Núi Rộng Sông Dài
Phần 21
Tôi đang nuốt miếng táo, nghe thế thì suýt nữa thì nghẹn. Giang thấy vậy mới vươn tay lấy chai nước đưa đến cho tôi.
Uống xong một ngụm to mới thông được cổ họng, nhưng tôi vẫn bối rối đến mức không sao mở lời được, mãi sau mới ấp úng bảo anh ta:
– Anh nằm ở trên giường đi, tôi khỏe hơn anh, tôi nằm sofa không sao đâu.
– Nằm sofa thì cứ để đàn ông đi. Cô cõng tôi rồi, tôi còn để cô ngủ ở sofa thì đêm đến kiểu gì tôi cũng gặp ác mộng.
– Sao anh cứ để bụng mãi chuyện đó thế?
– Vì tôi nhỏ mọn.
Giang vừa nói vừa cười, sau đó xoay người định trèo xuống giường, nhường lại giường bệnh cho tôi. Nhưng bác sĩ nói anh ta bị nặng như vậy, tôi mà để anh ta ngủ ở sofa thì đêm đến tôi cũng sẽ gặp ác mộng, thế nên vội vàng níu lấy tay Giang:
– Anh với tôi chơi búa giấy kéo, ai thắng người ấy ngủ ở sofa, được không?
– Trẻ con.
– Cả tôi cả anh đều muốn ngủ ở sofa, chơi thế mới công bằng. Không thì để tôi thuê phòng bệnh khác, mỗi người một giường cho tiện.
Tôi chỉ mạnh mồm thế thôi chứ anh ta bị thương, không thể không có người ở cạnh chăm sóc được, Giang có đồng ý để tôi đi thuê phòng khác thì tôi cũng không đi. May sao cuối cùng cái tên cứng đầu ấy cũng không làm vậy, ngược lại, còn thỏa hiệp với tôi để chơi một trò mà anh ta bảo là “trẻ con”, búa bao kéo.
– 1 ván duy nhất thôi đấy.
– Ừ, một ván thôi. Ai thắng là thắng cả nhé, không cho chơi lại. Người thắng có quyền quyết định toàn bộ.
Nghĩ đến giám đốc Trường Thịnh chơi trò lãng xẹt này với mình, trong lòng tôi buồn cười như đ.iên, nhưng sợ Giang xấu hổ nên vẫn tỏ ra tỉnh bơ nói:
– Nhưng mà anh có biết chơi trò này không đấy?
– Hỏi thừa.
– Thế thì tôi đếm 3 là cùng đồng thời ra búa bao kéo nhé. Một.
– …
– Hai.
– …
– Ba, búa.
Khi tôi chìa tay ra thì Giang cũng ra búa, cả hai không hẹn mà cùng đồng thời giơ một nắm tay ra như vậy thì chẳng có ai thắng mà cũng không có người thua nào cả. Không phân định được thắng thua nên tôi định bảo anh ta chơi lại ván nữa, nhưng Giang đã xoay người, nằm gọn vào trong góc giường bên trái rồi bảo tôi:
– Hòa. Cả hai ngủ trên giường.
– Ơ… nhưng mà… chưa phân thắng bại thì phải chơi ván nữa chứ?
– Ban nãy ai nói chơi duy nhất một ván, không cho chơi lại?
– Tôi, nhưng mà…
– Tắt điện đi, tôi buồn ngủ rồi.
Tự nhiên há miệng mắc quai nên tôi đần cả ra, không biết phải làm thế nào, tay vẫn ngơ ngẩn giữ nguyên tư thế ra búa rồi đi tắt điện, sau đó lại ngơ ngẩn quay lại giường nhưng không trèo lên, cứ đứng đó phân vân mãi.
Anh ta thấy tôi lưỡng lự cả nửa ngày mới hỏi:
– Sợ à?
– Sợ gì?
– Sợ tôi làm gì cô.
– Anh bị thương như thế làm được gì tôi? Lần trước bị ngộ độc còn nhẹ hơn lần này mà còn không làm được, lần này bị thương nặng thế thì tôi sợ gì?
Chẳng biết tôi đã nói sai chỗ nào mà mặt anh ta lập tức sa sầm, nghiến răng nghiến lợi hồi lâu cũng không nói năng được câu gì. Tôi sợ người bệnh tức giận quá đến nhồi m.áu cơ tim nên vội vàng sửa lại:
– Ý của tôi là anh bị thương thì không làm được. À… không phải. Tôi sợ anh đang bị thương như thế, tôi nằm cạnh không để ý lại động phải vết thương của anh.
– Thế thì cô tự để ý là được. Sợ vớ vẩn.
Trong rừng tôi với anh ta ôm nhau ngủ cả đêm, ở bên bờ hồ trong núi còn gối đầu lên đùi anh ta để sưởi nắng, giờ bảo tôi sợ thì tôi không sợ, nhưng mà vẫn ngại.
Nhưng nghĩ lại, với tính cách của Giang thì nếu tôi ngủ ở sofa thì anh ta chắc chắn sẽ cướp bằng được sofa của tôi, thế nên vì không nỡ để người bệnh chịu khổ sở, tôi cũng đành nhấc chân trèo lên giường, nhưng không nằm cạnh mà nhích sát ra tận mép giường, cách xa anh ta một quãng.
Cả hai chúng tôi im lặng nằm hai bên góc giường, không ai nói chuyện, không gian vừa tối vừa yên tĩnh, đến mức có thể nghe được tiếng còi xe huyên náo ở dưới đường, thậm chí nghe được cả âm thanh rầm rì của mấy người phòng bên cạnh nói chuyện.
Lần này, vẫn là vì nằm cạnh một người đàn ông nên tôi trằn trọc mãi không ngủ nổi, lòng cứ cảm thấy bồi hồi ngứa ngáy như có thứ gì đang bò trong gan ruột vậy. Muốn xoay người nhưng lại sợ làm phiền đến anh ta, mà nằm mãi một tư thế thì mỏi, may sao một lúc rất lâu sau, tôi mới nghe Giang hỏi:
– Hôm nay tại sao lại khóc?
Tôi khẽ giật mình, lúng túng mấy giây mới đáp:
– Sợ anh c.hế.t nên khóc.
– Đồ ngốc, c.hế.t mà dễ thế thì tôi đã c.hế.t lâu rồi, khỏi cần đợi đến bây giờ.
– Hôm nay suýt nữa thì anh c.hế.t rồi đấy thôi. Nếu công an không đến kịp thì giờ đâu còn sống mà mạnh miệng nữa.
Giang nghe thấy vậy mới bật cười:
– Người phụ nữ mít ướt, có thế mà cũng khóc.
Tôi không thèm chấp anh ta, bởi vì cũng cảm thấy hơi mất mặt, chưa gì đã khóc như mưa như gió bắt anh ta hứa không được c.hế.t. Để đỡ xấu hổ, tôi đành lảng sang chuyện khác:
– Công an bảo số điện thoại của tôi nhắn tin thông báo cho họ, là anh làm à?
– Ừ. Lúc ở hồ nước trong núi tiện tay thì nhắn một tin.
Lúc ở hồ nước tôi có để lại điện thoại trên bờ, lúc sau thấy Giang đưa lại nhưng tôi không để ý, không ngờ là anh ta đã lấy máy nhắn tin từ lúc đó. Giang nói:
– Không biết lúc nào thì có sóng nên tôi cứ nhắn một tin trước, đợi lúc nào có sóng thì điện thoại tự gửi.
– Nhưng khi đó anh chưa biết Liêm là đại ca của đám phỉ đó, sao lại thông báo cho công an đến thôn.
– Thử suy luận tôi xem nào.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi như chợt bừng tỉnh:
– Anh nghi ngờ Liêm từ trước rồi phải không? Anh đoán ra chỉ có hắn mới biết được lịch trình của mình để báo với đồng bọn, nên mới báo với công an phỉ ở gần thôn?
– Một phần là vậy. Phần còn lại là trong vòng mấy kilomet gần đó chỉ có một thôn làng, mà đám phỉ đó ăn mặc sạch sẽ, không giống như đã ở lâu trong rừng nên bọn chúng chắc chắn phải có người tiếp tế lương thực quần áo, hoặc là trà trộn trong dân.
Nói đến đây, Giang ngừng lại một lúc rồi nhẹ nhàng cựa người, có lẽ tay trái của anh ta bị thương, nằm về bên ấy rất đau và mỏi:
– Khi đó tôi cũng không dám chắc 100%, nhưng nghĩ cứ thông báo cho công an đến đó trước cũng không vấn đề gì. Nếu không phải thì ít nhất họ cũng đã đến khu vực này, lúc có sóng, chúng ta gọi họ đến sẽ đỡ mất thời gian hơn.
– Rồi sau khi gặp mấy người dân chặt củi ở bìa rừng thì anh mới khẳng định phỉ trà trộn ở thôn làng đó?
– Ừ.
– Sao không nói với tôi?
– Lo dọa cô sợ.
Tôi miệng thì nói “Không sợ”, nhưng ngẫm lại, nếu lúc ấy biết Liêm là phỉ, xung quanh có đồng bọn của hắn đang ẩn nấp chờ g.iế.t chúng tôi, chắc chắn tôi sẽ không thể nào tỏ ra bình tĩnh như không có chuyện gì được, có khi còn làm lộ cả kế hoạch rồi.
Giang đã tính trước chuyện này nên mới không nói với tôi, anh ta giả vờ như mình cũng bị mắc mưu khiến Liêm mất cảnh giác, còn tính trước được chuyện hắn sẽ chủ động đưa cả hai người bọn tôi ra ngoài thôn.
Còn mục đích đi theo hắn ra ngoài làm gì ư? Một kẻ ngốc như tôi suy luận cũng đủ hiểu Giang không muốn kéo theo người dân vô tội vào cuộc chiến ấy, anh ta sợ khi hai bên nổ s.ú.ng sẽ có dân thường bị thương. Thêm vào đó, khi vây bắt ở trong rừng vắng người thì việc tác chiến của công an sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Chẳng trách lúc tôi đề nghị quay về Hà Nội sớm hơn dự định, anh ta lại đồng ý nhanh đến thế.
Tôi không thể không khâm phục óc suy luận và khả năng phán đoán tình huống, cũng như sự thông minh nhạy bén của anh ta, im lặng ngẫm nghĩ một hồi mới hỏi tiếp:
– Để tôi đoán nhé, tin nhắn thứ hai anh nhắn lúc ở nhà ông cụ phải không?
– Ừ.
– Anh báo cho bọn họ biết Liêm là phỉ?
– Đầu tiên là phải báo cho công an biết xung quanh thôn có rất nhiều phỉ, bọn chúng có s.ú.ng, nếu tấn công ngay thì người dân trong thôn sẽ gặp nguy hiểm. Thế nên tôi đề nghị công an bám theo tôi ra ngoài thôn, nếu có xe máy chở người đi ra thì người cầm lái đó chắc chắn là phỉ.
Để đảm bảo an toàn cho chúng tôi, những tin nhắn đó Giang đã xóa ngay từ khi gửi, tôi không đọc được nội dung nhưng anh công an nói bên họ được nhận hai tin nhắn. Tôi cảm thấy cách giải quyết này của Giang rất hợp tình hợp lý, gật gù bảo:
– Thế nên lúc xe dừng lại, anh cố tình nói nhiều như thế là vì muốn kéo dài thời gian chờ cảnh sát cơ động đến phải không?
Giang cười:
– Bình thường tôi nói ít à?
– Ừ. Không nói nhiều lắm, mỗi sáng nay là nói nhiều nhất thôi. Còn chịu ăn đòn để kéo dài thời gian nữa.
Tôi cũng xoay người, quay lại nhìn anh ta, hỏi lại câu mà Liêm đã hỏi trong rừng ban sáng:
– Anh là lính đặc chủng phải không?
– Cô nghĩ sao?
– Tôi nghĩ như Liêm nghĩ. Nếu không phải lính đặc chủng thì không phản xạ nhanh như thế được, cũng không có sức để chịu đựng nhiều như thế, quan trọng nhất là anh bình tĩnh và giải quyết mọi việc rất có trình tự, rất thông minh.
Giang cũng nhìn tôi, trong đêm tối, ánh mắt anh ta lấp lánh vài tia sáng, rất mênh mông, như chất chứa rất nhiều những điều mà tôi không thể đọc hiểu:
– Đang khen tôi đấy à?
– Ừ. Đang khen anh đấy.
– Rất tốt. Tôi nhận lời khen của cô.
– Nghĩa là anh là lính đặc chủng đúng không?
– Đã từng.
Phải rồi, chính xác là đã từng! Trước đây Giang từng có thời gian tham gia quân ngũ, bây giờ đã là giám đốc của một Trường Thịnh đầy vinh quang. Tôi chỉ nhìn thấy hiện tại rực rỡ sáng lạn của anh ta mà không hề biết rằng, Võ Đặng Trường Giang năm ấy đã từng là một lính đặc chủng từng chịu đủ gian khó, từng đổ m.áu đổ mồ hôi nơi thao trường đầy nắng và gió, từng trải qua rất nhiều gian nan hiểm nguy, từ đó rèn giũa khổ luyện ra một giám đốc Trường Thịnh kiên cường mạnh mẽ ngày hôm nay.
Cũng là một Võ Đặng Trường Giang không có mối quan hệ thân thiết, nhưng lại rất tốt với tôi, không tiếc bản thân và sinh mạng mình để bảo vệ cho tôi. Ân tình này một lời cảm ơn cũng khó nói hết được.
Tôi im lặng hồi lâu cũng thốt ra một câu từ tận trong đáy lòng :
– Sếp Giang.
– Ừ.
– Cảm ơn chú bộ đội của nhân dân nhé. Cảm ơn anh rất nhiều.
– Vì gì?
– Vì đã cứu tôi. Không chỉ một lần, mà là rất nhiều lần.
Rất lâu, rất lâu sau đó tôi mới nghe được tiếng trả lời của anh ta:
– Cũng cảm ơn cô.
– Vì cái gì cơ?
– Vì đã đồng cam cộng khổ.
Tôi cười:
– Hoàn cảnh bắt buộc đấy chứ. Nhưng dù sao đến bây giờ cả hai đều bình an, tôi rất vui.
– Ừ. Còn sống là tốt rồi.
– Sếp Giang.
– Ừ.
– Anh giỏi lắm.
Chẳng biết có phải tôi nhìn nhầm hay không mà lúc ấy khóe miệng Giang khẽ cong lên, để lộ một nụ cười rất đẹp. Trước giờ Giang chưa bao giờ cười tươi, nhưng bây giờ nhìn thấy nụ cười này của anh ta mới biết, hóa ra Giang cũng có răng khểnh như Duy, nhưng anh ta chỉ có một chiếc, khi cười duyên hơn và đẹp hơn. Giống như một ánh mặt trời rực rỡ vậy.
Tim tôi phút chốc đập hẫng mất một nhịp, sau đó thì rối tung cả lên, từng nhịp dồn dập như ai đánh trống khua chiêng trong ngực khiến tôi vừa xấu hổ vừa lúng túng. Cảm giác rung động đến bất chợt không sao nói rõ được.
Tôi muốn quay đầu đi để che giấu gò má đang bắt đầu nóng lên, nhưng làm như vậy thì còn mất mặt hơn nên cuối cùng tôi đành giả vờ như không có chuyện gì, im lặng nhìn mây nhìn trời, như một con dở hơi vậy.
Chẳng biết Giang có nhận ra thái độ của tôi khác lạ không, chỉ thấy anh ta nói:
– Muộn rồi, ngủ đi thôi.
– Ừ… Tôi ngủ đây.
– Ngủ ngon.
– Sếp Giang ngủ ngon.
Có lẽ vì hai ngày trời không được ngủ tử tế, thân thể tôi rã rời, mệt đến mức chẳng có tâm trạng để nghĩ ngợi lung tung nữa nên nhắm mắt một cái đã ngủ say như c.hế.t. Tôi ngủ một mạch đến tận hôm sau mới tỉnh dậy, vừa mở mắt ra thì đã thấy Giang nhìn tôi rồi.
Tôi không bất ngờ, chỉ dụi mắt nói:
– Chào buổi sáng.
– Buổi trưa rồi.
– Hả?
Nghe thế, tôi mới lập tức bật dậy, nhìn ra bên ngoài mới thấy mặt trời đã lên cao lắm rồi, tầm này có lẽ đã là 10 hoặc 11h, chẳng trách Giang bảo là buổi trưa.
Con gái con lứa mà ngủ nướng như vậy nên tôi xấu hổ, ấp a ấp úng nói:
– Sao anh không đánh thức tôi dậy? Anh đã ăn gì chưa?
– Ăn rồi. Y tá mang cháo đến. Còn một suất ở bàn, dậy rửa mặt rồi ăn đi.
– À… ừ. Tôi biết rồi.
Rửa mặt xong, chỉ có mình tôi hì hục ăn cháo. Giang thì ngồi trên giường đọc sách, chẳng biết trong quyển “Tài chính kinh doanh” ấy có gì mà anh ta đọc rất say mê, mắt dán chặt vào từng trang giấy, cả buổi không hề nhìn tôi.
Ánh sáng mặt trời của những ngày đầu đông rọi qua khe cửa, chiếu qua qua lưng anh ta rồi phủ đầy lên mái tóc. Ở vị trí này, tôi có thể thấy được một bên sườn mặt có sống mũi cao cao của Giang, thấy cả lông mi dài của anh ta thỉnh thoảng khẽ chớp, bộ dạng lúc đọc sách vừa hăng say vừa an tĩnh, tựa như một cảnh vật bình dị trong bức tranh.
Rất tiếc là tôi không có thời gian để ngắm “bức tranh” ấy quá lâu, bởi vì ngay sau đó có mấy anh công an bước vào phòng. Bọn họ đến để lấy thông tin về mấy ngày vừa rồi gặp phỉ của bọn tôi, ghi lại những tài sản chúng tôi bị mất và lấy đoạn video mà tôi đã quay lại trong rừng mấy đêm hôm trước.
Sau khi chốt biên bản, một anh công an mới nhìn Giang nói:
– Cậu này đúng là giỏi đấy. Trong hoàn cảnh đó không có ai bình tĩnh được để xử lý như cậu đâu, từng là lính đặc chủng có khác. Nhờ có cậu mà công an bọn tôi mới có triển khai bắt được bọn tội phạm ở biên giới nhanh như thế. Đợi đến khi hoàn tất chuyên án này rồi, chúng tôi sẽ đề xuất lên cấp trên để tặng giấy khen cho cậu.
– Không cần đâu, đây là việc ai cũng nên làm thôi. Các anh không cần tặng giấy khen cho tôi đâu.
– Tấm gương dũng cảm thì phải được khen thưởng và lan rộng chứ. Mà cậu bây giờ là giám đốc công ty Trường Thịnh nhỉ?
– Vâng.
– Lâu không luyện tập mà đến giờ kỹ năng sinh tồn vẫn tốt lắm. Lần này cậu với bạn gái đã làm được việc có ích cho xã hội, gặp bọn phỉ nguy hiểm thế mà đến giờ phút này cả hai vẫn bình an là quá tốt rồi. Hai người cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi, nếu cần gì thì tôi liên lạc sau nhé.
– Vâng, cảm ơn các anh.
Sau khi mấy người công an về rồi, tôi cứ nghĩ Giang sẽ được nghỉ ngơi, nhưng đột nhiên anh Phương lại gọi điện thoại đến, nói là có việc gấp cần gặp Giang. Sau khi tôi đưa anh ta nghe điện thoại xong, Giang mới ngước lên nhìn tôi, hỏi:
– Bây giờ về Hà Nội được không?
Lần đầu tiên anh ta chủ động hỏi ý kiến tôi khiến tôi hơi ngạc nhiên, ngẩn ra mấy giây mới đáp:
– Có việc gấp phải về ngay à?
– Ừ. Có một số giấy tờ phải ký tay. Phương muốn tôi chuyển về Hà Nội điều trị để tiện ký giấy tờ.
– Sức khỏe anh như thế liệu có đi đường xa được không?
– Không vấn đề gì.
– Tôi cũng không vấn đề gì. Nhưng vẫn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước đã. Hôm qua vừa phẫu thuật xong, hôm nay ngồi xe mấy tiếng về sợ nguy hiểm. Anh cứ ở đây đợi tôi một lúc, tôi đi hỏi xong sẽ về ngay.
Nói xong, tôi không chờ Giang đáp đã vội vàng chạy đi, sau khi được bác sĩ đồng ý chuyển tuyến điều trị, lại vội vàng chạy về nói lại với anh ta. Giang thấy tôi mồ hôi nhễ nhại mới bảo:
– Đi từ từ thôi.
– Tôi hỏi được rồi, bác sĩ đồng ý rồi. Bảo sẽ viết giấy giới thiệu chuyển ra tuyến trung ương để điều trị. Anh chuẩn bị đi, tôi đi làm thủ tục xuất viện rồi thuê xe xuất phát.
Nhìn bộ dạng tôi quýnh quáng cả lên, anh ta bật cười:
– Không cần vội đến thế. Cứ ăn cơm trưa đi đã, lát nữa tôi tự đi đóng tiền viện phí.
– Anh bị thương thế đi sao được, để tôi làm cho. Hôm nay tôi vừa là điều dưỡng, vừa kiêm trợ lý của anh.
– Tiền công bao nhiêu?
– 20 triệu.
– Đắt quá, làm ơn cho tôi đổi người.
Tôi cũng phì cười:
– Thôi, nể tình mấy lần vừa rồi anh cứu tôi, tôi giảm giá cho anh đấy. Tôi lấy công bằng một lần phỏng vấn thôi, thế nào?
– Biết ngay là cô có âm mưu mà.
– Tất nhiên rồi, hôm trước ăn no bụng xong anh còn chưa cho tôi phỏng vấn đâu đấy. Tôi đồng cam cộng khổ với anh, ở đây làm điều dưỡng phục vụ anh là có âm mưu cả đấy. Một bài phỏng vấn tổng giám đốc công ty Trường Giang mang bán cho bên báo chí là tôi được tiền lời cao ngất trời luôn.
Giang giả vờ lườm tôi:
– Người phụ nữ tham tiền. Mau đi đi, làm thủ tục xuất viện còn book vé máy bay quay lại Hà Nội.
– Không đi xe ô tô nữa hả?
– Đi máy bay nhanh hơn.
– Tiền máy bay sếp Giang trả nhé?
Hai ngày này ở trong viện tôi toàn tiêu tiền từ tài khoản, nhưng tôi nghèo rớt mùng tơi như thế, trong tài khoản đâu có nhiều, có lẽ lát nữa trả xong viện phí là đi tong cả tháng lương rồi.
Tôi sợ không trả nổi nên mới nói vậy, Giang nghe xong lại bảo:
– Đưa điện thoại đây.
– Làm gì thế?
– Mua vé máy bay giá rẻ nhất. Tôi cũng không có tiền.
Tôi nghiến răng nghiến lợi thầm mắng anh ta là đồ giàu mà keo kiệt, nhưng đưa điện thoại cho Giang xong, cứ nghĩ anh ta sẽ bảo anh Phương mua vé máy bay giá rẻ nhất, mãi đến khi lên taxi từ Hà Tĩnh đến sân bay Vinh, rồi từ sảnh chờ được nhân viên sân bay dẫn lên thẳng khoang hạng thương gia, tôi mới biết cái gã này lại lừa tôi.
Lúc yên vị ở chỗ ngồi VIP rồi, tôi mới nhỏ giọng mắng:
– Sao anh bảo mua vé máy bay giá rẻ nhất?
– Hết vé máy bay giá rẻ rồi. Book vé gấp như thế thì không còn giá rẻ nữa.
– Từ nãy đến giờ đi lại nhiều như thế vết thương có đau không?
– Không sao.
Chắc do anh Phương chuẩn bị từ trước nên trên máy bay có thêm một nhân viên y tế để kiểm tra tình hình sức khỏe cho Giang, đề phòng xử lý khi có tình huống cần thiết. Cô gái đó nói giọng Hà Tĩnh, vừa xinh vừa nhẹ nhàng, hễ mở miệng là gọi “Anh Giang, anh Giang”.
Đến lần gọi thứ 5, Giang khẽ nhíu mày:
– Tôi không sao, không cần cứ mấy phút lại kiểm tra một lần. Tôi muốn ngủ.
– Vâng, tại giai đoạn máy bay bắt đầu cất cánh, thay đổi áp suất nên em sợ anh khó chịu.
– Cô quay về chỗ đi.
– Vâng. Nếu có vấn đề gì hay thấy khó chịu ở đâu thì anh gọi em ngay nhé. Em ở ngay hàng ghế bên kia.
Anh ta cũng lười trả lời, chỉ gật đầu một cái rồi quay đi nơi khác. Cô gái kia thấy vậy thì không bám lấy làm phiền nữa, lẳng lặng trở về chỗ ngồi, nhưng cứ mấy phút một lần lại liếc sang hàng ghế của bọn tôi.
Tôi chẳng biết cô ta có ý với Giang hay thật sự chỉ lo cho sức khỏe của anh ta, nhưng nghĩ dù sao có nhân viên y tế ngồi cạnh thì tốt, xảy ra việc gì còn cấp cứu ngay được. Thế nên sau khi bị nhìn đến nóng cả má, tôi mới chủ động đề nghị:
– Hay là tôi đổi chỗ sang bên kia nhé, để bạn nhân viên y tế kia ngồi ở gần anh cho tiện kiểm tra cho anh. Tý nữa hạ cánh lại thay đổi áp suất lần nữa, lỡ có chuyện gì thì còn…
Chưa kịp nói hết câu, Giang đã kéo đầu tôi lại tựa vào vai mình, anh ta nói:
– Ngủ đi.
***
Lời tác giả: Chà, mai lại là thứ 7 rồi chị em ơi. Tui mong chờ đến ngày này lắm lắm. Mai tớ nghỉ để nạp năng lượng nhé, chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ!
À mà các chị em thấy nam 9 thế nào? Nhận xét cho tớ biết với nào. Hehee
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!