Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường - Chương 4: Mưa
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
130


Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường


Chương 4: Mưa


Chương 4: Mưa

Chúng tôi ăn tiêu dè sẻn, nhưng không dành dụm được bao nhiêu. Gạo ở đây đắt, muối càng đắt kinh khủng, không có đường và mật là một thứ xa xỉ chỉ dành cho người giàu. Không sao, chúng tôi chỉ cần sống qua ngày cho tới khi trở về. Chúng tôi đã nghĩ chỉ cần vậy cho tới khi Khánh ốm.

Hết việc đẩy xe, Khánh trở lại chuyển hàng. Đợt này không phải gạo nữa, gạo phải chờ sang vụ mùa mới. Bây giờ chuyển sang chuyển gỗ. Để Khánh an tâm, tôi hẹn cô ấy lúc sáu giờ sẽ có mặt tại nhà, trước khi đóng cổng thành hai tiếng. Gần cuối tháng ba, xuất hiện một cơn mưa dài mấy ngày không dứt, không lớn nhưng đủ khiến căn nhà nhỏ dột ướt khắp. Trần nhà chỉ cao hơn một tầm tay với của Khánh, hai đứa cầm ô đi hái lá về che chỗ dột. May mà không có gió, nên mọi thứ cũng tạm ổn. Nhưng chẳng biết tìm đâu ra củi khô, tối đến hai đứa chật vật mãi mới đốt được lò.

Khánh bảo người ngoài bến cho mượn áo tơi, nhưng ngày mưa thứ hai khi tôi về đã thấy cô ấy nằm trên giường, cả người nóng như lửa. Miệng thì bảo không sao nhưng đứng dậy cũng không vững. Vậy là cô ấy ốm rồi.

Đáng ra sau khi ăn cháo xong, Khánh phải uống thuốc luôn thì mới mau khỏi được. Nhưng trong nhà chỉ có thuốc đau bụng cùng thuốc đỏ và oxy già, không có viên thuốc cảm nào. Tôi chườm khăn ướt rồi lục tìm hộp tiền. Trong nhà còn một đồng bốn xu tiền dành dụm được cùng với tiền Khánh nhận hôm nay. Định đi vào làng mua thuốc thì Khánh không cho, bảo trời tối nguy hiểm. Thế là qua một đêm dài với tiếng mưa rơi lào xào trên mái và nhịp thở gấp của Khánh.

Bốn rưỡi sáng mua thuốc ở bà bán thuốc hết năm xu. Dân ở ngoại thành vốn hoạt động từ khi vẫn còn nhá nhem tối để còn đi làm sớm, nên khi ghé chợ tôi đã thấy có người bán hàng. Muốn mua vài quả trứng nhưng không tìm được, tôi mua một ít hành tăm và một miếng đậu, rồi quay về nhà. Tôi nấu cháo hành, rồi sắc thuốc. Người Khán vẫn nóng như tối qua. Hơi thuốc tỏa khắp nhà mùi rất khó chịu, vừa đắng vừa hăng hắc. Sau khi Khánh ăn được nửa bát cháo, tôi ép cô ấy uống thuốc. Khánh lắc đầu nguầy nguậy không khác gì em trai tôi lúc uống thuốc đắng. Cô ấy nói sẽ nôn sau khi uống mất. Nhưng không uống thì không khỏi được. Cuối cùng thì Khánh cũng uống, và thật may cô ấy không nôn. Trước khi ra khỏi nhà, tôi rót thuốc sẵn ra bát và nhắc Khánh ăn cháo. Cô ấy trông uể oải nhưng vẫn gắng mỉm cười với tôi bảo không sao.

Sáng ấy tôi đến muộn. Bà chủ la lối om sòm, suýt thì không cho tôi làm nữa. Liên khuyên mãi bà ấy mới cho tôi ở lại, nhưng lớn tiếng bảo nếu cứ thất thường như thế bà ấy sẽ đuổi luôn. Nghe Quyên kể con gái bà chủ lại đến, nghe đâu không được vào trà quán nên đến trách móc bà chủ đưa chỉ mấy đồng bạc lẻ, không đủ để cô ta mua đồ đẹp như người khác. Tôi hiểu. Bà chủ vốn rất tốt, chỉ là nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai khiến bà tức giận. Trưa đó vắng khách, tôi cùng Thành và Quyên ăn ở ngoài bàn, còn Liên cùng bà chủ và bà phụ bếp vào nhà trong. Chẳng biết nói gì mà khi ra mắt Liên và bà chủ đều đỏ hoe. Buổi chiều bà chủ lại trở nên lặng lẽ, khi tôi mang cơm về bà ấy lẳng lặng bỏ thêm hai miếng thịt vào tô cùng với cơm rau rồi đậy nắp lại. Tôi cảm ơn thì bà ấy quay đi không nói gì.

Chiều về trời lại mưa nặng hạt. Đường bùn với vết bánh xe nhão nhoét, tôi tháo giày đi trong đám cỏ ướt cũng không khá hơn là bao. Vừa đi tôi vừa dõi mắt xem có cây nào quen dùng xông người, tôi hái luôn, lúc về tới nơi cũng được một bó khá lớn. Mở cửa vào nhà, Khánh đang ngủ, người vẫn nóng như vậy. Mở chảo, tôi giật mình thấy cháo vẫn còn nguyên, thuốc cũng chưa được uống. Khi trưa Khánh không ăn uống gì. Tôi đến lay mãi cô ấy mới mở mắt, môi hơi giãn một chút. Khánh bình thường khỏe mạnh hoạt bát, bây giờ một tý sức sống cũng không có. Khánh từng bảo dễ bị ốm khi chuyển mùa, đáng ra mấy ngày mưa không nên để Khánh đi làm. Tôi bỏ hai miếng thịt vào chảo, đun lại cháo rồi trút ra tô, lấy chảo đun lá xông. Lửa cháy yếu ớt, thỉnh thoảng gặp một cành hơi ướt thì gần như tắt ngấm, khói phủ cả gian nhà. Xong xuôi, tôi vực Khánh dậy dựa lưng vào tường rồi đút cháo. Ăn được nửa, Khánh bảo là no, không ăn được nữa.

-Sao khi trưa cậu không dậy ăn?

-Tớ ngủ quên mất. Lúc cậu về tớ mới biết.

Thấy tôi thở dài, lát sau Khánh ăn nốt nửa bát cháo, rồi ngồi đó xem tôi loay hoay với cái bếp. Nước xông sôi một lúc, tôi bắc thuốc lên sắc lại. Mở chảo nước ra, tôi bảo Khánh trùm chăn xông người trước khi uống thuốc. Mùi thuốc đắng lúc sôi làm át cả mùi thơm dễ chịu của lá xông. Khánh không muốn uống. Nhưng bà bán thuốc bảo thuốc uống liên tục ngày ba lần mới có tác dụng, nên tôi lại thuyết phục Khánh. Khánh uống thuốc xong, tôi ăn cơm. Hồi chiều mới mua hai quả trứng cùng gạo về nấu cháo cho Khánh, đành để một góc chờ ngày mai. Mong ngày mai cô ấy sẽ đỡ hơn.

Quả là Khánh đỡ nóng hơn, nhưng lúc đứng dậy vẫn còn loạng choạng. Rút kinh nghiệm, tôi múc sẵn cháo và thuốc để ở góc bàn, kê bàn sát lại giường, trưa cô ấy sẽ uống dễ dàng hơn. Khánh xông người xong, tôi dọn dẹp rồi ra khỏi nhà.

Cầm sáu xu trên tay, tôi bắt đầu lo lắng. Khánh là người làm ra tiền duy nhất trong nhà, nếu cứ thế này thì một kẻ vô dụng như tôi không biết xoay sở thế nào. Khánh hỏi đến chuyện tiền bạc, để cô ấy yên tâm tôi cũng bảo sẽ vay bà chủ một ít, khi cô ấy đi làm lại sẽ trả. Nhưng bà chủ đang khó khăn, tôi cũng chẳng thân quen đến mức bà ấy tin tưởng cho vay tiền. Chiều nay phải mua thêm một thang thuốc để Khánh uống cho khỏi, một xu để mua gạo nấu cháo tối nay. Vậy thì sáng mai không biết xoay sở thế nào. Khánh mới ốm dậy cũng không thể đi làm ngay được.

Cả sáng, tôi quẩn quanh mãi với suy nghĩ tìm đâu ra tiền. Đồ đạc trong nhà cái gì bán được thì đã bán từ khi mới tới, từ cái kẹp tóc của tôi tới lọ nước hoa của Khánh. Giờ ăn, Liên múc thêm cho tôi ít cháo.

-Em phải ăn nhiều mới mau khỏi ốm.

-Dạ? Không, em đâu có ốm.

-Chị thấy em bơ phờ lắm, trên áo còn ám mùi thuốc. Ốm thì làm ít việc thôi, có gì chị làm cho.

-Không chị ạ. Anh trai em ốm. Em hơi lo lắng thôi.

-À. Trông cậu ấy cũng ốm yếu. Có gì cần chị giúp thì cứ nói.

-Vâng.

Tôi gật đầu rồi húp cháo. Cô ấy luôn quan tâm người khác như vậy. Nhưng tôi biết Liên khó khăn. Có lần tôi hỏi gia đình Liên thế nào, cô ấy tránh không nói, mấy người kia cũng nói lảng sang chuyện khác. Nhìn đồ cô ấy mặc cũng biết cô ấy không dư dả gì. Như thế làm sao tôi dám mở miệng vay tiền Liên.

Cả ngày mưa nhỏ, nhưng chiều về tự nhiên trời mưa nặng hạt, mưa như trút nước. Đôi giày vải mấy ngày nay ngấm nước, hôm nay bục cả chỉ. Ô chỉ che được mỗi cái đầu, còn lại ướt sạch. Về nhà mở cửa không thấy Khánh đâu. Gian nhà nhỏ, từ góc bếp cho tới phản và bàn đều ướt. Hai cái ba lô được Khánh để trên ghế, che bởi bàn nên không sao. Chỉ là không thấy chỗ dột. Lát sau Khánh cầm ô đi vào, quần thể thao xắn tới tận gối, gần như cả người ướt hết.

-Dột hết. Tớ phải trèo lên buộc lại.

-Cậu ướt hết rồi, thay người nhanh đi. Ốm nặng hơn bây giờ.

-Cậu cũng ướt hết. Mau thay đồ kẻo ốm.

Nói xong, Khánh ho sù sụ. rồi ngồi bệt xuống tấm phản ướt. Tôi thở dài nhìn Khánh rồi lại nhìn mái nhà.

Tôi bảo Khánh ăn hết số cháo mà tôi đưa về, tôi cũng bảo mình ăn rồi và đi che chắn vách nhà. Moi trong đống củi gác trên bếp, tôi tìm được mấy thanh củi khô và chụm lò sắc thuốc. Trưa cũng ăn cháo nên bụng tôi thỉnh thoảng cứ réo, may mà tiếng mưa át đi. Khánh có vẻ mệt hơn lúc sáng.

Mẩu nến cuối cùng cháy lờ mờ rồi tắt hẳn. Tôi đã kịp đổ thuốc mới sắc ra bát, để trên bàn chờ nguội. Không gian tối đen như mực, thỉnh thoảng có giọt nước rơi đánh tách xuống mặt bàn. Tôi chạnh lòng, lôi ra những lần trời mưa trong ký ức. Tôi nhớ rằng mình đã luôn thích mưa. Lúc đi trâu tắm mưa với bạn bè và ông ngoại. Lúc ngồi bên nồi khoai luộc nóng hổi, mẹ nhắc từ từ kẻo bỏng, bố thì kể chuyện về những vùng bố đi qua. Cả những buổi tối theo bố đi soi ếch, trưa hôm sau cả nhà sẽ được thưởng thức những món làm từ ếch ngon tuyệt mẹ nấu. Khi trời mưa bất chợt, bố sẽ đi đón về, tôi thường thích thú ngồi sau áo mưa của bố đoán hôm nay mẹ nấu gì. Rồi khi cùng Khánh đạp xe gặp mưa, hai đứa đầu ướt hết mà còn vào quán ăn kem. Nhận ra sở dĩ thích mưa là do lúc mưa sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn sự ấm cúng của căn nhà. Nếu đi mưa về có ốm sẽ được mẹ chăm. Hai đứa có ướt rượt nhưng khi về nhà trọ, lau khô đầu, mỗi đưa cầm một cốc cà phê nóng sẽ thấy mọi thứ thật tuyệt.

Lần đầu tiên trú mưa dưới một căn nhà dột nát. Lần đầu tiên ghét mưa.

Sờ thấy bát thuốc đã nguội, tôi bảo Khánh uống. Khánh hình như đã cầm bát thuốc lên.

-Cậu uống được không?

-Được- Giọng Khánh khàn khàn.

Căn nhà quá tối, sợ Khánh làm dây thuốc ra áo sẽ rất khó chịu, tôi quyết định mò điện thoại trong ba lô rồi bật lên cho sáng một chút. Khi đèn sáng, hình ảnh đầu tiên tôi thấy là tay Khánh đang nghiêng bát thuốc, dòng nước đen ngòm từ trong bát chảy xuống nền nhà ướt đẫm. Thấy ánh mắt của tôi, Khánh run tay đánh rơi luôn cái bát xuống nền nhà.

-Tớ xin lỗi- Khánh nằm hẳn xuống, kéo tấm khăn mỏng phủ quá đầu.

-Tại sao cậu làm thế?

-Thuốc rất khó uống. Chỉ ngửi mùi thôi cũng làm tớ muốn bệnh thêm.

-Tớ biết là khó uống. Nhưng cậu uống từ từ cũng được. Sao phải đổ thuốc? Thuốc rất đắt. Nếu…

-Tớ đã bảo cậu đừng mua rồi cơ mà.

-Cậu có phải trẻ con đâu? Cậu muốn ốm mãi à?!

Tôi đã hét lên. Thấy như không phải giọng mình, nó đầy uất ức và tức giận. Cảm giác nó vang mãi trong ngôi nhà, vì sau đó không ai nói thêm câu nào nữa. Tôi rót lại thuốc vào bát để trên bàn rồi lên phản nằm co một góc. Khánh vẫn nằm trùm kín chăn. Nước mắt lại thi nhau rơi xuống. Thật sự là tôi cảm thấy khó khăn. Tôi muốn Khánh đừng ốm nữa, Khánh ốm càng lâu tôi càng thấy rõ sự vô dụng của mình. “Khóc gì mà khóc? Mày không xoay sở được thì trách ai? Mày tệ lắm. Vậy nên đừng làm bản thân xấu hổ thêm nữa…”

Sáng ra hai đứa không nói với nhau một lời nào. Khánh vẫn trùm chăn kín người, tôi sờ vào người Khánh thấy hơi nóng. Tôi lẳng lặng nấu cháo, hâm lại thuốc, để lên bàn rồi ra khỏi nhà. Có vẻ như đêm qua trời đã trút hết nước, trời hửng sáng hơn, tuy còn mây nhưng không có mưa nữa. Trong người không một xu dính túi và cái bụng lép kẹp. Chẳng biết làm thế nào, chắc hôm nay về phải vay Liên vài xu để nấu cháo trưa và sáng cho Khánh, còn bữa tối tôi sẽ đưa về. Còn thuốc…Tiền mua thuốc không biết kiếm đâu ra nữa.

Chiều về tôi loay hoay ở cổng để chờ Liên ra. Sắp đến giờ lấy thực phẩm chuẩn bị cho bữa tối của quán, lúc đó tôi sẽ hỏi vay Liên tiền. Một chiếc xe ngựa đi qua, bánh xe tạt nước từ vũng trên đường, theo phản xạ tôi nhảy vào trong để khỏi lấm bẩn. Nghe tiếng kêu phía sau, hình như chiếc ô trên tay tôi đụng phải một người. Tôi hoảng hốt quay lại. Thở phào. Hóa ra là Liên. Chiếc ô tuy chưa bật ra nhưng khoen sắt vướng vào búi tóc của Liên, cả hai gỡ ra mãi mới được.

-Ô của em trông gọn quá. Mà thân làm bằng kim loại hả? Trông như bạc?

-Không phải đâu, chỉ là sắt không gỉ. Chỗ em thường dùng loại ô này.

-Trông rất chắc, cũng rất đẹp. Chỗ em chắc là có mỏ kim loại. Kim loại ở đây người ta không dùng để làm ô đâu, chủ yếu là dùng ô có nan gỗ.

-Thế ạ…

Liên gật đầu, rồi xõa tóc ra búi lại. Tôi định mở lời vay tiền thì chợt nghĩ ra một điều. Tôi không phải vay nữa.

-Chị Liên. Cho em hỏi…

***

Tôi vui mừng nhìn lại những thứ trên tay. Nến, gạo và cả thuốc nữa, tôi đều mua được. Không ngờ được nhiều tiền đến thế. Nhìn đồng hồ đã được sáu rưỡi, trời đã nhá nhem tối. Tôi chạy vội ra khỏi thành. Hẳn Khánh đang rất lo lắng. Mong cô ấy ăn xong thì ngủ luôn một giấc tới khi tôi về như hôm kia thì tốt. Muốn hái ít lá xông nhưng muộn quá rồi. Tôi gần như chạy, lòng khấp khởi mừng, lâu lâu lại chạm tay vào túi đồ để trước ngực. Lúc về tôi sẽ xin lỗi Khánh, rồi sẽ nghiêm mặt bắt Khánh uống thuốc. Khánh hẳn sẽ bất ngờ khi thấy trong cháo có chút thịt.

Mảnh trăng khuyết đã ló ra khỏi mây tỏa ánh sáng lờ nhờ. Trăng sắp tròn, sắp tới rằm tháng hai theo âm lịch. Đã hơn bảy giờ tối, không còn thấy rõ con đường nữa, khung cảnh xung quanh tối dần. Tôi bắt đầu thấy rờn rợn. Những lùm cây xung quanh mang bóng dáng kỳ dị dưới ánh trăng, tiếng chim kêu đêm nghe rất ghê, và dường như phía sau tôi có tiếng bước chân. Những câu chuyện ma từng được nghe kể trở lại trong tâm trí tôi, những ma nữ xõa tóc hay ma không mắt, cả những con ma ẩn dưới hình dạng những con cú lợn ban đêm bay ra săn hồn người. Hai mươi phút nữa mới về tới làng, và tôi chạy thật sự, mặc cho bùn đất bắn tung tóe lên người.

Không kịp nhận ra điều gì, tôi đã bị lôi vào bụi cây ven đường, mộ bàn tay hộ pháp bịt lấy miệng tôi, mùi tanh tưởi tới ngạt thở. Tôi ra sức giãy dụa, nhưng không thể chuyển động được một ly. Tôi quá yếu so với hắn, như cây sậy so với gộc tre vậy. Tôi vụt lấy vụt để cái ô trong tay lên đầu hắn, hắn rủa một câu rồi một tay nắm chặt tay tôi, một tay bắt đầu sờ soạng tìm thắt lưng của tôi. Tôi thừa dịp kêu to, chỉ được một tiếng, hắn đã bịt miệng tôi bằng miệng hắn. Kinh tởm! Mọi việc chỉ diễn ra trong vòng mấy giây, đầu óc tôi quay như chong chóng. Dường như tay hắn đã chạm tới eo tôi thì hắn bỗng ngã ra, ôm đầu lăn lóc dưới đất. Tôi vẫn đang đờ người thì một bàn tay nóng hổi kéo tôi ra.

-Chạy!

Tiếng hét làm tôi như tỉnh mộng, tôi chạy, chạy theo cái bóng trắng tóc xõa tung. Khánh. Sao cô ấy lại ở đây? Cô ấy đã ở đây! Những giọt nước mắt không rơi lúc sợ hãi, mà rơi nhòe mắt khi tôi thấy được an toàn. Hai đứa chạy không biết bao lâu, thì chợt Khánh ngã xuống. Ngã sấp. Bùn đất lấm lem gương mặt, nhuộm sẫm bộ đồ trắng. Không chờ tôi đỡ, Khánh lảo đảo đứng dậy, lấy tay áo quệt bùn trên mặt rồi nói với giọng khản đặc:

-Cậu nghĩ gì mà giờ này mới về? Nhắc bao nhiêu lần rồi, không được ở bên ngoài khi trời tối. Cậu bị ngu à?

Khánh bước đi, và lại ngã một lần nữa. Tôi dìu Khánh dậy, nhận ra người cô ấy đã lả đi. Hai đứa cố lắm mới lê về đến nhà. Trong lòng cảm xúc hỗn độn. Sợ hãi. Giờ mới biết trong bóng tối đáng sợ nhất không phải là ma quỷ. Giờ mới biết cái chạm môi đầu tiên không phải lúc nào cũng ngọt ngào như người ta vẫn kể.

Nến thắp lên, thấy cả hai quần áo đều xộc xệch , ướt bẩn hết cả. Người trước của Khánh toàn bộ đều bẩn, bùn bết cả tóc.

– Cậu lau người đi- Tôi đưa Khánh cái khăn mặt.

Yên lặng. Khánh nằm ra phản, mắt nhắm hờ. Tôi thay đồ rồi bưng thùng nước cùng khăn mặt đến gần giường, đặt đó rồi đi nhóm lửa.

-Xin lỗi- Khánh vẫn nhắm mắt.

-Không. Tớ phải xin lỗi mới đúng. Đáng ra tớ nên nghe lời cậu. Tớ chủ quan quá.

-Nếu thiếu tiền sao không cho tớ biết? Tớ ứng tiền chỗ quản đốc được mà.

-Không phải đâu…

-Còn giấu.

Lửa cùng khói um lên làm tôi cay cả mắt. Tôi quay người ra ho, thì thấy Khánh đang nhìn mình, đôi mắt Khánh dưới ánh nến ngấn lệ, rồi từng giọt rơi xuống má. Lần đầu tiên tôi thấy Khánh khóc. Cả ở nơi cũ hay khi tới đây, Khánh luôn mạnh mẽ, ít ra Khánh luôn tỏ ra như vậy. Hay khói cũng làm cay mắt Khánh như nó đã làm cay mắt tôi bây giờ? Chẳng hiểu sao tôi đến bên Khánh ôm chầm lấy cô ấy, giụi đầu vào mái tóc Khánh, cả hai đứa cùng khóc. Lúc đầu chỉ âm thầm rơi nươc mắt, sau đó cả hai òa lên thành tiếng. Dường như bao nhiêu lo lắng, khổ sở, gánh nặng mưu sinh cùng với sợ sợ hãi khi tới đây đều được xả ra một lượt, không còn cố gắng chịu đựng nữa. Cảm nhận Khánh cũng bấu vai tôi thật chặt, lồng ngực cũng nức nở, hai trái tim lần đầu tiên chia sẻ nhau sự buồn phiền.

Chúng tôi cứ thế hồi lâu. Lửa mới được nhóm lên đã tắt ngúm từ lúc nào. Khi tôi nhóm lại lửa là lúc Khánh lau người, thay đồ. Khánh khẽ thở dài:

-Tóc cậu…

-À. Tớ bán rồi. Người ta mua làm phất trần thì phải.

-Cắt ngang lưng cũng bán được rồi mà.

-Cắt đến đây sẽ được thêm hai đồng nữa. Nên tớ đồng ý luôn- Tôi bất giác sờ túm tóc sau gáy.

-Tại tớ…

-Gì đâu. Tóc thôi mà. Nó sẽ dài nhanh thôi. Nói thật khi cắt tớ đã cười đấy. Vì tóc tớ đáng giá hơn cả dây chuyền vàng của cậu.

Ăn xong, tôi lại sắc thuốc. Lần này Khánh uống một hơi, không phải ép buộc gì cả. Tôi đưa Khánh mấy quả táo, Khánh cầm lấy nhai chậm rãi.

-Tớ mua thuốc trong thành. Ở đó người ta khuyễn mãi thêm táo này. Biết thế hôm trước tớ mua trong thành có phải hơn không.

-Xì…

-Cậu vốn hảo ngọt mà.

-Ừm. Mà hôm qua là lần duy nhất tớ đổ thuốc. Thật đấy.

-Tớ biết mà.

-Thực ra tớ nghĩ tớ đã khỏe hơn một chút khi xông lá. Mùi thuốc làm tớ phát bệnh.

-Tớ cũng thấy thế. Hì hì.

-Vậy còn bắt tớ uống.

-Không uống làm sao khỏe được.

-…

Lúc sáu giờ không thấy tôi về, Khánh đã lo lắng chạy đi tìm. May mắn ngồi nhờ được xe ngựa, Khánh định chạy tới quán ăn hỏi thăm thì thấy tôi đang chạy ra khỏi thành. Khánh đuổi theo nhưng do đang mệt nên không theo kịp, giọng khản nên gọi tôi không nghe thấy, nhưng tôi vẫn trong tầm mắt của Khánh nên cô ấy không gắng theo kịp nữa. Lúc tôi bị tên đó kéo vào lùm cây, tìm được tảng đá ven đường, Khánh táng mạnh vào đầu hắn. Không biết hắn ta giờ ra sao, nhưng Khánh đang yếu, chắc không đủ làm hắn chết. Đêm đó chúng tôi nói với nhau nhiều như chưa bao giờ được nói.

-Tớ sẽ dạy cậu cách phòng thân. Lẽ ra tớ phải nghĩ tới điều này từ khi cậu gặp chuyện trong thành rồi.

-Ừ.

-Đổi lại cậu dạy tớ cách massage. Tớ cũng sẽ massage cho cậu. Nói trước là học võ cực khổ lắm, không đơn giản đâu. Cậu cứ chuẩn bị tinh thần đau nhức toàn thân đi.

-Chưa gì cậu đã nói thế rồi…

Đã hơn một tháng ở đây và cuộc chiến phía Bắc không có dấu hiệu dừng. Nhưng lần đầu tiên kể từ khi đến đây tôi cảm thấy lòng mình thực sự yên ổn. Ở đây tôi đã có thêm một người thân nữa. Nhà không có cửa sổ, nhưng ánh trăng vẫn lọt qua vách nhà. Trăng có thấy hai đứa con gái một tóc ngắn cũn cỡn, một tóc dài xõa gối đang ôm nhau ngủ ngon lành.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN