Ánh Trăng Nào Đẹp Bằng Em - Phần 27: Ngoại truyện 1-2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
237


Ánh Trăng Nào Đẹp Bằng Em


Phần 27: Ngoại truyện 1-2


Tôi vẫn không thể tin nổi, thực sự mà nói, tin về Đông Đông với tôi còn không chấn động bằng tin này. Bởi với Đông Đông tôi đã có sự chuẩn bị tinh thần, còn chuyện này tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi đưa tay siết chặt lấy bàn tay Đông Đông, nhìn người đàn ông trước mặt càng căm hận lão già đốn mạt kia, không những tôi mà cả Viễn cũng là nạn nhân của ông ta. Nhưng quan trọng nhất lúc này tôi bỗng thấy hình như linh hồn đã chết của tôi bỗng như được hồi sinh, hình như tôi được sống lại rồi, hình như tôi đã có động lực để tiếp tục rồi. Tôi rất yêu Viễn, nhưng vì mối nhân duyên oan nghiệt mà phải chia ly, giờ phút này tôi bỗng thấy hạnh phúc hình như đã dần chạm đến. Đột nhiên tôi không còn muốn kìm nén nữa ôm chặt cả anh và Đông Đông nghẹn ngào nói:

– Sao anh lại khóc? Sao anh lại khóc chứ? Anh không phải con lão khốn nạn ấy sao lại phải khóc? Không phải tốt rồi sao? Không phải như vậy rất tốt sao? Đông Đông trở về, em có thai rồi, anh không phải con lão Huấn đó chẳng phải rất tốt sao? Viễn, em rất nhớ anh nhưng lại không được phép nhớ, yêu lại không được phép yêu nhưng giờ thì được phép rồi, được yêu anh rồi, vậy có gì mà không tốt?

Mặc dù nói như vậy nhưng chính bản thân tôi cũng đã khóc nức nở rồi. Khóc vì một hạnh phúc quá đỗi, khóc vì không thể tin được chuyện này. Viễn không khóc to, anh chỉ lặng lẽ ôm cả tôi và Đông Đông vào lòng nhưng cũng không ngăn nổi xúc động. Nước mắt anh chậm rãi chảy xuống tóc tôi như chầm chậm xé tan cõi lòng tôi. Anh bảo:

– Là chuyện tốt. Anh chưa bao giờ muốn làm con ông ấy, từ nhỏ cho đến tận giờ phút này, anh còn phải đội ơn ông trời. Từ nay không có gì ngăn cản chúng ta nữa anh rất vui, nếu anh là con ông ấy, cả đời này anh không dám đối diện với em. Nay biết tin này tất nhiên anh rất hạnh phúc, nhưng… anh thương mẹ quá.

Nói đến đây, giọng anh cũng lạc đi:

– Cái Phương giờ ở trong bệnh tâm thần, anh thì không phải con ruột, đứa bé con ruột của mẹ giờ đã nằm ba tấc đất. Tuy mẹ không nói ra, tuy mẹ là người tìm ra mọi chuyện. Nhưng anh biết mẹ suy sụp lắm, mới chỉ vài tuần… mẹ đã gầy đi mất năm sáu cân. Mẹ nuôi anh từ nhỏ, thương anh hơn cả con ruột mình, vẫn nghĩ anh là con bà sinh ra…

Nước mắt tôi cũng nấc lên, nước rơi càng lúc càng nhiều, tôi tuy rất căm hận lão Huấn, căm ghét cái Phương nhưng đúng là tôi cũng rất thương mẹ Viễn. Bà là người rất tốt, nhưng không hiểu sao lại chịu bao tai ương thế này. Tôi thương bà, nhưng trong sâu thẳm còn thương Viễn nhiều hơn. Anh bị lão già đốn mạt kia tráo đổi, đến giờ không biết bố mẹ mình là ai, anh phải sống một cuộc đời dưới danh nghĩa là con của một kẻ phạm tội h.iếp d.âm trẻ em, phải sống trong sự nghèo khó, khốn cùng… nghĩ thôi đã thấy vô cùng đau lòng và xót thương. Tôi vừa ôm anh vừa an ủi:

– Chắc mẹ cũng hiểu được anh cũng chỉ là nạn nhân trong chuyện này, anh và mẹ cả hai đều đáng thương. Mẹ nuôi anh lớn ngần này, mẹ rất thương anh, dù anh có không phải con mẹ sinh ra thì mẹ vẫn coi anh là con đẻ, anh cũng coi mẹ là mẹ ruột. Từ nay về sau, dù có tìm được bố mẹ ruột hay không vẫn cứ đối tốt với mẹ như trước kia là được.
– Anh không có ý tìm bố mẹ ruột, với anh, chỉ có duy nhất một người mẹ thôi.

Tôi biết Viễn vì sao lại có suy nghĩ ấy, anh sợ tìm được bố mẹ ruột sẽ khiến mẹ anh tổn thương, cũng có lẽ anh sợ không tìm được bố mẹ ruột hoặc bố mẹ ruột không muốn nhận anh. Nhưng tôi nói với anh:

– Theo lời anh nói thì năm ấy anh bị tráo đổi, nếu vậy bố mẹ ruột của anh cũng rất đáng thương. Giống như chúng ta bị tráo đổi Đông Đông, đổi lại là một đứa bé đã mất đau đớn biết nhường nào. Viễn, chỉ cần anh không phải con lão Huấn là tốt rồi. Anh nên tìm bố mẹ ruột của mình, dù có nhận hay không thì vẫn nên tìm họ…

Viễn nghe tôi nhắc đến Đông Đông, hốc mắt anh cũng đỏ rực lên. Tôi đưa tay vỗ vỗ vai anh nói tiếp:

– Bố mẹ ruột của anh có thể cũng giống như chúng ta mấy năm nay. Chỉ là nỗi đau của họ kéo dài hơn nỗi đau của chúng ta. Nghe lời em, tìm họ nhé. Em sẽ cùng anh đi tìm. Còn với mẹ nuôi, em tin là bà dám đứng ra tìm sự thật cho anh thì bà cũng đã chấp nhận nó. Một người có nhân cách tốt như bà thì bà biết đâu là sai đúng và vẫn yêu thương anh như con ruột thôi. Vận mệnh đã thế rồi, anh nên đi tìm bố mẹ ruột để họ biết anh vẫn sống rất tốt…

Viễn không đáp nữa, chỉ ngồi trước mặt tôi ôm lấy con, bàn tay chạm lên bụng tôi. Lồng ngực anh thít lên, dang tay ôm chặt tôi vào lòng, tiếng nói khản đặc, đau thương cất lên:

– Anh thương mẹ nhưng anh cũng em. Anh thương em… thương con rất nhiều.

Anh liên tục lặp lại câu nói ấy, không phải yêu, chẳng phải nhớ, mà là một chữ thương đáng giá hơn cả ngàn chữ yêu. Tôi gần như không kìm nổi, trái tim đau đớn đến mức như muốn nổ tung ra, đau đớn cả gấp trăm ngàn lần lúc chia ly, đau đớn cả gấp trăm ngàn lần những nỗi đau mà tôi đã phải trải qua, run rẩy ôm chặt anh. Tôi muốn dỗ dành anh, nhưng không thể mở lời. Anh gần như không thở nổi, nhìn lên gương mặt tôi, ánh mắt thương đau không giấu nổi. Tôi thấy anh như vậy, lòng cũng tan nát khẽ nói:

– Em không sao, em biết mà… em biết một người tử tế như anh không thể là con lão Huấn được. Nhìn thế nào em cũng không nhìn ra anh là con lão ấy. Người giỏi giang xuất sắc như anh sao mà là con lão ấy được. Anh ơi, em cũng thương anh lắm!
– Ngọc!
– Dạ?
– Anh được phép yêu em rồi đúng không?

Nghe xong tôi bỗng cảm nhận tim mình bỗng như tan chảy, giống như bao lớp băng tuyết được ủ ấm chỉ bởi câu nói ấy. Tôi ngước lên nhìn anh, một giọt nước lăn xuống má, trượt dài xuống miệng tôi đắng ngắt. Vì mối nhân duyên oan nghiệt mà phải chia ly, đến ngay cả anh cũng không dám đối diện với tôi. Nhưng giờ đã chẳng còn gì ngăn cản nữa rồi. Tôi lấy hết dũng khí nói:

– Viễn, chúng ta được phép yêu nhau rồi. Có một lời này em chưa từng nói với anh… em rất yêu anh.

Khi nói đến câu này, xung quanh bỗng trở nên im lặng, ngay cả Viễn cũng im lặng nhìn tôi. Tôi nghe tiếng tim anh đập, còn thấy lồng ngực anh phập phồng, anh cúi xuống nhìn tôi, đôi mắt ngập tràn sự yêu thương và cả xót xa, đau đớn. Anh siết chặt lấy tôi hơn, giọng nói vừa hổn hển, vừa xót xa:

– Ngọc! Anh rất nhớ em… rất nhớ em…

Trong giây phút này, tôi bỗng cảm thấy tất cả những khổ đau giày vò, những ấm ức tủi nhục của cuộc đời này cũng như tan biến hết. Anh giống như chàng trai trên núi năm nào hèn mọn yêu tôi, ngày đêm chăm sóc cho tôi, băng qua những cách trở về thời gian và không gian mà ôm tôi khóc một lần nữa, như thể mọi chuyện trước đây đã quay trở lại, như thể chưa từng có cuộc chia ly, như thể một nửa linh hồn mất đi nay mới tìm lại được, như thể chẳng có những tổn thương chồng chất gây ra cho nhau, như thể tôi và anh chưa từng chia xa. Tôi cũng không còn kìm nén được, mọi cảm xúc cũng vỡ oà ra trong khoảnh khắc này đưa đôi tay lên ôm lấy anh nước mắt như màn sương. Bao nỗi nhớ nhung, dằn vặt, một cái ôm siết chặt sao lại khiến trái tim nghẹn ngào, nhớ thương. Chỉ có điều vì tôi có thai, Viễn không cho tôi khóc nhiều, anh đặt Đông Đông nằm gối lên đùi anh rồi nói:

– Được rồi! Không sao rồi, có anh ở đây rồi, không khóc nữa. Khóc nhiều lại ảnh hưởng đến con.
– Vâng. Mà sao em lại ngất, thai… được mấy tháng rồi?
– Em bị ngất do thiếu chất. Thai hơn ba tháng rồi em không hay biết gì sao? Bác sĩ siêu âm là một cặp song thai, nhưng giờ người ta không công khai giới tính nên không biết con trai hay con gái.

Tôi đưa tay sờ xuống bụng, qua mấy lớp áo dày chỉ thấy bụng hơi nhô ra một chút. Dù là lúc mang thai Đông Đông hay giờ mang thai một cặp song sinh lớn thế này tôi vẫn không hề biết gì. Trước kia là do lần đầu mang thai chưa có kinh nghiệm, còn giờ thì do chia ly đau đớn quá, sau đó lại mải tìm Đông Đông tôi cũng không để ý gì cả. Lúc này tôi cũng nhớ lại lời ông lão bán vòng bạc cho tôi khẽ nói với Viễn:

– Không cần bác sĩ nói em cũng biết đây là cặp song thai gái.

Viễn lúc này mới hơi cười, nụ cười đầu tiên tôi nhìn thấy suốt thời gian chia ly đến giờ:

– Em tin lời ông lão ấy nói rồi sao?
– Vâng. Em tin rồi. Trước nay chuyện tâm linh em không tin, nhưng giờ em tin rồi.

Nói đến câu này tôi cũng liếc nhìn chiếc vòng bạc trên tay Viễn. Anh và tôi vẫn đeo nó đến tận giờ phút này. Anh thấy tôi cứ ngây người ra nhìn thì nói:

– Được rồi. Em nằm xuống nghỉ ngơi đi đã. Không khóc nữa nhé, Đông Đông thấy em khóc lại sợ đấy.
– Anh cho Đông Đông nằm xuống đây cùng em được không?

Viễn gật đầu, anh đặt con nằm cạnh tôi. Tôi đưa tay vòng qua người Đông Đông ôm lấy con. Đông Đông có ngũ quan rất hài hoà, gương mặt dù ở góc nào cũng vô cùng xuất sắc, tôi cứ lặng lẽ ngắm nhìn nửa thấy quen thuộc, nửa lại thấy xa lạ. Đã cố dặn mình đừng khóc, vậy mà lúc nằm cạnh con, nhìn gương mặt non dại, hít hương thơm trên cơ thể con khoé mắt tôi lại bắt đầu ngân ngấn nước. Thằng bé ngủ ngon lành, còn rúc đầu vào ngực tôi khiến tôi cũng thấy trái tim mình dần ấm áp lên. Vừa ôm con tôi vừa nghĩ đến những tháng ngày kinh khủng ba năm nay lại thấy tâm can tê liệt. Tôi kiểm tra người Đông Đông một hồi nhưng người Đông Đông không hề có dấu vết của sự bạo hành, ngược lại con khá bụ bẫm, trắng trẻo và sạch sẽ chứng tỏ mấy năm nay điều kiện sống của con cũng không tệ. Chỉ có điều dù sao mà nói thì việc không được sống cùng người mẹ dứt ruột sinh ra cũng là quá nhẫn tâm với con. Tự dưng tôi nhớ đến mẹ ruột Viễn, hơn ba mươi năm, không rõ bà là ai nhưng tôi đoán chắc bà còn trải qua thời gian dài đằng đẵng, khủng khiếp hơn cả tôi. Nếu như biết Viễn mới là con ruột bà… rốt cuộc bà sẽ thế nào đây. Mà vừa nghe Viễn nói… người phụ nữ ấy là giáo viên, từng công tác ở Cô Tô… không hiểu sao tôi lại thấy có chút mơ hồ quen thuộc nhưng lại không nghĩ ra được điều gì cả.

Đông Đông vẫn ngủ say trong vòng tay tôi. Lúc này tôi mới nhớ ra Viễn cũng rất mệt mỏi, kiệt sức, anh vừa phải đi tìm Đông Đông, lại phải lo cho tôi, ban nãy thấy bóng dáng anh liêu xiêu bế Đông Đông đi lấy thuốc bổ cho tôi tôi liền bảo với anh:

– Anh cũng nằm xuống với em và Đông Đông để nghỉ chút đi.
– Em cứ nằm đi, anh xuống mua cơm cho hai mẹ con đã. Em muốn ăn gì anh mua cho em? Dưới cangtin bệnh viện đồ ăn cũng rất và sạch sẽ chỉ là ở nơi này không có đồ biển đa dạng, Đông Đông thì ăn trứng, còn em muốn ăn gì để anh mua.

Nhìn thấy Viễn chạy đôn chạy đáo hết lo cho tôi lại lo cho Đông Đông sau mấy quãng đường dài và mệt nhọc lòng tôi vô cùng day dứt. Nhưng giờ tôi mang thai, cũng không thể không ăn gì nên nói đại loại ra vài món cũng dặn anh mua thêm đồ ăn cho mình. Lúc Viễn đi xuống cangtin thì Đông Đông cũng dậy. Thằng bé không thấy bố đâu thì ngơ ngác đảo mắt đi tìm. Thế nhưng con không khóc chỉ hỏi tôi:

– Bố Viễn đâu rồi ạ?

Đây là câu nói đầu tiên Đông Đông nói với tôi, con đã gần ba tuổi rồi, nói rất sõi, không hề ngọng. Thấy tôi không đáp, nó lại hỏi:

– Cô dẫn con đi tìm bố Viễn được không?

Tôi bảo:

– Không phải cô, mà là mẹ, bố Viễn, mẹ Ngọc. Đông Đông, mẹ là mẹ của con.
– Con không phải Đông Đông, con là Andy Đông Quân!

Mới tí tuổi đã biết lý sự thế này, tôi vừa buồn cười vừa bất lực. Chưa kịp đáp con lại bảo:

– Cô dẫn con đi tìm bố Viễn đi. Con đói bụng rồi, con muốn ăn cơm.
– Gọi mẹ Ngọc đi rồi mẹ dẫn đi.

Đông Đông nhìn tôi, do dự một hồi nhưng cuối cùng vẫn giữ nguyên quan điểm cũ:

– Cô không phải mẹ con.

Thật ra tôi cũng hơi buồn chút, nhưng tầm tuổi này vẫn đang dở dở ương ương, vả lại Đông Đông từ nhỏ không sống cùng tôi, việc chưa chấp nhận tôi cũng dễ hiểu. Chỉ là không hiểu sao con lại chấp nhận gọi Viễn là bố. Tôi ghen tỵ quá đi mà. Để lấy lòng con, tôi liền đứng dậy định dẫn con xuống cangtin, nhưng ra đến ngoài Viễn cũng lên. Thấy Viễn, Đông Đông cũng lao tới ôm chân anh hỏi:

– Bố mua gì cho Đông Quân ăn vậy?
– Bố mua trứng, Đông Đông thích không?
– Dạ thích nhưng con là Đông Quân.
– Tên đi học của con là Đông Quân nhưng ở nhà bố mẹ gọi con là Đông Đông. Đông Đông rất hay, có được không nào?
– Dạ, được ạ.

Nhìn hai bố con thân thiết với nhau như vậy, tôi vừa mừng vừa chạnh lòng. Lúc ăn cơm Đông Đông ăn rất ngoan, mới gần ba tuổi con đã tự lập, tự xúc ăn, ăn xong cũng tự mang khay cơm vào nhà vệ sinh. Con ở bên Anh từ nhỏ, có lẽ cũng được giáo dục kỹ năng tốt nên tôi thấy con rất ngoan. Ăn cơm xong tôi mới hỏi Viễn sao anh lại tìm được con. Bấy giờ anh mới kể với tôi thật ra anh đã nghi ngờ đứa bé bị mất không phải Đông Đông từ lâu rồi. Cách đây gần ba năm, lúc tôi sinh Đông Đông ở viện tỉnh, Viễn vẫn ở viện huyện thập tử nhất sinh. Sau gần nửa tháng trời nằm viện qua cơn nguy kịch anh mới biết tin tôi đã rời khỏi núi. Theo lời cái Phương thì do tôi bỏ trốn nhưng anh không tin đã tra hỏi chị Trang và biết được hôm tôi rời khỏi núi chị Trang bị cái Phương chuốc thuốc ngủ và mang tôi đi từ lúc nào không hay. Dù cơ thể Viễn chưa phục hồi nhưng anh không nằm viện nữa, nhất quyết ra viện xuống Hà Nội tìm tôi. Viễn có địa chỉ nhà tôi, chỉ có điều lúc xuống tôi đã sang Toronto, theo sự tìm hiểu của anh thì lúc tôi trở về Hà Nội chẳng có đứa bé nào cả. Anh cũng lờ mờ đoán ra Đông Đông không còn nhưng không dám chắc. Đến khi anh điều tra được ra người chở cái Phương xuống núi ngày hôm ấy là bạn cấp ba của cái Phương anh đã đến tìm hắn ta. Hắn ta cũng thật thà khai ra hết tất cả mọi chuyện, còn nói lúc hắn ta và cái Phương ra đến đường biên giới đã không thấy tôi đâu nữa. Vì tôi mang thai lớn như vậy, với tính cách và hoàn cảnh của tôi khi ấy sẽ tìm đến bệnh viện. Viễn khoanh vùng các bệnh viện ở tỉnh và các huyện trong tỉnh để tìm kiếm thông tin về tôi. Tìm mấy nguyên một tháng trời anh mới biết tôi sinh con ở viện tỉnh XX. Nhưng vì con tôi bị tráo, đám y tá, bác sĩ nhận một số tiền lớn từ Trần Ngọc Ân nên đã giấu Viễn và nói với anh rằng đêm đó chỉ có mình tôi đi sinh, và đứa bé tôi sinh đã mất. Nghe tin ấy Viễn vô cùng suy sụp, lúc thập tử nhất sinh con mất, tôi lại bỏ đi chưa từng ngoảnh mặt lại. Anh không biết mộ của con ở đâu, anh chỉ biết cho người theo anh Thịnh để tìm hiểu. Mãi đến ngày giỗ đầu một năm của con anh mới biết nơi con được chôn cất. Thế nhưng trên bia mộ có ghi Đông Đông là giới tính nữ, mà trong thâm tâm của Viễn anh vẫn luôn cho rằng con là bé trai. Anh bảo với tôi không phải anh trọng nam khi nữ, càng không phải mê tín dị đoan nhưng bà lang Côn từ lúc anh sống trên núi chưa từng bắt mạch sai giới tính ca nào. Vậy nên anh có quay lại viện để tìm hiểu, nhưng tất nhiên đám y tá bác sĩ năm nào vẫn khẳng định với anh đêm đó chỉ có tôi sinh con, đó là một bé gái và bé gái ấy đã mất ngay trong đêm ấy. Dù sao Viễn cũng là một người hiện tại, sự bắt mạch của bà lang Côn có chuẩn thế nào cũng không bằng y học hiện đại nên anh đành tin. Nhưng có lẽ bởi khát khao Đông Đông còn sống mãnh liệt quá, lần tôi và anh đi chợ Phiên, nghe ông lão bán hàng nói chuyện sự nghi ngờ của Viễn lại dâng trào. Lần này anh dùng tất cả mối quan hệ của mình để tìm hiểu về việc tôi sinh con đêm ấy. Cũng chính lần này anh tìm hiểu được ngoài tôi ra thì đêm ấy Trần Ngọc Ân cũng sinh con, cô ta sinh được một bé trai. Có điều vì cô ta ở bên nước ngoài nên việc điều tra cô ta vô cùng mất thời gian. Viễn không nói với tôi vì anh cũng không hề chắc chắn chuyện này. Sau khi điều tra được cô ta và chồng đại gia ở London Viễn cũng điều tra được về gia cảnh chồng đại gia của cô ta. Nghe nói anh ta chỉ sinh toàn con gái, lại không muốn thụ tinh nhân tạo, đến khi bỏ vợ cũ cặp với Trần Ngọc Ân thì hai bé đầu vẫn là con gái. Cho đến khi Trần Ngọc Ân mang thai đứa thứ ba, vì muốn được chồng đại gia làm giấy cho sang London định cư, cô ta đã nói dối đứa bé trong bụng là con trai. Giấy tờ siêu âm cô ta cũng làm giả, lúc cô ta mang thai được ba mươi tám tuần, thời gian đó trùng hợp chồng cô ta lại đi nước ngoài giải quyết công việc. Lẽ ra cô ta nên ở Phú Thọ chờ đẻ thì cô ta lại kiên quyết đòi lên Thị trấn YY để du lịch trước khi sinh con nhưng thực chất cô ta thông đồng với một người y tá ở tỉnh XX tìm xem có người phụ nữ dân tộc nào mang thai bé trai hoặc có bé trai sơ sinh nào không để tráo đổi. Nhưng tìm đến tuần thứ bốn mươi vẫn chưa tìm được bé trai nào cả. Đêm hôm đó, cô ta đau bụng chuyển dạ được đưa vào viện tỉnh XX để sinh con. Có lẽ chính cô ta cũng không ngờ đứa bé gái trong bụng cô ta đã chết lưu từ bao giờ, lúc sinh ra nó đã không còn sự sống, cùng lúc đó tôi cũng được đưa vào viện, vì không có giấy tờ tuỳ thân, không có người thân nên đám y tá bị Trần Ngọc Ân dùng rất rất nhiều tiền mua chuộc đã tráo đổi con tôi. Cô ta cũng tàn nhẫn đến mức, tráo đổi xong xem như chưa từng xảy ra chuyện gì, sinh con vài ba ngày liền gọi chồng đại gia về đón cô ta.

Khi Viễn biết chuyện này, anh đã thuê người điều tra cụ thể nơi mà Trần Ngọc Ân định cư bên Anh. Lúc tôi và Viễn chia tay được vài ngày anh cũng tìm được vùng cụ thể mà Trần Ngọc Ân ở. Anh đã tức tốc đặt bay sang Anh, suốt hơn nửa tháng tìm kiếm anh mới tìm được nơi ở của Trần Ngọc Ân. Nhưng anh cũng không dám manh động, cùng trợ lý và phiên dịch lấy mẫu tóc của Đông Đông đi xét nghiệm trước rồi mới tìm đến nhà Trần Ngọc Ân. Khi ấy cả chồng cô ta và cô ta đều ở nhà, sau khi đưa ra mẫu tóc, cô ta gần như chết sững, chồng đại gia thì sốc đến nỗi suýt lên cơn đau tim. Cuối cùng dưới bằng chứng là bản ADN cô ta cũng không chối cãi được, chồng đại gia của cô ta biết Viễn cũng là người có máu mặt ở Việt Nam, làm giám đốc một công ty lớn, vả lại chuyện này do Trần Ngọc Ân gây ra, anh ta cũng biết đúng sai, sợ dính dáng đến pháp luật nên đồng ý trao trả lại Đông Đông cho Viễn. Chỉ có điều Đông Đông sống quen ở nơi này rồi, lại được bảo mẫu già chăm sóc từ nhỏ, bảo mẫu đó còn thân với Đông Đông hơn cả vợ chồng Trần Ngọc Ân. Vị đại gia kia đồng ý để bảo mẫu đưa Đông Đông qua ở cùng Viễn để làm quen lại từ đầu. Viễn thuê hẳn một căn hộ ở London, cô bảo mẫu kia tuy lớn tuổi nhưng cũng rất tâm lý, rất thương Đông Đông, cũng giúp đỡ Viễn làm quen với những thói quen của con. Vậy nên thật ra Viễn đã tìm được con gần tháng nay rồi, nhưng anh phải mất một tháng rưỡi để Đông Đông quen mình, thành ra thời gian anh về Việt Nam lâu hơn dự định. Thời gian qua anh bỏ hết tất cả thiết bị, công việc để toàn tâm toàn ý bù đắp cho con, lại thêm sự giúp đỡ của bảo mẫu nên Đông Đông mới chấp nhận anh.

Sau khi nghe Viễn kể, tôi không khóc nhưng sống mũi cay xè. Thực lòng, giây phút này tôi rất ngưỡng mộ Viễn. Anh chỉ hèn mọn duy nhất với một mình tôi, còn tất cả mọi chuyện, tất cả mọi việc anh đều sắp xếp và có những suy nghĩ vô cùng thấu đáo. Việc tìm con anh cũng làm cẩn trọng nhưng đâu ra đấy, không hề bộp chộp, cũng chẳng hề dùng điều đó để níu kéo tôi. Nghĩ lại… hình như tôi hơi cực đoan với anh rồi thì phải.

Nói chuyện với Viễn được một lúc thì anh trai tôi cũng lên. Nhìn thấy Đông Đông, anh tôi xúc động không nói lên lời cứ ôm lấy thằng bé. Có lẽ cảm giác này của anh cũng giống như cảm giác của tôi khi thấy Nam. Được một lúc, Đông Đông cũng đòi đi ngủ. Viễn thấy vậy giục Đông Đông lên nằm với tôi còn anh và anh trai tôi ra ngoài hành lang nói chuyện. Đông Đông không chịu gọi tôi là mẹ, nhưng với chuyện ăn ngủ con rất tự lập, không cần ru, không cần ôm ấp vỗ về, con nằm xuống cạnh tôi nhắm mắt một lúc là ngủ ngon lành. Bên ngoài không rõ anh trai tôi và Viễn nói chuyện gì với nhau, trong gió đêm, tôi chỉ nghe được những tiếng xì xào to nhỏ. Hai người nói chuyện rất lâu, nhưng có lẽ bởi vì giờ đã chẳng còn rào cản gì, tôi cũng không hề thấy bất an. Hai người đều là người thương tôi nhất, tôi biết là Viễn hay anh trai đều chỉ mong tôi được vui vẻ, hạnh phúc thậm chí mặc kệ hai người nói chuyện, tôi buồn ngủ quá lòng vẫn yên tâm đi ngủ chẳng thèm chờ đợi nữa.

Sáng hôm sau, khi tôi tỉnh lại đã thấy Viễn dậy mua phở cho tôi và Đông Đông từ bao giờ còn anh trai tôi thì đã về Hà Nội. Đông Đông ăn rất ngoan, trừ việc không chịu gọi tôi là mẹ thì con là cậu bé cực kỳ tuyệt vời. Tôi cũng thầm cảm tạ trời đất, tuy rằng con bị tráo nhưng mấy năm nay con không phải chịu khổ cực gì nhiều lại được bảo mẫu dạy dỗ rất chu đáo. Đông Đông mới gần ba tuổi, nhưng số má, hình học, mặt chữ con đã nhận được hết rồi, con cũng nói được song ngữ Anh – Việt, bác sĩ ở viện cứ khen Đông Đông xuất sắc. Lúc này tôi nhìn Viễn, nếu sau này Đông Đông vẫn xuất sắc như vậy thì chắc chắn là bởi con mang gen của Viễn rồi, vì Viễn cũng là người rất xuất sắc. Dù anh bị tráo đổi, phải sống một cuộc sống cơ cực, khổ sở nhưng vẫn vươn lên, thành công rạng rỡ luôn. Tôi cũng không rõ bố mẹ ruột của Viễn là ai, nhưng theo linh cảm của tôi họ có lẽ cũng xuất sắc và có địa vị trong xã hội.

Buổi sáng, bác sĩ thăm buồng và khám lại cho tôi. Do mấy ngày ăn uống ngủ nghỉ thất thường, lại mang thai nên tôi mới ngất chứ không có vấn đề gì. Vậy nên bác sĩ kê thêm thuốc bổ rồi cho tôi ra viện. Ban đầu, tôi và Viễn định đưa Đông Đông ra khách sạn nghỉ ngơi vài ngày rồi quay lại Hà Nội. Nhưng buổi chiều đó mẹ Viễn đến khách sạn tìm anh. Lần này gặp, nhìn bà còn tiều tuỵ, suy sụp hơn trước kia rất nhiều. Có lẽ vì khóc nhiều quá rồi bà không còn khóc nữa chỉ bế Đông Đông ngồi vào lòng rồi bảo với Viễn:

– Lần này mẹ xuống đây là vì muốn cùng con tìm lại bố mẹ ruột cho con. Hôm trước xuống gặp ông ta, mẹ đã tìm hiểu được chút ít, ông ta là người bản địa ở đó nên ông ta thừa biết. Năm ấy mẹ cùng mẹ ruột con sinh ở trạm xá huyện Cô Tô, hồi đó Cô Tô mới chỉ là xã đảo, giờ mẹ và con cần xuống đó, tìm lại hai người y tá ở trạm năm ấy thì sẽ tìm được thông tin của mẹ con thôi. Cô Tô cũng nhỏ thôi, mọi người biết nhau gần hết, mẹ ruột con năm ấy rất có thể là giáo viên tình nguyện đi nghĩa vụ đảo, chiếu theo tầm tuổi mẹ thì các cô già già có khi biết mẹ con đấy. Thế nào thì thế cũng phải tìm được ra bố mẹ ruột của con, nếu không thì cả mẹ và con sẽ day dứt một đời mất. Bây giờ sắp Tết rồi, tìm được sớm thì tốt. Con và Ngọc là bố mẹ của Đông Đông, chắc con cũng rõ nhất cảm giác khi mất con thế nào nên đặt địa vị vào bố mẹ con thì tìm được sớm vẫn là tốt nhất.

Thấy mẹ Viễn nói vậy, tôi cũng khẽ gật đầu đồng tình. Thực lòng, ngưỡng mộ Viễn một phần tôi ngưỡng mộ và thương mẹ “nuôi” anh đến mười phần. Anh tuy không phải con ruột bà, nhưng sự tử tế của anh có lẽ bởi thừa hưởng từ người mẹ nuôi này, dưới sự giáo dục của bà anh cũng mới có ngày hôm nay. Vì anh, mẹ anh đã hai lần xuống núi, ngay cả khi biết anh không phải con ruột bà vẫn yêu thương anh như chính con ruột mình. Có lẽ suốt đêm qua Viễn cũng đã suy nghĩ kỹ rồi, lại được sự động viên của mẹ và tôi nên anh cũng đồng ý. Dù sao mà nói cũng nên biết bố mẹ ruột anh là ai, còn nhận lại hay không là tuỳ anh và họ.

Ban đầu, mẹ Viễn và Viễn muốn tôi và Đông Đông ở Hà Nội dưỡng thai. Thế nhưng Đông Đông rất bám Viễn, tôi thì không muốn xa Đông Đông, vả lại tôi cũng muốn đi cùng anh nên dưới sự kiên quyết của tôi hai người đành phải cho tôi và Đông Đông đi cùng. Buổi tối hôm ấy, bốn người chúng tôi bay về Hà Nội, nghỉ ngơi ở căn biệt thự của Viễn một đêm rồi sáng hôm sau mới lái xe xuống huyện Vân Đồn và đi tàu ra Cô Tô. Trên tàu chỉ có mình Đông Đông ríu rít nói cười, chỉ trỏ, trẻ con ngây ngô nhưng người lớn lại mang đầy tâm trạng nặng trĩu.

Khi ra đến Cô Tô, mấy người chúng tôi liên hệ với một người dân bản địa dẫn đường đến trạm xá hỏi thăm về hai người y tá năm nào. Cũng may Cô Tô khá nhỏ, dân trên đảo lại gần như quen nhau hết nên hỏi thăm một lúc cũng tìm được thông tin về hai người y tá hồi ấy. Chỉ là một người đã mất, chỉ còn một người còn sống, vừa về hưu năm nay. Người bản địa sau khi tiếp nhận thông tin liền dẫn chúng tôi đến nhà người y tá kia. Lúc vừa nhìn thấy mẹ Viễn, người y tá kia đã sửng sốt mất mấy giây. Mấy chục năm trôi qua, bà ta vẫn nhận ra mẹ Viễn chứng tỏ chuyện năm nào vẫn luôn khắc sâu trong lòng bà ta. Thế nhưng mẹ Viễn không chửi mắng, cũng không đánh đập, gào thét chửi bới mà chỉ hòi bà ta:

– Bà chắc cũng biết hôm nay tôi đến đây vì việc gì rồi đúng không?

Người y tá đã già nua, gương mặt không giấu nổi những vết chân chím in hằn nhìn mẹ Viễn run lẩy bẩy đáp lại:

– Bà tìm đến đây thì tôi cũng đoán được rồi, mấy chục năm nay lúc nào tôi cũng sẵn sàng tinh thần cho cuộc gặp hôm nay. Nhưng tôi cũng xin bà thông cảm cho tôi, mấy chục năm trước, là chồng bà đe doạ chúng tôi, đe doạ người nhà chúng tôi, đe doạ tính mạng và sự nghiệp của chúng tôi nữa chứ không phải chỉ vì ham tiền mà tráo đổi con của các người.
– Giờ nói mấy lời này có gì là quan trọng nữa? Chuyện quan trọng bây giờ, tôi muốn biết mẹ ruột của con trai tôi là ai.

Người y tá già nua lắc đầu đáp lại:

– Chuyện qua lâu như vậy tôi cũng không thể nhớ nổi thông tin của người ấy đâu, tôi chỉ nhớ cô ta tên Nhàn, hồi đó là giáo viên tình nguyện từ Hà Nội ra Cô Tô dạy học. Trường liên cấp 2,3 Cô Tô, nếu tôi nhớ không nhầm thì cô ta dạy cùng thời với hiệu trưởng trường liên cấp bây giờ. Tôi… xin lỗi… xin lỗi…

Lời xin lỗi giờ có ích gì? Mẹ Viễn có lẽ cũng chẳng muốn nghe những lời sáo rỗng, vô tri cho những hành động tàn nhẫn ấy nên không đáp lại nhờ người bản địa dẫn chúng tôi ra trường liên cấp hai, ba. Sau một hồi làm việc với bảo vệ chúng tôi mới được gặp hiệu trưởng trường liên cấp hai ba. Cô ấy cũng trạc tuổi mẹ Viễn, vừa rót nước vừa hỏi chúng tôi:

– Nghe nói cậu đây là giám đốc công ty Lâm An, không biết hôm nay đến trường tôi có chuyện gì?

Viễn thấy vậy liền đáp lại:

– Tôi muốn tài trợ quỹ khuyến học cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên đảo và muốn hỗ trợ trang thiết bị dạy học cho trường ta. Ngoài ra tôi còn có chút chuyện muốn hỏi…
– Cậu hỏi đi.
– Cô có biết cách đây ba mươi mấy năm có một cô giáo tên Nhàn ở Hà Nội về đây dạy tình nguyện. Cô ấy mang thai và sinh con ở đây, có lẽ cũng xấp xỉ tuổi cô, không biết cô có biết cô ấy không ạ?

Vừa nghe đến đây, cô hiệu trưởng liền bật cười đáp:

– Nhàn, Vũ Thanh Nhàn có đúng không? Cô ấy giờ đang làm hiệu trưởng trường THCS Đoàn Thị Điểm ở Hà Nội, là đồng môn của tôi…

Cô hiệu trưởng vừa dứt lời, tôi đột nhiên cũng suýt hét lên một tiếng. Vũ Thanh Nhàn, hiệu trưởng trường Đoàn Thị Điểm… không phải chính mẹ Vinh sao? Hai tay tôi run rẩy bấu lấy gấu quần, mẹ Viễn lại hỏi:

– Hồi ấy có mấy Nhàn ạ?
– Có duy nhất mình cô ấy tên Nhàn thôi, cũng có duy nhất mình cô ấy mang thai và sinh con ở đây do cô ấy chuyển dạ sớm, sinh hơi non chứ chưa đủ ngày đủ tháng, hình như ba sáu, ba bảy tuần đó thôi. Chỉ đáng tiếc con trai cô ấy đoản mệnh, vừa sinh ra đã mất, chồng hồi đó đi học chuyên tu bên nước ngoài chưa kịp về, chồng cô ấy làm bác sĩ, còn một cậu con trai cả ba tuổi ở nhà với bà nội. Cô ấy một thân một mình đi sinh, con mất từ bao giờ chẳng hay. Từ khi con mất, cô ấy không bao giờ trở lại Cô Tô thêm lần nữa.

Lần này, tôi còn không bình tĩnh nổi, run rẩy lấy máy điện thoại ra, tìm bức ảnh trên facebook của mẹ Vinh đưa cho cô hiệu trưởng rồi hỏi:

– Có phải… người này không ạ?
– Đúng rồi, là cô ấy, cô cũng quen cô ấy, sao cô quen hay vậy?

Tai tôi ù đi, tưởng như mình đang đi trong làn mưa lạnh buốt, quay sang Viễn thấy sắc mặt anh cũng trắng bệch rồi tái xanh nhìn chăm chăm vào màn hình. Đây mới là thứ chuyện hoang đường nhất mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Cô hiệu trưởng còn nói gì đó nhưng tôi đã không còn nghe được gì nữa. Trước kia tôi từng nghe Vinh nói mẹ anh trước kia có từng sinh con, đó là em của anh nhưng vừa sinh ra đứa bé ngạt chết nên thành ra gia đình anh chỉ có mình anh…

Tôi không biết chúng tôi đã trở về Hà Nội thế nào, chỉ biết suốt đoạn đường trên xe cả tôi và Viễn đều gần như câm lặng. Nếu như Viễn là con trai của bố mẹ Vinh, là em trai của Vinh… thật ra cũng không có gì quá vô lý. Căn bản, cả Vinh và Viễn đều học giỏi, đều xuất sắc hơn người. Nhưng… nếu như Viễn thật sự là đứa bé năm ấy… với ngần ấy sự hiểu lầm chồng chất, mẹ Vinh còn từng đánh Viễn chảy máu đầu, nếu thật sự là chung huyết thống đối diện sẽ thế nào… tôi vẫn không dám nghĩ tới.

Xe về đến Hà Nội trời cũng xế chiều, tôi bảo Viễn và mẹ cùng Đông Đông ra Gentis trước còn tôi gọi messenger cho Vinh. Cứ ngỡ anh vẫn ở nước ngoài không ngờ Vinh đã về nghỉ Tết được vài ngày rồi. Lúc thấy tôi hẹn anh ở quán cafe anh tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Nhưng tôi không có thời gian nói nhiều nên gọi xong nước thì hỏi thẳng anh:

– Vinh, trước kia anh có nói với em mẹ anh từng sinh một cậu em trai, nhưng em trai anh đã mất khi vừa sinh ra, anh có biết em trai anh sinh ngày tháng năm nào không?

Vinh nghe tôi hỏi, gương mặt bàng hoàng hỏi:

– Sao em lại hỏi anh chuyện này?
– Anh cứ trả lời em đi.
– Em trai anh sinh ngày 14/12/198x.

Nghe đến đây, tôi gần như không thở được lên. 14/12/198x cũng chính là sinh nhật của Viễn. Dù chưa có bản xét nghiệm ADN nào nhưng tôi đã chắc đến 80% Vinh và Viễn là hai anh em. Tôi hỏi tiếp:

– Mẹ anh sinh em trai anh ở Cô Tô đúng không?
– Ừ! Đúng rồi.
– Lúc sinh em trai anh, bố anh đi học chuyên tu bên nước ngoài, anh ở cùng bà nội ở Hà Nội có đúng không?
– Ngọc, sao em biết chuyện này?

Tôi hít một hơi thật sâu, giờ mang thai không thể để mình xúc động được nên nói với Vinh:

– Anh theo em đến Gentis một chuyến.
– Rốt cuộc có chuyện gì?

Giờ phút này tôi cũng không còn phải giấu giếm gì nữa đem toàn bộ chuyện kể lại cho Vinh. Vừa nghe xong, Vinh cũng loạng choạng suýt ngã, sắc mặt anh tái nhợt, trắng bệch y như Viễn khi nghe tin động trời này. Nhưng bây giờ không còn thời gian để kinh ngạc hay sửng sốt nữa, tôi giục anh:

– Đi cùng em ra Gentis, em sẽ gọi điện cho Viễn ra luôn.

Vinh bàng hoàng đến nỗi cơ thể rên lên bần bật. Thậm chí anh còn không thể lái xe, tôi phải giúp anh lái xe. Trên đường từ quán cafe ra Gentis Vinh cũng gọi điện cho bố mẹ anh. Có lẽ bởi tin này quá sức chấn động, anh không thể diễn đạt được hết, chỉ qua loa nói về việc tráo đổi con năm nào, nghi ngờ hai đứa bé bị đánh tráo, nghi ngờ Viễn mới là em trai của anh rồi gọi bố mẹ anh ra luôn Gentis.

Ra đến Gentis, Viễn đã bế Đông Đông cùng mẹ chờ ở đó. Nhìn thấy Vinh, sắc mặt anh càng lúc càng trở nên tái nhợt. Hai người đàn ông không còn trừng mắt nhìn nhau như trước kia mà ánh mắt ai cũng ngập tràn sự run rẩy, hoang mang tột độ. Tôi không phải người trong cuộc nhưng tay chân cũng không tự chủ được. Lúc này bố mẹ Vinh vẫn chưa đến nơi, nhưng sắc trời đã dần dần tối. Mẹ Viễn cũng sốt ruột liền bảo:

– Cậu và thằng Viễn vào làm xét nghiệm trước đi. Chỉ cần có kết quả của cậu và nó là tự suy ra được thôi mà.

Cả Vinh và Viễn đều nặng nhọc lê chân lại gần bàn lấy mẫu. Tôi đón lấy Đông Đông ôm chặt con. Không ai nói với ai câu gì, bầu không khí im ắng đến mức tôi còn nghe được tiếng thở của mình. Sau khi lấy mẫu xong, Vinh và Viễn mỗi người ngồi một bên tôi. Mẹ Viễn cũng ngồi cạnh Viễn tất cả đều im lặng nhìn xuống nền đá hoa. Độ chừng hơn ba mươi phút sau bố mẹ Vinh cũng đến. Rõ ràng bố Vinh và Viễn từng ăn cơm với nhau rất nhiều lần, vậy mà lần này đến, đến ngay cả một câu chào nhau cũng không thể mở lời. Còn mẹ Vinh, bà ngồi cạnh Vinh, gương mặt trống rỗng, nhợt nhạt, tóc tai còn rối bù chưa kịp chải khác với sự chỉn chu hằng ngày. Bà nhìn Viễn, hai tay đưa lên ôm ngực giống như không tin nổi, không thở nổi, trong đáy mắt là một nỗi đau cực hạn, là nỗi thống khổ mà bà đã phải đè nén suốt mấy chục năm nay.

Dãy ghế chờ chỉ có tiếng Đông Đông nói. Thời gian chờ đợi chính là thời gian dài nhất. Tất cả mọi người đến ngay cả tôi còn thấy sốc không thể tin được. Duyên phận đời người không ngờ lại luẩn quẩn một vòng như thế. Không biết chúng tôi đã chờ bao lâu, không biết chúng tôi đã ngồi trên dãy hành lang đó bao lâu. Suốt bốn tiếng dài đằng đẵng như một thế kỷ trôi qha, từ khi trời xế chuyển sang tối hẳn cuối cùng phía bên trung tâm cũng mang kết quả ra. Mẹ Vinh nãy giờ chỉ im lặng chờ đợi, cuối cùng khi nhân viên mang xấp giấy ra cũng không giữ được kiên nhẫn lao về, giọng khản đặc hỏi lớn:

– Kết quả thế nào rồi? Kết quả thế nào rồi?

Người nhân viên đáp lại:

– Dạ thưa bà có kết quả rồi ạ. Đây là xét nghiệm 16 Locus gen của anh Hoàng Quốc Vinh và Lâm Trí Viễn, có quan hệ huyết thống anh em.

Vừa nghe đến đây, mẹ Vinh cũng đột nhiên khuỵ xuống nền đất lạnh lẽo. Hai tay bà bấu xuống đá hoa, dường như không kìm được nữa đưa hai tay lên ôm mặt, cuối cùng cũng oà khóc thành tiếng. Có tưởng tượng có lẽ bà cũng không thể nghĩ ra một chuyện thế này… Bà khóc không thể ngẩng đầu lên nổi, chỉ có thể vùi mặt vào hai lòng bàn tay khóc lớn.

Yêu thích: 3 / 5 từ (2 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN