Không Thể Động Lòng - Phần 15
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1006


Không Thể Động Lòng


Phần 15


Lúc hai chúng tôi chạy đến bệnh viện thì các bác sĩ vẫn đang kiểm tra cho mẹ tôi, đứng chờ ngoài cửa rất lâu mới có người đi ra.
Tôi vội vàng chống nạng chạy lại hỏi: “Bác sĩ… mẹ cháu thế nào rồi ạ?”.
“Trường hợp của mẹ cô đúng là kỳ tích đấy. Trước đây ở trong nước chưa từng có tiền lệ một bệnh nhân sống thực vật 10 năm lại có thể tỉnh lại. Mẹ cô bây giờ đã mở mắt, có một số phản xạ đơn giản, nhưng tạm thời não vẫn chưa thể nào hoạt động lại như bình thường được, cũng cần phải theo dõi thêm nhiều”.
“Vâng. Như thế cũng là quá tốt rồi ạ”. Tôi cười tươi rói, cúi đầu nói một tiếng: “Cảm ơn bác sĩ, cảm ơn bệnh viện ạ”.
“Việc phải làm thôi mà. Cô vào thăm mẹ đi, nhưng nhớ là đừng vội vàng nói gì khiến bệnh nhân kích động nhé. Quá trình phục hồi phải từ từ”.
“Vâng ạ”.
Lúc tôi vào bên trong thì mẹ tôi vẫn ngơ ngẩn nằm trên giường bệnh, bà có mở mắt, có nhìn tôi nhưng lại không biểu cảm gì, cũng không nói được, dường như không hề nhận ra tôi.
Nhưng tôi không bận lòng, 10 năm nay các bác sĩ đều nói chuyện mẹ tôi có thể mở mắt được là điều bất khả thi, cho nên bây giờ thấy bà tỉnh dậy là tôi mừng lắm rồi, tôi lặc đến nắm tay mẹ, khẽ gọi:
“Mẹ ơi, con là Chân Ý đây”.
“Chắc bây giờ con lớn rồi nên mẹ không nhận ra nữa phải không? Không sao, con vẫn là Chân Ý của mẹ, mẹ có không nhận ra thì con vẫn là Chân Ý của mẹ mà”.
“Đây là anh Nguyên mẹ này. Anh Nguyên nhà ở cửa tiệm đông y đầu phố, lúc trước thỉnh thoảng mẹ vẫn hay dắt con đến lấy thuốc cho ba đấy, mẹ có nhớ không?”
Mẹ tôi đờ đẫn nhìn chằm chằm gương mặt tôi, vẫn không động tĩnh. Tôi thì cứ nắm tay bà nói đủ chuyện trên trời dưới biển, nói cả những việc không liên quan, dù mẹ tôi nghe không hiểu nhưng tôi vẫn thấy rất vui.
Tôi cảm thấy rất lâu rồi tôi chưa từng nói nhiều đến vậy, trái tim lâu lắm rồi cũng chưa từng có cảm giác ấm áp đến thế. Tựa như một đứa trẻ lạc mẹ tìm được đường về nhà, gặp lại được người thân, cứ quấn quít bên mẹ mãi. Mãi đến khi y tá đuổi chúng tôi ra về để mẹ tôi nghỉ ngơi, ngay cả Đăng Nguyên cũng bảo tôi:
“Chân Ý, rất lâu rồi chưa từng thấy em cười nhiều như vậy. Mẹ tỉnh rồi, em vui lắm phải không?”.
Tôi gật đầu: “Vui chứ, 10 năm nay cứ có cảm giác mồ côi mẹ, bây giờ mẹ tỉnh rồi, em không có cảm giác đó nữa. Anh Nguyên, em rất vui”.
“Ừ, lúc trước mẹ anh bị ốm, bác sĩ bảo có u trong gan, hướng tới ung thư, anh sợ nên cả đêm không dám ngủ. Lúc ấy cứ nghĩ nếu mẹ bị ung thư thì phải làm thế nào? Nếu mẹ mất đi, anh mồ côi thì phải làm sao?”. Đăng Nguyên nắm tay tôi, dìu tôi vào thang máy: “Cũng may là sau đó xét nghiệm u đó là u lành. Biết kết quả mà cả nhà anh đều thở phào luôn đấy. Giờ mẹ em tỉnh lại, cũng coi như vượt qua được khó khăn rồi, từ giờ em cứ vui vẻ ngủ ngon nhé”.
Tôi cười, nói rằng tối nay mình nhất định sẽ ngủ ngon, nhưng nói xong thì bỗng dưng lại nhớ đến Đặng Khải Thành.
Anh ta không được như tôi và anh Nguyên, trong vòng một đêm trở thành kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, không có cơ hội để báo hiếu, không có cơ hội để sửa sai, Đặng Khải Thành có lẽ đã tự trách mình rất nhiều vì năm đó nếu không phải bị anh ta liên lụy, có lẽ cha mẹ anh ta cũng đã không bỏ mạng.
Vậy thì suốt 10 năm nay Đặng Khải Thành có ngủ ngon không? Anh ta có thể vui vẻ không?
Tôi dám chắc Không… bởi vì ngày đầu tiên tôi đến nhà anh ta, Đặng Khải Thành đã nói một câu: Nhiều năm nay tôi vẫn luôn gặp ác mộng!
Nghĩ đến đây, trái tim tôi tựa như bị bàn tay vô hình nào đó bóp nghẹt lại, có cảm giác khó chịu đến mức không thở nổi. Tai tôi òng ọc như bị nước tràn vào, người bên cạnh có nói gì cũng không nghe được, mãi sau, Đăng Nguyên mới lay vai tôi:
“Chân Ý, đến nơi rồi. Ra khỏi thang máy thôi”.
Lúc này, tôi mới giật mình ngước lên: “À… em xin lỗi. Vừa rồi em không để ý”.
“Em đang nghĩ gì mà ngơ ngẩn thế? Nghĩ về mẹ à?”.
“Vâng… Mà mẹ em tỉnh rồi, để bà một mình ở bệnh viện có được không anh?”.
“Được mà. Bây giờ mẹ em cần yên tĩnh nghỉ ngơi. Với cả bác sĩ và y tá trong viện có chuyên môn chăm sóc bệnh nhân, họ biết mẹ em cần gì, phải dùng thuốc nào, nghỉ ngơi ra sao”. Đăng Nguyên mỉm cười: “Em đừng lo. Đến người minh mẫn vẫn thích ở viện dưỡng lão cơ mà. Mẹ ở đó không sao đâu”.
“Vâng”.
Hai chúng tôi lục đục lên xe ra về, lần này, anh Nguyên không yên tâm để tôi đi taxi nên đòi chở tôi về tận nhà. Tôi từ chối mãi không được, rút cuộc đành mặc kệ anh ấy. Nhưng khi xe dừng ở đầu ngõ đi vào nhà của Đặng Khải Thành, trước khi tôi xuống xe, Đăng Nguyên mới hỏi tôi một câu:
“Chân Ý”.
Tôi đang tháo dây an toàn, nghe thế mới ngước lên: “Dạ”.
“Hắn có đối xử tốt với em không?”.
“Em cũng không biết có phải là tốt hay không, nhưng từ khi em đến, em với anh ta sống rất hòa thuận. Không ai động đến ai”.
“Anh nghĩ mãi mà vẫn không hiểu, tại sao hắn muốn em dọn đến ở cùng, nhưng lại có thể sống hòa thuận được với em”.
Tôi nghĩ có lẽ Đăng Nguyên không tin lời tôi nói nên mới hỏi một câu như vậy, nhưng ngay cả tôi cũng không có câu trả lời rõ ràng, chỉ nói: “Có lẽ anh ta quá bận, chưa có thời gian nghĩ cách hành hạ em”.
“Chân Ý, nếu hắn làm gì em, hoặc em sống không tốt, thì phải nói với anh, biết không? Bây giờ mẹ em tỉnh rồi, hắn có là cục trưởng, một tay che trời đến đâu thì cũng không thể động vào người không liên quan được. Mẹ em nhất định sẽ muốn nhìn thấy em sống tốt, anh cũng như vậy, thế nên Chân Ý, gặp chuyện gì thì đừng nên chịu đựng một mình. Em còn có anh”.
“Em biết mà”. Tôi ngẩng mặt nhìn lên trời cao, lòng lén lút thở hắt ra một tiếng: “Mẹ tỉnh rồi, em phải sống thật tốt để mẹ nhìn thấy. Con người em không chịu thiệt được đâu, anh yên tâm đi. Nếu anh ta dám động đến em, em sẽ đánh với anh ta một trận”.
Đăng Nguyên xoa đầu tôi: “Lớn rồi sao còn ngốc thế? Sao em đánh thắng hắn được chứ?”.
Tôi chun mãi: “Được mà. Hồi mười mấy tuổi em thắng một lần rồi đấy”.
Đăng Nguyên cười: “Từ đường vào đến nhà có xa không? Anh đưa em vào trong ngõ nhé?”.
“Không cần đâu. Em tuy què một chân nhưng có nạng vẫn còn đi tốt. Anh cứ lái xe về đi, lúc nào có thời gian rảnh thì em mời anh đi ăn”.
“Ừ, đi cẩn thận đấy”.
“Vâng, em biết rồi”.
Tôi lặc liễng xuống xe, lại chống nạng đi vào con ngõ nhỏ, đến khi không còn nhìn thấy xe cộ ở đường lớn nữa vẫn chưa nghe thấy tiếng xe của Đăng Nguyên rời đi.
Tôi biết, chắc chắn anh ấy sẽ đi theo tôi nên không hề quay đầu lại, đi thẳng vào khu tập thể của Đặng Khải Thành.
Lúc ấy trời đã rất tối rồi, mấy chiếc đèn đường trong ngõ đã hỏng, chỉ có một chiếc bóng từ xa xa hắt đến. Khi tôi bước đến gần cổng sắt trong khu tập thể thì lại thấy có một người đang đứng bên ngoài.
Nhận ra Đặng Khải Thành, tôi hơi ngạc nhiên: “Anh về rồi à?”.
“Ừ”. Anh ta quay đầu lại, bàn tay định vươn ra nhưng rồi lại thôi: “Chống nạng quen chưa?”.
“Cũng hơi hơi quen rồi. Nạng bệnh viện cho mượn, cũng êm lắm”.
Anh ta gật đầu, không nói nữa, chỉ đẩy cánh cửa sắt nặng trịch ra rồi giữ nguyên cho tôi đi vào. Trong dãy nhà tập thể giờ đó có 4, 5 nhà sáng đèn, âm thanh nói chuyện xen lẫn với tiếng tivi vọng ra, tôi còn nghe được cả mấy câu hỏi ngây ngô của Đậu Đũa, không khí ấm cúng thuận hòa, rất yên bình.
Tôi hỏi Đặng Khải Thành: “Hôm nay các anh có thu hoạch gì mới không?”.
“Tạm thời chưa có gì mới”. Anh ta bước song song với tôi, ánh mắt liếc qua nhà của Đậu Đũa: “Xe của Long chín cựa bị bỏ lại ở ngoại thành, hắn đổi qua rất nhiều phương tiện di chuyển, có camera giao thông giám sát cũng không phát hiện ra”.
“Bây giờ hắn bị chặt hết vây cánh, không làm ăn được nữa, hoặc là trốn đi chỗ nào ở ẩn, hoặc là sẽ vượt biên sang nước ngoài gây dựng lại từ đầu”.
Đặng Khải Thành gật đầu: “Biên phòng ở các vùng biên giới đã tăng cường tuần tra rồi, hy vọng sẽ bắt được hắn”.
“Ừ”. Lần đầu tiên sau 10 năm, tôi nói một câu động viên anh ta: “Tội phạm không lọt được lưới pháp luật đâu, kiểu gì cũng sẽ bắt được hắn thôi”.
Người đàn ông đang đi bên cạnh bỗng dừng bước nhìn tôi, còn tôi thì như làm việc trái với lương tâm nên xấu hổ, mặt bất giác đỏ bừng. Đặng Khải Thành nhìn một lúc, cũng không nói gì mà lại nhấc chân tiến về phía trước, sau đó ngồi xổm xuống:
“Leo lên đi”
“Hả?”. Tôi tròn xoe mắt nhìn tấm lưng rộng lớn của anh ta, ngây ra một hồi.
“Chân em như thế không leo cầu thang được, tôi cõng em lên”.
“Tôi… dùng nạng cũng leo được mà”.
“Bác sĩ nói chân em không gãy lần hai được đâu”. Đặng Khải Thành nhắc lại lần nữa: “Leo lên đi”.
Ánh trăng từ trên cao chiếu xuống mặt đất, giống như dệt thành một lớp vải mềm mại bàng bạc, soi xuống mái tóc cắt ngắn gọn gàng của Đặng Khải Thành. Không gian xung quanh vẫn từng ấy âm thanh, nhưng tôi còn nghe được cả trái tim mình thổn thức đập loạn nhịp, tôi im lặng rất lâu, cuối cùng mới bỏ nạng xuống, hít một hơi thật sâu rồi leo lên lưng Đặng Khải Thành.
Anh ta nắm lấy hai bên bắp chân tôi rồi đứng dậy, động tác dứt khoát nhẹ nhàng, từ lưng đến bước chân đều vững chãi, hệt như người anh ta đang cõng trên lưng không phải là Chân Ý của năm 29 tuổi, mà là một con nhóc mới 9 tuổi của lúc xưa.
Tôi cũng ôm lấy cổ Đặng Khải Thành, lúc ấy, trong lòng có rất nhiều cảm xúc mà tôi không thể gọi tên, chỉ biết giờ khắc này tôi rất hoài niệm. Lần đầu tiên trong đời tôi đã ước nguyện một điều thật ngốc nghếch, tôi ước kiếp này mình có thể quên Đặng Khải Thành đi…
Khi bước chân Đặng Khải Thành bước lên bậc thang thứ năm, tôi mới lặng lẽ nhắm mắt, hỏi một câu: “Tôi có nặng không?”.
Hơi thở của anh ta bất giác khựng lại, Đặng Khải Thành vẫn im lặng tiến về phía trước, mãi khi tới bậc thang thứ 8, anh ta mới đáp: “Nặng hơn lúc xưa rồi”.
“Ừ. 10 năm rồi. Tôi 29 rồi”.
Lần đầu tiên sau khi gặp lại, Đặng Khải Thành hỏi tôi: “Sống ở Hồng Kông có tốt không?”.
Viền mắt tôi đỏ lên, đáp: “Tốt lắm. Mọi người rất tốt với tôi”.
Ngừng một lát, tôi lại hỏi: “Anh thì sao?”.
“Cũng tốt”. Đặng Khải Thành vòng qua chiếu nghỉ giữa cầu thang, lòng bàn tay ấm nóng, mang theo chút vết chai mỏng áp lên chân tôi: “Đồng nghiệp đều tốt, hàng xóm ở đây cũng tốt”.
“Vậy là được rồi”.
Sau đó, cả hai chúng tôi không ai lên tiếng nữa, trên cầu thang tối tăm chỉ có một người đàn ông cõng theo một người phụ nữ, tiếng bước chân đều đều vang lên mỗi nhịp cầu thang. Cho đến khi bước đến bậc cuối cùng, Đặng Khải Thành mới nói với tôi:
“Chân Ý, cho dù em hận tôi, tôi cũng chưa bao giờ hối hận vì đã đến Hồng Hưng”.
Tôi rơi nước mắt, đáp: “Tôi biết”.
Tôi cũng nhớ rõ câu nói của anh ta vào đêm hôm trước, Đặng Khải Thành đã nói “Cảnh sát chỉ có thể tiến lên, vĩnh viễn không được lùi bước”, cho nên dù tôi có hận anh ta, thì anh ta vẫn sẽ đến Hồng Hưng, vẫn sẽ ở nhà tôi 10 năm, còng tay ba tôi, phá hủy gia đình tôi…
Tôi biết, tôi hiểu.
Đặng Khải Thành có lý do của anh ta, cũng có lý do để hận gia đình tôi, mà tôi cũng y như vậy.
Bởi thế nên tôi mới nói, tôi ước kiếp này chúng tôi chưa từng quen nhau. Chân Ý năm 9 tuổi chưa từng gặp Đặng Khải Thành, Đặng Khải Thành cũng chưa từng quen Chân Ý, như vậy có lẽ đã tốt rồi…
***
Những ngày hôm sau, bởi vì vẫn phải triển khai truy bắt Long chín cựa nên Đặng Khải Thành vắng nhà suốt, chân tôi cũng đỡ hơn, hàng ngày có Đậu Đũa thường xuyên mang đồ ăn lên cho tôi, sau đó chị Hoa lại dìu tôi xuống cầu thang, thành ra tôi di chuyển cũng không bất tiện lắm, thậm chí mỗi ngày đều có thể đến bệnh viện thăm mẹ.
Bệnh tình của mẹ tôi dường như tốt lên từng ngày, đến hôm thứ hai đã có phản xạ tự nhai nuốt, hôm thứ 4 đã có thể cử động vài ngón tay. Tôi tự tay lau người cho mẹ, vừa cười vừa bảo:
“Mẹ, nếu cứ thế này thì chẳng mấy chốc nữa mẹ có thể tự đi bộ đến bệnh viện khác thăm ba thôi. Ba mà thấy mẹ chắc là vui lắm”.
Mẹ tôi vẫn không hiểu lời tôi nói, cứ lặng im nhìn ra bên ngoài mãi. Tôi cũng nhìn theo tầm mắt mẹ, lại thấy ánh hoàng hôn buổi chiều tà đỏ rực ngoài cửa sổ, không gian ấm áp nhưng tịch liêu:
“Mẹ, mẹ cũng nhớ ba lắm phải không?”.
“Con nói cho mẹ biết nhé, ba đã làm hóa trị một lần, bác sĩ bảo cơ thể ba đáp ứng thuốc rất tốt, với cả bệnh chỉ đang ở giai đoạn 2, vẫn có thể điều trị được. Tỉ lệ sống sau 5 năm là 60% đấy”.
“Mẹ, lúc trước không phải mẹ nói muốn nhìn thấy con kết hôn, sinh mấy đứa cháu cho mẹ bế à? Mẹ và ba phải nhanh khỏe, chờ bế cháu đấy”.
Nhắc đến chuyện kết hôn của tôi, mẹ tôi mới chớp mắt một cái, nhưng vẻ mặt cũng không có cảm xúc gì nhiều, tôi cũng không nói nữa, chỉ nói lại một lần chuyện mẹ mau khỏe để còn sang thăm ba tôi.
Mà ba tôi ấy à? Kể từ lần gặp lúc trước, ông đã không thèm nhìn mặt tôi nữa rồi, tôi có tới bệnh viện thăm thì ông cũng nhất định không ra gặp tôi. Ba nói uổng công ông nuôi tôi mấy chục năm, đến giờ tôi không những đến sống chung với kẻ thù mà còn đau lòng thay cho Đặng Khải Thành.
Tôi không giải thích, chỉ nói: Mọi việc ngày hôm nay là nghiệp báo của gia đình chúng tôi. Kết quả là bị ba tôi hắt chén nước vào mặt rồi đuổi đi, đến giờ vẫn chưa chịu tha thứ, tôi cũng chẳng biết phải làm sao.
Chiều muộn ngày hôm ấy, tôi vừa từ bệnh viện quay về nhà thì nhận được điện thoại của Đặng Khải Thành. Đây là lần đầu tiên anh ta gọi điện thoại cho tôi.
Tôi chần chừ vài giây rồi nghe máy: “Alo”
“Em về nhà chưa?”.
“Tôi vẫn đang ở bên ngoài”. Đặng Khải Thành rất hiếm khi về sớm, hôm nay gọi hỏi tôi như vậy nên tôi thấy ngạc nhiên: “Có chuyện gì à?”.
Anh ta nói ngắn gọn: “Ông nội muốn gặp em”.
Kể từ khi đến ngôi nhà ở ngoại ô đó, cảm giác của tôi không tốt nên không nhắc đến nữa, nhưng thỉnh thoảng khi nhớ về ông cụ gầy yếu mù loà đó, tôi lại cảm thấy lòng như cắm một chiếc gai, rút mãi không ra.
Hơn nữa, Đặng Khải Thành gần đây cũng biết chuyện tôi thường xuyên đến bệnh viện thăm mẹ cũng không nói gì, nên tôi nghĩ mình cũng không nên từ chối.
Tôi hít vào một hơi rồi nói: “Vậy anh có định đến đó không? Tôi và anh cùng đi”.
Đặng Khải Thành nói sẽ qua đón tôi, tôi lại tranh thủ thời gian anh ta lái xe, chạy đến siêu thị mua một ít đồ bổ, bỏ gọn gàng vào một túi giấy. Tôi tự nhủ với mình rằng: Đây coi như là chút thành ý tôi dành cho ông cụ, hy vọng bù đắp được lỗi lầm của tôi vì cái c.hế.t của Như Ngọc.
Vừa thanh toán xong thì Đặng Khải Thành cũng đến nơi, hôm nay anh ta không mặc quân phục mà chỉ mặc một bộ đồ đơn giản, quần âu áo sơ mi tối màu, trông rất trẻ trung, sáng sủa và đẹp trai.
Khi tôi vừa lên xe, Đặng Khải Thành cũng nhìn thấy trên tay tôi là mấy chiếc túi, nhưng anh ta không hỏi, chỉ đỡ lấy nạng cho tôi rồi bảo tôi cài dây an toàn vào.
Tôi đưa nạng cho anh ta: “Anh về nhà rồi à?”.
“Ừ, hôm nay được về sớm”.
“Bắt được Long chín cựa rồi à?”.
Đặng Khải Thành nổ máy xe lái đi: “Vẫn chưa bắt được, nhưng đã có một ít thông tin của hắn, ngày mai tôi sẽ lên đường đến đó”.
Từ trước đến nay anh ta đi đâu, làm gì cũng không nói cho tôi biết, đây là lần đầu tiên Đặng Khải Thành chủ động nói lộ trình cho tôi. Tôi gật đầu, nói: “Có xa không?”.
“Xa”. Ngừng một lát, anh ta lại tiếp tục: “Ở một huyện hẻo lánh phía Tây”.
Không muốn tò mò sâu nên tôi không hỏi nữa, chỉ im lặng nhìn con đường dài phía trước. Hôm nay đường phố không quá đông, Đặng Khải Thành vẫn lái xe hơn 30 phút là đến nơi.
Hình như anh ta đã báo trước với ông cụ rồi nên chúng tôi tới nơi đã thấy ông cụ ngồi ngoài cửa chờ sẵn, nghe tiếng xe, ông nội liền quay sang hỏi chị Xuân: “Có phải Thành về không?”.
Chị Xuân đáp: “Vâng, Thành về rồi, dẫn theo Như Ngọc về ạ”.
“Tốt quá”. Vừa nói, ông cụ vừa ngước đôi mắt đục ngầu về phía tiếng xe: “Thành về rồi. Như Ngọc cũng về rồi”.
Đặng Khải Thành tắt máy xe, vòng sang ghế phụ đưa nạng cho tôi, nhưng tôi lắc đầu, khẽ nói: “Chân tôi đi gần như bình thường rồi, không cần dùng nạng nữa”.
Ánh mắt anh ta đột nhiên trở nên sâu thăm thẳm nhìn tôi, giống như hiểu ra chuyện gì, nhưng cũng không ngăn cản, chỉ nói: “Có cần tôi đỡ em không?”
“Ừ…”. Tôi ngập ngừng: “Cho tôi mượn tay anh một lát”.
Đặng Khải Thành chìa tay ra, tôi vịn lấy rồi bước xuống dưới. Cổ chân tôi vẫn chưa lành hẳn, nhưng đi lại cũng đã gần như bình thường cả rồi, tôi không muốn ông cụ biết tôi chống nạng lại lo lắng nên mới bảo anh ta không cần dùng nạng.
Lúc vào đến nơi, Đặng Khải Thành gọi một tiếng: “Ông nội, cháu đến thăm ông đây”.
“Thành à? Lại đây ông xem nào. Có cả Như Ngọc nữa phải không?”.
Tôi cũng mỉm cười tiến lên: “Ông nội”.
“Tốt quá, hai đứa lại cùng nhau về thăm ông. Lâu rồi không thấy Như Ngọc đến, ông lại tưởng cháu lại bỏ đi mất rồi”.
Sống mũi tôi cay cay, vừa day dứt lại vừa xấu hổ: “Cháu xin lỗi ông, cháu bận quá, không về thăm ông thường xuyên được. Sau này cháu sẽ về thăm ông nhiều hơn”.
“Không sao, không sao. Về là tốt rồi. Hai đứa bận công việc, phải ở trên thành phố làm việc chứ. Thỉnh thoảng về thăm ông là được rồi”.
“Vâng”
“Được rồi, vào nhà đi đã, hôm nay hai đứa về, ông bảo chị Xuân nấu nhiều món lắm, toàn món Như Ngọc thích ăn. Mau mau rửa tay rồi vào ăn cơm”.
Đặng Khải Thành đẩy xe lăn của ông nội vào nhà, tôi cũng phụ anh ta, hai chúng tôi vào nhà đã thấy trên bàn ăn là một mâm cơm đầy ắp. Có rất nhiều thức ăn thanh đạm, có lẽ đều là những món Như Ngọc thích, cũng may tôi không kén ăn, càng không có tư cách để bụng những thứ thuộc về Như Ngọc, cho nên bữa ăn hôm ấy vẫn rất đầm ấm vui vẻ. Chỉ có chị Xuân là chẳng thể cười nổi khi thấy tôi.
Ông cụ rất vui, vừa ăn vừa hỏi chuyện chúng tôi mãi, khi nhắc đến công việc của Đặng Khải Thành, anh ta mới nói:
“Ông nội, sắp tới cháu có đi qua thôn Trường An, ông có muốn gửi gì về không?”.
Đôi mắt đục ngầu của ông cụ như sáng lên: “Đi làm việc ngang qua thôn sao?”.
“Vâng ạ”.
“Thế thì để lát nữa ông gấp mấy bông hoa bằng lá dừa, mang về thắp lên mộ cho ba mẹ con”.
Đặng Khải Thành gật đầu: “Vâng ạ”.
Ông nội bỗng dưng thở dài một hơi, không tránh khỏi nuối tiếc hoài niệm những thứ đã thuộc về quá khứ: “Haizzz, mười năm rồi. Nhanh thật đấy. Người đi cũng đi 10 năm rồi”.
Người đàn ông ngồi cạnh tôi không lên tiếng, vẻ mặt anh ta vẫn bình thản, im lặng ăn. Chỉ có tôi là thấy lòng nhói đau.
Trong đầu tôi nhẩm đi nhẩm lại mấy chữ: Thôn Trường An…
Phải rồi. Thôn Trường An chính là quê hương của Đặng Khải Thành, ban nãy anh ta nói đã có thông tin của Long chín cựa, là một huyện hẻo lánh phía tây, chẳng lẽ chính là thôn Trường An – quê nhà của anh ta đó ư?

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (21 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN