Miễn Cưỡng Kết Hôn
Phần 23
Tôi đã rời Tây Bắc tám năm rồi, suốt quãng thời gian dài ấy cũng từng có vài lần tôi quay về đây, nhưng có lẽ riêng lần này là tâm trạng tôi lẫn lộn nhiều cảm xúc nhất, bởi vì không những tôi quay về một mình mà còn đem theo cả một người…
Xe khách chở chúng tôi dừng lại ở con đường mòn cách bản ba cây số, ở đây toàn dốc đá khúc khuỷu nên không xe nào lên đến nơi cả, tôi với Duy muốn về đến nhà thì buộc phải xuống xe để đi bộ vào.
Từ nhỏ tôi sống ở đây, quen đi bộ rồi nên thấy không sao cả, nhưng anh lại lớn lên ở thành phố nên tôi sợ không đi nổi. Đứng nhìn núi đồi trùng trùng điệp điệp đặc trưng của vùng Tây Bắc, tôi hít sâu một hơi cho không khí căng tràn lồng ngực rồi quay sang nói với Duy:
– Đường vào còn hơn ba cây nữa, mà khó đi lắm, như kiểu leo núi ấy. Để đấy em xách đồ cho.
– Không cần.
– Anh không đi quen thì không đi nổi luôn ấy, xách theo đồ lại càng không đi được, cứ để em xách cho.
Anh không quan tâm đến lời tôi nói mà vẫn lặng lẽ vác ba lô lên vai, một tay cầm túi đồ to tướng của tôi, tay còn lại thì túm lấy tay tôi, anh bảo:
– Đi thôi.
– Ơ… nhưng mà…
– Tôi xách được.
Tôi biết cái người này có nói mỏi mồm cũng sẽ không nghe nên cũng không giành xách đồ nữa, lẽo đẽo đi theo anh lên con đường nhỏ vào bản tôi. Dốc ở dưới núi thoai thoải nên năm trăm mét đầu tiên cũng không khó khăn lắm, nhưng càng lên thì đường càng thu hẹp lại, đá to đá nhỏ trải dọc hai bên đường, tôi đi tay không mà còn thở không ra hơi nữa, vậy mà ngẩng lên nhìn Duy vẫn thấy anh đi băng băng.
– Này… Anh không mệt à?
– Không.
– Ôi mẹ ơi. Trước anh học leo núi đấy à?
– Ừ.
Duy thản nhiên gật đầu, kéo tay tôi trèo qua một hòn đá đã bị nước mưa bào mòn trơn nhẵn:
– Lúc còn sinh viên cũng hay đi leo núi nhân tạo. Lâu rồi không chơi lại trò đó nữa.
– Hồi anh còn ở bên Mỹ ấy hả?
– Ừ.
– Em xem trên tivi rồi nhưng chưa thấy ngoài đời thật bao giờ. Nghe nói có mấy độ khó liền đúng không?
– Có ba kiểu leo. Top-rope climbing, Lead climbing, Bouldering.
– À… Anh leo những loại nào rồi?
– Cả ba. Nhưng chưa lần nào leo núi có cảm giác như lần này.
Nghe xong câu này, tôi bất giác ngước lên nhìn anh, gió trên sườn núi thổi đến khẽ lay động mái tóc của người đó, dường như tôi còn thấy Duy khẽ cười:
– Núi không cao lắm nhưng leo thật cảm giác thích hơn nhiều.
Tim tôi bất giác như được một dòng nước ấm vây lấy, mềm mại và nao nao một cách kỳ lạ. Tôi nhoẻn miệng cười:
– Ừ, cảm giác thật đúng là thích hơn nhiều.
Đi thêm một cây số nữa thì hai bắp đùi tôi bắt đầu mỏi nhừ như muốn rời ra đến nơi, cố gắng mãi cũng chỉ lết thêm được hai trăm mét rồi không thể đi tiếp được, ngồi phịch xuống bên vệ đường, ôm bụng thở hồng hộc.
Có lẽ lâu rồi không vận động tay chân kiểu này nên sức khỏe không còn dẻo dai nữa, vả lại ban nãy vừa say xe nên chắc cũng hết sức rồi. Duy thấy tôi ngồi thở phì phò thế mới bảo:
– Không đi được nữa à?
– … Ừ… Mệt… quá. Phải nghỉ… một lúc nữa… rồi mới đi được.
– Sao hồi nãy bảo xách hành lý cho tôi?
Thấy tôi mệt thế này mà vẫn còn chọc tôi được, tôi không còn hơi để cãi lại nữa nên đành nhịn, mãi sau khi thở xong xuôi, đỡ mệt rồi tôi mới phụng phịu đáp:
– Em chỉ giả vờ thế thôi. Anh là đàn ông, với cả leo núi quen rồi thì anh phải xách chứ.
– Leo lên đây.
– Hả?
Anh ngồi xổm xuống, đưa lưng về phía tôi, nói một câu:
– Leo lên đây tôi cõng em.
– Ơ…
Tôi nghe xong thì kinh ngạc đến mức tròn xoe mắt nhìn anh, nhất thời cứ cảm thấy chuyện này không sao tin được. Đây là sườn dốc ở lưng chừng núi, một người tay không leo lên đã mệt, vậy mà xách theo cả đống đồ rồi còn muốn cõng theo tôi. Nhưng mà tại sao anh lại muốn cõng tôi?
Tôi nghĩ ra một đống lý do rồi bối bối rối lắc đầu:
– Em tự đi được mà.
– Tôi đói rồi.
– Hả?
– Chờ em tự đi thì quá buổi trưa mất.
– Nhưng mà… cõng khó đi lắm. Mệt nữa. Anh xách đồ đã mệt rồi.
– Đeo ba lô vào rồi leo lên đi.
Thấy anh không có ý định đứng dậy, cuối cùng tôi đành phải đeo ba lô lên lưng rồi trèo lên để anh cõng tôi đi về bản. May sao đường chỉ khó đi thêm khoảng hơn hai trăm mét nữa, gần một kilomet còn lại thì người dân đã san đất dần dần để canh tác nên cũng bớt khó đi hơn nhiều.
Tôi ôm lấy cổ Duy, nhìn đất trời rộng lớn xung quanh mình, bỗng nhiên lại sự ngọt ngào từ đâu xông đến, lan từ đáy lòng lên đến cả khoang tim. Tôi chỉ vào mấy mái nhà lác đác ở cách đó một quãng:
– Đấy, bản em đấy. Anh thấy hoa dã quỳ không? Cái đường hoa đó ngày xưa em với mẹ hay đi cực.
– Chỗ nào?
– Chỗ gần cái thác chảy từ trên đỉnh núi xuống kia kìa, trước toàn mọc dại mà giờ thành hàng rồi. Đẹp chưa.
– Ừ. Dã quỳ là hoa màu vàng đó hả?
– Vâng. Hoa của núi rừng Tây bắc đấy.
– Giống cúc dại thế?
Mình giới thiệu là mỏi cả mồm, khen nức khen nở hoa dã quỳ, vậy mà cái tên này lại thản nhiên nói giống cúc dại làm tôi vừa tức vừa buồn cười. Nhưng mà phải công nhận một điều rằng giống cúc dại thật, với cả nhìn vẻ mặt anh ngơ ngác vô tội thế nên tôi cũng không muốn cãi, chỉ bảo:
– Đẹp hơn cúc dại nhiều.
– Nhà em ở chỗ nào?
– Đi hết cái đường mòn đằng trước kia nhé, xong rẽ phải hai mươi mét nữa là đến.
– Ừ.
Đến đoạn đường bằng rồi mà anh không thả tôi xuống, tôi cũng tiếc cảm giác được Duy cõng mình nên cứ mặt dày ngồi trên lưng anh, tranh thủ tận hưởng cảm giác ấm áp đến nao lòng mà có lẽ chỉ một người mới mang lại được cho tôi.
Chưa bao giờ tôi thấy tâm trạng mình xốn xang đến thế, cũng chưa bao giờ cảm thấy đường về nhà lại trở nên gần gũi đến vậy. Tôi không nhịn được, cứ thế cười một mình như dở hơi cho đến khi về tận đến mái nhà liêu xiêu của mình mới chịu thôi.
– Đến rồi. Nhà nhà em đây.
Duy thả tôi xuống, nhìn ngôi nhà bằng gỗ đã lâu không có người ở nên đầy bụi bẩn của tôi một lượt. Tôi cứ nghĩ anh thấy nhà mình nghèo thế sẽ coi thường mình lắm, hoặc ít nhất cũng phải tỏ vẻ khó chịu đôi chút, nhưng sắc mặt của anh lại bình thản một cách kỳ lạ.
Anh bảo với tôi:
– Em mở cửa đi.
– À… vâng.
Tôi chạy đến cây cột lớn đã mục ruỗng trước nhà, thò tay vào lần mò một lúc rồi lôi ra một cái hộp đựng chè bằng sắt, đưa cho Duy mở ra.
Trải qua thời gian lâu nên nắp hộp bị rỉ hết cả, anh phải vặn mấy lần mới ra có thể mở ra được, ổ khóa nhà cũng han rỉ không kém, gần như vứt được tới nơi.
Sau nhiều năm ra đi, tất cả mọi đồ đạc trong nhà tôi vẫn còn đó, giống như một phần ký ức xưa cũ đã được cất vào góc nhỏ trong lòng, bây giờ trở lại thì kỷ niệm giống như một dòng thác lũ ùa về, nhớ đến thắt ruột thắt gan.
Tất cả đã bị phủ một lớp bụi dày của thời gian, giống như lòng đã bị rêu phong chuyện cũ, chuyện vui và những chuyện buồn cũng đã trôi qua từng ấy năm rồi. Nhìn bàn thờ của bố và mẹ tôi cũng lạnh tanh lạnh ngắt, trong lòng tôi không nén được một tiếng thở dài:
– Đồ đạc cũ với bẩn lắm rồi, phải dọn dẹp lại thì may ra mới ở được.
– Trong nhà có đồ nghề gì không?
– Anh định sửa đồ trong nhà à?
– Ừ. Mấy đồ bằng gỗ mục hết rồi, sửa lại mới dùng được.
– Đợi em tý. Em đi tìm thử xem còn dùng được nữa không.
May sao khi tìm đến hộp đồ cũ của bố tôi, búa với đinh được bọc cẩn thận nên không bị rỉ tý nào cả, chỉ có mấy cái kìm để ở ngoài thì hơi bị rỉ một chút, nhưng chắc vẫn còn sử dụng được. Tôi cầm tất cả ra bảo anh:
– Đây, anh thử xem còn dùng được nữa không.
– Ừ.
– Anh ở đây nhé, em chạy xuống mấy nhà bên dưới xem có bán chổi không rồi quay lại ngay. Tiện xin một ít nước nữa.
– Ừ.
Bản tôi bây giờ nhà cửa đã đông đúc hơn xưa nhiều, nhưng muốn tìm một hiệu tạp hóa phải chạy đi gần hai kilomet mới có. Mấy cô bác không nhận ra tôi, ban đầu vẫn còn dè dặt đề phòng, mãi sau thấy tôi giới thiệu mình, cô bán hàng mới ngạc nhiên bảo:
– Ôi con bé Dương nhà ông Phi đây phải không? Mày giờ khác quá cô chả nhận ra nữa rồi. Nghe bảo xuống Hà Nội ở hẳn rồi mà, sao tự nhiên lại về?
– Cháu về dọn lại bàn thờ cho bố cô ạ. Lâu không về rồi.
– Ừ đấy. Thỉnh thoảng ông trưởng bản vẫn qua chặt cỏ với dọn lối vào nhà mày đấy, không thì giờ cây cối um tùm không vào được nữa. Thế lần này về một mình à? Có dẫn theo ai về không?
– Cháu dẫn theo cả chồng nữa.
– Ôi thế lấy chồng rồi à? Chồng đâu sao không dẫn qua đây cho mọi người xem.
– Anh ấy đang ở nhà cô ạ.
– Thế chiều dẫn vào đây nhé. Tối nay ở nhà văn hóa bản có diễn văn nghệ đấy. Xã bảo tết dương lịch cũng diễn văn nghệ cho có không khí tết, mấy khi mới về, xuống uống rượu ăn thịt lợn cho vui.
– Vâng, thế để chiều cháu dẫn anh ấy xuống ạ.
Lâu lắm không về đây, tôi đi một vòng hỏi thăm họ hàng và mấy người quen trong bản xong cũng mất hơn hai tiếng, đến khi cầm chổi với xách hai chiếc xô về thì đã thấy Duy sửa xong bàn ghế rồi, giường cũng được anh lấy gỗ mới vá chắc lại, bàn thờ bố tôi anh cũng dọn sạch bong.
Tôi không biết anh còn biết sửa cả những thứ đồ lặt vặt này nên hơi kinh ngạc, mà trong kinh ngạc còn có cả xúc động nữa. Sống mũi tôi cay cay, tôi nói:
– Ơ… anh làm nhanh thế? Sửa xong hết rồi à?
– Xong hết rồi. Em nhìn xem còn cần sửa gì nữa không?
– À chắc sửa thế được rồi. Nhà cũng xuống cấp lắm rồi mà. Sửa xong để lâu không ai ở cũng vẫn hỏng thôi. Anh đợi em tý, em quét dọn xong rồi nấu cơm.
– Ừ.
Tôi biết đồ ăn thức uống trên này khó mua nên đã mang theo sẵn một túi đồ đủ loại, bày hoa quả thắp hương lên bàn thờ bố xong mới lôi từng thứ ra nấu cơm.
Tất nhiên trên này chẳng có bếp ga, cũng chẳng có điện, tôi lấy cái kiềng ba chân ra châm củi nấu nướng, Duy thì ra bờ suối sau nhà, hai tay xách hai xô nước to tướng về để tôi nấu cơm.
Có lẽ từ khi lấy nhau đến giờ, bữa ăn trưa đó là bữa ăn đạm bạc nhất của hai vợ chồng chúng tôi. Chỉ đơn giản có một đĩa thịt đóng hộp và hai quả trứng rán, thêm một mớ rau cải ban nãy cô hàng xóm cho nữa, thế là xong một mâm cơm trưa rồi.
Tôi thấy đồ đạc sơ sài quá, sợ anh ăn không vào nên dè dặt hỏi:
– Anh có ăn được không? Nếu không ăn được thì em mang mì tôm đây. Chịu khó ăn tạm một bữa rồi mai về.
Duy không trả lời là ăn được hay không được mà chỉ bảo:
– Lâu rồi mới được ăn cơm nấu củi kiểu này. Ngon hơn cơm bình thường ở nhà nấu.
Nghe anh trả lời vậy, gánh nặng trong lòng tôi mới có thể nhẹ bớt, tôi thoải mái bật cười:
– Thế thì anh ăn nhiều vào.
– Em cũng ăn đi.
– Vâng.
Buổi chiều, hai chúng tôi dọn dẹp loanh quanh nhà, Duy đảm nhiệm việc kéo điện nhờ nhà hàng xóm, xong xuôi thì vào mộ bố thắp vài nén hương cho ấm cúng rồi mới quay về bản.
Tết dương lịch năm nay trong bản tổ chức văn nghệ ở nhà văn hóa nên người xem rất đông, tôi cũng thích mấy chương trình đậm chất dân dã kiểu này kéo Duy đi xem cùng. Mọi người ở đây thấy chúng tôi lạ hoắc lạ huơ nên ai cũng nhìn, đặc biệt là chồng tôi, có lẽ vì anh đẹp trai nên con gái trong bản cứ đứng chụp ảnh anh rồi tủm tỉm cười.
Tôi ghen đến nổ mắt, quay sang anh rồi hậm hực bảo:
– Ở trên này anh đừng ăn gì đồ của người lạ, cũng đừng uống gì cả. Không nên giao tiếp với người lạ nữa.
– Sao thế?
– Nếu có ai xấu bụng bỏ bùa là anh phải ở trên này luôn đấy.
Anh cũng chầm chậm cúi xuống gần tôi, nhỏ giọng đáp:
– Em có biết bỏ bùa không đấy?
– Không. Nếu biết thì…
Tôi đang định nói “nếu biết thì bỏ bùa anh lâu rồi”, nhưng cuối cùng ngại với cả sợ xấu hổ nữa, cho nên chỉ ấp úng bảo:
– Nếu biết thì đã đi làm bùa kiếm tiền rồi.
Anh khinh bỉ liếc tôi một cái, sau đó đứng thẳng người lên xem văn nghệ tiếp, tôi không nhịn được ngẩng đầu nhìn anh, bất giác lại thấy nụ cười lan từ đầu mày đến cuối mắt người đó.
Tôi bắt đầu xấu bụng muốn đến nhà thầy đồng xin bùa về bỏ bùa anh rồi!!!
Đến chín giờ tối mọi người cũng giải tán, sương xuống nên tôi với Duy cũng quay về nhà. Ai ngờ mới đi được một đoạn không xa thì có một tốp trai bản từ đâu xông ra chặn đường. Mấy cái đứa này người nồng nặc mùi rượu, vênh mặt nói lơ lớ tiếng kinh:
– Mấy đứa chúng mày từ đâu đến đây? Đến bản đã xin phép ai chưa? Đây là chỗ chúng mày muốn đến thì đến, muốn đi thì đi đấy à?
Một tên nói:
– Nhìn mặt thằng kia là tao biết không đàng hoàng rồi. Mày lên đây muốn tán con gái bản này chứ gì. Nói cho mày biết nhé, muốn tán con gái bản này phải bước qua xác bọn tao đã. Mang được gái bản này đi không dễ đâu.
Ở đây điều kiện kinh tế vẫn còn lạc hậu, dân trí cũng thấp, thanh niên bản thấy có người mới đến thường hay kiếm cớ bắt nạt. Mà chồng tôi hôm nay lại nổi nhất ở đây nữa, chắc vì mấy đứa con gái cứ hay nhìn Duy nên mấy cậu trai bản này mới nổi máu anh hùng, định chặn đường bắt nạt anh.
Tất nhiên tôi biết bắt nạt được cái ông lì đòn này đâu dễ vậy, nhưng mà đánh nhau ở đây chỉ tổ thiệt thân, cho nên đành lên tiếng can ngăn:
– Anh đừng đánh nhau với bọn họ, giờ tôi với anh chạy về báo trưởng bản để bác ấy ra bảo bọn này về. Đừng có đánh nhau đấy.
– Tìm được trưởng bản chắc đánh nhau xong rồi.
– Hả?
Anh hơi nghiêng đầu, thấp giọng bảo tôi:
– Còn đường nào khác không?
Đầu óc tôi đối với mấy chuyện này cũng cực kỳ nhanh nhạy, ngay lập tức hiểu ý, gật đầu:
– Hướng bên trái có con đường nhỏ đó, em đếm đến ba thì chạy nhé.
– Ừ.
Tôi liếc mấy đứa thanh niên kia, từ từ lùi chân về phía sau rồi lẩm bẩm đếm:
– Một… hai…. ba… chạy.
Dứt lời, hai đứa tôi lập tức nắm tay nhau cắm đầu chạy, ban đầu thì còn nghe tiếng hò nhau đuổi theo của bọn kia, nhưng bọn tôi chạy nhanh quá, mà đường tối nữa nên chỉ một lát sau tiếng bước chân thưa dần, thưa dần rồi không còn nghe gì nữa.
Dưới ánh trăng sáng và giữa trời sương muối, có hai kẻ điên nắm tay nhau chạy thục mạng trên con đường nhỏ quanh co khúc khuỷu, anh với tôi cứ chạy mãi, chạy mãi, đến khi nhìn thấy căn nhà nhỏ liêu xiêu của tôi, cả hai mới chịu dừng lại. Tôi gập bụng thở không ra hơi, hổn hển nói:
– Ôi mẹ ơi, thoát rồi…
Vừa nói dứt lời thì Duy bỗng nhiên kéo tay tôi nằm lăn trên bãi cỏ, mùa này sương muối xuống rất nhiều trên vùng đất Tây Bắc, nhưng xuyên qua màn sương đó, ngửa đầu lên vẫn thấy cả một bầu trời đầy sao.
Cả hai chúng tôi bỗng nhiên bật cười một cách lãng xẹt, Duy cũng cười:
– Cứ tưởng không chạy được.
– Haha. Mấy thằng đó còn lâu mới đuổi được em.
– Ừ. Còn lâu mới đuổi được em, em chạy nhanh hơn thỏ.
– Đấy là đường ngày xưa em hay đi tắt để đi học đấy. Mấy thằng kia còn ít tuổi thế còn lâu mới biết được con đường huyền thoại đấy của em. Toàn bọn trẻ trâu.
– Em cũng trẻ trâu.
– Anh trẻ trâu thì có. Hôm trước đánh nhau với ba thằng thì đánh hăng thế, hôm nay thấy năm thằng thì chạy rõ nhanh.
– Ba mươi sáu kế, chuồn là thượng sách. Với cả…
Nói đến đây, anh hơi ngừng lại rồi quay sang nhìn tôi, nói một câu làm tôi phì cười:
– Chạy thế này cũng hay mà. Tôi đâu cần làm anh hùng với trai bản em.
Tôi cười ngặt cười nghẽo, lâu lắm rồi không được cười thoải mái đến vậy. Lúc cười xong thì tự nhiên thấy không khí im ắng quá, hơi ngại nên đành kiếm chuyện nói:
– Anh không sao đấy chứ? Lên đây điều kiện thiếu thốn, không như ở dưới Hà Nội, chắc thấy khó chịu lắm hả?
– Không. Thấy mọi thứ trong lành, dễ gần, dễ chịu.
– À…
Tôi nghĩ Duy chịu lên đây, chứng kiến cuộc sống trước kia của tôi nghèo khó vất vả như thế mà không chê tôi là tốt rồi. Hiếm có người nào giàu có mà không khó chịu khi ở nơi hẻo lánh này cả.
– Cảm ơn anh.
– Vì cái gì?
– Vì đi với em lên đây.
– Chuyện đó mà phải cảm ơn à?
– Chứ sao? Mất công trèo đèo lội suối lên vùng sâu vùng sa cùng mình thì phải cảm ơn chứ?
– Vợ chồng thì không nên nói mấy lời khách sáo đó.
Lần đầu tiên anh công nhận mối quan hệ vợ chồng với tôi làm tôi hơi ngạc nhiên, mà trong sự ngạc nhiên ấy còn thấy cả xúc động nữa. Giống như mình đang sắp được chạm tay vào một thứ gì đó, tưởng như rất xa vời, rất lớn lao, vậy mà bây giờ lại trở nên gần gũi đến lạ.
Tôi biết, đã đến lúc nên đối diện thẳng thắn với lòng mình, nên quyết định tương lai mối quan hệ của chúng tôi. Tôi ngửa đầu nhìn trời cao, hít sâu vào một hơi:
– Em hỏi anh một câu được không?
– Ừ.
– Lấy em, anh có thấy ràng buộc khó chịu không?
Anh im lặng một lúc, tôi cũng nín thở chờ đợi một lúc, mãi lát sau Duy mới chậm chạp trả lời tôi:
– Tạm thời không muốn ly hôn.
Cho đến rất lâu sau này tôi vẫn không thể hiểu hết được hàm ý của câu nói ấy, để rồi phải ôm đau khổ một mình suốt một thời gian quá dài. Lúc đó tôi chỉ nghĩ anh chưa muốn ly hôn thì tốt rồi, có lẽ anh cần thêm thời gian để xác định tình cảm của mình dành cho tôi được đến đâu rồi mới quyết định xem chúng tôi có nên tiếp tục hay không.
Tôi không muốn ép anh nên không nhắc đến chuyện diễn viên Thanh Huệ nữa, tôi nghĩ tôi có thể chờ được đến khi anh kể cho tôi nghe về cô ấy hoặc là nói hai chữ “ly hôn”. Thế nên tôi lặng lẽ mỉm cười:
– Ừ, tạm thời em cũng không muốn ly hôn.
– Vào nhà thôi, ngoài này sương.
– Vâng.
Đêm hôm ấy chúng tôi nằm bên nhau trên một chiếc giường nhỏ, bên dưới là một chậu than củi mà ban chiều anh đã đốt cho tôi. Hơi ấm của than bốc lên làm ấm lưng tôi, ôm người bên cạnh lại ấm cả lòng tôi. Nhà hở chỗ này chỗ kia, gió lạnh lùa vào khắp nơi mà tôi chẳng thấy giá rét gì cả, hôm ấy đã ngủ ngon hết cả một đêm bởi vì ôm một người…
***
Ngày hôm sau chúng tôi rời khỏi bản rồi quay về Hà Nội, vẫn đi theo con đường xóc nảy đó, say xe gần sáu tiếng mới về tới nơi. Tôi nằm bẹp hơn một ngày mới bò dậy được, hôm sau đang loay hoay nấu cơm chiều để chồng về ăn cơm thì bỗng nhiên nhận được điện thoại.
Nhìn thấy số Phong gọi đến, tự nhiên tôi lại cảm thấy không thoải mái chút nào. Kiểu như trong lòng rất muốn giữ lại tình cảm tốt đẹp với cậu ấy, cho nên mới không muốn nhanh đến lúc phải nói lời chia tay.
– Alo.
– Cậu đang làm gì thế?
– À… tớ đang nấu cơm.
– Tớ đang đứng dưới sảnh chung cư chỗ cậu này. Tớ mang quà cho cậu.
Lẽ ra tôi nên từ chối, nhưng Phong lại nói đã đứng dưới sảnh rồi nên tôi đành thở dài một tiếng rồi chạy xuống. Lúc thấy cậu ấy cầm trên tay thứ gì đó tôi đã ngờ ngợ, ai ngờ đi lại gần thì đúng là cây xương rồng tai thỏ trên ảnh của Maybe.
Phong cười cười bảo tôi:
– Quà năm mới cho cậu đây.
– Sao tự nhiên… lại mang cho tớ cây này.
– Tớ thấy cậu thích nên về nhà rồi mang ra đây đấy. Cậu cầm đi.
Tôi nhìn cây xương rồng đó rất lâu, rất lâu, cảm giác như nó không còn mang ý nghĩa nhiều với tôi như trước đây nữa, và người đứng trước mặt tôi cũng không phải là người tôi yêu, cho nên tôi lắc đầu:
– Tớ không nhận đâu. Cảm ơn cậu.
– Sao thế?
– Phong này.
– Ừ.
– Tớ không biết nói ra chuyện này bây giờ có thích hợp không, nhưng mà tớ là phụ nữ có chồng rồi. Tớ không phù hợp với cậu, cũng không thể nhận tình cảm của cậu. Cho nên mình chỉ là bạn bè thôi được không?
Khi nghe câu này, sắc mặt của cậu ấy chợt cứng ngắc, có chút không tin được nhìn tôi:
– Tại sao thế? Tớ có gì không tốt?
– Cậu tốt mà. Chỉ là… tớ không hợp với cậu. Tớ yêu chồng tớ.
– Cậu đang nói thật hay là chỉ vì muốn từ chối tớ nên mới nói thế?
– Tớ nói thật. Ban đầu tớ không có tình cảm với anh ấy, nhưng ở lâu dần thì cậu biết rồi đấy. Đến cây cỏ ở lâu cũng có tình cảm với đất nơi đó mà.
– Có lẽ cậu chỉ say nắng thôi.
– Không đâu, tớ thích anh rất. Rất thích. Thích hơn cả chậu xương rồng này.
Ánh mắt của Phong thấp thoáng một tia bi thương, một tia ẩn nhẫn, và cả rất nhiều thất vọng nữa. Cậu ấy nhìn tôi một lúc, mãi sau mới khó khăn nói một câu:
– Ừ, tớ hiểu rồi.
– Cảm ơn cậu, cũng xin lỗi cậu.
– Có gì đâu, tình cảm là thứ không thể ép buộc được mà.
– Ừ. Cậu chưa khỏe hẳn, đừng đứng ngoài trời lâu. Về nghỉ ngơi đi, tớ cũng lên nhà nấu cơm nốt đây.
– Ừ.
Tôi định quay người đi, nhưng mới bước được vài bước bỗng nhiên lại nghe tiếng Phong gọi giật lại:
– Dương.
– Ừ. Sao thế?
– Tớ ôm cậu một cái được không?
– Tớ…
– Ôm tạm biệt thôi, xong rồi về sau tớ sẽ không thích cậu nữa.
Tôi không biết phải trả lời thế nào cả, cũng không muốn Phong ôm mình, nhưng còn đang ngập ngừng thì đột nhiên cậu ấy lại tiến đến rồi ôm lấy tôi.
– Tớ thích cậu lắm. Thích cực kỳ.
– Ơ…
Bỗng nhiên lúc này có tiếng động cơ xe nổ máy ở cách đó không xa, không hiểu có linh tính hay thế nào mà tôi lại ngẩng đầu lên nhìn, cuối cùng thấy một biển số quen thuộc dần dần nhòe đi trước mắt tôi.
Tôi giật mình đẩy Phong ra, muốn gọi theo nhưng xe của anh mới đó mà đã đi xa lắm rồi… xa thật xa tôi…
Đúng là điên mất!!!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!