Mộng Phù Hoa
Phần 37
Thanh toán tiền xong xuôi, mộ phần của Khánh được tôi với A Lâm đưa về quê nhà an táng cùng với bố mẹ. Lúc ấy, họ hàng nhà tôi cũng biết nhưng họ chẳng mấy ai quan tâm, thậm chí lúc hạ huyệt cho em, bà nội với các chú cũng chẳng ai ra hết, có chăng chỉ lác đác vài người hàng xóm thương xót cho đám ma không người nên miễn cưỡng rủ nhau tới.
Nói thật, tình cảm với hai bên nội ngoại đã cạn từ lâu rồi cho nên tôi cũng chẳng quan tâm đến điều ấy lắm, vì thế đối diện với những lời quan tâm hỏi han của mấy người kia, tôi chẳng buồn cũng chẳng đau, ngược lại chỉ cười một cái thật nhạt nhẽo. Mấy năm nay, tôi đâu cần đến người nhà, tôi đâu cần đến sự giúp đỡ của ai, chị em tôi vẫn sống tốt đấy thôi. Vậy thì tôi làm sao phải buồn, phải đau, phải hụt hẫng.
Thật buồn cười?
Tôi khóc vì tôi thương cho em của tôi. Từ khi sinh ra đã không được may mắn làm một người bình thường, lớn lên trong túng thiếu nghèo khó và những lần phát bệnh nổi điên. Thương cho em lúc nào cũng bị người khác nhìn với ánh mắt khinh thường rẻ mạt, rồi chẳng được đi học, chẳng có bạn có bè. Thương cho hai mươi sáu năm cuộc đời em đều vây quanh với bốn bức tường lạnh ngắt, nhiều khi muốn hai chị em có thời gian nói chuyện và ở với nhau nhiều hơn nhưng mà tôi không được, không có cơ hội.
Mộ của em nằm lẻ loi một góc, tôi cúi người thắp cho Khánh một nén hương, từng ngón tay vuốt lên trên đường nét khuôn mặt của em trên tấm ảnh, đôi chân run rẩy quỳ hẳn xuống dưới mặt bùn bẩn thỉu. Lồng ngực nhói lên từng cơn tê dại, cổ họng thì nghẹn ứ đến tận đại não, tôi phải mất tận mấy phút mới có thể mở miệng cất giọng được.
– Khánh, chị đưa em về nhà rồi này. Em có cảm nhận được không?
Lời dứt hẳn,đáp lại tôi chỉ là tiếng gió xào xạc của những tán lá rặng thông phía sau, là tiếng chim hót ríu rít trên bầu trời rộng lớn, chứ chẳng phải là giọng nói ngọng níu cũng như tiếng cười của em đáp lại nữa. Từ bây giờ trở đi đều không có nữa rồi.
Lại là một sự im lặng kéo dài…. Tôi mỉm cười nói tiếp.
– Khánh, có phải em gặp ba mẹ rồi đúng không? Có phải em đang cùng với họ đứng ở một nơi rất xa nhìn chị đúng không?
(…..)
– Khánh, nếu em gặp ba mẹ rồi, thì hãy ở đó với họ, hãy thật vui vẻ, và đừng lo lắng cho chị. Chị vẫn ổn. Chị không sao đâu. Chị mạnh mẽ như này, sao chị có thể nghĩ quẩn được cơ chứ.
(…..)
– Mọi người không đến thăm em với bố mẹ. Không sao, em cần mình chị là đủ rồi. Chị sẽ thường xuyên về thăm tất cả. Chị cũng sẽ sống thật tốt và không ủ rũ. Bởi vì chị vẫn còn phải lên nhà cho em với mẹ nữa. Chị mà buông tay, thì ai sẽ làm điều ấy đây. Chẳng có ai hết?
Mưa vẫn lất phất rơi nhỏ, tôi quỳ nhìn huyệt mộ vừa được mới đắp đất xong thật lâu, lâu đến mức tưởng chừng chân tê cứng không đi được nữa mới hạ mí mắt vẫn còn vương lại giọt lệ đọng trên khóe mi lên quan sát A Lâm ở phía sau, giọng khàn đặc nhưng lại bình tình đến vô cùng.
– Về thôi, mưa lớn quá rồi.
A Lâm gật đầu, một tay anh cầm chiếc ô lớn chắn nước mưa cho tôi, một tay ôm lấy bờ vai gầy ướt thấm một mảng ướt của tôi, giọng nói thật trầm.
– Để tôi đưa em về.
– Ừ, cảm ơn anh.
Mấy ngày nay, tuy bản thân tôi mạnh mẽ và kiên cường là như thế nhưng công việc hết thảy lớn đến nhỏ đều là người đàn ông này đứng lên lo hết. Từ việc thuê xe đưa Khánh về nhà, rồi đến việc mời thầy cúng để làm lễ đưa em ra ngoài nghĩa trang, rồi bây giờ đến cả việc chăm sóc tôi nữa. Anh không nói nhiều, anh cũng không kể công, trước hay sau đều im lặng giống như mình không tồn tại, nhưng khi nào tôi cần thì nhất định sẽ dốc lòng hết sức. Anh ở bên tôi một khắc không rời, làm tất cả vì tôi, cho dù tôi cáu gắt hay bướng bỉnh thì cũng không bao giờ nửa lời oán thán hay tỏ ra một chút thái độ bất mãn nào.
Trước kia, tôi còn nhiều gượng gạo vì sợ anh mệt mỏi khi tôi mang theo Khánh bên mình, tôi còn phân vân không biết tương lai chúng tôi có no đủ cho em được hay không. Có lẽ chính vì thế nên ông trời mới đưa đến cho tôi một kết cục như này, cướp em khỏi cuộc sống của tôi, để tôi không còn phải mệt mỏi nữa, để tôi có thể tận tâm tận tình với tình yêu đơn giản ấm áp mà A Lâm dành cho mình. Biết là đau lòng, biết là ích kỉ, nhưng tôi đoán có lẽ ông trời cảm thấy kết cục này đối với ba người chúng tôi là tốt nhất.
Nghĩ đến điều ấy, tôi vô thức siết chặt năm đầu ngón tay của mình với năm đầu ngón tay của người đàn ông bên cạnh, bước chân dừng lại, dưới con đường vắng vẻ đầy nước mưa rơi trắng xóa cất giọng thật nhẹ nói với anh.
– A Lâm, bây giờ em chỉ còn anh thôi. Anh sẽ không bỏ em đấy chứ?
Người đó cao hơn tôi một cái đầu, vai anh chìa ra ngoài ướt đẫm một mảnh áo lao động vào xanh lam, lớp vải dính vào da thịt căng chặt. Anh đứng đối diện tôi, không trả lời câu hỏi đó, mắt nhìn tôi thật lâu. Đôi mắt đen láy như thủy tinh, sâu thăm thẳm như dải đá ngầm, chẳng chứa đựng cả thế giới rộng lớn ngoài kia, mà chỉ chứa đựng duy nhất hình bóng của tôi.
Khoảnh khắc ấy, không cần nói tôi cũng biết anh muốn nói :” Cho dù cả thế giới sập, tôi vẫn sẽ bên em không rời.”
Khóe miệng mỉm cười, lệ mắt long lanh, tôi nhón chân đặt lên môi anh một nụ hôn, giọng nói hòa vào trong màn mưa rào rào đổ xuống như thác.
– Cảm ơn anh. Cảm ơn vì đã ở bên em.
Lần này, thấy tôi lại trở nên yếu ớt , A Lâm rốt cuộc cũng cất lời. Anh hôn lên những giọt nước mắt trên má tôi, khẽ đưa tay lau nước mắt cho tôi, ừ một tiếng thật trầm.
– Về nhà thôi. Mưa ướt hết người rồi.
Nói xong, anh lại cầm lấy tay tôi dắt đi trên con đường làng dẫn về nhà của mình. Lúc về tới nơi, chẳng biết chú thím với bà nội đã ngồi ở nhà từ bao giờ rồi. Họ nhìn thấy tôi với A Lâm bước vào thì ngay lập tức liền hỏi.
– Thế nào, đã xong hết chưa? Thầy nói có bị trùng tang hay gì không?
– Không bị gì hết?
– Thật không bị gì? Nếu vậy là tốt rồi?
Trước giờ đã không ưa mấy người này nên tôi chẳng muốn nói chuyện quá lâu, vì thế họ hỏi cái gì thì bản thân cũng trả lời ngay cái đó cho xong chuyện. Ai ngờ vừa dứt lời, bà nội tôi thở hắt một hơi đầy thoải mái, ngữ điệu cũng mang theo sung sướng như thể chính bản thân của mình dỡ xuống được gánh nặng vậy.
– Nó chết đi cũng tốt. Mày đỡ khổ, nhà chúng ta cũng thế.
Nghe câu nói ấy, đáy lòng tôi dù đã yên bình tĩnh lặng thì vẫn không thể tránh được việc tức giận. Những người này là máu mủ của tôi, nhưng từ lâu đã trở thành người dưng rồi, vậy thì họ có quyền gì can thiệp vào chuyện của gia đình chúng tôi, chuyện của chị em tôi. Việc của bố mẹ, của Khánh, tôi chưa từng xin họ một đồng nào, chưa từng cầu cạnh sự quan tâm, hay mở miệng nhờ họ đứng lên giúp tôi làm cái này cái nọ. Họ là cái thá gì mà đứng ở đây phán xét rồi dạy bảo tôi, là cái thá gì mà yêu cầu tôi phải nghe theo lời họ. Nghĩ tôi là quả trứng mềm như ngày xưa muốn bắt nạt sao thì bắt nạt?
Cười khẩy, tôi chẳng kiêng dè có A Lâm đứng ở bên cạnh, chẳng kiêng dè việc đám người này là bậc cha chú bề trên, đáy mắt trong phút chốc lạnh đi mấy phần.
– Bà nội. Bà sống gần hết cuộc đời, hẳn biết câu ăn có thể ăn bậy, cắn có thể cắn bậy, nhưng nói thì đừng có nói bậy? Khánh nó cũng là cháu của bà, bà không ưa em ấy thì cũng đừng đứng ở trước mặt cháu nói em ấy chết đi là tốt.
– Tao nói sai sao. Nhiều năm trước tao nhìn con trai nuôi nó khổ cực tao đã bực lắm rồi, đến nhìn mày nuôi nó tao cũng chịu không nổi. Giờ nó chết đi, coi như nhẹ gánh.
– Bà nội, hiện tại tâm trạng cháu rất tệ. Nếu bà không nói được lời nào tử tế, mong bà cùng với chú thím rời khỏi nhà cháu.
– Mày…
Không ngờ tôi lại có thể nói như vậy, bà nội tôi tức đến điên người lên. Bà đập bàn kêu rầm một cái thật lớn khiến cho nước trong cốc cũng phải sóng sánh chảy ra bàn, ngón tay nhăn nheo già nua chỉ thẳng vào mặt tôi.
– Mày sống đến ba mươi năm rồi mà sao mày NGU thế hả. Thằng bố mày đã NGU rồi, bây giờ đến mày cũng NGU thế sao hả?
– Cháu NGU hay KHÔN cũng không cần bà quan tâm. Ngày trước sống như thế nào, thì bây giờ bà cũng nên sống như thế đi. Nói thật, bà quan tâm cháu như này không khiến cháu cảm thấy cảm động tí nào, ngược lại còn thật giả tạo.
Giọng nói bà rất lớn, vừa nói vừa ôm ngực thở hổn hển.
– Nó không phải em mày, tao đã nói bao nhiêu lần với mày rồi, sao mày không rạng cái não ra hả?
Nói thật, giới hạn của tôi đến đây đã thấp lắm rồi. Bây giờ tôi chẳng muốn cãi nhau với bất kì ai trong thời gian này hết, cũng chẳng muốn nhìn ai, nên nếu không đuổi mấy người này về, nếu cứ đứng đây nghe họ mỗi người một câu, thì bản thân chẳng dám chắc không khí vẫn giữ được vẻ êm đềm như thế này. Vì thế tôi đành phải đè giọng xuống cực thấp.
– Bà nội, bà nên về đi.
Sau khi nói xong, tôi cứ nghĩ mấy người này kiểu gì cũng thỏa thuận với mình giống như lần hôm Tết. Nhưng mà không phải, họ không những không đi, mà còn ngồi im nhìn bà nội tôi nghiến răng nghiến lợi.
– Hai mươi bảy năm trước, thằng bố mày ngu đần giấu cả nhà mang thằng bé đó về nuôi. Nó lừa hết tất cả gia đình đó là con của nó nên tao với ông nội mày cứ thế ngu ngơ tin vào, nếu tao mà biết, thì đừng hòng tao để thằng đần đấy ở lại.
Những lời khẳng định Khánh không phải con của bố tôi đã nghe nhiều lần lắm rồi, tôi không muốn tranh cãi về vấn đề này thêm chút nào nên miệng vẫn ngậm chặt không hé nửa lời. Mà bà nội tôi thì dường như mọi thứ đã bị đẩy lên giới hạn, cứ thế tuôn một tràng thật dài.
– Chẳng phải mày vẫn thắc mắc vì sao tất cả đều ghét mẹ mày, ghét thằng Khánh, rồi ghét luôn cả mày sao. Được, để bây giờ tao nói cho mày biết. Mẹ của mày, là một con đĩ lăng loàn, là một đứa chỉ biết đến tiền, có chồng rồi vẫn còn tơ tưởng đến người khác. Thằng mà mày gọi là em, nó không có máu mủi với nhà này, không có máu mủ với mày, mày nghe rõ không?
– Con mẹ mày hại con trai tao phải cực khổ ngày đêm đi làm kiếm tiền nuôi ba cái miệng ăn, để rồi chết ở công trường. Nó không những không thương tiếc mà còn bắt mày nuôi thằng đần đấy, khiến mày bao nhiêu năm khổ cực, nó chết vì ung thư là xứng đáng với cái kết cục như thế.
Bà nội tôi vừa nói vừa khóc, là khóc thật chứ không phải là giả tạo như mọi lần tôi vẫn thấy, còn chú thím bên cạnh thì khuôn mặt cứ cúi gằm xuống. Cảnh tượng này, là cảnh tượng đầu tiên trong cuộc đời tôi nhìn thấy trong suốt gần ba mươi năm qua, nên chẳng hiểu sao trong lòng lại dấy lên một nỗi bất an đáng sợ.
Bất giác, tôi lại nhớ lại những lời đồn mà mình đã từng nghe được trong quá khứ rất lâu về trước về bố của mình. Ngày đó, gia đình nhà bà nội tôi nghèo lắm, bố tôi thì lại không phải người học giỏi nên bỏ học sớm để đi làm kiếm tiền. Ông làm rất nhiều việc, từ thợ phụ hồ rồi đến thợ xây, tiền kiếm được cũng chẳng nhiều, lại có ngoại hình nhỏ bé nên đến tận năm ba mươi hai tuổi vẫn không có người yêu. Còn mẹ của tôi thì lại xinh đẹp, rất nhiều người theo đuổi nhưng ban đầu bà chẳng ưng ai. Ngờ đâu mấy tháng sau, bà lại đồng ý lấy bố tôi qua mai mối của một người khác.
Lúc ấy, tất cả mọi người ngạc nhiên lắm vì không ngờ mẹ tôi lại thay đổi ý nhanh đến như vậy. Bởi vì nếu nói yêu bố tôi vì tiền thì không phải vì bố tôi không có tiền, còn nếu nói về tình yêu thì cũng không phải vì từ khi nhận thức được, tôi nhận ra chỉ có bố yêu mẹ, quan tâm mẹ, còn mẹ thì rất bình thường, nói trắng ra là hời hợt. Nhà nội không có, nhà ngoại cắt đứt quan hệ, thành ra một tháng tiền lương của bố gần như cạn hết vì chăm lo cho gia đình, nên nhiều năm trôi đi chữ nghèo vẫn hoàn chữ nghèo.
Chắp nối lại lời đồn và lời cương quyết của bà nội, tôi nhíu mày, cố gắng trấn tĩnh để bản thân không được mất kiểm soát với những lo sợ mơ hồ, thật lâu mới có thể cất giọng hỏi.
– Rốt cuộc là bà muốn nói chuyện gì thì bà cứ nói thẳng ra?
Xoay người nhìn di ảnh của Khánh, di ảnh của mẹ và bố tôi, bà nội tôi cười lạnh thành tiếng, lúc này mới bắt đầu nói hết ra mọi chuyện. Cụ thể chính là….
Hơn ba mươi năm trước, mẹ tôi là thiếu nữ đẹp nhất vùng đã đem lòng yêu thương một người đàn ông đã có vợ. Người này là kĩ sư xây dựng, là một người hào phóng lại đẹp trai, ở lại huyện tận hai năm cùng với mọi người triển khai làm cầu đường và các tòa nhà ủy ban. Lúc ấy, mẹ tôi yêu thầm người đàn ông đó nhiều lắm, nên được người ta tỏ tình thì u mê lao đầu vào, mặc kệ cái gì luân thường đạo lý cũng không để ý đến nữa. Sau này, bà mang bầu 4 tháng thì nghe đâu người kia bỏ đi không một lời từ biệt, ông bà ngoại tôi bắt bà phải bỏ đi đứa bé nhưng bà không chịu. Để rồi được tám tháng thì cái thai chết lưu, mẹ tôi đẻ ra một đứa trẻ lạnh ngắt, nghe nói là một đứa bé trai.
Xấu hổ với làng xóm, xấu hổ mới dân làng, nên khi biết mẹ tôi được người ta giới thiệu cho bố tôi, ông bà ngoại ngay lập tức đồng ý bắt bà đồng ý hôn sự, rồi hai người cứ thế lấy nhau, ở bên nhau rồi sinh ra tôi. Ngưỡng tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp, thì bất ngờ vào một ngày người kia quay về, mẹ tôi điên đảo tình cũ cứ thế trầm luân vào những lời đường mật, mặc kệ bản thân là người đã làm vợ làm mẹ, trong đầu chỉ tồn tại duy nhất một chữ tình.
Qua lại vụng trộm một thời gian, bà mang thai, cái thai của ai đến bà cũng chẳng biết được, nhưng bố tôi thì vui mừng lắm. Ngày nào ông cũng chăm bặm mẹ từng chút, dù thiếu thốn nhưng vẫn cố gắng từng hồi. Thế nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, vợ người đàn ông kia biết chuyện thì một hai đòi sống đòi chết với chồng, trong lúc quá tức giận đã trẹo chân bị ngã rồi sinh non, còn bản thân thì chết trên bàn đẻ. Người đàn ông kia quá đau lòng vì cái chết của vợ nên cũng uống rượu rồi tự gieo mình xuống sông tự vẫn, bỏ lại đứa trẻ đỏ hỏn trong phòng sơ sinh của bệnh viện.
Cùng ngày hôm ấy, mẹ tôi cũng trở dạ sinh nhưng đứa bé ra ngoài lại không thở, chẳng biết nó đã mất trong bụng từ lúc nào. Khi ấy, bà rất đau lòng vì mất đi em tôi, nhưng nhìn đứa con trai của người đàn ông kia không ai nhận, bà đã năn nỉ bố tôi cho bà nhận đứa bé ấy về nuôi và làm mẹ của nó. Bố tôi thì quá thật thà và yêu mẹ, nên nhìn mẹ tôi khóc lóc cầu xin thì không nỡ nên quyết định đồng ý làm thủ tục nhận đứa bé, còn bé đã bị mất kia thì đem chôn ngay trong đêm.
Từng câu từng chữ lúc này lọt vào tai tôi chẳng khác gì vết thương rách toạc thịt bị người khác sát muối ướt vào khiến chúng nóng bừng và phổng rộp vậy. Tôi nghe đến đờ người, thẫn thờ nhìn bà nội với chú thím, một lúc thật lâu sau mới hỏi nổi.
– Đứa bé ấy, là Khánh đúng không?
Bà nội tôi gật đầu. Còn tôi, khoảnh khắc ấy, chỉ cảm thấy cả cơ thể mình rã rời, như thể sức để ngồi thôi cũng không còn nữa. Tim tôi rất đau, mắt cũng ứa lệ, rõ ràng bản thân mạnh mẽ là thế nhưng thời khắc này, tôi lại không thể nào mạnh mẽ nổi dù chỉ là một chút.
Ở bên cạnh, A Lâm vẫn không hề buông tay khỏi vai tôi, anh vẫn nhìn tôi đầy yêu thương như thế, nhưng mà tôi lại chẳng thể đối diện được với anh, chẳng dám nhìn vào đôi mắt đau lòng xen lẫn bao bọc của anh.
Gạt tay người đó khỏi tay của mình, tôi lùi từng bước từng bước, đến khi ra tới ngoài sân thì cả người cứ thế lao thẳng vào màn mưa dày đặc. Mưa rất lớn, sấm chớp nổi lên đùng đùng, nhưng tôi bây giờ chẳng hề sợ hãi hay quan tâm, bởi vì hết thảy đầu óc lúc này chẳng còn suy nghĩ được cái gì nữa.
Tôi chạy ra mộ của mẹ, đứng dưới mưa nhìn bà thật lâu, sau đó quỳ rạp chân xuống trước tâm bia ướt đẫm nước, khóe miệng nở một nụ cười thật thê lương.
– Mẹ thật vĩ đại, mẹ đúng là người phụ nữ vĩ đại nhất trên đời. Việc mẹ làm thật sự rất cảm động, thế nhưng còn con với bố thì sao? Con là gì? Con không phải con của mẹ sao?
Nói đến đây, bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu mệt nhọc với bao nhiêu uất ức tích tụ bấy năm qua đều vỡ bùng, tôi không chịu được nữa mà hét lên.
– Bà nói đi? Tại sao bà lại làm như thế? Tại sao bà lại ích kỉ như thế hả? Bà yêu thương con trai của người tình, còn tôi là con gái ruột thì bà lại không hề mảy may tới. Vì lời của bà mà bố tôi đi làm ngày làm đêm để kiếm tiền mua thuốc cho em ấy rồi mất mạng, vì lời của bà tôi cũng phải một hai chỉ biết đi làm chẳng dám yêu một ai. Vì lời của bà, khi bà mất đi tôi vẫn luôn yêu thương nó, vì nó mà cả tôi với người yêu tôi đều không còn cái gì cả. Bà biết không?
– Tại sao người gánh nỗi đau này lại là chúng tôi. Tại sao hả? Bà nói đi? Tại sao????
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!