Đất Rừng Phương Nam - Chương 7: Gia đình bố nuôi tôi
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
105


Đất Rừng Phương Nam


Chương 7: Gia đình bố nuôi tôi


– Tới nhà rồi. Dậy lên nhà, An ơi!

Tôi
nghe tiếng thằng Cò gọi, giật mình mở mắt ra. Bàn tay nó hãy còn đập đập mấy
cái lên vai tôi, khiến tôi tỉnh hẳn người. Tôi giụi mắt mấy cái, bàng hoàng một
lúc mới nhớ ra là mình đã ngủ dưới thuyền từ đêm qua cho tới bây giờ.

Thằng
Cò đã bò ra trước mũi loay hoay cầm sợi thừng buộc thuyền vào gốc cây mọc dựa
bờ.

Tôi
đưa mắt ngó lên. Một mái lều nhỏ, tiều tụy, nép dưới bóng cây tràm vỏ trắng
phản chiếu ánh bình minh như tô phấn. Chung quanh nhà mọc đầy những cây bình bát
đại, lá xanh um. Sau những bình cây bát đại là một khoảng rộng trống, và nhìn
thẳng vào trong xa, chỉ thấy toàn lau sậy mịt mùng. Trên khoảng sân rộng trước
nhà, một vài con buồm đất bay đây đó. Bên góc sân, một dọc da trăn và da rắn
vắt trên cây sào phơi. Luồng gió ban mai thổi nhẹ qua, đong đưa những tấm da
khô trông như một bầy rắn quấn vào cây sào đang cựa quậy.

Con
Luốc nhảy phốc lên sân, sủa mấy tiếng mừng rỡ. Một bà già cao lớn, hơi gầy, tóc
bới cao hình bánh lái, mặc chiếc áo bà ba vải đen kiểu xưa, từ trong lều bước
ra, chạy đến cúi xuống vuốt ve con chó. Khi thấy trong thuyền có thằng bé lạ,
bà bèn buông con chó, ngước lên hỏi:

– Chú em nào đấy?

Thằng
Cò đưa tay cho tôi nắm để bước lên bờ, vừa cười vừa nói:


Anh em với con đấy, má à..

– Con
nuôi của tôi đấy? Bà nó dắt con lên nhà đi. – Ông lão gác mái chèo lên mui,
đứng sau lái thuyền nói vọng lên.

Bà lão mỉm cười nhìn tôi. Tôi không biết nói gì,
chỉ ngượng nghịu cúi đầu chào.

*****


vùng Phong Mỹ, ai cũng khen anh Hai là một thanh niên hiền lành, chịu khó. Anh
mồ côi cha mẹ từ lúc mười tuổi, phải ở đợ cố công cho tên địa chủ Khá. Mãi đến năm
gần ba mươi tuổi anh vẫn chưa lấy được vợ. Người tá điền ấy giỏi trai, khỏe đến
nỗi có thể dùng hai tay nắm hai sừng trâu ghì xuống đất, con trâu vùng vẫy thế
nào, cũng không cất đầu lên được.

Bao
giờ mày làm cho tao đúng hai mươi năm, trừ hết số nợ cha mẹ mày còn thiếu tao
ngày xua, tao sẽ cho mày một số tiền cưới vợ. Tao sẽ cho vợ chồng mày một vuông
đất làm nền nhà, và cho mướn một ít ruộng, làm ăn riêng với nhau. Lâu lâu, tên
địa chủ già nổi tiếng keo kiệt nhất vùng lại bảo với người đầy tớ trung thành
của lão một lần như vậy.

Mỗi
lần nghe như vậy, anh Hai lại cố sức làm lụng ngày đêm cho vừa lòng chủ, bao
nhiêu nỗi vất vả trong anh thảy đều tan như mây mù dưới ánh mặt trời.

Đến
năm anh Hai ba mươi tuổi, không thấy tên địa chủ nói gì, anh bèn nhắc lại lời
hứa đó.


Vậy sao? – Tên địa chủ kêu lên và cười lớn. – Vậy mà tao tưởng mày không tính
chuyện lấy vợ, ra ở riêng nữa chứ! Mà đã có con nào bằng lòng lấy mày chưa?


Bẩm ông chủ, có rồi ạ – anh Hai mừng rỡ đáp.


Thế con đó có đui què, mẻ sứt gì không?


Bẩm ông chủ, không ạ?

– Nó cấy gặt, làm lụng được chứ?


Bẩm ông chủ, được ạ?

Tên
địa chủ Khá ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:


Thôi được. Nhưng mày phải dắt nó về cho tao xem người ngợm ra sao đã. Không lại
vớ phải thứ cá lọt giỏ, gà lọt bội (thứ không ra gì), quặt quẹo ốm đau, về phải
nguôi báo cô thì khổ cho mày?

Anh
Hai bơi xuồng suốt đêm, đến nhà người yêu báo tin vui đó. Hai anh chị quen biết
nhau đã mấy năm nay. Chị Hai cũng là con nhà cố nông, mồ côi, được người dì
mang về nuôi từ bé.

Khi
tên địa chủ già trông thấy người con gái xứ Cao Lãnh khỏe mạnh, có hai hàng mi
phớt cong trên cặp mắt to đen, có đôi vai nở rộng, đang nghiêng cúi chào hắn,
hắn đưa tay lên giụi mắt mấy cái. Hắn ngồi sững sờ hồi lâu không nói gì cả.

Hai
anh chị lo quá, lẳng lặng bước ra đứng ngoài thềm, không biết mình đã chót sơ
ý, sơ xuất điều gì để ông chủ phải phật lòng chăng? Hồi lâu, tên địa chủ mới
đằng hắng một tiếng, gọi anh Hai vào, cho ngồi xuống một bên góc phản, thong
thả bảo:

– Thôi được! Cứ hảo nó ở lại đây. Mọi việc sẽ lo
liệu… Tao, tao sẽ cho người đến bàn với dì nó… Rồi đâu khắc vào đấy thôi?..

Anh
Hai mừng cuống lên, chắp hai tay vái dài toan lui ra. Nhưng ông chủ anh đã vẫy
tay, ra hiệu cho anh ngồi lại đó.


Việc cưới xin của mày thì… hãy thong thả. Rồi tao sẽ liệu cho…


Vô cùng đội ơn ông chủ.

– Bây
giờ mày vào ngay trong chòi ruộng, coi giữ bầy trâu hai mươi con trong đó thay
cho thằng Bé. Bảo thằng Bé về lo việc ngoài này, nghe chưa?

Anh
Hai vào coi giữ bầy trâu đã hơn nửa tháng. Chiều chiều anh ngồi trên lưng trâu
ngong hướng nhà chủ, nóng ruột như lửa đốt. Người đầy tớ hầu hạ chủ suốt hai mươi
năm không lạ gì tính háo sắc của ông chủ nổi tiếng ấy. Một tay lão đã vùi dập
bao nhiêu đời thiếu nữ. Có nhiều người con gái tá điền trẻ, đẹp, bước vào nhà
lão rồi không trở về nhà cha mẹ nữa, mà nằm vĩnh viễn dưới nấm mộ giữa đồng…

Một
đêm, giữa lúc khuya, anh nghe trâu khua sừng lộp cộp ngỡ trộm vào dắt trâu, anh
chụp con dao rựa nhảy ra.


Anh Hai ơi? Nguy rồi, anh Hai ơi! – thằng Bé kêu lên trong tối.

Tay anh Hai
cầm con dao run bần bật. Linh tính báo cho anh biết đã có điều nguy biến xảy ra
cho ngươi yêu anh rồi…

Ngay lúc anh Hai vừa ra khỏi nhà đi vào chòi
ruộng, tên địa chủ Khá gọi chị Hai vào, ngon ngọt dỗ dành, bảo chị nếu ưng
thuận thì hắn sẽ cưới chị làm vợ thứ ba. Vợ cả hắn còn nằm liệt ở nhà thương
tỉnh từ năm này qua năm khác. Vợ thứ hắn thì đang trông coi một đồn điền xa…
“Mày chỉ gật đầu một cái tức khắc lên bà”. Chị Hai sụp lạy hắn, xin
tha cho chị về. Hắn hết dỗ dành rồi dọa nạt. Hắn đã dùng gậy, dùng roi mây đánh
chị thâm tím khắp mình mẩy, và lôi nhốt chị trong nhà kho bờ trống với một vò
nước lã. Rồi hắn lại mò xuống dụ dỗ, đánh đập, nhưng hơn mười ngày vẫn không
xoay chuyển được lòng chị. Chị Hai cứ nằm khóc, và hết khóc lại ngóng ra khe
vách, trông chờ người yêu một cách tuyệt vọng. Tên địa chủ cấm tiệt bọn tôi
trai tớ gái trong nhà không được hé môi với ai. Thằng Bé ngày nào cũng lén lún
đút vào cửa cho chị một nắm cơm.

Ngoài thằng Bé ra, bây giờ chỉ còn có con
thằn lằn chắt lưỡi trên vách và con cóc nghiến răng ngoài thềm thương cho cảnh
ngộ của chị thôi?

Đã khuya mà ai còn chèo thuyền. ngoài sông
hát hò làm chi cho lòng chị Hai thêm đau như muối xát:

“Một tiếng nhục anh để
đó, hai tiếng nhục anh để đó, ba tiếng nhục anh ra đi… “.

Chị Hai ôm mặt khóc nấc lên. Chỉ còn có lấy
cái chết để bảo toàn trinh tiết, đền đáp lại mối tình của người yêu thôi. Chi
thò tay ra lỗ vách thủng, với lấy sợi thừng vải máng bên ngoài.

Thằng Bé ngủ bên hè vựa lúa gần đó. Tiếng
khóc của người thiếu nữ xấu số đã khiến nó nhiều đêm không chợp mắt. Nó thường
trở dậy đứng bên ngoài vách nhà kho nghe chị khóc, và lòng nặng trĩu xót thương
một cách bất lực, nó chỉ biết lặng lẽ cúi đầu, thất thểu dưới ánh trăng đi về,
nó không sao ngủ được… Tình cờ thằng Bé đã bắt gặp bàn tay run rẩy thò ra níu
sợi dây thừng. Nó chạy đến giật phăng sợi thừng ném ra xa, và trong giây phút
đứng trước nỗi đau khổ tột cùng của những người nghèo cũng bị áp bục như nhau,
nó không còn nghĩ đến cái gậy quất đến quằn người và những trận đòn khủng khiếp
của lên dịa chủ, nó nhắm mắt chạy băng dộng ra chòi ruộng của anh Hai…

Khi anh Hai và thằng Bé về đến nhà kho thì
trăng đã lu. Anh sờ soạng vỗ vỗ vào vách gọi mấy tiếng. Không bên trong động
cựa gì. Chiếc khóa to tướng nghiến kẽo kẹt trong hai bàn tay nóng rục lửa của
người chồng chưa cưới. Anh không bẻ nổi khóa.

– Cạy mẹ cửa đi, anh! –
thằng bé trao cho anh con dao mà anh vừa ném bên vách.

Đêm lặng như tờ. Tiếng dao nạy cửa nghiến vào
ổ khóa nghe rợn người. Mấy con chó chạy ra, gặp người nhà chúng không sủa,
nhưng con nào con nấy cứ nhảy chồm chồm, kêu ư ử ngạc nhiên trước một việc kỳ
lạ mà chúng chưa từng chứng kiến trong ngôi nhà này. Chiếc khóa bật ra. Anh Hai
đạp cửa lao vào: Anh vấp phải một thân người mềm nhũn nằm trên nền gạch. Anh
run run cúi xuống bế thốc lên tay. Chị Hai hãy còn thoi thóp. Cơn xúc động dữ
dội đã làm chị ngất đi.

– Chết rồi, anh Hai ơi ông chủ xuống kìa? –
thằng Bé đứng bên ngoài kêu lên.

Khi anh Hai bế chị Hai ra
sân thì tên địa chủ Khá đã cầm gậy lững thường bước tới.

– Bỏ nó xuống! Kìa! Tao bảo mày bỏ nó xuống!

– Bẩm ông chủ…

– Câm mồm ngay!

– Xin ông thương vợ chồng
chúng tôi…

– Vợ mày à?

– Bẩm ông chủ…

– Có bỏ xuống không?

– Ông chủ nỡ nào…

– Nỡ nào? Nỡ nào? Nỡ nào! – Tên địa chủ nén
giọng rít lên, và hắn phang gậy xối xả, đập vào đầu vào mặt anh, đập vào cả cái
thân hình mềm nhũn trên tay tên đầy tớ dám cưỡng lệnh hắn.

Anh Hai quay lưng ra hứng đòn cho người vợ
chưa cưới đang thiêm thiếp trong tay mình. Sức người dù khoẻ đến đâu cũng có
hạn thôi. Anh lảo đảo ngã khuỵu xuống. Nhưng anh vẫn còn đủ sức đặt chị Hai nằm
đấy, cầm con dao quay lại.

Tên địa chủ Khá hét ầm lên, ba chân bốn cẳng chạy
lên nhà. Anh Hai không đuổi theo. Anh ném con dao vào lưng nó và quay lại cõng
chị Hai chạy đi. Trống mõ chung quanh nổi lên như nhái kêu. Anh Hai chưa ra
khỏi nhà hơn trăm thước thì bị bắt. Con dao không kịp cắm vào lưng tên địa chủ
dâm ác. Nó chỉ mới cứa đứt một lằn dài hơn gang tay… Và anh Hai bị dóng trăn
(một loại gông) chịu một trận đòn thù đến chết đi sống lại không biết mấy lần,
trước khi ra tòa đền tội, cướp đoạt và cố ý sát thương nhà chủ mất hai mươi năm
tù khổ sai.

Ở tù được năm năm, anh Hai trốn ra, dắt chị
Hai xuống một chiếc xuống để mặc nước cuốn đi.

Đôi vợ chồng cải tên đổi họ, nổi trôi từ vùng
này sang vùng khác. Từ những nghề hạ bạc như đóng đáy, câu cá sấu trên sông Cửu
Long mênh mông, đến trèo cau, trèo dừa ở Bến Tre, nơi người đi có thể bước suốt
ngày dưới những vườn dừa tầu lá ken nhau, trên đầu không lọt xuống một bóng
nắng, đến nghề đi làm ruộng thuê cho những tên địa chủ ác bá giầu nứt đố đổ
vách của tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu… hai người đều làm tất. Đúng trên các cánh
đồng, nhìn bốn mặt chân trời, chỉ thấy lúa vàng gợn lên mênh mông như biển, mà
hai vợ chồng không đủ nồi gạo nấu cháo trong lều. Ban đêm phải bò ra những đống
lúa cao như núi do tay mình làm ra, lấy trộm một ít thóc đem về, rồi lấy cán
dao cà lúa cho ra gạo,không dám giã đã đành, thậm chí đến đèn cũng không dám
đốt sợ bọn cập rằng (bọn canh gác) thấy chỗ nào có ánh sáng là sẽ mò tới…

Cho đến khi chị Hai sinh thằng Cò thì tai họa
lại bay đến trong gia đình đôi vợ chồng nghèo. Những tên tề địa chủ thấy chị
Hai xinh đẹp, liền lập mưu phao vu cho chồng chị làm cộng sản để định bắt anh
đầy đi chết rục xương ở Côn Đảo, hòng chiếm đoạt ngươi đàn bà lam lũ nhưng có
nhan sắc và duyên dáng kia. May thay anh Hai đã phát hiện kịp, vội vàng thủ
tiêu hết tang vật chúng định gán ghép, rồi bồng con dắt vợ xuống thuyền đang
đêm trốn đi…

– Vào rừng ở thôi? Chị Hai lau nước mắt, quả
quyết bảo chồng như vậy.

Một chiếc thuyền nát, một con dao rựa, một
con chó gầy gò ngồi bên mẻ lửa hun khói đuổi muỗi, đuổi bọ mắt trước mũi
thuyền, người nông dân cùng đường này chèo đưa vợ con và mấy giạ lúa ăn, lúa
giống cuối cùng, mỗi ngày một đi sâu vào rừng rậm.

Hai vợ chồng che một túp lều bên cây tràm độc
chiếc, để lấy nơi làm phương hướng tìm về. Và họ ra sức khai phá… Họ làm đủ
các thứ nghề để sinh sống qua ngày. Từ giữa chỗ ướt mù sương lam chướng khí,
chung quanh chỉ còn nghe tiếng vượn hú, tiếng beo gầm, dù phải chịu đựng không
biết bao gian nan cơ cực, nhưng cuộc sống của họ thảnh thơi dễ chịu hơn lúc còn
chung đụng với những con người đã cầm vận mệnh họ trong tay trước kia.

Như thế đó? Sức khỏe của một người đàn ông
thật thà chỉ biết nai lưng ra làm lụng, và sắc đẹp của một người đàn bà nghèo
chung trinh là mối bất hạnh đã dắt tai họa vào cái gia đình cố nông này. Chồng
thì bị bóc lột đến cùng kiệt sức lực, vợ thì luôn bị đe dọa cưỡng bức. Còn bọn
ăn trắng mặc trơn, không làm gì động đến móng tay, thì vẫn mâm cao cỗ đầy, lên
xe xuống ngựa, muốn cho ai sống thì sống, muốn bắt ai chết thì chết? Sao trời
nỡ bất công làm vậy?

Đó là câu chuyện về nguồn gốc gia đình của
ông Hai bà Hai – gia đình bố mẹ nuôi tôi – mà tôi được biết qua nhiều lần kể
của bà mỗi lúc bà kể một quãng, có khi không ra đầu ra đũa gì, có khi đoạn
trước nói thành đoạn sau. Cả không gian và thời gian lẫn lộn đã chìm vào lớp sương
mù ký ức trong những năm cơ cực đầu tắt mặt tối, lần lần được bà khơi dậy, mỗi
lúc lại hiện lên rõ nét trước mắt tôi.

Cuộc sống chung quanh tôi giờ đây đã khác xa
với những bài học ở nhà trường đế quốc trước kia biết bao. Con ở đây với tía?
Tía má nghèo lắm, chẳng có gì đâu.

– Nhưng con cứ tin rằng cuộc sống của con
không đến nỗi như cuộc đời đau khổ của tía má ngày xưa! – má nuôi tôi một hôm
đã bùi ngùi cầm tay tôi nói như vậy.

Tôi đẩy má nuôi tôi ra, nước mắt chảy giàn
giụa mà không biết rằng mình đang khóc. Tôi bảo bà:

– Đánh chết cha thằng Tây và bọn chủ điền kia
thì hết khổ thôi. Bây giờ không phải như ngày xưa nữa… Bây giờ mình đã độc
lập rồi, má không biết à. Má đừng ngồi đây gọi trời. Trời làm gì có mà gọi.

Má nuôi tôi ngả người ra sau, nhìn tôi bằng
cặp mắt vừa ngạc nhiên vừa có phần lo sợ cho tôi. Nhưng rồi bà cũng mỉm cười,
gật gật đầu. Không biết bà có hiểu ý tôi muốn nói gì không? Mà bà làm sao hiểu
được, vì chính tôi cũng chưa nói ra được một cách rành rọt những ý nghĩ sôi sục
vừa mới thành hình trong đầu óc thơ bé của tôi kia?

Má nuôi tôi đưa tay lau một giọt nước mắt còn
đọng trên má tôi. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy giọt lệ mình long lanh trong
suốt, lăn rơi trong bàn tay nhăn nheo của một bà lão nghèo đã cúi đầu gánh chịu
không biết bao nhiêu nỗi bất hạnh gần suốt cả đời người. Có phải giọt nước mắt
nào cũng là biểu hiện của ủy mị và hèn yếu đâu.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN