Núi Rộng Sông Dài - Phần 18
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
669


Núi Rộng Sông Dài


Phần 18


Trái tim tôi đột nhiên như bị thứ gì đó mềm mại cọ vào, cơ hồ cảm thấy vừa bối rối vừa ngứa ngáy, sự rung động từ đêm qua chưa kịp tan hết, giờ lại vì bốn chữ “Cho cô gối đầu” mà manh nha trỗi dậy trong lòng tôi.
Tôi đỏ mặt hồi lâu mới lúng túng đáp:
– Không cần đâu, ngồi đây hong nắng tý là khô mà.
– Cho cô cái này.
Nghe đến được cho, tôi háo hức đến quên cả xấu hổ, vội vàng ngước lên, thấy tay trái Giang đang nắm thứ gì đó. Tôi hỏi anh ta định cho tôi thứ gì, nhưng giây tiếp theo vai đã bị Giang ấn xuống, đầu tôi gối dưới đùi anh ta, bên trên đầu là ánh mặt trời rực rỡ.
Giang xoè tay ra trước mặt tôi, trong lòng bàn tay mấy viên đá nhỏ màu xanh lam trong veo, khi bị nắng chiếu vào liền có cảm giác như đó là những viên ngọc đang phát sáng.
Tôi chưa từng thấy loại đá nào đẹp như vậy nên tròn xoe mắt hỏi:
– Anh lấy cái này từ đâu thế?
– Nhặt dưới lòng hồ.
– Có phải ngọc không nhỉ? Đẹp quá.
– Không phải đâu, đá bình thường thôi.
– Cho tôi thật à?
Giang gật đầu, mở lòng bàn tay tôi ra rồi đặt vào bên trong:
– Nhà có bể cá nhỏ không?
– Không có.
– Thế thì sau làm thành mặt dây chuyền đeo.
Nghĩ đến sau này ra khỏi đây có thể làm mặt dây chuyền từ mặt đá kỳ lạ này, tôi rất thích, còn có cảm giác như được tặng một thứ gì đó rất quý giá, cứ ôm khư khư mấy viên đá trong lòng bàn tay. Tôi tủm tỉm cười bảo:
– Cảm ơn anh. Tôi thích mấy viên đá này.
– Thích là được rồi.
Ngừng một lát, anh ta lại liếc sợi dây treo xe mặt hình Phật trên cổ tôi, bổ sung thêm một câu:
– Khi nào có dây chuyền mới thì trả lại tôi sợi dây đó.
Tôi đang mân mê viên đá, nghe xong cũng phải phì cười:
– Anh đúng là đồ nhỏ mọn, có mỗi sợi dây mà cứ đòi mãi. Nó chỉ có 42 nghìn thôi, dây này mua ở đâu cũng có.
– Nếu ở đâu cũng có, tại sao cô phải vào tận thôn trong núi đó mua?
– À… tôi… thấy…
Định nói dối, nhưng lại bắt gặp ánh mắt sắc lạnh như d.ao của Giang, tôi sợ lại bị ném xuống hồ lần nữa nên đành nói thật:
– Thấy… bà cụ tội nghiệp nên mua. Anh cũng như tôi còn gì?
– Tôi làm sao?
– Người như anh sẽ không bao giờ để mắt đến một cái vỏ ốc 18 nghìn. Anh hỏi tôi có thích không là muốn mua ủng hộ bà cụ như tôi, đúng không?
Anh ta cốc đầu tôi một cái:
– Ai nói với cô tôi không bao giờ để mắt đến một cái vỏ ốc 18 nghìn?
– Không phải à?
– Không phải.
– Thế là do anh thích nó nên mới hỏi mua?
– Thấy hợp mắt thì mua.
Tôi xùy một tiếng, biết thừa anh ta nói dối nhưng không thèm chấp, chỉ bảo:
– Giám đốc công ty Trường Thịnh, công ty vừa được định giá 70 triệu đô, gu thẩm mỹ của anh tệ quá.
– Cô phóng viên, gu thẩm mỹ của cô cũng thế.
Nói đến đây, cả hai chúng tôi cùng bật cười, hai kẻ từng là hai con người xa lạ, hai tầng lớp khác nhau, vậy mà không những cùng để mắt đến mấy món đồ rẻ tiền ở một thôn làng trong núi, còn rơi vào cảnh nhếch nhác thảm hại thế này.
Ai mà nghĩ một giám đốc một công ty cả người dát toàn hàng hiệu như anh ta, đến mời tham dự talkshow còn khó, vậy mà bây giờ phải tắm cùng tôi ở hồ nước hoang sơ này, thảm đến mức không có quần áo thay, phải ngồi trên phiến đá chờ hong khô đồ cũ để mặc tiếp chứ?
Nghĩ đến đây, tôi không nhịn được, cứ tủm ta tủm tỉm. Giang thấy tôi cứ cười mãi nên hỏi:
– Cô cười cái gì?
– Cười anh đấy.
– Cười tôi thảm à?
– Ừ. Cười một người nhiều tiền như anh cũng có ngày thảm như hôm nay.
– Lúc trước từng thảm hơn thế này rồi.
– Lúc nào cơ?
– Mấy năm ở nước ngoài.
– Mấy năm đó lập nghiệp vất vả lắm hả?
– Cũng không vất vả lắm, chủ yếu là vừa đi học vừa đi làm nên không có đủ thời gian đầu tư cho dự án đang phát triển. Thất bại nhiều lần nên bao nhiêu tiền đổ vào dự án cũng tiêu hết, có những lúc không có nổi mấy đô trong túi để ăn cơm.
Ánh mắt Giang mông lung nhìn về cánh rừng xanh mướt phía trước mặt, nói một cách rất thờ ơ, giống như đang kể về câu chuyện của người khác:
– 4 ngày nhịn đói, chỉ uống mỗi nước cầm hơi, sau đó phải đến rửa bát cho quán ăn nhanh để đổi lấy ba gói mì. Cô bảo đã thảm hơn bây giờ chưa?
Mấy lời này làm tôi rất ngạc nhiên, có lẽ vì bất ngờ mà bỗng dưng còn cảm thấy không tin được.
Trước giờ Duy chưa từng kể cho tôi nghe anh trai mình đã từng có thời gian khốn khó như vậy, tôi cứ nghĩ Giang khoác lên người toàn hàng hiệu, lại là giám đốc một công ty đang phát triển như vậy, chắc hẳn anh ta phải đi ra từ ánh hào quang.
Nhưng đến giờ nghe chính miệng anh ta thừa nhận quá khứ chật vật như thế, tôi mới hiểu rằng chẳng có ai sinh ra đã có sẵn ánh hào quang cả. Muốn thành công thì chỉ có một con đường duy nhất, đó là trải qua rèn giũa gian khó rồi đi lên mà thôi.
Tôi im lặng một lúc rồi mới nói:
– Chắc là có nhiều người khen anh giỏi rồi nhỉ?
– Sao tự nhiên hỏi thế?
– Vì tôi muốn khen anh, nhưng lại sợ anh nghe mãi thì nhàm rồi.
Anh ta nói:
– Khen đi, tôi cho cô khen đấy.
– Anh là đồ không biết trân trọng sức lao động của bản thân, đã mất công rửa bát cho tiệm đồ ăn nhanh mà chỉ đổi lại được 3 gói mì. Nếu là tôi, ít nhất tôi cũng phải đòi thêm một cây xúc xích. Võ Đặng Trường Giang của mấy năm đó đúng là đồ vừa ngây thơ vừa ấu trĩ.
Vẻ mặt Giang phảng phất một tia kinh ngạc, có lẽ anh ta không ngờ tôi không khen mà lại mắng như vậy nên ngây ra mấy giây, sau đó thì bật cười thành tiếng:
– Trước giờ chưa từng có ai khen tôi như cô đấy.
– Vì tôi không thích nịnh anh. Mặc dù anh giỏi thật, nhưng tôi sẽ không nịnh anh đâu.
Ý cười của anh ta lan từ đầu mày đến khóe mắt, nhưng vẫn làm ra vẻ thờ ơ:
– Ai cần cô nịnh tôi. Nghe cô nịnh tôi cũng không nuốt nổi.
Tôi cười hì hì:
– Dự án anh làm hồi đó là gì thế?
– Lập trình game cho các công ty game.
– Năm đó bao nhiêu tuổi?
– 23 tuổi.
– 23 tuổi nhận làm dự án cho công ty game. 27 tuổi về nước mở công ty. Trong vòng 6 năm đưa công ty lên sàn chứng khoán, 4 năm gần đây liên tiếp đạt giải thưởng doanh nhân trẻ có nhiều đóng góp cho sự phát triển công nghệ đất nước, một lần được nhận bằng khen của Chính Phủ. Anh Giang…
– Đừng khen tôi.
Tôi xua tay, bảo:
– Anh Giang, có thể nói kỹ hơn về quá trình phát triển Trường Thịnh và thành công như ngày hôm nay được không?
– Này cô phóng viên, cô định phỏng vấn tôi đấy à?
– Làm gì có, tôi đang tò mò về anh đấy chứ.
Giang búng mũi tôi một cái đau điếng:
– Đừng có tranh thủ phỏng vấn tôi. Tôi không bán thông tin miễn phí cho cô đâu.
– Thế anh muốn tôi trả giá bao nhiêu? Anh ra giá đi, tôi sẽ cân nhắc trích nửa tháng lương của tôi để trả cho anh.
– Ít nhất phải một bữa no bụng.
– Gì cơ?
Anh ta hất hàm chỉ về phía bìa rừng, cười bảo:
– Quần áo khô rồi. Cô chạy loanh quanh đi lấy củi, tôi kiếm thứ gì đó ăn.
Nhắc mới nhớ bụng tôi đã bắt đầu sôi ùng ục, cả ngày hôm qua chỉ lót dạ bằng mấy quả táo, giờ đói sắp bủn rủn chân tay rồi, phỏng vấn gì thì phỏng vấn, phải lấp đầy cái dạ dày trước đã rồi nói.
Tôi gật đầu, nhổm dậy từ đùi Giang rồi lon ton chạy đi lấy củi. Đây là nghề của tôi rồi, nhưng anh ta cứ nhắc nhở tôi mãi, bảo tôi chỉ được loanh quanh ở gần hồ nước, tuyệt đối không được đi xa hơn.
Tôi cũng sợ tự nhiên đâm sầm phải bọn phỉ nên cũng chỉ lang thang nhặt mấy cành củi khô ở gần bìa rừng, nhưng đêm qua vừa mưa xong, củi ướt, lúc mang lại bờ hồ đánh đá đốt lên thì khói nồng nặc, khói đến mức hai mắt tôi cay xè, ho sặc ho sụa.
Bỗng dưng có một bàn tay mát lạnh che đi mắt tôi, sau đó kéo tôi sang một bên. Khi mở mắt ra được mới thấy Giang đã ngồi cạnh tôi từ bao giờ, dưới chân anh ta là mấy con tôm to, còn có cả cá.
Tôi sung sướng reo lên:
– Có tôm cá à? Anh bắt kiểu gì thế?
– Bên hông hồ có dòng chảy cạn, cá tôm mắc ở đó, đến bắt một lúc là được chừng này.
– Để tôi nướng phụ anh.
– Ngồi đó đi, tôi nướng mấy phút là xong ngay.
Bếp lửa của chúng tôi rất đơn sơ, chỉ kê 2 viên đá, lấy vài chiếc que nhọn x.iê.n qua cá tôm, hơ trên lửa một lúc đã ngửi thấy mùi thức ăn thơm lừng.
Giang đưa cho tôi que tôm to nhất, bảo:
– Còn nóng, ăn từ từ thôi.
– Tôi biết rồi.
Nói là nói vậy nhưng tôi không ăn, chỉ lẳng lặng bóc tôm ra, đợi Giang nướng xong một con nữa mới đưa cho anh ta que tôm đã bóc rồi. Tôi cười:
– Trả công anh nướng đồ ăn.
Giang nhìn que tôm một lúc rồi lại nhìn tôi, khoé miệng cong cong như giấu một ý cười:
– Cảm ơn. Nhưng chưa đủ để moi thông tin từ tôi đâu.
– Tý nữa tôi sẽ bóc cá cho anh, hai con, như thế đủ chưa?
Anh ta ra vẻ ngẫm nghĩ một lúc rồi trực tiếp ra giá:
– Thêm 1 con tôm thì tôi sẽ suy nghĩ.
Tôi bật cười thành tiếng, gọi to một tiếng:
– Ừ, đồng ý luôn. Tiểu nhị, cho thêm 1 con tôm.
Giang cũng cười:
– Đồ trẻ con.
– Đồ thích bắt nạt người khác.
– Ấu trĩ.
Ăn xong một bụng no căng, anh ta mới đưa lại điện thoại cho tôi, ban nãy trước khi bị ném xuống hồ thì tôi đã nhanh tay vứt lại điện thoại trên bờ rồi. Nãy giờ ngồi sưởi nắng cũng quên béng đi, đang định tìm lại thì Giang đã nhặt giúp tôi rồi.
Tôi bật nguồn lên xong mới thấy đã hơn 10 giờ sáng, điện thoại chỉ còn 15% pin, nếu không nhanh chóng tìm được nơi có sóng điện thoại, hết pin thì việc gọi người đến giúp sẽ khó khăn hơn, cho nên chúng tôi cũng không dám chần chừ thêm, lập tức lên đường.
Giang dẫn tôi đi về hướng Đông, trên đường đi, tôi mới hỏi lại chuyện anh ta đi tìm phỉ. Lúc này Giang mới nói nếu để bọn chúng đi lùng sục thì tôi và anh ta di chuyển trong rừng sẽ rất dễ bị phát hiện, cho nên anh ta loanh quanh tìm bọn chúng trước, sau đó tạo một vài dấu vết để chúng hiểu nhầm hai người bọn tôi đã đi về hướng Tây, lũ phỉ đuổi theo hướng đó thì chúng tôi đi phía Đông sẽ an toàn hơn.
Tôi nghe xong mới cảm thấy việc Giang làm rất có lý, anh ta rất thông minh, cũng gan lì chẳng kém ai:
– Đây là cách mà người ta hay gọi là phản trinh sát đúng không?
– Không phải. Phỉ mà trinh sát gì, đồ ngốc.
– Thế thì là chiêu ve sầu thoát xác, giống như phim kiếm hiệp ấy.
Giang bật cười thành tiếng:
– Ừ.
– Nhưng chủ động đi tìm phỉ thế cũng quá nguy hiểm. Nếu biết trước anh sẽ đi tìm bọn chúng, sống c.hế.t gì tôi cũng sẽ không để anh đi đâu.
Nói tới đây, tôi lại cảm thấy lời vừa rồi hơi sai sai, như kiểu mình là bạn gái đang giữ rịt người yêu vậy, đành vội vàng sửa lại:
– Tôi sợ đi trong rừng một mình, lạc đường không ra được.
Anh ta bỗng dưng dừng bước, nghiêng đầu nhìn tôi. Còn tôi thì lại vì nói dối mà xấu hổ đến mức tai nóng bừng, nhưng may sao Giang cũng không buồn vạch trần, anh ta chỉ đưa tay ra, lặng lẽ nắm lấy cổ tay tôi:
– Không lạc đường nữa đâu.
– À…
Tim tôi lại một lần nữa loạn nhịp chỉ vì một cái nắm tay, sức nóng từ vành tai nhanh chóng lan ra cả khuôn mặt, dần dần hai má cũng trở nên đỏ ửng.
Tôi bối rối đến mức suýt nữa rút tay về, nhưng Giang nắm rất chặt, cứ thế nắm tay tôi đi về hướng Đông, xuyên qua những bụi rậm đầy muỗi và vắt, băng qua mấy bụi gai cào xước da thịt, cuối cùng hơn một tiếng sau cũng nghe thấy tiếng người gọi nhau í ới.
Lang thang trong rừng hơn một ngày một đêm, giờ nghe thấy mấy âm thanh giản đơn ấy mà tôi mừng như đ.iên, vội vàng quay sang bảo Giang:
– Hình như bên kia có người.
– Kiểm tra xem có sóng điện thoại chưa.
– Ừ, đợi tôi chút.
Mở điện thoại lên mới thấy có 1 vạch sóng, nhưng sóng rất chập chờn, có lẽ phải đi thêm chút nữa thì mới gọi điện thoại được. Chúng tôi đành đi tiếp về phía trước, cuối cùng phát hiện ra ở đó có một con đường mòn, mấy người dân trong núi đang nhặt củi, còn có cả cậu con trai của ông cụ trưởng thôn.
Tôi sung sướng reo lên:
– Liêm.
Anh chàng nhút nhát ấy vừa nghe tiếng tôi thì lập tức ngẩng đầu, thấy tôi và Giang nhếch nhác đứng sau bụi cây thì vội vàng vẫy tay:
– Mai, anh Giang, sao hai người lại ở đây.
– Chuyện dài lắm.
Có lẽ vì chúng tôi quá thảm hại, người Giang lại đầy m.áu nên mọi người lập tức túm tụm lại hỏi han. Biết bọn tôi gặp phỉ, lật xe nên bị thương, có mấy cô bác còn mắng:
– Lâu nay cũng có nghe phong phanh khu này xuất hiện phỉ nhưng chưa gặp bao giờ, cứ nghĩ người ta đồn đại linh tinh, ai ngờ là thật. Đúng là cái lũ ác ôn, còn định g.iế.t người. Phải ra công an xã báo mới được.
– Vâng. Bây giờ bọn chúng vẫn đang ở trong rừng, các cô chú đi chặt củi cũng phải cẩn thận. Cháu thấy bọn chúng có s.ú.ng, gặp bọn cháu chưa hỏi gì đã b.ắn rồi.
– Ừ, tôi biết rồi. Mà cô cậu bị thương nặng như thế thì đến nhà trưởng thôn đi, ông ấy là thầy lang, chữa bệnh tốt lắm.
– Vâng ạ.
Hóa ra con đường này dẫn vào phía sau thôn, chúng tôi lẽo đẽo theo Liêm quay về nhà ông cụ thầy lang, đi chừng 15 phút là đến. Ông cụ thấy Giang thì không nói năng câu gì, lập tức quay vào nhà lấy dụng cụ xử lý vết thương cho anh ta, còn Liêm thì dẫn tôi ra sân giếng rửa mặt, kiếm một bộ quần áo sạch cho tôi.
Anh ta cứ ấp a ấp úng mãi mới dám hỏi:
– Mai có đau lắm không? Có sợ không?
– Không sao đâu. Hôm qua thì sợ, nhưng giờ gặp được mọi người thì hết sợ rồi.
– Trông Mai mệt lắm, lát nữa tắm xong thì vào nhà nghỉ ngơi đi, tôi đi nấu cơm.
– Không cần đâu, bây giờ tôi phải quay về Hà Nội ngay.
Liêm đang định đi, nghe thế mới ngạc nhiên quay đầu lại:
– Sao đi gấp thế?
– Sợ mọi người ở nhà lo lắng, với cả tôi còn công việc ở Hà Nội nữa, không ở lại được.
Thực ra mấy chuyện đó chỉ là việc nhỏ, điều tôi sợ nhất vẫn là bọn phỉ tìm đến đây, lỡ tìm ra chúng tôi thì liên lụy đến cả dân làng. Với cả cứ để bọn chúng lộng hành như vậy thì bất kỳ ai ở đây cũng gặp nguy hiểm cả, mang đoạn video tôi quay được báo cáo với công an để truy bắt sớm ngày nào tốt ngày ấy, thế nên tôi mới gấp gáp muốn rời khỏi đây.
Liêm thấy tôi khăng khăng như vậy mới bảo:
– Ở đây có sóng điện thoại mà, Mai gọi điện thoại về báo ở nhà đi. Với cả, cả đêm qua rong ruổi trong rừng cả đêm như thế người mệt lắm rồi, không nghỉ ngơi thì kiệt sức đấy. Em cứ ở lại đi.
– Em…
– Giờ này ra huyện cũng không có xe về đâu, xe chạy từ 5h sáng rồi.
Tôi biết Liêm muốn giữ tôi lại cũng chỉ vì có ý tốt, cuối cùng đành phải nói thật:
– Lúc ở trong rừng em có quay được một đoạn video rõ mặt bọn phỉ, ghi âm được cả những việc bọn chúng làm nữa. Em muốn mang đoạn video này nộp cho công an, ở đây chỉ có sóng điện thoại chứ không có 5G, không gửi được video. Để lâu thì em không yên tâm.
Nghe vậy, sắc mặt Liêm lập tức sửng sốt:
– Thế à? Em quay được video trong rừng hả?
– Vâng. Nên em mới không ở lại được.
– Ừ, thế được rồi, để anh mượn xe máy chở em ra huyện. Giờ này không có xe khách nhưng chắc vẫn bắt được taxi, em đi taxi về chắc được chứ?
– Vâng, được ạ. Cảm ơn anh.
– Không có gì, đợi anh tý nhé. Anh đi mượn xe máy. Từ đây ra huyện hơn 20km thôi, đi 40 phút là đến.
– Một xe có chở được hai người không?
– Có đấy, bình thường vẫn chở mà. Nhưng mà phải chịu khó ngồi chật một chút nhé.
– Không sao ạ. Bọn em ngồi được mà.
Lúc chúng tôi quay lên nhà thì ông cụ trưởng thôn cũng đã lau rửa vết thương cho Giang xong, nhưng ông cụ nói vết thương của anh ta quá sâu nên phải đến bệnh viện khâu lại.
Sẵn tiện có lý do này nên chúng tôi nhanh chóng từ biệt ông cụ thầy lang, sau đó lên chiếc xe máy mà Liêm mượn được từ một người hàng xóm giàu có nhất trong thôn, xóc nảy ngồi trên đó suốt 40 phút để ra huyện.
Xe mà Liêm chở bọn tôi chỉ là một chiếc wave cũ kỹ, giảm xóc gần như đã hỏng hết nên mỗi lần qua ổ gà đều kêu cọt kẹt, như sắp gãy đến nơi. Tôi là con gái nên được ưu tiên ngồi phía ngoài, Liêm lái xe đằng trước, Giang ngồi giữa rồi mới đến tôi.
Lúc ấy, tôi chỉ sợ giữa đường lại gặp phỉ nên hai mắt cứ căng ra nhìn xung quanh, Liêm ở phía trước thấy tôi bị xóc mà không kêu tiếng nào mới hỏi:
– Mai có khó chịu không?
– Hả?
– Đường xóc, Mai ngồi đó có khó chịu không?
– À… không sao đâu. Bình thường mà.
– Chịu khó một lúc nhé, đi được nửa đường rồi, chắc 20 phút nữa thôi là ra đến huyện.
– Ừ, đừng lo, em không sao đâu, ngày xưa đi xe thồ còn xóc hơn thế này ấy chứ.
– Thật à? Mai cũng từng đi xe thồ hả?
– Vâng, em ở quê mà. Ngày trước đi cắt lúa xong toàn ngồi xe thồ cùng lúa về đấy chứ. Đường ở quê hồi đó thì vừa dốc vừa nhiều đá, xóc ê ẩm cả người luôn. Giờ đi đường này xóc như thế là bình thường thôi, em chịu được.
Vừa nói đến đó thì chúng tôi đi qua một ổ gà rất to, chiếc xe chở 3 người cọt kẹt, xóc đến mức tưởng chừng như tôi có thể rơi luôn xuống đất. Tuy nhiên, ngay sau đó có một bàn tay vững vàng đỡ lấy eo tôi, Giang vòng tay ra sau, khẽ nghiêng đầu bảo:
– Ôm đi.
Tôi nhỏ giọng nói “không cần”, nhưng Giang không thèm để ý, anh ta cầm lấy tay tôi kéo qua, vòng lấy ôm eo anh ta.
Mặc dù không phải lần đầu nhưng tôi vẫn cảm thấy ngượng, nhất là còn có người ngoài ở đây nữa, tôi ngại, nhưng Giang giữ tay tôi rất chặt, rút về thì sợ ngã ra khỏi xe nên đành phải ôm anh ta như vậy.
Có điều, đi được thêm một quãng, đến một đoạn rừng thưa thớt nhìn thấy hướng mặt trời thì bỗng dưng tôi lại có cảm giác sai sai ở đâu đó. Vừa định lên tiếng hỏi thì bàn tay Giang đột nhiên cọ cọ vào tay tôi, tựa như muốn nói gì đó.
Anh ta mở lòng bàn tay tôi ra, lấy ngón tay viết vào đó mấy chữ: im lặng, chuẩn bị nhảy xuống.
Tôi kinh ngạc mở to mắt nhìn anh ta, dù không biết Giang có ý gì nhưng tôi vẫn tin tưởng anh ta tuyệt đối. Tôi định nhảy xuống theo ám hiệu của anh ta, nhưng người phía trước dường như cũng đã đoán được ý định của chúng tôi.
Hắn đột ngột dẫm phanh xe lại, hai người bọn tôi không kịp chuẩn bị liền nhào thẳng về phía trước, nếu Giang không phản ứng nhanh, có lẽ mặt đã đập vào lưng hắn ta.
Liêm thay đổi thái độ nhanh hơn lật sách, hắn hừ lạnh một tiếng:
– Định chạy à?
***
Lời tác giả: Hôm nay bận quá, chỉ viết được thế này thôi, hẹn mọi người ngày mai tớ bù đoạn dài nhé. Đa tạ!

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (22 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN