Không Thể Động Lòng
Phần 37
Tôi cứ ngồi đần ra trong nhà vệ sinh hơn nửa tiếng, nghĩ đến tất cả mọi chuyện, nghĩ đến Đặng Khải Thành, nghĩ về cha mẹ tôi, nghĩ đến cả con chúng tôi, nghĩ tới mức đầu óc rối ren không đứng lên được.
Mãi sau, khi nghe tiếng chị Hoa gõ cửa gọi bên ngoài, tôi mới giật mình:
“Chân Ý ơi, xuống ăn cơm đi”.
“Vâng”.
Tôi luống cuống nhét que thử thai vào thùng rác, rửa lại mặt mũi cho tỉnh táo lại rồi mới đi ra. Chẳng biết có phải vì bầu hay vì lo lắng mà mặt tôi xanh rợt ra hay không, chị Hoa vừa nhìn thấy đã nói:
“Sao mặt mũi bơ phờ thế? Cháu ốm à?”.
“Không ạ, hôm nay đi về gặp mưa lạnh quá nên em hơi khó chịu
“Chế.t”. Chị Hoa xuýt xoa một tiếng: “Có mệt lắm không? Hay là chị nấu cho em bát cháo nóng để ăn cho ấm người lên nhé?”.
“Không cần đâu ạ, em đỡ rồi, ăn bát cơm xong là bình thường ngay ấy mà”.
“Thế ngồi đi, ngồi ăn bát cơm cho tỉnh táo, xong rồi lên mà đi ngủ sớm chứ không chị thấy mày mệt lắm”.
“Vâng”.
Trong bữa cơm, chị Hoa cứ gắp cho tôi cái này cái kia, nhưng tôi mệt, nhất là nhìn thấy thịt thì cổ họng đã lợm lên, muốn nôn mà không nôn được. Mặt tôi càng lúc càng tái, chị Hoa sợ nên hỏi có cần gọi cho Thành không, tôi lắc đầu bảo không, chị ấy lại thở dài:
“Hai đứa giận nhau à?”.
“Không, bọn em có giận nhau đâu. Vẫn bình thường mà”.
“Sao bình thường cứ tối nào cũng gọi điện, mà mấy hôm nay lại không thấy Thành gọi về cho em”.
Nhắc mới nhớ, 3, 4 hôm nay Đặng Khải Thành nói các quốc gia ký hiệp ước đang thảo luận về các vấn đề phòng chống m.a t.úy để đi đến ký kết, cho nên rất bận. Anh không có thời gian để gọi điện nên chỉ nhắn tin, cũng không nhắn nhiều, chỉ hỏi thăm tôi vài câu.
Tôi nghĩ công việc của anh là thế, không làm phiền, nhưng chắc do bầu bì nên nhạy cảm, tự nhiên cũng thấy chạnh lòng.
Tôi bảo: “Anh ấy bận nên bọn em chỉ nhắn tin thôi ạ”.
“Hay là từ hôm bữa cái cô em gái kia đến, rồi hai đứa cãi cọ nhau chuyện đó à? Chị đã bảo rồi, chuyện quá khứ cũng chỉ là quá khứ thôi, dù sao cô gái kia cũng mất rồi, em gái có giống mấy đi nữa thì Thành cũng không để ý đến đâu. Bây giờ cậu ấy ở bên cạnh em rồi mà”
Tôi ngại ngùng cười: “Vâng, em biết mà. Em cũng có nói lại với anh Thành chuyện bạn kia đến tìm rồi. Anh ấy bảo đợi xong việc thì sẽ gặp bạn đó để nói chuyện sau”.
“Ừ, làm gì thì làm, hai đứa ở chung nhà, cứ thẳng thắn với nhau là tốt nhất. Có gì còn tìm cách giải quyết. Chứ cứ im im rồi cãi vã, rạn nứt là thiệt mình đấy. Đừng có dại như thế. Xã hội bây giờ tìm được người tử tế như Thành không phải dễ đâu, phải giữ cho chắc”.
“Vâng ạ, em phải giữ chắc chứ. Khó lắm mới tìm được một anh chịu hốt em mà”.
Chị Hoa cũng cười:
“Lần này Thành đi công tác được 10 ngày chưa em nhỉ? Chị thấy cũng lâu lâu rồi. Trước nay có bao giờ cậu ấy để em ở nhà một mình lâu như thế đâu”.
“Hôm nay là 8 ngày rồi ạ”.
“Có Thành ở nhà thì còn đỡ buồn, một mình em về lủi thủi ở nhà, đêm ngủ một mình cũng buồn chứ. Thôi, đợt này Thành về thì hai đứa nhanh nhanh đẻ lấy thằng cu cho vui cửa vui nhà đi, lúc ấy chị bế cho”.
Đậu Đũa đang nhai cơm, nghe thế cũng thích thú reo lên:
“Yeah, chị Chân Ý mau mau đẻ em bé đi để được bế em bé của chị Chân Ý”.
Tôi phì cười, bất giác đặt tay lên bụng cũng nghĩ đến rất nhiều chuyện xa xôi.
Ăn cơm xong, tôi về nhà lại đi nôn một chập rồi mới trèo lên giường, nằm trên đó lẩm nhẩm tính ngày mới biết hóa ra chúng tôi đã từ hẻm núi về gần một tháng rồi, sau khi từ đó về được một tuần thì tôi đến thăm ba. Hôm nay là ngày mùng 4 âm, vừa vặn sau 25 ngày sinh nhật tôi.
Nếu thế thì em bé bây giờ được gần 6 tuần rồi nhỉ?
Thời gian này tôi chạy đôn chạy đáo đến bệnh viện rồi lại trại giam, còn lo tu sửa Hồng Ý, lại cũng uống thuốc tránh thai hàng ngày, không biết em bé có bị ảnh hưởng gì không. Còn cả Đặng Khải Thành nữa, chẳng biết khi anh nghe tin tôi có thai thì sẽ có cảm giác thế nào. Sẽ vui mừng chứ? Hay là sẽ nói bây giờ anh là cục trưởng của một cục cảnh sát, thân phận đặc biệt, anh không thể có con với một người có nhân thân như tôi được, bảo tôi hãy bỏ đứa nhỏ trong bụng đi.
Rồi mẹ tôi mà biết tôi mang thai con của kẻ thù chắc sẽ phát đ.iên lên cho mà xem!
Tôi lặng lẽ thở dài một tiếng, ngẫm đi ngẫm lại cũng chẳng biết phải nên làm thế nào mới phải, dù sao con cũng có một phần máu mủ của Đặng Khải Thành nên tôi vẫn quyết định sẽ nói cho anh biết. Thế nhưng chờ đến 10h đêm thì Đặng Khải Thành chỉ nhắn cho tôi một tin:
“Bây giờ anh vẫn còn họp chưa xong. Em cứ ngủ trước đi nhé, đợi thông qua dự thảo hiệp định, có thời gian rảnh hơn anh sẽ gọi cho em”.
Thấy anh bận như vậy, tôi không nỡ làm phiền, vả lại cũng cảm thấy bây giờ không thích hợp để nói chuyện quan trọng như vậy nên chỉ nhắn “Vâng” một tiếng rồi bảo anh có bận mấy thì cũng phải ăn cơm.
Đặng Khải Thành nhắn lại: “Anh biết rồi”.
Tôi định đặt điện thoại xuống, lại thấy có một tin nhắn khác gửi tới: “Anh rất nhớ em”.
Tôi mỉm cười, tay gõ lạch cạch một tin: “Em cũng vậy. Ông xã, mau mau xong việc để về nhà nhé. Em có một bí mật muốn kể cho anh biết”.
Đặng Khải Thành đáp: “Được”.
Cả đêm hôm ấy tôi ngủ rất chập chờn, sáng hôm sau thì bắt đầu có triệu chứng nghén, người uể oải mệt mỏi giống như không phải người của tôi vậy. Tôi không muốn dậy, nhưng nghĩ đến việc hôm nay bố tôi được chuyển ra phòng bệnh bình thường, tôi và mẹ có thể được vào thăm ông nên tôi vẫn phải bò dậy, rửa mặt thay đồ xong mới lái xe đến bệnh viện.
Ở trong bãi đỗ xe, tình cờ tôi lại gặp Dương Quang tay xách nách một chiếc cạp lồng ra về. Thấy tôi, anh ta gọi:
“Chân Ý, đi đâu thế?”.
“Em đến thăm bố”. Tôi cười: “Bố em đang làm hóa trị ở đây mà. Anh đến thăm ai mà mang cả cạp lồng thế?”.
“À… người quen của anh nằm đây, không có ai chăm nên anh mua cháo đến. Bố em đã đỡ chưa?”.
“Cũng tạm ổn rồi ạ. Bác sĩ nói lần hóa trị này kết quả tốt hơn lần trước, nếu xét nghiệm lại mà không tìm thấy tế bào u.ng thư nữa thì sau này 3 tháng mới phải đi kiểm tra lại một lần”.
“Chi phí làm hóa trị tốn kém lắm phải không?”.
“Em vẫn lo được mà”.
Dương Quang gật đầu: “Cố gắng nhé, dạo này chắc lo nhiều việc hay sao mà thấy em xanh quá. Còn xanh hơn cả hồi mới từ thôn Trường An về ấy. Hay là tại thiếu hơi sếp anh đấy?”.
“Còn lâu em mới nói cho anh biết”. Tôi nói nửa đùa nửa thật: “Chuyên án về Long chín cựa có thông tin gì mới chưa anh?”.
“Chưa có thêm tin gì mới cả. Nhưng tổng cục trưởng mới nhậm chức chỉ đạo vụ này gắt lắm, chắc sắp tới bọn anh lại phải lùng sục khắp thành phố một chuyến nữa”.
“Trong thành phố mình ấy ạ?”.
“Ừ. Bọn anh tra cuộc gọi, thấy lúc ở trên thôn Trường An, Long chín cựa có liên lạc qua facebook với một nick ảo, lịch sử tin nhắn thì toàn ám hiệu chỉ bọn chúng mới biết, mà nick ảo đó cũng không có thông tin cá nhân gì cả, không tra ra được là ai. Nhưng kiểm tra IP đăng nhập thì phát hiện ra nick đó dùng IP máy tính của một cửa tiệm internet trong thành phố”.
“Có nghĩa là kẻ dùng nick ảo đó vẫn đang ở thành phố này hả anh?”.
“Ừ, khả năng cao là thế đó. Nhưng tiệm internet đó bị cháy mất thẻ nhớ camera, không lưu được video nên bọn anh vẫn không tìm được là ai. À đúng rồi, tiệm internet đó ở gần Hồng Ý của em đấy”.
10 năm rồi tôi không ở trong nước, cũng không để ý đến gần Hồng Ý có tiệm internet nào, chỉ biết thế rồi thôi: “Vâng. Bây giờ các anh không có đầu mối thì biết tìm thế nào?”.
“Đi dò camera trong khu vực đó rồi lọc từng đối tượng khả nghi thôi. Khu đó sầm uất, một ngày có cả trăm nghìn người đi lại, dò được đúng là như mò kim đáy bể”. Dương Quang thở dài ngao ngán: “Nhưng đích thân tổng cục trưởng chỉ đạo là phải làm thôi. Nếu có anh Thành ở nhà thì tốt rồi, anh ấy sẽ có nhiều cách khác hay hơn”.
Tôi cười cười: “À đúng rồi, mấy hôm trước em xem thời sự, thấy có tổng cục trưởng từ miền nam mới về nhậm chức hả anh?”.
“Ừ, trước là phó tổng cục trưởng trong nam, giờ ra đây làm tổng cục trưởng. Người miền nam, nhưng lại có đứa con gái nói giọng Bắc chứ”.
“Thế ạ?”.
“Ừ, nhưng nghe nói hình như tổng cục trưởng không có con, đứa con gái đó là nhận nuôi thôi, chắc ít hơn em mấy tuổi. Mấy lần theo bố đến cục cứ chạy qua phòng anh Thành suốt đấy, còn hỏi bọn anh là anh Thành có vợ chưa. Anh thấy có khi là kết anh Thành lắm rồi đấy”. Dương Quang tủm tỉm bảo tôi: “Sếp nhà anh sát gái lắm, em phải giữ cho chắc đấy. Nhanh nhanh úp sọt anh ấy đi”.
Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản con gái Tổng cục trưởng có lẽ cũng giống như những cô gái khác thích Đặng Khải Thành thôi, tôi không bận tâm nhiều, chỉ cười: “Em đang chờ thời cơ. Anh cứ đợi đấy, em sẽ thông báo tin úp sọt vào ngày gần nhất”.
“Ừ, anh đợi đấy”.
Nói chuyện với Dương Quang một lúc, tôi mới vào khoa đón mẹ, sau đó lại đưa bà sang bệnh viện ba tôi đang nằm,
Ba tôi làm xạ trị xong từ đêm qua, đã được chuyển xuống khu biệt lập chỉ dành cho phạm nhân nằm viện, nhưng sức khỏe ông còn rất yếu, lại không thể tự đi vệ sinh cá nhân được nên mấy người công an mới cho hai mẹ con tôi vào để chăm sóc ba.
Sau khi kiểm tra đồ dùng và khám xét người hai lượt, tôi với mẹ mới được đi vào bên trong. Ba tôi bị còng một chân vào thành giường, yếu ớt hom hem, tóc bạc trắng, người gầy như que củi khô nằm trên giường. Mẹ tôi đau lòng nên vội vàng bỏ đồ xuống chạy lại, ôm lấy ông:
“Ông ơi, ông có mệt lắm không? Từ tối qua đến giờ đã ăn được gì chưa?”
Ba tôi he hé mắt, thấy mẹ tôi thì ngẩn ra vài giây: “Bà đến đấy à?”.
“Ừ, tôi đến thăm ông đây. Cả Chân Ý nữa, hai mẹ con tôi vào thăm ông. Có mua nhiều đồ ăn ngon cho ông lắm. Ông có ngồi dậy được không? Tôi đút cho ông ăn nhé?”.
“Chân Ý đâu rồi?”
Tôi đang đứng ngay ở cửa, nghe vậy mới vội vàng chạy lại nắm bàn tay gầy guộc đầy vết kim truyền của ba, nói: “Ba ơi, con ở đây. Chân Ý ở đây”.
“Chân Ý, cái con bé này, ba đã bảo trời lạnh lắm, đừng có đứng ở trước cổng trại giam nữa rồi mà”.
Hình như đầu óc của ba tôi chưa được tỉnh táo, ông vẫn ngỡ nơi này là trại giam nên cứ luôn miệng bảo tôi là đồ ngốc, ba nói ở trong đó không sao, không có ai bắt nạt được nên tôi không cần phải đứng dưới trời mưa phùn suốt mấy tiếng chỉ để đợi nhìn ông về.
Tôi cố đè nén nước mắt, gật gật đầu: “Vâng, con nhớ rồi. Sau này con sẽ không đứng ở cổng trại giam chờ ba nữa. Con sẽ nghe lời ba, hàng tháng chỉ đến thăm ba một lần, đăng ký gặp rồi vào thăm”.
“Chân Ý ngoan”. Ba tôi nắm lấy tay tôi, vành mắt đỏ hoe: “Sau này con cũng đừng gặp lại thằng Thành nữa, cũng không cần cầu xin nó cho ba. Năm đó ba sai người g.iế.t cả nhà nó, nó chỉ hận không thể g.iế.t lại cả nhà mình, con có cầu xin thế nào thì nó cũng không buông tha cho ba đâu. Cho nên nếu có thể tránh được thì phải tránh thật xa vào, nhớ không Chân Ý?”
Tôi rất đau lòng, nhưng lúc này không thể vạch rõ đúng sai chuyện gia đình tôi và Đặng Khải Thành, cuối cùng chỉ có thể đáp: “Vâng, con biết rồi. Con nhớ rồi”.
Ba tôi quay đầu đi nơi khác, lẩm bẩm một câu: “Nếu biết có ngày con gái ba phải đến cầu xin nó như vậy, chắc chắn lúc đó ba sẽ ra đầu thú, ba sẽ không g.iế.t hại cả gia đình nó”.
Nước mắt tôi rút cuộc cũng không nhịn được, lăn xuống như mưa: “Ba ơi, con không sao mà. Bây giờ con sống tốt lắm. Ba xem, Chân Ý của ba lớn bằng chừng này, vẫn khỏe mạnh vui vẻ đấy thôi”.
Mẹ tôi cũng nói: “Đúng rồi. Ông xem, con vẫn sống tốt đấy thôi. Ông đừng khóc nữa, mới làm xạ trị xong, phải vui vẻ thì mới nhanh khỏe mạnh được chứ?”. Mẹ tôi sụt sịt lau nước mắt, lại mở túi đồ ăn thơm nức ra: “Tôi mang đồ ăn ngon cho ông đây. Ông phải ăn nhiều vào cho có sức đấy”.
Mẹ tôi thuyết phục mãi, rút cuộc ba tôi mới nín khóc rồi ngồi dậy ăn. Khi nếm món đầu tiên, ông lại khóc, mẹ tôi hỏi tại sao, ba mới mếu máo nói:
“Lâu rồi mới được ăn cơm bà nấu”. Ông lấy tay quệt nước mắt, giọng lạc hẳn đi: “Mùi vị vẫn như xưa. Ngon lắm”.
Mẹ tôi rõ ràng là cười nhưng nước mắt cứ chảy xuôi theo gò má: “Sáng sớm nay tôi dậy mượn bếp ăn rồi nấu đấy. Cứ sợ tay nghề không được như xưa”. Mẹ gắp vào bát bố một miếng sườn chua ngọt vẫn còn nóng hổi: “Ngon thì ông ăn nhiều vào. Ăn hết ngày mai tôi lại mang vào cho ông”.
“Không cần nấu nhiều thế đâu, tốn kém lắm. Tôi ăn một bữa ngon là được rồi. Bà để dành tiền, sau này còn cho Chân Ý lấy chồng”.
Tôi đáp: “Ba, con có tiền lấy chồng rồi. Ba cứ ăn nhiều vào, không cần phải lo cho con”.
“Thế sao được. Ba mẹ phải có của hồi môn chứ?”
“Ba, ba quên rồi à? Của hồi môn ba cho con từ năm 18 tuổi rồi. Là Hồng Ý đấy thôi”.
Ba tôi mất một lúc lâu mới chợt nhớ ra Hồng Ý là thứ gì, ngây ngô gật đầu: “À phải rồi. Còn Hồng Ý nữa”.
Mẹ tôi nói: “Ông ăn đi”.
Có lẽ lâu rồi mới được ăn ngon nên ba tôi ăn rất nhiều, cũng không còn dáng vẻ ung dung từ tốn như trước nữa, ở trại giam 10 năm ba tôi đã học được cách ăn rất nhanh, thậm chí là ăn vội ăn vàng. Miếng này chưa hết lại bỏ vào miệng thêm miếng khác, thậm chí khi đĩa rau sắp hết, ông còn cuống quít trút hết vào bát của mình, miệng nhồm nhoàm nói:
“Cái này là của tôi”.
Tôi lẳng lặng quay đi, lấy tay quệt nước mắt.
Nhìn bố tôi từng một thời oai phong hô mưa gọi gió, giờ biến thành một ông già vừa ốm yếu vừa lẩn thẩn, thậm chí còn có chút hèn mọn của phạm nhân, tôi đau như xé gan xé ruột. Trái tim nặng nề muốn khóc to một trận, nhưng lại sợ ba mẹ nhìn thấy càng thêm đau lòng nên chỉ đứng nhìn cửa sổ một lát rồi lặng lẽ quay ra ngoài.
Tôi đến tìm bác sĩ. Khi tôi hỏi về việc hồi phục, bác sĩ chỉ lắc đầu:
“Bố của cô tuổi cao rồi, lại phải làm xạ trị mấy lần nên sức khỏe yếu, tinh thần không minh mẫn nữa. Giờ cứ tẩm bổ và chăm sóc ông cho tốt, hy vọng mọi thứ sẽ tiến triển tốt hơn”.
Tôi biết bác sĩ chỉ động viên thế thôi, chứ một người già cả phải sống trong trại giam, lại bị u.ng thư như vậy rất khó để có được sức khỏe lại như trước. Nhưng tôi vẫn cố chấp hỏi:
“Có loại thuốc nào tốt nhất không bác sĩ? Thuốc bổ cho bệnh nhân ung th.ư ấy ạ. Cháu muốn mua cho bố cháu”
“Có đấy, nhưng thuốc chỉ là hỗ trợ một phần nhỏ thôi, cái quan trọng là ông ở trong trại giam nên tinh thần không được thoải mái, vả lại điều kiện sống ở trong đó cũng không thể bằng ở ngoài, cho nên cũng không nên hy vọng quá”.
“Vâng, cháu biết ạ”. Ngừng một lát, tôi lại nói: “Nếu như lần này xạ trị xong, các tế bào ung t.hư đã hết rồi, thời gian sống tiếp của ba cháu có được lâu không hả bác sĩ?”.
“Cũng tùy người. Nếu chăm sóc tốt và uống thuốc đều đặn thì tuổi thọ có thể kéo dài trên 10 năm, còn nếu không có điều kiện để sống cuộc sống tốt nhất, thanh thản nhất khó nói lắm. Nói chung tất cả đều là do hoàn cảnh”.
“Vâng”
“Tôi sẽ kê cho cô một đơn thuốc, cô ra ngoài mua nhé”.
“Cảm ơn bác sĩ ạ”.
Rời khỏi phòng bác sĩ, tôi cứ thất thần đi trên hành lang. Lúc trước cuộc sống bình yên thì không có cảm giác cha mẹ sẽ rời xa tôi, bây giờ nghe ba chữ “Khó nói lắm” của bác sĩ mới đột nhiên nhận ra người thân già đi nhanh đến thế, nhanh đến nỗi bất cứ lúc nào cũng có thể bỏ mình mà đi.
Sinh mệnh mong manh, không ai nói trước được. Nhưng ba mẹ tôi mới chỉ mới ốm thế này mà tôi đã đau lòng tưởng như có thể c.hế.t, năm ấy một mình Đặng Khải Thành đã gánh nỗi đau cùng lúc mất cha mẹ ra sao?
Tôi không tưởng tượng được!
Mua xong một đống thuốc, kiểm tra tài khoản mới thấy tôi cũng chẳng còn bao nhiêu tiền, thời gian qua gom được bao nhiêu tôi đổ vào việc tu sửa Hồng Ý và trả tiền viện phí hết, sắp tiêu hết cả tiền rồi mà vẫn còn bao việc phải lo.
Tôi thở dài một tiếng, lại lấy điện thoại ra nhìn cũng vẫn không thấy cuộc gọi và tin nhắn nào của Đặng Khải Thành. Cũng không có tâm trạng gọi điện cho anh nên đành quay về phòng bệnh của ba, cả ngày hôm ấy tôi không đến Hồng Ý mà chỉ ở lì bệnh viện chăm sóc ba, mãi đến khi công an đuổi thì hai mẹ con mới ra về.
Lúc trên xe, mẹ tôi nói: “Chắc từ từ rồi ông ấy sẽ khỏe lại thôi nhỉ? Mới vừa tỉnh nên không minh mẫn mà”.
Tôi gật đầu, nhìn mái tóc cũng đã điểm rất nhiều sợi bạc của mẹ, trái tim cũng trĩu xuống: “Mẹ có mệt không? Tối nay con ngủ lại với mẹ nhé?”.
“Không cần đâu, ở bệnh viện có điều dưỡng, chăm sóc tốt lắm, tối đến còn có mấy bà bạn phòng bên nói chuyện nữa. Đợi đến khi nào con xây xong nhà, mẹ chuyển về đó rồi hãy đến ngủ”.
“Vâng”
“Chân Ý này”.
Tôi dừng tại một ngã tư đèn đỏ, đáp: “Vâng”.
“Sao dạo này nhìn con gầy thế? Gầy xanh hơn hôm trước bao nhiêu”.
“Từ đợt ngã xuống núi, bị thương nên mất m.áu nhiều mà. Chắc phải một thời gian nữa con mới béo lại được”.
“Ừ, về ăn nhiều vào cho khỏe”.
“Vâng, con biết rồi”.
Tối hôm ấy về nhà, Đặng Khải Thành bận nên không gọi video cho tôi, tôi biết công việc của anh đang vào giai đoạn cao điểm, cũng không làm phiền, tự giác đi ngủ sớm. Ngày hôm sau lại tay xách nách mang đồ đạc đến bệnh viện thăm ba.
Buổi trưa ở trong phòng hết nước lọc, tôi lững thững ra căn tin đi mua. Lúc quay trở về đi ngang qua khu siêu âm mới thấy có mấy người phụ nữ bụng lùm lùm từ trong phòng đi ra, có người thì mặt mày rạng rỡ, có người thì vừa đến cửa đã khóc tu tu. Tôi nghe loáng thoáng gì mà em bé bị độ mờ da gáy cao, có nguy cơ bị Down gì đó, người chồng đứng bên cạnh thì vò đầu bứt tóc, nói con đầu lòng mà bị Down thì phải làm sao.
Tự nhiên tôi cũng chột dạ, trong lúc bao nhiêu chuyện ập đến thế này cũng không có tâm trạng siêu âm, nhưng lại nghĩ tới gần đây tôi uống nhiều thuốc tránh thai, sợ ảnh hưởng đến em bé nên đi qua rồi vẫn quyết định quay trở lại, đóng tiền rồi vào siêu âm.
Bác sĩ kiểm tra xong thì kết luận em bé của chúng tôi đã được hơn sáu tuần, chưa phát hiện bất thường, đã có tim thai, hẹn hai tuần nữa quay trở lại.
Tôi lau sạch gel siêu âm trên bụng, nhỏ giọng hỏi: “Thời gian qua cháu uống rất nhiều thuốc tránh thai hàng ngày, có ảnh hưởng đến em bé không hả bác sĩ?”.
“Cô uống tránh thai mà vẫn có em bé à?”.
“Vâng ạ”.
“Thế thì em bé này cũng siêu phết đấy, làm mọi cách để đến với bố mẹ. Kiên cường như thế chắc sẽ không có vấn đề gì đâu, nhưng cứ qua 12 tuần thì làm xét nghiệm NIPT đi cho yên tâm”.
“Xét nghiệm NIPT là gì hả bác sĩ?”.
“Là phương pháp xác định nguy cơ em bé có bị bất thường di truyền hay không. Còn những thứ khác thì cứ đến mốc siêu âm từng tuần đến đây, tôi sẽ kiểm tra kỹ cho cô”.
“Vâng ạ”.
Nhận kết quả siêu âm xong, tôi đi ra ngoài mà cứ nhìn em bé trong hình mãi, ở đó chỉ là một chấm nhỏ màu đen, chắc là bé tý bằng hạt đậu, nhưng đó là một sinh mạng mang dòng máu của Đặng Khải Thành và tôi. Đứa con giữa con gái của kẻ thù và một người ôm hận đủ 20 năm, là đứa trẻ mà mẹ tôi sẽ gọi là “Đồ khố.n kiếp ăn cháo đá bát”.
Một em bé xuất hiện khi chẳng có ai chào đón, một em bé là kết tinh giữa hận và đau thương, nhưng bác sĩ bảo con của tôi rất kiên cường, tôi cũng cảm thấy vậy.
Tôi vuốt ve chấm nhỏ trên giấy một lúc, sau đó mới gập giấy siêu âm lại, định nhét vào trong túi, nhưng lúc này có một người đàn ông đi ngang qua đụng vào tôi, vô tình làm rơi mất tờ giấy. Tôi cúi xuống nhặt lên thì vừa vặn có một đôi giày cao gót đi qua, nhưng khi đó tôi không để ý lắm, chỉ nghe người đàn ông kia rối rít nói xin lỗi.
Tôi cười bảo: “Không sao đâu ạ”.
Người kia thấy dòng kết luận siêu âm thai sáu tuần nên lo cuống cả lên: “Tôi xin lỗi cô, cô đang bầu bì như thế mà vô ý quá, đụng phải cô. Hay là cô vào kiểm tra lại lần nữa xem có sao không, cho tôi yên tâm”.
“Không sao. Anh đừng lo, chỉ đụng nhẹ một cái ấy mà”. Nói xong, tôi nhét lại tờ giấy siêu âm rồi đi thẳng, quay lại phòng bệnh ngồi kể mấy câu chuyện hồi còn nhỏ cho bố nghe, dỗ bố tôi ăn cơm, sau đó đến tối lại lếch thếch lái xe về.
Lúc ngang qua một con phố gần Hồng Ý, tự nhiên tôi theo phản xạ lại nhìn thử tiệm internet mà Dương Quang nói, lại phát hiện ra nó chỉ là một quán net rất cũ, cũ đến mức hồi tôi mười 18, 19 tuổi thì đã thấy nó rồi, giờ sau bao nhiêu năm, thành phố phát triển vũ bão như vậy mà nó vẫn không bị dẹp bỏ.
Tôi dừng xe lại, rẽ vào tiệm internet giả vờ thuê một máy, nhưng lại lẳng lặng quan sát tất cả những người đang chơi ở đó một lượt, phát hiện ra ở đây có chừng mười mấy đứa trẻ đang chơi game gì đó rất chăm chú, còn có cả một nhóm thanh niên lớn tuổi đang chơi đế chế, reo hò ầm ỏm cả lên.
Có một cậu thanh niên nói: “M.ẹ nó chứ, chơi cái máy này vừa lag vừa chậm rì rì, khó chơi vãi”.
“Đổi máy đi, lấy máy trong góc ấy. Cái máy đó của mày bình thường có ai thèm chơi đâu”.
“Lần trước tao thấy cái lão đeo kính vào ngồi, xong cài cái gì đấy loạn xạ cả lên, tao tưởng là vẫn chơi được nên mới ngồi máy này chứ?”.
“Chịu, chơi được quái đâu. Như hạch. Chậm rì rì”.
Chẳng biết có phải có linh cảm hay không, mà tự nhiên tôi lại chú ý đến ba chữ “lão đeo kính”, sau đó xâu chuỗi lại với chuyện nơi này gần Hồng Ý, trong đầu bỗng bật ra hình ảnh của Đăng Nguyên.
Nhưng làm sao anh ấy lại có liên quan đến Long chín cựa được chứ? Bao nhiêu năm nay anh ấy còn chẳng gặp lại Tư một mí cơ mà. Đăng Nguyên là người kinh doanh, làm sao có thể dính đến mấy thứ ma t.úy vớ vẩn như thế này được?
Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn cảm thấy lòng bất an thế nào đó, cuối cùng lại quyết định để xe ở lại quán internet, sau đó đi bộ đến Hồng Ý.
Mấy hôm nay đơn vị thi công đã bắt đầu dỡ biển ngoài của Hồng Ý, nhân viên cũng đã được cho nghỉ hết, mấy xe vật liệu cũng đã đổ vào bên trong, chuẩn bị cho công cuộc cải tổ Hồng Ý từ một quán Bar thành siêu thị mini.
Giờ ấy, người qua người lại trên phố không còn nhiều, Hồng Ý cũng đã tắt điện tối om, chỉ để lại một bóng tròn vàng, ánh sáng yếu ớt. Tôi đẩy cửa phụ đi vào bên trong, kiểm tra vật liệu một chút rồi men theo hành lang tiếp tục tiến sâu vào.
Qua khu vực quầy bar và sàn nhảy là một dãy nhà chuyên dùng cho nhân viên, có cả một dãy nhà kho. Những nơi này tôi đã đến rất nhiều lần, cũng thuộc làu làu trong đầu rồi, nhưng hôm nay có lẽ vì Hồng Ý không có ai nên tôi có cảm giác không quen thuộc chút nào. Thậm chí càng đi sâu lại càng thấy nền nhà hình như dày lên.
Phải, đúng là dày lên, nhưng không nhiều, chỉ khoảng 5 – 7cm, nếu như tôi không phải chủ của Hồng Ý thì chắc chắn sẽ không phát hiện ra được.
Tôi nghĩ có thể do nhiều năm, nền nhà sụt xuống nên Đăng Nguyên đã tu sửa lại nên mới dày thêm, nhưng đưa tay gõ gõ xuống lại có cảm giác không đúng lắm, giống như nó rỗng vậy.
Tôi khẽ cau mày, cảm giác bất an trong lòng càng lúc càng trào dâng, dâng đến nỗi tim tôi đập thình thịch, lòng vừa hoang mang lại vừa tự trấn an chính mình rằng: “Chắc không phải đâu, không phải đâu mà”.
Tuy nhiên, khi tôi lần mò xoay ngược bức tranh trên tường thì bỗng nhiên nền nhà lại vang lên mấy tiếng rầm rầm rồi tách ra, ở nơi tôi vừa gõ ban nãy hiện ra một cầu thang nhỏ dẫn xuống dưới, bên trong vừa sâu vừa tối, tôi rọi đèn flash xuống cũng không thấy được thứ gì.
Lúc này, cảm xúc của tôi chia thành hai nửa rất mâu thuẫn, một là xuống để kiểm tra xem đó có phải là hầm rượu không, hai là quay về trước, tìm Dương Quang rồi đi tiếp.
Cuối cùng, sau một hồi đắn đo, tôi mới nhắn cho Dương Quang một tin: “Em đang ở Hồng Ý, anh có rảnh thì qua đây”.
Đợi mấy phút không thấy anh ta trả lời lại, tôi bị sự tò mò thôi thúc, cuối cùng nghĩ mình chỉ xuống ngó một cái rồi lên ngay, cho nên mới lần mò đi xuống.
Cầu thang ở đây vừa hẹp vừa tối, tôi rọi đèn flash bước từng bước xuống dưới, đi được khoảng chừng 20 mét thì cũng đến một căn phòng, ở đó có rất nhiều thùng hàng bằng gỗ xếp chồng lên nhau. Tôi rảo bước đến nhanh xem thử, lòng thầm cầu trời khấn phật đó là rượu, nhưng cuối cùng lại chỉ thấy những ống nhỏ chứa chất lỏng màu nâu đỏ giống rượu.
Chất lỏng này tôi đã nhìn thấy một lần, chính là khi bọn Tư một mí ép tôi uống m.a t.úy nước cũng đã lấy ra loại này. Nếu tôi không nhầm, đó chính là m.a t.úy nước được tuồn vào từ Kyrgyzstan, Long chín cựa đã giấu kho hàng ở đây.
Không, phải là Đăng Nguyên giấu nó ở đây mới đúng!
Nghĩ tới đây, tôi vội vàng định ấn số 2 để gọi cho Dương Quang, nhưng giây tiếp theo thì cả căn phòng lập tức sáng bừng. Một bóng người lững thững từ cầu thang đi xuống, vẻ mặt vừa lạnh nhạt, vừa thất bại nhìn tôi:
“Chân Ý, lẽ ra em không nên đến đây”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!