Không Thể Động Lòng - Phần 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
638


Không Thể Động Lòng


Phần 9


Sau khi Dương Quang đi rồi, tôi vẫn đứng tựa ở khung cửa rất lâu, tầm mắt cứ nhìn chiếc ổ khoá kia mãi, nghĩ đến Đặng Khải Thành chưa từng khoá nó, nghĩ đến cả lời anh ta hỏi: “Chân Ý, nếu em ngay từ đầu em nghe lời tôi, nếu em không ra ngoài, thì những chuyện đó có xảy ra không?”.
Tôi dám chắc là sẽ không!
Cho nên có lẽ Đặng Khải Thành trước giờ chưa từng giam nhốt tôi, việc anh ta đơn giản chỉ là bảo tôi nghe lời mà thôi.
Nhưng thật buồn cười, tôi lại luôn chống đối…
Tôi lặng lẽ thở dài một tiếng, lần thứ hai sau khi đến đây, tôi ra khỏi nhà từ phía cửa chính. Buổi sáng, không khí ở khu tập thể yên tĩnh, thỉnh thoảng chỉ có mấy tiếng rao của người bán hàng rong đi qua con ngõ. Tôi lững thững đi xuống cầu thang, sau đó xuống sân, lại bắt gặp thằng nhóc Đậu Đũa đang bắc một cái ghế trước cửa nhà đọc truyện tranh.
Đậu Đũa thấy tôi thì lập tức reo lên: “Chị ơi”.
Tôi cũng cười, rảo bước lại gần hỏi: “Đậu Đũa hôm nay không phải đi học hả?”.
“Hôm nay em học buổi chiều cơ. Mẹ em cũng đi làm buổi chiều”. Nhìn thấy quầng mắt tôi thâm đen, thằng bé lập tức ngẩn ra, sau đó lại kéo tay tôi hỏi: “Chị ơi, chị khóc à?”.
“Hả? Chị có khóc đâu?”.
“Chị khóc mà. Mắt chị sưng lắm. Mỗi lần mẹ em khóc vì nhớ bố, mắt cũng sưng như chị đó”.
Tôi bất giác nhìn vào trong nhà, căn hộ của gia đình Đậu Đũa nằm ngay dưới nhà của Đặng Khải Thành, bên trong có đồ đạc sinh hoạt của gia đình, trên cửa sổ bếp treo mấy xâu hành tỏi, sofa còn vương vãi vài món đồ chơi trẻ con, ấm áp bình dị, nhưng lại không có dấu vết của đàn ông.
Tôi không hỏi bố của Đậu Đũa ở đâu, chỉ nói: “Thật à? Vậy khi đó Đậu Đũa có dỗ mẹ không?”.
“Có chứ. Em còn hát cho mẹ nghe đấy”.
“Đậu Đũa giỏi quá”.
“Chị, em cũng hát cho chị nghe nhé?”.
Chỉ một câu nói ngây ngô của đứa bé mà đáy lòng đau đớn nặng nề của tôi bất chợt dịu xuống, thậm chí còn cảm thấy tâm trạng tốt lên. Tôi cười đáp: “Được đó. Đậu Đũa hát đi, chị nghe đây”.
Thằng nhóc gật mạnh đầu, sau đó đứng thẳng lưng, ưỡn ngực nghiêm túc một bài hát của trẻ con, tôi im lặng lắng nghe từ đầu đến cuối rồi tiện tay nhổ một bông hoa cỏ may mọc dại bên thềm, đưa cho thằng nhóc: “Đậu Đũa hát hay lắm, tặng hoa, tặng hoa”.
“Cảm ơn chị Chân Ý”. Thằng bé cười tít mắt. Nói xong, lại nhìn người phụ nữ vừa đi vào cửa, gọi to: “Mẹ về rồi. Mẹ ơi”.
Hoá ra mẹ thằng nhóc chính là chị gái hôm trước đã cho Đặng Khải Thành một giỏ trứng, lần trước chị ấy nói ở nhà ở ngay dưới nhà anh ta mà tôi quên luôn. Tôi mỉm cười, gật đầu chào chị ấy. Lại nghe chị hỏi tôi:
“Chân Ý hôm nay mới chịu ra khỏi nhà đấy hả?”.
“À… dạ. Chị mới đi chợ về à?”.
“Ừ, có mua bánh cho em này”. Chị Hoa đưa cho tôi một chiếc bánh lá vẫn còn nóng: “Hôm nay thằng nhóc Đậu Đũa ngủ dậy muộn, chị phải chờ nó dậy mới đi chợ được, mua đồ ăn về hơi muộn, chắc em đói rồi hả?”.
Tôi ngơ ngác, vẫn chưa tiêu hóa được hết ý của chị ấy. Chị Hoa dúi chiếc bánh vào tay tôi rồi bảo: “Thành nhờ chị mua đồ ăn cho em, nhưng chắc em không hay ra khỏi nhà hả? Mấy lần trước Đậu Đũa mang lên nhưng gõ cửa không thấy em trả lời, nó treo ngoài cửa mà không có ai lấy nên bị hỏng mất”.
Nghe đến việc Đặng Khải Thành nhờ chị Hoa mua đồ ăn cho tôi, tôi rất ngạc nhiên, trái tim cũng bất giác trở nên bối rối. Nhưng tôi không dám hỏi thẳng chị Hoa, chỉ gượng gạo nặn ra một nụ cười: “À… vâng, em hay ở trong nhà, còn mở nhạc nữa nên không nghe Đậu Đũa gọi. Mấy hôm đó anh Thành cũng không về nên không mở cửa. Ngại quá, đã nhờ chị mua đồ rồi còn làm phiền chị”.
“Không sao, Thành bận mà. Em ở một mình, lại chưa biết đường đi ở đây, chị tiện đi chợ thì mua cho em”.
Nói tới đây, chị Hoa tủm tỉm nhìn tôi: “Nói với em cái này, em đừng cười. Hồi đầu chị chuyển đến đây không quen biết ai, bố Đậu Đũa lại mất sớm, chỉ có hai mẹ con loay hoay dọn đồ. May mà có Thành giúp đỡ. Cậu ấy giúp chị sơn lại nhà, bê mấy đồ nặng, sửa mấy đồ điện hỏng, thỉnh thoảng còn mua sách cho Đậu Đũa nữa. Cậu ấy tốt lắm. Mấy năm nay hai mẹ con chị cảm ơn cậu ấy còn không hết, mua chút đồ này có là gì. Em đừng ngại”.
Tôi nhìn chiếc bánh lá nóng hổi trong tay mình, đột nhiên lại nhớ đến nhiều năm trước kia, lúc đầu đến Hồng Hưng, Đặng Khải Thành phải làm rất nhiều việc. Đám anh em cũ bắt nạt anh ta, mỗi lần xe chở hàng đến đều bảo Đặng Khải Thành đứng dưới nắng vận chuyển đồ, một mình anh ta vác mấy chục thùng hàng nặng lên tầng 3.
Ban đầu tôi chỉ đứng ở cửa phòng nhìn Đặng Khải Thành, sau đó, vì thấy vai anh ta chảy m.áu mà lẽo đẽo theo anh ta. Lúc đặt thùng hàng xuống, Đặng Khải Thành quay lại mới thấy tôi đứng ngay sau lưng, anh ta hơi ngây người:
“Đi theo tôi làm gì thế?”.
“Anh ơi…”. Tôi đắn đo vài giây mới chìa tay ra, trong tay là mấy miếng bông vụn tôi moi ra từ bụng con gấu bông bị rách. Ở Hồng Hưng không có bác sĩ riêng, tôi nhìn thấy đám anh em mỗi lần ra ngoài đ.âm c.hém bị thương đều lấy bông băng thấm m.áu nên cũng học theo, đưa cho Đặng Khải Thành: “Cho anh này”.
Rõ ràng miếng bông vụn ấy không dùng để thấm m.áu, nhưng Đặng Khải Thành im lặng một lúc rồi cũng nhận lấy: “Cảm ơn”.
Tôi che miệng cười khúc khích: “Trong phòng em có nhiều gấu bông lắm, lần sau anh bị thương thì đến tìm em nhé. Em moi bụng gấu lấy bông cho anh”.
Đặng Khải Thành nghiêm túc đáp: “Được”.
Sau đó có một vài lần anh ta thực sự đến tìm tôi, nhưng không phải đến xin bông thấm m.áu mà là mang cho tôi một vài quyển sách. Những năm ấy, anh em trong Hồng Hưng ai cũng lén lút thu phí bảo kê ở các cửa hàng trên phố, tiền tiêu rủng rỉnh, chỉ có Đặng Khải Thành không tham gia. Thời gian rảnh, anh ta thường đến bến tàu đi bốc vác thuê, tiền kiếm được không nhiều lắm, nhưng hễ lần nào đi qua tiệm sách cũ trên phố, anh ta đều dừng lại chọn một quyển mang về cho tôi.
Đặng Khải Thành nói con gái phải chăm chỉ học hành mới tốt. Tôi gật đầu, nghiêm túc lật giở sách nhưng lại chẳng vào đầu được chữ nào.
Thế nhưng từ khi ấy, tôi đã luôn mặc định Đặng Khải Thành là người tốt. Đến bây giờ có lẽ anh ta cũng vẫn tốt, chỉ là lòng tốt của anh ta không đặt ở nơi tôi mà thôi!
***
Sau khi cầm chiếc bánh lá quay về nhà, tôi ngồi ở ghế mây lặng lẽ ăn. Được nửa chừng thì anh Nguyên gọi điện thoại tới, tôi vừa nhồm nhoàm ăn vừa nghe máy:
“Alo”
“Chân Ý, anh vừa nghe chuyện của bọn anh Tư. Em có…”.
Anh ấy chưa nói hết câu, tôi đã ngắt lời: “Em không sao. Công an đến kịp nên không sao cả”.
“Sao em lại ngốc thế? Em ra ngoài gặp bọn anh Tư làm gì? Nếu công an không đến kịp, có phải to chuyện rồi không?”.
“Trước đây cũng là người ở Hồng Hưng, anh Tư lại nói làm bất động sản, muốn mua lại Hồng Ý nên em mới đến gặp. Ai ngờ mấy năm nay anh Tư chẳng thay đổi gì cả, thậm chí còn cặn bã hơn xưa”.
Nói đến đây, tôi lại cười hì hì: “Anh Nguyên, em biết sai rồi. Anh đừng mắng em. Sau này không dám nữa”.
Đăng Nguyên định nói gì đó, nhưng thấy tôi nịnh như vậy, cuối cùng rồi cũng thôi: “Hồng Ý từ từ bán cũng được, Chân Ý, anh nói rồi mà, em đừng vội vàng, tiền anh vẫn lo được”.
“Anh đã vay được ngân hàng chưa?”.
“Ừ, trong tháng này chắc họ sẽ giải ngân thôi. À phải rồi, hôm qua anh đến thăm mẹ em, thấy bác sĩ nói hôm qua lúc y tá thay kim truyền, mẹ em có phản ứng co tay đấy”.
Tôi sung sướng đứng bật dậy: “Thật hả anh?”.
“Ừ, thật. Mặc dù bây giờ vẫn chưa có thêm phản ứng gì, nhưng bác sĩ nói đó là dấu hiệu tốt, mà gần đây việc truyền dinh dưỡng vào mẹ em cũng hấp thụ tốt nữa. Có tiến triển”.
“Thế thì tốt quá”.
“Ừ, Chân Ý, em cũng phải tự chăm sóc cho mình đấy, có chuyện gì cũng phải nói cho anh biết, đừng tự ý làm một mình như vừa rồi nữa. Nếu em xảy ra chuyện gì, mẹ em tỉnh lại, anh không biết ăn nói thế nào với cô đâu”.
“Vâng, em biết rồi, biết rồi mà. Sau này không dám nữa”.
“Ừ”.
Tôi định nói thêm, nhưng lại nghe tiếng lạch cạch mở cửa nhà, rút cuộc phải kiếm lý do cúp máy. Đặng Khải Thành ôm theo một con mèo màu xám, bộ lông dính đầy keo, trông rất thảm thương.
Tôi vẫn giận anh ta nên không lên tiếng, nhưng vì tâm trạng đã tốt hơn nên tôi không tránh mặt. Đặng Khải Thành dường như cũng không muốn so đo với tôi, ngược lại, còn thoải mái nói:
“Nhặt được ở đầu ngõ, hình như bị đánh bẫy rồi chạy thoát được nên người mới dính keo”.
Tôi dè dặt một chút rồi hỏi: “Phải cắt sạch lông của nó đi à?”.
“Không, chắc chỉ cần tắm sạch là được. Nếu tắm vẫn không hết keo thì mới phải cắt lông”. Nói tới đây, anh ta lại bảo: “Trong phòng còn nước nóng không?”.
“Không có, để tôi đi nấu”.
Dứt lời, tôi vội vàng chạy vào bếp, bắc một ấm nước to. Đặng Khải Thành thì cầm một cái chậu ra sân thượng, vặn sẵn nước lạnh vào đó. Một lát sau, tôi bưng ấm chạy ra, thấy Đặng Khải Thành đang dùng tay vuốt những chỗ keo dày trên lông mèo, con mèo run lẩy bẩy, cứ liên tục kêu meo meo toáng cả lên.
Tôi đổ nước ấm vào chậu, xoa xoa đầu con mèo: “Được rồi, sắp sạch rồi, đừng có cào người ta đấy”.
Đặng Khải Thành liếc tôi, nói: “Mèo này chắc chưa tiêm phòng đâu, đừng động vào”.
“Nó không cào người tốt như tôi đâu”. Tôi bĩu môi, nhưng vẫn thu tay về: “Anh nhặt nó mang về, không sợ chủ của nó đi tìm à?”.
“Không định nhặt, nhưng mấy hôm nay ngày nào cũng thấy nó ngồi ở đầu ngõ, hôm thì bị chó đuổi, hôm thì bị mấy đứa trẻ con trêu, hôm nay thì bị dính keo. Sợ nó c.hế.t nên tôi mang về”.
“Biết đâu chủ của nó ban ngày đi vắng, nó trốn ra ngoài chơi nên mới bị thế thì sao?”.
Đặng Khải Thành đột nhiên ngẩng đầu: “Giống như em hả?”.
Tôi ngượng chín mặt: “Tôi có trốn ra ngoài cũng là đi làm việc, không rảnh rỗi ngồi ở đầu ngõ chọc ch.ó như con mèo này đâu. Với cả xương tôi cứng lắm, còn lâu mới đến nỗi thảm thương như con mèo này”.
“Ừ”. Anh ta tỏ vẻ không thèm bận tâm đến mấy lời xằng bậy của tôi, tủm tỉm cười: “Mèo này là mèo hoang, không có chủ, không cần phải lo chủ nó đi tìm”.
“Sao anh biết?”.
Đặng Khải Thành lúc này đã vuốt được kha khá keo dính trên lông mèo, anh ta giơ nó lên cao: “Nhìn xem, gầy tong teo thế này thì làm gì có chủ. Mèo là động vật rất nhớ đường về, nếu nó bị lạc, thì đường xa đến đâu nó vẫn sẽ tìm được đường về nhà. Chỉ có mèo hoang mới không có nhà để về, không có cơm để ăn, thế nên mới gầy như vậy thôi”.
Tôi nhìn nhìn một lúc, cũng cảm thấy rất phải. Tay tôi khua khoắng nước trong chậu, thấy nhiệt độ đã ấm vừa phải mới bảo: “Anh bỏ nó xuống đi, nước vừa rồi”.
Đặng Khải Thành gật đầu, đặt con mèo xuống, nó đụng nước lại kêu oai oái, còn định cào anh ta, nhưng tôi nhanh tay tóm lấy cả hai chân trước nó, kéo sang một bên.
Đặng Khải Thành nhìn móng vuốt của mèo suýt sượt qua tay mình rồi lại nhìn tôi, tôi thì sau khi hành động như vậy lại thấy hối hận c.hế.t đi được. Nhiều năm nay, cứ ngỡ tôi đã bỏ thói quen đó rồi, không ngờ vẫn chỉ trong một cái chớp mắt thôi, phản xạ của tôi vẫn là bảo vệ Đặng Khải Thành như lúc xưa.
Anh ta nói: “Giữ móng nó cẩn thận, đừng để bị cào vào tay”.
“Ừm”. Tôi lạnh mặt quay đi.
Sau đó, cả hai chúng tôi đều không nói gì nữa, con mèo ở dưới nước được Đặng Khải Thành tắm rửa hình như cũng rất dễ chịu, chỉ chốc lát sau liền ngoan ngoãn im re, chỉ thỉnh thoảng ư ư mấy tiếng như nũng nịu.
Mặt trời tháng 10 ở trên cao đổ xuống khoảnh sân thượng nho nhỏ, ánh nắng lọt qua kẽ lá, rơi trên gương mặt của Đặng Khải Thành. Lúc này trán anh ta lấm tấm mồ hôi, hàng mi dài cong cong che đi đôi mắt chuyên chú, bộ dạng trầm lặng ôn hòa, rất đẹp trai. Từ năm 19 tuổi, 29 tuổi, đến tận bây giờ vẫn mang một dáng vẻ say lòng người như thế.
Tim tôi bất giác đập mạnh một nhịp, không tập trung nên suýt nữa thì bị móng mèo cào vào. Đặng Khải Thành lập tức lôi con mèo lên, để nó tránh xa khỏi tay tôi rồi nói:
“Ngồi dịch vào bên trong, ở phía đó nắng”.
Tôi vẫn chưa thoát hằn được cảm xúc rung động vừa rồi, ngây ngốc dịch người ra theo lời anh ta. Mãi đến khi ngồi vào trong bóng râm, tôi mới chợt cảm thấy xấu hổ, đành kiếm cớ nói chuyện:
“Sáng nay cấp dưới của anh có đến tìm anh”.
“Ai cơ?”
“Cái anh hôm trước dẫn tôi vào cục cảnh sát gặp anh. Tên Quang”.
“À…”. Đặng Khải Thành không bất ngờ, chỉ lấy khăn lông gần đó lau khô lông mèo rồi nói: “Em nói thế nào?”.
“Tôi bảo anh đi làm rồi”. Tôi khẽ nhướng mày: “Hôm nay cục trưởng rảnh rỗi thế?”.
“Ừ”. Đặng Khải Thành đưa con mèo đã được cuộn trong khăn lông cho tôi, cười bảo: “Ở nhà chăm mèo”.
Tôi nguýt anh ta một cái. Có lòng thật đấy!
Vào trong nhà, chúng tôi bắt đầu thảo luận tên cho mèo. Đặng Khải Thành bảo tùy theo ý tôi, muốn gọi tên gì thì là tên đó, rút cuộc sau nửa ngày suy nghĩ, tôi quyết định gọi nó là Lợn Con.
Đặng Khải Thành đang uống nước, nghe tôi nói ra hai chữ ấy thì suýt sặc. Anh ta che miệng ho một hồi mới ngẩng lên nói: “Em nghĩ từ sáng đến giờ được mới cái tên đó hả?”.
“Tôi thấy mấy tên Miu, Cam, Quýt, Xù,… thì nhiều quá rồi, phải đặt cho nó một cái tên thật độc đáo. Tên này chắc là độc nhất vô nhị, không có ai đặt đâu”.
Đặng Khải Thành liếc con mèo gầy trơ xương trên tay tôi, im lặng một lúc rồi gật đầu: “Tôi cũng cảm thấy vậy”.
Tôi hài lòng vênh mặt, ôm Lợn Con đi thẳng đến bếp, pha một bát sữa cho nó uống. Lợn Con uống xong thì liếm liếm môi, sau đó cũng không thèm nhìn tôi mà ngoảnh đít đi thẳng về phía Đặng Khải Thành, dụi dụi đầu vào chân anh ta, tỏ vẻ nũng nịu.
Tôi tức đến nghiến răng, trong lòng thầm mắng nó là con mèo phản bội, lại còn hám trai!
Cả ngày hôm ấy nhờ có Lợn Con mà tôi và Đặng Khải Thành rất yên bình, chúng tôi đều ăn ý, không ai nhắc lại chuyện của hai ngày vừa rồi nữa. Bữa tối, tôi bắt đầu nấu nhiều món ăn hơn, thỉnh thoảng cũng sẽ tranh luận với Đặng Khải Thành về chuyện nên cho Lợn Con ăn cá hay là ăn thịt, không khí trong nhà cũng vì thế mà trở nên thoải mái hơn.
Chỉ là… đến nửa đêm thì bỗng dưng tôi lại lên cơn ng.hiện!
Phải, chính là lên cơn ngh.iện, cảnh tượng mà tôi đã thấy rất nhiều lần trước đây ở Hồng Hưng, mãi đến khi Đặng Khải Thành trở thành đại ca lớn thứ hai trong nhà, anh ta bắt đầu quản lý chặt hơn việc mọi người lén lút hít m.a t.úy, thì những hình ảnh anh em giãy dụa mỗi lần thèm thuốc mới kết thúc.
Không ngờ hôm nay lại đến lượt tôi.
Lúc ấy, tôi đang ôm Lợn Con ngủ ngon thì bỗng dưng cả người lạnh toát, lạnh đến mức tôi phải bật dậy. Ban đầu, tôi cứ nghĩ mình bị sốt rét, nhưng không phải, từ tận sâu trong ruột gan như có thứ gì đó thôi thúc, m.áu nóng cũng dần dần bốc lên, hai cảm giác nóng – lạnh đan xen như băng như lửa, giày vò đến mức tôi run lẩy bẩy.
Chỉ chốc lát sau, từng thớ thịt của tôi lại cảm thấy như có hàng ngàn hàng vạn con kiến bò qua, tôi bức bối muốn giải phóng, tôi mong mỏi thèm khát một thứ gì đó, nhưng trong đầu không định hình được mình đang thèm muốn cái gì.
Tôi khó chịu muốn xé phăng quần áo ra, hoặc là nhảy vào trong bồn tắm, hoặc thậm chí là ôm đầu hét toáng lên. Nhưng lý trí còn sót lại của tôi không cho phép tôi làm thế. Tôi loạng choạng bò xuống giường, muốn cầm cốc nước uống cho tỉnh táo nhưng tay run không giữ được, chiếc cốc bị gạt xuống rơi đến vỡ toang, mảnh thủy tinh bắn đầy xuống sàn nhà.
Ngay lúc này Đặng Khải Thành cũng chạy vào, anh ta nhìn thấy tôi ngồi bệt giữa đống thủy tinh liền gọi một tiếng: “Chân Ý”.
Tôi yếu ớt mở mắt nhìn anh ta, môi mấp máy: “Hình như… Tôi lên cơn rồi…”.
Đặng Khải Thành lập tức ôm tôi lên giường, phủi hết mảnh thủy tinh dính trên quần áo tôi: “Chịu đựng một chút, một lúc là sẽ qua cơn”.
“Khó chịu…”. Tôi quằn quại muốn bò dậy, nhưng anh ta lại ấn tôi xuống, ghì chặt lấy vai tôi:
“Chân Ý, nằm yên. Nằm yên một lúc là sẽ qua”.
“Đầu tôi đau…aaaaa”. Tôi hét lên, tôi bắt đầu thèm thuốc, cổ họng khô khốc, muốn uống nước nhưng ở đây không có nước: “Bỏ ra… tôi muốn uống nước, cho tôi nước… tôi muốn uống nước”.
Đặng Khải Thành không nói gì, cũng không cho tôi uống nước, tay anh ta vẫn đè chặt lấy người tôi, sức tôi lúc lên cơn cũng không thể bằng anh ta, giãy giụa đến đâu cũng không thoát được: “Bỏ tôi ra, tôi khó chịu lắm, bỏ tôi ra”.
“…”
“Đừng đè tôi nữa… aaaaaa”.
Lý trí của tôi gần như đã bị ăn mòn toàn bộ, tôi thèm thuốc, tôi muốn được giải phóng và giải thoát nhưng không được liền phát đ.iên, cứ liên tục la hét, đòi giật quần áo ra, thậm chí, tôi còn muốn ‘cưỡi’ lên Đặng Khải Thành, làm tình với anh ta.
Tôi sợ nếu cứ tiếp tục như vậy thì tôi sẽ không khống chế được chính mình nữa, tôi sợ mình sẽ làm ra những hành động không thể tha thứ được, rút cuộc, khi bị dồn vào đường cùng tôi không còn cách nào, đành tự cắn lưỡi mình để ép bản thân tỉnh táo lại.
Một dòng m.áu ấm nóng và tanh tưởi lập tức tràn ra trong khoang miệng tôi, trong đêm tối, tôi cứ nghĩ Đặng Khải Thành sẽ không biết, thế nhưng chỉ đúng một giây sau anh ta lập tức bóp miệng tôi, cho ngón tay vào bên trong.
Đặng Khải Thành gằn từng chữ: “Không được cắn lưỡi, Chân Ý, cắn tay tôi”.
Cơn đau khiến lý trí tôi quay về, tôi há miệng, muốn bảo anh ta bỏ tay ra, nhưng vài giây sau ảo giác lại ập đến, tôi nghiến răng cắn chặt tay của Đặng Khải Thành, một mùi m.áu tanh khác lại xộc vào họng tôi.
Giữa lúc đầu óc rơi vào cơn mơ hồ mênh mang, có một cánh tay cứng như thép ôm siết tôi vào lòng. Giọng người đó thoảng qua tai tôi như mây như gió: “Chân Ý, ổn rồi… ổn rồi…”.

Yêu thích: 3.9 / 5 từ (8 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN