Nếu Em Không Về - Phần 27: Ngoại truyện 1-2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
628


Nếu Em Không Về


Phần 27: Ngoại truyện 1-2


Giáo sư sau khi thăm khám cho tôi thì nói với tôi mọi thứ đến giờ ổn, phẫu thuật xong có lẽ qua vài đợt kết hợp hoá xạ trị thì mọi thứ cũng sẽ lạc quan và tiến triển thôi hơn.
Vì mới trải qua một cuộc phẫu thuật, nên tuy còn nhiều điều muốn nói, nhiều điều muốn hỏi, cũng nhiều thắc mắc nhưng cơ thể rã rời, mệt mỏi quá nên thiếp đi một giấc. Lần này, tỉnh lại không thấy Dương đâu, chỉ thấy chị Như đang ngồi cạnh tôi, dùng bông tăm thấm nước lau lên đôi môi nứt nẻ của tôi. Bên ngoài, trời cũng đã tối rồi. Trước kia, khi còn nhỏ, bị ốm sốt, đều là chị tự tay chăm tôi, giờ đây lớn rồi, dù đã qua bao năm dài như vậy, vậy mà giờ đây, khi tôi bị bệnh, chớp mắt mở ra vẫn là chị tôi. Thấy tôi mở mắt ra, chị cũng khẽ dừng động tác lại rồi hỏi tôi:

– Em thấy trong người thế nào rồi?
– Em đỡ rồi. Chị…
– Chị đây!

Hai chữ “chị đây” cũng khiến sống mũi tôi lại cay xè. Tôi nhìn chị, nghẹn ngào hỏi:

– Chị ơi, chị không giận em à?
– Có chứ, sao lại không giận. Giận vì em giấu chị chuyện lớn thế này. Nhưng thôi, chị không muốn chấp, đợi em khoẻ lại chị tính sổ sau.
– Còn chuyện…
– Em định hỏi chuyện chị với Dương chứ gì? Ngốc này, sao cứ phải day dứt chuyện đó mãi không thôi thế hả? Kể cả không có em thì chị với anh ấy cũng chẳng lấy nhau đâu, em không phải nghĩ suy hay áy náy gì cả. Ban đầu, lúc Dương huỷ hôn, thực ra lúc ấy chị cũng chẳng mong chờ gì nữa rồi nên đã định buông tay. Nhưng sau đó Dương bị tai nạn, lúc anh ấy thập tử nhất sinh, chị hoảng loạn sợ rằng chỉ còn một ngày mai anh ấy sẽ sống nên đúng là đã muốn một lần đấu tranh, muốn giành giật anh ấy về bên mình. Nhưng rồi, suốt thời gian anh ấy mất trí nhớ, dù chẳng nhớ ra em là ai, chỉ nhớ chị, chị vẫn luôn cảm thấy không thể nào cùng anh ấy yêu đương được, cảm giác mối quan hệ lúc ấy nhạt nhẽo vô cùng. Dù ban đầu có đôi lúc ích kỷ, muốn nghe theo lời mẹ anh ấy kết hôn để gạo nấu thành cơm, nhưng sau cùng khi thử ở cạnh nhau, lại không giống được như trước kia, chị vẫn chọn lựa dừng lại. Nói cho em nghe này, em rời đi như vậy không phải là khiến chị hạnh phúc đâu nhé. Em làm thế chẳng những chị không hạnh phúc, Dương không hạnh phúc mà em cũng chẳng hạnh phúc, mà cả ba không hạnh phúc thì Sam, So rồi ông bà làm sao mà hạnh phúc được? Thế nên em và Dương quay lại, hai người tái hợp, em để anh ấy chăm sóc cho em, đến khi khoẻ mạnh trở về cả gia đình bốn người sống với nhau hạnh phúc thì chị, ông bà, mọi người cũng sẽ vui vẻ, nhẹ lòng hơn. Dù gì chị cũng chả vướng bận gì, em đánh giá chị thấp hay sao, nghĩ chị gái mình kém cỏi lắm, không kiếm ai tử tế hơn Dương được chắc mà phải làm thế?

Khi chị nói đến đây, Dương bên ngoài cũng đi vào, anh bình thản cất lời:

– Em tưởng anh có giá lắm à? Trước khi sang Pháp công tác, cô ấy nói với anh muốn suy nghĩ lại mối quan hệ này một lần, trước ngày em rời đi khoảng hai ngày, cô ấy ở bên Pháp nói với anh muốn dừng lại, không muốn kết hôn nữa, đợi về Việt Nam sẽ thông báo lại với mẹ anh. Anh lúc ấy có nhớ gì đâu, chỉ nghĩ cô ấy là vợ sắp cưới nên lúc cô ấy nói như vậy cũng hoang mang. Chính cô ấy còn nói với anh Sam, So là con của anh và em, còn nói, cô ấy và em gái đã mồ côi từ nhỏ, không có cha mẹ, cô ấy nghĩ kỹ lại rồi, không muốn Sam, So có một gia đình không trọn vẹn, lại cũng không còn cảm thấy tình cảm dành cho anh như lúc trước khi anh huỷ hôn nữa, vả lại giờ anh mất trí nhớ nhưng sau này kiểu gì cũng sẽ nhớ lại, nếu tranh thủ kết hôn với anh lúc này thì chẳng quân tử chút nào nên chỉ muốn cùng anh làm bạn như trước kia. Nhưng thực sự, lúc ấy, anh chưa nhớ ra em là ai cả, cũng không biết yêu đương thế nào mà có Sam, So, mẹ anh thì nói Việt là chồng em, Sam, So là sự cố nên anh vẫn chưa hiểu mối bòng bong ấy ra sao, định đợi ra viện sẽ tìm em tìm hiểu mọi chuyện… ai ngờ…
– Đấy, thế nên em khỏi phải day dứt nữa nhé! Chị không phải vì em mà buông tay, chị vì chính bản thân chị, nên nếu em mà cứ day dứt mãi chuyện này rồi đẩy anh Dương ra xa, chị giới thiệu anh Dương cho bạn chị đấy!

Nghe đến đây, tự dưng tôi lại khóc, chẳng biết là khóc vì điều gì, chỉ cảm thấy lồng ngực đau nhói vì thương, thương cả chị mà thương cả Dương, nhưng nhiều là một cảm giác như trút được gánh nặng, lòng nhẹ đi rất nhiều, từ nay tôi sẽ không còn dằn vặt, đau đớn, từ nay, tôi sẽ được yêu người mà tôi yêu, chẳng còn bất cứ gì ngăn cản được nữa. Chỉ có điều, Dương nhớ ra tôi rồi, chị cũng chẳng cạnh anh, nhưng tôi bây giờ, mang bệnh tật trong mình, nhìn cơ thể xấu xí, rệu rã này thực sự rất tự ti nên chỉ khẽ đáp lại:

– Nhìn em xấu xí thế này…

Nhưng còn chưa kịp đáp thì cả Dương và chị đã nói cùng một lúc. Dương thì nói:

– Xấu thì sao chứ? Anh yêu em có phải bởi em xinh đâu?

Còn chị thì bảo:

– Trong mắt chị lúc nào Kiều Anh cũng đều xinh cả.

Quả thực hai người như trái ngược nhau, một người thì phũ phàng, một người thì ra sức động viên. Chị tôi lại nhìn tôi nói tiếp:

– Năm hai tuổi, bố chở Kiều Anh ngã xe, cả mặt sứt một mảng da nhưng chị vẫn thấy xinh. Năm ba tuổi Kiều Anh trèo tường lại ngã gãy răng cửa, sau đó chơi đùa dùng kéo cắt hết một mảng tóc, răng vừa sún, tóc lại lởm chởm, chị vẫn thấy xinh. Năm bốn tuổi Kiều Anh rụng nốt mấy cái răng cửa trên, cửa dưới do ăn kẹo, ngã xuống mương bị lấm lem bùn đất chị vẫn thấy Kiều Anh xinh. Thế nên, dù giờ tóc Kiều Anh có trọc, môi có khô, thì chị vẫn luôn thấy em xinh đẹp như vậy. Và quan trọng hơn cả, dù trông em có thế nào thì cả nhà đều vẫn rất yêu em.
– Anh cũng vậy, dù em có thế nào ba bố con anh cũng vẫn rất yêu em – Dương nói chen vào!

Tôi nghe xong, phải hít hít mấy hơi vào mới không khóc nữa, nhưng sự xúc động đã trào dâng khắp cơ thể. Cuối cùng tôi đã thông suốt rồi, cuối cùng, tôi cũng đã có được lựa chọn của mình rồi.

Chị Như ở lại với tôi thêm một lúc rồi cũng đi ra khách sạn, Dương nói với tôi thực ra ban đầu chị đã tranh với anh quyền chăm sóc cho tôi, chị muốn tối ngủ cạnh tôi, muốn ở bên tôi như lúc tôi nhỏ nhưng Dương cũng tranh với chị nên hai người đã oẳn tù xì, chị thua nên đành để anh ở đây còn chị ra khách sạn ở sáng mai mới vào.
Trời tối rồi, tuy khách sạn cũng rất gần viện nhưng tôi sợ chị không thông thuộc đường, cũng may lúc ấy Vỹ Đình cũng tiện đường nên tôi nhờ cậu ấy đưa chị ra. Tiếng Trung chị không quá giỏi, nhưng vì Vạn Thịnh có nhiều đối tác người Trung nên chị chắc cũng biết chút ít đủ để giao tiếp qua loa nên tôi cũng yên tâm hơn. Khi chỉ còn tôi và Dương ở cạnh nhau, anh mới khẽ nắm lấy đôi tay gầy gò của tôi. Tôi biết, chắc anh cũng giận tôi nhiều lắm, anh yêu tôi nhiều đến như vậy nhưng năm lần bảy lượt tôi đều chọn cách rời bỏ anh. Thế nhưng chẳng biết vì giờ tôi bệnh tật, hay bởi vì lòng bao dung quá lớn, anh quá thương tôi nên vẫn không thèm chấp tôi. Tôi nhìn anh, đắn đo mãi mới hỏi anh:

– Anh nhớ lại… từ lúc nào?
– Thật ra, trước ngày em đi mấy ngày đầu óc anh đã thi thoảng loẹt xoẹt chút ký ức về em rồi nhưng mơ hồ không rõ. Đến ngày em rời đi, lúc em hôn anh, em khóc, tỉnh lại thấy em đã chạy ra khỏi phòng. Lúc ấy anh thấy cảnh tượng ấy quen lắm, đầu đau như búa bổ, rồi bỗng dưng như vỡ đê, cửa phòng mở, rèm cửa lách cách bay anh thấy giống hệt lúc em nói chia tay anh năm nào. Cuối cùng cũng nhớ được ra mà lúc ấy đầu như vỡ ra rồi lại bị ngất, bác sĩ phải đưa vào phòng cấp cứu. Đến khi tỉnh lại vội vã đi tìm em, tìm khắp nơi mà em đã bỏ đi. Em đúng là con người tàn nhẫn mà.
– Vậy sao anh biết em ở đây mà tìm?
– Là Như tìm được em trước…
– Chị Như?

Lúc này, Dương cũng mới kể với tôi, trước ngày tôi đi một hôm, khi chị Như vẫn còn ở Pháp, ông bà nội tôi đã gọi nói với chị về chuyện con Liên Anh không phải em ruột chị. Tuy tôi đã thỉnh cầu, nhưng ông bà nội cũng không cam tâm giấu chị chuyện này, ông bà không nói ra tôi là em gái ruột luôn nhưng nghe kể con Liên Anh không phải em ruột mà chỉ lừa dối suốt gần mười năm nay chị đã dần nghi hoặc bởi vì dù con Liên Anh có lừa dối thì sợi dây chuyền vẫn là thật. Lúc ấy, chị đã gọi cho Việt hỏi về tôi, anh ta đã kể với chị mấy chuyện bốn năm chúng tôi chung sống, anh ta còn kể với chị chuyện tôi đi khám ở khoa sản, nếu không nhầm, anh ta láng máng nghe được bác sĩ nói nghi ngờ tôi bị ung thư cổ tử cung dù cho tôi phủ nhận với anh ta. Ngay khi nghe đến đây, chị đã bàng hoàng, lập tức bay về Việt Nam bởi vì mẹ của chúng tôi cũng mất vì căn bệnh ấy. Một người thông minh như chị, đã suy đoán được ra tôi bị tráo đổi thân phận với con Liên Anh, bởi vì chắc chắn chiếc dây chuyền ấy không dưng mà con Liên Anh có được. Bay suốt mười hai tiếng dài đằng đẵng, chị gần như không chợp mắt, về đến Việt Nam gấp gáp lái xe từ Hà Nội xuống đến Quảng Ninh để vào viện tìm tôi. Nhưng đến nơi y tá nói tôi đã ra viện rồi, chị xin thông tin địa chỉ nhưng y tá nhất quyết không cho chỉ đành nài nỉ Việt dẫn chị đến căn penthouse mà Dương mua cho tôi. Đáng tiếc đến nơi, tôi đã đi mất rồi, chị không biết tôi đi đâu, không có cách nào để xác minh chỉ đành lấy tóc của Sam, So mang đi xét nghiệm. Đến khi xác nhận Sam, So có quan hệ huyết thống với chị, chị đã gần như gục ngã ở trung tâm xét nghiệm. Mẹ Dương lúc đó… cũng đưa bức thư tôi viết cho chị. Chị đã ngồi ở căn penthouse ấy đọc bức thư mà tôi viết, khóc như một đứa trẻ. Suốt những ngày sau đó chị và ông bà tìm kiếm thông tin của tôi khắp nơi. Lúc biết tôi từng khám ở khoa sản, biết bác sĩ Quân là người lấy mẫu, tư vấn cho tôi chị đã đến tìm bác sĩ Quân. Nhưng lúc ấy bác sĩ Quân đã được cử đi sang nước ngoài học chuyên tu nửa năm. Chị cùng ông bà và cả Dương đã đi khắp các bệnh viện ở Việt Nam tìm tôi nhưng không tìm được. Sau cùng, không tìm được ở Việt Nam, Dương đã sang Trung Quốc tìm tôi bởi anh hi vọng rằng tôi có đi nước ngoài thì cũng chỉ sang Trung thôi còn chị thì tìm kiếm thông tin của bác sĩ Quân. Tìm suốt mấy tuần chị cũng biết bác sĩ Quân là con trai của tập đoàn Quân Khánh – cũng là một trong những đối tác làm ăn của Vạn Thịnh. Khi đó, chị và ông bà nội đã tìm đến gia đình bác sĩ Quân, nhờ gia đình kết nối với hi vọng rằng bác sĩ Quân biết tôi ở đâu. Lúc kết nối, bác sĩ Quân với tư cách đạo đức nghề nghiệp đã không tiết lộ việc tôi sang bên Bắc Kinh chữa bệnh. Cuối cùng, chị đã gần như quỳ lạy van xin, chị đã kể với bác sĩ Quân và gia đình anh ấy về tuổi thơ của tôi và chị. Sau cùng có lẽ bởi không đành lòng bác sĩ Quân cũng nói với chị bệnh viện mà tôi đang điều trị. Lúc ấy chị tức tốc sang bên này, Dương cũng vẫn vô vọng tìm kiếm, nghe tin ấy đã cùng chị đến bệnh viện Bắc Kinh nhân dân… cuối cùng thì cũng đã tìm được tôi!

Dương nói với tôi, suốt ba tháng nay, chị tôi gần như lúc nào cũng trong trạng thái suy sụp, tuyệt vọng. So với năm ấy để lạc mất tôi, lần này, chị còn khổ sở, bị giày vò hơn nhiều bởi biết tôi tại sao lại rời đi, bởi biết tôi bị bệnh giống mẹ năm xưa và bởi vì những gì mà tôi và chị đã trải qua suốt thời gian qua. Anh nói với tôi rằng, anh quen chị tôi bao năm, nhưng chưa bao giờ thấy chị tôi như vậy, ngày anh huỷ hôn, chị có buồn và suy nghĩ nhưng so với việc biết tôi là em gái thì việc huỷ hôn kia với chị chỉ là thứ chuyện lông gà vỏ tỏi. Nếu như không tìm được tôi, không phải chỉ mỗi anh, mà cả chị tôi cũng không biết phải sống thế nào. Ngày ấy, khi bố mẹ tôi mất, chị cũng muốn chết đi cho rồi, nhưng vì tôi, vì nghĩ phải làm chỗ dựa cho tôi nên chị phải cố gắng để sống. Năm ấy chị cũng không hề muốn đi tìm ông bà, bởi chị luôn nghĩ vì ông bà mà bố mẹ mới mất. Nhưng lại vẫn vì tôi, chị không muốn để tôi sống trong cảnh đói khổ nên mới dẫn tôi đi tìm, với hi vọng rằng sẽ cho tôi cuộc sống tốt đẹp hơn. Bao năm tôi lưu lạc là bấy nhiêu năm chị mỏi mòn chờ đợi, ân hận khôn nguôi. Anh còn nói với tôi, thực ra cũng không hẳn là chị tôi yêu anh, mà có lẽ bởi tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng phải gồng mình lên để mạnh mẽ nên khi gặp anh, được anh giúp đỡ chị lầm tưởng đó là tình yêu nên mới muốn ở cạnh anh. Đến sau này khi anh mất trí nhớ chị cũng mới dần thông suốt, dù khi ấy chưa biết tôi là em chị cũng đã tự mình buông tay anh trước rồi nên anh mong tôi cũng nghĩ thông suốt lại. Tôi nghe anh nói, tuy không khóc được nữa nhưng thấy lòng vẫn nhói lên. Không cần phải đoán tôi cũng biết chị tôi thời gian qua đã sống thế nào, đã tìm tôi ra sao. Tôi ngửa cổ lên, hít một hơi, tất nhiên là giờ tôi cũng thông suốt cả rồi.

Đêm hôm ấy, Dương nằm ôm tôi ngủ. Thực ra tôi cũng là phụ nữ, ai mà chẳng mong mình đẹp trước người mình yêu, thấy bản thân thế này vẫn có chút tự ti. Tóc tôi chẳng còn, nhưng anh cũng chẳng bận tâm vẫn ôm tôi vào lòng, thi thoảng cằm lại cọ lên trên đỉnh đầu trắng trơn ấy. Trong bóng đêm tịch mịch, tôi khẽ hỏi anh:

– Dương, anh giận em lắm đúng không?
– Thật ra thì anh cũng giận em, nhưng anh giận anh nhiều hơn. Anh giận anh vì sao mất trí nhớ, anh giận anh vì sao lại quên em đi trong lúc ấy. Bởi khi biết em và Như là chị em ruột, anh đã từng nghĩ đến chuyện, với tính cách của em, em sẽ buông tay anh rồi. Anh giận bản thân rất nhiều, giận anh đã để em phải chịu khổ cực, giận mình đã để em ở nơi này một mình suốt mấy tháng nay, chưa ngày nào anh không thôi dằn vặt mình. Hôm nay, khi tìm được em ở đây, lúc em đang bị biến chứng khi phẫu thuật, anh đã không thể nào tưởng tượng được nếu em có mệnh hệ gì anh phải sống thế nào. Khi em tỉnh lại, lúc em nhắc đến anh và Như anh thật sự không kiểm soát được, anh rất muốn chửi mắng em vì sao lại rời bỏ anh như vậy, vì sao năm lần bảy lượt tàn nhẫn với anh, coi anh chẳng ra gì, thích thì đến, không thích thì bỏ. Nhưng rồi nhìn em trước mặt mình, thấy em thế này… anh lại không sao có thể giận em nổi. Nhìn em… anh rất đau lòng, rất thương em. Thật sự, anh rất thương em, thương em nhiều lắm. Thương em trước kia một mình vất vả sinh con cho anh, nuôi con khôn lớn, thương em giờ đây bệnh tật hành hạ, thương em ở nơi này cô độc một mình… nghĩ thôi… đã không chịu được.

Tôi không biết Dương có khóc hay không, nhưng nghe anh nói vậy tôi cũng thấy má mình ươn ướt. Cuối cùng, tôi cũng lấy hết dũng khí và can đảm nói với anh:

– Dương! Em sẽ cố gắng chữa bệnh, nếu như khỏi bệnh rồi, cả nhà mình bốn người sẽ quay về với nhau…
– Em yên tâm, chắc chắn là sẽ khỏi bệnh thôi. Có anh và Như ở đây, em sẽ không phải đơn độc chống chọi một mình nữa. Còn chuyện quay về với nhau, đó là tất nhiên rồi. Nếu em không về, anh cũng bắt về bằng được, lần sau, em còn dám trốn đi như vậy anh sẽ không nương tay nữa đâu!
– Em không dám nữa đâu!
– Không dám thật không?
– Thật! Em hứa đấy! Em sẽ không bỏ anh đi nữa, sẽ trở về bên anh không rời xa, bởi em biết nếu em không về anh sẽ bỏ tất cả để đi tìm em, nếu em không về anh sẽ rất khổ đau, nếu em không về anh sẽ nhớ nhung một đời. Nên em sẽ về với anh!
– Còn mẹ anh, mẹ anh mà vẫn ngăn cả thì sao?
– Thì chả sao cả, em vẫn sẽ bất chấp ở cạnh anh, em sẽ ở cạnh anh cả đời.

Dương nghe tôi nói vậy thì bật cười, gõ lên trán tôi mấy cái rồi ôm tôi chặt hơn. Anh không nói gì đến mẹ anh nữa, nhưng thấy anh cười như vậy tôi cũng ngầm hiểu rằng mẹ anh đã đồng ý rồi, mà dù bà có ngăn cản thì cũng chả ảnh hưởng gì đến chúng tôi nữa. Đêm ấy, tôi nằm trong vòng tay anh, lần đầu tiên sau không biết bao nhiêu tháng ngày, sau những khổ đau, dằn vặt về cả thể xác lẫn tinh thần, ở một nơi thế này tôi ngủ một giấc ngon đến vậy.

Ngày hôm sau, khi tỉnh dậy trời sáng rồi, chị Như cũng đã vào với tôi. Chị với Vỹ Đình mang cho tôi quả mâm xôi và Kiwi sạch. Lúc gọt kiwi chị khẽ nói với tôi:

– Hồi nhỏ, em rất thích ăn kiwi, em có nhớ không?

Tôi nhìn quả kiwi trên tay chị, nhớ lại lúc nhỏ ở bên Nga, tôi rất thích ăn kiwi, sau này về Việt Nam, phần vì bố mẹ không có điều kiện, phần vì ở Việt Nam hồi ấy quả kiwi không phổ biến nên tôi cũng không được ăn nhiều, có đúng mỗi dịp Tết mới được ăn. Tôi cũng không rõ hồi ấy chị có thích ăn kiwi không, nhưng lần nào chị cũng nhường cho tôi và không đụng miếng nào. Thấy chị không ăn, tôi cũng hồn nhiên ăn hết, ăn xong vẫn thèm thuồng nhìn mấy cái vỏ đã vứt trong thùng rác. Chị còn nói, đợi lớn lên chị kiếm tiền, sẽ mua thật nhiều kiwi cho tôi ăn, đợi chị lớn rồi, có tiền rồi, món gì tôi thích cũng đều mua cho tôi. Hồi nhỏ cứ ngây ngô cho rằng lời nói khi nhỏ lớn lên sẽ thực hiện được, nhưng khi lớn rồi mới hiểu, kỳ thực, trên đời này quá nhiều biến cố xảy ra, chị em tôi đã xa nhau biết bao năm, có bao chuyện đã trải qua đối phương cũng không biết được. Nhưng cũng xem như ông trời còn thương tôi và chị, ít nhất cũng đã cho tôi và chị gặp lại nhau. Tôi ăn miếng kiwi chị gọt cho tôi, tuy không còn cảm nhận được nó mang hương vị lúc nhỏ nữa mà cảm thấy giống như đã kết tinh tất cả những vui buồn của cuộc đời lại nhưng vẫn thấy rất ngon.

Sau khi ăn sáng xong, Vỹ Đình và giáo sư cũng thăm khám lại cho tôi lần nữa. Đến khi xác định đã ổn, Dương cũng mở máy tính lên kết nối với Sam, So cho tôi nói chuyện với con. Suốt hơn ba tháng ở nơi này tôi chỉ có thể nhìn con qua những bức hình, đây là lần đầu tiên nói chuyện với Sam, So qua màn hình. Tôi vì sợ con nhìn thấy mái tóc trọc lóc của tôi nên phải đội mũ vào, lúc kết nối nhìn vào màn hình thấy mẹ của Dương đầu tiên, có lẽ bà giúp Sam, So kết nối với tôi thôi nên lúc kết nối được bà cũng ra chỗ khác. Khi vừa nhìn thấy tôi, Sam, So đã oà lên khóc gọi tôi:

– Mẹ ơi….

Trẻ con mà, dù có hiểu chuyện đến đâu đi chăng nữa cũng không thể che giấu cảm xúc được như người lớn. Suốt ba tháng xa mẹ, dù cho trước mặt người khác vẫn luôn ngoan ngoãn thì trước mặt mẹ Sam, So vẫn chỉ là những đứa trẻ ngây ngô. Tôi thấy con khóc, không kìm được, muốn đưa tay lau nước mắt cho con nhưng lại cách nhau một màn hình, muốn ôm con nhưng lại xa xôi muôn vạn dặm. Bao nhớ nhung, thương xót mà sao chẳng thể làm gì được, ba mẹ con cứ nhìn nhau qua màn hình ấy mà khóc mãi. Cuối cùng rất lâu sau có thể nghẹn ngào nói:

– Sam, So ngoan, đừng khóc, ngoan, sắp sinh nhật, còn bốn tháng nữa thôi, đợi sinh nhật Sam, So mẹ sẽ về.

Nghe tôi nói vậy, Sam, So cố đưa tay quệt nước mắt nhưng má vẫn ướt đẫm gật gật đầu:

– Dạ vâng, Sam, So nhớ rồi mẹ ạ. Tại mẹ đi lâu quá nên Sam, So nhớ quá thôi.
– Mẹ cũng nhớ Sam, So lắm, nhưng ba mẹ con mình phải cố gắng mạnh mẽ nhớ chưa?
– Vâng ạ. Mà mẹ ơi, mẹ đi công tác ở đâu mà mẹ phải đội mũ, bên ấy lạnh lắm hả mẹ?

Thấy con hỏi, tôi cũng phải kìm nén lại, hít một hơi rồi đáp:

– Cũng hơi lạnh chút thôi con ạ.
– Dạ vâng, ở nhà mình không lạnh chút nào, có nhiều nắng lắm mẹ ạ.
– …
– Mẹ ơi! Ở đây có nắng rồi mẹ về sẽ không cần đội mũ nữa đâu.

Có lẽ ai làm mẹ rồi, cũng không thể kìm nén được trước những lời nói ngây ngô của con trẻ. Tôi để mặc một giọt nước lăn xuống đáp:

– Sam, So đợi mẹ về nhé!
– Vâng, mẹ cũng đừng khóc nữa mẹ nhé! Sam, So yêu mẹ!
– Mẹ cũng yêu Sam, So nhiều lắm, Sam, So ngoan, từ nay vài ngày mẹ sẽ gọi cho Sam, So một lần có được không nào?
– Dạ được mẹ ơi.

Nói chuyện với Sam, So xong tắt máy rồi tôi vẫn nhớ con da diết. Nhớ đến mức chỉ muốn lao về chẳng cần chữa trị gì nữa, ôm lấy hai đứa, vùi đầu vào lòng hai đứa, siết chặt thân thể nhỏ bé ấy, ôm hôn không dứt. Nhưng mà… nếu vậy thì chỉ có một thời gian ngắn ngủi được cạnh con… nếu vậy chẳng phải giống mẹ tôi năm xưa, bỏ hai chị em tôi khi chị em tôi còn non dại đó sao? Tôi phải cố gắng, nhớ nhung cũng phải chiến đấu, vì tất cả những người thân yêu của tôi ở đây!

Những ngày sau đó, tôi vẫn chưa bước vào đợt xạ trị tiếp theo. Nghe giáo sư nói, có thể sẽ áp dụng thêm vài phương pháp mới tiên tiến hơn để đẩy nhanh quá trình tiêu diệt tế bào ung thư của tôi. Chị Như ngày nào cũng cùng Vỹ Đình và giáo sư trong phòng hội chẩn, tuy chị không quá giỏi tiếng Trung nhưng chị vẫn lắng nghe rất kỹ, từ chuyên ngành nào khó chị đều dùng phần mềm dịch để nói chuyện với Vỹ Đình, nhờ Vỹ Đình ghi lại để hỏi tôi. Còn Dương thì lúc nào cũng bên cạnh, chăm sóc cho tôi từng ly từng tí. Không còn cảnh tôi một mình đi mua cơm, không còn cảnh tôi một mình nghe hội chẩn, không còn cảnh tôi tự mình giặt giũ đồ mà giờ đã có chị tôi với Dương ở cạnh. Mỗi bữa cơm ba người quây quần cạnh nhau, thi thoảng Vỹ Đình ở lại trực cũng ăn cơm cùng chúng tôi. Vì Dương và chị ai cũng tranh nhau chăm sóc tôi nên cuối cùng đành phải phân chia việc, chị tôi làm mấy việc lớn như nghe hội chẩn, chọn lựa phương án điều trị, còn Dương thì giặt giũ đồ cho tôi, lau người, tắm rửa. Anh nói với tôi đợt này tôi và chị ở đây đến khi nào tôi về sẽ về cùng tôi, Hoàng Dương có bố mẹ anh lo, Vạn Thịnh cũng có ông bà lo, chị cũng đã thông báo cho ông bà tình hình của tôi nên ông bà cũng yên tâm hơn. Tôi cũng gọi điện xin lỗi ông bà nhưng vì thấy tôi ông bà cũng chửi mắng, chẳng thèm chấp tôi chỉ sụt sùi dặn tôi phải cố gắng mạnh mẽ lên. Còn về cái Phương và Việt, tôi không nói gì về bệnh tình của mình, chỉ nhắn cho hai người tôi vẫn ổn là vội offline sợ mọi người lại gọi, lo lắng rồi lại khóc lóc thương tâm.

Sau ca phẫu thuật khoảng một tuần, buổi sáng thứ bảy hôm ấy chị Như dẫn tôi đi dạo loanh quanh dưới sân bệnh viện một vòng. Vừa đi vừa nói chuyện phiếm, thực ra hai chị em tôi cũng không có quá nhiều kỉ niệm, chỉ có đoạn ký ức những năm thơ ấu. Còn quãng thời gian sau này gặp nhau, có lẽ bởi chị sợ nhắc lại tôi buồn hay suy nghĩ nên không đả động gì, chỉ kể mấy chuyện ngày xưa tôi lẽo đẽo theo chị thế nào. Nói chuyện được một lúc bỗng dưng chị bảo với tôi:

– Kiều Anh, chị muốn dẫn em gặp một người.

Nghe chị nói đến đây, tôi bỗng kinh ngạc mất mấy giây. Ở nơi đất khách quê người này, tôi làm gì quen ai để gặp? Thế nhưng chị đã nói vậy tôi cũng đi theo chị. Ban đầu tưởng phải đi đâu xa lắm, nhưng chị lại dẫn tôi lên trên khoa phục hồi chức năng của bệnh viện. Tôi cũng không biết chị dẫn tôi đi gặp ai mà lại lên đây, đến khi vào trong một phòng bệnh, tôi đột nhiên bất động khi thấy thằng Tú đang ở trong phòng. Còn tưởng là một giấc mơ, một giấc mơ mà tôi chỉ dám có một hi vọng nhỏ nhoi. Thế nhưng trước mặt tôi là nó thật, bằng da, bằng thịt, tôi gần như không thể nhúc nhích nổi, cảm tưởng như cơ thể cũng không thể tiếp nhận nổi. Ngàn vạn lần tôi không thể tin được, ngàn vạn lần không thể nghĩ rằng em còn sống, ngàn vạn lần không nghĩ rằng lại gặp em ở chốn này. Tôi run rẩy đưa tay lên, bấu vào người một cái, đến khi xác nhận rất đau mới oà lên gọi tên em:

– Tú…

Tú đang được bác sĩ dùng đai nâng đỡ, chân em nặng nề tập đi từng bước một. Nghe tiếng tôi gọi, em cũng ngước mắt lên nhìn tôi, nhưng em không hề kinh ngạc khi thấy tôi ở đây, mà lê chân về phía tôi giọng nghẹn đi:

– Chị Trân!

Thế nhưng bước chân của em rất chậm, tuy đi được nhưng bước rất nhỏ, chân cũng vững, chị Như thấy vậy vội vã chạy vào đỡ em ra. Tôi cũng lao đến, ôm chầm lấy em, không muốn phải khóc mà sao vẫn nghèn nghẹn, nước mắt cứ thế tuôn ra. Em cũng nâng cánh tay nặng nhọc ôm tôi, em không khóc nhưng tôi nghe tiếng em nức nở:

– Chị, đừng khóc, đừng khóc…
– Tú ơi… Tú ơi…
– Đừng khóc nữa chị, em đây rồi, chị đừng khóc nữa mà… chị đừng khóc nữa, khóc nữa là em cũng khóc theo chị luôn đấy.

Nghe thấy em nói vậy, sao bỗng thấy thân quen quá buông em ra, đưa tay chạm lên mắt, mũi em, vừa chạm lại vừa thấy đau lòng. Đau lòng vì bao tháng ngày này em cũng phải lưu lạc xứ người, đau lòng cho cảnh hai chị em tôi gặp lại nhưng gia đình chẳng còn như lúc xưa, đau lòng bởi tôi và em rốt cuộc lại chẳng chung huyết thống. Tú cũng nhìn tôi, nhìn lên đầu tôi, dù tôi đã đội mũ rồi bảo:

– Chị còn phải xạ trị lâu nữa không?

Nghe em tôi hỏi vậy, tôi kinh ngạc hỏi lại:

– Sao… sao em biết chị xạ trị?

Tú khẽ cười buồn, vành mắt cũng đỏ lên:

– Em biết hết mọi chuyện rồi, biết cả chuyện bố mẹ và chị Liên Anh bị bắt…

Câu nói cuối cùng khiến tim tôi như bị ai gõ mạnh mấy cái. Tôi nhìn em, nhất thời sững lại, vốn nghĩ rằng gặp nhau ở đây, tôi sẽ chưa nói luôn chuyện ấy vì sợ em sốc mà em đã nói rồi. Em thấy tôi ngây người thì cốc lên trán tôi một cái nhưng giọng cũng hơi lạc đi:

– Lỗi của ai người ấy chịu, dù họ là bố mẹ và chị ruột của em, nhưng những gì họ gây ra… là em cũng rất khó tha thứ.
– Tú…
– Em biết trước khi sang đây chị đã âm thầm rút lại đơn kiện rồi, chỉ có bên Hoàng Dương vẫn giữ nguyên đơn kiện vì thuê gây ra rai nạn cho anh Dương. Lỗi của họ mà, được giảm án cũng đã là sự ban ơn rồi nên chị không cần áy náy hay thấy có lỗi với em gì đâu.
– Sao em lại biết những chuyện này?
– Chị biết ai là người đưa em lên viện này không?
– Chị không?
– Là người của tập đoàn thép Vạn Thịnh, họ cũng nói với em hết mọi chuyện để em đỡ sốc. Thật ra, lúc em đi tìm chị, em đã biết chuyện chị là con cháu nhà người ta rồi, định tìm được thì sẽ cùng chị đi tìm sự thật… không ngờ lại lưu lạc xứ người lâu đến vậy.

Tôi nghe xong, cũng khẽ quay sang nhìn chị Như. Lúc này chị cũng nói với tôi lúc Tú đi tìm tôi bị chìm tàu, may mắn em trôi dạt được vào một vách núi. Có một gia đình tốt bụng đi du lịch, trên con du thuyền sang trọng đã cứu em nhưng em bị thương rất nặng, đa chấn thương, được đưa về bệnh viện để cấp cứu. Em đã hôn mê suốt mấy tháng trời, gia đình giàu có kia đã bỏ tiền túi ra chữa trị cho em bởi em không có giấy tờ tuỳ thân, không có bảo hiểm, cũng không xác định được em là ai, ở đâu. Mãi ba tháng sau em mới tỉnh lại, nhưng người em quá nhiều vết thương vẫn phải nằm ở viện điều trị thêm một hai tháng nữa. Lúc ấy cũng là lúc tôi sang bên Trung Quốc, để lại bức thư cho ông bà nội tôi. Ông bà nội tôi theo thỉnh cầu ấy, phần vẫn tìm kiếm tôi, phần cũng cho người tìm Tú. Đến khi biết Tú đang trong viện ông bà đã trả toàn bộ tiền cho gia đình giàu có kia, cũng cảm ơn họ rồi tiếp tục để em điều trị. Lúc cả nhà tôi biết tin tôi ở viện Bắc Kinh cũng đã nhờ người đưa em từ viện đang nằm lên đây luôn, phần vì để cho em được gần tôi, phần vì ở đây là bệnh viện lớn, em bị biến chứng của tai nạn, chân và cột sống ảnh hưởng nên nếu được phục hồi chức năng ở đây sẽ có cơ hội khỏi hoàn toàn. Tú cũng biết chuyện cái Phương mang thai rồi, nhưng hiện tại em đang thế này nên cũng chưa dám gọi về, vả lại Phương mang thai, Tú cũng sợ giờ nói ra Phương xúc động quá, chẳng biết với tính cách của cái Phương nó sẽ làm thì, sợ lại mò sang bên này Tú không yên tâm. Nó bảo đợi Phương sinh con xong mới báo cho Phương biết.

Lúc này tôi cũng chẳng biết phải nói gì cho đặng, cảm ơn trời phật đã phù hộ cho Tú được sống sót, nhưng cũng thầm than trách ông trời sao mà trớ trêu đến thế, sắp đặt số phận trái ngang… Hai chị em tôi cứ mừng mừng, tủi tủi nhìn nhau, cả hai có lẽ đều có nỗi lòng riêng nên không nhắc thêm đến chuyện bố mẹ hờ của tôi và con Liên Anh bị bắt nữa mà chỉ ngồi hỏi han về tình hình sức khoẻ, hỏi đến Sam, So… Đến khi tôi quay trở về phòng, Tú cũng nói với tôi:

– Chị cố gắng chữa trị bệnh, em cũng cố gắng trị liệu vật lý, phục hồi chức năng. Khỏi rồi… hai chị em mình cùng về.

Khi từ khoa phục hồi chức năng về, lòng tôi cứ nặng trĩu. Tôi thương em trai quá đỗi, dù chẳng chung dòng máu nhưng tôi quả thực coi em như em ruột của mình. Tú cũng thương tôi, vì tôi mà làm bao việc, còn vì tôi mà thành ra thế này. Tôi thương em lưu lạc xứ người như tôi, cô độc một mình chiến đấu với tử thần, giờ nếu trở về lại cô độc một mình trong chính ngôi nhà của mình. Dù cho bố mẹ và chị gái ruột của Tú độc ác bao nhiêu, tôi vẫn cảm thấy thương xót em trai vô cùng. Thấy tôi như vậy chị Như vừa dìu tôi lên cầu thang vừa nói:

– Chị biết em đang nghĩ gì, nhưng em chẳng có lỗi gì cả, không cần phải áy náy và nặng lòng. Cậu ấy đi tìm em bị thành ra như vậy không phải do em mà do gia đình cậu ấy. Cậu ấy là người hiểu biết, tốt bụng chắc chắn cũng biết rõ những điều ấy. Ít ra cậu ấy cũng đã sống sót trở về, cũng đang được chữa trị rồi em đừng buồn. Cậu ấy còn có em, có vợ chưa cưới và một đứa con nữa. Để đám người kia ung dung tự tác mới là điều khiến cậu ấy khổ sở, dằn vặt nhất ấy. Ai làm gì thì cũng đều phải tự chịu trách nhiệm với việc mình làm, ác thì phải trả giá để biết đời vẫn còn luật nhân quả.
– Dạ vâng, em biết rồi.
– Thế thì cười lên nào! Em phải nhớ trước khi nghĩ cho người khác thì phải nghĩ cho mình đầu tiên đã, cứ nghĩ mãi cho người khác thì mình sẽ phải chịu khổ đấy, từ nay phải sống cho chính mình, làm điều mình thích, ăn món mình muốn ăn, yêu người mình yêu hiểu chưa cô bé ngốc?

Nghe chị nói vậy, tôi cũng thấy lòng nhẹ đi rất nhiều khẽ bật cười gật gật đầu.

Những ngày sau đó tôi bắt đầu tiếp tục những đợt xạ trị tiếp theo. Thế nhưng giờ tôi không còn một mình bên xứ người cô đơn chống chọi bệnh tật nữa, không còn một mình đơn độc bị cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần giày vò. Mỗi lần xạ trị xong, bước ra ngoài đều có chị tôi và Dương đỡ lấy tôi. Những lúc ăn vào nôn ra, không còn cảnh tự mình nôn thốc nôn tháo mà khi thì là chị, khi là Dương đứng sau vỗ lưng cho tôi, lấy khăn ấm lau mặt mũi, tay chân cho tôi. Có những đêm, tôi đau quằn quại, nhưng cũng không còn nín nhịn, nuốt cơn đau vào trong bởi đã có hai người thương tôi, ngày đêm thay nhau xoa bóp chân tay, cơ thể cho tôi. Ở một nơi xa xôi thế này, cách Việt Nam cả vài giờ bay, nhưng cảm giác hạnh phúc, tuyệt diệu nhất là có hai người yêu thương tôi bất chấp tất cả những khổ đau trên đời!

Ngoài ra, tôi còn có Tú, em trai tôi thi thoảng lại ngồi xe lăn xuống, động viên tình thần cho tôi. Hai chị em tôi cứ thế an ủi nhau, dựa vào nhau, cố gắng rèn luyện bản lĩnh và tinh thần, cố gắng lạc quan và vui vẻ, cố gắng mạnh mẽ, chiến đâu với bệnh tật. Tôi còn có cả Sam, So, tuy hai đứa chẳng biết tôi đi đâu, nhưng kết thúc mỗi đợt xạ trị, gọi về cho hai đứa, nghe hai đứa nói cười, kể chuyện, hát hò tôi cũng thấy hạnh phúc dạt dào. Tôi còn có cả người bạn, là Vỹ Đình, cậu ấy vừa là người bác sĩ chữa trị cho tôi vừa là người bạn đồng hành của tôi suốt thời gian xạ trị. Mỗi ngày, cậu ấy và chị Như đều mang cho tôi rất nhiều hoa quả tươi sạch, thơm ngon. Có lần nghỉ, cậu ấy còn đưa chị Như về nông trại nhà mình, hái xuống cho tôi một rổ quả lựu, đào, táo. Hầu như tuần nào chị Như cũng theo Vỹ Đình về trang trại ấy chọn quả cho tôi, quả cũng đa dạng và nhiều đến mức tôi ăn còn chẳng xuể. Thế nhưng dù cho chị tôi muốn trả tiền Vỹ Đình nhất quyết không lấy dù chỉ một xu. Chị tôi sợ nhất là mắc nợ người khác, không biết phải làm thế nào, lại chẳng biết phải mua gì nên mấy lần cầm tiền nhân lúc Vỹ Đình không để ý liền nhét vào túi cho cậu ấy. Nhưng cậu ấy tinh lắm, mấy lần chị nhét là mấy lần mang trả lại, có lần bực quá còn mắng chị té tát. Nhìn cảnh Vỹ Đình mắng chị bằng tiếng Trung, chị cãi lại bằng tiếng Việt tôi cười lăn lộn trên giường. Vỹ Đình cũng bất lực với chị, cầm tiền ấn vào túi áo chị xổ thêm mấy tràng tiếng Quảng Tây, chị cũng không vừa xổ lại bằng tiếng Nga, cứ thế chí choé cả ngày. Mặc dù lúc này tôi biết Vỹ Đình ngoài làm bác sĩ giỏi còn giỏi cả tiếng Anh, mà chị tôi cũng thế, giỏi cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh nhưng hai con người ấy vẫn nhất quyết không chịu giao tiếp bằng Tiếng Anh mới tài! Trước kia tôi luôn thấy chị cao cao tại thượng giống như Dương, cảm giác luôn xa cách, xinh đẹp quá đỗi, giỏi giang quá đỗi khiến tôi thấy không dám nói chuyện. Nhưng giờ tôi như nhìn được ra một mặt khác của chị, nhiều lúc còn thấy chị trẻ con chẳng khác gì Sam, So. Có điều vậy thôi chứ chị thương tôi vô bờ, hôm nào mà oẳn tù xì thắng Dương là đêm ấy chị không ngủ nằm cạnh bóp chân tay cho tôi. Tôi thấy chị cứ thức mãi như vậy, thương quá bảo chị ngủ đi lấy sức thì chị cười nói:

– Hồi nhỏ, chị còn thức cả đêm quạt cho em ngủ được, giờ có gì đâu mà mệt? Đằng nào sáng cũng thay ca với Dương, lúc ấy về tha hồ mà ngủ.

Thấy chị nói vậy tôi lại càng thương. Nhưng Dương bảo với tôi cứ kệ chị, chị tâm sự với anh rằng năm ấy mẹ tôi bị bệnh này mà mất, trong một đêm rất đỗi bình thường mẹ đã ra đi mà không hề báo trước. Cái chết ấy đến giờ vẫn khiến chị ám ảnh, nên lúc biết tôi bị giống mẹ, chị đã lo lắng cực độ, thương tôi cực độ, chị bảo chị đã để tôi lưu lạc bao năm, xa chị bao năm, giờ là lúc chị bù đắp cho tôi. Nên ngay cả khi chị oẳn tù xì bị thua, Dương ở lại chăm sóc đêm cho tôi chị cứ vài tiếng lại nhắn Dương trông tôi cho cẩn thận. Thấy chị lo cho tôi như vậy, tôi lại càng tự nhủ phải cố gắng chữa trị cho khỏi.
Kết thúc đợt xạ trị thứ ba, giáo sư kiểm tra cho tôi cũng nói tế bào ung thư của tôi gần như đã bị tiêu diệt hết, thêm một, hai đợt xạ trị nữa sẽ kiểm tra kỹ lại. Suốt thời gian ấy, chị Như, Dương và cả Tú, Vỹ Đình đều luôn cố gắng động viên tinh thần cho tôi. Tú giờ đã tự đi lại được rồi, tuy bước chân vẫn hơi khó nhọc nhưng đã không còn cần đến sự giúp đỡ của người bác sĩ hay dụng cụ hỗ trợ nữa nên cứ vài ngày em lại tự lên với tôi. Dưới sự động viên tinh thần của mọi người, với một khát khao cháy bỏng được trở về trước sinh nhật Sam, So, với sự hạnh phúc khi có được tình yêu thương, quan tâm của những người thân yêu, tôi luôn cố gắng ăn uống theo phác đồ, tuân thủ đúng mọi yêu cầu mà giáo sư và Vỹ Đình đưa ra. Cuối cùng, kết thúc đợt xạ trị thứ năm cũng là trước ngày sinh nhật Sam, So bốn ngày, giáo sư cũng cho kiểm tra, xét nghiệm lại thêm tận hai lần, cuối cùng nói trước mặt tôi, chị Như, Dương và Tú cũng bật cười nói:

– Xét nghiệm lần 2, đã không còn thấy tế bào ung thư, cô có thể trở về Việt Nam được rồi, ba tháng sau quay lại kiểm tra!

Nghe đến câu nói ấy, tôi đã ngẩng cao đầu lên, không muốn kìm nén lại nữa mà để mặc cho rơi một giọt lệ. Tôi khóc vì hạnh phúc, vì trải qua ngần ấy cố gắng của bản tôi và của cả những người thân yêu, cuối cùng tôi cũng được nghe một lời tôi muốn nghe. Có lẽ rằng đó là thứ âm thanh tuyệt diệu nhất, hạnh phúc nhất, là âm thanh của sự cố gắng chiến đấu không ngừng, là điều tuyệt diệu của tình yêu, tình thân mà mọi người dành cho tôi. Việt Nam ơi, tôi sắp trở về rồi! Sam, So ơi… mẹ sắp trở về rồi! Mọi người ơi, tôi sắp trở về rồi!

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (15 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN