Ngày Anh Đến - Phần 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3001


Ngày Anh Đến


Phần 9


Thành bế thẳng tôi ra khỏi nghĩa trang, xe của anh để ngay đầu đường. Dưới ánh đèn đường vàng hiu hắt tôi thấy từng lớp mưa trắng xoá phủ lên mặt kính, chảy thành từng giọt. Cũng dưới ánh đèn ấy tôi thấy đôi mắt Thành càng u ám. Anh đưa tôi vào xe, từng giọt nước tong tong chảy xuống ghế da, xuống thảm dưới chân. Cả người tôi run lên vì lạnh, Thành đưa tay bật điều hoà về chiều nóng rồi thu tay về vô lăng. Thế nhưng Thành không di chuyển xe, anh quay sang tôi đưa tay lên như muốn lau mái tóc ướt đẫm của tôi. Như một bản năng tôi khẽ tránh khiến tay anh dừng giữa không trung. Thành ngẩn người nhìn tôi.
Đột nhiên trong lòng tôi bỗng cảm thấy như có ai siết chặt, tôi không dám nhìn vào mắt Thành, tôi… thấy có lỗi. Tôi biết sẽ rất khó để giải thích, sẽ chẳng ai tin nổi tôi và Vũ chỉ đơn thuần là anh em. Không có anh em nào giống tôi và Vũ cả, kể cả anh không còn, kể cả anh đã ở một nơi rất xa nhưng tôi vẫn ngày đêm nhớ thương vô hạn. Tôi bỗng cảm thấy chua xót thay cho cả Thành, tôi không biết anh có thích tôi không, có yêu tôi không, hay cũng giống như tôi anh cũng có tình cảm với người khác. Thế nhưng trong cuộc hôn nhân này ít ra Thành cũng có trách nhiệm với nó, tôi không phải đứa ngốc, tôi không phải không nhận ra việc anh luôn bảo vệ tôi, giữ gìn thanh danh cho tôi. Còn tôi thì sao? Hằng ngày đều đắm chìm trong cái chết của Vũ, tôi đối với Thành thế nào, hay cả ngay một cái liếc mắt tôi cũng không buồn dành cho anh? Tôi cúi gằm mặt, nói rất nhỏ:
– Xin lỗi.
Khi tôi vừa nói xong câu nói ấy đột nhiên Thành cúi xuống, còn chưa kịp phản ứng gì đã thấy môi Thành đặt lên môi tôi, hai tay anh bóp chặt vai tôi, dùng lực mà hôn rất mạnh. Bờ môi của Thành rất lạnh, không biết vì mưa, vì gió hay bởi vì điều gì. Tôi bị đè dựa vào ghế, tựa hồ như con mèo không tài nào kháng cự nổi, càng không thể giãy giụa chỉ có thể phát ra những âm thanh đục ngầu:
– Thành, anh buông tôi ra, anh say rồi
Thế nhưng Thành không buông, anh dùng tất cả sức lực mà hôn. Mùi rượu, mùi quế xen lẫn với nhau, chạm vào đầu lưỡi rồi lan dần vào khoang miệng. Nước mưa từ người anh chảy xuống má tôi, trượt xuống cằm, xuống cổ. Tôi ra sức vùng vẫy, hai tay cào cả lên người Thành, vậy mà anh dường như không đau, dùng lưỡi cuốn lấy miệng tôi, không cho tôi có thể mở lời, càng không cho tôi phản kháng. Rồi đột nhiên Thành bỗng dùng hai tay, xé tan chiếc áo trên người tôi đang mặc, đôi môi lạnh lẽo thô bạo di chuyển xuống cổ, xuống bầu ngực ướt sũng. Tôi nghe thấy lồng ngực anh phập phồng, tiếng hơi thở gấp gáp xen lẫn cả nỗi bi thương. Anh hôn tôi, hôn lên làn da lạnh lẽo ấy, tuy rằng dùng lực nhưng lại không hề khiến tôi đau. Hai tay anh vẫn giữ chặt vai tôi như thể buông ra tôi sẽ biến mất, mi mắt Thành lấp loáng những giọt nước mưa đọng lại. Tôi không phản kháng nữa, nhưng cả người tôi run rẩy, Thành bỗng khựng lại, trong giây lát tôi thấy anh ngước lên nhìn tôi, đôi mắt như màn đêm không có chút ánh sáng nào. Cuối cùng, anh buông tôi ra. Tôi bỗng thấy tuyệt vọng, tuyệt vọng không phải bởi vì ngày sinh nhật của Vũ tôi để Thành hôn tôi, tuyệt vọng không phải vì anh đụng chạm cơ thể với tôi. Tôi tuyệt vọng bởi tôi không cho tôi một cơ hội nào, tôi tuyệt vọng bởi tôi đã quá khắt khe với Thành, khắt khe với chính bản thân mình. Thành là chồng tôi, tôi biết anh không làm gì sai, nhưng tôi lại làm như anh đang cưỡng bức tôi.
Thành quay lại phía sau lấy chiếc áo khoác còn khô của mình đắp lên người tôi, che đi phần cơ thể loã lồ của tôi rồi khẽ xoay vô lăng. Anh không nói gì lặng lẽ phóng xe đi. Tôi dựa đầu vào ghế nhắm nghiền mắt, cảm giác thê lương xen lẫn cả bất lực.
Thành không đưa tôi về nhà cha mẹ mà phóng thẳng về nhà của chúng tôi. Đêm rồi mọi người đã ngủ hết, anh lái xe đến tận trước của nhà rồi bế thẳng tôi vào trong rồi đóng cửa lại. Thành không giục tôi đi tắm nhưng lại lấy quần áo khô cho tôi. Anh không nói với tôi câu nào, tôi lại thấy không mấy dễ chịu. Tôi cầm bộ quần áo mang vào phòng tắm, hơi nước nóng hổi cũng không khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn chút nào, tôi cảm thấy người mệt mỏi vô cùng. Có lẽ nước mưa ngấm vào, lại thêm gió rít, tôi chỉ muốn được nằm xuống tấm nệm ngoài kia. Tắm xong mặc bộ quần áo khô khan đi ra ngoài không thấy Thành đâu chỉ thấy cái Trúc mang lên cho tôi cốc nước gừng ấm thì ngạc nhiên hỏi:
– Sao em lại ở đây? Cậu Thành đâu?
Cái Trúc chỉ tay về phía nhà lớn đáp:
– Cậu Thành đi tắm, cậu giục em pha cho mợ cốc nước gừng, mợ uống đi. Cậu mợ đi đâu về mà khuya thế ạ?
Tôi bối rối không đáp lại câu hỏi mà trả lời:
– Cảm ơn em, em về ngủ đi, xin lỗi giờ này còn làm phiền em
– Vâng, vậy em về ngủ đây ạ, mợ cũng ngủ sớm đi nha.
Tôi gật đầu uống cốc nước gừng, uống xong vẫn cảm thấy mệt mỏi, mái tóc còn chưa khô nhưng người tôi nóng ran nằm xuống giường định nghỉ một lúc nhưng không ngờ lại ngủ thiếp đi. Khi còn đang mơ mơ màng màng tôi đột nhiên thấy ai đó dựng tôi dậy, cổ họng tôi khô khốc nhưng không muốn dậy nhưng cũng nhận ra mùi hương quen thuộc này là của Thành khẽ nói:
– Tôi mệt lắm, để tôi ngủ được không?
Thế nhưng Thành không nghe lời tôi khó chịu càu nhàu:
– Dậy sấy tóc đi rồi ngủ, cô muốn chết à mà để tóc ướt như này đi ngủ.
Tôi biết, nhưng tôi thật sự rất mệt, còn cảm thấy đầu như muốn nổ tung, người tôi rất nóng, tôi thấy hình như mình sốt rồi. Thành dường như cũng nhận ra điều đó chạm tay lên trán tôi. Đột nhiên Thành kéo tôi vào lòng, tôi không phản kháng, cả người cuộn lại trong lòng anh rồi lại thiếp đi. Tôi không biết mình mơ hay thật nhưng tôi nghe thấy tiếng Thành nói nhỏ:
– Được rồi, vậy cô ngủ đi, tôi sấy tóc cho cô.
Tôi không biết tiếng Thành là mơ hay thật nhưng tôi biết Thành sấy tóc cho tôi là thật bởi tôi cảm nhận được sức gió nóng từ máy sấy phả lên đầu, còn cảm nhận được cả mấy ngón tay đang nhẹ nhàng luồn vào những sợi tóc trên đầu tôi.
Tôi chìm vào giấc ngủ, đến nửa đêm tôi sốt cao, cả người nóng hừng hực. Tôi cảm nhận được cơn sốt, nửa tỉnh nửa mê, tôi còn nằm mơ. Trong mơ tôi lại mơ thấy cả gia đình tôi bên cánh đồng tuyết, có cả cha mẹ, Chi, và có cả Vũ. Giấc mơ quen thuộc thời thơ ấu xa xôi ấy như cuốn phim không bao giờ dứt, vẫn lặp đi lặp lại. Nhưng lần này khi giấc mơ kéo dài tôi còn mơ thấy cả Thành, anh cũng ngồi cạnh cha tôi và Vũ, cùng thả câu xuống dưới chiếc ao cạnh cánh đồng tuyết, cha tôi rất vui, Vũ cũng vui. Đến lúc tỉnh tôi mở mắt ra thấy Thành đang ngồi ngay cạnh mình, trán tôi được đắp một chiếc khăn ấm, bên cạnh còn có cả một chậu nước. Nhưng rồi cơn sốt lại ập đến, tôi giống như trên mây trên gió, chẳng thể phân biệt nổi đâu là mơ đâu là thật. Chỉ thi thoảng mở mắt ra thấy Thành, lúc thì anh ngồi, lúc lại đứng, có lúc còn nghe tiếng anh nói với cái Trúc những câu đại loại như:
– Mày thay cho cậu chậu nước ấm.
– Đưa đây để cậu cho mợ uống.
– Trúc, mày lấy điện thoại cho cậu gọi bác sĩ Lâm.
– Lấy cặp nhiệt độ cho cậu.
Suốt một đêm như vậy, dù tỉnh hay mơ tôi đều thấy bóng Thành phảng phất. Đến sáng hôm sau khi hết sốt, tôi tỉnh táo thức dậy thì lại không thấy Thành đâu. Cái Trúc mở cửa bước vào, nhìn thấy tôi đã tỉnh liền hỏi:
– Mợ, mợ tỉnh rồi ạ?
Tôi nhìn nó buột miệng hỏi:
– Cậu Thành đâu em?
Hình như đây là lần đầu tiên tôi tìm Thành, từ lúc lấy nhau, đây là lần đầu tôi hỏi anh đang ở đâu? Suốt một đêm qua, dù mê man sốt nhưng tôi đã suy nghĩ thông suốt. Tôi biết tình cảm là thứ không thể cưỡng cầu, tôi cũng biết với tôi Vũ không chỉ là người tôi yêu, mà anh còn là người thân của tôi, chúng tôi đã cùng sống dưới một mái nhà suốt hai mươi năm. Tôi không thể ép mình quên anh bởi rằng cả đời này sẽ không bao giờ quên nổi, dù sau này có thể tôi sẽ yêu người khác, nhưng tình cảm với Vũ vẫn là thứ tình thân không bao giờ chối bỏ được. Có điều đêm qua tôi cũng nhận ra một điều, tôi không thể cứ đắm chìm mãi trong cái chết của Vũ. Tôi kết hôn rồi, tôi đã cùng Thành kết tóc se duyên, tôi đã là vợ của Thành, khi tôi tỉnh dậy trong căn phòng này tôi cũng nhận ra đây mới là nhà của tôi. Là tôi tự nguyện lấy Thành dù tôi không yêu anh, nhưng chẳng phải anh cũng phải lấy tôi khi chẳng biết tôi là ai sao? Tôi muốn cố gắng mở lòng ra, ít ra cũng phải có trách nhiệm với cuộc hôn nhân này. Tôi sống với Thành cả đời, vậy nên tôi không thể bài xích anh mãi, không thể vô trách nhiệm mãi được. Hôn nhân không phải chỉ là yêu, mà còn là sự ràng buộc, còn là trách nhiệm.
– Mợ, mợ nghĩ gì mà bần thần vậy? Cậu về rồi ạ.
Tiếng cái Trúc kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ miên man, tôi ngẩng mặt lên thấy Thành bước vào từ bao giờ, trên tay anh còn cầm ít hạt sen đưa cho cái Trúc rồi nói:
– Mang xuống bếp hầm với gà cho mợ.
Cái Trúc nhìn đống hạt sen trầm trồ:
– Cậu lấy đâu được hạt sen tươi thế này ạ?
Thành không đáp, chỉ nhét hạt sen vào tay nó rồi gắt gỏng:
– Hỏi nhiều làm gì? Đi xuống bếp đi.
– Dạ vâng ạ
Tôi nhìn Thành, gương mặt anh hơi phờ phạc, đôi mắt hiện lên rõ việc đêm qua anh đã không ngủ suốt một đêm. Nghĩ đến việc hôm qua Thành cũng dầm mưa, vậy mà đêm vì tôi sốt anh còn phải chăm sóc tôi, tôi có chút áy náy, im lặng một lúc tôi mới cất lời:
– Chuyện hôm qua ở nghĩa trang… thực ra hôm qua…
Tôi vốn định nói thật với Thành tất cả, tôi vốn định giải thích nhưng Thành đã ngắt lời:
– Tôi biết.
Nghe Thành nói tôi thoáng ngây người, anh biết? Anh biết gì? Biết mối quan hệ giữa tôi và Vũ? Biết đêm qua là sinh nhật Vũ? Biết tôi yêu Vũ? Hay tất cả mọi chuyện anh đều biết? Có lẽ là anh ta đã biết tất cả, nếu vậy có lẽ tôi không cần giải thích nữa. Tôi hơi cúi đầu nói:
– Anh cho tôi thời gian.
– Gì cơ?
– Cho tôi thời gian, tôi… tôi sẽ cố gắng thay đổi.
Thành nhìn tôi, tôi không nhìn rõ ánh mắt của anh ta mang cảm xúc gì, chỉ thấy gương mặt Thành mang một nét dễ chịu. Tôi cũng cảm thấy lòng mình dễ chịu hơn rất nhiều. Thành không đáp lại lời tôi mà nói:
– Hết sốt rồi thì nghỉ ngơi đi, tôi gọi điện về cho cha nói tôi đón cô về rồi. Giờ tôi phải đi làm, muốn ăn gì thì bảo cái Trúc nấu cho.
Tôi gật đầu, đợi Thành đi khuất tôi mới nằm xuống. Sau trận sốt đêm qua người tôi vẫn còn hơi mệt, nằm xuống tôi lại thiếp đi. Mãi đến khi cái Trúc mang bát gà hầm sen lên tôi mới tỉnh lại. Mùi sen tươi thơm phức, cái Trúc múc cho tôi một bát rồi xuýt xoa:
– Mùa này ít chỗ có sen tươi, không biết cậu mua đâu được sen này cho mợ, mợ dậy ăn đi cho nóng.
Bụng tôi đói meo nhưng miệng lại đắng ngắt, cũng may cái Trúc nấu ăn rất ngon, tôi nếm thử một chút nước cuối cùng cũng lấy được lại vị giác. Nhưng vì cái Trúc nấu nhiều quá, tôi ăn không hết nên gọi cái Trúc ăn cùng. Ban đầu nó ngại, sau tôi giục mãi cũng vui vẻ ăn cùng tôi bát gà hầm. Lúc đang ăn tôi sực nhớ đến chuyện chiếc vòng tì hưu mẹ tôi kể liền hỏi cái Trúc:
– Trúc, hôm trước em kể với mợ chuyện vòng tì hưu, mợ hỏi em mấy chuyện được không?
– Vâng, mợ hỏi đi.
– Chiếc vòng tì hưu ấy thật sự giống hệt chiếc của mợ sao?
– Vâng, giống hệt mợ ạ, chỉ khác cái chữ khắc bên dưới thôi.
– Lúc em biết đến chiếc vòng là cách đây bao lâu rồi?
– Cũng khá lâu rồi, lúc ấy con Mai còn làm ở đây, con Cúc lúc ấy còn chưa được lên nhà lớn, cách đây… phải một năm rồi mợ ạ.
Nghe đến đây tôi khẽ nhíu mày hỏi lại:
– Lúc ấy cái Cúc làm ở đâu?
– Lúc ấy nó còn làm ở nhà cậu Khang, nó làm ở nhà cậu Khang mấy năm rồi mới lên nhà lớn.
– Làm ở nhà anh cả Khang? – tôi hỏi lại.
Cái Trúc gật đầu khẳng định:
– Vâng. Nhưng sao đó mợ? Làm ở đó thì liên quan gì đến chiếc vòng tì hưu vậy mợ?
Lẽ ra tôi cũng chưa nghĩ gì, nhưng câu hỏi của cái Trúc lại khiến tôi như sực ra được điều gì đó. Chiếc vòng tì hưu này theo lời mẹ tôi là chiếc vòng hiếm có, vòng được đúc nguyên khối vàng và rất tinh xảo. Tôi tin chắc người sở hữu chiếc vòng tinh xảo thế này, lại còn sai được cái Cúc thì chỉ có thể là chủ chứ không phải người làm. Bỗng dưng tôi nghĩ đến chị Hạnh, ý nghĩ rất nhanh xoẹt qua, Hạnh… Hạnh chẳng phải tên lót đệm của chữ Hạnh Trân sao? Tôi không đáp lời cái Trúc, ăn xong cái Trúc mang bát đĩa đi rửa, tôi mở máy ra xác định giờ này Thành đang được ra chơi liền gọi cho anh. Đầu dây bên kia bắt máy nhanh, nhưng cái giọng vẫn cộc lốc như mọi ngày hỏi:
– Có chuyện gì thế?
– Tôi muốn hỏi anh một chuyện được không? Anh tiện nghe máy không?
– Nói đi.
– Anh có biết chị Hạnh tên đầy đủ là gì không?
Đầu dây bên kia hơi khựng lại rồi hỏi:
– Có chuyện gì sao?
– Không có gì, tôi có chút chuyện riêng thôi.
– Chị ấy tên là Đồng Trân Hạnh.
Ba chữ Đồng Trân Hạnh tôi nghe rất rõ, bỗng dưng tôi không thể nói được thêm câu gì, mãi đến khi thấy tiếng Thành cất lên tôi mới sực tỉnh:
– Nếu không có chuyện gì tôi tắt máy đây, vào lớp rồi.
Thành tắt máy rồi tôi ngồi xuống giường, Đồng Trân Hạnh, hai chữ Trân Hạnh vừa vặn trùng khớp với hai chữ T.H như cái Trúc miêu tả. Trân Hạnh đổi ngược lại còn là Hạnh Trân, là tên thật của tôi. Tôi ngồi một lúc, từ lúc tôi về đây tôi và chị Hạnh nói chuyện với nhau không quá nhiều. Có điều chị Hạnh đối với tôi khá tốt, nhất là hôm tôi bị mẹ Hoa vu tội lăng loàn chị và vú Quý đã cố gắng ngăn cản và bảo vệ tôi. Nếu như thật sự… chiếc vòng tì hưu kia là của chị Hạnh, rốt cuộc tôi và chị có mối quan hệ như thế nào? Nếu chị Hạnh thực sự là chủ nhân của chiếc vòng ấy, tôi chỉ có thể nghĩ đến một khả năng, tôi và chị Hạnh là chị em. Thế nhưng tôi cũng không thề nào dám chắc được, hoặc cũng có thể đó chỉ là sự trùng hợp tôi và chị chẳng có mối quan hệ gì với nhau cả. Chỉ có điều trùng hợp từ chiếc vòng tì hưu đến cả cái tên… thực sự là trùng hợp sao?
Tôi nghĩ mãi, nghĩ đến khi cảm thấy đầu như muốn nổ tung đành thôi không nghĩ nữa. Hôm nay trời nắng ấm, tôi ra ngoài hít chút không khí ấm áp, trong lành. Ở đây xung quanh có rất nhiều hoa lá, thầy Đăng trồng một vườn hoa kéo dài từ phía nhà anh Khang sang đến nhà tôi. Tôi ngước lên nhìn ánh mặt trời rạng rỡ, bỗng dưng trong lòng cảm thấy thời gian qua dường như tôi đã bỏ lỡ ánh sáng ấy, tôi giam mình trong bóng tối, nhìn đâu cũng thấy u ám, hôm nay mới thấy có chút nắng lên.
Đứng một lúc tôi không kìm được, đi bộ qua vườn hoa lên nhà chị Hạnh, anh Khang. Có điều lúc lên đến nơi mới biết chị Hạnh sáng nay đã về nhà bố mẹ đẻ chơi vài ngày rồi. Tôi hơi nuối tiếc xoay người định trở về thì thấy tiếng anh Khang cất lên:
– Mẹ, thu chi của công ty là chuyện nội bộ, con không thể đưa cho mẹ được.
Tôi vốn định đi, nhưng tiếng mẹ Hoa cất lên khiến tôi lại khựng lại:
– Vì sao không thể đưa? Công ty có 30% cổ phần là của mẹ, mẹ đâu phải người ngoài, mẹ cũng là người trong công ty mà.
– Nhưng…
– Chẳng lẽ thu chi có vấn đề gì không thể để người khác biết hay sao?
Tôi nhìn mẹ Hoa, trong lời nói của mẹ có sự châm biếm lẫn mỉa mai, anh Khang hơi chau mày đáp:
– Thu chi thầy Đăng kiểm tra rất kĩ, nếu mẹ muốn xem thì phải hỏi thầy Đăng trước.
Mẹ Hoa chợt cười, điệu cười mang bảy tám phần không chân thật nói:
– Con cũng thật giỏi, mỗi lần thế này đều biết lấy thầy Đăng ra làm lá chắn, nhưng lần này có thế nào mẹ cũng muốn xem doanh thu của công ty trong năm thế nào.
Tôi nghe đến đây bỗng cảm thấy rất lạ, hai mẹ con nói chuyện mà tôi cứ cảm giác như người dưng nước lã. Tôi ở nhà, dù chỉ là con nuôi, dù không cùng huyết thống nhưng tôi chưa từng thấy mẹ tôi nói với tôi như thế này. Chẳng lẽ người giàu sẽ nói chuyện với nhau như vậy sao? Thế nhưng sao Thành, Duy… cách nói chuyện của mẹ Hoa lại rất khác, tuy mẹ cộc lốc, nói chuyện tao mày với Duy, Thành nhưng tôi chưa từng thấy mẹ làm điệu cười giả trân kia với hai người họ.
Tôi không dám đứng đó lâu nghe mẹ Hoa và anh Khang cãi nhau nên đành lặng lẽ rời đi. Khi gần về đến nhà tôi thấy cái Trúc đang hớt ha hớt hải chạy đi tìm mình. Thấy tôi nó liền nói:
– Trời ơi, mợ đi đâu làm em tìm mợ bở hơi tai.
– Tìm mợ? Tìm mợ làm gì?
– Cậu bảo mợ sốt nên phải để ý mợ, về mợ mà làm sao cậu vả chết bà em luôn.
Tôi nghe cái Trúc nói bật cười:
– Mợ đi ra ngoài hít khí trời chút thôi, được rồi mợ về luôn.
Tôi với cái Trúc về nhà, thế nhưng tôi không lên nhà mà xuống bếp cùng cái Trúc. Lúc xuống bếp thấy túi hoa bụp giấm vú Quý cho vẫn treo trên chạn liền nói:
– Trúc, hoa chưa khô hẳn nên phải nấu mà uống sớm, không thì phải bảo quản trong tủ lạnh, lúc nào rảnh em nấu đi cho cậu mợ uống cho mát.
Cái Trúc nhìn túi hoa bụp giấm trên chạn hơi ngập ngừng đáp:
– Vâng… vậy… vậy để đợi mợ khoẻ hẳn rồi em nấu cho. Giờ mợ sốt uống cũng không tốt lắm.
Tôi thấy điệu bộ ngập ngừng của cái Trúc thấy lạ, định hỏi nó lại nói:
– À mợ ơi, cậu bảo chiều cậu không có tiết nên về sớm, chiều mợ thích ăn gì để em nấu cho cậu mợ.
Tôi ở nhà không làm gì cũng chán, nghe cái Trúc nói vậy, lại nghĩ đến Thành tự dưng muốn tự tay nấu cho Thành ăn liền hỏi nó:
– Cậu Thành bình thường thích ăn gì?
– Thích ăn gì ấy hả mợ? Em thấy cái gì cậu ấy cũng ăn… à chắc cậu thích ăn bún cá mợ ạ, thấy mấy lần bà nấu bún cá cậu ăn ngon lắm.
– Vậy em đi chợ mua cho mợ con cá rô với bún nhé.
– Uầy mợ biết nấu ăn luôn ạ?
Tôi gật đầu cười đáp:
– Ừ. Không giỏi như em nhưng chắc ăn cũng được.
Cái Trúc nghe vậy cười tít mắt dạ vâng rồi chuẩn bị bữa trưa cho tôi. Chiều tôi dậy từ rất sớm, từ nhỏ ở nhà tôi đã theo Vũ học nấu ăn, thế nên với món bún cá tôi không khó khăn để làm. Nấu xong cái Trúc còn hít hà mùi thơm khen nức nở:
– Thế mà mợ bảo cũng được. Cái này là ngon xuất sắc luôn, mợ đỉnh vãi, kiểu gì cậu cũng ăn hết mấy bát cho mà xem.
Tôi nghe cái Trúc nói bật cười cốc đầu nó một phát. Hôm nay Thành bảo về sớm, nhưng chờ khá lâu vẫn chưa thấy anh về, cái Trúc thấy vậy liền nói:
– Để em ra cổng xem thấy cậu về chưa, cậu bảo hôm nay cậu về sớm mà.
Tôi gật đầu, cái Trúc liền chạy ra ngoài, thế nhưng mới chạy được một đoạn nó đã quay ngược về hoảng hốt:
– Mợ ơi, không xong rồi, cậu về một lúc rồi mà cậu đang bị ông đánh trên nhà lớn.
Tôi nghe cái Trúc nói cũng hoảng hốt theo vội vã chạy lên nhà, vừa đến sân đã thấy tiếng thầy Đăng quát:
– Mày tưởng tao muốn có loại con như mày lắm à? Từ nhỏ tới lớn mày sống thế nào, mày làm được cái tích sự gì hay chỉ gây gổ, gây phiền phức cho tao?
Tôi thấy Thành đứng trước mặt thầy Đăng, gương mặt anh còn in hằn mấy ngón tay đỏ rực, anh cười nhạt đáp:
– Vâng, trong lòng thầy thì chỉ có anh Khang là con trai ngoan của thầy thôi.
– Phải rồi, nó ngoan chứ, ít ra nó cũng không hại chết ai như cái loại mày.
Mẹ Hoa đứng cạnh Thành chợt sững sờ, còn Thành thì bình thản nói:
– Thầy muốn nói thì cứ nói thẳng ra, bóng gió làm gì, bao nhiêu năm rồi thầy chắc phải khổ sở kìm nén lắm mới nói được ra câu này với con nhỉ?
Thầy Đăng thấy giọng điệu của Thành liền vung tay tát bốp cho anh một cái. Anh vẫn đứng yên để mặc thầy tát còn mẹ Hoa thì lao vào ôm lấy tay thầy Đăng gào lên:
– Ông không được đánh nó, ông không được đánh nó, ông mà đánh nó tôi sống chết với ông luôn.
– Bà bênh nó? Bà bênh nó hết lần này đến lần khác nên nó hư hỏng như vậy?
– Nó làm gì mà ông bảo nó hư hỏng? Nó làm gì chứ? Sao ông lại dám nói nó hại chết người? Sao ông lại nói như vậy? Con Hiền là em gái ruột nó, sao ông lại nói như vậy được chứ? Ông không nghĩ đến cảm nhận của nó sao, ông không nghĩ nó đau lòng sao? Ông không nghĩ đến cảm nhận của tôi sao?
Mẹ Hoa nói đến đâu khóc đến đây, thầy Đăng nhìn mẹ khóc nhắm nghiền mắt. Mẹ Hoa quay sang Thành nghẹn ngào:
– Con về đi.
Thành nhìn ra ngoài sân, thấy tôi đang đứng đó, hai nắm tay đang nắm chặt của anh cũng khẽ buông ra. Anh lùi chân lại, đôi giày tây gõ lên nền nhà từng tiếc cộc cộc rồi đi thẳng ra phía tôi với cái Trúc đang đứng. Anh không nói gì chỉ lẳng lặng cầm tay tôi kéo về nhà. Phía sau tiếng mẹ Hoa nấc lên:
– Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày giỗ của con Hiền ông lại gây sự với nó. Ông luôn đổ lỗi cho nó, nhưng tôi nói cho ông biết con Hiền chết là vì ông.
– Bà nói gì cơ?
– Tôi nói con gái tôi chết là vì ông, nếu không phải vì sai lầm của ông nó đã không chết thảm như vậy, ông tự đi mà suy xét lại đi, ông không xứng làm cha nó.
– Bà… tôi cho bà nói lại lần nữa.
– Tôi nói đủ rồi, còn ông thích đánh thích giết thì làm luôn đi, chôn tôi với nó luôn đi.
Từ lúc tôi về đây bị mẹ Hoa đánh, trong lòng tôi có chút giận mẹ, nhưng khi thấy mẹ che chắn cho Thành, thấy mẹ khóc, thấy có một nỗi thống khổ trong tiếng gào thảm thương của mẹ tôi bỗng thấy chua xót. Dù tôi không biết nhiều, nhưng tôi lờ mờ đoán ra được mẹ Hoa còn một người con gái nữa, nhưng cô ấy đã không còn. Tôi rất muốn hỏi Thành nhưng thấy đôi mắt đỏ ngầu đầy tức giận của anh nên đành im.
Trở về phòng tôi thấy Thành lặng thinh, gương mặt anh đỏ lên, ánh mắt trầm mặc tôi thấy lòng nặng trĩu càng không còn muốn hỏi nữa, sợ hỏi anh ta lại điên lên vả cho tôi vài phát. Tôi vào nhà vệ sinh lấy khăn sấp nước đưa cho Thành rồi nói:
– Anh lau qua mặt đi cho đỡ rát, tôi với cái Trúc dọn bữa lên ăn.
Thành không đáp, tôi liền xuống bếp nấu nóng lại nước dùng rồi múc ba cái bát lớn lên. Cái Trúc phụ tôi bê lên nhà, lúc đặt xuống bàn Thành khẽ liếc nhìn mấy bát bún, bên trên là những miếng cá chiên vàng rụm. Anh ta chợt quay sang hỏi cái Trúc:
– Hôm nay mày bận không nấu ăn à?
– Sao cậu hỏi vậy ạ?
Thành hất hàm về bát bún cá thơm phức nói:
– Món này đếch phải mày nấu. Mua ở đâu?
Cái Trúc cười đáp:
– Trời ơi cậu tinh vãi. Mợ nấu đấy cậu ạ.
Lần này Thành ngạc nhiên quay sang tôi, nhưng anh ta cũng không nói gì. Tôi đặt ba bát bún rồi bảo cái Trúc ngồi xuống ăn cùng, có điều nó sợ Thành nên không dám ngồi cứ lắc đầu nói:
– Dạ thôi cậu mợ ăn đi, lát em ăn sau.
Dù tôi nói cỡ nào, dù tôi bảo tôi đã chuẩn bị ba bát nó vẫn không nghe, Thành thấy vậy thì ngước lên quát:
– Nhì nhà nhì nhèo điếc hết lỗ tai. Mợ bảo mày ngồi thì mày ngồi đi, nói lắm cậu vả sưng bà mày mồm lên bây giờ.
Cái Trúc nghe vậy xanh mặt ngồi xuống, vừa ăn cái Trúc vừa nói:
– Mợ nấu ăn ngon cậu nhỉ?
Thành chấm một miếng cá đáp lại:
– Tạm.
– Uầy, tạm với cậu là đỉnh của chóp rồi. Ngon thật đấy mợ ạ, ngon hơn ngoài hàng.
Tôi lén nhìn Thành chợt thấy anh cười, nụ cười rất nhẹ nhưng tôi cũng cảm nhận được. Thấy anh ta vui vẻ hơn tôi cũng thấy trong lòng dễ chịu, thực ra tôi như bao người vợ khác, dù chúng tôi kết hôn không dựa trên tình yêu nhưng tôi cũng không muốn Thành bị ai đánh mắng như ban nãy thầy Đăng đánh anh, tôi cũng muốn anh vui vẻ.
Ăn xong dọn dẹp tắm táp xong tôi và Thành lên giường ngủ. Thành không làm gì tôi nhưng anh ném chiếc gối chắn giữa đi, tôi không bài xích nữa, nằm bên cạnh anh xác định sớm muộn cũng phải thực hiện nghĩa vụ. Có lẽ Thành cũng không muốn cưỡng ép, anh chỉ nằm lặng yên như vậy. Lúc này tôi khẽ quay sang anh hỏi:
– Tôi có chuyện này muốn hỏi anh được không?
– Hỏi đi.
– Anh biết cha mẹ chị Hạnh không?
– Biết, cha chị ấy là giám đốc công ty bánh kẹo tầm trung ở trên thành phố, ông ấy là Đồng Thái Minh.
Tôi nghe Thành nói, hoá ra gia thế nhà chị Hạnh đúng là không tầm thường. Tuy không so được với nhà Thành nhưng cũng thuộc dạng tiểu thư khuê các. Tôi bỗng thật sự rất tò mò, tò mò về chiếc vòng tì hưu còn lại kia, rốt cuộc tôi và chị Hạnh có quan hệ gì với nhau không? Liệu chiếc vòng ấy có thật sự là chị Hạnh sở hữu như tôi nghĩ hay không. Trước kia cho rằng tôi bị cha mẹ ruột bỏ rơi nên không quan tâm, nhưng sau khi nghe mẹ kể tôi thật sự tò mò về thân thế của mình. Khi còn đang nghĩ đột nhiên tiếng Thành kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ miên man:
– Tạm thời cô chưa đi làm muốn tiêu gì thì lấy thẻ trong tủ mà dùng. Thẻ đó là thẻ thầy phát cho tôi lâu rồi mà tôi không dùng đến, trong đó chắc cũng phải có đến gần trăm triệu vì tôi chưa rút xu nào, muốn ăn gì, mua gì mặc gì thì dùng, tháng nào thầy cũng bắn tiền vào đó, tiêu nhiều như chị Hạnh thì thầy bắn nhiều, cô cứ tiêu đi không phải ngại thầy.
Tôi nhìn Thành, vốn định từ chối vì thấy bản thân cũng không tiêu gì nhưng chợt nghĩ đến mấy việc cần làm cuối cùng đáp:
– Cảm ơn anh.
Thành hơi hừ nhẹ như tiếng ừm rồi xoay người ra ngoài. Tôi nằm cạnh cảm thấy hình như lưng anh nóng lên, hương thơm thoang thoảng lại phả ra. Mùi hương ấy rất dễ chịu, khiến tôi ngủ từ lúc nào không hay biết, dường như tôi đã quen dần với nó, dường như bắt đầu chấp nhận nó.
Những ngày tiếp theo cuộc sống của tôi khá yên ổn, tôi và Thành tuy vẫn chưa đụng chạm thân xác nhưng đã không còn khoảng cách ở giường. Tôi nghe nhiều người nói anh là loại công tử ăn chơi trác táng, nhưng tiếp xúc tôi thấy không đến mức như vậy hoặc anh ta giấu quá kỹ tôi không nhìn ra được. Có điều tôi cũng không quan tâm, bản thân tôi cũng toàn vẹn trong cuộc hôn nhân này, tôi không có quyền ép anh phải hoàn hảo, nhưng tôi mong cả tôi và anh sẽ thay đổi.
Cuối tuần ấy mẹ Hoa về dưới huyện làm lễ giải hạn, anh Tài đưa mẹ Hoa đi cùng cái Cúc với cái Trúc, anh Ninh thì xin về quê giỗ mẹ, anh Khang và thầy Đăng lên thành phố kí hợp đồng, chị Hạnh thì về nhà mẹ đẻ còn Thành có buổi giao lưu với phóng viên nên chỉ còn tôi với vú Quý ở nhà. Vì không có ai mai mọi người mới về, nên tôi khá buồn, tôi gọi điện cho mẹ Hoa xin phép mẹ cho tôi về nhà chơi sáng mai sẽ lên. Được mẹ Hoa đồng ý tôi liền về chuẩn bị đồ để đi, nhưng rồi nghĩ lại tôi lại lấy chiếc vòng tì hưu cất vào túi rồi xách đi. Ra cổng gặp vú Quý, vú hỏi tôi chỉ trả lời qua quýt rằng tôi về nhà sáng mai lên rồi vội vã ra ngoài bắt xe xuống huyện. Thế nhưng tôi không vội về nhà mà đi đến cô nhi viện, chỉ đáng tiếc tôi đi thật không đúng lúc, hôm nay cô nhi viện không có ai chỉ có bác bảo vệ, các cô bác đưa các em đi trải nghiệm theo chương trình học qua trải nghiệm cuối cùng tôi lại bắt xe về nhà. Nhưng dường như hôm nay trời không chiều lòng tôi, về nhà nhà tôi đóng cửa, cô Lan nói mẹ tôi với cái Chi đưa cha tôi đi khám lại ở trên viện tỉnh rồi giỗ bà ngoại tôi trên đó chắc phải sáng mai mới về vì vừa đi thôi. Tôi hơi thất vọng, vào nhà cô Lan chơi đến chiều tối rồi lại bắt xe trở về.
Lên đến biệt phủ trời cũng tối hẳn, cổng đã khoá sợ mọi người ngủ nên tôi lấy chìa khoá nhẹ nhàng mở rồi đẩy cổng bước vào. Vào trong chợt thấy xe của thầy Đăng đang đỗ ở ngoài sân mới biết thầy đã về. Vốn định lên nhà lớn chào thầy nhưng khi tôi vừa bước chân vào đến nhà lớn tôi thấy cửa đã khép, tôi định quay đi bất chợt nghe tiếng cười khúc khích của vú Quý. Tôi khẽ khựng chân lại, lại thấy tiếng vú cất lên:
– Mình say rồi đúng không? Em thích nhất những lúc mình thế này đấy, cứ có tí men rượu mình mới sống thật với cảm xúc.
Cả người tôi như có một luồng gió lạnh lùa qua, rùng mình sợ hãi. Tôi nhìn qua khe hẹp của cửa gỗ, trong một giây lát tôi thấy ngay trên chiếc phản gỗ gần phòng thầy mẹ, vú Quý và thầy Đăng đang trần truồng quấn lấy nhau. Điện không bật, nhưng dưới ánh sáng của đèn dầu tôi nhìn thấy rất rõ. Tim tôi như muốn ngừng đập, không dám tin vào mắt mình, ngàn vạn lần không dám tin vú Quý và thầy Đăng lại… lại… như vậy. Những tiếng hoan lạc phả ra đập vào tai tôi, đột nhiên vú Quý dừng lại nói:
– Hình như có người.
Tôi nghe đến đây run rẩy lùi người lại rồi vội vã chạy ra lùm cây ngồi sụp xuống. Tiếng thầy Đăng quát lèm bèm:
– Ra xem ai, mau lên
– Vâng em đi tìm luôn đây
– Đi đi nhanh lên, xem là ai xử luôn nó đi, để đến tai bà Hoa thì cả hai chết chắc
– Vâng, để em tìm, mình yên tâm, em sẽ không để bất cứ ai biết chuyện đâu, em sẽ xử nhanh gọn lẹ.
Tôi nghe tiếng vú Quý, không dám thở, hai tay bụm lại, tim đập liên hồi.

Yêu thích: 4.7 / 5 từ (12 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN