Núi Rộng Sông Dài - Phần 23
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
632


Núi Rộng Sông Dài


Phần 23


Mấy ngày được nghỉ, tôi tranh thủ đến bệnh viện K khám lại. Lúc trước bác sĩ nói một tháng tôi phải đến xét nghiệm lại một lần, nhưng đợt này gặp nhiều chuyện quá nên gần 2 tháng tôi mới đến. Lần này khi có kết quả, bác sĩ đọc xong mới cau mày bảo:
– Sao tôi dặn cô 1 tháng đến một lần mà tận hôm nay cô mới đến?
– Cháu có ít việc bận nên giờ mới đến được ạ. Có vấn đề gì hả bác sĩ? Có nghiêm trọng không ạ?
– Nghiêm trọng thì không, nhưng sức khỏe của cô kém đi sẽ là điều kiện rất tốt để các tế bào ác xuất hiện trở lại. Bây giờ tạm thời trong kết quả xét nghiệm chưa có, nhưng nếu cứ thế này sẽ sớm muộn gì cũng sẽ tái lại tế bào u.ng th.ư, cô hiểu không?
Nghe vậy, trái tim đang treo lơ lửng của tôi mới có cảm giác buông thõng một cái, tôi rối rít gật đầu cảm ơn bác sĩ, trong lúc chờ bác sĩ kê đơn thuốc bổ, tôi mới nhớ ra một chuyện nên hỏi:
– Bác sĩ ơi, cháu điều trị u.ng th.ư thế này, liệu sau này còn có thể mang thai được nữa không ạ?
– Cô có ý định mang thai à?
– Hiện tại thì chưa, nhưng cháu muốn hỏi cho sau này ạ.
– Về lý thuyết thì chưa cắt bỏ tử cung vẫn có thể mang thai được bình thường. Nhưng trải qua quá trình hóa trị thì sẽ có một số trứng trong buồng trứng bị hỏng, nếu mang thai quá sớm thì có thể gây s.ảy thai, si.nh non, d.ị t.ật thai nhi. Nói chung là cũng nên cân nhắc thật kỹ nhé.
– Vâng, cháu cảm ơn bác sĩ ạ.
Sau khi mang một túi thuốc bổ rất to ra khỏi cổng viện, lòng nặng trĩu nên tôi muốn đi đâu đó hít thở không khí, nhưng Hà Nội phồn hoa này xô bồ như thế, tôi không biết phải đi đâu về đâu mới làm tâm trạng mình dễ chịu cả, rút cuộc đành đến ga tàu điện, mua một chiếc vé xa nhất rồi cứ ngồi đần trên đó nhìn những tòa nhà cao tầng vụt qua trước mặt.
Có một đứa bé làm rơi một quả bóng đến dưới chân tôi, khi được tôi nhặt giúp rồi đưa lại, nó liền toét miệng cười:
– Cô xinh quá.
– Cảm ơn bé.
– Nhưng cô ơi, sao tóc của cô lại ngắn thế?
Đứa bé đó trèo hẳn lên lòng tôi, giơ bàn tay nhỏ xíu xoa xoa mái tóc ngắn mới dài ra được chừng 5, 6 centi của tôi rồi hỏi:
– Tóc của cô ngắn như con trai ấy. Các bạn nam lớp con cũng có tóc như cô, còn các bạn nữ ai cũng có tóc dài như con này.
Tôi bật cười, trong lòng chẳng biết là chua xót hay là bất lực, chỉ có thể đáp:
– Thế à?
Người mẹ ngồi ở dãy ghế bên kia thấy vậy mới vội vàng lên tiếng quát “Jun, không được nói linh tinh, quay về chỗ xem nào”. Đứa bé đó vẫn sờ sờ tóc tôi, còn sờ mắt mũi tôi rồi lại cười tươi rói, nó cứ bám lấy tôi không chịu xuống, cuối cùng người mẹ phải chạy lại ôm nó về.
Có lẽ bà ấy nhìn thấy tập hồ sơ ghi bệnh viện K tôi để dưới ghế, lúc quay về có lẩm bẩm nói:
– Cô bị bệnh đấy, đừng có sờ cô. Ngồi yên đi.
– Cô xinh lắm mẹ ơi, xinh hơn bạn Sở Nguyên lớp con nữa.
– Mẹ bảo có nghe không? Ngồi yên đi, còn sang bên đó nữa mẹ đánh cho s.ưng đ.ít giờ đấy. Ngồi xem điện thoại đi.
Đứa bé đó được dỗ bằng điện thoại nên không để ý đến tôi nữa, tôi cũng không nhìn nữa, chỉ im lặng quay đầu ra cửa kính, không muốn khóc, nhưng chẳng hiểu sao nước mắt cứ lặng lẽ rơi.
Trước đây tôi không nghĩ nhiều đến việc có con, sau khi bị u.ng th.ư chỉ mong có thể được sống, nhưng con người vốn tham lam được một lại đòi hai thì phải. Đến bây giờ bệnh của tôi tạm ổn rồi, tôi lại khát khao sau này có thể được làm mẹ, tôi khát khao được yêu, được kết hôn và có một gia đình hoàn chỉnh.
Nhưng tôi thế này ai yêu tôi chứ? Tôi có thể sinh con vì ai chứ? Cái gọi là gia đình hoàn chỉnh, chẳng qua cũng chỉ là một ước mơ xa vời mà tôi không thể chạm đến được mà thôi…
Những ngày sau đó, để làm bản thân mình bận rộn đến mức không có thời gian nghĩ linh tinh nữa, tôi bắt đầu vùi mình vào công việc, ban ngày đến đài truyền hình, có thời gian sẽ lên mạng học tiếng Nga, rảnh rỗi hơn nữa sẽ nằm ôm gối xem mấy bộ phim ngôn tình sướt mướt.
Những thông tin, clip và hình ảnh về những đứa bé ở thôn làng giáp biên của tôi đã được duyệt làm thành bản tin, sau khi phát sóng, đã có rất nhiều cá nhân và tổ chức biết đến nơi biên giới nghèo khổ đó và tới tận nơi tài trợ. Bản tin về bệnh viện tuyến huyện Duy đã nằm cũng được lên sóng, lúc xem xong, chú giám đốc bệnh viện liền gọi ngay cho tôi:
– Vợ chú bảo nhìn thấy chú rồi. Ai cũng khen lên tivi bớt hói đầu đấy. Cảm ơn Mai nhé. Bản tin cháu làm hay lắm, tối nay cả bệnh viện chỗ chú đều xem, ai cũng khen cháu giỏi, có một đoạn phỏng vấn nhỏ thôi mà dựng bản tin hay thế.
– Dạ, cái này là cả ban biên tập làm đấy chú ạ, không phải mình cháu đâu. Chú và mọi người ở bệnh viện vất vả nhiều rồi mà, cũng nên được mọi người biết đến chứ. Chú và các anh chị ở đó có khỏe không ạ?
– Khỏe, khỏe chứ. Cháu thì thế nào?
– Cháu vẫn khỏe ạ.
– Duy xuất viện được một tuần rồi. Hôm qua các thiết bị y tế của công ty Trường Thịnh cũng vừa được mang lên đây. Toàn đồ tiên tiến hết đấy, chú cũng báo cáo lên lãnh đạo tuyến trên để gửi thư cảm ơn công ty Trường Thịnh rồi. Định gọi điện trực tiếp cho Giang để cảm ơn mà không có số, lúc nào cháu gặp cậu ấy thì gửi lời cảm ơn giúp chú nhé. Hoặc cho chú số để chú tự gọi cũng được.
– Vâng ạ. Thế để cháu cho chú số của anh ấy ạ.
– Ừ, thế gửi cho chú đi, để chú gọi cảm ơn cậu ấy một tiếng.
Không nhắc đến thì thôi, động đến rồi lại cảm thấy lòng hụt hẫng như bị thiếu một mảnh ghép nào đó. Tôi khó chịu ngồi lướt lướt mấy bức ảnh ở điện thoại, chẳng biết run rủi thế nào lại lướt đến bức ảnh chụp bóng lưng Giang ở thôn làng trong núi đó. Anh ta cầm túi thuốc của tôi đứng trước sạp hàng của bà cụ, sau lưng là rừng cây xanh mướt, trên đầu là vạn dặm trời mây.
Hình như hơn một tháng rồi từ khi quay về Hà Nội, chúng tôi không hề liên lạc với nhau thì phải!
Đang cau có nghĩ ngợi linh tinh thì có người vỗ vai tôi “bộp” một cái. Quay đầu mới thấy Linh từ đâu về, tay cầm cốc nước ép dưa hấu đưa cho tôi:
– Uống đi, tao vừa mua xong đấy, vẫn còn mát.
– Đi đâu về đấy?
– Đi săn tin chứ đâu. Mới vừa qua phòng kế hoạch, thấy bọn họ đang chuẩn bị talkshow của công ty Trường Thịnh kìa.
Tôi định đưa ống hút lên miệng, nghe thế mới khựng lại:
– Chuẩn bị tổ chức talkshow rồi à?
– Ừ, đợt vừa rồi mày nghỉ phép, sếp sợ sức khỏe mày chưa ổn nên giao cho người khác làm chương trình đó rồi. Với cả mình ở bên bản tin, có phải bên quay chương trình méo đâu, tham gia làm gì?
– Ừ. Hôm nào thì có talkshow?
– Ba hôm nữa. Nghe nói cách đây một tuần gửi mail đến Trường Thịnh, họ thống nhất quay talkshow vào ngày 18 rồi. Sếp Giang nhà mày đồng ý đến đấy.
– Nhà mày cái gì? Nói vớ vẩn, ông ấy nhà anh Duy đấy chứ.
Linh cười cười, ngồi xuống bên cạnh tôi:
– Sao rồi, lâu nay có liên lạc với nhau không?
– Không, chẳng ai liên lạc với ai cả.
– Mày có nghĩ ông ấy cũng có cảm giác giống mày không? Kiểu say nắng xong trốn tránh để bình tĩnh lại ấy.
Vị nước ép dưa hấu mát lạnh trôi qua cổ họng tôi, có cảm giác ngòn ngọt dễ chịu, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn không nuốt trôi được. Mất một lúc tôi mới nói:
– Mày biết ông Giang từ lâu rồi, còn lạ gì ông ấy nữa. Người gì lạnh như cục đá, ông ấy thiếu gì đàn bà mà đi say nắng tao, nói vớ vẩn.
– Xùy, ai mà biết được, tình cảm con người giống như xổ số ấy, lúc nào cũng có thể trúng độc đắc cả. Quan trọng là mình có dám bỏ vốn liếng ra đặt cược vào thứ hên xui đó không thôi.
– Tao tiếc tiền lắm, không dám mua xổ số đâu. Mày cứ để tao nghèo kiết xác, phải uống ké nước ép dưa hấu của mày thế này thôi.
Linh phì cười:
– Mày đúng là cái đồ nhát cáy. Thế lâu nay có nói chuyện với ông Duy không?
– Thỉnh thoảng thôi, bận bỏ xừ. Anh ấy được xuất viện một tuần rồi, về đơn vị làm việc rồi.
– Ừ, qua thấy gọi video với tao cũng nói thế. Còn bảo mấy hôm nữa về thì rủ cả mày đi chơi, giờ ông ấy ngại không dám rủ.
– Để xem tao có rỗi không đã?
– Cái gì trên bàn mày thế?
– Hả?
Tôi nhìn mấy viên đá màu xanh lam để ở chiếc hộp nhỏ trước cửa sổ bàn, ánh nắng từ bên ngoài chiếu vào nó, trong suốt và sáng lấp lánh:
– Mấy viên đá hay ho mới nhặt được ấy mà.
– Đẹp thế? Cho tao một cái.
Linh vừa nói vừa thò tay vào định nhặt, chẳng biết tôi học cái tính nhỏ mọn từ ai, lập tức đánh vào tay nó:
– Không cho được, cái này lát nữa tao đi làm thành mặt dây chuyền rồi.
– Nhưng có tận 2 viên cơ mà?
– Đeo ba viên chứ sao?
– Con của nợ, mày đúng là đồ tham lam. Nhớ đấy. Trả nước ép của tao đây.
– Không trả.
– Trả đây.
– Không trả.
Hai chúng tôi lao vào nhau tranh cốc nước ép, vừa buồn nôn lại vừa buồn cười, cuối cùng đứa nào cũng hét toáng lên, trượt từ trên ghế xuống đấy, ê ẩm hết cả mông nhưng mồm vẫn ngoác ra, cười mãi không khép lại được.
Linh vỗ mông tôi bốp một cái:
– Hôm nay mới có lương, mày bao tao đi ăn ốc thì tao tha cho mày, không thì còn lâu tao mới hết giận.
– Rồi rồi, ăn ốc thì ăn ốc, đừng có bóp mông tao nữa, tiên sư mày.
– Haha.
Ba hôm sau, lịch của tôi là đi lấy tin ở một doanh nghiệp dệt may trong nội thành Hà Nội, nhưng bên đó có việc đột xuất nên hủy lịch, thành ra tôi lại phải ở đài truyền hình, làm mấy việc vặt vãnh chuẩn bị cho talkshow.
Đang cầm kịch bản nói chuyện với cậu em quay phim thì nghe tiếng mở cửa đi vào, chú giám đốc dẫn đường, bên cạnh là Giang và mấy người trợ lý khác, bọn họ vừa đi vừa nói chuyện gì đó.
Khi thấy tôi, người đàn ông kia chỉ liếc một cái rồi lạnh lùng dời mắt đi chỗ khác, tỏ vẻ như không hề quen tôi. Chú giám đốc thì không biết tôi và Giang từng xảy ra chuyện gì, còn niềm nở giới thiệu:
– Giới thiệu với Giang, đây là Chi Mai, phóng viên của đài truyền hình tôi. Mấy lần trước có đến Trường Thịnh và gặp Giang một lần rồi thì phải.
Anh ta gật đầu, vẻ mặt không biểu cảm, chỉ thờ ơ nói:
– Trí nhớ tôi hơi kém, quên mất rồi.
– À… thế hả? Không sao. Quên thì hôm nay làm quen lại cũng được mà. Chi Mai là hoa khôi xinh nhất đài truyền hình tôi đấy. Lúc đầu em ấy phụ trách kịch bản talkshow của Giang, nhưng thời gian rồi vừa ốm nên phải chuyển cho người khác.
Tôi thấy nhắc đến mình hơi nhiều, không thể không lịch sự cúi đầu chào một tiếng:
– Anh Giang.
Nhưng anh ta hoàn toàn phớt lờ tôi, chỉ quay lại nói với chú giám đốc:
– Tôi nghĩ đài truyền hình nhiều người giỏi như thế, ai phụ trách talkshow cũng sẽ làm tốt cả thôi. Đài truyền hình ưu ái để Trường Thịnh tham gia talkshow là chúng tôi cảm ơn rất nhiều rồi.
– Cảm ơn gì chứ? Chúng tôi còn phải cảm ơn ngược lại Giang vì đã nhận lời đến đây ấy chứ. Công việc bận như thế mà.
Chú giám đốc cười cười, nhìn anh ta bằng ánh mắt sáng lấp lánh:
– Thôi không làm mất thời gian vàng bạc của sếp tổng Trường Thịnh nữa, Giang vào đi, vào duyệt lại kịch bản lần nữa rồi chúng ta bắt đầu quay.
Khi mấy người bọn họ đi lướt qua tôi, anh Phương có liếc tôi một cái, vẻ mặt như kiểu lực bất tòng tâm, không biết phải nói sao với tôi cho phải.
Tôi cười cười, cũng tỏ ra không quan tâm, nhưng lát sau ánh mắt không nhịn được lại vẫn quay đầu nhìn Giang. Hôm nay anh ta mặc vest, sống lưng thẳng tắp, chỗ tóc bị cạo trên đầu cũng đã mọc lại, thật sự nhìn không ra đây là người một tháng trước mới bị thương đến thảm hại, suýt mất mạng thì trong rừng.
Lúc này, anh ta trông sáng sủa điển trai đến mức mấy bạn nữ ở trong phòng cứ dán chặt mắt vào anh ta, người thì lấy nước, người thì mời trà, em đồng nghiệp trực tiếp phụ trách chương trình cũng nhìn Giang cười cười nói nói mãi, anh ta thỉnh thoảng cũng lịch sự cười lại, bộ dạng nghiêm túc và lịch thiệp, chẳng còn vẻ lạnh lùng thờ ơ giống như khi nhìn tôi.
Tôi biết, là tôi vô tâm trước nên nhận lại như vậy là đáng lắm, nợ ơn người ta mà không hỏi han được một câu nào, anh ta giận tôi là đúng rồi.
Tôi cảm thấy không có mặt mũi gặp Giang nên suốt cả buổi anh ta quay talkshow cũng chỉ đứng một góc, khi thì im lặng nhìn, lúc lại làm việc lặt vặt. Lúc nghỉ giải lao, chú giám đốc mới gọi tôi lại, bảo tôi mang cho Giang một ly trà khác, tôi gật đầu, đi pha trà mang đến, kết quả vừa về chỗ thì lại bị gọi lại, chú giám đốc nói: Giang muốn uống cafe.
Tôi lại lật đật đi pha lần nữa, nhớ đến anh ta thường xuyên uống cafe đen nên tôi không dám bỏ đường. Kết quả, Giang lại thờ ơ nói:
– Tôi yêu cầu cafe sữa.
Tôi mím chặt môi, cố nuốt cục tức vào trong lòng, bày ra vẻ mặt lịch sự nói:
– Anh Giang, còn yêu cầu gì nữa không? Nhiều sữa hay ít sữa, anh nói đi, tôi pha theo đúng ý anh.
Anh ta không thèm nhìn tôi, chỉ liếc trợ lý một cái, cậu trợ lý mặt mày vẫn còn ngơ ngác khó hiểu, thấy sếp nhìn đến mới vội vàng cầm cốc cafe lên định đi pha. Em MC cũng ngay lập tức đứng dậy, cười dịu dàng:
– Sếp Giang, để em đi pha cho. Chỗ này em quen hơn, em biết máy pha cafe để đâu. Anh muốn uống cafe sữa đúng không? Em pha cho.
Lần này, anh ta khẽ gật đầu một cái, cũng cười lại:
– Cảm ơn.
Tôi lập tức biến thành người thừa ở đó, cũng không biết phải nói gì nữa nên đành quay về góc ban nãy. Đứng ở đó nhìn Giang uống cafe bạn MC pha, lại lẳng lặng quan sát mọi người tiếp tục quay chương trình. Đến tận khi buổi talkshow sắp xong rồi, anh Phương mới đi lại gần tôi.
– Mai.
– Dạ.
– Sao hôm trước anh bảo em tới bệnh viện thăm sếp, em không tới?
– À… em bận quá, đến hôm nay vẫn còn bận đây, chưa đến thăm được. Anh Giang khỏe hẳn rồi hả anh?
– Ừ, cũng chưa khỏe lắm, nhưng chẳng hiểu sao lại nhận lịch đi sớm thế. Xương sườn bị gãy của anh ấy đã lành hẳn đâu, hôm nay đi đến đây bọn anh vẫn đẩy xe lăn mà. Nhưng vào đài truyền hình anh ấy bảo để anh ấy tự đi.
Tôi chẳng biết cái gã này cố chấp điều gì, xương cốt vẫn chưa lành mà còn nhận lời quay, không chịu ngồi xe lăn nữa. Lòng tôi cảm thấy rất khó chịu, nhưng không dám nói ra, chỉ bảo:
– Các vết thương khác của anh ấy thì thế nào hả anh?
– Thì cũng lành rồi, nhưng để lành hẳn thì chắc phải mất một thời gian nữa. Bị đ.ạ.n bắn mà, có phải bình thường đâu.
– Vâng, thế các anh chăm sóc anh ấy nhé, thời gian này chắc vẫn phải nghỉ ngơi nhiều, anh khuyên anh ấy đừng vội làm việc.
– Ông ấy vẫn làm như trâu ấy. Ở viện mà giấy tờ rồi máy móc chất cả đống kìa. May mà thời gian này mẹ anh ấy đi du lịch Châu Âu, chứ bác gái mà biết thì bọn anh còn đau đầu nữa.
– Vâng.
– Hay là lúc nào em có thời gian thì đến thăm sếp đi, ăn cùng với anh ấy bữa cơm cho vui. Trước hai người trải qua bao nhiêu chuyện cùng nhau còn gì, em đừng có xa cách thế chứ.
– Vâng, em biết mà, em có xa cách gì đâu, tại công việc bận thôi. Để lúc nào rỗi em đến.
– Ngại thì để anh dẫn đến.
– Em có ngại gì đâu. Mà quay talkshow xong rồi, anh ra đỡ anh Giang đi kìa.
– Ừ, anh đi đây.
Anh Phương vừa định đi thì bỗng dưng nhớ ra chuyện gì, vội vàng quay đầu, nhét vào tay tôi một túi zip màu đen. Tôi tròn xoe mắt hỏi:
– Cái gì đây anh?
– Giấy tờ của em đấy. Anh Giang bảo người vào Hà Tĩnh tìm lại, bọn phỉ kia vứt mỗi chỗ mỗi nơi nên mãi tận hôm kia mới gom lại được hết. Hôm nay tiện đến đài truyền hình nên anh Giang bảo anh đưa cho em luôn.
Tôi mở túi zip ra, đúng là bên trong có căn cước của tôi, thẻ ATM, thẻ bảo hiểm, thậm chí còn có cả mấy cái chìa khóa tủ cá nhân của tôi. Những thứ này bọn phỉ đã vứt lung tung trong rừng nên tôi đã xác định sẽ không tìm lại được, cũng định đi làm lại rồi, không ngờ vẫn có người tốn công như vậy vì tôi.
Đột nhiên trong lòng tôi cảm thấy rất chua xót, nỗi day dứt bị đè nén suốt thời gian qua như xộc lên, xông vào trái tim tôi.
Từng mạch máu đến cốt tuỷ tôi đều đau nhói, tôi rất day dứt, cũng rất cảm kích, nhưng không thể vượt qua nổi thành trì trong lòng nên chỉ nói:
– Vâng, em biết rồi, nhờ anh cảm ơn anh Giang giúp em.
– Đợi khi nào em gặp riêng anh ấy rồi tự nói nhé. Anh đi đỡ sếp đây.
Hai tiếng quay talkshow vèo cái là xong, mọi câu hỏi của biên tập viên, Giang trả lời rất điềm đạm lưu loát, kiến thức và cách xử lý tình huống của anh ta rất rộng, lần đầu tiên một buổi talkshow không phải cut đoạn nào, quay trơn tru một mạch từ đầu đến cuối.
Khi công ty Trường Thịnh ra về, mọi người trong ban tổ chức buổi talkshow niềm nở ra tận cửa tiễn. Tôi không đi theo, chỉ đứng ở hành lang chào rồi thôi, Giang cũng ngoảnh đầu đi một mạch không quay lại, cho đến khi anh ta vào thang máy rồi cũng chưa từng nhìn tôi một cái.
Tôi cứ tưởng mối quan hệ giữa tôi và anh ta thế là xong rồi, dù trái tim tôi có rung động vì Giang đến mấy thì có lẽ sau này cũng chỉ là người dưng thôi. Thế nhưng không ngờ ông trời thật sự rất biết trêu đùa lòng người, tôi đã cố đi một con đường khác rồi nhưng cũng chẳng thể tránh khỏi duyên kiếp được.
Hôm đó được nghỉ, tôi định mang mấy viên đá đến tiệm vàng bạc để làm thành mặt dây chuyền thì đột nhiên lại thấy mẹ tôi đến. Hơn hai tháng không gặp, bà ấy không hỏi tôi tiếng nào, vừa vào nhà đã chửi:
– Mày đi đâu mà tao đến tìm mấy lần không thấy? Đi đâu cũng không biết há mồm ra mà nói với mẹ mày à?
– Mẹ tìm con làm gì?
– Lấy tiền chứ làm gì? Lần trước tao đã nói với mày rồi, tao cần tiền chữa bệnh, mày đưa tiền cho tao để tao mua thuốc.
– Con đã nói con không có tiền, mẹ tự ý đến đây lục lọi phòng của con, con còn chưa nói, giờ mẹ lại đến đòi tiền. Mẹ nuôi con được ngày nào mà đòi tiền?
– À con r.anh này, tao không nuôi mày nhưng tao đẻ ra mày, giờ tao ốm thì mày phải có trách nhiệm đưa tiền cho tao mua thuốc thang nhé. Không có tao thì cũng không có mày đâu, mày được sống đến bây giờ là nhờ tao đấy.
– Mẹ đẻ con ra mà hành hạ con thế này, thà lúc đầu mẹ đừng đẻ con ra còn hơn. Con không nợ nần gì mẹ, mẹ đi đi.
– Tao đừng đẻ ra mày á? Tao mà biết mày mất dạy thế này thì tao khâu lại luôn rồi, đẻ ra cái thứ bất hiếu như mày làm gì.
Nói đến đây, bà ấy bỗng dưng thấy mấy viên đá trên tay tôi, tưởng là ngọc nên lao lại giật lấy:
– Mày có ngọc mà bảo không có tiền à? Cái này dùng làm trang sức cho mày chứ làm quái gì, để đổi thành tiền thuốc thang cho tao còn được hơn đấy. Đưa đây cho tao.
– Mẹ trả đây, đồ của con, không phải của mẹ, mẹ trả đây.
Mẹ tôi to béo phốp pháp, người gần gấp đôi người tôi, bà ấy xô một cái là tôi đã ngã ngửa ra sau, lưng đập vào thành giường đau điếng, đau đến độ tưởng như gãy đôi xương cột sống, mãi mà vẫn không đứng dậy được.
Nhưng mấy viên đá kia thật sự rất quan trọng với tôi, tôi sợ bà ấy bán không được lại vứt đi nên lúc sau vẫn cắn răng đứng dậy chạy theo. Đuổi ra đến tận đầu ngõ mới thấy mẹ tôi đang tất tưởi định bắt xe ôm, tôi vội vã lao đến giằng lại:
– Đó không phải ngọc, đó là đá, mẹ không bán được đâu, mẹ đưa đây.
– Mày định lừa tao à? Làm gì có đá nào thế này, tao mang bán rồi khi nào tao có tiền chuộc lại cho mày là được chứ gì? Buông ra.
– Nó không bán được, mẹ trả đây.
– Cái con r.anh này, mày thích lắm lời không?
Bà ấy không nể nang, lại giáng cho tôi một tát nữa xây xẩm mặt mày, tôi bị đánh bật cả m.áu mồm vẫn sống c.hế.t đòi lại, đến khi mẹ tôi định tát cái thứ hai thì bỗng dưng một bàn tay nắm lấy cổ tay của bà ấy.
Một thân hình thẳng tắp đứng trước mặt tôi, giọng anh ta lạnh đến mức làm người khác nổi da gà:
– Bà làm gì đấy?

Yêu thích: 4.7 / 5 từ (13 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN