Sao Sáng Chờ Anh Về
Phần 20
Tôi không thể nhớ buổi chiều ấy tôi và Lâm đã làm tình đến bao nhiêu lần. Tất cả những cảm xúc vỡ oà, cả hai quấn lấy nhau không muốn rời. Lâm có những ngổn ngang suy nghĩ của anh, mâu thuẫn, mặc cảm, dằn vặt, tôi cũng giằng co giữa hận thù và tình yêu. Nhưng trong cơn say tình tôi cũng quên đi mất mình là ai chỉ muốn được ở bên Lâm thêm một chút, gần thêm một chút nữa thôi. Dẫu biết rằng chẳng có tương lai nhưng một giây cũng muốn níu giữ. Thứ tình cảm oan nghiệt này vốn dĩ không có tư cách để nhắc đến sau này, sau này chỉ là những oán hận chồng chất như muôn sông vạn núi, chỉ có thể giãy giụa nắm giữ lấy chút thời gian dù là vô ích.
Nửa đêm Lâm mới mệt nhoài buông tôi ra, anh kéo tôi nằm lên cánh tay mình, nụ hôn vẫn dây dưa chạm lên trán lên má tôi, dịu dàng mà quyến luyến, yêu thương nhưng vẫn có chút nghi ngại. Tôi nhớ đến dáng vẻ Lâm lần đầu đến nhà tôi, sau những lần từ chối cuối cùng dưới sự nhẫn nại của tôi đã theo tôi ra sân ngắm sao, khi đó tôi cũng nhìn ra được sự thích thú, vui mừng nhưng vẫn bợn chút nghi ngại của anh. Gần mười bảy năm đã trôi qua rồi, tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày tôi và anh lại bên nhau theo cách này, càng không ngờ rằng, cách trả thù của tôi lại khiến chính bản thân tôi cũng đau đớn, thương tích đầy mình. Bây giờ tôi cũng mới hiểu vì sao ban đầu Khánh nhất quyết không muốn tôi tiếp cận Lâm, hoá ra anh cũng đã từng nghĩ đến điều này. Tôi không khóc, chỉ đưa tay lần mò tìm kiếm chiếc vòng tay trên cổ tay Lâm. Lúc này sự bình tĩnh của tôi cũng trở về, lý trí cũng dần tỉnh táo lại. Suy nghĩ một hồi tôi khẽ nói với Lâm:
– Nếu như anh cảm thấy chiếc vòng tay này em làm quá sơ sài, giản đơn thì em sẽ làm lại một chiếc khác cho anh. Thật ra khi làm chiếc vòng tay này em cũng đặt toàn bộ tâm huyết của mình vào, chỉ là thời gian gấp gáp, em không có dụng cụ để mài rũa nên không thể tinh xảo được mà thôi.
Lâm rút tay về, anh lắc đầu đáp lại:
– Không cần!
– Không phải vì chiếc vòng trên cổ Khánh mà anh nổi khùng với em sao?
Lâm khẽ cười:
– Chiếc vòng này tôi rất thích, cũng không cần phải thay thế bằng bất cứ chiếc vòng nào nữa. Tôi nổi khùng với em không phải do chiếc vòng…
– Vậy thì do em à?
– Không! Là do tôi nhỏ nhen, là tôi sai. Dù là lý do gì đi nữa thì khiến em khóc vẫn là lỗi của tôi.
Trái tim tôi như bị thứ gì đó đập vào, từng mạch máu đến thớ thịt đều có cảm giác đau nhói và thương xót không sao nói rõ được, sống mũi cũng bất giác cay cay, rất muốn khóc, nhưng chỉ kìm nén lại cảm xúc đó. Trong đêm tối tôi không nhìn rõ gương mặt Lâm nhưng cũng có thể mường tượng ra trên gương mặt ôn nhu là một sự áy náy trong đáy mắt. Tôi nhướn người lên tìm lấy môi Lâm để h/ôn, những nụ h/ôn vẫn chưa từng dứt, vẫn triền miên và n/óng bỏng. Trong đầu tôi bỗng dưng thầm nghĩ, nếu không có ân oán h/ận thù thì tốt biết bao, lúc này tôi chỉ nghĩ về anh, muốn anh ở bên tôi nhiều hơn nữa. Một người đàn ông dám dẹp bỏ đi sự tự ái, lòng tự trọng của mình vì sợ tôi khóc thế này thật đáng để trân trọng và si mê.
Đêm khuya, hai kẻ dở hơi mới thấy bụng đói meo. Quần nhau trên giường đến khi trăng lên lại đốt nến xuống bếp rủa rau ngải rồi hầm đôi chim bồ câu. Quanh nhà không có điện, cả căn bếp chỉ có ánh lửa đỏ lửa đỏ bập bùng. Nồi hầm sôi sùng sục, Lâm nướng thêm vài củ dong và khoai trong căn bếp tồi tàn, đến khi mùi khoai, mùi dong thơm lừng anh cũng bóc ra, phủi mấy lớp tàn tro, thổi thật nguội rồi đưa cho tôi. Bên ngoài trăng không sáng, mấy ánh sao cũng mờ mịt trên bầu trời đầy mây. Nồi hầm thơm lừng, chim câu đã mềm Lâm mới dùng giẻ bắc từ bếp ra ngoài sập ngoài hiên, sau đó anh lại tất bật nhặt bát đũa, pha nước chấm, xé thịt chim bồ câu vào bát cho tôi. Trong nhà có rượu sim, tôi rót ra hai cốc nhỏ, rượu sim thơm ngọt mẹ tôi ngâm uống trong đêm giá lạnh này rất hợp lý, Lâm cũng không từ chối.
Đêm khuya, sương muối lạnh, ăn một miếng thịt bồ câu, uống chút rượu cũng thấy cơ thể ấm lên. Lâm vẫn tất bật róc xương để nhặt thịt vào bát cho tôi, mặc cho tôi nói anh mới phải là người ăn nhiều nhưng anh chỉ gặm một chút cánh cổ, phần nào thịt đều dành cho tôi. Khi uống đến ngụm rượu thứ ba Lâm bỗng hỏi tôi:
– Khánh cũng sống ở đây từ nhỏ sao?
Tôi ngước lên nhìn Lâm, lại nhìn bầu trời sao đêm nay cảm thấy vừa mờ mịt, vừa xa xôi đáp lại:
– Vâng. Anh ấy sống từ nhỏ ở đây.
– Bố mẹ cậu ta ở đây luôn à?
– Bố mẹ anh ấy mất từ rất lâu rồi. Năm anh ấy chín tuổi đã không còn bố mẹ nữa.
– Vậy cậu ta đã sống thế nào cho tới khi trưởng thành?
– Sau khi cha mẹ không còn, anh ấy ngày đi học đến chiều về đi vác gạch thuê, làm ở lò nung gạch dưới gần bến cảng, tự kiếm tiền nuôi thân đến khi học đại học xong.
Tôi không muốn nhắc nhiều đến Khánh, chỉ nói qua loa như vậy. Nhưng nhắc lại quãng thời gian ấu thơ mà Khánh đã trải qua lòng không khỏi xót thương. Lâm có lẽ cũng nặng lòng, một lúc mới hỏi tiếp:
– Cậu ta rất tốt với em có đúng không?
– Khánh học rất giỏi, cũng rất tốt bụng, hồi em còn nhỏ nhiều bài tập mẹ không dạy được đều là anh ấy dạy em. Cho đến khi học cấp ba anh ấy đã đi làm, toàn bộ tài liệu, sách vở tham khảo cũng là do Khánh tiết kiệm tiền mua từ Hà Nội về em học tập, rèn luyện, cũng nhờ anh ấy em mới có thể thi đại học, bước chân ra được khỏi đảo nhỏ. Mấy năm học đại học anh ấy cũng giúp đỡ em rất nhiều, từ việc tìm nhà trọ, đăng ký đồng phục, đăng ký tín chỉ…
Lâm yên lặng nhìn tôi, yên lặng nghe tôi kể về Khánh giống như kẻ thứ ba ngồi nghe một chuyện tình ngọt ngào, sâu sắc và mãnh liệt. Đáy mắt anh lộ rõ sự u ám và thê lương. Tôi có chút giật mình, thảng thốt nhận ra mình đã nói hơi nhiều chỉ uống thêm một ngụm rượu rồi cười:
– Lâm, em chỉ coi anh ấy như anh trai tình cảm rất trong sáng, không như anh nghĩ đâu.
Lâm không đáp, vẫn lặng lẽ gắp thịt đã được anh róc sạch xương nhặt vào bát tôi. Tôi cũng không nói thêm gì, xích lại gần hơn, dựa vào bờ vai Lâm nhìn ra sân vườn phía trước. Rất lâu sau, tôi không nhớ mình đã ngủ quên từ bao giờ chỉ thấy Lâm bế tôi vào giường, kéo chăn đắp lên người tôi. Giữa đêm khuya vắng lặng tôi mơ mơ màng màng thấy Lâm quỳ ngay cạnh tôi, ngón tay vuốt những sợi tóc trên má, tôi nghe được tiếng Lâm cất lên:
– Diệp Anh. Tôi nhất định sẽ đối xử thật tốt với em!
Tôi đau lòng nhắm nghiền mắt lại, rất muốn nói với Lâm rằng anh rất tốt với tôi rồi, chỉ là chẳng có cơ hội nào cho chúng tôi nữa, sau này anh không cần đối xử tốt với tôi nhưng phải đối xử tốt với chính bản thân mình, anh đã quá khổ tâm rồi. Nhưng cơn buồn ngủ kéo tôi chìm sâu vào bóng đêm, cuối cùng cũng ngủ thiếp đi.
Khi tôi tỉnh dậy đã là mười giờ sáng, nhà cửa sạch sẽ, bát đũa được rửa xếp vàp chạn gỗ, nước đầy ắp hai chum, bàn thờ của mẹ tôi cũng ấm áp mùi khói hương. Đêm qua khuya tôi và Lâm mới ăn xong, vậy mà sáng anh đã dậy sớm làm tất cả mọi việc. Dưới ánh nắng mặt trời tôi ngây người nhìn Lâm đang quét lá khô ở quanh sân. Dáng vẻ bình dị không hề giống một công tử con nhà giàu nhưng vẫn toát lên một sự cuốn hút lạ kỳ. Những tháng năm sau này có lẽ đây là hình ảnh tôi nhớ đến rất nhiều, cùng nhau về quê ăn Tết, cùng trải qua sinh t/ử, cùng nhau sống trong một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ, giản dị, cùng nhau ăn những bữa cơm đạm bạc nhưng ấm cúng. Có lẽ vĩnh viễn chẳng còn lần thứ hai.
Quét sân xong Lâm đi vào nhà, thấy tôi đứng ngây người ở hiên thì hỏi tôi:
– Hôm nay thời tiết đẹp, em có muốn đi đâu không?
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp lại:
– Hôm trước anh lạc ở rừng có một ông lão đã cứu anh, nhưng vì hôm đó vội quá em chưa cảm ơn cẩn thận được. Ăn trưa xong em muốn mua ít sang rừng hậu tạ ông lão ấy.
Lâm thấy tôi nói vậy thì bật cười. Ban đầu tôi không hiểu sao anh lại cười, đến khi anh xuống bếp mang một túi đồ to lên nhà tôi mới biết hoá ra hai chúng tôi tâm ý tương thông, sáng nay anh đã chạy ra chợ mua ba xách lưới, ba bộ cần câu, ít trà, hoa quả và một số đồ dùng hằng ngày để làm quà cảm tạ ông lão.
Khi tôi và Lâm đến cảng Sơn Hào cũng có một con đò được anh thuê khi gặp ở chợ chờ sẵn ở bến cảng. Trên mấy đám cỏ, tiếng côn trùng kêu râm ran, nước biển xanh biếc vỗ vào bờ, con đò cũng dập dềnh theo sóng nước mênh mông. Lần này con đò không theo đường cũ mà đi ngược phía phiến đá mới dừng lại. Hoá ra nhà ông lão nằm cuối bìa rừng, đi ngược theo đường này rất nhanh sẽ đến. Lâm trả tiền cho người lái đò rồi dẫn tôi theo đường mòn đi vào cánh rừng. Dưới chân chúng tôi có rất nhiều hoa dại, trong cánh rừng có những cây đào đỏ hồng nở rực, còn có vài cây hoa ban trắng muốt điểm xuyến cho cánh rừng xanh mướt. Đi một đoạn dài tôi cũng nhìn thấy một ngôi nhà gỗ lấp ló bên cạnh một gốc cây lớn, xa xa còn hai ngôi nhà gỗ tựa như thế nữa. Nghe nói ở khu rừng này chỉ có ba hộ gia đình sinh sống bằng việc đánh bắt hải sản, trồng trọt quanh rừng, chỉ có gạo là được đổi hàng tháng bằng cua ghẹ cá thông qua những chuyến đò tăng cường, lúc này tôi cũng mới hiểu ra vì sao Lâm mua gì cũng đều nhân ba. Nghĩ đến đây tôi cũng ngẩng đầu lên nhìn anh, người đàn ông này có vẻ ngoài có chút lãnh đạm, thế nhưng tất cả những việc anh làm đều rất chu đáo và cẩn thận.
Khi tôi và Lâm đi đến căn nhà gỗ đầu tiên cũng thấy một bà lão đang luồn kim khâu quần áo trong nhà. Nhìn thấy tôi và Lâm bà lão có chút ngạc nhiên lại hỏi:
– Cô cậu tìm ai thế ạ?
– Cho cháu hỏi đây có phải nhà thầy lang Mai không ạ?
Bà lão tháo chiếc kính đeo trên mắt đáp lại:
– Phải rồi nhưng ông nhà tôi hôm nay không có nhà. Ông ấy lên núi bên Tân Lập, bốn năm hôm nữa mới quay lại, cô cậu cắt thuốc hay thế nào?
– Cách đây mấy hôm chồng cháu được thầy lang cứu bên bìa rừng, hôm nay chúng cháu qua cảm ơn ạ.
Lúc này bà lão cũng mới đứng dậy vừa cười vừa nói:
– À, hoá ra là hai cô cậu sao, ông nhà tôi về kể lại suốt, hai cô cậu cứu mấy đứa trẻ bên làng nên mới bị thương. Ông nhà tôi cũng là giúp chút sức chứ ơn nghĩa gì mà phải trả. Cô cậu vào nhà đi.
Lâm gật đầu xách túi lớn túi nhỏ đi vào. Tôi biết với những người chất phác đã bỏ làng về nơi rừng hoang vu này để sống họ sẽ chẳng cần vật chất hay tiền bạc phù phiếm. Nếu tôi và Lâm tặng tiền họ chẳng những không nhận ngược lại sẽ khiến họ khó xử. Vậy nên Lâm chỉ mua những vật dụng phục vụ cho đời sống hằng ngày của họ, là gạo, dầu ăn, bột giặt, xà phòng, trà, bánh, lưới đánh cá và cần câu. Anh vừa nhặt ra vừa cười nói với bà lão:
– Chúng cháu có chút quà biết ông bà. Tuy chỉ là mấy thứ đồ ít tiền nhưng mong ông bà sẽ không chê, cũng đừng từ chối.
Bà lão nhìn thấy mấy xách lưới trong túi thì kinh ngạc, sau đó nhận lấy rồi đặt lên bàn. Một lúc sau bà cũng mới kéo chiếc kính lão lên che mắt, ánh mắt cũng hơi đỏ lên đáp lại:
– Ông nhà tôi mà nhìn thấy lưới đánh cá và bộ cần câu này chắc sẽ thích lắm đây. Đáng tiếc hôm nay ông ấy lại không ở nhà. Ngày kia là ngày giỗ mười năm của con gái tôi, ông ấy lên ngôi chùa trên núi để cầu an cho con bé rồi. Kể ra nó còn sống thì chắc cũng bằng tuổi cô bây giờ. Năm đó con bé đi hái lá thuốc không may rơi xuống vách núi mà ch.ết, khi đó nó mới chỉ mười ba tuổi thôi. Vợ chồng tôi hiếm muộn mãi mới sinh được nó, vậy mà số phận đắng cay, mệnh nó đoản rời bỏ chúng tôi đi như vậy đấy.
Tôi lặng người nhìn bà lão đưa tay chấm nước mắt, nhìn một người mẹ mất đi đứa con thơ dại quả thực chua xót và đớn đau vô cùng. Có lẽ bà lão cũng cảm thấy bầu không khí quá nặng nề nên cũng vội nói:
– Xin lỗi cô cậu, tại tôi thấy cô cũng trạc trạc tuổi con gái tôi, cũng xinh đẹp, trắng trẻo, mắt to tròn, môi đỏ nên tự dưng không kìm nén được cảm xúc. Cô cậu ngồi xuống đi, tôi rót nước cho.
Nói xong bà lão cũng quay lại, rót cho tôi và Lâm mỗi người một cốc nước lá không quên giới thiệu:
– Nước lá ông nhà lấy từ trên rừng về, lưu thông khí huyết, tốt lắm đấy. Lát nữa cô cậu về, tôi nhặt cho một ít đem về.
– Dạ vâng, cháu cảm ơn bà ạ.
– Cảm ơn gì mà cảm ơn chứ, sau này có thời gian qua rừng tôi lấy thêm ít thuốc lá về mà dùng.
Bà lão cười hiền từ nhìn tôi, sau đó nhìn sang Lâm hỏi:
– Cô cậu đẹp đôi thật đấy. Có con chưa?
– Dạ cháu chưa ạ.
– Mới lấy nhau hả?
– Vâng, cũng được gần nửa năm rồi.
– Mới thì không vội, nhưng mà còn trẻ cũng nên sinh con sớm một chút để đủ sức khoẻ lo cho nó. Cô cậu năm nay bao nhiêu tuổi?
– Cháu ba mốt ạ, vợ cháu hai mươi ba ạ.
– Ba mốt thì cũng không còn trẻ nữa rồi, chỉ là nhìn cậu trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Nhìn cô cậu đúng là vừa đẹp đôi, vừa có duyên. Cô bé xinh xắn, đáng yêu, cậu này… nhìn gương mặt rất sáng, công danh sự nghiệp cũng xán lạn…
Nói đến đây, bà lão cũng nhìn Lâm chằm chằm, không rõ vì lý do gì, sau đó ánh mắt có chút bàng hoàng. Tôi thấy vậy trong lòng cũng mơ hồ nhớ đến lời ông lão hôm trước ở bìa rừng, hôm đó câu cuối cùng mấy người lính cứu hộ đến nên tôi chưa kịp nghe, nhưng nhớ mang máng ông lão có nhắc đến phúc đức và đoản mệnh gì đó. Lâm có lẽ không tin vào tướng số nên bà lão không nói anh cũng không hỏi thêm gì chỉ nhìn quanh căn nhà một lượt, đến khi thấy mấy tấm ván trên vách tường đã bị lung lay, anh uống hết cốc nước rồi bảo với bà lão:
– Nhà bà có búa không để cháu đóng lại mấy ván gỗ này cho chắc.
– À, có, ông nhà tôi già rồi nên cũng không còn nhiều sức khoẻ mà sửa sang lại nhà cửa. Cứ định chờ thằng Tài lái đò qua nhưng nó cũng bận, chở khách được đến đây cũng vội vội vàng vàng về thế mà cả năm chẳng kịp sửa sang gì.
Bà lão vừa nói vừa đứng dậy vào bếp lấy búa cho Lâm. Anh nhặt trong túi đồ ít đinh cúi xuống đóng ván gỗ lại. Bà lão cũng đứng dậy nói là vào bếp làm ít bánh cho chúng tôi lát cầm về. Tôi đi theo bà lão vào căn bếp nhỏ bé nhưng gọn gàng. Lúc này khi chỉ còn tôi và bà lão tôi cũng không kìm được hỏi:
– Bà ơi, ban nãy bà nhìn tướng chồng cháu, có phải có gì đó khó nói không ạ?
Bà lão không kìm được một tiếng thở dài nhìn Lâm đang khom lưng sửa vách nhà cho mình đáp lại:
– Cậu ta nhìn đã biết người hiền lành tốt bụng. Hôm trước ông lão nhà tôi về kể lại những việc cậu ta giúp dân làng, thằng Tài lái đò sống ở đảo có chuyện gì cũng kể cho ông nhà tôi cả. Ông nhà tôi xưa nay rất có cảm tình với những người lương thiện nên cứu cậu ta ông ấy rất vui, chỉ là ông ấy nói với tôi nhìn vận mệnh cậu ta không được tốt, số cậu ta sẽ đoản mệnh, chết trẻ. Tôi vốn nghĩ ông nhà tôi già rồi, xem tướng cũng không được chuẩn nữa, nhưng hôm nay trực tiếp gặp cậu ta… cũng có linh tính y như vậy. Nói ra cô đừng buồn, phúc đức phải dày lắm mới có thể thoát được vận mệnh này.
Nghe đến câu cuối cùng, sống lưng tôi cũng hơi lạnh buốt. Bà lão lại hỏi tôi:
– Mẹ cậu ta còn sống không?
– Dạ còn ạ.
Bà lão hơi nhíu mày kinh ngạc, sau đó cũng quay về bếp suy nghĩ điều gì đó, rất lâu mới nói:
– Phúc đức tại mẫu, con trai hưởng phúc mẹ. Nếu người mẹ lương thiện tốt bụng làm nhiều việc tốt thì phúc sẽ dày, còn người mẹ mà xấu xa, độc ác thì phúc mỏng không những vậy còn phải chịu nghiệp báo. Tôi biết là con người chẳng ai muốn nghe những lời không tốt, nhưng thực lòng nhìn cậu ấy, tôi cảm thấy rất buồn, một người tốt nhưng số phận bạc bẽo và ngắn ngủi, phúc mẹ một phần, còn phải dựa vào bản thân cậu ấy có vượt qua nổi kiếp nạn không nữa. Kiếp nạn này nằm trong khoảng một đến hai năm tới. Giống như con gái tôi, dù tôi và ông nhà luôn cố gắng làm việc tốt tích đức cho con, nhưng số phận nó định đoạt thế rồi, nó cũng không đủ phúc phần và mạnh mẽ để vượt qua được số phận nên mới ch.ết yểu như vậy. Tôi thực lòng mong, ba mươi mốt năm qua cậu ấy tích đủ đức, đủ vận khí tốt đẹp, phúc của mẹ đủ dày để thay đổi được vận mệnh này.
“Phúc mẹ đủ dày” Nếu như lời của bà lão là thật, tâm linh là chuyện có thật thì với câu này tôi phải nên có cảm giác gì đây? Mụ dì ghẻ với ngần ấy tội ác, đừng nói đến phúc dày, nghiệp báo chưa quật còn là may, nhưng vì tội ác của mụ ta mà quả báo giáng lên đầu Lâm, tôi thật sự thấy ông trời quá tuyệt tình và bất công.
Nhưng rồi tôi khẽ gạt đi, trước kia mẹ tôi cũng từng đi xem tướng số, người ta cũng nói bố mẹ tôi ngàn đời mãi kiếp sẽ ở cạnh nhau, sống một cuộc đời hạnh phúc an nhàn, sau đó thì sao, bố tôi ngoại tình, tai ương ập đến, hạnh phúc đâu chẳng thấy chỉ thấy khổ đau, bất hạnh giày vò. Vả lại tôi sống trong xã hội hiện đại này, những chuyện tâm linh, m/a qu/ỷ, tướng số cũng không tin quá nhiều, bản thân chỉ tin vào khoa học hiện đại. Huống hồ tôi quên mất Lâm là con trai của mụ dì ghẻ rồi sao, từ khi nào tôi lại quên đi nỗi đau của gia đình mình mà đi lo lắng cho anh vậy cơ chứ?
Tôi và bà lão làm xong bánh trời cũng xế chiều, Lâm đóng xong ván gỗ lại trèo lên mái nhà lợp lại mái nhà cho bà lão. Bà lão thấy nhà mình được lợp, nước mưa không thể chảy được xuống, trong nhà vách tường cũng không còn kẽ hở, ấm cúng thì mừng rỡ nói:
– Cậu giỏi thật, nhìn tưởng người thành phố không biết lao động chân tay không ngờ có thể lợp được mái nhà còn đóng được cho vợ chồng tôi vách tường vững chắc thế này. Bên nhà hàng xóm vợ chồng họ cũng không còn trẻ, nhà còn dột nát hơn nhà tôi, tôi biết rất phiền nhưng cậu có thể giúp họ không, ở đây trai tráng không có, có vợ chồng kia có đứa con mười tuổi nhưng học bán trú bên làng, chúng tôi sống dựa vào nhau, tiện tôi mang mấy xách lưới và đồ sang cậu mua sang chia cho họ luôn có được không?
– Dạ được ạ. – Lâm lễ phép đáp lại
Hoàng hôn lúc này đã buông xuống, nhưng trước lời đề nghị của bà lão Lâm cũng không hề từ chối. Anh vác đồ nghề đi theo bà lão, tôi cũng lẽo đẽo phụ xách gạo, dầu ăn sang nhà hàng xóm. Gọi là hàng xóm nhưng mỗi nhà cách nhau vài trăm mét. Khi đến biết được Lâm và tôi là người cứu mấy đứa trẻ ở làng giờ lại qua lợp mái nhà và sửa vách tường cho họ ai cũng phấn khởi, vui mừng. Lâm không nề hà, tranh thủ còn ánh sáng mặt trời trèo lên sửa lại mái nhà và vách tường cho họ. Tôi cũng chia đồ anh đã mua cho hai hộ gia đình. Đến khi Lâm sửa xong trời cũng đã xẩm tối, mấy người hàng xóm cũng kéo tôi và anh ở lại ăn cơm để cảm ơn. Giờ cũng đã lỡ chuyến đò buổi chiều, người lái đò chắc chắn cũng không thể chờ tôi và Lâm lâu như vậy. Bà lão nói với chúng tôi cứ vào ăn cơm, hôm nay tiễn ông lão lên núi bà nghe được mấy người thuyền chài nói chuyện khoảng mười giờ đêm sẽ có tàu đánh cá đi qua, lúc đó tôi và Lâm trở về cũng được. Tôi và anh không từ chối được đành cùng ba hộ gia đình trải chiếu ra giữa sân nhà ăn cơm. Bữa cơm ngập tràn hải sản, cá tôm tươi sống mà ở thành phố muốn cũng rất khó để tìm ra. Bà lão ăn qua quýt một chút rồi về nhà, phải cả nửa tiếng sau mới quay lại tìm tôi nhét vào tay tôi một cặp miếng bùa hộ mệnh màu vàng, vành mắt vẫn chưa hết sự buồn bã:
– Đây là cặp bùa hộ mệnh lần trước ông nhà tôi lên núi xin ở chùa về tôi mãi mới nhớ ra ông ấy để đâu. Cô cậu cầm lấy, giữ bên mình, không biết có thể giúp gì được cho cậu ấy không, mong rằng cậu ấy sẽ bình an, cũng hi vọng những linh tính của tôi sẽ sai.
Tôi gật đầu nhận lấy hai tấm bùa hộ mệnh cảm ơn bà lão rồi theo Lâm ra từ nhà hàng xóm của bà lão theo đường mòn đi ra ngoài. Trăng sáng xuyên qua kẽ lá chiếu xuống khu rừng rậm. Đi cách nhà bà lão một đoạn tôi mới đưa cho Lâm một tấm bùa hộ mệnh, kể lại lời hôm nay bà lão đã nói về vận mệnh của anh. Khi nghe những lời tôi nói, sắc mặt Lâm rất bình thản, không có vẻ gì là lo lắng càng chẳng bất ngờ hay sợ hãi nhưng vẫn nhận lấy tấm bùa nhét vào túi áo. Tôi thấy vậy liền hỏi:
– Anh không tin vào tướng số, tâm linh sao?
– Em tin à?
– Em không tin lắm nhưng không hiểu sao lời bà lão nói em vẫn có cảm giác hơi bất an.
Lầm bật cười, xoa tóc tôi nói:
– Ngốc, có gì mà bất an chứ. Thay vì bất an thì yêu thương tôi nhiều vào, lỡ tôi không sống được lâu thì cũng có một khoảng thời gian hạnh phúc cạnh nhau, chẳng có gì phải hối tiếc nữa.
– Thầy nói với vẩn! Em không muốn làm goá phụ.
Tôi vừa nói vừa cáu giận vùng vằng bỏ đi không ngờ Lâm đã kéo tôi ngược vào lòng anh, anh siết chặt lấy tôi trấn an:
– Đồ trẻ con, tôi không dễ chết thế đâu. Không phải còn có bùa hộ mệnh mà lão cho nữa rồi sao?
– Thật không?
– Thật! Thương em nhiều như vậy sao tôi có thể rời bỏ em để em lại một mình giữa nhân gian này chứ?
Nghe những lời trái tim tôi cũng đau đớn lạ kỳ, lúc này Lâm cũng cúi xuống nói tiếp:
– Lên đây, tôi cõng em ra bãi cát chờ tàu.
– Em đi được mà, có sao đâu mà cần phải cõng.
– Đường ra ngoài bãi cát còn xa, tối sương xuống đường rừng trơn lại đầy đỉa và vắt. Mau lên đi!
Tôi không sợ đỉa và vắt nhưng vẫn trèo lên lưng Lâm, ôm lấy bờ vai vững chãi của anh cười:
– Thầy Lâm, muốn cõng em thì nói đi, còn doạ em đỉa với vắt, thầy quên em dân bản địa ở đây à? Thầy cũng sến chết đi được.
Lâm không đáp, chỉ khoác áo dạ của anh lên vai tôi băng qua cánh rừng xào xạc. Thi thoảng vài con đom đóm lập loè bay qua, ánh trăng hờ hững như dải lụa bạc rơi xuống những kẽ lá. Tôi nằm trên vai Lâm, nhớ lại mười mấy năm trước anh cũng từng cõng tôi trên vai dưới cơn mưa tầm tã. Hoá ra, đến tận mười mấy năm sau có những ký ức vẫn vẹn nguyên như vậy.
Nếu như năm ấy mẹ anh không ngoại tình với bố tôi mà lấy một người đàn ông khác, nếu như năm ấy tôi và anh gặp gỡ trong hoàn cảnh khác liệu rằng kết cục của tôi và anh có bớt đau thương không?
Ra đến bãi cát Lâm cũng dừng lại, lúc này tôi vẫn nằm gục trên vai anh. Anh kéo áo khoác ra, đặt tôi ngồi bên một phiến đá, khi anh bước sang một bên, tôi cũng sửng sốt nhìn cảnh vật trước mặt không tin nổi. Tôi không phải chưa từng đi qua khỏi đảo, bản thân cũng từng thấy rất nhiều cảnh đẹp, nhưng thực lòng mà nói cả đời tôi cho đến giây phút này chưa từng thấy một không gian nào lạ kỳ, huyền ảo đến khó tin thế này.
Trên bãi cát vàng những đợt sóng nhấp nhô xô vào bờ, dưới lớp lớp sóng biển rực rỡ một màu xanh phát sáng lạ kỳ. Không phải ánh đèn, càng chẳng phải ánh điện thứ ánh sáng lấp lánh này giống như ngàn vì sao trên bầu trời đêm hôm nào, chỉ là thay vì ở bầu trời thì thứ tôi nhìn thấy lại nằm trên mặt biển. Ánh trăng trên trời in xuống mặt nước một màu vàng nhạt, xung quanh giống như một dải ngân hà với cả trăm nghìn ngôi sao, bốn bề núi non hùng vĩ trùng trùng điệp điệp, giống như một bức tranh không có thật. Tôi không kìm được lao ra, khi đặt bàn chân lên mặt cát ngay lập tức nhìn thấy hình dạng chân tôi được phủ ánh hào quang xanh thẳm. Lâm thấy tôi phấn khích như vậy chỉ ngồi nhìn tôi đắm say, một lúc sau anh mới hỏi tôi:
– Thích không?
– Thích lắm ạ. Sao biển lại phát sáng thế này ạ?
– Thứ ánh sáng em nhìn thấy là tảo phát quang, không rõ nó đã trôi dạt vào bờ từ khi nào nhưng loại tảo này rất hiếm gặp, có lẽ dạo gần đây thuỷ triều lên xuống liên tục đã khiến nó dạt về đây. Ban ngày trời sáng không thể nhìn thấy rõ, chỉ ban đêm mới quan sát được sự kỳ diệu này.
Mặc dù cách giải thích nghe rất khô khan, nhưng bởi cảnh vật đẹp lạ tôi vẫn vô cùng kích động lao đến ôm Lâm, đôi mắt không rời thứ ánh sáng diệu kỳ kia khẽ nói:
– Ước gì thuyền đến muộn một chút.
Ước gì thuyền đến muộn một chút để tôi có thể ngắm cảnh vật kì diệu này, cũng ước muộn một chút để gần Lâm thêm một chút. Gió từ biển cả mang vị mằn mặn thổi bay mái tóc tôi. Lâm kiên nhẫn nhặt từng sợi tóc vén lên vành tai tôi, tôi vừa ôm anh vừa nhìn lớp sóng biển mang màu sắc xanh dương rực rỡ chỉ tay về xa xa bảo với Lâm:
– Đẹp thật! Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời cũng in lên mặt biển. Ngôi sao này là ngôi sao đẹp nhất trên bầu trời đêm nay.
– Ngôi sao đó không phải là ngôi sao sáng nhất.
– Vậy ngôi sao nào mới là ngôi sao sáng nhất ạ? Anh nhìn kỹ đi, đây là sao sáng nhất mà?
Tôi hỏi xong liền quay lại nhìn Lâm, thế nhưng giữa muôn ngàn ánh sáng lấp lánh trong đáy mắt Lâm chỉ in duy nhất hình ảnh tôi trong đó. Anh không nhìn sao, chẳng nhìn trăng, càng không nhìn thứ lấp lánh huyền ảo dưới mặt nước chỉ nhìn tôi không rời giống như giờ phút này anh không thấy sao sáng nhất, tôi so với ngôi sao kia còn sáng hơn nhiều. Tôi có chút lúng túng quay mặt đi, cũng nghe tiếng Lâm dịu dàng cất lên ở phía sau:
– Là ngôi sao trong mắt tôi.
Tôi hơi run lên mặt đỏ bừng lý nhí ôm Lâm chặt hơn. Anh cũng ôm lấy tôi, mùi hương xả vải quyện với mùi núi rừng biển cả khiến tôi có chút ngất ngây, cuối cùng anh cúi xuống tìm kiếm môi tôi, hôn mãnh liệt và sâu sắc chẳng bận tâm đến cảnh vật kỳ diệu và huyền ảo kia chỉ bận tâm duy nhất một người – là tôi. Cho tới khi thuyền chài đến anh mới buông tôi, dẫn tôi ngồi lên thuyền trở về nhà.
Trái tim tôi càng lúc càng rung động, không rõ là lời nói quá đỗi xuyến xao hay nụ hôn mãnh liệt mang đầy tình ý, tôi siết chặt lấy tay Lâm gục đầu lên vai anh, lưu luyến nhìn những lớp tảo phát quang xa dần. Cũng không biết chúng tôi về thế nào, chỉ biết đến phân viện tôi đã nằm trên lưng Lâm mắt cũng díu lại. Trên bầu trời ngôi sao sáng nhất vẫn lấp lánh chiếu xuống nhân gian một thứ ánh sáng đầy lung linh. Trong tiếng gió đêm xào xạc tôi cũng nghe tiếng Lâm văng vẳng bên tai :” Sau này nếu tôi có đi đâu, hi vọng lúc trở về sẽ có ngôi sao sáng nhất chờ mình”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!