Chọn Sai Người - Phần 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
770


Chọn Sai Người


Phần 4


Em sống chết không chịu rời khỏi nhà chồng, chẳng phải vì tiếc rẻ người đàn ông bội bạc kia đâu. Chẳng qua em muốn bọn họ trả con gái lại cho em thôi. Dù em có nghèo, có đói cũng không bao giờ để con gái không có thuốc uống. Nhưng mẹ con Trọng không hiểu cho em, bọn họ gây khó dễ hết lần này đến lần khác. Mẹ chồng thẳng tay quẳng vali quần áo của em ra đường. Trọng và My thì lôi em xềnh xệch ra ngoài đóng chặt cổng lại. Họ coi em như túi rác đang bốc mùi hôi thối, phải vứt đi càng sớm càng tốt. Trước khi đi Trọng vứt vào mặt em một ít tiền 500 ngàn:

– Nể tình vợ chồng mấy năm qua, đây lần cuối cùng tôi bố thí cho cô. Sau cô có chết đói ngoài đường, cũng đừng tìm tôi ăn vạ.

Em không biết chỗ đó có bao nhiêu tiền, cũng chẳng thèm quan tâm. Em vứt trả lại anh ta, chứ không mang đi một đồng. Đọc đến đây thể nào cũng có người chửi em ngu, bị nhà chồng đối xử tệ bạc như thế mà vẫn cố chịu đựng. Rồi chồng cũ cho tiền sao không lấy? Có phải em sĩ diện hão không? Không phải đâu ạ. Em phục vụ nhà chồng miễn phí mấy năm qua, giờ ra đi tay trắng nhưng em vẫn muốn giữ lại chút tự trọng cho bản thân. Không muốn nhận những đồng tiền bố thí của anh ta. Vì em không phải ăn mày.

Mẹ chồng buông lời chửi em.:

– Đã nghèo còn bày đặt sĩ diện. Để tôi chống mắt lên xem chị sống ra sao?
– Con sống thế nào cũng không liên quan gì tới mẹ.
– Ai là mẹ chị? Giờ con dâu tôi là cái My, chứ không phải loại hãm tài như chị.
– Rồi các người sẽ phải trả giá.
– Tôi lại sợ quá cơ. Cút ngay đi, cho khuất mắt tôi.

Em cầm vali của mình lên, nhìn cho kĩ ngôi nhà đã ở hơn 5 năm qua. Nước mắt ở đâu cứ tự chảy ra bên ngoài. Em thực sự đã li hôn rồi. Ly hôn trong một hoàn cảnh vô cùng éo le. Chồng đưa bồ về tận nhà ép phải rời đi ngay tức khắc, con gái yếu ớt cũng không được nuôi. Hình như ông Trời rất thích ưu ái nỗi buồn cho em. Chưa bao giờ em thấy mình vô dụng bất lực như này. Trời cuối thu se se lạnh, em chỉ mặc mỗi cái áo thun mỏng manh chân đi dép lê tay xách vali, bước từng bước nặng nề trên vỉa hè rộng thênh thang.

Em cứ đi, cứ đi vô định như thế cho đến lúc mệt mới dừng lại dưới gốc cây hoa sữa, ngồi khóc như chưa bao giờ được khóc. Tự nhủ với bản thân đây là lần cuối cùng, em khóc vì cuộc hôn nhân không trọn vẹn này. Người đi đường ai cũng nhìn em bằng ánh mắt tò mò. Vai em run lên vì lạnh, khóc nhẹ lòng hơn một chút em mới lôi điện thoại ra gọi cho con Thương. Chuông vừa reo, đầu dây bên kia đã có người nhấc máy:

– Tao đây.
– Mày đi làm về chưa?
– Tao vừa về, mà sao giọng mày nghe lạc hết đi vậy? Có chuyện gì à?
– Thương ơi…Thương..huhu…Tao khổ quá.

Em vừa nói vừa khóc nấc lên. Con Thương đúng là người thân bạn trí cốt của em. Nó chưa bao giờ bỏ rơi em trong những lúc khó khăn:

– Sao thế? Có chuyện gì từ từ nói. Đừng khóc…đừng khóc nữa.
– Tao bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà rồi.
– Cái gì? Mày bị đuổi đi lúc nào? Giờ mày đang ở đâu? Tao tới đón.
– Tao vừa bị đuổi đi lúc nãy. Đang ở chỗ đèn xanh đèn đỏ gần nhà tao. Thương ơi…Bọ họ không cho tao đưa cái Min theo…Giờ tao phải làm gì đây? Tao thương con gái tao lắm.
– Mày tạm thời đừng lo lắng quá. Cứ ở yên đấy. Tao tới đón, rồi tính tiếp.

Em tắt điện thoại cất vào túi quần, chờ khoảng 20 phút sau con Thương đã tới đón em. Nó nhìn bộ dạng lôi thôi lếch thếch của em, không khỏi đau lòng:

– Mày làm gì mà bị mụ già kia đuổi khỏi nhà?
– Tao không làm gì hết. Trọng dẫn bồ anh ta về, ép tao phải đi.
– Có phải con mặt dài như cái bơm, tối qua mày với tao bắt được nó vào khách sạn ngủ với chồng mày đúng không?
– …(Em khẽ gật đầu.)
– Mẹ nhà nó chứ. Đúng là cái đồ trơ trẽn không biết xấu hổ. Tao chưa gặp con giáp thứ 13 nào ngang ngược như nó. Mày lên đây, tao chở mày về nhà táng cho nó một trận sấp mặt, chừa cái thói mất dạy lếu láo đi.
– Thôi đừng làm thế. Tao không muốn hàng xóm láng giềng dị nghị.
– Mày đúng là con hâm. Hâm hết phần thiên hạ Vy ạ. Thằng Trọng nó khốn nạn với mày thế mà mày vẫn còn nể nang nó à?
– Mẹ con My là phó giám đốc, nghe nói bà ta sắp về hưu non. Nếu Trọng đồng ý lấy con My, bà ta sẽ tiến cử nó lên vị trí phó giám đốc.
– Vậy là mẹ con thằng cờ hó Trọng dựa vào lí do đấy để đuổi cổ mày ra khỏi nhà?
– Ừ. Ban đầu tao bảo tao không cần tiền của, gia tài gì của nhà nó hết. Chỉ cần mẹ con nó cho tao đưa bé Min đi cùng. Bà Hường đồng ý nên tao mới chịu kí đơn ly hôn. Ai ngờ vừa nãy Trọng lại lật lọng, lươn lẹo không cho tao dẫn bé Min đi.

Mặt con Thương hằm hằm:

– Tao không còn từ ngữ gì miêu tả độ khốn nạn của hai mẹ con nó nữa. Cái loại không có tài cán gì thăng chức nhờ chiêu trò hèn hạ, bám váy bạn gái cũng méo bền đâu.
– Biết vậy tối qua tao đã gọi thêm vài đứa nữa đến táng cho bọn nó mất đường về. Nghĩ mà tức. Thôi lên xe. Tao chở về nhà trọ.

Em lau nước mắt, xách vali ngồi lên xe con Thương. Mọi chuyện dù muốn dù không cũng đã xảy ra rồi, giờ không thể thay đổi được điều gì nữa. Về tới nhà trọ của con Thương cũng đã hơn 7 giờ tối. Nó pha tạm cho em bát mì. Ăn được mấy miếng, em lại muốn bỏ dở.

– Mày cố ăn hết bát mì đi. Có thực mới vực được đạo. Ăn xong tao với mày cùng nghĩ xem có cách nào đòi lại bé Min được không?
– Tao nghĩ nãy giờ rồi. Không còn cách nào khác đâu. Trọng có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao dù tao có kiện bọn họ ra toà cũng chưa chắc tao được quyền nuôi bé Min. Vì tao chẳng có gì trong tay. Tiền không, nhà không, công việc không.
– Hay mày đi kiếm thử việc gì đó làm tạm đi. Đợi đến lúc ổn thoả, mày tiết kiệm tiền thuê luật sư giành lại bé Min cũng chưa muộn.
– Nhưng tao biết đi đâu kiếm việc bây giờ? Tao chỉ có mỗi cái bằng cấp 3. Ở đây bao nhiêu người có bằng cao đẳng, đại học còn bị thất nghiệp huống chi là tao?
– Không làm được văn phòng, thì làm lao động chân tay. Mày có sợ khổ, sợ khó không?
– Vì bé Min tao không sợ gì hết. Chỉ cần có việc kiếm ra tiền, vất vả mấy tao cũng làm.
-Thế tao giới thiệu mày đến nhà hàng chỗ tao làm việc nhé, làm phục vụ thôi. Nhà hàng tuy mới mở, nhưng đông khách phết đấy…Nếu mày chăm chỉ chịu khó tăng ca tháng cũng được 7 – 8 triệu.
– Được thế thì tốt quá.
– Cứ quyết vậy nhé.
– Nhưng tao đang tính ngày kia về quê ăn giỗ mẹ. Để 3 ngày nữa tao lên, rồi mới đi làm được không?
– Cũng được. Để tao bảo chị quản lý cho. Giờ mày cứ ở đây với tao, không phải lo nghĩ gì hết. Phòng tao thuê ở có một mình, tha hồ chỗ cho mày ăn mày ngủ.

Em chẳng biết phải cảm ơn con Thương thế nào cho đủ, nghĩ ngợi mãi mới nặn ra được một câu:

– Tao cảm ơn mày nhiều lắm.
– Thôi tao xin mày. Ơn huệ cái nỗi gì? Mày cứ sống tốt là tao mừng rồi. Ăn xong thì đi tắm rồi ngủ sớm đi. Giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị chiến đấu với mẹ con nhà ác ôn kia.

Em gật đầu cố ăn cho hết bát mì định bỏ dở. Từ giờ em phải mạnh mẽ lên. Sau hôm nay em sẽ là một con người khác hoàn toàn. Em sống vì bản thân, vì con gái và những người yêu thương em thôi chứ không sống để nhìn sắc mặt người khác nữa. Ăn uống xong, em dọn dẹp chút rồi lấy quần áo đi tắm. Đêm hôm đó vì nhớ con mà em vẫn không ngủ được. Không biết liệu Trọng và My có đối xử tốt với con gái em không? Tối nào em cũng kể chuyện cổ tích thí con ngủ. Nay em không có nhà nó đòi em thì sao?

Hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi chạy qua chạy lại trong đầu em. Nhưng em lại không trả lời được câu nào.
……….
Sáng hôm sau con Thương dậy sớm nấu cơm, ăn uống tinh tươm rồi đi làm. Còn mỗi mình em ở nhà. Phòng trọ con Thương thuê cũng không lớn lắm, nhưng em lại thấy cô đơn lạc lõng trong lòng. Một mình ở cùng 4 bức tường, thời gian trôi qua từng giây từng phút. Đợi mãi đến gần 5 giờ chiều em mới mặc thêm cái áo khoác, đeo khẩu trang kín mặt bắt xe ôm đến trường mầm non của con gái.

Em không dám đến gần cổng trường, vì nhìn thấy xe Trọng đang đỗ ở đó. Nếu em vội vàng chạy đến, nhỡ anh ta biết xong ngăn cản con gái gặp em thì sao? Nghĩ vậy em chỉ đứng nhìn con từ đằng xa. Ngày mai nếu muốn gặp con thì em sẽ đi sớm hơn. Tối đó con Thương mua ít thịt nướng về ăn. Hình như hôm nay nó mới được lĩnh lương thì phải. Ăn xong, nó đưa cho em 2 triệu rồi bảo:

– Mai mày về quê giỗ mẹ đúng không? Cầm tạm 2 triệu này về mua gì cúng mẹ mày thay tao nhé.
– Tao vẫn còn tiền mà.
– Con này hay nhỉ? Tao đưa thì cứ cầm lấy. Tao bảo mày mua đồ cúng mẹ mày thay tao cơ mà.
– Nhưng tao…
– Đừng nhưng nhị nữa. Nếu mày ngại thì cứ coi như mày vay tao, khi nào mày đi làm có tiền trả tao sau cũng được.
– Vậy tao xin nhé.
– Ừ. Tao mới lấy lương. Tháng này tao nghỉ 3 ngày, bị trừ mất chuyên cần nên đưa cho mày được mỗi 2 triệu thôi. Tao xin lỗi.
– Ơ con hâm. Lỗi phải gì ở đây. Mày cho tao ăn nhờ ở nhờ, còn tìm cả việc làm cho tao. Tao biết ơn mày lắm rồi. Thật đấy.
– Không lôi thôi dài dòng nữa. Ngủ đi. Mai tao chở ra bến xe sớm.

Quê em ở Nam Định. Em đi chuyến xe lúc 6 rưỡi sáng về cho đỡ đông. Ngồi trên xe tầm 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng về đến nhà. Nhà ông bà ngoại em ở ngay gần biển. Nghe tiếng gió thổi vi vu, tiếng sóng vỗ rào rào. Em như được truyền thêm sức mạnh. Kì lạ thật. Đã mấy năm rồi em mới trở về quê, thế mà gió và tiếng sóng biển vẫn có thể làm vơi đi phần nào nỗi buồn trong lòng em.

Em đi bộ thêm một đoạn khá dài, mới đến nhà ông bà ngoại. Năm nay ông bà già cả rồi, nhưng hàng ngày ông bà vẫn ủ mắm để bán. Em thương ông bà lắm. Đứa cháu ngoại như em thật bất hiếu. Nhìn bóng lưng còng còng của bà đang cho mấy con gà ăn. Khoé mắt em tự nhiên cay cay, em nức nở cất tiếng gọi:

– Bà ơi…Bà…

Bà ngoại ngẩng đầu nhìn thấy em vội vội vàng vàng bỏ bơ gạo trong tay xuống đất, bước thật nhanh tới chỗ em vỗ vỗ vào cánh tay em mấy cái:

– Con về rồi đấy hả? Đi đường có bị say xe không?
– Con không say bà ạ.
– Vậy thì tốt. Con vào nhà đi. Ông ơi. Ông nó ơi. Cái Vy về rồi này.

Ông ngoại em nghe tiếng bà gọi cũng lật đật từ trong nhà đi ra. Ông nhìn em, em nhìn ông. Thật sự lúc đó em xúc động đến nỗi không cả nói được gì. Miệng mấp máy được mỗi mấy chữ:

– Ông…Ông ơi…
– Vy về rồi đấy hả? Đi đường có mệt nhọc gì không con?
– Dạ không ạ. Con khoẻ lắm.

Ông bà ngoại em là vậy đấy. Lúc nào cũng quan tâm lo lắng đến sức khoẻ của em. Dù em chẳng giúp gì được cho ông bà. Hôm đó em quanh quẩn ở nhà với ông bà cả ngày. Ngủ cùng bà ngoại một đêm, sáng hôm sau là ngày giỗ mẹ. Em dậy sớm đi chợ mua ít thức ăn và hoa quả về cúng mẹ. Thức ăn em để ở nhà, còn hoa quả em mang ra mộ.

Mộ của mẹ em nằm lạc lõng trên một khu đất khá rộng. Ảnh mẹ ông bà đặt quay mặt về phía biển. Vì mẹ em thích biển lắm, mẹ thích tất cả hương vị của biển từ vị của nước đến vị của cát, vị của gió. Có lẽ vì thế mà đối với biển, em cũng có một tình yêu mãnh liệt dạt dào. Đặt đĩa hoa quả lên trước mộ mẹ, em thắp lên mấy nén nhang. Nước mắt em cứ thế chảy dài trên gò má. Không biết là do em nhớ mẹ hay do gió thổi vào mắt em quá mạnh. Em quỳ thụp xuống ngay trước ảnh mẹ, khó khăn lắm mới gọi được hai từ:

– Mẹ ơi…mẹ ơi…

Mẹ mất khi em còn quá nhỏ. Đến bây giờ em vẫn nhớ được mặt mẹ là nhờ những tấm hình ố vàng ngày xưa mẹ để lại. Em thương mẹ thương cả ông bà ngoại, nhưng thương mấy cũng chỉ biết để trong lòng chứ không làm gì được. Mấy hôm nay em khóc nhiều quá, hai mắt em đã đau nhức cả lên. Em ngồi cạnh mộ mẹ thêm một lúc nữa rồi cũng đứng lên đi về. Hẹn mẹ năm sau con lại tới.

Về đến đầu làng em vô tình gặp bố. Thời gian trôi qua bố cũng già đi không ít khoé mắt đã xuất hiện nhiều nếp nhăn. Gần hai mươi năm trước, vì muốn lấy vợ hai bố nhẫn tâm đưa em về nhà ông bà ngoại. Nói em không còn hận bố là nói dối, nhưng bao năm qua nỗi hận trong lòng em cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Em mạnh dạn đi lên phía trước chào hỏi:

– Con chào bố.

Bố em sững sờ. Chắc bố không ngờ em lại chủ động chào bố trước:

– Mới về à?
– Vâng. Con mới về hôm qua.
– Mai hay bữa nào rảnh sang nhà bố ăn bữa cơm.

Em lặng thinh một hồi rồi nói:

– Ngày mai con lại lên Hà Nội rồi.
– Ừ.

Bố miễn cưỡng gật đầu. Em nói thêm:

– Hôm nay là ngày giỗ mẹ.
– Ừ.

Bố lại ừ thêm lần nữa. Hai lần ừ của bố đều mang hai tâm trạng khác nhau. Em biết bố còn rất nhiều điều muốn nói với em. Nhưng chắc bố không biết bắt đầu từ đâu, nên mới không nói gì chỉ yên lặng nhìn em thế thôi. Em xin phép bố về nhà ông bà ngoại, ăn với ông bà bữa cơm giỗ mẹ. Mẹ em mất hơn hai hai chục năm nay rồi, nhưng cứ vào ngày này năm nào bà ngoại em cũng lặng lẽ rơi nước mắt.

Em từng nghe ở đâu đó nói rằng, nếu một đứa trẻ mất đi bố (mẹ), người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ gọi là góa, phụ nữ mất chồng gọi là quả phụ, nhưng lại không có tên gọi nào dành cho những người bố, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau họ đang phải chịu đựng. Không một từ nào cả…
…………..
Ngủ với bà ngoại thêm một đêm nữa, sáng hôm sau em lại lóc cóc dậy sớm xách vali lên Hà Nội. Em đã hạ quyết tâm rồi, nhất định em sẽ giành lại quyền nuôi bé Min. Con bé là con gái em, là khúc ruột trong lòng em. Em không thể trơ mắt nhìn nó gọi My là mẹ.

Em đi chuyến sáng sớm, lên tới bến xe Hà Nội mới có hơn 8 giờ sáng. Em bắt xe ôm về nhà trọ của con Thương. Tối qua nó nhắn tin bảo em, khi nào lên thì tới thẳng nhà hàng nó làm. Nó xin chị quản lí cho em rồi. Em thay một bộ quần áo đơn giản, xong tới nhà hàng chỗ con Thương làm việc trong thời gian ngắn nhất. Con Thương dẫn em vào gặp chị quản lí để nhận việc. Công việc của em là nhân viên phục vụ. May mắn là em có kinh nghiệm rồi, nên không gặp khó khăn lắm.

Thời gian sau đó ngày nào em cũng chăm chỉ làm việc, chịu khó tăng ca để tiết kiệm tiền thuê luật sư đấu với mẹ con Trọng.

Kể từ ngày em bắt đầu đi làm đến nay cũng đã được hơn 1 tuần. Hôm đó em đang cắm cúi lau dọn bàn ghế, thấy mấy người khách vào nhà hàng ăn tối. Em định chào hỏi đàng hoàng, nhưng vừa ngẩng đầu lên gặp ngay khuôn mặt quen thuộc của My. My nhìn thấy em làm việc ở đây cũng khá ngạc nhiên, nhưng sau đó môi cô ta lại khẽ cong lên.

Đầu tiên cô ta gọi chị quản lí của em ra, đặt một phòng vip trong nhà hàng. Sau đó lại yêu cầu đích thân em vào phục vụ phòng đó. Em lờ mờ đoán được, cô ta lại muốn gây khó dễ cho em nhưng vì cô ta là khách quen, khách vip của nhà hàng nên em không thể từ chối.

Nửa tiếng sau khi đồ ăn được dọn lên bàn, em xin ra ngoài nhưng My không đồng ý.

Bạn My nói bóng gió:

– Mày quen chị này à? Nếu quen thì bảo chị ấy ngồi xuống ăn cùng bọn mình luôn đi, sao để chị ấy đứng nãy giờ thế?
– Mày nghĩ tao quen hạng người này sao? Nhìn lướt qua đã biết tao và cô ta không cùng đẳng cấp rồi.
– Mày nói cũng đúng. Thời đại này còn đánh cái màu son kia, phèn lúa quê mùa gần chết.
– Thì người ta là dân quê thật mà.
– Chả trách người hôi thế?

My sỉ nhục em rồi cười nham nhở:

– À suýt nữa thì quên. Tao xin trân trọng giới thiệu với bọn mày. Đây là chị Vy, vợ cũ của anh Trọng.

Cả đám bạn đi cùng My, nhốn nháo hết cả lên:

– Thật á? Vậy thì tao hiểu tại sao anh Trọng lại bỏ chị ta theo mày rồi.
– Chồng là trưởng phòng của công ty xuất nhập khẩu có tiếng, mà vợ chẳng khác gì đứa ăn mày, ăn xin ở đầu đường xó chợ.

Dứt lời My đứng phắt dậy cầm cả đĩa bò sốt vang hất thẳng vào người em. Đám bạn cô ta đi cùng có 3 người, đều là phụ nữ. Sau khi chứng kiến hành động điên rồ của My, bọn họ cười cợt không ngớt. Còn em ức lên tận cổ. Em biết bây giờ cô ta là khách hàng, em chỉ là nhân viên phục vụ nhưng em không nuốt trôi cục tức này. Em mặc kệ tất cả nhào lên cho cô ta hai cái vả nổ đom đóm mắt, cho chừa cái thói huênh hoang, cạy nhà mình giàu rồi coi người khác không ra cái gì.

– Tao nhịn mày đủ lắm rồi. Nhà mày giàu, mày muốn làm gì cũng được hả con thần kinh?
– Mày…Sao mày dám đánh tao?
– Loại phụ nữ không biết liêm sỉ, cướp chồng người khác còn già mồm như mày đáng bị đánh.

My hét lên thật to:

– Mày chán sống rồi đúng không?
– Mày mới chán sống ý. Tao đồng ý ly hôn với Trọng, vì tao không muốn tiêu tốn thời gian quý báu của mình cho một kẻ cặn bã. Chứ không phải vì tao sợ mày. Biết chưa?

Yêu thích: 4 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN