Chọn Sai Người
Phần 6
Em đợi bé Su lên xe của nhà trường rồi mới quay vào nhà mang chăn gối phòng con bé đi giặt. Đúng là trẻ con dù có lớn có trưởng thành hơn tuổi, cũng không tránh khỏi những lúc ngây thơ hồn nhiên trong trắng. Chỉ cần người lớn chúng ta chịu để ý hơn một chút, là sẽ phát hiện ra ngay.
Thời gian trôi qua thật nhanh, một tháng sau…
Em đã dần quen hết mọi việc ở nhà Cao Thiên Phong. Quả đúng như lời anh ta nói, anh ta bận rộn công việc đến tối tăm mặt mũi. Sáng đi sớm, tối về khuya. Thời gian nói chuyện và quan tâm bé Su rất ít. Mặt con bé lúc nào cũng buồn buồn.
Em cố gắng tiếp xúc với Su nhiều hơn, mấy ngày đầu con bé khá bướng bỉnh làm em dở khóc dở cười không biết bao nhiêu bận. Nhưng giờ đỡ hơn nhiều rồi, ít nhất con bé đã để em vào phòng nó một cách tự nhiên. Nó không thét lên hay ném đồ chơi vào người em nữa. Nó thèm ăn gì cũng đã biết bảo em nấu.
Ngày lấy lương tháng đầu tiên của em, hình như Phong cố ý về sớm hơn thì phải. Anh ta đưa cho em cái phong bì màu trắng rồi bảo:
– Lương tháng này của em đây. Anh gửi nhé. Em không có số tài khoản, nên anh đành phải đưa tiền tay.
– Em cảm ơn anh.
– Có vẻ bé Su khá hợp với em đấy. Anh cũng yên tâm hơn phần nào. Mấy người giúp việc lúc trước đều bị nó làm khó, có người mới đến làm 3 ngày đã phải xin nghỉ việc. Cảm ơn em.
Em ngượng ngạo đáp lời Phong:
– Không có gì đâu anh. Con gái em kém bé Su 2 tuổi, nên em coi Su như con gái mình thôi.
– À. Nay anh đưa Su về bà nội ăn cơm, em không phải nấu cơm tối cho hai bố con anh đâu.
– Vậy anh cho em ra ngoài chút được không?
– Được. Nếu về muộn quá thì sáng mai em tới sớm cũng không sao.
Nói rồi Phong đứng dậy đi lên tầng. Nhận phong bì từ tay Phong, em sướng rơn cả người. Em đi làm có tiền lương rồi đó. Tuy chưa biết tháng đầu tiên anh ta trả em bao nhiêu, nhưng có tiền là em vui vẻ hẳn lên. Cầm đồng tiền tự tay mình làm ra, cảm giác người tự tin ngời ngời. Mở phong bì em đếm đếm mấy đồng 500 ngàn trong đó.
Trời ơi…Cao Thiên Phong trả em hẳn 15 triệu. Em bất ngờ không cả thốt lên lời. Đây mới là tháng lương đầu tiên của em, em còn tưởng anh ta sẽ trả em theo lương của người học việc? Đằng này mạnh tay chi hẳn 15 triệu. Đúng là tầm cỡ của nhà giàu. Cứ thế này chẳng mấy chốc mà em có đủ tiền thuê luật sư giỏi đấu lại mẹ con Trọng.
Em hí hửng gọi điện cho con Thương. Nó là người giúp em tìm được công việc này, em muốn cảm ơn nó:
– Alo. Thương hả? Nay mấy giờ mày tan làm.
– Sắp rồi đấy. Khoảng 15 – 20 phút nữa thôi. Có việc gì?
– Đi ăn đi. Tao mới được lấy lương.
– Thế mày không phải nấu cơm tối cho bố con nhà kia à?
– Không. Tối nay tao được nghỉ.
– Vậy thì đi. Có cần tao đến đón mày không?
– Không cần đâu. Để tao bắt xe ôm tới.
– Con hâm. Chỗ mày ở là khu nhà cao cấp, làm gì có xe ôm cho mày bắt?
– Thì tao chịu khó đi bộ một đoạn, ra khỏi khu này vẫn bắt được xe ôm như thường mà.
– Ừ. Quán cũ nhé. Tao đợi.
Con Thương nói xong em cũng kịp tắt máy. Bọn em chơi với nhau cũng được gần 2 chục năm rồi. Tính nó nhiều khi có hơi nóng nảy, làm gì cũng phải dứt khoát nhưng đối với anh em bạn bè, nó lại rất tốt rất thật lòng. Em vào phòng thay một bộ quần áo đơn giản, đeo chiếc túi xách ra khỏi nhà đi bộ một đoạn khá xa mới bắt được xe ôm đến chỗ con Thương.
Tới quán thịt nướng quen thuộc, con Thương đã ngồi sẵn đó chờ em:
– Vy ơi. Bên này.
Em trả tiền bác xe ôm, xong đi đến chỗ nó ngồi xuống tự nhiên:
– Mày gọi đồ ăn chưa?
-…(Con Thương gật đầu.)
Đây là quán quen của bọn em. Bọn em rất hay ăn ở đây, vì đồ ăn vừa ngon vừa rẻ. Cô chủ quán rất dễ tính nên quán lúc nào cũng đông. Cơ mà con Thương thân với cô ấy lắm, mặc dù quán đông nhưng đồ ăn bọn em gọi lúc nào cũng được ưu tiên làm trước. Con Thương vừa nhai nhồm nhoàm miếng thịt nướng, vừa hỏi em:
– Mày làm ở đấy đã quen chưa?
– Hơi quen rồi. Mà nay Cao Thiên Phong trả tao hẳn 15 triệu tiền lương, tao đang nghĩ có khi nào anh ta nhầm không nhỉ?
– Nhầm cái đầu mày. Cao Thiên Phong giàu lắm, lại siêu giỏi nữa. Tháng kiếm không biết bao nhiêu tiền? Khéo khi là con số khổng lồ, mày với tao làm cả năm cũng không bằng anh ta làm trong một tháng.
Em tò mò hỏi con Thương:
– Thế mày có biết anh ta làm gì không?
– Tao nghe bạn tao bảo anh ta đang làm giám đốc công ty xuất nhập khẩu của gia đình. Mày đừng tưởng công ty gia đình là nhỏ nhé. Công ty anh ta quản lí đứng top đầu những công ty xuất nhập khẩu phát triển mạnh nhất cả nước đấy.
Em ngạc nhiên, không thốt lên lời:
– Ôi…
– Những thứ mày không biết về gia đình Cao Thiên Phong còn nhiều lắm. Mày đừng tò mò quá, nhà càng giàu càng lắm chuyện. Cố gắng kiếm đủ tiền thuê luật sư, giành lại quyền nuôi bé Min rồi rút thôi.
– Nhưng bé Min còn phải phẫu thuật tim nữa.
– Ừ nhỉ. Tao quên mất.
Tối hôm đó em ngủ lại nhà con Thương. Sáng mai mới quay lại nhà Phong làm việc. Đầu tiên em vào bếp nấu bữa sáng cho bé Su, đợi con bé ăn xong lại đưa nó ra cổng chờ xe của nhà trường tới đón. Còn Phong chẳng mấy khi ăn cơm ở nhà, buổi sáng anh ta thường uống mỗi cốc cà phê rồi vội vàng đi làm luôn.
Em biết anh ta giàu có, đẹp trai xuất sắc hơn người nhưng cũng chẳng có ý nghĩ gì quá phận. Em tập trung làm tốt công việc của mình, để nhận đồng lương xứng đáng. Em sống rất đơn giản, cả đời chẳng có tham vọng gì lớn. Chỉ mong có một cuộc sống yên bình bên đứa con gái bé bỏng của mình thôi.
Tự nhiên nhắc đến con gái em lại thấy nhớ. Hơn 1 tháng rồi hai mẹ con em chưa gặp lại nhau. Nhìn đồng hồ mới hơn 8 giờ sáng, em tranh thủ dọn dẹp quanh nhà, rồi đi siêu thị mua thị mua ít đồ ăn. Tiện thể bắt xe ghé qua trường mẫu giáo thăm Min. Em mua cho con bé hai bộ quần áo mới, và khá nhiều đồ chơi.
Tuy rằng Trọng cấm em không được đến thăm con, nhưng nhớ con quá em cũng không chịu nổi. Tới lớp của Min, em thập thò ngoài cửa một lúc không nhìn thấy con đâu. Hay hôm nay Min không đi học? Không phải con bé bị ốm rồi đấy chứ?
Em lo cho con mới vào tìm cô giáo. Cô giáo lớp Min nhìn em, bất ngờ hỏi:
– Mẹ bé Min, sao em lại tới đây?
– Cô giáo cho em hỏi hôm nay bé Min không đi học ạ?
– Bé Min chuyển trường hơn nửa tháng nay rồi. Bố bé không nói với em sao?
Em nghe cô giáo nói mà không tin nổi. Lần trước Trọng nói chuyển trường cho Min là nói thật ư? Em không đến thăm con gái theo yêu cầu của rồi mà, sao anh ta vẫn đối xử tệ bạc với em thế? Em và Min có lỗi lầm gì mà anh ta nhẫn tâm chia cắt hai mẹ con em? Đúng là đồ độc ác.
– Vậy cô có biết Min chuyển đến trường nào không?
– Chị không biết. Cái này em liên lạc với bố Min nha.
Nói thì nói thế chứ giờ em có liên lạc với Trọng anh ta cũng không bao giờ cho em biết trường học của bé Min đâu. Em quyết định bắt xe đến thẳng nhà chồng cũ sau một hồi bấm chuông, trong nhà có một người phụ nữ lạ mặt bước ra. Em tưởng là người giúp việc mới nên cũng không để ý nhiều, nhưng bác ấy lại cất giọng hỏi em:
– Cô tìm ai?
Em ấp úng trả lời:
– Cháu..cháu tìm bà Hường.
– Bà Hường chủ nhà cũ hả? Dọn đi lâu rồi.
– Bác ơi. Cháu có việc quan trọng muốn gặp bà ấy thật. Bác cho cháu vào gặp bà ấy đi. Cháu xin bác đấy.
– Ơ. Cái cô này. Xin xỏ gì? Ngôi nhà này tôi mua lại của bà Hường. Giờ bà ấy dọn đi đâu, tôi cũng không biết. Cô muốn tìm đi chỗ khác mà tìm, đừng làm phiền tôi. Thanh niên các cô bây giờ vô duyên, vô ý thức thật.
Bà ấy mắng em xong bực bội bỏ vào trong nhà. Em có gọi thế nào cũng không chịu quay đầu lại. Trên đường về em gọi cho Trọng hai cuộc điện thoại, nhưng anh ta không hề nghe máy. Sang đến cuộc thứ ba chuông gần tắt hẳn mới có người nghe:
– Sao anh chuyển trường học cho Min mà không nói gì với tôi? Anh quá đáng vừa thôi chứ.
– Con nhà quê nghèo nàn rách rưới. Chị bảo ai quá đáng?
Em nhận ra ngay đó là giọng bà Hường, mẹ chồng cũ của em chứ không phải Trọng. Em không muốn nói chuyện với bà ta, đang định tắt máy nhưng đầu dây bên kia bà ta không ngừng đay nghiến chửi bới em, bằng những ngôn từ thô tục nhất:
– Chính tôi bảo thằng Trọng chuyển trường cho con Min đấy. Chị làm gì được tôi?
Em im lặng không thèm nói. Bà ta càng được đà lấn tới:
– Tôi mới lấy tóc của con Min và thằng Trọng đi xét nghiệm ADN. Cũng may hai đứa là bố con thật, chứ không tôi cào rách mặt hạng đ ĩ thõa nhà chị.
– Bà chửi ai là hạng đ ĩ thõa? Giờ tôi không phải con dâu bà nữa đâu, bà đừng có kiểu muốn nói gì thì nói.
Bà Hường đổi giọng mày – tao với em:
– Tao bảo mày là con đ ĩ đấy. Không có tiền của con trai tao, mày sắp phải đi ăn mày chưa?
Nghe xong em tức điên cả người, không nhịn nổi nữa nên mới cãi lại:
– Không có tiền của con trai bà, tôi vẫn sống đàng hoàng tử tế chứ chưa phải đi ăn mày, ăn xin ngày nào. Còn bé Min…Nó là cháu nội bà. Bà không muốn nuôi nó nữa, thì để tôi nuôi. Đừng làm gì tổn thương đến con bé. Nếu không tôi không bỏ qua cho mẹ con nhà các người đâu.
– Mày cứ ở đấy mà mơ. Tao không bao giờ để mày mang con Min đi đâu. Cái loại nghèo kiết xác, đi làm phục vụ thì móc đâu ra tiền nuôi con? Hay mày định đi làm gái lấy tiền à?
Bà Hường không ngừng giễu cợt em. Em không chút sợ hãi đáp lại:
– Bà đừng xúc phạm tôi. Bà già rồi để cho mồm miệng được sạch sẽ tí đi.
Trong mắt Trọng mẹ anh ta lúc nào cũng thật tử tế đàng hoàng. Nhưng giây phút này trong mắt em, bà ta thật ích kỉ và đáng ghét chỉ biết đến tiền bạc và lợi lộc. Dù đúng dù sai em cũng là con dâu bà ta hơn 5 năm trời, không ưa nhau cứ nhắm mắt bơ nhau đi là được. Sao bà ta còn chửi em là đồ con đ ĩ? Rồi lại bảo em đi làm gái lấy tiền nuôi con?
Năm nay bà ta cũng gần 70 tuổi rồi, mà lời lẽ nói ra khó nghe quá. Nghĩ lại em thấy quyết định li hôn của mình thật đúng đắn. Em đúng là con ngu nên mới chịu nhục ở nhà bà ta suốt mấy năm trời. Em dứt khoát tắt điện thoại bỏ vào túi quần, nhưng bà ta vẫn không chịu buông tha cho em, gọi hết cuộc này đến cuộc khác. Cuối cùng em tức quá tắt nguồn điện thoại luôn.
Giờ thì em đã hiểu vì sao mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu giữa bà ta và My lại tốt thế rồi. Đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
……….
Chiều hôm đó bé Su trở về nhà mặt mũi ỉu xìu, không được tươi tỉnh như mọi ngày. Không biết ở lớp con bé xảy ra chuyện gì, mà em hỏi thế nào nó cũng không nói. Chờ mãi đến tối Phong đi làm về. Em mới nghe thấy hai bố con nói chuyện với nhau:
– Tại sao hôm nay con lại đánh bạn?
-…(Su im lặng.)
– Có nghe thấy bố hỏi không? Tại sao con đánh bạn?
Phong gắt lên với Su. Su biết bố đang giận nên phụng phịu trả lời:
– Tại…bạn bảo con là đồ con hoang. Con không có mẹ, từ dưới đất chui lên.
– Trên đời này làm gì có đứa trẻ nào không có mẹ? Bạn nói Su như vậy là bạn sai, nhưng Su đánh bạn thì cũng không đúng. Bố không dạy con đối xử với bạn bè như thế.
Su oà khóc rồi hét lên:
– Nhưng bạn trêu con trước. Bạn còn vẽ bậy lên sách con.
– Thế sao con không khoe cô giáo?
– Con không thích. Con ghét bạn.
Câu trả lời của Su, làm Phong có chút hụt hẫng. Anh ta không quát con bé nữa, hình như định nói gì đó nhưng lại thôi. Lúc sau chỉ bảo mỗi câu:
– Bố hiểu rồi. Thôi Su lên đi ngủ đi. Ngày mai bố sẽ nói chuyện với bố mẹ bạn ấy.
Su quay sang nhìn em, khuôn mặt con bé vẫn còn rất uất ức. Hai mắt hơi đỏ do vừa mới khóc. Em giơ tay ra mình ra nắm lấy tay con bé:
– Su ơi. Cô Vy dẫn Su đi ngủ nhé.
-…(Su gật đầu.)
Em đưa con bé lên phòng, nghe tiếng khóc rấm rứt của nó mà thương vô cùng. Con gái em đi học có khi nào cũng bị bạn bè bắt nạt như thế không? Rồi mỗi lần con phát bệnh, ai sẽ là người lo cho nó? Bé Su khóc chán rồi mới chịu ngủ. Em tắt đèn phòng Su đi xuống dưới nhà.
Ngoài vườn ánh trăng mờ nhạt đang chiếu xuống những cánh hoa tường vi mong manh làm lay động lòng người, nhưng tâm trạng em cứ thấy nặng nề. Em chậm rãi bước ra ngoài hiên, thấy Phong đang ngồi hút thuốc lá trên chiếc xích đu mà bé Su hay ngồi. Em luôn nghĩ Cao Thiên Phong thuộc tuýp người hoàn hảo. Anh ta vừa giàu vừa giỏi, sinh ra đã ở trên người khác một bậc. Nhưng giờ đây nhìn bóng dáng anh ta trong đêm tối vẫn rất cô đơn tịch mịch. Rồi không biết trùng hợp thế nào, anh ta ngẩng đầu lên nhìn em. Hai cặp mắt của bọn em đối diện thẳng với nhau. Em cứ thế bỏ vào trong nhà thì mất lịch sự quá, đành đi thêm mấy bước nữa đến gần chỗ anh ta nói vài câu nhạt nhẽo. Miễn cưỡng gọi là lời động viên.
Ba ngày sau…
Phong có chuyến đi công tác bên Trung Quốc, 1 giờ chiều mới bay nên buổi sáng anh ta nghỉ ngơi ở nhà. Đến tầm 9 giờ có một người phụ nữ trung niên ăn mặc thời thượng sành điệu, giày dép và túi xách đều là đồ đắt tiền. Tóc tai gọn gàng, khí chất hơn người. Chắc chắn đây không phải là một người phụ nữ giàu có bình thường. Bà ấy tới tìm Phong, em ra mở cổng nhưng đối diện với ánh mắt soi xét từ đầu đến cuối của bà ấy, em cũng không thoải mái:
– Cô…là giúp việc mới sao?
– Dạ vâng ạ.
– Có gia đình chưa?
– Cháu có rồi.
– Tới đây làm bao lâu chưa?
– Cháu làm được hơn 1 tháng. Cô đến tìm anh Phong ạ?
– Tôi không tìm nó, chẳng lẽ tìm cô. Nó có nhà không?
Em hỏi bà ấy một câu rõ lịch sự mà nhận lại một câu trả lời chẳng mấy vui vẻ, nhưng khách đến nhà thì vẫn phải tiếp đón đàng hoàng:
– Cháu mời cô vào bên trong. Anh Phong có nhà đó ạ.
– Cô biết tôi và thằng Phong có quan hệ gì không?
Em lắc đầu. Người phụ nữ trung niên cười khẩy:
– Cháu không biết.
– Quên không giới thiệu với cô tôi là mẹ thằng Phong.
– À vâng…Cháu chào bác.
Vào trong nhà Phong nhìn thấy mẹ không buồn không vui nói:
– Sao mẹ biết con ở nhà mà tới?
– Mẹ vừa từ công ty về đây.
– Nếu mẹ đến nói với con về chuyện hôm trước thì mẹ về đi. Con không đồng ý đâu.
Mẹ Phong bắt đầu tức giận:
– Anh cố tình chống đối tôi đúng không?
– Con và bé Su sẽ không dọn về nhà ở chung với bố mẹ. Con 36 tuổi rồi, chứ không bé bỏng gì. Mẹ đừng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con.
– Anh nói vậy mà nghe được à? Tôi đẻ ra anh, chẳng lẽ tôi lại không có quyền can thiệp vào cuộc sống của anh? Thôi. Tôi không phí lời với anh nữa, nếu anh không chịu dọn về nhà ở chung với chúng tôi thì anh đồng ý đi xem mắt đi. Con Su cũng hơn 7 tuổi rồi, anh còn định sống như thế đến bao giờ?
-…(Phong vẫn giữ im lặng.)
– Anh là giám đốc của Trường Phong, làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của công ty đầu tiên. Tôi sắp xếp đối tượng xem mắt cho anh rồi. Con bé tên Bích, mặt mũi xinh xắn ưa nhìn. Tính cách nhẹ nhàng hiền lành, năm nay tròn 28 tuổi mới đi du học bên Nga về. Con gái ông Tùng, giám đốc công ty Trần Tùng, là công ty sản xuất sắt thép quy mô khá lớn. So với nhà mình tuy hơi yếu thế, nhưng cũng được coi là môn đăng hậu đối. Tối chủ nhật tuần này anh đừng có viện cớ bận bịu nọ kia, để tôi xấu mặt với nhà người ta.
– Mẹ…Con phải nói với mẹ bao nhiêu lần nữa đây? Tình cảm và công việc là hai chuyện khác nhau hoàn toàn. Mẹ không thể gộp vào một được. Con yêu ai, con sẽ lấy người đó. Hôn nhân thương mại không bền lâu đâu.
– Ai bảo anh hôn nhân thương mại không bền lâu? Thế tôi với bố anh là cái gì? Chúng tôi kết hôn với nhau cũng vì lợi ích và sự phát triển của hai nhà. Sống chung với nhau mấy chục năm rồi, có xảy ra vấn đề gì đâu?
-…
– Lần trước tôi để mặc anh kết hôn với con hồ li tinh kia, nên giờ tôi đang hối hận lắm đây. Cái loại đàn bà bỏ chồng, bỏ con theo trai chẳng khác gì cái rẻ rách vứt ngoài bãi rác. Khổ thân con Su có một người mẹ cặn bã như thế.
Tiếng Phong nặng nề vang lên:
– Con với cô ấy đã ly hôn rồi. Mẹ để người ta yên đi
– Việc gì tôi phải để cô ta yên? Đồ đàn bà lăng loàn.
– Mẹ…
– Còn anh…Nếu anh không đồng ý đi xem mắt với con Bích, thì từ nay anh đừng gọi tôi là mẹ nữa. Tôi không có đứa con rắn mặt khó bảo như anh. Đợi khi nào tôi tăng huyết áp mà chế.t, anh cũng không cần về chịu tang tôi.
Nói rồi mẹ Phong tức tối bỏ về. Đúng hệt như lời con Thương nói, nhà càng nhiều tiền càng lắm chuyện. Lúc ra cổng bà ấy còn cố tình dừng lại cảnh cáo em:
– Tuy cô đã lập gia đình nhưng tôi vẫn phải nói trước. Muốn làm việc lâu dài ở đây, thì phải biết thân biết phận. Đừng tơ tưởng đến những thứ không thuộc về mình. Cô biết câu trèo cao ngã đau chứ?
– Vâng. Cháu biết.
– Chăm sóc cháu nội tôi cho cẩn thận vào. Không may nó xảy ra chuyện gì, tôi không để cô yên thân đâu. Nhà tôi nhiều tiền, nhưng không bao giờ lãng phí để nuôi người vô dụng.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!