Ánh Trăng Nào Đẹp Bằng Em - Phần 5
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
919


Ánh Trăng Nào Đẹp Bằng Em


Phần 5


Đêm ở núi lạnh buốt, đi được một quãng chợt có cơn mưa rả rích. Tôi nằm trên lưng Viễn, nửa say nửa tỉnh chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy Viễn kéo chiếc áo khoác trùm qua đầu tôi, tiếng Viễn cất lên trong màn mưa:

– Không sao đâu, ngủ đi. Áo này có chống thấm, mưa sẽ không thấm qua được.

Giống như một lời an ủi, lại giống như một lời khẳng định, tôi cũng nhắm nghiền mắt yên tâm ngủ trên bờ vai vững chãi ấy. Trên trời là tiếng mưa rơi, dưới đất là tiếng dế kêu, xung quanh là tiếng gió núi rít gào, còn có cả tiếng giày lộp cộp đi trên sỏi đá. Có lẽ bởi mệt quá, cũng có lẽ bởi núi rừng yên bình quá, cuối cùng tôi ngủ say không biết gì nữa.

Sáng hôm sau, khi tôi tỉnh lại trời vẫn mưa rả rích. Tôi không nhớ nổi đêm qua đã về thế nào, nhưng việc đầu tiên khi tỉnh dậy là vội vã luồn tay vào áo ngực. Thật may quá, vỉ thuốc tránh thai vẫn nằm yên ổn nằm trong đó. Tôi nhìn vỉ thuốc tránh thai, chỉ có đúng một vỉ, chỉ có tác dụng tránh thai trong một tháng thôi. Nếu như trong tháng này, tôi vẫn chưa thể tìm được đường trở về, vậy những tháng sau đó tôi phải làm thế nào? Nghĩ đến đây, tôi không kìm được mà thở dài một tiếng rồi dậy đánh răng rửa mặt sau đó thì lấy quần áo tắm táp.

Nước trong chum vẫn tương đối ấm áp, nhưng so với mọi ngày thì lạnh hơn khá nhiều. Thế nên tôi chỉ tắm táp qua loa rồi vội đi ra ngoài. Khi vừa mở cửa ra đến phòng khách tôi bỗng nghe tiếng mẹ Viễn cất lên:

– Con cũng biết ở chốn này không có cái gì gọi là tình yêu đích thực cả mà. Con gái trong thôn mấy ai được gả cho người mình yêu? Mấy năm trước thằng Viễn nó kiếm tiền cho con xuống Hà Nội học cao đẳng, cho con thoát ly khỏi núi, được ra xã hội tự do vậy mà nửa năm đã nằng nặc đòi về. Giờ về đây rồi, đến tuổi lấy chồng gả đi con lại không chịu, mối nào con cũng chê ỏng chê eo khiến bố mẹ phải muối mặt xin lỗi. Con đã chấp nhận về đây, cũng phải biết về đây thì sẽ phải theo những hủ tục của thôn làng, con gái hai tư tuổi còn ai chưa lấy chồng?

Lúc này tôi mới biết mẹ Viễn đang nói chuyện với cái Phương. Nó ngồi thu lu đáp lại:

– Con không thích thì đừng có không lấy sao? Sao mẹ lại cứ phải ép con?
– Ép cũng là tốt cho con thôi. Con cứ một hai nói không thích vậy sao hồi ấy nhất quyết đòi về, sống ch.ết nói muốn sống ở núi? Mẹ cũng không muốn phải ép con quá, nhưng tại sao con không thử mở lòng ra thử một lần xem. Mẹ thấy cậu Tú ấy cũng đẹp trai, lại cần cù chịu khó. Ban đầu có thể chưa có tình cảm ngay, nhưng lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, tình yêu vun đắp từ từ rồi sẽ nảy sinh tình cảm thôi.

Mẹ Viễn vừa dứt lời, cái Phương cũng ngước lên nhìn, vừa hay nhìn thấy tôi nó liền lớn giọng hỏi:

– Chị Ngọc, chị nói xem, chị và anh trai tôi không yêu nhau, nhưng sống cùng anh trai tôi lâu dần chị có nảy sinh tình cảm không?

Tôi thấy nó hỏi vậy thẳng thắn đáp lại:

– Tất nhiên là chị sẽ không thể có tình cảm với anh trai em rồi. Chị không thích anh trai em, cũng sẽ không yêu anh trai em.

Dứt lời, tôi chợt thấy nó khoé môi nó khẽ cười như trút được gánh nặng. Nhưng rồi nó lại hỏi:

– Chị chắc chưa?
– Chắc chứ!
– Anh trai tôi đẹp trai như vậy, cũng giỏi giang như vậy sao chị lại không thích? Anh ấy còn cứu chị khỏi bố con lão Long nữa còn gì, chẳng lẽ thật sự chị không có chút tình cảm nào?
– Không thích thì không thích thôi. Anh ta cứu chị khỏi bố con lão Long thì sao chứ? Sau đó chẳng phải vẫn không thả chị đi mà ép làm vợ anh ta đó sao? Bị ép thì sao mà thích được, trong khi lẽ ra chị đang được sống ở nhà với người thân của chị, được tự do yêu đương, đó mới thích chứ này có gì mà thích cho nổi?

Cái Phương nhìn tôi một lúc, cuối cùng hỏi tiếp:

– Sau này… chị vẫn sẽ không thích anh trai tôi chứ?

Tôi không đáp, nhưng gật đầu chắc nịch. Cái Phương liền quay sang mẹ nó hả hê nói:

– Mẹ thấy chưa, đâu phải lửa gần rơm lâu ngày sẽ bén, cũng đâu phải lấy nhau thì dần sẽ nảy sinh tình cảm.

Bình thường, tôi thấy cái Phương thi thoảng lại châm chọc mình nên không mấy thiện cảm. Nhưng lần này, tôi hoàn toàn đứng về phía nó, bởi tôi cũng đang phải sống trong một cuộc hôn nhân ép buộc. Mà chẳng những ép buộc nó còn trái pháp luật nữa chứ. Con gái ở nơi khác bị mua về, phải rời xa gia đình, sống với một người không có tình cảm đã đành, đến con gái trong thôn cũng phải lấy người mình không yêu, đến tận bây giờ tôi vẫn không muốn tin thực sự có một nơi cổ hủ đến thế này. Mẹ Viễn nhìn cái Phương, khoé môi bà mấp máy như muốn nói gì đó, nhưng rồi cuối cùng lại không nói nữa chỉ thở dài một tiếng. Có điều, không hiểu sao tôi cảm thấy tiếng thở dài ấy rất nặng nề. Không đơn giản chỉ là tiếng thở dài cho sự ngang ngược của cái Phương mà giống như đang cố gắng đè nén một cảm xúc sắp vỡ oà, còn giống như đang đè nén một nỗi nhọc lòng chất chứa không nguôi.

Tôi cũng không biết mấy lời tôi vừa nói có gì khiến bà không hài lòng không. Nhưng tôi không muốn dối lòng mình, cũng không muốn dối trá người ta. Chuyện tôi có người yêu, có một người anh trai rất yêu thương mình, có một công việc đàng hoàng, có một cuộc sống tự do ở thủ đô là thật, tôi cảm thấy không việc gì phải giấu diếm. Là tôi bị bắt cóc đưa đến đây, không phải tôi tự nguyện đến nên chuyện tôi không thể nảy sinh tình cảm với người ép tôi làm vợ cũng chẳng có gì khó hiểu cả. Tôi mà có tình cảm với Viễn mới là bất thường thì có. Cái đó, chẳng phải người ta gọi là hội chứng stockholm đó sao? Có điều hình như tôi nghĩ hơi nhiều rồi, cái thở dài đó của mẹ Viễn có vẻ như không phải dành cho tôi mà dành cho cái Phương thì phải bởi tôi thấy bà đang đăm chiêu nhìn nó không rời.

Bên ngoài, mưa rơi lộp độp trên mái nhà, rơi tí tách dưới sân. Tôi ngồi trong nhà lặng lẽ nhìn mưa. Đã hơn chục ngày tôi bị bắt đến đây, dù bên ngoài có tỏ ra mạnh mẽ thế nào trong lòng vẫn không ngăn nổi sự mất mát. Trước kia ở nhà, tôi chỉ cần về muộn một chút anh trai tôi đã vô cùng lo lắng, giờ mất tích tận mười ngày, chỉ cần nghĩ đến việc anh tôi bỏ tất cả để tìm tôi… tôi đã thấy đau lòng vô cùng. Còn cả Vinh nữa… tôi không chắc khi tôi trở về được, tôi và anh có thể quay lại với nhau được nữa. Trải qua ngần ấy chuyện, sống một cuộc sống như vợ chồng với người khác, anh có đủ bao dung để chấp nhận? Nhưng dù là thế nào vì bản thân, vì anh trai tôi cũng phải rời khỏi nơi này, vả lại tôi cũng là nạn nhân, không phải tôi muốn thế, tôi không nên xấu hổ hay tự ti.

Thực ra tôi cũng không trách Viễn hoàn toàn, tục lệ ở đây là như vậy, anh ta sinh ra và lớn lên ở đây, dù giờ có đi ra ngoài, có tiếp xúc với nền xã hội văn minh thì cũng khó thay đổi tư duy hoàn toàn. Vả lại anh ta cũng chỉ là một cá thể nhỏ, cũng chẳng thể thay đổi được tư tưởng của những người ở đây. Tuy tôi bất mãn, nhưng ít ra mà nói, bị bán đến đây gặp được anh ta cũng xem là may mắn hơn việc phải bán th.ân cho bố con lão Long, bị chà đạp thân xác bởi bố con lão già bỉ ổi ấy.

Khi còn đang suy nghĩ miên man đột nhiên tôi thấy cái Phương đi về phía tôi. Trên tay nó là quả lê rừng đã gọt, nó lẳng lặng đưa cho tôi không nói lời nào. Đây là lần đầu tiên nó chủ động tốt với tôi như vậy. Tôi nhận lấy quả lê rừng cắn một miếng rồi nhìn nó. Cái Phương thực sự rất xinh, với khuôn mặt này mà xuống phố, học hành đàng hoàng kiếm được một công việc ổn định có khi sẽ kiếm được một chàng công tử nhà giàu cũng nên. Nó thấy tôi ngây ngốc nhìn thì hắng giọng hỏi:

– Chị nhìn cái gì?
– Vừa nghe mẹ nói, trước kia em từng xuống miền xuôi học cao đẳng. Sao lại bỏ dở giữa chừng.
– Tôi không hợp với nơi ấy, không thích ứng được.
– Đó là em nghĩ thế thôi, mới có nửa năm không thể nói là không thích ứng được. Thế giới bên ngoài rất tươi đẹp, cũng rất rộng lớn, sao lại giam mình ở nơi núi rừng này?
– Sao lại là giam mình? Ở đây cũng có rất nhiều thứ đẹp đẽ, đẹp đẽ hay không là do quan điểm của mỗi người, sao mà chị hiểu được!

Nó nói đến đây, tôi bỗng thấy ánh mắt mẹ Viễn sầm xuống, lại trầm mặc thở dài. Tôi cũng không buồn tranh cãi với nó, càng không thể hiểu được quan điểm mà nó nhắc đến. Người ở đây không hiểu được tôi, tôi cũng không thể nào hiểu được họ. Thế giới của tôi và họ vĩnh viễn không thể hoà hợp nổi.

Ở trong nhà buồn tay buồn chân, mẹ Viễn thì thêu thùa mấy tấm khăn lớn, cái Phương đứng cạnh phụ xỏ chỉ, luồn kim. Tôi cũng cảm thấy không thể ngồi một chỗ lười biếng không làm gì được. Kể cả là tôi được mua đến đây, nhưng dù sao vẫn ăn, vẫn uống cũng vẫn nên khẳng định giá trị của bản thân liền mượn cái nón của mẹ Viễn đi xuống bếp phụ chị Trang nấu cơm. Lúc xuống bếp, thấy chị Trang đã nấu gần xong hết thức ăn, chỉ còn con cá vược đã được làm sạch, cắt khúc chị vẫn chưa nấu. Thấy tôi xuống chị liền bảo:

– Em là người thành phố, lại hay ăn cá biển, chắc món này em nấu ngon hơn chị. Em nấu giúp chị nhé.

Nhìn thấy con cá biển, lại nhớ mấy lời đêm qua Viễn nói tôi không kìm được buột miệng hỏi chị Trang:

– Viễn đi đâu rồi hả chị? Từ sáng giờ em chưa thấy mặt anh ta.
– Viễn đi xuống dưới xuôi rồi, đi từ 1 giờ sáng chắc phải tối muộn mới về được đến nơi.

1 giờ sáng? Bình thường tôi vẫn biết Viễn phải thức khuya dậy sớm để làm việc nhưng không nghĩ 1 giờ sáng anh ta đã phải dậy. Tính ra như vậy, một ngày anh ta chỉ được ngủ vài ba tiếng. Bỗng dưng từ sâu thẳm bên trong bỗng cảm thấy có chút thương thương. Trước kia khi bố mẹ tôi mất, anh trai tôi cũng phải ra ngoài bươn trải lo cho tôi. Khoảng thời gian khó khăn ấy, ngày nào anh trai tôi cũng phải thức khuya dậy sớm, có mấy lần khi tôi còn đang ngủ, trời còn rất tối đã thấy anh trai tôi lạch cạch mở cửa đi làm. Nghĩ đến đây, tôi bất giác thấy sống mũi mình cay xè…

Nấu xong canh cá, tôi và chị Trang cũng dọn cơm lên nhà. Anh Dương và bố hôm nay đi ăn cỗ dưới Thị Trấn, Viễn cũng không có nhà nên tôi chỉ nấu một nửa cá. Lúc mang lên, mẹ Viễn hết lời tấm tắc khen, chị Trang cũng ăn rất ngon lành. Vì cũng khá lâu rồi mới được ăn cá biển tất nhiên tôi cũng rất nhiệt tình. Hương vị không thể tươi ngon như ở nhà nhưng so với những bữa cơm rau rừng, thịt mỡ cũng là đã quá tuyệt rồi. Ăn được chừng hai bát cơm, tôi chợt nhận ra cái Phương từ nãy vẫn không hề động đũa ăn miếng cá nào liền hỏi:

– Sao em không ăn cá? Không hợp khẩu vị à?

Nó thấy tôi hỏi thì cau có đáp lại:

– Có gì đâu mà ngon?
– Ngon mà, em thử ăn đi.
– Anh trai tôi vất vả làm lụng, thức khuya dậy sớm, đã phải cáng đáng cả gia đình còn phải nuông chiều thêm chị, chỉ vì chị thích mấy thứ đồ đắt tiền, anh tôi lại phải nai lưng ra làm nhiều hơn. Quả thực tôi không nuốt nổi thứ thức ăn xa xỉ này.

Mẹ Viễn nghe xong liền đặt bát xuống nghiêm giọng nói:

– Con không muốn ăn thì thôi đi, còn nói cái giọng đấy làm gì? Thức ăn mua về cũng là cả nhà cùng ăn, không phải một mình chị dâu con ăn. Lâu lâu ăn một bữa cải thiện, không có vấn đề gì cả. Mẹ thêu thùa cũng có thể mua được cá này, con đừng có làm quá lên.
– Ai coi chị ta là chị dâu chứ? Chị ta cũng có coi anh trai là chồng đâu, trong lòng chị ta vốn không hề có anh.

Nói xong không đợi mẹ đáp lại, nó đã buông bát đi ra ngoài. Mẹ Viễn liền quay sang tôi thở dài:

– Con đừng chấp nó, từ bé nó được thằng Viễn chăm sóc nên rất thương anh trai. Tính khí nó được nuông chiều nên cũng hơi thất thường.

Tôi khẽ gật đầu nhìn cái Phương. Thật ra tôi cũng rất thương anh trai nên phần nào hiểu được sự tâm trạng của cái Phương. Tôi cũng không hiểu rõ tình cảnh gia đình Viễn thế nào, nhưng việc cô em gái yêu thương, xót xa anh trai vất vả không có gì đáng để chấp vặt cả. Tự dưng nghĩ đến đây, trong đầu tôi bỗng xuất hiện một sự toan tính. Cái Phương thương anh trai như vậy, chắc chắn sẽ rất xót xa với số tiền mà Viễn đã bỏ ra mua tôi. Vả lại nó cũng thừa biết tôi không yêu Viễn, cùng là đàn bà, chắc chắn nó ít nhiều đồng cảm với tôi. Giờ trong nhà có lẽ không ai muốn cho tôi về, mẹ Viễn rất tôn trọng ý kiến của Viễn, cũng có vẻ chấp nhận tôi, chị Trang thì càng không, dù gạ gẫm, van xin năm lần bảy lượt chị đều không đồng ý giúp tôi. Mấy người đàn ông thì càng thôi đi, người duy nhất khiến tôi có hi vọng lúc này chỉ có cái Phương. Cái Phương tính khí tuy nóng nảy nhưng thẳng thắn, quan trọng là nó đã từng ra khỏi núi, từng xuống miền xuôi để học cao đẳng, vậy thì con đường trở về nếu có sự trợ giúp của nó sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Ăn cơm xong, mẹ Viễn giục cái Phương đi rửa bát để mẹ và chị Trang thêu nốt bức tranh trên khung cửi. Tôi nhân cơ hội này liền ra giếng múc nước cho cái Phương. Vừa múc nước, tôi vừa hỏi nó:

– Nghe nói để mua chị, anh trai em đã tốn không ít tiền, có phải vì thế mà anh trai em phải cật lực kiếm tiền hơn, phải thức khuya dậy sớm hơn đúng không?

Cái Phương vừa đổ nước rửa bát ra vừa lạnh nhạt đáp:

– Chứ còn gì nữa? Người ta ta mua chị tám mươi triệu, anh tôi bỏ số tiền gấp đôi để chuộc chị về, còn phải đền bù đủ loại tổn thất cho bố con lão Long thêm mấy chục triệu nữa. Nếu không mua chị, số tiền ấy thừa đủ để gia đình tôi sống no ấm, anh tôi không phải bán mạng như vậy. Trước kia anh Dương mua chị Trang chỉ tốn có hai mươi triệu với một con trâu, sớm biết thế này tôi đã bảo anh tôi mua cái Vân về rồi. Mà chắc gì phải mua, cái Vân khéo nó tự nguyện theo anh tôi mà chẳng cần mất xu nào ấy chứ?

Tôi thấy nó đáp vậy thì nghiêm túc nói:

– Phương! Mấy năm chị đi làm cũng có một khoản tiền tiết kiệm nhỏ, gấp khoảng ba số tiền anh trai em mua chị, anh trai chị cũng có nhiều tiền… làm giám đốc một công ty nội thất…

Còn chưa để tôi nói hết cái Phương đã ngước lên nhìn tôi ngắt lời:

– Chị muốn nói gì?
– Nếu em giúp chị trở về, chị sẽ trả cho gia đình em gấp 3, hoặc gấp 5 lần số tiền mà anh trai em đã mua chị. Nếu em cảm thấy tin tưởng thì cho chị về, chị sẽ đưa tiền tận tay, còn nếu như không tin tưởng, có thể đưa chị xuống núi, ra khỏi Thị Trấn, tìm chỗ có điện thoại công cộng, chị sẽ mượn điện thoại chị sẽ gọi anh trai mang tiền lên chuộc, chắc chắn sẽ không báo công an.

Nó nghe xong nhìn tôi chằm chằm, tôi sợ cơ hội vụt mất ngay lập tức nói tiếp:

– Chị sẽ trả cho gia đình em năm trăm triệu, bảy trăm triệu hoặc một tỷ. Một tỷ rất lớn… anh trai em mua được cả chục cô vợ ấy chứ!

Nói đến đây, tôi bất chợt cảm thấy mình hơi thất đức. Dù chỉ là lời nói đùa nhưng tôi không muốn ai là nạn nhân của việc buôn người này nữa nên sửa lại:

– Số tiền ấy có thể giúp gia đình em sống tốt hơn, cũng có thể giúp xưởng gỗ dưới miền xuôi của anh trai em phát đạt hơn, anh trai em sẽ không phải bán mạng, vất vả như bây giờ nữa. Số tiền ấy cũng có thể giúp em thoát ly khỏi miền núi này, kiếm được một công việc, và lấy được người mình yêu.
– Tôi không cần tiền.
– Em không cần nhưng chẳng phải anh trai em cần sao? Dù sao chị cũng chỉ là một cô vợ được mua về, chị và anh trai em cũng không có tình cảm với nhau. Không có chị cũng không ảnh hưởng gì cả, nhưng nếu có tiền thì lại đỡ cho anh trai em rất nhiều gánh nặng.

Tưởng rằng mấy lời tôi nói lay động được cái Phương, thế nhưng nghe xong nó hoàn toàn phớt lờ không trả lời. Tôi lại nói:

– Em thương anh trai em, chị cũng rất thương anh trai chị. Anh trai chị chỉ còn duy nhất chị là người thân, bố mẹ chị mất sớm, anh trai chị đã một mình nuôi lớn. Mấy năm chị học cấp hai, anh trai chị phải làm rất nhiều công việc khổ sở và nặng nhọc. Đêm nào anh trai cũng phải dậy từ tờ mờ sớm đi nung gạch thuê, đến trưa lại mang gạch đi giao, mỗi ngày anh trai chị chỉ được ngủ vài tiếng nhưng không bao giờ kêu than, số tiền anh làm được đều để đóng tiền nhà trọ, mua sách vở, đóng tiền học cho chị. Suốt bốn năm năm trời anh ấy không hề mua quần áo mới, quần bò đã sờn rách vẫn mặc đi làm. Anh trai rất thương chị, thương đến nỗi không thể nói ra được bằng lời, năm tám tuổi vì chị… anh trai còn phải ngồi tù…

Nói đến đây, bỗng dưng cổ họng tôi nghẹn lại, bao nhiêu lời muốn nói còn chưa thể nói ra cũng nhưng lại không nói được nổi. Nghĩ đến năm ấy khi anh trai tôi phải ngồi tù, lồng ngực tôi cũng như muốn vỡ ra. Suốt bao nhiêu năm trời anh nuôi tôi khôn lớn, không cha, không mẹ, chỉ là hai đứa trẻ mồ côi đơn độc trên đời, vậy mà anh chưa từng từ bỏ cơ hội cho tôi. Đến giờ đây, mười mấy năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại những chuyện năm ấy tôi đều cảm thấy trái tim cũng đau như có ai bóp chặt. Anh trai tôi từng nói rằng, lý do anh phấn đấu để có được ngày hôm nay đều là vì tôi, vì muốn cho tôi cuộc sống tốt đẹp hơn, cũng vì muốn bù đắp những khó khăn, khổ cực của tuổi thơ mà anh em tôi đã trải qua. Vậy mà hạnh phúc chưa nổi mấy bận, giờ tôi còn bị bắt cóc đến vùng núi hẻo lánh này. Dù có kiên cường đến mấy, cũng không thể không đau lòng. Nếu như không vì nghĩ tới anh trai, không vì khao khát sống, khao khát được trở về có lẽ tôi cũng chết quách đi rồi.

– Chuyện gia đình chị, chẳng liên quan gì đến tôi.

Cái Phương đã rửa xong mâm bát, giọng vẫn lạnh tanh như vậy. Tôi không nhìn nó, cảm thấy mắt đã nhoà lệ từ bao giờ. Thật ra, tôi cũng không mong ai đồng cảm với tôi, nhưng chỉ cần có một hi vọng được trở về, tôi vẫn muốn thử.

Buổi tối, ăn cơm xong Viễn vẫn chưa về, tôi chỉ rửa ráy mặt mũi tay chân rồi leo lên giường. Trời hôm nay mưa nên khá lạnh, sáng tôi tắm rồi nên cũng không tắm lại nữa, đằng nào nước trong chum cũng nguội tanh nguội ngắt rồi. Từ hồi đến đây, tôi ép mình phải từ bỏ một số thói quen ở thành phố, dù sao làm người cũng không nên khí khái quá, chị Trang nói cũng đúng, không thay đổi được hoàn cảnh thì cũng nên thay đổi mình.

Ở đây không có tivi, không có điện thoại, không có máy tính, trong không gian tịch mịch chỉ có tiếng núi rừng yên tĩnh. Buồn chán đến nỗi nếu không ngủ tôi quả thực không biết phải làm gì. Tôi cố an ủi mình rằng thế cũng tốt, giống như đang đi du lịch, rời xa phố thị phồn hoa đến một nơi thế này, mắt cũng được nghỉ ngơi không phải tiếp xúc với màn hình máy tính nhiều nữa. Nhưng tất nhiên, chuyến du lịch này vẫn là cơn ác mộng trong cuộc đời tôi, thậm chí, giờ tôi còn chẳng biết lúc nào nó mới chấm dứt.

Không có Viễn, tôi càng cảm thấy dễ chịu hơn, không phải chật vật cùng anh ta làm mấy chuyện mà tôi không muốn. Nằm một lúc, tôi cũng dần chìm vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, tôi mơ thấy tôi mơ thấy tôi và Vinh đứng trên những triền đồi đầy gió. Vẫn là nơi núi rừng hoang vu nhưng tôi lại nở nụ cười rất tươi. Anh khẽ vuốt vuốt tóc tôi, vẫn dịu dàng như lần mới yêu. Có lẽ đã bởi quá lâu rồi không được nhìn thấy anh, tôi bỗng nhớ nhung đến điên dại, trong giấc mơ cũng đều là hình ảnh đẹp đẽ của anh. Chẳng biết tôi đã ngủ bao lâu, trong lúc còn đang say giấc mộng đẹp, tôi bỗng giật mình khi thấy tiếng lạch cạch ngoài cửa. Cơn buồn ngủ chưa dứt, tôi mắt nhắm mắt mở nhìn ra, dưới ánh đèn ngủ hiu hắt tôi khẽ lẩm bẩm:

– Vinh!

Ngay lập tức, người phía trước mặt khẽ khựng lại. Lúc này tôi cũng mới chợt nhận ra tôi vẫn đang ở nhà Viễn, người trước mặt không phải là Vinh mà là Viễn. Không rõ giờ đã là mấy giờ, có lẽ cũng khuya lắm rồi, dưới ánh đèn lờ mờ tôi thấy tóc Viễn còn lấm tấm những giọt mưa bay, chiếc áo đang mặc cũng dính mưa, còn có cả những đám cỏ dại bám lên.

Tôi khẽ nhắm mắt lại vờ rằng mình vẫn đang ngủ, thật sự không muốn thức cùng anh ta. Viễn cũng không nói gì lặng lẽ mở tủ lấy một bộ quần áo đi tắm. Đêm rồi, trời còn mưa, anh ta tắm nước lạnh đúng là muốn chết mà. Tôi tặc lưỡi, chuyện của anh ta tôi quản làm gì nên xoay người vào tường tiếp tục giả vờ ngủ. Đến khi tắm xong, Viễn bước ra ngoài, mùi xà phòng cùng hương thơm cơ thể sạch sẽ thoảng vào mũi tôi. Ban đầu, tôi tưởng anh ta vẫn nghĩ là tôi ngủ rồi, nhưng đột nhiên từ phía sau nghe tiếng anh ta cất lên:

– Không ngủ được sao?

Tôi khẽ giật mình, anh ta đã hỏi thế nghĩa là nãy giờ tôi giả vờ là vô ích. Vốn dĩ tôi không qua mặt được anh ta, biết cũng không giả vờ được nữa liền đáp lại:

– Anh về làm ầm ầm thế ai mà ngủ được?
– Tôi tưởng mình đi nhẹ lắm rồi.
– Tôi nhạy cảm với tiếng động, nên dù nhẹ tôi vẫn bị tỉnh giấc. Mà anh đi cũng đâu có nhẹ?

Nói đến đây, tôi chợt muốn vả miệng mình mấy cái. Đêm qua còn ngủ được trên lưng anh ta, giờ nói mấy lời này đúng là dối trá. Nhưng dường như Viễn cũng không muốn vạch trần tôi mà hỏi:

– Tối nay em có tắm không?

Hỏi vậy để làm gì? Muốn gì? Tôi liền đáp:

– Không!
– Tối nay không có nước nóng nên không tắm?

Tôi nghi hoặc hỏi lại:

– Sao anh biết tôi, không có nước nóng?

Viễn không trả lời câu hỏi ấy, chỉ lặng lẽ nằm xuống cạnh tôi rồi bảo:

– Tôi mua ấm siêu tốc rồi, từ mai em dùng nó để nấu nước tắm. Sẽ không được như bình nóng lạnh nhưng chắc cũng sẽ tiện hơn mà múc nước nấu.

Tôi nghe Viễn nói có chút ngẩn người, khẽ quay lại nhìn anh ta. Nằm trên giường, Viễn chỉ mặc một chiếc áo cộc, cánh tay lộ ra mấy vết xước, tuy không chạm vào cũng cảm nhận được đôi tay Viễn không hề mềm mà đầy vết chai sạn. Giữa đêm hôm, anh ta mang về cho tôi một cái ấm siêu tốc để nấu nước, nói không có chút cảm xúc nào chắc chắn là nói dối. Nhưng chỉ vì chút quan tâm ấy mà cảm kích, thay đổi suy nghĩ với kẻ tiếp tay cho bọn buôn người thì tôi không hề!

Nếu như gặp nhau ở dưới Hà Nội, có lẽ tôi rất vui khi được kết bạn với một người có ý chí như Viễn. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, anh ta vẫn rất nghị lực vươn lên. Nhưng đáng tiếc, tôi và anh ta gặp trong hoàn cảnh này, giữa núi rừng hoang vu với tục lệ mua vợ đầy đáng sợ, tôi thực sự rất khó để mở lòng làm bạn với Viễn chứ đừng nói sống một cuộc sống vợ chồng với anh ta.

Viễn thấy tôi không đáp, anh ta cũng không nói gì nữa nhắm mắt lại không hề có ý đụng chạm vào tôi. Không biết có phải do đi đường dài hay do quá mệt mỏi, chỉ mấy phút sau tôi đã nghe được tiếng Viễn thở đều đều. Đợi anh ta ngủ, tôi mới yên tâm xoay người vào tường nhắm mắt lại.

Ngủ được một lúc, tôi lần nữa bị đánh thức bởi tiếng lạch cạch. Mắt nhắm, mắt mở, tôi đang định mắng thầm Viễn vài câu đã nghe tiếng anh ta cất lên trong đêm tối:

– Tôi phải đi xuống phố vài ngày rồi…

Nói đến đây, Viễn cũng dừng lại, đưa tay chạm lên tóc tôi. Có lẽ anh ta sợ tôi tỉnh dậy nên chỉ chạm nhẹ một cái rồi lặng lẽ cầm túi hành lý bước ra ngoài. Bên ngoài, có tiếng mẹ Viễn cất lên:

– Đã phải đi rồi sao? Biết vậy sao không ở đó luôn còn về làm gì cho mệt ra chứ?
– Không sao đâu, về lấy ít giấy tờ mang đi mà mẹ.
– Con thật là… đừng tưởng mẹ không biết con về vì cái gì. Đi cả một quãng đường dài chỉ để mang cái ấm siêu tốc về cho vợ chứ gì?
– Cô ấy không tắm được nước lạnh, con lại không ở nhà… vả lại cũng muốn mang thuốc và kem nẻ về cho mẹ. Mẹ nhớ uống thuốc đầy đủ, tay mẹ nứt cả ra rồi, đừng thêu thùa nhiều, phải bôi kem vào, con mua cho mẹ cả mấy hộp bổ máu, ăn xong mẹ uống luôn cho đỡ đau đầu. Ấm siêu tốc còn hai cái mẹ với Phương dùng một cái, một cái mẹ đưa cho anh Dương và chị Trang nhé! Mẹ yên tâm, xưởng gỗ làm ăn rất tốt, con mở rộng thêm mô hình kinh doanh nội thất, cung cấp vật liệu cho một số công ty khác, chỗ công ty Lâm An con mua lại cũng đang dần ổn định, có tiền rồi mọi người cũng không cần vất vả nữa.
– Con đấy, lúc nào cũng chỉ biết nghĩ cho người khác còn bản thân thì không quan tâm. Con phải cho sức khoẻ của mình trước, làm gì thì làm phải ăn uống đầy đủ nhớ chưa. Thôi đi đi kẻo muộn rồi.

Nghe đến đây, tôi bất chợt cảm lòng mình nghẹn lại. Vì tình cảm mẹ con của Viễn khiến một đứa mồ côi như tôi xúc động hay vì lý do gì tôi cũng không rõ. Đến khi Viễn đi khuất tôi cũng ngồi dậy đi về phía hộp cát tông dưới chân giường. Ban đầu, tôi tưởng Viễn chỉ mua mỗi ấm siêu tốc thôi, đến khi mở hộp thì khựng lại. Trong hộp ngoài chiếc ấm siêu tốc còn có một chục đôi tất, một lọ sữa rửa mặt, một lọ kem chống nắng và một lọ dưỡng da. Tuy không phải hàng đắt tiền nhưng đều là đồ chính hãng. Lúc lấy đồ ra, tôi còn thấy một mẩu giấy nhỏ, không hề kể lể, càng chẳng có mấy lời hoa mĩ, chỉ ghi duy nhất một dòng chữ: “Chân em rất lạnh, nhớ đeo tất để giữ ấm”.

Tôi nhìn mấy món đồ rất lâu, cuối cùng rốt cuộc lí trí vẫn chiến thắng. Tất cả những thứ này không thể nào ngăn nổi được nỗi khao khát trở về của tôi. Viễn không phải người tôi yêu, đây không phải là nhà tôi, thứ ân đức này với tôi không có chút ý nghĩa gì. Dẫu sao, anh ta cũng là mua tôi về, mua lại từ lão Long hay mua lại từ mấy kẻ buôn người cũng như nhau. Giá như Viễn cho tôi trở về thì tốt biết mấy… tôi sẽ đội ơn anh ta ngàn lần.

Mấy ngày Viễn không ở nhà, tôi không phải phục vụ anh ta nên đầu óc lẫn thể xác đều được nghỉ ngơi một cách đáng kể. Có thêm ấm siêu tốc, tất chân và mấy đồ dưỡng da tôi cũng thấy tâm trạng phấn chấn hơn nhiều, đầu óc cũng có nhiều thời gian để nghĩ ngợi hơn. Mỗi ngày, nếu không phụ chị Trang làm việc nhà tôi sẽ đứng ở sân nhà rất lâu. Từ sân nhà nhìn xuống sẽ thấy vô vàn ngọn núi nối tiếp nhau, sáng sớm còn nhìn thấy cả những vạt mây trắng bao phủ quanh sườn núi. Nơi đây nhà cửa cực kỳ thưa thớt, con đường khúc khuỷu, gập ghềnh, nghĩ đến việc chạy trốn bằng đường bộ, tôi đã cảm thấy vô cùng bất khả thi. Tôi khẽ thở dài, rốt cuộc đến bao giờ tôi mới có thể trở về nhà đây?

Ngày thứ ba kể từ lúc Viễn không ở nhà, buổi sáng còn đang ngủ trên trong phòng tôi đã nghe tiếng cãi vã ầm ầm. Tiếng cãi vã chửi nhau to đến nỗi dù không muốn tò mò tôi vẫn không tài nào ngủ nổi chỉ đành mở cửa ra ngoài. Sáng nay chị Trang và mẹ Viễn đã đi xuống núi mang mấy bức tranh thêu đi bán, nhìn quanh nhà đều không thấy ai. Lúc ra đến phòng khách, đảo mắt một lượt mới phát hiện ra ở góc nhà ngang của vợ chị Trang là nơi phát ra tiếng cãi vã. Không biết có chuyện gì, chỉ thấy anh Dương và bố đang sửng cồ, tiếng chửi bới ầm ỹ. Bố anh ta nắm tay rất chặt, cơn tức giận lộ ra cả mặt, dường như vừa vung tay đấm anh Dương vài cái, trên má anh Dương vẫn còn hằn vết đấm. Lúc này tôi đã tỉnh ngủ, dụi mắt vài lần cũng thấy tiếng anh Dương loáng thoáng:

– Nó phải có nghĩa vụ trả… bố nuôi báo cô mấy anh em nó, giờ nó phải trả… bố yên tâm, nó sẽ trả thôi…
– Mày… sao mày… mày không giết luôn tao đi… mày… loại ngu đần, vô dụng… bao nhiêu tiền như vậy… đồ ngu này…
– Bố chửi con, đánh con thì có tác dụng gì… bố với con đi xuống tìm nó…

Tôi nhìn anh Dương, không đoán ra nổi vì sao anh ta bị đánh, nhưng chắc lại gây ra chuyện gì tày trời lắm rồi. Ngẫm lại, từ hồi tôi đến đây, hình như trong nhà mỗi Viễn phải cật lực lao động nhất. Bố anh ta cũng có phụ, nhưng người lao động chính trong nhà vẫn là Viễn, còn anh Dương tôi gần như chưa thấy anh đi làm bao giờ. Nếu không phải đi ăn cỗ cũng đi chơi, hoặc ở nhà nằm dài. Nghĩ đến đây, tôi bỗng thấy anh Dương quắc mắt nhìn mình. Từ nhỏ tới lớn, tôi sợ nhất là nhìn người ta đánh nhau, anh Dương cũng luôn khiến tôi thấy rờn rợn nên vội vã lùi chân lại đi vào phòng đánh răng rửa mặt.

Đến khi đánh răng rửa mặt xong bên ngoài cũng thấy im ắng, tôi ngồi một lúc mới dám mở cửa phòng đi ra. Ra đến ngoài nhìn từ nhà trên đến nhà dưới đều không có ai. Từ lúc về đây đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy nhà vắng lặng đến như vậy, tối qua lúc mẹ Viễn và chị Trang bàn đến chuyện mang sản phẩm xuống núi bán tôi đã nghe được anh Dương và cái Phương được bố giao nhiệm vụ canh chừng tôi. Tôi nhìn xung quanh, trong lòng bỗng đầy toan tính, cơ hội này đúng là ngàn năm có một. Thế nhưng còn chưa kịp nghĩ xem phải làm thế nào tiếp theo thì đột nhiên tôi cũng thấy cái Phương từ dưới bếp đi lên. Dường như nó ngồi đó từ rất lâu rồi, tôi còn nhìn rõ rất nhiều muội than bám lên áo vào tóc nó, còn thấy khuỷu gối đỏ ửng lên. Không biết có phải do anh trai và bố cãi vã nhau mà tôi thấy gương mặt nó có chút thất thần. Thấy nó đi lên, tôi cũng thu lại dáng vẻ bồn chồn của mình lặng lẽ vào phòng ngồi. Nhưng ngồi một lúc, tôi đã thấy bên ngoài có tiếng gõ cửa, vừa mở cửa ra thấy cái Phương đã đứng ngay trước mặt tôi, tay còn cầm một cái túi nhỏ rồi nói:

– Chị chuẩn bị đồ đi, tôi và chị xuống núi và ra khỏi Thị Trấn.

Tôi nghe cái Phương nói há hốc mồm hỏi lại:

– Ra khỏi Thị Trấn? Ra khỏi Thị Trấn làm gì?
– Không phải chị muốn về nhà sao? Còn hỏi tôi đưa chị ra khỏi Thị Trấn làm gì?

Lần này tôi hoàn toàn ngây ngốc, nó lại nói tiếp:

– Nếu chị không muốn đi thì cứ ở lại.

Khi mà tôi đang trăm phương ngàn kế tìm cách trốn chạy, thì bỗng dưng nó lại giúp tôi trốn. Tôi gần như không tin nổi tay chân luống ca luống cuống, đến khi bình tĩnh lại vội vã vào phòng tìm xem phải chuẩn bị thứ gì. Nhưng ngoài tiền ra thì tôi đâu cần mang thứ gì khác, mà tiền thì tôi lại không có xu nào. Bên ngoài, cái Phương cũng về phòng nó, lạch cạch một lúc tôi thấy nó cũng cầm con lợn đất đập vỡ xuống nền nhà. Trong lợn đất không có quá nhiều tiền, chỉ có mấy đồng polime một trăm, hai trăm ngàn và một số tiền lẻ. Nó cúi xuống, nhặt từng đồng tiền, đến khi nhặt xong cũng thở dài mấy tiếng sau đó nói tiếp với tôi:

– Lát nữa có xe thuốc nam đi xuống dưới Thị Trấn, tôi đưa họ một số tiền, họ sẽ chở tôi và chị xuống dưới ấy. Nhưng xe chở thuốc họ chỉ đến cuối Thị Trấn, tôi sẽ đưa chị ra khỏi Thị Trấn, sau đó chị tự mình men theo đường ở đó để ra đường Quốc Lộ bắt xe. Số tiền này… coi như tôi cho chị vay. Chị hãy nhớ lấy lời chị nói, chị sẽ trả lại gấp năm tiền mua chị cho gia đình tôi. Đây là số tài khoản của anh Viễn… chị cầm lấy…

Trên mẩu giấy là mấy dòng chữ được viết nắn nót, Lâm Trí Viễn, ngân hàng Agribank… Thật không ngờ rằng người ở đây cũng có tài khoản. Tôi nhìn cái Phương, buột miệng hỏi lại:

– Em không sợ bị chị lừa sao? Nhỡ chị sẽ không chuyển tiền cho anh trai em thì sao?

Hỏi xong, tôi hận mình không thể đập đầu vào tường. Cũng may cái Phương chỉ cười nhạt đáp:

– Tôi tin chị sẽ không lừa tôi đâu, còn nếu dám lừa tôi, tôi cũng dám xuống Hà Nội tìm chị để đòi, một xu cũng không thiếu.

Xe chở thuốc Nam là một xe tải lớn, lớn hơn xe của Viễn khá nhiều, đến lúc tôi và cái Phương lên xe, từ từ rời khỏi căn nhà tôi đã sống gần một tháng trời tôi vẫn không thể nào tin nổi. Trên xe, cái Phương không hề nói một lời nào, lặng lẽ nhìn ra hai bên đường. Tôi rất muốn hỏi vì sao bỗng dưng nó lại muốn giúp tôi trở về, nhưng nhìn vẻ mặt không muốn mở miệng của nó tôi cũng chỉ đành im lặng. Tay tôi vo viên mấy đồng tiền cái Phương đưa cho như giữ báu vật.

Con xe xóc nảy, theo đường rừng từ từ xuống núi. Vì quen rồi nên hôm nay tôi không còn thấy bỡ ngỡ nữa. Trên đường đầy sỏi đá, lá khô, còn có cả bụi đường mờ mịt. Đến đầu giờ chiều xe cũng đến được Thị Trấn, thế nhưng không hiểu sao đến nơi, trời bỗng lại đổ mưa. Tháng tám mưa ngâu, những cơn mưa như thác nước đổ xuống. Con xe đi chầm chậm theo lối mòn đến đoạn đường cuối cùng của Thị Trấn. Người lái xe không có điện thoại, xe lớn lại không thể ra khỏi Thị Trấn, nhận tiền từ cái Phương xong liền quay xe chở thuốc Nam vào mấy tiệm thuốc. Cái Phương mặc kệ trời mưa dẫn đường phía trước, tôi cũng vội vã đi theo sau. Ban đầu, tôi cứ tưởng rằng chỉ cần ra khỏi Thị Trấn sẽ tìm được đường lớn, thế nhưng tôi lại không biết Thị Trấn này vẫn nằm trên núi, chẳng qua đông dân hơn, cũng dễ trồng trọt chăn nuôi hơn nên mới được gọi là Thị Trấn chứ đường đi vẫn rất khó khăn.

Đi được một quãng, cái Phương mới dừng lại, nó nhìn tôi, do dự một hồi sau đó mới móc trong túi ra thêm ba trăm ngàn và một túi đựng cơm nắm đưa cho tôi rồi nói:

– Chị theo đường này để đi, theo tốc độ rùa bò của chị chắc phải mất hai ba tiếng đi bộ mới ra được đường quốc lộ. Tôi chỉ có thể giúp chị tới đây, còn về được hay không còn dựa vào may mắn của chị nữa. Số tài khoản của anh tôi, chị bọc túi vào để khỏi ướt. Chị đi đi.

Nói rồi, không đợi tôi cảm ơn nó đã xoay người lại nhanh chóng trở về Thị Trấn. Mưa trắng xoá cả một khoảng trời, quần áo của tôi và nó đều ướt đẫm. Nhưng giờ tôi cũng không nghĩ ngợi được gì theo con đường đất đỏ vội vã tiến về phía trước. Con đường này không cheo leo như đường nhà Viễn, cũng rộng lớn hơn nhưng vẫn là đường rừng với những sườn đồi nhấp nhô. Tôi đi được mấy bước liền vội vã chạy, lúc này dường như có một sức mạnh vô hình, hay một khao khát mãnh liệt tôi càng chạy lại càng nhanh. Chỉ có điều đường nhầy nhụa, tốc độ có nhanh cỡ nào vẫn không thể được như bình thường. Dù vậy, chỉ cần nghĩ tới việc sắp được trở về với anh trai, với gia đình tôi cứ thế lấy hết sức lực mà chạy.

Thế nhưng chạy được khoảng ba bốn mươi phút, tôi chợt bắt gặp một toán ba bốn người đi ngược đường với mình. Tôi khẽ tự nhủ với lòng rằng có lẽ chỉ là mấy người không quen biết, vậy nên cứ tặc lưỡi mà đi. Đám người cũng không để ý, nhưng rồi khi vừa đi thêm một đoạn bỗng một tiếng nói nửa quen nửa lạ cất lên:

– Từ từ đã, xem kìa hình như người quen, đây chẳng phải con vợ thằng Viễn sao, xem kìa…

Ngước mắt lên nhìn, qua màn mưa tôi bỗng dưng cũng sững sờ lại. Tiếng nói vừa phát ra là của A Ban – con trai lão Long. Cả người tôi rùng mình, sắc mặt tái xanh, gần như chết lặng. Tôi cố lờ đi, nhưng hắn ta đã kéo hai người đi cùng chặn đường lại cười man rợ:

– Tưởng hôm đấy mày đồng ý theo thằng Viễn, hoá ra vẫn bỏ trốn sao? Gặp được ở đây, xem như là món hời rồi. Chúng mày xem, thằng Viễn cướp trắng trợn con ranh này trên tay bố con tao, giờ gặp ở đây phải làm thế nào cho phải nhỉ?

Hai gã đi cạnh nhìn tôi, tiếng cười đểu giả mang lẫn tiếng địa phương cất lên:

– Xinh đẹp thật, bảo sao thằng Viễn lại bỏ nhiều tiền ra mua. Tao là bố con mày cũng tiếc đứt ruột, đẹp thế này thì chỉ làm thịt thôi. Cho bọn tao chơi cùng…

Tôi không kìm nổi cơn ớn lạnh, sợ hãi đến tột cùng. Vận mệnh quả thực là nghiệt ngã, khi tôi tưởng như có chút ánh sáng nhỏ nhoi bỗng dưng lại ngay lập tức bị dội xuống đầu một nỗi cơn bão tuyết. Lúc này, tôi không nghĩ được nhiều ngay lập tức vùng chạy. Nhưng tôi làm sao chạy nổi, hai bước đã bị ba gã đàn ông tóm được một phát đẩy ngã xuống nền đất đỏ trơn trượt rồi lôi tôi xềnh xềch vào khu rừng núi. A Ban xông vào trước, hắn ta định xé áo tôi ra. Tôi cố nhủ mình phải bình tĩnh, mặc cho mưa ướt phủ trắng xoá, quơ tay về trước tìm lấy một viên đá lớn nhất. Khi A Ban vừa đè lên người tôi, tôi cũng hít một hơi thật sâu cầm tảng đập vào đầu hắn. Hắn bị bất ngờ kêu lên một tiếng rồi ngã vật ra, từ vị trí đập một dòng máu cũng túa ra. Hai gã phía sau cũng kinh ngạc, chưa kịp hiểu chuyện gì tôi cũng bật dậy ném tảng đá về hai gã rồi bỏ chạy.

Chỉ có điều đường rất trơn, lại bị lôi vào đường rừng cheo leo, hai gã đàn ông kia đã định hình được chuyện vừa xảy ra liền đuổi theo tôi. Tốc độ của tôi thực sự không thể nào đấu lại được, chỉ có thể lấy hết ý chí mà chạy. Thế nhưng mới chạy được một quãng, hai gã đã gần đuổi kịp. Tôi hoảng loạn chưa kịp chạy tiếp đột nhiên trượt chân xuống một bên vực đồi, không kịp chuẩn bị tinh thần chỉ kịp túm lấy tảng đá kêu lên một tiếng a. Những ngón tay tôi bấu lên tảng đá, trời mưa lớn, tảng đá đẫm nước mưa, đôi tay tôi cũng đẫm nước, mỗi ngón tay dù đã cố gắng bấu lên nhưng tưởng chừng như sắp không thể nào chịu nổi. Nghĩ đến việc tôi sẽ bỏ mạng, tan xác ở nơi này tôi gần như rơi vào tuyệt vọng và khủng hoảng. Những khớp ngón tay rã rời dần dần trượt trên tảng đá, đầu móng tay cũng túa máu, sống lưng tôi lạnh toát, hãi hùng gào lên. Tôi còn chưa kịp trở về, còn chưa được gặp anh trai tôi, gặp Vinh, nghĩ thôi nước mắt tôi đã ào ra cùng làn mưa lạnh buốt. Khi tưởng mình sẽ không thể bấu nổi vào tảng đá, sẽ rơi xuống đột nhiên tôi bỗng thấy có một bàn tay lớn túm lấy tay tôi. Những hạt mưa bỏng rát tạt vào mặt không thể nhìn ra đó là ai, mãi đến khi người đó cất tiếng, tôi cũng kịp nhận ra là Viễn:

– Túm lấy tay tôi, túm chặt lấy tay tôi.

Là anh ta, bằng da bằng thịt, đôi tay chai sần, cứng rắn, còn có không ít vết sẹo trên cánh tay. Tôi muốn mở miệng ra, nhưng đã thấy Viễn hét lớn trong tiếng gió mưa:

– Đừng nói gì cả, tôi sẽ cứu em, đừng nói gì, cũng đừng buông tay tôi.

Lúc này tôi cũng không thể nghĩ thêm được gì, không biết vì sao anh ta, càng không hiểu sao Viễn lại cứu tôi chỉ biết nắm chặt lấy tay Viễn. Giữa ranh giới sinh tử, tôi cũng kịp nhận ra, được sống đã là hạnh phúc rồi. Hai tay Viễn nắm cổ tay tôi, cánh tay anh ta cọ xát vào tảng đá nhưng vì quá trơn trượt không thể kéo tôi lên mà chỉ dùng hết sức kéo người tôi dần sang một bên. Tảng đá sắc nhọn, chẳng mấy chốc tôi thấy cánh tay Viễn túa máu, máu hoà cùng nước mưa tạo thành dòng đỏ nhàn nhạt. Thế nhưng dù bị đau đớn, máu chảy thành dòng Viễn vẫn không nhất quyết không buông. Đến khi sang được một đoạn, tay tôi cũng trượt dần xuống, sắp không thể nào trụ nổi. Ngay khoảnh khắc ấy, đột nhiên sắc mặt Viễn trắng bệch, tái nhợt nhìn tôi, anh ta dường như không nghĩ ngợi gì nữa dùng hết sức hạ người xuống ôm chặt lấy tôi rồi nói:

– Nhắm mắt lại, ôm chặt tôi.

Trong một tích tắc, cả hai chúng tôi liền rơi xuống. Lúc này tôi mới kịp nhận đồi không quá cao, nhưng bên dưới lại có rất nhiều cây nhọn. Khi vừa rơi xuống, cả người tôi được Viễn ôm chặt, đầu anh ta đập xuống nền sỏi đá, thân người bị một gốc cây sắc nhọn đâm trúng, máu đột nhiên cũng phun cũng ra, cả người trong phút chốc bất động.

***
Lời tác giả: đến đoạn gay cấn thì lại cuối tuần, nhưng nếu chương này trên 5.k l.ike, 1000cmt thì em sẽ không nghỉ nha. Còn nếu không đủ hẹn mọi người thứ 2.

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (18 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN