Ngày Anh Đến - Phần 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
2964


Ngày Anh Đến


Phần 3


Bên ngoài tiếng đập cửa càng lúc càng mạnh, tiếng chú Trung như lạc đi:

– Chị Hà, anh Hải xảy ra chuyện rồi.

Lúc này tôi và Vũ không còn nghĩ ngợi gì lao thẳng ra ngoài. Mẹ tôi mặc bộ quần áo bông ngủ mở cửa chính từ bao giờ. Gương mặt bà bàng hoàng đến tột cùng. Khi thấy tôi và Vũ từ trong phòng đi ra mẹ có nhìn thấy, nhưng dường như điều đó đã không còn quan trọng. Mẹ lao đến chú Trung, hai tay bấu lên áo chú giọng run lên:

– Có chuyện gì? Xảy ra chuyện gì rồi?
– Anh Hải bị người ta bắn trọng thương, đang cấp cứu ở viện tỉnh, sống chết chưa biết thế nào. Chuyện rất dài, nhưng giờ phải lên tỉnh đã, anh Hải còn đang cấp cứu trong đó.

Chú Trung vừa dứt lời, cả mấy mẹ con như rụng rời chân tay. Mẹ tôi không đứng vững, suýt ngã vật ra vừa khóc vừa nói:

– Đi, đưa tôi đến bệnh viện tỉnh.

Chú Trung gấp gáp gật đầu, mẹ, Vũ, tôi và cả cái Chi không còn có thời gian mang theo bất cứ cái gì mà đi thẳng ra xe. Mẹ tôi liên tục khóc, quãng đường lên tỉnh bỗng dài dằng dặc như núi như sông. Chú Trung kể lại rằng kho gỗ tối nay bỗng dưng bốc cháy, cha vội đi cùng chú lên kiểm tra. Thế nhưng lên đến nơi xưởng gỗ đã cháy rụi, công nhân trông coi say rượu bỏ về nhà nên không ai kịp cứu hoả. Cha tôi đi vài vòng phát hiện ra có một chiếc bật lửa rơi ở ngay kho. Khi ấy cha đã nghi ngờ có người cố ý chơi đểu mình, liền cầm chiếc bật lửa ấy định đi báo công an, còn chú Trung thì ở lại kiểm tra kho. Thế nhưng cha còn chưa kịp đi, mới ra được khỏi xưởng gỗ đã bị ai đó bắn gục. Lúc chú Trung chạy ra đã thấy cha nằm ở vệ đường, tên xả súng đã cao chạy xa bay từ bao giờ. Cha nằm ở đó, máu chảy lênh láng, chú Trung chỉ kịp vội vã đưa cha vào bệnh viện. Hiện tại cha vẫn đang ở phòng cấp cứu, chú không được vào nên về báo tin cho gia đình.

Tôi không biết xe đã đi bao lâu mới lên được đến bệnh viện. Lúc chạy đến phòng cấp cứu cha tôi vẫn đang nằm trong đó. Mấy tiếng đồng hồ rồi, mẹ bám tay vào cánh cửa sắt lạnh lẽo, nhìn qua ô kính nhỏ lặng lẽ rơi nước mắt. Tôi đỡ mẹ, nhìn thấy cha nằm trên chiếc giường, xung quanh bác sĩ vẫn đang ra sức cứu chữa. Cả một đời cha vất vả lo toan cho gia đình, cả một tuổi thơ tôi chỉ thấy cha cười, chưa một lần cha than vãn mệt mỏi, chưa một lần tôi thấy cha gục ngã, bóng lưng to lớn vững chãi che chở cho tôi từ nhỏ tới tận bây giờ. Vậy mà giờ cha nằm kia, mái tóc hoa râm dính đầy cả máu. Tôi cố gắng kìm lại nhưng khoảnh khắc thấy cha nằm đó, đôi mắt nhắm nghiền, dòng máu đỏ chảy xuống cả nền nhà nước mắt tôi đã rơi từ bao giờ.

Phải mất rất lâu sau đó cánh cửa phòng cấp cứu mới mở ra. Mẹ tôi và Vũ vội lao đến, bác sĩ vừa tháo khẩu trang vừa nói:

– Bệnh nhân tạm thời qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang trong tình trạng hôn mê. Do vết thương nặng nên khả năng cũng sẽ ảnh hưởng đến trí lực và tinh thần… hoặc có thể hồi phục bình thường không sao cả. Vì bị thương cả ở gần ngực và đầu nên khả năng bệnh nhân sẽ cần trải qua thêm vài cuộc phẫu thuật khác. Tôi cứ nói trước để người nhà chuẩn bị tinh thần và vật chất, giờ y tá sẽ đưa bệnh nhân về phòng, chắc cũng phải sáng mai bệnh nhân mới tỉnh lại được.

Mẹ tôi nghe xong lại cúi người nước mắt lưng tròng. Rất lâu mẹ mới gạt mấy giọt lệ đang chảy trên má lẩm bẩm:

– Không sao, chỉ cần ông ấy sống, chỉ cần ông ấy tỉnh lại là rồi. Nếu ông ấy suy giảm trí lực, tôi sẽ chăm sóc ông ấy quãng đời còn lại.

Phải rồi, mẹ nói đúng, trong thời khắc sinh tử này chỉ cần cha còn sống thôi. Ranh giới giữa sống và chết mỏng manh như tờ giấy, cha còn sống, còn tồn tại ở cạnh chúng tôi mới là điều quan trọng nhất. Nghĩ thì nghĩ vậy, thế nhưng khi cha được y tá đưa ra, tôi lại lần nữa suýt không kìm được mà bật khóc. Cả người cha bị băng bó bởi những lớp vải trắng, mái tóc cha cạo hẳn đi một nửa. Bác sĩ nói cha bị bắn vào ngực, nhưng lúc ngã xuống đầu lại cắm vào một mảnh đá, lực ngã lại rất mạnh nên tổn thương não, phải cạo tóc để xử lý vết thương trên đầu. Cha nằm im, hai tay buông trên chiếc giường lạnh lẽo, đôi môi cha rất tái, cả người cắm đầy dây dợ. Mẹ thấy cha như vậy nước mắt lại rơi lã chã, đến khi cha vào phòng mẹ ngồi xuống khẽ nói:

– Để mẹ bảo chú Trung đưa mấy đứa về. Mẹ ở đây chăm sóc cha là được rồi.

Tôi và Vũ nghe vậy liền đồng thanh đáp:

– Để sáng mai đợi cha tỉnh bọn con sẽ về sau.
– Nhưng ở đây đâu có chỗ ngủ?

Tôi nhìn chiếc giường bên cạnh cha đang nằm khẽ nói:

– Mẹ và cái Chi ở đây ngủ. Con và anh Vũ ra hành lang ngồi cũng được. Đợi cha tỉnh lại con mới có thể yên tâm về được.

Có lẽ mẹ cũng hiểu tâm trạng của chúng tôi bây giờ nên không nói gì nữa chỉ khẽ gật đầu. Vũ tranh thủ chạy xuống mua ít đồ dùng cá nhân còn tôi đi mượn chăn gối cho mẹ và cái Chi. Xong xuôi tôi và Vũ ra ghế ngoài hành lang ngồi. Bầu trời đêm nay rất tối, trên trời chẳng có nổi một ngôi sao nào. Cả hai chẳng ai nói với ai một câu, ngồi như vậy rất lâu. Cuối cùng tiếng chuông điện thoại của Vũ reo lên mới phá tan bầu không khí im lặng ấy. Tôi không biết ai gọi cho anh, anh ra ngoài nghe, qua lớp kính tôi thấy gương mặt anh rất căng thẳng. Tôi thở dài đi vào nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo lại. Đến khi quay lại chợt nghe thấy tiếng chú Trung cất lên:

– Kho gỗ bị cháy rụi, toàn bộ hàng cho khách đều mất hết. Thời gian trước không hiểu vì lý do gì mà mấy đơn đặt hàng hàng bị lỗi hỏng, bên phía khách đòi bồi thường, số tiền bồi thường rất lớn, giờ còn chưa kịp hoàn lại vốn thì bị thế này. Ông chủ giờ còn nằm ở kia, khoảng thời gian tới có lẽ sẽ rất khó khăn. Tôi sợ sẽ không vực dậy nổi mất, xưởng gỗ không còn gì nữa rồi, tiền bạc đều âm vốn…
– Cháu biết rồi, cháu sẽ nghĩ cách. À, cái bật lửa mà cha cháu tìm được ở xưởng gỗ đâu rồi ạ?
– Tôi không biết, lúc ra chỉ thấy cha cậu nằm ở đó, bật lửa không thấy đâu.
– Vâng.
– Vậy tôi về qua xưởng gỗ lấy danh sách rồi sáng mai mang qua cho cậu nhé.
– Vâng ạ. Chú về đi.

Đợi chú Trung đi khuất tôi mới trở lại hành lang. Vũ cởi áo khoác đặt lên người tôi, tôi vốn định từ chối nhưng lớp sương đêm lạnh lẽo quấn lấy khiến tôi run lên không có cách nào từ chối nổi. Anh thở dài, hai tay siết chặt lại nhau, một lúc sau giữa màn đêm tịch mịch anh khẽ cất lời:

– Ngân.

Tôi còn tưởng anh sẽ lại giống như lúc tối, sẽ hỏi tôi tại sao lại chia tay anh? Thế nhưng không, anh hơi cúi đầu, dáng vẻ cô đơn nói tiếp:

– Anh không biết em đã gặp chuyện gì, không biết vì sao em lại nói chia tay với anh. Nhưng anh không tin là em không yêu anh.

Tôi vốn đang định tìm từ ngữ để trả lời anh đã chặn lại:

– Giờ cha còn đang nằm ở đây, anh cũng không cố sống cố chết tìm hiểu lý do nữa. Nhưng anh xin em, đợi anh được không? Đợi anh trở về được không?

Tôi không hiểu anh nói gì, cảm thấy trong lời nói có rất nhiều điều khó hiểu hỏi lại:

– Có chuyện gì vậy? Anh phải đi đâu sao?
– Anh có một số việc ở cơ quan nên phải ra khỏi thành phố ít hôm. Đợi anh về chúng ta nói chuyện, chuyện của chúng mình không phải em nói chia tay là xong. Giờ anh phải lo thêm việc điều tra chuyện của cha, đợi xong xuôi rồi đợi cha khoẻ lại anh cũng sẽ nói chuyện với cha và mẹ. Em không cần trả lời ngay, sau khi anh về lúc đó em muốn thế nào thì hãy nói. Đừng nói gì cả, để anh ở cạnh em một lúc được không?

Nói rồi anh đưa đôi tay anh nắm chặt lấy tay tôi, ánh mắt anh hằn lên những tia đau đớn khó tả. Đôi tay anh hôm nay rất lạnh không hề ấm như trước kia, như thể anh vừa đứng ngoài một trận bão tuyết mưa giông. Tôi không dám cử động, cũng không dám đáp lời, chỉ sợ rằng nếu cử động giấc mơ cũng tan tành, trong lòng mơ hồ có một cảm giác bất an không rõ rệt. Chúng tôi cứ ngồi cạnh nhau như vậy, không ai nói thêm gì nữa. Ngoài trời sắc trời cũng dần dần sáng lên, cuối cùng rất lâu sau anh cũng buông tay tôi đứng dậy rồi đi về phía nhà vệ sinh.

Đến khi anh đi vào cái Chi cũng từ trong phòng chạy ra ngoài hớt hải gọi:

– Anh Vũ, chị Ngân, cha tỉnh rồi.

Tôi và Vũ nghe xong liền vội vã đi vào phòng, bác sĩ nghe tiếng cái Chi cũng chạy sang. Cha tôi mở mắt, tuy rằng chưa thể nói được gì nhưng khi bác sĩ hỏi có nhận ra mẹ không cha lại không thể đáp. Bác sĩ hỏi thêm vài câu, cha chỉ ngước mắt lên, thi thoảng chớp vài cái rồi lại cụp mi xuống. Bác sĩ thấy vậy nét mặt có chút căng thẳng quay sang mẹ cất lời:

– Tình hình bệnh nhân bị thương nặng nên tôi cũng chưa thể đưa ra phán đoán. Có thể bệnh nhận sẽ phục hồi, hoặc có thể không. Về các cuộc phẫu thuật người nhà cũng biết rồi, số tiền tương đối cao. Tôi là bác sĩ nên cứ nói trước để gia đình chuẩn bị. Trước mắt thì khả năng phục hồi thế này tiên lượng khả năng có thể tiến triển tốt ít ra bệnh nhân cũng đã kịp tỉnh lại trong vòng 24 giờ rồi.

Tôi nghe bác sĩ nói nhưng không sao thở phào nổi. Trong lòng tôi có rất nhiều nỗi lo, nhất là hiện tại cảm thấy cha dường như chưa nhớ gì. Mẹ thấy cha tỉnh liền quay sang chúng tôi nói:

– Các con về đi. Mẹ ở đây chăm cha là được. Chi về mai nó còn phải học thêm nữa. Đầu năm lớp 12 rồi, không cố gắng là không đỗ đại học như anh Vũ với chị Ngân được đâu. Cha con tỉnh rồi, tỉnh là tốt rồi, kiểu gì cũng nhớ ra mọi chuyện thôi.

Tôi liền đáp lại:

– Mẹ, mai chủ nhật con nghỉ, để con ở đây cùng mẹ chăm sóc cho cha, thứ hai con lên trường sớm chút là được. Giờ con đưa em Chi về tiện lấy ít đồ ở nhà lên cho cha.

Mẹ tôi có lẽ suốt một đêm thức trắng cũng mệt nên đành gật đầu. Vũ ở lại đây, còn tôi cùng cái Chi về nhà. Suốt đêm qua tôi và cái Chi đều không ngủ nên quãng đường trên xe về nhà hai chị em dựa vào thành ghế ngủ không hay biết gì. Về nhà tôi mua ít đồ ăn cho cái Chi tự nấu mấy ngày rồi mới nhặt đồ cá nhân của cha mẹ cùng chú Trung lên lại viện.

Khi lên đến viện tôi thấy chỉ còn mẹ với cha trong phòng. Nhìn đi nhìn lại đều không thấy Vũ đâu, mãi đến khi mang đồ vào mới biết Vũ đã đi rồi. Mẹ nói anh vừa đi thì tôi đến. Tôi không nghĩ anh lại đi nhanh như vậy, nhanh đến mức một câu chào tạm biệt tôi cũng không có. Hôm qua anh nói anh phải ra khỏi thành phố vài ngày, anh nói tôi chờ anh về chúng tôi sẽ nói chuyện. Hôm qua tôi còn chưa kịp trả lời anh. Bỗng dưng tôi không nghĩ ngợi gì nữa quay sang mẹ nói:

– Mẹ, con ra ngoài chút.

Nói rồi không đợi mẹ đáp tôi đã lao vội ra cửa. Tôi chạy như bay trên mấy con đường, mái tóc theo gió tạo thành những nếp gấp trong không trung. Khi chạy ra đến bến xe tôi vẫn không thấy bóng dáng Vũ đâu. Trước kia mỗi lần anh đi làm nhiệm vụ anh đều đi như vậy, tôi biết tính chất công việc của anh nên chưa bao giờ tìm anh khi anh bận. Thế nhưng lần này, sau khoảnh khắc sinh tử của cha, đêm qua dưới bầu trời đen mịt mù tôi đã bắt đầu nghĩ lại. Tôi lấy điện thoại bấm số anh, tôi sợ sẽ nghe thấy câu “Số máy quý khách vừa gọi không liên lạc được” như những lần anh đi làm nhiệm vụ. Thế nhưng cuối cùng dường như chỉ một giây, cũng dường như dài như cả thế kỷ, một giọng nói quen thuộc truyền đến bên tai qua máy điện thoại:

– Anh đây.

Vừa nghe được hai chữ anh đây tôi như muốn vỡ oà. Cảm xúc dồn nén cả tuần nay bỗng tan tành, giọng tôi lạc đi:

– Anh đang ở đâu vậy?

Không ai trả lời. Tôi lại hỏi lại:

– Anh đang ở đâu vậy?
– …
– Vũ, anh đang ở đâu?

Đầu dây bên kia rất lâu mới đáp lại:

– Anh đang ở bến xe.

Như có một phản xạ tôi bất giác xoay người lại. Phía sau tôi Vũ đang đứng, tay anh vẫn cầm điện thoại. Trong một giây lát tôi chỉ muốn buông bỏ tất cả lao đến ôm anh, tôi chỉ muốn nói tôi rất nhớ anh. Nhưng rồi cả người tôi chỉ đứng trân trân ở đó không nhúc nhích nổi. Vũ tiến lại gần tôi, từng bước từng bước gần đến mức không thể nào gần thêm nữa anh vội ôm chặt tôi vào lòng. Cơ thể cao lớn ôm trọn lấy tôi, mùi hương nhài thoang thoảng, ôm một lúc anh mới buông tôi ra rồi cất giọng trầm ấm:

– Giờ anh phải đi rồi. Em ở nhà phải tự chăm sóc mình nhé. Đợi anh vài ngày anh về rồi mình nói chuyện, được không?

Tôi không đáp, chỉ gật đầu. Cái gật đầu thay cho tất cả mọi câu trả lời của tôi. Tôi sẽ chờ anh, sẽ ở đây chờ anh, tôi sẽ dũng cảm cùng anh đối mặt với mọi chuyện. Nếu như cha mẹ vẫn không đồng ý, nếu như duyên phận chỉ đến thế thì cũng coi như tôi đã cố gắng hết sức rồi, không có gì hối hận nữa. Anh đưa tay xoa xoa mái tóc tôi, tôi hơi cúi xuống khẽ nói:

– Anh cũng phải giữ gìn sức khoẻ nhé, em đợi anh về.

Anh mỉm cười, không đợi tôi nói thêm gì nữa anh liền buông tay tôi xoay người đi về phía con xe đang chuẩn bị xuất bến. Tôi đứng dưới hàng cây bằng lăng nhìn anh lên xe, xe dần xa tôi, rồi cuối cùng chỉ còn là một chấm đen chìm vào một khoảng không vô hình. Đứng tần ngần một lúc tôi mới quay trở lại bệnh viện. Mẹ đang lau người cho cha, thấy tôi liền hỏi:

– Con đi tiễn thằng Vũ sao?

Tôi nghe mẹ hỏi, cũng không có cách gì chối đành gật đầu. Cứ ngỡ mẹ sẽ mắng tôi thế nhưng không mẹ đưa tay chạm lên má cha thở dài không nói thêm câu gì. Tôi cũng ngồi xuống xoa bóp chân cho cha, giờ đây tôi chẳng mong gì hơn là mong cha mau khoẻ lại, và mong Vũ sẽ bình an trở về.

Vì thứ hai tôi được nghỉ đột xuất nên tôi ở lại với cha thêm một ngày. Cha tỉnh rồi nhưng chưa thể nói chuyện, hằng ngày tôi và mẹ chỉ có thể cố gắng trò chuyện thật nhiều để cha có thể nhanh hồi phục trí lực.

Đêm thứ hai tôi bắt xe trở về trường. Mấy đêm nay tôi ngủ rất chập chờn, mặc dù cha tỉnh lại nhưng tôi cứ có một cảm giác mọi thứ không như quỹ đạo của nó. Nhất là trong lúc này Vũ còn phải đi làm nhiệm vụ. Lần nào cũng vậy, mỗi lần anh đi làm nhiệm vụ tôi đều không thể ngủ ngon. Tôi biết không riêng tôi mà cả mẹ cũng vậy. Trước kia cha mẹ và anh đã vô số lần cãi nhau chỉ vì anh không chấp nhận bỏ việc để theo con đường kinh doanh giống cha. Tôi biết từ nhở mơ ước lớn nhất của Vũ là làm công an, anh rất ngoan nhưng những việc anh đã quyết thì không ai cản nổi. Hồi trước có đợt cha tôi xuống nước, muốn xin cho anh về huyện làm hành chính nhưng anh vẫn không đồng ý. Nghĩ đến đây đầu óc tôi bỗng trở nên lơ mơ, trống rỗng, ngồi trên xe có lẽ do mệt mỏi quá nên ngủ quên từ lúc nào chẳng hay.

Đột nhiên tôi bỗng mơ Vũ, mơ thấy cả tôi, cái Chi và cha mẹ đang đứng ở một cánh đồng đầy tuyết. Tuyết trắng xoá phủ lấp cả những nhánh cỏ, rồi đột nhiên từ lớp tuyết trắng xoá ấy có vài vết đỏ loang lổ. Vết đỏ mỗi lúc một lớn, loang dần ra, đến khi chạm vào chân tôi tôi mới phát hiện đó là máu. Trong một giây lát tôi ngửa lên nhìn nhưng xung quanh chẳng thấy ai chỉ thấy một mình mình bước đi trên dòng máu đỏ ấy. Tôi hoảng loạn gào lên, đến khi mở mắt ra mới phát hiện là mơ, cả người tôi mồ hôi túa ra như mưa. Lúc này nhìn ra ngoài mới biết xe đã đi đến gần kí túc xá liền vội vàng chạy xuống.

Trở về kí túc xá tôi tắm táp qua loa rồi lên giường. Các bạn cùng phòng đã ngủ say, tôi nằm xuống xoay qua, xoay lại trằn trọc mãi chẳng ngủ được. Cuối cùng suy nghĩ rất lâu tôi liền lấy máy nhắn cho Vũ một tin. Thế nhưng tin nhắn gửi mãi không được, số máy của Vũ đang ở ngoài vùng phủ sóng. Tôi không lấy làm lạ, trước nay vẫn thế, chỉ là lần này trong lòng cảm thấy có chút không kiên nhẫn.

Cuối cùng tôi phải trấn an mình rồi nằm xoay người vào tường, nằm một lúc mệt quá tôi thiếp đi. Trong cơn mê man, nửa tỉnh nửa mê tôi lại mơ thấy Vũ, những giấc mơ ngắn ngủi lặp đi lặp lại, tôi mơ thấy tôi hồi nhỏ lẽo đẽo chạy theo đòi gả cho anh. Hồi ấy tôi không biết gả là gì, chỉ nghe mẹ nói gả là cưới người mình yêu. Trong tuổi thơ của tôi, người tôi yêu thương nhất là cha mẹ và anh, tôi ngây ngô cho rằng cha mẹ gả cho nhau rồi thì tôi gả cho anh. Tôi còn mơ thấy ngày ngày sinh nhật mười tám tuổi anh tỏ tình với tôi, mơ thấy cả những lúc nhỏ anh cõng tôi chạy dọc mấy cánh đồng để ra xưởng gỗ của cha. Tôi bỗng nhận ra, dù ở độ tuổi nào, là lúc thơ bé hay thời thanh xuân tươi đẹp, anh lúc nào cũng ở cạnh tôi, cũng như tôi chỉ có thể yêu thương anh, những người khác hoàn toàn tôi không nghĩ đến. Tôi còn mơ thấy anh nói với tôi, năm mười bốn tuổi tôi xé thư tình của bạn tôi gửi anh biết, tôi cố tình phá đám chuyện tỏ tình của hoa khôi với anh anh cũng rõ, năm mười bảy tuổi tôi cầm đống thư tình của các chị khoá trên đốt đi anh cũng nhìn thấy. Những việc xấu xa anh đều nhận ra, thế nhưng anh không quan tâm. Sự ái mộ của những người con gái khác anh không để tâm. Anh chỉ quan tâm anh đã từng hôn tôi, thứ tình cảm anh dành cho tôi là tình yêu nam nữ, anh yêu tôi chứ không phải ai khác.

Những ký ức lộn xộn ấy thật rõ nét, mà lại thật ngọt ngào. Tôi cứ mê man, cuối cùng bị đánh thức bởi một cuộc điện thoại. Điện thoại kêu rất lớn, tôi giật mình ngồi bật dậy còn tưởng trời đã sáng, thế nhưng nhìn ra vẫn chỉ thấy một màu đen kịt, hai giờ đêm, số máy lạ. Tôi cầm điện thoại, nhấn nút nghe. Đầu dây bên kia là một tạp âm, những âm thanh loẹt xoẹt truyền đến, dường như ở đó có rất nhiều người, tiếng một người đàn ông cất lên giữa những tiếng loẹt xoẹt ấy:

– Alo, đây có phải số máy của Đỗ Khánh Ngân không ạ?
– Vâng, tôi đây ạ.
– Anh là Long, đội trưởng đội cảnh sát hình sự thành phố, đội trưởng của cậu Vũ.

Vừa nghe đến đây, toàn thân tôi bỗng như có một luồng điện xoẹt qua. Một linh cảm bất an ập đến, còn chưa kịp hỏi lại đầu dây bên kia đã nói:

– Em có thể đến bệnh viện thành phố không? Cậu Vũ…

Mới nói đến đây tiếng loẹt xoẹt của tạp âm lại truyền đến, đầu dây bên kia nói gì đó tôi không nghe rõ, tín hiệu rất kém, tôi chỉ nghe câu được câu mất, đại loại là nổ súng, bị thương… con tin…

Tinh thần tôi hoảng loạn, không thể sắp xếp nổi thành một câu hoàn chỉnh. Mấy đứa bạn cùng phòng liên tục hỏi có chuyện gì, thế nhưng tôi không thể mở miệng, cả người như tê liệt rồi lao như bay xuống nhà gửi xe, lấy xe máy, cũng không nhớ nổi bản thân đã nói với bảo vệ thế nào phóng thẳng ra ngoài.

Con đường đêm chẳng một bóng người, chẳng biết do phóng với tốc độ cao hay gió to tôi chỉ cảm thấy mình đang đi giữa một trận vũ bão. Vừa lái xe tôi vừa an ủi mình: có lẽ Vũ chỉ bị thương thôi, sẽ không sao đâu. Tôi sẽ giống như mẹ, dù cho anh trí lực anh có suy giảm, hay nếu như anh bị tàn tật, tôi nhất định sẽ dành cả cuộc đời còn lại chăm sóc anh. Tôi cố gạt những suy nghĩ sang một bên, sắp được gặp anh rồi, chỉ cần được gặp anh là tốt rồi, nhất định anh sẽ không sao cả.

Suốt gần một tiếng đồng hồ phóng xe tôi mới đến được bệnh viện. Khi vừa vào đến sảnh đã thấy rất đông người ở đó, những người mặc quân phục cảnh sát, những người y tá, bác sĩ, và cả những người mặc thường phục. Khi thấy tôi mọi người đều nhìn, đi một quãng đường, mái tóc tôi rối bù, cả người đầy bụi. Thế nhưng tôi không quan tâm, đi thẳng vào trong. Một người mặc quân phục cảnh sát chạy về phía tôi giọng lạc đi:

– Cô là Khánh Ngân?

Tôi không trả lời mà hỏi lại:

– Anh Vũ đâu? Anh ấy nằm ở khoa nào? Bị thương có nặng không?

Vừa nghe tôi hỏi đến đây chợt tôi nghe thấy có tiếng khóc. Người cảnh sát đứng cạnh tôi mắt đỏ hoe, không đáp. Tôi nhìn xung quanh, ngoài mấy người y tá, bác sĩ, cảnh sát còn có một người phụ nữ ăn mặc giản dị, cả người đầy bùn đất đang ôm một đứa bé khoảng năm sáu tuổi. Trên áo cậu bé ấy đầy máu, máu dính cả trên tóc, đôi mắt tròn xoe, ngân ngấn nước ngước lên nhìn tôi. Tôi như hoảng loạn, túm lấy tay người cảnh sát bên cạnh gào lên:

– Anh Vũ đâu? Anh ấy đang ở đâu? Nói cho tôi biết đi, anh ấy nằm ở khoa nào? Bị thương ở đâu?
– Anh ấy đang ở trong phòng cấp cứu

Không đợi anh ta nói hết tôi lao thẳng vào phòng cấp cứu. Căn phòng rất đông người, ở giữa là một người nằm chiếc giường sắt lạnh lẽo được phủ ga trắng từ đầu đến chân. Trên chiếc ga trắng ấy loang lổ máu, máu chảy thẳng xuống dưới cả nền nhà trắng muốt. Một người đàn ông khoảng độ ba mươi lăm tuổi mặc quân phục tiến về phía tôi, vừa nhìn tôi đã nhận ra là anh Long đội trưởng của Vũ. Tôi liền túm lấy tay anh ta, đảo mắt một vòng căn phòng hỏi lại:

– Anh Vũ đâu? Sao mọi người bảo anh ấy ở phòng cấp cứu?

Anh Long nhìn tôi, đau thương đáp:

– Ngân! Bọn anh phải thông báo cho em biết… em phải kiên cường đối diện với sự thật. Cậu Vũ… trong lúc làm nhiệm vụ, để bảo vệ con tin đã bị bắn mười bốn phát súng, bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng không kịp, cậu ấy đã hi sinh trên đường đến bệnh viện.

Từng câu từng chữ đáng sợ được phát ra. Tôi đã cố gắng lừa gạt mình rằng người nằm phủ khăn trắng kia không phải Vũ. Thế nhưng khi nghe anh Long nói, toàn thân tôi như sắp gục ngã. Tôi lê từng bước chân nặng nhọc về phía chiếc giường sắt, từ từ kéo chiếc ga trắng ra rồi đột nhiên bật cười nói:

– Đây có phải anh Vũ đâu? Mọi người gạt em à? Anh Long, anh giấu anh Vũ ở đâu?

Tất cả mọi người chợt ngơ ngác nhìn tôi. Anh Long cố ra lời an ủi:

– Ngân, em phải kiên cường lên.

Tôi chợt gào lên:

– Kiên cường gì chứ? Anh nói thế là có ý gì? Đây đâu phải anh Vũ, mọi người giấu anh ấy đâu rồi?

Thế nhưng dẫu cho tôi hỏi thế nào cũng không ai chịu trả lời tôi. Mấy người y tá mắt đỏ hoe nhìn tôi. Anh Long tiến tới lắc vai tôi:

– Ngân, em đừng thế này. Em phải chấp nhận sự thật.

Chấp nhận sự thật? Chấp nhận sự thật gì cơ chứ? Tôi buông chiếc ga trắng, chạy khắp phòng cấp cứu nhưng vẫn không thấy Vũ. Tất cả mọi người không ai ngăn tôi, tất cả mọi người đều khóc, tất cả mọi người đều nhìn tôi đầy thương tâm. Tất cả đều là một giấc mộng, chắc chắn đây là cơn ác mộng ác mộng. Tôi phải đi tìm anh, anh không thể là người nằm trên kia được, anh không thể bỏ tôi được, anh không thể chết, nhất định đó không phải anh, đó chỉ là ai đó giống hệt anh thôi. Tôi như điên dại tìm kiếm, cuối cùng một màn đen như thuỷ triều ập đến, tôi nghe thấy hơi thở yếu ớt của mình, nghe thấy cả sự tuyệt vọng trong cơn ác mộng không thể tỉnh.

***
Lời tác giả: các chị ơi đọc xong truyện cho em xin ít bình luận, lai lủng các thứ nha. Tương tác chương 2 tụt làm em buồn quá à. Em đảm bảo theo dõi truyện càng về sau sẽ càng gay cấn 😂😂.

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (17 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN