Không Thể Động Lòng - Phần 18
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
966


Không Thể Động Lòng


Phần 18


Gió từ dưới thung lũng thổi tới, mang theo không khí lạnh buốt làm rối tung mái tóc dài của tôi. Hình như viền mắt bị mấy sợi tóc cọ vào nên hơi nóng lên, ngay cả đồng tử cũng cảm thấy chua xót và ẩm ướt.
Mười năm rồi, đã rất nhiều lần tôi nghĩ đến nỗi đau của Đặng Khải Thành, nhưng hôm nay đến đây, tận mắt chứng kiến những gì ba tôi đã làm với gia đình anh ta, tận mắt nhìn thấy một Đặng Khải Thành trên vai là 4 ngôi sao đầy vinh quang, tưởng như cái gì cũng có, nhưng rút cuộc lại không có nổi một thứ gì. Cuối cùng, tôi mới thật sự hiểu được một điều vô cùng đau thương rằng: dù cuộc đời tôi bị nhấn xuống bùn đen thì tôi vẫn hơn Đặng Khải Thành cả nghìn bậc, tôi vẫn còn hạnh phúc hơn anh ta.
Bởi vì tôi còn cha mẹ, còn Đặng Khải Thành thì không. Bởi vì tôi còn quê hương, còn Hồng Ý, nhưng Đặng Khải Thành vượt mấy trăm cây số về đây, đứng trên đỉnh núi hoang tàn cũng chỉ có một mình.
Anh ta vì tổ quốc mà hy sinh và đau khổ tận 20 năm, tôi chỉ chịu đựng 10 năm, nỗi đau của tôi vốn không thể so được với anh ta. Vậy thì tôi lấy tư cách gì để oán hận Đặng Khải Thành chứ?
Gia đình tôi có ngày hôm nay là nghiệp báo do đã làm quá nhiều chuyện ác mà thôi!
Nghĩ đến đây, đột nhiên cổ họng tôi như bị thứ gì đó thắt chặt lại, muốn tiến lên nói với Đặng Khải Thành một lời xin lỗi, muốn xin anh ta tha thứ cho chúng tôi, nhưng vừa nhấc chân thì lại nhìn thấy người đàn ông ở bên kia lặng lẽ khom người, rút ra một chiếc khăn tay sạch sẽ rồi cẩn thận lau từng bia mộ của cha mẹ, bóng lưng nhuốm đầy cô tịch và đau thương…
Giọng của Đặng Khải Thành rất nhỏ nhưng gió vẫn có thể đưa đến bên tai tôi:
“Lâu rồi con không có thời gian về thăm ba, mẹ, hai người ở bên ấy vẫn khỏe chứ? Có thiếu thốn thứ gì không?”.
“Con vẫn khỏe, công việc cũng tốt, bạn bè đồng nghiệp cũng tốt, ba mẹ không cần phải lo lắng cho con”.
“Năm nay ở đầu thôn Trường An mấy quán hàng lại lớn thêm nhiều rồi, cuộc sống của mọi người cũng tốt hơn, chỉ có chỗ này là vẫn thế”.
“Ba mẹ vẫn thích Hồ Cảnh Vân yên tĩnh thế này có phải không?”
“Nhiều năm rồi, chuyện gì nên làm, không nên làm, con cũng đều làm cả. Người không xứng đáng được tha thứ cũng bị pháp luật trừng trị rồi. Ba mẹ ở bên đó cứ yên tâm, không phải vấn vương gì ở nơi này nữa”.
“Cũng không cần phải bận lòng vì con. Sau này con sẽ sống thật tốt”.
Có lẽ càng về sáng gió càng lớn, tôi không nghe được Đặng Khải Thành nói nữa, chỉ thấy tôi ù đặc, hốc mắt bị gió tạt làm cay xè.
Tôi quyết định không tiến về phía trước nữa, không phải vì tôi hèn nhát, mà là tôi nhận ra thế giới này vốn dĩ của riêng anh ta, một đứa con của kẻ thù như tôi không có quyền đặt chân vào đó, càng không có mặt mũi đứng trước mộ cha mẹ Đặng Khải Thành, thế nên rút cuộc tôi vẫn mãi chôn chân ở nơi đó, đứng đằng xa im lặng nhìn anh ta.
Chúng tôi cách một nền móng nhà đổ nát, cách cả một khoảng đất trống rộng lớn mênh mông, giữa bốn bề gió lạnh vi vút, cứ thế một người nhìn một người trong thời tiết lạnh buốt. Cho đến khi ánh mặt trời từ từ ló rạng dưới chân núi, đem tia nắng đầu tiên của một ngày mới chiếu soi lên đỉnh núi Trường An, tôi mới rời mắt khỏi bóng lưng của Đặng Khải Thành rồi lặng lẽ ra về.
Khi đến gần nhà trọ thì thấy Dương Quang đang ngồi xổm ngoài cửa nói chuyện với một ông cụ đan sọt mây, bộ dạng vừa vui vẻ vừa chuyên chú. Lúc ngước lên thấy tôi, anh ta ngay lập tức đứng dậy chạy lại:
“Chân Ý, em đi đâu về thế? Ngủ dậy không thấy em với sếp đâu, anh đang định đi tìm hai người đây”. Nói tới đây, anh ta lại nhìn ngang nhìn dọc sau lưng tôi: “Ơ… sếp không đi cùng em à? Ông chủ nhà trọ nói hai người đến Hồ Cảnh Vân mà?”.
Tôi ngại nên đành nói dối: “Anh Thành đến Hồ Cảnh Vân, em cũng định đi theo nhưng không biết đường. Nãy giờ em lang thang đi dọc thị trấn xem có gì hay ho không”.
“Đã hết triệu chứng say độ cao chưa mà đã đi bộ thế? Buổi sáng ở đây lạnh lắm, em chưa khỏi ốm mà đã ra ngoài dễ ốm lại lắm đấy nhé, với cả còn dễ đi lạc nữa. Em mà mất tích là sếp g.iế.t anh đầu tiên đấy”.
“Ôi, em mang theo điện thoại mà, đi lạc thì còn gọi các anh đến đón được. Với cả ngủ một giấc dậy em khỏe rồi, khỏe như voi đây”.
Vừa nói tôi vừa bày ra vẻ mặt tươi tỉnh như không có gì, nhưng vẫn bị Dương Quang phát hiện ra: “Sao mắt em lại đỏ thế? Em khóc à? Hay vẫn còn sốt?”.
“Hả…À…”. Tôi vô thức đưa tay lên dụi mắt, đồng tử vẫn còn thấy rất đau: “Chắc là nãy đi đường bị con gì bay vào mắt đấy. Ở đây nhiều muỗi với măn mắt quá, cứ bay hàng đàn ấy. Mấy con bay vào mắt em dụi mãi không ra”.
“Còn cả vắt rừng, rồi đủ thứ nữa kia. Giờ đông dân nên đỡ nhiều rồi đấy. Mấy năm trước anh lên đây với sếp, cả người bị đốt không trượt phát nào”. Dương Quang cười cười, lại nhìn tôi: “Có cần nhỏ thuốc cho trôi ra không?”
“Không cần đâu, chắc nó ra rồi ấy mà”
“Ừ. Em đói chưa? Sáng nay muốn ăn gì?”
“Em chưa. Đợi anh Thành về rồi ăn luôn cũng được. Em nghe nói sáng nay ông chủ nấu cháo ấu tẩu đấy”.
“Ừ. Cháo đó ngon cực. Thế mình đợi sếp về rồi cùng ăn”.
“Vâng”.
Nói chuyện với Dương Quang thêm một lúc, tôi mới đi vào trong nhà trọ rửa lại mặt mũi, lúc sau đi ra thì đã thấy Đặng Khải Thành về rồi. Tôi vẫn tỏ ra như không có chuyện gì, ngồi cùng mọi người ăn cháo ấu tẩu, Đặng Khải Thành thì còn bình thản hơn tôi, bình thản đến mức tôi cứ ngỡ bóng lưng đau thương ban sáng và người ngồi trước mặt không phải là cùng một người.
Anh ta thấy tôi cứ nhìn mình đăm đăm mới nói:
“Trên mặt tôi có gì à?”
Tôi xấu hổ quay đầu đi, giả vờ xúc một thìa cháo ấu tẩu bỏ vào miệng: “À… không có gì. Tôi định hỏi lát nữa các anh định đi đâu?”
“Định đi loanh quanh trong thị trấn thôi”. Đặng Khải Thành chậm rãi đáp: “Cách đây mấy km có một quán café dựng ở lưng chừng núi, ở đó có thể nhìn thấy ruộng bậc thang và chân thung lũng. Em có muốn đi không?”.
Tôi đến nghĩ cũng không cần đã gật đầu lia lịa: “Có chứ. Lần đầu tiên tôi được lên đây, phải tranh thủ đi tham quan cảnh đẹp, rồi cả mấy quán hàng có view xịn xịn một tý để còn viết blog giới thiệu cho bạn bè lên theo chứ”.
Dương Quang đang nhồm nhoàm nhai cháo, nghe vậy mới hỏi: “Viu xịn xịn là gì cơ Chân Ý?”.
“Là góc nhìn đẹp, nơi nào nhìn đẹp thì mình chụp ảnh rồi đăng lên mạng giới thiệu cho mọi người biết ấy”.
“À…”
Tôi lại quay sang Đặng Khải Thành: “Quán cafe anh nói có phải quán café cheo leo giữa lưng chừng núi mà lúc đi lên cũng thấy không? Ở bên trái ấy”.
“Ừ. Nhưng sắp tới bị dẹp bỏ rồi, em viết blog thì mọi người cũng không đi kịp đâu”.
“Ôi…”. Tôi rên một tiếng chán nản, lại như nghĩ ra điều gì nên bảo: “Thế thì phải nhanh lên mới được. Lát nữa mặt trời lên cao rồi sẽ không đẹp nữa”.
Dứt lời, tôi lại đẩy nồi cháo ấu tẩu về phía Đặng Khải Thành: “Các anh cũng ăn nhanh lên”.
Ánh mắt Đặng Khải Thành lúc này ôn hòa và sáng sủa, tựa như những khổ đau anh ta chịu đựng đã được che lấp, bây giờ chỉ phảng phất một ý cười: “Ăn từ từ thôi”.
Tôi gật gật đầu, không đáp, lại xúc một thìa ấu tẩu thật to…
Ăn uống xong, ba người chúng tôi đi một vòng quanh thị trấn, vừa đi vừa dừng lại ngắm cảnh và nhìn người dân đi lại trên đường, giả như những khách du lịch bình thường, nhưng tôi biết, dưới con mắt hình sự của Đặng Khải Thành và Dương Quang, không có kẻ nào khả nghi lọt được khỏi ánh nhìn của bọn họ.
Tôi thì không có sự nhạy bén như vậy nên cả buổi chỉ chạy loanh quanh ngắm những áng mây còn sót lại trên sườn núi, lại nhìn mấy chị gái dân tộc mặc váy thổ cẩm địu con trên lưng, phía sau là cả một đàn con tuổi san sát nheo nhóc chạy theo. Trời lạnh như vậy mà trẻ con trên đỉnh núi này chỉ mặc một manh áo mỏng, chân không đi dép, tóc tai đứa nào cũng hoe vàng vì cháy nắng, khi thấy mấy người lạ chúng tôi đi qua thì cứ ngơ ngác nhìn.
Tôi cười cười, vẫy tay: “Nhìn cái gì vậy?”.
Đứa bé lớn nhất mút ngón tay cáu cạnh bẩn thỉu, không biết có hiểu tiếng Kinh không, nhưng sau khi nghe xong thì ngoác miệng cười rồi chỉ về phía Đặng Khải Thành.
Tôi cũng quay đầu nhìn theo, phát hiện ra anh ta đang đứng nói chuyện với một cụ già trong thôn, bộ dạng nghiêm túc lịch sự, bóng dáng cao lớn thẳng tắp, lại sáng sủa đẹp trai. Tự nhiên cũng thấy động lòng.
Tôi ghé tai hỏi nhỏ đứa bé: “Đẹp trai lắm à?”.
Nó gật gật, đáp lại: “Chú đẹp trai lúc trước mua sách cho con đó”.
Mấy đứa bên cạnh cũng nhao nhao: “Mua cho cả con nữa”.
“Chú mua bút màu cho con”
“Mua cả cặp sách cho con nữa”.
“Chú cho con bánh, mẹ con sinh em bé, chú còn chở mẹ con đến trạm xá”.
“Con thích chú đẹp trai lắm”.
Tôi bật cười, cảm thấy mấy đứa trẻ này cùng lắm là 7, 8 tuổi trở lên, còn bé như vậy mà đã nhớ như in Đặng Khải Thành, còn ‘thích cả chú đẹp trai’, đúng là giống hệt tôi rồi.
Năm xưa cũng vì gương mặt này của anh ta mà tôi mới mê mệt, vì những cuốn sách anh ta dùng tiền đi bốc vác thuê để mua cho tôi, mà tôi mới luôn mặc định Đặng Khải Thành là người tốt, sau đó mới say đắm một người đàn ông suốt mười năm không từ bỏ được, đến giờ cũng vẫn còn vấn vương…
Nhớ đến chuyện cũ tự nhiên lại nặng lòng, tôi lén lút thở dài một tiếng, sau đó cũng không nhìn anh ta nữa mà chỉ lấy kẹo bánh trong ba lô ra chia cho mấy đứa nhóc: “Chú đẹp trai là của người khác rồi. Mấy đứa đừng mơ mộng hão huyền nữa”.
Mấy đứa trẻ không hiểu tôi nói gì, nhưng được chia kẹo thì cười toe cười toét: “Người khác là ai ạ? Là cô à?”
Tôi lắc đầu, không đáp mà chỉ nói: “Cô cũng cho kẹo mấy đứa, cả bánh nữa này. Bọn nhóc, có nên gọi cô là cô đẹp gái không?”.
“Có ạ”. Cả đám đồng thanh kêu to: “Cô xinh lắm. Như công chúa babie ấy ạ”.
“Còn biết cả công chúa babie nữa cơ à?”.
“Vâng ạ”. Một đứa chỉ vào tivi màn hình phẳng của một cửa hàng gần đó: “Con xem ở trên tivi đấy, sáng nào bọn con cũng ra đây xem ké tivi của nhà chú đó đó”.
Bọn nhóc trên này có cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều so với lũ trẻ thành phố, ngay cả muốn xem tivi cũng phải ra đường đứng hứng gió lạnh để xem ké, tôi rất đau lòng nhưng cũng chẳng biết phải làm sao.
Cuối cùng, sau một lúc ngẫm nghĩ, tôi mới bảo: “Sau này có muốn được xem tivi nhiều không? Còn được đi xuống thành phố tham quan vườn bách thú với công viên nữa?”.
“Có ạ”.
“Thế thì phải học thật giỏi nhé. Như chú đẹp trai kia kìa”. Tôi chỉ Đặng Khải Thành: “Chú ấy giỏi lắm, còn oai ơi là oai, đi đâu cũng có xe ô tô và tài xế đưa đón đó”.
“Thật ạ?”.
“Thật chứ. Giỏi như chú ấy thì muốn mua bao nhiêu kẹo cũng được, thích đi đâu cũng được nốt. Biết không?”.
Bọn trẻ có vẻ rất ngưỡng mộ Đặng Khải Thành, cả lũ ngước lên nhìn một lượt rồi gật đầu lia lịa: “Vâng ạ. Con sẽ học giỏi giống như chú đẹp trai. Sau này con sẽ mua sách cho các em của con”.
“Con cũng học giỏi để mua bánh cho mẹ con ăn nữa”.
Tôi mỉm cười, lấy hết bánh kẹo ra chia cho bọn nhóc. Cả lũ thấy vậy liền thi nhau khen tôi xinh gái, có đứa còn thơm vào má tôi, cuối cùng cả một ba lô đầy ắp kẹo được tôi chia sạch. Lũ trẻ đứa nào cũng được nhận cả nắm kẹo thì sung sướng chạy đi, được một quãng lại túm tụm lại xôn xao đòi đổi kẹo với nhau.
Tôi ngồi xổm một chỗ, nhìn cho đến khi bọn nhóc đi xa rồi mới đứng lên, nụ cười trên miệng còn chưa kịp thu lại thì đã bắt gặp đôi mắt đen thẫm của một người đàn ông đang lặng lẽ hướng về phía mình.
Tôi giật mình hỏi: “Ơ…Sao thế?”.
Đặng Khải Thành cười đầy hàm ý: “Em nói gì với bọn nhóc thế?”.
Nghĩ lại cả đám vừa hô to cô Chân Ý xinh gái, tôi lập tức xấu hổ đến mức mặt mũi đỏ bừng, chối bay chối biến: “Có gì đâu, hỏi mấy chuyện linh tinh ấy mà”.
Dứt lời, tôi lại đánh trống lảng: “Nãy giờ anh hỏi được tin tức gì chưa?”.
“Chưa có gì”. Anh ta ngẩng đầu nhìn đám trẻ vẫn đang giành nhau kẹo dưới con dốc, hỏi: “Trong túi em lúc nào cũng có kẹo à?”.
“Ừ, hôm trước đi siêu thị thấy hay ho nên mua một gói. Chưa kịp ăn thì lại gặp bọn nhóc này nên mang đi chia luôn. À đúng rồi…”. Nói tới đây, tôi lại nhớ ra một chuyện nên lại thò tay vào ba lô lần mò, cuối cùng móc được ra hai viên kẹo còn sót lại dưới đáy. Tôi đưa cho Đặng Khải Thành một viên: “Vẫn còn kẹo. Anh muốn ăn thử không? Vị này ngon lắm”.
Anh ta nhìn viên kẹo xanh đỏ dưới tay tôi, suy nghĩ một lát rồi hỏi: “Vị gì vậy?”.
“Vỏ ngoài là vị đào, bên trong là vị táo, có cả muối ớt cay trong nhân nữa”.
Đầu mày Đặng Khải Thành khẽ cau lại, anh ta chỉ nhìn mà không nhận, tự nhiên tôi cũng thấy mình đúng là dở hơi.
Anh ta năm nay lớn tuổi như vậy, lại là một cục trưởng quyền uy, làm sao mà ăn mấy đồ con nít thế này được, nhận lấy thì sẽ mất mặt c.hế.t mất. Thế nhưng, khi tay tôi vừa định rụt về thì Đặng Khải Thành lại cầm lấy một viên: “Để tôi thử xem”.
Tôi mắt chữ O mồm chữ A nhìn anh ta, mà Đặng Khải Thành vẫn bình thản như không, anh ta ngập ngừng một chút rồi cũng bóc kẹo, cho vào miệng, một lát sau gương mặt còn giãn ra, vẻ lạnh lùng nghiêm túc chợt biến mất, thay vào đó là nét mặt dịu dàng và ôn hòa.
Tôi rất hài lòng, nhưng vẫn giả vờ hỏi: “Ăn được không?”.
“Cũng được”. Anh ta liếc viên kẹo còn lại trên tay tôi: “Viên còn lại của em cũng vị như vậy à?”.
Túi kẹo này là loại đặc biệt, hiếm lắm mới thấy có ở siêu thị, trên này lại càng không có. Tôi sợ Đặng Khải Thành cướp luôn chiếc cuối cùng của tôi nên lập tức thu tay về, bóc vỏ cho vào miệng: “Ừ, viên này cũng vị đào”.
Đặng Khải Thành nhìn bộ dạng gấp gáp sợ bị tranh phần của tôi, bật cười: “Cẩn thận hóc kẹo”.
“Xùy. Ngày nhỏ một lần tôi có thể ăn được hai viên đấy. Một cái vị đào, một cái vị chanh leo”.
“Ăn như thế vị giác có kịp cảm nhận không?”.
“Có chứ, trong miệng toàn là ngọt với chua, ăn cũng lạ lắm”.
Anh ta gật đầu, khóe mắt cong cong một ý cười, sau đó không hiểu anh ta biến từ đâu ra mấy viên ô mai muối, đưa cho tôi: “Cái này cũng có hai vị, vị đầu là mặn, vị thứ hai là chua”.
Tôi tròn mắt nhìn ô mai trên tay Đặng Khải Thành rồi lại nhìn anh ta: “Anh lấy ở đâu ra vậy?”.
Đặng Khải Thành chỉ bà cụ còng lưng đang gánh hai chiếc thúng lên dốc, đáp: “Mua của bà cụ đó”.
“À…”. Ở trên dốc, hễ gặp khách du lịch là bà cụ sẽ dừng lại, đặt quang gánh xuống rồi mời người mua, nhưng món ô mai này có lẽ rất kén người ăn, bốn, năm người được mời đều lắc đầu, bà cụ không bận lòng, vẫn móm mém cười rồi lại gánh hàng đi.
Tôi im lặng một hồi mới hỏi Đặng Khải Thành: “Có chua không?”.
“Ngâm từ mơ xanh nên chua lắm. Em ngậm từ từ, muối tan ra sẽ làm giảm vị chua”.
Tôi gật đầu, cầm lấy túi ô mai trên tay anh ta rồi nói hai chữ: “Cảm ơn”.
Vừa nói đến đây thì có tiếng Dương Quang í ới gọi bọn tôi ở đầu con dốc, anh ta bảo đã thuê được xe máy rồi. Tôi và Đặng Khải Thành đi lên, hỏi ra mới biết trên này không có xe điện, muốn đến quán cafe kia thì chỉ có thể quay ra đầu thị trấn lấy xe ô tô, hoặc là thuê xe máy. Mà đi xe máy thì được thoải mái ngắm cảnh hơn nên chúng tôi quyết định thuê hai xe.
Dương Quang vỗ vai tôi: “Chân Ý, em ngồi với anh hay với sếp?”.
“Em ngồi với ai cũng được mà”.
Nói thì nói vậy nhưng xe đi đường đèo núi là loại xe tay côn, cửa hàng này chỉ còn hai chiếc xe winner đời cũ ơi là cũ, ngồi phía sau có khi phải ôm eo người đằng trước. Tôi lại không quen ôm Dương Quang, nên lại bảo: “Nhưng mà anh lấy xe ra rồi thì anh đi trước đi, em còn đội mũ nữa, để em đi với anh Thành sau cũng được”.
“Ừ, thế cũng được”. Dương Quang tủm tỉm nhìn tôi, lại quay sang liếc Đặng Khải Thành đang kiểm tra phanh xe đằng sau: “Sếp ơi, Chân Ý ngồi ở xe sếp nhé. Xe em kiểm tra xong rồi, em đi một vòng cho quen xe đã nhé”.
Đặng Khải Thành chỉ ngẩng lên nhìn anh ta rồi lại gật đầu, không đáp. Dương Quang nhìn cứ lẩm bẩm nói: “Sao nãy giờ anh nói gì sếp cũng không trả lời nhỉ? Chỉ có im lặng rồi gật. Hay ban nãy sếp ăn cháo ấu tẩu nóng nên bị bỏng lưỡi, khó nói nhỉ?”.
Tôi biết lý do tại sao Đặng Khải Thành không mở miệng, trong lòng ôm một bụng buồn cười nhưng lại không nói nói thật với Dương Quang chuyện cục trưởng của anh ta đang bận ngậm kẹo, chỉ bảo: “Chắc là thế đấy. Anh đi trước đi. Để em mua cho anh ấy chai nước mát đã”.
“Ừ. Nhờ em chăm sóc sếp hộ anh nhé. Anh phải đi thử xe một vòng đây. Lâu rồi không đi xe côn, sợ quên mất cách đi rồi”
“Vâng, anh đi đi”.
Dương Quang đi không lâu thì Đặng Khải Thành cũng kiểm tra xe xong, anh ta dắt xe đến, đưa cho tôi một cái mũ bảo hiểm vừa to vừa nặng, giống như nồi cơm điện: “Em đội cái này vào”.
Tôi gật đầu, đội lên rồi cài quai. Đặng Khải Thành lẳng lặng quan sát xong mới đội mũ của mình. Anh ta cũng đội mũ bảo hiểm y như tôi, nhưng chẳng biết sao trong chẳng hề buồn cười chút nào, ngược lại, khi kết hợp với bộ đồ đen trên người anh ta, lại mang dáng vẻ hơi tùy hứng phong trần, phảng phất giống như người trước mắt tôi là một Đặng Khải Thành ở Hồng Hưng năm xưa vậy.
“Có cần tôi đỡ em lên xe không?”. Anh ta thấy tôi cứ ngẩn ra mãi, không lên xe mới hỏi.
Tôi vội vã lắc đầu, hai má nóng bừng: “Không cần. Chân tôi cũng dài lắm đấy”.
Anh ta cười: “Ba mét bẻ đôi hả?”.
Tôi bĩu môi, cũng nói đùa: “Tôi cao hơn nhiều so với ngày xưa rồi. Năm ngoái đi bảo vệ luận án tiến sĩ, mấy giám khảo người Châu Âu còn hỏi tôi là người nước nào đấy. Tôi bảo tôi là người Việt Nam mà họ không tin”.
Đặng Khải Thành đột nhiên hỏi: “Năm đó bảo vệ luận án được bao nhiêu điểm”
“8/10 điểm. Đứng nói từ 9 giờ sáng đến tận 11 giờ trưa, hết thời gian lâu rồi nhưng giám khảo cứ hỏi tôi hết câu này đến câu khác, nói đến khô cả nước bọt. Tôi tưởng bị đánh trượt rồi, ai ngờ lúc công bố kết quả bỏ phiếu kín, tôi được 8/10 phiếu. Một giám khảo nói với tôi, sau này nếu có cơ hội, ông ấy sẽ thử áp dụng đề tài của tôi vào thực tiễn kinh doanh”.
Ở nước ngoài, bảo vệ luận án tiến sĩ mà được số phiếu như vậy là rất vẻ vang, tôi cứ ngỡ Đặng Khải Thành sẽ khen tôi, nhưng cuối cùng anh ta chỉ nói một câu: “Để làm được đề tài đó em phải chuẩn bị bao nhiêu lâu?”
Tôi vừa trèo lên xe, nghe thấy vậy động tác mới chợt khựng lại. Từ trước đến nay chưa từng hỏi tôi đã phải chuẩn bị bao nhiêu lâu mới xong được đề tài đó, mọi người chỉ quan tâm đến việc kết quả bảo vệ luận án của tôi ra sao, chưa từng để ý đến quá trình.
Ngay cả Đăng Nguyên cũng chỉ khen tôi một câu rằng: Tiến sĩ kinh tế học Chân Ý, em là giỏi nhất.
Anh ấy có lòng tốt, nhưng lại không biết tôi phải vất vả thức bao nhiêu đêm mới có thể hoàn thành xong đề tài ấy và tự tin phát biểu trước hội đồng chấm điểm luận văn. Thế mà Đặng Khải Thành ở Việt Nam 10 năm, cũng là 10 năm không gặp tôi, lại có thể hỏi một câu chạm được vào đáy lòng tôi như thế.
Tôi nghĩ thực ra anh ta vốn không quan tâm đến việc tôi chuẩn bị bao lâu, mà là bận lòng đến việc tôi vất vả ra sao mà thôi…
Hiểu ra được chuyện này, lòng tôi bỗng dưng có cảm giác xúc động chưa từng có, tôi ngoảnh mặt quay đi, nói rất khẽ: “Ba năm bốn tháng lẻ mười sáu ngày”.
Đặng Khải Thành nổ máy xe, sau đó từ từ lao xuống dốc. Hình như anh ta rất có kinh nghiệm đi loại xe này nên không hề bị giật giống như Dương Quang ban nãy, ngược lại, xe cứ chầm chậm lăn bánh trên đường, gió thổi vi vu bên tai chúng tôi, từng làn cây cối và những cung đường ngoằn ngoèo trên núi từ từ tràn vào trong đáy mắt.
Dưới ánh mặt trời, tất cả xanh tươi và đẹp đẽ giống như một bức tranh đang dần dần được vẽ ra, đẹp đến mức người ta có cảm giác không chân thực. Khi chúng tôi xuống đến chân dốc rồi, người đàn ông phía trước mới nói với tôi một câu, lời ít ý nhiều:
“Đúng là em khác nhiều so với ngày xưa rồi”.
Trên mặt đường có vài ổ gà xóc nảy, tay tôi nãy giờ nắm chặt bên hông cũng cảm thấy không được cân bằng. Sợ bị rơi xuống, tôi đành dè dặt bấu mấy ngón tay vào áo ngoài của Đặng Khải Thành, rất lâu sau mới đáp:
“Anh cũng vậy”.
“Chân Ý, tôi chỉ già đi thôi”.
“Ừ, già lắm”. Tôi ngẩng đầu, hít vào một hơi thật sâu rồi nói một câu vô cùng dối lòng: “Hơn tôi tận 10 tuổi, sức khỏe chắc chắn yếu hơn tôi. Đợi đến 10 năm nữa anh già hơn nhiều rồi, tôi với anh kiếm chỗ nào đó rộng rãi đánh với nhau một trận nhé. Lúc đó kiểu gì tôi sẽ thắng anh”.
“10 năm nữa à?”. Đặng Khải Thành hỏi: “10 năm có dài không?”.
“Không dài đâu, qua 10 mùa xuân là đến”. Tôi rút một tay về, lần mò lấy trong ba lô ra một chiếc bùa bình an, sau đó lại nhét vào túi áo của Đặng Khải Thành: “Tết mấy năm trước tôi đi núi Đại Mao Sơn, bị một ông già lừa bán cho bốn cái bùa bình an giá hơn 500 đô la Hồng Kông. Tôi đem đi chia hết rồi, còn mỗi cái này cho anh đấy”.
Tôi cười cười, nhìn thẳng vào mắt người đàn ông kia trong gương chiếu hậu: “Công việc của anh suốt ngày phải tiếp xúc với mấy tên tội phạm, đeo bùa bình an cũng tốt. Bùa rởm nên chắc thời gian linh nghiệm không lâu đâu, 10 năm thôi, anh giữ nó trong người, 10 năm nữa còn đánh một trận phân cao thấp với tôi”.

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (17 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN