Diệp Yến Truyện - Phần 19
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
110


Diệp Yến Truyện


Phần 19


Ngày thứ ba tá túc tại nhà hương cả Chu, trong làng đột nhiên dáy lên tin đồn về Diệp Yến. Theo như người của mợ Quỳnh đi nghe ngóng được thì dân làng đồn Diệp Yến hại c-h-ế-t mẹ con Ngọc Quyên bằng bùa ngải, vậy nên mới bị Kha lão gia đuổi đi. Người dân còn bàn tán nhau về cái chết của Ngọc Quyên, dần dà còn thêu dệt thêm thắt rồi đổ hết tội lỗi lên đầu Diệp Yến. Ban đầu còn là tin đồn nhỏ trong làng nhưng càng lúc người dân đồn càng nhiều, tin đồn còn lang sang tận làng của cha má Diệp Yến, làm rúng động xôn xao khắp một vùng.
Mặc dầu không ai dám đứng ra chỉ trích nhưng trong lòng người dân đang cảm thấy rất phẫn nộ về tin đồn này, người ta cho rằng Diệp Yến quá tàn ác, không xứng đáng được sống tốt. Có người còn bạo dạng cho rằng nên đuổi Diệp Yến ra khỏi làng để không làm xấu mặt làng Đề và làng Mạc của cha má Diệp Yến. Có người còn đòi tẩy chay gánh hát Viễn Phương, bởi bọn họ cho rằng cha má Diệp Yến là loại người không ra gì nên mới nuôi dưỡng ra một đứa con gái lòng dạ nham hiểm như Diệp Yến.
Sự việc ban đầu chỉ là tin đồn, nhưng càng lúc tin đồn lan truyền càng nhanh, giống như là có ai ở sau thúc đẩy, mà sự việc này lại đánh vào lòng trắc ẩn của người dân, thành thử ra ai cũng cảm thấy phẫn nộ muốn lấy lại công bằng cho mẹ con Ngọc Quyên. Đỉnh điểm là tới ngày thứ năm sau khi Diệp Yến rời khỏi nhà bá hộ Kha, có một tốp người tự xưng là họ hàng xa của Ngọc Quyên chạy tới nhà hương cả Chu la hét quậy phá bắt Diệp Yến phải lộ mặt để giải thích cho rõ ràng. Lúc đầu chỉ là một tốp bốn năm người, sau đó dân làng bu tới để hóng chuyện, tốp người quậy phá từ năm người lên thành sáu người bảy người, sau là thành một đám người tụ tập trước cổng nhà hương cả Chu. Trong đám người bọn họ có họ hàng của Ngọc Quyên, dẫn đầu là Ngọc Nga, còn có người dân bất bình, số người càng lúc càng đông dần lên, từ từ thành mất kiểm soát.
Dân làng tựu tề tới quá đông, gia đinh nhà hương cả Chu không làm sao trị xuể, liền xin viện trợ của Lý Trưởng. Phải tới khi lính của Lý Trưởng tới thì người dân mới thôi ồn ào huyên náo, chịu im lặng để tỏ bày sự việc. Mà mục đích của những người dân này là vì phẫn nộ trước tin đồn Diệp Yến hại chết mẹ con Ngọc Quyên nên mới muốn kéo Diệp Yến ra để nhận tội trước dân làng.
Phó lý trưởng đứng trước mặt người nhà hương cả Chu và Diệp Yến, đây là một người đàn ông trung tuổi, làm việc dưới quyền Lý Trưởng, cũng gọi là thân thích với hương cả Chu. Ông đã nghe Diệp Yến trình bày sự việc, mặc dầu ông cũng không tin một người đoan trang xinh đẹp như Diệp Yến có thể ra tay tàn ác như vậy, nhưng có một vài chuyện, ông cũng không thể xử ép người dân. Nhìn Diệp Yến, phó lý trưởng khó xử, nói.
– Mợ Hai… thú thực tôi cũng không muốn tin là mợ mần ra những chuyện độc ác như vậy. Tôi cũng có quen biết với cha mợ, lại thân thích với hương cả Chu đây, vậy nên tôi càng không muốn mần khó mợ. Nhưng mợ ngó thấy đó, chuyện này của mợ làm lòng dân phẫn nộ, mà dân phẫn nộ thì quan sai bọn tôi có thể áp bức dân được sao? Bây chừ dân làng không chịu giải tán, bọn họ cứ nhứt quyết muốn mợ phải ra giải thích… bọn tôi cũng là hết cách…
Diệp Yến không nghĩ chuyện này lại lớn tới mức như vậy, ban đầu chỉ là một tin đồn, để dáy lên thành một vụ huyên náo như vầy thì không biết kẻ đứng sau đã phải bỏ ra bao nhiêu sức lực. Chẳng lẽ hắn ta muốn dồn cô vào đường cùng như vậy thì mới vừa lòng hay sao? Cô rời đi khỏi nhà bá hộ Kha như vậy vẫn chưa thỏa đáng lòng dạ hiểm độc của con người này à?
Mợ Quỳnh lo lắng cho Diệp Yến, mợ nóng ruột mà hỏi phó lý trưởng.
– Ngài phó à, chẳng lẽ hông còn cách nào khác ngoài cách phải để Diệp Yến ra trình diện đám người đó sao? Nói chi thì nói, đây cũng là chuyện riêng của nhà bá hộ Kha, có giải quyết thì cũng chỉ nên giải quyết trong nhà, cớ chi đám người đó lại có quyền bắt Diệp Yến phải ra trình diện? Đây là ép người quá đáng rồi đó!
Cậu Út chồng của mợ Quỳnh cũng tiếp lời.
– Vợ tôi nói phải, nếu lỡ như Diệp Yến ra ngoài đó bị bọn họ hành hung thì mần sao? Ngài cũng thấy đám người đó là cố tình kích động, chắc chắn là có người đứng sau lưng giật dây cho bọn họ gây náo loạn như thế!
Phó lý trưởng có thể nhận ra được điểm này, nhưng ở bên ngoài đều là người dân, không phải tội nhân, ông cũng không thể cho lính đàn áp người dân vô tội được. Về tình về lý thì có thể Diệp Yến không cần phải ra trình diện, nhưng phép vua thua lệ làng, có nhiều chuyện, tới cả quan sai cũng chưa chắc qua được người dân.
Diệp Yến nhìn thấy được sự khó xử của phó lý trưởng, cô cũng biết quan sai vẫn luôn e dè “phép vua thua lệ làng”, vậy nên cô cũng không muốn mần khó phó lý trưởng. Hơn nữa bây chừ cô đang ở nhờ nhà hương cả Chu, là cha má chồng của Thiên Quỳnh. Vợ chồng Thiên Quỳnh thì không nói, nhưng chuyện nhà hương cả Chu vì Diệp Yến mà bị làm phiền thì quả thực vẫn là không nên. Nghĩ thật kỹ, Diệp Yến lúc này mới đưa ra quyết định sau cùng. Cô nhìn mọi người, cô nói.
– Thực sự tôi cũng không nghĩ mọi chuyện lại thành ra như thế này, chuyện người dân phẫn nộ rồi gây náo loạn ở đây, tôi phải nên có trách nhiệm giải quyết. Trình diện cũng được, nhưng nếu tôi không có tội thì bọn họ cũng không thể mần gì được tôi.
Nói rồi, Diệp Yến lại quay sang nhìn vợ chồng hương cả Chu, cô cúi khẽ đầu, thật tâm mà nói.
– Con thực lòng xin lỗi hai bác, đã tới ở nhờ còn gây thêm phiền hà cho hai bác, xin hai bác lượng thứ cho con!
Bác gái Chu rất quý Diệp Yến, thấy Diệp Yến bị xử ép, bà cũng chỉ có thể bất lực mà an ủi cô.
– Lỗi phải chi, bác luôn tin là con hông có mần chuyện ác. Nếu dân làng không tới đông như vậy thì bác cũng hông để cho con thiệt thòi…
– Dạ con hiểu… con cảm ơn hai bác!
Xin lỗi vợ chồng hương cả Chu xong, Diệp Yến nói thêm với Thiên Quỳnh vài câu nữa rồi mới theo phó lý trưởng ra bên ngoài. Cuộc đời cô chưa từng nghĩ sẽ có khúc này, đây quả thực là một vết nhơ khó rửa sạch trong cuộc đời của cô mà!
Diệp Yến theo sau phó lý trưởng, xung quanh có lính sai bảo vệ, cũng không ai có thể hành hung được Diệp Yến. Lúc bước ra bên ngoài, Diệp Yến cũng không nghĩ là bên ngoài sẽ có đông người dân tới như vậy. Nhìn bốn bên là người, Diệp Yến bỗng chốc cảm thấy mông lung, bởi vì cảnh tượng này là chưa từng xảy ra trong cuộc đời cô, cô rõ ràng không biết phải nên mần cái chi tiếp theo…
“Bộp”, một quả trứng gà bay tới trên người Diệp Yến, nó vỡ tan tành trên áo cô, lòng đỏ trứng gà chảy dài xuống, vừa tanh vừa dơ vô cùng.
“Bộp”, “Bộp”, tiếp sau quả trứng gà đầu tiên là liên tiếp những quả trứng gà khác, có cả cà chua, rau thối, tất cả đều có chung điểm tới là trên người Diệp Yến. Nếu không có lính sai và gia đinh của hương cả Chu đỡ phụ thì không biết Diệp Yến sẽ còn phải chịu đựng bao nhiêu là thứ dơ bẩn như vậy nữa.
Từ một đệ nhất mỹ nhân cao quý, thoáng chốc Diệp Yến giống như một tên phạm tội, trông nhơ nhớp bẩn thỉu vô cùng!
Thiên Quỳnh nhìn Diệp Yến bị người dân đối xử tệ bạc, cô nhịn không được mà chạy tới can ngăn. Vừa lau vết dơ trên người Diệp Yến, Thiên Quỳnh vừa quát lớn.
– Các người có thôi đi không? Ở đâu ra cái thói ức hiếp người khác như vậy? Người ta đã ra trình diện theo ý các người, các người còn muốn cái chi nữa?
Tên cầm đầu chỉ chờ có thế, trước sự tức giận của Thiên Quỳnh, ông ta nói lớn trong sự ủng hộ của những người xung quanh.
– Mợ Quỳnh là bạn của độc phụ, mợ Quỳnh há phải bênh vực cho ả ta rồi! Nhưng mợ Quỳnh có nghĩ tới hai mạng người oan uổng vô tội nhà tôi chưa? Mẹ con Ngọc Quyên mần ra chuyện chi với ả độc phụ này mà ả lại hại chết mẹ con nó như vậy? Là hai mạng người đó mợ Quỳnh, mợ đừng bao che cho cái ngữ độc phụ như vầy, coi chừng nghiệp tới trên người mợ luôn bây chừ!
– Ông!
Thiên Quỳnh tức lắm, cô định sẽ thua đủ với người này nhưng lại bị Diệp Yến ngăn lại.
Diệp Yến trước là gật đầu với Thiên Quỳnh, sau đó cô bước lên trước vài bước, đối diện với toàn thể người dân ở trước mặt, dưới vô vàn những ánh mắt tò mò cùng phẫn nộ, giọng cô vang lên văng vẳng rõ ràng.
– Trước mặt dân làng, trước mặt hương thân phụ lão… Diệp Yến tôi thực sự không hiểu tại sao tôi lại phải chịu nổi oan khuất lớn tới như thế này! Những tin đồn trong những ngày qua tôi đều có nghe, nhưng tôi nghĩ, chỉ cần là tôi không mần sai thì tôi sẽ không phải sợ. Nhưng có vẻ như có người hông muốn tha cho tôi, có người là cố tình muốn dồn ép tôi vào đường cùng… tôi thiệt sự cũng hết cách. Vậy xin cho Diệp Yến tôi hỏi, các vị hương thân phụ lão ở đây đang mong chờ cái chi ở tôi? Mọi người là muốn tôi mần cái chi? Muốn tôi nói ra cái gì? Xin mời mọi người cứ lên tiếng!
Diệp Yến dứt câu, tên cầm đầu liền tiếp chiêu, hắn như bị kích động từ đời kiếp nào, lúc này như tuôn hết mọi bức xúc lên trên đầu Diệp Yến.
– Đã hại người, đã là độc phụ mà vẫn còn nói chuyện mạnh miệng như vậy, bộ cô không sợ mẹ con Ngọc Quyên về bóp c-h-ế-t cô hay sao? Đồng ý em gái tôi là thiếp của cậu Hai, nhưng nó cũng đuợc cậu Hai công nhận, cô có ghét nó tới cỡ nào thì cũng không nên ra tay tàn nhẫn tới như vậy chớ… bộ cô không sợ quả báo tới hay sao?
Một người khác lại tiếp chiêu lên án Diệp Yến.
– Cháu tôi, em tôi chết tức tưởi oan ức như vậy, nếu không phải nhờ sư thầy Chúc Khanh tới giải oan kịp thì không biết con ả này còn giấu tới khi nào? Nghe nói nếu thầy Chúc Khanh không phát hiện kịp thời thì ả ta đã yếm hại luôn oan hồn của mẹ con Ngọc Quyên, mần cho mẹ con nó vĩnh viễn không được siêu sinh. Độc phụ này ác tới đỗi dùng thuật thư yếm, là dùng hình nhân thế mạng để hãm hại mẹ con Ngọc Quyên. Người của nhà bá hộ Kha, ai mà không ngó thấy tường tận cái hình nhân yểm bùa mẹ con Ngọc Quyên… kim ghim đầy trên bụng hình nhân… dã man tới ai ngó thấy cũng nổi da gà!
Một người dân hóng chuyện liền lên tiếng hỏi cho rõ.
– Vậy chớ tìm được cái hình nhân đó ở đâu mà bắt tội cô Diệp Yến được vậy?
Tên cầm đầu trong đám kích động lập tức trả lời nhanh.
– Còn ở đâu nữa, chính là trong buồng ngủ của con ả độc phụ này! Nó giấu ở dưới bàn phấn, chính sư thầy Chúc Khanh dùng thuật pháp để tìm thấy chứ ai mà tìm ra được!
– Ghê vậy!
– Thì ra là vậy! Vậy mà tôi còn không tin! Sao người đẹp mà ác quá vậy!
– Ác vậy mà còn là đại mỹ nhân gì? Thứ này phải thả trôi sông mới vừa bụng tôi!
– Ác quá! Dám thư yếm hại người, tội này là đoạ xuống mười tám tầng địa ngục chứ chẳng chơi!
Nghe đám người kia nói như vậy, dân làng bắt đầu xì xào bàn tán xôn xao, lại tiếp tục có người ném trứng gà lên người Diệp Yến, còn lăng mạ chửi bới cô những từ ngữ phải nói là rất khó nghe.
Diệp Yến đứng trước toàn thể dân làng, cũng không biết sức lực tới từ đâu, mặc cho biết bao nhiêu lời sỉ vả, cô như không để vào tai, lúc này bước lên cất cao giọng mà tự cứu lấy chính bản thân mình. Cô nói lớn, dõng dạc, dứt khoát.
– Được rồi, mọi người im lặng nghe tôi nói trước đã, còn muốn đổ tội chi đó thì từ từ, tôi đã dám xuất hiện thì tôi dám đối diện, mọi người không cần lo tôi bỏ trốn! Trước tiên, cho tôi hỏi, bộ người ta vu oan cho mình thì mình phải nhận tội oan hay sao? Ví dụ một ngày đẹp trời nào đó, người ta nói trong nhà các vị có giấu hình nhân thư yếm hại người ta, rồi người ta không biết ở đâu lại tìm thấy cái thứ kinh dị đó trong nhà các vị… người ta gán cho các vị tội danh độc phụ… các vị sẽ xử trí như thế nào?
Tên cầm đầu đám người nhà của Ngọc Quyên là kẻ phản bác đầu tiên, hắn nói.
– Cô nói dối! Chính mắt chính tai Ngọc Nga đây nhìn thấy người ở tìm thấy hình nhân thư yếm trong buồng của cô, cô còn chối cái chi?
Diệp Yến nhìn hắn ta, cô lạnh lùng đáp.
– Tôi không chối, tôi đã chối câu nào chưa, ông thích nhét tội vào miệng tôi như vậy, bộ ông hông sợ quả báo thụt lưỡi ông hay sao?
– Cô!!!
Diệp Yến không đợi cho bọn người kia có quyền nói tiếp, cô liền tiếp tục bào chữa cho bản thân.
– Tôi gả cho nhà bá hộ Kha đã được năm năm, trong năm năm qua, tôi chưa từng mần ra chuyện chi sai quấy, cũng chưa từng hà khắc với người ở, chưa từng cãi lại lời cha chồng và người nhà chồng. Cuộc hôn nhân của tôi không viên mãn, không được hạnh phúc như tôi mong muốn, đây là phúc phần của tôi, cũng là chuyện riêng tư vợ chồng, tôi không tiện công khai trước bàn dân thiên hạ. Nhưng có chuyện này tôi bắt buộc phải nói, cũng xin phép được làm sáng tỏ rõ ràng cho các vị ở đây biết…
Dừng chút, Diệp Yến như lấy hơi, cô bắt đầu nói rõ ràng mọi sự việc.
– Nếu các vị hương thân phụ lão ở đây đã quan tâm tới chuyện riêng tư của tôi như vậy, vậy thì để tôi nói sơ qua một chút về bản thân tôi cho các vị hiểu rõ nghen. Tôi gả cho cậu Hai Lâm được một thời gian thì có thai, nhưng số tôi thiếu phúc đức, không có được duyên làm mẹ con với đứa nhỏ, vậy nên đứa nhỏ đã bỏ tôi ra đi. Sau khi con của tôi không còn, thân thể tôi hư yếu, cũng không thể làm vợ tốt được nữa. Thế là chuyện gì tới cũng tới, chồng tôi nạp thêm vợ bé, lúc đưa cô ấy về, vợ bé của chồng tôi cũng đang có thai. Sau khi vợ bé của chồng tôi sinh đứa con gái đầu tiên cho nhà bá hộ Kha thì khoảng hai năm sau, chồng tôi rước Ngọc Quyên vào cửa. Cho đến tận ba tháng trước đây thì Ngọc Quyên thông báo có thai, đây là một tin mừng cho nhà bá hộ Kha, tôi cũng lấy làm vui trong lòng lắm… Tôi tự cảm nhận là tôi sống chung với hai cô vợ bé của chồng không có xích mích lớn, nếu có cũng chỉ có những vụn vặt không hợp tánh nhau của đờn bà, đều là chuyện cỏn con. Quyền hành trong nhà cũng đều do vợ thứ hai của chồng tôi quán xuyến, bởi vì tôi từ lâu đã từ chối nhận quyền chủ mẫu, tôi sống ở nhà chồng chỉ như một bông hoa, là có nở mà không có thơm, và tôi cũng cảm thấy rất hài lòng về chuyện này. Và có lẽ là còn một việc quan trọng nhứt mà các vị ở đây vẫn chưa được biết. Đó là sau khi đứa con của tôi không còn, tôi và chồng tôi đã thống nhất tư tưởng cùng kí vào một khế ước. Trong khế ước đó có ghi… nếu trong năm năm chung sống mà tôi vẫn không thể nào thay đổi tư tưởng được… vậy thì sau năm năm… tức là khi tới hạn đã định… tôi và chồng tôi sẽ chính thức ly dị… không còn là vợ chồng của nhau nữa. Và như tình hình hiện tại thì đã đến hạn trong khế ước và tôi cũng đã đệ đơn ly dị với chồng theo như thỏa thuận của vợ chồng tôi ban đầu, chớ hông phải do tôi hãm hại mẹ con Ngọc Quyên mà bị đuổi đi, quý dị phải mần cho rõ sự vụ này mới được…
Phía dưới, có người dân hiếu kỳ liền hỏi.
– Vậy ý của cô là… cô và cậu Hai đang đệ đơn ra tòa để ly dị? Khế ước chi đó là cái chi? Cô nói rõ được không?
Diệp Yến cũng rất nhanh liền trả lời.
– Về cụ thể câu chuyện về bản khế ước thì tôi xin không nói rõ, vì đây là chuyện riêng tư của vợ chồng tôi, tôi có nói các vị cũng không thể hiểu. Các vị chỉ cần biết, kể từ sau khi con của tôi mất, chồng tôi rước thêm vợ bé, tôi đã không còn thiết tha chi với cái ghế mợ Hai nhà bá hộ Kha nữa rồi. Những năm vừa qua, tôi chỉ cố sống cho đủ thời gian ghi trong khế ước của vợ chồng tôi, bây chừ thời gian đủ, tôi đã viết sẵn giấy hưu thê và chờ chồng tôi kí đơn li dị. Vậy thì với một người vợ đã không còn muốn chung sống với chồng như tôi thì lý do chi tôi lại phải hãm hại mẹ con Ngọc Quyên? Trong khi lúc cô ấy còn sống, tôi và cô ấy không hề có xích mích qua lại? Hơn nữa các vị suy nghĩ thử mà coi, nếu tôi thực sự là người hại chết mẹ con Ngọc Quyên thì tại sao tôi lại không đem thủ tiêu hình nhân thế mạng đó mà tôi còn đem nó cất trong buồng để tự đào hố chôn mình? Tôi ngu tới mức như vậy sao hả quý vị? Nếu quý vị có tâm muốn hại người… quý vị có mần những chuyện ngu dốt như vậy không? Có không?
Diệp Yến dứt lời, Thiên Quỳnh lúc này liền cất cao giọng nói thêm, đẩy sự việc về lại cho đám họ hàng của Ngọc Quyên.
– Chuyện riêng tư của Diệp Yến và cậu Hai Lâm, tôi và mọi người đều là người ngoài, chúng ta không nên xen vào chuyện vợ chồng người khác. Nhưng tin đồn mà Diệp Yến hãm hại mẹ con Ngọc Quyên thực sự là một tin đồn thất thiệt, bởi vì trong câu chuyện này còn có quá nhiều uẩn khúc. Mọi người thử suy xét mà coi… Diệp Yến mần sao phải hãm hại Ngọc Quyên? Mẹ con Ngọc Quyên c-h-ế-t thì có lợi chi với Diệp Yến?
Nghe Diệp Yến và Thiên Quỳnh nói như vậy, người dân lúc này liền chia ra hai phe, một phe đang suy xét lại, còn một phe thì vẫn cho rằng là Diệp Yến hãm hại mẹ con Ngọc Quyên.
Đứng trong đám người bà con của Ngọc Quyên, Ngọc Nga ôm bài vị của Ngọc Quyên trong lòng, cô ta im lặng suốt từ nãy tới giờ, bây chừ mới chịu lên tiếng, cô ta nói.
– Diệp Yến, cô đừng nhiều lời, bữa đó nhân chứng vật chứng có đủ… bây chừ cô muốn chối tội? Hình nhân thế mạng được tìm thấy trong buồng ngủ của cô, vậy thì cô chính là hung thủ đã hại chết chị gái tôi! Cô đừng nhiều lời, cô đền mạng cho chị tôi đi, trả mạng lại cho mẹ con của chị tôi đi… trả mạng đi!
– Phải đó độc phụ! Đừng nhiều lời! Trả mạng đi! Trả mạng đi!
– Nhân chứng vật chứng có đủ! Người nhà bá hộ Kha có thể làm chứng! Đừng để cho ả độc phụ này thoát tội! Ả đáng lý phải bị gông tù, không thể để cho loại độc phụ này sống nhởn nhơ như vậy được… ả sẽ còn giết nhiều người nữa!
– Tẩy chay gánh hát Viễn Phương! Mọi người phải đứng lên đòi lại công bằng cho dân nghèo, đừng nghe ả độc phụ này mồm miệng mà tin. Ả đang dùng chiêu bùa nói đó, ả hại chết người bằng hình nhân thế mạng thì ả biết xài bùa! Là bùa nói… nói chi mọi người cũng tin… bà con cẩn thận!
– Phải! Phải!
Đám đông vừa được trấn an thì lúc này lại bị đám họ hàng của Ngọc Quyên kích động, mà lần kích động này còn lớn hơn lần trước, bọn họ đồng loạt hô muốn bỏ tù Diệp Yến, muốn Diệp Yến phải đền mạng cho mẹ con Ngọc Quyên.
Tình hình này là ngoài tầm xử trí của phó lý trưởng, ông cũng chưa từng gặp tình trạng này bao chừ, quả thực cũng mần cho ông rối trí hông biết phải giải quyết như thế nào.
Cũng may trong lúc này, một ông lão lớn tuổi là trưởng làng Mục, nơi mà cha má Diệp Yến đang sinh sống, ông là người văn hay chữ tốt, hiểu rõ chữ nghĩa luật đời, lại được người dân các làng rất nể trọng. Dưới sự hỗn loạn của người dân, lão Lương lúc này liền đứng ra bình ổn dân làng, giọng ông trầm khàn, ông lên tiếng.
– Các vị bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó, các vị không nên nóng nảy, lỡ đâu làm hại người vô tội thì sao? Bây chừ lão có ý kiến này, hay là cứ để cô Diệp Yến đây đến miếu Oa Mẫu để rửa tội. Miếu Oa Mẫu là nơi chốn linh thiêng của ba làng Kim, làng Mục và làng Đề, từ xa xưa mẹ Oa đã luôn che chở và bảo bọc cho người dân. Trước giờ trong sách sử ghi lại, cũng đã có rất nhiều vụ oan khuất được giải ở miếu Oa Mẫu. Mẹ Oa sẽ chở che và rửa oan cho con dân của người. Nếu cô Diệp Yến ở được ba ngày trong miếu mà không bị phạt thì chứng tỏ cô ấy có hàm oan. Còn thân đã mang tội giết người thì chắc chắn không thể nào sống được ở miếu mẹ Oa dù chỉ là nửa ngày, mẹ Oa sẽ không dung cho kẻ độc ác hại chết mạng người. Ý kiến của tôi như vậy, các vị thấy sao?
Một vị khác cũng lên tiếng.
– Lão Lương ra ý kiến như vầy tôi thấy rất chí lý. Miếu Oa Mẫu là nơi linh thiêng, mẹ Oa sẽ không dung thân cho kẻ dính máu người trên tay. Mới năm trước cũng có một vụ kiện tụng giết bò… kẻ đó cũng xin tới miếu Oa Mẫu rửa tội thì bị mẹ Oa trừng phạt cho phải vừa khóc vừa gào rú bằng tiếng bò rống. Miếu mẹ Oa linh ứng thập phần, chúng ta có thể nhờ mẹ Oa phân xử giúp… các vị thấy thế nào?
– Ý kiến hay, chứ đây là chuyện riêng của nhà bá hộ Kha, mọi người cũng không thể ép quan sai bắt ả độc phụ này đi tù được, còn dính líu tới những thứ khác, chẳng lẽ phải cho đào mồ của Ngọc Quyên lên để khám xét… như vậy thì quá thất đức rồi. Chúng ta là con dân của mẹ Oa, ngoài mẹ Oa ra thì chúng ta còn tin tưởng ai được nữa chớ, tôi đồng ý với ý kiến này của chú Lương!
– Phải! Phải! Nếu có tội sẽ bị mẹ Oa trừng phạt ngay, nhiều vụ lắm rồi, mẹ Oa linh lắm!
– Đồng ý! Đồng ý! Tôi cũng không tin đệ nhứt mỹ nhân lại độc ác như vậy, nhờ mẹ Oa phân xử đi, tôi phụ một chân canh chừng bên miếu cho.
– Tôi cũng vậy! Tôi phụ canh chừng, tôi không theo phe nào, tôi chỉ tin tưởng mẹ Oa!
Diệp Yến nhìn người dân đồng lòng muốn đưa cô tới miếu Oa Mẫu để rửa tội, lại ngó tới đám người Ngọc Nga đang trố mắt nhìn nhau vì diễn biến sự tình vượt ngoài sự phòng hờ của bọn chúng. Diệp Yến như tìm thấy được điểm sáng, cô cũng hạ quyết tâm, sẽ nghe theo lời của chú Lương, tới miếu Oa Mẫu một chuyến để rửa sạch tội trạng của mình.
Cô tự tin là cô không có tội, cô không sợ mẹ Oa trừng phạt, cũng không sợ phải ở một mình trong miếu Oa Mẫu. Miếu Oa Mẫu là nơi linh thiêng và cũng là điểm tựa của người dân ba làng Kim, Mục và Đề. Ngoài mẹ Oa ra thì cũng chẳng có ai đủ sức giúp cô vượt qua tai ương này…
Trước tiếng hô hào của người dân, Diệp Yến quyết tâm bừng bừng, cô đứng thẳng lưng, kiêu hãnh mà nói thật to thật rõ.
– Ông bà ta có câu, người hại không chết, Trời hại mới chết. Nếu chú Lương đã có ý kiến như vậy, tôi cũng xin được tới miếu Oa Mẫu để có thể rửa sạch hàm oan của bản thân mình. Trong ba ngày tới, tôi sẽ ở lại miếu Oa Mẫu để chứng minh bản thân tôi trong sạch không nhiễm oán khí và nhiễm máu người. Và tôi cũng xin phép ngài phó lý trưởng, ngài hương cả và chú Lương đây sắp xếp đội ngũ canh chừng bên ngoài miếu để giữ sự bình an cho tôi, cũng như giữ sự thanh tịnh và linh thiêng ở miếu Oa Mẫu. Đã có người muốn dồn tôi vào đường cùng, tôi chỉ sợ bọn họ sẽ nhân cơ hội này mà ra tay với tôi ở miếu Oa Mẫu… xin các vị giúp tôi rửa sạch hàm oan… tất cả đều nhờ ở các vị!
Có được sự đồng ý của Diệp Yến, ngài phó lý trưởng, vợ chồng hương cả Chu và lão Lương liền sắp xếp đưa Diệp Yến tới miếu Oa Mẫu để thực hiện việc rửa tội. Dưới sự chứng giám của người dân ba làng Kim, Mục và Đề, chính mắt tất cả nhìn thấy Diệp Yến được lão Lương đưa vào trong, cũng chính lão Lương là người khóa cửa chính điện của miếu để giữ sự an toàn cho Diệp Yến.
Ba ngày… chỉ cần ba ngày nương nhờ dưới chân mẹ Oa… Diệp Yến sẽ rửa được hàm oan. Và cũng chỉ có cách này mới có thể vượt qua được cái bóng từ lời phán tội của sư thầy Chúc Khanh. Bởi ngoài miếu Oa Mẫu thì sư thầy Chúc Khanh làng Kim là người được người dân tin tưởng nhất, lời của ông ấy nói ra, có ai dám không tin?
Diệp Yến không tin là đám người Ngọc Nga dám ra tay trước mắt thần của Oa Mẫu, cũng không tin là bọn chúng có thể qua mặt được lính canh của ngài phó lý trưởng và hương cả Chu để hãm hại vu oan cho cô một lần nữa. Cô đã dám chơi tới mức này, vậy thì kết cục về sau, bọn họ phải tự gánh chịu đi thôi…
Muốn dồn cô vào chỗ chết, không dễ dàng vậy đâu!

Yêu thích: 5 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN