Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường - Chương 6: Một Cây Đàn
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
124


Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường


Chương 6: Một Cây Đàn


Cô ấy múa thật giống như một con bướm trắng nhẹ nhàng lướt giữa những đài hoa, những dải lụa như sống, lúc mềm mại uốn lượn, lúc như mũi tên xé không gian. Mái tóc đen dài quá thắt lưng được thả tự nhiên, trông như một dòng suối đen tuyền chảy xuống hai bờ vai. Tiên nữ! Khánh đã thốt lên như vậy, mắt vẫn nhìn đăm đăm vào dáng hình uyển chuyển trên sân khấu. Quả thật nói thế cũng không sai. Dưới đôi lông mày như vẽ là đôi mắt phượng, ánh mắt mơ hồ như sương khói. Cô ấy không đẹp kiểu nhìn vào có thể yêu ngay, vì vẻ đẹp ấy cao xa quá, người ta chỉ dám ngưỡng vọng mà thôi. Khi Ngọc Điệp dừng lại, lui vào trong, người ta vẫn chìm trong sự mơ màng, để mãi một lúc sau, tiếng vỗ tay vang như sấm dậy.

Tám tiếng kẻng, tức là bốn giờ chiều. Khánh và tôi đi từ lúc ba giờ, mãi bốn giờ kém mới tới nơi, vì trà quán này nằm khá sâu trong thành. Càng đi càng nhận ra, hóa ra nơi mà lâu nay mình vẫn tưởng là kinh thành vốn mới chỉ là lớp bọc ngoài bụi bặm. Càng vào trong càng thấy nhiều công trình đồ sộ và đẹp, con người nhìn cũng sang trọng hơn. Tôi cũng hơi ngần ngại vì cả hai trông cứ như ăn mày giữa những người ăn mặc sang trọng. Quả nhiên khi tôi vào thì bị chặn lại, nhưng khi đưa chiếc khăn tay ra, người ta lập tức cho chúng tôi vào, lại có người dẫn đi. Vừa may kịp được chứng kiến điệu múa đẹp tới nhường ấy. Tôi thì thầm hỏi Khánh:

-Có phải cô ấy không?

-Dáng người thì cũng giống. Còn mặt thì tớ đã nhìn đâu. Nhưng cô gái vừa nãy đẹp quá sức tưởng tượng.

-Chắc là đúng rồi. Vì còn lý do nào nữa đâu. Cậu giới thiệu người ta đến thuê vẽ chỗ tớ thật đấy à?

-Thật. Tớ cũng tranh thủ quảng cáo cho cậu thôi. Ai ngờ…

-Hì hì. Chắc người ta để ý cậu rồi.

-Không đâu. Tớ có nói chuyện mà. Với lại hôm đó tớ không bó ngực. Tớ không cần cô ấy trả ơn. Nhưng nếu không đến gặp thì thất lễ quá. Lát nữa cô ấy có ngỏ ý thì tớ sẽ từ chối.

Khánh vừa dứt lời thì người phụ nữ phía trước dừng lại, chúng tôi cũng đã leo được khoảng ba, bốn vòng cầu thang. Người phụ nữ gõ cửa hai tiếng, rồi bỏ đi không nói một lời. Trong có tiếng nói dịu dàng vọng ra :

-Mời vào.

Khánh đẩy cửa bước vào trước, tôi đi sau. Căn phòng rất đẹp, đồ đạc đều tinh xảo, không khó nhận ra nhiều thứ được khảm ngà hay đá quý. Ngọc Điệp đang ngồi cạnh chiếc bàn kê bên cửa sổ, từ đó có thể nhìn ra một khoảng rộng lớn của kinh thành. Gió lùa vào từ cửa sổ, khiến mấy sợi tóc vờn nét cằm thanh mảnh. Hương thơm ùa tới chỗ tôi, thoang thoảng dễ chịu. Tôi đơ mất một lúc khi cô ấy nở nụ cười.

-Hóa ra người giúp tôi là một mỹ nhân.

-Thật không xứng với hai từ này- Khánh mỉm cười tiến đến- Không ngờ người tôi giúp lại là một mỹ nhân.

Tôi cũng từ từ tiến lại, cúi đầu chào.

-Đây hẳn là họa sĩ Hoàng Lan mà tiểu thư đây đã giới thiệu. Mời hai người ngồi.

Khánh ngồi xuống cạnh cô ấy, còn tôi ngồi cạnh Khánh. Ngọc Điệp tay rót trà, mắt nhìn hai chúng tôi.

-Không biết quý danh của tiểu thư?

-Tôi họ Bùi tên Khánh. Tôi cũng không phải là tiểu thư gì, chỉ là dân tới đây lánh nạn. Chỉ cần xưng tên tôi là được.

-Tôi biết- Điệp mỉm cười vén tay áo, đặt trước mặt hai chúng tôi mỗi đứa một ly trà- Vậy hai người cũng hãy gọi tôi là Điệp.

Hóa ra mùi thơm mà tôi ngửi thấy chính là mùi của trà này, có cả mùi ngòn ngọt tỏa ra từ cô ấy. Ngọc Điệp nhìn sang tôi :

-Không giấu gì, tôi đã cho người tới vẽ ở chỗ cô một bức. Tôi chỉ có thể nói một từ lạ. Chất liệu vẽ, tôi cứ tưởng là than, nhưng nó không dễ nhòe mờ như than.

-Chỗ tôi gọi nó là than chì- Tôi vẫn không dám xưng tên.

-Lạ thứ hai là ở cách vẽ. Thay vì lựa chọn những nét chính cô lại đưa tất cả vào, kể cả những chi tiết nhỏ nhất. Họa sĩ kinh thành ít dùng lối vẽ này. Tôi không khẳng định là đẹp. Còn cái giá, thực sự rất rẻ.

-Vâng. Thật hổ thẹn. Tôi vốn chỉ là một tay nghiệp dư mong kiếm chút tiền.

Tôi cười ái ngại. Tôi có thể thấy bức tranh vẽ hoa mai trong phòng này. Nó là một tác phẩm tuyệt vời, có lẽ chỉ xếp sau điệu múa của cô ấy. Cành mai trông thật lạ, vừa mờ ảo, vừa rõ nét, nếu không vì sợ thất lễ tôi đã tới thật gần để sờ thử. Khánh nhấp một ngụm trà, nhìn Ngọc Điệp. Thấy ánh mắt hướng về phía mình, Khánh cười rồi lên tiếng :

-Không biết ý tiểu thư khen chê thế nào. Tôi thấy Lan thực sự vẽ rất đẹp. Nhưng cô ấy bị giới hạn nhiều mặt. Cô ấy không thư thả uống trà rồi vẽ khi cảm hứng đến. Cô ấy phải kiếm tiền, cho cả hai chúng tôi. Tôi muốn hỏi : tiểu thư mời chúng tôi tới đây có việc gì?

-Tôi muốn Lan vẽ tôi- Ngọc Điệp mỉm cười.

-Nếu thực sự tiểu thư thấy không thích, đừng vì lời giới thiệu của tôi mà ép mình. Lan thực sự không thiếu khách- Khánh hơi nhíu mày.

-Tôi không nói là không thích- Điệp buông ly trà xuống- Tôi là một khách hàng công bằng. Hãy vẽ tôi, tôi sẽ trả cái giá đúng nhất. Nhưng tôi muốn mình đặc biệt. Đừng vẽ tôi như bao người khác. Lan, cô đồng ý chứ?

-Đồng ý!

Tất nhiên là ngàn lần đồng ý. Một người mẫu đẹp hiếm có như thế, có ai không muốn vẽ một lần? Và một kẻ nghiệp dư như tôi, lẽ nào không muốn nghe một lời đánh giá có giá trị? Có mơ cũng không ngờ rằng được người như Ngọc Điệp thuê vẽ.

-Về giấy và đồ vẽ, nếu cô cần thì cứ chọn trong quán Thủy Linh ở gần đây. Cứ đưa cái khăn cho chủ quán và chọn những gì cần thiết. Tôi sẽ chi trả.

-Như vậy liệu có…

-Tôi sẽ trả công vẽ thôi.

-Được.

Tôi gật nhẹ đầu. Nét mặt Khánh vui trở lại, Khánh lại nhìn Điệp không chớp mắt. Chưa bao giờ tôi thấy cô ấy ngưỡng mộ ai, thế mà bấy giờ lại thể hiện lộ liễu như thế. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, người phụ nữ lúc nãy mở cửa bước vào:

-Công tử Nguyễn Hưu lại tới. Đang làm loạn. Bảo nếu không gặp được cô thì không về.

-Đuổi về. Lần này hãy đánh thật sự. Đây đâu phải tửu quán để mượn rượu làm loạn. Lần sau đừng để hắn vào.

-Nhưng…tôi sợ các đại nhân sẽ hoảng sợ.

-Đây là trường hợp đầu tiên hay sao?

-Vâng…

Người phụ nữ đó lui ra. Điệp lại quay sang chúng tôi, điềm nhiên như không. Riêng Khánh lại rất tò mò:

-Cho tôi hỏi xảy ra chuyện gì được không?

-Người quen thôi. Cái kẻ làm phiền tôi hôm đó và Nguyễn Hưu vừa được nhắc tới là một người.

-Là tên đê tiện đó? Tai sao hắn lại dám làm phiền cô như vậy?

-Hắn là người nhà Nguyễn gia. Có thể hai cô ở xa tới không biết, ba năm trở lại đây Nguyễn gia trở thành một trong những gia tộc lớn mạnh nhất cả Lương Yên. Những người đứng đầu Nguyễn gia đang làm quan lớn trong triều, nhưng lý do họ lớn mạnh lại là buôn bán. Vì thế mới có những kẻ không hiểu lễ nghĩa như thế mà được đứng vào hàng quý tộc.

-…

-Kẻ tên Nguyễn Hưu này vốn ở vùng biên giới, quản lý giao thương giữa nước Hồ với Lương Yên. Hắn mới về kinh thành được năm ngày. Hắn gặp tôi ở hoa lâu, lập tức đòi cưới, lôi cả gia thế ra. Tuy nhiên hắn không thể một tay che trời, họ Nguyễn cũng không phải không có người hiểu lý lẽ. Hôm trước tôi muốn một mình đi gặp người quen, ai ngờ hắn theo đuôi. May mà có cô giúp, nếu không cũng phiền phức với hắn.

-Đúng là cóc đòi ăn thịt thiên nga. Nhưng như thế rất ảnh hưởng tới tiểu thư. Đâu thể để như vậy?

-Cô đừng lo. Chuyện này tôi đã cho người báo với Nguyễn Quang. Chắc sẽ sớm được giải quyết. Hắn tới náo loạn ở Thanh Hương, Nguyễn gia thể nào cũng sẽ bị chê cười. Chiều nay nhiều quan gia tới đây. Thôi, đừng quan tâm nữa. Tôi để ý ngón tay của cô. Hẳn cô biết chơi đàn. Nếu muốn vào đây tôi có thể giới thiệu.

-Nói ra sợ cô chê cười. Tôi cũng chỉ chơi cho vui, cũng không chơi được loại đàn ở đây. Tuyển vào Thanh Hương thì tôi lại càng không có ý định.

-Vậy sao? Thật đáng tiếc…

Cả ba nói chuyện được tầm mười phút, sau đó Ngọc Điệp cho người dẫn chúng tôi ra khỏi quán. Ở một nơi thế này, những kẻ ăn mặc như hai đứa tôi không khỏi khiến có những ánh mắt tò mò. Ra tới đường, Khánh nói:

-Mai chúng mình nên mua một bộ đồ mới cho cậu. Cậu là họa sĩ, cũng nên tươm tất một chút, như thế khách tin tưởng hơn. Sáng mai đi luôn nhé?

-Không…Không cần đâu. Tớ thấy thế này cũng được mà. Mình nên để dành tiền- Tôi xua tay.

-Không cấn quá mức như thế. Bọn mình dành dụm tiền cũng để sống thôi. Nhất định thời gian tới, tin Ngọc Điệp nhờ cậu vẽ sẽ loan khắp nới, thể nào cũng sẽ có nhiều người tìm đến. Nên đừng lo.

-Vậy thì chờ đến lúc đó đi.

-Được rồi. Chịu cậu luôn. Không phải nghe lời tớ quá như thế đâu.

Khánh ngó quanh tìm quán Thủy Linh theo ký tự mà Ngọc Điệp đã viết. Còn tôi thì thở phào trong lòng. Nếu đi mua áo thì chỉ e là không đủ tiền mua đàn nữa.

Cái quán nhỏ hơn chúng tôi nghĩ, so với những ngôi nhà đồ sộ ở khu này thì trông nó như lọt thỏm một góc đường, cổ kính và thanh nhã. Đưa cái khăn thêu ra, chủ quán- là một ông lão- niềm nở dẫn chúng tôi vào. Tôi thật sự rất ngạc nhiên. Trông bên trong không khác là bao với của hàng bán họa phẩm hiện đại. Các loại bút lông được xếp và phân loại trên nhiều giá; giấy cũng có trơn, nhám, các khổ riêng; khung vẽ, bảng vẽ, và màu vẽ các loại bày la liệt. Tôi xin phép, rồi bôi bôi quệt quệt một đống thời gian. Cuối cùng tôi cũng thử tới một loại đựng trong các hộp, giống hệt màu nước, chỉ là màu không đa dạng bằng. Tôi quyết định chọn loại này. Không dại gì không sử dụng sở trường của mình. Chỉ là lòng tôi vẫn còn một thắc mắc.

Ra khỏi thành, tôi thở dài.

-Thế nào? Cậu bị áp lực à? Không sao đâu, cậu cứ vẽ như bình thường là được.

-Không phải đâu. Cậu thấy Ngọc Điệp thế nào?

-Tuyệt. Nghe qua đã thấy rất thích cô ấy. Gặp được rồi thấy còn hơn cả những gì mình tưởng tượng. Cậu nói xem, một cô gái cả đám đàn ông quyền thế cầu cũng không được, lại ở thế giới này. Thật lạ lùng.

-Cậu biết tớ nghĩ gì không? Khi nhìn cậu và cô ấy ngồi cùng nhau, tớ nghĩ rằng, nếu cậu mặc bộ đồ của cô ấy, thì sẽ đẹp hơn cả cô ấy.

Khánh dù đang cầm một mớ đồ lỉnh kỉnh cũng với tay lên cốc tôi một cái rõ đau. Thói quen này hình thành từ khi dạy võ cho tôi. Tôi mà kịp tiến bộ chắc cũng bị cô ấy làm cho ngu đi rồi.

-Cậu lố rồi đấy. Cậu mà khen tớ một lần như thế này nữa thì thành kẻ nịnh nọt đấy, tớ cũng không tin được lời cậu khen nữa đâu.

-Tớ không phải là khen cậu. Tớ định chia sẻ một chút thôi. Vì tớ không biết ngày mai vẽ Ngọc Điệp như thế nào cho đúng.

-Được rồi. Cậu nói xem.

-Khi hai người nói chuyện, tớ đã hình dung vẽ cô ấy thế nào. Tớ nhìn cô ấy để có cảm nhận cá nhân. Tớ sẽ nói tất cả những gì tớ cảm nhận được. Cô ấy cười không do vui, cũng không do buồn. Khi cô ấy nói về Nguyễn Hưu cũng không có ý tức giận hay mỉa mai. Ánh mắt cô ấy khi trên sân khấu khác xa hoàn toàn so với lúc ngồi cùng chúng ta. Hoàn toàn vô cảm. Cậu nói cô ấy đẹp như tạc tượng, lúc đó tớ chỉ thấy quả thật cô ấy là tượng, một con búp bê. Ngồi gần một người sinh động như cậu, điều đó càng dễ thấy. Cô ấy như đã chết từ bên trong, nó khác hẳn với điều mà tớ thấy khi ý định vẽ cô ấy chưa nhen nhóm.

-…

-Thế thôi. Nên tớ đang phân vân, không biết nên vẽ một Ngọc Điêp ai cũng thấy được, hay một Ngọc Điệp mà tớ đã nhận ra?

Khánh trầm ngâm một lúc, nhìn sang tôi, rồi lại ngước nhìn trời. Khoảng trời chiều xanh xanh nhuộm chút vàng, nhìn từ góc này thấy nó rộng lớn quá.

-Từ khi nào cậu học được việc nhìn người đoán ý thế? Trước giờ tớ thấy cậu gặp ai cũng gật đầu khen tốt cơ mà?

-Không phải. Chỉ là khi muốn vẽ ai đó, tờ thường đoán biết một chút qua cử chỉ, ánh mắt, cả lời nói để tranh chân thực hơn, đúng hơn. Tớ cũng không biết là đúng hay sai. Chỉ là cảm nhận riêng, như khi cậu định đánh đàn ấy, chắc cậu cũng có lúc phiêu một chút chứ?

-Rồi- Khánh thở hắt ra-Tớ không nói là đồng tình hay không đồng tình với lời nói của cậu Tớ có ý này. Cậu đã bao giờ cảm nhận về tớ theo cách đó chưa? Cậu cũng từng vẽ tớ mà. Cậu hãy nói ra đi. Rồi tớ sẽ quyết định giúp cậu.

Khánh à? Tôi đã từng cố vẽ cô ấy không biết bao lần trong trí tưởng tượng, vẽ cái hình ảnh cô ấy ngồi ôm đàn bên cửa sổ. Tôi thấy sao à? Sự khoáng đạt tự do của một nghệ sĩ. Có đôi chút ương ngạnh trong nét môi. Thỉnh thoảng cau mày tức giận. Và rõ nhất là nỗi buồn. Nó xuyên suốt từ lúc Khánh bắt đầu dạo đàn cho tới khi kết thúc. Nó làm gương mặt Khánh dịu dàng lạ lùng, nó khiến hàng mi dày cụp xuống rợp ánh mắt. Hình ảnh đó khiến tôi mơ màng theo. Nhiều lúc tôi muốn hỏi rằng: lý do gì khi chơi đàn cậu lại buồn thế? Hay thường ngày cậu vẫn buồn, tại tớ không thấy được mà thôi?

Tôi nói lan man. Còn Khánh yên lặng lắng nghe. Tới khi tôi nói xong, Khánh cúi nhìn tôi, ánh mắt có chút ngạc nhiên, có chút xa xăm.

-Cậu hãy vẽ như những gì ngày mai cậu cảm nhận thấy. Dù thế nào, hãy trung thực với cảm xúc của mình. Còn có đúng hay không, cô ấy sẽ tự quyết định.

Tôi gật đầu.

***

Tôi đếm lại tiền. Theo tính toán thì chỉ cần hôm nay được ba đồng là đủ mua đàn. Nhưng cũng cần thêm vài đồng nữa mới đủ cho việc dự định tổ chức sinh nhật cho Khánh. Sáng nay tôi vẫn làm việc như bình thường. Buổi chiều tới chỗ Ngọc Điệp.

Hôm nay tôi đi một mình. Nghe nói ngày mai lễ hội, hàng chuyển về nhiều, tiền chuyển cũng cao hơn mọi ngày. Ông quản đốc nhận dỡ theo từng thuyền, dỡ xong thì nhận tiền. Những ngày này dễ kiếm tiền hơn những ngày khác, chuyển được càng nhiều lại càng lời. Khánh muốn ra bến giúp ông quản đốc một tay. Vậy cũng tốt. Tôi đỡ phải viện cớ để đi mua đàn, rồi lại giấu để cô ấy không phát hiện ra.

Vào quán, mọi người xúm lại, kẻ nghi ngờ, người kinh ngạc khi nghe tôi nôi nói được Ngọc Điệp mời vẽ. Chỉ khi tôi đưa khăn ra, mở những hộp màu khảm xà cừ, mọi người mới tin hết. Cũng do thế mà tôi biết giá của những bộ màu này. Tôi choáng. Mười lăm đồng cho bảy hộp màu vẽ. Còn tranh của tôi, liệu có đáng vài đồng hay không?

Hôm nay là ngày cuối cùng chuẩn bị cho lễ rước thần. Buổi sáng có mỗi một người tới nhờ tôi vẽ, được một đồng. Rảnh rỗi, tôi ra cùng mọi người dán giấy, treo đèn chuẩn bị cho việc nhận lửa và nước. Vui thật. Trên đường tôi đi, mọi thứ cũng náo nhiệt hơn hẳn mấy ngày trước, ngươi ta bày bán trên đường đủ thứ rực rỡ. Nếu Khánh vào thành hôm nay thì hay, cảnh sắc này giống như cả thành đang mừng sinh nhật cho cô ấy vậy. Không biết Khánh có buồn không? Hôm nay tôi không có biểu hiện gì là nhận ra ngày sinh của cô ấy. Tối nay nhất định Khánh sẽ bất ngờ.

Tôi được dẫn vào y như hôm qua. Lần này, trên sân khấu, một cô gái cũng rất xinh đẹp đang chơi đàn. Tiếng đàn rất hay. Tôi cứ lắng nghe mãi cho tới khi vào phòng Ngọc Điệp. Chúng tôi gần như chỉ chào hỏi, rồi tôi bắt tay ngay vào việc. Cô ấy hôm nay không trang điểm, trông còn đẹp hơn hôm qua. Nét đẹp thuần khiết như pha lê. Cô mặc bộ đồ màu xanh dương nhạt với những họa tiết dây leo xanh lá. Ngọc Điệp có chiều cao tương đương với Khánh, nhưng mảnh mai hơn, trông yếu đuối hơn rất nhiều. Tôi bảo cô ấy dựa vào bên cửa sổ, như thế ánh mắt trông giống lơ đãng hơn là vô cảm. Ngoài cửa sổ có vài áng mây. Cô ấy dường như cũng là một trong số đó, phiêu du trên nền trời.

Kết thúc. Từng mảng màu ướt nhàn nhạt đã kịp khô, tôi mang ra phía cửa sổ để bức tranh hứng lấy ánh sáng. Bản thân tôi thấy hài lòng. Còn Ngọc Điệp, sau một lúc ngắm nhìn thì nhìn qua tôi mỉm cười:

-Kỹ năng chưa phải là tốt nhất. Nhưng cô có thứ mà nhiều người không có, đó là đôi mắt.

Cô ấy lui vào phía trong một lúc, lát sau đưa ra một túi lụa. Bên trong đựng tiền. Qua lần lụa, tôi có thể đếm được là sáu hay bảy đồng gì đó.

-Đây là giá trị của những nét vẽ của cô, không phải giá trị của bức tranh. Cô hiểu chứ?

-Tôi hiểu. Giấy và màu đều là do tiểu thư bỏ ra. Tiểu thư đã trả giá rất cao cho chút sức mọn của tôi rồi.

Cô ấy lắc nhẹ đầu, nhưng không nói gì, lại nhìn mình trong tranh một lần nữa.

-Cô hãy viết tên mình vào, sau đó có thể theo người ra ngoài.

-Tôi không biết chữ. Tiểu thư có thể viết giúp tôi được không?

-Cô thật lạ. Tôi cứ nghĩ ai cũng học viết trước học vẽ. Còn về phần viết thay, e là không được. Mỗi người có một nét chữ. Không ít người nhận ra chữ của tôi.

-Vậy…

Tôi không biết làm thế nào. Trước giờ toàn Liên giúp tôi ghi tên, bây giờ cô ấy lại không có ở đây.

-Cô tên Hoàng Lan? Hãy vẽ một đóa Hoàng Lan phía dưới bức tranh. Nhiều người vẫn dùng cách này.

Tôi gật đầu, lập tức lấy bút vẽ bông hoàng lan nhỏ phía dưới nếp váy màu xanh. Nếu chú ý sẽ nhận ra ngay. Xong xuôi, tôi dọn màu để lại trên bàn. Cô ấy bảo tôi hãy mang đi vứt, tôi không kìm được nói một tiếng ’ Sao?’ rõ to. Những hộp màu đăt tiền như thế đâu thể vứt được, mới dùng có một chút, tôi cẩn thận cho vào túi vải mang về dùng.

Ra tới cửa phòng, tôi vô thức ngoái lại. Cô ấy vẫn ngồi bên bàn thưởng trà. Có một thắc mắc lớn trong lòng tôi, đó là tại sao nụ cười và ánh mắt cô ấy lại như thế? Một người con gái bất cứ ai cũng ngưỡng mộ, lại như một cái xác vô hồn? Hay là tôi thật sự sai rồi? Hay chỉ khi đứng với người không cùng địa vị, cô ấy mới như thế? Môi tôi muốn nói, nhưng chân tôi bước đi. Nếu nụ cười cô ấy đầy niềm vui, hay thậm chí là nhuốm buồn thì tôi cô ấy có lẽ sẽ đẹp hơn Khánh.

Trời chiều. Dòng người nhộn nhịp, còn đầu tôi nghĩ vẩn vơ. Ngọc Điệp nói rằng tôi có ’đôi mắt’, giống câu nói của ông ngoại tôi. Tôi không thực sự hiểu lắm, có thể ý hai người khen tôi tinh tường. Năm lớp bảy, do vùi đầu vào học, tôi cận thị. Sợ ông buồn vì ’đôi mắt’ ông khen ngợi đã hỏng, tôi đã không bao giờ dám bỏ kính ra.

Chợt nhớ tới túi tiền, tôi loay hoay mở ra. Quả nhiên là bảy đồng, nhưng dủ làm tôi há hốc miệng vì kinh ngạc. Hai trong số đó là vàng, một đồng vàng bằng mười đồng bạc, có nghĩa là tôi được nhận hai lăm đồng bạc. Con số quá lớn, tôi phải dụi mắt hai lần nhìn cho rõ. Lòng tôi hớn hở, cố kìm để không phải nhảy chân sáo trên đường. Tổng cộng tôi đang cầm bốn mươi đồng, quá thừa cho ngày hôm nay. Tôi rẽ ngay vào quán bánh trứng tôi mới nhìn thấy hôm qua. Tôi đã hỏi qua Liên, năm xu một cái. Quả là cái giá trên trời đối với người lao động nghèo. Nhưng hôm nay là sinh nhật, không thể thiếu, vả lại tôi đang có nhiều tiền.

Khi tôi ngó vào, người bán bánh trẻ tuổi đã xua xua ra tỏ ý đuổi. Tôi hiểu, chìa ngay ra một đồng anh ta mới cho vào. Tôi chỉ hai cái bánh trong hộp, anh ta nhanh chóng gói lại cho tôi, tôi nhận lấy rồi bước ra:

-Này, đưa tiền đã. Hai cái giá một đồng.

-Ơ. Lúc nãy tôi đưa cho anh rồi mà?

-Lúc nào? Cô vào lấy bánh rồi ra chứ đã đưa tiền cho tôi đâu. Không có tiền thì trả bánh rồi biến!

Tôi lặng người. Anh ta sừng sộ như tôi là kẻ ăn cắp, khiến người qua đường cũng nhìn tôi trề môi. Tôi muốn phân bua mà nghẹn ứ cả họng.

-Có chuyện gì thế?

-Ông chủ, cô ta vào mua bánh mà không trả tiền, lại còn bảo tôi lấy tiền rồi. Không ngờ có người trơ trẽn đến thế. Nhìn ăn mặc đã thấy là hạng mạt rệp rồi.

Hắn ta còn khua môi thêm mấy câu, những câu đó đáng ra tôi dành cho hắn mới phải. Hắn toan tới giằng bánh khỏi tay tôi, tôi mở túi lấy một đồng quăng vào mặt hắn, rồi đi ngay khỏi quán. Bao niềm hân hoan khi bước vào biến mất sạch. Thấy tôi có vẻ ngoài khốn khó, chắc hắn muốn kiếm chác chút ít. Tôi vốn không phải là đứa giỏi trong xử lý mấy chuyện này. Không tiếc tiền. Chỉ là buồn.

Tôi cố dỗ lòng nguôi ngoai. Hôm nay nên vui vẻ mới đúng. Bước vào quán, ông chủ nhận ngay ra tôi.

-Cô đây rồi. Lúc chiều có người trả cây đàn đó hơn cô ba đồng. Nếu hôm nay cô không đến tôi sẽ bán cho người đó đấy.

-Cảm ơn ông chủ. Ông tốt quá.

-Không cần. Làm ăn phải uy tín chứ.

Tôi đến ngay chỗ để cây đàn, vuốt nhẹ nó, lòng thấy thoải mái hơn nhiều. Định nâng nó lên thì tôi để ý thấy cạnh nó có một cây đàn khác. Đàn còn mới, những vân gỗ rất đẹp. Nhưng điều khiến tôi chú ý là thân đàn được khảm những bông hoa vàng rực tuyệt đẹp.

-Ông chủ, đây có phải hoa hướng dương không?

-Hướng dương? Có thể lắm. Phía nam người ta gọi là hoa mặt trời.

Tôi nhìn cây đàn không rời mắt. Nó rất hợp với Khánh. Tưởng tượng tới hình ảnh Khánh ngồi bên cây đàn này đã đủ làm tôi háo hức. Tôi mân mê cánh hoa bóng mịn, cả nếp gỗ còn thơm.

-Cây này bao nhiêu ạ?

-Năm mươi đồng chẵn. Nhị hoa được khảm bằng vàng đấy.

-Tôi còn ba tám đồng, thêm hôm trước mười đồng nữa. Tôi không lấy cây cũ nữa. Ông có thể bán rẻ cho tôi không?

-Đây là nơi bán đàn chứ không phải thịt cá. Tôi bán đàn theo giá trị đúng của nó, một xu cũng không bớt. Nếu cô đủ tiền thì mua. Với số tiền đó, cô có thể mua một cây khác đủ tốt.

Tôi chần chừ, lại đi một vòng quán. Không còn cây đàn nào họa tiết như thế nữa. Cũng bốn rưỡi chiều rồi, sắp tới lúc tôi phải về, về muộn Khánh sẽ lo lắng.

-Ông chủ, hay là ông cứ bán cho tôi. Ngày mai tôi sẽ đưa nốt tiền?

-Nếu thế thì mai cô tới lấy.

-Hôm nay tôi đã cần rồi. Hay tôi có bộ màu này cũng rất giá trị. Tôi để lại đây, mai tôi tới chuộc.

Tôi đưa bộ hộp màu ra, mở từng họp cho ông ấy thấy.

-Cô là họa sĩ à ?

-Vâng.

-Vậy thế này đi. Vẽ cho tôi một cây đàn. Tôi sẽ bán với giá ấy cho cô.

Ông ta vào phía trong, lúc lâu sau mang ra một cái bọc lụa thêu chỉ vàng. Ông ta mở ra, tôi thấy một cây đàn có dáng khá lạ, có một phần khuyết vào chứ không nguyên khối như những cây đàn khác. Trên thân nó không khảm bất cứ thứ gì, tôi cũng không phải chuyên gia để nhìn vân gỗ mà đoán giá trị. Nhưng nhìn cái cách mà ông ấy cẩn thận nâng niu tôi đã biết nó quý giá tới mức nào.

-Hãy vẽ nó.

-Trông rất đơn giản.

-Không phải tuyệt đẹp sao ? Hãy nhìn cái lấp lánh ánh lên trong từng thớ gỗ. Và dây đàn, nó là bộ dây độc nhất vô nhị đấy. Nó là cây đàn quý nhất trong quán này. Cô cả đời dành tiền e là cũng không mua được.

-Ông có thể gảy một khúc không ? Có lẽ tôi sẽ hiểu được. Tôi sợ chỉ cứ vẽ thế này, vào tranh nó sẽ rất tầm thường.

-Không được. Lỡ đứt dây thì sao ? Ai sẽ đền cho tôi. Nếu cô không vẽ thì hãy về đi – Ông ấy toan cất đàn.

-Tôi vẽ. Nhưng tôi nghĩ cây đàn chỉ có giá trị khi được người ta gảy. Nếu cất như thế, dù có tốt mấy thì cũng có ý nghĩa gì ?

Ông ấy nheo mắt nhìn tôi một lúc, rồi không hiểu sao lại ngồi xuống ghế, đặt đàn lên bàn và bắt đầu gảy. Mọi thứ xung quanh như im lặng hết, chỉ còn tiếng đàn. Âm thanh trong vắt, thanh khiết không một chút tạp. Một khúc nhạc không quá nhiều tiết tấu, nhưng nó đủ tôn âm sắc cây đàn. Cái lấp lánh trong gỗ tôi cũng đã thấy, nó dường như ánh theo điệu nhạc.

Tôi vẽ. Tất cả những gì của cây đàn này, đó là sự đơn giản mà tinh tế tới không ngờ. Tôi cũng không mất qua nhiều thời gian. Vẽ xong bông hoa hoàng lan, tôi giao tranh cho ông chủ. Ông ấy nhìn một lúc rồi cười cười gật đầu, giao cây đàn hướng dương và túi bọc đàn cho tôi. Tôi mang mọi thứ, đi vội về. Đã năm giờ mười lăm. Nếu về không đúng sáu giờ, Khánh sẽ tìm tôi mất.

Trên đường về, điều thấy rõ nhất là rất nhiều người và xe hướng về thành, khác hẳn sự vắng vẻ mọi ngày. Nhiều người cách ăn mặc cũng không giống ở đây, chắc là người vùng khác. Về tới nhà lúc hơn sáu giờ, Khánh không ở nhà, có lẽ vẫn đang ngoài bến, cũng có thể đẩy xe vào thành chưa về. Tôi bỏ đàn xuống gầm phản, rồi chuẩn bị vo gạo nấu cơm. Tôi quên mất phải mua thức ăn, đã hết tiền, cũng chẳng kịp rẽ qua quán ăn của bà chủ. Tôi đành rang chút muối ăn tạm. Xong hết việc, tôi ngồi chờ.

Dự định của tôi là thế này : để hai chiếc bánh lên đĩa, chỉ chờ Khánh vào nhà là thắp nến lên và hát bài hát sinh nhật. Khánh sẽ thổi nến. Trong lúc thắp nến lại, tôi lôi cây đàn dưới gầm phản ra, cho Khánh mở túi. Tôi đi quanh quanh, vừa hát lẩm nhẩm, vừa ngóng Khánh. Nhưng tôi bắt đầu sốt ruột. Gần bảy giờ Khánh vẫn chưa về. Tôi mấy lần định chạy ra bến, nhưng sợ Khánh về nhà không thấy lại đi tìm, nên chỉ biết loay hoay ở cửa. Lòng tự nhủ chắc cô ấy không sao, mà hai tay cứ xoắn vào với nhau.

Tôi định chạy ra bến thì Khánh về, không phải một mình mà có người dìu. Là Toàn. Tôi hốt hoảng :

-Anh bị thương à ? Có nghiêm trọng không ?

-Tớ không sao đâu. Chỉ bị trặc chân tí thôi.

Khánh nói với tôi, rồi quay qua Toàn:

-Cảm ơn. Làm phiền cậu quá.

-Không có gì.

Tôi đỡ Khánh. Toàn rõ bối rối, tay gãi đầu liên tục, nói xong cũng quay đi luôn. Tôi hơi ngạc nhiên, nhìn sang Khánh chỉ thấy cô ấy gật nhẹ đầu.

Thắp vội nến, tôi soi vội chân cô ấy. Mắt cá chân Khánh tấy đỏ, có vẻ rất đau.

-Không nghiêm trọng lắm đâu. Tớ bảo có thể tự về được, nhưng họ không cho. Đành phải đợi dỡ hàng xong. Chắc cậu rất lo.

-Sao cậu lại bị thế này ?

-Hàng ở trên thành thuyền ai đó để rất chênh vênh, sắp rơi xuống đầu mọi người, tớ chỉ hét mọi người tránh rồi đẩy ông quản đốc ra, vướng cái ống quần nên chân trặc thôi. May mà không ai bị sao. Á…đau.

-Thế này mà bảo không sao. Mai là khỏi đi lễ hội.

-Tớ đảm bảo với cậu mai tớ sẽ đi lại bình thường. Tớ hồi phục nhanh lắm. Hồi mới tập võ chuyện này xảy ra như cơm bữa ấy mà.

-Thôi đi, không khéo bị tật đấy. Mai tớ mua ống dầu xoa cho cậu.

-Không cần. Ông quản đốc cho rồi đây này- Khánh giơ ra trước mặt một cái lọ sành.

-Đưa đây cho tớ.

Tôi cẩm lấy ống dầu rồi xoa nhè nhẹ lên chân Khanh. Quả thật không nghiêm trọng lắm. May mà mọi người cẩn thận cho người đưa cô ấy về, nếu không chắc sẽ bị sưng to hơn.

-Ông quản đốc bảo biết tớ là con gái từ lâu rồi. Ông ấy nói hôm trước cũng khuôn mặt này mặc đồ con gái tới xin việc, chẳng nhẽ ông ấy không nhớ.

-Thế à ?- Tôi chăm chú xoa chỗ bị sưng của Khánh.

-Ừ. Ông ấy nói bến thuyền nhiều loại người, lại toàn đàn ông, phụ nữ làm việc không tiện chứ cũng không phải khinh ghét gì mà không cho tớ làm. Mà cậu hồi chiều vẽ sao rồi? Cô ấy trả giá bao nhiêu ?

-Rất cao.

-Nhưng là bao nhiêu ? Năm đồng ? Hay mười đồng ?

-Vì tớ sẽ tiêu riêng khoản này nên tớ không nói cho cậu biết được.

-Được rồi. Vậy cái gì trên bàn kia ?

Tôi giật mình. Quên khuấy mất chương trình của mình. Tôi lật đật cầm cây nến đến chiếc đĩa đựng hai cái bánh, cắm xuống rồi từ từ lại gần Khánh.

‘ Mừng ngày sinh một đóa hoa

Mừng ngày sinh một khúc ca

Mừng ngày đã sinh cho cuộc đời

Hãy nắm tay cùng hát ca’

-Đáng lẽ ngày này cậu phải bên những người thân thiết để chung vui. Nhưng ở đây tớ chỉ có thể tổ chức cho cậu thế này thôi. Nào, thổi nến đi.

-Ôi trời. Chưa thấy ngọn nến sinh nhật nào lớn thế này. Lớn bằng hai cái bánh mất rồi.

Rõ ràng Khánh đang cười, tôi có lẽ không nhận ra nếu nước mắt không lấp lánh trên má cô ấy. Tôi đặt vội đĩa xuống phản, ngó xuống.

-Cậu sao thế ? Chân đau hơn à ?

-Không phải đâu. Tớ cảm động quá ấy mà. Lâu lắm tớ chưa được ai tổ chức sinh nhật.

-Nếu đau phải nói tớ…

Tôi không hề ngờ tới trường hợp này. Bình thường Khánh đâu dễ khóc thế. Nói không sao mà nước mắt vẫn cứ chảy. Tôi long ngóng không biết làm thế nào, cả thổi nến cũng không được rồi. Chắc nếu lôi cây đàn ra, có thể Khánh sẽ nổi khùng lên, rồi sẽ không khóc nữa. Không hiểu lôi đâu ra cái tư duy ngờ nghệch như thế, tôi lôi luôn cái túi đàn dưới gầm phản ra, cố ý lớn giọng :

-Tèn ten. Tiết mục mở quà sinh nhật. Cậu xem đi.

Khánh khẽ cười, trong tiếng cười có tiếng nấc nhẹ. Cây đàn được lôi ra, gần với ánh nến nên màu vàng nổi bật trên nền gỗ, dây đàn cũng ánh lên tuyệt đẹp. Tôi hít một hơi sâu, nào, cậu mau chất vấn tớ đi. Đừng khóc nữa. Đừng khóc nữa. Đừng…

-Lộp…bộp…

-Ơ…

Thoạt đầu tôi chưa nhận ra tiếng gì, ngỡ là có giọt nước mưa rơi xuống mái tranh, tính nhìn ra ngoài trời. Nhưng rồi thấy có nước đang ngấm dần vào thớ gỗ đàn, những giọt nước từ cằm Khánh chảy xuống.

-Xin…xin lỗi. Tớ…chỉ là…

-Không phải !- Khánh nói trong tiếng nấc.

Tôi sẽ còn lắp bắp không biết giải thích thế nào nếu Khánh không lấy tay níu cổ tôi xuống, ôm lấy tôi mà tiếp tục khóc.

-Tớ…đã bảo…là cảm động quá mà. Đừng…xin lỗi…

Chúng tôi cứ ngồi thế hồi lâu, Khánh cũng dừng khóc. Mắt Khánh vẫn còn hơi đỏ, nhưng khuôn mặt trở lại tươi cười như chưa có gì xảy ra.

-Tớ không nói trong lúc khóc. Thế mà hôm nay phải nói nhiều thế.

-Xin lỗi. Tớ cư tưởng tại tớ hoang phí nên…

Hai bờ vai Khánh lại run run, lòng tôi lại hoang mang không hiểu, tay vỗ nhẹ vai Khánh. Nước mắt Khánh lại chảy, cô ấy nắm chặt lấy tay áo tôi, vai rung mạnh hơn, rồi vài giây sau ngả vào vách cười ngặt nghẽo, mãi một lúc sau mới kìm lại được:

-Xem cậu kìa. Mà cậu moi đâu ra ý nghĩ hài hước thế? Cậu mua đàn, tớ ăn vạ bù lu bù loa. Cậu nghĩ tớ trẻ con thế hả ?

Hóa ra là Khánh đang cười tôi. Tôi nhăn mặt ngồi xuống, vuốt vuốt tay áo.

-Thì lúc đó tớ đâu nghĩ ra lý do gì. Tớ thấy ý nghĩ cậu cảm động tới nỗi khóc còn khó tin hơn.

-Sao lại khó tin ? Rất hợp lý. Hợp lý hơn việc khóc vì tiếc tiền chứ. Nhỉ ?

-Thôi. Không đùa nữa. Cậu nhớ nhà phải không ? Sinh nhật không có bố mẹ bên cạnh, lại còn lưu lạc thế này thì ai cũng chạnh lòng…

-Không phải. Cậu lại đoán mò rồi. Thôi được rồi, tớ nói luôn cho cậu biết, bố mẹ tớ, hai người đó chưa bao giờ có mặt trong tiệc sinh nhật tớ. Tớ còn không biết họ có nhớ là ngày nào không nữa.

-Sao vậy ? Họ rất bận à ?- Tôi ngạc nhiên, tay đang gỡ sáp nến ra khỏi bánh cũng dừng lại.

-Có thể. Nhưng quan trọng hơn là họ không cần tớ. Cậu biết cái tên Bùi Vân Khanh không ?

-Nghe rất quen. Có phải là con gái của ông giám đốc sở giáo dục tỉnh nào đó, vừa rồi đạt huy chương vàng Olympic vật lý quốc tế không ? Thấy báo đưa tin nhiều. Có liên quan gì sao ?

-Cô ấy là em gái tớ.

-Ơ…- Tôi nhất thời chưa hiểu chuyện gì.

-Tớ là con riêng. Mãi năm lớp mười tớ mới biết là bố mình chưa chết. Lúc đó tớ vừa được huy chương vàng giải karate học sinh, còn được bắt tay ông ta. Thế là tối về, mẹ tớ nói với tớ trong tình trạng say khướt, bảo nếu tớ là con trai thì bà ấy là vợ giám đốc sở, rồi còn chưởi rủa đủ kiểu. Sau đó tớ mới biết dù tớ có làm gì thì từ khi sinh ra tớ đã không phải là đứa con trai trong lòng bà ấy, tớ bỏ luôn giải thi đấu quốc gia, nuôi tóc dài, mặc váy. Như cậu thấy hồi tớ mới vào đại học đấy. Nên chưa ai tổ chức một bữa tiệc sinh nhật thật sự cho tớ đâu. Nên tớ cảm động. Hiểu chưa ?

Tôi thấy sống mũi cay cay. Khánh đang kể về niềm đau của mình bình thản quá, khóe môi cô ấy cũng giãn ra lãnh đạm như đang kể về một ai đó khác.

-Cậu khóc đi .- Tôi rụt rè xích tới vỗ vai Khánh.

-Hôm nay tớ khóc chưa đủ hả ? Tớ khóc vì cậu, chứ không phải vì họ. Còn cây đàn nữa. Giờ tớ mới hỏi tội cậu đây.

Khánh lại đưa tay đánh vào đầu tôi nghe ‘cốp’ một tiếng, đau thấu trời đất, cảm giác đau lòng vì chuyện của cô ấy cũng bay lên mây xanh.

-Đã bảo dừng đánh vào đầu như thế mà. Lần sau cậu véo tay đi.

-Cái tội làm chậm trễ kế hoạch. Lại còn mua đàn mới chứ. Bao nhiêu ? Bốn mươi đồng hả ?

-Bí mật. Tiền tớ kiếm ra, đây là khoản tiêu riêng của tớ, cậu đồng ý rồi mà.

-Ai biết cậu phung phí như thế này ?

-Tớ có phung phí đâu. Tớ chỉ đầu tư có lãi thôi mà. Một cô gái chơi đàn trong trà quán nhỏ một ngày cũng đã được hai đồng, chưa kể khách thưởng nữa. Rồi chúng ta cũng có thể kiếm tiền trên đường đi.

-Cũng tính toán ghê nhỉ- Khánh nhướn mày liếc sang tôi.

-Tất nhiên rồi. Tớ chuyên toán không tính toán thì tính gì.

Chợt Khánh khẽ thở dài :

-Cậu liều qua đấy. Còn không biết tớ có chơi được hay không.

-Được mà.

-Giờ thì không được cũng phải tập cho bằng được thôi. Cây đàn rất đẹp. Cậu chịu chơi thật. Chắc có bao nhiêu tiền cũng đốt vào hôm nay rồi.

-Hì. Nói thật bây giờ tớ không còn một xu dính túi. Tối nay chúng ta ăn cơm với muối rang đấy.

Đang ăn Khánh bống bật cười.

-Này. Cậu biết không, tớ đã từng nói với bà ngoại là ai tặng tớ một cây đàn, đàn gì cũng được, tớ sẽ lấy người đó. Tớ đang khó nghĩ đây.

-Thôi, tớ không lấy cậu đâu. Đừng nghĩ ngợi làm gì cho mệt.

-Tớ cũng không thèm…- Khánh bĩu môi.

Chúng tôi cùng ăn bánh, có cảm tưởng như đây là cái bánh ngon nhất mà tôi từng ăn, cho dù bánh chỉ có vị ngọt của mật. Một đêm cảm xúc lẫn lộn, nhưng là một đêm đáng nhớ. Sau khi thổi tắt nến, tôi lôi điện thoại mình ra bật nguồn lên, mở một bản nhạc có giai điệu vui trong danh sách nhạc, cả hai đứa nghe rồi cùng ngân nga theo. Rồi khi tiếng thở của Khánh đều đều bên tai, tôi lại nghĩ tới câu chuyện của Khánh. Khánh hẳn đã tổn thương. Nó cần phải được hàn gắn, nhưng bằng cách nào thì tôi không biết. Ngay cả an ủi người khác tôi còn chưa biết làm thế nào cho tốt.

Kéo tấm chăn mỏng lên tới vai cả hai, quay sang ôm Khánh, tôi khẽ nhắm mắt. Ngủ ngon nhé. Và chúc mừng sinh nhật.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN