(Ngoại truyện)Nhật kí mang thai khi 17
[Ngoại truyện] #3: Nguyện vọng
Hôm nay cô chủ nhiệm phát một mớ giấy chi chít chữ cho đám học sinh.
Đề cập đến cái vấn đề cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi.
Nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng và ngành nghề mà chúng tôi muốn làm trong tương lai.
Ái chà, cũng đã đến thời khắc này rồi ấy nhỉ.
Cầm những tờ giấy trên tay, mắt tôi lướt qua mấy tên trường cùng ngành nghề, khối học vân vân may may. Một nỗi chán chường xuất hiện trong lòng. Bao nhiêu là nghề từ kế toán đến kinh doanh, từ ngân hàng đến bác sĩ, từ giáo viên đến báo chí, từ kỹ sư đến IT, rồi còn cả nông nghiệp đến lâm nghiệp… Thú thật là tôi vẫn chưa có lựa chọn nào. Tôi biết đây là thời điểm cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là ngưỡng cửa cuộc đời, tuy vậy bản thân lại chưa thật sự sẵn sàng cho những lựa chọn của tương lai.
Tôi liếc mắt qua Thuý Nga, thấy nó nhìn chằm chằm vô mấy tờ giấy. Nhìn dữ vậy trời? Bộ nó đã ngâm cứu ra được ngành nghề nào muốn làm rồi à? Tôi chỉ cảm giác hơi tiếc khi không có ngành bói bài, hoặc không thì nó phải kiếm cái nghề nào để giúp cho cái “bệnh” ảo tưởng của nó phát huy tối đa. Tôi thúc nhẹ khuỷu tay vào hông Thuý Nga, hỏi nhỏ:
– Bồ định làm nghề gì chưa?
Thuý Nga xoay qua, vẩu cái môi trề cong vút lên một cách đầy danh giá:
– Tớ hả? Biết chứ! Tớ muốn làm y tá.
Tôi chưng hửng trước lời tuyên bố đầy chấn động kia, xem chừng còn chấn động hơn vụ tiếng hét man dại cấp độ 7 của nó. Ơ con này hay nhỉ? Cái thân học dốt Toán thế kia mà đòi làm y tá? Tôi liền đưa tay sờ trán nó:
– Bồ có bình thường không vậy?
– Bồ mới vô duyên. Tớ làm y tá thì có gì nào?
– Y tá thì phải thi khối B, mà khối B gồm Toán – Sinh – Hoá. Bồ dở ẹc môn Toán còn gì.
– Tuy tớ không giỏi Toán nhưng chẳng đến nỗi nào. Và từ giờ tớ sẽ quyết tâm học chăm chỉ môn này.
Tôi chống cằm nhìn Thuý Nga, nén tiếng thở dài. Con này ăn nhầm thứ gì mà lại quyết tâm thi vô cái ngành khó nuốt thế nhỉ? Nhìn lại tờ giấy đăng ký nguyện vọng, tiếng thở của tôi còn kéo dài hơn nữa. Dẫu Thuý Nga có hơi điên thiệt nhưng dù gì nó cũng biết rõ con đường mà bản thân phải đi trong tương lai trong khi tôi thì… Đời đáng chán đến gián cũng chả buồn đập. Rốt cuộc thì tôi muốn mình trở thành con người thế nào nhỉ?
Tan trường, tên Chan Chan lại đèo tôi trên chiếc Martin. Nhìn những đám mây lùi dần ra phía sau, tôi hỏi vẩn vơ:
– Hôm nay thầy chủ nhiệm lớp cậu có phát tờ đăng ký nguyện vọng không?
Chan Chan vẫn đạp xe vi vu, bờ vai rộng nhấp nhô không ngừng:
– Có chứ, lớp nào mà thầy cô chủ nhiệm chả phát tờ đó. Sao nào?
– Ừm thì tớ muốn hỏi cậu định thi khối nào?
– Khối A. – Chan Chan đáp liền luôn – Đằng này muốn thi Ngoại thương.
– Ngoại thương? Khối A thì có Toán – Lý – Hoá và Anh nữa. Giỏi dữ ta!
Nghe tôi khen, tên cool boy bắt đầu giở giọng khoe khoang:
– Đằng này muốn làm Luật quốc tế, làm luôn Kinh doanh quốc tế cũng không tồi.
Dù không ưa giọng điệu chảnh choẹ của Chan Chan nhưng tôi cũng phải thầm phục cậu ta. Gì nào? Học Luật đã đáng gờm rồi huống chi là Luật quốc tế, phạm vi ngành luật liên quan đến toàn cầu. Đã thế cậu ta còn muốn “cưỡm” luôn Kinh doanh quốc tế. Ôi trời! Thảo nào Chan Chan luôn tập trung học ngoại ngữ nào là Anh, Pháp, Đức và Nhật nữa.
– Ước mơ của cậu cao xa quá nha.
Đang đạp xe ngon ơ, tự dưng Chan Chan đạp chậm lại dần. Tôi thấy tấm lưng cậu ta lặng yên như thể đang suy nghĩ điều gì rất nghiêm túc.
– Thật ra đằng này còn có một ước mơ quan trọng khác. – Chan Chan nói tiếp, giọng hơi thấp – Đằng này rất muốn trở thành cơ trưởng.
– Sao? Cơ trưởng? Tức là cậu muốn làm phi công lái máy bay?
– Phải! Đó là ước mơ từ thuở bé của đằng này rồi. Làm phi công lái máy bay có thể được đi đến nhiều quốc gia, thăm thú những nền văn hoá khác nhau. Chỉ nghĩ đến cảnh được ngồi đằng sau buồng lái là đằng này thấy sướng run lên rồi. Cảm giác ở trên bầu trời nhất định sẽ rất tuyệt!
Tôi có đôi chút bất ngờ. Quen biết Chan Chan một thời gian mà tôi chẳng hề biết cậu ta thích được lái máy bay đến vậy. Mà cũng đúng nhỉ, Chan Chan vốn thích tự do tự tại mà.
– Nhưng hình như không có khối nào để thi lái máy bay dân sự cả.
– Ừm, đằng này hiểu chứ nhưng đã chuẩn bị mọi thứ rồi. Nếu tất cả suôn sẻ thì đằng này muốn đi du học học lái máy bay.
– Du… học ư?
Lúc ấy tôi chưa định hình rõ điều Chan Chan muốn nói thì cậu ta đã cắt ngang bằng một câu hỏi khác:
– À, còn đằng ấy quyết định học ngành nào chưa?
Tôi lại thở dài chán chường, rồi nói: Chưa! Tên cool boy bắt đầu chuyển qua giọng giảng giải khuyên nhủ:
– Đằng ấy cứ từ từ lựa chọn, nhất định phải suy nghĩ kỹ và chọn cái nghề mình muốn làm nhất. Vì như vậy đằng ấy mới không dễ dàng bỏ cuộc một khi gặp phải những khó khăn, thách thức mới. Bởi trên đời này, chỉ cần là thích thì sẽ vượt qua được mọi trở ngại.
Tôi quan sát tấm lưng vững chãi của Chan Chan, đôi mắt ánh lên những dòng suy nghĩ mông lung nào đấy mà chính tôi cũng không rõ.
Vừa về đến nhà, tôi đã nghe tiếng bé Nấm với bé Ngố la hét khí thế. Cái đám trời đánh này! Chắc lại tranh giành nhau cái gì nữa rồi. Tôi bước vô trong thì bắt gặp bé Ngố đứng khóc rấm rứt, hai tay thì đưa ra phía trước như đòi món đồ gì đó mà anh trai đang giữ khư khư. Bé Nấm đứng cách khá xa, cứng đầu không chịu trả đồ mà chỉ nhìn em gái cười hì hì.
– Nấm! Mau trả đồ chơi cho em!
Nghe tiếng tôi la lớn, bé Nấm liền phóng đi mất dạng. Cái thằng quỷ cứng đầu, chẳng bao giờ chịu nghe lời người lớn gì hết. Tại anh Dũng Văn chiều nó quá mà. Nhìn lại bé Ngố khóc đến đỏ mặt, tôi liền lấy kẹo trên chiếc tủ cao, mau chóng cúi xuống nhìn nó, dỗ dành:
– Ngoan nào Ngố, cô Min Min chơi với con nha.
– Cô Min ơi, anh Nấm lấy đồ của con… Hức.
– Nè con xem nhé, tay cô không có gì hết đúng chưa? – Tôi xoè tay ra rồi nắm chặt lại, luồng tay vô tóc con bé rồi rút ra – Ta đa, có cục kẹo mức nè!
Lần nào cũng thế, hễ tôi giở chiêu “ảo thuật” cũ mèm này ra là bé Ngố nín khóc, tròn xoe đôi mắt viên bi sau đó bật cười khanh khách, sà vào lòng tôi và đưa tay lấy kẹo. Con nít ấy mà, dễ khóc nhưng cũng dễ dỗ dành. Chỉ cần cho chúng những niềm vui nho nhỏ hay bất cứ món đồ dễ thương, ngòn ngọt là có thể dụ được chúng rồi. Tôi ôm lấy bé Ngố, đứng dậy đồng thời đung đưa qua lại. Tiếng con bé cười giòn tan.
Đúng lúc, chị Hoà Trâm bước xuống. Nhác thấy tôi, chị hỏi:
– Em với Chan Chan về rồi hả?
– Dạ, tụi em mới về. Chị Hồng Anh đâu ạ, sao để Ngố khóc um sùm?
– Hồng Anh đến siêu thị mua ít đồ. Chị cũng vừa đi làm về, mới bước lên lầu đã nghe hai đứa này la hét dưới nhà. Chị mệt quá, định vô phòng nằm nghỉ một lát rồi mới xuống xem sao.
Tôi gật đầu rồi nựng nịu bé Ngố. Con bé cười cười, ôm chặt cổ tôi không buông. Tự nhiên chị Hoà Trâm bảo:
– Min Min có biệt tài dỗ dành con nít quá nhỉ? Biết đâu sau này em sẽ trở thành cô giáo giữ trẻ.
Nghe thế, bất giác tôi đảo mắt suy nghĩ. Cô giáo giữ trẻ ư?… Ừm, tôi cũng rất thích con nít dù đôi khi thấy chúng hơi phiền phức. Nhưng suy cho cùng tôi vẫn thoải mái mỗi lần ở bên chúng, chơi đùa cùng chúng. Nhớ đến tờ đăng ký nguyện vọng, bất giác tôi nghĩ: Hay là mình sẽ học khối M để trở thành giáo viên mầm non?
Hôm sau vào lớp học, tôi trông thấy cảnh Thuý Nga ngồi học bài vô cùng chăm chỉ. Chuyện lạ à nha! Sao hôm nay cô nương này siêng vậy ta? Nhanh chóng bước đến bàn, tôi ngạc nhiên khi đứa bạn điên khùng này đang cầm cuốn tập Toán. Ấy cha! Đúng là mặt trời mọc ở hướng tây rồi!
– Nè, sao mới sáng vô đã siêng năng ôn Toán thế?
Tôi vừa ngồi xuống ghế là Thuý Nga xoay qua, tỏ vẻ nghiêm túc:
– Thì do mình muốn thi khối B để trở thành y tá nên từ giờ phải chăm chỉ luyện thi môn Toán.
– Trời, không lẽ bồ làm thiệt hả?
– Chứ tớ nói giỡn hồi nào?
Tôi nhíu mày nghĩ ngợi xong liền dò xét:
– Khai thiệt đi, sao tự dưng bồ muốn làm y tá vậy?
Tự nhiên Thuý Nga cười bẽn lẽn, rồi nhìn tôi như đang nhìn người yêu:
– Thế bồ quên anh Quang là sinh viên ngành gì à?
Anh Quang? Sờ cằm nghĩ ngợi vài giây, lát sau tôi kêu lên: A! Ảnh đang là sinh viên ngành Y! Đối diện, Thuý Nga gật đầu liên hồi:
– Đúng! Và mình trở thành y tá là vì muốn được ở cạnh ảnh. Khả năng của mình không làm được bác sĩ nhưng y tá thì còn có cơ may.
– Woa woa, ghê chưa? Chọn nghề chỉ để ở cạnh người yêu.
– Thì có gì sai nào? Nếu có thể gắn kết ước mơ, công việc cùng với hình bóng của người mình yêu thì còn gì bằng. Có vậy bản thân mình mới cố gắng và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Thương nhau, cần nhất là có thể ở bên cạnh, cùng chia sẻ nhiều thứ kể cả ước mơ.
Thuý Nga bình thường thì chậm tiêu lắm mà sao hôm nay nói câu triết lý dữ vậy trời? Tôi đã nhìn nó khá lâu, bằng ánh mắt khâm phục như thể công nhận lời nó nói hoàn toàn là đúng. Nhìn Thuý Nga chăm chú làm Toán với vẻ hứng thú thì tôi nén tiếng thở dài. Bắt đầu suy nghĩ rồi. Tôi lại lấy tờ đăng ký nguyện vọng ra để trên bàn. Tôi chợt nghĩ đến Chan Chan. Cậu ta nói rằng sẽ thi vào ngành Ngoại thương, lại còn muốn trở thành phi công. Phi công thì tôi không thể làm rồi, thế còn Ngoại thương…? Khẽ khàng nhìn ra bên ngoài, nơi ánh nắng đang chan hoà, tôi không ngừng nghĩ đến lời của Thuý Nga: “Thương nhau, cần nhất là có thể ở bên cạnh, cùng chia sẻ nhiều thứ kể cả ước mơ”.
Tan học, tôi và tên Chan Chan cùng đón xe buýt về. Sáng nay tên cool boy nổi hứng không muốn đạp xe, thế là tôi cùng cậu ta đón xe buýt đến trường. Đưa tiền cho bác tài rồi lấy vé xe, hai chúng tôi tìm chỗ ngồi. Xe buýt hôm nay hơi vắng. Cả hai đi xuống hàng ghế cuối cùng, chỗ này ngồi là sướng nhất! Sau khi ngồi ngay ngắn trên ghế thì tôi kín đáo nhìn sang Chan Chan đang loay hoay lấy gì đó ở trong cặp, cất tiếng:
– Ừm này… tớ đã quyết định sẽ thì vào khối A, ngành Ngoại thương giống cậu.
Chan Chan dừng lại, ngước mặt lên đầy ngạc nhiên:
– Thật hả? Đằng ấy muốn làm gì mà thi Ngoại thương?
– Thì tớ sẽ làm Marketing quốc tế.
– Nhưng thi khối A sẽ có môn Lý. Đằng ấy dở môn Lý mà.
– Dở thì sẽ ôn luyện thêm, bộ cậu không thích tớ vào Ngoại thương à?
– Không phải, đằng này chỉ lo đằng ấy chọn ngành vượt quá sức thôi. Thì tuỳ đằng ấy, nếu đằng ấy đã muốn thì cứ thử đi.
Nghe chất giọng hợm hĩnh của tên cool boy là tôi hơi bực mình. Xoay mặt trở lại, tôi nhìn thẳng ra ngoài đầu xe buýt, chả thèm buồn nói gì thêm. Nhưng vài phút sau, tôi lại cất tiếng thật khẽ:
– Cậu có biết lý do tớ chọn ngành Ngoại thương dù rất dở môn Lý? Đấy là vì… cậu hết đó, Chan Chan đáng ghét. – Tim đập thình thịch, tôi cười ngượng cứ như đang bày tỏ – Tớ muốn, trong mỗi bước tiến cố gắng của mình luôn có hình bóng của cậu.
Dứt lời, tôi hơi cúi mặt và nắm chặt hai tay đang để trên đầu gối. Tôi hồi hộp chờ xem phản ứng của Chan Chan thế nào khi nghe tôi thổ lộ về sự quan trọng của cậu ta trong dự định tương lai của mình. Nhưng 2 phút, rồi 5 đến 10 phút sau tôi vẫn chẳng nghe thấy âm thanh gì liền quay qua bên cạnh. Tôi há hốc mồm bởi thấy Chan Chan đeo headphone, mắt nhắm như đang thưởng thức giai điệu hay ho nào đó. Tức thì tôi đánh mạnh vào vai Chan Chan một phát khiến cậu ta giật mình tháo headphone ra.
– Đằng ấy có chuyện gì sao?
Tôi ấm ức nhìn Chan Chan đần độn đang ngơ ngác, hỏi:
– Nãy giờ cậu có nghe tớ nói gì không thế?
– Hả? Nghe cái gì cơ? Đằng này đeo headphone mà.
– Nghĩa là cậu chẳng nghe gì cả?
– Ừ thì từ lúc đằng ấy nói sẽ thi vào Ngoại thương xong là đằng này đeo headphone nghe nhạc rồi.
Trời đất thánh thần ơi! Tên Chan Chan làm tôi tức chết mà! Tôi đã lấy hết can đảm để bày tỏ với cậu ta về nguyện vọng ước mơ của mình ấy vậy cậu ta lại dùng cái headphone đáng quyền rủa ấy bịt hai lỗ tai lại rồi nghe nhạc. Ôi! Tôi nói tên này thiếu i ốt đâu có sai! Liệu này mà muốn trở thành Luật sư ư? Phi công ư? Điên à?
– Nè, rốt cuộc đằng ấy đã nói gì thế?
Trông cái vẻ lớ ngớ của tên cool boy là tôi tức không chịu nổi, liền cầm lấy cặp và đánh vào người cậu ta liên hồi.
– Dẹp! Không nghe thì thôi! Đây không rảnh nói hai lần đâu!
– Ấy! Ấy! Đau quá! Đằng này vừa phải thôi nghen!
Lần đó vì quá sượng mà tôi đã đánh tên Chan Chan một trận.
Thế nhưng tôi đã không biết rằng, lúc ấy có một bí mật được giấu kín.
Là về Chan Chan.
Tuy nhiên, phải đến tám năm sau, cậu ta mới chịu tiết lộ cho tôi biết…
***
Tám năm sau.
Cũng vào một buổi chiều muộn, tôi và Chan Chan – khi đó đã trở thành vợ chồng – cùng ngồi trên chiếc xe buýt trở về nhà. Lúc xe buýt rẽ qua một cua quẹo, Chan Chan ngồi bên cạnh tự dưng hỏi tôi thật ân cần:
– Em có nhớ hồi trước, cũng trên xe buýt và đi qua chỗ này, em đã nói anh biết mình sẽ thi vào ngành Ngoại thương?
Tôi, đầu đang tựa vào vai Chan Chan, liền bụm miệng cười cười:
– Nhớ chứ sao không? Khi ấy anh làm em tức muốn chết!
– Là sao?
– À, anh đeo headphone nên đã không biết em nói gì. Lúc đó em đã nói rằng, em thi vào Ngoại thương là vì anh. Vậy mà anh chẳng nghe thấy gì cả, chỉ biết ngồi nghe nhạc.
Tiếp, tôi nghe tiếng cười khe khẽ của Chan Chan, rồi một câu nói là:
– Không phải đâu, anh nghe đấy.
Dĩ nhiên tôi lập tức sửng sốt và mau chóng bật người dậy, nhìn Chan Chan chằm chằm.
– Anh bảo… anh nghe ư? Nhưng lúc đó anh đang đeo headphone?
Vẫn giữ nguyên nụ cười thích thú, Chan Chan vuốt nhẹ tóc tôi, đáp:
– Đúng là anh đang đeo headphone nhưng chưa bật nhạc. Vào cái lúc em nói câu đó, anh đã nghe rất rõ, không sót một từ.
– Thế sao anh lại nói dối là không nghe?
– Vì anh… thích trêu em.
Kinh ngạc trong thoáng chốc, tôi chợt hiểu ra mình đã bị Chan Chan chơi xỏ. Tám năm trước, khi ngồi trên xe buýt chiều hôm ấy, anh rõ ràng là nghe tôi bày tỏ như thế ấy vậy lại cố tình giấu giếm và vờ tỏ ra như không biết gì. Trời ạ! Tôi lại bị cái tên đáng ghét này chọc cho tức chết đây mà! Trông nụ cười gian xảo của Chan Chan, tôi sượng kinh khủng. Vẫn giống như hồi đó, tôi cầm túi xách lên rồi đánh liên tục vào người chồng.
– Đồ đáng ghét! Đồ dở hơi! Sao anh lại chơi xỏ em vậy hả?
– Ấy, ấy! Em làm gì thế? Đừng đánh nữa, đau lắm!
– Em phải đánh chết anh mới hả!
– Em kỳ lạ quá đi! Hồi đó anh không nghe, em cũng đánh! Bây giờ em biết là anh đã nghe nhưng cũng đánh! Rốt cuộc em muốn sao nào?
Tôi chẳng thèm trả lời, cứ đánh Chan Chan cho hả tức.
Ừ kỳ lạ thật đấy.
Người ta không nghe thấy thì tiếc. Mà người ta nghe thấy rồi thì cũng tiếc. Rốt cuộc là… chính tôi cũng không hiểu mình nữa.
“Thương nhau, cần nhất là có thể ở bên cạnh, cùng chia sẻ nhiều thứ kể cả ước mơ. Tớ muốn, trong mỗi bước tiến cố gắng của mình luôn có hình bóng của cậu…”
————————
Min Min
(24/03/2014)
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn
D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng
CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!