Không Thể Động Lòng
Ngoại truyện 4
Ngày hôm sau, tôi dậy thật sớm, việc đầu tiên là sờ lên mũi Đặng Khải Thành, thấy anh vẫn thở mới yên tâm ra ngoài.
Cứ nghĩ mình đã dậy sớm rồi, nhưng ra đến sân mới thấy bà cụ và Dương Quang còn dậy sớm hơn tôi, hai người đang lúi húi đốt củi để làm than xông hơi cho Đặng Khải Thành. Tôi chào hỏi một vòng lại hỏi ông cụ đâu, bà cụ nói:
“Ông ấy lên núi từ lúc 3h sáng rồi”.
“Sao ông đi sớm thế hả bà? Trời tối, một mình ông leo núi nguy hiểm lắm”.
“Không sao, có đèn pin rồi mà”. Bà cụ cười bảo: “Ông ấy bảo có một số loại thuốc phải hái lúc trời chưa sáng mới tốt, nước nấu thuốc cũng phải đun từ sương sớm trên rừng, nước giếng làng không dùng được. Thế nên cầm đèn pin đi từ sáng rồi”.
Dương Quang lập tức nói: “Sáng mai cháu sẽ dậy sớm đi hái thuốc với ông ạ”.
“Cậu thanh niên này nhìn khỏe mạnh thế đã có vợ chưa?”.
“Cháu chưa ạ”.
“Thế ngày mai lên núi hái thuốc với ông nhà tôi, sau đó ra giếng gánh nước nhé. Giờ có máy bơm rồi, nhưng con gái trong làng vẫn thích con trai gánh nước lắm. Nhìn khỏe mạnh lại siêng năng, giống như Thành ngày trước ấy”.
“Ôi, cháu chỉ chờ mỗi thế thôi đấy. Tuân lệnh bà ạ”.
Chúng tôi ai cũng nặng nề vì chuyện của Đặng Khải Thành, nhưng tất thảy đều ôm một tia hy vọng rằng tình hình của anh sẽ khởi sắc, đau buồn cũng không làm được gì nên chúng tôi vẫn phải kiếm chuyện để cười cười nói nói, phải cố tỏ ra thật vui vẻ để người nằm trong kia có động lực tỉnh lại vì tôi.
Nhưng ngày nào ông bà cụ cũng sắc thuốc, bấm huyệt, rồi chấm cứu gì gì đó mà anh vẫn không có động tĩnh. Suốt một tuần sau cũng không hề tỉnh lại.
Tôi bắt đầu sốt ruột, tôi nghĩ não của Đặng Khải Thành bị tổn thương nên hỏi ông cụ: “Ông ơi, liệu não của anh ấy có bị sao không ông?”.
“Cái này phải tỉnh dậy mới biết được. Nhưng hôm nay tôi thấy mạch của cậu ấy có vẻ khá hơn rồi. Đừng lo lắng quá, giờ này mà mạch vẫn có là tín hiệu đáng mừng đấy”.
“Vâng ạ. Cháu cảm ơn ông”.
“Mà cái tivi này chỉnh thế nào ấy nhỉ? Tôi muốn xem tin gì mà Ukraine đánh nhau với Nga ấy. Hôm qua có nghe nói, nhưng hôm nay không tìm lại được”.
“À… để cháu mở cho ông xem”.
Mở tivi xong, tôi lại chạy xuống bếp nấu nước thuốc với bà cụ. Từ hôm chúng tôi đến giờ nhà ông bà lúc nào cũng thơm lừng mùi thuốc bắc, ban đầu Dương Quang không ngửi được, cứ chạy ra ngoài sân giả vờ tưới rau, nhưng bây giờ hình như anh ta đã bắt đầu quen, cứ chốc chốc lại ló đầu vào bảo thuốc đã được chưa, để anh mang ngâm xuống giếng.
Tôi cũng chẳng rõ ngâm xuống giếng làng làm gì, nhưng ông cụ bảo vậy nên ngày nào nấu xong, chúng tôi cũng đậy nắp lại rồi buộc vào ngâm xuống giếng, đúng 49 phút sau vớt lên, mang vào đút cho Đặng Khải Thành uống.
Anh hôn mê nên đút 7 thìa thì đổ ra ngoài mất 3 thìa, ăn nước cháo cũng vậy, nửa tô nước cháo mà anh chỉ ăn được đúng một thìa rưỡi. Nhưng thật kỳ lạ, tôi phát hiện ra cơ thể Đặng Khải Thành mỗi lúc một đầy đặn hơn, làn da cũng bớt tái xám hơn, và quan trọng nhất là bờ môi bị nhiễm độc đến tím ngắt kia cũng dần dần đổi màu, đôi lúc còn nhìn thấy nét hồng hào.
Tôi không tin nên kéo Dương Quang lại bảo: “Anh có thấy môi anh ấy hồng hơn không?”.
Anh ta nhìn nhìn một lúc rồi lại nói: “Ừm… anh thấy cũng đỡ đỡ…”.
“Đỡ đỡ là thế nào?”
“Đỡ tím ấy, còn hồng hào như cũ thì chưa. Trước môi anh ấy đỏ lắm. Còn đỏ hơn môi mẹ anh đi phun môi vậy”.
Tôi phì cười, đẩy anh ta: “Mau biến đi”.
Cứ như thế, ngày nào tôi và bà cụ cũng cật lực sắc thuốc ngâm thuốc, Dương Quang lên rừng hái thuốc với ông cụ, tiện tay chặt thêm củi về đốt làm than để xông cho Đặng Khải Thành, đúng 12h trưa ông cụ sẽ vào buồng châm cứu cho anh, còn bảo giờ đó dương khí vượng nhất, châm cứu vào đúng lúc mặt trời thẳng đứng với trái đất mới tốt.
Tôi thì ù ù cạc cạc chẳng hiểu gì, nhưng hôm nào cũng đứng ra sân, canh bóng mình đổ vuông góc xuống nền sân, lại í ới gọi ông cụ: “Ông ơi, 12h trưa rồi ạ”.
Ông cụ lật đật chạy ra: “Nhà có đồng hồ rồi, chạy ra đó làm gì?”.
“Cháu canh đúng lúc mặt trời thẳng đứng với trái đất”.
Ông cụ bật cười: “Cái con bé này, tính tình lì lợm chẳng giống ai. Mau vào đi, ốm bây giờ”.
“Vâng ạ”.
Lại một tuần nữa tiếp tục trôi đi, Đặng Khải Thành vẫn không tỉnh, nhưng người anh đã có da có thịt hơn nên tôi rất yên tâm. Đôi lúc gọi điện về còn khoe với mẹ rằng có lẽ một thời gian ngắn nữa thôi thì anh sẽ tỉnh.
Mẹ tôi nói: “Thế là tốt rồi. Thế là tốt rồi. Để lúc nào sắp xếp được, mẹ sẽ lên thăm nó”.
“Đường lên trên này xa lắm, mẹ không đi được đâu. Với cả còn có bố nữa, mẹ phải đến trại giam thăm bố chứ”.
“Kệ, mẹ mới đến thăm bố mày hôm qua, giờ chuyển về trại giam đó thì gần thôn Trường An hơn đấy. Ở đó công việc cũng nhàn lắm, chỉ nhổ rau bắt sâu, tăng gia sản xuất thôi. Đúng là hợp không khí nên ông ấy có vẻ khỏe ra, có da có thịt hơn rồi”. Ngừng một lát, mẹ tôi lại nói: “Để mẹ lên đó sắc thuốc cho nó mấy hôm”.
Tôi nghĩ bây giờ mẹ đã không gọi anh là đồ mất dạy nữa, cũng không mắng anh là kẻ khố.n nạ.n ăn cháo đá bát nữa, có lẽ bà cũng hiểu gia đình mình sai ở đâu, nợ Đặng Khải Thành những gì, cho nên mới muốn lên tận đây.
Hận thù xoay vòng được đặt xuống, tôi rất mừng, sống mũi cũng cay cay: “Vâng, để hôm nào con thuê xe cho mẹ lên”.
“Ừ. Thế em bé có khỏe không?”.
“Khỏe mẹ ạ. Giờ chắc là gần 4 tháng rồi, bụng con bắt đầu lồi lên một ít rồi. Mẹ ở trong viện có vui không? Có ăn được không?”.
“Có, trong này nhiều bạn lắm, nói chuyện cả ngày. Các bác sĩ còn bảo khoa phục hồi chức năng này sắp thành cái viện dưỡng lão rồi”.
“Vâng. Thế là tốt rồi”
“Con cũng ăn uống giữ gìn sức khỏe cho tốt. Có bầu rồi, khóc ít thôi, biết chưa?”.
“Vâng, con biết rồi ạ”.
“Thôi vào với nó đi, mẹ nói chuyện với các bà ấy đây. Hôm nào mẹ lên thì mẹ gọi”
“Vâng ạ”.
Cúp máy xong, tôi lững thững đi rửa mặt, sau đó trèo lên giường ôm Đặng Khải Thành. Theo thói quen lại kể cho anh nghe ngày hôm nay có những chuyện gì, mấy cô thiếu nữ hàng xóm mang quà gì sang cho anh, còn bảo lần này không chỉ có khoai tây mà còn có cả sắn vàng nữa, tôi luộc bốn năm củ rồi, ăn rất ngon.
Nói nhảm một lúc, tôi mới đặt tay lên tim anh rồi lại lăn ra ngủ. Sáng ngày hôm sau đúng 5 giờ mở mắt dậy, vừa định ngước lên hôn Đặng Khải Thành thì lại bắt gặp ánh mắt anh.
Tôi giật thót mình, vội vàng lùi ra xa, Đặng Khải Thành thấy vẻ mặt hốt hoảng của tôi thì khẽ chớp mắt, sau đó nở một nụ cười vô cùng ấm áp: “Chào buổi sáng”.
Tôi vẫn không tin nổi, mồm miệng cứng ngắc nói: “Anh…anh….”.
“Anh tỉnh rồi”. Anh thấy tôi nói không thành tiếng mới nói tiếp giúp tôi. Còn tôi thì cứ nghĩ mình đang mơ, run rẩy đưa tay đến sờ lên mặt anh, lên má anh, môi anh, và cả mắt anh. Thấy hàng mi dài dưới lòng bàn tay tôi khẽ động, tôi mới dám tin là thật, vội vã nhào đến ôm lấy anh:
“Tạ ơn ông trời, anh tỉnh rồi. Tạ ơn trời phật, anh tỉnh rồi”.
Đặng Khải Thành không thể ôm lấy tôi, anh cứ nằm yên một chỗ nhìn tôi mãi, nhìn mãi, lát sau mới khẽ nói: “Chân Ý, em lo lắm phải không?”.
“Không, em có lo gì đâu”. Tôi nói một câu mà ai cũng biết rằng nói dối, nước mắt chậm rãi chảy xuôi: “Mấy ngày ở đây em vui lắm. Ông bà cụ nấu thuốc cho anh, xông cho anh, em chạy quanh sân cho gà ăn, thỉnh thoảng nhặt rau nấu cơm với bà cụ, lúc rảnh rỗi đều chạy vào ngắm anh. Nhưng không phải chỉ có mỗi em ngắm anh đâu, mọi người đều mong anh tỉnh lại đấy, biết anh tỉnh lại chắc ai cũng mừng cho mà xem”.
“Ừ”. Giọng Đặng Khải Thành có chút yếu ớt, nhưng vẫn rất ấm áp và ôn hòa: “Anh cũng nghĩ anh không tỉnh lại được, nhưng mở mắt ra đã thấy em. Giống như đang mơ vậy”.
“Sao anh mơ gì mà xấu thế? Mơ thì phải mơ mở mắt dậy đã thấy mỹ nữ chứ. Mơ thấy em làm gì?”.
“Chân Ý của anh không phải là mỹ nữ à?”.
“Em là công chúa ngủ trên đồng cỏ”.
Anh khẽ cười, hình như muốn vuốt tóc tôi nhưng không làm được, tôi lại rúc đầu vào ngực anh, ôm anh thật chặt, ôm thay cả phần của anh. Tôi lẩm bẩm nói: “Anh tỉnh dậy là tốt rồi. Tỉnh dậy là tốt rồi. Thành, em rất sợ”.
“Đồ ngốc, sợ gì chứ. Không phải anh luôn ở đây à?”.
Đúng vậy, anh luôn ở đây bên cạnh tôi, có xa rời tôi đâu, bây giờ anh tỉnh dậy thế này tôi phải vui mới đúng, tôi còn khóc làm gì chứ?
Nghĩ tới đây, tôi lại lén lút lau sạch nước mắt, sau đó kéo cánh tay của anh đặt lên bụng mình, nặn ra một nụ cười méo xệch: “Anh xem, anh hôn mê hơn nửa tháng rồi, bé con cũng lớn bằng thế này rồi đây này. Em có bụng rồi nhé?”.
Đặng Khải Thành không thể cúi được, nên tôi lại ngồi thẳng dậy, vạch áo lên, giơ cái bụng mới lồi lên một xíu ra trước mắt anh: “Thấy không, em bé đấy, con gái của anh ở đây này”.
Ánh mắt của anh đã bớt mờ đục hơn trước, lúc này tôi còn cảm nhận được con ngươi kia sáng lên, tản ra một niềm hạnh phúc và ấm áp vô bờ bến: “Em đi siêu âm rồi à?”.
“Không phải đâu, ông cụ bắt mạch rồi bảo em là con gái đấy. Đợi đến khi anh khỏe rồi, anh dắt em đi siêu âm nhé?”.
Khóe môi Đặng Khải Thành cong cong, nở ra một nụ cười khe khẽ: “Được”.
“Để em đi gọi mọi người. Ông bà cụ mà biết anh tỉnh chắc sẽ vui lắm. Cả anh Quang nữa”.
Nói rồi, tôi không đợi anh đáp đã nhảy xuống giường rồi chạy đi, lát sau ba người bên ngoài lập tức bỏ dở việc đang làm, ùn ùn chạy đến chỗ Đặng Khải Thành.
Ông cụ kiểm tra mạch và mắt cho anh trước, hỏi mấy câu gì đó, bà cụ đứng bên cạnh thì cười rất tươi, cứ luôn miệng nói cảm ơn ông trời, đã để Đặng Khải Thành tỉnh lại. Còn Dương Quang thì im lặng đứng một góc, không nói gì cả, chỉ cười thôi, nhưng là vừa cười vừa khóc, rất giống một đứa trẻ con phải chịu ấm ức chuyện gì đó.
Tôi nghĩ Đặng Khải Thành dạy dỗ anh ta cũng thật tốt, tính tình lương thiện, lại sống tình cảm, giống hệt như anh!
Sau khi Đặng Khải Thành tỉnh lại, không khí trong nhà vui tươi tất bật hơn hẳn. Bà cụ cảm ơn trời phật xong lại lật đật xuống bếp, nấu cả một nồi cháo gà thật lớn, nói là phải tẩm bổ cho anh. Dương Quang thì chạy ra sau nhà chặt bụi mây, nói là phải làm ghế để ngày mai Đặng Khải Thành có thể sưởi nắng. Ông cụ thầy lang thì cứ ngồi bên giường châm cứu suốt, tỉ mẩn nặn hết m.áu ở đầu ngón tay anh. Lúc này m.áu không đen đặc như nửa tháng trước nữa, nhưng vẫn chưa thể đỏ tươi, ông cụ nheo mắt nhìn xong mới nói:
“Chưa thông được kinh mạch, vẫn phải nặn m.áu. Ngày mai bắt đầu ra ngoài sưởi nắng”.
Đặng Khải Thành không biết tôi đứng ngay ngoài cửa nhặt rau, hỏi ông cụ: “Thời gian sống của cháu còn được lâu không hả ông?”.
“Cũng không lâu lắm đâu”. Động tác nhặt rau của tôi bất giác khựng lại, tai vểnh lên nghe câu trả lời của ông cụ. Lúc này, ông có vẻ rất trầm ngâm, vừa nặn m.áu độc vừa nói: “Lúc trước chưa tỉnh thì không dám chắc, nhưng giờ thì tính được rồi. Khoảng 4, 50 năm nữa thôi. Đó là với điều kiện cậu không sa đọa tệ nạn gì đấy nhé. Hút thuốc phiện nữa thì cùng lắm chỉ mười năm”.
Không chỉ có tôi không tin, mà ngay cả Đặng Khải Thành cũng không tin, tôi nghe anh hỏi: “Bác sĩ ở bệnh viện nói nội tạng của cháu hỏng hết rồi… thời gian không còn lâu nữa”.
“Nội tạng này ai bảo hỏng? Là sắp hỏng, nhưng ở trong núi này có một bài thuốc rất hay, có thể phục hồi được các tế bào vẫn còn sống. Nói cho cậu dễ hiểu là ví dụ gan của cậu ch.ết 9 phần, chỉ còn một phần vẫn hoạt động, thì vị thuốc này sẽ làm một phần ấy nhân ra, cứ thế từ từ phục hồi gan của cậu. Nhưng hơi tiếc là cây cuối cùng tôi vừa mới hái cho cậu rồi, vội quá, không còn thời gian để nhân giống nữa. Thế nên sau này ai bảo tôi chữa bệnh này thì tôi cũng chịu thôi”.
Lần này, đến lượt Đặng Khải Thành im lặng rất lâu, rất lâu, sau đó tôi nghe giọng anh có rất nhiều xúc động nói với ông cụ: “Cảm ơn ông. Cảm ơn ông rất nhiều ạ”.
“Cảm ơn cái gì, giữa hai người và gia đình tôi cần gì phải nói mấy lời khách sáo đó. Chỉ là…”. Ông cụ nhìn anh mấy giây, lại nói: “Bà nhà tôi chỉ có một đứa con, nó không may leo núi ngã rồi mất sớm, giờ bà ấy vẫn luôn mong có một đứa con trai. Nếu cậu không chê thì làm con nuôi của vợ chồng tôi nhé?”.
Đặng Khải Thành đến nghĩ cũng không cần đã lập tức nói: “Bây giờ thì không được. Nhưng đợi đến khi con khỏe lại rồi, con sẽ quỳ xuống thắp hương tổ tiên nhận bố mẹ”.
Hai mắt ông cụ đỏ hoe, vội vã quay đầu đi, run run đáp: “Được, được. Tôi chờ đến ngày đó”.
Hôm ấy, Đặng Khải Thành đã tỉnh nhưng vẫn còn mệt nhiều, ông cụ bảo anh phải ngủ nhiều mới tốt, tôi cũng không làm phiền anh, leo lên giường rất khẽ, ôm lấy anh cũng rất khẽ, có rất nhiều chuyện để nói nhưng rút cuộc chỉ nằm ngắm anh thôi.
Có lẽ, từ trước đến nay cuộc đời tôi dù trải qua rất nhiều thứ, thăng trầm nào cũng đã nếm thử, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc nhiều như bây giờ. Hạnh phúc đến nỗi cứ ngỡ mình đang trải qua một cơn mơ.
Lúc nhỏ, cứ nghĩ lớn lên sẽ giàu có, xinh đẹp gì gì đó, lấy được một người chồng môn đăng hộ đối là hạnh phúc, sau này chỉ mong cha mẹ bình an, sống một cuộc đời yên bình, không còn vướng bận chuyện gì thì mới có thể yên lòng. Nhưng đến giờ mới biết, hóa ra hạnh phúc của một đời người hóa ra đơn giản lắm, chỉ là những người xung quanh mình còn sống, chỉ cần còn sống mà thôi, vậy là đã đủ hạnh phúc.
Hận thù – thù hận gì đó vứt hết đi, đời người rất ngắn, yêu thương nhau còn chưa hết, giày vò mãi trong vòng luẩn quẩn mệt mỏi ấy làm gì?
Ngày hôm sau, mở mắt dậy vẫn là Đặng Khải Thành đang nhìn tôi, tôi không còn bất ngờ nữa, nhưng mỗi sáng thấy anh đã thức thì rất vui. Tôi hài lòng hôn lên má anh một cái, vạch áo giơ bụng cho anh ngắm, sau đó sẽ đi giúp bà cụ nhặt rau, làm đồ ăn sáng, xong xuôi Dương Quang sẽ bế anh ra ngoài, đặt anh lên ghế mây để sưởi nắng.
Cả buổi tôi cứ quanh quẩn ở bên cạnh anh, hết cho gà ăn lại hái cho anh mấy quả lê rừng ở cành chìa xuống thật thấp. Đặng Khải Thành ngồi ở ghế mây có thể nhìn thấy Dương Quang ra giếng làng gánh nước, mấy cô thiếu nữ trong thôn bẽn lẽn che miệng cười anh ta, anh có thể nhìn thấy ông cụ và bà cụ phơi thuốc mới hái về trong sân, còn thấy tôi với cái bụng lùm xùm đi hái mấy bông hoa nhài trắng, đem vào chờ pha trà uống.
Tôi đi ngang qua hỏi anh: “Anh có muốn uống trà hoa nhài không?”.
Đặng Khải Thành mỉm cười nói “Có”. Tôi gật đầu, pha xong một cốc trà hoa nhài đi ra, lúc đưa đến miệng anh lại chơi xấu giật lại, cười bảo: “Ông cụ bảo không được cho anh uống linh tinh, anh ngoan ngoãn ở đây điều trị bệnh cho tốt, đợi khỏe xong em pha sữa cho anh uống, mang trứng gà của em gái hàng xóm xinh đẹp cho anh ăn”.
Đặng Khải Thành nhỏ giọng mắng tôi: “Lâu nay anh đâu có gây thù với em”.
“Tại em thích chọc anh đấy”. Tôi chu mỏ thổi thổi cốc trà hoa nhài, kê một chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh anh, uống xong lại gục đầu xuống tay Đặng Khải Thành, cảm thấy đời này bình yên như vậy thật tốt biết mấy.
Tôi không chọc anh nữa, chỉ hỏi anh: “Đặng Khải Thành, anh có biết em yêu anh thế nào không?”.
Anh nói không biết, tôi cười cười đáp: “Không đếm được, giống như đom đóm ở trên đồng cỏ ấy”.
“Lúc nào anh khỏe, lại cõng em lên đó nhé?”.
“Hay là em cõng anh?”.
“Anh không yếu ớt thế đâu”.
“Thế thì anh phải thật nhanh khỏe vào”.
“Được”.
Nói là vậy, nhưng tận nửa tháng sau anh mới bắt đầu cử động được tay, khi con gái chúng tôi vừa tròn sáu tháng thì Đặng Khải Thành mới ôm được tôi. Tôi biết, anh vừa trải qua một lần thập tử nhất sinh, có thể sống sót được đã là một phép nhiệm màu, cử động được hay không cũng chẳng quan trọng, nhưng được anh ôm tôi vẫn rất vui.
Đặng Khải Thành xoa xoa bụng tôi, gọi con gái là: “Muối Nhỏ”.
Tôi hỏi tại sao lại tên Muối Nhỏ, anh không đáp, chỉ cười thôi. Mãi sau khi tôi gọi điện thoại về nói với mẹ chuyện này, bà mới nói: “Ngày nhỏ con chẳng tên là Hạt Vừng à? Thằng Thành trước ở Hồng Hưng chỉ thích ăn cơm nắm với vừng, giờ nó ở bên con, có Hạt Vừng rồi con nó tên Muối là đúng rồi”.
Tôi phì cười, nghĩ Đặng Khải Thành của tôi đúng là đáng yêu c.hế.t mất, Muối Nhỏ của chúng tôi lớn lên sẽ rất thích cái tên này cho mà xem.
Có lẽ nó sẽ bảo: “Ngày xưa sao bố lại ăn mẹ? Còn ăn cả con nữa?”.
Chắc chắn lúc ấy Đặng Khải Thành sẽ đáp: “Bố chỉ ăn Hạt Vừng thôi, còn con là gia vị đấy”.
Muối Nhỏ ấm ức sẽ lăn ra khóc mất!
Khi tôi bầu được tám tháng thì Dương Quang cũng cưa cẩm được một em gái thiếu nữ ở trong núi, cô bé đó mới 18 tuổi, xinh như búp bê vậy. Nhà cô bé không có điều kiện, lại ở tít gần núi nên điện rất yếu, máy bơm từ giếng làng không đến nhà cô bé được, cho nên ngày nào Dương Quang cũng gánh nước đi liền một mạch cả cây số, đến đổ đầy bể nhà cô bé. Dần dần, cô bé ấy cũng để mắt đến chàng trai cao lớn ngờ nghệch kia, tối nào cũng lén cha mẹ ra giếng làng ngồi tâm sự với anh ta.
Tôi với Đặng Khải Thành đang tập đi bộ trong sân, liếc thấy bóng hai người ngồi bên nhau, lát sau còn thấy cô bé lúng túng ngả người lên vai Dương Quang liền tủm tỉm cười. Tôi bảo: “Thấy không, người ta phải qua giai đoạn tán tỉnh, ngượng ngùng như thế, sau rồi mới đến yêu đương và cưới. Em ngay cả được tán cũng không có”.
Anh khó khăn lê từng bước, giọng điệu lại nhẹ tênh: “Anh chừng này tuổi rồi, không còn sức để tán tỉnh nữa. Anh chạy theo em 21 năm, bảo chờ tán tỉnh nữa thì chịu thôi. Đợi em đi theo anh rồi tán tỉnh sau cũng được. Mà chưa kịp tán thì em đã đổ rồi”.
Tôi mắm môi mắm lợi trừng anh: “Không phải có người cõng em đến đồi đom đóm để tán tỉnh em à?”.
“Lừa em thôi”.
Tôi nghiến răng nghiến lợi mắng anh: “Đồ khố.n”.
Đặng Khải Thành không thèm chấp tôi, chỉ cười cười, sau đó lặc liễng đi tiếp. Không khí trong núi rất trong lành, không bị ô nhiễm bởi khói bụi, lại yên tĩnh và bình dị nên tình hình phục hồi của anh rất tốt, ông cụ nói tốt hơn hẳn so với người khác, mấy người phu vác chì ở Tùng Bá cách đây bốn mươi mấy năm phải tốn tận 3 năm trời mới đi lại được.
Còn Đặng Khải Thành, anh suýt c.hế.t như thế mà chỉ tốn đúng 5 tháng thôi.
Tôi lững thững chạy theo anh, lại bảo: “Em nghi ngờ một chuyện”.
Anh quay đầu nhìn tôi: “Chuyện gì vậy?”.
“Lúc đó anh nói em đi theo anh, miệng thì bảo trả thù gia đình em, nhưng thực ra là anh yêu đơn phương em mấy chục năm nên lúc em quay về anh mới vội vàng chiếm lấy em ngay phải không?”
“Không nói cho em biết”.
Tôi bĩu môi, lại tiếp tục: “Còn bày đặt nói thời gian còn dài, chuyện trả thù tôi không gấp thì em vội gì. Đặng Khải Thành, có mà lúc đó anh gấp muốn tán tỉnh em thì có”.
Đặng Khải Thành vẫn kiên trì đáp: “Không nói cho em biết”.
“Bên cạnh anh có nhiều người thích như thế mà anh vẫn không động lòng, sau này rõ ràng anh gặp lại Như Quỳnh trước em, cô ta thích anh như thế mà anh không thèm để ý, là vì giữ đời trai cho em phải không?”. Lẽ ra phải dùng từ giữ thân như ngọc mới đúng, vì Đặng Khải Thành của tôi có giá thế cơ mà, bao nhiêu cô gái đều thích anh, muốn làm vợ của anh đó.
Sắc mặt của Đặng Khải Thành hơi đỏ lên, anh không thèm để ý đến tôi nữa, tôi biết anh xấu hổ nên cứ chạy theo, miệng liên tục nói: “Anh giữ đời trai tận 40 năm vì em à? Chà, ông chú, anh siêu thật đấy. Đàn ông đến 25 tuổi đã hừng hực sinh khí, thế mà anh chịu được đến tận năm 40 tuổi. Anh không có nhu cầu với phụ nữ hả?”.
Đặng Khải Thành không nói được tôi lên lập tức túm tôi lại, dùng miệng anh bịt miệng tôi.
Rất lâu rồi chúng tôi không hôn nhau, không phải vì không muốn gần gũi, mà là sợ anh yếu, giày vò như vậy không chịu nổi. Giờ đột nhiên anh hôn tôi như vậy, tôi hơi ngẩn ra, còn chưa kịp định hình chuyện gì đã thấy Đặng Khải Thành đứng thẳng dậy. Anh thở hổn hển, nói với tôi: “Còn nói xằng bậy nữa anh sẽ xử em”.
Tôi liếm môi, hừ lạnh một tiếng: “Đại ca của anh đang ở trong bụng em đây. Anh có dám xử em không?”.
Nhắc đến Muối Nhỏ, ánh mắt anh lại ngay lập tức dịu xuống. Đặng Khải Thành cúi đầu xoa bụng tôi, khóe miệng cong cong nở một nụ cười: “Không dám. Đại ca Muối Nhỏ, bố chờ con ra đời xong sẽ xử mẹ. Lúc đó con đừng bênh mẹ đấy nhé”.
Tôi ưỡn cái bụng nặng trịch ra, vênh mặt đáp: “Muối Nhỏ thuộc phe em. Em mất công mang nặng đẻ đau nó, nó phải theo em mới đúng”.
Đặng Khải Thành bất đắc dĩ đáp: “Chân Ý, Muối Nhỏ, cả hai người đều là đại ca”.
Tôi phì cười, liếc lên nhà thấy ông bà cụ đã tắt điện đi ngủ từ lâu, cũng không nhịn nữa, liền vịn cổ Đặng Khải Thành rồi hôn nồng nàn. Hôn đến khi người chúng tôi đều nóng lên mới buông ra.
Vừa mới đứng thẳng lại đã thấy Dương Quang đi vào, mặt mày anh ta vừa đỏ vừa tươi tỉnh, hai cánh môi cũng sưng vù, không cần đoán cũng biết là vừa mới hôn người ta say đắm.
Tôi giơ ngón cái về phía anh ấy: “Siêu thật”.
Tai Dương Quang cũng đỏ lựng lên: “Chân Ý, em đang nghĩ đen tối gì thế?”.
“Em bảo anh siêu là đi đường tối vẫn về được nhà, có nghĩ đen tối gì đâu? Anh nghĩ đen tối thì có”.
“Chân Ý, em là đồ xấu tính. Không nói với em nữa”. Dứt lời, anh ta liền cuống cuồng chạy vào nhà, để lại tôi và Đặng Khải Thành đứng ở sân cười vang.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!