tên em tôi, chỉ cầu mong nhân viên y tế đừng trả lời rằng Hoài đang nằm lạnh lẽo ở đâu đó. May sao họ lại hướng dẫn tôi lên khu điều trị đặc biệt, còn nói sức khỏe của em tôi vốn dĩ đã rất yếu, giờ lại bị đa chấn thương như vậy nên việc có sống được hay không vẫn phải tùy thuộc vào thời gian.
Tôi ở khu điều trị đặc biệt chờ suốt cả một đêm hôm ấy, vừa đói vừa mệt nhưng không dám chợp mắt, tới tờ mờ sáng hôm sau mới thấy các bác sĩ đẩy Hoài từ phòng phẫu thuật ra ngoài. Người nó trắng bệch như tờ giấy, tay chân cắm đủ dây truyền, ống thở gì đó. Tôi hốt hoảng chạy lại hỏi:
“Bác sĩ, em tôi thế nào rồi ạ? Có sao không, có sống được không ạ?”.
“Chúng tôi đã phẫu thuật hút m.áu tụ trong ổ bụng và đóng đinh lại các xương bị gãy rồi. Nhưng phần mềm và các cơ quan nội tạng của em cô bị tổn thương rất nặng, phải điều trị tích cực, hơn nữa nền sức khỏe của em cô rất yếu, nếu tiến triển xấu thì phải lọc m.áu. Tạm thời chưa tiên lượng được điều gì”.
“Vâng, vâng. Nhờ bác sĩ cứu em cháu với, nó ốm yếu nhiều bệnh lắm, nhưng ở đây chỉ có hai chị em cháu nương tựa vào nhau thôi. Nó mà làm sao thì cháu cũng c.hế.t mất. Xin bác sĩ cứu em cháu với”.
“Người nhà cứ bình tĩnh, trước hết tránh đường đi. Giờ phải đưa em cô vào phòng theo dõi đặc biệt, có tình hình gì chúng tôi sẽ báo cho người nhà ngay”.
“Vâng ạ”.
Chi phí nằm viện rất đắt đỏ, hôm qua dù chưa có người nhà đến nhưng tình hình quá gấp gáp nên các bác sĩ vẫn lựa chọn phẫu thuật cứu người trước. Đến khi Hoài được chuyển vào phòng theo dõi đặc biệt thì cũng có nhân viên y tế nhắc tôi đi đóng tiền.
Thật sự là trong người tôi lúc ấy không còn tiền, định bụng sẽ hỏi vay các chị em ở quán café, nhưng khi nhìn tờ hóa đơn phải đóng hơn 100 triệu tạm ứng chìa ra trước mặt tôi, tôi vẫn sốc đến mức không thể đứng vững được.
Tôi kinh hãi hỏi nhân viên y tế: “Chị ơi, đóng tạm ứng tận 100 triệu cơ à chị?”.
“Đúng rồi. 100 triệu là còn ít đấy, bảo hiểm y tế chỉ chi trả một phần, còn lại các thuốc và vật tư y tế dùng để phẫu thuật cho em gái chị đều nằm ngoài danh mục, cũng rất đắt đỏ. Bây giờ em chị được chuyển về phòng theo dõi cũng tốn kém lắm. Tốt nhất là gia đình nên chuẩn bị vài trăm triệu nữa”.
Vài trăm triệu cách đây mấy ngày tôi có, nhưng giờ Huy ở đâu không rõ, một kẻ thân cô thế cô xuống Hà Nội đi làm thuê như tôi không biết lấy đâu ra tiền để đóng viện phí cho em gái tôi.
Bao nhiêu chuyện ập đến mà không có cách giải quyết khiến tôi không còn tinh thần nào để ăn uống, áp lực nặng như núi đè lên đôi vai. Không biết xoay sở thế nào, không biết phải làm ra sao, đành xin khất bệnh viện thêm vài ngày, nhưng bọn họ nói bọn họ không thể quyết định được, nếu như không đóng tiền thì bắt buộc phải ngừng điều trị cho em tôi.
Nghe thế, tôi chạy ra hành lang bệnh viện khóc như mưa, trong lúc cùng quẫn, lần đầu tiên sau 3 năm xuống Hà Nội tôi mới gọi điện thoại về nhà. Cách nhà tôi mấy nhà có một gia đình có điện thoại bàn, tôi nhớ số, gọi về nhờ chú ấy chạy sang bảo bố tôi đến nghe điện thoại.
Nhưng chờ ròng rã suốt 15 phút, chú hàng xóm mới quay lại bảo tôi: “Bố mày bảo bố mày không có đứa con như mày, bảo mày đừng có gọi ông ấy nữa. Thế dạo này mày đi đâu mà mấy năm nay tao không thấy?”.
“Cháu đi làm thuê”. Tôi ấm ức khóc nức nở: “Chú nhắn với bố cháu là cái Hoài bị ốm nặng, cần tiền để chữa bệnh. Nhờ bố cháu gửi xuống cho nó một ít để nó được chữa trị, nếu không thì nó c.hế.t mất”.
Chú hàng xóm thở dài, lại chạy đi, nhưng lúc về vẫn chỉ nói với tôi: “Bố mày bảo c.hế.t được thì c.hế.t, đừng có làm phiền ông ấy”.
Tôi hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng, lúc bị bọn họ đòi bán sang Trung Quốc, phải bỏ trốn rồi xuống Hà Nội chịu muôn vàn đắng cay khổ cực, tôi cũng chưa từng tuyệt vọng như lúc này, cảm tưởng như trời đất đều quay lưng lại với mình vậy.
Mà phàm là con người khi rơi vào đường cùng thì thường hay có những suy nghĩ tiêu cực, trước nay tôi không phải kẻ yếu đuối, nhưng lúc này lại như mất sạch lý trí, chỉ mong được giải thoát khỏi khổ đau nên đã khom người trèo qua lan can, định g.ieo mình xuống dưới.
Tôi nghĩ mình khổ quá, đằng nào Hoài không có tiền chữa bệnh thì cũng c.hế.t, Huy thì mất tích, tôi cũng chẳng cần phải sống tiếp làm gì. Thế thì nhảy xuống ở đây rồi c.hế.t đi cho xong, c.hế.t là sẽ hết đau đớn, c.hế.t cũng sẽ không cần phải chịu đựng những giày vò ở kiếp này nữa.
Chỉ là…trước lúc nhảy ra ngoài lan can, chẳng hiểu sao lại nhìn thấy ở dưới sân bệnh viện lại xuất hiện một chiếc xe dài bóng loáng, đầu xe có logo hình cô gái đang dang rộng đôi cánh đang từ từ đỗ lại.
Ở trên cao nhìn xuống nên tôi không nhìn thấy biển số, nhưng hình ảnh chiếc xe này làm cho tôi bất giác nhớ đến một người. Cách đây vài tháng, anh Nhân có đến quán cafe tìm tôi, bảo nếu tôi có một cơ hội để yêu cầu Nghiêm giúp. Anh Nhân còn nhấn mạnh ở đất Hà Nội này Nghiêm không phải người bình thường, không có việc gì mà anh ta không giải quyết được.
Vậy khoản tiền vài trăm triệu chữa bệnh cho em tôi thì sao? Liệu nếu tôi mặt dày đến nhờ anh ta, Nghiêm có chìa tay ra để giúp đỡ chúng tôi, giống như cách đây 6 năm đã từng cứu rỗi cuộc đời tôi hay không?
Tôi không biết, nhưng bỗng dưng lại có cảm giác mình đang đi trong đêm tối bỗng nhìn thấy được một tia sáng. Tôi như tìm được động lực sống trở lại, lúc đó, chẳng biết niềm tin từ đâu mà tôi lại dám hy vọng rằng một cơ hội Nghiêm cho mình lúc trước có thể tìm lại được sự sống cho em tôi.
Vì nghĩ như vậy nên tôi quyết định không nhảy nữa, thu chân trèo vào, sau đó chạy một mạch đến tập đoàn Vĩnh Nghiêm. Lúc tới nơi thấy cổng công ty đã đóng, bên trong thắp đèn sáng trưng, tôi mới nhận ra mới chỉ 3h sáng, bọn họ chưa ai đến làm việc cả nên tôi lại co ro đứng bên ngoài hứng sương, chờ đến 8h mới thấy chiếc Rolls-Royce kia chầm chậm rẽ vào.
Tôi lập tức chạy đến, dang tay chắn trước xe anh ta. Anh Nhân bị giật mình nên dẫm phanh dúi dụi, định thò đầu ra mắng nhưng chắc thấy mặt mũi đầu tóc tôi thảm quá nên cơn giận liền biến thành hốt hoảng:
“Ninh, sao thế? Tự nhiên chạy đến đây làm gì?”.
“Việc hôm trước anh bảo em, một cơ hội để nhờ anh Nghiêm giúp ấy, bây giờ nhờ anh ấy có còn kịp không?”
Anh Nhân ngoảnh đầu nhìn về ghế phía sau, kính màu đen quá dày, tôi không nhìn thấy được vẻ mặt của Nghiêm. Nhưng một lát sau đó lại thấy anh Nhân gật đầu:
“Còn. Nhưng em đứng gọn sang một bên đi đã. Tự nhiên xông ra chắn trước đầu xe như thế, người khác không biết còn tưởng bọn anh làm gì để em đến tận công ty ăn vạ đấy”.
Lúc này, tôi mới ý thức được vừa rồi mình quá thất thố, đỏ mặt đứng gọn sang một bên để xe của Nghiêm đi vào. Lát sau, anh Nhân đi ra dẫn tôi vào trong sảnh, trên đường đi mới hỏi tôi cần giúp chuyện gì, khi tôi nói cần một số tiền khoảng 3, 400 triệu gì đó, bước chân anh Nhân hơi khựng lại:
“3, 400 triệu hả?”.
“Vâng”. Tôi biết chắc chắn anh Nhân đang nghĩ tôi lợi dụng cơ hội kia để đào mỏ, cũng không muốn giải thích nhiều mà chỉ nói: “Có được không ạ?”.
“Số tiền lớn như thế anh không quyết được, thôi thì hỏi sếp Nghiêm đi”. Anh Nhân liếc đồng hồ đeo tay rồi bảo tôi: “Đằng nào em cũng đến đây rồi, em cứ lên phòng trình bày cho anh Nghiêm xem ý anh ấy thế nào. Khoảng 9h anh ấy có cuộc họp, từ giờ đến lúc đó còn khoảng 40 phút nữa”.
“Vâng, thế cũng được ạ. Phòng anh Nghiêm ở đâu ạ?”.
“Đi theo anh”.
Ban đầu tôi không để ý, nhưng lúc anh Nhân dẫn tôi đi một vòng mới biết tập đoàn Vĩnh Nghiêm rất lớn, nhân viên ai cũng tất bật làm việc, sàn nhà bóng loáng không một hạt bụi, ngay cả thang máy cũng sáng đến mức soi được cả gương. Tôi đi mới một góc thôi đã cảm thấy rộng đến choáng ngợp.
Anh Nhân dẫn tôi lên phòng tổng giám đốc, bấm một nút gì đó, chờ người bên trong trả lời rồi mới bảo tôi vào đi. Khi tôi vào trong thì Nghiêm đang xử lý giấy tờ ở trên bàn, anh ta có vẻ hơi bận, cũng không ngẩng lên mà chỉ bảo:
“Đợi chút”
“Vâng”.
Cứ ngỡ đợi chút chỉ là một chút, không ngờ gần 30 phút sau, khi chân tôi đã bắt đầu tê thì anh ta mới sực nhớ ra tôi. Nghiêm khẽ nhíu mày:
“Cô không biết tìm chỗ để ngồi à?”.
“À…”. Sofa phòng anh ta hình như là loại đắt tiền, tôi xấu hổ đi đến, ghé mông ngồi một góc rất nhỏ: “Tôi định nói nhanh thôi nên mới đứng đợi”.
Anh ta đặt tập tài liệu sang một bên, hơi ngả người ra ghế phía sau: “10 phút nữa tôi phải họp, cô nói 5 phút thôi”.
“Vâng. Hôm trước anh Nhân nói với tôi, tôi có một cơ hội để nhờ anh giúp. Tôi cũng không rõ vì sao anh lại cho tôi cơ hội này, nhưng hôm nay tôi vẫn đến đây để xin anh cho tôi vay trước một số tiền”.
Vừa nói, tôi vừa lén lút hít vào mấy hơi dài, trước kia làm đủ việc bần cùng nhất của xã hội cũng không ngại gì, thế mà giờ lại cảm thấy mặt mình dày thêm cả tấc: “Số tiền đó cũng hơi lớn. Nếu có thể, tôi muốn vay anh 400 triệu. Không phải xin đâu ạ, là vay. Nếu anh cho tôi vay, tôi hứa sẽ trả lại anh cả gốc và lãi trong thời gian sớm nhất. Nhất định tôi sẽ trả lại đầy đủ cho anh”.
“Lấy gì ra để bảo đảm?”.
“Tôi viết giấy nợ được không ạ?”.
Anh ta suy nghĩ một lát rồi đáp: “Thứ nhất, tôi với cô không quen biết, lần trước cô giúp tôi tránh được bị xe đ.âm, đổi lại, tôi cho cô một cơ hội nếu cần giúp đỡ. Nhưng việc cần giúp ấy chỉ nằm trong phạm vi giới hạn. Chúng ta có qua có lại một cách công bằng, cô hiểu ý tôi chứ?”
Tôi cắn môi gật đầu: “Vâng, tôi hiểu”.
“Thứ hai, dù cô viết giấy nợ thì tôi cũng không rõ cô ở đâu, làm gì, hoàn cảnh gia đình thế nào, có khả năng trả nợ hay không. Chỉ một tờ giấy nợ và lời hứa của cô, một đứa trẻ con cũng không tin được”.
Lời nói của anh ta tuy hơi thẳng thắn, thậm chí có chút phũ phàng, nhưng tôi lại cảm thấy không vòng vo ngay từ đầu mới là dễ nói chuyện nhất: “Anh nói rất đúng. Tôi với anh không quen biết, tự nhiên vay một số tiền lớn như vậy thì có viết giấy nợ cũng không ai dám tin. Nhưng lựa chọn giúp hay không đều do quyết định của mỗi người, cũng như việc lúc trước đối với tôi anh cũng chỉ là một người lạ, nhưng lúc gặp nguy hiểm, tôi không chọn chạy một mình mà vẫn đẩy anh ra trước rồi mới chạy sau vậy”.
Có lẽ câu trả lời này của tôi nằm ngoài dự liệu của anh ta, nên sau khi nghe xong, ánh mắt của Nghiêm sượt qua vài tia ngạc nhiên lẫn thú vị. Anh ta nhếch môi cười:
“Tôi có thể hiểu là cô đã điều tra tôi trước, sau đó dàn dựng ra tất cả mọi chuyện để đổi lấy cơ hội kia không?”.
“Không đâu, tôi nghèo lắm. Có muốn dàn dựng cũng không đủ tiền để thuê diễn viên. Với cả diễn viên kiểu ‘cảm tử’ như thế, chắc có bỏ ra nhiều tiền đến mấy họ cũng không làm đâu”.
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, bình tĩnh dõng dạc nói từng câu: “Nếu anh không tin thì có thể điều tra xem sao. Thật sự lúc đầu tôi không có ý định dùng đến cơ hội mà anh cho, nhưng bây giờ tôi rất cần tiền, không xoay sở được ở đâu nên mới phải tìm đến đây nhờ anh giúp. Mong anh có thể giúp tôi”.
Anh ta trầm ngâm vài giây rồi mới đáp:
“Cô biết làm những việc gì?”.
“Những việc lao động tay chân tôi đều có thể làm được. Một ngày tôi có thể làm được 15, 16 tiếng. Hoặc nếu có yêu cầu thêm thời gian, tôi cũng có thể làm được”.
“Trình độ học vấn thế nào?”.
“Tôi mới học hết cấp 3, chỉ có đủ kiến thức phổ thông, không có trình độ học vấn nào cả”.
Nghiêm suy nghĩ một lát rồi cúi đầu viết cái gì đó, động tác viết chữ của anh ta rất nhanh, thậm chí tôi còn có cảm giác vô cùng thanh thoát. Lúc viết xong, anh ta nói với tôi: “Thế thì một ngày 12 tiếng, việc của cô là đến nhà tôi phụ trách việc lau dọn nhà cửa. Lương mỗi tháng 10 triệu, trừ dần vào tiền cô vay”.
Tay anh ta dứt khoát xé tờ giấy vừa viết xong, đứng dậy đưa cho tôi: “Đây là lệnh ủy nhiệm chi 400 triệu. Cô cầm lấy cái này đưa cho Nhân, cậu ta sẽ dẫn cô xuống phòng kế toán lấy tiền”.
Không nghĩ anh ta đồng ý và phân công công việc nhanh đến như vậy nên tôi cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn tờ giấy trên tay Nghiêm, sau đó lại nhìn anh ta: “Anh không cần tôi viết giấy nợ à?”.
“Không”. Anh ta cười nhạt: “Cô cầm tiền của tôi, có chạy đi đâu thì tôi cũng có cách tìm ra cô. Viết giấy nợ là việc vô bổ”.
Tôi há miệng, định hỏi vậy tôi phải đến làm việc từ ngày nào, địa chỉ nhà anh ở đâu, nhưng nhìn đồng hồ đã quá 5 phút từ lâu, Nghiêm cũng đã chuẩn bị đi họp nên tôi cũng không dám nán lại, đành cầm tờ giấy kia rồi chào anh ta ra ngoài.
Anh Nhân vẫn đợi tôi ở ngoài cửa, thấy tôi cầm lệnh ủy nhiệm chi thì có lẽ cũng hiểu ra rồi. Anh ấy nói: “Sếp ký giấy đưa em hả?”.
“Vâng. Anh ấy bảo đưa cái này cho anh, anh sẽ dẫn em đến phòng kế toán để lấy tiền”.
“Ừ. Có chữ ký của sếp thì lấy nhanh thôi. Đi”.
Trên đường xuống phòng kế toán, anh Nhân cũng không hỏi tôi đã nói gì mà được Nghiêm đồng ý chi một lúc 400 triệu, nhưng tôi vẫn chủ động nói đến điều kiện trao đổi của tôi và anh ta.
Anh Nhân nghe xong thì rất ngạc nhiên: “Sếp bảo em thế à?”.
“Vâng. Anh ấy không nói thời gian cụ thể và địa chỉ, em nghĩ anh biết nên chờ ra ngoài để hỏi anh”.
“Nhà sếp thì ở khu cao cấp, phải làm thẻ thì mới ra vào được. Để ngày mai anh đến đăng ký với bảo vệ rồi làm thẻ cho em. Còn thời gian thì phải chờ anh hỏi lại anh Nghiêm đã. Nhưng anh ấy bảo em đến làm chắc là không nói đùa đâu, chỉ là anh thấy hơi lạ”.
“Sao thế hả anh?”.
“Nhà sếp có mấy người giúp việc rồi, mà anh Nghiêm cũng ở một mình với ít khi về nhà, việc ở nhà nhàn không ấy mà”
Tôi cũng không biết sao Nghiêm lại bảo tôi đến nhà anh ta làm, nhưng thôi, giờ này có tiền là tốt rồi, tôi cũng không thắc mắc nhiều mà chỉ theo anh Nhân đến phòng kế toán nhận tiền, xong xuôi lại chạy như bay về bệnh viện đóng viện phí cho em tôi.
Hoài vẫn chưa tỉnh, nhưng nhờ có tiền đóng viện phí nên tôi không phải lo chuyện thuốc men hay việc con bé bị ngừng điều trị nữa. May sao, nó nằm viện được 3 ngày thì tình hình bắt đầu có chuyển biến, các bác sĩ kiểm tra xong cũng bảo tôi là Hoài đáp ứng thuốc tốt, nếu cứ đà này thì khoảng nửa tháng nữa nó sẽ bắt đầu phục hồi lại dần dần.
Tôi nghe xong mà mừng như đ.iên, cứ túm lấy tay áo bác sĩ nói: “Cảm ơn bác sĩ, cảm ơn bác sĩ ạ. May quá, nhờ có các chú mà em cháu mới sống được. Cháu cảm ơn ạ”.
Bác sĩ điều trị cho Hoài nhìn tôi cười: “Em cô có chuyển biến rồi thì cô cũng phải tự chăm sóc cho mình đi. Hôm đầu gặp tôi đã thấy cô gầy trơ xương, bây giờ tôi lại càng thấy cô gầy, sắp thành con m.a đói rồi”.
Bị chê thế tôi cũng thấy xấu hổ, ngượng ngập gãi đầu: “Vâng, cháu biết rồi ạ”
Nói là thế, nhưng đỡ lo được chuyện của Hoài thì vẫn còn việc của Huy. Tính ra đã gần nửa tháng rồi không có tin tức của anh, điện thoại vẫn không liên lạc được, tôi cứ nóng ruột nghe ngóng và gọi cho anh liên tục, nhưng lần nào cũng như lần nào, đều chỉ nghe mỗi giọng tổng đài thông báo thuê bao của anh đang tắt máy.
Trong mấy ngày này, các chị em ở tiệm cafe cũng đến bệnh viện thăm, ban đầu tôi không kể hoàn cảnh của mình, nhưng lúc hội chị Nhung đến, thấy chị em tôi khổ quá thì cứ mắng:
“M.ẹ cái con này, nhà có việc sao không nói cho ai biết thế? Tao phải bảo cái Hà gọi mãi để hỏi thì mới biết địa chỉ mà đến thăm đấy. Mày đừng tưởng xin nghỉ việc ở quán cafe là xong, mày đi đâu bọn tao chẳng tìm được, giấu gì mà giấu”.
“Em có giấu đâu, tại tự nhiên em gái em xảy ra chuyện, em cũng lu bu chạy đi chạy lại mãi nên cũng quên mất không kể với các chị đấy chứ. Quán cafe dạo này đông khách không hả chị?”.
“Vẫn thế thôi. Thế ở đây chỉ có hai chị em mày thôi à?”.
“Vâng. Có mỗi hai chị em nên không bỏ nó đi đâu được ạ. Em muốn đi làm tiếp lắm, nhưng chắc phải nghỉ thôi”.
“Ừ, cứ nghỉ chăm em đi, khi nào em nó khỏe lại rồi đi làm lại. Mày mà xin thì chị nhận ngay”.
Tôi cười cười, cảm thấy tuy mới đi làm ở quán cafe này nửa năm nhưng mấy chị em ở đây thật sự rất tốt với tôi, có khi còn tốt hơn cả người thân. Tôi rất biết ơn nên cứ nói cảm ơn mãi, chị Nhung lại mắng tôi khách sáo, sau đó dúi vào tay tôi một xấp phong bì rồi mới đi về.
Chị Nhung cứ dặn đi dặn lại tôi khi nào Hoài khỏe thì quay lại quán cafe đi làm, nhưng lúc em tôi tỉnh được vài ngày thì tôi lại nhận được điện thoại của anh Nhân. Anh ấy bảo tôi:
“Hết tháng này em bắt đầu đi làm nhé? Anh làm thẻ ra vào khu đô thị cho em rồi. Địa chỉ thì lát nữa anh gửi qua tin nhắn cho em. Hôm nào đến thì cứ gọi cho anh”.
“Vâng, em biết rồi ạ. Để em đến xem, có gì không biết em sẽ gọi”.
“Ừ, làm ở đó sẽ hơi khác với những chỗ khác, em làm gì cũng phải để ý nhé. Mà quan trọng là sếp Nghiêm là người có yêu cầu công việc khá cao, người làm cũng phải có trách nhiệm, em chịu khó học hỏi người trước rồi làm nhé”
“Vâng ạ”.
Lúc đó tôi cũng không hiểu được trọn vẹn mấy chữ ‘phải có trách nhiệm’ mà anh Nhân nhắc nhở. Mãi đến khi tới nhà của Nghiêm lần đầu tiên, được phân công công việc, tôi mới biết thực ra không hẳn tôi làm người nấu cơm dọn dẹp gì cả, mà đại loại là quản lý người làm trong nhà, giống như kiểu quản gia vậy.
Tôi hơi sốc, vội vàng cầm điện thoại chạy ra một góc gọi cho anh Nhân. Anh ấy nghe xong cũng xác nhận ngay:
“Ừ, làm như kiểu quản gia đấy. Quản gia cũ của anh Nghiêm mới nghỉ nên anh ấy cần người. Em làm công việc chân tay quen rồi, chắc em biết phải làm thế nào cho nhà cửa sạch sẽ đúng không? Ở nhà anh ấy có 5 người giúp việc, em cứ quản lý họ, thấy chỗ nào chưa hài lòng thì bảo họ làm lại là được”.
“Chỉ thế thôi hả anh?”.
“Còn mấy việc lặt vặt nữa. Như là chuẩn bị quần áo cho sếp Nghiêm đi làm, hỏi anh ấy xem muốn ăn sáng món gì, rồi giải quyết cả những chuyện khác nữa. Thôi em cứ từ từ làm là biết”.

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (7 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN