Núi Rộng Sông Dài - Phần 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1020


Núi Rộng Sông Dài


Phần 8


Trước kia lúc bắt đầu nhập viện, tôi chưa từng nghĩ đến chuyện nhờ vả ai chăm sóc, bây giờ Duy nói nhờ giám đốc Vạn Thịnh đích thân chăm sóc tôi, tất nhiên là tôi vừa không dám lại vừa không muốn.
Tôi đáp:
– Không cần thế đâu ạ. Em nhập viện nhưng vẫn có y tá chăm sóc mà, người ngoài có được vào đâu. Với cả anh Giang còn bận công việc, anh đừng phiền đến anh ấy.
– Anh ấy bận nhưng em cần thì anh ấy vẫn đến được, anh ấy có bị nhốt trong đơn vị như anh đâu. Với cả anh hứa với Tép là sẽ chăm sóc em rồi, giờ tự nhiên bị điều chuyển đi xa, không thực hiện được lời hứa với Tép thì anh áy náy lắm, ăn không ngon ngủ không yên đâu.
– Em khỏe thật rồi mà, làm hóa trị lần hai không mệt như lần 1 đâu, anh làm thế em ngại đấy.
– Ngại gì mà ngại, anh nói với anh Giang rồi, em cần gì thì cứ bảo anh ấy một tiếng, anh ấy sẽ giúp em. Em mà cứ ngại là anh nghĩ em có khúc mắc gì với anh ấy đấy.
Duy cứ nói mãi, bảo thời gian này Linh đi công tác ở miền nam, anh ấy thì sắp phải lên đơn vị mới, nếu tôi không đồng ý thì anh ấy không yên tâm đi làm nhiệm vụ được.
Tôi biết Duy thật sự tốt với mình, tốt đến mức tôi không muốn nợ anh ấy thêm nữa, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dù sao anh ấy cũng sắp đến một nơi xa, mà chuyện gọi anh Giang đến hay không vẫn là do tôi tự quyết định. Thế nên để anh ấy yên tâm, tôi đành giả vờ đồng ý:
– Vâng, được rồi, em không ngại nữa. Em cần gì thì em sẽ gọi anh, được chưa?
– Không phải, là gọi anh Giang chứ. Lỡ anh đi làm nhiệm vụ, không nghe điện thoại được thì sao? Anh Giang ở gần, em cần thì cứ gọi anh ấy. Tý nữa anh gửi số của anh ấy, em lưu vào nhé.
– Vâng. Mà hôm nào anh vào Hà Tĩnh?
– Chắc ngày kia.
– Nhanh thế ạ?
– Ừ, trong đó thiếu người, bọn anh bị điều chuyển vào gấp. Nhưng em yên tâm, sếp anh nói biệt phái khoảng 1 năm là cùng thôi. Cứ mấy tháng anh lại về thăm em một lần, được không?
– Vâng, được ạ.
Hai hôm sau, Duy lên đường vào Hà Tĩnh, tôi cũng đến thật sớm để tiễn anh ấy. Lúc thấy tôi đứng ngoài cổng, anh ấy vội vàng chạy ra, phải đi gấp nên không nói được gì nhiều, chỉ dặn tôi giữ gìn sức khỏe, ăn nhiều ngủ nhiều, điều trị mà có thiếu tiền thì cứ nói với anh ấy.
Tất nhiên, một kẻ rất kị với những mối quan hệ dính dáng đến tiền như tôi sẽ từ chối. Tôi bảo:
– Không, em vẫn đủ tiền. Anh không cần phải gửi cho em đâu.
– Ừ, có gì nhớ nói anh, đừng im im tự chịu một mình nhớ chưa?
– Em nhớ rồi.
– Ừ, anh đi đây, em về đi. Đi cẩn thận đấy nhé.
– Vâng.
Nói là nói thế nhưng tôi vẫn đứng một mình ở đó chờ đến tận khi xe của anh ấy đi khỏi, đến khi khuất hẳn rồi, điện thoại tôi rung lên, mở ra thì thấy Duy nhắn:
– Anh thích em, thật đấy. Thích rất nhiều. Anh mong lúc quay về sẽ thấy em khỏe mạnh. Lúc đó đừng từ chối anh nữa nhé.
Tôi im lặng đọc những dòng chữ ấy thật lâu, thật lâu, cuối cùng mới rep:
– Lên đường bình an, chấp hành tốt nhiệm vụ.
– Anh sẽ rất nhớ em!
Có lẽ tôi đã bắt đầu quen với sự xuất hiện của Duy trong cuộc sống, quen với những lần anh ấy không báo trước nhưng vẫn xuất hiện ở cửa nhà tôi, thậm chí quen cả việc thỉnh thoảng chúng tôi ra ngoài đi ăn rồi nói mấy câu chuyện phiếm, cho nên khi Duy đi rồi, trong lòng tôi vẫn ít nhiều cảm thấy hụt hẫng.
Nhưng nghĩ lại, cũng thấy có khi anh ấy rời đi bây giờ lại là chuyện tốt, ít nhất thì tôi không cần phải tiếp tục trốn tránh, cũng không sợ vì tự ti mà phải nói lời chia tay. Khó khăn lắm tôi mới gặp được một người bạn tốt thế này, chỉ vì khoảng cách giàu – nghèo mà không chơi với nhau nữa thì buồn lắm. Tôi hy vọng khi anh ấy xa tôi thì trong lòng cũng dần dần hình thành khoảng cách, tình cảm phai nhạt đi. Như thế, lúc quay về chúng tôi mới có thể tiếp tục làm bạn được.
***
Một tuần sau khi Duy đi, tôi bắt đầu nhập viện để làm hóa trị đợt 2. Hôm tôi vào viện không nói với ai cả, cũng không đả động gì đến người đàn ông tên Giang kia, chỉ một mình xách ba lô vào khu điều trị.
Vào thuốc lần 2 tôi cũng đau đến c/hế.t đi sống lại, ăn không nuốt được, uống nước cũng nôn, mấy sợi tóc lưa thưa còn lại trên đầu tôi cũng rụng hết, mặt trắng bệch đến mức tôi sợ hãi không dám soi gương.
Linh ở miền nam không về được, mỗi lần gọi điện cho tôi đều rơm rớm nước mắt:
– Mẹ, ở trong này bận quá, tao không sắp xếp về được. Hôm rồi định bay về với mày một đêm rồi sáng mai đi, nhưng lại có việc nên lại phải hủy vé.
– Tao nằm ở trong này có ai vào được đâu mà về. Đừng lo, tao không sao đâu.
– Cố gắng nhé, đau mấy cũng phải cố gắng. Đợi tao xong thì tao về thăm mày.
– Ừ, cứ làm cho xong việc đi, tao đợi được mà. Yên tâm đi, lần này tao khỏe lắm, đi phăm phăm, còn ăn được mấy bát cơm ấy chứ.
– Thật không? Đứa nào nói điêu tao vả vào mồm nhé.
– Thật.
Nói là nói thế chứ tôi biết sức khỏe mình yếu đi nhiều, lần trước ra phòng bệnh bình thường thì vẫn loạng choạng vịn tường đi mua thức ăn được, lần này thì chịu, tôi nằm bẹp ở giường bệnh, bụng kêu réo òng ọc nhưng mệt đến mức nói không ra hơi, cứ nằm mê man mãi, đến khi tỉnh dậy thì cũng đã 10 giờ đêm rồi.
Lúc ấy căn tin có lẽ đã đóng cửa, mọi người trong phòng cũng đã đi ngủ hết, tôi vừa đói vừa khát khô cổ họng nhưng chẳng nhờ được ai lấy giúp một cốc nước, thế là tủi thân quá, không muốn khóc mà nước mắt cứ chảy xuôi bên gối.
Thật lòng, lúc ốm đau bệnh tật thế này chỉ mong có người ở bên, không chăm tôi cũng được, chỉ cần ở cạnh tôi là được rồi. Thế nhưng giữa lúc tôi đang chật vật đau đớn giành giật sự sống như thế này, cuối cùng vẫn chỉ còn lại có mình tôi, bây giờ tôi chỉ thèm một bát cháo trắng và một cốc nước lọc thôi, mà sao lại cảm thấy xa vời quá. Xa đến mức giống như một kẻ tứ cố vô thân, không thể mua nổi một món ăn mình thích vậy!
Nhưng tôi biết, lúc này sẽ chẳng có ai bên mình cả, khóc xong rồi lại phải tự lết dậy, gắng gượng vịn tường lê từng bước ra ngoài hành lang, tôi muốn ra ngoài cổng viện mua thứ gì đó để ăn, nhưng chỉ lết được đến sảnh chính là chịu, không đi được nữa.
Tôi ngồi phịch xuống bậc tam cấp ở sảnh thở hổn hển, đang không biết phải làm sao thì bỗng dưng lại có bóng người đi đến. Dụi mắt nhìn đi nhìn lại mấy lần mới biết đó là Giang, anh ta xách theo một hộp cháo, đặt xuống bậc thềm tôi ngồi.
– Ơ… sao anh lại đến đây?
– Theo cô thì tại sao?
Đầu tôi vẫn còn ong ong, một lúc sau mới hiểu là Duy nhờ anh ấy đến. Tôi rất ngại nên đáp:
– Em khỏe rồi, anh không cần đến đâu. Tính anh Duy hay lo nên thế, sau anh ấy gọi thì anh cứ kệ anh ấy, không cần phải đến đâu ạ.
– Đã mang đến rồi thì ăn đi.
– Em ăn cơm tối rồi, em không ăn đâu ạ.
Anh ta nhìn tôi một lát rồi cười nhạt:
– Cô vẫn hay nói dối như thế này à?
– Nói dối gì cơ ạ?
– Nửa đêm ra ngoài làm gì?
Nói tôi đi mua nước? Hay nói tôi ra ngoài hóng gió? Mặt tôi xanh mét thế này, lại mới làm hóa trị xong, nếu không phải vì đói nên nửa đêm mới mò ra ngoài, bịa mấy lý do vớ vẩn kia thì ai tin?
Tôi xấu hổ đưa tay lên vén tóc, nhưng lúc này mới nhớ tóc mình đã rụng hết rồi, bây giờ tôi đang ngồi trước mặt Giang với cái đầu trọc hếu, môi nứt nẻ mắt hốc hác, chắc là trông kinh lắm.
Tai tôi càng đỏ lựng lên:
– Em sợ đêm đói nên ra ngoài mua đồ ăn thêm.
– Cháo Duy bảo tôi mua. Cô ăn cũng được, không ăn cũng chẳng sao, đừng để nó nghĩ đã nhờ rồi mà tôi không giúp.
– Không, có một vài việc dù anh Duy có nhờ hay không thì anh vẫn giúp đỡ người khác, em vẫn biết mà.
Nghe xong câu này, Giang hơi nhíu mày nhìn tôi, nhưng anh ta không hỏi, chỉ có tôi cười bảo:
– Giống như việc Trường Thịnh hỗ trợ chi phí điều trị ung thư cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ấy. Hồ sơ của em được công ty anh bốc trúng, việc điều trị của em cũng là do Trường Thịnh chi trả toàn bộ. Nói cách khác là từ trước khi em biết anh là anh trai của anh Duy, thì anh đã giúp em rồi.
– Việc bốc thăm hồ sơ của cô là do cấp dưới làm, không liên quan đến tôi.
– Trường Thịnh là công ty của anh, tiền bỏ ra cũng coi như là tiền từ túi anh, anh có bốc trúng hồ sơ của em hay không thì cũng đều là giúp em cả.
– Ý cô muốn nói gì?
Đúng là người kinh doanh, thẳng thắn dứt khoát, chỉ cần nghe tôi nói vài câu đã biết ý của tôi không chỉ đơn giản là cảm ơn.
Tôi cũng không vòng vo nhiều, nói thẳng:
– Lúc trước em định đến Trường Thịnh để cảm ơn mọi người, cảm ơn anh. Sau khi biết anh là anh trai của anh Duy, em cũng vẫn muốn cảm ơn, nhưng tiền điều trị thì em xin phép không nhận nữa. Không quen biết nhận giúp đỡ đã ngại rồi, đằng này anh lại là người quen nên em ngại lắm. Nên sau này khoản tiền em đã dùng để điều trị, em sẽ tìm cách trả lại cho công ty anh. Về sau nhờ anh nói lại với cấp dưới hủy khoản hỗ trợ của em, với cả anh cũng không cần vì anh Duy mà giúp em đâu. Em nằm viện vài ngày nữa là khỏe ấy mà.
Tôi nói một tràng rất dài, dốc hết sức lực và ruột gan ra để nói. Sở dĩ ở trước mặt người có thành kiến với mình mà có thể dùng những lời lẽ nhẹ nhàng như vậy, một phần vì anh ta có ghét tôi thì cũng vẫn là ân nhân của tôi, phần còn lại vì Giang là anh trai ruột của Duy, người mà Duy rất kính trọng, tôi cũng nên cư xử tôn trọng mới phải.
Thế nhưng, sau khi nghe xong, Giang chỉ nói:
– Định chơi trò lạt mềm buộc chặt đấy à?
– Sao ạ?
– Không nhận giúp đỡ để em tôi thấy cô đáng thương? Tiền điều trị của cô về sau không cần tôi trả nữa, để em trai tôi tự trả, ý cô là như thế phải không?
Tôi có cảm giác như bị tạt thẳng một gáo nước lạnh vào mặt, đã cố nói năng lịch sự rồi, nhưng anh vẫn cứ làm cho tôi phải khó chịu. Ngực tôi có cảm giác căng tức như bị thứ gì đó dội lên, nhưng tôi vẫn nhẫn nhịn, quay đầu nhìn anh ta nói rõ ràng từng chữ:
– Những người khác lợi dụng em trai anh, anh lo lắng là đúng. Nhưng tôi chưa từng làm điều gì giống như anh nói, sao anh cứ phải thành kiến với tôi?
– Không phải thành kiến, mà là không tin tưởng.
Tôi cười nhạt:
– Vì anh giàu nên nhìn ai nghèo cũng cảm thấy không tin tưởng à? Đừng đánh đồng người nghèo ai cũng tham giống như nhau. Tôi quý anh Duy nên mới làm bạn với anh ấy, chẳng liên quan gì đến việc anh ấy có cho tôi cái gì hay không.
Nói tới đây, tôi đã sắp thở không được nữa rồi, nhưng vì tức quá nên vẫn cố nói thêm một câu:
– Với cả anh cũng thấy rồi đấy, một người bệnh sắp c/hế.t như tôi lợi dụng tiền của em trai anh làm gì, c/hế.t rồi có mang đi được đâu. Khỏi phải lo những điều ấy.
Có lẽ vì lần đầu tôi dám hùng hổ như thế nên anh ta có vẻ hơi ngạc nhiên, Giang im lặng nhìn tôi, lặng lẽ quan sát từ đầu tới từng biểu hiện trên khuôn mặt. Lát sau anh ta mở miệng định nói gì đó, nhưng tôi đã chịu đến giới hạn nên ho. Tôi ho đến mức muốn nổ tung cả tim phổi, ho nhiều quá nên họng rát, bật ra cả một ngụm m.áu.
Tôi định lấy tay lau đi thì lại thấy một chiếc khăn giấy chìa ra trước mặt. Anh ta cau mày, nói:
– Lau đi. Tôi đưa cô đến phòng cấp cứu.
– Không cần đâu. Ho nhiều, vỡ niêm mạc cổ họng nên mới chảy m.áu thôi, chưa c.hế.t được.
– Đứng dậy đi.
Tôi vẫn gan lì cố chấp nói “Không cần”, nhưng anh ta đứng dậy trước, lại không đi mà cứ cúi đầu nhìn chằm chằm tôi. Người qua người lại thấy cảnh này thì phiền lắm, cuối cùng, tôi cũng phải đứng dậy, nhưng chưa kịp thẳng lưng đã thấy tối sầm mặt mày.
Chẳng rõ tôi ngất đi bao lâu, nhưng trong lúc nửa tỉnh nửa mê vẫn cảm giác được ai đó bế tôi lên, sau đó tôi nghe giọng nữ xôn xao, rồi lại ngủ quên lúc nào không biết. Nhưng có lẽ tôi ngủ không lâu lắm, vì khi tỉnh dậy người kia vẫn chưa đi.
Anh ta ngồi bên giường bệnh của tôi, vẻ mặt lạnh tanh như cục đá. Thấy tôi tỉnh, Giang chỉ liếc mắt một cái rồi hỏi:
– Uống nước không?
Tôi định bảo “Không”, nhưng mở miệng mới thấy cổ họng bỏng rát, mà anh ta hỏi xong cũng chẳng chờ xem tôi trả lời thế nào đã lấy cốc nước xuống, kề vào miệng tôi.
– Uống đi.
Nhìn thấy nước tôi mới biết mình khát khủng khiếp, đã kề bên miệng thì tôi cũng không làm cao nữa, tự cầm lấy cốc rồi uống một hơi hết sạch. Giang cầm cốc nước về, lại hỏi:
– Uống nữa không?
– Không. Sao anh còn chưa đi?
– Sợ cô c.hế/t, lại mất công giải thích với công an và em tôi.
– Giờ tôi chưa c.hế/t, anh đi được rồi.
– Cháo thì tính sao?
– Để đó tôi ăn.
Anh ta không nói nữa, chỉ đứng dậy chuẩn bị đi về. Có điều, lúc vừa xoay người lại, hình như nhớ ra chuyện gì nên Giang nói:
– Về sau, tôi sẽ lại đến. Cô có cần hay không thì cũng nên phối hợp với tôi cho tốt. Đừng để em tôi mất công lo lắng. Nó đi làm nhiệm vụ, phải yên tâm mới làm tốt được.
– Anh nghĩ cho em trai mình nhiều như thế, lẽ ra không nên đồng ý để anh ấy làm nghề nguy hiểm như vậy mới đúng.
– Đó là ước mơ của nó. Không liên quan đến tôi.
– Tại sao chuyện tình cảm thì liên quan?
Anh ta quay đầu nhìn tôi:
– Bởi vì nó làm công việc nguy hiểm, nên chuyện tình cảm phải an toàn.
Thì ra là vậy. Duy nói không sai, bởi vì trưởng thành không có cha bên cạnh nên anh trai cũng giống như một người bố, luôn lo lắng, bảo bọc và mong muốn tất cả những điều tốt đẹp cho em mình.
Có lẽ suy nghĩ anh ta cũng như tôi, tôi rất hiểu! Cũng không trách được.
Cuối cùng, tôi nói:
– Ừ, tôi sẽ phối hợp tốt. Nhưng từ sau anh đến thì gọi trước cho tôi một tiếng, vì không phải lúc nào tôi cũng ở bệnh viện.
– Lúc đó rồi tính.
Nói xong, anh ta không chờ tôi đáp mà quay người đi thẳng. Lúc này tôi nhìn ra ngoài cửa sổ cũng đã sáng rồi, bụng vẫn đói, nhưng sờ lên túi cháo ở đầu giường thì vẫn thấy còn nóng nguyên.
Tôi lục đục mở ra ăn, khi vừa cho thìa đầu tiên vào miệng thì lại nghe cô ở giường bên nói:
– Người yêu của cháu chu đáo thật đấy nhỉ, mới sáng sớm mà đã mang đồ ăn sáng đến rồi.
– …
– Mà sao lần này lại thấy cao với cả chín chắn hơn lần trước gặp nhỉ? Hay là cô hoa mắt nên tưởng tượng ra thế?
Thực ra Duy và Giang khá giống nhau, cả hai để cùng một kiểu tóc, cùng một sống mũi cao và môi đỏ. Chỉ là Giang cao hơn một chút, không hay cười, ánh mắt cũng không ấm áp giống như Duy. Tôi quen họ nên phân biệt được, còn cô cùng phòng chỉ là người ngoài, không nhận ra cũng dễ hiểu.
Tôi lười giải thích, chỉ bảo:
– Vâng. Cô đã ăn gì chưa? Cô ăn cháo với cháu này.
– Thôi con bé nhà cô đang ra mua cháo rồi, mà cháu có dặn người yêu mua cháo đừng bỏ muối không đấy? Mới hoá trị xong, đừng ăn muối.
– À… vâng.
Tôi nói là nói thế chứ không hy vọng Giang mua cháo không có muối, nhưng lúc ăn thử một thìa thì thấy rất nhạt, hình như là không bỏ muối thật. Không rõ là anh ta tự biết hay là Duy nhờ mua thế.
Nhưng thôi, dù sao thì tôi cũng không quan tâm, nghĩ nhiều lại cảm thấy mắc nợ, mệt lắm!
Mấy ngày hôm sau, tôi khoẻ hơn nên tự đi mua đồ ăn được, hôm nào mệt quá thì nhờ mấy cô dì ở cùng phòng mua hộ. Có mấy lần Duy gọi video call thấy tôi đang ngồi ăn trên giường bệnh mới hỏi:
– Sao hôm nay lại ăn cơm với mỗi rau thế? Ăn thế thì sao có chất được em?
– Em đang ăn thanh đạm đấy, hệ tiêu hoá đang còn yếu nên chưa ăn nhiều thịt được. Hôm nay anh có phải tập huấn không?
– Có. Ở đây nắng quá, da anh đen đi mấy tông rồi đây này.
Tôi cười cười:
– Vẫn đẹp trai lắm.
– Anh Giang có vào thăm em không?
– Có, anh ấy vào mua đồ cho em rồi. Cần gì thì em sẽ bảo anh ấy, anh cứ yên tâm nhé.
– Ừ. Em cũng đừng ngại đấy, anh Giang nhìn thế thôi nhưng không khó tính đâu. Anh ấy bận thì cấp dưới sẽ mang đồ đến.
– Vâng.
Lần này hoá trị đau hơn, mệt hơn, nhưng trộm vía tôi hồi phục nhanh hơn hẳn lần trước. Nằm ở viện đến tuần thứ hai thì đã bắt đầu xuống sân tập thể dục với mấy cô bác người nhà bệnh nhân được rồi.
Hôm khám lại, bác sĩ điều trị cho tôi đọc kết quả xong mới nói:
– Kết quả thế này là khả quan lắm rồi đấy, mới qua hai lần hoá trị mà hôm nay xét nghiệm đã không còn thấy tế bào un.g th.ư nữa rồi.
– Thật hả bác sĩ? Không còn tế bào u.ng th.ư nữa nghĩa là cháu khỏi bệnh rồi phải không ạ?
– Không. Tạm thời xét nghiệm không còn tế bào u.ng th.ư không có nghĩa là đã khỏi bệnh, có rất nhiều trường hợp sau một thời gian sẽ có tế bào tái lại. Nhưng trường hợp của cô là cơ thể đáp ứng rất tốt với thuốc đấy, trước mắt đó là tín hiệu đáng mừng rồi. Về sau tiếp tục điều trị thế nào thì còn phải xem diễn biến bệnh của từng người.
– Vâng ạ. Thế cháu có tiếp tục phải làm hoá trị nữa không bác sĩ?
– Bây giờ thì không, nhưng trung bình một tháng cô khám lại một lần nhé. Nếu phát hiện còn tế bào thì lại làm hoá trị tiếp.
– Vâng. Cháu cảm ơn bác sĩ.
Bác sĩ mỉm cười, lấy giấy bút viết cho tôi một đơn thuốc, ngoài những thuốc dành cho bệnh nhân ung thư ra còn kê thêm rất nhiều thuốc bổ. Bác sĩ bảo tôi:
– Điều trị xong lần này chắc sút nhiều cân lắm hả?
Tôi xoa xoa cái đầu trọc hếu của mình, cười đáp:
– Cháu cũng không cần, nhưng chắc cũng sút nhiều bác sĩ ạ.
– Tôi kê cho cô ít thuốc bổ, đừng tiếc tiền, mua uống vào cho nhanh hồi phục. Cô đáp ứng thuốc hoá trị như thế là vì cô còn trẻ, còn khoẻ, nhưng qua hai lần làm hoá trị thì cơ thể cũng suy kiệt rồi. Bây giờ phải bồi bổ vào, dưỡng sức, sau lỡ vẫn phải làm hoá trị tiếp thì vẫn còn sức để làm, biết không?
– Vâng ạ. Cháu biết rồi, cháu cảm ơn bác.
Nằm viện thêm ba ngày thì tôi chính thức được ra viện, lần này bác sĩ không hẹn ngày làm hoá trị tiếp nên tâm trạng tôi khác lắm, cảm giác như mình vừa từ trong cái c.hế.t được sống lại vậy, ngẩng đầu nhìn lên trời xanh, lòng cảm thấy như trút được gánh nặng ngàn cân.
Chắc có lẽ vì vui quá nên tôi quên mất, suýt nữa thì lấy điện thoại ra gọi điện cho Duy và Linh, bảo hai người họ đến nhà tôi nấu cơm liên hoan một bữa. Nhưng khi bấm số mới chợt nhớ ra bây giờ ở Hà Nội ngoài tôi ra chẳng còn ai cả, Linh ở tít miền nam chưa về được, Duy thì ở tận Hà Tĩnh, Tép thì ở nước ngoài, nơi này chỉ có một mình tôi thôi.
Nghĩ đến đây, tôi lặng lẽ thở dài một tiếng rồi cất điện thoại vào trong túi. Một mình về nhà tự đi chợ, tự nấu cơm, đang định ngồi ăn thì thấy mẹ tôi xồng xộc xông vào.
Khi ấy tôi chưa kịp đội tóc giả, bà ấy thấy đầu tôi không còn một sợi tóc thì rít lên:
– Con r.anh này, mày học ai cái thói cạo đầu đấy hả? Mày đi đâu hơn một tháng qua mà tao đến tìm không thấy?
– Mẹ tìm con làm gì?
– Tao đến thăm không được à? Mà mày vẫn chưa trả lời tao đâu, sao mày cạo đầu đấy?
Người bình thường nhìn một cái là biết tôi bị bệnh, nhưng mẹ tôi cố tình không nhìn ra thì phải. Tôi cũng lười nói, chỉ bảo:
– Từ giờ mẹ đừng đến thăm con nữa, con bận, không có thời gian tiếp mẹ đâu.
– Mày giỏi thật, mẹ mày đến mà mày bảo từ giờ đừng thăm nữa à? Tao có lòng tốt mới đến thăm, rồi ăn với mày bữa cơm. Bát đâu, lấy bát ra đây. Thấy mẹ đến mà mày không mời mẹ mày ăn được bữa cơm à?
Bà ấy nói mãi, tru tréo chửi bới, tôi ngại điếc tai nên đành phải lấy bát cho bà ấy ăn cùng. Nhưng thức ăn tôi nấu không có muối, rất nhạt, mẹ tôi ăn không được lại nhổ toẹt ra, lại mắng tôi té tát.
Tôi mỏi mệt nói:
– Mẹ không ăn được thì về đi, chiều con còn đi làm.
– Mày giờ đi làm ở đâu đấy?
– Con đi làm thuê thôi.
– Có tiền không? Cho tao mấy triệu đi.
– Con không có tiền đâu, mẹ đừng xin nữa.
– Mày đi làm mà không có tiền à? Mấy hôm nay tao bị đau xương khớp, muốn đi bệnh viện khám mà không có tiền, mày là con thì mày phải báo hiếu mẹ mày, không đưa được tao đi khám thì cũng phải cho tiền chứ?
– Mẹ có nuôi con được ngày nào không? Sao lúc nào mẹ cũng bảo con phải báo hiếu?
– À, tao không nuôi mày nhưng tao đẻ ra mày nhé, mày…
Vừa nói đến đó thì điện thoại của mẹ tôi đổ chuông, hình như là có chuyện gì đó rất gấp, bà ta vội tới nỗi quên cả chửi, chỉ bảo tôi lo mà gửi tiền cho bà ấy, nếu không thì bà ấy sẽ không để yên, sau đó thì phủi mông đi thẳng.
Sau khi bà ấy đi rồi, tôi nhìn nhà cửa bị khuấy thành một mớ hỗn độn, chán đến mức không muốn động chân động tay gì nữa, nhưng cuối cùng vẫn không chịu được nên lại lết đi dọn dẹp.
Tôi nghĩ nếu cứ ở đây thì mẹ tôi sẽ tiếp tục đến làm phiền nhiều, thế nên có thử tìm phòng trọ khác, nhưng tháng 9 là mùa sinh viên lên Hà Nội nhập học nhiều nên phòng rẻ đã hết, chung cư thì 6, 7tr một tháng nên tôi không thuê được.
Có lần, tôi hỏi chú giám đốc ban biên tập xem khu ký túc dành cho cán bộ còn phòng không, chú ấy nói:
– Bây giờ thì đang hết, nhưng khoảng 3, 4 tháng nữa hình như cái Loan ở ban sản xuất chuyển đi đấy. Cháu muốn ở thì đợi đến lúc đó rồi đăng ký nhé.
– Vâng ạ. Cháu cảm ơn chú.
– À, hôm trước chú có bảo mời giám đốc Trường Thịnh tham gia talkshow mà không được ấy, lần này cháu đến đó một chuyến nữa nhé, mời người ta xem sao. Bây giờ cái ứng dụng của công ty đó được nhiều người quan tâm, mình làm chương trình về người sáng tạo ra ứng dụng đó thì có sức lan toả hơn, thu hút được nhiều người xem nữa.
– Vâng, nhưng cháu nghe nói giám đốc bên họ ít nhận tham gia talkshow chú ạ. Không biết mời lần hai có khả thi hơn không.
– Ừ thì cứ đến xem, không được thì đành thôi chứ biết sao giờ.
– Vâng ạ. Để chiều nay cháu đến.
Mặc dù không muốn gặp anh ta nhưng vì công việc, tôi vẫn gọi điện thoại trước cho anh Phương, nhờ anh ấy hẹn giám đốc giúp tôi. Anh Phương có lẽ cũng biết Giang sẽ không nhận hẹn, nhưng vì nể tôi nên vẫn bảo:
– Hôm nay anh ấy đi hội thảo, chắc là sẽ về muộn. Sếp tắt máy nên anh liên lạc không được em ạ.
– Vâng, không sao, em đến chờ cũng được ạ.
– Muộn lắm ấy, em chờ biết đến bao giờ.
– Không sao, em có thời gian mà. Lâu rồi không đến, tiện ghé thăm mọi người luôn.
– Ừ. thế em đừng mua cafe nhé, anh mua đây rồi.
– Vâng ạ.
Nói là nói thế nhưng tôi vẫn đi rút tiền, sau đó mua rất nhiều hoa quả mang đến. Phòng kỹ thuật của Trường Thịnh đã quen mặt tôi, thấy tôi lại mang quà đến thì ai cũng cười toe cười toét, bảo tôi có tóc mới xinh thế.
Tôi ngượng ngùng vuốt mái tóc giả của mình, nói đùa thêm mấy câu với bọn họ rồi mới kéo anh Phương ra một góc. Lúc tôi đưa phong bì tiền nhờ anh ấy trả lại vào quỹ của công ty, anh Phương lập tức trợn tròn mắt nhìn tôi:
– Không, anh không nhận lại đâu. Đây là tiền do công ty hỗ trợ em, em điều trị thì dùng chứ, trả lại công ty anh làm gì?
– Em có tiền rồi, phần hỗ trợ đó nhường lại cho hoàn cảnh khó khăn hơn anh ạ. Anh cứ cầm đi, bây giờ em chưa có đủ nên trả trước một phần, sau này em sẽ gom trả dần số còn lại ạ. Cảm ơn Trường Thịnh thời gian qua đã giúp đỡ em.
– Anh nói nhé, số tiền này công ty hỗ trợ rồi thì sẽ không thu hồi được, em làm thế anh sẽ khó xử đấy.
– Có gì đâu, hoàn cảnh của em vẫn tốt, vẫn lo được tiền, còn nhiều người hơn em cần hỗ trợ mà. Trường Thịnh thu hồi lại để hỗ trợ cho những người khó khăn khác vẫn có ý nghĩa mà anh.
– Không, việc này anh không quyết được đâu. Nếu em cứ nhất quyết trả thì em chờ sếp anh về đi, đợi anh ấy về rồi nói để anh ấy giải quyết nhé. Anh thì anh không dám nhận lại đâu.
Thực ra tôi cũng không có tiền, nhưng vì không tiếp tục mắc nợ Trường Thịnh nên mới vay tín chấp ngân hàng để trả trước một phần. Nhưng nói mãi mà anh Phương vẫn không đồng ý nhận lại, thế nên tôi đành ôm theo phong bì đó ngồi chờ Giang về.
Mỗi tội hôm ấy anh ta về rất muộn, 9h tối mọi người đã tan làm hết rồi mà chỉ có mình tôi ngồi đợi. Anh Phương cũng bảo tôi về đi, hôm khác lại đến, nhưng vì chú trưởng ban chỗ tôi rất muốn mời được Giang nên tôi vẫn kiên trì ở lại.
Chờ đến tận 10h đêm mới thấy có tiếng thang máy vang lên “Ting” một tiếng, sau đó là tiếng bước chân người chậm rãi đi vào văn phòng công ty.
Tôi vội vàng đứng lên, thấy anh ta bước vào mới lên tiếng:
– Anh Giang.
Anh ta khựng lại, ngẩng lên nhìn tôi mấy giây rồi lập tức cau mày:
– Đến làm gì thế?
– Tôi có ít việc muốn trao đổi với anh. Anh có thời gian không?
– Không có thời gian.
– Chỉ 10 phút thôi. Tôi nói xong rồi đi ngay.
Giang đi ngang qua tôi, mở khóa vân tay phòng giám đốc rồi nói:
– 5 phút.
– À… vâng.
Tôi lập tức đuổi theo bước chân anh ta, lúc đến gần mới thấy anh ta toàn mùi rượu, tai cũng đỏ lựng lên, chắc là mới đi tiếp khách ở đâu về.
Không có thời gian nên tôi vừa đi vừa nói:
– Sắp tới đài truyền hình của tôi sẽ tổ chức talkshow dành cho người có ảnh hưởng trong xã hội, ban lãnh đạo rất muốn mời anh tham gia, không biết anh có sắp xếp được thời gian để tham gia talkshow không?
– Không có thời gian.
– Có thể quay ban đêm, hoặc vào giờ nào anh rỗi cũng được ạ. Thời gian quay không lâu đâu, chỉ khoảng từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Đài chúng tôi sẽ đưa đón tận nơi, về phần hình ảnh sẽ có stylist chuẩn bị riêng cho anh ạ.
Bước chân của Giang đột nhiên dừng lại, anh ta quay đầu nhìn tôi:
– Cô không hiểu thật hay là cố tình không hiểu?
– Dạ?
– Tôi không thích tham gia, cũng không có ý định tham gia những chương trình như thế. Về sau còn tìm tôi để nói mấy chuyện vô bổ như thế nữa thì phiền cô đừng đến nữa.
– Đó không phải chương trình vô bổ, đó là chương trình có sức tan tỏa cho xã hội. Ứng dụng AI Star của anh không bán mà đem tặng miễn phí cho các bệnh viện, mục đích để tiếp cận được nhiều bệnh nhân hơn, giảm chi phí khám bệnh cho họ. Việc của công ty Trường Thịnh là có ích, lan tỏa được nó thì càng tốt hơn cho xã hội, sao anh lại nói là vô bổ?
– Công ty tôi đi bằng thực lực, không cần phải làm truyền thông.
– Nhưng đây là truyền thông có ích, không chỉ cho công ty anh mà còn cho cả xã hội. Hơn nữa công ty anh cũng không hề mất chi phí cho việc truyền thông. Tôi thấy anh tham gia talkshow này chỉ có lợi chứ không có hại, sao anh không thử cân nhắc một lần xem sao.
Anh ta lẳng lặng ngồi xuống ghế, có vẻ rất mệt mỏi tựa lưng về phía sau, nhàn nhạt trả lời tôi:
– Cô đến đây vì được lãnh đạo phân công hay cô tự tin sẽ thuyết phục được tôi nên tự đến?
– Cả 2.
Giang cười nhạt:
– Nói lý do xem.
– Lần trước tôi đã đến Trường Thịnh phỏng vấn một lần rồi nên bây giờ lãnh đạo phân công đến. Còn về chuyện thuyết phục anh, lúc trước anh có nói tôi nên phối hợp tốt với anh đúng không?
Tôi nhìn anh ta, cũng vừa cười vừa nói:
– Thế thì anh cũng nên phối hợp tốt với tôi chứ? Lúc trước gặp nhau Duy đã nói rồi còn gì, anh ấy nói tôi muốn phỏng vấn thì cứ gọi trực tiếp cho anh, anh sẽ không từ chối. Khi đó anh không nói gì, tôi nghĩ là anh cũng đồng ý rồi.
Khi nghe xong câu này, ánh mắt của Giang thoáng qua vẻ nghiền ngẫm. Nhưng có lẽ không phải nghiền ngẫm mấy lời vừa rồi, mà là nghiền ngẫm sắc mặt tôi. Anh ta muốn xem rút cuộc tôi là loại người lòng dạ sâu như thế nào.
Sau cùng, nụ cười trên môi anh ta lạnh hẳn đi một nửa:
– Cô nói không lợi dụng em tôi là thế này đây hả? Không lợi dụng tiền bạc, mà là lợi dụng mối quan hệ phải không?
– Anh nghĩ sao cũng được.
– Bình thường ở đài truyền hình cô thường đi cửa sau thế này à?
– Không, cái này không gọi là đi cửa sau, mà gọi là: đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.
– Cô xem tôi là gì?
Tôi bình thản đối diện với ánh mắt của anh ta, nói rành rọt:
– Là một người cứng đầu, coi thường người nghèo, tính tình khó ưa, không xem ai ra gì.
Giang im lặng mấy giây rồi bật cười:
– Nói cụ thể thời gian, địa điểm đi.
Nghe anh ta đồng ý, tôi mừng như bắt được vàng, nhưng không dám tỏ thái độ sung sướng ra mặt vì sợ cái tên khó ở này sẽ đổi ý. Thế nên tôi vẫn giả vờ bình tĩnh như thường, đọc ngày giờ cụ thể quay talkshow cho anh ta, còn bảo trước ngày quay sẽ có thư ký ban biên tập gọi điện nhắc.
Giang có vẻ mệt mỏi nên chỉ “Ừ” một tiếng, tôi cũng không muốn làm phiền thêm nên định đi về. Có điều, lúc sờ vào trong túi mới chợt nhớ ra còn phong bì chưa trả lại, thế nên tôi bảo:
– À phải rồi. Tiền Trường Thịnh tài trợ cho tôi, tôi muốn trả lại anh.

Yêu thích: 4.9 / 5 từ (16 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN