Miễn Cưỡng Kết Hôn - Phần 5
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4694


Miễn Cưỡng Kết Hôn


Phần 5


Sau khi đưa ông đến bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm, tôi lo đến mức chân cũng đứng không yên, đi đi lại lại ngoài hành lang nhiều quá nên làm Thuý chửi ỏm lên:
– Mày không ngồi yên được à? Đi đi lại lại chóng hết cả mặt tao rồi.
Cậu Dũng mỗi lần thấy nó xưng mày tao với tôi đều không dám quát to mà chỉ khẽ cau mày bảo:
– Thúy, con không được láo với chị.
Mợ Hiên ngồi dưới ghế nghe xong thì tru tréo lên bênh con gái, quát chồng mà cũng ngang như chửi vào mặt tôi:
– Nó nói đúng chứ còn gì mà anh quát nó? Tôi đang bầu bì thế này, ngồi ở đây đã thấy chóng mặt rồi, nó đi đi lại lại thế khác gì càng làm người ta khó chịu. Hay là cả anh cả nó muốn tôi bị động thai?
– Ấy, phỉ phui cái mồm, em đừng có nói linh tinh. Khó khăn lắm mới có, sức khỏe của em mới là quan trọng chứ.
– Ai mà biết lòng dạ cháu anh thế nào? Nó muốn hại con tôi để cướp hết tài sản nhà này đấy.
Lòng tôi đang sốt ruột vì chuyện của ông ngoại, nghe mấy người nhà này nói càng điên tiết, bây giờ còn không biết ông ra sao mà vẫn còn lo đến chuyện tài sản, đúng là chẳng hiểu mấy người này nghĩ gì.
Tôi định nói vài câu cho bõ tức, nhưng còn chưa kịp mở miệng thì bác sĩ đã từ trong đi ra, bảo:
– Đây là bệnh viện, mọi người đừng làm ồn, ảnh hưởng đến người khác.
– Bác sĩ, bố tôi thế nào rồi ạ?
– Ông nhà anh bị tăng huyết áp đột ngột dẫn đến nhồi máu cơ tim, may được đưa đến viện kịp thời nên không ảnh hưởng gì đến tính mạng. Nhưng giờ phải để ông nghỉ ngơi tĩnh dưỡng nhiều, đừng làm gì ảnh hưởng đến cảm xúc của ông cụ. Cũng hạn chế làm ồn đi. Gia đình biết chưa?
– Vâng. Tôi biết rồi, cảm ơn bác sĩ.
Lúc ông tỉnh lại, vẫn yếu nên không nói được nhiều, thế nhưng mỗi lần mở mắt đều hỏi một câu “cái Dương đâu rồi?”. Tôi sợ ông nhớ mình nên không dám rời nửa bước, xin nghỉ luôn việc vài ngày để ở viện chăm ông.
Mà thực ra ngoài tôi ra thì cũng chẳng còn ai chăm ông cả, cậu Dũng lo việc công ty nên một ngày chỉ đến thăm ông được một lần, mợ Hiên bầu bì nên ở nhà nghỉ, còn có mỗi Thúy là rảnh rỗi không làm gì nhưng ngày nào cũng chỉ qua lớt phớt vài phút rồi lại đi.
Tôi nghĩ ông bằng đến tuổi này rồi, ốm đau cũng chẳng có mấy người thân ở bên cạnh nên càng thấy thương nhiều hơn. Tôi nắm tay ông bảo:
– Đấy, con nói ông rồi mà ông không chịu nghe. Giờ bị ốm thế này thì phải cả tháng nữa mới dậy đi tập thể dục với các cụ trong tổ dân phố được đấy.
– Ừ, mới nằm mấy ngày mà đã buồn chân buồn tay lắm rồi. May mà còn có con ở đây, không thì buồn chết.
– Còn mọi người nữa mà, hôm nay ông muốn ăn gì để tý nữa con nấu? Con hầm cháo gà nhé?
– Ăn mì tôm được không? Ông thèm ăn mì tôm.
Tôi phì cười, ghé sát vào tai ông nói:
– Được, nhưng phải bí mật thôi nhé, bác sĩ mà biết thì kiểu gì cũng mắng cho đấy. Ông ăn một bát mì, xong đến nửa đêm phải ăn thêm một tô cháo gà nữa thì con mới giấu hộ ông.
– Ừ, ngoắc tay.
Nói đến đây, cả hai ông cháu đều bật cười thành tiếng, nếp nhăn trên mặt ông dường như lại dày thêm.
Ngày hôm sau, không biết sao cô Thu với chú Tùng lại biết tin ông nằm viện, thế là tất tất tưởi tưởi vào thăm. Cô Thu thấy ông mới qua mấy ngày mà cả người xanh rợt, tóc bạc trắng, tay chân run lẩy bẩy thì òa lên khóc tu tu:
– Chú ơi, chú bị thế này mà chẳng ai nói với cháu. May mà hôm nay cháu còn đến chơi, hỏi chị Hiên mới biết.
– Ôi ốm sơ sơ ấy mà. Có gì đâu mà mày khóc.
– Thế này mà còn ốm sơ sơ gì. Chú còn đau ở đâu không? Chú ăn được gì chưa? Cháu bóp chân cho chú nhé.
– Thôi, chú vẫn khoẻ như thường đây mà. Mày cứ quan trọng hóa vấn đề, chú không sao đâu. Đừng lo.
Nói là nói thế nhưng cô Thu và chú Tùng cứ nhất định đòi ở lại viện chăm ông, bảo tôi còn phải đi làm nên thay ca cho tôi. Nhìn thấy cô chú ấy cẩn thận bón cho ông từng thìa cháo, tự nhiên tôi lại có cảm giác như những người dưng như họ còn tốt hơn gấp nhiều lần người thân ruột thịt trong nhà mình.
Tôi nói:
– Cô chú bận thế thì đến chăm ông có tiện không? Cháu vẫn chăm được mà.
– Ôi giời, cô chú không bận gì cả. Mà có bận gì thì cũng chẳng bằng ông được. Xưa không có ông thì cả nhà cô chú chết hết từ lâu rồi, làm gì sống nổi đến bây giờ. Ông thế này mà không chăm được ông thì cô chú ngủ không ngon đâu. Dương cứ yên tâm đi làm đi.
– Vâng. Có mình cháu thì ông cũng buồn. Có cô chú đến nữa thì đông vui, ông có người nói chuyện.
– Ừ đấy. Chú Tùng với ông thì nói cả ngày không hết chuyện ấy chứ.
– Vâng. Thế cô chú trông ông giúp cháu với nhé.
– Ừ, mày cứ yên tâm đi làm đi con nhé.
Sau hôm đó, Duy cũng đến thăm ông, mặc dù bận rộn không thể đến liên tục được nhưng tôi phát hiện ra số lần anh ta đến còn nhiều hơn cả số lần Thúy ghé qua bệnh viện. Hơn nữa, mỗi lần Duy đến đều mang theo một món đồ bổ, tất cả đều là đồ đắt tiền được gửi mua từ tận nước ngoài.
Ông ngoại tôi lần nào cũng bảo “thôi bận rộn thì đến làm gì, mua làm gì tốn tiền”, nhưng thực ra mỗi lần thấy Duy đến, ánh mắt ông đều sáng lên, tôi cũng nhìn thôi cũng nhận ra được ông rất vui.
Cô Thu có lẽ cũng biết được điều ấy, cho nên có một lần cô ấy nói:
– Hai đứa xem ngày nào cưới thì cưới sớm đi, ông giờ chỉ mong chúng mày lấy nhau thôi. Quen nhau thế cũng đủ rồi, cưới đi cho ông yên lòng.
Duy nhíu mày, quay sang nhìn tôi một cái, tôi cũng chẳng biết phải trả lời sao nên đành nắm tay ông bảo:
– Ông còn phải sống lâu để còn bế chắt nữa chứ. Cứ từ từ đợi đến khi ông khỏe hẳn đã rồi tính ông nhỉ?
Ông thở dài đáp:
– Giờ thấy yếu thật rồi, qua một trận ốm cái là biết luôn. Sợ không đợi được đến lúc chúng mày cưới nhau.
– Không đâu, ông đừng nói linh tinh.
Chú Tùng đang ngồi gần đó cũng gật gù đồng tình:
– Cô Thu nói đúng đấy, hai đứa xem thế nào rồi cưới đi thôi. Trưởng thành cả rồi, chúng mày không sốt ruột nhưng người lớn thì sốt ruột lắm. Quan trọng là còn ông nữa.
Tôi chẳng hiểu tại sao ông lại cố chấp như thế, tại sao lại cứ muốn giao cả cuộc đời của tôi cho Duy. Tôi không hiểu được, nhưng tôi biết rõ một điều rằng: cả cuộc đời của mẹ tôi đã nợ ông, nợ ông một đám cưới tử tế, nợ ông một lần dắt tay vào lễ đường, nợ ông cuộc sống hạnh phúc. Cho nên tôi không muốn bản thân mình nợ ông một lần kết hôn nữa, tôi cũng rất muốn ông nhìn thấy mình kết hôn, muốn ông là người dắt tôi vào lễ đường, chứng kiến tôi hạnh phúc.
Nhưng có phải muốn điều gì là sẽ hoàn thành suôn sẻ đâu? Tôi có thể hy sinh vì ông, nhưng Duy thì có lẽ sẽ không đâu. Người như anh ta đời nào chịu ràng buộc cuộc sống của mình cùng với tôi?
Tôi len lén nén một tiếng thở dài trong lòng, mím môi gật đầu:
– Vâng, cháu biết rồi.
Thấy tôi xuôi xuôi, ông mừng lắm, tâm trạng vui vẻ nên tình hình sức khỏe dần dần cũng cải thiện thêm ít nhiều.
Từ sau lần đó, hai nhà càng thúc ép bọn tôi đến với nhau nhiều hơn, nhưng mối quan hệ của tôi với Duy thì chẳng tiến triển gì cả, cứ dậm chân tại chỗ. Có lần tôi ra ngoài định đi mua thêm thuốc cho ông thì tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của cô Thu và Duy ngoài hành lang. Cô Thu có vẻ rất tức giận, to tiếng bảo:
– Nuôi mày lớn bằng chừng này, chưa mong chờ hay đòi hỏi mày cái gì, cái Dương nó cũng xinh xắn tử tế, có công việc ổn định, lại biết điều. Mày lấy nó thì thiệt cái gì? Ngày xưa có ông thì cả nhà mình mới sống được đến bây giờ, có ông thì mới có bố mẹ, có mày ngày hôm nay. Cả nhà mình nợ ông cả đời không trả hết được, giờ ông chỉ mong mày lấy cái Dương thôi mà mày không làm được hả Duy?
– Mẹ, cưới xin là việc cả đời. Con chưa muốn lấy vợ.
– Thế định đợi ông đi rồi không nhắm nổi mắt phải không?
– Ý con không phải thế.
– Con Dương nó có điểm gì không tốt, mày nói xem nào?
– Không có gì không tốt cả.
– Thế thì lấy nhau đi rồi từ từ yêu nhau. Tóm lại giờ ông thế này rồi, chúng mày cưới nhau đi, không phải nói nhiều nữa. Còn nếu mày không cưới thì coi như mày không có bố mẹ, thế thôi.
Tôi thở dài, sự việc càng lúc càng rối tinh rối mù đến cực điểm. Có lẽ cảm giác của Duy lúc này cũng giống hệt tôi, rõ ràng vẫn còn muốn tự do mà người lớn cứ muốn ràng buộc chúng tôi lại với nhau.
Một bên thì nợ ân tình, một bên lại sợ người lớn buồn, rút cuộc chẳng ai nỡ từ chối thẳng thừng, cũng chẳng ai muốn nhận lời kết hôn với một người mình không yêu cả. Cuối cùng chơi vơi chẳng biết phải làm sao.
Mấy hôm sau, có một lần tôi về nhà định lấy thêm ít đồ đem vào viện, thế nhưng lúc vừa vào đến cửa thì lại nghe giọng cậu Dũng vọng ra. Không nghe tiếng người trả lời, có lẽ là đang nói chuyện điện thoại.
Không biết người ở đầu dây bên kia nói gì mà cậu Dũng tỏ vẻ rất khó chịu, cau có bảo:
– Thế bây giờ có cách nào không?
– …
– Ông nhà tôi vẫn còn minh mẫn lắm, còn lâu mới chịu chuyển thêm cổ phần cho tôi.
– …
– Thôi được rồi, để tôi thử xem.
Cúp máy xong, cậu Dũng còn chưa kịp ngồi xuống thì mợ Hiên đã dồn dập hỏi:
– Sao rồi? Có cách nào không?
– Lão luật sư kia bảo chỉ có cách bảo ông cụ ký vào hợp đồng tặng cho cổ phần thôi.
– Ông làm sao mà ký cho. Mà anh có phải con ruột của ông không đấy, tôi chả thấy nhà nào con trai một mà chỉ được có 10% cổ phần như anh đâu. Không biết bố anh cứ ôm khư khư cổ phần làm gì không biết, già rồi, sắp xuống lỗ rồi mà còn cứ tham.
– Em buồn cười nhỉ? Giờ tính bố thế thì biết làm sao được. Chắc bố làm di chúc rồi, chờ đến khi mở di chúc thì mới sang tên cổ phần cho anh.
– Gớm, liệu có cho anh không hay là cho cái con ngoại tộc kia hết. Tôi nói cho anh nghe nhé, con đó nịnh nọt ông kinh lắm, chuyên nói xấu vợ chồng mình với cả con Thúy để ông ghét nhà mình, rồi cho nó cổ phần đấy. Bảo nó dân tộc nhưng mà con này ma cô như ranh. Cẩn thận rồi có ngày nó hốt hết tài sản rồi đuổi cả anh, cả tôi ra đường.
– Em đừng có nghĩ thế, dù gì cái Dương cũng là con chị Thanh. Nó được chia cổ phần là đúng rồi.
– Con chị anh thì anh cho nó hết phải không? Anh định cho nó hết để vợ con anh chết đói phải không? Tôi biết ngay mà, anh chỉ biết đến anh em nhà anh thôi, còn vợ anh, còn con anh thì anh không coi ra gì cả. Rồi đợi nó lấy hết nó đuổi tôi ra đường, mẹ con tôi đi ăn xin cho anh xem.
Mợ Hiên tự nhiên bù lu bù loa lên làm cậu Dũng cũng phải vò đầu bứt tóc, sợ vợ mình khóc lóc làm ảnh hưởng đến em bé trong bụng nên cậu ấy đành chạy lại, hạ giọng nịnh nọt:
– Thôi em đừng có khóc rồi ảnh hưởng đến con. Để anh thử tìm cách xem.
– Cách gì nữa, mai anh đến viện dụ ông ký vào hợp đồng đi. Cứ bảo bây giờ ông nằm liệt thế, công ty thì đang loạn, anh cần có cổ phần để trấn an các cổ đông và nhân viên.
– Nhưng mà… như thế có được không? Anh sợ ông không tin.
– Anh ngu thế hả? Anh phải nịnh nọt ông nhiều vào, khóc lóc kể khổ nhiều vào. Nhớ nói đến cái thai trong bụng tôi nữa. Cứ nói siêu âm rồi, con trai, cháu đích tôn của ông. Ông phải để lại gia sản cho cháu đích tôn chứ ai lại để cho cái con dân tộc kia.
– Ừ, anh biết rồi. Để mai anh thử xem.
Nghe đến đây, tôi biết là mình xuất hiện lúc này thì không thích hợp, cho nên đành âm thầm quay người bỏ đi. Lúc ngồi trên xe quay lại bệnh viện, tôi vẫn cảm thấy có chút không tin vào những gì mình vừa nghe được, lòng cứ cồn cào mãi.
Mợ Hiên là kiểu người thế nào, tôi đã biết rõ từ lâu nên tôi không chấp. Nhưng cậu Dũng là con trai ruột của ông, đến giờ phút này còn là đứa con duy nhất của ông, vậy mà cậu ấy không thèm quan tâm đến sức khỏe lẫn cảm xúc của ông mà chỉ chăm chăm vào số cổ phần và gia tài khổng lồ kia.
Rút cuộc thì tôi không hiểu cậu ấy có còn là con người không nữa. Một người có trình độ và được giáo dục chắc chắn phải hơn một con dân tộc ở vùng Tây Bắc như tôi, tại sao lại máu lạnh tới mức tàn nhẫn với cả máu mủ của mình đến vậy?
Càng nghĩ, tôi càng giận và thương ông, nhưng giận thì làm gì được? Tôi thay đổi gì được? Tôi muốn bảo vệ số cổ phần của ông, tôi không muốn ông bị lừa nhưng tôi cũng không muốn nói thẳng ra tất cả làm ông phải đau lòng. Tôi thực sự không biết phải làm gì đây?
Có rất nhiều khả năng được tôi vạch ra, nhưng kết quả là tôi chẳng chọn được cách nào cả. Thở dài não nề suốt cả một đêm, ngày hôm sau tôi cũng không đi làm mà ở lại bệnh viện xem cậu Dũng sẽ làm gì.
Đúng như tôi đoán, mới sáng sớm vợ chồng cậu ấy đã mặt mày u ám đến thăm ông. Thấy tôi ngồi đó thì giả vờ quan tâm nói:
– Hôm nay Dương chưa đi làm à? Mấy hôm chăm ông thế nào rồi? Mệt không?
– Không, bình thường ạ.
Mợ Hiên huých huých cánh tay chồng, cậu tôi mới đi lại chỗ giường ông, giả vờ bóp tay bóp chân rồi hỏi ông vài câu. Hai vợ chồng cậu ấy nói một lúc, xong thấy tôi mãi không đi làm thì mợ Hiên mới bảo:
– Ơ thế Dương không phải đi làm à? Sao chín giờ rồi còn ngồi đây.
– Hôm nay tòa soạn không có việc, cháu nghỉ.
– Thế à? Cậu mợ có việc cần nói chuyện riêng với ông ngoại, hay là cháu ra ngoài một tý được không?
Ông nghe thế mới cau mày:
– Có chuyện gì mà cần phải bí mật thế? Con Dương cũng là người nhà mình chứ ai đâu mà phải đề phòng. Có gì cứ nói luôn đi.
– À… thì… con định bảo với bố chuyện này từ mấy hôm rồi, nhưng thấy bố mệt nên con không dám nói.
– Cứ nói đi.
– Thì… từ hôm bố ốm, mấy ông cổ đông với nhân viên cứ loạn hết cả lên. Con nói thì họ không nghe, họ chỉ nể mỗi bố, hầu như chẳng có ai coi con ra gì cả.
– Đó là do anh chưa có năng lực lãnh đạo. Tôi đã nói anh rồi, làm giám đốc thì phải quyết đoán lên thì người ta mới nể sợ, nhưng anh thì làm gì cũng lập lập lờ lờ, sợ cái này sợ cái kia, thế thì ai nể nổi anh.
Mợ Hiên thấy chồng bị bố mắng mới nhanh nhảu đỡ lời:
– Bố ạ, bây giờ có phải giống ngày xưa đâu bố. Các ông ấy toàn là người nhiều tuổi, bọn họ có coi người trẻ ra gì đâu. Chồng con cũng cố gắng rồi, nhưng họ không tôn trọng thì biết sao được ạ? Họ chỉ nể người lớn tuổi với có nhiều kinh nghiệm như bố thôi.
– Để lên được vị trí cao nhất thì cũng phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất. Tôi có ngày hôm nay thì tôi cũng phải trải qua lúc trẻ, không có ai nâng đỡ.
– Vâng, con biết. Nhưng anh Dũng dù sao cũng là con bố. Có cố gắng thì họ cũng chỉ nhìn anh ấy là con của bố thôi, có mấy người công nhận năng lực của anh ấy đâu. Chồng con còn ít kinh nghiệm, bố cũng nên thông cảm cho anh ấy bố ạ.
– Thế giờ hai anh chị muốn sao? Có ý kiến gì thì nói đi.
Mợ Hiên huých vai chồng lần thứ hai, cậu Dũng lại ậm ừ bảo:
– Con định bảo bố chuyện cổ phần. Giờ bố cũng nhiều tuổi rồi, nói dại chứ lỡ có chuyện gì thì bọn con biết làm sao. Với cả giờ để mọi người trong công ty nể con thì ít ra con cũng phải có thêm chút ít cổ phần, chứ từng này cổ phần, con sợ…
– Anh sợ tôi chết đi thì người khác lên thay anh đúng không?
– Không phải, bố, mà là con chỉ lo xa thôi. Bố thấy đấy, mấy cái ông cổ đông toàn là dạng hùm beo cả. Bố mà mất đi liệu các ông ấy có để yên cho con không? Con chỉ nghĩ đến công sức cả đời của bố thôi. Để vào tay người khác thì con ân hận cả đời.
– …
– Mà bây giờ không phải chỉ có mình con, mà còn cháu đích tôn của bố nữa. Hiên giờ mang bầu con trai, đến khi đẻ ra cũng phải có tính tương lai cho nó chứ.
Tôi thầm nghĩ cái lũ người này đúng là trắng trợn, thẳng thừng đòi ông cổ phần mà chẳng thấy lương tâm cắn rứt. Lúc ấy muốn nói vài ba câu nhưng thấy đầu mày ông nhíu lại, tôi lại nghĩ mình nên nghe quyết định của ông đã, cho nên đành dằn lòng cố kiên nhẫn đợi thêm.
Kết quả là sau một lúc suy nghĩ, ông bảo:
– Chuyện này để tôi suy nghĩ đã. Có gì thì tính sau.
– Vâng. Công ty đang loạn cả lên, con cũng đau đầu lắm. Chỉ mong mau mau giải quyết để cho đỡ mệt thôi.
– Thôi được rồi, tôi mệt, hai anh chị về đi cho tôi nghỉ ngơi.
– Vâng, thế bố nghỉ đi ạ. Vợ chồng con về đây.
Đợi bọn họ ra về rồi, ông mới quay sang nhìn tôi, nặng nề hỏi một câu:
– Con thấy sao?
– Con cũng không biết, cổ phần là của ông, ông quyết định gì con cũng ủng hộ hết. Miễn là ông thấy thanh thản là được rồi.
– Dương này.
– Dạ?
– Lấy chồng đi con.
Tôi không nghĩ ông sẽ nói câu này nên hơi ngạc nhiên, tròn xoe mắt đáp:
– Sao thế ạ?
– Ông chia cho con 50%, thằng Dũng 50% cổ phần mà ông đang có. Con có chồng rồi, dễ giữ cổ phần hơn.
Thực ra tôi không hiểu hết được hàm ý trong lời nói của ông, nhưng tôi biết nếu mình kết hôn bây giờ sẽ được lợi rất nhiều. Chỉ là…. tôi không ham tài sản của ông, và cũng không chắc bản thân mình có thật sự cam tâm dứt bỏ mọi thứ để thực hiện nguyện vọng đó hay không…
Tôi đành thở dài đáp:
– Vâng, con biết rồi.
Sau ngày hôm đó, trong lòng tôi đã tự đấu tranh với chính mình rất nhiều, đôi lúc cũng hoang mang không biết lựa chọn gì mới tốt cho tất cả. Chọn thứ tình cảm đơn phương mờ mịt của tôi hay là thử mặt dày đến đề nghị Duy kết hôn với mình một thời gian rồi chờ khi ông mất đi thì ly hôn. Thật sự tôi không sợ thiệt, chỉ sợ không trả nổi ân tình của ông ngoại dành cho mình thôi.
Tối hôm đó, tôi lên mạng, vào Messenger nhắn tin cho cậu bạn kia:
– Này, cậu có online không?
Rất lâu, rất lâu sau đó cũng không có ai trả lời. Mãi đến khi tôi sắp đi ngủ rồi mới thấy Maybe rep lại:
– Ơi, tớ đây. Cậu còn thức không?
Thích một người trên mạng thế này là cảm giác thật kỳ lạ, dù chẳng biết gì về đối phương nhưng lại vẫn xốn xang khi thấy tin nhắn từ người đó. Cảm giác này chưa từng có người đàn ông nào ở cuộc sống thật cho tôi được.
Tôi cười một mình, tủm tỉm nhắn lại:
– Ừ, tớ vẫn còn thức.
– Cậu có chuyện gì thế? Không vui à?
Chỉ thông qua một cái màn hình, cậu ấy vẫn biết được tôi không vui, nhiều khi tôi vẫn hay tự nói với mình rằng: tri kỷ đích thực là thế đấy, dù tôi không biết mặt.
– Ừ, không vui lắm. Tớ sắp có một quyết định, chẳng biết đúng hay sai nữa.
– Về cái gì?
– Tình cảm.
– Nếu là về tình cảm thì cậu làm theo những gì cậu muốn là được. Đừng quan tâm điều gì cả, mình thoải mái mới là quan trọng nhất.
– Thật à?
– Thật.
Có sự khích lệ của cậu ấy, tôi lấy hết can đảm soạn một dòng chữ “Vậy tớ muốn hỏi một câu. Cậu có thích tớ không?”.
Nếu cậu thích tớ, tớ sẽ từ chối cổ phần, tớ cũng không kết hôn theo ý ông, tớ vẫn sống bên cạnh ông và chờ đợi cậu.
Còn nếu câu trả lời là “Không”, thì tôi sẽ đến gặp Duy, nói với anh ta chuyện kết hôn.
Kết quả là tôi soạn xong được dòng chữ kia, còn chưa kịp gửi đi thì bỗng nhiên lại thấy màn hình hiển thị một tin nhắn mới:
– Tớ bận rồi. Dạo này nhiều việc quá. Có gì thì cậu cứ gửi tin nhắn offline cho tớ, khi nào rảnh việc tớ sẽ trả lời ngay.
– …
– Cứ làm việc gì mình thấy vui, còn nếu chọn rồi mà không cảm thấy vui thì vẫn còn tớ đây.
Tôi nặng nề hít sâu vào một hơi, lặng lẽ xóa dòng tin chưa kịp gửi kia đi rồi thay bằng một câu:
– Cảm ơn cậu.
– Đừng khách sáo, mình là bạn bè mà.
Lần này, tôi nghe thấy tiếng rạn vỡ ở đâu đó, có lẽ là ở trong tim tôi. Đầu lưỡi bỗng dưng nếm được cả vị mặn đắng của thất bại. Khi đó cũng chẳng biết nên vui hay nên buồn, vui vì chưa kịp gửi tin nhắn kia đi, hay buồn vì năm chữ “chúng ta là bạn bè mà” của cậu ấy vừa gửi tới.
Tôi không nhắn lại nữa, lặng lẽ tắt điện thoại rồi gặm nhấm mùi vị thất tình suốt cả một đêm, đến sáng ngày hôm sau tỉnh dậy, nhìn ánh sáng mặt trời lại tự động viên mình rằng: Dù gì đây cũng chỉ là một người bạn trên mạng, mình không biết mặt thì thích cái gì. Biết đâu trên mạng nói chuyện hợp nhưng ngoài đời tính cách lại không hợp thì sao? Biết đâu cậu ấy xấu đến mức mình không thể chấp nhận nổi nên quen nhau suốt bảy năm cũng không dám đăng một tấm ảnh nào thì sao?
Tóm lại, tôi tìm đủ lý do để tự thuyết phục mình quên đi mối tình online vớ vẩn đó, sau đó xốc lại tinh thần rồi đến bệnh viện thăm ông. Lần này, ông lại nhắc nhở tôi thêm một lần nữa về chuyện cổ phần. Ông bảo:
– Chỉ có con lấy thằng Duy ông mới yên tâm. Con biết một nửa cổ phần của ông đang giữ có sức ảnh hưởng đến công ty nhiều thế nào không?
Tôi lắc đầu:
– Con không biết.
– Đúng, vì con không biết nên phải lấy một người biết điều đó.
Lần này, tôi cuối cùng cũng hạ quyết tâm, buông bỏ tất cả những thứ còn lấn cấn trong lòng mình, trả lời:
– Vâng, con biết rồi. Con sẽ bảo với anh Duy.
– Ừ. Tin ông đi, con lấy nó rồi sẽ hạnh phúc thôi. Ông nhìn người không sai đâu.
Tôi dành thời gian suy nghĩ thêm hai ngày, đến hai hôm sau Duy đến thăm ông, tôi lựa lúc anh ta chuẩn bị ra về mới chạy theo, gọi một tiếng:
– Này.
Duy quay đầu lại, nhíu mày nhìn tôi:
– Sao thế?
– Nói chuyện với tôi một lúc được không?
Anh ta vẫn thói quen cũ, trước khi cho ai thời gian là sẽ nhìn đồng hồ, sau đó mới suy tính rồi gật đầu. Hai chúng tôi kiếm một chỗ yên tĩnh dưới sân bệnh viện nói chuyện, ban đầu tôi cứ im lặng bởi vì không biết phải mở miệng nói chuyện này như thế nào, mãi sau anh ta phải lên tiếng nhắc tôi:
– Có việc gì, cô nói đi.
– Tôi… chúng ta… à… tôi…
– Nói bình thường thôi.
– Anh có thể lấy tôi được không?
– Gì?
Tôi biết ngay kiểu gì anh ta cũng nhìn tôi như một kẻ điên mà, nhưng lúc ấy tôi chẳng còn cách nào cả, mũi tên đã bắn thì không thể thu lại được, cho nên đành nhắm mắt nhắm mũi nói:
– Chỉ một thời gian thôi. Ông tôi muốn tôi lấy anh, liên quan đến cả chuyện cổ phần của công ty ông nữa. Chuyện này giải thích cũng dài dòng lắm, nhưng tôi tin anh sẽ không làm hại hay ảnh hưởng gì đến ông.
– Nói vào chủ đề chính đi.
– Nếu có thể, tôi hy vọng tôi với anh giả vờ kết hôn một thời gian để ông tôi vui. Sức khỏe ông giờ yếu rồi, tôi chỉ muốn ông còn sống ngày nào thì còn được vui vẻ ngày ấy. Tôi cam đoan nếu anh đồng ý, cuộc sống riêng của anh tôi không bao giờ xen vào, tôi cũng không can dự gì đến công việc của anh. Lấy nhau xong vẫn sống y hệt như bây giờ, được không?
– Tại sao tôi phải kết hôn với cô?
– Tôi … không biết. Anh không có lý do gì phải lấy tôi cả. Nhưng nếu như… anh có thể vì ông mà làm thế thì… tôi biết ơn anh nhiều lắm.
Duy im lặng nhìn tôi một lúc, ánh mắt của anh ta rất sáng, cũng rất lạnh, tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt đó nên chỉ cúi gằm mặt nhìn chân mình.
Qua một lúc lâu sau, anh ta không nói không rằng một tiếng đã xoay lưng bỏ đi. Tôi nghĩ anh ta tỏ thái độ như vậy nghĩa là không đồng ý, nhưng chẳng hiểu vì ấm ức hay vì gì mà tôi lại hét lên:
– Này, anh….
Đang định nói “Anh không đồng ý thì cũng phải trả lời tôi một câu”, nhưng còn chưa kịp nói xong thì Duy đã lạnh lùng cất lời:
– Cô thích cưới thì cưới!
***
Lời tác giả: Chậc, một tuần vèo cái đã trôi qua rồi nhỉ? Mai đã là thứ 7 rồi.
Ngày mai bạn Hổ nghỉ để qua nhà máy làm son cho mọi người nhé, hẹn gặp lại các chị em vào chủ nhật. Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ!

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (13 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN