Ánh Trăng Nào Đẹp Bằng Em
Phần 13
Sau khi ra khỏi nghĩa trang, trời bỗng dưng ngừng gió, mây đen chợt tan đi như thể cơn mưa vừa rồi chưa từng xuất hiện. Tôi khẽ dựa lưng vào cửa kính, nhìn ánh nắng len qua mấy chiếc lá nhỏ, lòng cũng thông suốt.
Về nhà, tôi tắm rửa sạch sẽ ra ngoài đã thấy anh trai tôi nấu ăn xong. Thời gian này tôi không muốn gặp bất cứ ai nên việc anh trai tôi bảo giúp việc nghỉ vài ngày tôi cũng không lấy làm lạ. Lúc ăn cơm, tôi khẽ hỏi anh trai tôi:
– Lần trước lúc em bị bắt cóc, em và cái Dung đi cùng nhau. Thế nhưng sau đó em hoàn toàn mất tin tức của nó, không rõ là hiện tại nó thế nào rồi, anh có biết tình hình của nó không?
– Nó không sao cả, sau khi mất tích năm ngày thì trở về được. Nghe nói nó suýt bị bán sang biên giới thì trốn thoát và tìm được đường về. Chỉ tiếc lũ buôn người đã tẩu thoát, cảnh sát không bắt được. Suốt hơn một năm nay nó cũng vẫn không ngừng tìm em. Cả đám bắt cóc em nữa, đến giờ vẫn chưa tìm ra được tên nào. Phía cảnh sát không có tin tức gì.
Tôi nghe xong khẽ thở phào nhẹ nhõm rồi nói tiếp:
– Đám bắt cóc em, em nhớ tên đầu xỏ tên là Lân. Gương mặt hắn em nhớ rất kỹ, lát em sẽ phác hoạ lại, anh giúp em nộp cho phía công an.
– Được.
– Còn một chuyện này em muốn nhờ anh…
Tôi lấy trong túi mẩu giấy nhỏ, bên trên có ghi tên bố của Châu và địa chỉ nhà cô ấy đưa cho anh trai tôi:
– Lúc em ở vùng núi có quen cô gái này, cô ấy cũng giống như em bị bắt đến làm vợ một người đàn ông xa lạ. Cô ấy có nhờ em nếu thoát ra được thì báo tin cho bố cô ấy theo địa chỉ này. Anh giúp em báo với bố cô ấy, vùng núi này nằm ở phía tây thị trấn YY, gia đình cô ấy cũng rất giàu có, chỉ cần biết địa chỉ, chắc chắn sẽ tìm được cách đưa cô ấy về.
Anh trai tôi nhận lấy mẩu giấy, sau đó hỏi tôi:
– Vậy còn kẻ mua em thì sao? Cần báo với cảnh sát để bắt hắn ta không?
Nghe anh tôi hỏi như vậy tôi khẽ lắc đầu đáp:
– Tục mua vợ ở nơi đó đã thành truyền thống rồi nên rất khó nói đến pháp luật, anh ta cũng không phải kẻ chủ mưu. Ngược lại, anh ta còn là người cứu em ra khỏi vũng bùn lầy, cứu em thoát khỏi việc làm nô lệ tình dục cho bố con lão già béo trên núi, anh ta đối với em rất tốt. Chuyện của em và anh ta không nên nhắc lại làm gì, chỉ mong mau chóng tìm được kẻ bắt cóc em, cũng mong cảnh sát vào cuộc có thể tìm được tung tích của các cô gái khác nữa.
– Còn gì muốn anh làm cho nữa không?
– Vậy thôi ạ. Tạm thời chuyện em trở về anh đừng nói với bất cứ ai, bên cảnh sát cũng giúp em giữ kín. Em không muốn ai biết cả.
– Chuyện này em không cần nói anh cũng tự biết phải làm thế. Vì tương lai của em, anh nhất định không để chuyện này lộ ra bên ngoài. Tất cả cứ xem là một giấc mơ thôi, không cần nhắc đến mà em cũng không cần nhớ đến. Nhưng tất nhiên, vẫn phải tiếp tục âm thầm điều tra ra kẻ đứng phía sau, bắt được hắn, anh quyết không tha.
Thật ra tôi cũng chẳng nghĩ gì đến tương lai, chỉ là hiện tại tình hình tâm lý và sức khoẻ của tôi đều không tốt. Cá nhân tôi không tự thấy mình sai gì cả, tôi là nạn nhân cũng không có gì phải xấu hổ. Thế nhưng con người còn phải sống dưới với một xã hội nhiều cá thể, vậy nên khi tôi chưa thích ứng được bởi nỗi đau giày vò hay bởi những ánh mắt săm soi tò mò thì nên đi xa một thời gian, đợi thời gian chữa lành mọi thứ. Nhưng anh tôi nói cũng có phần đúng, rừng núi hoang vu hay cánh đồng thảo nguyên xanh kia cùng lắm xem như là một giấc mơ tôi từng trải qua mà thôi. Người đàn ông từng làm cứu tôi khỏi bố con lão Long, mua tôi về làm vợ, sống chung hơn một năm trời như vợ chồng, khiến tôi có lúc cảm động, có dằn vặt, có thương xót, nhưng cũng có những phẫn nộ cùng lắm cũng chỉ là một phút chệch đường ray trên con đường vận mệnh, chỉ từng ngẫu nhiên giao nhau với tôi thôi. Bây giờ con tôi không còn, tôi đã trở về, cuộc sống của tôi nên khôi phục lại quỹ đạo, không còn liên quan, không cần nhắc tới, cũng không cần nhớ lại.
Những ngày tiếp theo, tôi đi làm lại căn cước công dân sau đó vẫn ở trong nhà, nhưng thay vì nằm bẹp dí khóc lóc tôi đã dậy đi lại, dọn dẹp nhà cửa, rảnh rỗi thì đọc sách hoặc cho ngồi ngoài ban công ngắm nhìn đường phố. Thật ra tôi biết, những việc này tôi làm chỉ để che giấu đi những vết thương nặng nề trong lòng. Nhưng ít ra, còn hơn là cứ mãi giày vò không thôi.
Ở thành phố rất xô bồ, tôi cũng dần dần quen lại với nhịp sống ồn ào nơi phố thị phồn hoa. Chỉ là nỗi nhớ một nơi xa xôi nào đó lâu lâu vẫn cồn cào trong lòng tôi không nguôi, ở đây chỉ có ánh đèn đường, không phải là ánh trăng sáng vằng vặc như nơi triền đồi rộng lớn, ở đây dùng nước máy, không phải là nước giếng trong suốt, mát rượi, ở đây là tiếng còi xe ầm ỹ, không phải là tiếng côn trùng kêu trong đêm tịch mịch hay tiếng thú hoang lâu lâu hú hét. Tôi tự trấn an mình rằng, không phải tôi nhớ nhung nơi đó, mà bởi tôi sống hơn một năm ở đó, ít nhiều phải quen.
Tôi ở nhà hơn chục ngày anh trai tôi cũng thông báo đã sắp xếp được nơi ăn, chốn ở để điều trị tâm lý cho tôi. Rất nhanh gọn, vài ngày sau nữa vé máy bay bay sang Toronto cũng được đưa đến tay tôi. Anh trai tôi còn đăng ký cho tôi thêm một khoá học thiết kế nâng cao để tôi giết thời gian mỗi khi rảnh rỗi, tôi không từ chối, miễn là có thể chữa lành vết thương, tôi đều chấp nhận.
Ngày tôi ra sân bay trời rất đẹp, bầu trời xanh trong, có vài đám mây trắng lững lờ trôi. Anh trai tôi vừa xách đồ cho tôi vừa dặn dò đủ thứ. Đến khi lên máy bay, anh vẫn đứng đó, đợi máy bay cất cánh rồi mới rời đi. Chỗ ngồi của tôi ngay sát cạnh cửa sổ, khi máy bay bay lên những tầng mây cao, tôi cũng đưa tay chạm lên ô cửa nhỏ, nhìn những ngôi nhà cao tầng san sát nhau mỗi lúc một nhỏ dần lẩm bẩm:
– Hẹn gặp lại! Việt Nam!
Khi nói đến đây, tôi bỗng thấy trên tay mình là chiếc vòng bạc Viễn đã mua cho tôi. Không phải chiếc vòng bạc xa hoa đắt đỏ, không lấp lánh, cũng chẳng sáng chói, chỉ là chiếc vòng rất đỗi bình thường nhưng cũng rất khác biệt. Từ lúc mua tới giờ, trải qua bao biến cố tôi vẫn chưa từng tháo ra, cũng không hề tháo được ra. Không hiểu sao, khi nhìn thấy chiếc vòng bạc này, tôi bỗng dưng không kìm được như tự nói với chính mình, lời nói mà đến ngay cả tôi cũng thấy xa lạ:
– Hẹn gặp lại, tất cả!
***
Hai năm sau! Trên chuyến bay từ Toronto trở về Việt Nam.
– Tôi đã bảo rồi, tôi không sao, đầu óc tôi rất bình thường, tâm lý tôi rất ổn định, tôi về được rồi mà bố tôi cứ bắt tiếp tục trị liệu. Trời đất ơi, tôi có bị thần kinh đâu chứ? Chuyện tôi bị bắt cóc bán đi, bị bắt làm vợ Tuấn tôi chỉ xem như bị chó cắn không hề cảm thấy phải đi trị liệu tâm lý làm gì, tiếp tục ở lại vừa tốn kém vừa chẳng giải quyết được gì. Lần này tôi sẽ không thèm về nhà nữa, để xem bố tôi tính thế nào.
Tôi không thể nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu Châu than phiền với tôi chuyện bố cô ấy bắt cô ấy tiếp tục ở Toronto để trị liệu tâm lý. Nếu là vài ngày trước, tôi sẽ trấn an, động viên cô ấy mấy lời, thế nhưng giờ đây tôi hoàn toàn không có tâm trạng để nói chuyện, lòng dạ nóng như lửa đốt chỉ mong có thể nhanh chóng trở về Việt Nam.
Ngày hôm kia, khi nhận được điện thoại của anh trai tôi, tôi gần như bàng hoàng không tin nổi, hai năm tôi đi, mọi thứ ở nhà đều không hề ổn, vậy mà anh trai tôi giấu tôi suốt hai năm trời, đến giờ khi mọi thứ đứng trên bờ vực đổ nát mới chịu nói với tôi. Tôi không thể không thừa nhận rằng, suốt hai năm nay, chưa bao giờ tôi cảm thấy đường về nhà nặng nề đến vậy. Châu ở bên cạnh vẫn thao thao bất tuyệt nói gì đó, nhưng tôi căn bản không nghe nổi chỉ lặng nhìn ra bầu trời trong vắt chẳng một gợn mây nào lòng nặng trĩu.
Máy bay bay từ Toronto về Việt Nam phải đổi chặng mấy lần. Tôi không có hành lý gì nhiều nhưng Châu thì có đến năm, sáu valy quần áo, giày dép, đồ trang điểm, đến cả hành lý ký gửi cũng đầy ắp. Cô ấy hoạt động nghệ thuật, việc chăm chút cho bản thân không có gì là lạ, chỉ là lúc mang đồ từ khu nhà trọ ra sân bay thì hơi vất vả một chút.
Hai năm trước khi tôi sang Toronto được mấy ngày anh tôi cũng thông báo chuyện bố mẹ Châu đã tìm được cô ấy trên núi. Gia đình cô ấy mang rất nhiều quà cáp đến hậu tạ anh trai tôi nhưng anh đều từ chối hết. Khi biết tôi sang nước ngoài chữa trị, bố mẹ cô ấy cũng sắp xếp để cô ấy sang trị liệu tâm lý vì bố mẹ cô ấy cảm thấy cô ấy tâm lý có chút vấn đề. Mặc cho cô ấy nói cô ấy chỉ gặp chút trở ngại do thói quen, chỉ cần một thời gian sẽ ổn nhưng bố mẹ cô ấy vẫn nhất quyết đưa cô ấy một thời gian, một phần để xoa dịu tâm lý cho cô ấy, một phần để xoá sạch “vết nhơ”, không để chuyện cô ấy bị bắt cóc bán đi lộ ra ngoài, làm sạch lại hồ sơ quá khứ cho cô ấy, biến chuyện trên núi năm nào thành chuyện cô ấy đi “du học Toronto”. Cả tôi và Châu đều hiểu vì sao bố mẹ cô ấy lại làm như vậy, gia đình cô ấy chỉ có duy nhất mình cô ấy. Suy cho cùng cũng là tiểu thư cành vàng lá ngọc, tương lai của Châu còn dài, bố mẹ cô ấy không muốn chuyện quá khứ ảnh hưởng đến sau này, cũng là muốn tốt cho Châu. Ban đầu cô ấy phản đối rất kịch liệt, đến khi biết tôi ở đây, cô ấy chấp nhận sang để trị liệu. Châu cũng có chút vấn đề về tâm lý, nhưng mức độ nhẹ hơn tôi, trị liệu vài tháng đã ổn định. Còn tôi, trải qua quá nhiều biến cố, nhất là nỗi đau mất Đông Đông ám ảnh tâm lý nặng nề nên thời gian trị liệu lâu hơn. Gần hai năm qua, nỗi đau trong lòng cũng dần nguôi đi, một phần tôi tự mình cố gắng thoát khỏi bóng ma tâm lý, một phần dưới sự giúp đỡ của các giáo sư, tiến sĩ tôi đã tự mình vượt qua được nỗi đau ấy, giờ đây mọi thứ trong lòng cũng bình thản nhẹ nhàng hơn.
Suốt thời gian ở nước ngoài, tôi không tiêu gì đến tiền của anh trai, để tự mình thoát khỏi nỗi đau, để giết thời gian tôi vừa học khoá thiết kế nâng cao, vừa gửi những bản vẽ về cho công ty của anh trai tôi vừa làm thêm ở quán bar mà Châu hoạt động ca hát. Số tiền ấy đủ để tôi trang trải sinh hoạt qua ngày. Tôi và Châu ở cùng phòng trọ nên mọi thứ đều được san sẻ, gánh nặng cũng bớt đi, cô ấy là tiểu thư cành vàng lá ngọc nhưng cũng không hề xin xỏ tiền mà tự đi hát kiếm tiền để sinh sống. Thời gian ở nước ngoài, tôi bị stress nặng, ăn uống lại không điều độ nên dạ dày bị viêm nặng, có lần còn bị xuất huyết nhẹ cũng may nhờ có Châu chăm sóc nên đến giờ cả hai đã thành những người bạn thân thiết. Thật ra tôi vẫn muốn ở nước ngoài thêm một thời gian nữa mới trở về, bởi khoá học thiết kế nâng cao còn kéo dài nửa năm nữa, nhưng cuộc gọi của anh trai tôi khiến tôi hiểu, đã đến lúc tôi phải trở về rồi!
Ngồi máy bay suốt gần một ngày một đêm tôi và Châu mới đặt chân được xuống sân bay Nội Bài. Lúc đứng chờ hành lý, Châu bỗng nói với tôi:
– Nghe nói, từ lúc cô trở về, Viễn cũng biến mất, anh ta hình như không trở lại núi nữa nhưng bố mẹ, gia đình và cả em gái anh ta vẫn sống ở trên đó. Không rõ anh ta đã đi đâu nhỉ? Tôi thấy bảo thi thoảng bố mẹ anh ta có xuống núi bắt xe ra thành phố, không biết có phải xuống thăm anh ta không nhưng ở núi chẳng ai biết Viễn đi đâu cả. Cả Tuấn cũng vậy, nhưng nghe nói Tuấn vẫn thi thoảng về thăm cái Nguyệt còn gửi tiền xây cho vợ chồng cái Nguyệt một ngôi nhà rất khang trang, có điều hai người đó ở đâu thì người trên núi lại không rõ. Cô nghĩ xem, hai người đó đi đâu được nhỉ?
Lâu lắm rồi, tôi chưa từng nghe ai nhắc đến tên Viễn. Chuyện trên núi từ lâu tôi đã muốn quên đi. Thế nhưng nghe Châu nói, tôi cũng không còn cảm thấy lòng nặng nề như trước nữa, chỉ bình thản hỏi lại:
– Không phải cô nói cô coi chuyện bị bắt cóc lên vùng núi đó giống như bị chó cắn sao? Coi như bị chó cắn rồi thì còn quan tâm để ý mấy người đó làm gì nữa?
– Tôi không thèm để ý, chẳng qua tôi tò mò thôi. Tôi và cô trở về bọn họ cũng biến mất nên thấy lạ. Dù sao cũng sống hơn một năm trên ấy, cô không tò mò chút nào sao? Hồi đó tôi có nghe nói bọn họ xuống thành phố làm ăn bao nhiêu năm trước khi gặp tôi và cô rồi, không biết thành phố ấy tên gì? Lâu rồi không gặp, khả năng hai người bọn họ xuống thành phố lại lấy vợ thành phố rồi cũng nên. Đẹp trai như bọn họ, có khi vớ bở được mấy cô gái nhà giàu biến thành chạn vương ấy nhỉ?
Tôi không đáp, cố gắng nở nụ cười nhưng trong lòng không hiểu sao lại dấy lên một nỗi chua xót khó tả. Chuyện đã xưa, người đã cũ, vốn không còn liên quan gì thì cũng không nên quan tâm. Dù sao chuyện ở trên núi cũng là một vết thương lòng, tuy vết thương đã lành nhưng nếu chạm vào không cẩn thận vẫn sẽ chảy máu. Tôi chỉ quan tâm chuyện từ khi tôi và Châu được đưa về, mấy cô gái bị bắt cóc ở trên núi cũng được gia đình tìm lại. Bố Châu làm trong quan chức, tuy rằng chuyện về con gái ông ấy giấu nhẹm đi vì tương lai của Châu nhưng vẫn nhờ người làm um lên các trường hợp khác. Khi ấy quyền can thiệp, tục mua vợ trên núi ấy giờ đã không còn như xưa, nghe đâu giờ các cô gái phải đồng ý, gia đình phải chấp nhận thì mới được mua, nếu là bắt cóc, chắc chắn sẽ bị đưa ra pháp luật. Có vài tên tham tiền, bắt cóc mấy cô gái từ miền xuôi lên bán đã bị tóm, chỉ có điều kẻ bắt cóc tôi và Châu đến giờ vẫn chưa bị tóm, không rõ hắn đang ẩn náu ở đâu, rất nhiều nghi vấn đặt ra là hắn đã tẩu thoát sang bên nước ngoài nên mới biệt tăm tung tích như vậy. Tất cả những điều ấy là những điều tôi nghe được, cũng là những điều tôi quan tâm. Ngoài ra tôi không nghe thêm được tin tức gì khác, cũng muốn nghe thêm bất cứ tin tức nào khác của bất cứ ai trong núi ấy!
Sau khi lấy hành lý xong, Châu bắt xe ra khách sạn ở tạm còn tôi thì bắt xe vào bệnh viện Nhi trung ương. Hà Nội giờ này đông nghịt người, tan tầm tắc đường, ngồi trên xe taxi gần một tiếng đồng hồ mới vào được đến bệnh viện. Khi vào đến nơi, anh trai tôi đã chờ sẵn ở sảnh, hành lý của tôi không có gì nhiều chỉ có đúng một valy nhỏ nhưng anh vẫn đưa tay kéo thay tôi rồi bảo:
– Sao không về nghỉ tạm mai hãy đến, thằng bé tạm thời qua cơn nguy kịch rồi.
Tôi nghe anh tôi nói như vậy, lòng bất giác nghẹn lại không đáp. Anh tôi dẫn tôi đi qua mấy dãy hành lang, sau cùng dừng lại khoa hồi sức, đứng cạnh cửa phòng chăm sóc đặc biệt khẽ nói:
– Thằng bé vừa tỉnh được một lúc, nhưng chắc mệt quá nên lại ngủ rồi.
Qua ô cửa kính nhỏ, tôi nhìn đứa bé nằm trên chiếc giường chằng chịt dây dợ thì sững người. Sắc mặt nó xám xịt, vì tim không bơm đủ máu nên cả gương mặt tím tái lại, dưới mặt nạ ôxy trông lại càng thêm yếu ớt. Cả người tôi đau như có thứ gì thúc vào, mỗi lần nhìn thấy trẻ con nhớ đến Đông Đông toàn thân đều co rút đau đớn vô cùng. Đây còn là cháu ruột tôi, là máu mủ ruột thịt của tôi, chẳng những vậy còn mang bệnh hiểm nghèo, nhìn thôi cũng thấy đau đớn xé ruột xé gan. Tôi cố gắng kìm nước mắt, nghẹn ngào hỏi lại anh tôi:
– Một chuyện lớn thế này, sao anh lại giấu em?
Anh trai tôi hơi cúi đầu, hít một hơi rồi mới đáp lại:
– Anh cũng không hề biết đến sự tồn tại của nó. Hơn ba năm trước anh và Nhu chia tay cô ấy đã mang bầu nhưng cũng không biết. Sau khi chia tay cô ấy về quê, lúc mẹ cô ấy mất mới phát hiện mang thai đứa bé này được năm tháng rồi. Cô ấy một mình sinh con ra, đến khi đứa bé lớn vài tháng mới biết nó bị tim bẩm sinh dạng nặng nhất Tứ chứng Fallot. Ban đầu cô ấy tự mình kiếm tiền chạy chữa cho nó nhưng bệnh này tốn rất nhiều tiền cô ấy không đủ khả năng để chữa trị cho con nên có lên Hà Nội tìm anh, chỉ có điều lúc đó em bị mất tích, anh cũng đang đi tìm em nên cô ấy không gặp được anh, cũng không liên lạc được nên lại trở về vay mượn tiền bạn bè thuốc thang cho con cứ thế kéo chữa trị theo hướng tạm thời. Đến vài ngày trước lúc thằng bé đang đi học thì ngất xỉu phải mang đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Lúc đó cô ấy mới gọi cho anh, anh cũng mới biết đến sự tồn tại của đứa con này của mình.
Đứa bé rất giống anh trai tôi hồi nhỏ, chỉ là gầy gò hơn, cũng yếu ớt hơn. Chị Nhu là người yêu cũ của anh trai tôi, hai người yêu nhau suốt mấy năm trời cuối cùng thì chia tay trong sự tiếc nuối của tất cả mọi người. Tôi cũng không rõ năm ấy vì sao chị lại chia tay anh trai tôi, chỉ nghe láng máng mẹ chị có ép chị cưới người nào ở dưới quê nên mới phải chia tay. Thế nhưng dẫu lý do chia tay là gì đi chăng nữa nhưng để một mình nuôi đứa con bệnh tật thế này chắc chắn chị phải rất khổ sở và vất vả, có lẽ cũng phải đường cùng rồi chị mới tìm đến anh tôi sau khi chia tay một thời gian dài thế này. Tôi nén lại nỗi đau đớn đang cuộn lên trong lòng hỏi tiếp:
– Bác sĩ nói thế nào hả anh?
– Hiện tại chưa thể phẫu thuật, có lẽ phải nằm phòng ICU này một thời gian dài, thằng bé không có bảo hiểm. Ngoài tiền phòng ICU còn phải chuẩn bị một khoản tiền lớn để nếu sức khoẻ ổn định sẽ tiến hành mổ tim.
– Công ty thì sao ạ?
– Công ty chắc không thể nào gượng được nổi nữa rồi, biệt thự cũng đã mang đi thế chấp để trả nợ ngân hàng.
– Vì sao đến chuyện này anh cũng giấu em? Công ty làm ăn sa sút mấy năm nay, vì sao anh không nói với em?
Anh trai tôi thấy tôi hỏi như vậy, cười mà như khóc đáp:
– Lúc ấy em vừa trải qua nỗi đau mất con, trải qua bao biến cố như vậy sao anh có thể nói với em được? Anh cũng nghĩ mình sẽ cố gắng vực dậy được công ty, không ngờ càng cố gắng lại càng sa sút, mấy mẫu nội thất em thiết kế làm ra không ai mua, phải bán lỗ lại cho mấy khách sạn nhỏ để trả tiền cho công nhân nhưng cũng như muối bỏ biển. Nợ nần vẫn cứ chồng chất, em cũng đừng trách anh, anh cũng không muốn giấu em như vậy.
Suốt hai năm nay tôi ở nước ngoài, anh trai tôi chưa từng nói với tôi chuyện này. Giấu tôi suốt hai năm chỉ để tôi yên tâm chữa bệnh, tôi có thể trách anh hay sao? Lồng ngực tôi phập phồng đau nhói, ngay sau khi anh gọi cho tôi, tôi đã gọi cho thư ký của anh để hỏi mới biết công ty làm ăn sa sút hơn ba năm nay rồi. Từ khi tôi bị mất tích, anh trai tôi đã gạt bỏ tất cả lại một bên để đi tìm tôi. Công ty không có anh tôi, giống như con thuyền không người lái, chỉ một thời gian đã không chèo chống nổi. Đến khi tôi trở về, mọi thứ ổn định lại, anh trai tôi cũng cố gắng vực dậy, nhưng quá nhiều lỗ hổng đắp chỗ này thì chỗ kia lại vỡ, cuối cùng thì dẫn đến thảm cảnh ngày hôm nay. Công ty đứng trên bờ vực phá sản, con trai anh lại nằm viện, đứng giữa ranh giới sinh tử, tôi cũng không hiểu sao ông trời lại muốn đày đoạ người tốt như vậy? Tôi ngẩng đầu lên, thấy má mình hơi ướt, thương anh, thương cháu đến quặn thắt ruột gan khẽ nói:
– Em xin lỗi, nếu không phải năm ấy…
Thế nhưng còn chưa kịp nói hết câu anh tôi đã ngắt lời:
– Em không có lỗi gì hết, đừng tự trách mình như thế, em là em gái ruột của anh, anh thà chấp nhận mất trắng hết để em trở về cũng không để em lưu lạc bên ngoài không tung tích! Chuyện của cháu anh sẽ cố gắng xoay sở vay mượn tiền, còn về công ty, nếu không vực dậy nổi thì để nó phá sản cũng được. Còn người thì còn của, sau này bắt đầu lại. Hiện tại anh bận ở bên cháu, cũng không có nhiều thời gian để giải quyết chuyện công ty nữa, em về nghỉ ngơi một thời gian thì ra phụ cậu Duy một tay giúp anh. Chỗ nào không hiểu cứ hỏi cậu ấy, nói chung là giờ cứu vãn được thì tốt, không thì cũng chỉ đành thôi.
Thật ra trải qua bao nhiêu chuyện, tôi cũng cảm thấy trên đời này không gì quan trọng bằng sinh mệnh. Tôi không tự trách mình, chỉ là thấy mấy năm nay anh tôi vất vả quá, hi sinh vì tôi quá nhiều còn bản thân lại chưa thể làm gì được cho anh nên mới nói ra lời xin lỗi ấy. Khi tôi và anh trai nói chuyện đến đây thì chị Nhu cũng cầm một cạp lồng cháo đi lên. Lúc nhìn thấy chị tôi có chút sửng sốt. Trước kia chị Nhu là hoa khôi của trường Nhân Văn, lúc chia tay anh trai tôi, tôi vẫn nhớ dáng vẻ xinh đẹp của chị rời đi. Thế nhưng giờ trông chị già hơn cả tuổi thật của mình, mái tóc búi tạm phía sau càng khiến chị trở nên khắc khổ. Tuy rằng đường nét vẫn rất xinh đẹp, nhưng có lẽ bởi cuộc sống quá khắc nghiệt, tôi không còn nhìn ra được sự ngây thơ, trong trẻo năm nào. Nhìn thấy chị như vậy, lòng tôi càng thương xót cũng không nhắc gì đến chuyện mấy năm nay thế nào sợ đụng vào vết thương lòng khó lành nên sau khi chào hỏi chị thì chỉ hỏi:
– Thằng bé tên là gì hả chị?
Nghe nhắc đến con, ánh mắt u ám của chị Nhu bỗng sáng ngời đáp lại:
– Thằng bé tên Hoàng Phương Nam.
Hoàng Phương Nam, chị vẫn đặt tên con theo họ của gia đình tôi. Nghe mấy chữ ấy tôi lại thấy thân thương vô cùng, giống như huyết mạch là thứ vĩnh viễn không bao giờ có thể chia lìa được. Nói chuyện với chị Nhu một lúc, tôi mới mở valy, mang ra một bộ đồ chơi làm quen với toán học rồi gãi gãi đầu ngượng ngùng bảo với chị Nhu:
– Lúc gọi điện, em không biết thằng bé nhỏ thế này nên lỡ mua bộ đồ chơi dành cho trẻ bốn tuổi. Thôi để sang năm thằng bé chơi vậy.
Tôi tưởng chị Nhu sẽ thất vọng, không ngờ đáy mắt lại mừng rỡ cầm lấy bộ đồ chơi học Toán bảo với tôi:
– Bộ toán ba tuổi thằng bé học xong lâu rồi, mấy lần chị định mua bộ này cho nó nhưng vì phải tiết kiệm tiền chữa bệnh nên giờ vẫn chưa mua được. Thằng bé rất thích bộ số học này, chắc chắn nó sẽ rất thích cho mà xem.
Tôi nghe chị Nhu nói vậy thì nhìn thằng bé lần nữa. Thằng bé này, không chỉ có vẻ ngoài giống anh trai tôi, mà ngay đến cả sở thích học Toán cũng giống anh tôi. Mà càng như vậy, tôi lại càng thấy thương cháu mình vô cùng. Nó biết đến sự tồn tại của bố, của cô ruột đúng vào lúc gia đình đang đứng trên bờ vực phá sản, còn nó bản thân lại mang bệnh nặng, lòng tôi thật sự rất bất lực và nặng nề. Thế nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, có làm đủ mọi cách, tôi nhất định phải cứu được cháu tôi, cũng sẽ cố gắng hết mình để cứu vãn công ty. Hai mươi mấy năm nay anh trai tôi một mình lo cho tôi, tôi không mong gì báo đáp lại, chỉ mong lúc khó khăn nhất tôi vẫn là chỗ dựa cho anh.
Sau khi ăn tối ở viện, tôi lấy toàn bộ tiền tiết kiệm lúc ở Toronto đưa cho anh trai tôi rồi mới xách valy ra ngoài. Tiền tiết kiệm cũng chẳng có bao nhiêu, nhưng thằng bé giờ đang nằm ICU một ngày chắc chắn sẽ rất tốn kém, trước mắt phải lo cho nó trước những chuyện khác tính sau.
Ra đến ngoài, trời đã tối sẫm, tôi đứng chờ một lúc vẫn không bắt gặp một chiếc taxi nào chạy qua. Đồ đạc của tôi không nhiều nhưng khá cồng kềnh, lúc còn loay hoay định kéo đồ xem chỗ nào dễ bắt taxi hơn thì bỗng có một chiếc xe Camry đen dừng ngay trước mặt tôi. Còn chưa kịp phản ứng đã thấy cánh cửa xe mở ra, người trước mặt cũng tiến lại gần vẻ mặt giống như không tin nổi gọi tôi:
– Ngọc.
Suốt hơn ba năm không gặp nhau kể từ ngày tôi bị bắt cóc cho tới bây giờ, nhìn thấy Vinh ở đây tôi còn tưởng là mơ. Trước kia, khi ở trên núi, rất nhiều đêm tôi mơ thấy anh, giờ khi nhìn thấy thật rồi lại tưởng là mơ. Tôi cười gượng gạo, như thể đang nhạo mình không biết lượng sức, valy trong tay nặng tựa nghìn cân, nặng đến nỗi ngón tay tôi đỏ lên, bầm tím rồi đau nhói. Thế nhưng rồi, tôi bỗng cảm thấy mình không việc gì phải thấy gượng gạo hay ngượng ngùng, Hà Nội nhỏ bé như vậy, tôi và anh gặp lại cũng là điều tất nhiên. Vả lại năm ấy khi chúng tôi còn đang yêu đương mặn nồng bỗng dưng tôi biến mất, lời chia ly chưa từng nói ra nên cố gắng bình thản hỏi lại:
– Sao anh lại ở đây?
– Có một bệnh nhân chuyển từ viện anh sang bên đây. Còn em đến thăm con anh Thịnh phải không?
– À vâng… sao anh biết ạ?
– Anh vẫn thường xuyên qua nhà hỏi han tình hình của em, nhắn tin em không trả lời, gọi điện em không nghe, địa chỉ nơi em sống anh Thịnh lại không cho anh biết nên anh chỉ có thể hỏi xem em thế nào thôi.
Hai năm ở Toronto, tôi vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn trên facebook của Vinh, chuyện tôi bị bán đi Vinh có lẽ cũng đã biết nhưng nhận tin nhắn của anh tôi đều không trả lời. Tôi đã từng sống với Viễn như vợ chồng suốt hơn một năm, mang thai con của anh ta, con tôi đã mất nhưng tôi cũng từng sinh con với người đàn ông khác. Dù cho tất cả những chuyện ấy đều là ngoài ý muốn, cũng chưa từng ghét bỏ bản thân mình, nhưng trải qua những chuyện như vậy tôi không thể mở lòng ra, cũng luôn cảm thấy tôi và Vinh không thể nữa. Vinh thấy tôi không đáp, chắc cũng không muốn tôi khó xử mà bảo:
– Lên xe đi, anh đưa em về.
– Không sao đâu, em tự bắt taxi cũng được.
Thế nhưng dẫu tôi từ chối, anh vẫn tiến về cầm lấy valy cho tôi rồi cười nói:
– Ở chỗ này rất khó bắt taxi, chẳng phải em chờ nãy giờ vẫn chưa bắt được đó sao? Em với anh mà vẫn còn phải khách sáo thế sao?
Vinh đã nói như vậy tôi chỉ đành theo anh lên xe. Tôi đã từng tưởng tượng rất nhiều lần việc gặp lại Vinh, thường nghĩ nhất là anh sẽ đến nhà tôi, thế nên khi gặp ở hoàn cảnh bất ngờ này tôi vẫn thấy có xa lạ. Khi xe lăn bánh, rời khỏi bệnh viện, hoà vào dòng giao thông đông đúc Vinh mới hỏi tôi:
– Em về nước lâu chưa?
– Em vừa về hôm nay.
– Vì chuyện của anh Thịnh nên mới về đúng không?
– Vâng ạ.
– Anh có một người bạn làm bác sĩ khoa tim mạch bên ấy, có gì anh sẽ nhờ cậu ấy.
Nghe Vinh nói như vậy, tôi không kìm được mà lén lút thở dài một tiếng. Bao nhiêu năm tháng qua đi, khi gặp lại nhau lần nữa, tôi chợt phát hiện ra Vinh vẫn tốt với mình như vậy. Thế nhưng đoạn kỷ niệm ấy, với tôi bỗng trở nên phai nhạt từ bao giờ, mãi tôi mới đáp lại:
– Cảm ơn anh!
– Cảm ơn gì chứ? Anh nói rồi, anh không muốn nghe mấy lời khách sáo như vậy. Có gì khó khăn cứ gọi cho anh.
– Vâng ạ.
Vinh mấp máy khoé miệng, giống như định nói thêm gì đó, nhưng nhìn thấy ánh mắt né tránh của tôi cuối cùng chỉ im lặng chở tôi về nhà. Xe đỗ ngay cổng biệt thự, vẫn là căn biệt thự anh em tôi sống bao năm nhưng có lẽ sắp tới sẽ không còn là nơi để về nữa. Tôi xuống xe, kéo valy cảm ơn Vinh lần nữa rồi mới đi vào nhà.
Sau khi vào trong phòng khách, bật hết điện lên Vinh cũng mới rời đi. Nếu là trước kia, có lẽ khi gặp lại mối tình đầu dang dở có lẽ tôi sẽ oà lên mà khóc, yếu đuối, suy sụp nhưng giờ lòng tôi lại cảm thấy rất bình thản để đối diện. Kể cả Vinh có biết chuyện hay không đều không quan trọng. Giờ tôi chỉ cảm thấy quan trọng nhất là làm thế nào để có tiền phẫu thuật cho cháu tôi, làm thế vực dậy công ty cùng anh trai tôi. Con người ấy mà, cứ trải qua sóng gió sẽ tự khắc hiểu được thế nào là yêu đương, thế nào là gánh vác. Trưởng thành không thể đong đếm bằng thời gian mà được đong đếm bằng biến cố cuộc đời. Bây giờ tôi không còn thích gì làm nấy được nữa. Trước kia thể tùy hứng làm bất cứ việc bởi vì tôi còn có anh trai để dựa dẫm, bây giờ tôi trở thành chỗ dựa cho anh, cho cháu thì không thể cứ vậy làm theo ý mình như trước kia, cũng không thể đắm chìm mãi trong nỗi đau của chính mình nữa.
Tắm táp xong, tôi cất đồ rồi lặng lẽ đứng bên rèm cửa ngắm trăng. Đêm nay là mười sáu trăng tròn, thế nhưng vì ở thành phố khói bụi đầy đường ánh trăng trông rất mờ nhạt, lại thêm đèn đường bao phủ, nhìn thế nào cũng không thấy đẹp. Tôi không muốn nhớ lại, nhưng không thể phủ nhận trăng trên núi vẫn là trăng đẹp nhất. Ánh trăng to tròn, màu trăng bàng bạc phủ kín nhân gian, tịch mịch và yên bình. Thật ra tôi không bao giờ quên được cảm giác ngồi trên thảo nguyên ngắm trăng, dưới mặt đất là tiếng côn trùng kêu, trong ánh lửa bập bùng cùng nhau ăn một miếng gà nướng thơm lừng, uống một ly rượu cần cay nồng. Nghĩ đến đây, tôi bỗng thấy trái tim mình nảy sinh một cảm giác bất lực và hụt hẫng không sao có thể diễn tả được.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm tự mình nấu chút mì tôm ăn qua loa rồi ra công ty. Ban đầu tôi cứ nghĩ công ty trên bờ vực phá sản nhưng trước đó có một nền tảng khá tốt thì cũng không đến mức quá thê thảm. Thế nhưng lúc bước vào tôi mới biết thật sự là thê thảm hơn so với tôi tưởng tượng rất nhiều.
Trước kia Ngọc Thịnh là một công ty hạng trung, làm ăn rất khấm khá, công nhân và nhân viên rất nhiều, thế nhưng nay đến công ty mới biết công nhân vì không được trả lương nên đã nghỉ gần hết. Nhân viên hành chính công ty cũng chẳng còn mấy người, chỉ còn cậu Duy trợ lý và hai ba người nữa còn lại chẳng có ai. Cảnh công ty xơ xác, tiêu điều, đừng nói đến người mà máy móc gia công cũng bán gần hết. Thấy tôi đến, Duy đang đánh máy cũng dừng lại rồi khẽ cười hỏi:
– Chị về rồi đấy à? Sao không nghỉ thêm một hai ngày rồi hãy ra công ty.
Duy bằng tuổi tôi, là con trai của cô chủ nhà trọ trước kia, đi theo anh trai tôi từ năm mười tám tuổi, được anh cho ăn học, làm trợ lý cho anh tôi từ đó đến giờ. Tuy bằng tuổi tôi nhưng theo thói quen vẫn luôn miệng gọi tôi là chị. Nhìn cảnh công ty thế này, tôi cảm thấy cũng không cần phải giả vờ làm gì nên hỏi thẳng Duy:
– Tình hình công ty thế nào cậu cứ nói thật cho tôi biết.
– Chị chắc cũng nghe qua rồi đấy, công ty làm ăn thua lỗ ba năm nay, đứng trên bờ vực phá sản, nợ lương nhân viên, chậm thanh toán hợp đồng, anh Thịnh phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Giờ con anh ấy lại nằm viện, em cũng không biết phải nói thế nào, chỉ cảm thấy mọi thứ đã vượt qua khỏi tầm kiểm soát rồi.
– Cậu và mọi người có nghĩ ra cách gì khắc phục không?
– Cách khắc phục thì giờ chỉ có xin được dự án nào lớn chuyên về mảng nội thất khách sạn, chung cư chịu đầu tư và hợp tác với chúng ta hoặc tìm được công ty nào rót vốn đầu tư hay cho vay mượn tiền nói chung là có công ty lớn chịu giúp đỡ thì may ra cứu vãn được. Chỉ có điều mấy công ty lớn mà có khả năng giúp giờ nghe đến Ngọc Thịnh đều từ chối cả. Nghĩ cũng khốn nạn thật, năm xưa Ngọc Thịnh làm ăn phát đạt còn phải cầu cạnh, giờ sa sút lại không có công ty nào chịu giúp đỡ. Em và anh Thịnh đã đến từng công ty nhưng họ đều từ chối. Còn vài công ty nữa nhưng trước kia chưa từng hợp tác, khả năng từ chối cũng rất cao.
– Còn những công ty nào vậy?
– Khoảng một chục công ty, danh sách và địa chỉ em ghim trong đây hết rồi. Nhưng nếu chị muốn đi thì chỉ có thể đi một mình thôi hoặc phải chờ em một thời gian nữa vì giờ em còn phải đang giải quyết đống hợp đồng phải đền bù này. Kế hoạch em và anh Thịnh đã soạn sẵn rồi, trong đó có mấy bản thiết kế nội thất của chị. Thật lòng là em thấy cũng chẳng có hy vọng gì nhiều nên mấy công ty này em cũng không để tâm đến nhiều, giờ ai đi cũng thế cả, mà chị đi biết đâu người ta thấy chị đẹp lại mủi lòng thì sao? Cứ thử đi xin xỏ người ta giúp đỡ xem thế nào chị ạ.
Đã là dân kinh doanh thì ai mà lại mủi lòng với người đẹp chứ? Trên đời này thiếu gì người đẹp hơn tôi, chẳng những vậy tôi không am hiểu nhiều về kinh doanh, bản thân chỉ học thiết kế nên chuyện phải đi xin giúp đỡ đúng là quá khó khăn. Huống hồ giờ thời gian chẳng có nhiều, tôi còn chẳng tìm hiểu được chút gì về những công ty này, nhìn vào danh sách còn thấy hoa mắt chóng mặt giống hệt như kẻ mù đứng giữa nga ba đường mà vẫn phải đi. Sau khi đưa xấp giấy cho tôi Duy ngập ngừng bảo:
– Nhưng mà… em cũng nói thật một chuyện này. Không rõ năm ấy chị mất tích vì lý do gì, cũng không biết chị trải qua chuyện gì ảnh hưởng đến tâm lý không nhưng hai năm nay số bản thiết kế chị gửi về cho công ty… tuy cũng khá đẹp nhưng không có gì đặc biệt, cũng không có hồn như trước kia nữa. Sản phẩm sofa, giường, tủ, bàn trà, kệ tivi, vách ngăn, nội thất nhà vệ sinh làm theo thiết kế của chị bán cũng không chạy như trước, thậm chí còn phải xả lỗ thu hồi vốn. Những dự án về nhà ở, công trình khác lại cũng không thích cách phối màu, không thích cách sắp xếp, không thích sản phẩm của bên mình nên vẫn lựa chọn công ty khác để thi công. Còn cái Linh thì khỏi nói, thiết kế của nó rất nhàm chán, cũ kỹ, đơn điệu, anh Thịnh đã cho nó nghỉ việc từ nửa năm nay rồi.
Lời nói của Duy khiến tôi khựng lại giống như một cú tát vả vào hiện thực. Trước kia tôi là thiết kế chính của Ngọc Thịnh, hồi đó dù là thiết kế bằng tay hay thiết kế trên máy sản phẩm làm ra đều rất được ưa chuộng, thế nhưng hai năm nay ở nước ngoài, tôi không thể thiết kế được nhiều, một năm chỉ có vài bản vẽ được gửi về nên Ngọc Thịnh có thuê thêm một thiết kế khác. Không ngờ rằng mọi thứ vẫn theo chiều hướng tệ đi, những bản thiết kế của tôi giờ đã không còn đỉnh cao như trước kia, sản phẩm ra đời cũng không bán chạy. Đúng là thời thế, thế thời, mọi thứ thay đổi nhanh đến nỗi chính bản thân tôi còn không kịp tiếp nhận.
Vì không có nhiều thời gian nên tôi cũng không muốn nghĩ nhiều nữa mà ôm xấp giấy đi ra ngoài. Trời mùa hè Hà Nội rất nóng, vì để tiết kiệm tiền tôi không dám gọi taxi mà đi xe bus đến những công ty mà Duy đã cho địa chỉ để xin kêu gọi đầu tư. Để tiện cho mình, tôi chọn những công ty có địa chỉ gần nhau để đi một loạt. Thế nhưng đúng như Duy đã nói, chỉ cần nghe đến Ngọc Thịnh các công ty đều từ chối, thậm chí có một số công ty chưa cần xem qua kế hoạch, cũng không thèm xem bản thiết kế đã lắc đầu, một số khác khi chưa biết tôi ở Ngọc Thịnh đến tiếp đón khá nhiệt tình, nhưng lúc biết tôi đến để xin đầu tư thì cười nói:
– Nếu em đến ứng tuyển anh sẽ sẵn lòng tiếp nhận, còn đến để xin đầu tư thì bên anh lại không giúp được. Ngọc Thịnh sắp đổ nát rồi, không ai dại mà đi đầu tư làm gì, nghe nói Ngọc Thịnh phải đền bù khá nhiều hợp đồng, nói không chừng nếu dính đến mà đen không đủ tiền đền bù lại phải chịu trách nhiệm hình sự, em cũng nên từ bỏ đi, qua bên anh mà làm việc, bên anh sẽ không bạc đãi người đẹp như em đâu.
Nghe đến trách nhiệm hình sự, tôi càng cảm thấy lòng nặng trĩu. Trước kia anh trai tôi từng phải đi tù vì tôi, tương lai của anh bị vùi dập bởi chuyện năm ấy, sau đó đã phải cố gắng, phải nỗ lực rất nhiều mới có ngày hôm nay. Vậy mà đến giờ ông trời lại trêu ngươi, dồn anh em tôi vào đường cùng lần nữa. Tôi muốn cứu vãn Ngọc Thịnh không phải chỉ vì Ngọc Thịnh là tâm huyết của anh trai tôi, mà còn là hy vọng của tôi, là chỗ dựa cho cháu trai tôi lúc này, và hơn hết, tôi biết kế hoạch xin đầu tư này là cọng rơm cứu mạng duy nhất mà Ngọc Thịnh hay nói đúng hơn là anh em tôi có thể nắm lấy. Không có nó, anh em cũng không đi con đường nào khác được. Tôi có thể đi ứng tuyển làm thiết kế cho công ty khác, nhưng còn Ngọc Thịnh, nếu phải đối mặt với khoản bồi thường hợp đồng quá lớn, không đủ khả năng chi trả thì anh tôi sẽ phải đối diện với việc bị truy tố trách nhiệm hình sự. Đó là việc mà tôi không bao giờ muốn.
Cả một buổi sáng, tôi đã đi 8/10 công ty nhưng chỉ ôm một bụng thất vọng. Còn hai công ty nữa nhưng ở xa hơn, trời lại trưa rồi, tôi đành thất thểu trở về bệnh viện định vào thăm cháu trai một lúc rồi chiều sẽ tiếp tục nốt, nếu không được nữa thì có lẽ tôi và Duy sẽ phải tính xem còn cách nào khác nữa không.
Khi xe bus đến bệnh viện, bệnh viện đã vãn người, giờ nghỉ trưa nên bệnh nhân đến khám đã không còn nhiều. Tôi hít một hơi, vén lại mái tóc ướt mồ hôi đi vào. Vừa vào đến sảnh bệnh viện tôi bỗng thấy bên ngoài xe cứu thương hú hét ầm ỹ, bên ngoài y tá, bác sĩ nhanh chóng đẩy bệnh nhân chạy như bay vào bên trong. Vì không chưa kịp định hình, tôi không kịp tránh mới chỉ lùi chân lại đã bị chiếc giường nằm va phải loạng choạng rồi ngã vồ xuống đất. Cũng không biết cẳng chân bị thứ gì xoẹt qua đau nhói, một dòng máu tươi cũng phun ra. Cùng lúc này, tôi bỗng thấy có một người đang chạy theo xe cứu thương cũng dừng lại. Thế nhưng khung cảnh hỗn loạn, tôi lại đang ở tầm nhìn thấp nên chỉ nhìn thấy một đôi giày nam xoay lại phía mình. Vốn định ngước lên thì đột nhiên Vinh cũng từ đâu lao tới cúi gập người đỡ tôi rồi vội vã hỏi:
– Em có sao không?
Thấy Vinh, tôi cũng có chút kinh ngạc hỏi lại:
– Sao anh lại vẫn ở đây?
– Bệnh nhân đưa sang đây tiến triển không tốt, viện cử anh sang đây vài ngày cùng các bác sĩ viện nhi điều trị và tìm ra phương pháp chữa bệnh phù hợp cho cô bé ấy. Thôi không nói nữa, vào anh rửa vết thương cho.
Nói rồi không đợi tôi đáp Vinh đã đỡ tôi vào phòng khám bệnh của bạn anh, mượn cồn và băng để xử lý vết thương cho tôi. Vết thương không sâu nhưng bị rạch khá dài, vì máu chảy ra nhiều nên phải băng bó lại, tôi lại mặc váy công sở ngang gối nên phần băng bó lộ ra. Đắn đo một hồi, tôi quyết định để tối mới lên thăm cháu, sợ anh tôi nhìn thấy vết thương lại mất công lo lắng, vả lại chiều còn phải đi đến hai công ty còn lại nên cũng muốn về nhà thay váy dài hơn. Tôi vốn muốn ra ngoài bắt xe bus đi về không muốn phiền đến Vinh, nhưng anh nhất quyết bắt tôi lên xe anh để anh đưa về, không từ chối được tôi chỉ đành nghe theo.
Về đến nhà, đã gần một giờ chiều, Vinh đưa tôi về cũng nhanh chóng trở lại viện làm việc. Tôi không kịp nghỉ ngơi chỉ ăn uống qua loa, thay quần áo rồi lại bắt xe bus đến hai công ty còn lại. Đây là hai công ty xa Ngọc Thịnh nhất, cũng là hai công ty duy nhất tôi hi vọng lúc này. Công ty đầu tiên tôi đặt chân đến là công ty Hoà An, thế nhưng ngay khi nghe tôi giới thiệu tôi ở Ngọc Thịnh qua cô thư ký đã cười cợt chế giễu:
– Cô đến xin vốn đầu tư đúng không? Tổng giám đốc của chúng tôi nói nếu người của Ngọc Thịnh đến gọi vốn thì không cần tiếp, cứ trực tiếp đuổi về. Tổng giám đốc của chúng tôi trưa nay đi ăn với bạn bè, đều là lãnh đạo mấy công ty mà Ngọc Thịnh từng đến xin giúp đỡ đó mà. Vậy nên chắc không cần nói cô cũng biết kết cục rồi đúng không? Thôi cô về đi, chỉ là con thiết kế quèn mà đòi đi gọi vốn, lãnh đạo Ngọc Thịnh đến chắc gì đã được tiếp.
Tôi đưa tay siết chặt xấp tài liệu trên tay, cảm giác bị người bỡn cợt, khinh thường trong lúc sa cơ lỡ vận quả thực là phẫn nọ và uất nghẹn. Thế nhưng tôi có thể làm gì khác được đây, chỉ đành lặng lẽ cúi thấp đầu đi ngoài. Ra đến ngoài, tôi ngửa mặt lên, nhìn bầu trời trong xanh cố gắng hít một hơi, xốc lại tinh thần rồi đi đến công ty cuối cùng. Dù sao thì chỉ cần có một tia hy vọng tôi vẫn muốn thử.
Công ty cuối cùng là công ty xa Ngọc Thịnh nhất, nhưng có vẻ lại mới nhất, cũng có vẻ to nhất trong danh sách mười công ty mà Duy đưa cho tôi. Khi đến cổng công ty, tôi khẽ dừng lại nhìn lên mấy dòng chữ lấp lánh phía trên
“Tổng công ty Lâm An”
Buổi sáng vì danh sách khá nhiều tôi chỉ đọc lướt qua, đến giờ khi nhìn thấy mấy chữ này tôi bỗng nhiên cảm thấy có chút quen tai. “Lâm An” hình như tôi đã từng nghe ở đâu đó rồi nhưng nghĩ mãi lại không ra là đã nghe ở đâu. Tôi đứng một lúc mới ôm bản kế hoạch đi vào, bác bảo vệ sau khi xem giấy tờ của tôi thì hướng dẫn tôi lên tầng hai gặp lễ tân. Tiếp đón tôi là cô lễ tân xinh đẹp, thế nhưng thái độ lại rất hoà nhã khác hẳn với cô thư ký bên Hoà An. Cô ấy mời tôi ngồi ở ghế, rót một cốc nước rồi hỏi tôi:
– Giám đốc của chúng tôi hiện tại không có ở công ty, cô muốn chờ hay để hôm khác đến gặp ạ?
– Lúc nào giám đốc của các cô về ạ?
– Tôi cũng không rõ lắm, ban nãy đang làm việc giám đốc có việc đột xuất nên vội vã đi, phó giám đốc thì đang đi công tác ở tận Đà Nẵng. Nhưng thường thì giám đốc ít khi đi mà không báo trước thế này, có lẽ chỉ một hai tiếng sẽ về thôi ạ.
– Vâng, vậy tôi sẽ chờ ở đây! Cảm ơn cô, cô cứ đi làm việc của mình đi ạ.
Cô lễ tân nghe vậy cũng gật đầu mỉm cười rồi đi về phía góc làm việc của mình lặng lẽ đánh máy. Điện thoại tôi hết pin, vả lại đến kêu gọi đầu tư tôi cũng không muốn cắm đầu vào điện thoại nên ngồi quan sát công ty. Ngồi một lúc tôi cảm thấy mọi người làm việc đều rất chỉn chu, chuyên nghiệp, không có ai tò mò, cũng chẳng ai dùng ánh mắt chế giễu nhìn mình nên lòng cũng dần thoải mái hơn đôi chút. Chỉ là chờ rất lâu vẫn không thấy giám đốc công ty trở về, khoảng hai tiếng đồng hồ sau cô lễ tân có nói với tôi cô ấy đã thử gọi điện nhưng giám đốc không bắt máy có lẽ giám đốc có việc cá nhân nên vẫn chưa thể về. Tôi chưa gặp được nên vẫn ôm hi vọng, vẫn muốn chờ cũng không muốn làm phiền lễ tân quá nên chỉ cảm ơn rồi lại ngồi lặng lẽ ngồi xuống ghế. Cô lễ tân thấy vậy liền mang cho tôi mấy tờ báo đọc giết thời gian sau đó lại quay về làm việc. Tôi ngồi đọc hết xấp báo ấy, lại đọc lại bản kế hoạch đến năm bảy lần vẫn chưa thấy giám đốc của công ty Lâm An trở về. Nhưng vì đây đã là lựa chọn cuối cùng, là tia hi vọng cuối cùng rồi tôi không muốn từ bỏ nên kiên nhẫn ngồi đến tận khi trời xế chiều, khi đồng hồ đã điểm giờ tan làm. Chỉ là cuối cùng người cần gặp vẫn không gặp được. Cô lễ tân lúc này cũng thu dọn đồ rồi ái ngại nói với tôi:
– Xin lỗi cô, giám đốc chắc có việc cá nhân nên không kịp về rồi. Có gì tôi sẽ báo lại với giám đốc một câu.
Tôi hiểu ý, nên loạng choạng đứng dậy, ôm xấp tài liệu đáp lại:
– Không sao, cảm cơn cô, ngày mai tôi lại đến!
Nói rồi tôi nặng nhọc lê chân ra ngoài thang máy đi xuống tầng một. Bên ngoài ánh nắng chiều tà như sắp tắt, mấy tia nắng yếu ớt len qua ô kính nhỏ chiếu lên mắt tôi. Thang máy từ từ di chuyển, lòng tôi cũng đầy những suy nghĩ ngổn ngang. Hai tay tôi vẫn siết chặt lấy xấp tài liệu tự an ủi mình rằng chưa gặp thì vẫn còn hi vọng, chỉ cần tôi kiên nhẫn, kiên cường thì tất cả mọi khó khăn cũng sẽ qua, nhất định ông trời sẽ không bất công mãi như thế. Nghĩ đến đây, thang máy cũng tinh một tiếng, cửa thang máy mở ra. Tôi không ngẩng đầu, vì chân đau nên nặng nhọc bước đi, mắt vẫn nhìn xuống nền đá hoa suy nghĩ, không để ý trước mặt mình có một người đang vào thang máy. Khi người đó vừa đi qua, tôi bỗng thấy một mùi hương tưởng như quen thuộc mà lại tưởng như xa lạ thoảng qua mũi mình. Không phải mùi nước hoa, cũng không phải mùi sữa tắm, mà một mùi thơm của gỗ, thoang thoảng lẫn vào là mùi cỏ cây, mùi nắng mới của núi đồi ngan ngát. Trong phút chốc tôi bỗng khựng lại, như một phản xạ quay đầu nhìn. Thế nhưng ngay lúc ấy cửa thang máy cũng vừa vặn khép lại, chỉ là một cánh cửa thôi, cách một vài bước chân thôi mà lại giống như cách ba vạn sông, ngàn vạn núi, ở giữa là trùng trùng nguy nan hiểm trở, vĩnh viễn không có cách nào nhìn, cũng không có cách nào chạm tới!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!