Nếu Em Không Về - Phần 28: Ngoại truyện 2-1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
634


Nếu Em Không Về


Phần 28: Ngoại truyện 2-1


Sau khi nghe tin ấy, tôi sốt sắng đến mức chỉ muốn ngay lập tức bay về Việt Nam. Dù cho Dương và chị Như đã ra sức động viên kiểu gì cũng kịp về Việt Nam sinh nhật Sam, So thôi, tôi cứ ở lại thêm một hai ngày nghỉ ngơi cho khoẻ mà tôi vẫn thấy không chờ nổi. Chị Như thấy tôi như vậy, lại biết tôi nhớ Sam, So cuối cùng cũng phải đành chiều theo ý tôi đặt vé máy bay và làm thủ tục xuất viện cho tôi còn Dương phải chuẩn bị quần áo, đồ đạc để tất cả chúng tôi cùng về. Lúc này, Tú cũng đã phục hồi hoàn toàn, chị Như làm luôn thủ tục ra viện cho em, thanh toán toàn bộ tiền viện phí của tôi và của Tú.

Tuy rằng vô cùng sốt sắng việc quay về với Sam, So, nhưng tôi cũng vẫn không quên món quà đã hứa nên hôm ấy đã cùng Dương, và chị Như đi mua quà cho Sam, So, còn Tú thì ở lại chuẩn bị đồ của em. Thế nhưng vì sợ không biết đường, tuy tôi biết tiếng Trung nhưng đường đi lối lại vẫn mờ mịt nên quyết định nhờ Vỹ Đình dẫn đường. Vỹ Đình lái xe con xe Volvo XC90 Recharge chở ba chúng tôi ra trung tâm Bắc Kinh. Lúc lên xe Dương mới kể với tôi ngày ấy, lúc tôi trốn khỏi nhà lão Chư dưới sự giúp đỡ của Vỹ Đình, cuộc điện thoại cho cảnh sát Quảng Tây là Vỹ Đình gọi. Suốt thời gian mấy tháng tôi trị bệnh ở đây Vỹ Đình cũng rất thân thiết với Dương và chị Như, thế nên mấy chuyện này tôi cũng biết vì sao Dương lại biết. Dương và Vỹ Đình vẫn giao tiếp với nhau bằng Tiếng Anh, tôi thì không giỏi tiếng Anh lắm nên câu hiểu câu không. Đôi lúc tôi còn thấy Dương và Vỹ Đình nói chuyện phiếm với nhau, nhưng kẻ nói tiếng Trung, người nói tiếng Việt, thật bó tay luôn mà. Chị Như và Vỹ Đình thì chẳng nói chuyện phiếm được, cả ngày chí choé nhau, hết chuyện trả tiền viện cho tôi, bồi dưỡng cho Vỹ Đình và giáo sư đến chuyện chị muốn mua hoa quả ở nông trại nhà Vỹ Đình về cho tôi nhưng Vỹ Đình nhất quyết không nhận tiền mà cho luôn chị em tôi.

Dương nói với tôi, tính chị tôi xưa nay ghét nhất là mắc nợ người khác. Chơi cùng chị bao nhiêu năm, anh chưa từng cho không chị được bất cứ thứ gì, nếu cho chị được gì đó, kiểu gì chị cũng phải trả lại gấp đôi. Nhưng không hiểu sao, gặp Vỹ Đình chị cũng đành bất lực, trả tiền cho cậu ấy thì cậu ấy mang sang trả lại, hai người còn giằng co nhau mỗi chuyện tiền nong trong bệnh viện, giáo sư biết mắng cho té tát, chị tôi đành ngậm ngùi đem tiền về. Biết Vỹ Đình không nhận tiền, chị mua yến bồi bổ cho tôi với Tú, cũng mua biếu giáo sư và cậu ấy, giáo sư không nhận tiền nhưng chút quà của chị ông vẫn nhận, còn Vỹ Đình yến cũng không nhận nhất quyết đem sang trả, báo hại chị Như phải tự mình uống hết đống yến ấy. Thực ra, tuy rằng hơn hai mươi năm xa cách, nhưng tôi cũng hiểu phần nào tính cách của chị qua những đoạn ký ức của tôi. Năm ấy, khi bố tôi mất, dù nghèo khổ chị vẫn tự mình lấy tiền ra, đôi tay nhỏ bé, gầy gò run run xoè ra nắm tiền ấy nhờ người ta dẫn đi mua quan tài cho bố. Ấy thế mà giờ đây, chị vẫn phải khuất phục bởi bác sĩ Vỹ Đình. Tuy hay chí choé nhau là thế nhưng chị tôi và Vỹ Đình lại rất hay khen đối phương trước mặt tôi. Chị tôi nói với tôi, nhìn Vỹ Đình đần đần thế thôi chứ Vỹ Đình rất giỏi, làm bác sĩ nhưng rất biết cách đầu tư, chuỗi khách sạn ở Bắc Kinh cậu ấy đầu tư mỗi năm thu được rất nhiều tiền lãi. Tôi nhìn Vỹ Đình, quan sát kỹ lại một lượt, nhìn đi nhìn lại, từ lần tôi gặp cậu ấy ở nhà lão Chư đến giờ vẫn thấy Vỹ Đình rất đẹp trai, vóc dáng thì cao lớn, mắt Vỹ Đình rất sáng và trong, mũi cao, môi đỏ, gương mặt thật sự rất đẹp, trông rất giống diễn viên Bành Quán Anh. Thế mà chị tôi bảo Vỹ Đình đần, không biết là đần chỗ nào. Còn Vỹ Đình thì bảo với tôi, chị tôi trông hung dữ thế thôi nhưng lại rất tốt tính. Lần trước chị và Vỹ Đình lên nông trại có gặp một người làm chồng mất rồi, mình chị ấy phải bươn trải nuôi hai đứa con nhỏ, một đứa năm nay lên lớp một, một đứa lớp ba. Thế nhưng làm nông không đủ tiền cho con đi học, lại phải gánh trên lưng số nợ mà chị đã vay để chữa bệnh cho chồng nên hai đứa con không được đi học, còn phải theo mẹ ra nông trại nhà Vỹ Đình làm việc. Chị tôi biết chuyện ấy, bỏ một chút tiền ra giúp chị gái kia trả một khoản nợ, còn mở cho hai đứa con nhà chị gái kia một tài khoản để lo việc học tập cho hai bé ấy đến năm mười tám tuổi.

Nghe Vỹ Đình kể lại như vậy, tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên. Hồi chưa biết chị Như là chị gái tôi cũng được biết Vạn Thịnh có rất nhiều quỹ từ thiện không thương mại cho các em bé mồ côi, cơ nhỡ, cho các em bé có hoàn cảnh khó khăn. Mà toàn bộ số tiền từ thiện ấy đều là doanh thu do chị Như kiếm được chứ không phải ông bà tôi. Lúc ấy tôi không nghĩ gì nhiều, nhưng giờ tôi biết vì sao chị lại có nhiều hoạt động từ thiện cho trẻ em đến thế. Bởi tôi và chị năm ấy, từng trải qua một tuổi thơ cơ cực, khốn khó, từng phải nương tựa vào nhau mà sống, hai chị em tôi là những đứa trẻ bất hạnh, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa. Bởi chị hiểu được cảm giác bất hạnh của những đứa trẻ ấy. Bởi chị không muốn bất cứ đứa trẻ nào phải rơi vào hoàn cảnh của chị em tôi năm ấy. Mặc dù không thể giúp được hết, nhưng quỹ từ thiện của Vạn Thịnh đã giúp được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Khi nhớ đến đây, xe của Vỹ Đình cũng đến trung tâm thương mại lớn ở Bắc Kinh. Tôi biết Sam, So rất thích học số và chữ nên mua cho Sam, So mỗi đứa một bộ đồ chơi chữ, số loại cao cấp. Còn chị Như thì mua cho hai đứa bộ đồ phát triển logic loại đắt nhất trong cửa hàng, vừa mua chị vừa xổ tiếng Nga với Vỹ Đình. Vỹ Đình chả hiểu gì nhưng cũng không cam tâm khuất phục mà xổ một tràng tiếng Trung với chị:

– Cô mua mấy thứ này cho hai đứa trẻ bốn tuổi á? Cô nghĩ sao bốn tuổi mà chơi được đồ chơi thông minh cỡ này?

Chị Như nghe Vỹ Đình hỏi, tôi còn tưởng chị không hiểu gì, không ngờ chị quay sang nhún vai rồi nở nụ cười rất nhạt nói tiếng Việt với Vỹ Đình:

– Cháu tôi nó thông minh lắm không giống cậu đâu, mấy cái đồ này dạy vài ngày là biết chơi hết. Bốn tuổi mà biết hết mặt chữ rồi, có thể nhìn vào sách đọc được một bài thơ, một bài văn, số trong phạm vi 100 đã thông thuộc hết, đang học đến số 1000, học tính toán nhân chia cộng trừ, cậu nghĩ xem mấy đứa cỡ vậy sao không chơi được đồ này?

Tất nhiên Vỹ Đình khác với chị Như, Vỹ Đình chả hiểu chị nói gì nhưng cũng mặc kệ chị, cậu ấy mua cho So một bộ búp bê và Sam một cái bộ máy bay, ô tô dây cót tự động. Chị Như nhìn đồ chơi Vỹ Đình mua cho, tuy không ngăn cản nhưng cứ tủm tỉm cười rồi lẩm bẩm:

– Đúng là Vỹ Đình đần mà.

Sau khi mua đồ chơi cho Sam, So xong, Vỹ Đình lại chở chúng tôi đi ăn mấy món ăn Trung Quốc nổi tiếng rồi quay trở lại viện đón Tú lấy hành lý ra sân bay. Lúc rời bệnh viện, chia tay giáo sư và Vỹ Đình lòng ai cũng bịn rịn, quyến luyến, bao tháng ngày ở đây, cùng nhau chiến đấu với bệnh tật, tuy rằng rất muốn về với Sam, So nhưng phút giây này vẫn thấy có chút nuối tiếc. Đến khi ra xe, Vỹ Đình và giáo sư vẫn đứng ở sảnh tiễn chúng tôi, xe đi khuất mới vào bên trong.

Suốt hơn ba tiếng ngồi trên máy bay từ Bắc Kinh về Việt Nam, tôi không biết chị tôi, Tú và Dương thế nào nhưng tôi nhấp nhổm không yên. Lần này, tuy rằng không giống như lần trước khi tôi bị bắt làm vợ lẽ của lão Chư, nhưng nỗi nhớ nhung con lại nhiều gấp trăm ngàn lần. Bởi tôi đã đi lâu đến vậy, bởi tôi đã phải trải qua những tháng ngày chống chọi với bệnh tật, giằng giật sợi dây sinh tử với tử thần, bởi không người mẹ nào có thể chịu đựng được cảm giác xa con một ngày huống chi là cả mấy trăm ngày dài đằng đằng.

Khi đến sân bay Việt Nam, ông bà nội tôi đã chờ sẵn. Nhìn thấy ông bà nội đứng ở đây, tôi bỗng thấy xúc động nghẹn ngào. Ngày tôi đi chỉ có mình tôi đơn độc ở sân bay, ngày trở về lại có người tôi yêu, có chị gái, em trai cùng trở về, có ông bà đón tôi. Chẳng còn cảnh tôi cô độc một mình chống chọi với tất cả những bất hạnh trên đời này nữa rồi. Suốt đoạn đường từ sân bay về nhà Dương, ông bà liên tục hỏi có ổn không, còn mệt không, nhìn thấy mái đầu đang lởm chởm mọc tóc của tôi bà nội tôi cứ khóc mãi. Vừa khóc vừa cầm tay tôi nói:

– Khổ thân Kiều Anh của bà…

Nói đến đây bà lại quay mặt đi, nức nở như tự nói với lòng mình:

– Khổ thân Kiều Anh của bà, từ nhỏ đã phải mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã bị lưu lạc suốt hơn hai mươi năm, bị người ta hành hà, chà đạp… rồi còn phải tự mình chống chọi với bệnh tật… con bé ngốc này… may mà…

Nói đến đây, bà lại nghẹn đi không nói được gì nữa cứ thế khóc. Ông nội tôi thì cứng rắn hơn, không khóc nhưng vành nắt đỏ lên. Chị Như thấy bà nội cứ khóc mãi như vậy thì không chịu được khẽ nhắc:

– Bà, con bé nó khoẻ mạnh về rồi, bà đừng khóc nữa. Bác sĩ bảo bà không nên xúc động quá, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ còn gì.
– Ừ! Bà không khóc nữa, tại bà thương Kiều Anh quá thôi. Bà thương hai đứa cháu gái của bà…
– Được rồi mà bà, bà thương cháu với em thì không được khóc nữa nghe chưa nào? Bà phải giữ gìn sức khoẻ còn trông chắt nữa chứ…
– Sam, So nó ngoan như gì ấy sao mà phải trông. Chơi với chúng nó cả ngày vui còn chẳng hết nữa là.
– Thì đấy là Sam, So, bà giữ gìn sức khoẻ sau này bà còn phải trông con cho cháu nữa.
– Ui giời, chị cứ lấy chồng sinh con đi, tôi trông cho hết, Vạn Thịnh chị em chị lo cho vợ chồng tôi. Con các chị cứ đưa hết cho vợ chồng tôi.

Tôi và chị Như nghe bà nói như vậy thì bật cười, bà cũng mới ngưng khóc bật cười theo chị em tôi. Xe chầm chậm theo con đường quốc lộ về đến trung tâm Hà Nội. Đến một căn biệt thự to lớn, cũng dừng lại. Khi tôi vừa xuống xe, cũng thấy xe của mẹ Dương từ phía đối diện tiến đến, dường như là Sam, So vừa đi học về, từ trên xe bước xuống vai vẫn còn đeo cặp. Vừa nhìn thấy con, tất cả mọi cảm xúc của tôi cũng như vỡ oà ra. Tôi không kìm chế được, lao thẳng về phía hai con. Thấy tôi, Sam, So cũng ngơ ngác bất ngờ mấy giây, sau cùng cũng vội vã lao đến gọi tôi:

– Mẹ!

Chỉ một tiếng mẹ vậy thôi, tôi cũng thấy tim mình như có ai bóp nghẹn bật khóc nức nở. Đến khi ôm chặt Sam, So, vẫn ngỡ là một giấc mơ. Không phải là một tháng mà hơn nửa năm đã trôi qua rồi, nửa năm tôi đi, Sam, So đã lớn biết chừng nào, nửa năm tôi, nhớ con biết chừng nào. Tôi vừa ôm con vừa khóc nấc lên, bao nhớ thương không sao kể xiết, tôi còn khóc nhiều hơn cả ngày trở về trước kia. Khóc vì những đơn đau, dằn vặt đã qua, khóc vì cuối cùng đã được ôm con bằng da, bằng thịt vào lòng. Tôi cứ vùi mặt vào người hai đứa mà khóc, để mặc cho những giọt nước mắt lăn, chẳng muốn kìm nén chút nào nữa. Ôm con rồi, lại hôn lên mắt, lên mũi con… Ngày tôi ra đi, Sam, So còn đang ngủ, cảnh chia ly đớn đau, khổ sở ra sao, giờ quay về rồi nhưng lòng vẫn thấy thương đau vô ngàn. Thương Sam, So của tôi nhiều lắm. Thương hai đứa phải xa tôi bao lâu như vậy, những nhớ nhung hai đứa cũng phải cất giấu đi, kìm nén lại, thương mà một lời cũng chẳng thể nói hết được. Sam, So cũng ôm lấy tôi khóc, vừa khóc vừa nghẹn ngào nói:

– Mẹ ơi… sắp đến sinh nhật Sam, So rồi đúng không mẹ? Sắp đến rồi nên mẹ về phải không mẹ, mẹ ơi, mẹ còn đi nữa không?

Thấy con hỏi vậy, tôi lại thấy lồng ngực quặn thắt lên, lau nước mắt nhưng má vẫn ướt đẫm, giọng cũng lạc đi:

– Phải rồi, sắp đến sinh nhật Sam, So nên mẹ về. Sau này có lẽ mẹ vẫn phải đi, nhưng sẽ không đi lâu đến thế nữa đâu.
– Nếu đi lâu, mẹ phải chia ra để về với Sam So rồi hãy đi tiếp nhé, Sam, So… nhớ mẹ nhiều lắm.

Tôi bặm môi lại ngăn cho mình không khóc, vậy mà vẫn oà lên, đưa tay xoa tóc con, mái tóc So đã dài đến lưng được cột lên rất gọn gàng và đẹp xinh, mái tóc Sam được cắt gọn gàng, quần áo cũng là đồ hiệu, giày dép cũng vô cùng sạch sẽ. Nhìn thấy hai đứa được chăm sóc tốt như vậy tôi cũng thấy được an ủi phần nào. Sam, So thấy tôi cứ khóc mãi thì đưa mấy ngón tay lên chạm vào má tôi an ủi:

– Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa.

Nói đến đây, So bất chợt hơi cúi xuống, nhìn lên đầu tôi, dù tôi đã đội mũ, nhưng con bé vẫn nhận ra rồi hỏi:

– Mẹ ơi! Tóc của mẹ đâu rồi?

Khi So hỏi đến câu ấy, tôi thấy chị Như bỗng quay mặt đi lau nước mắt. Tôi biết vì sao chị lại khóc, bởi hồi nhỏ, khi mẹ tôi rụng gần hết tóc, tôi đã từng hỏi mẹ một câu như thế. Nước mắt tôi cũng lã chã lăn, đáp lại:

– Việt Nam nóng quá nên mẹ cắt bớt đi, mấy hôm nữa tóc lại dài ra thôi.

Sam thấy vậy thì cười:

– Dạ vâng ạ, mẹ xinh nên tóc ngắn hay tóc dài cũng đều xinh cả.

Chẳng biết thằng bé này khéo miệng giống ai, tự dưng nói ra câu ấy làm cả nhà đang khóc cũng phì cười. Lúc này, mẹ Dương cũng mới nhìn tôi rồi bảo:

– Được rồi, đừng đứng mãi ở ngoài này, cả nhà vào nhà đi!

Tôi cũng không biết mẹ anh xuống xe từ bao giờ, thấy bà nói vậy cũng chào bà một tiếng. Chị Như chắc cũng đoán ra sẽ có nhiều chuyện để nói nên bảo với tôi:

– Chị và ông bà xuống Quảng Ninh, tiện đưa Tú luôn. Em cứ ở tạm đây, tối chị và ông bà về sẽ qua đón em.

Sam, So thấy vậy thì chạy ra ôm cậu, liên tục đỏ mắt hỏi cậu đi đâu giờ mới về. Tú cũng ôm lấy Sam, So, không khóc nhưng vuốt mãi mái tóc hai đứa, an ủi hai đứa mà giọng cũng lạc đi. Thế nhưng vì còn Phương ở Quảng Ninh chờ đợi nên em cũng không ở lại Hà Nội thêm nữa mà để chị Như đưa em về.

Đợi trong nhà, mẹ anh nhìn tôi một lượt rồi nói:

– Cứ để hai đứa xuống cho thằng Dương, vừa đi quãng đường xa lại trải qua mấy đợt xạ trị bế mãi như vậy rất mỏi.
– Dạ không sao đâu ạ.
– Cứ để hai đứa nó ra với bố nó đi, cho ba bố con nó tưới đám hoa trà ở kia, đằng nào từ nay về sau hai đứa mà chẳng ở với vợ chồng cô, tôi không tranh giành đâu. Cho hai đứa nó ra với bố, tôi có chút chuyện muốn nói.

Nghe mẹ anh nói như vậy, tôi có chút kinhh ngạc, tuy còn rất nhớ Sam, So nhưng đoán bà muốn nói chuyện quan trọng cũng đành để Sam, So ra với Dương. Lúc này, trong căn phòng khách sang trọng chỉ còn tôi và bà, bà cũng bình thản hỏi tôi:

– Anh chị định ngày nào cưới?

Thấy bà hỏi tôi như vậy, tôi kinh ngạc mấy giây, chưa kịp đáp bà đã bảo:

– Sao mà ngây người ra như thế, anh chị thế này thì xác định là sẽ cưới nhau rồi chứ đúng không?
– Dạ… vâng ạ.
– Thế định cưới rồi thì muốn bao giờ cưới?
– Dạ, chuyện yêu đương thì là của hai người, nhưng chuyện cưới xin thì là của hai gia đình nên cháu nghĩ nếu được sự đồng ý của hai bên gia đình thì cháu nghĩ để người lớn chọn ngày ạ.

Mẹ anh nghe xong, nhìn tôi mấy giây rồi hỏi lại:

– Nếu tôi không đồng ý thì sao?
– Cháu nghĩ bác sẽ đồng ý thôi ạ. Vì bác cũng là một người mẹ rất thương con, là một người bà rất thương cháu, bác sẽ không muốn con cháu mình không có một gia đình trọn vẹn đúng không ạ? Vả lại bác đã hỏi cháu thế này, thì chắc chắn là bác đồng ý rồi.

Nói đến đây, tôi ngừng lại một lúc rồi mới nói tiếp:

– Mà dù cho bác có không đồng ý đi chăng nữa… cháu cũng sẽ không rời xa anh Dương, rời xa Sam, So đâu ạ.

Mẹ anh thấy tôi nói vậy, chẳng những không tức giận mà còn nhìn tôi cười:

– Tôi biết mà, lần trước đến gặp cô ở căn penthouse là tôi biết rồi. Cô rời đi cũng có phải vì tôi ngăn cấm cô đâu.
– Dạ vâng.
– Ừ! Tôi đồng ý!

Lần này, thì tôi hoàn kinh ngạc, không nghĩ ba chữ tôi đồng ý bà lại nói ra dễ dàng đến thế. Còn chưa kịp đáp bà lại cúi xuống nói tiếp:

– Cho tôi nói một lời xin lỗi và cảm ơn cô!

Nghe đến đây, tôi càng hoang mang nhìn bà lắp bắp hỏi:

– Bác… sao lại xin lỗi… và cảm ơn cháu ạ!
– Cảm ơn cô vì sinh và nuôi dạy cho gia đình tôi hai đứa cháu ngoan ngoãn, xinh, đẹp, thông minh, đáng yêu như Sam, So. Cảm ơn cô vì năm ấy khó khăn, khổ cực bị ép phá thai vẫn nhất quyết giữ Sam, So lại. Cảm ơn cô đã kiên cường gấp trăm nghìn lần những người mẹ khác để lo cho Sam, So! Còn xin lỗi cô vì đã lấy nỗi đau của bản thân tôi giày vò cô! Tôi biết có thể cô oán trách tôi lắm nhưng quả thực, bao năm nay tôi không thể thoát ra được cái chết của thằng Duy. Từ khi nó hi sinh, tôi gần như không còn là chính mình nữa, đau đớn, giày vò, có lúc đã nghĩ mình chết đi mới nguôi được nỗi đau ấy. Thế nên mỗi lần nhìn thấy cô, tôi lại nghĩ đến ngày nó hi sinh, đến cảnh cô khóc thảm thương trong đám tang nó, tôi không quên được nên bao năm nay cứ cố chấp mãi chuyện ấy, giày vò cô và thằng Dương, giày vò chính cả bản thân tôi. Cô cũng là một người mẹ, có lẽ cô cũng hiểu được cảm giác này của tôi nên mong cô hãy thông cảm cho tôi. Dù cho thằng Duy mất đi một năm hay mười năm thì nỗi đau vẫn chẳng giảm đi, có chăng là chấp nhận được nỗi đau ấy thôi. Nhưng mà suốt gần bảy tháng nay, tôi cảm thấy mình sai thật rồi. Nỗi đau của tôi, trút lên cô và thằng Dương, để rồi cuối cùng tôi lại cũng chẳng vui vẻ, hạnh phúc nổi. Ngày cô đi, lúc cô tiễn biệt Sam, So, cô ở ngoài cửa khóc, Sam cũng ở trong chăn vùi mặt vào chăn khóc. Thằng bé không khóc to, sợ mẹ nghe được, sợ bà nhìn thấy cứ lén lút lấy chăn chùi nước mắt. Nhìn cảnh ấy… tôi đã rất đau lòng, đã tự nghĩ xem… mình có phải quá tàn nhẫn rồi không? Suốt thời gian hơn nửa năm nay, đêm nào Sam, So cũng nhớ mẹ, anh khóc thì em nhắc anh, em khóc thì anh nhắc em đừng khóc nữa, đợi sinh nhật mẹ sẽ về. Thế nhưng nhiều khi nhớ mẹ quá, đêm đêm thi thoảng hoặc So, hoặc Sam lại lén lút khóc, lén lút tìm bà nhờ bà bật ảnh mẹ lên xem cho đỡ nhớ… thật sự rất thương xót! Bố thì đi tìm mẹ, con thì nhớ mẹ…

Nói đến đây, bà cũng ngừng lại, giống như là xúc động quá rồi mới nói tiếp:

– Đã vậy, thằng Dương cũng rất cố chấp với cô. Dù là năm, sáu năm trước, hay là bây giờ. Dù lúc cô xinh đẹp, rạng rỡ, hay khi cô bệnh tật, ốm yếu, nó cũng chưa từng hết yêu cô. Thậm chí khi biết cô sang bên kia chữa bệnh ung thư, tôi còn thấy nó thương cô, đau đớn, khổ tâm hơn cả trước kia cô chia tay nó. Bao năm rồi vẫn thế, nó vẫn không thể quên được cô, một lòng, một dạ không đổi thay. Nếu không phải cô, có lẽ cả đời này nó sẽ chẳng thể yêu ai khác. Ngày trước tôi áp đặt thằng Dương vào cuộc hôn nhân với con Như với mong muốn nó sẽ quên cô đi, con Như lại rất tốt. Tôi cứ nghĩ điều đó là tốt cho cả thằng Dương, cả con Như, cả tôi và cô nhưng giờ thì tôi biết tôi nhầm rồi. Tôi sai lầm rồi, tôi đang đày đoạ cả ba đứa, trong khi cô và con Như còn là chị em nữa. Nếu hồi ấy, lúc thằng Dương mất trí nhớ, tôi cứ cố gượng ép con Như với thằng Dương vào cuộc hôn nhân ấy có lẽ giờ đau đớn nhất lại là con Như! Thế nên giờ tôi nghĩ lại rồi, để được trọn vẹn nhất tôi phải tự dẹp bỏ cái tôi của mình, chấp nhận cô để con tôi, cháu tôi hạnh phúc, dẹp bỏ cả nỗi đau giày vò mình, bởi thằng Duy chắc cũng mong em trai nó và người nó yêu được hạnh phúc. Mong cô sẽ hiểu và đừng chấp bà già này…

Tôi nghe mẹ anh nói như vậy, không hiểu rốt cuộc vì sao lại khóc. Cuối cùng tôi dẹp bỏ hết tất cả mọi thứ, dẹp bỏ tất cả những suy nghĩ trái ngang trước đây, nắm lấy tay mẹ anh rồi nói:

– Bác không có lỗi, ai cũng có lý do của mình, chuyện bác ngăn cản cháu và anh Dương cháu hiểu được. Bác đừng tự trách mình.
– Hiểu là tốt rồi, trở về là tốt rồi, đoàn tụ, sum họp là tốt rồi. Sam, So rất nhớ mẹ, đi cả một thời gian dài như vậy, dù ở cạnh tôi, tôi vẫn hiểu có là một năm hay trăm năm, với đứa con mẹ vẫn là điều duy nhất không thay thế được. Dù tôi và ông bà nội cô có chăm sóc Sam, So tốt thế nào hai đứa vẫn là yêu mẹ nhất, và cũng chỉ có mẹ mới yêu con mình nhất, như tôi yêu thằng Duy và thằng Dương vậy.
– Vâng ạ… cháu cảm ơn bác.
– Cảm ơn gì chứ? Ai bảo cô sinh được hai đứa con ngoan ngoãn, đáng yêu, hiểu chuyện mà cũng thông minh, láu cá như thế. Biết bà chưa thích mẹ lắm hôm nào cũng tỉ tê khen mẹ Trân giỏi, mẹ Trân tốt, mẹ Trân xinh đẹp. Rồi mở mồm ra là bà nội ơi bà nội ơi… cho Sam cái này, cho So cái kia nha bà! Nghe thôi đã thấy muốn đáp ứng hết mọi yêu cầu của hai đứa rồi. Mà có chuyện này không biết thằng Dương có bao giờ nói với cô không. Từ nhỏ tôi đã luôn thiên vị thằng Duy hơn thằng Dương, lý do là gì chắc cô cũng biết rồi, bởi tôi thương thằng Duy thiệt thòi, làm anh quá sớm, cai sữa mẹ quá sớm, tôi không cho nó được thứ tốt nhất nên luôn muốn bù đắp cho nó. Còn thằng Dương, tôi cũng rất thương nhưng vẫn không thể thương như thằng Duy được. Có lẽ từ nhỏ Dương nó cũng ý thức được điều đó nên rất ngoan. Tất cả mọi chuyện, mọi việc nó đều nghe theo sự sắp xếp của tôi và bố nó. Còn thằng Duy, nhìn có vẻ ngoan hơn thằng Dương nhưng lại luôn chọn điều mình thích thay vì làm theo sự sắp xếp của bố mẹ. Thế nên sau này nó mới chọn làm cảnh sát Phòng Cháy Chữa Cháy theo đúng nguyện vọng, còn thằng Dương, dù rất muốn học luật, nhưng bởi vì mong muốn của tôi và bố nó nó cũng gạt bỏ ước mơ để học kinh tế và tiếp quản Hoàng Dương. Tất cả mọi chuyện, mọi việc chưa có điều gì nó chống đối hay cãi cự lại… việc duy nhất nó không nghe tôi là yêu cô.
– Dạ…
– Thế nên nghĩ đi nghĩ lại, con trai mình ngoan ngoãn như vậy, bản lĩnh như vậy, ý chí như vậy, giỏi giang như vậy tại sao nó khăng khăng chọn lựa cô, khăng khăng yêu cô bao năm không đổi. Chắc chắn không tự dưng mà thế, có lẽ cô thật sự tốt đẹp, nhân cách tử tế mới khiến nó yêu được vậy, mà không phải một, cả hai thằng con tôi đều yêu cô, tôi sao phải cấm đoán, làm khó nữa.

Sau khi nói chuyện xong với mẹ anh, tôi cũng cảm thấy lòng ngập tràn sắc xuân, ngập tràn cả niềm hạnh phúc. Dù rằng tôi đã từng nghĩ rằng, nếu mẹ anh vẫn nhất quyết ngăn cản, tôi vẫn sẽ bất chấp yêu anh. Nhưng dù sao, được bà chấp nhận, được bà đồng ý vẫn là hạnh phúc vẹn tròn nhất.

Buổi tối hôm ấy, nhà anh mời ông bà tôi và chị Như đến nhà ăn cơm. Chị Như và ông bà sau khi đưa Tú xuống Quảng Ninh cũng lên kịp Hà Nội vào lúc 19 giờ tối. Lâu lắm rồi tôi mới được ăn cơm Việt Nam, cũng lâu lắm rồi cả tôi, chị và Dương mới có bữa cơm đầm ấm, đủ đầy thế này. Sam, So nhớ mẹ, nhớ cả bố nên cả hai đứa cứ rúc vào lòng mãi. Ăn cơm xong, mẹ anh giục cô Trung giúp việc mang hành lý của tôi lên phòng của Dương để. Thế nhưng còn chưa kịp mang chị Như đã ngăn lại rồi nói:

– Em cháu nó phải ở nhà cháu chứ sao mà ở đây được? Ông bà và cháu đón mẹ con nó về bên nhà cháu ở.

Mẹ anh nghe xong thì sửng sốt hỏi:

– Sao lại đón sang đấy? Bác có cấm cản gì nó với thằng Dương yêu nhau nữa đâu?
– Bác không cấm cản nhưng giờ nó ở đây với tư cách gì hả bác? Là mẹ của Sam, So, mẹ của cháu bác thôi ạ?
– Không… còn là…

Nói đến đây thì bà ấp a ấp úng, chị Như thấy vậy thì bật cười nói tiếp:

– Đấy, nó đã có danh phận gì đâu mà tự dưng lại qua đây ở. Nhà bác còn chưa tổ chức cưới xin cho nó đã đón cả trâu lẫn nghé thì hời quá. Bao giờ cưới xin đàng hoàng cháu mới cho mẹ con nó sang bên đây ở cơ.
– Nhưng Sam, So…
– Sam, So tất nhiên phải ở với mẹ nó rồi bác ạ. Nếu mà bác nhớ cháu quá thì tổ chức đám cưới sớm cho hai đứa nó đi. Cho mẹ Sam, So còn có cái danh phận đàng hoàng chứ. Bao năm nó sinh con vất vả, nuôi con vất vả, giờ hai đứa lớn lên thông minh, đáng yêu, chỉ việc đón về ở cháu là chị sao mà cháu chấp nhận dễ dàng thế được. Em cháu nó hiền chứ nhà cháu không dễ thế đâu nha bác!

Mẹ anh nghe đến đây thì cũng bật cười nói:

– Khiếp quá! Đúng là đồ gớm ghê, có cô chị gái thế này ai mà dám bắt nạt em gái được? Được rồi, được rồi bác cũng muốn cưới sớm luôn lắm, chứ bác làm sao mà chịu được việc phải xa Sam, So. Nhưng thằng Dương nó cứ bảo đợi hơn ba tháng nữa mới cưới nên bác mới phải lùi lịch lại ấy chứ.

Dương thấy vậy thì gật đầu bảo:

– Trân mới trải qua mấy đợt xạ trị, tuy đã khỏi nhưng cơ thể vẫn mệt mỏi, giờ tổ chức đám cưới luôn sợ quá sức với cô ấy. Nên đợi hơn ba tháng nữa, cô ấy khoẻ hẳn đã.

Tôi cũng đồng ý kiến với anh và mẹ anh nói với chị:

– Làm cô dâu thì phải xinh đẹp nhất, giờ em vẫn xanh xao, tóc chưa mọc dài, hơn ba tháng nữa tóc mọc cũng dài rồi, da dẻ cũng hồng hào rồi, đi khám lại cũng khoẻ rồi làm đám cưới mới hợp lý chị ạ!

Chị tôi thấy vậy mới tạm hài lòng nhưng vẫn nhất quyết dắt tôi và Sam, So về nhà ông bà cho đến khi đón dâu đàng hoàng. Tôi tất nhiên cũng không thể từ chối được, dù sao cũng định ngày thế rồi, sau này cưới tha hồ mà về đây ở với Dương nhưng ở với ông bà và chị được mấy chốc nên tôi và Sam, So theo ông bà về nhà. Lúc lên xe bỗng dưng So hỏi tôi:

– Mẹ ơi! Tóc của bác Như đâu rồi?

Tôi nghe xong mới sững người nhìn chị, ban nãy cứ luấn quấn với Sam, So nên không để ý, giờ mới thấy mái tóc đen dài của chị đã bị cắt phăng, ngắn đến gáy. Tôi nhìn chị, lắp bắp hỏi:

– Chị… tóc của chị… sao lại cắt đi?
– Ui giời, em với chả út, giờ mới để ý đến chị. Việt Nam nóng quá, cắt đi cho đỡ nóng thôi.

Thấy chị nói vậy, nhưng tôi cũng thừa hiểu vì sao chị lại cắt tóc đi. Chị sợ tôi tự ti, thấy tóc tôi lởm chởm mới đến mang tai nên cũng tự cắt đi mái tóc ấy. Bà nội tôi thì chẹp miệng nói:

– Từ bé đến lớn, lúc nào cũng thích nuôi tóc dài, giờ vì Kiều Anh mà cắt tóc cũng không dám nhận nữa. Con bé ngốc này, mồm lúc nào cũng chê Kiều Anh ngốc mà bà thấy cháu cũng ngốc chả kém.
– Bà này…

Tôi thấy vậy tiếc tóc chị quá, nhưng bà bảo tôi phần tóc chị cắt đi hiến cho bệnh nhân ung thư nên tôi không cần tiếc. Cũng là việc làm ý nghĩa bà thấy cũng đáng. Tôi thấy vậy nhìn chị, tự dưng cứ thấy thương thương mà cả đau lòng rồi khâm phục chị nữa.

Về đến nhà ông bà, tôi cũng được mấy cô giúp việc xách hành lý mang lên phòng. Phòng của ba mẹ con tôi được bài trí theo đúng tông màu mà tôi thích. Đêm ấy, cả nhà chúng tôi ngồi ăn hoa quả ở dưới, trò chuyện rất lâu rồi mới đi ngủ. Ngày trước, tôi sống cùng gia đình bố mẹ hờ, tuy rằng nghĩ đó là bố mẹ ruột của mình…. nhưng tôi chưa từng thấy ấm áp như giờ phút này, giờ phút mà tôi nhận thấy tình yêu thương của ông bà, của chị dành cho tôi lớn lao, hi sinh rất nhiều khác hẳn với những người xa lạ…

Khi lên phòng ngủ, tôi ôm Sam, So lên giường, cứ ôm chặt con, hít hà mùi thơm trên cơ thể con, nghe Sam, So kể thời gian qua hai cụ đã chở Sam, So đi học ở trung tâm phát triển IQ thế nào, bà nội chăm sóc Sam, So ra sao tôi cũng mường tượng được cuộc sống của hai đứa thế nào. Hai đứa cứ thế chìm vào giấc ngủ ngon lành bao giờ chẳng hay. Khung cảnh này tuy có ấm áp, nhưng tôi vẫn thấy thiêu thiếu gì đó. Nghĩ đến đây, bên ngoài đột nhiên có tiếng cạch cửa, vừa ra mở đã thấy Dương đang đứng bên ngoài. Thấy anh tôi kinh ngạc suýt hét lên anh đã bịt miệng tôi đẩy tôi vào phòng rồi nói:

– Năn nỉ mãi chị Như mới cho anh vào, em mà hét lên chị ấy tống cổ anh đi mất! Thương anh thì đừng hét!

Tôi nghe xong, cười đến ngất hỏi anh:

– Anh gọi là chị Như rồi cơ à?
– Chả thế thì sao? Chị ấy bảo muốn làm em rể chị ấy thì phải gọi là chị! Thay đổi cách xưng hô cũng khó nhằn lắm, nhưng mà cũng phải đổi thôi, ai bảo chị ấy là chị gái em chứ!

Suốt thời gian bên Bắc Kinh chữa bệnh, Dương gần như ở cạnh tôi 24/24 nên giờ xa nhau một đêm cũng nhớ nhung lắm.. đây là lần đầu tiên bốn người chúng tôi ngủ chung một giường. Sam, So ngủ rồi, nhưng tôi và Dương cũng chẳng làm gì mờ ám chỉ nằm ôm nhau ngủ một giấc thật an bình.

Sáng hôm sau, tỉnh lại Dương đã phải đi làm. Xa Việt Nam bao nhiêu tháng ngày, công việc cũng dồn vào rất nhiều cần giải quyết. Bên Vạn Thịnh cũng rất nhiều việc, nhất là dưới TNT nên hôm sau chị Như cũng xuống Quảng Ninh giải quyết tiện đưa tôi và Sam, So xuống thăm cái Phương. Lúc tôi và Sam, So đến nhà thấy bà Tâm, cái Phương và thằng Tú đang vây quanh một chiếc nôi nhỏ, còn có tiếng trẻ con khóc trong nôi. Tôi nhìn vào, xúc động nghẹn ngào. Lúc tôi đi cái Phương đã bầu được bốn, năm tháng. Tôi đi hơn nửa năm, giờ nó đã sinh con được hai tháng rồi. Lúc này, tôi gần như nghẹn ngào dắt Sam, So vào. Nhìn thấy cái Phương mắt vẫn sưng mọng cũng đoán được hôm qua khi Tú trở về nó đã khóc rất nhiều. Vào đến nơi, bà Tâm thấy tôi và Sam, So đầu tiên liền chạy ra, ôm chầm lấy tôi. Cái Phương lúc này cũng nhìn thấy, hôm qua có lẽ Tú kể rồi nên nó không ngạc nhiên khi thấy mái tóc lởm chởm của tôi nhưng vẫn đỏ hoe mắt rồi lao ra đấm nhẹ lên vai tôi mấy cái chửi:

– Con điên này… vẫn dám vác mặt xuống đây cơ à?

Tôi ôm lấy cả bà Tâm, và cái Phương, những người chẳng cùng máu mủ lại thương tôi vô cùng, nước mắt cứ thế lã chã rơi. Bà Tâm thì cứ sờ sờ tay, sờ vai tôi rồi nghèn nghẹn nói:

– Gầy quá, gầy quá, sao mà gầy thế này hả, không chịu ăn đúng không? Xạ trị mệt mỏi như vậy sao mà ăn uống được gì?

Giống hệt người mẹ đón đứa con từ xa về, bà thương xót tôi còn hơn cả người tôi gọi là mẹ suốt hơn hai mươi năm. Ba người chúng tôi cứ ôm nhau như vậy, mãi một lúc sau, tôi mới vào thăm cháu trai của tôi được. Thằng Tú đang bế con, còn ngọng nghịu lắm nhưng được cái thằng bé con rất ngoan, đẹp trai, trắng trẻo giống hệt bố nó. Thấy Sam, So gọi thì toét miệng ra cười khiến cả nhà cũng cười theo. Tôi đưa tay ra bế nó, nó ngay lập tức ngoạc mồm lên khóc. Cái Phương thấy vậy thì bảo:

– Khó tính khó nết lắm, theo mỗi bà ngoại với bố, tao bế còn chả nghe. Lạ thật, mới gặp bố hôm qua mà cứ bố bế là cười, là im.

Nghe cái Phương nói vậy, tôi lại thấy thương nó quá đi mất. Ngày tôi sinh con, có Việt, có nó, có bà Tâm, có Tú. Ngày nó sinh con chỉ có mỗi hai mẹ con nó, Tú và tôi thì bên xứ người trị bệnh. Nghĩ đã thấy đau lòng, thương ơi là thương. Cũng may mà ông trời cho Tú sống sót quay về, nếu không mẹ con bà cháu cô đơn biết bao.
Tôi ở lại ăn cơm trưa cùng nhà cái Phương, chơi đùa với thằng bé nhà nó đến đầu giờ chiều thì cùng thằng Tú vào thăm bố mẹ hờ và con Liên Anh. Tuy ngày ấy, trước khi đi tôi đã rút đơn kiện vì việc bán tôi qua biên giới nhưng Hoàng Dương vẫn kiện vì vụ tai nạn của Dương. Tất nhiên, chuyện trả giá là điều dĩ nhiên, con Liên Anh tội nặng nhất bị án tù 25 năm, bố mẹ hờ đồng phạm phạt 15 năm tù. Thực ra mà nói, tôi cũng chẳng đủ bao dung để tha thứ, nhưng sống cùng nhau suốt hai mươi mấy năm trời tôi cũng không đủ tuyệt tình đến mức cả đời không nhìn mặt. Lúc vào thăm, nhìn thấy thằng Tú, bố mẹ hờ tôi không tin được rồi gào khóc thảm thiết, mãi một lúc sau mới dám tin là Tú còn sống. Có lẽ rằng, bao tháng ngày qua, nghĩ con trai đã chết rồi nên cả hai người họ trông già đi rất nhiều. Mái tóc đen nay đã bạc trắng, gương mặt nhàu nhĩ, hốc mắt trũng sâu cứ với tay qua ô kính nhỏ muốn ôm thằng Tú nhưng không ôm được chỉ oà khóc nức nở. Thằng Tú không khóc, nhưng mắt đỏ ngầu, dù sao cũng là bố mẹ ruột, có gây ra lỗi lầm gì thì vẫn không thể bỏ. Bố mẹ hờ nhìn thấy tôi, nhưng cũng chẳng còn chửi bới như hồi đầu bị bắt nữa mà cứ chắp hai tay lại rồi khóc. Sau cùng, bà mẹ hờ cũng nấc nghẹn lên nói với ra mấy lời:

– Xin lỗi… nếu năm ấy không vì tham… thì mọi chuyện cũng không thành ra thế này… đã không mất tất cả như bây giờ… xin lỗi…

Thấy bà ta nói như vậy, tôi cũng hít một hơi vào. Không đủ bao dung để tha thứ hay quay lại như trước kia, nhưng tôi cũng vẫn mong họ thật sự biết sám hối, quay đầu vẫn là bờ nên nói:

– Hai người cố gắng cải tạo cho tốt để còn ra tù, còn Tú, còn cả vợ con nó nữa.

Bố mẹ hờ của tôi thấy vậy thì dập đầu liên tục, cứ nhìn thằng Tú khóc mãi không thôi. Thế nhưng trái ngược với bố mẹ hờ, lúc tôi và thằng Tú thăm con Liên Anh nó vẫn không có chút gì là hối cải, kể cả thấy Tú quay về nó vẫn chẳng thèm để tâm nhiều mà lao về ô kính chửi mắng tôi không ngớt, vừa chửi nó vừa lên gân chỉ tay vào mặt tôi:

– Tại mày… tại mày… tại sao mày lại xinh đẹp hơn tao? Tại sao gia thế tốt hơn tao? Tại sao lại học giỏi hơn tao? Tại sao mày lại có tất cả… con khốn này… mày chết đi… mày chết đi.

Thằng Tú thấy con Liên Anh như vậy thì gầm lên:

– Chị đúng là một con thần kinh mà! Đến giờ chị vẫn như thế thì ai thương nổi? Chị vẫn không thấy mình sai hả? Năm ấy chị không lừa dối gia đình người ta thế thân vào chỗ của chị Trân thì giờ cả nhà đã không thế này. Chị biết đâu đã kiếm được chồng tử tế, có một cuộc sống đàng hoàng.
– Mày biết cái đ** gì! Mày thì biết cái gì? Tao mới là chị mày sao mày lại thương nó hơn tao. Tất cả là do nó…
– Tự làm tự chịu, chẳng do ai cả. Chị đừng thế này mãi nữa, tỉnh ngộ mà làm lại cuộc đời đi. Không có gì là muộn đâu!

Con Liên Anh thấy vậy lại định gào lên nhưng mấy chú công an đã vội lôi nó vào trong. Thằng Tú thì chán nản nhìn con Liên Anh, sau đó thở dài mấy cái rồi cùng tôi lặng lẽ ra về. Lúc ra chị Như cũng đón tôi và Tú ở trại giam. Trên xe, nó cứ buồn buồn mãi. Tôi tuy thương em nhưng dù sao tôi cũng thấy đây là cái giá nhẹ nhất mà họ phải trả rồi. Nếu ngày ấy, Dương có mệnh hệ gì đời này tôi sẽ hận họ đến chết! Cũng may anh không sao nên tôi cũng không muốn dồn đám người ấy vào đường cùng, dù sao mà nói cũng hai mươi mấy năm sống chung, không thể nào đủ tàn nhẫn bắt họ phải chết. Trả giá thế, cũng coi như là đủ!

Sau khi đưa Tú về tôi và Sam, So cũng cùng chị Như về Hà Nội. Trên đường đi chị kể với tôi năm ấy con Liên Anh trượt đại học nên có làm thêm ở một nhà hàng cao cấp. Hồi ấy chị Như vừa học đại học vừa làm trong Vạn Thịnh. Một hôm chị và ông bà cũng đối tác đi ăn ở nhà hàng đó có tình cờ nói chuyện với đối tác về đứa em gái thất lạc bởi đối tác có rất nhiều mối quan hệ rộng lớn, mong muốn đối tác có thể giúp tìm lại đứa em gái ấy. Khi ấy chị còn nói lúc lạc đứa em gái ấy mặc chiếc váy trắng, cột nơ xanh, ôm con gấu bông màu hồng có in chữ Anh, cổ đeo dây chuyền kim cương mặt xanh giống với dây chuyền mặt đỏ chị đeo. Con Liên Anh nghe được đoạn nói chuyện thì dòm ngó thấy dây chuyền chị đeo hệt dây của tôi nhưng mặt đỏ, lại nhớ anh họ tôi hôm ấy đã nói nó là dây chuyền kim cương liền lén lút tìm hiểu xem chị và ông bà làm ở đâu, lúc nghe láng máng thép Vạn Thịnh liền về kể với bố mẹ hờ. Bố mẹ hờ nghe xong thấy miêu tả giống hệt tôi lúc tôi bị lạc nên đã thuê người lấy thử mẫu tóc của chị tôi rồi lấy mẫu tóc của tôi đi xét nghiệm. Đến khi xác nhận là chị em ruột mới ăn trộm dây chuyền của tôi rồi mới có chuyện thế thân con Liên Anh vào. Nghe chị kể, tôi cũng không còn thấy oán hận như trước kia nữa, dù sao thì người làm trời nhìn, nhân quả cũng là do tự mình chứ chẳng đổ cho ai được. Dù sao giờ tôi cũng đã nhận lại gia đình, đã trở về đúng vị trí của mình! Thế là tốt rồi!

Từ Hà Nội tôi nhờ chị Như đưa Sam, So về nhà rồi lặng lẽ ra nghĩa trang liệt sĩ thắp cho Duy một nén hương. Lần này trở về, đã chẳng còn những khổ đau, dằn vặt, chỉ có những thứ mang tên hạnh phúc đang đến gần. Tôi hạnh phúc rồi, anh ở nơi đó cũng sẽ thanh thản, mỉm cười đúng không? Anh đã hi sinh một cuộc đời cao cả như vậy, có lẽ giờ đây… mọi người cũng sẽ nhẹ lòng hơn rất nhiều! Mọi người sẽ luôn nhớ đến anh, vĩnh viễn không bao giờ quên và tôi cũng vậy!

Mấy ngày tiếp theo tôi vẫn ở nhà ông bà nội, Dương cũng vẫn đêm nào cũng mò sang. Vì sinh nhật Sam, So rất gần nên mọi người ai cũng bận rộn. Ban đầu định tổ chức sinh nhật Sam, So ở Hà Nội nhưng tôi và Dương sau khi nghĩ kỹ quyết định tổ chức sinh nhật cho hai đứa ở căn penthouse dưới Quảng Ninh. Ở dưới đó có Tú, cái Phương, bà Tâm và cả Việt nữa, tôi và Dương muốn sinh nhật năm nay của con được trọn vẹn nhất. Được cái là ông bà nội Sam, So cũng không hề phản đối, còn rất ủng hộ quyết định này nên sáng hôm ấy mọi người đã xuống căn penthouse ấy tự tay trang trí tiệc cho hai đứa. Đây là lần đầu tiên, Sam, So được đón một cái sinh nhật lớn và đông đủ như vậy.

Cái Phương, thằng Tú và bà Tâm cũng bế cu Thóc sang từ sớm. Lúc sau thì Việt cũng sang. Sam, So thấy Việt thì vui lắm cứ lao vào hỏi sao bố Việt đi công tác lâu thế. Bố mẹ Dương thấy vậy nhưng cũng chẳng có chút gì là ghét bỏ hay thái độ, thậm chí ông bà còn cảm ơn anh ta vì suốt bốn năm qua đã chăm sóc cho Sam, So, đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Việt lúc ấy chỉ cười cười nói:

– Tại thấy cô ấy đáng thương quá nên giúp đỡ. Nhưng mà đúng là bọn cháu chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa thôi chứ cô ấy không có chút tình cảm nào với cháu cả. Bọn cháu còn chưa nắm tay nhau luôn nên hai bác cũng đừng hiểu nhầm gì nhé.

Thấy anh ta nói vậy tôi xúc động lắm, anh ta đến giờ vẫn sợ người khác hiểu nhầm ảnh hưởng đến tôi. Lúc tôi đang đứng ở ngoài lan can trang trí bóng mẹ Dương cũng ra rồi bảo với tôi:

– Cái cậu Việt kia tốt thật sự đấy! Là người chẳng có mấy ai cao thượng, bao dung và quân tử được như cậu ấy đâu.

Tôi nhìn anh ta cũng cảm thấy lời mẹ Dương nói rất chuẩn. Bao tháng ngày không gặp, anh ta giờ làm ăn phất lên lắm. Nghe nói đã làm đến phó phòng của công ty KNKA mà Vạn Thịnh mới mở, chị Như còn nói anh ta cũng đang tìm hiểu một cô gái là đồng nghiệp của cái Phương thì phải. Ở đây đông người, lại có cả Dương nên anh ta cũng không tới gần nói chuyện với tôi mà chỉ ôm Sam, So hỏi tình hình hai đứa. Thế nhưng suốt thời gian tôi chữa bệnh bên Trung, Việt cũng kết nối với chị Như hỏi thăm tôi. Anh ta lúc nào cũng thế, lúc nào cũng giả vờ như không quan tâm thế sự cuộc đời nhưng lại rất để ý đến người khác. Một người tốt như vậy tôi cũng mong anh ta sẽ lấy được một người tốt!

Bữa tiệc sinh nhật của Sam, So gần như là bữa tiệc kết nối cả nhà chúng tôi sát lại gần nhau. Lúc cắt bánh sinh nhật, thổi nến Sam, So cũng chắp tay vào ước. Đến khi nến tắt, ước xong mẹ Dương cũng hỏi Sam, So:

– Sam, So của bà ước gì nào?

Nghe bà nội hỏi vậy, cả hai đứa đều nói:

– Con ước mẹ con sẽ không phải đi công tác lâu như thế nữa bởi vì con rất nhớ mẹ!
– Con còn ước tóc mẹ và tóc bác Như sẽ nhanh dài.

Thấy hai đứa nói vậy, ai cũng rơm rớm nước mắt còn tôi cũng lặng lẽ lau đi một giọt lệ ôm Sam, So vào lòng. Sẽ chẳng bao giờ xa con lâu đến thế nữa đâu! Sau khi ước và thổi nến xong cũng đến phần mở quà sinh nhật. Quà đắt nhất là của bác Như, bộ đồ chơi thông minh cao cấp, đắt đỏ nhất, quà của Dương là bộ ghép hình Lego phiên bản giới hạn, quà của hai cụ là một cặp robot thông minh, của ông bà nội là bộ thiết bị trường học theo hệ tự lập, Việt thì tặng dạy chữ một hồng, một xanh, nhà Tú Phương thì tặng bộ màu và giá vẽ trang Sam, So đã từng rất ao ước, còn của tôi thì là đồ chơi số học và tính toán. Còn món quà duy nhất chẳng liên quan đến học hành, rất đơn giản là bộ búp bê dành cho So, và bộ máy bay, ô tô dành cho Sam của Vỹ Đình. Sau khi mở quà xong, ông bà nội tôi hỏi Sam, So:

– Trong những món quà này, Sam, So thích quà gì nhất nào?

Ban đầu tôi nghĩ Sam, So một là sẽ chọn bộ đồ chơi thông minh của chị Như, hai là sẽ chọn quà tôi mua. Thế nhưng không! Cả hai đều chọn quà của Vỹ Đình trong sự ngơ ngác của mọi người. So chọn bộ búp bê, còn Sam thì chọn máy bay, ô tô. Chị Như thấy vậy thì hỏi lại:

– Sam, So có nhầm không? Món đồ nào mà Sam, So thích nhất cơ mà?

So thấy vậy thì gật đầu nói:

– Con thích nhất bộ búp bê này mà bác Như? Xinh ơi là xinh.
– Sam cũng thích máy bay và ô tô này, lên dây cót chạy cả ngày luôn!

Chị Như cố chấp, không muốn chấp nhận sự thật ấy nhưng….

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (12 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN