Sáng, Trưa, Đêm - Sáng (9)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
121


Sáng, Trưa, Đêm


Sáng (9)



Cô gái bồi bàn hai mươi nhăm tuổi, chẳng lấy gì làm xinh xắn, thi phổ thông trung học cũng chẳng qua nổi, và là con của một người lao công với một bà nội trợ.

Người ta kinh ngạc hơn nữa bởi ai cũng nghĩ Woody phải lấy Mimi Carson, một cô gái xinh đẹp, có học thức, lại là người thừa kế một công ty cao su lớn và yêu Woody điên cuồng.

Thói thường, dân Hobe Sound thích đàm tiếu về những chuyện trăng hoa của người hầu hơn là của ông chủ, song trong trường hợp của Woody, vì cuộc hôn phối của anh ta kỳ dị quá nên người ta đành chấp nhận một ngoại lệ. Tin tức lan đi nhanh chóng rằng gã đã làm cho Peggy mang bầu nên phải cưới cô ta. Người ta biết rõ giữa cưới và không cưới tội nào nặng hơn.

– Vì Chúa, tôi hiểu thằng bé đã làm nó có bầu. Nhưng không ai đi cưới một gái chạy bàn cả.

Đúng là truyền thống cha truyền con nối. Hai mươi bốn năm trước, Hobe Sound cũng đã từng rung chuyển vì một vụ scandal của nhà Stanford. Emily Temple, con gái một gia đình lâu đời nhất ở đây, đã tự tử vì chồng bà ta làm cô gia sư có chửa.

Woody Stanford không giấu giếm chuyện gã căm thù cha đẻ mình, và cảm giác chung của mọi người là gã cưới cô bồi bàn, bấp chấp mọi chuyện, để chứng tỏ gã là người đàn ông trọng danh dự hơn cha.

Vị khách duy nhất được mời dự đám cưới của Woody là Hoop, anh trai Peggy, bay đến từ New York. Hoop làm cho một lò nướng bánh ở Bronx. Gã cao và gầy hốc hác, có bộ mặt rỗ và một giọng nói đặc sệt chất Brooklyn.

– Mày lấy được cô vợ hết ý đấy, – gã nói với Woody sau khi lễ cưới kết thúc.

– Tôi biết, – Woody đáp

– Mày phải chăm sóc em gái tao tử tế đấy, nghe chưa?

– Tôi sẽ cố hết sức.

– Khá lắm.

Đấy là mẩu đàm thoại không ai nhớ giữa một thợ nướng bánh và con trai của một trong những người giầu có nhất hành tinh.

Bốn tuần sau ngày cưới, Peggy sẩy thai.

Hobe Sound là một cộng đồng hết sức cục bộ, và đảo Jupiter là phần cục bộ nhất của Hobe Sound.

Phía tây đảo là eo biển Intercoastal, còn phía đông là Đại Tây Dương. Đây là nơi trú ẩn của những người giầu có và dè dặt. Hòn đảo có số cảnh sát tính trên đầu người cao nhất thế giới, và người dân ở đây tự hào vì bị đánh giá thấp theo cách đó. Họ lái những chiếc Taurus hoặc xe hòm, có những thuyền buồm nhỏ như loại Lightning mười sáu bộ hoặc Quickstep hai mươi bốn bộ.

Nếu một người không phải sinh ra ở đây, anh ta phải tìm mọi cách để có được quyền làm một thành viên của cộng đồng Hobe Sound nầy. Sau cuộc hôn phối giữa Woody Stanford và “cô bồi bàn đó”, câu hỏi nổi cộm là người dân ở đây có chấp nhận cô dâu vào cộng đồng của mình hay không.

Bà Anthony Pelletier, “già làng” của Hobe Sound, là vị trọng tài cho mọi cuộc tranh chấp xã hội, và bà đặt ra cho mình sứ mạng bảo vệ cộng đồng của bà khỏi những người giầu có mới phất và ngông nghênh. Dân mới nhập cư không may làm mếch lòng bà thì đừng nói chuyện sống nổi ở đó. Bà có lệ gửi cho con người vô ý đó một chiếc túi du lịch da, do tài xế của bà mang đến chứ bà không bao giờ đích thân làm việc đó. Đấy là lối nói bóng gió của bà cho người ấy rằng anh ta không được hoan nghênh vào cộng đồng.

Bạn bè bà rất khoái chí mỗi khi kể lại chuyện vợ chồng một thợ cơ khí mua nhà ở Hobe Sounđ. Bà Pelletier gửi cho họ chiếc túi du lịch da, song khi hiểu ra sự trầm trọng của vấn đề thì người đó chỉ cười khẩy. Chị nói: “Nầy, con mụ phù thuỷ ấy nghĩ rằng có thể đuổi được ta ra khỏi đây thì hẳn là mụ ta điên rồi!”.

Nhưng sau đấy thì mới sinh chuyện. Thợ sửa chữa điện, nước bỗng dưng không đến khi được gọi. Còn người bán tạp hoá thi luôn hết mặt hàng chị ta yêu cầu và dù cố đến đâu, vợ chồng họ cũng không thể làm thành viên của Câu lạc bộ đảo Jupiter được, thậm chí muốn đặt bàn tại một nhà hàng tốt trên đảo cũng không xong. Tệ hơn nữa, hễ gặp họ là người ta ngoảnh mặt đi, chẳng buồn tiếp chuyện bao giờ.

Ba tháng sau khi nhận được cái túi du lịch, đôi vợ chồng buộc phải bán nhà mà ra đi…

***

Vậy là khi tin Wood lấy vợ được tung ra ngoài, cả cộng đồng nín thở. Rút phép thông công Peggy Malkovich cũng có ý nghĩa là rút phép thông công người chồng nổi tiếng của cô gái. Trong cộng đồng người ta lặng lẽ đặt cược với nhau.

Trong mấy tuần đầu, đôi vợ chồng mới cưới không nhận được giấy mời đi ăn tối, dạ hội hay khiêu vũ nào cả. Song người dân ở đây khoái Woody và dầu sao đi nữa, ông ngoại Woody cũng là một trong những sáng lập viên của cộng đồng Hobe Sound. Dần dà, người ta bắt đầu mời gã và Peggy về nhà mình

Người ra sốt ruột muốn biết cô vợ của Woody ra sao.

– Đứa con gái lỡ thì đó phải có cái gì đặc biệt thì thằng Woody mới lấy nó chứ?

Song khi gặp được Peggy thì cả làng thất vọng.

Peggy trông trì độn và xơ cứng, hoàn toàn không có chút cá tính nào, còn cách ăn vận của cô gái mới tuỳ tiện và kém thẩm mỹ làm sao.

Bạn bè của Woody thì hỏi nhau:

– Nó tìm thấy cái quái gì ở con bé chứ? Nó thì lấy ai mà chả được.

Một trong những lời mời đầu tiên đến từ Mimi Carson. Cô nầy cảm thấy ngày tận thế đã tới khi nghe tin Woody lấy vợ, song lại quá kiêu hãnh để nói ra điều đó. Khi bạn bè thân cận an ủi, “Hãy quên chuyện nầy đi, Mimi. Cậu sẽ vượt qua anh ta thôi mà”, thì Mimi nói, “Tớ sẽ sống với nỗi bất hạnh nầy, song tớ sẽ không thế nào vượt qua anh ta được cả”.

Woody cố đạt lấy một thành công của cuộc hôn phối. Gã biết gã đã phạm phải một sai lầm song không muốn trừng phạt Peggy. Gã dốc hết tâm lực làm một người chồng tốt. Vấn đề là ở chỗ Peggy chẳng có gì chung với gã hay bạn bè gã.

Người duy nhất Peggy cảm thấy dễ chịu khi ở gần là anh trai cô ta. Hoop và Peggy ngày nào cũng gọi điện cho nhau.

– Em nhớ anh ấy, – Peggy than thở với Woody.

– Em có muốn mời anh ấy xuống chơi vài ngày không?

– Anh ấy không thể, – Peggy nhìn chồng và nói với giọng quan trọng. – Anh ấy có việc làm.

Mỗi khi đi dự tiệc Woody thường cố đưa Peggy tham gia vào câu chuyện, song chỉ được vài câu là Peggy chẳng còn gì để nói nữa. Cô ngồi căng thẳng, lưỡi líu lại, thỉnh thoảng lại liếm môi với vẻ bứt rứt lo lắng và rõ là không lấy gì làm dễ chịu cả.

Bạn bè Woody biết rằng tuy sống trong toà biệt thự Stanford nguy nga là thế, Woody chẳng nhận được xu nào từ cha mình cả, và gã phải sống bằng khoản tiền lãi hàng năm mà bà mẹ quá cố để lại.

Đam mê của gã là môn polo, song tiền mua một con ngựa gã cũng chẳng bói đâu ra. Gã phải cưỡi nhờ chúng bạn. Trong thế giới polo, thứ hạng cầu thủ được đo bằng số bàn thắng, nếu ghi được mười bàn là cầu thủ siêu sao. Woody là cầu thủ chín bàn và gã đã từng chơi với Marrianno Aguerre ở Buenos Aires. Wicky Effendi từ Texas, Adres Diniz từ Brazil và hàng chục các cầu thủ số một khác. Cả thế giới chỉ có chừng mười hai cầu thủ mười bàn, vì thế Woody có tham vọng làm cầu thủ thứ mười ba.

– Cậu hiểu tại sao chứ? Một người bạn của gã nhận xét – Bởi bố Woody là cầu thủ mười bàn

Vì biết Woody không mua nổi ngựa polo, Mimi Carson mới tặng gã một đàn để gã chơi. Khi bạn bè hỏi tại sao thì Mimi nói:

– Tớ chỉ muốn anh ấy cảm thấy hạnh phúc nên cố làm bất cứ việc gì có thể làm vì anh ấy!

Khi những người mới đến hòn đảo hỏi Wood kiếm sống bằng gì thì dân bản xứ chỉ biết nhún vai. Thực tế Woody đang sống một cuộc sống vô vị. Gã đánh golf ăn tiền, chơi cá cược polo, mượn ngựa của bạn bè, cưỡi thuyền buồm, và thỉnh thoảng, vợ người.

Cuộc hôn phối với Peggy nhanh chóng trờ thảnh nỗi thất vọng lớn đối với Woody, song gã không chịu nhận điều đó

– Peggy, – gã thường nói, – khi dự tiệc, em phải cố chuyện trò với người ta chứ!

– Tại sao lại phải thế? Hẳn bạn bẻ anh đều nghĩ họ đã tốt quá mức cần thiết với em.

– Không, họ không nghĩ vậy đâu! – Woody đoan quyết

Câu lạc bộ văn học Hobe Sound sinh hoạt mỗi tuần một lần để trình những cuốn sách mới nhất, sau đó là một bữa tiệc trưa…

Trong cái ngày đặc biệt đó, khi những người đàn bà đang dùng bữa, thì người chạy bàn đi tới bên bà Pelletier và nói:

– Cô Wood Stanford đang đứng ở bên ngoài. Cô ấy muốn được dùng bữa cùng bà đấy?

Một tiếng “xuỵt” khẽ thốt lên bên bàn.

– Cho cô ấy vào! – Bà Pelletier nói:

Vài giây sau, Peggy đi vào phòng ăn. Cô đã gội đầu thơm tho và mặc bộ đồ đẹp nhất của mình. Peggy đứng ái ngại nhìn đám phụ nữ.

– Bà Pelletier gật đầu với cô và nhẹ nhàng nói:

– Cô Stanford!

Peggy mỉm cười nhiệt thành:

– Có, thưa bà!

– Chúng tôi không cần cô phục vụ đâu. Chúng tôi đã có người hầu hàn rồi! – Bà Pelletier nói và lại cắm cúi ăn.

Khi Woody nghe chuyện, giận dữ nói:

– Sao mụ ta dám cả gan làm việc đó? – Gã cầm lấy tay Peggy. – Lần sau em nhớ hỏi anh trước khi định làm một việc như vậy. Phải được mời tới dự bữa trưa.

– Em đâu có ngờ, – Peggy rầu rĩ nói.

– Thôi, không sao đâu. Tối nay chúng ta sẽ tới dự tiệc ở nhà hàng Blakes, và anh muốn…

– Em chẳng đi đâu.

– Chúng ta đã nhận lời mời rồi mà.

– Anh hãy đi một mình thôi.

– Anh không muốn đi mà không có em.

– Em chẳng đi đâu.

Thì gã đi ăn tiệc một mình. Từ đấy, mỗi khi đi nhậu nhẹt ở đâu gã chẳng mang theo Peggy nữa.

Gã có thể về nhà vào bất cứ giờ nào, và Peggy tin là gã đã ngủ với những người đàn bà khác.

***

Cú tai nạn đã khiến mọi thứ đổi thay.

Woody đang chơi ở vị trí số một. Một cầu thủ đối phương cố đánh quả bóng ở một ô gần và vô tình phang vào chân ngựa Woody. Con ngựa đổ nhào xuống và lăn trọn một vòng lên người gã. Tiếp theo đó con ngựa thứ hai hoảng sợ đã đá liên tiếp vào Woody. Tại phòng cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán một chân gã bị gãy, ba cái xương sườn bị rạn và một lá phổi bị thủng.

Trong hai tuần tiếp theo, có ba cuộc phẫu thuật liên tiếp xảy ra, và Woody đau đớn cùng cực. Các bác sĩ phải cho gã uống morphin để làm dịu cơn đau. Peggy tới thăm gã hàng ngày. Hoop từ New York bay tới để động viên em gái.

Nỗi đau thể xác của Woody dường như không thể chịu nổi, và lối thoát duy nhất là xài thứ thuốc giảm đau mà các bác sĩ không ngớt kê cho gã. Trở về nhà, Woody bỗng trở chứng. Tâm trạng của gã thay đổi không biết đâu mà lưởng. Mới phút trước gã còn sôi nổi là thế, phút sau đã nổi giận đùng đùng hoặc ngược lại, trầm uất. Vào bữa tối, đang cười đùa bỗng dưng Woody sừng sộ mà mắng mỏ Peggy không tiếc lời. Nhiều khi đang nói dở câu thì gã quên mất ý định đó. Gã trở nên đãng trí. Gã hẹn người ta rồi quên; gã mời người ta tới nhà chơi rồi không có mặt khi khách tới. Ai cũng lấy làm lo ngại cho gã.

Rồi gã làm nhục Peggy ngay trước mặt mọi người.

Một buổi sáng, khi pha cà phê cho Woody, cô làm tràn ra vài giọt và Woody mỉa. “Một thời làm bồi bàn thì mãi vẫn là bồi bàn thôi”.

Rồi gã đánh đập khiến mặt mày Peggy sưng tím.

Khi người ta hỏi có chuyện gì thì Peggy nói thác rằng cô va vào cửa hoặc bị ngã. Đến lượt người ta thấy thương hại cho Peggy. Song khi Woody có sinh sự với ai đó thì Peggy nhất mực đứng ra bênh cho chồng.

Woody đang mắc chứng bệnh căng thẳng thần kinh trầm trọng. Anh ấy không là anh ấy nữa!

Mãi sau bác sĩ Tichner mới đưa chuyện của Wool ra ánh sáng. Một ngày ông gọi Peggy tới vẫn của mình.

Peggy lo lắng hỏi:

– Có chuyện gì vậy, thưa bác sĩ?

Ông nhìn cô một lúc. Gò má cô thâm tím, còn mắt thì sưng húp

– Peggy, cô biết là Woody đã nghiện ma tuý không?

Peggy quắc măt lên, nói:

– Không. Tôi không tin! – Cô đứng bật dậy – Tôi sẽ không cho phép ông nói đâu!

Ngồi xuống đi, Peggy! Đã đến lúc cô phải nhìn thẳng vào sự thật. Giờ ai cũng đã biết chuyện rồi. Tôi tin cô nhận ra những sự thất thường gần đây của anh ta. Anh ta có thể đang rất lạc quan về thế giới, nhìn gì cũng thấy đáng yêu, và ngay sau đó thì chán nán như người sắp tự tử vậy.

Peggy nghe ông bác sĩ nói mà tái mặt:

– Anh ta nghiện rồi!

Peggy bậm môi:

– Không, Wood không thể nghiện ma tuý được!

– Đấy là sự thật. Cô phải thực tế mới được. Cô không muốn giúp anh ta sao?

– Dĩ nhiên là tôi muốn rồi. Tôi sẽ làm tất cả để giúp anh ấy. Bất cứ việc gì!

– Tốt lắm! Vậy chúng ta hãy bắt đầu Tôi muốn cô giúp tôi đưa Woody đến một trại cai nghiện Tôi đã yêu cầu chồng cô tới gặp tôi.

Peggy nhìn ông bác sĩ một lúc lâu, rồi gật đầu:

– Tôi sẽ nói chuyện với anh ấy! – cô khẽ nói.

Chiều hôm đó, Woody tới văn phòng của bác sĩ Tichner lúc gã đang phê.

– Ông muốn gặp tôi há, bác sĩ? Về chuyện Peggy có phải không?

– Không. Về anh đấy, Woody.

Woody ngạc nhiên nhìn ông:

– Về tôi ấy à? Vấn để của tôi là gi vậy?

– Tôi nghĩ anh hiểu mình có vấn đề gì rồi?

– Ông đang nói gì tôi không hiểu.

– Nếu anh cứ tiếp diễn như vậy thì anh sẽ huỷ hoại cả cuộc đời mình lẫn cuộc đời của Peggy. Anh đang xài gì đấy, Woody?

– Xài ấy à?

– Anh nghe tôi hỏi rồi đấy.

Có một khoảng trống im lặng dài.

– Tôi muốn giúp anh.

Woody ngồi ngây ra nhìn sàn nhà. Khi gã lên tiếng thì giọng đã khàn cả lại.

– Ông nói đúng. Tôi… tôi đã tự lừa dối mình, song không thể làm thế mãi được.

– Anh đã xài đến gì rồi?

– Bạch phiến.

– Chúa ơi!

– Hãy tin tôi, tôi đã cố bỏ, nhưng… không bỏ nổi.

– Anh cần được giúp đỡ, và có những nơi anh có thể nhận được sự giúp đỡ đó.

Woody yếu ớt nói:

– Có Chúa chứng giám là tôi thấy anh nói đúng.

– Tôi muốn anh đến trung tâm cai nghiện ở bên Jupiter.

Woody do dự một thoáng. “Vâng”.

– Ai cung cấp bạch phiến cho anh đấy?

Woody lắc đầu:

– Riêng về điều nầy thì tôi không thể nói ra được.

– Không sao. Tôi sẽ thu xếp thủ tục cho anh vào nơi đó.

Bác sĩ Tichner gặp ngay cảnh sát trưởng vào sáng hôm sau.

– Có kẻ cung cấp bạch phiến cho Woody. Song anh ta từ chối không tiết lộ tên kẻ đó.

Cảnh sát trưởng Murphy nhìn bác sĩ Tichner, gật đầu Tôi bắt đầu hình dung ra kẻ đó là ai rồi.

Có vài đối tượng nghi vấn. Hobe Sound bé như lòng bàn tay nên mọi người đều biết nhau và nghề nghiệp của nhau.

***

Một cửa hàng rượu mới mở trên Bridge Road, cung cấp rượu cho Hobe Sound hai bốn giờ trong ngày.

Một bác sĩ ở một phòng khám đa khoa địa phương bị phạt vì kê quá nhiều đơn thuốc ma tuý.

Có tin đồn ông huấn luyện viên một phòng tập mở năm ngoái ở phía bên kia eo biển xài ma tuý và có hàng bán cho khách quen.

Song cảnh sát trưởng Murphy có một đối tượng nghi vấn khác ở trong đầu…

Tony Benedotti làm thợ vườn cho nhiều gia đình ở Hobe Sound đã nhiều năm nay. Ông ta nghiên cứu làm vườn và rất ham mê với việc tạo nên những khu vườn đẹp Những vườn cây và thảm cỏ của ông ta bao giờ cũng đẹp nhất Hobe Sound. Benedotti sống lặng lẽ và kín đáo nên những người chủ vuờn biết rất ít về ông ta. Có vẻ như ông ta được giáo dục quá tốt để làm nghề thợ vườn, và người ta nghi ngờ quá khứ của con người ấy.

Murphy cho mời ông ta đến.

– Nếu về chuyện bằng lái của tôi thì tôi đã làm lại nó rồi! – Benedotti nói:

– Ngồi xuống – Murphy ra lệnh

– Có chuyện gì trục trặc về tôi hay sao?

– Phải. Ông là người có học, đúng không?

– Đúng…

Viên cánh sát ngả người ra ghế:

– Vậy 1ý do gì ông lại phải làm nghề thợ vưòn?

– Đấy là do tình yên thiên nhiên của tôi thôi!

– Ngoài thiên nhiên ra ông còn yêu gì nữa?

– Tôi không hiểu ý ông?

– Ông làm vườn đã bao nhiêu năm rồi?

Benedotti nhìn cảnh sát trưởng, bối rối:

– Có khách hàng phàn nàn tôi chăng?

– Cứ trả lời câu hỏi đi

– Gần mười lăm năm.

– Ông có một căn nhà đẹp và môt cái thuyền buồm?

– Vâng!

– Nếu làm nghề thợ vườn thì ông lấy đâu ra tiền mua những thứ đó?

– Căn nhà đó nhỏ, còn cái thuyền thì cũng chẳng lớn lắm đâu!

– Biết đâu ông còn những nguồn thu nhập khác?

– Ông muốn nói…

– Ông đang làm vườn cho một số người ở Miami có đúng không?

– Đúng.

– Vùng đó nhiều dân Italia lắm. Đã bao giờ ông giúp họ làm một cái gì đó chưa?

– Cụ thể là gì?

– Tỉ dụ như tiêu thụ ma tuý chẳng hạn…

Benedotti kinh hoàng nhìn cảnh sát.

– Lạy Chúa… Không đâu!

Murphy nhồm người lên trước:

– Nghe đấy nhé, Benedotti. Tôi theo dõi ông đã từ lâu rồi, tôi cũng đã nói chuyện với một vài người từng thuê ông làm vườn: Họ không muốn muốn ông và những thằng bạn mafia của ông lảng vảng ở mảnh đất nầy nữa! Rõ chưa?

Benedotti nhắm nghiền mắt lại một lúc rồi mở ra:

– Rõ cả!

***

Woody Stanford điều trị ở trại cai nghiện được ba tuần thì trở về nhà. Người ta gặp lại một Woody của ngày trước, vui tươi, yêu đời và ham sống. Gã trở lại sân polo cưỡi những con ngựa của Mimi Carson.

Chủ nhật đó người ta kỷ niệm lần thứ mười chín ngày thành lập Câu lạc bộ Polo và Đồng quê Palm Beach.

Đại lộ Sound Shore tấp nập người xe của ba ngàn cổ động viên đổ về sân polo. Một số cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cũng sẽ tới tham dự trận đấu.

Peggy ngồi cạnh Mimi Carson như một khách mời của Mimi.

– Woody bảo tớ đây là lần đầu tiên cậu xem một trận polo. Sao, từ trước tới giờ cậu không hề tới đây à? – Mimi hỏi.

Peggy bậm môi:

– Tớ… tớ đoán là tớ luôn căng thẳng mỗi khi xem Woody chơi. Tớ không muốn anh ấy lại bị thương lần nữa. Đây là một môn thể thao nguy hiểm, đúng không?

Mimi trầm ngâm nói:

– Đúng đấy. Khi có tám cầu thủ, mỗi người nặng tám chục kí, củng với tám con ngựa, mỗi con nặng bốn trăm kí phi như điên vào nhau trên cự li ba trăm mét với tốc độ tám chục cây số mỗi giờ thì đúng là tai nạn có thể xảy ra, Peggy run lẩy bẩy:

– Nếu có chuyện gì xảy ra với Woody thì tôi chết mất. Tôi đang điên lên vì lo cho anh ấy.

Mimi dịu dàng động viên:

– Đừng lo. Anh ấy là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất. Hector Barrantas là thầy dạy của anh ấy, cậu biết rồi.

Peggy ngây ra nhìn Mimi.

– Ai cơ?

– Ông ta là cầu thủ mười bàn. Một trong những huyền thoại của môn polo đấy.

– Ra thế.

Đám đông rộ lên khi đoàn kỵ sĩ phi ngựa chéo qua sân.

– Người ta đang làm gì thế? – Peggy hỏi.

– Họ đã khỏi động xong và sẵn sàng vào cuộc.

Trên sân, hai đội đang sắp hàng dưới cái nắng Florida chói chang, chờ đón trọng tài tung bóng vào cuộc.

Woody trông thật yêng hùng với nước da sạm nắng và tư thế sẵn sàng vào trận. Peggy vẫy tay với gã và gửi gã một cái hôn gió.

Hai đội đã xếp hàng cạnh nhau. Các cấu thủ hạ tay vờ chờ tranh bóng.

– Cuộc chơi thường có sáu hiệp! – Mimi Carson giải thích với Peggy – Mỗi hiệp dài bảy phút. Hiệp kết thúc khi có tiếng chuông rung. Sau đấy là một vài phút gỉải lao ngắn ngủi. Mỗi hiệp các cầu thủ thay ngựa một lần. Độỉ nào ghi nhiều bàn hơn thì thắng

– Ra thế!

Mimi thẩm hỏi không biết Peggy hiểu được bao nhiêu những điều cô vừa giải thích

Trên sân, cảc cầu thủ dán mắt vào trọng tài, chờ quả bóng được tung ra Người trọng tài nhìn qua đám đông một lượt rồi bỗng tung quả bóng bằng nhựa trắng vào giữa hai hàng cầu thủ. Cuộc chơi bắt đầu.

Wood cướp được bóng đầu tiên và tiu mạnh phía khung thành. Một cầu thủ đối phương phi ngựa nước đại đuổi theo quả bóng. Woody rượt theo và móc lấy vồ cầu thủ đối phương, ngăn không cho anh ta đánh bóng.

– Tại sao Woody lại làm như thế – Peggy hỏi.

Mimi giải thích:

– Khi đối phưỏng có bóng, mình được phép móc vồ của anh ta, ngăn không cho anh ta ban bóng hoặc ghi bàn. Woody sẽ đánh bóng về phía khung thành thay vì giữ bóng.

Tốc độ trận bóng nhanh chóng mặt.

Có tiếng kêu, “Trung lộ…”

– Biên.

– Bỏ bóng lại…

Các cầu thủ phi ngựa vèo vèo. Trong một trận polo, con ngựa tốt đóng góp bảy mươi phần trăm chiến thắng. Ngựa phải nhanh, có bản năng polo và hiểu được ý chủ.

Woody là ngôi sao sáng trên sân trong ba hiệp đầu.

Gã ghi được hai điểm mỗi hiệp và được khán giả hò reo tán thưởng. Ở đâu cũng thấy cây vồ của gã tung hoành. Lại là Woody Stanford của ngày trước, cưỡi ngựa truy phong, không biết sợ là gì. Sang cuối hiệp năm, đội của Woody đã dẫn rất xa. Các cầu thủ ra sân nghỉ giải lao ít phút.

Lúc đi qua trước hàng ghế của Peggy và Mimi, Woody nhoẻn cười với họ.

Peggy quay sang Mimi, sung sướng thốt lên.

– Trông anh ấy mới tuyệt làm sao?

Mimi nhìn Peggy.

Đúng. Anh ấy trông thật tuyệt trên mọi phương diện.

Đồng đội của Woody chúc mừng gã:

– Cậu lấy lại được phong độ rồi. Cừ lắm.

– Một trận giòn giã.

– Cám ơn.

– Chúng ta sẽ lại ra sân và giã thêm cho chúng một chập nữa. Chúng hoàn toàn mất hết cơ hội rồi.

Woody cười hết cỡ: “Không có vấn đề gì”.

Gã nhìn đồng đội ra sân, và bỗng nhiên gã cảm thấy kiệt sức. Mình đã chơi hăng quá. Thực ra thì thể lực của mình chưa hồi phục hoàn toàn. Mình khó mà theo nổi đến hết trận. Nếu mình ra sân lúc nầy thì chỉ lám trò cười cho khán giả thôi. Gã hoảng sợ thật sự, ngực đập như trống chầu. Cái mình cần lúc nầy là chút xíu Pick-me-up (tên một loại thuốc kích thích) Không! Mình sẽ không làm như vậy. Mình không thể. Mình đã thề rồi. Nhưng cả đội đang chờ mình. Mình chỉ làm lần nầy nữa thôi, quyết không lặp lại nữa! Thề có Chúa, đây là lần cuối cùng.

Gã ra xe và mở cốp. Lúc bước ra sân, Woody lúng búng nói một mình, còn ánh mắt thì lại quắc lên như ngây dại. Gã vẫy tay với đám đông rồi hoà vào đội hình đang chờ. Ta thậm chí không cần cả một đội làm gì. Mình ta đủ sức cho cả đám ăn đủ thì thôi. Ta là tay chơi số một thế giới. Woody khúc khích cười thầm

Tai nạn xảy ra trong hiệp thứ sáu, mặc dầu sau nầy có người khăng khăng cho rằng không xảy ra một tai nạn nào hết.

Đàn ngựa đang quấn lại với nhau, cùng phi về phía khung thành, và Woody đang có bóng. Qua khoé mắt gã thấy một cầu thủ đối phương đang phi đến gần.

Gă khéo léo chuyển quả bóng ra phía sau ngựa. Cầu thủ khá nhất trong đội đối phương, Rick Hamilton, cướp được và phi về phía khung thành. Woody tức tốc đuổi theo. Gã cố gài vồ của Hamilton song trượt. Đàn ngựa đã tới rất gần khung thành. Woody cố gắng giành lại bóng, song không thể làm nổi.

Hamilton đã gần khung thành lắm rồi, và trong cơn tuyệt vọng, Woody bèn kè ngựa của mình vào ngựa anh ta để hất bằng được quả bóng ra. Hamilton cùng ngựa ngã sóng soài ra đất. Đám đông nhất loạt đứng lên la ó. Trọng tài tức giận nổi còi và giơ tay lên.

Luật polo không cho phép cắt ngang đường phi của ngựa đối thủ khi đối thủ đang có bóng và đang phi về phía khung thành. Cầu thế nào phạm lỗi nầy thường gây nguy hiểm cho đối phương.

Cuộc chơi dừng lại Trọng tài tiến lại chỗ Woody, giọng phẫn nộ.

– Đây là nỗi cố ý gây nguy hiểm, anh Stanford.

Woody cười chống chế:

– Không phải là lỗi do tôi đâu, mà do con ngựa còi của anh ta đấy chứ…

– Đội phạm lỗi sẽ phải chịu phạt đền.

Hiệp đấu trở thành một thảm hoạ. Trong vòng có ba phút Woody đã phạm thêm hai lỗi nguy hiểm nữa. Các cú phạt đền mang lại cho đội kia thêm hai bàn thắng. Còn ba mươi giây cuối cùng, đối phương đã ghi được bàn quyết định. Từ trên đỉnh cao của thượng phong, đội của Woody bị đánh tơi bời và chịu một thất bại quá ư cay đắng.

Trên hàng ghế khán giả, Mimi ngồi chết lặng đi trước sự thay đổi đột ngột của cục diện trận đấu.

Peggy rụt rè nói:

– Đội Woody chơi không ổn lắm, đúng không?

– Đúng đấy, Peggy. Tôi e là rất tồi đấy.

Một tiếp viên tiến tới chỗ hai người:

– Cô Carson, tôi muốn nói riêng với cô một chuyện không biết có được không?

Mimi xin lỗi Peggy và đi ra với người tiếp viên.

Peggy nhìn theo hai người.

Sau khi trận đấu kết thúc, một không khí tang tóc trùm lên đội của Woody.

Woody thấy nhục nhá quá, không dám nhìn đồng đội nữa. Vừa lúc đó Mimi hớt hải chạy tới:

– Woody, em xin lỗi phải báo cho anh một cái tin khủng khiếp. – Cô đặt tay lên vai gã. – Bố anh mất rồi.

Woody ngẩng nhìn Mimi và lắc đầu quầy quậy.

Gã bắt đầu nấc lên.

– Anh, anh phải chịu trách nhiệm. Tất cả… chỉ tại anh.

– Không. Anh không được đổ lỗi cho mình như vậy. Việc nầy không phải lỗi của anh đâu.

– Lỗi của anh, – Woody quát lên. – Nếu không vì mấy quả phạt đền do anh gây ra thì đội anh đã thắng trận nầy rồi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN